TẠI GIA BỒ TÁT GIỚI KINH GIẢNG LỤC

Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm dịch Phạn Hán
Thái Hư Đại Sư giảng
Thích Tịnh Nghiêm dịch Hán Việt

 

Phẩm hai mươi ba: Thi la Ba la mật

[Giải]    Thi la, có nghĩa là thanh lương (mát mẽ), lại có nghĩa là chí thiện. Pháp ba la mật này là Đại thừa, còn ba phẩm trước đều là Tam thừa cộng pháp, Ngũ thừa cộng pháp, cùng chung với pháp nhân, thiên.

D4. Thi la Ba la mật
E1. Thiện Sinh hỏi

Thiện Sinh bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Bồ tát làm thế nào để được tâm kiên quyết trên đường hướng về đạo Bồ đề.”

E2. Như Lai trả lời
F1. Trả lời chung bốn pháp kiên cố

– Thiện nam tử! Bồ tát muốn tâm kiên quyết, nên tu tập bốn pháp: một là dù bị khổ lớn, quyết định không hành động ngược với chánh pháp; hai là được sự tự tại lớn, thường tu nhẫn nhục; ba là tuy sống trong cảnh nghèo khổ, nhưng thường hay bố thí; bốn là lúc tuổi còn cường tráng, thường ham thích xuất gia. Nếu Bồ tát đầy đủ bốn pháp này, thì tâm sẽ kiên quyết trên đường hướng đến Bồ đề.

[Giải]    “Thường ham thích xuất gia”, không bắt buộc phải là người xuất gia, tức là muốn nói người tuy tại gia, nhưng không còn bị ngũ dục trói buộc, thường có ý chí siêu trần thoát tục.

Thế nhưng, người xuất gia, chánh đáng phải là những người còn trai tráng khỏe mạnh, vì sau khi xuất gia, cần phải có một thời gian dài đầy đủ sức lực, văn, tư, tu, giới, định, tuệ, tinh tiến, thành tựu mình và người, thực hiện tất cả những công tác hoằng pháp lợi sanh.

Người Trung quốc (phụ chú: Việt nam cũng vậy), thường cho rằng những người già cả không còn có thể làm được sự việc gì, có thể xuất gia vào chùa để hưởng sự thanh nhàn. Loại quan niệm như vậy, thật là sai lầm từ cội gốc. Lại có người cho rằng, xuất gia tức là phế thải, trở thành người vô dụng. Khi nói đến Phật pháp, cho rằng khuyếân người khác xuất gia là khiến họ trở thành vô dụng, đây cũng là một quan niệm sai lầm. Cho nên người tin Phật pháp tuy nhiều, thế nhưng người hành trì chánh pháp lại rất là ít.

F2. Biện minh riêng biệt giới là căn bổn
G1. Hiển rõ sự được, mất, của sự trì giới, phạm giới

Bồ tát đầy đủ bốn pháp như vậy, lại nghĩ như vầy: “Mảnh đất căn bản đầu tiên của con đường Bồ đề, được gọi là giới. Giới pháp này còn gọi là mảnh đất đầu tiên, mảnh đất hướng dẫn, mảnh đất bằng phẳng, mảnh đất bình đẳng, mảnh đất từ hòa, mảnh đất thương xót, là vết chân của chư Phật, là căn bản của tất cả công đức, là ruộng phước, do nhân duyên này, người trí phải nên thọ trì, không được hủy phạm. Lại nữa, người trí nên nghĩ như thế này: “Giới pháp có hai loại quả báo, một là được hưởng sự vui cõi trời, hai là được hưởng sự vui Bồ đề. Người trí nên cầu sự vui Bồ đề, mà không cầu sự vui cõi trời. Nếu sau khi đã thọ giới, điều không nên làm mà cố làm, điều không nên nghĩ mà cố nghĩ, lười biếng, ham ưa ngủ nghỉ, nghĩ tưởng mông lung, sống không đúng chánh pháp, hay thề những lời độc dữ, đây gọi là làm giới nhơ nhớp. Nếu sau khi đã thọ giới, lòng lại sinh hối tiếc, cầu quả báo trời người, thường hay buông lung, không sinh lòng thương xót, đây là làm giới nhơ nhớp. Nếu vì sợ nghèo khổ, hoặc vì sợ hãi, hoặc vì mất tiền của, hoặc vì sợ phu dịch, hoặc vì thân mạng, hoặc vì lợi dưỡng, hoặc vì muốn thỏa mãn tự ái mà thọ giới, sau khi thọ giới, lại sinh lòng nghi ngờ, đây là làm nhơ nhớp giới.

