Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

QUYỂN 3

Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2567 -2023

 

TUYỀN TRÌ CÔNG ĐỨC ĐỆ THẬP THẤT

Phẩm này trình bày công đức chẳng thể nghĩ bàn của các ao suối nơi cõi Cực Lạc.

1.- Trước hết là những đặc tính tổng quát của những ao ấy và những tướng trạng riêng biệt như kích thước, tính chất của nước, cây mọc bên bờ ao, hoa nở trong ao v.v.

2.- Ao tuyên dương diệu pháp, thành thục thiện căn.

3.- Chúng sinh trong mười phương sinh về Cực Lạc đều hóa sinh trong ao sen.

KINH VĂN:

Hựu kỳ giảng đường tả hữu, tuyền trì giao lưu, túng quảng thâm thiển, giai các nhất đẳng. Hoặc thập do-tuần, nhị thập dotuần, nãi chí bách thiên do-tuần, trạm nhiên hương khiết, cụ bát công đức.

VIỆT DỊCH:

Hai bên giảng đường lại có ao, suối chảy quanh, ngang, dọc, sâu, cạn đều giống hệt nhau, hoặc là mười do-tuần, hai mươi do-tuần, cho đến trăm ngàn do-tuần, trong lặng, thơm, sạch, đủ tám công đức.

GIẢNG:

“Tuyền trì công đức”: chữ “tuyền trì” ở đây chỉ cho ao thất bảo. Chữ “công đức” chỉ cho nước tám công đức.

“Hựu kỳ giảng đường tả hữu, tuyền trì giao lưu” (Hai bên giảng đường lại có ao, suối chảy quanh) là tổng tướng, hàm ý: cây báu, ao sen trọn khắp cõi nước. Quán kinh nói: “Nhất nhất trì thủy, thất bảo sở thành… Kỳ Ma Ni thủy, lưu chú hoa gian, tầm thụ thượng hạ” (Nước trong mỗi một ao do bảy báu hợp thành… Nước Ma-ni ấy chảy rót vào hoa, lên xuống theo thân hoa). Cho thấy cây báu cũng cần được trưởng dưỡng bởi nước công đức. Nước này thật vi diệu, có thể chảy ngược dòng, lên, xuống trong khi nước trong ao chúng ta chỉ có thể chảy xuống, không thể chảy ngược.

“Túng quảng thâm thiển, giai các nhất đẳng. (Ngang, dọc, sâu, cạn, đều giống hệt nhau). Trong phần biệt tướng, trước hết nói đến hình dáng, kích thước của mỗi ao. “Túng” là nói về độ dài, “quảng” là nói về chiều rộng. Kích thước, mức độ sâu cạn của mỗi ao đều ứng hiện theo căn cơ của mỗi người, nên không phải chỉ có một kích thước mà có thể lớn “hoặc thập do-tuần, nhị thập do-tuần, nãi chí bách thiên do-tuần”. Trong kinh Đại thừa, đức Phật thường nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sinh”. Đến thế giới Tây phương Cực Lạc, sự việc này mới trở thành hiện thực.Trong cùng một ao, nhưng ý muốn mỗi người một khác, nên cảm thọ của mỗi người cũng không giống nhau, tất cả đều tùy tâm ưa thích mà thị hiện. Ở thế giới Cực Lạc, không gì mà không được như ý.

Kế đến kinh mô tả đặc tính của nước trong ao, suối ở thế giới Cực Lạc  rất trong, lặng, sạch sẽ, thơm tho, nên bảo là “trạm nhiên hương khiết”. Ngoài ra, nước ở đó còn có đủ tám công đức nên gọi là “bát công đức thủy”. 

Kinh Xưng Tán Tịnh Ðộ Phật Nhiếp Thọ bảo: “Hà đẳng danh vi bát công đức thủy? Nhất giả trừng tịnh, nhị giả thanh lãnh, tam giả cam mỹ, tứ giả khinh nhuyễn, ngũ giả nhuận trạch, lục giả an hòa, thất giả ẩm thời trừ cơ khát đẳng, vô lượng quá hoạn, bát giả ẩm dĩ, định năng trưởng chư căn tứ đại, tăng ích chủng chủng thù thắng thiện căn. Đa phước chúng sinh, trường lạc thọ dụng” (Những gì là nước tám công đức? Một là lặng sạch, hai là trong mát, ba là ngon ngọt, bốn là mềm nhẹ, năm là nhuần thấm mượt mà; sáu là an hòa, bảy là uống vào trừ được đói, khát, vô lượng lo âu lầm lỗi; tám là uống xong quyết định trưởng dưỡng các căn tứ đại, tăng ích các thứ thiện căn thù thắng. Chúng sinh nhiều phước, thọ dụng sự vui lâu dài).

* “Nhất giả trừng tịnh”: Chữ “trừng” ở đây có nghĩa là bất động, nước không có gợn sóng. Chữ “tịnh” là trong sạch, không có nhiễm ô. Ý nói: Nước ở thế giới Cực Lạc trong, lặng như tấm gương soi.

* “Nhị giả thanh lãnh”, thông thường chúng ta gọi là thanh lương. Khi tiếp xúc, chạm vào nước, cảm giác ta rất dễ chịu.

* “Tam giả cam mỹ”: Nước ở thế giới Cực Lạc rất ngon ngọt như cam lộ. Nước ở thế gian chúng ta không được như vậy.

* “Tứ giả khinh nhuyễn”: Nước ở thế giới Cực Lạc rất mềm nhẹ. Nước ở thế giới chúng ta rất nặng.

* “Ngũ giả nhuận trạch”: Chữ “nhuận trạch” có nghĩa là nhuần trơn, mượt mà, khiến da dẻ được tươi mát; cây cỏ, hoa lá được thấm nhuần.

* “Lục giả an hòa”: Nước ở thế giới Cực Lạc an bình, êm ấm. Người không biết bơi, xuống ao cũng không sợ chết đuối. Vì sao vậy? Vì nước tùy tâm chuyển! Muốn cạn thì nó cạn, muốn sâu thì nó sâu. Tất cả đều tùy ý tự tại.

* “Thất giả ẩm thời trừ cơ khát, đẳng vô lượng quá hoạn”: Nước ở đây có đầy đủ dưỡng chất, nuôi dưỡng thân tâm, trừ được đói, khát, vô lượng lầm lỗi, âu lo, tật bệnh.

* “Bát giả ẩm dĩ, định năng trưởng dưỡng chư căn tứ đại”: Khi uống nước này, có thể trưởng dưỡng được lục căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) và tứ đại (chính là thân thể).

* “Tăng ích chủng chủng thù thắng thiện căn”: Điều này thật quá tuyệt! Nước ở thế giới Cực Lạc có thể giúp chúng ta tăng trưởng thiện căn. Điều này thế gian chúng ta không có. “Đa phước chúng sinh, thường lạc thọ dụng”: Vãng sinh đến thế giới Cực Lạc, đều là chúng sinh có nhiều phước báu, nên họ có được thọ dụng, sự vui lâu dài.

Thế giới Cực Lạc có vô lượng, vô biên ao báu; nước công đức cũng vô biên không cùng tận, không như thế gian của chúng ta. Các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo: Tương lai, chúng ta sẽ có nguy cơ về lương thực, về nguồn nước, về nguồn năng lượng v.v. Nguy cơ quá nhiều! Thế giới Cực Lạc tốt đẹp như vậy,  sao chúng ta không đi?!  Không phải không thể đi, mà thật sự chúng ta có thể đi được. Quan trọng nhất là chúng ta phải biết nhìn thấu buông bỏ, phải phát Bồ Đề tâm,  nhất hướng chuyên niệm Phật A Di Đà thì nhất định được vãng sinh.

KINH VĂN: 

Ngạn biên vô số chiên đàn hương thụ, cát tường quả thụ. Hoa quả hằng phương, quang minh chiếu diệu, tu điều, mật diệp, giao phú ư trì, xuất chủng chủng hương, thế vô năng dụ. Tùy phong tán phức, duyên thủy lưu phân.

VIỆT DỊCH: 

Trên bờ có vô số cây hương chiên-đàn, cây cát tường quả. Hoa quả luôn thơm ngát, quang minh chói ngời, cành to, lá dày, chen bóng phủ khắp mặt ao, tỏa các mùi hương, thế gian không sánh nổi. Hương thoảng trong gió, theo nước cuốn bay xa.

GIẢNG: 

Đoạn kinh văn trên đây mô tả quang cảnh trang nghiêm của ao bảy báu ở thế giới Tây phương Cực Lạc.

“Ngạn biên vô số chiên đàn hương thụ, cát tường quả thụ”: Hai bên bờ có vô số cây chiên đàn hương, cây cát tường quả. Hoa quả không bao giờ tàn, luôn thơm ngát tỏa khắp muôn phương, đẹp không kể xiết!

Chữ “chiên đàn”, người Trung Quốc gọi là “đàn hương”, phần trước đã nói qua. Vào thời đức Phật có cây chiên đàn, nhưng hiện nay không còn nữa .Hương thơm của chiên đàn có thể trị được rất nhiều chứng bệnh, nên gọi là bảo hương.

“Cát tường quả” chỉ có ở Ấn Ðộ, Trung Quốc không có. Quả này hình giống như trái dưa nhỏ, màu vàng ửng đỏ. Cũng có thể dùng trái thạch lựu, một loại trái có nhiều hạt để hình dung cho quả cát tường. Mùi hương của quả cát tường ở thế giới Cực Lạc không bao giờ dứt, màu sắc của hoa cũng không thay đổi, trái cây luôn chín muồi, tất cả đều do biến hóa. Có thể tưởng tượng: Nếu chúng ta hái xuống một quả, thì lập tức trên cây ấy liền mọc ra trái khác cũng y như vậy. Thiên biến vạn hóa, mới là tuyệt diệu!

Kinh dạy: “Trì lưu hoa thụ … giai dĩ vô lượng bảo hương hợp thành” (Cây, hoa bên bờ ao, dòng suối…đều do vô lượng hương báu hợp thành) nên “hoa quả hằng phương” (hoa quả luôn thơm ngát).

“Quang minh chiếu diệu” (Quang minh chói ngời) đồng nghĩa với kinh văn trước đây “Vô lượng quang viêm, chiếu diệu vô cực” (Vô lượng tia sáng rực rỡ, chói ngời vô cùng tận). Quả thật, cây cối  ở thế giới Cực Lạc không những tỏa hương thơm ngát, lại còn phóng diệu quang.

“Tu điều, mật diệp, giao phú ư trì” (cành to, lá dày. chen bóng phủ khắp mặt ao)

“Tu điều”: Chữ “tu” là dài. “Tu điều”  là những cành cây dài giống như cành dương liễu. “Phú” là che trùm.

“Giao phú ư trì,” ý nói các cành nhánh cây to vươn dài, chạm ngọn vào nhau, soi bóng xuống mặt ao. Các rừng cây như thế, “xuất chủng chủng hương” tỏa ra các thứ diệu hương thù thắng, không cách chi diễn tả, chẳng phải là thứ của thế gian có thể sánh nổi, nên bảo là “Thế vô năng dụ”.

“Tùy phong tán phức, duyên thủy lưu phân”: Ý nói, mùi hương ngào ngạt của hoa quả được gió đức (đức phong) lưu chuyển, cuộn theo dòng nước mà lan tỏa khắp nơi. Đây cũng là thành tựu của nguyện thứ bốn mươi ba “ Bảo hương phổ huân” (hương báu xông khắp) của đức Phật A Di Đà .

KINH VĂN: 

Hựu phục trì sức thất bảo, địa bố kim sa. Ưu Bát La hoa, Bát Đàm Ma hoa, Câu Mâu Đầu hoa, Phân Đà Lợi hoa, tạp sắc quang mậu, di phú thủy thượng.

VIỆT DỊCH: 

Lại nữa, ao trang hoàng bằng bảy báu, đáy trải cát vàng. Hoa Ưu Bát La, hoa Bát Đàm Ma, hoa Câu Mâu Đầu, hoa Phân Đà Lợi nhiều màu tỏa sáng rực rỡ, phủ kín mặt nước. 

