Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

QUYỂN 3

Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2567 -2023

 

NGUYỆN LỰC HOẰNG THÂM ĐỆ NHỊ THẬP CỬU

Phẩm này nói rõ tất cả Bồ Tát trong cõi Cực Lạc đều có nguyện lực rộng sâu, quyết định Nhất Sinh Bổ Xứ. Nếu vị nào có bổn nguyện cứu độ chúng sinh, tuy đã vãng sinh về cõi Cực Lạc, nhưng chẳng bỏ rơi hữu tình trong đời ác, sẽ vào trong sinh tử cứu độ tất cả chúng sinh trong mười phương thế giới, khiến họ đều được vãng sinh thành Phật. Lần lượt cứu độ nhau chẳng có cùng tận. Cuối phẩm này là tán thán ân đức vô cực của Phật Vô Lượng Thọ.

KINH VĂN: 

Phục thứ A Nan! Bỉ Phật sát trung, sở hữu hiện tại, vị lai nhất thiết Bồ Tát giai đương cứu cánh Nhất Sinh Bổ Xứ, duy trừ đại nguyện, nhập sinh tử giới, vị độ quần sinh, tác sư tử hống, hoàn đại giáp trụ, dĩ hoằng thệ công đức nhi tự trang nghiêm. Tuy sinh Ngũ Trược ác thế, thị hiện đồng bỉ, trực chí thành Phật, bất thọ ác thú. Sinh sinh chi xứ, thường thức túc mạng.

VIỆT DỊCH: 

Lại này A Nan! Trong cõi Phật ấy, tất cả hiện tại, vị lai Bồ Tát đều sẽ rốt ráo được Nhất Sinh Bổ Xứ, chỉ trừ người có đại nguyện vào trong sinh tử để độ quần sinh, hiện sư tử hống, khoác đại giáp trụ, dùng công đức hoằng thệ để tự trang nghiêm. Tuy sinh trong đời ác Ngũ Trược, thị hiện đồng loại, cho đến khi thành Phật, không sa vào ác đạo. Sinh ở nơi nào cũng thường biết túc mạng. 

GIẢNG: 

Những điều nói trong phẩm này chính là kết quả của nguyện thứ ba mươi lăm “Nhất Sinh Bổ Xứ” và nguyện ba mươi sáu “Giáo hóa tùy ý”.

Bỉ Phật sát trung, sở hữu hiện tại, vị lai nhất thiết Bồ Tát giai đương cứu cánh Nhất Sinh Bổ Xứ, duy trừ đại nguyện, nhập sinh tử giới, vị độ quần sinh, tác sư tử hống” (Trong cõi Phật ấy, tất cả hiện tại, vị lai Bồ Tát đều sẽ rốt ráo được Nhất Sinh Bổ Xứ, chỉ trừ người có đại nguyện vào trong sinh tử để độ quần sinh, hiện sư tử hống). Lời nguyện thứ ba mươi lăm là: “Sinh ngã quốc giả, cứu cánh tất chí Nhất Sinh Bổ Xứ, trừ kỳ bổn nguyện vị chúng sinh cố, bị hoằng thệ khải, giáo hóa nhất thiết hữu tình, giai phát tín tâm, tu Bồ Đề hạnh, hành Phổ Hiền đạo. Tuy sinh tha phương thế giới, vĩnh ly ác thú” (Người sinh trong nước ta, ắt rốt ráo đạt đến Nhất Sinh Bổ Xứ, trừ người có bổn nguyện độ sinh, nên mặc giáp hoằng thệ, giáo hóa tất cả hữu tình, khiến họ đều phát tín tâm, hành đạo Phổ Hiền. Tuy sinh trong thế giới phương khác nhưng vĩnh viễn thoát khỏi đường ác). Ý nói: Phàm người sinh về cõi Cực Lạc đều đạt đến bậc Nhất Sinh Bổ Xứ. Chỉ những Bồ tát phát đại nguyện thù thắng, nguyện sinh vào cõi sinh tử để giáo hóa hữu tình. Đây là tâm đại từ bi, chính mình chưa thành Phật lại muốn độ hóa chúng sinh. Nhờ sức oai thần bổn nguyện của Phật A Di Đà gia trì, khiến họ có năng lực thần thông, trí tuệ để giáo hóa chúng sinh. Những gì chính tai họ nghe Phật Di Ðà thuyết pháp, liền đem những pháp ấy dạy lại cho chúng sinh, đây là triển chuyển cứu độ. Vì vậy, pháp họ thuyết ra đều giống như đức Như Lai đích thân thuyết pháp, cũng giống như Bồ Tát hiện sư tử hống.

