Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
QUYỂN 3
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2567 -2023
ĐẠI SĨ THẦN QUANG ĐỆ NHỊ THẬP BÁT
Phẩm này nói về thần thông, quang minh của các bậc Ðại Sĩ cõi Cực Lạc. Trong các thánh chúng, đặc biệt nêu rõ Quán Thế Âm Bồ Tát và Ðại Thế Chí Bồ Tát là cao tột bậc nhất. Oai thần, quang minh, công đức lợi sinh của hai vị Bồ Tát này đều vượt xa các bậc thánh khác.
KINH VĂN:
Phật cáo A Nan:
– Bỉ Phật quốc trung chư Bồ Tát chúng, tất giai đỗng thị, triệt thính bát phương, thượng hạ, khứ lai hiện tại chi sự. Chư thiên nhân dân, dĩ cập quyên phi nhuyễn động chi loại, tâm ý thiện ác, khẩu sở dục ngôn, hà thời độ thoát, đắc đạo vãng sinh, giai dự tri chi.
VIỆT DỊCH:
Phật bảo A Nan:
– Các Bồ Tát trong cõi Phật ấy thảy đều thấy suốt, nghe thấu các việc khắp tám phương, trên, dưới, trong quá khứ, hiện tại, vị lai. Tâm ý thiện ác của chư thiên nhân dân và các loài bò bay, xuẩn động, miệng (họ) muốn nói gì, khi nào (họ) được độ thoát, đắc đạo, vãng sinh, (các vị Bồ Tát ấy) đều biết trước cả.
GIẢNG:
“Bỉ Phật quốc trung chư Bồ Tát chúng, tất giai đỗng thị, triệt thính bát phương, thượng hạ, khứ lai hiện tại chi sự”. (Các Bồ Tát trong cõi Phật ấy thảy đều thấy suốt, nghe thấu các việc khắp tám phương, trên, dưới, trong quá khứ, hiện tại, vị lai). Câu“tất giai đỗng thị”, là thấy thông suốt khắp hư không pháp giới, nhất cử nhất động họ đều thấy hết, đây là Thiên Nhãn Thông. “Triệt thính” là nghe thấu suốt, đây là Thiên Nhĩ Thông.
“Bát phương, thượng hạ” là mười phương, ở đây chỉ không gian.
“Khứ lai, hiện tại”: Chữ “khứ” là quá khứ; “lai” là vị lai; ở đây chỉ thời gian.
“Chư thiên nhân dân, dĩ cập quyên phi nhuyễn động chi loại, tâm ý thiện ác, khẩu sở dục ngôn, hà thời độ thoát, đắc đạo vãng sinh, giai dự tri chi”.
“Tâm ý thiện ác, khẩu sở dục ngôn” (Tâm ý thiện ác, miệng muốn nói gì), Bồ tát cõi Cực lạc đều biết rõ cả, đây là Tha Tâm Thông.
Không những thế, Bồ tát còn rõ biết tất cả sự việc xảy ra trong vô lượng kiếp quá khứ, đây là Túc Mạng Thông. Biết việc trong hiện tại và vị lai cũng thuộc về Thiên Nhãn Thông. Do thần thông này có thể thấu suốt các việc chết đây, sinh kia trong lục đạo một cách vô ngại.
Tóm lại, đoạn kinh văn trên nói đến các thần thông của Bồ Tát cõi Tây phương Cực Lạc.
KINH VĂN:
Hựu bỉ Phật sát, chư Thanh Văn chúng, thân quang nhất tầm, Bồ Tát quang minh chiếu bách do-tuần. Hữu nhị Bồ Tát, tối tôn đệ nhất, oai thần quang minh, phổ chiếu tam thiên đại thiên thế giới.
A Nan bạch Phật: – Bỉ nhị Bồ Tát, kỳ hiệu vân hà?
Phật ngôn: – Nhất danh Quán Thế Âm, nhất danh Đại Thế Chí.
