Thiền Sư Thần Hội Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng

 

Pháp Sư Càn Quang [1]

CHÁNH VĂN:

(16) Pháp sư Càn Quang ở Ngụy Quân hỏi: Thế nào là tâm Phật, thế nào là tâm chúng sanh?

Đáp: Tâm chúng sanh tức là tâm Phật. Tâm Phật tức là tâm chúng sanh.

GIẢNG:

Hỏi thế nào là tâm Phật, thế nào là tâm chúng sanh? Lâu nay chúng ta quen tâm chúng sanh là tâm mê muội vô minh, tâm Phật là tâm giác ngộ sáng suốt. Nếu ai hỏi chúng ta liền trả lời một cách dễ dàng rằng tâm Phật là tâm giác ngộ, tâm chúng sanh là tâm mê muội. Nhưng ở đây Ngài nói:

Tâm chúng sanh tức là tâm Phật. Tâm Phật tức là tâm chúng sanh.

Đây là câu giải thích để chúng ta tu, chớ không phải giải thích danh từ cho mình thỏa mãn. Tại sao nói tâm chúng sanh là tâm Phật? Như trong kinh thường nói: “Tâm, Phật, chúng sanh, tam vô sai biệt”, như vậy tâm Phật, tâm chúng sanh không có gì khác nhau hết. Tâm của chúng sanh nếu không trụ, không có niệm đó là tâm Phật. Ngược lại ngay tâm Phật mà dấy niệm đuổi theo sự vật đó là tâm chúng sanh. Như vậy muốn thành tâm Phật hay tâm chúng sanh đều do ta hết.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Tâm chúng sanh cùng với tâm Phật đã không sai biệt. Vì sao nói chúng sanh, nói Phật?

Đáp: Nếu luận với người không liễu ngộ thì có chúng sanh có Phật. Nếu đối với người liễu ngộ thì tâm chúng sanh cùng với tâm Phật vốn không khác.

GIẢNG:

Tâm chúng sanh, tâm Phật không khác, sao trong kinh lại nói có tâm chúng sanh, có tâm Phật?

Ở đây Ngài trả lời hết sức rõ. Đối với người mê lầm thì giải thích tâm Phật là giác, tâm chúng sanh là mê. Nhưng đối với người liễu ngộ rồi, thấy chúng sanh và Phật đồng một tâm như nhau, nên nói tâm chúng sanh là tâm Phật, tâm Phật là tâm chúng sanh. Hai điều này tùy người mê ngộ mà giải đáp khác nhau. Ở đây đứng trên mặt người ngộ mà Ngài giải thích.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Thường nghe Thiền sư nói pháp, cùng với thiên hạ chẳng đồng. Phật pháp cùng một loại, vì sao chẳng đồng?

Đáp: Nếu là Phật pháp vốn không có sai biệt, nhưng vì ngày nay mỗi người giác ngộ kiến giải sâu cạn có khác, do đó nói đạo chẳng đồng.

GIẢNG:

Hỏi khi Thiền sư nói pháp cùng với các nơi khác không đồng. Phật pháp vốn không sai biệt, tại sao lại nói khác?

Ngài đáp Phật pháp tuy không hai, nhưng người ngộ có cạn sâu khác nhau. Ngộ cạn thì giảng theo cạn, ngộ sâu thì giảng theo sâu thành ra khác.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Xin vì nói nguyên do chẳng đồng?

Đáp: Nay nói chẳng đồng là do si tâm giữ định, hoặc trụ tâm khán tịnh, hoặc khởi tâm chiếu bên ngoài. Hoặc nhiếp tâm lặng bên trong, hoặc khởi tâm quán tâm ở nơi thủ nơi không(1). Hoặc có giác vọng đều diệt, không rõ bản tánh trụ nơi vô ký không. Hạng người tu như thế không thể nói hết. Lý bản tánh rỗng không như thế, thời nhân không rõ theo niệm mà thành, do đó không đồng. Chẳng luận là phàm phu, Như Lai nói tất cả pháp vô vi, tất cả Hiền Thánh còn có sai biệt, huống là tất cả những người học đạo thời nay làm sao đồng được?

GIẢNG:

Người hỏi “xin nói nguyên do chẳng đồng”, Ngài giải thích: nay nói chẳng đồng là do si tâm giữ định, tức cố mượn phương tiện nào đó kềm tâm cho định.

Có người khi định quên thân, quên cảnh, quên thời gian, đó gọi là si định. Bởi vì ngồi trong cái không biết gì, không biết gì là si. Nhiều hành giả tu thiền thường cho chỗ quên thân quên cảnh, không biết gì là định sâu. Công phu như vậy, trong nhà thiền không khen mà còn quở đó là si định.