“Hoàn đại giáp trụ” (khoác đại giáp trụ). Chữ “Hoàn” (擐 huàn) là mặc, mặc áo giáp lên thân là “hoàn”; “giáp trụ”: chữ

“trụ” (胄 zhòu) ở đây, theo giải thích của Hòa Thượng Tịnh Không, là “khải” (鎧 kăi) là loại áo có dát đồng để chiến sĩ mặc hộ thân trong thời cổ, nhằm tránh tên, đá đâm trúng thân thể. Ở đây, kinh ví von hành nhân chí nguyện Ðại thừa, đối địch sinh tử, dùng thệ nguyện làm giáp trụ để bảo vệ tuệ mạng của bản thân.

Quán kinh cũng nói: “Hoàn đại giáp trụ, dĩ hoằng thệ công đức nhi tự trang nghiêm” (Mặc đại giáp trụ, dùng công đức hoằng thệ để tự trang nghiêm) thật giống với ý đoạn kinh trong phẩm nầy.  “Tuy sinh Ngũ Trược ác thế, thị hiện đồng bỉ, trực chí thành Phật, bất thọ ác thú. Sinh sinh chi xứ, thường thức túc mạng” (Tuy sinh trong đời ác Ngũ Trược, thị hiện đồng loại, cho đến khi thành Phật, không sa vào ác đạo. Sinh ở nơi nào cũng thường biết túc mạng). Ý nói:  

Người từ cõi Cực Lạc tái sinh ở cõi này, tuy sống trong đời ác Ngũ Trược, thị hiện giống như phàm phu, cũng có đầu thai,cũng có sinh tử, nhưng mãi đến khi thành Phật, họ trọn chẳng đọa vào ác thú. Đời đời kiếp kiếp họ thường nhớ túc mạng, chẳng mê muội bản tâm, biết mình đang làm việc gì. Trong câu “thị hiện đồng bỉ” (thị hiện đồng loại), chữ “bỉ” (彼) ở đây chỉ chúng sinh trong uế độ.

Chỗ này, Hòa Thượng Tịnh Không lưu ý chúng ta: Người tái sinh từ cõi Cực Lạc đến đây, trên thực tế đó chỉ là ứng, hóa thân của họ, còn chân thân họ vẫn còn ở thế giới Tây phương Cực Lạc.

KINH VĂN: 

Vô Lượng Thọ Phật, ý dục độ thoát thập phương thế giới chư chúng sinh loại, giai sử vãng sinh kỳ quốc, tất linh đắc Nê Hoàn đạo. Tác Bồ Tát giả, linh tất tác Phật. Ký tác Phật dĩ, chuyển tương giáo thọ, chuyển tương độ thoát, như thị triển chuyển, bất khả phục kế. Thập phương thế giới, Thanh Văn, Bồ Tát, chư chúng sinh loại, sinh bỉ Phật quốc, đắc Nê Hoàn đạo, đương tác Phật giả, bất khả thắng số. 

VIỆT DỊCH: 

Vô Lượng Thọ Phật, ý muốn độ thoát các loài chúng sinh trong mười phương thế giới đều được sinh về cõi ấy, đạt đến Niết Bàn. Kẻ đã là Bồ Tát thì khiến họ được thành Phật. Người đã thành Phật, tiếp nối dạy dỗ, tiếp nối độ thoát, lần lượt như thế, chẳng thể tính nổi. Thanh Văn, Bồ tát, các loài chúng sinh trong mười phương thế giới sinh về cõi Phật ấy, đạt đến Niết Bàn, sẽ thành Phật, không thể tính số.

GIẢNG:   

“Vô Lượng Thọ Phật, ý dục độ thoát thập phương thế giới, chư chúng sinh loại, giai sử vãng sinh kỳ quốc, tất linh đắc Nê Hoàn đạo”.  Bổn ý của Phật A Di Ðà là muốn độ thoát chúng sinh trong mười phương thế giới được vãng sinh Cực Lạc, đạt đến Niết Bàn, viên mãn thành Phật. Chữ “Nê Hoàn” chính là Đại Niết Bàn, viên mãn thành Phật.

