TẠI GIA BỒ TÁT GIỚI KINH GIẢNG LỤC

Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm dịch Phạn Hán
Thái Hư Đại Sư giảng
Thích Tịnh Nghiêm dịch Hán Việt

 

Phẩm hai mươi bốn: Nghiệp

D5. Mười nghiệp
E1. Thiện Sinh hỏi

Thiện Sinh bạch Phật: “Kính bạch Đức Thế Tôn! Lúc các Đức Phật chưa xuất hiện thế gian, các Đại Bồ tát lấy gì làm giới pháp?”

[Giải]    Chư Đại Bồ tát xuất hiện lúc không có Phật pháp, lấy gì làm giới?

E2. Như Lai trả lời
F1. Nói rõ nguồn gốc của mười nghiệp lành

– Thiện nam tử! Khi Đức Phật chưa xuất thế, lúc đó chưa có Tam quy y, cùng giới pháp, chỉ có mười pháp lành, mà người trí dùng đây làm phương tiện tu tập cầu đạo Bồ đề. Mười pháp lành này, ngoài chư Phật ra, không ai có thể phân biệt giảng nói. Pháp này, chư Phật đời quá khứ giảng nói, lưu truyền cho đến ngày nay không mất, người trí lãnh thọ hành trì.

Thiện nam tử! Chúng sinh không thể thọ trì tu tập mười pháp lành này, là do trong đời quá khứ không gần gũi, hỏi pháp, cúng dàng chư Phật.

[Giải]    Mười pháp lành, vừa là giới, vừa không phải là giới. Theo kinh Phật Thuyết Anh Lạc, lúc thọ mười pháp là giới, còn lúc không có Phật pháp, mười pháp lành không phải là giới.

Lúc Phật pháp chưa truyền đến Trung quốc, cũng đã có năm điều tương tự như ngũ giới, như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

Pháp lành này quán thông nhân quả của cả ba đời, trừ Đức Phật ra, không ai có thể giảng giải tường tận được.

Mười pháp lành là: thân có ba (không sát hại, không trộm cắp, không tà dâm), miệng có bốn (không nói dối, không nói đâm thọc, không nói lời ác, không nói lời vô nghĩa), ý có ba (không tham, không sân, không si).

Mười pháp lành, truy nguyên rốt ráo, là do chư Phật nói ra.

Phật pháp có thể bao quát tất cả tôn giáo thế gian, đồng thời cũng siêu việt tất cả tôn giáo thế gian.

Ngũ giới, mười pháp lành thông thường đã là khó tu, thế nhưng, dù siêu vượt năm giới, mười pháp lành, như tứ thiền, tứ không định, cũng chỉ là pháp thiện thế gian, cần phải thanh tịnh các giới luật Bồ tát, mới là cứu cánh.

F2. Nói chi tiết nghĩa của pháp thập thiện
G1. Khai thị nghiệp quả, khuyên tin

Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh đều có tâm tưởng tạp loạn, do tâm tưởng tạp loạn mà có phiền não tạp loạn, vì phiền não tạp loạn mà tạo nghiệp tạp loạn, vì nghiệp tạp loạn mà sinh vào các cõi nước tạp loạn, do cõi nước tạp loạn mà thọ thân tạp loạn.

Thiện nam tử! Tất cả chúng sinh sau khi thọ thân tạp loạn, thấy hình sắc tạp loạn, sau khi thấy hình sắc tạp loạn, bèn suy ngẫm điều ác, sự nghĩ ác này gọi là vô minh. Vì nhân duyên vô minh, sinh tâm mong cầu, đây gọi là ái, do tâm ái mà tạo tác, đây gọi là nghiệp, do nhân duyên tạo nghiệp, sẽ bị quả báo. Người trí có thể thấy rõ, sự trói buộc là do phiền não bên trong và nhân duyên bên ngoài. Thế nhưng, tu mười nghiệp lành thì có thể diệt trừ sự trói buộc đó. Cho nên, Đức Như Lai khi vừa mới đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, bèn phân biệt diễn nói giáo pháp thập thiện. Nhân vì pháp thập thiện, thế gian mới có việc lành việc ác, bạn lành bạn ác, nhẫn đến có sự giải thoát, vì thế chúng sinh phải nên phân biệt hiểu rõ con đường thập thiện. Do vì sự tu thập thiện mà có gió mây nâng giữ biển lớn, cung điện a tu la, đại địa, núi lớn, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục, trời Tứ thiên vương, nhẫn đến trời Tha hóa tự tại. Cũng do nhân duyên tu tập thập thiện mà Chuyển luân thánh vương có bốn loại xe: vàng, bạc, đồng, sắt, và bảy chúng thọ giới, cầu ba loại Bồ đề. Cũng vì nhân duyên thập thiện nghiệp đạo mà có sự tăng giảm của những vật trong, vật ngoài, sắc lực và thọ mạng của tất cả chúng sinh. Vì thế, người trí phải nên tu tập đầy đủ pháp thập thiện này.

[Giải]    Tạp loạn, nghĩa là hỗn tạp ba loại thiện, ác và vô ký.

Vô minh, nghĩa là không hiểu rõ sự lý nhân quả.

Tâm mong cầu, tức là trong tâm có ngã ái, cho nên gọi là ái, trong ái bao hàm thủ.

Nhân vì ái mà tạo tác nghiệp, tức là nghiệp sinh tử của sáu nẽo.

Sáu trần, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp mà sáu căn tiếp xúc, là duyên ở ngoài.

Các pháp mà Đức Phật giảng nói từ lúc Ngài thành đạo, đều liên quan đến mười pháp lành. Kinh Hoa Nghiêm cũng chỉ là nói rộng về nghiệp quả của thập thiện mà thôi. Hiện nay có rất nhiều người “háo cao vụ viễn (ham chuyện xa vời)”, xem thường pháp thập thiện, mà đâu biết pháp thập thiện có thể đạt đến cứu cánh, tức là thành Phật.

Phong đại, tức là phong luân, trên phong luân có nước, dưới nước có cung điện a tu la.

Kim luân vương có thể giáo hóa bốn châu thiên hạ, còn ngân, đồng, thiết, thì theo thứ tự giáo hóa ba, hai, một châu thiên hạ.

Điều căn bản nhất, phổ biến nhất của Phật pháp là giáo lý nghiệp quả; tất cả Phật pháp đều chỉ là sự khai hợp của giáo lý này. Hiểu rõ giáo lý nghiệp quả này, ắt có thể biết rõ ràng tất cả sự lý ở khắp mười phương, ba đời, và tự nhiên sẽ phát khởi tâm Vô thượng Bồ đề. Nếu người học Phật mà không hiểu rõ giáo lý nghiệp quả, chắc chắn sẽ lạc vào ngoại đạo hoặc ác pháp thế gian.

G2. Phân biệt thiện ác, khiến giữ gìn

Chẳng hạn, như chúng sinh, lúc thiếu thời, lúc trai tráng, lúc già cả, hay trong các mùa xuân, hạ, thu, đông, sự sinh khởi phiền não của họ đều mỗi lúc mỗi khác; tương tự như thế, sự sinh khởi phiền não của chúng sinh trong tiểu kiếp, trung kiếp, đại kiếp cũng đều sai khác. Chúng sinh lúc mới tu pháp thập thiện nghiệp, được đầy đủ  vô lượng thọ mệnh, sắc lực, hương thơm, mùi vị, thế nhưng do tham sân si, cho nên mất hết tất cả những quả báo đó. Do nhân duyên của thập ác nghiệp, mà thời tiết, năm tháng, các vì sao, mặt trời, mặt trăng, đất nước gió lửa, v.v… tất cả đều đổi khác. Người nào có thể nhận rõ những điều như trên, phải biết người đó sẽ được giải thoát. Do bởi nhân duyên của sự khổ mà chúng sinh khởi lòng tin, đã có lòng tin, thì có thể nhận rõ thiện ác, đã nhận rõ như vậy rồi, bèn tu mười pháp lành.

Vì ý nghiệp đi khắp mười nơi, nên gọi là mười đường. Ba đường của thân là sát hại, trộm cắp, dâm dục; bốn đường của miệng là nói lời độc dữ, nói dối, nói đâm thọc, nói lời vô nghĩa; ba đường của tâm là ganh ghét, giận dữ, tà kiến. Mười nghiệp ác này là cội gốc của tất cả tội lỗi. Do bởi cảnh giới, quốc độ, cuộc sống, hình tướng, thọ mạng, tên gọi của chúng sinh đều khác nhau, cho nên nghiệp đạo phải là vô lượng, chứ không phải chỉ có mười. Trong mười nghiệp này, ba nghiệp của tâm, chỉ gọi là nghiệp, mà không gọi là đạo. Còn bảy nghiệp của thân và miệng, thì vừa gọi là nghiệp, vừa gọi là đạo, tổng cộng là mười. Mười nghiệp đạo này, hoặc là tự mình làm, hoặc người khác làm, hoặc mình và người cùng làm, đều đưa đến hai quả báo, hoặc lành hoặc dữ, đây cũng là nhân duyên thiện ác của chúng sinh. Bởi thế, đối với việc ác, người trí còn không nghĩ đến, huống là tự thân mình cố ý làm? Nếu có người để cho phiền não kiết phược mặc tình thao túng, phải biết người đó đang tạo mười nghiệp ác. Kẻ nào có thể trừ diệt không cho phiền não kiết phược lộng hành, thì đó là kẻ tạo mười nghiệp lành. Nếu có người chỉ mới dự định làm ác, hoặc không có mưu tính trước, khi đụng cảnh bất chợt tạo ác, thì kẻ đó không phạm tội do sự tạo nghiệp. Bởi thế, người trí phải nên siêng cần tu tập mười nghiệp lành. Sự tu chứng bốn Thánh đế cũng giống như vậy. Dự định ngày giờ làm ác, nhưng nếu lỡ thời gian, cũng không gọi là có tội. Bởi thế, người trí phải nên tu mười nghiệp lành, nhân vì chúng sinh tu tập mười pháp lành, cho nên được tăng trưởng thọ mệnh, cùng tài sản trong, ngoài. Do nhân duyên phiền não, mà mười nghiệp ác tăng trưởng. Nếu không có nhân duyên phiền não, mười nghiệp lành sẽ tăng trưởng.

[Giải]    Thế giới lúc mới thành lập, chúng sinh đều do tu mười pháp lành mà thọ sinh, cho nên sắc, hương, vị đều đầy đủ. Mười pháp lành, còn gọi là thập thiện nghiệp đạo, tức là mười con đường lành; mười nghiệp ác, tức là mười con đường ác.

“Ý nghiệp đi khắp mười nơi”, tức là cảnh giới mà ý thức duyên đến. Trong cõi dục giới có tính âm dương, nên có sự dâm dục, trong cõi sắc giới không có âm dương, nên không có sự dâm dục.

Trung quốc thời xưa có đạo lý “nhất âm nhất dương” giảng minh vạn vật, kỳ thực, tính âm dương chỉ có thể giải thích dục giới, nhưng không thể thuyết minh sắc giới, vô sắc giới.

Lại như, biện chứng pháp hiện nay, cho rằng do mâu thuẫn mà điều hòa, do điều hòa mà mâu thuẫn, dùng đây để thuyết minh sự biến hóa, kỳ thực, cũng chỉ có thể giải thích cõi dục giới, nhưng không thể thuyết minh sắc giới, vô sắc giới. Đến cõi vô sắc giới, ngay cả vật chất cũng không hiện hữu. Cho nên từ cõi sắc giới trở lên, tự nhiên không còn có sự sát hại, trộm cướp, dâm dục nữa.

Aùc khẩu, tức là chửi rủa, nhục mạ; vọng ngữ, tức là nói lời không thật; lưỡng thiệt, tức là nói lời đâm thọc, khiêu khích thị phi; ỹ ngữ, tức là nói lời vô nghĩa, không lợi ích.