Hoặc trụ tâm khán tịnh, ngồi trụ tâm nhìn vào chỗ yên lặng gọi là trụ tâm khán tịnh. Tại sao? Tịnh là cảnh, trụ tâm khán tịnh là trụ tâm vào cảnh tịnh. Đây là bệnh chớ không phải định. Ví dụ trong thất có bàn ghế v.v…, tôi là chủ nhà. Khi khách vô tôi biết khách vô và mời ngồi, khách về tôi biết khách về. Khách đã về rồi, bấy giờ tôi nhìn chăm chăm vào chỗ khách ngồi khi nãy, giữ lấy chỗ đó, như vậy đúng hay sai? Tại sao phải nhìn và giữ cái ghế? Quan trọng là chủ nhà, mình không chịu nhớ mình mà lại nhớ chỗ khách ngồi, ngó chăm chăm vào cái ghế cho là thấy tịnh thì quả là sai lầm rất lớn. Tịnh mà không biết mình, chỉ nhìn cảnh tịnh mà quên cái đang tri giác của mình, đó là bệnh. Vì vậy trong nhà thiền, Lục Tổ hay quở người trụ tâm khán tịnh.

Hoặc khởi tâm chiếu bên ngoài. Ngài không chấp nhận khởi tâm quán cái này, cái nọ. Ví dụ nghe trong kinh nói các pháp hư dối, thế là ta quán cái chùa, tháp chuông, con người… do duyên hợp hư dối. Quán từng cái, từng cái như thế mất thời giờ lắm. Phải nhìn tường tận bản chất của sự vật nguyên là duyên hợp, tánh không. Thấy rõ tánh không của các pháp là đủ rồi, không cần quán từng cái.

Trong kinh Kim Cang nói thẳng: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh”, tất cả các pháp hữu vi đều như mộng huyễn bào ảnh. Ngồi quán cái này cái kia là kẹt trên từng sự vật, mà không thấu tột được nguồn gốc của nó. Người thấu tột rồi không cần quán như vậy.

Hoặc nhiếp tâm lặng bên trong, kềm đè cho tâm lặng bên trong. Do kềm chế quá sanh ra nhức đầu, tức ngực đủ thứ. Cho nên khi dấy niệm chỉ cần buông thôi, không nên kềm đè, vì như thế sẽ sanh bệnh.

Hoặc khởi tâm quán tâm ở nơi thủ nơi không. Hoặc có giác vọng đều diệt, không rõ bản tánh trụ nơi vô ký không. Hạng người tu như thế không thể nói hết.

Bản Hồ Thích viết “vu thủ chi vu tác nhi”, tức là chấp ở nơi này hoặc giữ ở nơi kia. Chỗ này là chỗ lầm lẫn thật vi tế.

Chúng ta cứ nghĩ vô niệm là không có niệm. Khi nghĩ không có niệm mà mình còn thấy người đi, nghe tiếng chim hót, cho đó là vọng nên không dám thấy, không dám nghe. Như vậy sẽ thành cái gì? Ngài nói “hoặc có giác vọng đều diệt, không rõ bản tánh trụ nơi vô ký không”. Có giác có vọng đều diệt thì không biết gì hết, đó là giữ cái vô ký không. Chúng ta không có niệm khởi, không có dính mắc, nhưng rõ ràng thường biết, đó là Tánh giác hiện tiền. Đằng này ta sợ cái biết, muốn bỏ luôn cái biết thì thành vô ký, nên Ngài quở “không rõ bản tánh trụ nơi vô ký không”. Hạng người tu như thế nhiều lắm không thể nói hết.

Lý bản tánh rỗng không như thế, thời nhân không rõ theo niệm mà thành, do đó không đồng.

Lý bản tánh rỗng không, tức là không có niệm, không có cảnh nào trong đó, mà hằng giác hằng tri. Người đời không biết chạy theo các niệm nên có thứ này thứ nọ, rồi sanh ra các cách tu khác nhau.

Chẳng luận là phàm phu, Như Lai nói tất cả pháp vô vi, tất cả Hiền Thánh còn có sai biệt, huống là tất cả những người học đạo thời nay làm sao đồng được?

Ngài giải thích lý do tại sao chẳng đồng.

Đức Phật nói tất cả pháp vô vi, các bậc Hiền Thánh ngộ còn có chỗ sai biệt, huống nữa là kẻ phàm phu, chỗ ngộ cạn sâu đương nhiên khác nhau, không thể đồng được. Các bậc Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát nhìn các pháp vô vi còn thấy khác nhau, huống nữa là phàm phu.

CHÁNH VĂN:

Hỏi: Nghĩa bốn câu kệ kinh Kim Cang như thế nào?