Thiện nam tử! Nếu có người không muốn ở trong sinh tử dài lâu, thấy rõ lỗi lầm của sinh tử, nhận biết sự vui cõi trời cõi người cũng giống như sự khổ ở A tỳ địa ngục không khác, thương xót chúng sinh, đầy đủ chánh niệm, vì muốn lợi ích vô lượng chúng sinh, làm cho họ thành tựu đạo Bồ đề, vì muốn đầy đủ đạo Bồ đề, vì muốn hành trì đúng như pháp, cho nên thọ trì cấm giới, tâm không phóng dật. Có thể thấy rõ sự nặng nhẹ của tất cả các nghiệp thân, miệng, ý trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai. Bất cứ làm việc gì, trước tiên đều để tâm vào công việc, tâm không buông lung. Trong khi làm, sau khi hoàn tất, cũng đều không buông lung. Dù trước khi làm, tuy không ý thức mình phạm giới, làm xong vẫn sẽ mắc tội phạm giới. Nếu như không chú ý vào việc làm, để cho đến nỗi phạm giới, cũng vẫn mắc tội phạm giới. Nếu như không giữ chánh niệm, để cho khách trần phiền não tạm thời sinh khởi, cũng mắc vào tội phạm giới; nếu hơi buông lung, cũng mắc tội phạm giới. Người đó thường quán sát sự phạm tội nhẹ cũng giống như phạm tội nặng, sau khi quán sát, sinh khởi tâm hối hận và hổ thẹn, sợ hãi lo buồn, tâm không được vui, hết lòng sám hối. Đã sám hối rồi, tâm sinh vui mừng, cẩn thận gìn giữ thọ trì, không còn tái phạm, đây gọi là sự giữ giới thanh tịnh.

[Giải]    Trong “tín, giải, hành,chứng” của Phật pháp, bước đầu tiên của hành, tức là trì giới.

Đất (Hán: địa), có nghĩa là chỗ nương tựa, có thể bảo trì hành giả, giống như đất có thể làm chỗ nương tựa cho cây cỏ, núi sông, mà có thể bảo trì cây cỏ, núi sông.

Sống không đúng chánh pháp, tức là y vào tà pháp mà sinh sống.

Tuy động cơ của sự thọ giới không được thanh tịnh, thế nhưng nếu sau khi thọ giới lại có thể sinh lòng tin hiểu sâu xa, không còn khởi lòng nghi, ắt cũng được gọi là trì giới thanh tịnh.

G2. Vì chính mình, vì kẻ khác và vì đạo pháp

Thiện nam tử! Người trí, sau khi thọ giới, không làm điều ác, vì ba lý do: một là vì chính mình, hai là vì kẻ khác, ba là vì đạo pháp.

Thế nào gọi là vì chính mình? Nghĩa là kẻ đó tự mình nhận thức đây là việc ác, biết rõ tạo nghiệp ác sẽ bị quả báo như vậy, tạo nghiệp lành sẽ được quả báo như vậy. Phàm nghiệp ác đã tạo, không hề tiêu mất, quyết định sẽ hứng lấy những quả báo dữ; còn nghiệp lành đã tạo, quả báo cũng không tiêu mất, quyết định sẽ được những quả báo lành. Nếu hai nghiệp thiện ác không bị tiêu mất, tại sao mình lại khi dối chính mình? Do nhân duyên này, sau khi thọ giới, quyết định không nên hủy phạm, phải chí tâm thọ trì, đây gọi là vì chính mình.