Ganh ghét, tức là tâm tham; tà kiến, tức là những kiến chấp sai lầm, phỉ báng Phật pháp tăng, v.v…

Ganh ghét, giận dữ, tà kiến là nghiệp, không phải là đạo; còn thân ba (sát sanh, trộm cắp, dâm dục), miệng bốn (vọng ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt, ỹ ngữ) là nghiệp, vừa là đạo. Làm thiện, làm ác, cần phải có ý thức phân minh, nếu không đầy đủ ý thức, thì không mắc tội.

Nếu biết rằng tâm có thể tạo tác tất cả thiện ác, mà từ đó sáng tạo tất cả vũ trụ vạn hữu, thì vũ trụ ắt sẽ ở trong thân ta, và vạn vật sẽ ở trong tay ta.

G3. Nói về tướng trạng của mười nghiệp ác
H1. Chính thức nói về mười nghiệp ác

Thiện nam tử! Mười nghiệp đạo này, mỗi nghiệp đều có ba phần, một là căn bản, hai là phương tiện, ba là đã thành.

Căn bản, có nghĩa là nếu nghi đối phương là người, hoặc nghi là chúng sinh, mà đem tâm nghi giết chết kẻ đó, hoặc dùng thân ra dấu, hoặc miệng bảo người khác giết, thì gọi là căn bản. Nếu như mài dao cho bén, mua thuốc độc, cột dây, với ý đồ giết chết, thì gọi là đó phương tiện. Nếu như sau khi giết chết, lấy tay rờ mó, cân đo sức nặng, hoặc tự mình ăn, hoặc cùng với người khác ăn, tự mình thọ dụng, hoặc tùy ý cho kẻ khác, cảm thấy vui sướng, không biết hổ thẹn, tâm không hối hận, lấy làm hãnh diện, sinh tâm ngạo mạn, đây gọi là đã thành.

Vật thuộc về kẻ khác, và mình cũng biết như vậy, nếu tự mình trộm, hoặc bảo người khác trộm, hoặc dùng tâm nghi dời vật để chỗ khác, đây gọi là căn bản. Nếu phá hàng rào, phá tường hoặc dùng thang leo vào, vào nhà tìm kiếm, nhẫn đến lấy tay sờ vào vật, đây gọi là phương tiện. Sau khi trộm xong, đem vật cất giấu, tùy ý cho kẻ khác, bán buôn đổi chác, vui vẻ hưởng dụng, không biết hổ thẹn, lòng không hối hận, lấy làm hãnh diện, sinh lòng kiêu mạn, đây gọi là đã thành.

Nếu người đàn bà đã thuộc kẻ khác, mình đã biết như thế mà vẫn làm chuyện tà dâm với họ, đây gọi là căn bản. Nếu nhờ người đến gặp, hoặc chính mình gặp họ, hoặc gửi thư từ, hoặc đụng chạm vào thân họ, hoặc dùng lời đường mật để quyến dụ, đây gọi là phương tiện. Nếu sau khi thỏa mãn sự tà dâm, đem tặng đồ trang sức, chung ngồi ăn uống, vui vẻ thỏa thích, không biết hổ thẹn, không biết hối hận, tự lấy làm hãnh diện, sinh lòng kiêu mạn, đây gọi là đã thành.

Nếu ở giữa đám đông, dấu diếm sự thật, nói lời hư dối, hoặc trong ba thời hoặc hai thời của một ngày, đây gọi là căn bản. Nếu như trước đó, sắp đặt mưu toan, thêu dệt lời nói, hoặc đem lời của người này nói cho người khác biết, đây gọi là phương tiện. Nếu như do sự vọng ngữ mà được đồ vật, hoặc đem cho kẻ khác, hoặc hoan hỷ hưởng dụng, không biết hổ thẹn, không biết hối hận, tự lấy làm hãnh diện, sinh tâm kiêu mạn, đây gọi là đã thành.

Nếu trong sự nói dối, lại xen lời đâm thọc, phá hoại sự hòa hợp, đây gọi là căn bản. Nói lỗi người cùng những việc xấu, như nói: “Không thể nào hòa hợp được, tốt nhất là nên xa nhau”, đây gọi là phương tiện. Do kết quả phá hoại sự hòa hợp, nhận được tiền của, tùy ý đem cho người khác, vui vẻ hưởng dụng, không biết hổ thẹn, lấy làm hãnh diện, sinh lòng kiêu mạn, đây gọi là đã thành.

Nếu đổi sắc mặt, dùng lời độc ác chửi rủa người khác, đây gọi là căn bản. Hoặc nghe lời người khác, bèn gọt dũa lời nói, tìm đến người kia, dự định chửi rủa, thóa mạ, đây gọi là phương tiện. Sau khi chửi rủa, nhận được tiền của, tùy ý đem cho, hoặc hoan hỷ hưởng dụng, không biết hổ thẹn, không biết sám hối, đây gọi là đã thành.

Nếu nói lời dâm đãng, hoặc nói chuyện nham nhở, đây gọi là căn bản. Hoặc hát, hoặc ngâm những lời vô nghĩa, bày vẻ nhiều phương cách để chìu theo thị hiếu của người khác, đây gọi là phương tiện. Nếu dạy kẻ khác những sự việc vô nghĩa để lấy tiền, tùy ý đem cho, hoặc vui vẻ hưởng dụng, không biết hổ thẹn, không biết sám hối, lấy làm hãnh diện, sinh lòng kiêu mạn, đây gọi là đã thành.

Đối với tài sản người khác, sinh lòng tham muốn chiếm đoạt, đây gọi là căn bản. Sinh tâm phiền não, đây gọi là phương tiện. Do tham mà được tài sản, tùy ý đem cho, hoặc vui vẻ hưởng dụng, lại còn khoe khoang, không biết hổ thẹn, không biết sám hối, lấy làm hãnh diện, sinh lòng kiêu mạn, đây gọi là đã thành. Nếu đánh chửi người khác, đây gọi là căn bản. Nếu tay cầm gậy, đá, gây sự với kẻ khác, đây gọi là phương tiện. Đánh xong vui mừng, thọ nhận tài vật, tùy ý đem cho, hoặc vui vẻ hưởng dụng, không biết hổ thẹn, không biết hối hận, lấy làm hãnh diện, sinh lòng kiêu mạn, đây gọi là đã thành.

Nếu phỉ báng nghiệp báo, nhân quả, chân đế, hoặc thánh hiền, đây gọi là căn bản. Nếu đọc tụng, sao chép, tin tưởng lãnh thọ kinh sách ngoại đạo, khen ngợi, tán thán, đây gọi là phương tiện. Lãnh thọ tà pháp xong, đem giảng giải cho kẻ khác, làm cho họ tăng trưởng tà kiến, thọ nhận tài vật, tùy ý đem cho, vui vẻ hưởng dụng, không biết hổ thẹn, không biết hối hận, lấy làm hãnh diện, sinh lòng kiêu mạn, đây gọi là đã thành.

[Giải]    Trong đây, tà dâm, là lấy ưu bà tắc làm trung tâm mà nói, cho nên nói “nếu người đàn bà ….”, còn nếu liên hệ đến ưu bà di, thì đối phương ắt là người nam, ý nghĩa cũng tương tự như vậy.

Thánh hiền đều là từ giai bậc tu hành mà phân biệt, như trong Tiểu thừa, thất phương tiện (ngũ đình tâm, biệt tướng niệm, tổng tướng niệm, noãn, đỉnh, nhẫn, thế đệ nhất) là hiền, chứng bốn quả là thánh; trong Đại thừa, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng là hiền, còn thập địa là thánh.

H2. Phân biệt tội đơn, kép, nặng, nhẹ

Đối với mười nghiệp đạo, hoặc có người cùng lúc phạm hai tội: nói dối, nói đâm thọc; hoặc cùng lúc phạm ba tội, chẳng hạn: nói dối, nói đâm thọc, nói lời độc ác; hoặc phạm ba tội, chẳng hạn: tà kiến, nói lời độc ác, nói dối. Phạm ba điều đó, tức là nói lời vô nghĩa, do đó thành ra phạm bốn tội. Sự giận dữ và tham lam không cùng đi với nhau. Còn tám tội kia có thể xảy ra cùng lúc. Thế nào là cùng lúc? Nghĩa là sai người khác làm sáu việc kia, còn mình thì làm hai việc: một là tà dâm với vợ người khác, hai là cho rằng không có nghiệp quả. Vì sự việc có thể kỳ hẹn trước, nên mười nghiệp ác có thể được tạo tác cùng một lúc. Mười nghiệp ác này, hoặc chỉ là tác sắc mà không có vô tác sắc, hoặc gồm cả hai phần tác sắc và vô tác sắc. Giả như một hành động ác, nếu như không có sự tạo lập phương tiện và khởi tâm vui mừng sau khi tạo tác, thì chỉ có tác sắc mà không có vô tác sắc; còn nếu tạo lập phương tiện và khởi tâm vui mừng sau khi tạo tác, thì nghiệp ác này gồm cả tác sắc và vô tác sắc. Mười nghiệp ác này có nhẹ có nặng: hoặc là giết hại cha mẹ và Bích chi phật; trộm cắp tài vật của Tam bảo; hoặc làm chuyện dâm dục với cha mẹ mình cùng A la hán; hoặc nói dối phá hoại sự hòa hợp của tăng đoàn, đây gọi là tội nặng.

[Giải]    Vô tác giới, là chủng tử huân tập vào nội tâm, còn tác sắc, tức là hành vi biểu hiện ở bên ngoài.

H3. Nói rõ từ tham, sân, si sanh khởi

Thiện nam tử! Mười nghiệp này, mỗi nghiệp có ba loại: một là từ tâm tham sinh khởi, hai là từ tâm sân sinh khởi, ba là từ tâm si sinh khởi.

Nếu vì tham lợi mà sát hại, đây gọi là từ tâm tham sinh khởi; nếu như giết kẻ thù, đây gọi là từ tâm sân sinh khởi; nếu như giết cha mẹ, đây gọi là từ tâm si sinh khởi.

Trộm cắp đồ vật của kẻ khác cũng có ba loại. Nếu vì tự thân, vợ con, họ hàng nên khởi tâm tham muốn tài sản của kẻ khác mà đi cướp đoạt, đây gọi là do tâm tham mà cướp; nếu như trộm cướp tài sản của kẻ thù, đây gọi là do tâm sân mà cướp; nếu như trộm cướp của những kẻ nghèo khổ hơn mình, đây gọi là do tâm si mà cướp.

Tà dâm cũng có ba loại. Nếu vì khoái lạc tự thân mà làm chuyện tà dâm, đây gọi là do tâm tham mà tà dâm; nếu làm việc tà dâm với quyến thuộc của kẻ thù, đây gọi là do tâm sân mà tà dâm; nếu làm việc tà dâm với cha mẹ của chính mình, đây gọi là do tâm si mà tà dâm.

Vọng ngữ cũng có ba loại. Nếu vì muốn có tài sản lợi dưỡng để tự mình hưởng thọ khoái lạc mà nói dối, đây gọi là do tâm tham mà nói dối; nếu vì muốn phá hoại kẻ thù mà nói dối, đây gọi là do tâm sân mà nói dối; nếu vì sợ chết mà nói dối, đây là do tâm si mà nói dối.

Nói lời đâm thọc cũng có ba loại. Nếu vì tiền của mà nói đâm thọc, đây gọi là do tâm tham; nếu vì phá hoại kẻ thù mà nói đâm thọc, đây gọi là do tâm sân; còn những kẻ tà kiến phá hoại sự hòa hợp của kẻ khác, đây gọi là do tâm si.

Nói lời ác cũng có ba loại. Do tiền của mà chửi rủa đàn bà trẻ con, đây gọi là do tâm tham; cố ý nói xấu kẻ thù, đây gọi là do tâm sân; nói việc xấu của tổ tiên người khác, đây là do tâm si.

Nói lời vô nghĩa cũng có ba loại. Nếu vì ham vui mà huyên náo khoác lác, đây gọi là do tâm tham; nếu vì muốn lấn lướt kẻ khác mà huyên náo khoác lác, đây gọi là do tâm sân; nếu vì tăng thêm tà kiến mà huyên náo khoác lác, đây gọi là do tâm si. Từ tâm tham sinh khởi gọi là đố kỵ, từ tâm sân sinh khởi gọi là giận hờn, từ tâm si sinh khởi gọi là tà kiến.

