Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

QUYỂN 3

Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2567 -2023

 

ĐƯỜNG XÁ LÂU QUÁN ĐỆ THẬP LỤC

KINH VĂN:

Hựu Vô Lượng Thọ Phật giảng đường, tinh xá, lâu quán, lan thuẫn, diệc giai thất bảo tự nhiên hóa thành. Phục hữu bạch châu, ma-ni dĩ vi giao lạc, minh diệu vô tỷ. Chư Bồ Tát chúng, sở cư cung điện, diệc phục như thị.

VIỆT DỊCH:

Lại nữa, giảng đường, tinh xá, lầu, quán, lan can của Phật Vô Lượng Thọ cũng đều bằng bảy báu tự nhiên hóa thành. Lại có bạch châu, ma-ni dùng để giăng xen, sáng đẹp khôn sánh. Cung điện của các chúng Bồ tát ở cũng giống như vậy.

GIẢNG:

“Hựu Vô Lượng Thọ Phật giảng đường, tinh xá, lâu quán, lan thuẫn, diệc giai thất bảo tự nhiên hóa thành”. “Giảng đường” là tòa nhà, nơi để thuyết pháp giảng kinh. “Tinh xá” là tên gọi khác của chùa viện. Sách Tân Dịch Hoa Nghiêm Kinh Âm Nghĩa nói: “Tinh xá không có nghĩa là nhà cửa đẹp đẽ tinh xảo, mà là chỗ ở của bậc hành giả tu luyện siêng năng, ròng rặt thì gọi là tinh xá”.

“Lâu, quán” là lầu, đài; “quán” là cái đài, cái đình, nhà mát. “Lan thuẫn” là lan can.

Các điện, gác trong cõi Cực Lạc đều từ tâm thanh tịnh của Phật A Di Ðà biến hiện, đều do các thứ báu hợp thành, chẳng do thợ thuyền xây cất từ gỗ, đá mà ứng hiện theo căn cơ nên bảo là “diệc giai thất bảo tự nhiên hóa thành” (cũng đều do bảy báu tự nhiên hóa thành).

“Phục hữu bạch châu, ma-ni dĩ vi giao lạc, minh diệu vô tỷ”. “Bạch châu” là loại ngọc trai, được sinh từ trong vỏ con trai. Ngọc trai trắng sạch là thứ thượng phẩm quý trong các loại châu. “Ma-ni”“như ý bảo châu” (đã giải thích ở phần trước), “giao lạc” là vắt chéo vào nhau như mành lưới. Bản Hán dịch ghi: “Phục dĩ bạch châu, minh nguyệt châu, ma-ni châu vi giao lạc, phú cái kỳ thượng” (Lại dùng bạch châu, minh nguyệt châu, ma-ni châu giăng xen, che phủ phía trên). Dùng những thứ báu trên đây để trang sức ở lầu các, lan can.

Vãng Sinh Luận bảo: “Nơi cung, điện, lầu, quán, thấy mười phương vô ngại. Các loại cây có ánh sáng, màu sắc khác nhau, lan can báu vây kín khắp chung quanh”. Hơn nữa, Phật đã phát ra lời nguyện thứ bốn mươi hai  “Triệt chiếu thập phương” (Chiếu tột cùng mười phương) như sau: “Sở cư Phật sát quảng bác nghiêm tịnh, quang oánh như kính, triệt chiếu thập phương” (Cõi Phật tôi ở rộng rãi nghiêm tịnh, sáng ngời như gương, soi tỏ mười phương).

Ngài Ðàm Loan bảo: “Cung điện lầu gác như gương soi bóng mười phương: cây báu, lan can báu phản chiếu lẫn nhau”. Rõ ràng, sự trong sáng, nhiệm mầu nơi cõi Cực Lạc chẳng có gì sánh nổi nên kinh mới bảo: “Minh diệu vô tỷ” (Sáng đẹp khôn sánh). “Chư Bồ Tát Chúng, sở cư cung điện, diệc phục như thị”: Ngay cả cung điện của Bồ Tát ở cũng có diệu dụng như thế; điều này hiển thị sâu xa Chân Như bình đẳng, như như nhất vị vậy.

