HỒ BÌNH THỦ NHÃN
Hồ Bình Thủ (Tay cầm cái Hồ Bình):
Tay thứ năm trong tám tay thuộc Liên Hoa Bộ của Mật Pháp, là Pháp Kính Ái.
Câu thứ 49 trong Chú Đại Bi là:”Na Ra Cẩn Trì” dịch nghĩa là Đại Bi tức Bảo Bình Thủ Nhãn trong tướng tay Đại Bi.
– Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Bi Tâm Đà La Ni: Bản dịch của Tam Tạng BẤT KHÔNG Pháp Sư ở Đời Đường, là tướng tay thứ mười trong Kinh Văn:
“Nếu muốn tất cả Quyến Thuộc khéo hòa hợp thì nên cầu nơi tay Bảo Bình” .
– Đại Bi Tâm Đà La Ni Kinh: Bản dịch của Tây Thiên Trúc GIÀ PHẠM ĐẠT MA Pháp Sư ở Đời Đường, là tướng tay thứ 14:
“Nếu người nào vì tất cả quyến thuộc khéo hòa thuận thì nên cầu nơi bàn tay cầm cái Hồ Bình”.
– Thiên Quang Nhãn Quán Tự Tại Bồ Tát Bí Mật Pháp Kinh: Tướng tay Ấn thứ 14 là:
Nếu muốn cầu quyến thuộc hòa thuận an lành nên tu pháp Hồ Bình, tượng TRÌ BÌNH QUÁN TỰ TẠI ….chỉ có tay phải cầm Hồ bình, đầu cái bình như đầu chim Kim Xí điểu, tay trái để trên rốn hướng lên trên thành thế nhận cái Hồ bình, vẽ tượng xong.
Tướng Ấn đó là ấn hoa sen chưa nở, mở đứng 2 Không (2 ngón cái) cùng hợp ngón trỏ.
14) Hồ-Bình Thủ Nhãn Ấn Pháp
Kinh nói rằng: “Nếu muốn tất cả người trong quyến-thuộc được hòa thuận nhau, nên cầu nơi Tay cầm cái Hồ-Bình.”
Thần-chú rằng: Na Ra Cẩn Trì [49]
𑖡𑖱𑖩𑖎𑖜𑖿𑖙
NĪLAKAṆṬHA
NĪLAKAṆṬHA (Thanh cảnh, cái cổ màu xanh)
NĪLAKAṆṬHA: Đấng Thanh Cảnh Bồ Tát là Đấng Hiền Thủ hay thương yêu kẻ hiền bảo vệ người lành.
“Na La Cẩn Trì”: Cũng là tiếng Phạn, dịch ra nghĩa là “hiền ái, hiền thủ”, ý nói là đứng đầu trong hàng Thánh Hiền. Còn có một ý nghĩa nữa gọi là “thiên hộ, thiên đỉnh”, ý nói là khéo hộ niệm tất cả chúng sinh, khéo độ thoát chúng sinh đến quả vị tối cao.
Thủ Nhãn này gọi là “Bảo Bình Thủ Nhãn”, còn gọi là “Tịnh Bình Thủ Nhãn”, còn gọi là “Hồ Bình”, tức cũng ở trong Cam Lồ Thủ Nhãn của Bồ Tát Quán Thế Âm, tịnh bình đựng nước cam lồ. Tịnh bình này có thể trừ khử tất cả ô uế của thế gian, vì trừ khử tất cả ô uế nên cũng bao quát hay giải trừ tất cả bệnh tật của chúng sinh, cho nên gọi là thiên hộ, thiên đỉnh. Bồ Tát tu Thủ Nhãn này cũng khéo hộ niệm tất cả chúng sinh, cho nên nếu tu Bảo Bình Thủ này thành công thì cũng có thể trợ giúp tất cả chúng sinh, giải trừ tai nạn của tất cả chúng sinh.
Kệ:
Quán Âm thi hiện Long Thọ tôn
Phổ nhiếp quần cơ li hỏa khanh
Phản bổn hoàn nguyên thành chánh giác
Vi trần phẫu xuất pháp giới kinh
Dịch:
Ngài Long Thọ, Đức Quán Âm hóa hiện
Dạy lòng phàm xa hầm lửa đốt thiêu
Nhập cội nguồn tức chánh giác tựu thành
Chẻ hạt bụi thấy dòng kinh pháp giới.
Chân-ngôn rằng: Án– yết lệ, thảm mãn diệm, tát-phạ hạ.
𑖌𑖼_ 𑖎𑖨𑖰 𑖭𑖦𑖧𑖽_ 𑖭𑖿𑖪𑖯𑖮𑖯
OṂ_ KARI SAMAYAṂ_ SVĀHĀ
OṂ KARI SAMAYAṂ_ SVĀHĀ (Cảnh giác – tác bình đẳng – quyết định thành tựu )
Hồ Bình là cái bình đầu chim. Do người Hồ phía Bắc núi Tuyết trông thấy hình Kim Xí Điểu (chim cánh vàng) mà làm ra loại Bình này nên gọi là Hồ Bình. Vì Kim Xí Điểu là loài chim khéo tùy thuận các loài chim khác nên Hồ Bình biểu thị cho ý nghĩa là: “Khéo hòa quyến thuộc”.