Thế nào là vì kẻ khác? Người trí biết rằng, trên thế gian có những kẻ được thiên nhĩ thông, thiên nhãn thông, và tha tâm thông, nếu ta làm ác, những kẻ đó ắt sẽ thấy, nghe, biết rõ ta đang làm ác. Tại sao không sinh hổ thẹn mà lại làm ác? Hơn nữa, các vị trời có vô lượng phước đức, thần túc thông, thiên nhĩ thông, thiên nhãn thông, tha tâm thông, có thể thấy xa, nghe xa, tuy họ ở gần loài người mà loài người không thấy họ. Nếu như ta làm ác, những vị trời đó sẽ thấy, nghe, biết; nếu như các vị trời thấy ta rõ ràng như thế, tại sao ta không biết hổ thẹn, mà lại cố làm ác? Đây gọi là vì kẻ khác.

Thế nào là vì chánh pháp? Người trí thấy rõ pháp của Đức Như Lai thanh tịnh, không ô nhiễm, được lợi ích trong đời hiện tại, có thể làm cho tâm tịch tĩnh, vượt qua đến bờ bên kia, làm cho giải thoát, bất cứ lúc nào. Ta nay vì chánh pháp mà thọ giới; nếu như không thể thọ trì những điều giới nhỏ, làm sao có thể thọ trì những điều giới lớn. Nếu như hủy phạm những điều giới nhỏ, sẽ tăng trưởng sự khổ trong ba cõi; còn nếu như chí tâm thọ trì, sẽ tăng trưởng sự vui vô thượng. Ta từ lúc thọ thân sinh tử đến nay, sở dĩ chưa chứng được quả giải thoát, thực sự là vì đã không thọ trì cấm giới của vô lượng chư Phật trong đời quá khứ. Hôm nay ta thọ giới, trong đời vị lai quyết định sẽ gặp được hằng hà sa các Đức Phật. Sau khi hiểu rõ như vậy, tâm sinh tha thiết, chí tâm thọ giới, thọ rồi kiên cố giữ gìn, vì muốn được A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề, lợi ích vô lượng chúng sinh.

[Giải]    Người tu thiền định, cùng chư thiên quỷ thần đều có thể có ngũ thông, tức là thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm, túc mệnh và thần túc thông. Chứng đắc quả A la hán, nhẫn đến chư Phật, có thêm lậu tận thông.

Lúc xưa có người nhập thiền định, nghe ở gần đó có tiếng náo động, giống như trâu húc nhau, bèn đứng lên nhìn kỹ, té ra đó là tiếng động của mấy con kiếng chọi nhau; đây chẳng qua là hiện tượng bắt đầu của thiên nhĩ thông, còn thiên nhĩ thông thật sự, dù âm thanh nhỏ cách mấy, xa cách mấy cũng nghe thấy.

Thiên nhãn thông, không bắt buộc phải dùng mắt nhìn, mà nhắm mắt cũng có thể thấy vật nhỏ nhất xa nhất, hơn nữa, có thể nhìn xuyên qua tường, cùng thấy những việc vị lai.

Tha tâm thông, tức là khi kẻ khác khởi tâm động niệm, đều có thể biết được.

Thần túc thông, còn gọi là thần cảnh thông, còn gọi là biến hóa như ý thông, tới lui ẩn hiện, tất cả đều vô ngại.

G3. Trì giới đến chỗ rốt ráo

Thiện nam tử! Nếu có người tại gia, hoặc xuất gia, hoặc thọ Tam quy, hoặc thọ Bát giới trai, hoặc thọ Ngũ giới, hoặc thọ đầy đủ, hoặc thọ từng phần, hoặc một ngày đêm, hoặc chỉ trong khoảnh khắc, hoặc cả một đời, chí tâm thọ trì, nên biết rằng kẻ đó sẽ được phước đức lớn.