KINH VĂN:

Trung hữu tại địa giảng kinh, tụng kinh giả, hữu tại địa thọ kinh, thính kinh giả; hữu tại địa kinh hành giả, tư đạo cập tọa thiền giả; hữu tại hư không giảng, tụng, thọ thính giả, kinh hành, tư đạo, cập tọa thiền giả.

VIỆT DỊCH:

Trong ấy, có kẻ ở trên mặt đất tụng kinh, giảng kinh; có kẻ ở trên mặt đất lãnh nhận kinh, nghe kinh; có kẻ đi kinh hành, suy nghĩ đạo lý và tọa thiền trên mặt đất; có kẻ ở trên hư không giảng, tụng, thọ lãnh, nghe kinh, đi kinh hành, suy nghĩ đạo lý và tọa thiền.

GIẢNG:

Ðoạn kinh văn trên tường thuật những người vãng sinh, tùy theo phẩm vị, sở thích mà tu tập tự tại, hoặc ngự trên hư không hoặc ở trên mặt đất, ai nấy đều tùy ý giảng tụng, nghe nhận (chánh pháp), tọa thiền, kinh hành.

Xưa kia dịch chữ “kinh hành”“hành đạo”, ngày nay chúng ta gọi là tản bộ. Dùng cách này để đối trị chứng buồn ngủ hoặc để dưỡng thân, trị bệnh. Tất cả mọi đi, đứng, nằm, ngồi đều là đang tu hành.

Sách Huyền Tán nói: “Ði qua, đi lại để tiêu cơm hay tụng kinh giống như đi qua, đi lại trên một tấm vải trải thẳng nên bảo là kinh hành”. Phẩm Tự, kinh Pháp Hoa chép: “Vị tằng thùy miên, kinh hành lâm trung” (Chưa từng ngủ nghỉ, kinh hành trong rừng). Khi đức Phật còn tại thế, buổi tối hành đạo, đi nhiễu vòng quanh trong rừng. Lúc mệt thì ngồi nghỉ dưới gốc cây. Tâm Ngài thanh tịnh, không nhiễm chút bụi trần.

“Tư đạo” là suy tư về đạo. Hòa Thượng Tịnh Không nêu ra nghi vấn và tự ngài giải đáp: –  Đạo ở đâu? – Chẳng nơi nào không phải là đạo. Những thứ lục căn tiếp xúc đều là đạo, đều là “pháp tướng”. Đạo là nói về “pháp tánh” đều là “pháp tướng”. Tánh, tướng nhất như! Tánh, tướng không hai! Từ nơi tướng thấy được tánh: Mắt từ sắc tướng mà thấy tánh; lưỡi từ nếm vị mà thấy tánh v.v. Đó chính là điều trong Lăng Nghiêm Kinh Chánh Mạch, Giao Quang pháp sư nói: “Bỏ thức dụng căn”. Bồ tát Quán Thế Âm “phản văn văn tự tánh, tánh thành vô thượng đạo”. -“Tánh thành vô thượng đạo” nghĩa là gì? – Là minh tâm kiến tánh. “Kiến tánh” ở đây không phải thấy từ kinh điển, mà từ trong đời sống hàng ngày, lục căn tiếp xúc với lục trần mà “kiến tánh”. Từ trong động thấy được tịnh; từ trong tạp loạn thấy được bình an. Tất cả pháp đều không rời tự tánh. Các pháp đều như như! Các pháp đều như vậy! Đây gọi là “tư đạo”, không nên suy nghĩ này nọ, nghĩ đến những việc khác là sai!

