Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

QUYỂN 3

Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2567 -2023

 

CA THÁN PHẬT ĐỨC ĐỆ NHỊ THẬP THẤT

KINH VĂN

Phật ngữ A Nan: – Bỉ quốc Bồ Tát, thừa Phật oai thần, ư nhất thực khoảnh, phục vãng thập phương vô biên tịnh sát, cúng dường chư Phật. Hoa hương, tràng phan, cúng dường chi cụ, ứng niệm tức chí, giai hiện thủ trung, trân diệu thù đặc, phi thế sở hữu, dĩ phụng chư Phật, cập Bồ Tát chúng. Kỳ sở tán hoa, tức ư không trung, hợp vi nhất hoa. Hoa giai hướng hạ, đoan viên châu táp, hóa thành hoa cái, bách thiên quang sắc, sắc sắc dị hương, hương khí phổ huân. Cái chi tiểu giả, mãn thập do-tuần, như thị chuyển bội, nãi chí biến phú tam thiên đại thiên thế giới. Tùy kỳ tiền hậu, dĩ thứ hóa một. Nhược bất cánh dĩ tân hoa trùng tán, tiền sở tán hoa chung bất phục lạc. Ư hư không trung, cộng tấu thiên nhạc, dĩ vi diệu âm ca thán Phật đức. 

VIỆT DỊCH: 

Phật bảo A Nan: – Bồ Tát cõi ấy, nhờ oai thần của Phật, trong khoảng bữa ăn, đến vô biên Tịnh Ðộ khắp mười phương cúng dường chư Phật. Hoa, hương, tràng phan, vật cúng dường, khởi niệm liền đến, đều xuất hiện trong tay. Các thứ trân bảo thù thắng đặc diệu, thế gian không thể có, để cúng dường chư Phật và chúng Bồ Tát. Hoa được rải lên, liền ở ngay trên không trung, hợp thành một hoa. Hoa đều hướng xuống phía dưới, tròn trịa đều đặn, hóa thành lọng hoa trăm ngàn quang sắc. Mỗi sắc có hương thơm khác nhau, mùi hương xông khắp. Cái lọng nhỏ nhất đã chiếm trọn cả mười do-tuần. Cứ lớn dần như thế cho đến che trùm cả tam thiên đại thiên thế giới. Theo thứ tự trước sau lần lượt biến mất. Nếu chẳng dùng hoa mới để rải lên thì hoa đã rải trước trọn chẳng rơi xuống. Ở trong hư không cùng tấu nhạc trời, dùng âm thanh vi diệu tán thán Phật đức. 

GIẢNG: 

Phẩm trước là mười phương Chánh Sĩ đến cõi Cực Lạc lễ bái, cúng dường, nghe pháp. Phẩm nầy là Bồ Tát cõi Cực Lạc đến khắp mười phương, lễ kính, cúng dường chư Phật rồi lại trở về cõi mình nghe giảng diệu pháp.

“Bỉ quốc Bồ tát” (Bồ tát cõi ấy): Cõi ấy ở đây là chỉ cõi Cực Lạc.

“Thừa Phật oai thần” (nhờ oai thần của Phật) là nương vào sức oai thần gia bị của Phật A Di Ðà như trong phần trước kinh có dạy: “Thử giai Vô Lượng Thọ Phật oai thần lực cố, bổn nguyện lực cố” (Đấy đều là do sức oai thần, bổn nguyện của Phật Vô Lượng Thọ), nên mới có năng lực Ư nhất thực khoảnh, phục vãng thập phương vô biên tịnh sát, cúng dường chư Phật” (Trong khoảng bữa ăn, đến vô biên cõi tịnh trong mười phương cúng dường chư Phật). Chữ “Vãng” là đi; chữ “phục” là quay lại. Thời gian đi và về chỉ khoảng bằng một bữa ăn. Ðây chính là kết quả của nguyện thứ mười một “Biến cúng chư Phật” (cúng khắp chư Phật). 

“Hoa hương, tràng phan, cúng dường chi cụ, ứng niệm tức chí” (Hoa hương tràng phan, vật cúng dường, hễ nghĩ liền đến) chính là kết quả của nguyện thứ ba mươi bảy: “y thực tự chí”.

“Giai hiện thủ trung, trân diệu thù đặc, phi thế sở hữu” (Đều xuất hiện trong tay các thứ trân bảo thù thắng đặc diệu, thế gian không thể có). Trong các vật cúng đó, đặc biệt lấy hoa làm biểu trưng.