[Giải]    Ở đây biện minh mười nghiệp ác đều do tham, sân, si mà khởi, như trong bài kệ sám hối thông thường có câu “Quá khứ đã tạo các nghiệp ác, đều bởi vô thỉ tham sân si”, cho nên tham sân si được gọi là ba bất thiện căn, hoặc gọi là ba độc.

H4. Dứt mười nghiệp ác, tu mười nghiệp lành

Sau khi tu mỗi nghiệp thiện xong, trong mỗi nghiệp thiện đều được ba giải thoát. Còn mười nghiệp ác sẽ thọ quả báo, hoặc ở địa ngục, hoặc ở ngạ quỷ, hoặc ở súc sanh. Sau đó, do ác báo dư thừa, sẽ bị sanh làm người chết yểu, nghèo hèn khốn khổ, vợ không trinh tiết, lời nói không ai tin, không ai thân thích, thường bị kẻ khác phỉ báng, không thích nghe lời tốt, vì bị ác nghiệp chiêu cảm ảnh hưởng đến bên ngoài làm cho hoàn cảnh chung quanh hư tổn, vô thường, gió to mưa lớn, hư rã thối rữa, đất đai gập ghềnh, không có bảy báu, phần lớn chỉ là cát đá gai góc, thời tiết biến đổi không định, dưa trái èo ọt, mùi vị nhạt nhẽo. Nếu muốn trừ diệt những sự việc bất tường như vậy, phải nên chí tâm tu tập mười pháp lành. Mười pháp lành này, ba châu đầy đủ cả mười, hoặc có pháp nhiếp vào ngũ giới, hoặc không nhiếp vào ngũ giới; riêng châu Uất đan việt ở phía bắc chỉ có bốn pháp; chúng sinh ở địa ngục chỉ có năm pháp; còn chúng sinh ở cõi ngạ quỷ, súc sinh, và cõi trời thì gồm đủ cả mười pháp, đều không nhiếp vào giới luật. Sáu cõi trời dục giới, khi tạo nghiệp, không có phần lập phương tiện, mà chỉ có phần căn bản và phần đã thành.

[Giải]    Ba châu, tức là ba châu đông, tây và nam.

Từ Phật pháp thọ giới, được gọi là nhiếp vào giới luật, còn không từ Phật pháp thọ giới thì không phải là nhiếp vào giới luật, giống như Khổng Tử, v.v…, dùng pháp thiện để giáo hóa thế gian.

Châu Bắc câu lô (Uất đan việt), tự nhiên hưởng thọ phước báo đã tu đời trước; y phục, thức ăn uống tự nhiên mà có, nhưng không biết tu thập thiện, chỉ tự nhiên không có bốn việc ác là sát hại, trộm cắp, tà dâm và vọng ngữ.

Địa ngục thì thọ khổ báo của ác nghiệp đã tạo, vì trong địa ngục sự khổ rất thảm khốc, cho nên không còn rãnh để tạo ác.

Năm pháp, tuy trong kinh không nói rõ, nếu dùng lý luận mà suy đoán, ắt địa ngục không có năm pháp: sát hại, trộm cắp, dâm dục, nói dối và tham lam.

Chư thiên cõi dục, cũng đang hưởng phước báo do nghiệp lành đã tu đời trước, cho nên không cần lập phương tiện.

H5. Căn cứ trên sự sát sanh mà nói rộng mười nghiệp đạo

Hơn nữa, chỉ cần một niệm là có thể thành tựu nghiệp quả, ví dụ, nếu như kẻ sát nhân và kẻ bị giết cùng chết một lúc, thì kẻ sát nhân không phạm vào nghiệp quả căn bản; nếu như tuy lập phương tiện để giết, cuối cùng không thành, thì chỉ phạm tội phương tiện, mà không phạm tôi căn bản; nếu sau khi lập phương tiện, thành tựu sự sát hại, thì phạm vào tội căn bản.

Nếu như sau khi giết, không truy cầu phần đã thành, thì không phạm tội “vô tác”. Nếu như người giết, chết trước người bị giết, dù chỉ một khoảng thời gian rất ngắn, người giết không bị phạm tội căn bản. Nếu như phái người đi giết, người đi giết phạm tội “tác”, người phái phạm hai tội “tác” và “vô tác”. Nếu như dùng lời ác ra lệnh, cũng bị hai tội “tác” và “vô tác”. Nếu như sự giết hoàn thành, người ra lệnh, dù dùng tâm thiện hay ác, đều phạm hai tội “tác” và “vô tác”.

Nếu có người nói: “Quá khứ đã qua, vị lai chưa đến, hiện tại không dừng, làm sao gọi là giết? Một niệm không giết, thì một hạt bụi cũng không bị hư hoại. Nếu như một niệm không giết, nhiều niệm cũng không thể giết, sao lại gọi là giết?” Điều này không đúng! Vì sao? Tuy rằng trong một niệm ở hiện tại không có sự giết, nhưng vì hành động giết đó ngăn dứt sự hiện khởi của năm ấm ở niệm sau, nên gọi là giết. Do ý nghĩa này, không thể vì thấy một nơi không có sự giết, mà có thể nói ở tất cả mọi nơi không có sự giết.

Hoặc có người bị đâm vào tay mà chết, hoặc có người bị cắt chân mà vẫn sống. Đầu thì không phải thế, dù bị đâm hay bị cắt, đều chết. Nếu có người làm rồi bị tội lớn, đây gọi là nghiệp đạo. Tự mình có thể tạo ba nghiệp của ý, còn bảy nghiệp của thân và miệng, phải có hai bên, mình và người, mới có thể hoàn thành. Nếu không có người tạo nghiệp, thì cũng không có tội “vô tác”. Hoặc có người nói: “Ba nghiệp của thân có tội “tác” và tội “vô tác”, miệng thì không phải vậy.” Điều này không đúng! Vì sao? Nếu như miệng không có tội “tác” và “vô tác”, khi miệng ra lệnh giết, lẽ ra không nên mắc tội. Vì vậy miệng cũng phải có hai tội “tác” và “vô tác”. Tâm thì không như thế. Vì sao? Vì các bậc Hiền thánh không bị mắc tội.

Vì nhân duyên nào gọi là “tác”, “vô tác”? Vì nghiệp ấy làm cho đọa vào ba đường ác, sinh vào loài người thì bị yểu mệnh, sáu căn thường bị thọ khổ; sau đó thọ quả báo dư thừa, hoặc tương tự hoặc không tương tự nơi quả báo chánh thức. Lúc thọ quả báo chánh thức, thì bị đọa trong địa ngục Hoạt, địa ngục Hắc thằng, sau đó sẽ sanh vào ba cõi ngạ quỉ, súc sanh, và cõi người, nhận chịu quả báo dư thừa.

Nếu như dự định giết một người, nhưng sau đó lại giết chết hai người, thì chỉ đối với người định giết đầu tiên bị mắc hai tội “tác” và “vô tác”. Hoặc có người cho rằng: “Sắc là vô ký, mệnh cũng là vô ký. Nếu đã là vô ký, tại sao sau khi giết lại mắc tội sát?” Điều này không đúng! Vì sao? Thân mạng là khí cụ chứa đựng tâm niệm thiện ác, nếu phá diệt khí cụ đó, tức là cắt đứt tâm niệm thiện ác, do đây mà bị mắc tội. Giả như nhà vua hạ lệnh giết, nếu bầy tôi tán thành, thì vua tôi đều mắc tội như nhau; việc săn bắn cũng giống như thế.

Nếu có người sắp chết, chỉ còn thoi thóp một giây, nếu như dùng dao giết chết, thì vẫn mắc tội giết người. Còn nếu như kẻ ấy đã chết, mà dùng dao đâm chém, thì không mắc tội giết người. Nếu tự sát, không bị mắc tội giết người. Vì sao? Vi không có ý tưởng giết chết kẻ khác, vì không có tâm sân hận, và vì không phải là nhân duyên giữa ta và kẻ khác.

Hoặc có người cho rằng: “Lúc sát hại, dù tâm ở trạng thái thiện, ác hay vô ký, đều bị mắc tội sát hại, giống như lửa hoặc chất độc, tuy ở trạng thái thiện, ác hoặc vô ký, kẻ chạm đến lửa, hoặc ăn chất độc, đều bị mất mạng.” Điều này không đúng! Vì sao? Trên đời có kẻ cầm lửa mà không bị cháy, hoặc ăn chất độc mà không chết; sát hại mà không có tâm ác cũng giống như vậy. Lại giống như thầy thuốc, v.v…

Hoặc có người cho rằng: “Bà Tẩu tiên nhân đọc chú giết người, hoặc giết dê tế trời, đều không bị mắc tội giết hại.” Điều này không đúng! Vì sao? Vì cắt đứt mạng sống của kẻ khác, vì nhân duyên ngu si! Nếu như thấy người khác bị chết, lòng sinh vui mừng, nên biết kẻ đó bị mắc tội “đã thành”. Thấy người khác giết, sinh lòng vui mừng, lấy tài vật ban thưởng, cũng giống như trường hợp trên. Nếu như khiến sứ giả đi giết, sứ giả khi đến nơi, bèn dùng nhiều phương pháp ác độc mà giết, thì kẻ sai khiền chỉ phạm tội tác, còn gã sứ giả bị mắc cả hai tội “tác” và “vô tác”.

[Giải]    Có người chấp vào thuyết lý về “không” của Phật pháp, bèn cho rằng từ “tích không quán” hoặc “thể không quán” mà quán sát, thì việc sát hại là không có. Điều này không đúng! Tuy một niệm hiện tại không trở thành sát hại, nhưng làm cho ngũ ấm của kẻ bị giết không còn tương tục, đây vẫn là trở thành việc sát hại.

Ác nghiệp, gọi là đạo, bởi vì do tạo nghiệp ác mà đi vào ba đường ác, đây là do ác nghiệp thành tựu mà đi vào đường dẫn đến ba cõi ác.

Ba nghiệp của ý không trở thành “đạo”, bởi vì sự trì giới của các bậc hiền thánh, chú trọng đến phần thân, khẩu, cho  nên ý nghiệp không phạm tội (phụ chú: nghĩa là không phạm giới – đây là nói theo Tiểu thừa)

Ba xứ thọ quả báo dư thừa, tức là ba châu đông, nam và tây, bởi vì châu Bắc cu lô không bị khổ báo.

Thân mệnh là khí cụ của tâm thiện ác, giết hại hủy hoại thân mệnh, ắt tâm không thể tương tục, cho nên phải mắc tội.

Ca la lã, tức là bào thai lúc bắt đầu thành hình.

H6. Phân biệt sơ lược các điều giới khác

Nếu khởi tâm ác cướp đoạt tài vật kẻ khác, kẻ đó cũng bị mắc hai tội “tác” và “vô tác”. Hoặc nhân lúc đang “đếm” mà đoạt lấy, hoặc nhân kẻ khác gửi mà đoạt lấy, hoặc nhân lúc trao đổi hàng hóa mà đoạt lấy, đều bị mắc tội trộm cướp. Nếu có kẻ tự mình không đoạt, không tham, không dùng, nhưng lại bảo người khác đoạt, kẻ ấy cũng bị mắc hai tội “tác” và “vô tác”.

Giả như muốn trộm vàng, lúc trộm lại lấy nhầm bạc, lấy xong mới biết mình nhầm, bèn đem hoàn lại chỗ cũ, kẻ đó không bị phạm tội trộm. Giả như muốn trộm vàng, trộm được, bèn nghĩ tưởng đến sự vô thường, sinh lòng hối hận, muốn đem trả lại cho chủ nhưng không dám, bèn tìm phương tiện khác hoàn trả vật đã trộm, tuy vật bị trộm đã rời bổn xứ, nhưng kẻ trộm vẫn không bị phạm tội trộm.