Cái mà người thế gian nghĩ là nghĩ đến “tài, sắc, danh, thực, thùy” nghĩ đến “thất tình lục dục” v.v. đó là hoàn toàn sai! Người học Phật thì nghĩ: Làm thế nào thực tiễn được những điều tốt đẹp, độ nhiều chúng sinh, tích lũy nhiều công đức v.v. Đây là suy nghĩ tốt hơn người thế gian, những cũng là sai! Vì sao vậy? – Vì tâm đã phan duyên với cảnh giới bên ngoài thì lục căn không thanh tịnh!

Giáo lý Đại Thừa dạy ta phải “tùy duyên diệu dụng”. Nếu chúng ta chỉ “tùy duyên” mà không “diệu dụng” thì đó chính là tạo nghiệp, là “tùy duyên tạo nghiệp”!

“Tọa thiền”, theo chú giải của cụ Hoàng “Tọa Thiền” là tịnh tọa để tu Thiền. Thiền là tiếng Phạn, nói đủ là thiền-na, dịch là Tĩnh Lự, Tư Duy Tu v.v…Nói “tĩnh lự” vì thể tánh của thiền-na là tịch tĩnh, lại do dụng công suy nghĩ kỹ càng nên bảo là “tĩnh lự”.Tĩnh”Ðịnh, “Lự”Tuệ.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Định Tuệ  đồng nghĩa với “Chỉ, Quán”. “Chỉ” là đình chỉ, buông bỏ; “Quán” là thấu suốt. Tu hành, bước thứ nhất là phải buông bỏ vọng niệm mới có thể thấy rõ được chân tướng sự thật. Buông càng nhiều thì cái thấy càng thấu triệt, càng rộng.

“Tọa thiền”: Chữ “tọa” ở đây có nghĩa là tâm bất động, không phải thân bất động. Đi, đứng, ngồi, nằm đều có thể thiền. Tâm bất động là trụ tâm vào một cảnh giới, vào một câu A Di Đà Phật, đó là ở trong “Định”. Thiền định này, trong kinh Đại Tập, đức Thế Tôn tán thán: “Trì danh niệm Phật là thiền thậm thâm vi diệu”, so với Thiền thông thường còn cao hơn một bậc.

Trong Phật pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn, tất cả đều tu thiền, chỉ là dùng phương pháp không giống nhau như: Tu tịnh lự, tu tư duy tu v.v. cho đến chuyên tu niệm Phật.

Câu Xá Luận, quyển hai mươi tám có giảng: “ Do nghĩa nào mà gọi là Tĩnh lự? Do tịch tĩnh nên có thể nghĩ tưởng cặn kẽ. Nghĩ tưởng cặn kẽ, nghĩa là hiểu biết thật sự như hay nói: Tâm tại định thì có thể biết một cách đúng như thật”.

Hòa Thượng Tịnh Không giải thích: Câu “Do nghĩa nào mà gọi là Tĩnh Lự”; kế đến liền nói: “Do thử tịch tĩnh, năng thẩm lự cố” (Do tịch tĩnh nên có thể nghĩ tưởng cặn kẽ). Chữ “thẩm lự” ở đây là không cần phải suy nghĩ, không dùng tâm ý thức mà tự nhiên thấu triệt, đấy là “tĩnh lự”, cũng gọi là trực giác, là trí tuệ chơn minh liễu, là tri kiến của Thánh hiền; người thường không làm được. Cho nên, “tịch tĩnh” có thể “thẩm lự”. “Thẩm lự” là chân thật liễu tri, như bên dưới giải thích: “Tâm tại định thì có thể biết rõ một cách đúng như thật”.

“Tư duy tu” ở đây quan trọng nhất chính là “nhất tâm”. Nhất tâm tư duy, chính là trong kinh giáo, đức Phật nói “chỉ tâm nhất xứ”, đem tâm trụ tại một nơi, đây là nói về nhân. Chúng ta ngày nay nhất tâm niệm câu A Di Đà Phật, các thứ đều buông bỏ, nhờ vậy tâm được Định, được “niệm Phật Tam-muội”. “Tư duy tu” cũng có nghĩa là “nhất tâm bất loạn”, duy nhất chỉ nhớ nghĩ đến A Di Đà Phật, đấy gọi là chân chánh niệm Phật.