GIẢNG:

Đoạn kinh văn trên mô tả tướng trang nghiêm trong ao.

“Hựu phục trì sức thất bảo, địa bố kim sa” (Lại nữa, ao trang hoàng bằng bảy báu, đáy trải cát vàng). Chữ “địa” ở đây là nói đáy ao.

Bản Hán dịch ghi: “Hữu thuần bạch ngân trì giả, kỳ để sa giai hoàng kim dã. Trung hữu thuần hoàng kim trì giả, kỳ thủy để sa giai bạch ngân dã… Trung phục hữu nhị bảo cộng tác nhất trì giả, kỳ thủy để sa giai kim ngân dã” (Có ao thuần bằng bạc trắng, cát nơi đáy ao thuần là vàng ròng. Trong ấy lại có ao thuần bằng vàng ròng, đáy ao phủ cát bạc trắng…Trong ấy lại có ao bằng hai thứ báu hợp thành, đáy ao trải cát bằng vàng lẫn bạc) cho đến “trung phục hữu thất bảo cộng tác nhất trì giả, kỳ trì để sa giai kim, ngân, thủy tinh, lưu ly, san hô, hổ phách, xa cừ mã não dã” (trong ấy có ao do bảy báu hợp thành, đáy ao dùng vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly, san hô, xa cừ, mã não làm cát trải).

Tiếp đó, kinh nói đến bốn thứ hoa xinh đẹp trong ao:

Ưu Bát La hoa, Bát Đàm Ma hoa, Câu Mâu Đầu hoa, Phân Đà Lợi hoa”. Sách Hội Sớ giảng: “Ưu Bát La, Hán dịch là Thanh Liên Hoa, Bát Ðàm Ma dịch là Hồng Liên Hoa, Câu Mâu Ðầu dịch là Hoàng Liên Hoa, Phân Ðà Lợi dịch là Bạch Liên Hoa. Ðó là hoa sen bốn màu nói trong kinh Tiểu Bổn”.

Sách Tiên Chú về kinh Vô Lượng Thọ của cư sĩ Đinh Phước Bảo có nói: “Sen nơi trời Tây gồm có bốn thứ: xanh, vàng, trắng, đỏ. Lại còn tùy theo hoa còn búp, đã nở, rụng cánh mà gọi tên khác nhau. Phân Ðà Lợi là tên gọi của hoa sen trắng đang nở. Thứ hoa này lại rất to, có đến vài trăm cánh hoa nên còn có tên là Bách Diệp Liên (sen trăm cánh). Chữ ‘liên hoa’ dùng trong tựa đề kinh Diệu Pháp Liên Hoa chính là loại hoa Phân Ðà Lợi màu trắng trăm cánh này. Loại hoa này thường mọc trong ao A Nậu Ðạt, không thấy trong nhân gian, nên nó được xưng tụng là hoa đẹp nhất trong loài người, là hoa hiếm có v.v.”

Hòa Thượng Tịnh Không giải thích như sau:

– Hoa sen còn búp là biểu trưng cho người niệm Phật chưa vãng sinh

– Hoa sen nở là người vãng sinh

– Hoa sen tàn là người chưa vãng sinh mà đã thoái chuyển!

Người vãng sinh về thế giới Tây phương Cực Lạc đều ở trong hoa sen. Cung điện, lầu quán của họ cũng ở trong hoa sen. Như vậy, hoa sen làm sao tàn được. Họ muốn đến đâu thì hoa sen liền đến đó. Muốn ở trên mặt đất thì hoa sen liền đậu trên mặt đất. Muốn ở trong ao bảy báu, thì hoa sen liền ở trong ao. Muốn ở trên không trung, thì hoa sen ở trên không trung. Cho nên, ở thế giới Cực Lạc, đồng nghĩa với hoa sen là chỗ ở, phòng nhà của họ.

Hoa sen mọc từ bùn nhưng không nhiễm chút mùi bùn. Bùn tượng trưng cho lục đạo. Trên mặt bùn là dòng nước trong xanh, tượng trưng cho Tứ Thánh Pháp giới. Hoa nở vượt hẳn lên trên mặt nước là tượng trưng cho tịnh hay uế đều không nhiễm; đó là nhất chân pháp giới. Trong thực vật, hoa sen hiển thị cho nhân quả đồng thời: Khi chưa nở, trong nụ hoa đã có hạt; khi hoa nở thì hạt đã chín muồi. Hoa chính là nhân, hạt chính là quả. Không như các thực vật khác, hoa nở trước,  sau mới kết quả tức là nhân quả không đồng thời.

Hoa sen giúp chúng ta lãnh hội được: Trong nhân có quả, trong quả có nhân, nhân quả đồng thời, nhân quả không hai. Đây là chân tướng sự thật. Khi chúng ta khởi tâm động niệm, dù niệm thiện hay niệm ác, thì quả báo ở cõi trời hay ở địa ngục đều đã hình thành, nhưng chúng ta không hề hay biết! Người chí tâm niệm Phật, mỗi niệm đều tạo quả báo ở thế giới Tây phương Cực Lạc.

Lại nói: Hoa Phân Đà Lợi màu trắng, trăm cánh, thường mọc trong ao A Nậu Đạt. – Vậy ao A Nậu Đạt ở đâu? Theo Hòa Thượng Tịnh Không: – Là trên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn. Chúng ta gọi đó là Thiên trì. Nơi cao như vậy lại có ao; trong ao lại có loại hoa này. Rất hi hữu! Các nơi khác không cách chi trồng được, chỉ có ở cao nguyên. Trong hoàn cảnh khí hậu như vậy, hoa sen Phân Đà Lợi mới có thể sinh trưởng.

“Tạp sắc quang mậu” (nhiều màu tỏa sáng rực rỡ): Nhiều màu hợp lại gọi là “tạp sắc”, cũng tượng trưng cho sự điều hòa, hợp tác, bình đẳng. Đức Phật áp dụng ý nghĩa này gọi là ca-sa. Ca-sa là tạp sắc, là hỗn hợp của năm màu: Đỏ, vàng, lam, trắng, đen.

Ngày xưa, đức Phật cùng các đệ tử đi khất thực. Mỗi bình bát khất thực không phải của một nhà mà do bảy nhà cúng dường. Cơm và thức ăn đều trộn lẫn trong một bình bát, đó gọi là ca-sa. Tấm y mang trên người có nhiều ô ghép lại, tượng trưng cho khác chủng tộc, khác bộ lạc, khác văn hóa v.v. đều hòa hợp trên thân của chúng ta. Cho nên, trong Phật pháp, tất cả mọi việc như mặc áo, ăn cơm v.v. đều có ý nghĩa đặc trưng của tự tánh viên minh cụ đức.

“Quang mậu”: Chữ “quang” là quang minh, chữ “mậu” là tươi tốt. “Quang mậu” diễn tả ánh quang minh rực rỡ chói ngời.

“Di phú thủy thượng” (phủ kín mặt nước): Chữ “di” diễn tả ý trọn khắp. Ý nói: Hoa sen mọc khắp, che kín cả mặt ao. Điều này cũng biểu thị: Người niệm Phật trong mười phương thế giới có rất nhiều không sao kể xiết.

KINH VĂN: 

Nhược bỉ chúng sinh, quá dục thử thủy, dục chí túc giả, dục chí tất giả, dục chí yêu dịch, dục chí cảnh giả, hoặc dục quán thân, hoặc dục lãnh giả, ôn giả, cấp lưu giả, hoãn lưu giả, kỳ thủy nhất nhất tùy chúng sinh ý, khai thần duyệt thể, tịnh nhược vô hình. Bảo sa ánh triệt, vô thâm bất chiếu.

VIỆT DỊCH: 

Nếu chúng sinh cõi kia đến tắm trong nước ấy, muốn nước dâng đến chân, muốn ngập đến gối, muốn ngập ngang lưng, muốn dâng đến cổ, hoặc muốn xối lên thân, hay muốn nước lạnh, ấm, chảy gấp hay chảy chậm, thì nước đó mỗi mỗi đều thuận theo ý chúng sinh, khai hiển thần thức, thân thể vui sướng, (nước) sạch dường như vô hình, cát báu phản chiếu khắp nơi, dẫu sâu thế mấy cũng đều chiếu thấu.

GIẢNG: 

Ðoạn kinh văn trên diễn tả nước ở thế giới Cực Lạc có đủ các diệu dụng, khéo đáp ứng mọi ý muốn của con người.

Sách Hội Sớ giảng câu “quá dục thử thủy” (đến tắm trong ao nước ấy) như sau: “Nhân thiên trong cõi ấy chẳng phải là thân ăn cơm, uống nước, thân họ được thành tựu một cách thanh tịnh, sao lại cần phải tắm rửa? Ấy chẳng qua chỉ là để tùy ý hưởng vui, gột rửa cấu nhiễm trong tâm mà thôi”. Cấu nhiễm trong tâm đã tiêu trừ thì tự nhiên tinh thần sảng khoái, thân thể an vui nên kinh bảo “khai thần duyệt thể” (khai hiển thần thức, thân thể vui sướng).

Đến đây, Hòa Thượng Tịnh Không giải thích như sau: Bồ tát ở cõi Đồng Cư và cõi Phương Tiện ở thế giới Cực Lạc, tuy là A Duy Việt Trí Bồ tát, nhưng bản chất họ vẫn chưa rời thần thức, tức là vẫn chưa chuyển đổi. Thần thức chính là vọng tâm. Sau khi chuyển đổi, họ không còn ở cõi Phương Tiện và cõi Đồng Cư nữa, mà đến cõi Thật Báo. Chữ “Khai thần” ở đây có nghĩa là: Những Bồ tát đến tắm trong ao bảy báu được “khai hiển thức tánh trung bổn hữu chi thần trí dã”, được đoạn hết tập khí, phiền não trong vô lượng kiếp, được đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Thật là vô lượng công đức chẳng thể nghĩ bàn!

Nên nhớ: Trong Thập pháp giới, người ở cõi trời Tứ Không, tuy thọ mạng rất dài, như họ vẫn là “mê chưa giác tỉnh”. Bồ tát trong hai cõi Phương Tiện và Đồng Cư ở thế giới Cực Lạc là “giác tỉnh không mê”; hoàn toàn khác nhau!

– Vì sao họ không mê?

– Vì Phật A Di Đà ngày ngày dạy họ. Ngày ngày họ được thân cận với “chư thượng thiện nhân Bồ tát”, lại được oai thần bổn nguyện của Phật A Di Đà gia trì, làm sao mê được. Hơn nữa, ngày ngày được tắm mình trong ao sen báu, ngày ngày được tăng trưởng trí tuệ.

Diệu dụng của nước công đức thật không thể nghĩ bàn! Muốn nước dâng cao hay hạ thấp, muốn nước nóng hay lạnh, chảy nhanh hay chảy chậm,  muốn nước ngập đến chân hoặc ngập đến lưng, đến cổ, hoặc muốn nước xối toàn thân, thảy đều được như ý. Nên nói “kỳ thủy nhất nhất, tùy chúng sinh ý”.  

Thử nghĩ: Chỉ một dòng nước, trong cùng một ao, lại có thể tùy ý thích của mỗi người mà ứng hiện như thế? Đến đây, cụ Hoàng Niệm Tổ nêu ra hai vấn đề: Nước ở đây là loại nước gì? Cảnh giới nầy là cảnh giới nào? Rồi cụ dẫn chứng: Khi Phật A Di Ðà lúc còn ở tu nhân, đã trụ trong Chân Thật Tuệ để trang nghiêm Tịnh Ðộ, khai hóa, hiển thị Chân Thật Tế. Cái Chân Thật Tế ấy chính là Thật Tế lý thể, là tự tâm của đương nhân, mà cũng chính là một pháp cú, một thanh tịnh cú, chân thật trí tuệ vô vi Pháp Thân. Nước ấy chính là Chân Thật Tế nên có thể phổ môn thị hiện, thỏa mãn các nguyện một cách trọn vẹn, với mỗi người đều ban cho cái lợi chân thật.

