Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

IV. TỔNG THÍCH KINH ĐỀ
PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Từ nhà Hán đến nhà Tống, các bản dịch khác nhau của kinh này xét thấy có mười hai bản, lưu truyền đến cận đại chỉ còn năm bản. Bồ Tát giới đệ tử Vận Thành Hạ Liên Cư, pháp danh Từ Tế, hội tập các bản dịch và kính chia thành chương mục.

Xét cả mười hai bản dịch, dùng chữ “Vô Lượng Thọ” làm tên đã hết mười bản; dùng chữ “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác ” đặt tên có hai bản. Dùng “Chánh Giác” để đặt tên có một bản. Bản dịch đầu tiên là bản Hán dịch có tên “Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh”. Bản cuối cùng là bản đời Tống có tên “Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Kinh”. Nay hội bản này, với sự phối hợp hay khéo của cư sĩ Hạ Liên Cư, nguyên danh của hai bản dịch được gộp thành một tên với tựa đề: “Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh”. Tất cả mười hai đề kinh đều được phối hợp trong một tựa đề. Yếu nghĩa của Tịnh Tông nhân, pháp, dụ, giáo, lý, hạnh, thể, tướng, dụng v.v… cùng hiện rõ trong đề kinh này.

Đề là cương lĩnh của toàn bộ kinh. Đối với đề kinh đã hiểu rõ thì đại ý của toàn bộ kinh cũng có thể nắm bắt được một cách đại khái. Chữ đầu của đề kinh là “Phật”. Phật là tiếng gọi tắt của chữ Phạn “Phật Đà”, có nghĩa là người giác ngộ, trong đó bao hàm tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Tự giác là tự mình đã triệt để giác ngộ, minh bạch đối với chân tướng của vũ trụ nhân sinh; đồng thời cũng giúp người khác giác ngộ, gọi là giác tha, cho đến khi đạt đến rốt ráo viên mãn mới có thể xưng là Phật. Chữ Phật trong đề kinh là  chỉ cho đức Phật Thích Ca Mâu Ni; Trung Quốc dịch tên ngài là “Năng nhân tịch mặc”.

“Phật thuyết” ở đây để chỉ đức Thích Ca Mâu Ni Phật thuyết kinh, cũng bao gồm tất cả chư Phật ở mười phương thế giới.

Vì sao vậy? Vì tất cả chư Phật đều giảng Kinh Vô Lượng Thọ. Chẳng có vị Phật nào mà không giảng tam kinh Tịnh Độ. Những kinh khác không nhất định phải giảng, vì còn phải tùy thuộc trình độ, căn cơ của mỗi chúng sinh. Ba bộ kinh: Vô lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, A Di Đà đều là “tam căn phổ bị, phàm thánh tề thu”. Cho nên, tất cả chư Phật đều giảng. Đây là điều chúng ta nhất định phải nhận thức rõ ràng, nó cùng những kinh điển khác không giống nhau.

Chữ “thuyết”, ngày xưa có nghĩa là “hỉ duyệt”, vui mừng mới thuyết. Cổ đức giải thích chữ này là “duyệt sở hoài”; trong tâm Phật thường nghĩ, thường niệm, đến nay gặp được cơ hội, ngài rất hoan hỉ vì chúng sinh mà nói ra.

– Tâm sự của Phật là gì?

– Phàm phu đều có tâm sự, Phật cũng có tâm sự. Tâm sự của Phật và phàm phu không giống nhau: Tâm sự của Phật là độ chúng sinh, giúp chúng sinh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui, liễu thoát sinh tử ra khỏi tam giới, mau chóng thành Phật. Ngoài những điều này ra, chư Phật chẳng có tâm sự.

Hôm nay nhìn thấy căn cơ chúng sinh đã thuần thục, đức Phật vui mừng khôn xiết, có thể đem phương pháp, kinh điển này truyền thọ cho tất cả chúng sinh. Có được phương pháp này, chúng sinh một đời quyết định thành Phật, việc này thật không thể nghĩ bàn! Trong Đại Thừa Kinh luận có nói: “Phàm phu muốn tu thành Phật phải trải qua ba đại A-tăng-Kỳ Kiếp lâu xa mới được thành  Phật”.

Nay chúng ta được pháp môn này, chỉ trong một đời này chí tâm nhất hướng tu tập nhất định sẽ thành tựu được quả vị cứu cánh viên mãn.

