Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
QUYỂN 3
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2567 -2023
BỒ ĐỀ ĐẠO TRÀNG ĐỆ THẬP NGŨ
Cây Bồ Đề được nói trong phần này chính là cây đạo tràng nói trong nguyện thứ 41. Trước hết Kinh nói đến hình tướng cây to lớn trang nghiêm, đặc biệt tươi tốt. Bởi nơi đây ngày ngày Phật giảng Kinh, ngày ngày được nghe Pháp, nên cảm ứng thật chẳng thể nghĩ bàn! Cuối cùng nói rõ nguyện lực của Phật A Di Đà, nêu “quả” để làm sáng tỏ cái “nhân”.
KINH VĂN
Hựu kỳ đạo tràng, hữu Bồ Đề thụ, cao tứ bách vạn lý, kỳ bổn châu vi ngũ thiên do-tuần, chi diệp tứ bố nhị thập vạn lý, nhất thiết chúng bảo tự nhiên hợp thành. Hoa quả phu vinh, quang huy biến chiếu. Phục hữu hồng, lục, thanh, bạch, chư ma-ni bảo, chúng bảo chi vương, dĩ vi anh lạc. Vân tụ bảo tỏa, sức chư bảo trụ. Kim, châu, linh, đạc, châu táp điều gian. Trân diệu bảo võng, la phú kỳ thượng. Bách thiên vạn sắc, hỗ tương ánh sức; vô lượng quang viêm, chiếu diệu vô cực. Nhất thiết trang nghiêm, tùy ứng nhi hiện.
VIỆT DỊCH
Nơi đạo tràng lại có cây Bồ Ðề cao bốn trăm vạn dặm. Gốc nó to trọn năm ngàn do-tuần, cành lá xòe ra bốn phía đến hai mươi vạn dặm, do hết thảy các thứ báu tự nhiên hợp thành. Hoa quả xum xuê, chói sáng cùng khắp. Lại có các thứ báu Ma-ni hồng , lục, xanh, trắng, là vua trong các thứ báu, để dùng làm anh lạc. Khóa báu Vân Tụ trang hoàng các trụ báu. Vàng, châu, linh, đạc treo khắp trên cành. Lưới báu trân diệu giăng mắc bên trên. Trăm ngàn vạn sắc, chói ngời lẫn nhau, vô lượng tia sáng chiếu rực vô cực. Tất cả trang nghiêm, tùy ý hiện nên.
GIẢNG:
“Hựu kỳ đạo tràng, hữu Bồ Đề thụ, cao tứ bách vạn lý” (Nơi đạo tràng lại có cây Bồ Ðề cao bốn trăm vạn dặm).Theo chú giải của cụ Hoàng Niệm Tổ, “đạo tràng” có đến năm nghĩa:
– Một là chỗ đức Phật Thích Ca thành đạo dưới gốc cây Tất-bát-la, sau này gọi là cây Bồ Đề, dịch nghĩa là Đạo Thọ hay Giác Thọ. Theo sách Tây Vực Ký (tức tác phẩm nhật ký du lịch) của ngài Huyền Trang: Lúc đức Phật còn tại thế, cây Bồ Đề cao bốn trăm thước, lâu ngày tàn rụi dần dần chỉ còn bốn, năm trượng. Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Hiện tượng này biểu trưng cho sự suy yếu của Phật pháp. Nếu Phật pháp hưng vượng cây Bồ Đề này nhất định phải cao lớn và rất tươi tốt.
Trong kinh này nói cây Bồ Đề ở thế giới Tây Phương Cực Lạc cao bốn trăm vạn dặm. Trong khi đó, Quán Kinh nói: “Phật thân cao lục thập vạn ức na-do-tha, hằng hà sa do-tuần” (Thân Phật cao sáu mươi vạn ức na-do-tha hằng hà sa do-tuần) thì hóa ra thân Phật cao mà cây lại thấp, chẳng tương xứng! Theo cụ Hoàng Niệm Tổ: Điều này cũng không quan hệ. Nên nhớ toàn thể kinh Vô Lượng Thọ là cảnh giới sự sự vô ngại chẳng thể nghĩ bàn. Dẫu cho chốn ấy cao thấp sai khác, nhưng nếu đã thông đạt huyền môn “quảng hiệp tự tại” liền có thể chứng nhập tất cả pháp giới vô ngại.
– Hai là đắc đạo hành pháp, nghĩa là phương pháp tu hành thành đạo. Như kinh Duy Ma nói: “Trực tâm thị đạo tràng” (trực tâm là đạo tràng). Trực tâm là chân tâm, là thể của tâm Bồ Đề, tâm Bồ Đề là tâm giác ngộ. Phía trước, chúng ta đã học qua: Được tâm thanh tịnh là A-la-hán; được tâm bình đẳng là Bồ Tát; được tâm đại giác là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, chính là thành Phật; đây là pháp tu hành thành đạo. Muốn vãng sinh thế giới Cực Lạc, điều kiện thứ nhất là phải phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm. Nếu không phát Bồ Đề tâm thì dẫu niệm Phật cũng chỉ là gieo hạt giống thiện căn trong A-lại-da thức mà thôi; trong đời này quyết không thể thành tựu. Đây là điều không thể không biết.
– Ba là chỗ thờ Phật được gọi là đạo tràng. Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Cúng Phật, quan trọng nhất là cúng dường Pháp. Nếu không y theo giáo pháp của Phật để tu hành thì đó chỉ là đạo tràng giả. Noi theo giáo pháp của Phật để tu hành, đó mới là chân thật đạo tràng.
– Bốn là chỗ học đạo: Trong chú giải Kinh Duy Ma của ngài Tăng Triệu có câu: “Chỗ tu đạo thanh vắng gọi là đạo tràng”
Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Đạo tràng là nơi tu đạo, không nhất thiết phải là cung điện, nhà cửa nguy nga; cho dù chỉ là một mái nhà tranh, quan trọng nhất trong đó phải có người chân thật tu hành. Nếu không thì sức ảnh hưởng đối với chúng sinh không lớn. Hầu hết họ đến đây thắp nhang, cúng Phật chỉ để cầu phước, đây thuộc về mê tín. Họ cho rằng ta đem vàng bạc, thức ăn v.v. đến cúng Phật, sẽ được Phật gia hộ, đó là sai lầm! Vô tình họ xem Phật, Bồ Tát như tham quan ô lại, họ không có tâm cung kính đối với Phật, Bồ Tát mà toàn là trao đổi lợi ích!
Tôi còn nghe nói, đây là việc có thật: Người đánh bạc trước khi đến sòng bạc, họ đến chùa thắp nhang lạy Phật hy vọng Phật, Bồ Tát có thể gia hộ họ thắng bạc. Sau khi thắng bạc, họ sẽ đến hoàn nguyện. Nhưng, rốt cuộc bị thua! Thua rồi thì sao? Trở về phá tượng Phật, vì Phật này không linh! Nghĩ xem! Họ có tạo tội nghiệp chăng? Ác ý đập phá tượng Phật, tội này giống như làm thân Phật chảy máu, quả báo là ở địa ngục vô gián! Cho nên, trong đạo tràng, quan trọng nhất là phải có đạo.