“Tác Bồ Tát giả, linh tất tác Phật. Ký tác Phật dĩ, chuyển tương giáo thọ, chuyển tương độ thoát, như thị triển chuyển, bất khả phục kế”. (Kẻ đã là Bồ Tát thì khiến họ được thành Phật. Người đã thành Phật thì tiếp nối dạy dỗ, tiếp nối độ thoát, lần lượt như thế, chẳng thể tính nổi). Do lần lượt độ thoát nhau như thế nên số lượng các Bồ Tát, Nhị Thừa, các loài chúng sinh trong tứ sinh, lục đạo ở mười phương được vãng sinh Cực Lạc, chứng đạo thành Phật “bất khả thắng số” (chẳng thể tính số).

KINH VĂN: 

Bỉ Phật quốc trung, thường như nhất pháp, bất vị tăng đa. Sở dĩ giả hà? Do như đại hải, vi thủy trung vương, chư thủy lưu hành, đô nhập hải trung. Thị đại hải thủy, ninh vi tăng giảm. 

VIỆT DỊCH: 

Trong cõi Phật ấy, thường như nhất pháp, không có tăng thêm. Vì sao vậy? Ví như biển cả là vua trong các dòng nước. Các dòng nước chảy đều đổ vào biển. Nước biển lớn đó không hề tăng, giảm. 

GIẢNG: 

Chư Phật thuyết pháp đều nương vào Nhị Đế. Thứ nhất là Chân Đế, đó là thật tướng các pháp mà Như Lai chứng được. “Chân Đế” rất thâm sâu kỳ diệu, phàm phu chúng ta không thể lý giải cũng không thể tưởng tượng được! Thứ hai là “Tục Đế”, là thường thức hiểu biết của thế gian, nên rất dễ hiểu, vì chúng ta thấy được, nghe được và tiếp xúc được. Thế nên, những gì đức Phật nói, chúng ta hiểu được thì thừa nhận; nếu quá thâm sâu, huyền diệu sẽ cho đó là mê tín, chẳng thể tin! Cũng may, hiện nay một số vấn đề Phật dạy đã được khoa học minh chứng đó là sự thật.

Ở đây, Phật nêu ra ví dụ, cũng là nương vào Tục Đế mà nói: Chân Đế không tăng không giảm; Tục Đế có tăng có giảm. “Bỉ Phật quốc trung thường như nhất pháp, bất vị tăng đa” (Trong cõi Phật ấy, thường như nhất pháp, không có tăng giảm). Chữ “nhất pháp” Phật nói ý nghĩa rất thâm sâu, chúng sinh khó thể lãnh hội, nên Phật dùng biển cả để thí dụ “do như đại hải, vi thủy trung vương, chư thủy lưu hành, đô nhập hải trung. Thị đại hải thủy, ninh vi tăng giảm”. Ý nói biển cả ví như Cực Lạc, các dòng nước ví như chúng sinh trong mười phương. Các dòng nước đổ vào biển, biển cả chẳng tăng thêm. Cũng thế, chúng sinh trong mười phương vãng sinh Cực Lạc số đông không cùng, nhưng số người ở Cực Lạc cũng chẳng tăng thêm. Hơn nữa, các Ðại Sĩ cõi Cực Lạc lại trở vào uế độ cứu độ quần sinh số nhiều vô lượng, nhưng thánh chúng cõi Cực Lạc cũng không suy giảm. Thế giới Cực Lạc là cõi pháp tánh, không có lớn nhỏ, cho nên “thường như nhất pháp, ninh hữu tăng giảm” (chỉ có một pháp, nào có tăng giảm). Biến pháp giới hư không giới là “nhất pháp”. Thật sự dung nhập vào “nhất pháp”, sẽ không còn khởi tâm động niệm, đây là cảnh giới của Diệu Giác Như Lai.

Nếu dùng toán học trong thế gian để giải thích: Trong toán học có con số “vô cực” (ký hiệu là ∞), nếu cộng thêm bao nhiêu hay trừ bớt bao nhiêu thì nó vẫn là con số vô cực. Ý nghĩa “vô cực” nầy cũng đồng với “thường như nhất pháp”, không có thay đổi.

Kinh Vô Lượng Thọ hiển thị cảnh giới sự sự vô ngại chẳng thể nghĩ bàn. Do Cực Lạc chính là Hoa Tạng, nên rộng hẹp tự tại, một chính là nhiều, nhiều chính là một, dung nhiếp lẫn nhau, không thể dùng ngôn ngữ hay tư duy mà thấu triệt nổi!

KINH VĂN: 

Bát phương thượng hạ, Phật quốc vô số. A Di Đà quốc, trường cửu quảng đại, minh hảo khoái lạc, tối vi độc thắng. Bổn kỳ vi Bồ Tát thời, cầu đạo sở nguyện, lũy đức sở trí. Vô Lượng Thọ Phật, ân đức bố thí bát phương thượng hạ, vô cùng vô cực, thâm đại vô lượng, bất khả thắng ngôn.