VIỆT DỊCH:
Các Thanh Văn trong cõi Phật ấy, thân quang chiếu một tầm. Quang minh của Bồ Tát chiếu trăm do-tuần. Có hai Bồ Tát tôn quý bậc nhất, oai thần, quang minh chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới.
A Nan bạch Phật: – Hai vị Bồ Tát ấy hiệu là gì?
Phật dạy: – Một vị tên là Quán Thế Âm, vị kia tên Ðại Thế Chí”.
GIẢNG:
Thánh chúng ở cõi Cực Lạc có đảnh quang và thân quang; quang minh tỏa ra từ nơi thân thì gọi là “thân quang”.
“Chư Thanh Văn chúng, thân quang nhất tầm, Bồ Tát quang minh chiếu bách do-tuần” (Các chúng Thanh Văn, thân quang một tầm, quang minh Bồ Tát chiếu trăm do-tuần ).
Chữ “Tầm” (尋 xín) là đơn vị đo chiều dài thời xưa, tám thước là một “tầm”. Ðàm Loan đại sư bảo: “Người thôn quê chẳng cần biết dài, ngắn, rộng, hẹp thế nào, cứ gọi khoảng cách giữa hai cánh tay giang thẳng ra là một Tầm”.
“Hữu nhị Bồ Tát, tối tôn đệ nhất, oai thần quang minh, phổ chiếu tam thiên đại thiên thế giới”
Theo chú giải của cụ Hoàng Niệm Tổ: Thân quang của Thanh Văn chỉ chiếu xa tám thước (thước cổ Trung Hoa chừng 0.33 cm), thân quang Bồ Tát “chiếu bách do-tuần” (chiếu trăm do-tuần). Oai thần, quang minh của tất cả Bồ Tát trong cõi Cực Lạc đều thù thắng, nhưng riêng có hai vị Bồ Tát thượng thủ là cao quý nhất trong tất cả Bồ tát: Một vị tên là Quán Thế Âm, một vị tên là Ðại Thế Chí. Oai thần quang minh cả hai vị Bồ Tát “phổ chiếu tam thiên đại thiên thế giới”.
“Quán Thế Âm Bồ Tát” còn được gọi là Quán Tự Tại Bồ Tát. Bồ Tát ấy nghe thấy người đời xưng niệm danh hiệu Ngài, liền rủ lòng từ bi cứu độ, nên hiệu là Quán Thế Âm. Ngài quán khắp pháp giới, tùy cơ duyên từng người mà tự tại dẹp khổ, ban vui, nên hiệu là Quán Tự Tại.
Hiểu sâu hơn, như sách Tâm Kinh Lược Sớ của ngài Pháp Tạng giảng: “Quán xét thông đạt cảnh Sự Lý vô ngại nên đặt tên là Quán Tự Tại. Lại do Ngài tùy theo cơ duyên mà đến cứu, tự tại chẳng bỏ sót nên có tên là Quán Thế Âm. Cách giải thích thứ nhất là nói về Trí, cách giải thích thứ hai là nói về Bi”.
Hòa Thượng Tịnh Không giải thích:
“Ư sự lý vô ngại chi cảnh, quán đạt tự tại, cố lập thử danh – Quán Tự Tại” (Quán xét thông đạt cảnh Sự Lý vô ngại nên đặt tên là Quán Tự Tại). Đây là cách giải thích danh hiệu Bồ tát dựa theo Sự, Lý. “Sự” là sự tướng, “Lý” là lý thể. Đạt đến cảnh giới lý sự vô ngại, sự sự vô ngại mới được gọi là Bồ tát Quán Tự Tại. “Hựu quán cơ vãng cứu, tự tại vô thất, cố danh vi Quán Thế Âm” (Lại do Ngài tùy theo căn cơ mà đến cứu, tự tại chẳng bỏ sót, nên có tên là Quán Thế Âm): Chúng sinh có cảm, Bồ tát có ứng, đây là cảm ứng đạo giao với chúng sinh.