Lại nữa, nếu đem vạn vật cho vào cái bình thì không có gì không hòa hợp nên Hồ Bình còn có ý nghĩa là: “Tự Tạo Hòa Hợp” như vua Chuyển Luân Thánh Vương đặt cái Bình đầu chim ở trước thân mình, biểu thị cho nghĩa Tự Tại .
Bồ Tát Quán Thế Âm dùng Bản Nguyện Từ Bi cầm cái Bình này biểu thị ý nghĩa “Hòa Hợp các quyến thuộc”.
Hành giả làm cái Hồ Bình đặt trước Bản Tôn, rót nước vào tụng Chú. Xong đem nước rưới vảy lên các quyến thuộc bất hòa thì họ sẽ hòa thuận trở lại.
Kệ tụng:
Hồ-bình cam lộ nhuận quần manh
Cô mộc phùng xuân mậu hựu xương
Vạn bệnh kham trừ hiển đại dụng
Sinh sinh hóa hóa diệu vô phương.
[Nước Cam-lộ trong Hồ-bình làm cho hữu-tình và vô-tình đều đồng viên Chủng trí
Như cây khô là “VÔ-TÌNH” mà gặp mùa Xuân, còn đâm chồi lên cây tươi tốt
Thật là “Linh-Dược” có thể trừ được vạn bệnh cho chúng-sanh “HỮU” tình và “VÔ” tình
Làm cho sự sống thay đổi sinh sinh hóa hóa kỳ diệu không thể đo lường được.]
Ở Trung Hoa có trường hợp cây Chương1 cầu giới và cây Bạch Quả 2 thụ giới. Vì sao chúng có thể thụ giới? Nếu nói chúng không có tình thức thì làm sao có thể biến thành hình người để đi thụ giới? Như thế chẳng phải là mâu thuẫn lắm sao! Thật ra, chẳng mâu thuẫn chút nào, do vì quý vị không biết được cảnh giới này nên mới cho là mâu thuẫn. Nếu quý vị biết được thì sẽ hiểu đó là việc hết sức bình thường. Vì chúng sống cùng con người trên thế giới này đã lâu, tuổi tác đã già, trải nghiệm cũng nhiều, lâu ngày dài tháng sẽ hình thành nên tính giống như con người, cũng chính là có “nhân”. Đã có nhân (仁) thì sau đó sẽ có xúc cảm, đã có xúc cảm thì cũng sẽ muốn thụ giới. Trước khi chưa thụ giới, do không biết nên nó đã làm nhiều việc xấu, sau đó biết được những việc làm trước đây của mình là sai, thế là nó muốn thụ giới, thậm chí còn muốn xuất gia.
Bồ-tát Phổ Hiền giáo hóa hết thảy chúng sinh, không chỉ hóa độ chúng hữu tình mà tất cả hoa cỏ cây cối thuộc giống vô tình Ngài cũng đều độ hết, làm cho hữu tình và vô tình đều đồng viên Chủng trí 3, đồng thành Phật đạo, nên gọi là “Phổ Hiền”.
ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM KINH
LƯỢC GIẢNG
Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện Nhập Bất Tư Nghì Giải Thoát Cảnh Giới
Hán dịch: Đời Đường, nước Kế Tân, Tam Tạng Pháp sư Bát Nhã vâng chiếu dịch.
Giảng thuật: Hòa Thượng Tuyên Hóa, Vạn Phật Thánh Thành Hoa Kỳ, giảng vào năm 1969 tại Phật Giáo Giảng Đường, San Francisco, California.
Kệ tụng Việt dịch:
Bình vàng sương ngọc nhuận quần sinh
Cây khô đơm nhánh giữa trời xuân
Hiển hiện kỳ công trừ bệnh tật
Sinh sinh hóa hóa diệu vô phương*.
* Chú thích: Vô phương, dứt hết phương sở, vị trí, biểu thị không gian. Đứng một mình giữa khoảng xưa và nay, hoặc ẩn hoặc hiển, không có chỗ nhất định, tức là siêu việt hết thảy thời gian không gian. Trong Thiền lâm, loại khái niệm này thường được dùng để biểu thị chân lí của Phật pháp, không bị hạn cuộc bởi thời không gian. Viên Thông Đại Ứng Quốc Sư Ngữ Lục quyển thượng (Đại 80, 95 hạ) ghi: Cổ đức nói: Nếu nêu ra toàn thể tông thừa, thì các ông hướng vào đâu mà lãnh hội? Vì thế xưa nay đứng một mình, ẩn hiện không có phương. (Từ điển Phật Quang)
PHỔ NGUYỆN
Âm siêu dương thới, Pháp giới chúng-sanh, Tình dữ vô tình, Tề thành Phật-đạo.
Nam mô A-Di-Đà Phật
(KINH NHẬT TỤNG -Nghi Thức Sám hối)
Hồ-Bình Thủ Nhãn Ấn Pháp
Thứ Mười Bốn
Na Ra Cẩn Trì [49]
𑖡𑖱𑖩𑖎𑖜𑖿𑖙
NĪLAKAṆṬHA
Án– yết lệ, thảm mãn diệm, tát-phạ hạ.
𑖌𑖼_ 𑖎𑖨𑖰 𑖭𑖦𑖧𑖽_ 𑖭𑖿𑖪𑖯𑖮𑖯
OṂ_ KARI SAMAYAṂ_ SVĀHĀ