Ngẫu Ích Đại Sư trong “Yếu Giải” nói: “Phật lấy việc độ sanh làm bổn hoài, cơ duyên thành Phật của chúng sinh nay đã thuần thục”. Câu nói này quả thật xưa nay chưa có ai đề cập. Thật là hiếm có!

– Pháp khó tin, vì sao ta tin được?

– Vì cơ duyên thành Phật của chúng ta trong đời này đã thuần thục mới khiến ta tin ngay và có thể chấp nhận.

“Đại Thừa” là tỉ dụ; ngày xưa chữ “thừa’ đọc là “thặng”, là công cụ vận chuyển (như xe hươu, xe nai v.v…). “Đại thừa” ý nghĩa là phổ độ chúng sinh, nếu chỉ lợi ích cho riêng mình thì gọi là Tiểu Thừa. Trong kinh này, hai chữ “Đại Thừa” ví cho “Đệ nhất nghĩa Đế” của Tịnh Tông: “Tâm này là Phật, tâm này làm Phật”. Tâm năng niệm vốn đã là Phật; khởi tâm niệm Phật, niệm niệm làm Phật. Như sách “Yếu Giải” đã nói: Danh hiệu Di Đà chính là bổn giác lý tánh của chúng sinh. Cái tâm niệm Phật ngay hiện tại của chúng ta là Quả Giác của Như Lai, do đó Quán Kinh dạy “tâm này là Phật”; tâm này trì danh thì chính là “tâm này làm Phật”. Vốn đã là Phật, nay lại làm Phật. Vì vậy, ngay lập tức là Phật, thẳng chóng thỏa đáng, phương tiện rốt ráo, kỳ diệu, đặc biệt, thù thắng chẳng thể nghĩ bàn!

Chỗ nói đến trong bộ kinh này là “năng niệm chi tâm”, đây là dạy chúng ta niệm Phật: “Năng niệm chi tâm, bổn lai thị Phật. Tâm tức thị Phật, Phật tức thị tâm. Năng thừa giả đại, khởi tâm niệm Phật. Niệm niệm tác Phật, sở thừa giả đại”. Năng, sở đều đại cả, đúng thật là Đại Thừa. Cổ đức nói: “Pháp môn này là Đại Thừa trong Đại Thừa, liễu nghĩa trong liễu nghĩa, đệ nhất liễu nghĩa trong các kinh liễu nghĩa”, đem bộ kinh này tán thán đến chỗ cùng cực.

“Vô Lượng Thọ” là tánh đức, là đức năng của tự tánh, của chân tâm vốn sẵn có trong ta. Chữ “A Di Đà” là Phạn ngữ. Nếu phân tích trên mặt chữ: “A” có nghĩa là vô. “Di Đà” có nghĩa là lượng. “A Di Đà” có nghĩa là “vô lượng”. Đức năng của tự tánh vô lượng vô biên. Trong kinh điển, Phật đem vô lượng nghĩa, nhưng chỉ đề cập đến hai nghĩa: Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ.

Phải hiểu rằng Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ chỉ là hai ý nghĩa trong vô lượng nghĩa. Thọ mạng có thể đại biểu cho thời gian: Quá khứ, hiện tại, vị lai. “Quang” là quang minh biến chiếu, có thể đại biểu cho không gian. Khi chúng ta nói: Trí tuệ vô lượng, đức năng vô lượng, tài nghệ vô lượng, mọi thứ vô lượng v.v… Tất cả những vô lượng đều gói trọn trong ba chữ A-Di-Đà. Tuy nhiên, người xưa lại nói: Trong tất cả vô lượng, “thọ mạng vô lượng” là đệ nhất nghĩa. Vì sao? Nếu không có thọ mạng thì tất cả vô lượng khác cũng chỉ là trống không! Ví như người có vô lượng tiền của, nếu không có thọ mạng thì mọi thứ cũng chỉ là vô ích, bị người khác thọ dụng hết!

Sách Bình Giải giảng: “Hết thảy ba thứ trang nghiêm của Cực Lạc Tịnh Độ đều qui về thọ mạng”. Ba thứ trang nghiêm là: Phật trang nghiêm, Bồ Tát trang nghiêm, quốc độ trang nghiêm. Vì vậy, đức hiệu Vô Lượng Thọ được nêu trong tựa đề kinh này gồm cả nguyện hạnh của Pháp Tạng khi ngài tu nhân lẫn quả địa Phật đức. Y báo, Chánh báo, chủ, bạn của Cực Lạc, yếu chỉ của kinh, không một điều nào chẳng được thâu tóm trọn vẹn trong tựa đề bản kinh này.