“Khai thần duyệt thể”. (Khai hiển thần thức). Ngài Tăng Triệu, trong lời tựa bản chú giải kinh Duy Ma có giảng: “Đạo đến cùng cực, há có thể hình dung, nên dùng trí tuệ quyền biến để gọi nó là Thần Vực”. Như vậy, chữ “Thần” ở đây là không thể nghĩ bàn, chữ “Vực” là cảnh giới; cảnh giới chân chứng chẳng thể nghĩ bàn được gọi là “Thần Vực”.  Hơn nữa, trí tuệ thấy thông suốt được sự lý một cách tự tại, thì gọi là “thần trí”. Vì thế, chữ “Khai thần” có thể hiểu là nước ở thế giới Cực Lạc khiến người đến tắm khai hiển thần trí sẵn có trong thức tánh vậy.

Do nước ở thế giới Tây Phương Cực Lạc có đủ tám công đức, điều hòa, hợp ý nên có tác dụng “duyệt thể” (làm cho thân thể vui sướng). Cũng theo Cụ Hoàng:

“Tịnh nhược vô hình”: Chữ “Tịnh” là trong lặng, thanh sạch. Chữ “vô hình” diễn tả nước hết sức thanh tịnh. Do nước quá trong sạch nên cát báu dưới đáy ao có thể phản chiếu ánh sáng lên tận mặt nước, vì vậy bảo là “bảo sa ánh triệt” (cát báu phản chiếu khắp nơi.) Do vậy mà có thể  trông thấy suốt tận đáy nên bảo là “vô thâm bất chiếu” (sâu cách mấy cũng chiếu thấu).

Câu “Tịnh nhược vô hình” (sạch dường như vô hình) là tướng của nước; “khai thần duyệt thể” (khai hiển thần thức, thân thể vui sướng) là công dụng của nước. Cả Tướng lẫn Dụng đều vi diệu vì bản thể của nước cũng là vi diệu.

KINH VĂN: 

Vi lan từ hồi, chuyển tương quán chú. Ba dương vô lượng vi diệu âm thanh, hoặc văn Phật Pháp Tăng thanh, Ba La Mật thanh, chỉ tức tịch tĩnh thanh, vô sinh vô diệt thanh, thập lực vô úy thanh, hoặc văn vô tánh vô tác vô ngã thanh, đại từ, đại bi, hỉ xả thanh, cam lộ quán đảnh thọ vị thanh.

VIỆT DỊCH: 

Gợn sóng từ từ lan ra, lan khắp mặt nước. Sóng vỗ vang ra vô lượng âm thanh vi diệu, hoặc nghe tiếng Phật, Pháp, Tăng, tiếng Ba La Mật, tiếng chỉ tức tịch tĩnh, tiếng vô sinh vô diệt, tiếng thập lực vô úy; hoặc nghe tiếng vô tánh, vô tác, vô ngã, tiếng đại từ, đại bi, hỉ xả, tiếng cam lộ quán đảnh thọ vị.

GIẢNG:

Đoạn kinh văn trên mô tả nước ở thế giới Cực Lạc có khả năng diễn thuyết diệu pháp.

“Vi lan từ hồi, chuyển tương quán chú”. (Gợn sóng từ từ lan ra, lan khắp mặt nước). Chữ “vi lan” chỉ những gợn sóng lăn tăn. “Từ hồi”: “Từ” là thong thả, “hồi” là lan tỏa thành vòng tròn. Những gợn sóng từ từ lan tỏa, tạo nên những gợn sóng bập bềnh khác, nên bảo là “chuyển tương quán chú” (lan khắp mặt nước).

“Ba dương vô lượng vi diệu âm thanh” (Sóng vỗ vang ra vô lượng âm thanh vi diệu). Chữ  “vô lượng vi diệu” ở đây, theo cụ Hoàng Niệm Tổ là tiếng sóng có khả năng diễn nói vô lượng diệu pháp.

Hoặc văn Phật, Pháp, Tăng thanh(hoặc nghe tiếng Phật, Pháp, Tăng). Chữ “Phật, Pháp, Tăng” là Tam Bảo. “Phật” là tánh giác của chúng ta. “Pháp” là tự tánh chánh, là chánh tri chánh kiến, hoàn toàn thấu triệt, không có sai lầm, không thiên lệch tà ngụy. “Tăng” là hòa hợp, hài hòa. Có thể nói: Thanh tịnh là tăng, bình đẳng là Pháp, giác tức là Phật.

Mục đích học Phật không gì khác hơn là giúp chúng ta phá mê khai ngộ, tìm lại tự tánh Tam Bảo của chính mình. Công đức của tự tánh Tam Bảo thật vô lượng vô biên. Sau khi tìm được rồi thì nhất định được đại tự tại, thật sự hạnh phúc viên mãn.

Phật, Pháp, Tăng là đại học vấn, hoàn toàn nói về tự tánh.không phải mê tín,

Đến thế giới Cực Lạc, tất cả những âm thanh như: Gió thổi, chim hót, suối reo v.v. đều giúp chúng ta sinh tâm hoan hỉ, phát tâm Bồ Đề, niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, trở về với Giác, Chánh, Tịnh.

Chúng ta ở thế gian này rất muốn được tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm giác ngộ, nhưng vẫn cứ là mê hoặc điên đảo! Ngày nay xã hội đại loạn, địa cầu thiên tai dị thường, nhân tâm hoảng hốt, đều do tâm “mê, tà, nhiễm” mà gây nên. Nếu có thể quay đầu với “giác, chánh, tịnh”, trật tự xã hội sẽ an định, thiên tai địa cầu cũng tự nhiên được hóa giải. Đây là sự thật!

“Ba La Mật thanh”:  Ba La Mật là tiếng Phạn, dịch là Ðáo Bỉ Ngạn hay Ðộ Vô Cực, Sự Cứu Cánh, gọi tắt là Độ, để chỉ đại hạnh của Bồ tát. Đại hạnh đó có thể tự tu hành và giáo hóa người khác một cách rốt ráo, nên gọi là Sự Cứu Cánh; có thể giúp chúng sinh từ bờ sinh tử sang bờ Niết Bàn, nên gọi là Đáo Bỉ Ngạn. Lại do đại hạnh  có thể thấu đạt chỗ rộng sâu của các pháp, vì thế gọi là Độ Vô Cực. Độ Vô CựcĐáo Bỉ Ngạn có ý nghĩa tương thông. Bồ tát phải thực hành sáu đại hạnh gọi là Lục Ba La Mật. Sau muôn vạn kiếp làm đủ sáu hạnh này mới thành Phật.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Chỉ có Pháp thân Bồ tát (trong Kinh Hoa Nghiêm gọi là Viên giáo Sơ Trụ Bồ tát), mới có năng lực tự độ. Vì sao vậy? Vì họ đã phá được một phẩm vô minh; vô minh chính là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.

“Chỉ tức tịch tĩnh thanh”: Chữ “chỉ” có nghĩa là đình chỉ, trụ nơi lý chân thật bất động. “Tức” là ngưng nghỉ. Sách Chỉ Quán quyển ba nói: “Tức có nghĩa là các ác giác quán, vọng niệm, tư tưởng đều ngưng bặt vắng lặng”. Vì vậy, “Tức” là ngừng dứt các vọng niệm. “Tức” là do Quán mà thành nên “Chỉ Tức” chính là “Chỉ Quán”. Nói cách khác: Buông bỏ hết vọng niệm thì tâm sẽ định, gọi là “tịch nhiên hưu tức” (đều ngưng bặt vắng lặng). Sách Chỉ Quán, quyển ba còn giảng: “Các pháp vắng lặng là Chỉ, tịch mà thường chiếu là Quán” và: “Vô minh chính là minh, chẳng bị động chuyển nữa nên gọi là Chỉ. Ðại tịnh rạng ngời nên bảo là Quán”.

– Thế nào là “vô minh tức minh”?

– Chỉ cần bất động thì đó chính là minh; động thì gọi là vô minh. Như nước sạch trong ao, bình lặng không có gió, thì mặt nước sẽ phẳng lì, sáng sạch như gương, phản chiếu rất rõ ràng cảnh giới bên ngoài, đây gọi là “Quán”.

Sách Chỉ Quán Phụ Hành nói: “Trung Ðạo chính là pháp giới, pháp giới chính là Chỉ Quán. Chỉ và Quán bất nhị, cảnh và trí cùng bao la”. Ý này rất sâu! Hòa Thượng Tịnh Không giải thích:

– Trung đạo là gì?

– Là pháp giới, là tất cả pháp.

Trong pháp giới chúng ta dùng chân tâm, cũng chính là nhất tâm để đối đãi. Một niệm không sinh thì “Chỉ” “Quán” đều đầy đủ. Một niệm không sinh là “Chỉ”; tác dụng của “Chỉ” là chiếu, chính là “Quán” “Quán chiếu”. Trong Bát Nhã Tâm Kinh nói:

“Quán tự tại bồ tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không”: “Thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa” ở đây chính là “chế tâm nhất xứ” (trụ tâm một chỗ) cũng chính là “Chỉ”. Khởi tác dụng của “Chỉ”, chính là “Quán”  – “Quán” ở đây là gì?

– Không có gì mà không làm được!

Chúng ta đem tâm trụ ở Phật A Di Đà, chẳng những tự tánh chúng ta dùng chánh đáng, mà còn được oai thần bổn nguyện của Phật A Di Đà gia trì. Như vậy, là được cả hai lợi ích; Đem vô lượng công đức của Phật A Di Đà chuyển thành công đức của chính mình. Sách Chỉ Quán nói rất hay: “Pháp giới chính là Chỉ Quán. Chỉ và Quán bất nhị”. Thấu triệt gọi là “Quán” ; bất động gọi là “Chỉ”, “Chỉ” “Quán” là một, không phải hai. Tâm thanh tịnh là “Chỉ”; tâm thanh tịnh sinh trí tuệ, đó là “Quán”. Tâm bình đẳng là “Chỉ”; tâm bình đẳng khởi tác dụng là “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”, đó là “Quán”.

“Chỉ Quán bất nhị, cảnh trí minh nhất” (Chỉ và Quán không hai, cảnh và trí cùng bao la): “Cảnh” là cảnh giới, là sở giác. “Trí” là trí tuệ, là năng giác. Giác tánh nầy là từ trong A Lại Da sinh ra, đã chuyển thức thành trí. Cảnh giới nầy vô cùng vi tế, chúng ta cũng như chư Phật, Bồ tát trong mười pháp giới chỉ nghe Phật nói, có được chút nhận thức sơ cạn nhưng chưa thấy được, chỉ viên giáo Sơ Trụ Bồ tát trở lên mới có thể nhìn thấy.

Câu “Chỉ tức tịch tĩnh thanh”: Chữ “tịch tĩnh” này đã giải thích ở phần trước nơi câu “chư căn tịch tĩnh” (các căn tịch tĩnh).

“Vô sinh vô diệt thanh”. “Vô sinh vô diệt” là lý thể của Niết Bàn vốn chẳng sinh, chẳng diệt. Kinh Nhân Vương dạy: “Nhất thiết pháp tánh chân thật không, bất lai bất khứ, vô sinh vô diệt” (Tánh của tất cả pháp là chân thật không, chẳng đến, chẳng đi, vô sinh, vô diệt). Hòa Thượng Tịnh Không giải thích: Nói “tất cả pháp” là đứng về tướng mà nói; nói “tất cả pháp tánh” là đứng về thể mà nói. Tất cả pháp là “Sở sinh, sở hiện”; tất cả pháp tánh là “năng sinh, năng hiện.” Năng sinh, sở sinh là một không phải hai. Pháp tánh, pháp tướng vĩnh viễn không rời nhau. Nhưng, rất tiếc chúng ta chỉ nhìn thấy huyễn tướng mà không thấy được chân tướng! Chúng ta không từ nơi pháp tướng mà thấy được pháp tánh. Khó là khó ở chỗ nầy!

– Vì sao không thấy được pháp tánh?