– Năm là thời Tùy Dương Đế, vua xuống chiếu bắt mọi người phải gọi các chùa trong thiên hạ là “đạo tràng”.
Chữ “đạo tràng” trong kinh này phải được hiểu theo nghĩa thứ tư, là nơi để tu đạo.
Từ chữ “nhất thiết chúng bảo” (tất cả các báu) trở đi, diễn tả sự trang nghiêm của cây Bồ Đề.
Câu “tự nhiên hợp thành” ngụ ý: Cây do đại nguyện, đại lực của Phật A Di Đà mà tự nhiên thành tựu như vậy, chẳng do ai tạo tác.
“Hoa quả phu vinh”: Chữ “phu” ở đây có nghĩa là hiển hiện, lộ ra. Chữ “vinh” có nghĩa là xum xuê, tươi tốt.
“Quang huy biến chiếu” là ánh sáng chói rạng khắp nơi. Bài kệ sau đây trong Vãng sinh Luận: “Vô lượng bảo giao lạc, la võng biến hư không, chủng chủng linh phát hưởng, tuyên phổ diệu pháp âm” (Vô lượng báu giao nhau, hư không tràn lưới võng, đủ loại linh vang hưởng, ngân nga âm diệu pháp) thật tương ưng với đoạn kinh này. Đầu tiên là báu ma-ni bốn màu. Các thứ báu này bao hàm những đặc tánh tốt đẹp nhất trong các báu nên gọi là “chúng bảo chi vương” (vua trong các báu). Dùng các thứ báu tối thượng như thế làm chuỗi anh lạc, treo kín các cành nhánh cây để trang hoàng.
Cũng theo chú giải của cụ Hoàng: Trong câu “Vân Tụ bảo tỏa”, chữ “tỏa” ở đây có nghĩa là “khóa”, chỉ những chỗ kết cấu ăn khớp vào nhau trong các thứ kiến trúc nơi ấy. “Vân Tụ” chính là tên một thứ báu. “Vân Tụ bảo tỏa” có nghĩa là dùng chất báu Vân Tụ để làm các thứ kết cấu dính móc vào nhau.
“Sức chư bảo trụ” (trang hoàng các trụ báu). Bản Tống dịch nói về “bảo trụ” (trụ báu) như sau: ”Bỉ Phật quốc độ, hữu chủng chủng bảo trụ, giai dĩ bách thiên trân bảo nhi dụng trang nghiêm. Sở vị kim trụ, ngân trụ, lưu ly trụ, pha lê trụ, chân châu trụ, xa cừ trụ, mã não trụ” (cõi đức Phật ấy có các trụ báu, đều dùng trăm ngàn trân bảo để trang nghiêm. Như là trụ vàng, trụ bạc, trụ lưu ly, trụ pha lê, trụ chân châu, trụ xà cừ, trụ mã não). Lại có những trụ do từ hai thứ báu cho đến bảy thứ báu hợp thành. Các trụ báu như thế trang hoàng bằng các chuỗi anh lạc cũng như các khóa báu.
Trong nhóm chữ “Kim, châu, linh, đạc” thì “kim” là vàng ròng; “châu” là chân châu; “linh” là cái linh (chuông nhỏ có quả lắc) bằng kim loại, hình dáng từa tựa như cái chuông nhưng nhỏ hơn nhiều; “đạc” là loại linh có lưỡi gỗ (mộc thiệt). Lưỡi ở đây chỉ cái hạt tròn nhỏ được treo trong cái “đạc”, khi lắc sẽ phát ra tiếng. “Linh” và “đạc” đều bằng diệu bảo hợp thành, phát ra những âm thanh vi diệu. Bốn thứ báu nói trên treo đầy khắp các cành nhánh của cây Bồ Đề nên Kinh nói: “châu táp điều gian” (treo khắp trên cành).
Bản Đường dịch ghi ý “trân diệu bảo võng” (lưới báu quý đẹp) như sau: “Hựu dĩ thuần kim, chân châu, tạp bảo, linh, đạc dĩ vi kỳ võng” (lại dùng vàng ròng, chân châu, linh, đạc bằng các thứ báu kết thành lưới). Như vậy, lưới báu cũng do vàng ròng, chân châu, linh, đạc tạo thành nên bảo là “trân diệu”.
“La phú kỳ thượng” (giăng mắc bên trên). Theo chú giải của cụ Hoàng: Khi nói về “la phú” thì “la” là căng rộng ra, “phú” là trùm lấp, phủ lên. Các lưới báu như thế căng ra, phủ lên cây Bồ Đề nên bảo là “la phú kỳ thượng” (giăng mắc bên trên).
Bảo châu phóng quang “bách thiên vạn sắc” (trăm ngàn vạn sắc) như Quán Kinh nói: “Nhất nhất bảo châu hữu thiên quang minh, nhất nhất quang minh, bát vạn tứ thiên sắc” (Mỗi một bảo châu có ngàn quang minh. Mỗi một quang minh có tám vạn bốn ngàn sắc). Mỗi một diệu sắc như thế phản chiếu ánh sáng của nhau càng thêm chói lọi khắp cả, nên kinh bảo “hỗ tương ánh sức” (chói ngời lẫn nhau).
“Vô lượng quang viêm”: Chữ “viêm” là ánh lửa tỏa rực; “quang viêm” là những tia sáng tỏa ánh chói rực. Mỗi một viên châu tỏa ngàn quang minh; do vô lượng viên châu nên “vô lượng quang viêm, chiếu diệu vô cực”. Chữ “vô cực” là không có hạn lượng.
Ngài Cảnh Hưng giảng câu: “Nhất thiết trang nghiêm tùy ứng nhi hiện” (tất cả trang nghiêm tùy ý mà hiện) như sau: “Do thiện báo từ bi của đức Như Lai hóa hiện, nên thuận theo căn cơ của chúng sinh mà hiện ra các thứ lớn, nhỏ, dài, ngắn, từ một thứ báu, hai thứ báu, cho đến các thứ báu, không thứ nào lại chẳng đẹp ý người thấy”.
KINH VĂN:
Vi phong từ động, xuy chư chi diệp, diễn xuất vô lượng diệu pháp âm thanh. Kỳ thanh lưu bố, biến chư Phật quốc. Thanh sướng ai lượng, vi diệu hòa nhã, thập phương thế giới âm thanh chi trung, tối vi đệ nhất.
VIỆT DỊCH:
Gió nhẹ khẽ động thổi qua các cành, lá, diễn xuất vô lượng âm thanh diệu pháp. Những âm thanh ấy lan truyền khắp các cõi Phật: Thanh tịnh, sảng khoái, bi mẫn, trong sáng, vi diệu, hòa nhã, thật là âm thanh bậc nhất trong các âm thanh trong mười phương thế giới.