Thiện nam tử! Sau khi thọ giới, tu ba nghiệp lành, nghe nhiều, bố thí, tu thiền định, tu pháp lành, cúng dường Tam bảo, đây gọi là trang nghiêm Bồ đề. Sau khi thọ giới, nếu đọc tụng mười hai phần giáo của Đức Như Lai, thì kẻ đó gọi là kho tàng đại pháp vô thượng. Kẻ đó tăng gia tinh tiến, vì muốn đầy đủ thi la Ba la mật. Giới thể Đại thừa đã thọ trong đời này, sẽ thành giới thể vô tác, trong đời vị lai tuy không thọ lại, giới thể cũng không mất.

Thiện nam tử! Có pháp là giới mà không phải là Ba la mật, có pháp là Ba la mật mà không phải là giới, có pháp vừa là giới vừa là Ba la mật, có pháp chẳng phải giới cũng chẳng phải Ba la mật. Một, pháp là giới mà không phải Ba la mật, tức là giới pháp của Thanh văn, Bích chi phật; hai, pháp là Ba la mật mà không phải là giới, tức là bố thí Ba la mật; ba, pháp vừa là giới vừa là Ba la mật, như trong đời quá khứ, Bồ tát Thích Ca, lúc thọ thân Cù Đà, bị côn trùng, thú, cùng loài kiến đến cắn, ăn, mà thân không lay động, cũng không khởi tâm ác; lại như một vị tiên, vì các chúng sinh, trong mười hai năm ngồi yên không lay động, vì không muốn những con chim sẻ làm tổ ở trên đầu mình sợ hãi; bốn, pháp chẳng phải giới chẳng phải Ba la mật, chẳng hạn như sự bố thí của kẻ thế tục.

[Giải]    Ba nghiệp lành, tức là (1) đa văn, (2) bố thí, (3) tu tập thiền định. Ở đây liên quan đến Bồ tát giới, không giống như ngũ giới thông thường. Ngũ giới thông thường chỉ là tận hình thọ, đời sau cần phải thọ giới lại, còn Bồ tát giới đến đời sau cũng không mất.

G4. Chánh thức biện minh tướng trạng của sự trì giới

Thiện nam tử! Lúc Đại Bồ tát trụ trong Thi la Ba la mật, ai có thể nói được sự khổ của vị ấy vì chúng sinh mà nhẫn thọ? Có người, sau khi thọ vài điều giới nhỏ, không thể thương xót chúng sinh đang đau khổ, kẻ ấy không thể đầy đủ Thi la Ba la mật. Nếu có thể tu nhẫn nhục, tam muội, trí tuệ, tu hành tinh tiến, ưa thích nghe nhiều, nên biết kẻ đó có thể tăng trưởng Thi la Ba la mật, trang nghiêm Bồ đề, chứng quả Bồ đề. Giới pháp như vậy, gồm đủ vô lượng pháp lành, vô lượng quả báo, vô lượng giới cấm, do nhân duyên này, trang nghiêm Bồ đề.