Quán Thế Âm Bồ tát cùng Ðại Thế Chí Bồ tát là hai vị hiếp sĩ, đứng hầu hai bên Phật Di Ðà, giúp Phật giáo hóa, thường gọi là Tây Phương Tam Thánh.
Theo chú giải của cụ Hoàng: Hiển Giáo xem Ðại Sĩ là đệ tử của Phật A Di Ðà, Mật Giáo xem Ngài là hóa thân của A Di Ðà Phật. Lại nữa, Quán Âm Ðại Sĩ vốn là Chánh Pháp Minh Như Lai, như kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Ðại Bi Tâm Vô Ngại Ðà Ra Ni dạy: “Quán Thế Âm Bồ Tát bất khả tư nghị oai thần chi lực, dĩ ư quá khứ vô lượng kiếp trung, dĩ tác Phật cánh, hiệu Chánh Pháp Minh Như Lai, đại bi nguyện lực, vị dục phát khởi nhất thiết Bồ Tát, an lạc thành thục chư chúng sinh cố, hiện tác Bồ Tát” (Quán Thế Âm Bồ Tát, sức oai thần chẳng thể nghĩ bàn, trong vô lượng kiếp về quá khứ, đã từng thành Phật hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai. Do đại bi nguyện lực, vì muốn phát khởi tất cả Bồ Tát, muốn an lạc thành thục các chúng sinh, nên hiện làm Bồ Tát).
Kinh Quán Âm Tam Muội cũng nói: “Quán Âm tại ngã tiền tác Phật, danh Chánh Pháp Minh Như Lai, ngã vi khổ hạnh đệ tử” (Quán Âm thành Phật trước ta, tên là Chánh Pháp Minh Như Lai, ta là đệ tử khổ hạnh của Ngài). Chữ “ta” ở đây là đức Thích Ca Như Lai.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Quán Thế Âm Bồ Tát trong vô lượng kiếp trước ở nơi đức cổ Phật Quán Âm Như Lai thọ pháp Như Huyễn Văn, Huân Văn, Tu Kim Cang tam-muội. Từ Văn, Tư, Tu nhập tam-ma-địa, nghe lại tự tánh, đắc Vô Thượng Ðạo”.
Hòa Thượng Tịnh Không lưu ý: Quán Thế Âm Bồ tát ở đây, chỉ thời gian rất sớm; đây không phải là Bồ tát Quán Thế Âm ở thế giới Cực Lạc. Bồ tát ở thế giới Cực Lạc là Quán Thế Âm Như Lai.
Quán Kinh bảo trong viên quang trên đảnh của Ðại Sĩ “hữu ngũ bách hóa Phật như Thích Ca Mâu Ni, nhất nhất hóa Phật, hữu ngũ bách hóa Bồ Tát, vô lượng chư thiên dĩ vi thị giả” (Có năm trăm hóa Phật như Thích Ca Mâu Ni Phật, mỗi vị hóa Phật có năm trăm hóa Bồ Tát, vô lượng chư thiên làm thị giả) và “mi gian hào tướng, bị thất bảo sắc, lưu xuất bát vạn tứ thiên chủng quang minh, nhất nhất quang minh hữu vô lượng vô số bách thiên hóa Phật. Nhất nhất hóa Phật, vô số hóa Bồ Tát dĩ vi thị giả” (tướng bạch hào giữa lông mày trọn đủ màu thất bảo, tỏa ra tám vạn bốn ngàn thứ quang minh. Mỗi quang minh có vô lượng vô số trăm ngàn hóa Phật. Mỗi hóa Phật có vô số hóa Bồ Tát làm thị giả).
“Ðại Thế Chí Bồ Tát” là Bồ Tát đại trí, đại thế lực có thể đến khắp mọi nơi, tận hư không khắp pháp giới, nên hiệu là Ðại Thế Chí.