Lại như, có kẻ tôi tớ được chủ nhân cho tài vật sử dụng, thoạt tiên, kẻ tôi tớ nhận rằng đây là tài vật của mình và chủ dùng chung, sau kẻ ấy lại sanh tâm tham muốn đoạt tài vật đó; sau khi đoạt lấy, sanh tâm nghi ngờ, bèn đem tài vật cất giấu, sau lại nghĩ rằng tài vật này mình có chung hay dùng riêng với chủ cũng không có gì khác biệt, bèn đem giao hoàn lại chỗ cũ, tài vật tuy đã rời bổn xứ, nhưng kẻ tôi tớ đó cũng không bị mắc tội trộm.

Lại có người đi đường bị cướp, sau vào đến làng, người trưởng làng bèn hỏi: “Ông bị mất vật gì? Chúng tôi sẽ bồi thường cho ông.” Nếu như nói quá số của đã bị cướp mất, lấy vật bồi thường, thì kẻ đi đường đó bị mắc tội trộm.

Có người phát tâm bố thí cho người khác hai tấm y, người nhận lấy một tấm, nói rằng không cần hai tấm; nếu người cho giữ lại tấm y đó, thì bị mắc tội trộm.

Nếu có người phát tâm dự định đem phòng xá, giường chiếu, thuốc men, đồ vật cần thiết, cúng dường cho một tỳ kheo. Lúc đang chưa cúng dường, bổng nghe có một tỳ kheo khác từ phương xa đến, bèn đem tài vật đó cúng dường cho vị mới đến, vị thí chủ này bị phạm tội trộm.

Nếu như đoạt lấy tài vật của một vị tỳ kheo đã mệnh chung, sẽ mắc tội với ai? Nếu như tài vật đã được làm pháp yết ma, sẽ bị mắc tội trộm với chúng tăng làm pháp yết ma, còn nếu tài vật chưa được làm pháp yết ma, sẽ bị mắc tội với mười phương tăng. Nếu như vị tỳ kheo đã mệnh chung đó, lúc lâm chung dự định đem tài vật cho chỗ nào, thì kẻ đoạt tài vật đó sẽ mắc tội với chỗ ấy. Nếu trộm đồ vật trong tháp Phật thì sẽ mắc tội với người giữ tháp.

Nếu như nước lụt làm trôi tài vật, lúa gạo, dưa trái, quần áo, đồ vật linh tinh, vớt được không mắc tội.

Nếu như hành dâm không đúng thời, không đúng chỗ, với người cùng phái hoặc nhị hình, với gái trinh, với vợ người khác, hoặc với chính mình, đều gọi là tà dâm.

Duy ở ba châu nam, đông, tây, mới mắc tội tà dâm, còn châu Bắc cu lô thì không có tội này.

Nếu như hành dâm với súc sanh, thi thể bị hư hoại, hoặc những tịnh nhân trong chùa, hoặc những kẻ bị giam cầm, những kẻ đào tẩu, hoặc với vợ của thầy, hoặc với người xuất gia, đều gọi là tà dâm.

Nếu hỏi: “Người xuất gia không còn bị lệ thuộc vào kẻ khác, nếu vậy, hành dâm với họ, thì mắc tội với ai?”, nên trả lời: “Mắc tội với thân thuộc, hoặc nhà cầm quyền sở tại.”

Gặp lúc thời thế ác liệt, loạn ly, hoặc bạo chúa cai trị, hoặc lúc gia đình bị khủng bố, nếu cho thê thiếp xuất gia làm ni, sau đó lại đến hành dâm với họ, sẽ mắc tội tà dâm.

Nếu hành dâm ở ba chỗ: đường đại tiện, tiểu tiện và miệng, thì mắc tội tà dâm.

Nếu tự mình, hoặc đối phương chủ động, cùng nhau hành dâm, hoặc tại lề đường, hoặc bên cạnh tháp, miếu, hoặc nơi có đại hội, thì bị mắc tội tà dâm.

Nếu như đối phương vẫn còn được sự thủ hộ của cha mẹ, anh em, hoặc nhà cầm quyền sở tại, hoặc đối phương đã hứa hẹn trước, đã hứa trước, hoặc đã nhận tiền, hoặc đã nhận lời thỉnh hành dâm với kẻ khác, nếu như hành dâm với họ, sẽ mắc tội tà dâm.

Nếu hành dâm với tượng gỗ, tượng đất, tranh vẽ, hoặc với tử thi, đều phạm tội tà dâm.

Đối phương thuộc về của mình mà tưởng là của kẻ khác, hoặc đối phương thuộc về kẻ khác mà tưởng là của mình, giả sử hành dâm với họ, đều phạm tội tà dâm.

Tội tà dâm có nặng, có nhẹ. Nếu do phiền não nặng thì phạm tội nặng, do phiền não nhẹ thì phạm tội nhẹ.

Dù có tâm nghi hay không nghi, hoặc dù thấy, nghe, hay, biết, hoặc dù bị hỏi đến, hay không bị hỏi đến, nếu nói trái với sự thật, thì gọi là vọng ngữ. Nếu nói những điều vô căn cứ, cũng gọi là vọng ngữ, nhưng không gọi là đầy đủ.

Nếu nói không đầu đuôi, hoặc nói không rõ ràng, hoặc nói những lời mà đối phương không hiểu, cũng gọi là vọng ngữ, nhưng không gọi là đầy đủ.

Nói những lời đâm thọc, hung ác, dù có làm tổn hại đến đối phương hay không, đều bị phạm tội. Nói những lời vô nghĩa, cũng giống như vậy.

Bảy điều vừa nêu trên: sát sanh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, nói đâm thọc, nói hung ác, nói vô nghĩa, vừa là đạo, vừa là nghiệp. Còn ba điều thuộc về tâm: tham, sân, si, thì chỉ là nghiệp mà không phải là đạo. Vì sao? Vì chưa phát động đến thân khẩu, và chỉ những nghiệp thân, khẩu làm phương hại đến mình và người mới mắc tội lớn.

[Giải]    Ở đây phân biệt các ác nghiệp khác ngoài nghiệp sát.

G4. Chứng thành nghĩa tác và vô tác

Hoặc có người cho rằng: “Tất cả vi trần theo thứ tự an trụ, mà lại niệm niệm biến diệt. Diệt rồi thì không trụ, nếu như không trụ, thì “tác nghiệp” không có, huống chi “vô tác nghiệp”?” Điều này không đúng! Vì sao? Các pháp trên thế gian, có nhân thì có quả, không nhân thì không quả. Giống như soi mặt nước hoặc soi kính thì có ảnh hiện lên, nếu không soi thì không có ảnh. Tác nghiệp cũng giống như vậy. Từ thân mà có “tác nghiệp”, từ tác nghiệp mà có vô tác nghiệp, cũng giống như soi mặt nước hoặc soi kính thì có ảnh vậy. Ví như có người, nếu khởi tâm ác thì gương mặt hiện vẻ hung ác, nếu khởi tâm thiện thì vẻ mặt trở nên hiền từ. Tác và vô tác cũng giống như vậy. Nếu nhân vì nghiệp lành mà được quả báo dung nhan hiền hậu trang nghiêm, nhân vì nghiệp ác mà bị quả báo tướng mạo hung dữ ác độc, tác và vô tác cũng giống như vậy.

Nếu như vì niệm niệm thường có sự biến diệt mà cho rằng không có tác và vô tác, thì như phần trên đã đề cập đến những ví dụ như đèn, dòng sông, v.v…, tuy niệm niệm biến diệt, do hai đế lý, mà nói có tác và vô tác.

Vi trần tuy rằng thứ lớp không trụ, thế nhưng cũng không phá hoại pháp “thế đế”. Chính vì thứ lớp của vi trần mà có tên là tác và vô tác.

Nếu như sát hại cha mẹ, hoặc a la hán, sẽ bị mắc vô lượng tội. Tuy ấm, giới, nhập, v.v…, của cha, mẹ, a la hán và các chúng sinh khác không có gì sai biệt, nhưng vì cha mẹ là báo ân điền, còn a la hán là phước điền, cho nên giết họ sẽ bị tội nặng.

Lại như, không thể cùng một lúc nói hai chữ, hơn nữa, hai chữ đó, rốt ráo cũng không hòa hợp, không thể nói lên nghĩa của chúng, thế nhưng, tuy niệm niệm biến diệt, vẫn gọi là vọng ngữ, bởi vì các chữ nối tiếp, không thể phá hoại đạo lý thế tục. Lại như bắn tên, tuy niệm niệm biến diệt, nhân vì thế lực của thân nghiệp, làm cho mũi tên bay đến mục tiêu, tác và vô tác, cũng giống như vậy. Lại như, nhảy múa để tự vui, tuy niệm niệm biến diệt, nhân vì thế lực của thân nghiệp, cho nên thân thể có thể chuyển động, tác và vô tác, cũng giống như vậy. Lại giống như xoay vòng lửa, tuy niệm niệm biến diệt, nhân vì thế lực của thân nghiệp, cho nên lửa tạo thành vòng tròn.

Như việc tạo nghiệp, lúc phát khởi, lúc chuẩn bị, lúc hành động, lúc nói năng, tâm niệm đều khác biệt, nhân vì các duyên hòa hợp với nhau nên gọi là tác nghiệp, và vì nhân duyên tác nghiệp mà sinh khởi vô tác nghiệp.

Lại như, nhân vì uy nghi khác biệt, mà tâm thái cũng khác biệt, và nhân vì một khi đã huân tập vào tâm thì không bị biến hoại, cho nên gọi là vô tác.

Lại như, nếu thân làm thiện, mà miệng lại nói lời ác, thì kẻ đó sẽ bị quả báo vừa thiện vừa ác. Nếu như nghiệp thiện của thân có tác nghiệp và vô tác nghiệp, còn nghiệp ác của miệng chỉ có tác nghiệp, không có vô tác nghiệp, nên biết kẻ đó duy được quả báo lành, mà không bị quả báo ác. Cho nên trong kinh nói bảy nghiệp của thân và miệng có hai loại tác và vô tác. Giống như người bị bệnh nặng, cần phải hòa nhiều loại thuốc để trị bệnh, nếu thiếu một loại thuốc, ắt không thể trị. Vì sao? Vì bị bệnh nặng. Tất cả chúng sinh cũng giống như vậy, đầy đủ tất cả ác nghiệp, cần phải có nhiều giới mới có thể trị, nếu thiếu một giới, ắt không thể trị.

[Giải]    Ở đây đả phá những kẻ chấp không, không tin nhân quả, cho rằng bọn họ không hiểu rõ nhị đế: chân đế và tục đế.

Nếu từ chân đế mà nói, tuy tự tính vốn là không, nhưng nếu từ tục đế mà nói, thì có sự tương tục không gián đoạn.

Không thể cùng một lúc nói hai chữ, ví như nói “nhân quả”, lúc nói chữ nhân, thì chưa nói chữ “quả”, khi nói chữ “quả”, thì chữ nhân đã diệt mất, thế nhưng, nếu hai chữ “nhân”, “quả” không hòa hợp thì không có nghĩa “nhân quả”. Đây là ý nghĩa tục đế của “tương tục không gián đoạn”.

G5. Khuyên xa lìa ác giới

Thiện nam tử! Chúng sinh tạo tội, phàm có hai loại: (1) ác giới, (2) không giới. Kẻ thọ ác giới, tuy giết một con dê, và lúc không giết, cũng đều mắc tột sát hại. Vì sao? Vì trước đó đã phát thệ nguyện. Còn kẻ không thọ giới, tuy giết ngàn người, lúc giết thì mắc tội, còn lúc không giết thì không mắc tội. Vì sao? Vì không phát thệ nguyện. Vì thế tâm là căn bản của tất cả pháp thiện và bất thiện. Nhân vì cội gốc mà nói các vị tỳ kheo phạm tội chỉ có hai cách: (1) thân phạm, (2) miệng phạm, mà không có tâm phạm. Loại giới pháp này, nếu như thời gian không đầy đủ (chẳng hạn phải đủ hai mươi tuổi), điều kiện không đầy đủ (chẳng hạn như phải có đủ ba y, bình bát, …), thì không thể được giới thể; ví như cọ cây lấy lửa, phải có đầy đủ kính rọi, sức người, cỏ khô, v.v…, sau đó mới được lửa, nếu thiếu một điều kiện, ắt sẽ không có lửa. Giới pháp cũng như thế.