“Trang nghiêm” là tốt đẹp. Phật pháp là trang nghiêm. Có thể nói, ngài Pháp Tạng tỳ kheo từ lúc sơ phát tâm cho đến khi thành Phật A Di Đà, đều nhất tâm nhất ý hoàn thiện đạo tràng Tây Phương Cực Lạc, một hoàn cảnh thật tốt đẹp hầu cung ứng cho hết thảy chúng sinh đến để tu hành. Đây tức là “nhất hướng chuyên chí, trang nghiêm diệu độ”.

“Trang nghiêm chúng hành” (Trang nghiêm các hạnh): Đoạn ác tu thiện tức là “trang nghiêm chúng hành”. “Hành” là hành vi, “trang nghiêm chúng hành” là khiến cho hành vi, đức năng của mình đều tương ứng với tự tánh. Tu học tánh đức cần có nhận thức rất sâu, đó là “tuệ giải”, là trí tuệ rõ suốt chân tướng sự thật, nhiên hậu sẽ cảm được vô cùng hoan hỉ.

Gốc rễ của hành vi ác là “tham, sân, si”. Phật dạy chúng ta trước phải bứng tận gốc ba thứ độc phiền não này mới thật sự là người khoẻ mạnh, bệnh tật sẽ tiêu trừ; bằng cách Phật đưa ra phương pháp “Lục độ”. Dùng “bố thí” để trừ tham độc; dùng “nhẫn nhục” để nhổ trừ sân độc; dùng “trí tuệ” nhổ trừ si độc. Công đức bố thí được lợi ích vô lượng vô biên: Tài bố thí được khoẻ mạnh trường thọ. Chúng ta in kinh bố thí sẽ hội đủ tất cả ba loại bố thí. Bởi in kinh, sang băng đĩa v.v… phải dùng đến tiền (đây là tài bố thí); nội dung bên trong là Phật pháp (đây là Pháp bố thí); sau khi mọi người nghe xong, tâm khai ý giải, không còn lo âu sợ hãi (là Vô Uý thí). Đây là “nhất cử tam đắc”, ai biết làm việc này là người thông minh.

Trong kinh nói: “Ngã dĩ thành tựu, trang nghiêm Phật độ, thanh tịnh chi hành” (Ta đã thành tựu hạnh thanh tịnh, trang nghiêm cõi Phật), đây là nói đức Phật A Di Đà tu nhân chứng quả. Do cảm được quả là cõi vui sướng, nên nói: “Bỉ Cực Lạc giới vô lượng công đức cụ túc trang nghiêm” (Cõi Cực Lạc kia, đầy đủ vô lượng công đức trang nghiêm). Theo Thám Huyền Ký: “Trang nghiêm có hai nghĩa: Một là đầy đủ cội đức. Hai là trang hoàng cho đẹp đẽ”.

Các câu: “Vinh sắc quang diệu, bất khả thắng kiến” (Màu sắc đẹp đẽ chói lọi chẳng thể nhìn trọn nổi), “vô lượng quang viêm, chiếu diệu vô cực” (vô lượng ánh sáng rực rỡ, chiếu ngời vô cực) “bạch châu, ma ni dĩ vi giao lạc, minh diệu vô tỷ” (bạch châu, ma ni dùng làm dây chăng, sáng đẹp không gì sánh được), “hoa quả hằng phương, quang minh chiếu diệu (hoa trái luôn thơm tho, quang minh chiếu rực rỡ), “tùy phong tán phức, duyên thủy lưu phân” (gió thổi đưa hương thơm ngát, nước chảy tỏa mùi thơm), “vô lượng quang minh, bách thiên diệu sắc, tất giai cụ túc” (vô lượng quang minh, trăm ngàn diệu sắc thảy đều đầy đủ) “kỳ diệu trân dị, châu biến hiệu sức, quang sắc hoảng diệu, tận cực nghiêm lệ” (Vật kỳ diệu, quí, lạ trang hoàng khắp nơi, ánh sáng, màu sắc chói ngời, đẹp đẽ đến cùng cực) đều là những câu tả rõ thế giới của đức Phật ấy đủ các sự trang nghiêm khắp cả cõi nước, thể hiện ý nghĩa “trang hoàng” của chữ “trang nghiêm”.