Tóm lại, tất cả những đề cập trên đây đều nói về Thiền định Ba-la-mật trong Lục Độ mà tất cả Bồ tát đều đang tu.

KINH VĂN:

Hoặc đắc Tu Đà Hoàn, hoặc đắc Tư Đà Hàm, hoặc đắc A Na Hàm, A La Hán. Vị đắc A Duy Việt Trí giả, tắc đắc A Duy Việt Trí . Các tự niệm đạo, thuyết đạo, hành đạo, mạc bất hoan hỉ.

VIỆT DỊCH:

Hoặc đắc Tu Ðà Hoàn, hoặc đắc Tư Ðà Hàm, hoặc đắc A Na Hàm, A La Hán. Người chưa đắc A Duy Việt Trí thì sẽ đắc A Duy Việt Trí. Ai nấy đều tự niệm đạo, thuyết đạo, hành đạo, không ai chẳng hoan hỉ.

GIẢNG:

“Hoặc đắc Tu Đà Hoàn, hoặc đắc Tư Đà Hàm, hoặc đắc A Na Hàm, A La Hán”: Đây là “Tứ Quả Thanh Văn”. Đoạn kinh văn trên nói rõ thành tựu của người vãng sinh Thế giới Tây phương

Cực Lạc không giống nhau. Có người đắc quả Tu Đà Hoàn, hoặc đắc Tư Ðà Hàm, hoặc đắc A Na Hàm, A La Hán. Người chưa đắc A Duy

Việt Trí sẽ đắc A Duy Việt Trí. Mỗi mỗi đều tùy ý tu hành, đều tự tại đắc quả, không ai mà chẳng hoan hỉ. Sách chú giải của cụ Hoàng giải thích “Tứ Quả Thanh Văn” như sau:

– Tu Ðà Hoàn dịch là Nhập Lưu, Dự Lưu hay Nghịch Lưu, còn gọi là Sơ Quả.Người đoạn được Kiến Hoặc trong tam giới sẽ đắc quả này. Nhập LưuDự Lưu đều cùng một nghĩa là: Từ phàm phu bắt đầu dự vào dòng thánh. Gọi là Nghịch Lưu, vì khi đã nhập vào dòng thánh thì ngược dòng lũ sinh tử. Các cách dịch như trên, về văn tự tuy có khác, nhưng ý nghĩa đều tương đồng.

– Tư Ðà Hàm dịch là Nhất Lai, còn gọi là Nhị Quả. Theo giải thích của Hòa Thượng Tịnh Không: Cửu Địa tổng cộng có tám mươi mốt phẩm Tư Hoặc. Đây là Cửu Địa cửu phẩm; mỗi Địa đều có chín phẩm; chín nhân chín thành tám mươi mốt. Họ đã đoạn được chín phẩm đầu trong các Tư Hoặc thuộc chín địa vị trong Dục giới, nhưng vẫn còn ba phẩm Tư Hoặc sau chưa đoạn. Cho nên, Nhị Quả vẫn còn phải đến nhân gian một lần nữa, nên gọi là Nhất Lai.

– A Na Hàm cựu dịch là Bất Lai, tân dịch là Bất Hoàn. Trên thực tế, Bất lai hay Bất Hoàn đều cùng một nghĩa. Bậc này đã đoạn sạch ba phẩm cuối còn sót lại của Tư Hoặc trong Dục giới, không còn trở lại Dục giới nữa nên gọi là Bất Lai hay Bất Hoàn. Tuy vậy, họ vẫn chưa ra khỏi lục đạo. Đa phần Quả này đều ở cõi trời Tứ Thiền. Tứ Thiền có chín cõi, trong đó có năm cõi Bất Hoàn, gọi là Ngũ Bất Hoàn Thiên. Họ ở nơi đây tu hành cùng với các tôn giáo khác có cùng một trình độ đẳng cấp, cùng một năng lực tu hành như nhau.