Loại giới pháp này, hoặc được giới thể, hoặc xả giới, hoặc trì giới, đều tùy nơi tâm. Đức Như Lai biết rõ pháp tính, cho nên chế định loại giới pháp này.

Hoặc nếu có người, do vì thế lực của sự suy ngẫm nghiệp lành, nên không tạo nghiệp ác, đây gọi là “giới đúng như chánh pháp”. Nếu như từ người khác mà được giới thể, đây gọi là thọ giới.

Nếu như không thọ giới mà được công đức, thì các loài ác thú như sư tử, hổ, chó sói, v.v…, đều phải được công đức. Nhưng thực sự không phải như vậy. Do nhân duyên này, thọ thiện giới được vô lượng phước, thọ ác giới mắc vô lượng tội. Trong kinh nói đến các ác luật nghi như sau: (1) nuôi dê, (2) nuôi gà, (3) nuôi heo, (4) câu cá, (5) đánh cá, (6) giết trâu bò, (7) làm ngục tốt, (8) nuôi chó săn, (9) làm bẩy, (10) làm thợ săn, (11) dùng chú thuật sai rồng làm ác, (12) giết người, (13) làm đạo tặc, (14) nói đâm thọc, (15) dùng những hình cụ như roi, gậy, gông cùm, đinh sắt, lửa, v.v…, để hành hạ người khác.

Lại nữa, quốc vương ác, đại thần ác, những kẻ thọ nhận sự gửi gấm nhưng lại bạc bẽo vô ơn, những kẻ trưởng làng đại ác, những kẻ thu thuế hung dữ, những tỳ kheo phá giới tâm không hổ thẹn, những kẻ như thế đều không có giới thể. Dù không gọi là nghiệp đạo bất thiện, nhưng bị mắc tội nặng. Vì sao? Vì suốt đời làm ác.

Những việc như vậy, nếu không lập thệ nguyện (ác giới), hoặc nếu không từ người khác thọ (thiện giới), đều không thành tựu giới thể. Trong bốn trường hợp, ác giới có thể xả: (1) lúc biến thành người hai căn, (2) lúc mạng chung, (3) lúc thọ thiện giới, (4) lúc đoạn trừ kiết phược của cõi dục.

[Giải]    Kẻ thọ ác giới, như kẻ thọ giới giết dê, thệ rằng hễ thấy dê, nhất định sẽ giết, tuy có lúc không giết, nhưng vẫn bị mắc tội giết hại vô tác. Những giới ác khác, cũng giống như vậy.

Ác luật nghi, phần lớn đều lấy “việc làm” của họ làm nghề nghiệp suốt đời, mà kết hợp thành đoàn thể. Lúc có người gia nhập đoàn thể, nhất định bảo kẻ đó phát thệ làm ác, cho nên gọi là thọ ác giới.

G6. Nói rõ tướng thọ giới được đắc giới thể

Hoặc có người cho rằng: “Giống như giới thiện đầy đủ ba thời, giới ác cũng đầy đủ.” Điều này không đúng! Vì sao? Vì giới ác dễ được, chỉ cần một nhân duyên là được, nghĩa là lập thệ nguyện. Còn giới thiện không phải vậy, phải đầy đủ năm điều kiện: thí, giải, niệm, định và tuệ, mới thành tựu, do đó khó được. Vì khó được nên phải đầy đủ.

Hoặc có người nói: “Giới Ưu bà tắc không có các điều giới: nói vô nghĩa, nói đâm thọc, nói lời ác, do đây giới Ưu bà tắc, giới Bát quan trai, giới Sa di, giới Tỳ kheo, không được đầy đủ giới thể.” Điều này không đúng! Vì sao? Vì ta nay đang thọ trì khẩu nghiệp trong sạch.

Nếu có người nói: “Tôi thọ năm giới để làm thanh tịnh thân, khẩu, ý.” Nếu lúc thọ giới, tâm không thanh tịnh, nên biết kẻ đó không được đầy đủ giới thể.

Ví như có người, sau khi thọ ác giới, dù không sát sanh, người đó thường thường thành tựu ác giới. Tỳ kheo hủy phạm cấm giới cũng giống như vậy. Vì sao? Vì sau khi thọ giới, bên cạnh mỗi điều giới có nhiều nghiệp nhiều quả. Chúng sinh vô lượng, giới cũng vô lượng; vạn vật vô lượng, giới cũng vô lượng. Giới thiện giới ác đều có ba phẩm: thượng, trung, hạ. Nếu như không thọ ác giới, dù phạm nhiều tội, cũng không gọi là ác giới.

Nếu có người cật vấn: “Vì nhân duyên gì mà ngũ giới phải thọ trì suốt đời, còn giới bát quan trai chỉ cần thọ trì một ngày một đêm?” Nên trả lời họ rằng: “Đức Như Lai khéo biết pháp tướng, thông đạt vô ngại, cho nên Ngài đã lập định giới như vậy.”

[Giải]    Con người, vốn dĩ, làm ác thì dễ mà làm thiện thì khó, cho nên có câu: “Người làm việc thiện, như bơi thuyền ngược nước”, do đó, phải đầy đủ năm căn: tín, giải, niệm, định và tuệ, mới có thể đắc được giới thể.

Pháp Bát quan trai chỉ thọ một ngày một đêm, đây là phương tiện của Đức Như Lai, bởi vì thọ trì giới này suốt đời là một điều cực kỳ khó khăn.

G7. Nói riêng về hành tướng của tội ngũ nghịch

Thiện nam tử! Ruộng phước thế gian có hai loại: (1) ruộng công đức, (2) ruộng báo ân. Nếu giết hại hai loại ruộng phước này, gọi là phạm tội ngũ nghịch. Tạo tội ngũ nghịch, có ba nhân duyên: (1) có tâm cực ác, (2) không biết phước đức, (3) không thấy quả báo chân chánh.

Nếu có người tưởng a la hán là kẻ khác mà giết lầm, thì không bị phạm tội nghịch; đối với cha mẹ cũng giống như vậy. Nếu như tâm không biết hổ thẹn, không nghỉ tưởng đến việc báo ân, tâm không cung kính, chỉ biết tính toán xếp đặt, nhưng chưa tạo tội căn bản, kẻ đó tuy chưa phạm tội ngũ nghịch, nhưng cũng sẽ bị quả báo rất nặng. Vì cha mẹ có công dạy dỗ, thương yêu, chăm sóc, nhẫn chịu sự khó khăn, làm tất cả mọi việc, chịu mọi sự khổ sở, vì thế cha mẹ được gọi là ruộng báo ân.

Nếu như có người sát hại cha mẹ, tuy họ tu tập thiện pháp, cũng không được quả báo lành. Bởi thế ta nói: “Đối với chỗ che chở của mình, dù là trong khoảnh khắc, cũng không nên hủy hoại, chặt phá cành, nhánh, hoa, quả.”

Thiện nam tử! Sau khi ta diệt độ, có những đệ tử của ta sẽ có những lập luận sau: “Nếu do ý khác, tên khác mà giết cha mẹ, thì không phạm tội nghịch”, đây là phái Đàm Vô Đức; nếu như cho rằng: “Tuy do ý khác mà giết cha mẹ, vẫn là phạm tội nghịch”, đây là phái Di Sa Tắc; nếu như cho rằng: “Tuy do ý khác, tên khác mà giết cha mẹ, đều bị phạm tội nghịch”, đây là phái Tát Bà Đa. Vì sao? Đây là sự thật trên thế gian, đáng được tin cậy. Nếu thực là cha mẹ, mình cũng biết chắc là như vậy, mà dùng tâm ác sát hại, tức là phạm tội nghịch. Tuy thực là cha mẹ mình, nhưng không biết, không khởi ác tâm, tuy lỡ giết chết, cũng không phạm tội nghịch.  Vì sao? Phải đầy đủ bốn điều kiện mới phạm tội nghịch: (1) là cha mẹ thật của mình, (2) khởi tâm ác, (3) khởi tâm xả bỏ, không nhận là cha mẹ, (4) biết họ là chúng sinh.  Đầy đủ bốn điều kiện này mới thành tội nghịch, nếu như không đầy đủ thì không thành tội nghịch.

Nếu như vì thương xót, hoặc vì cung kính, hoặc vì thọ trì một pháp nào đó, hoặc vì sợ hãi, hoặc vì danh tiếng, mà đem những công cụ sát hại đưa cho cha mẹ, tuy không tự tay mình giết, nhưng vẫn phạm tội nghịch.

Nếu như bị người khác sai giết cha mẹ, khóc lóc buồn rầu mà làm, thì trong ba thời đều phạm tội nhẹ. Nếu như muốn giết cha mẹ, mà lại giết lầm kẻ khác, không bị phạm tội nghịch. Muốn giết kẻ khác, lại giết lầm cha mẹ, cũng giống như vậy. Hoặc muốn giết mẹ, lại giết lầm người giống mẹ, giết xong cất dao, lại trúng nhằm thân mẹ, làm cho mẹ chết, không bị phạm tội nghịch. Người mẹ dung mạo đổi khác, người con giết mẹ mà vẫn cho là đang giết kẻ khác, thì chỉ phạm tội sát hại, mà không phạm tội nghịch.

Năm tội nghịch này, tội giết cha tương đối nhẹ hơn tội giết mẹ; giết a la hán tội nặng hơn giết mẹ, là thân Phật chảy máu, tội nặng hơn giết a la hán; phá hòa hợp tăng, tội nặng hơn làm thân Phật chảy máu.

Có việc nặng ý nhẹ, việc nhẹ ý nặng, việc nặng ý nặng và việc nhẹ ý nhẹ. Việc nặng ý nhẹ, chẳng hạn như không có tâm ác giết hại cha mẹ; việc nhẹ ý nặng, chẳng hạn như dùng tâm ác giết súc sinh; việc nặng ý nặng, chẳng hạn như dùng tâm cực ác giết hại cha mẹ; việc nhẹ ý nhẹ, chẳng hạn như dùng tâm vô ký giết hại súc sanh.

Những ác nghiệp này có: (1) nghiệp khởi phương tiện là nặng, còn nghiệp căn bản và đã thành lại nhẹ; (2) nghiệp khởi phương tiện và căn bản nhẹ, còn nghiệp đã thành lại nặng; (3) nghiệp khởi phương tiện và căn bản nặng, còn nghiệp đã thành nhẹ; (4) nghiệp căn bản nhẹ, còn nghiệp khởi phương tiện và đã thành nặng.

[Giải]    Đàm Vô Đức, tức là tôn giả Pháp Tạng, vị tổ khai sáng Tứ phần luật tông. Di Sa Tắc, tức là Ngũ phần luật bộ.

Mẹ vì nuôi dưỡng con cái, cực khổ so với người cha, cho nên giết mẹ, tội nặng hơn giết cha.

A la hán là bậc phước điền của thế gian, cho nên giết họ, mắc tội còn nặng hơn giết cha mẹ.

Đức Phật là bậc thầy của người, trời, không ai có thể giết được, thế nhưng, có thể làm cho thân chảy máu.

Tăng đoàn là đoàn thể trụ trì Phật pháp, cho nên phá hoại sự hòa hợp của họ, mắc tội rất nặng, so với tội làm thân Phật chảy máu.

G8. Biện biệt quả báo là quyết định hay không quyết định

Việc làm chỉ là một yếu tố, do tâm lực mà có quả báo nặng nhẹ.