Theo kinh Lăng Nghiêm, Ðại Sĩ “dĩ niệm Phật tâm, nhập Vô Sinh Nhẫn… bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai…. Kim ư thử giới, nhiếp niệm Phật nhân, quy ư Tịnh Độ” (dùng tâm niệm Phật nhập Vô Sinh Nhẫn… chẳng nhọc phương tiện, tự được tâm khai… Nay trong cõi này (Sa Bà) nhiếp người niệm Phật quy về Tịnh Ðộ). “Chẳng nhọc phương tiện”: Chữ “phương tiện” ở đây là chỉ những pháp môn khác. Đại Thế Chí Bồ tát không dùng pháp môn khác, chỉ theo đuổi một câu danh hiệu Phật đơn giản mà thành tựu. Quán Kinh nói: “Dĩ trí tuệ quang, phổ chiếu nhất thiết, linh ly tam đồ, đắc vô thượng lực. Thị cố, hiệu thử Bồ Tát vi Đại Thế Chí” (Dùng ánh sáng trí tuệ, chiếu soi tất cả, khiến họ lìa ba đường, được sức vô thượng. Vì vậy, vị Bồ Tát nầy hiệu là Ðại Thế Chí).
Kinh Bi Hoa nói: “Do nhữ nguyện thủ đại thiên thế giới cố, kim tự nhữ Đại Thế Chí” (Do ông nguyện giữ lấy tam thiên đại thiên thế giới nên nay danh hiệu ông là Ðại Thế Chí).
Kinh Tư Ích cũng nói: “Ngã đầu túc chi xứ, chấn động tam thiên đại thiên thế giới cập ma cung điện. Cố danh Đại Thế Chí” (Nơi ta nhấn đầu ngón chân, liền chấn động tam thiên đại thiên thế giới và cung điện của ma nên có tên là Ðại Thế Chí): Chữ “ngã” (ta) ở đây là Bồ tát Đại Thế Chí.
Quán Kinh lại bảo: “Thử Bồ Tát hành thời, thập phương thế giới nhất thiết chấn động. Đương địa động thời, hữu ngũ bách ức bảo hoa, nhất nhất bảo hoa, trang nghiêm cao hiển, như Cực Lạc thế giới” (Vị Bồ Tát nầy lúc đi, tất cả mười phương thế giới đều chấn động. Ngay trong lúc cõi đất chấn động, có năm trăm ức hoa báu, mỗi hoa báu trang nghiêm, cao, rạng như cõi Cực Lạc).
Theo Hòa Thượng Tịnh Không, chữ “hành” trong “Bồ tát hành thời” có nghĩa là hành đạo. Bồ tát Đại Thế Chí giảng kinh, thuyết pháp, giáo hóa chúng sinh “thập phương thế giới, nhất thiết chấn động” (mười phương thế giới, tất cả chấn động), ý nói: Bồ tát giáo hóa chúng sinh là “cảm”; chúng sinh tiếp thu, tin nhận là “ứng”, có người được khai ngộ, đại triệt đại ngộ, có người được tammuội, có người bỏ ác hành thiện, cải tà quy chánh v.v. đây là tác động tâm lý, chấn động được lòng người.
“Đương địa động thời, hữu ngũ bách ức bảo hoa” (Ngay trong lúc cõi đất chấn động, có năm trăm ức hoa báu), ý nói: Lúc Bồ tát thuyết pháp, lời Ngài phát xuất từ tự tánh, nên không những tác động đối với loài hữu tình mà ngay đến loài vô tình như cây cỏ, hoa lá, núi sông, rừng, biển đều rung động.
Ðại Nhật Kinh Sớ, quyển năm chép: “Giống như quốc vương, đại thần trong đời oai thế tự tại, nên Ngài tên là Ðại Thế Chí. Vị thánh giả ấy (Ðại Thế Chí Bồ Tát) đã đạt được địa vị đại bi tự tại như thế nên có tên như vậy”.