“Kỳ sở tán hoa, tức ư không trung, hợp vi nhất hoa” (Hoa được rải lên, liền ở ngay trên không trung, hợp thành một hoa). Câu “hợp vi nhất hoa” (hợp thành một hoa) ngụ ý vô biên công đức cúng dường của chư Bồ tát đều nhập vào trong một câu hồng danh “Nam mô A Di Đà Phật”, mười phương chúng sinh đồng quy Di Ðà Nhất Thừa nguyện hải. Tất cả trang nghiêm của y báo và chánh báo cõi Cực Lạc là một pháp cú.

“Hoa giai hướng hạ, đoan viên châu táp, hóa thành hoa cái” (Hoa đều hướng xuống phía dưới, tròn trịa đều đặn, hóa thành lọng hoa): Chữ “Hoa cái” là lọng hoa, ngầm nói lên mỗi vị Bồ tát là một đóa hoa; vô lượng Bồ tát họp thành lọng hoa.

Sách Pháp Hoa Huyền Tán bảo: “Xứ Tây Vực nóng bức, đa số phải che, đội. Họ hay dùng hoa để trang sức, nên gọi là lọng hoa”. Lọng hoa cõi Cực Lạc do vạn đức kết thành nên trong một cái lọng hàm chứa vô biên đức tướng, vi diệu khó thể suy nghĩ tưởng.

“Bách thiên quang sắc, sắc sắc dị hương, hương khí phổ huân” (Trăm ngàn quang sắc, mỗi sắc có hương thơm khác nhau, mùi hương xông khắp): Một cái lọng có cả trăm ngàn quang sắc, trăm ngàn mùi hương.

Bởi“hương khí phổ huân” (mùi hương xông khắp). Ý nói trăm ngàn quang minh, trăm ngàn màu sắc, trăm ngàn mùi hương đều lan tỏa khắp.

“Cái chi tiểu giả, mãn thập do-tuần. Như thị chuyển bội, nãi chí biến phú tam thiên đại thiên thế giới”. (Cái lọng nhỏ nhất chiếm trọn mười do -tuần. Cứ lớn dần như thế, cho đến che trùm cả tam thiên đại thiên thế giới).  Lọng lớn hay nhỏ ở đây ngụ ý tùy thuộc tâm lượng của mỗi người. Có lọng lớn từ “mười do-tuần” cho đến “biến phú tam thiên đại thiên thế giới” (che trùm cả tam thiên đại thiên thế giới).

“Tùy kỳ tiền hậu, dĩ thứ hóa một” (Theo thứ tự trước, sau lần lượt biến mất). Ý nói: Người đến sau rải hoa mới thì hoa của người cúng dường trước liền biến đi; rõ ràng là các vật cúng nhiệm mầu ấy biến hiện tùy tâm.

 “Ư hư không trung, cộng tấu thiên nhạc” (Ở trong không trung, cùng tấu nhạc trời), ý nói: Các Bồ Tát dùng thiên nhạc để cúng Phật, nên nói “Dĩ vi diệu âm ca thán Phật đức” (dùng âm thanh vi diệu tán thán Phật đức). Như vậy, các Bồ Tát cõi Cực Lạc trong khi lễ bái, cúng dường còn tán thán Chư Phật. Đây là ba nguyện đầu tiên trong thập nguyện của Phổ Hiền Bồ tát: Lễ kính chư Phật, xưng tán Như Lai và quảng tu cúng dường. Chữ “Phật đức” là tất cả công đức của Như Lai.

Câu Xá Luận bảo: “Phật đức giả, chư hữu trí giả, tư duy Như Lai tam chủng viên đức, thâm sinh ái kính” (Những người có trí suy nghĩ ba thứ đức viên mãn của Như Lai sinh lòng kính mến sâu sắc). “Ba đức ấy là gì? Một là nhân viên đức, hai là quả viên đức, ba là ân viên đức”

1. – Nhân viên đức: Bồ tát tu thành Phật cần phải trải qua ba đại A tăng kỳ kiếp mới thành tựu. Phật A Di Đà muốn tu thành thế giới Cực Lạc phải trải qua năm đại kiếp, đây là “nhân viên đức”.

2. – Quả viên đức: Từ “nhân viên đức” phát huy thành “quả viên đức”, đây là tác dụng của trí tuệ Bát Nhã vốn có trong tự tánh.

3. – Ân viên đức: Là nghĩ nhớ đến ân đức sâu dày của Phật, phổ độ tất cả chúng sinh thành Phật.