Thiện nam tử! Có người đem thức ăn định bố thí cho ta, như lúc chưa kịp cho ta lại đem bố thí cho chó đói. Ta cũng khen ngợi kẻ ấy là đại thí chủ. Nếu có người bố thí, không phân biệt người nhận là phước điền hay không phước điền, người ấy sẽ được vô lượng phước đức. Vì sao? Vì tâm lành thanh tịnh. Nghiệp có bốn loại quả báo: (1) hiện báo (quả báo ngay hiện đời), (2) sinh báo (quả báo ngay đời sau), (3) hậu báo (quả báo ở nhiều đời sau), (4) vô báo (không có quả báo). Lại có bốn loại quả báo: (1) thời gian nhất định, quả báo không nhất định; (2) quả báo nhất định, thời gian không nhất định; (3) quả báo và thời gian đều nhất định; (4) quả báo và thời gian đều không định.

Thời gian nhất định, nghĩa là hiện đời, kế tiếp, đời sau nữa. Nếu như thời gian và quả báo không định, nghiệp đó có thể bị chuyển đổi. Nếu như quả báo nhất định đời sau thọ, có thể chuyển thọ ở đời này. Vì sao? Do lực lượng của tâm thiện trí tuệ nhân duyên. Nếu như quả báo ác là nhất định, có thể chuyển thành quả báo nhẹ. Vì lý do nào mà gọi là quả báo nhất định? Bởi vì kẻ đó thường không biết hối hận, chuyên tâm làm ác, hoặc vì ưa thích là thiện, lập thệ nguyện, làm xong vui mừng, cho nên được những quả báo nhất định như vậy. Ngoài những trường hợp này ra, tất cả đều gọi là bất định.

Hành nghiệp của chúng sinh, có nhẹ có nặng, có xa có gần, tùy vào thời tiết nhân duyên, mà sẽ trước sau thọ quả báo. Nếu như có người tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, biết chắc việc thiện ác đều có quả báo, nên biết người đó có thể chuyển nghiệp nặng thành nhẹ, nghiệp nhẹ tiêu trừ.

Nếu như người nào gặp được các bậc phước điền, hoặc thiện tri thức, tu thiện, tu đạo, người đó có thể chuyển quả báo nặng đời sau thành quả báo nhẹ đời này.

Giả như có người có đủ ác nghiệp của cõi dục giới, nếu như đắc quả a na hàm, có thể chuyển các quả báo đời sau thành quả báo đời này. Chứng quả a la hán, cũng giống như vậy.

Thiện nam tử! Người trí nếu có thể tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, người đó có thể diệt trừ nghiệp ác cực trọng, giống như thuốc a già đà, chú thuật và “trừ độc bảo”, phá trừ các loại chất độc. Nếu tạo tội nhẹ, lúc đầu khởi phương tiện, nghiệp còn nhẹ, đến lúc đã thành, nghiệp thành nặng, do vì kẻ đó không biết tu thân, giới, tâm, tuệ, cho nên khiến nghiệp nhẹ trở thành nặng.

Chúng sinh, hoặc tạo một nghiệp, hai nghiệp, nhẫn đến nhiều nghiệp, có lúc tạo nghiệp đầy đủ, có lúc tạo nghiệp không đầy đủ. Nếu trước đó toan tính xếp đặt, sau đó thi hành, gọi là nghiệp đầy đủ; nếu trước đó không khởi niệm, thốt nhiên gặp cảnh mà tạo nghiệp, thì gọi là không đầy đủ.

Lại có khi tạo nghiệp không đầy đủ, nghĩa là tạo nghiệp xong quả báo không định; hoặc tạo nghiệp đầy đủ, nghĩa là tạo nghiệp xong, nhất định sẽ bị quả báo. Lại nữa, tạo nghiệp không đầy đủ, nghĩa là quả báo tuy nhất định, thời gian thọ báo không nhất định; hoặc tạo nghiệp đầy đủ, nghĩa là quả báo và thời gian đều nhất định.

Hoặc tạo nghiệp không đầy đủ, nghĩa là tạo nghiệp xong, lại tu tập trì giới, chánh kiến; hoặc tạo nghiệp đầy đủ, nghĩa là tạo nghiệp xong, lại còn hủy giới, tà kiến; hoặc tạo nghiệp không đầy đủ, nghĩa là tạo nghiệp xong, phát tâm tin nhân quả; hoặc tạo nghiệp đầy đủ, nghĩa là tạo nghiệp xong, lại còn không tin nhân quả; hoặc tạo nghiệp không đầy đủ, nghĩa là lúc làm ác, có những người lành vây quanh ngăn cản; hoặc tạo nghiệp đầy đủ, nghĩa là lúc làm ác, có những kẻ ác vây quanh tán thán, trợ giúp. Lại nữa, tạo nghiệp không đầy đủ, nghĩa là tuy làm các điều ác, sanh vào loài người thọ báo; hoặc tạo nghiệp đầy đủ, nghĩa là trong cõi người tạo ác, sinh vào địa ngục thọ báo. Lại nữa, tạo nghiệp không đầy đủ, nghĩa là tạo nghiệp xong, lại khởi tâm chánh niệm; hoặc tạo nghiệp đầy đủ, nghĩa là tạo nghiệp xong, không có tâm chánh niệm. Lại nữa, tạo nghiệp không đầy đủ, nghĩa là lúc tạo nghiệp, ba thời sinh tâm hối hận; hoặc tạo nghiệp đầy đủ, nghĩa là lúc tạo nghiệp, ba thời đều không có tâm hối hận. Các trường hợp tạo nghiệp thiện cũng giống như những điều vừa nói trên. Nhân vì tạo nghiệp đầy đủ, cho nên tạo nghiệp nhỏ được quả báo lớn, hoặc tạo nghiệp lớn được quả báo nhỏ.

[Giải]    Đức Phật cho rằng bậc đức hạnh, có nhiều người cúng dường, còn kẻ thiếu đức, ít ai cúng dường cho họ, rất đáng thương hại. Cho nên đem đồ dự định cúng Phật, bố thí cho chúng sinh, Ngài liền khen ngợi rằng kẻ bố thí được phước đức vô lượng.

A già đà là thuốc như ý, không bệnh nào trị được. Trừ độc bảo, làm bằng tim của Kim xí điểu, có thể tiêu trừ các chất độc. Đây dùng để ví dụ, nếu có thể tu giới, định, tuệ, thì có thể phá trừ các ác nghiệp.

Đến như việc thọ báo sớm hay muộn, đại khái, tội ác nhẹ, có thể trong đời này thọ báo, nếu như làm tội ác nặng, ắt thân hiện đời khó thọ nổi, thành thử đến đời sau mới thọ.

G9. Nói rõ ý nghĩa do ý thành hình

Một ý niệm tạo thành thân người, sau khi có thân bèn có vô lượng ý niệm. Ý niệm đầu tiên tạo thành thân người, phải là ý niệm thiện. Sau khi tạo thành thân, thọ hai thứ quả báo, thiện và bất thiện. Trường hợp thân trời cũng giống như thân người.

Chúng sinh địa ngục là do ý niệm ác tạo thành thân. Sau khi có thân, chỉ thuần thọ quả báo bất thiện. Ngạ quỉ, súc sanh, cũng do ý niệm ác tạo thành thân. Sau khi có thân, thọ hai loại quả báo thiện và bất thiện.

Trung ấm thân thiện, ác, cũng do ý niệm thiện, ác tạo thành, và cũng thọ hai loại quả báo thiện và bất thiện.

Từ lúc làm bào thai cho đến lúc già, cùng thọ hai loại quả báo, thiện và bất thiện. Cho nên trong kinh nói có bốn loại nghiệp: nghiệp đen thọ quả báo đen, nghiệp trắng thọ quả báo trắng, nghiệp tạp thọ quả báo tạp, nghiệp không đen không trắng không thọ quả báo. Nghiệp đen thọ quả báo đen, tức là cõi địa ngục; nghiệp trắng thọ quả báo trắng, tức là cõi trời sắc giới; nghiệp tạp thọ quả báo tạp, tức là cõi trời dục giới, cõi người, súc sanh, ngạ quỉ; nghiệp không trắng không đen không thọ quả báo, tức là nghiệp vô lậu.

Thiện nam tử! Kẻ nào không hiểu rõ nghiệp duyên như trên, sẽ nhiều đời bị trôi lăn trong sinh tử. Vì sao? Những kẻ không hiểu rõ nghiệp nhân duyên này, tuy sinh lên cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng, thọ mạng tám vạn kiếp, sau khi phước hết sẽ vẫn bị đọa vào ba đường ác.

Thiện nam tử! Trong các sự tạo vẽ, không có gì hơn ý niệm. Ý niệm vẽ thành phiền não, phiền não vẽ thành nghiệp, nghiệp vẽ thành thân. Do nhân duyên tham, mà được nhan sắc mặn mà, âm thanh tao nhã, dáng điệu đoan trang; do nhân duyên sân, mà có dung mạo thô kệch, âm thanh hung ác, cử chỉ thô lỗ. Trường hợp tâm si, cũng giống như tâm sân.

[Giải]    Đoạn này biện minh ý nghĩa do nghiệp của ý thức mà tạo thành hình thể của báo thân. Ý niệm đầu tiên tạo thành thân là thiện, đây là chỉ cho thân người.

Ý nghiệp có hai loại: (1) dẫn nghiệp, (2) mãn nghiệp. Dẫn nghiệp có sức mạnh lớn, chỉ thuộc về ý thức, có thể đưa đến quả báo “một thời kỳ của thân mệnh”, cho nên trong Bát Thức Quy Củ Tụng nói về ý thức như sau: “Dẫn nghiệp, mãn nghiệp có thể chiêu cảm sự lôi kéo của nghiệp lực.” Đại khái, do một ý nghiệp mà có thể đưa đến sự tạo thành hình thể của thân, su khi thân được tạo thành, lại còn có thể khởi lên vô lượng ý niệm.

Người đời cho rằng “thiên mệnh” gọi là tính, thiên mệnh tức là ý nghiệp tạo nên hình thể mà chúng ta đang nói ở đây. Lập luận về tính thiện của Mạnh Tử, ở đây cũng có thể chấp nhận được. Bởi vì “trời” tức là ý nghiệp của đời trước đưa đến sự thọ thân người, tương đối là nghiệp lành, cho nên nói ý niệm ban đầu là thiện, là nghiệp quả thiện, cho nên tính là thiện.

Thế nhưng, sau khi quả báo thân thành tựu, nhưng vẫn khởi lên các nghiệp thiện và không thiện, cho nên không “tận thiện”. Cõi trời cũng giống như cõi người.

Chúng sinh địa ngục do ý niệm ác sinh thành thân, sau khi có thân, ắt trước sau toàn là ác. Còn chúng sinh cõi ngạ quỷ và súc sinh, tuy là do ý niệm ác tạo thành thân, nhưng sau khi có thân, lại pha trộn giữa thiện và không thiện.

Trung ấm thân, mà người thường hay ngộ nhận là quỷ hay linh hồn, cho nên quan niệm rằng người chết thành quỷ. Thế nhưng, trung âm thân này, không giống như mọi người tưởng tượng về quỷ hoặc linh hồn, mà là sau khi thân người mất đi, còn trong giai đoạn chờ đợi để đi thọ thân đời sau; trong giai đoạn này, do ý nghiệp tạo thành thân ngũ ấm. Chẳng qua, thân trung ấm là ngũ ấm vi tế, tương tự như thân của ngạ quỷ, cũng được gọi là ý sinh thân.

Tuy thân của người, trời đều có thể gọi là ý sinh thân, nhưng thân trung ấm và thân ngạ quỷ, đôi lúc cũng có thể tùy ý biến hóa, ở đây ý nghĩa của “thân do ý nghiệp sinh” mới càng rõ ràng hơn.

Sự tạo vẽ (Hán: mô hoạ), tức là làm mô hình hoặc tô vẽ. Hoa Nghiêm Kinh nói: “Tâm như người thợ vẽ, vẽ tất cả thế gian, đối với tất cả ngũ ấm, không hình nào không vẽ”. Sự tạo vẽ, không gì quá hơn là phiền não tương ưng với ý thức, tuy phiền não tương ưng với năm thức trước cũng có thể tạo vẽ, nhưng dù sao ý thức vẫn là chủ, năm thức trước chẳng qua chỉ là tùy tùng mà thôi.

