NGHI THỨC TRUYỀN GIỚI

Hòa Thượng Thích Đỗng Minh

TRUYỀN TAM QUI Y

Giới sư bảo Giới tử ngồi xuống, nghe giảng về QUI Y.  

Yết-ma Giới sư dạy:

– Các thiện nam (hay thiện nữ)! Vừa rồi các vị đã sám hối, thân tâm được thanh tịnh rồi, bây giờ đây mới có thể qui y Tam bảo được. Trước khi qui y, các vị cần phải biết rõ ý nghĩa qui y là gì?

Qui y nói cho đủ là “Qui y Tam bảo”. Chữ Quy là trở về, Y là nương tựa, là trở về nương tựa Phật, Pháp, Tăng. Chúng ta đã nhiều đời nhiều kiếp say mê lầm lạc, nay cần phải quay về với chánh pháp, nương tựa Tam bảo. Người đời nương tựa cha mẹ, vợ chồng, anh em bậu bạn… thì không hoàn toàn an lành, nên phải nương tựa Phật, là một đấng Từ bi bình đẳng như ông cha lành. Nương tựa Pháp là một phương pháp giải khổ, như thuốc hay chữa lành bệnh tật. Nương tựa Tăng là bậc đại trí hoằng pháp lợi sanh, mới thật là hoàn toàn an lành.

(Nếu có thời giờ nhiều thì giảng rộng ra)

Còn Phật, Pháp, Tăng nghĩa là gì?

– Chữ Phật tiếng Phạn là Buddha, Tàu dịch âm là Phật-đà, nói tắt là Phật, dịch nghĩa là Giác Giả, là một đấng Giác ngộ hoàn toàn, toàn năng, toàn trí, toàn đức, ông cha lành của chúng sanh, vị Đạo sư của mười pháp giới. Phật là một bảo hiệu chung cho tất cả những bậc tu hành đã giác ngộ.

– Pháp nghĩa là gì? – Pháp là khuôn phép lành, chính là những lời của Phật Thích-ca chỉ dạy. Nếu mỗi người đều y theo giáo pháp ấy mà tu hành, thì quyết định sẽ được thoát ly sanh tử, chứng thành Phật quả. Cho nên trong kinh nói rằng: “Pháp là mẹ sanh ra chư Phật”.   

– Tăng nghĩa là gì? – Chữ Tăng nói cho đủ là Tăng-già, nghĩa là một chúng hòa hợp không chống trái nhau, như nước hòa với sữa. Tăng là những người đứng trung gian giữa Phật và chúng sanh, thực hành những pháp của Phật dạy và thay Phật diễn nói những pháp giải thoát cho chúng sanh. Tăng là một cái tên dùng để chỉ chúng đệ tử của Phật, từ 4 vị Tỳ-kheo trở lên mới gọi là Tăng được.

HÒA THƯỢNG TRUYỀN TAM QUY

– Các vị đã nghe và hiểu sơ lược nghĩa Qui y Tam bảo rồi, bây giờ là giờ phút quan trọng, là giờ phút Qui y. Vậy các vị nên quỳ thẳng chắp tay hướng về Tam bảo, một lòng thành kính, lắng lòng nghe cho kỹ, tôi nói sao thì các vị nói theo vậy, để lãnh thọ Qui y.  

(Giới sư nói trước, Giới tử nói theo để trao Tam quy).

– Đệ tử chúng con tên là…. xin suốt đời qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng. (Nói 3 lần, xá 3 xá).

TRAO TAM KẾT

Giới sư nói trước, Giới tử nói theo:

– Đệ tử chúng con suốt đời qui y Phật rồi, qui y Pháp rồi, qui y Tăng rồi.

Qui y Phật rồi, khỏi đọa vào địa ngục.

Qui y Pháp rồi, khỏi đọa vào ngạ quỷ.

Qui y Tăng rồi, khỏi đọa vào bàng sanh.

 (Nói 3 lần, xá 3 xá)

Qui y rồi, bảo Giới tử đứng dậy, Giới sư xướng:

– Nhất tâm đảnh lễ Công Đức Lâm Bồ-tát Ma-ha-tát.

(3 lần, lạy 3 lạy)

Giáo thọ bảo Giới tử ngồi xếp bằng, dạy rằng:

– Các thiện nam (hay thiện nữ)! Các vị đã qui y Phật rồi, từ nay trở đi thà bỏ thân mạng, trọn đời không qui y thiên thần và quỷ vật. Vì sao? – Vì thiên thần và quỷ vật kia còn bị luân hồi sanh tử, không phải là Thánh nhân xuất thế gian. 

Các vị đã qui y Pháp rồi, thà bỏ thân mạng chứ không qui y theo kinh điển ngoại đạo tà giáo. Vì sao? – Vì kinh điển ngoại đạo tà giáo không phải là pháp môn Vô lậu giải thoát.

Các vị đã qui y Tăng rồi, thà bỏ thân mạng chứ suốt đời không qui y đồ chúng ngoại đạo. Vì sao? – Vì đồ chúng ngoại đạo không phải là người tu giải thoát, chứng quả Tam thừa. Họ sẽ dẫn dắt các vị vào con đường tối tăm nguy hiểm.

Các vị đã qui y mười phương Phật Pháp Tăng rồi, thì từ đây về sau Tăng ở xứ nào, chùa nào hay nước nào cũng đều kính quý, không phải chỉ kính quý Tăng chùa mình cầu qui y mà thôi. Như thế mới gọi là một người Phật tử hiểu biết chơn chánh.

(Đến đây pháp thọ Tam quy đã xong, vì hoàn cảnh đặc biệt của tuổi trẻ nên chia ra có hạn định: Từ 10 tuổi trở lại chỉ được thọ Tam quy, chưa được thọ Ngũ giới. Các cháu nào từ 11 tuổi trở lên mới được thọ Ngũ giới. Vậy các cháu từ 10 tuổi trở xuống xin ngồi im lặng).

Nếu không thọ Ngũ giới thì kết toán hồi hướng.