VIỆT DỊCH: 

Tám phương trên dưới có vô số cõi Phật. Cõi Phật A Di Ðà trường cửu, rộng lớn, sáng, đẹp, an lạc, thù thắng độc nhất. Ấy là do sở nguyện cầu đạo, tích lũy công đức khi còn làm Bồ Tát. Vô Lượng Thọ Phật bố thí ân đức khắp mười phương vô cùng vô cực, rộng sâu không lường, chẳng thể nói hết. 

GIẢNG: 

“Bát phương thượng hạ” (Tám phương, trên, dưới) là tám phương, cộng thêm phương trên, phương dưới thành ra mười phương.

“Phật quốc vô số. A Di Đà quốc, trường cửu quảng đại, minh hảo khoái lạc, tối vi độc thắng” (Cõi Phật A Di Ðà trường cửu, rộng lớn, sáng, đẹp, an lạc, thù thắng độc nhất): Ý nói, trong vô số cõi Phật ở mười phương, không cõi nào có thể sánh nổi cõi Cực Lạc về mặt “trường cửu, quảng đại, minh hảo, khoái lạc” (trường cửu, rộng lớn, sáng, đẹp, an lạc) nên kinh bảo “tối vi độc thắng” (thù thắng độc nhất). Vả lại, chỉ danh hiệu “A Di Đà” thôi, đã hàm nhiếp tất cả: Thọ mạng vô lượng, trí tuệ vô lượng, đức năng vô lượng, tướng hảo vô lượng, tất cả đều vô lượng.

Chữ “trường cửu” (長 久) là thường trụ, như kinh nói: “Kiến lập thường nhiên, vô suy, vô biến” (Kiến lập thường nhiên, không suy, không biến). Thế giới Cực Lạc không có biến hóa, không có sinh lão bệnh tử, không có sinh trụ dị diệt, không có xuân hạ thu đông, chỉ duy nhất một mùa xuân, không có nóng lạnh, cây cỏ thường xanh tươi, tốt đẹp vv…

Chữ “quảng đại” (廣 大 guăng dà) là rộng lớn, nên hiểu như trong ví dụ về biển cả vừa đề cập ở phần trên.

Chữ “Minh” (明 míng) là quang minh, sáng tịnh. “Hảo” (好 hăo) là tốt đẹp, trang nghiêm. “Khoái lạc” (快 樂 kuài lè ) là niềm vui, an lạc, như kinh Tiểu Bổn ghi: “Vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc” (không có các khổ, chỉ hưởng các niềm vui).

Theo cụ Hoàng Niệm Tổ, cõi Cực Lạc sở dĩ “tối vi độc thắng” (thù thắng độc nhất) là do “bổn kỳ vi Bồ Tát thời cầu đạo sở nguyện, lũy đức sở trí”, do đức Phật A Di Ðà lúc còn tu nhân đã phát đại nguyện, trong vô lượng kiếp, tích công lũy đức mới thành tựu được như thế.

“Vô Lượng Thọ Phật, ân đức bố thí bát phương thượng hạ, vô cùng vô cực, thậm đại vô lượng”. Ý nói Phật Vô Lượng Thọ đem ân đức vô thượng ấy bố thí khắp mười phương chẳng có cùng tận. Ân đức của Phật Di Ðà rộng sâu khó lòng diễn tả. Dẫu cho thân có trăm miệng, mỗi miệng có trăm lưỡi nói suốt cả kiếp, cũng không kể hết nổi, nên nói “bất khả thắng ngôn” (không thể nói hết). Ấy bởi, Phật A Di Đà trụ Chân Thật Tuệ, có thể ban bố Chân Thật Lợi, khiến tất cả chúng sinh cùng nhập Chân Thật Tế. Thật chẳng thể nghĩ bàn!

***

Đại Sư Chương Gia:

Quốc Sư của các triều đại cuối thời nhà Thanh (1890-1957), là vị Thầy xây dựng nền móng Phật Pháp vững chắc cho Ân sư (HT Tịnh Không).

Khi hỏa táng, nhục thân Đại Sư ở Đài Bắc, khói lửa nhục thân Đại Sư bốc lên tận tầng mây, hiện hình hoa sen tỏa chiếu hào quang rực rỡ, hương thơm bay xa mười dặm, xá lợi thu được trên 6000 viên. Đại sư được mọi người tán dương rằng: “Có thể so sánh Ngài với

Pháp Sư Huyền Trang thời nhà Đường.”