Các câu “như thật an trụ, cụ túc trang nghiêm” (như thật an trụ, đầy đủ trang nghiêm) trong phẩm thứ chín của kinh này lại nhằm diễn tả ý nghĩa “đầy đủ các đức”. Do vậy, thế giới Cực Lạc trang nghiêm như thế đều do an trụ nơi “Như Thật”. “Thật” là “chân thật tế”, nghĩa là “đầy đủ các đức”. Câu “cụ túc trang nghiêm nhất thiết trang nghiêm, tùy ứng nhi hiện” (hết thảy trang nghiêm hiện ra tương ứng) trong phẩm mười lăm chính là nói về ý nghĩa “viên minh cụ đức” của sự sự vô ngại pháp giới.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Trong kinh này, “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm” đều thuộc về tánh đức trong tự tánh vốn đủ của chúng ta. Lục Tổ Huệ Năng sau khi khai ngộ, đã nói: “Hà kỳ tự tánh bổn lai cụ túc”; “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm” đều là “bổn lai cụ túc”. Thế nhưng, hôm nay chúng ta quên mất, tánh đức chẳng thể hiển bày, cần phải tu đức mới có thể hiển lộ tánh đức.

–  Tu như thế nào?

– Phải đem tất cả tập tánh của chúng ta tu chính trở lại thành bổn tánh thanh tịnh.

“Thanh tịnh, bình đẳng, giác” là dạy cho chúng ta tổng cương lĩnh của sự tu học: Trước tiên, phải thanh tịnh ba nghiệp “thân, khẩu, ý”. “Nghiệp” là những điều tạo tác không thanh tịnh xuất phát từ tâm vọng tưởng, điên đảo. Người giác ngộ không có vọng tưởng, người mê hoặc mới có vọng tưởng. Vọng tưởng là dáng vẻ của mê, của phiền não cũng là sự ô nhiễm nghiêm trọng! “Tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến…” làm nhiễm ô tâm thanh tịnh của chúng ta, nhất định phải tẩy sạch, khôi phục lại tâm thanh tịnh. Trong kinh, Phật thường nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sinh”, câu này vô cùng quan trọng! Vậy tại sao không tưởng Phật?! “Niệm Phật, tưởng Phật, hiện tiền, tương lai nhất định thấy Phật” là căn cứ đạo lý này.

“Bình Đẳng” là vượt khỏi sai biệt. Kinh dạy: “Tâm, Phật cập chúng sinh thị tam vô sai biệt” (Tâm, Phật, và chúng sinh, cả ba không sai biệt). Chính là nói rõ ý nghĩa bình đẳng. Bình đẳng cũng tức là chân như, là pháp môn bất nhị. Ngay trong cuộc sống hàng ngày, nếu thật sự tu học Đại Thừa, thật sự tu học pháp môn Di Đà thì ngay trong đối người, tiếp vật phải tu tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng.

– Dùng phương pháp gì để tu?

– Dùng câu danh hiệu A Di Đà Phật là phương thuốc tịnh hóa tất cả.

Nên nhớ: Một ngày cho dù niệm cả vạn câu Phật hiệu mà tâm “tham, sân, si” vẫn dẫy đầy thì chỉ luống công! Người xưa thường nói: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Chữ “giác” này chính là câu Phật hiệu lập tức có thể đề khởi, thì mọi phiền não sẽ được hóa giải, đây gọi là biết dụng công. Dụng công lâu ngày thì công phu sẽ đắc lực; vọng tưởng ít dần; “tham, sân, si” phiền não nhẹ, tâm địa thanh tịnh, nhìn mọi sự mọi vật có trí tuệ hơn. Nếu học Phật đã lâu mà vọng tưởng, phiền não vẫn còn nguyên thì phải xét lại, việc tu của mình đã có vấn đề, đó là không như pháp.

“Giác” tức là không mê. “Bình Đẳng Giác” có bốn nghĩa:

– Một là “Bình đẳng phổ giác nhất thiết chúng sinh” (Giác ngộ trọn khắp hết thảy chúng sinh) tức là pháp khiến cho hết thảy chúng sinh cùng bình đẳng thành Phật. Pháp “phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm” của kinh này thích ứng cả ba căn. Tất cả hàm linh nương theo pháp này đều được độ thoát, chính là “Bình đẳng phổ giác”.

