Thiền Sư Thần Hội Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng

 

Pháp Sư Sùng Viễn

CHÁNH VĂN:

(13) Pháp sư Sùng Viễn hỏi: Thế nào là không? Nếu nói có không lại đồng vật ngại. Nếu nói không có không, làm sao có chỗ nương về?

Đáp: Chỉ vì chưa thấy tánh do đó nói không, nếu thấy Bản tánh không cũng chẳng có. Thấy được như thế, ấy gọi là nương về.

GIẢNG:

Câu trả lời thật là rắc rối. Hỏi rằng:

Thế nào là không? Nếu nói có không lại đồng vật ngại. Nếu nói không có không, làm sao có chỗ nương về?

Nói có không là hai bên đối đãi nên thành vật ngại, còn nói không có không thì không có chỗ nương về.

Ngài đáp: Chỉ vì chưa thấy tánh do đó nói không, tại ông chưa nhận ra Bản tánh nên tạm nói nó không. Nếu thấy Bản tánh không cũng chẳng có, nếu thấy Bản tánh hiện tiền làm sao nói không được, nên Ngài đáp “không cũng chẳng được”. Thấy được như thế, ấy gọi là nương về, người nào nhận thấy rõ được như thế là có chỗ nương về.

Thật ra việc tu hết sức dễ nhưng vì chúng ta mê lầm lâu đời quá nên thành khó. Vì vậy nếu mình khéo tu, từ từ sẽ an ổn. Chúng ta tu cốt để tỉnh. Tỉnh để làm gì? Tỉnh để biết rõ tâm mình đang có động hay không có động. Dấy niệm lên là động, buông niệm trở lại cái thường tỉnh là tốt, không thêm gì hết. Nếu thường tỉnh mà không động là định, không động mà thường tỉnh là tuệ. Đó là định tuệ đồng thời. Cho nên lối tu này rất thiết yếu và rất kỵ buồn ngủ. Tại sao? Vì phải tỉnh mà lặng, lặng mà tỉnh thì mới đúng. Bây giờ ngủ thì đâu còn biết lặng, biết tỉnh gì nữa, đó là sai. Cho nên trong nhà thiền trừng phạt con ma ngủ mạnh lắm. Loạn tưởng thì rầy sơ sơ thôi, nhưng vừa mơ màng thì đánh ngay, đánh cho tan ngủ. Bởi mơ màng chừng năm mười phút là mất giờ tu nhiều rồi, cho nên chúng ta phải thường tỉnh.

Tỉnh mà có động thì biết liền buông, mê thì còn biết gì nữa mà buông. Vì vậy nhà thiền nói mê ngủ tức hôn trầm là đi vào hang quỉ. Người giám thiền phải khởi lòng từ bi chận đứng không cho mình chui vào hang quỉ. Cho nên đánh là từ bi, chúng ta phải nhớ như vậy. Thế nên khi được đánh, ta giật mình thức tỉnh, phải chắp tay xá “cám ơn Thầy cứu con khỏi chui vô hang quỉ”, chớ không nên buồn “Thầy tàn nhẫn quá”. Hiểu như vậy mới thấy ý nghĩa của sự tu và lòng từ bi của thiện hữu tri thức.