Thiện nam tử! Đại Bồ tát, sau khi thọ giới, miệng không nói ác, tai không thích nghe điều ác, không thích nói chuyện thế gian, cũng không thích nghe, quyết không đem tâm nghĩ tưởng mông lung, không gần bạn ác, do đây gọi là giới thanh tịnh, tịch tĩnh. Bồ tát nếu thấy kẻ phá giới, không sinh lòng oán ghét, mà dùng tất cả những phương tiện khéo léo để điều phục họ. Nếu không điều phục được, thì khởi tâm thương xót, không vì thân mạng mình mà phá giới hoặc xả giới. Đại Bồ tát sau khi thọ thực, thường sinh tâm hổ thẹn, tâm không buông lung, quán sát thức ăn như thuốc điều trị thân mạng, hoặc thuốc trị bệnh ghẻ lở. Khi đi vào làng, quán sát như đi vào rừng đao kiếm, phòng vệ các căn, tu tập chánh niệm, quán sát điều đáng làm, điều không đáng làm, không sinh tâm phóng dật. Quán sát người khác làm phước hay làm tội, cũng đều do mình, vì thế nên khi nhận được cúng dường lớn, không nên vui mừng, khi gặp suy vi, cũng không buồn giận. Khi được cúng dường ít, nên nghĩ như vầy: “Hiện nay, sự tu học tín, tâm, giới, bố thí, nghe pháp, trí tuệ, sống đúng như pháp của ta còn ít, vì thế được cúng dường ít, bởi thế, ta không nên sinh lòng lo sầu khổ não. Ta vì hai việc mà thọ nhận sư bố thí của tín đồ: một là vì tăng trưởng phước đức cho họ, hai là vì tăng trưởng pháp lành cho chính mình. Vì thế, nếu đồ cúng dường ít hoặc hư xấu, cũng không nên buồn khổ.” Nếu phải đứng chờ lâu, hoặc chịu sự chửi mắng, rồi mới được bố thí, lúc đó phải nên tự trách mình như sau: “Đây là tội lỗi đời trước của mình, không phải là lỗi của chúng sinh, bởi vậy, ta cũng không nên sinh tâm sầu não.” Nếu sau khi thọ giới, gây tội lỗi cho kẻ khác, cũng nên tự trách mình: “Điều mình đã làm, thực chẳng phải là chánh đạo. Vì sao? Mười hai bộ kinh đều chẳng cho rằng các pháp ác là đạo Bồ đề, bởi vậy, ngày hôm nay ta phải nhận chịu đủ thứ quả báo.” Nếu kẻ nào có thể nghĩ tưởng như vậy, phải biết rằng kẻ đó có thể đầy đủ Thi la Ba la mật.

Thiện nam tử! Nếu người nào có thể giữ gìn các căn, trong bốn uy nghi đều không làm điều ác, có thể nhẫn chịu sự khổ, không làm việc quấy để sinh sống, nên biết kẻ ấy có thể đầy đủ thi la Ba la mật. Nếu như sinh lòng kính sợ đối với giới lớn cũng như giới nhỏ, tuy gặp hoàn cảnh xấu, cũng không phạm giới nhỏ. Không để phiền não làm ô uế tâm mình, tu tập hạnh nhẫn nhục, nên biết kẻ đó có thể đầy đủ Thi la Ba la mật. Nếu vì việc thiện mà không tiếc thân mạng, gác bỏ việc mình, lo cho người xong việc, thấy người mắng chửi mình, không sinh lòng oán ghét, nên biết kẻ đó sẽ đầy đủ Thi la Ba la mật. Đối với giới pháp, tuy có những điều giới, Đức Như Lai cho khai duyên, song vẫn thọ trì y như cũ, bảo hộ thân mạng của chúng sinh, không tiếc của cải thân mạng, nhẫn đến lúc chết cũng không phạm giới nhỏ. Tuy được món trân bảo vi diệu, cũng không sinh tâm tham, không phải vì muốn trả ơn mà làm điều lành cho người, mà vì thương xót chúng sinh nên thọ trì cấm giới. Sau khi thọ giới, khéo phát nguyện lớn, nguyện tất cả chúng sinh đều được tịnh giới, nên biết kẻ đó sẽ đầy đủ Thi la Ba la mật.

[Giải]    Ở đây biện minh, tu một độ, phải có đầy đủ năm độ kia, thì mới có thể tu một độ đến chỗ rốt ráo.

Bồ tát, hoặc có khi vì chúng sinh mà xả giới, nhưng quyết không vì chính mình mà xả.

“Chịu đủ thứ quả báo”, tức là trong quả báo lành có lẫn quả báo ác.

Thọ trì giới luật, nếu không phát thệ nguyện cầu vô thượng Bồ đề, thì sẽ chỉ được quả báo người, trời, hoặc Tiểu thừa.

F3. Kết luận tại gia thù thắng

Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng, một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia đầy đủ Thi la Ba la mật, điều này không khó. Bồ tát tại gia đầy đủ Thi la Ba la mật, điều này mới khó. Vì sao? Vì kẻ tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.