– Hai là “Dĩ pháp bình đẳng giác ngộ chúng sinh” (Dùng pháp bình đẳng để giác ngộ chúng sinh). Tịnh Ảnh Sớ giảng: “Vô tác, vô sở hữu v.v… là pháp bình đẳng”. Pháp Trì Danh “tâm làm Phật, tâm là Phật” thầm hợp diệu đạo, khéo nhập Vô Sanh, từ niệm nhập vô niệm, do vãng sinh chứng vô sanh, niệm đến khi năng lẫn sở cùng mất, cho nên pháp Trì Danh chính là yếu chỉ “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (hãy nên không trụ vào đâu để sinh tâm) của Kinh Kim Cang Bát Nhã và cũng đúng là pháp “vô tác, vô sở hữu” đã nói trong Tịnh Ảnh Sớ. Dùng pháp như vậy dạy dỗ chúng sinh, vượt ngang khỏi tam giới thành Cứu Cánh Giác. Đó là dùng pháp bình đẳng để giác ngộ chúng sinh.

– Ba là “Bình Đẳng Giác” là Chánh Giác của Như Lai. Chánh Giác không có hết thảy sự khác biệt cao, thấp, sâu, cạn nên gọi là “Bình Đẳng Giác”.

– Bốn là, riêng trong kinh này, Bình Đẳng Giác chính là danh hiệu của đấng giáo chủ Cực Lạc, là đức Phật A Di Đà.

Tựa đề kinh gồm đủ các nghĩa nói trên. Theo Hòa Thượng Tịnh Không: Có thể nói “Thanh Tịnh” là “Tăng Bảo”, “Bình Đẳng” là “Pháp Bảo”, “Giác” là “Phật Bảo”; đầy đủ “Tự tánh Tam Bảo”. Cũng bao gồm “Giới, Định, Tuệ” tam học: “Thanh Tịnh” “Giới Học” (Giới là thanh tịnh, là thanh lương); “Bình Đẳng” là “Định học”; “Giác” là “Tuệ Học”. Sự tu học trong Tịnh Độ là lấy điều này làm “yếu lịnh tối cao”. Nếu có người hỏi:

– Bạn tu Tịnh Độ cần gì?

– Cầu Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm!

–  Vậy bạn tu những gì?

–  Tu Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác!

– Bạn dùng phương pháp gì để tu?

– Dùng Tín, Nguyện, Trì Danh.

Cho nên, trong Tín, Nguyện, Trì Danh đã đầy đủ Tam Học, Tam Bảo, bao gồm toàn bộ Phật pháp, không riêng gì giáo pháp của đức Thích Ca Mâu Ni Phật mà thậm chí cả mười phương tam thế tất cả chư Phật, tất cả các pháp đều bao gồm trong một câu A Di Đà Phật. Cho nên, công đức danh hiệu thật không thể nghĩ bàn!

Chữ “Kinh”,theo chú giải của cụ Hoàng đó là lời Phật dạy; tiếng Phạn là Tu-đa-la. Nghĩa đen là sợi chỉ; nghĩa bóng là “Khế Kinh” chữ “Khế” có hai nghĩa:

– Một là khế lý (phù hợp với lý), lý là Thật Tế Lý Thể.

– Hai là khế cơ. “Cơ” là cơ nghi. Khế cơ là phù hợp với căn cơ của chúng sinh, cũng có nghĩa là thời cơ, thời tiết nhân duyên. Vì vậy, “Khế cơ” là phù hợp với căn tính cùng thời đại của chúng sinh. Nay do nói gọn, bỏ chữ Khế, chỉ gọi là Kinh.

Kinh có đủ bốn nghĩa “quán, nhiếp, thường, pháp” (xuyên suốt, thâu tóm, thường hằng, pháp)

“Quán” là lý xuyên suốt tất cả những điều được nói.

“Nhiếp” là thâu giữ, nhiếp trì tất cả chúng sinh. Dùng cách nói hiện nay: Lời dạy của Phật có sức nhiếp thọ khiến chúng sinh sau khi tiếp xúc, muốn thôi cũng chẳng được, giống như sắt nam châm có sức mạnh lớn như vậy.