Quán kinh còn bảo: “Ư nhục kế thượng hữu nhất bảo bình, thịnh chư quang minh, phổ hiện Phật sự. Dư chư thân tướng, như Quán Thế Âm, đẳng vô hữu dị” (Trên nhục kế của Ðại Sĩ có một bình báu, chứa đầy các quang minh, hiện khắp các Phật sự. Các thân tướng khác đều giống hệt như Bồ Tát Quán Thế Âm không chút sai khác). Ý nói: Dáng vẻ của hai vị Bồ tát hoàn toàn giống nhau, chỉ khác ở: Đỉnh đầu đức Bồ tát Quán Thế Âm có tượng Phật A Di Đà; đỉnh đầu của Bồ tát Đại Thế Chí có bình báu chứa đầy hào quang trí tuệ, chiếu soi tất cả việc Phật.
KINH VĂN:
Thử nhị Bồ Tát, ư Sa Bà giới, tu Bồ Tát hạnh, vãng sinh bỉ quốc, thường tại A Di Đà Phật tả hữu. Dục chí thập phương vô lượng Phật sở, tùy tâm tắc đáo. Hiện cư thử giới, tác đại lợi lạc. Thế gian thiện nam tử, thiện nữ nhân, nhược hữu cấp nạn khủng bố, đản tự quy mạng Quán Thế Âm Bồ Tát, vô bất đắc giải thoát giả.
VIỆT DỊCH:
Hai vị Bồ Tát nầy ở trong thế giới Sa Bà, tu hạnh Bồ Tát, vãng sinh về cõi kia, thường ở hai bên Phật A Di Ðà. Muốn đến vô lượng chỗ đức Phật trong mười phương, cứ nghĩ liền đến. Hiện ở thế giới nầy, làm đại lợi lạc. Thiện nam tử, thiện nữ nhân trong đời, nếu có tai nạn ngặt nghèo kinh sợ, chỉ cần tự quy mạng Quán Thế Âm Bồ Tát thì không ai mà chẳng được cứu thoát.
GIẢNG:
“Thử nhị Bồ Tát, ư Sa Bà giới, tu Bồ Tát hạnh, vãng sinh bỉ quốc”. Ý nói hai vị Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí đều đã từng ở trong Sa Bà thế giới tu Bồ Tát hạnh, được vãng sinh về Tây phương Cực Lạc, làm gương cho mười phương chúng sinh, cầu vãng sinh Tịnh Độ.
Câu “hiện cư thử giới” (hiện sống trong cõi này), “thử giới” chính là thế giới Sa Bà. Hai vị Bồ Tát này có nhân duyên sâu đậm với chúng sinh cõi Sa Bà.
“Tác đại lợi lạc” (làm đại lợi lạc) là nhiếp thủ chẳng bỏ người niệm Phật, khiến họ lìa tam đồ, được vô thượng lực, vãng sinh Cực Lạc.
Quán Thế Âm Bồ Tát được cõi đời xưng tụng là Quán Thế Âm Bồ Tát Cứu Khổ Cứu Nạn.
Phẩm Phổ Môn kinh Pháp Hoa có nói: Chúng sinh khổ não “nhất tâm xưng danh, Quán Thế Âm Bồ Tát tức thời quán kỳ âm thinh, giai đắc giải thoát” (nhất tâm xưng danh, Quán Thế Âm Bồ Tát lập tức liền xem xét âm thinh ấy, đều được cứu thoát). Kinh còn nói: “Thị Bồ Tát Ma Ha Tát, ư bố úy cấp nạn chi trung, năng thí vô úy, thị cố thử Sa Bà thế giới giai hiệu chi vi Thí Vô Úy giả” (Vị Bồ Tát Ma Ha Tát đó hay ban sự vô úy cho kẻ đang trong tai nạn ngặt nghèo sợ hãi, nên thế giới Sa Bà nầy gọi Ngài là đấng Thí Vô Úy). Vì vậy, “nhược hữu cấp nạn khủng bố, đản tự quy mạng Quán Thế Âm Bồ Tát, vô bất đắc giải thoát”. Ý nói: Nếu có tai nạn ngặt nghèo sợ hãi, chỉ cần chí tâm quy hướng Ðại Sĩ, thiết tha chân thành trì danh hiệu Ngài “Nam mô đại từ đại bi Quán Thế Âm Bồ Tát” thì đều được cứu thoát.