Thiền Sư Thần Hội Giảng Giải
Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng

 

Pháp Sư Chí Đức [2]

CHÁNH VĂN:

(46) Pháp sư Chí Đức hỏi: Thế nào là nghĩa sanh, trụ, dị, diệt?

Đáp: Sanh, trụ, dị, diệt nói cho đúng là một. Do có một nên có bốn. Vô minh từ vô thủy nương Như Lai tàng, nên khi một niệm vi tế sanh thì khắp tất cả chỗ. Chúng sanh trong sáu đường đã tạo nghiệp, không hay không biết, không nơi nào chẳng khắp, cũng chẳng hay chẳng biết. Từ đâu đến đây, đi đến chỗ nào? Chúng sanh này biết rõ có sáu đường. Vì sao như thế? Chúng sanh nhớ biết hết khổ vui trong sáu đường, vì từng thọ nhận. Nên biết nhờ thức mà có sanh trụ đến đi. Chân thức như như, trọn không đến đi sanh diệt. Giống như khi người nhắm mắt ngủ, tâm vô minh khắp tất cả chỗ, khi tỉnh giấc có thô tế nên khắp mà chẳng khắp. Như hạt lúa khi mới nẩy mầm tức có nghĩa sanh, đã sanh rồi tức trụ cái sanh kia. Khi trụ tức dị chưa sanh, trong cái sanh đã hàm chứa nghĩa diệt. Đây tức nghĩa sanh, trụ, dị, diệt.

GIẢNG:

Hỏi bốn tướng sanh, trụ, dị, diệt. Ngài đáp sanh, trụ, dị, diệt nói cho đúng là một. Do có một nên có bốn. Như vậy một là cái gì?

Vô minh từ vô thủy nương Như Lai tàng, nên khi một niệm vi tế sanh thì khắp tất cả chỗ.

Do một niệm vi tế sanh mà có sanh, trụ, dị, diệt. Bốn thứ kia có từ cái đầu là một niệm vô minh. Khi một niệm vô minh dấy khởi thì đi trong sáu đường sanh tử, đến đâu nó cũng theo. Vào địa ngục thì biết cảnh khổ địa ngục, lên cõi trời thì biết cái vui cõi trời… Ở đâu nó cũng biết hết, rồi chứa trong Tàng thức mà mang tới nơi này nơi kia, phải chịu sanh, trụ, dị, diệt.

Nhưng trong đó có Chân thức như như, trọn không đến đi sanh diệt. Từ niệm vô minh tạo ra nghiệp thức dẫn đi trong sanh tử, chớ Chân thức thì không đến không đi. Ngài ví dụ:

Giống như khi người nhắm mắt ngủ, tâm vô minh khắp tất cả chỗ, khi tỉnh giấc có thô tế nên khắp mà chẳng khắp.

Như khi mình ngủ tâm vô minh, tức tâm mờ tối trùm khắp hết cả thân. Khi ngủ thì toàn thân đều ngủ mê nên Ngài dùng từ “tâm vô minh”. Khi tỉnh dậy cái biết có thô tế, chỗ này biết chỗ kia không biết, nên không cùng khắp.

Như hạt lúa khi mới nẩy mầm tức có nghĩa sanh, đã sanh rồi tức trụ cái sanh kia… từ đó mà có sanh, trụ, dị, diệt. Như vậy vô minh là cái một. Dấy niệm vô minh là một, nhưng khi đi trong luân hồi sanh thức thì có thô tế khác nhau: thức thô thức tế, cái biết cái không biết. Từ đó mà có sanh, trụ, dị, diệt.

Chỗ này tôi nhắc lại một lần nữa. Ngài nói rằng sanh, trụ, dị, diệt sở dĩ có là từ một niệm vô minh ban đầu. Rồi mê chạy theo vọng thức tạo đủ thứ nghiệp, luân hồi trong sanh tử. Vô minh ban đầu ví dụ như người ngủ. Mê thì có một nên chỉ có một vô minh. Nhưng khi thức dậy thì đủ thứ: biết cái này biết cái kia, biết cái thô biết cái tế… Như vậy sai biệt sanh, trụ, dị, diệt là khi mình khởi đi trong sanh tử, còn bắt đầu từ vô minh thì chỉ có một. Nên nói sanh, trụ, dị, diệt đều hàm chứa sẵn trong vô minh.