– A La Hán, dịch là Sát Tặc, Ứng Cúng, Bất Sinh. Họ đã đoạn tận Kiến Tư phiền não.

“Sát tặc”là giết giặc phiền não. Chữ “tặc” ở đây ví cho Kiến Tư phiền não gồm tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc và tám mươi mốt phẩm Tư Hoặc. Bởi Kiến Tư phiền não chướng ngại cho việc Kiến tánh, khiến bao nhiêu công đức, pháp tài của chúng ta đều bị tiêu hết, nên ví nó như là giặc cướp.

“Ứng cúng”là xứng đáng nhận được sự cúng dường của trời và người.  Chúng ta đã biết, A La Hán là quả vị cao nhất trong Tiểu thừa, là bậc thánh hiền, xứng đáng là ruộng phước cho tất cả người, trời để gieo trồng công đức cúng dường, nên gọi là Ứng Cúng.

A La Hán cũng đã đoạn sạch các quả báo, nhập Hữu Dư Niết Bàn, chẳng sinh vào tam giới nữa nên bảo là Bất Sinh.

Theo cụ Hoàng Niệm Tổ:

Trên đây, là những vị đã đắc Tứ Quả Thanh Văn, đã đoạn tận các Hoặc; nhưng thật ra người vãng sinh cõi Cực Lạc đều đã phát Bồ Ðề tâm, đều là Nhất Phật Thừa nên dù có bảo họ là Thanh Văn, cũng chỉ là phán định theo mức độ đoạn Hoặc, thuận theo cách nói thông tục mà thôi.

“ Vị đắc A Duy Việt Trí giả, tắc đắc A Duy Việt Trí” (Người chưa đắc A Duy Việt Trí thì sẽ đắc A Duy Việt Trí). A Duy Việt Trí còn được phiên âm là A Bệ Bạt Trí, nghĩa là không thoái chuyển nơi Phật đạo. Bản chú giải kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã của Ngài Từ Ân có nói: “A Bệ Bạt Trí: A là không, Bệ-bạt-trí là thoái chuyển. Vì vậy, kinh Ðại Phẩm Bát Nhã chép: ‘Bất thoái chuyển giả, danh A Bệ Bạt Trí’” (Do chẳng thoái chuyển nên gọi là A Bệ Bạt Trí). Đây là ngôi vị của Bồ Tát phải tu hành trọn cả một đại A-tăng-kỳ kiếp mới chứng được; nhưng đối với pháp môn Tịnh Ðộ thật khác xa lắm. Kinh Tiểu Bổn dạy: “Cực Lạc quốc độ, chúng sinh sinh giả, giai thị A Bệ Bạt

Trí” (Chúng sinh sinh về cõi nước Cực Lạc đều là bậc Bất Thoái Chuyển). Kinh này bảo: “Vị đắc A Duy Việt Trí giả, tắc đắc A Duy Việt Trí” (Kẻ chưa đắc A Duy Việt Trí sẽ đắc A Duy Việt Trí) thì thật là tương đồng.

Sách A Di Ðà Yếu Giải còn nói:

“A Bệ Bạt Trí, Hán dịch là Bất Thoái.

  1. – Một là Vị Bất Thoái: Nhập vào dòng thánh, chẳng đọa vào địa vị phàm phu.
  2. – Hai là Hạnh Bất Thoái: Luôn độ sinh chẳng đọa vào địa vị Nhị Thừa.
  3. – Ba là Niệm Bất Thoái: Tâm tâm lưu nhập biển Tát Bà Nhã”.

