Thiền Sư Thần Hội Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng

 

Thị Lang Miêu Phổ Khanh

CHÁNH VĂN:

(15) Thị lang Miêu Phổ Khanh hỏi: Tu đạo thế nào được giải thoát?

Đáp: Đạt tâm vô trụ, tức được giải thoát.

Hỏi: Làm sao được vô trụ?

Đáp: Văn kinh Kim Cang đã nói rõ ràng đầy đủ.

Hỏi: Kinh Kim Cang có nói hay không nói?

Đáp: Lại nữa Tu-bồ-đề, chư Bồ-tát lớn nên như thế mà sanh tâm thanh tịnh. Không nên trụ sắc sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia. Chỉ nên không trụ tâm liền được giải thoát.

Lại hỏi: Vô trụ, làm sao biết vô trụ?

Đáp: Trên thể vô trụ, tự có Bản trí. Do Bản trí hay biết, nên khiến Bản trí sanh tâm kia.

GIẢNG:

Ở trên nói vô niệm để chỉ môn khởi đầu của Lục Tổ dạy trong ba môn. Đến đây nói về vô trụ là môn rốt sau, “vô trụ vi bản” tức lấy vô trụ làm gốc.

Tu thế nào để được giải thoát?

Ngài đáp:

Đạt tâm vô trụ tức được giải thoát.

Hỏi: Làm sao được vô trụ?

Ngài đáp:

Như kinh Kim Cang đã nói rõ ràng đầy đủ.

Kinh Kim Cang nói:

Lại nữa Tu-bồ-đề, chư Bồ-tát lớn nên như thế mà sanh tâm thanh tịnh. Không nên trụ sắc sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia.

Ngài giải thích thêm:

Chỉ nên không trụ tâm liền được giải thoát.

Đây là vấn đề then chốt của sự tu hành. Trong kinh Kim Cang có hai câu hỏi của ngài Tu-bồ-đề: “Nếu người phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, làm sao hàng phục được tâm, làm sao an trụ được tâm?” Đức Phật trả lời: “Lại nữa Tu-bồ-đề, chư Bồ-tát lớn nên như thế mà sanh tâm.” Như thế là thế nào? – Là “không nên trụ sắc sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia”. Không có chỗ trụ tức là vô trụ, tâm kia là tâm Vô thượng Bồ-đề.

Phật dạy Bồ-tát muốn sanh tâm Vô thượng Bồ-đề chỉ không trụ nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là sáu trần. Không trụ tâm nơi sáu trần, đó là tâm Bồ-đề, chớ không có gì lạ. Nên tâm Bồ-đề là tâm không dính, không kẹt với sáu trần, đó là tâm giải thoát.

Như vậy Vô niệm và Vô trụ là then chốt của sự tu. Rõ ràng không có niệm mà vẫn biết đó là Trí tuệ Phật, còn không có trụ là giải thoát sanh tử. Người tu Phật muốn đạt đến quả Vô thượng Bồ-đề chỉ cần có hai điều: một là vô niệm, hai là vô trụ. Không niệm, không trụ là đi tới quả Bồ-đề. Đơn giản làm sao! Vậy trên đường tu chúng ta đừng trông mong, đừng mơ ước cái gì khác, chỉ buông xả nội tâm, đừng dính với sáu trần, đó là giải thoát. Giải thoát ấy không xa, không ai đem đến cho mình, mà chính ta tự gỡ, tự bỏ.

Ngày nay có nhiều người siêng năng, cần mẫn tụng kinh tọa thiền. Nhưng xả thiền ra hay ngưng tụng kinh, nghe ai nói một câu trái tai liền sân lên. Tu như vậy chừng nào thành Phật? Nghe liền dính thì có cái gì hay đâu. Tu là gỡ, là buông không cho dính, nhưng ta tu thì tu mà dính cứ dính, như vậy chừng nào thành Phật? Đó là nói trên thanh trần.

Tới sắc trần, như đang ngồi tụng kinh niệm Phật, thấy hai người đi ngang liền so sánh người này đẹp người kia xấu, như vậy làm sao tu? Khởi niệm phân biệt đẹp xấu là đã dính rồi. Đi ngang chỗ nuôi vịt liền bịt mũi chê hôi, nhưng nghe mùi ngọc lan thì hít ngửi, kiếm tìm xem nó ở đâu mà thơm quá, như vậy có dính không? Dính bằng chất keo, chớ không phải nhựa thường. Bởi vậy nên tu hoài mà không hết phiền não. Hết sao được, còn dính là còn phiền não.

Chúng ta chưa bỏ được sắc trần, thanh trần… tức là tu chưa tiến. Làm sao đối trước những thứ đó ta không dính thì sự tu mới tiến được. Cho nên muốn được Vô thượng Bồ-đề chỉ cần không trụ. Hay nói cách khác muốn được giải thoát chỉ cần không dính với sáu trần. Khó hay dễ? Nghe thì dễ như trở bàn tay, mà thực hành ai cũng lắc đầu than khó. Tại sao? Vì con mắt có nhựa của con mắt, lỗ tai có keo của lỗ tai nên dính gỡ không ra, thành ra khó.

Trong kinh A-hàm kể, ngày xưa Phật bị người ta chửi mà Ngài vẫn ung dung đi như thường, không đổi sắc mặt, không cần bàn luận gì hết. Còn chúng ta nếu ai kêu tên chửi một câu thôi, đừng nói chửi hoài là đứng lại ngay, đi không được nữa. Đứng lại để tranh hơn, tranh thua. Phật bị chửi từ đầu đường tới cuối đường mà vẫn thản nhiên, vì Ngài không dính, cho nên sống trong cõi trần mà Phật giải thoát tự tại. Còn chúng ta xây qua kẹt xây lại kẹt, nào sắc, nào thanh, nào hương, hướng nào cũng kẹt hết. Chạy đâu cũng dính hết thì làm sao giải thoát được. Đó là nhân đưa chúng ta vào trong sanh tử, nếu không gỡ được làm sao thoát ly sanh tử. Như vậy lời Phật dạy trong kinh là lẽ thật, chớ không phải thường.

Lại hỏi: Vô trụ, làm sao biết vô trụ?

Ngài đáp:

Trên thể vô trụ, tự có bản trí. Do bản trí hay biết, nên khiến bản trí sanh tâm kia.

Hỏi: Vô trụ là không dính cái gì hết, đã không dính thì đâu có hiểu biết? Câu hỏi này ngầm cho rằng người không dính cái gì hết thì không thể phân biệt rành rẽ, cũng như người ngu, lơ lơ láo láo, như vậy làm sao gọi là vô trụ được?

Ngài giải thích: Trên cái thể vô trụ không dính mắc đó, tự có Bản trí tức Trí căn bản sẵn bên trong. Do Bản trí mà hay biết, cho nên trí đó mới sanh ra tâm Vô thượng Bồ-đề. Như tôi đã nói khi không dính đẹp xấu, khen chê, thơm hôi v.v… tất cả các thứ đó đến nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân của chúng ta, mình không dính nhưng có biết không? – Biết. Cái biết đó là Trí căn bản. Còn cái phân biệt thơm hôi, đẹp xấu là vọng thức phân biệt, chớ không phải trí. Nhưng thế gian gọi đó là trí thông minh lanh lợi, đối với đạo đó chỉ là vọng thức phân biệt thôi. Chính Căn bản trí mới là trí không đổi dời, không sanh diệt. Trí này luôn luôn chân thật, nên gọi là trí giác ngộ thành Phật.