GIẢNG:
Ðoạn kinh trên thuật rõ cây có khả năng diễn nói diệu pháp, lợi ích chẳng thể nghĩ bàn, nên nói:
“Vi phong từ động, xuy chư chi diệp, diễn xuất vô lượng diệu pháp âm thanh” (Gió nhẹ khẽ lay qua cành, lá, diễn xuất vô lượng âm thanh diệu pháp): Chữ “Diệu pháp” là pháp tối thắng bậc nhất chẳng thể nghĩ bàn. Đoạn kinh văn này cũng ngầm bảo sáu trần ở thế giới Tây phương Cực Lạc đều thuyết pháp.
Tựa sách Pháp Hoa Huyền Nghĩa có câu: “Diệu là (chữ để) khen ngợi pháp tốt lành chẳng thể nghĩ bàn”.
Ngài Ðàm Loan bảo: “Âm thanh ấy làm Phật sự chẳng thể nghĩ bàn”. Chữ “Phật sự” ở đây chỉ sự giáo hóa của chư Phật.
“Kỳ thanh lưu bố, biến chư Phật quốc” ( Những âm thanh ấy lan truyền khắp các cõi Phật). Theo sách chú giải của cụ Hoàng: “thanh, sướng, ai, lượng, vi diệu, hòa nhã” (tạm dịch là “thanh tịnh, sảng khoái, bi mẫn, trong trẻo, vi diệu, hòa nhã”). Chữ “Sướng” có nghĩa là thông suốt, vui sướng, khiến người nghe sảng khoái. “Sướng”cũng có nghĩa là thông hiểu, là ý nói pháp âm ấy khiến người nghe thông đạt được pháp Thật Tướng. Bản chú giải của ngài Nghĩa Tịch ghi là “thanh dương”, không dùng “thanh sướng” như hội bản. Ngài Nghĩa Tịch bảo: “Thanh là thanh tịnh, nghe được chẳng sinh tâm trược nhiễm. ‘Dương’ là tuyên dương, do âm thanh ấy có thể tuyên dương pháp Thật Tướng. ‘Ai’ là bi ai, pháp ấy khiến người nghe sinh tâm đại bi. ‘Lượng’ là trong trẻo, vang vọng, thấu triệt, rõ ràng. Pháp âm ấy khiến người nghe khai phát trí tuệ. ‘Vi’ là tinh tế, bí mật: Pháp âm ấy tinh tế, bí mật như tiếng âm nhạc cõi Phạm thiên. ‘Diệu’ là hay đẹp tuyệt diệu. Âm thanh ấy hay tuyệt diệu như tiếng chim Loan (chim phụng hoàng mái). ‘Hòa’ là điều hòa, âm vận nhịp nhàng, réo rắt. ‘Nhã’ là thanh nhã, đứng đắn; pháp âm ấy thanh nhã, đứng đắn vì thuận theo Phật pháp”.
Những đức tánh vừa thuật trên không những chỉ đặc biệt lạ lùng đối với các cõi trời, mà so với mười phương thế giới, các âm thanh ấy cũng là bậc nhất, nên kinh bảo: “Thập phương thế giới âm thanh chi trung, tối vi đệ nhất” (thật là bậc nhất trong các âm thanh của mười phương thế giới).
KINH VĂN:
Nhược hữu chúng sinh, đổ Bồ Đề thụ, văn thanh, khứu hương, thưởng kỳ quả vị, xúc kỳ quang ảnh, niệm thụ công đức, giai đắc lục căn thanh triệt, vô chư não hoạn, trụ Bất Thoái Chuyển, chí thành Phật đạo. Phục do kiến bỉ thụ cố, hoạch tam chủng Nhẫn, nhất Âm Hưởng Nhẫn, nhị Nhu Thuận Nhẫn, tam giả Vô sinh Pháp Nhẫn.
VIỆT DỊCH:
Nếu có chúng sinh thấy cây Bồ Ðề, nghe tiếng, ngửi mùi, nếm vị trái cây, chạm được ánh sáng, hình bóng của nó, nghĩ đến công đức của cây đều được sáu căn thanh triệt, không có các não hoạn, trụ Bất Thoái Chuyển, cho đến thành Phật đạo. Lại do thấy được cây ấy sẽ đắc ba thứ nhẫn: Một là Âm Hưởng Nhẫn, hai là Nhu Thuận Nhẫn, ba là Vô Sinh Pháp Nhẫn.
GIẢNG:
Ðoạn kinh văn trên chỉ rõ cây Bồ Ðề ở thế giới Tây Phương Cực Lạc tạo lợi ích, rộng thí cái lợi chân thật.
“Nhược hữu chúng sinh, đổ Bồ Đề thụ”: Nếu có chúng sinh nào thấy được cây Bồ Đề này;“Văn thinh, khứu hương, thưởng kỳ quả vị”: Tai được nghe âm thanh từ cây phát ra, mũi ngửi được mùi hương, miệng nếm được quả vị của cây ấy; “xúc kỳ quang ảnh, niệm thụ công đức”: Thân được xúc chạm với ánh sáng và bóng của cây ấy; hoặc “niệm thụ công đức” (hoặc nhớ nghĩ đến công đức của cây) thì “giai đắc lục căn thanh triệt”, có nghĩa là sáu căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của chúng sinh đó sẽ không còn cấu nhiễm; đây gọi là “thanh”; tất cả mọi thấy, nghe, hiểu biết, xúc chạm v.v. của chúng sinh đó đối với tất cả các pháp đều tỏ tường, minh bạch; đây gọi là “triệt”. Sáu căn đều phát sinh thắng trí, đều được “thanh triệt”, nên bảo là “lục căn thanh triệt”.
“Vô chư não hoạn” (Không có các não hoạn).Sách Tiên Chú giảng chữ “não” như sau: “Não là tên gọi của một thứ Tâm Sở (Tâm Sở là tác dụng của tâm), là một trong các pháp thuộc về Tiểu Phiền Não. “Não” nghĩa là chỉ bản thân tự biết việc ác mà vẫn cứ làm, không chịu sửa đổi, cứ chấp trước, bảo thủ đến cùng, không chịu nghe người khác can gián nhưng trong lòng tự buồn bã, phiền muộn. “Não” cũng là một pháp trong mười hai Tùy Phiền Não. “Não” cũng có nghĩa là suy nghĩ các việc làm đã qua, hoặc do sự việc hiện tại không vừa ý khiến tinh thần tự phiền não”.