Ở đây, chúng ta đã biện minh sơ lược nghĩa lý của câu “Nên quán pháp giới tính, tất cả do tâm tạo”.

G10. Nói rõ hành tướng của sự đắc giới và xả giới

Vô lượng thế giới, một trăm ba mươi sáu sở địa ngục, vô lượng súc sanh, vô lượng ngạ quỉ, đều do nghiệp tạo thành. Cõi người, cõi trời cũng giống như vậy. Vô lượng chúng sanh chứng được quả báo giải thoát, cũng nhân nơi nghiệp.

Thiện nam tử! Mười đường thiện có ba điều: (1) ngăn chặn phiền não, (2) sinh khởi tâm lành, (3) tăng trưởng giới pháp. Như thuốc trừ độc có ba loại: (1) thuốc a già đà, (2) thần chú, (3) chân ngôn.

Nếu như có người tu hạnh không buông lung, đầy đủ chánh niệm, phân biệt được thiện ác, nên biết kẻ đó chắc chắn tu được mười nghiệp thiện; nếu như thường hay buông lung, không có tâm hổ thẹn và lòng tin, nên biết kẻ đó chắc chắn sẽ tạo mười nghiệp ác. Mười nghiệp này, cũng có ba phần: (1) khởi phương tiện, (2) căn bản, (3) đã thành.

Nếu như có người siêng năng lễ lạy, cúng dường cha mẹ, sư trưởng, Hòa thượng, các bậc có đức hạnh, hỏi han chào đón, lời nói nhỏ nhẹ, đây gọi là phương tiện. Nếu như sau đó thường thường nghĩ đến việc đã làm, vui mừng không hối tiếc, đây gọi là đã thành. Lúc đang làm thì chuyên tâm chú ý, đây gọi là căn bản.

Thiện nam tử! Mười nghiệp đạo này lại có ba loại, bậc thượng, bậc trung và bậc hạ. Hoặc là phương tiện thuộc bậc thượng, căn bản thuộc bậc trung, đã thành bậc hạ; hoặc là phương tiện bậc trung, căn bản bậc hạ, đã thành bậc thượng; hoặc là phương tiện bậc hạ, căn bản bậc thượng, đã thành bậc trung.

Mười nghiệp đạo này, có ba pháp vây quanh, nghĩa là không có tham sân si, hoặc có tham sân si. Mười nghiệp đạo có hai loại: giới hành, và bất cộng giới hành.

Xả giới có sáu trường hợp: (1) lúc đoạn căn lành, (2) lúc biến thành nhị hình, (3) lúc xả thọ mạng, (4) lúc thọ ác giới, (5) lúc phát nguyện xả giới, (6) lúc xả thân cõi dục giới.

Hoặc có người nói: “Lúc Phật pháp diệt tận, sẽ mất giới thể.” Điều này không đúng! Vì sao? Sau khi thọ giới sẽ không bị mất giới thể, lúc chưa thọ giới không được giới thể, đoạn trừ nghiệp ác của thân khẩu ý, gọi là giới giới; bốn cõi thiền sắc giới, và bốn cõi thiền vị đáo, gọi là định giới; bốn cõi thiền sắc giới, và cõi sơ thiền vị đáo, gọi là vô lậu giới. Bỏ thân rồi, đến đời sau không còn làm ác, gọi là vô tác giới. Giữ gìn các căn, tu tâm chánh niệm, trong các việc thấy, nghe, hay, biết, đối với các trần cảnh: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, không sinh tâm buông lung, gọi là nhiếp căn giới.

Do nhân duyên gì mà được gọi là giới? Giới gọi là chế phục; vì có thể chế phục tất cả các pháp bất thiện, nên được gọi là chế phục. Lại nữa, giới còn có tên là “chật hẹp”. Tuy có pháp ác, bổn tính của giới không dung chứa điều ác, cho nên gọi là chật hẹp. Lại nữa, giới còn có tên là mát mẽ, vì ngăn chặn sự nóng bức của phiền não không cho xâm nhập, nên gọi là mát mẽ. Lại nữa, giới còn có tên là “lên” (Hán: thượng), vì có thể lên cõi trời, nhẫn đến đạo vô thượng, cho nên gọi là lên. Lại nữa, giới còn có tên là “học”, học điều phục tâm, trí huệ và các căn, cho nên gọi là học.

Thiện nam tử! Hoặc có người đầy đủ một giới, nghĩa là giới Ba la đề mộc xoa; hoặc đầy đủ hai giới, nghĩa là một giới thêm định cộng giới; hoặc đầy đủ ba giới, nghĩa là hai giới thêm vô lậu giới; hoặc đầy đủ bốn giới, nghĩa là ba giới thêm nhiếp căn giới; hoặc đầy đủ năm giới, nghĩa là bốn giới thêm vô tác giới.

Thiện nam tử! Giới ba la đề mộc xoa, chỉ ở hiện tại mới đắc được giới thể, còn định cộng giới, trong ba đời đều được giới thể.

Thiện nam tử! Nếu như có người muốn thọ giới, chí tâm quán sát tội lỗi của nẽo sinh tử, công đức của sự giải thoát, tin tưởng vui mừng, người đó sẽ được hai giới tác và vô tác. Giới này tùy thọ mạng dài ngắn, sống lâu thì được giới thể dài, đoản mệnh thì được giới thể ngắn.

Vô tác giới này, do ba nhân duyên xả: (1) ít tu tập các pháp thiện (Hán: thiểu trang nghiêm), (2) tâm thường phóng dật, (3) lập nguyện không bền chắc. Không xả giới cũng có ba nhân duyên: (1) có bổn nguyện, (2) kiên quyết làm nghiệp thiện, (3) nhất tâm không buông lung.

Thiện nam tử! Ngoài mười nghiệp lành, mười nghiệp ác, thiện giới và ác giới ra, còn có nghiệp mà giới không nhiếp thu, tức là pháp thiện, ác. Các pháp thiện ác này cũng có tác và vô tác. Có người đầy đủ tác và vô tác. Nếu như trong niệm hiện tại đang làm việc thiện chưa xả bỏ, thì đầy đủ tác và vô tác; đến niệm kế tiếp, thì thành tựu tác và vô tác của quá khứ, tác đã trở thành quá khứ, chỉ còn lại vô tác mà không còn tác.

Nếu có người được giới thể, tuy làm điều ác, người đó hiện đời thành tựu hai pháp: pháp ác có tác, pháp thiện có vô tác. Tác và vô tác này, do hai nhân duyên bị xả: (1) đồ bố thí đã bị dùng hết, (2) tâm xả bỏ việc làm thiện.

Tác, trong hai đời thành tựu: quá khứ,  hiện tại, còn vô tác thì ba đời đều thành tựu.

Định cộng giới do hai nhân duyên xả: (1) lúc thoái thất đạo tâm, (2) lúc đoạn dứt căn lành. Lại có ba lúc xả định cộng giới: (1) lúc mệnh chung, (2) lúc thoái thất đạo tâm, (3) lúc sanh lên cõi trên. Vô lậu giới có ba lúc xả: (1) lúc thoái thất đạo tâm, (2) lúc chuyển từ độn căn sang lợi căn, (3) lúc chứng quả bậc trên.

Lúc sinh lên cõi trời thì nghiệp đạo của tâm thiện của ba cõi dưới mất, còn khi đoạn dứt thiện căn, thì nghiệp thiện của thân khẩu ý cùng lúc đều bị mất.

Thiện nam tử! Kẻ nào đắc được cụ túc giới, định cộng giới, vô lậu giới, nhiếp căn giới, kẻ đó hiểu rõ mười nghiệp đạo.

[Giải]    Mười nghiệp đạo, có ba bậc thượng, trung, hạ, là lấy “lúc tạo nghiệp nặng hay nhẹ” làm tiêu chuẩn mà phân biệt.

Kinh Anh Lạc, nói về thời điểm được hay mất giới, còn trong đây nói sơ lược về tướng trạng của sự được hay mất giới.

Có hai căn, nghĩa là người nam biến thành có nữ căn, hoặc “phi nam”, người nữ biến thành có nam căn, hay “phi nữ”, đều phải xả giới.

Căn bản tứ thiền, tức là tứ thiền thiên; bốn vị đáo thiền, tức là trung gian thiền, khi đang hướng đến tứ thiền mà chưa đến.

Bồ tát giới, gọi là Kim cương giới. Sau khi mệnh chung vẫn không mất. Ở đây, giới Bồ tát ưu bà tắc, tuy nói “tận hình thọ”, thế nhưng, cũng như Bồ tát giới, tức là lúc mệnh chung, nếu như không hủy phạm giới cấm, cũng không mất vô tác giới thể.

Sau khi thọ giới, giống như đường đi, ven đường có  hàng rào ngăn, cho nên gọi là “chật hẹp”, không để cho pháp ác xâm nhập.

“Định cộng giới trong ba đời đều được giới thể”, bởi vì định cộng giới, hoặc từ đời trước mà được, hoặc đời thọ đời này được, hoặc đời này thọ đời sau được.

Lúc thoái thất vô lậu giới, như A la hán thụt xuống tam quả, tam quả thụt xuống nhị quả, sơ quả. Lúc chuyển độn sang lợi, nghĩa là lúc A la hán chuyển thành Bích chi phật, hoặc chuyển thành Bồ tát.

G11. Nói rõ thọ mạng của nghiệp thiện và ác

Thiện nam tử! Nhân vì mười nghiệp đạo mà thọ mạng của chúng sinh có tăng có giảm. Giảm, nghĩa là lúc thọ mạng còn mười năm; tăng, nghĩa là được thọ mạng vô lượng. Châu Uất đan việt thọ mạng cố định là một ngàn năm, châu Nam thiệm bộ này thọ mạng trăm năm, hai châu đông và tây, thọ mạng hai trăm năm mươi năm; nếu ở châu này thọ mạng vô lượng, thì hai châu đó cũng thọ mạng vô lượng.

Trời Tứ thiên vương thọ đến chín vạn năm, nhưng thọ mạng không nhất định, giống như ba châu nam, đông và bắc. Trời Đao lợi thọ đến một ngàn tám trăm vạn năm, thọ mạng cũng không nhất định. Trời Diệm ma thọ đến ba ngàn sáu trăm vạn năm, thọ mạng cũng không nhất định. Trời Đâu suất thọ đến bảy ngàn hai trăm vạn năm, trừ các bậc hậu thân Bồ tát ra, tất cả thọ mạng cũng không nhất định. Trời Hóa lạc thọ đến một vạn bốn trăm vạn năm, thọ mạng cũng không nhất định. Trời Tha hóa tư tại thọ đến hai vạn tám trăm vạn năm, thọ mạng cũng không nhất định.

Một năm của trời Tha hóa tự tại dài bằng thời gian một ngày một đêm của Nhiệt địa ngục. Như vậy, ba mươi ngày làm một tháng, mười hai tháng làm một năm, địa ngục đó thọ mạng đến hai vạn tám ngàn tám trăm vạn năm, thọ mạng cũng không nhất định.

Một năm của trời Hóa lạc dài bằng thời gian một ngày một đêm của Đại thanh địa ngục. Như vậy, ba mươi ngày làm một tháng, mười hai tháng làm một năm, địa ngục đó thọ đến một vạn bốn ngày bốn trăm vạn năm, thọ mạng cũng không nhất định.

Một năm của trời Đâu suất dài bằng một ngày một đêm của Tiểu thanh địa ngục. Như vậy, ba mươi ngày làm một thán, mười hai tháng làm một năm, địa ngục đó thọ đến bảy ngàn hai trăm vạn năm, thọ mạng cũng không nhất định.

Một năm của trời Diệm ma dài bằng một ngày một đêm của Chúng hợp địa ngục. Như vậy, ba mươi ngày làm một tháng, mười hai tháng làm một năm, địa ngục đó thọ đến ba ngàn sáu trăm vạn năm, thọ mạng cũng không nhất định.