– Vì mê nên có chướng ngại! Chướng ngại nầy chính là phiền não (Vô minh phiền não, Trần sa phiền não, Kiến tư phiền não). Kinh Nhân Vương nói: “Nhất thiết pháp tánh chân thật không”. Năng sinh là chân thật không, thì Sở sinh không thể biến thành chân thật có. Năng sinh, Sở sinh là một không phải hai. Tánh đã là không, thì tướng làm sao có! Nên kinh Đại thừa thường gọi “tánh” “chân không”; gọi “tướng” là “diệu hữu”. Chư vị Tổ sư nói:“Chân không bất không, diệu hữu phi hữu”. Các ngài giải thích rất hay.

-“Chân không bất không” nghĩa là gì?

– Là nó có thể sinh ra vạn pháp. Tuy có vạn pháp, nhưng vạn pháp nầy là “đương thể tức không, liễu bất khả đắc”. Chúng ta có thể sử dụng nó nhưng không thể khống chế nó, bao gồm cả thân tướng chúng ta.

Nếu khống chế được thân thể thì chúng ta có thể khiến cho thân này không già, không bệnh, không chết. được – Có thể khiến được chăng?- Không thể làm được! Khống chế không được, làm sao có thể chiếm hữu?!Nên nói khống chế, chiếm hữu là vọng tưởng, không phải thật! Biết được “tất cả pháp tánh chân thật là không” thì chúng ta sẽ biết được tất cả pháp tướng là vô sở hữu, bất khả đắc, không đến không đi. Đó chính là, trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật đã nói.-“Đương xứ xuất sinh, tùy xứ diệt tận”. 

Toàn bộ Đại Kinh Bát Nhã có thể tổng kết thành mười hai chữ: “Nhất thiết pháp, vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc”. Tất cả pháp ở đây là bao gồm cả thế pháp và Phật pháp. Cho nên, đức Phật nói: “Pháp còn phải xả, huống là phi pháp”. Buông bỏ tất cả, liền trở về tự tánh, chứng được Phật quả cứu cánh viên mãn.

Kinh Viên Giác cũng bảo: “Nhất thiết chúng sinh ư vô sinh trung, vọng kiến sinh diệt, thị cố thuyết danh luân chuyển sinh tử” (Tất cả chúng sinh đối với vô sinh lại thấy lầm lạc là có sinh diệt. Vì thế gọi là trôi lăn trong sinh tử): Đây là lời chân thật. Chỉ có Đại Bồ tát mới có chân kiến, còn cái thấy của phàm phu chỉ toàn là vọng kiến. Câu: “Cố thuyết danh”,có nghĩa đây không phải lời thật!

– Có sinh tử, luân hồi chăng?

– Không có! Giống như nằm mộng!

Kinh Bát Nhã nói “như mộng huyễn, bào, ảnh”, đây là chân tướng. Chân tướng này không ai biết. Hiện nay, các nhà lượng tử học đã chứng minh được lời Phật dạy, khiến chúng ta có thể tin rằng: Những gì trong kinh đức Phật nói là khoa học tối cao.

Ngài Thanh Lương nói: “Nếu nghe vô sinh liền biết tất cả pháp đều là không tịch, vô sinh vô diệt”. Người có cảm ứng này, phải biết đó là Pháp Thân Bồ tát, từ địa vị Sơ Trụ trở lên mới nhập vào cảnh giới này.

“Thập lực, vô uý thanh” (tiếng thập lực, vô uý): Chữ “thập lực” ở đây là chỉ cho mười sức trí tuệ của đức Như Lai, là trí tuệ nhận biết về chân tướng của tất cả pháp một cách viên dung mà người thường, kể cả Thanh văn, Duyên giác đều không có. Bồ tát cũng có “thập lực”, nhưng so với “thập lực” của Phật thì còn kém xa. Thập lựccủa Phật là: Tri thị xứ phi xứ trí lực, tri tam thế nghiệp báo trí lực, tri chư thiền giải thoát trí lực, tri chư căn thắng liệt trí lực, tri chủng chủng giải trí lực, tri chủng chủng giới trí lực, tri nhất thiết chí xứ đạo trí lực, tri thiên nhãn vô ngại trí lực, tri túc mạng vô lậu trí lực, tri vĩnh đoạn tập khí trí lực.

1. – Tri thị xứ phi xứ trí lực:

Thế nào là “thị xứ”? Thế nào là “phi xứ”? Theo Hòa Thượng Tịnh Không: “Xứ” là xứ sở, cũng có nghĩa là đạo lý. “Thị xứ” là thiện tâm, “phi xứ” là bất thiện. Trong đây có hai trường hợp:

– Thứ nhất: Tâm hành thiện là thiện xứ. Trong thiện xứ lại có thiện xứ thật và thiện xứ giả; có thiện xứ vĩnh hằng, có thiện xứ nhất thời, không giống nhau. Nhưng Như Lai đều biết cả. Thiện xứ cứu cánh viên mãn là Thường Tịch Quang. Trong Thường Tịch Quang, thân và cõi nhất như; thân pháp tánh và cõi pháp tánh là một, không phải hai. Đây mới thật là cứu cánh kiên cố, đích thật là “vô năng hoại, vô năng thắng”, không gì có thể vượt qua.

– Thứ hai đã phá vô minh, chứng được pháp thân, đây là “thị xứ”. Chúng ta tu đạo, nếu đem mục tiêu định ở A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ tát hay Phật trong mười phương pháp giới, như vậy là sai! Bởi đó đều là “phi xứ”. Tiểu thừa cho đó là “thị xứ”, nhưng Đại thừa biết đó không phải là “thị xứ”. Phàm phu mê muội, mục tiêu của họ tu thiện tích đức là muốn sinh thiên, không biết rằng cõi trời vẫn chưa ra khỏi luân hồi lục đạo! Cho nên, trong lục đạo: Ba đường ác là “phi xứ”, ba đường thiện là “thị xứ”. Trong ba cõi: Sắc giới, Vô Sắc giới là “thị xứ”; Dục giới, cõi nhân thiên là “phi xứ”. Mỗi phạm vi đều có “thị xứ” “phi xứ”.

Đức Phật đối với những: tánh tướng, sự lý, nhân quả … đều thông đạt, thấu triệt viên mãn; đây gọi là “tri thị xứ phi xứ trí lực”. Bình thường chúng ta nói: Thiện có Thiện báo; ác có ác báo; nhân quả báo ứng không sai chút nào; đây đều là “thị xứ phi xứ trí lực”. Chúng ta đọc kinh, nghe pháp, biết được thế nào là “thị xứ”, thế nào là “phi xứ”; biết được thập thiện là “thị”, biết được thập ác là “phi”; điều gì cần phải đoạn; điều gì cần phải buông; biết phát tâm Bồ Đề, nhất hướng chuyên niệm Phật A Di Đà, cầu sinh Cực Lạc là “thị xứ”; không muốn vãng sinh Cực Lạc là “phi xứ”. Đây là những lợi ích chúng ta có thể có được từ học Phật.

2. – Tri tam thế nghiệp báo trí lực:

“Tam thế” là quá khứ, hiện tại, vị lai. Chúng ta tạo nghiệp như thế nào thì quả báo sẽ như thế đó. Nghiệp duyên quả báo không sai hào ly! Quả báo, không phải do người khác sắp đặt; không liên quan gì đến Chư Phật, Bồ tát; cũng không liên quan đến thiên thần, quỷ vật, mà do chính nghiệp lực của ta gây tạo. Ý niệm chúng ta liên tục thì địa ngục cũng không có cảnh dừng! Tất cả các pháp từ tâm tưởng sinh. Đức Phật có trí lực rõ biết nhân quả, nghiệp báo của chúng sinh trong tất cả ba đời nên gọi là “Tri tam thế nghiệp báo trí lực”.

3. – Tri chư thiền giải thoát tam muội trí lực:

Thiền rất phức tạp! Trong Phật pháp có tám vạn bốn ngàn pháp môn cũng có nghĩa là có tám vạn bốn ngàn phương pháp tu hành, đều có thể đạt đến lợi ích trong thiền định, gọi là giải thoát. Phật pháp rất xem trọng thiền định. Thế gian có không ít giáo phái cũng xem trọng thiền định. Cảnh giới trong tham thiền, tĩnh lự và sức trí lực của chúng sinh ra sao, đức Phật đều rõ biết tường tận nên gọi là “Tri chư thiền giải thoát tam muội trí lực”.

4. – Tri chư căn thắng liệt trí lực:

Chư Phật Như Lai có trí lực biết tâm tính của đệ tử, của tín đồ, và của tất cả chúng sinh ở mức độ nào. “Chư căn” ở đây là nói đến lục căn: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Trong lục căn nầy, căn nào lanh lợi, căn nào chậm chạp, đức Phật đều biết cả. – Biết điều này có lợi ích gì? – Mới có thể khế cơ mà giáo hóa chúng sinh; như vậy, việc dạy học mới có thể đạt đến kết quả thành tựu. Cổ nhân thường nói: “tri nhân tri diện bất tri tâm”. Biết người,biết mặt, nhưng trong tâm họ nghĩ gì, ta hoàn toàn không biết. Nhưng, Chư Phật, Bồ Tát đều rõ biết. Có rõ biết tâm chúng sinh thì việc giáo hóa mới dễ dàng hơn.

5. – Tri chủng chủng giải trí lực:

Chư Phật Như Lai có trí lực biết mọi loại tri giải của tất cả chúng sinh. “Giải” nghĩa là chúng sinh có thể lý giải, mỗi người có lý giải khác nhau, có người tiếp thu nhanh, có người tiếp thu chậm, có người nghe qua chỉ một câu một chữ trong kinh cũng có thể thông đạt cả toàn bộ kinh. Đây là hàng thượng căn lợi trí, có ngộ tánh cao, chưa học đã biết, loại người này có rất ít. Ngoài ra còn có hàng trung, hạ căn. Trí lực của Như Lai đều rõ biết, phân biệt căn cơ của chúng sinh mà tùy cơ nói pháp.

6. – Tri chủng chủng giới trí lực:

Trí lực của Phật biết khắp và đúng như thật mọi loại cảnh giới khác nhau của tất cả chúng sinh. Chữ “giới”, ngày nay chúng ta gọi là “loại biệt”. Người có sở thích giống nhau luôn luôn tập trung một chỗ. Vạn vật cũng không ngoại lệ. Rừng tùng thì tất cả đều là tùng. Cỏ dại cũng mọc theo từng loại. Đó là tự nhiên, không phải do nhân công nào trồng trọt. Có thể nói, đây là tánh đức hiển lộ. Đức Phật biết chủng loại khác nhau của mỗi chúng sinh: Họ là hàng Thanh văn hay Bồ tát; là quyền giáo Bồ tát hay thật giáo Bồ tát v.v. Cho nên, những gì Phật dạy đều rất khế cơ, khiến chúng sinh có thể dễ dàng tiếp thu và được pháp hỉ sung mãn.

7. – Tri nhất thiết chí xứ đạo trí lực:

Như Lai có trí lực, biết hết các đạo mà người tu hành sẽ đạt tới, như người tu ngũ giới thập thiện sẽ được ở cõi người, hay cõi trời. “Chí xứ” chính là nơi chúng sinh đạt được. Những gì chúng sinh học và tạo chủng chủng nghiệp khác nhau, chiêu cảm lấy quả báo thế nào, đức Phật đều biết cả.

8. – Tri thiên nhãn vô ngại trí lực:

Đức Phật có trí lực thiên nhãn, thấy thông suốt sự sinh tử và nghiệp thiện ác của chúng sinh mà không bị ngăn ngại

9. – Tri túc mạng vô lậu trí lực:

Đức Phật có trí lực biết túc mạng (các đời trước rất lâu xa) của chúng sinh, lại còn thấu rõ vô lậu Niết Bàn. “Vô lậu” là phiền não đã đoạn tận. Ví như Tu Đà Hoàn là Sơ Quả của Tiểu thừa, đã đoạn tận được Kiến Hoặc; A La Hán đã đoạn tận Kiến Tư Hoặc; Bồ tát đã đoạn tận Trần Sa Hoặc. Đoạn tận vô minh và tập khí mới chứng được quả vị Diệu Giác. Mọi “túc mạng vô lậu”, đức Phật đều rõ biết nên gọi là “Tri túc mạng vô lậu trí lực”.