Sách Duy Thức Thuật Ký lại giảng: “Phiền là quấy rối. Não là làm loạn”. Xa rời cái khổ phiền não nên bảo là “vô chư não hoạn”
(không có các não hoạn). Thậm chí được Bất Thoái Chuyển, hướng thẳng đến quả vị thành Phật nên bảo là “trụ Bất Thoái Chuyển, chí thành Phật đạo”
“Phục do kiến bỉ thụ cố, hoạch tam chủng nhẫn” (Lại do thấy được cây ấy sẽ đắc ba thứ Nhẫn): Ðoạn trên nói đủ cả sáu căn, đoạn này chỉ lấy Nhãn Căn làm đại biểu. Việc trông thấy cây liền đắc Nhẫn chính là kết quả của nguyện thứ bốn mươi mốt “Thụ hiện Phật sát” ( Thụ hiện các cõi Phật)” và nguyện bốn mươi bảy “Văn danh đắc Nhẫn” ( Nghe danh được nhẫn).
Sách Hội Sớ bảo: “Ngửa xem cây Ðạo Tràng chính là biểu tượng của quả Chánh Giác viên mãn, còn danh hiệu chính là thật thể của bổn nguyện thành tựu. Vì thế, lời nguyện ‘nghe danh đắc Nhẫn’ là nhân tạo thành cái quả thành tựu trông thấy cây đắc Nhẫn. Nghe danh chính là nghe âm thanh mầu nhiệm phát ra từ cây Ðạo Tràng (như kinh Tiểu Bổn chép: “Văn thị âm giả, tự nhiên giai sinh niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng chi tâm” (nghe tiếng ấy thì tự nhiên đều sinh tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng). Trông thấy cây ấy là trông thấy quả đức của A Di Ðà Phật. Lấy đó mà suy thì việc nghe danh đắc Nhẫn đã rõ rành rành vậy”.
Nói tóm lại, theo cụ Hoàng Niệm Tổ: Danh hiệu và cây Bồ Ðề đều từ diệu đức của quả địa Ðại Giác biến hiện ra, đều là viên viên quả hải, đầy đủ viên dung muôn đức, đều là thanh tịnh cú, chân thật trí tuệ vô vi Pháp Thân, đều là “Chân Thật Tế” mà cũng chính là tự tánh của đương nhân, nên mới có những lợi ích chân thật chẳng thể nghĩ bàn như vậy.
Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Chữ “Nhẫn” có nghĩa là đồng ý, chấp nhận. Lời Phật dạy, ý nghĩa rất sâu, chúng ta nghe rồi có thể chấp nhận, khẳng định không có hoài nghi thì gọi là “nhẫn”. Cho nên, trong chú giải của cụ Hoàng có nói: “Ðắc Nhẫn” là tin được lý khó tin, chẳng lầm lạc, thì gọi là “Nhẫn”.
Sách Ðại Thừa Nghĩa Chương, quyển mười một bảo: “An trụ trong Thật Tướng của các pháp là Nhẫn”.
Sách Hội Sớ giảng: “Trí hạnh tăng tấn là Pháp Nhẫn”.
Ngài Tịnh Ảnh nói: “Tuệ tâm an trụ nơi pháp thì gọi là Nhẫn”.
Tịnh Ảnh Sớ giảng câu “hoạch tam chủng Nhẫn” (đắc ba thứ Nhẫn) như sau: “Vừa nghe tiếng liền giải ngộ, biết tiếng ấy như tiếng vang thì gọi là Âm Hưởng Nhẫn; đó là từ bậc Tam Địa trở xuống. Xả Thuyên hướng Thật thì gọi là Nhu Thuận Nhẫn, đó là pháp Nhẫn của bậc Tứ, Ngũ, Lục Địa. Chứng Thật lìa tướng thì gọi là Vô Sinh Nhẫn; đó là Nhẫn của bậc Thất Ðịa trở lên”. Ý nói hàng Thanh văn, nghe Phật thuyết liền khai ngộ, biết hết thảy pháp giống như tiếng vang, như mộng, huyễn, bọt, bóng thì gọi là Âm Hưởng Nhẫn. Bồ tát trong Biệt giáo chứng được địa vị này là Bồ tát Sơ Địa, Nhị Địa, Tam Địa vì họ đã lìa tướng.
“Xả Thuyên hướng Thật” có nghĩa là xả ly ngôn thuyên (chữ “ngôn thuyên” có nghĩa là dùng ngôn ngữ văn tự để diễn đạt nghĩa lý) cũng tức là “ly ngôn thuyết tướng” như Bồ tát Mã Minh đã dạy, khi nghe Kinh, học giáo phải:
– Thứ nhất là “ly ngôn thuyết tướng”: Chính là không chấp vào lời nói; lời nói chỉ là phương tiện, không nên chấp trước mà phải hiểu được nghĩa lý trong ngôn ngữ, đó là người biết nghe.
– Thứ hai là “ly danh tự tướng”: Đối với văn tự trong kinh điển cũng chẳng nên chấp trước, vì đó chỉ là ký hiệu của lời nói.
– Thứ ba là “ly tâm duyên tướng” là lìa tướng tâm duyên. Sau khi nghe rồi lại suy gẫm: Câu, đoạn này có ý nghĩa gì? Đây chính là tâm của bạn đã phan duyên. Nếu bạn có suy nghĩ, thì đó là ý của bạn chứ không phải là ý của Phật. Phật, Bồ tát và cả A-la-hán v.v. đều không có ý
– Như vậy phải làm sao?
– Nghe không hiểu cũng chẳng sao! Nghe lại lần nữa, rồi lần nữa v.v. tuyệt đối không nên suy nghĩ, không nên tưởng tượng. Đây là cái khó trong khi học Phật. Có câu, “Sách đọc ngàn lần, nghĩa kia tự hiểu”.
Người tu hành, quan trọng nhất là phải ngộ nhập được cảnh giới. Nếu xem Phật pháp như môn học của thế gian để nghiên cứu, suy tầm thì không thể nào khai ngộ, vì đã sai lạc phương hướng rồi! Ở đây, theo Tịnh Ảnh Sớ: “Xả Thuyên hướng Thật” thì gọi là Nhu Thuận Nhẫn, đó là pháp nhẫn của bậc Tứ Địa, Ngũ Địa, Lục Địa.
“Chứng Thật lìa tướng” nghĩa là chứng nhập Thật Tướng; lìa hết thảy tướng, thì gọi là đắc Vô Sinh Pháp Nhẫn; đó chính là Nhẫn của các bậc Bồ tát từ Thất Địa Trở lên.
Điều này, trong kinh Hoa Nghiêm có nói:
“Ly tất cả tướng tức tất cả pháp” nên gọi là đắc Vô Sinh Pháp
Nhẫn. Lúc này mới thật sự đã hiểu, đã khẳng định thừa nhận, không còn có nghi hoặc: Tất cả pháp không sinh không diệt.
Sách Di Ðà Sớ Sao lại giảng: “Nói giản lược, có hai thứ Vô Sinh Nhẫn: Một là xét về pháp, hai là xét về hạnh.
– Xét theo pháp thì về Lý, các pháp chẳng phát khởi, tác dụng, đều gọi là Vô sinh. Tuệ tâm an trụ vào đấy nên gọi là Nhẫn.