Một năm của trời Đao lợi dài bằng một ngày một đêm của Hắc thằng địa ngục. Như vậy, ba mươi ngày làm một tháng, mười hai tháng làm một năm, địa ngục đó thọ đến một ngàn tám trăm vạn năm, thọ mạng cũng không nhất định.

Một năm của trời Tứ thiên vương dài bằng một ngày một đêm của Hoạt địa ngục. Như vậy, ba mươi ngày làm một tháng, mười hai tháng làm một năm, địa ngục đó thọ đến chín trăm vạn năm, thọ mạng cũng không nhất định.

A tỳ địa ngục thọ mạng một đại kiếp, Đại nhiệt địa ngục thọ mạng nửa tiểu kiếp, chỉ có hai nơi nầy là thọ mạng nhất định.

Năm mươi năm ở cõi người dài bằng một ngày một đêm của cõi ngạ quỉ. Như vậy, ba mươi ngày làm một tháng, mười hai tháng làm một năm, cõi ngạ quỉ thọ đến năm ngàn năm, thọ mạng cũng không nhất định.

Trong cõi súc sanh, trừ loài rồng Nan đà và Bà nan đà, ngoài ra các loài khác, thọ mạng cũng không nhất định.

Một năm của A tỳ địa ngục dài bằng một ngày một đêm của trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Như vậy, ba mươi ngày làm một tháng, mười hai tháng làm một năm, cõi trời đó thọ mạng tám vạn kiếp. Trời Vô sở hữu xứ thọ mạng sáu vạn đại kiếp, trời Thức vô biên xứ thọ mạng bốn vạn đại kiếp, trời không vô biên xứ thọ mạng hai vạn đại kiếp.

[Giải]    Ở đây biện minh tạo nghiệp thiện ác được quả báo thọ mệnh dài ngắn, nói chung cho ba cõi, sáu đường.

Trời Tam thập tam, tức là trời Đao lợi.

Đại thanh địa ngục, chỗ khác gọi là Đại khiếu hoán địa ngục; Tiểu thanh địa ngục, tức là Tiểu khiếu hoán địa ngục; Hoạt địa ngục, tức là Đẳng hoạt địa ngục, thọ hình phạt chết xong, lại cùng sống trở lại, lại tiếp tục chịu khổ hình. A tỳ, dịch là vô gián, tức là quả báo của kẻ tạo tội ngũ nghịch, cho nên ngũ nghịch còn gọi là ngũ vô gián; trong các địa ngục, ngục này chịu khổ lâu nhất.

Nan đà bà nan đà, là tên một loài rồng, thọ mệnh một đại kiếp.

Không xứ, tức là không vô biên xứ; kẻ chứng được định này, thân tâm, thế giới, đều trở thành không, vô sở hữu.

G12. Nói tổng quát tướng trạng của nghiệp báo

Nếu có người chỉ còn rất ít phiền não, lại tham đắm “không định”, nên biết kẻ đó sẽ sanh lên bốn cõi vô sắc.

Từ lúc loài người thọ mạng mười năm, tăng gia đến khi loài người thọ mạng tám vạn năm, lại từ thọ mạng tám vạn năm giảm xuống thọ mạng mười năm, tăng giảm như vậy mười tám lần thì gọi là một trung kiếp. Ba lần tiểu tai đói kém, ba lần tiểu tai tật bệnh, một lần tiểu tai đao binh, thì gọi là một tiểu kiếp. Qua năm lần hai loại đại tai nước và lửa, thì có một phong tai, qua năm lần phong tai thì gọi là một đại kiếp.

Lúc châu Diêm phù đề khởi kiếp đao binh, thì người ở hai châu đông và tây tạm thời khởi tâm sân hận. Lúc châu Diêm phù đề khởi kiếp tật bệnh, thì người ở hai châu kia hơi bị bệnh đau đầu, sức khỏe cũng hơi suy kém. Lúc châu Diêm phù đề khởi kiếp đói kém, thì người ở hai châu kia thường tưởng nghĩ đến thức ăn. Châu Uất đan việt hoàn toàn không có những tai ách như vậy.

Do nhân duyên không sát hại nên được thọ mạng dài lâu, do nhân duyên trộm cắp nên thọ mạng giảm sút.

Có hai loại kiếp: (1) kiếp thủy, (2) kiếp hỏa. Lúc kiếp hỏa phát khởi, chúng sinh địa ngục nếu quả báo đã hết, đều được ra khỏi địa ngục, nếu như quả báo chưa hết, sẽ thác sanh vào các địa ngục ở phương khác. Nếu như tám địa ngục lớn ở cõi này không còn chúng sanh, thì gọi là chúng sanh thoát ly địa ngục. Tất cả chúng sanh trong bốn biển lớn, nếu nghiệp báo đã hết, đều được thoát ly, còn nếu nghiệp báo chưa hết, sẽ sanh và các biển lớn ở phương khác. Nếu trong biển không còn một chúng sanh nào, gọi là được thoát ly.

Từ mặt đất ở cõi Diêm phù đề thẳng xuống khoảng năm trăm do tuần, có thành của vua Diêm vương, châu vi rộng bảy vạn năm ngàn do tuần. Nếu như trong thành, nghiệp báo của chúng sanh ngạ quỉ đã hết, tất cả đều được ra khỏi, còn nếu nghiệp báo chưa hết, sẽ sanh vào thành Diêm vương ở phương khác. Nếu như trong thành không còn một chúng sanh nào, gọi là được thoát ly.

Lúc đó, có một chúng sanh nhờ nhân duyên nội tâm, đắc được sơ thiền, sau khi đắc, bèn lớn tiếng kêu rằng: “Sơ thiền tịch tĩnh, sơ thiền tịch tĩnh!” Mọi người nghe xong, liền tự tư duy, sau đó tất cả đều cùng đắc được sơ thiền, bèn xả thân người sinh lên sơ thiền.

Lúc đó, trong cõi sơ thiền, lại có một chúng sanh, nhờ nhân duyên nội tâm, tu đắc nhị thiền. Sau khi chứng đắc, bèn lớn tiếng kêu rằng: “Nhị thiền tịch tĩnh, nhị thiền tịch tĩnh!” Mọi người nghe xong, liền tự tư duy, đều cùng đắc được nhị thiền, bèn xả thân sơ thiền sanh lên nhị thiền.

Lúc đó, từ địa ngục A tỳ cho đến sơ thiền đều trống không, không còn một chúng sanh.

Thiện nam tử! Phía ngoài của bốn châu có núi Do càn đà, trong đó có bảy mặt trời. Chúng sanh do nhân duyên phước đức nên chỉ có một mặt trời xuất hiện, và nhờ đó mà được mùa màng cây cối. Đến lúc kiếp hỏa, bảy mặt trời đồng thời xuất hiện, thiêu rụi tất cả, từ cây lúa hoa quả, núi sông đất đá, núi Tu di, nhẫn đến cõi sơ thiền.

Lúc đó, chúng sanh cõi nhị thiền thấy cảnh hỏa tai, bèn sinh lòng lo sợ. Các vị trời sơ thiền sinh trước bèn bảo các vị trời mới đến: “Các ông đừng sợ, chúng tôi đã từng thấy cảnh hỏa tai này, chỉ đến cảnh sơ thiền là ngừng, không lan đến cõi này.”

Từ lúc chúng sanh thọ mười tuổi tăng lên cho đến tám vạn tuổi, rồi từ tám vạn tuổi giảm xuống cho đến mười tuổi, trải qua quảng thời gian như vậy, sức nóng của kiếp hỏa vẫn chưa dứt, lúc đó, từ cõi sơ thiền trung gian giáng xuống mưa lớn. Lại trải qua một khoảng thời gian thọ mạng loài người một lần tăng một lần giảm, do nhân duyên hành nghiệp của chúng sinh, phía dưới của thế giới này xuất hiện bảy tầng gió và mây để giữ nước mưa này lại. Lúc đó, mưa tạnh, trên mặt nước sinh ra một lớp màng, giống như chất bơ. Núi Tu di trong mỗi bốn châu từ từ xuất hiện, trong nước tự nhiên có đầy đủ tất cả mọi loại hạt giống. Lúc đó, ở cõi trời nhị thiền có một chúng sinh thọ mạng ngắn, phước hết, do nghiệp lực bèn sinh xuống thế gian, thọ mạng dài lâu, trên thân phát ra ánh sáng. Sống lâu một mình, tâm sinh phiền muộn, bèn nghĩ rằng: “Ta sống một mình đã lâu, nếu ta có phước, nguyện có người sanh đến đây làm bạn với ta.” Lúc khởi tâm niệm đó, ở cõi nhị thiền có chúng sinh phước mỏng mạng chung, do nhân duyên nghiệp lực cũng sinh xuống thế gian. Người đó thấy có người mới đến, lòng sinh vui mừng, tự nghĩ rằng: “Kẻ đó là do ta hóa sinh, ta có uy quyền đối với người đó.” Người mới đến cũng nghĩ rằng: “Ta do kẻ ấy sinh ra, kẻ ấy biến hóa ra ta, có uy lực đối với ta.” Do nhân duyên này, chúng sinh phát khởi ý tưởng ngã kiến.

Thiện nam tử! Ấm, giới, nhập, v.v…, thế giới chúng sinh, thế giới quốc độ, đều là do nhân duyên mười nghiệp mà hiện hữu.

[Giải]    Đoạn này biện minh tổng quát thời gian thọ báo đều là do nghiệp báo chúng sinh tạo tác.

Mười tám lần, kết hợp phần trước từ tám vạn tuổi giảm còn mười tuổi, và phần sau, từ mười tuổi tăng lên tám vạn tuổi, tổng cộng là hai mươi tiểu kiếp, tức là một trung kiếp.

Tám mặt trời xuất hiện, trên phương diện khoa học mà nói, có vẻ như không thể thành lập. Nhưng có những điều bất khả tư nghì, mà học vấn thế gian hiện vẫn còn chưa biết đến. Như lúc trước, báo chí có đăng các nhà thiên văn phát hiện Minh vương tinh (tức là Tử vương tinh), gần đây lại phát hiện một ngôi sao khác, ánh sáng và nhiệt độ đều vượt quá mặt trời; giả sử làm cho ngôi sao này di chuyển gần mặt trời, ắt trên mặt đất sẽ thấy hai mặt trời!

Hiện nay, các nhà sinh vật học nghiên cứu về nguồn gốc của sinh mệnh, nhiều giả thuyết khác nhau được đưa ra, hoặc cho rằng từ thế giới khác đến, hoặc cho rằng từ trong vật chất của thế giới này mà xuất hiện, tất cả đều không phải là chân lý. Bởi vì thế giới nguyên do nghiệp lực của tất cả chúng sinh mà sinh khởi, các loại chủng tử đều đã đầy đủ, khi nhân duyên ở thế giới này thành thục, các loại chủng tử đều sẽ sinh trưởng.

Một vị trời ở Nhị thiền sinh xuống Sơ thiền, tức là Đại phạm vương. Đầu tiên chỉ có ông ta, kế đó mới có những kẻ có duyên với ông ta, lần lượt sinh đến Sơ thiền, cho nên trên thế gian có người cho rằng Đại phạm thiên vương sáng tạo tất cả thế giới, nhân loại, vạn vật và làm chủ tể của tất cả; quan niệm sai lầm căn bản, là do từ đây mà phát sinh.

Ấm, tức là ngũ ấm, giới, tức là thập bát giới; nhập, tức là thập nhị nhập.

Trong từng loại từng loại, mà thành từng một từng một chúng sinh hữu tình, đều do vì thức thứ bảy Mạt na chấp ngã mà thành. Do vì ngã chấp, nên mới có từng cái ngã riêng biệt, do nghiệp thiện ác, mới chiêu cảm sự phát sinh của từng loại.

Thành Duy Thức Luận,  nghiên cứu biện minh triệt để về các pháp tướng vi tế này.

F6. Kết luận tại gia thù thắng

Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia có thể quán sát mười nghiệp đạo như vậy không có gì khó; Bồ tát tại gia, quán sát mười nghiệp đạo như vậy mới thực là khó. Vì sao? Vì kẻ tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.