“Thường” là bất di bất dịch, là chân lý, vĩnh hằng không thay đổi.

“Pháp” là pháp tắc; quá khứ, hiện tại, vị lai, xa, gần cùng tuân theo.

Hội đủ bốn chữ trên mới diễn nói hết được ý nghĩa của chữ “Kinh”.

Các Kinh được đặt tên chẳng ngoài việc dùng nhân (người), pháp, dụ (thí dụ). Có bảy loại: Ba loại chỉ dùng một thứ (đơn), ba loại dùng đến hai thứ (phức) và một loại dùng đủ cả ba (cụ túc), cộng chung thành bảy loại. Chẳng hạn như:

1. Chỉ dùng một thứ (đơn)

– Đơn nhân: A Di Đà Kinh. A Di Đà là nhân, không có pháp, dụ.

– Đơn pháp: Đại Bát Nhã Kinh. Đại Bát Nhã là pháp, không có nhân, dụ.

– Đơn dụ: Phạm Võng Kinh. Phạm Võng là dụ, không có nhân, pháp.

2. Dùng đến hai thứ (phức)

– Nhân- Pháp: Văn Thù Vấn Bát Nhã Kinh. Văn Thù là Nhân, Bát Nhã là Pháp, không có dụ.

– Pháp-dụ: Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Diệu pháp là pháp, Liên Hoa là dụ, không có nhân.

– Nhân-dụ: Bồ Tát Anh Lạc Kinh. Bồ Tát là nhân. Anh Lạc là dụ, không có pháp.

3. Cụ túc nhân pháp dụ: Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm. Phật là nhân, Đại Phương Quảng là pháp, Hoa Nghiêm là dụ.

Tựa đề hội bản Kinh Vô Lượng Thọ ở đây cũng đủ nhân, pháp, dụ: Chữ Phật trong tựa đề kinh biểu thị người đắc quả cõi này. Vô Lượng Thọ là người đắc quả cõi kia, cho nên trong tựa đề kinh có người đắc quả của cả hai cõi. Bảy chữ: “Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác” là pháp. Hai chữ Đại Thừa là dụ. Thừa là cổ xe. Kinh này có thể chuyên chở vô lượng chúng sinh cùng đến chỗ có của báu, giống như xe trâu trắng lớn trong Kinh Pháp Hoa nên dùng Đại Thừa làm dụ.

Các kinh đều có đủ giáo-hạnh-lý: Dựa vào lý lập giáo, nương theo giáo tu hành (hạnh), từ hạnh hiển lý. Xét về kinh này: “Phật thuyết Đại Thừa” là giáo, “Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác” là hạnh, “Vô Lượng Thọ” là lý.

“Vô Lượng Thọ” hàm ý ba đời nhất như (giống hệt như nhau), bản thể Pháp Thân thường trụ Niết Bàn, cũng chính là Phật tánh sẵn đủ của chúng sinh, là bản tâm “tâm này là Phật”. Vì vậy, phán định Vô Lượng Thọ thuộc về lý vì nó chính là Thật Tế Lý Thể.

“Phật Thuyết Đại Thừa” là giáo, nghĩa là nương theo lý thể của “Vô Lượng Thọ” để trực chỉ Đại Thừa. Vô Lượng Thọ là dụ, vì Phật tuyên thuyết Đại Kinh để nói về cái chúng sinh vốn sẵn có đủ. Lý do phán định chữ “Phật Thuyết Đại Thừa” là giáo đã rõ.

Từ giáo khởi hạnh nên “Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác ” chính là diệu hạnh được đức Phật giảng dạy. Một câu Di Đà dùng trang nghiêm tự tâm, thanh tịnh tự tâm thì chính là “y giáo tu hành”, chẳng nhọc phương tiện, tự được tâm khai, hiển lộ trọn vẹn bình đẳng giác sẵn có. Ấy là dùng hạnh hiển lý.

Hơn nữa, được vãng sinh thì ngộ Vô Sanh Nhẫn, từ Thể khởi Dụng, lại dùng diệu pháp bình đẳng này bình đẳng phổ độ hết thảy chúng sinh vãng sinh Tịnh Độ, cùng chứng Đại Giác. Đấy cũng chính là từ các hạnh hiển lý vậy.

Nếu đem tựa đề kinh phối hợp với tam đại thì Vô Lượng Thọ là Thể Đại, Trang Nghiêm Thanh Tịnh là Tướng Đại, Bình Đẳng Giác là Dụng Đại.