– Xét theo hạnh thì báo hạnh thuần thục, trí hiểu rõ lý vô tướng, vô công dụng, rộng dường hư không, sâu như biển thẳm, vọng hoặc trong tâm thức chẳng còn, lặng lẽ chẳng khởi thì mới gọi là Vô Sinh.
Loại thứ nhất địa nào cũng có, loại thứ hai chỉ bậc Bát Địa mới có thể chứng nổi”.
Hòa Thượng Tịnh Không giải thích lời giảng trên như sau: Nếu dùng Chân Đế để nói thì đích thật không có sinh diệt. Điều này trong kinh Hoa Nghiêm có nói: Tất cả pháp ngay tại đây, ngay trong một niệm; một niệm này không sinh không diệt. Ý này rất khó hiểu! Nói chung: Không sinh làm gì có diệt, đây là thật tướng của các pháp. Những thứ mà phàm phu chúng ta thấy đều là hiện tượng của tướng liên tục, không phải tương tục. Nếu là tướng tương tục thì mỗi niệm đều phải tương đồng.
Tiến sĩ Giang Bổn Thắng, người Nhật đã làm thí nghiệm về tế bào nước. Hình như năm 2004, tôi có đến Đông Kinh để phỏng vấn ông. Lúc đó, ông đã làm thí nghiệm đến mười mấy vạn lần, trong vòng bảy năm. Ông nói với tôi: Không có mô hình nào tương đồng. Tôi nói: Nhận xét của ông giống như trong kinh đức Phật đã nói. Ông ta rất kinh ngạc! ông chưa từng tiếp xúc với tôn giáo, vì e mọi người sẽ cho ông là mê tín!
– Vì sao không thể có hai tướng tương đồng?
– Vì mỗi ý niệm đều độc lập riêng biệt. Như chúng ta dùng máy ảnh, chụp bằng phim cũ trước đây, nhất định không có hai tấm nào hoàn toàn giống nhau. Cũng thế, khi chúng ta khởi lên ý niệm: Ý niệm đầu không như ý niệm thứ hai; nên kết tinh thứ nhất và kết tinh thứ hai không giống nhau. Đây chính là “xuất sinh vô tận” mà trong “Hoàn Nguyên Quán” Quốc sư Hiền Thủ đã nói. Trong Lục Tổ Đàn Kinh, ngài Huệ Năng nói: “Năng sinh vạn pháp”. Pháp không có định pháp, nó tùy theo ý niệm mà biến hóa. Ý niệm này chính là A-lại-da. Chỉ khi nào chuyển thức thành trí thì ý niệm đó mới giống nhau. Vì sao vậy? Vì nó là vô niệm, vô niệm thì giống nhau; có niệm thì không giống.
– Có thể nói, cõi Thật Báo Trang Nghiêm là tướng tương tục không phải tướng tương tợ tương tục. Mọi hiện tượng trong mười pháp giới, lục đạo đều là tướng tương tợ tương tục, tuyệt đối không có tương đồng. Đây chính là “vô khởi tác chi lý” (xét về lý thì các pháp chẳng phát khởi), đây gọi là “vô sinh”.
– Có khởi tác hay không?
– Có tướng khởi tác nhưng không có lý khởi tác, tức là “tướng có lý không”.
Về mặt lý mà nói là “vô sinh”, tất cả pháp là giả, đều bất khả đắc. Trong kinh Bát Nhã, Kinh Kim Cang có nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Đã là hư vọng thì không nên ở tướng hư vọng này mà khởi tâm phân biệt, chấp trước. Nếu khởi tâm khống chế, muốn chiếm hữu thì đó là sai lầm! Từ đối thoại của đức Thế Tôn với Bồ tát Di Lặc: “trong một giây có một ngàn sáu trăm lần sinh diệt”, chúng ta mới hiểu được chân tướng sự thật. Cho nên, chư Phật, Bồ tát ứng hóa ở thế gian, thái độ của các ngài là “du hí nhân gian”, đến thế gian này trong thoáng chốc rồi đi. Như tạm trú ở nhà nghỉ. Nhà nghỉ không phải của ta, nhưng ta có quyền sử dụng, không có quyền sở hữu. Đối với toàn thể vũ trụ nầy, chúng ta phải tập có cái nhìn, quán chiếu như vậy.
Đức Phật dạy chúng ta phải tùy duyên, không nên phan duyên. Tứ đức trong Hoàn Nguyên Quán; đức thứ nhất là “tùy duyên diệu dụng”. “Diệu dụng” chính là đối với mọi hoàn cảnh, không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước; đây mới là tuyệt diệu. Nên nhớ: Trong “tùy duyên” không đánh mất tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm giác ngộ của chính mình. Tâm thanh tịnh là không có nhiễm trước; tâm bình đẳng là không có cao thấp; tâm giác ngộ là không có mê hoặc. Đây là “Tuệ tâm an trụ”, an trong cảnh giới. Cảnh giới nầy chúng ta gọi là hiện tượng tự nhiên.
Trong hiện tượng tự nhiên, có thể sinh ra hiện tượng tinh thần; liền khởi tâm động niệm, có phân biệt, chấp trước! Tuy rất vi tế, nhưng nó đã biến chất rồi! Biến chất thì cảnh giới bên ngoài cũng thay đổi: Nhất chân pháp giới lại biến thành mười pháp giới. Nếu phân biệt, chấp trước nặng nề thì biến thành lục đạo. Nếu cực kỳ nghiêm trọng sẽ trở thành tam đồ. Tất cả đều không có thật! chỉ do tự mình gây, tự mình chịu! Chúng ta phải từ đây mà giác ngộ. Sau khi giác ngộ, phải lập tức buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, không ngừng nâng cao trí tuệ đến cứu cánh viên mãn, đó chính là quả vị Diệu Giác, trở về với tự tánh, với Thường Tịch Quang. Đây là “Tuệ tâm an trụ”, là đại Định, là Vô Sinh Pháp Nhẫn.
Xét về hạnh, chính là đứng về mặt công phu, tu hành mà nói: Nếu đạt đến “báo hạnh thuần thục”, “báo” là cõi báu, là cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Công phu tu hành đến đây đã thuần thục, trí hiểu rõ lý vô tướng, chính là “tri minh ư lý”, minh tâm kiến tánh, vô công dụng đạo. Trong cảnh giới này, họ chỉ còn tập khí vô minh chưa đoạn.
– Có phương pháp nào đoạn được tập khí hay chăng?
– Không có! Chỉ để vậy, thời gian lâu sẽ không còn.
– Người xưa dùng ví dụ: Như một bình chứa rượu, thật sự đã không còn rượu, được lau chùi sạch sẽ, nhưng vẫn có mùi, đó gọi là tập khí. Tập khí này không có cách chi đoạn trừ. Phương pháp duy nhất là mở nắp bình và cứ để vậy, sau một thời gian, ngửi lại sẽ không còn thấy có mùi nữa.
Bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân Đại Sĩ (Thập trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác), tập khí của họ nhiều hay ít không giống nhau, đến địa vị Diệu Giác mới dứt hẳn tập khí. Lúc này, họ đến Thường Tịch Quang, không còn ở cõi Thật Báo. Từ đó, chúng ta hiểu rằng: Cõi Thật Báo có là từ tập khí vô thỉ vô minh chưa đoạn dứt. Cõi Thường Tịch Quang mới chân thật là cõi vĩnh hằng bất biến, hoàn toàn không có tướng, tất cả ba loại hiện tượng: hiện tượng tinh thần, hiện tượng vật chất và hiện tượng tự nhiên đều không có trong cõi Thường Tịch Quang, đây là “vô tướng, vô công dụng”. Khoáng nhược hư không (rộng dường hư không); là chân tâm, tự tánh, sâu như biển thẳm, “trạm nhược đình hải” (trạm nhiên thanh tịnh giống như đại hải).
Đại hải này là “đình hải”, rất thanh tịnh, không có sóng gió, không có nhiễm ô, “Vọng hoặc trong tâm thức chẳng còn”: “Tâm thức” chính là “bát thức”; “vọng hoặc” chính là vô minh – vô thỉ vô minh. Bát thức tuyệt nhiên không khởi, đương nhiên Tâm Sở đi theo bát thức cũng không có. Lúc bấy giờ, họ đã chuyển Thức thành Trí: A-lại-da chuyển thành Đại Viên Cảnh Trí; Mạt-na chuyển thành Bình Đẳng Tánh Trí; Đệ lục ý thức chuyển thành Diệu Quan Sát Trí; tiền ngũ thức chuyển thành Thành Sở Tác Trí. Hoàn toàn là trí tuệ, lặng lẽ tịch nhiên bất động, đây gọi là Vô Sinh.
– Ai chứng được Vô Sinh? – Trong hội Hoa Nghiêm thì trên Sơ Trụ Bồ tát chứng được. Trong thiền tông chứng được gọi là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh. Trong giáo môn gọi là Đại khai viên giải. Trong Tịnh Độ gọi là Lý nhất tâm bất loạn. Danh xưng không giống nhau, nhưng tất cả đều là cảnh giới này.
Như vậy, Vô Sinh Pháp Nhẫn được giảng trong Tịnh Ảnh Sớ chính là loại “Vô Sinh Pháp Nhẫn xét theo hạnh” trong Di Ðà Sớ Sao. Ngài Tịnh Ảnh bảo từ bậc Thất Ðịa trở lên, đại sư Liên Trì bảo là Bát Ðịa, hai thuyết chẳng mâu thuẫn nhau. Hơn nữa, kinh Nhân Vương cũng bảo Vô Sinh Pháp Nhẫn thuộc về Thất Ðịa, Bát Ðịa, Cửu Ðịa. Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Thập Địa chứng được không gọi là Vô Sinh, mà gọi là Tịch Diệt.
Phẩm Thập Nhẫn trong kinh Hoa Nghiêm, bản cựu dịch (bản dịch đời Tấn), ghi:
“Một là Âm Thanh Nhẫn, hai là Thuận Nhẫn, ba là Vô Sinh Pháp Nhẫn, bốn là Như Huyễn Nhẫn, năm là Như Diệm Nhẫn, sáu là Như Mộng Nhẫn, bảy là Như Hưởng Nhẫn, tám là Như Ảnh Nhẫn, chín là Như Hóa Nhẫn, mười là Như Không Nhẫn”. Ba Nhẫn đầu tiên giống như ba Nhẫn được nói trong kinh này.
Phẩm Thập Nhẫn còn nói: “Nhược văn chân thật pháp, bất kinh, bất bố, bất úy, tín giải thọ trì, ái nhạo thâm nhập, tu tập, an trụ, thị vi đệ nhất Tùy Thuận Âm Thanh Nhẫn” (Nếu nghe pháp chân thật mà chẳng kinh, chẳng sợ, chẳng hãi, tin hiểu, thọ trì, yêu thích thâm nhập, tu tập, an trụ thì đấy là Nhẫn thứ nhất: Tùy Thuận Âm Thanh Nhẫn); đó chính là Âm Hưởng Nhẫn.
Kinh lại dạy: “Thử Bồ Tát tùy thuận tịch tĩnh, quán nhất thiết pháp bình đẳng, chánh niệm, bất vi chư pháp, tùy thuận thâm nhập nhất thiết chư pháp thanh tịnh, trực tâm phân biệt chư pháp, tu bình đẳng quán, thâm nhập cụ túc, thị vi đệ nhị Thuận Nhẫn” (Bồ Tát ấy tùy thuận tịch tĩnh, quán hết thảy pháp bình đẳng chánh niệm, chẳng trái nghịch chư pháp, tùy thuận thâm nhập hết thảy các pháp thanh tịnh, trực tâm phân biệt các pháp, tu bình đẳng quán, thâm nhập trọn vẹn, đó là Thuận Nhẫn thứ hai); cũng chính là Nhu Thuận Nhẫn.
Kinh lại dạy: “Thử Bồ Tát bất kiến hữu pháp sinh, bất kiến hữu pháp diệt, hà dĩ cố? Nhược bất sinh, tắc bất diệt. Nhược bất diệt, tắc vô tận. Nhược vô tận, tắc ly cấu. Nhược ly cấu, tắc vô hoại. Nhược vô hoại, tắc bất động. Nhược bất động, tắc tịch diệt… Thị vi đệ tam Vô Sinh Pháp Nhẫn” (Bồ Tát ấy chẳng thấy có pháp sinh, chẳng thấy có pháp diệt, vì sao thế? Nếu chẳng sinh thì chẳng diệt. Nếu chẳng diệt thì vô tận. Nếu vô tận thì ly cấu. Nếu ly cấu thì vô hoại. Nếu vô hoại thì bất động. Nếu bất động thì tịch diệt… Ðấy là Vô Sinh Pháp Nhẫn thứ ba). Hòa Thượng Tịnh Không giải thích và nêu ra các vấn nạn như sau: Đoạn kinh văn trên là nêu lên cảnh giới Bất Động Địa của Bồ tát Bát Địa.
– Không sinh không diệt ở đây là ý nghĩa gì?
– Là có thể nhìn thấy: Sinh diệt chính là không sinh diệt; sinh nghĩa là bất sinh; diệt nghĩa là bất diệt. Như vậy, mới thấy được chân tướng sự thật, thấy được “tự tánh vốn không dao động” như Lục Tổ Huệ Năng nói lúc ngài khai ngộ.
– Hiện tại thì sao?