10. – Tri vĩnh đoạn tập khí trí lực:

Đây là trí lực của Phật rõ biết: Đẳng Giác Bồ tát, khi đã đoạn dứt mọi tàn dư tập khí vọng hoặc vô thỉ vô minh, sẽ chứng được quả vị Diệu Giác, không còn ở cõi Thật Báo, mà vào Cõi Thường Tịch Quang, vĩnh viễn không còn sinh diệt.

“Vô úy” còn gọi là “vô sở úy”. Tâm hóa tha dạn dĩ, chẳng khiếp sợ, đó gọi là “vô úy”. Đức Phật giữa đại chúng thong dong thuyết pháp, với thái độ an nhiên, không hề khiếp sợ trước bất cứ mọi vấn đề, câu hỏi hóc búa nào đưa ra để khảo nghiệm Ngài. Họ không tin Phật có “nhất thiết trí”,“vô sở bất tri, vô sở bất năng”, nên cố tình nêu ra phiền phức để làm khó Ngài. Phật đều đối đáp rất trôi chảy, rất có đạo lý và rất rõ ràng, khiến họ phải tâm phục khẩu phục.

Đức Phật có “Tứ Vô Úy” (Bốn Vô Uý) là: Nhất thiết trí vô sở úy, lậu tận vô sở úy, thuyết chướng đạo vô sở úy và thuyết tận khổ đạo vô sở úy.

1. – Nhất thiết trí vô sở úy: Giữa đại chúng, đức Phật tuyên nói: Ta là bậc “Nhất Thiết Trí”, tâm không e ngại. Đây là việc trên đời này không ai dám tự nhận, ngay đến Khổng lão Phu Tử cũng không dám nói. Ông chỉ nói với mọi người: “tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã”. Các vị đến hỏi tôi, những gì tôi biết đều nói với các vị. Điều tôi không biết thì nói với các vị tôi chưa từng học. Không ai dám tự xưng mình là bậc “nhất thiết trí”. Chỉ có đức Phật mới dám nói. Phật ở đây, có thể hiểu là từ địa vị Viên giáo Sơ Trụ Bồ tát trở lên, đó là Phật thật.

Người xưa đọc sách không như người hiện nay. Người bây giờ cầu tri thức, cổ nhân cầu trí tuệ. Trí tuệ có thể thành tựu “nhất thiết trí”, còn tri thức thì không thể! Trong thế gian, những gì không học thì không thể hiểu; ngay cả đã học rồi, cũng chưa chắc đã hoàn toàn hiểu! Như vậy, mới biết, được “nhất thiết trí” là điều rất khó!

Chư Phật, Bồ tát không cần học. Các Ngài chỉ cầu kiến tánh, là khai phát trí tuệ vốn có trong tự tánh. Huệ Năng Đại Sư nói: “Nào ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ”, đây là điều các ngài cần.

Người kiến tánh, đó là bậc “nhất thiết trí”. Không kiến tánh thì ngay đến hàng thánh nhân của thế gian cũng không đạt được. Cho nên, trong nhà Phật, minh tâm kiến tánh mới gọi là đại thánh. A La Hán là tiểu thánh, chỉ thoát ly luân hồi lục đạo, nhưng chưa kiến tánh. Huệ Năng Đại Sư (trong Lục Tổ Đàn Kinh), ngài không biết chữ, chưa từng học qua kinh giáo. Sau khi kiến tánh khai ngộ, ngài có năng lực giải thích tất cả kinh điển. Đây là nói: Trí tuệ không liên quan gì đến biết chữ hay không biết chữ.

2. – Lậu tận vô sở úy: Giữa đại chúng, đức Phật tuyên nói:

Ta đã đoạn sạch hết thảy phiền não, tâm không e ngại. Đây là thật! Từ địa vị Bồ tát Sơ Trụ trở lên đều là Phật thật, là phần chứng tức Phật, đều có năng lực “nhất thiết trí”. Các Ngài đã hoàn toàn buông bỏ ba phiền não lớn: Vô minh phiền não, Trần sa phiền não, Kiến tư phiền não. Cũng chính là nói: Lục căn các Ngài ở trong cảnh giới lục trần, không còn khởi tâm động niệm, không phân biệt, không chấp trước. Phiền não đã đoạn tận, thì tập khí vô thỉ vô minh cũng không chướng ngại sự việc của các Ngài.

Ngày nay, chúng ta học Phật, học pháp môn Tịnh độ, học Phật A Di Đà, chúng ta phải học thật giống. Hiện tại, chúng ta học vẫn chưa giống! Lớp học của chúng ta chỉ là lớp dự bị của Phật A Di Đà. Vì sao vậy?- Vì chúng ta chưa đoạn được tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc. Đoạn được tám mươi tám phẩm Kiến Hoặc này chúng ta mới có tư cách học năm thứ nhất của Phật A Di Đà.

Kinh Hoa Nghiêm có năm mươi mốt địa vị: “Thập Tín”, chúng ta ví như tiểu học, “Thập Trụ” là trung học – sơ trung, “Thập Hạnh” là cao trung, “Thập Hồi Hướng” là đại học, “Thập Địa” là thạc sĩ, Đẳng Giác là tiến sĩ,

Tôi thường khuyên các đồng tu, nên để Phật A Di Đà trong tâm: “Tâm tôi tức là Phật A Di Đà, Phật A Di Đà tức là tâm tôi”. Lời nầy không phải tôi nói, mà Trung Phong thiền sư nói trong Hệ Niệm Pháp Sự: “Nơi đây chính là Tịnh Độ, Tịnh Độ chính là nơi đây”. Đó là nói rất thật, thuận theo Chân Đế mà nói.

Rất nhiều người học Phật như chúng ta, đều đang theo học lớp dự bị, chính là lớp mẫu giáo, chưa lên lớp một. Mẫu giáo cũng có lớp lớn, lớp trung, lớp nhỏ. Chúng ta đang ở lớp nào? Việc này không thể không biết.

Người học Phật A Di Đà  cần phải thực hành bộ kinh nầy và bốn mươi tám nguyện. Từ phẩm ba mươi hai đến phẩm ba mươi bảy là giới luật trong kinh Vô Lượng Thọ, hoàn toàn giảng nhân quả, trong đây nói về ngũ giới, thập thiện rất tường tận. Chúng ta phải thực hành cho được.

Tâm Phật A Di Đà rất từ bi, chỉ có một lý niệm là tất cả chúng sinh đều thành Phật. Cũng chính từ lý niệm nầy mà A Di Đà Phật đã thành tựu thế giới Cực Lạc, một thế giới không thể nghĩ bàn, tạo môi trường tốt đẹp cho tất cả chúng sinh tu tập, chứng được Phật quả cứu cánh viên mãn ngay trong đời nầy.

Tóm lại, chân tín thiết nguyện, nhất tâm chuyên niệm Phật A Di Đà, sẽ giúp chúng ta có năng lực nhiếp vô lượng công đức của Phật A Di Đà thành công đức của chính mình. Mọi tập khí phiền não, nhất định phải buông mới có thể thâm nhập kinh tạng, thâm nhập kinh Vô Lượng Thọ, một đời nầy nhất định được vãng sinh.

3. – Thuyết chướng đạo vô sở uý: Giữa đại chúng, đức Phật nói các chướng pháp ngăn hại đạo như Hoặc nghiệp v.v. mà không sợ hãi. Những gì là chướng ngại? – Mê hoặc là chướng ngại, tạo nghiệp là chướng ngại, tâm phân biệt, chấp trước là chướng ngại v.v.

Do Hoặc nghiệp ngăn che, làm chướng ngại tâm thanh tịnh, chướng ngại sự tu hành, chướng ngại ta vãng sinh … Cho nên, người tu hành phải cầu trí tuệ, phải phối hợp mật thiết với kinh giáo. Những gì trong kinh Phật dạy, chúng ta đều phải y giáo phụng hành mới có được lợi ích, được oai thần bổn nguyện của Phật A Di Đà gia trì.

4. – Thuyết tận khổ đạo vô sở uý: Giữa đại chúng, Phật tuyên nói chánh đạo diệt khổ như Giới, Định, Tuệ v. tâm không sợ hãi. Tam học là tổng cương lĩnh của Phật pháp. Chúng ta thấy biên tập Đại Tạng kinh là: Kinh, Luật, Luận. “Luật” là Giới học, “Kinh” là Định học, “Luận” là Tuệ học.

“Vô tánh, vô tác, vô ngã thanh”: Trong đây ý nghĩa vô cùng phong phú. “Vô tánh”, Kinh Pháp Hoa nói: “Biết các pháp thường vô tánh”. Hòa Thượng Tịnh Không giải thích: Đây là chân trí, là Phật tri Phật kiến. – Tánh là gì? – Tánh là thể. Hết thảy các pháp đều không có thực thể, nên bảo là “Vô tánh”. Trong Phật pháp thường nói: “Duyên khởi tánh không”. Cho nên, pháp không có thật thể, thể của nó là không. Đây chính là ý nghĩa của “duyên khởi vô tánh”, cũng chính là pháp tánh chân thật. Ví như quyển sách là một pháp. – Thể của sách là gì? Là do nhiều trang sách kết hợp, đóng thành quyển sách. Nhưng, khi tách rời ra thì không còn là sách mà gọi là giấy. Do vậy mà sách không có tự thể. – Giấy có tự thể chăng? – Cũng không có! Giấy do xơ chế mà tạo thành. Không có xơ thì cũng không có giấy! v.v.

Tất cả pháp đều không có tự thể, đều do nhân duyên hòa hợp, nên nói là Vô tánh”. Trong kinh đức Phật thường nói: “Duyên tụ thì hiện, duyên tán thì mất”. Con người chúng ta do duyên tụ của bốn đại và năm uẩn giả huyễn hợp thành. Tứ đại là: Đất, nước, gió, lửa; là hiện tượng vật chất. Ngoài hiện tượng vật chất còn có hiện tượng tinh thần là: Thọ, tưởng, hành, thức. Khi đủ duyên hội tụ thì hiện ra thân tướng con người. Thân tướng đó tuy có, nhưng không thật có! Khi duyên tán thì thân tứ đại này cũng tan rã, đó là mất, nhưng cũng không thật mất! Nếu thấu triệt được điều này, mới lãnh hội được: Tất cả pháp vốn không sinh, không diệt. Tất cả đều do duyên tụ, duyên tán mà thôi.

Trong kinh Lăng Già, Duy Thức Luận có nói đến nghĩa “Không” của “tam vô tánh, tức là ba thứ vô tánh: Tướng vô tánh, sinh vô tánh thắng nghĩa vô tánh, để đối lại với pháp Hữu của ba tánh như: Biến kế sở chấp tánh v.v.

1. – Tướng vô tánh: Tất cả chúng sinh đều do vọng tâm nhân duyên nên thấy có sự vật, so đo rằng đây là ta, đây là pháp, mê chấp là thật Ngã và thật Pháp. Ðó gọi là “biến kế sở chấp tánh”. Cũng có thể nói: Biến kế sở chấp là từ trong ngộ nhận sinh ra, nên nó không có thật thể. Chẳng hạn như thấy sợi dây mà ngỡ là con rắn. Tướng “rắn” chẳng thật sự có, do suy tưởng lầm lạc nên mới hiện hữu. Ðây gọi là “tướng vô tánh”.

2. – Sinh vô tánh: Tất cả pháp đều do chúng duyên hòa hợp mà sinh ra, đó gọi là “y tha khởi tánh”. Chữ “tha” chỉ nhân duyên. Do nhân duyên sinh nên không có thật tánh. Giống như nhân duyên sinh ra sợi dây thừng. Sợi thừng do nhiều sợi gai và các nhân duyên phối hợp mà thành. Nếu xét kỹ, không có cái nào là thật thể của dây thừng, nên gọi là “sinh vô tánh”.