KINH VĂN: 

Kinh tu du gian, hoàn kỳ bổn quốc, đô tất tập hội thất bảo giảng đường. Vô Lượng Thọ Phật, tắc vị quảng tuyên đại giáo, diễn sướng diệu pháp, mạc bất hoan hỉ, tâm giải đắc đạo. 

VIỆT DỊCH: 

Trong khoảnh khắc, trở về nước mình, đều cùng tụ hội nơi thất bảo giảng đường. Vô Lượng Thọ Phật liền vì họ rộng tuyên đại giáo, diễn nói diệu pháp, không ai chẳng hoan hỉ, tâm giải đắc đạo. 

GIẢNG: 

Ðoạn kinh văn trên trần thuật các Bồ Tát du hành mười phương cúng dường chư Phật xong trở về Cực Lạc, nhóm tại giảng đường thất bảo,nghe Phật thuyết pháp.

“Kinh tu du gian hoàn kỳ bổn quốc, đô tất tập hội thất bảo giảng đường” (Trong khoảnh khắc, trở về nước mình, đều cùng tụ hội nơi thất bảo giảng đường).“Tu du gian” (trong khoảnh khắc): “Tu Du” là thời gian rất ngắn, tương đương với bốn mươi tám giây hiện nay (theo Câu Xá Luận quyển mười hai). Bản Ðường dịch ghi là: “Thần triêu cúng dường tha phương chư Phật” (Sáng sớm cúng dường chư Phật các phương khác), lại bảo: “Tức ư thần triêu, hoàn đáo bổn quốc” (Ngay trong buổi sớm, trở về nước mình). Ðây chính là ý nghĩa thật sự của “tu du gian” (trong khoảnh khắc).

“Vô Lượng Thọ Phật, tắc vị quảng tuyên đại giáo, diễn sướng diệu pháp”. (Phật Vô Lượng Thọ liền vì họ rộng tuyên đại giáo, diễn nói diệu pháp).Theo Khởi Tín Luận, “đại giáo” chính là pháp Nhất Thừa. Thế nào là Nhất Thừa? – Phương pháp trực tiếp thành Phật là Nhất Thừa!

“Mạc bất hoan hỉ, tâm giải đắc đạo”. (Không ai mà chẳng hoan hỉ, tâm giải đắc đạo).  Bồ Tát nghe xong đều đại hoan hỉ, tự tâm khai ngộ, chứng nhập Thánh đạo. Chữ“Ðạo” ở đây là trí tuệ đoạn “Hoặc” chứng Lý. Nguyện phát khởi trí tuệ ấy nên gọi là “đắc đạo”.

Trong tác phẩm Vô Lượng Thọ Kinh Khởi Tín Luận, cư sĩ Bành Tế Thanh đã viết:

“Hỏi: Phật Vô Lượng Thọ thuyết pháp chỉ thuần thuyết  Nhất Thừa hay thuyết cả ba thừa? Nếu nói thuần Nhất Thừa thì sao lại có chúng Thanh Văn? Nếu giảng cả ba thừa thì cớ sao Nhị Thừa chẳng được sinh về nước ấy?

Ðáp: Thuần giảng Nhất Thừa, hoàn toàn không nói tam thừa. Không chỉ Phật ở giảng đường thất bảo dạy thuần Nhất Thừa, mà thậm chí đến mỗi một cành hoa, mỗi một quang minh, tiếng gió thổi, tiếng nước chảy, tiếng âm nhạc cũng đều thuần nói Nhất Thừa, không hề có ba thừa như Diệu Pháp Liên Hoa kinh nói: ‘Thập phương thế giới trung, thượng vô Nhị Thừa, hà huống hữu tam?” (Trong mười phương thế giới, còn không có hai thừa, huống hồ có đến ba?)

Chỉ vì căn tánh chúng sinh sai khác nên nghe có sai khác, chứng đắc bất đồng. Cho nên trong phần trước kinh mới nói: Hoặc nghe tiếng Phật, hoặc nghe tiếng Pháp, hoặc nghe tiếng Tăng, hoặc tiếng Tịch Tĩnh, tiếng Không, Vô Ngã cho đến tiếng Cam Lộ Quán Ðảnh… Những người nghe được thì hoặc chứng quả Tu Ðà Hoàn, quả Tư Ðà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán, cho đến Bất Thoái Chuyển Bồ Tát, như trong các bản dịch khác có chép đủ. Ðây chính là thuận theo các cõi Phật khác mà có danh hiệu bốn quả, chớ thật ra đều quyết định thành Phật, chẳng nhận lấy Hữu Dư Niết Bàn là vì có thể hồi Tiểu hướng Ðại, là do bổn nguyện của Phật vậy”.