– Hiện tại vẫn là thanh tịnh, tịch diệt! Ngày nay, xã hội động loạn, tâm người trôi nổi, địa cầu thiên tai dồn dập. Nhưng, Bát Địa Bồ tát vẫn xem như là tướng tịch diệt. Chúng ta thì thấy như long trời lở đất. Đạo lý này thật không dễ hiểu! Nếu chúng ta quan sát tốc độ năng động của tất cả pháp thì có thể lãnh hội được đôi chút: Chẳng hạn như có hai chiếc xe cùng chạy song song trên đường với tốc độ bằng nhau; lúc ấy mọi người trên xe đều có cảm giác như cả hai xe đều không di động. Nhưng, nếu tốc độ của hai xe có nhanh, chậm khác nhau, họ sẽ thấy chiếc này chạy nhanh hơn chiếc kia. Nói cách khác, nếu người nào có thể nâng tần suất tốc độ mình như Bồ tát Di Lặc nói: “Trong một khảy móng tay có ba mươi hai ức, một trăm ngàn niệm” thì mới có năng lực thấy được mỗi ý niệm đều bất động, tất cả pháp đều đứng yên.
– Tất cả pháp vì sao không sinh?
– Bởi nó sinh thì lập tức nó diệt, hầu như là sinh diệt đồng thời.
– Có hiện tượng sinh diệt chăng? – Có!
– Sao nói nó đồng thời?
– Vì sinh diệt bất nhị! Sinh diệt nhất như! Đây là thật tướng của các pháp.
Công phu thiền định của Bồ tát Bát Địa, tần suất dao động của họ và tần suất dao động của tất cả pháp đều ngang nhau nên họ mới nhìn thấy được thật tướng tịch diệt của nhất chân pháp giới. Hướng lên đến Cửu Địa, Thập Địa, Thập Nhất Địa Diệu Giác thì tầm nhìn càng thấu triệt hơn, biết được tự tánh bổn định, những dao động kia hoàn toàn không liên quan gì đến tự tánh.
– Vì sao các Bồ tát này không thấy có pháp sinh, cũng không thấy có pháp diệt?
– Bên dưới giải thích: “nhược bất sinh, tắc bất diệt”, không sinh làm gì có diệt.
“Nhược bất diệt, tắc vô tận”: Vô tận là pháp tánh, chỉ có pháp tánh là vô tận, nó không có cùng tận, cũng không có cạn sâu, đây gọi là vô tận.
Vũ trụ không có biên giới. Người xưa nói: “Kỳ đại vô ngoại, kỳ tiểu vô nội”, ý của câu này cũng là vô tận. “Kỳ đại vô ngoại” nghĩa là vũ trụ không cùng tận, không có biên tế. “Kỳ tiểu vô nội”: Điều này không dễ hiểu! Nhỏ làm sao đến vô nội? Trong kinh Phật có nói, vi trần rất nhỏ gọi là “cực vi chi vi”, không còn có thể phân chia được nữa, nếu phân chia nữa sẽ không còn. Trong đây có tin tức viên mãn của biến pháp giới, hư không giới. Thật không thể nghĩ bàn! Ngày nay, khoa học gọi là tiểu quang tử.
– Tiểu quang tử lớn ra sao?
– Các nhà khoa học hiện đại đo lường được: Đó là một vật thể rất nhỏ, bằng một phần trên một trăm ức của một tiểu thể. Đức Phật nói trong vật thể bé nhỏ này dung chứa cả thế giới. Thế giới trong vi trần này lại có vi trần; trong vi trần lại có thế giới, trùng trùng vô tận. Đây gọi là “kỳ tiểu vô nội”.
Như thẻ nhớ hiện nay chỉ lớn bằng móng tay, trong đó có thể dung nạp rất nhiều tài liệu của “Đại Tạng Kinh” và “Tứ Khố Toàn Thư”. Như vậy, vẫn chưa là hi hữu. Đức Phật nói trong “vi tế của vi tế” tức là “cực vi chi vi” gồm trọn cả biến pháp giới, hư không giới, không sót một thông tin nào. Đó mới thật là hi hữu.
“Nhược vô tận, tắc ly cấu”: Chữ “cấu” ở đây chỉ là danh từ tượng trưng. Ý nói: Không còn chịu ảnh hưởng, sự quấy nhiễu của hoàn cảnh bên ngoài. Vì sao vậy? Vì hoàn cảnh chỉ là giả, không thật!
Trong “Bát tướng thành đạo” có hàng ma.
– Đức Thế Tôn dùng thái độ gì để hàng phục ma?
– Là như như bất động! Hoàn toàn không có chút động tâm!
“Nhược ly cấu, tắc vô hoại” (Nếu lìa cấu thì vô hoại): “hoại” là biến dịch. “Vô hoại tắc bất động”: Điều này tương đương với Tịch Diệt Nhẫn, nên “bất động, tắc tịch diệt”, đây là Vô Sinh Pháp Nhẫn của Đại Thừa, chúng ta phải học, đặc biệt là trong thời đại hiện nay.
Hiện nay sức cám dỗ quá lớn! Vệ tinh, mạng internet là đạo tràng của ma vương. Khi tôi (tức Hòa thượng Tịnh Không) ở Hồng Kông, họ từng đến tìm tôi, chất vấn tôi, hỏi tôi vì sao xâm nhập đạo tràng của họ mà không thông báo? Lúc đó, tôi nói: Không có! Từ trước đến nay, tôi chưa từng xâm nhập đạo tràng của ai cả. Lợi hay hại của bất cứ người nào, xưa nay tôi không nghe, cũng không hỏi. Họ liền chỉ ra. Sau đó, tôi đột nhiên nhớ lại: Vệ tinh, truyền hình là đạo tràng của họ, đang giáo hóa chúng sinh, dạy họ “sát, đạo, dâm, vọng”, bạo lực sắc tình, tham sân si mạn v.v. Chúng ta cũng dùng vệ tinh, mạng internet để truyền bá Chánh pháp. Như vậy là xâm phạm đạo tràng của họ. Tôi xin họ tha thứ, nhờ họ hộ trì Phật pháp. Tôi nói: Ông cũng có tâm từ bi như chư Phật, Bồ tát. Thế gian này dù sao cũng còn số ít người muốn học Phật. Thiết nghĩ, ông cũng nên hộ trì họ: Người thích tạo nghiệp thì ông giúp họ tạo nghiệp; người thích tu thiện thì ông cũng nên giúp họ tu thiện. Nên công bình một chút, không nên thiên vị. Ông ta cũng rất hiểu, nên chúng tôi có mời ông đến đây nghe kinh, cùng nhau tu học.
Câu “nhược bất động, tắc tịch diệt”, nhằm nhắc nhở chúng ta: Muốn thành tựu trên bước đường đạo nghiệp, nhất định không bị bên ngoài cám dỗ. Điều này rất khó! Vô cùng khó khăn!
Trong cuộc sống hàng ngày, nếu quan sát tỉ mĩ thì có mấy ai mà không bị cám dỗ?! Món ăn này ngon, ăn nhiều thêm một chút. Món ăn kia không hợp khẩu nên không gắp miếng nào! Chẳng phải đã bị cám dỗ rồi hay sao?! Người khác khen ngợi vài câu, trong lòng vui sướng; mắng vài câu là cảm thấy rất khó chịu! Như vậy tức là chịu sự chi phối của họ rồi! Đây chính là họ đang khảo nghiệm!