3. – Thắng nghĩa vô tánh: Chữ “Thắng nghĩa” còn gọi là “Viên Thành Thật tánh”, tức là tánh chân thật thành tựu viên mãn. “Viên Thành Thật tánh” còn gọi là Pháp Tánh, là Chân Như, là Thể tánh của hết thảy pháp hữu vi, cũng là pháp dứt bặt các đối đãi, lìa hết thảy tướng, nên bảo là “Thắng Nghĩa vô tánh”.

“Vô tác”: là vô nhân duyên tạo tác, đồng nghĩa với chữ “vô vi”. Trong chú giải kinh Hoa Nghiêm, Đại sư Thanh Lương nói:“Do còn có tạo tác nên gọi là hữu vi; hữu vi là vô thường. Không còn tạo tác thì gọi là vô vi. Vô vi chính là thường”. Ý nghĩa này rất sâu! Hòa Thượng Tịnh Không nói: Rất nhiều người không hiểu được ý này nên còn phân vân: Phật thị hiện ở thế gian này ba ngàn năm trước, tám tướng thành đạo là “hữu tác” hay “vô tác”? Hữu vi hay vô vi?

Ngài đã vì thế gian này thuyết pháp trên ba trăm hội trong suốt bốn mươi chín năm. Đó là hữu tác hay vô tác? Là hữu vi hay vô vi? Xin thưa với các bạn: Sự thị hiện của Phật hay giảng kinh thuyết pháp của Phật đều là “vô tác”. – Vì sao là “vô tác”? Vì Phật không có khởi tâm động niệm, không có phân biệt, chấp trước. Ngài làm mà không làm; không làm mà làm; nói mà không nói, không nói mà nói.

Bạn vẫn không dễ hiểu!

Năm xưa, lúc Thế Tôn còn tại thế, có người đã hỏi qua vấn đề này. Đức Phật nêu ra ví dụ: Ông xem cái chuông này, ta gõ một cái là nó lập tức vang lên. Tiếng vang của nó là “hữu tác” hay “vô tác”? “hữu vi” hay “vô vi”? Thực sự là nó có vang lên, nhưng nó không có ý niệm này. Chư Phật Như Lai ứng hóa ở thế gian cũng giống như vậy, hoàn toàn do cảm ứng, không phải do khởi tâm động niệm. Có khởi tâm động niệm, đó là “hữu vi”; không khởi tâm động niệm là “vô vi”.

Chúng ta làm việc từ sáng đến tối, càng làm càng tệ! Vì chúng ta là “hữu vi”, có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chư Phật, Bồ tát làm mọi việc đều viên mãn tốt đẹp, vì các Ngài là “vô vi”, không có vọng tưởng, chấp trước, đó là “vô tác”. “Vô tác” mới thật sự là tuyệt diệu, mới thật sự là cứu cánh viên mãn, mới có thể phổ độ chúng sinh. Hữu tác thì độ chính mình cũng không được! Đạo lý nầy rất sâu. Cho nên, người thật sự tu học pháp Đại thừa, tiêu chuẩn tu học thấp nhất là phải phá được bốn tướng, như trong kinh Kim Cang nói: “Vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sinh tướng, vô thọ giả tướng”. Tu Đà Hoàn, Sơ quả của Tiểu thừa đã làm được. Họ thật sự là “vô ngã”, còn chúng ta là “hữu tướng”. Chỉ có cách duy nhất, có thể giúp chúng ta, là trì danh niệm Phật, kiên trì nhất tâm niệm Phật, phát nguyện vãng sinh về thế giới Tây phương Cực Lạc, một đời này nhất định thành tựu, không để luống qua.

Sách Thám Huyền Ký nói: “Pháp được phát khởi bởi duyên thì gọi là hữu vi; chân lý vô tánh gọi là vô vi”. Như vậy, “vô tác” lẫn “vô vi” chỉ là những tên gọi khác nhau của “chân lý”.

Sách Pháp Sự Tán lại bảo: “Cực Lạc vô vi Niết Bàn giới”. Niết Bàn là chẳng sinh chẳng diệt, dứt sạch hết thảy tướng “hữu vi” nên gọi là “vô vi”. Xa lìa hết thảy tạo tác “hữu vi” nên bảo là “vô tác”. Toàn thể cõi nước Cực Lạc là thanh tịnh cú “chân thật trí tuệ vô vi Pháp Thân”, nên Cực Lạc được gọi là “vô vi Niết Bàn giới”.

“Vô ngã”: Còn gọi là Phi ngã. “Ngã” được hiểu là cái gì có thể tánh thường hằng, không biến đổi, có tác dụng làm chủ tể. Nếu chấp trong thân này có cái Ngã thì gọi là “nhân ngã”; chấp rằng pháp có cái Ngã thì gọi là “pháp ngã”. Nhưng thân thể con người là do năm Uẩn cấu tạo thành, không có ngã thể thường nhất. Các pháp cũng là như vậy, do nhân duyên kết hợp mà sinh, cũng không có cái thể thường nhất. Đã không có “Nhân ngã”, không có “Pháp ngã” thì tất nhiên cũng không có “Tự ngã” “Tha ngã”. Như vậy, cuối cùng là không có cái Ngã; đó là chân lý rốt ráo. Trên thực tế, bất luận từ vật chất đến tinh thần đều không tìm thấy cái Ngã. Cái Ngã chính là cái Ta. Người có trí tuệ hiểu được quả thật là không có cái Ngã.

Sách Chỉ Quán, quyển bảy, nói: “Vì không có trí tuệ nên chấp rằng có Ngã. Dùng trí tuệ quán sát thì thật sự là không có Ngã! Ngã ở chỗ nào? Ở đầu, mắt, hay chân tay? Quán sát kỹ càng mỗi thứ, trọn chẳng thấy Ngã”.

Sách Nguyên Nhân Luận cũng bảo: “Từ vô thỉ đến nay, do sức nhân duyên nên sắc của hình hài và tâm suy lường cứ sinh diệt liên tục không ngừng, như sóng lớp sau đùa lớp trước, như ngọn đèn cháy mãi liên tục. Thân tâm giả hợp tựa hồ là một, tựa như hằng thường (nhưng thật ra trong mỗi sát-na đều không ngừng sinh diệt.

Như Bồ tát Di Lặc nói: Trong một giây có một ngàn sáu trăm triệu lần sinh diệt). Phàm phu không biết, chấp cho là Ngã, quý báu cái Ngã ấy, nên sinh khởi ba độc “tham, sân, si”. Ba độc này khích động ý căn, phát động ra thân, khẩu  tạo tác hết thảy các nghiệp”. Nghiệp có: Nghiệp nhiễm, nghiệp tịnh, nghiệp thiện, nghiệp ác v.v. rất nhiều chủng loại, không thể đếm hết!

“Pháp” do nhân duyên sinh, nên cũng không có cái Ngã  thường hằng. Sách Ðại Thừa Nghĩa Chương quyển hai bảo: “Pháp chẳng có thật tánh nên bảo là Vô Ngã”. Vì vậy, kinh Thập Ðịa nói: “Vô Ngã Trí hữu nhị chủng, Ngã Không, Pháp Không” (Trí Vô Ngã có hai thứ: Ngã Không và Pháp Không).

Kinh Đại Bát Nhã nói “Nhất thiết pháp, vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc” cũng đồng nghĩa với ở đây nói “Ngã Không”, “Pháp Không”. Thật tế, đối với Ngã Pháp hoàn toàn buông bỏ, không chấp trước thì sẽ đoạn dứt phiền não, không còn tri kiến, mới có thể thấy được tự tánh, thấy được Như Lai. Đó là “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”.

Kinh Kim Cang cũng dạy: “Thông đạt vô ngã pháp giả, Như Lai thuyết danh chân thị Bồ Tát” (Người hiểu rõ không có Ngã và Pháp thì Như Lai nói người ấy thật sự là Bồ Tát). “Thông đạt vô ngã” tức là “chứng đắc vô ngã”. Trong kinh giáo nói: “Triệt kiến chư pháp thật tướng” (Thấy triệt để tướng chân thật của các pháp). Như Lai nói người nầy thật sự là Bồ tát, thật sự là người khai ngộ.

Không chấp “Ngã”, chính là chí công vô tư. Không chấp “Pháp” là bình đẳng nhất như, vạn pháp đều bình đẳng. Cảnh giới này, cõi Thường Tịch Quang có. Trong thập pháp giới, nếu có chỉ là tương tợ, không phải thật có. Nhưng, tương tợ cũng là tốt rồi.

Đại từ, đại bi, hỉ, xã thanh”: “Từ” là tâm thương yêu, muốn mang lại an vui và hạnh phúc cho chúng sinh. “Bi” là tâm thương xót đồng cảm, muốn dẹp hết nỗi khổ cho chúng sinh. “Hỉ” là thấy người được lìa khổ, hưởng vui thì sinh tâm hoan hỉ, không đố kỵ, không chướng ngại họ. “Xả” là không phân biệt kẻ oán, người thân, đều thương yêu và bình đẳng cứu giúp họ. “Từ, Bi, Hỉ, Xả” là bốn đức, gọi chung là “Tứ vô lượng tâm”. Bốn đức nầy ở chư Phật, Bồ tát thì xưng là: Đại từ, Đại bi, Đại hỉ, Đại xả.

Theo chú giải của cụ Hoàng: “Từ vô lượng tâm là tâm ban vui; Bi vô lượng tâm là tâm dẹp khổ; Hỉ vô lượng tâm là thấy người lìa khổ hưởng vui thì sinh tâm vui thích; Xả vô lượng tâm là buông bỏ cả ba thứ tâm trên, chẳng hề chấp trước. Xả vô lượng tâm còn có nghĩa là đối với kẻ oán lẫn người thân đều bình đẳng, không chấp trước là oán hay thân. Bốn vô lượng tâm này duyên khắp chúng sinh, dẫn khởi vô lượng phước, đắc vô lượng quả nên gọi là ‘tứ vô lượng tâm’”.

Nên nhớ, niềm vui của thế gian là hưởng thụ vật chất, hưởng thụ tinh thần. Đó là cái vui vô thường tạm bợ. Hết vui rồi lại khổ! Cái vui trong Phật pháp là niềm vui giác ngộ, được giải thoát. Đối với chúng sinh bần cùng khổ nạn, chúng ta cần phải giúp họ, nhưng đừng để họ khởi tâm tham, nên giúp họ có chừng mực. Điều quan trọng là phải giúp họ giác ngộ, hiểu rõ chân tướng sự thật qua lời Phật dạy, giúp họ phân biệt thiện, ác, nhân quả, tội phước, biết làm lành lánh dữ v.v. Đấy mới thật là từ bi cứu tế chân chánh.

“Cam lộ, quán đảnh thọ vị thanh”: Theo chú giải của cụ Hoàng Niệm Tổ, “cam lộ” là thứ sương ngọt mà chư thiên thường ăn; vì nó ngọt như mật.

Sách Kim Quang Minh Văn Cú, quyển năm giảng: “Cam lộ là thuốc bất tử của chư thiên, ăn vào sống lâu, thân an ổn, sức thêm mạnh mẽ, thân thể sáng ngời”.

Trong Hiển giáo, “Quán Đảnh thọ vị” là khi Ðẳng Giác Bồ

Tát sắp đạt địa vị Diệu Giác thì hết thảy mười phương Phật dùng nước trí tuệ rưới lên đảnh Bồ Tát, giống như Chuyển Luân Thánh Vương dùng nước bốn biển rưới lên đầu Thái Tử xướng rằng: “Thái Tử đã nhận lấy địa vị”. Ðấy là “Quán Đảnh thọ vị” (rưới nước lên đỉnh đầu để nhận chức).

Trong Mật giáo, như sách Bí Tạng Ký Sao nói: Dùng nước để rưới lên đảnh thì gọi là Cam Lộ Quán Đảnh. Sách Ðại Nhật Kinh Sớ bảo: “Nay đức Như Lai pháp vương cũng giống như thế: Vì muốn cho giống Phật chẳng đoạn tuyệt nên dùng cam lộ pháp thủy rưới lên đảnh của Phật tử khiến cho dòng giống Phật vĩnh viễn chẳng dứt. Vì thuận theo pháp thế gian nên có pháp phương tiện ấn trì này. Từ nay trở đi, hết thảy thánh chúng đều phải kính ngưỡng người này, cũng phải biết là người này rốt ráo chẳng thoái chuyển Vô Thượng Bồ Ðề, quyết định nối ngôi vị pháp vương”.