Hòa Thượng Tịnh Không giải thích:

1.-“Vị bất thoái, nhập Thánh lưu, bất đọa phàm phu”, đây là Tu Đà Hoàn chứng được. Họ sẽ không còn thoái chuyển đến phàm phu. Tuy nhiên, họ vẫn còn bảy lần ở cõi trời và cõi người gọi là “thất tử, thất sinh”, tức là bảy lần tử, bảy lần sinh mới chứng được quả vị A La Hán, vĩnh viễn không còn trở lại lục đạo. Có đến chăng chỉ là nương thuyền từ đến để độ hóa chúng sinh mà thôi.

2.- “Hạnh Bất Thoái, hằng độ sinh, bất đọa Nhị Thừa địa”. Điều này, A La Hán không làm được! Bốn quả vị của Tiểu thừa đều không có “Hạnh Bất Thoái”. Bởi chúng sinh rất khó độ! Họ không nghe lời, đôi khi còn làm trái ngược, tổn thương đến các ngài! Do vậy mà A La Hán, Bích Chi Phật chỉ cứu giúp những chúng sinh có duyên; nếu không có duyên, các ngài sẽ không chủ động đi tìm! Chỉ khi nào chúng sinh khổ nạn tìm đến, các ngài mới ra tay cứu giúp. Khác hẳn với Bồ tát, tâm lượng họ rất từ bi, nhẫn chịu được tất cả mọi hoàn cảnh bất như ý, không khởi tâm trách cứ hay phiền não, vẫn chờ đợi cơ duyên. Nên Bồ tát có “Hạnh Bất thối”, hằng độ chúng sinh, luôn chủ động giúp người, chủ động “làm bạn không mời” của tất cả chúng sinh, không lười mỏi.Bất Thoái Chuyển Bồ tát, vĩnh viễn không thoái đọa thành Nhị thừa.

3.- “Niệm Bất Thoái”: A Duy Việt Trí cũng là “Niệm Bất Thoái”, “tâm tâm lưu nhập biển Tát Bà Nhã”. Biển Tát Bà Nhã dịch là biển Nhất Thiết Chủng Trí, tức là Như Lai Quả Hải, cũng chính là tự tánh hay tánh hải. Hàng Biệt giáo Sơ Địa, Viên giáo Sơ Trụ Bồ tát chứng được quả vị này. Điều kiện chứng đắc của các ngài là phá được một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, mới có thể xả bỏ Nhị biên, toàn quy về Trung Đạo. “Toàn quy Trung Đạo” cũng chính là toàn quy tự tánh, toàn quy Thường Tịch Quang. Trong đây tuyệt đối không có ý niệm Trung Đạo. Trung Đạo chỉ là chúng ta nói. Nếu thấy có Trung Đạo là có khởi tâm động niệm, là có đối lập, rơi vào Nhị biên. Nên ý niệm Trung Đạo cũng không được có , chỉ là bất đắc dĩ dùng Trung Đạo.

“Niệm niệm lưu nhập biển Tát bà Nhã”: Rõ ràng “Niệm Bất Thoái” rất khó chứng được. Nhưng, trong diệu pháp Tịnh độ, chúng ta hiện nay là người niệm Phật, nếu thật sự có thể phát tâm, nhất tâm xưng niệm Phật A Di Đà, ngoài Phật A Di Đà ra, tất cả tạp niệm đều buông hết. Điều này cũng đồng nghĩa với “Niệm niệm lưu nhập biển Tát bà Nhã” của A Duy Việt Trí, cũng ngang bằng với Viên giáo Sơ Trụ và Biệt giáo Sơ Địa chứng được. Đây là sự thật!

– Nguyên nhân này do đâu?

– Do bổn nguyện gia trì của A Di Đà Phật, là nguyện thứ hai mươi “Lâm chung tiếp dẫn” mà thành tựu: “Phàm là người niệm Phật vãng sinh đến thế giới Cực Lạc, đều là A Duy Việt Trí Bồ tát”. Công đức lợi ích thù thắng này, các kinh luận khác, các pháp môn khác đều không có, trong cõi báu của tất cả chư Phật Như Lai cũng không có, chỉ có ở thế giới Tây phương Cực Lạc. Thật là quá ư thù thắng! Tịnh Độ quả thật là rất viên mãn, rất vi diệu.