Đáp: Nghe chư Pháp sư nói bốn câu kệ, hoặc dùng tám chữ làm câu, ba mươi hai chữ là bốn câu, hoặc dùng năm chữ làm câu, hoặc dùng bốn chữ làm câu. Hoặc có người lấy bài kệ “nhất thiết hữu vi pháp” ở sau quyển kinh làm bốn câu kệ, hoặc có người lấy bài kệ “nhược dĩ sắc kiến ngã” làm nghĩa bốn câu kệ. Bồ-tát Vô Trước nói: Đệ nhất thường rộng lớn, tâm kia không điên đảo, đó là nghĩa bốn câu kệ. Hoặc có người lấy “vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng” làm nghĩa bốn câu kệ. Nay tôi thấy không đúng. Vì cớ sao? Nhân có tướng ngã mới nói không tướng ngã; nhân có tướng nhân mới nói không tướng nhân; nhân có tướng chúng sanh mới nói không tướng chúng sanh; nhân có tướng thọ giả mới nói không tướng thọ giả. Nay xem nghĩa này tức không đúng. Vì cớ sao? Vì không có tướng không ngã, không có tướng không nhân, không có tướng không chúng sanh, không có tướng không thọ giả, tức gọi là nghĩa chân thật của bốn câu kệ. Lại thấy Đại Trí Độ Luận nói: “Bát-nhã ba-la-mật dụ như đống lửa lớn, bốn mặt không thể thủ; vì không thể thủ, đó là chân thủ.” Đây tức là nghĩa chân thật của bốn câu kệ.

GIẢNG:

Đây là thắc mắc mà đa số người đọc kinh Kim Cang đều thắc mắc về tứ cú kệ đẳng, tức bốn câu kệ:

Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng huyễn bào ảnh,
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quán.

Hay là:

Phàm sở hữu tướng,
Giai thị hư vọng
.
Nhược kiến chư tướng phi tướng,
Tức kiến Như Lai.

Hay là:

Nhược dĩ sắc kiến ngã,
Dĩ âm thanh cầu ngã,
Thị nhân hành tà đạo,
Bất năng kiến Như Lai.

Như vậy bốn câu nào là gốc? Chỗ này Ngài trả lời rất chi ly, chúng ta phải khéo nhận.

Nghe chư Pháp sư nói bốn câu kệ, hoặc dùng tám chữ làm câu, ba mươi hai chữ là bốn câu, hoặc dùng năm chữ làm câu, hoặc dùng bốn chữ làm câu. Hoặc có người lấy bài kệ “nhất thiết hữu vi pháp” ở sau quyển kinh làm bốn câu kệ, hoặc có người lấy bài kệ “nhược dĩ sắc kiến ngã” làm nghĩa bốn câu kệ.

Đó là nói mỗi vị có cái thấy khác nhau.

Nhưng Bồ-tát Vô Trước nói:

Đệ nhất thường rộng lớn, tâm kia không điên đảo, đó là nghĩa bốn câu kệ.

Nghĩa Đệ nhất thênh thang, tâm không điên đảo là đủ bốn câu kệ rồi. Đó là cái nhìn của ngài Vô Trước.

Hoặc có người lấy “vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng” làm nghĩa bốn câu kệ.

Nói bốn câu kệ là không có bốn tướng: vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, vô thọ giả. Đó là ý nghĩa bốn câu kệ.

Nay tôi thấy không đúng. Vì cớ sao? Nhân có tướng ngã mới nói không tướng ngã; nhân có tướng nhân mới nói không tướng nhân; nhân có tướng chúng sanh mới nói không tướng chúng sanh; nhân có tướng thọ giả mới nói không tướng thọ giả. Nay xem nghĩa này tức không đúng.

Theo cái nhìn của ngài Thần Hội, nói như trên là chưa đúng. Tại sao? Bởi vì nói không nhân, không chúng sanh, không thọ giả là còn mắc kẹt. Vì chữ không đối với chữ có, có ngã nên mới nói không ngã, có nhân nên mới nói không nhân. Đó là pháp đối đãi chưa phải cứu kính.

Vì cớ sao? Vì không có tướng không ngã, không có tướng không nhân, không có tướng không chúng sanh, không có tướng không thọ giả, tức gọi là nghĩa chân thật của bốn câu kệ.

Như vậy từ cái chấp có tướng kéo theo cái chấp không tướng. Bây giờ phá luôn tướng không mới đúng nghĩa của bốn câu kệ. Nên Ngài nói không còn hai bên chấp có chấp không, mới là chỗ chân thật của bốn câu kệ.

Lại thấy Đại Trí Độ Luận nói: “Bát-nhã ba-la-mật, dụ như đống lửa lớn, bốn mặt không thể thủ; vì không thể thủ, đó là chân thủ.” Đây tức là nghĩa chân thật của bốn câu kệ.

Luận giả Trí Độ Luận nói nghĩa bốn câu kệ thế nào? Nghĩa là Trí tuệ Bát-nhã như đống lửa lớn, đốt cháy hết bốn mặt không còn gì nữa. Bốn mặt dụ cho chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, có và không đều dẹp hết. Không dính trong bốn mặt đó là chân thủ. Không giữ ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, đó là nghĩa bốn câu kệ, là nghĩa chân thật.

Nghĩa kinh Kim Cang trong bốn câu kệ Ngài dẫn đủ hết. Vậy chỗ nhắm của Ngài là chỗ nào? Là chỗ không còn dính không còn kẹt hai bên, đó là nghĩa cứu kính của bốn câu kệ.

(1) Bản Hồ Thích chép: vu thủ chi vu tác nhi.