Đệ tử Phật, bất luận là tại gia hay xuất gia, nhất định phải luôn luôn nghĩ đến việc tiếp nối tuệ mạng của Phật, khiến chánh pháp trụ thế lâu dài. Phải siêng năng học tập kinh giáo, ngày ngày ôn tập, nhất định phải hiểu rõ, phải thực tiễn đạo lý trong kinh thành kiến giải, tư tưởng, hành vi của chính mình trong đời sống hàng ngày; đem bổn nguyện công đức của A Di Đà Phật, biến thành bổn nguyện công đức của chính mình; phải bảo trì hạt giống Phật trong tâm chúng ta, bồi dưỡng tâm thanh tịnh, gìn giữ giới luật, giữ tâm vô sự, không phan duyên với bất cứ việc gì… Được vậy, tự nhiên sẽ khế nhập được cảnh giới của Phật mà ta không hay biết.

Sách Bí Tạng Ký cũng nói: “Bồ Tát từ Sơ Ðịa dần dần đạt tới Ðẳng Giác, lúc gần rốt ráo thành Phật, chư Phật dùng nước đại bi rưới lên đảnh thì tự hạnh viên mãn chứng đắc Phật quả”. 

KINH VĂN: 

Đắc văn như thị chủng chủng thanh dĩ, kỳ tâm thanh tịnh, vô chư phân biệt, chánh trực bình đẳng, thành thục thiện căn. Tùy kỳ sở văn, dữ pháp tương ứng. Kỳ nguyện văn giả, triếp độc văn chi, sở bất dục văn, liễu vô sở văn, vĩnh bất thoái ư A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề tâm.

VIỆT DỊCH: 

Ðược nghe các âm thanh như vậy xong, tâm liền thanh tịnh không có các phân biệt, chánh trực bình đẳng, thành thục thiện căn. Ðiều gì được nghe, cũng tương ứng với pháp. Ai mong muốn được nghe, riêng người ấy liền nghe, ai không muốn nghe, trọn chẳng nghe thấy, vĩnh viễn chẳng thoái thất tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. 

GIẢNG: 

“Đắc văn như thị chủng chủng thanh dĩ” (Ðược nghe các âm thanh như vậy xong). Đoạn kinh văn trên tường thuật ở thế giới Cực Lạc, việc nghe âm thanh cũng được lợi ích. Lắng nghe diệu pháp âm thanh, tâm không còn vọng niệm, lìa các cấu nhiễm, nên bảo là “kỳ tâm thanh tịnh” (tâm họ thanh tịnh).

Chúng ta ngày nay nghe pháp mà không được lợi ích, nguyên nhân vì sao? – Vì không biết nghe! Trong Đại thừa thường nói: “Biết không?”. Thật sự nếu biết nghe thì liền có lợi ích, liền khế nhập được cảnh giới, không những được lý giải, mà cảnh giới của họ cũng biến theo: Nghe đến dứt ác, ác đã đoạn rồi; nghe đến tu thiện thì niệm thiện trong tâm liền sinh khởi, chuyển cảnh giới theo âm thanh này; chưa giảng hết bộ kinh, họ đã chứng quả rồi. Như Lục Tổ Huệ Năng, nghe kinh chưa hết, Ngũ Tổ mới giảng đến câu “ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm”, Ngài lập tức buông bỏ hết vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, tâm liền khai ngộ. Đây quả thật là Ngài đã: Đốn xả, đốn ngộ và đốn chứng. – Ngài chứng được quả gì? – Chứng ít nhất là Sơ Trụ của Đại thừa Viên giáo trở lên. Chúng ta thường nói là Phật quả; là minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Ngài là Phật thật, không phải tương tợ Phật như Phật trong mười pháp giới, càng không phải là Quán Hành Phật trong lục đạo.

– Chúng ta thì sao?

– Buông bỏ không được! Cho nên vẫn là phàm phu luân hồi, tạo nghiệp! Trên kinh Hoa Nghiêm, đức Phật nói: “Tất cả chúng sinh đều có đức tướng, trí tuệ của Như Lai, nhưng vì vọng tưởng, chấp trước mà không thể chứng đắc”. Quả thật, thành Phật không khó, chỉ trong một niệm.

– Khó ở chỗ nào?

– Ở chỗ chưa hiểu được chân tướng sự thật! Nghe kinh hàng ngày mà không biết! Nghe không vô! Đây là sự thật! Loại người nầy có rất nhiều! Nguyên nhân là không buông được “Cái Ta” “Cái của Ta”. “Cái Ta” là tập khí phiền não. “Cái của Ta” là ngũ dục lục trần, cả hai thứ đều không buông được! Cho nên, lần này tôi ( tức Hòa thượng Tịnh Không) giảng thật kỹ kinh Vô Lượng Thọ, để mọi người có được ấn tượng sâu sắc về thế giới Cực Lạc, mới thật sự phát tâm. Xã hội bây giờ: Điện thoại, phim ảnh, internet v.v. quấy nhiễu tâm người! Họ có quyền mỗi ngày đưa tin, ta có quyền không tiếp nhận, luôn duy trì tâm thanh tịnh của chính mình.

“Vô chư phân biệt”: Theo chú giải của cụ Hoàng:  “Phân biệt” là suy lường, nhận thức các sự việc. Do tánh của nó là phân biệt một cách lầm lạc nên với cái vô Ngã, vô Pháp lại nhận lầm là có Ngã, có Pháp. Nếu không thấy có ta, người, chúng sinh, thọ giả , tất cả đều bình đẳng không sai biệt, giống hệt như nhau, thì bảo là “vô chư phân biệt” (không có các phân biệt).

“Chánh trực, bình đẳng”: Chữ “Chánh trực” là đoan chánh, chất trực, không tà, không cong quẹo.

Vãng Sinh Luận Chú bảo: “Chánh trực là ngay thẳng. Do chánh trực nên sinh lòng thương xót hết thảy chúng sinh”. Kinh Pháp Hoa cũng bảo: “Chánh trực xả phương tiện, đản thuyết vô thượng đạo” (Chánh trực, bỏ phương tiện, chỉ nói đạo Vô Thượng). Chữ “chánh trực” trong câu kinh trên chỉ cho bổn hoài của Phật, chỉ nói diệu pháp Nhất Thừa Viên Giáo.

Nên biết, trong quá khứ, do căn tánh của chúng sinh còn kém cỏi, đức Phật phải tùy nghi, giảng kinh A Hàm suốt mười hai năm. Đến thời Phương Quảng, đức Phật giảng tám năm. Trong hai mươi năm này, pháp mà đức Phật nói ra đều là quyền thuyết, chỉ là pháp phương tiện. Đến thời Bát Nhã, Phật giảng hai mươi hai năm, mới nói rõ thật tướng của các pháp đều không thật có, gọi là “nhất thiết pháp, vô sở hữu, tất cánh không, bất khả đắc”. Đến thời Pháp Hoa, Phật giảng tám năm. Giai đoạn này, đức Phật không còn dùng quyền thuyết nữa mà hoàn toàn nói lên sự thật: Chỉ có pháp Nhất Thừa, đây gọi là Vô Thượng đạo.

“Bình đẳng” là không sai biệt. Vãng Sinh Luận Chú viết: “Bình đẳng là thể tướng của các pháp”. Thể là gì? Thể là Pháp tánh, là Chân Như. Thể là một, không phải hai. Thể bình đẳng, tức là Pháp tánh bình đẳng. Nhưng, tướng thì không bình đẳng. Tướng có ngàn sai, muôn khác. Cho nên, đối với tất cả pháp, có thể từ Tướng thấy được Tánh thì tâm bình đẳng hiện tiền. Đây chính là “Ly nhất thiết tướng, tức nhất thiết pháp”. Lìa tướng thì kiến tánh. Đức Phật trong kinh thường nói: “Sinh, Phật bình đẳng”. “Sinh” là chúng sinh. Từ tánh mà thấy thì chúng sinh và Phật là bình đẳng. Từ tướng mà nhìn thì sai biệt rất lớn!

Vãng Sinh Luận Chú còn bảo: “Nghe danh hiệu chí đức (đức cao tột) của A Di Ðà Như Lai, nghe tiếng thuyết pháp đều được thoát khỏi các điều ràng buộc nơi khẩu nghiệp, sinh trong nhà Như Lai, rốt ráo được khẩu nghiệp bình đẳng”. Như vậy, người trong cõi Cực Lạc được nghe các pháp âm như thế, nên tâm họ thanh tịnh, xa lìa phân biệt, chánh trực chẳng tà, rốt ráo được khẩu nghiệp bình đẳng của Như Lai. Do đó, bảo là “bình đẳng”.

Sách Pháp Hoa Khoa Chú, quyển bốn nói: “Bình đẳng có hai thứ: Một là pháp bình đẳng, tức là Lý Trung Ðạo, hai là chúng sinh bình đẳng, tức là hết thảy chúng sinh đều đắc Phật tuệ”. Nghĩa là: Thứ nhất, bình đẳng chính là Lý Thể của Trung Ðạo. Trong Trung Đạo, thể của vạn pháp là bình đẳng. Vì sao vậy? – Vì vạn pháp giai không. Cho nên, một mảy lông, một hạt bụi không gì chẳng phải là Trung Ðạo, nên bảo là “bình đẳng”. Thứ hai, chúng sinh vốn sẵn đủ trí tuệ, đức tướng của Như Lai, cùng đắc Phật tuệ, nên bảo là “bình đẳng”.

“Thành thục thiện căn”: Về “thiện căn”, kinh Tiểu Bổn dạy: “Bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên đắc sinh bỉ quốc” (Chẳng thể dùng chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sinh về cõi kia). – Vậy, thiện căn là gì? Phước đức là gì? Nhân duyên là gì? – Người được nghe pháp môn này có thể tin hiểu, là người có thiện căn. Người nghe, tin hiểu rồi, liền chí tâm niệm Phật, kiên trì phát nguyện vãng sinh về thế giới Tây phương Cực Lạc, là người có phước đức. Nhân duyên là: Có được thân người, được nghe Phật pháp, được nghe Đại thừa. Trong Đại thừa, lại được nghe Tịnh Độ, được nghe kinh Vô Lượng Thọ, đặc biệt là bổn hội tập của Ngài Hạ Liên Cư, có chú giải của cụ Hoàng Niệm Tổ, lại thêm lần diễn giảng rất tỉ mỉ của Hòa Thượng Tịnh Không về kinh Vô Lượng Thọ… Nhân duyên thật nhiều, cũng thật vô cùng hiếm có!

Sách Di Ðà Yếu Giải giảng: “Bồ Ðề chánh đạo gọi là thiện căn”. Trong chú giải của Đại sư Ngẫu Ích, “Bồ Đề chánh đạo”, trên thực tế là chỉ cho “Trì danh niệm Phật cầu sinh Tịnh Độ”. Các pháp môn khác đòi hỏi phải đoạn phiền não mới có thể thành tựu. Pháp môn niệm Phật, không cần đoạn phiền não mà chỉ phục phiền não. “Phục” dễ hơn “đoạn”, đều có thể vãng sinh. Sinh về thế giới Cực Lạc làm A Duy Việt Trí Bồ tát, đó là “Bồ Đề chánh đạo”.

Sách Viên Trung Sao, Đại sư U Khê có nói: “Chấp trì danh hiệu, phát nguyện vãng sinh, mới gọi là nhiều thiện căn”.

Sách Di Ðà Sớ Sao của Đại sư Liên Trì nói rõ ràng hơn: “Chấp trì danh hiệu, chí thành khẩn thiết cầu sinh Tịnh Độ, nguyện thấy Di Ðà, chính là nhiều thiện căn, đại thiện căn, tối thắng thiện căn, thiện căn chẳng thể nghĩ bàn”. Câu “chí thành khẩn thiết cầu sinh Tịnh Độ”là của Hòa Thượng Tịnh Không thêm vào. Chúng sinh ở cõi Cực Lạc, do nghe âm thanh nước chảy thuyết pháp, nên tất cả các thiện căn như vậy đều được thành thục cả.