Hòa Thượng Tịnh Không khen ngợi lời giải của cư sĩ Bành Tế Thanh thật rất sắc bén, không có chút nghi ngờ, khẳng định cho chúng ta biết toàn là Nhất Thừa. Câu “chỉ vì căn tánh chúng sinh sai khác nên nghe có sai khác, chứng đắc bất đồng”, cũng như khi chúng ta xem chú giải của Cổ Đức, cùng một bộ kinh, rất nhiều người chú giải khác nhau. – Có chú giải sai không? – Không có! Cách nói của ai cũng có lý, đấy chính là cách nhìn của mỗi người khác nhau. Như trong kinh Lăng Nghiêm có kể chuyện “người mù sờ voi”, cách nói của mỗi người một khác, nhưng tất cả đều đúng. Vì thế, người biết học phải biết tổng hợp tất cả các thứ đa dạng đó, tạo cho mình một cách nhìn toàn diện.

Câu “hoặc nghe tiếng Phật, hoặc nghe tiếng Pháp, hoặc nghe tiếng Tăng, hoặc nghe tiếng Tịch Tĩnh, tiếng Không, Vô Ngã, cho đến tiếng Cam Lộ Quán Đảnh”: Có nghĩa là do sự khác biệt về căn tánh, trí tuệ, nhân duyên của mỗi cái nhân mà họ nhìn thấy, nghe thấy, cảm nhận thế giới Cực Lạc đều không giống nhau. Cụ Hoàng Niệm Tổ nhận xét: Thuyết này thật tinh yếu!

KINH VĂN: 

Tức thời hương phong xuy thất bảo thụ, xuất ngũ âm thinh, vô lượng diệu hoa, tùy phong tứ tán. Tự nhiên cúng dường, như thị bất tuyệt. 

VIỆT DỊCH: 

Ngay khi ấy, gió thơm thổi qua cây bảy báu, phát ra tiếng ngũ âm, vô lượng diệu hoa theo gió bay khắp bốn phương, tự nhiên cúng dường, chẳng dứt như thế. 

GIẢNG:

Ðoạn kinh văn trên nói về các vật vô tình trong cõi Cực Lạc  nghe pháp cũng cúng dường một cách rất mầu nhiệm.

“Tức thời hương phong xuy thất bảo thụ, xuất ngũ âm thinh, vô lượng diệu hoa, tùy phong tứ tán” (Ngay khi ấy, gió thơm thổi qua cây bảy báu, phát ra tiếng ngũ âm, vô lượng diệu hoa theo gió bay khắp bốn phương): Đây là cảm ứng! Gió thơm thổi qua cây báu, phát ra tiếng ngũ âm, đây là dùng âm nhạc mầu nhiệm để cúng dường. Vô lượng diệu hoa theo gió bay khắp, đây là dùng diệu hoa để cúng dường.

“Tự nhiên cúng dường, như thị bất tuyệt”: Các thứ cúng dường như vậy đều do tự nhiên, mãi mãi không dứt. Thế giới Cực Lạc có gió thơm, có hoa trời, nhạc trời cúng dường. Thế giới chúng ta thì sao? – Có động đất, có thiên tai, nước biển dâng cao, núi lửa phun trào…! Đây đều do tâm hành con người chiêu cảm!

Sách Hội Sớ nói: “Tự nhiên cúng dường, chẳng phải là pháp hữu vi”. “Pháp hữu vi” là pháp sinh diệt, không thật. Y chánh ở thế giới Tây phương Cực Lạc đều do tự nhiên, không do con người tác động. Đây là cảnh giới của vô ngã, vô nhân, vô chúng sinh, vô thọ giả như kinh Kim Cang nói: Tất cả đều tâm tưởng sự thành.

Nếu nơi đây chúng ta cố gắng vâng lời Phật dạy, y giáo tu hành, tuy không được trang nghiêm như cõi Tây phương Cực Lạc, chúng ta cũng có được một chút cảm ứng tự nhiên.