Tôi học Phật bao nhiêu năm, đều đem cảnh giới để khảo nghiệm mình. Từng giờ, từng phút đều phải vượt qua bài thi nầy.
– Bài thi nầy là gi?
– Làm thế nào ở trong cảnh giới mà không bị động tâm?
Người xưa nói và trong kinh cũng có nói: Lấy tâm bình thường để đối đãi. “Bình” là bình đẳng; “thường” là vĩnh viễn như vậy. Đây mới thật là công phu, là có Định Tuệ, có đầy đủ giới đức viên mãn.
Theo cụ Hoàng Niệm Tổ: An trụ trong lý thể Chân Như Thật Tướng bất sinh, bất diệt thì gọi là Vô Sinh Pháp Nhẫn. Việc thấy cây Bồ Đề sẽ đạt được công đức như vậy, thật đã hiển thị sâu xa nguyện lực chẳng thể nghĩ bàn của A Di Đà Phật.
KINH VĂN:
Phật cáo A Nan: – Như thị Phật sát, hoa quả thụ mộc, dữ chư chúng sinh nhi tác Phật sự. Thử giai Vô Lượng Thọ Phật, oai thần lực cố, bổn nguyện lực cố, mãn túc nguyện cố, minh liễu, kiên cố, cứu cánh nguyện cố.
VIỆT DỊCH:
Phật bảo A Nan: – Cõi Phật như thế, hoa, quả, cây cối và các chúng sinh đều làm Phật sự. Ðấy đều là do sức oai thần, do sức bổn nguyện, do mãn túc nguyện, do nguyện rõ ràng kiên cố, rốt ráo của Vô Lượng Thọ Phật vậy.
GIẢNG:
Đức Phật bảo A Nan: Thế giới Cực Lạc hi hữu chẳng thể nghĩ bàn như thế. Hoa, quả, cây cối đều làm Phật sự. Ðấy là do sức oai thần, sức bổn nguyện, sức trọn vẹn đầy đủ, sức rõ ràng, kiên cố, rốt ráo của quả đức A Di Đà Phật vậy.
Ngài Tịnh Ảnh bảo: “Câu ‘giai Vô Lượng Thọ Phật oai thần lực cố’ có nghĩa là do oai lực hiện tại của đức Phật ấy nên đạt được ba thứ Nhẫn. Chữ ‘bổn nguyện lực’ hàm ý do sức bổn nguyện trong quá khứ của Ngài nên (chúng sinh trong cõi ấy) đắc ba thứ Nhẫn. Bổn nguyện là tổng, còn bốn thứ kia (tức nguyện rõ ràng, trọn vẹn, kiên cố, cứu cánh) là biệt. ‘Mãn túc nguyện’ là nguyện tâm trọn vẹn, đầy đủ. ‘Nguyện rõ ràng’ là tâm mong cầu rõ ràng, rành rẽ. ‘Nguyện kiên cố’ là các duyên chẳng hoại được (nguyện ấy). ‘Nguyện rốt ráo’ là rốt cuộc chẳng thoái thất. Do các nguyện ấy nên người sinh về cõi kia sẽ đắc ba thứ Nhẫn”.
Ngài Nghĩa Tịch, Cảnh Hưng đều cho rằng “nguyện mãn túc” nghĩa là “bốn mươi tám nguyện chẳng khuyết giảm”. Ngài Nghĩa Tịch, Vọng Tây cùng giảng “nguyện rõ ràng” là “minh và tuệ tương ứng với nhau”; ngài Cảnh Hưng lại giảng là “mong cầu chẳng hư dối” (ý này giống với ý ngài Tịnh Ảnh). Về “nguyện kiên cố”, ngài Nghĩa Tịch bảo: “(là) do tinh tấn chẳng thoái chuyển tạo thành”. Ngài Nghĩa Tịch, ngài Vọng Tây cùng giảng “nguyện rốt ráo” là “đến tột cùng bờ mé của pháp giới hữu tình” (độ sạch hết thảy hữu tình trong pháp giới). Các thuyết trên đây đều bổ sung cho nhau.
Về “bổn nguyện lực” (sức bổn nguyện), Vãng sinh Luận bảo: “Quán sức bổn nguyện của Phật, gặp gỡ chẳng luống uổng, khiến cho được trọn đủ biển báu công đức lớn”. Sách Luận Chú giảng như sau: “Vốn là từ bốn mươi tám nguyện của Pháp Tạng Bồ Tát tạo thành cái gọi là thần lực tự tại của A Di Ðà Như Lai. Nguyện biến thành lực, lực nhằm thành tựu nguyện. Nguyện chẳng phí uổng, lực chẳng dối bày. Lực và nguyện hỗ trợ nhau, rốt ráo chẳng sai biệt”. Đây là dựa trên bốn mươi tám nguyện căn bản của Pháp Tạng Bồ tát lúc ở nhân địa, nên ngày nay Phật A Di Đà mới có được thần lực tự tại như thế. Nguyện đã thành lực gọi là “nguyện lực”. Nếu nguyện không thành tựu làm sao có được năng lực để gia trì?
– Dùng cái gì để gia trì? Có phải chỉ cần niệm mấy câu Phật hiệu, tụng một bộ Kinh là hồi hướng, gia trì được chăng?
– Không được!
– Vì sao vậy?
– Vì kinh là kinh của Phật; Phật hiệu là danh hiệu của Phật, nào có liên quan gì đến chúng ta, làm sao gia trì được người khác! Nên biết: Người niệm Phật phải nhất tâm, phải nhiếp được công đức của Phật A Di Đà thành công đức của chính mình. Như vậy mới có sức mạnh, mới có thể gia trì. Nói rõ hơn: Người niệm Phật, tâm phải là tâm của Phật A Di Đà.
– Tâm của Phật A Di Đà là gì?
– Phần trước đã nói qua: Tất cả đều thành Phật, đây là tâm của Phật A Di Đà. Cũng chính là nói: Phật A Di Đà muốn cứu giúp tất cả chúng sinh đều mau thành Phật. “Nguyện dĩ thành lực, lực dĩ tựu nguyện” (nguyện biến thành lực, lực nhằm thành tựu nguyện). Bên dưới nói: “nguyện lực tương phù, tất cánh bất sai” (lực và nguyện hỗ trợ nhau, rốt ráo chẳng sai biệt). Nguyện chính là lực, lực chính là nguyện. “Nguyện bất đồ nhiên, lực bất hư thuyết” (nguyện chẳng uổng phí, lực chẳng dối bày). Nguyện và lực cùng phối hợp nhau, gọi là “nguyện lực”. Nguyện lực của Phật A Di Đà thật chẳng thể nghĩ bàn!
Người vãng sinh đến thế giới Tây phương Cực Lạc, nhờ oai thần bổn nguyện của đức A Di Đà Phật, cho dù nghiệp chướng của họ có nặng, tập khí có thâm sâu, nhưng không bao lâu cũng đều được tiêu hết. Đây là sự thật!