“Tùy kỳ sở văn, dữ pháp tương ứng” (Điều gì được nghe cũng tương ứng với pháp) được bản Ðường dịch ghi là: “Đắc văn như thị chủng chủng thanh dĩ, hoạch đắc quảng đại thọ lạc, hân duyệt, nhi dữ quán sát tương ứng, yếm ly tương ứng… (nãi chí) Niết Bàn tương ứng” (Được nghe các âm thanh như thế xong, liền đạt được sự vui mừng, yêu thích lớn lao, tương ưng với quán sát, tương ưng với nhàm lìa… (cho đến) tương ứng với Niết Bàn). Chữ “Tương ứng” nghĩa là khế hợp.

Sách Vãng Sinh Luận Chú bảo: “Tương ưng nghĩa là như hộp và nắp hộp vừa khít nhau”.

Khởi Tín Luận lại bảo: “Với cảnh giới ly niệm thì chỉ có chứng tương ứng”. Ý nói chỉ có thật chứng mới có thể khế nhập được cảnh giới ly niệm.

“Ly niệm” là không có ý niệm, không khởi tâm, không động niệm. Đây là cảnh giới của quả địa Như Lai. Trong mười phương pháp giới không có “ly niệm”. Từ A La Hán trở lên, chỉ chứng được “ly Kiến Tư phiền não”, họ vẫn còn có vô minh, có vọng tưởng phân biệt, đó là cảnh giới của Nhị Thừa (Thanh Văn – Duyên Giác). “Ly niệm” là cảnh giới của Đại thừa, cảnh giới của chư Phật. Theo nghĩa rộng mà nói, đó chính là Cõi Thật Báo Trang Nghiêm của Pháp Thân Đại Sĩ, đã phá được một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp thân. Nghiêm túc mà nói, chỉ có quả vị Diệu Giác “duy chứng tương ưng”, đoạn hết tập khí vô minh, mới thật sự gọi là “ly niệm”. Trong kinh văn nói “dữ pháp tương ưng”, chữ “pháp” ở đây chỉ cho kinh Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà.

Hoa Nghiêm Luận bảo: “Một niệm tương ưng một niệm Phật, một ngày tương ưng một ngày Phật”, cũng có nghĩa là một niệm tâm ta tương ưng với kinh Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà, cùng với bốn mươi tám nguyện của Phật A Di Đà, đó chính là nhất niệm Phật (Phật ở đây chỉ cho Phật A Di Đà). Tương ưng với Phật A Di Đà “ngày ngày tương ưng ngày ngày Phật” thì ta đã kết duyên lành với Phật A Di Đà, cũng tương ưng với nhất niệm Phật ở phút lâm chung thì nhất định được vãng sinh.

Nay kinh này dạy: “Tùy kỳ sở văn, dữ pháp tương ứng” (Ðiều gì được nghe cũng tương ứng với pháp): “Pháp” nầy là Pháp tánh, là tương ưng với quy luật tự nhiên, là pháp bình đẳng; quả thật đã hiển thị sâu xa bổn nguyện công đức của Phật Di Ðà chẳng thể nghĩ bàn. Những người đã vãng sinh do thiện căn thuần thục, nên với diệu pháp đã được nghe đều lãnh hội được cả. Chữ “diệu pháp” này, theo Hòa Thượng Tịnh Không, là tuyên dương thế giới Cực Lạc, khuyên bảo mọi người buông bỏ vạn duyên, cầu sinh Cực Lạc. Thành tựu diệu pháp nầy là thành tựu công đức bổn nguyện của Phật A Di Đà. Tất cả chúng sinh trong mười phương thế giới, chỉ cần nghe đến, đều chân thật phát tâm, y giáo phụng hành, không ai mà chẳng được vãng sinh.

Chư vị Tổ sư thường dạy: “Nhiếp giải khởi hành, hành khởi giải tuyệt, vong chiếu đồng thời, năng sở bất nhị”: Cảnh giới nầy thật cao! Do giải ngộ nên khởi hạnh, hạnh khởi thì giải tuyệt. Hòa Thượng Tịnh Không nói: Tùy sức hiểu biết của bản thân, biết bao nhiêu thì hành bấy nhiêu, nhưng nhất định phải thực hành. Làm được thì tâm thanh tịnh, Định-Tuệ sẽ hiện tiền. Trí tuệ hiện tiền thì hiểu biết càng sâu, thực hành sẽ càng rộng. Hiểu giúp cho hành; hành giúp cho hiểu; hiểu và hành tương ưng, có thể đạt đến “vong chiếu đồng thời”. “Vong” là tập khí phiền não; “chiếu” là thật tướng các pháp.

Cũng chính là nói: Đoạn phiền não và thấy Bồ Đề là cùng một lúc, không phải nói: Trước đoạn phiền não, sau mới chứng Bồ Đề, không phải vậy! Năng đoạn, sở đoạn; năng chứng, sở chứng là một, không phải hai.

Lý trí sâu thẳm: “Trí” là trí tuệ năng chiếu. “Lý” là tự tánh sở chiếu. Năng chiếu và sở chiếu hợp nhất rồi thì: Trí tức là lý, lý tức là trí. Trí không hai, hoàn toàn nhất như.

“Kỳ nguyện văn giả, triếp độc văn chi, sở bất dục văn, liễu vô sở văn” (Ai muốn nghe, liền được nghe. Ai chẳng muốn nghe, trọn chẳng nghe thấy). Câu này càng nói rõ tính chất viên minh cụ đức, tự tại vô ngại, khéo ứng hợp đến vô cùng vô tận của nước ở Tây phương Cực Lạc, đều “nhất nhất tùy chúng sinh ý” (mỗi mỗi tùy thuận ý của chúng sinh).

Diệu ứng của cõi Cực Lạc: Nước, chim, cây cối đều diễn thuyết diệu pháp, ánh sáng muôn màu, âm thanh, mùi hương cùng làm Phật sự. Những điều đập vào mắt, dội vào tai, đều hiển hiện trọn vẹn bản tâm. Cất bước, hạ chân đều làm Phật sự. Cho nên, đối với tâm vô thượng Bồ Đề, vĩnh viễn chẳng thoái chuyển, thuần là nhân duyên tăng thượng, nên nói “Vĩnh bất thoái ư A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”.

KINH VĂN: 

Thập phương thế giới chư vãng sinh giả, giai ư thất bảo trì liên hoa trung, tự nhiên hóa sinh, tất thọ thanh hư chi thân, vô cực chi thể.

VIỆT DỊCH: 

Những người từ mười phương thế giới được vãng sinh, đều tự nhiên hóa sinh trong hoa sen nơi ao bảy báu, đều thọ thân thanh hư, thể vô cực.

GIẢNG: 

Câu: “Thập phương thế giới chư vãng sinh giả, giai ư thất bảo trì liên hoa trung, tự nhiên hóa sinh”, đây chính là thành tựu của nguyện thứ hai mươi bốn “Liên hoa hóa sinh” (hóa sinh trong hoa sen). Người ở thế giới Cực Lạc, không phải do thai sinh, không phải do noãn sinh, cũng không phải do thấp sinh, mà là hóa sinh. Vì thế, họ không có sinh khổ. “Tự nhiên hóa sinh”, nên họ không có già khổ, không có bệnh khổ, cũng không có chết khổ.

Ngài Nghĩa Tịch giảng chữ “tự nhiên” như sau: “Chẳng sinh trưởng từ thai tạng (bào thai) nên là tự nhiên”.

Sách Hội Sớ giảng: “Chẳng phải do vọng nghiệp chiêu cảm, mà là kết quả tự nhiên của lời Phật nguyện, nên bảo là tự nhiên”. Ý nầy hay hơn ý trước.

Về chữ “hóa sinh” đã giảng qua trong lời nguyện thứ hai mươi bốn ở phần trước.

 “Tất thọ thanh hư chi thân, vô cực chi thể” (Đều thọ thân thanh hư, thể vô cực):  Chữ “thanh hư” trích từ bản Hán dịch và Ngô dịch; bản Ngụy dịch ghi là “hư vô”, nhưng ý nghĩa vẫn tương đồng.

Ngài Nghĩa Tịch bảo: “Chẳng do uống ăn mà được khôn lớn nên bảo là hư vô; chẳng già chết, tổn hoại nên bảo là vô cực”. 

Gia Tường Sớ giảng: “Do thần thông không đâu chẳng đạt đến nên bảo là thể vô cực. Giống như ánh sáng nên bảo là hư vô”. “Sắc như quang ảnh” (giống như ánh sáng):

– Quang ảnh là gì?

– Là phi hữu, phi vô!

Chúng ta không thể nói nó có, cũng không thể nói nó không có. Thật kỳ diệu! Đấy là “hư vô chi thân”.

Sách Hội Sớ lại bảo: “Có mà dường như không, thong dong vô ngại nên bảo là thân hư vô, một phen được sinh về thì chẳng hề có lúc dứt mạng, nên bảo là thể vô cực”.

 Ngài Cảnh Hưng nói: “Hư vô, vô cực là không chướng ngại, là hi hữu; phải nên lần lượt hiểu như thế”. Ý nói: Do không chướng ngại nên “hư vô”; do hi hữu nên bảo là “vô cực”. 

Các vị Cổ đức giải thích đã bổ trợ ý nghĩa lẫn nhau, khiến chúng ta đối với cảnh giới Tây phương Cực Lạc càng thêm minh bạch.

KINH VĂN: 

Bất văn tam đồ ác não khổ nạn chi danh, thượng vô giả thiết, hà huống thật khổ. Đản hữu tự nhiên khoái lạc chi âm. Thị cố bỉ quốc danh vi Cực Lạc.

VIỆT DỊCH: 

Chẳng nghe danh từ tam đồ, phiền não, khổ nạn, (những danh từ ấy) giả dụ còn không có, huống là có khổ. Chỉ có âm thanh khoái lạc tự nhiên. Do đó, cõi nước ấy tên là Cực Lạc.

GIẢNG:

“Bất văn tam đồ ác não khổ nạn chi danh, thượng vô giả thiết, hà huống thật khổ” (Chẳng nghe danh từ tam đồ, phiền não, khổ nạn, (những danh từ ấy) giả dụ còn không có, huống là có khổ).

“Tam đồ” là ba đường ác: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Trong chín pháp giới, “tam đồ” là khổ nhất. Thế giới Cực Lạc không có

“tam đồ”. Nghiệp nhân của “tam đồ” chính là tam độc: Tham, sân, si.

Những điều được nói trong kinh văn này, chính là do thành tựu của nguyện thứ nhất “Quốc vô ác đạo” (nước không có ác đạo) và nguyện thứ hai mươi tám  “Quốc vô bất thiện” (nước không có sự bất thiện).

Kinh Tiểu Bổn dạy: “Kỳ Phật quốc độ thượng vô ác đạo chi danh, hà huống hữu thật” (Cõi nước Phật ấy còn chẳng có cái tên ác đạo, huống là thật có) và: “Kỳ quốc chúng sinh vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc, cố danh Cực Lạc” (Chúng sinh trong cõi ấy chẳng có các nỗi khổ, chỉ hưởng các niềm vui, nên cõi ấy tên là Cực Lạc).

Sách Vãng Sinh Luận Chú của ngài Đàm Loan nói: “Vĩnh ly thân tâm khổ não, thọ lạc thường vô gián” (Vĩnh viễn dứt hết các khổ não nơi thân và tâm; thường hưởng vui không gián đoạn). Vì thế, kinh dạy: “Đản hữu tự nhiên khoái lạc chi âm. Thị cố bỉ quốc, danh vi Cực Lạc (Chỉ có âm thanh tự nhiên khoái lạc. Vì thế, cõi nước ấy tên là Cực Lạc).

Nên nhớ: Vui ở thế giới Cực Lạc là cái vui chân thật, là cái vui xuất phát từ nội tâm không phải bên ngoài. Cái vui của thế gian chỉ là cái vui trong vui khổ, cái vui đó chỉ là cái khổ tạm dừng.