Từ thập niên năm 80, tôi (tức Hòa Thượng Tịnh Không) đã rời khỏi Đài Loan đến hoằng pháp ở Mỹ, Canada. Lúc đó, tôi không sử dụng tiền bạc nữa. Mọi vật dụng, thức ăn, chỗ ở cần thiết, Phật tử đã chuẩn bị cho tôi hết rồi. Bản thân tôi chưa bao giờ đi may mặc, tất cả đều do Phật tử cúng dường. Bây giờ, có thể mở tiệm kinh doanh y phục được, nhiều đến như vậy! Ai mặc vừa thì có thể mang đi. Muốn có sách tham khảo, lập tức có người mang đến. Đây là công đức tôi tích lũy có được trong sáu mươi năm nay. Đức Phật A Di Đà còn tuyệt vời hơn, Ngài có đến năm kiếp tu hành mới thành tựu được y chánh trang nghiêm của thế giới Cực Lạc. Chúng ta, chỉ mới có chút thời gian ngắn ngủi tu tập mà thôi!

KINH VĂN: 

Nhất thiết chư thiên, giai tê bách thiên hoa hương, vạn chủng kỹ nhạc, cúng dường bỉ Phật, cập chư Bồ Tát, Thanh Văn chi chúng. Tiền hậu vãng lai, hi di khoái lạc. Thử giai Vô Lượng Thọ Phật bổn nguyện gia oai, cập tằng cúng dường Như Lai, thiện căn tương tục, vô khuyết giảm cố, thiện tu tập cố, thiện nhiếp thủ cố, thiện thành tựu cố.

VIỆT DỊCH: 

Tất cả chư thiên, đều mang trăm ngàn hoa hương, vạn chủng kỹ nhạc, cúng dường đức Phật ấy và các vị Bồ Tát, Thanh Văn. Trước, sau, qua lại, vui vẻ khoái lạc. Ðấy đều là do Phật Vô Lượng Thọ gia hộ và do thiện căn từng cúng dường Như Lai liên tục chẳng khuyết giảm, do khéo tu tập, khéo nhiếp thủ, khéo thành tựu vậy. 

GIẢNG:

Công đức thành tựu của Phật A Di Đà là vô lượng, vô biên, thù thắng không gì sánh bằng, cho nên tự nhiên cảm đến tất cả chư thiên, chúng trời trong tất cả quốc độ chư Phật. Ðoạn kinh văn trên đây tường thuật việc chư thiên cúng dường.

“Nhất thiết chư thiên, giai tê bách thiên hoa hương, vạn chủng kỹ nhạc cúng dường bỉ Phật, cập chư Bồ Tát, Thanh Văn chi chúng” (Tất cả chư thiên, đều mang trăm ngàn hoa hương, muôn thứ kỹ nhạc, cúng dường đức Phật ấy và các Bồ Tát, Thanh Văn): Chữ “tê” (齎) là tặng, là mang cho. Chữ “Hi di” (熙 怡) là vui vẻ.

Chư thiên hoan hỉ, được đầy đủ nhân duyên phước đức để cúng Phật một cách thù thắng như thế là do ba nguyên nhân:

* Một là “Giai Vô Lượng Thọ Phật bổn nguyện gia oai”: Nghĩa là đều do oai đức bổn nguyện của Phật A Di Đà gia bị nên chư thiên mới có thể đến được cõi Cực Lạc để hưng khởi sự cúng dường lớn. Trong đại nguyện thứ hai mươi lăm “thiên nhân lễ kính” của Phật A Di Đà có câu: “Chư thiên nhân dân mạc bất chí kính” (Chư thiên, nhân dân, không ai mà chẳng hết sức cung kính). Chư thiên nghe được tên tuổi của hành nhân tin ưa Ðại Thừa còn lễ kính, thì lẽ nào lại chẳng kính lễ đấng giáo chủ cõi Cực Lạc hay sao?

* Hai là “tằng cúng dường Như Lai, thiện căn tương tục, vô khuyết giảm cố”: Nghĩa là chư thiên đến được cõi Cực Lạc để cúng dường Phật, đều do trong quá khứ họ đã sớm trồng thiện căn, từng cúng dường Như Lai, lại còn khéo giữ cho thiện căn ấy liên tục chẳng hề khuyết giảm nên nay mới có duyên thù thắng như vậy.

* Ba là “thiện tu tập cố, thiện nhiếp thủ cố, thiện thành tựu cố” : Nghĩa là chư thiên đã khéo tu tập, khéo nhiếp thủ thiện căn cho đến thành tựu, mới có thể dùng các thứ cúng dường vi diệu đến cõi Cực Lạc cúng dường Phật A Di Đà “tiền hậu vãng lai, hi di khoái lạc” (trước sau qua lại, vui vẻ khoái lạc) khiến cho thiện căn càng thêm tăng thượng.

 

Giáo sư Triết học Phương Đông Mỹ (1899-1977)_

Vị Thầy đầu tiên đã dẫn dắt Ân Sư đi vào Phật Pháp.