– Diệu ở chỗ nào? – Diệu ở chỗ “ngũ nghịch thập ác” tạo tội địa ngục vô gián “thập niệm thành tựu, đới nghiệp vãng sinh. Cư hạ hạ phẩm giả, giai đắc tam bất thoái” (mười niệm thành tựu, mang nghiệp đi vãng sinh. Ở vào hạ hạ phẩm cũng đều được ba thứ bất thoái). Điều này thật không thể nghĩ bàn! Đây là nói, lúc lâm chung gặp được thiện hữu tri thức đến khuyên bảo, họ thật sự có thể sám hối, thật sự có thể quay đầu, có thể tin, có thể nguyện, kế đến là chí tâm niệm Phật; cho dù chỉ một câu hay mười câu, cũng đều có thể được vãng sinh.

Vì vậy Linh Phong Đại Sư (tức Ngẫu Ích Đại Sư) đã vô cùng tán dương:“Thập phương Phật độ, vô thử danh tướng, vô thử giai vị, vô thử pháp môn. Phi tâm tánh chi cực chí, trì danh chi kỳ huân, Di Đà chi đại nguyện, hà dĩ hữu thử!” (Trong cõi Phật mười phương không đâu có danh tướng này, không đâu có địa vị này, không đâu có pháp môn này. Nếu chẳng phải do tâm tánh đã đạt đến cùng cực (của Phật A Di Đà đã thành tựu), do sức hỗ trợ kỳ diệu của trì danh, do Di Đà đại nguyện làm sao đạt được (thành tựu trang nghiêm, thù thắng như vậy).

Trong bài kệ khai kinh có nói: “Trăm ngàn muôn kiếp khó gặp được”. Cư sĩ Bành Tế Thanh cũng nói: “Đây là ngày hi hữu khó gặp từ vô lượng kiếp đến nay”.

Chúng ta nay đã gặp, nhất định không thể để nó trôi qua một cách vô ích. Đối với kinh sách tu học trong Tịnh độ, chúng ta tuy có năng tín, năng giải nhưng lại thiếu năng hành! Chướng ngại của chúng ta là chưa buông bỏ. Thử nghĩ: Nếu đại thiên tai đến, chúng ta phải làm sao?

– Không buông cũng không được! Trước mắt chúng ta chỉ có hai con đường: Một là thế giới Cực Lạc, hai là địa ngục A Tỳ. Chúng ta niệm Phật, tụng kinh, bái sám, nếu không có tâm chân thành, tâm cung kính, tâm thiết nguyện, buông bỏ tự tư tự lợi, ngũ dục lục trần v.v. thì làm sao có được cảm ứng!

Thế giới ngày nay quá loạn, chưa từng thấy trong lịch sử! Cuối thời nhà Thanh, xã hội tuy rất loạn, nhưng vẫn còn “ngụy quân tử”, còn chút lương tâm; làm việc xấu vẫn còn sợ người phê bình, còn tìm cách che đậy. Con người ngày nay, làm việc xấu không sợ ai khinh, còn hãnh diện được người khen là có bản lĩnh. Nếu làm việc tốt sẽ bị người chê là ngu ngơ, lạc hậu! Xã hội làm sao không loạn?!

Cuối cùng, “các tự niệm đạo, thuyết đạo, hành đạo, mạc bất hoan hỉ” (ai nấy đều tự niệm đạo, thuyết đạo, hành đạo, không ai mà chẳng hoan hỉ). Việc này nói lên: Ở Thế giới Cực Lạc, thành tích tu tập không ngừng nâng cao; mỗi ngày đều có chỗ ngộ, do vậy mà pháp hỉ sung mãn.