Căn cứ theo bản Hán dịch, “Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác” là A Di Đà Phật, ta có thể đem tựa đề này phối hợp với ba giác:

– Vô Lượng Thọ là Bổn giác của ta.

–  “Phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm” để trang nghiêm tự tâm là Thỉ Giác.

–  Thỉ Giác hợp với Bổn Giác, tiến thẳng tới Cứu Cánh Giác chính là chữ “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác ’ trong tựa đề kinh.

Lại có thể hiểu: Bình Đẳng Giác là Bổn Giác của ta, khởi tâm niệm Phật để tự “trang nghiêm” là “Thỉ Giác”. Thỉ, Bổn chẳng rời nhau, thẳng tiến trên đường giác ngộ, chóng vào được Tịch Quang, chứng “Vô Lượng Thọ”.

Như vậy, Bình Đẳng Giác là nhân tâm (cái tâm dùng làm nhân, cái tâm tu nhân) của ta. Vô Lượng Thọ là Quả Giác của chúng ta.

Diệu nghĩa được phát triễn đến vô tận như thế, nhưng đều nằm gọn trong tựa đề. Vì vậy, sách Viên Trung Sao có câu Sớ như sau: “Nghe tựa đề kinh được vô lượng công đức”. Thật tình mà nói, tất cả những kinh khác đều không thể sánh bằng.

Trên đây đã trình bày về cương lĩnh và ý nghĩa tổng quát của tựa đề kinh. Tiếp theo chúng ta chính thức đi vào phần kinh văn. Ở đây, cụ Hoàng Niệm Tổ tuân theo lệ từ trước đến nay, chia toàn bộ bản kinh ra thành ba phần: Tự Phần, Chánh Tông Phần, và Lưu Thông Phần.

Ngẫu Ích Đại Sư nói: “Tự như đầu, ngũ quan đầy đủ, Chánh Tông như thân, phủ tạng chẳng thiếu, Lưu Thông như chân tay, vận hành không trệ ngại”. Theo ý Đại sư, “Tự như đầu” tức là Tự Phần của kinh giống như người có đầu, xét từ ngũ quan (lông mày, mắt, tai, mũi, miệng) có thể biết được phần nào con người ấy thiện hay ác, trí hay ngu. Nhìn vào Tự Phần của một bộ kinh, liền có thể biết toàn bộ bản kinh ấy là Đại Thừa hay Tiểu Thừa, Thiên Giáo hay Viên Giáo. Vì thế trong Tự Phần ắt phải có những đoạn kinh văn ý nghĩa sâu xa. Nay y theo ý chỉ của Đại sư, cụ Hoàng Niệm Tổ phân định kinh này như sau:

  1. Từ phẩm 1 đến phẩm 3 là Tự Phần.
  2. Từ phẩm 4 đến phẩm 42 là Chánh Tông Phần
  3. Từ phẩm 43 đến phẩm 48 là Lưu Thông Phần.

Ba phần này cũng chính là cách phán định của hai vị Tịnh Ảnh và Gia Tường đối với bản Ngụy dịch của kinh này. Trong Tự Phần lại chia làm hai: Một là Thông Tự, hai là Biệt Tự. Thông Tự còn gọi là Chứng Tín Tự, các kinh đều có. Các ngài Thiên Thai, Gia Tường dựa theo sáu thứ thành tựu trong Pháp Hoa Luận để luận định Chứng Tín Tự. Sáu thứ thành tựu là như Tông Mật Đại Sư nói: “Một là Tín, hai là Văn, ba là Thời, bốn là Chủ, năm là Xứ, sáu là Chúng”. Sáu duyên chẳng đủ, giáo pháp chẳng thể hưng khởi được nên phải đủ cả sáu, do đó bảo là “thành tựu”. Dùng sáu điều ấy để chứng thực kinh văn, xác quyết đây là lời Phật dạy chân thật đáng tin, vì thế gọi là “chứng tín”. Hai phẩm đầu tiên của kinh này thuộc về “Thông Tự Phần”.

“Biệt Tự” còn gọi là “Phát Khởi Tự”, tức là đầu mối phát khởi toàn kinh, vì pháp chẳng thể tự khởi lên một mình, phát khởi phải có duyên do. Duyên do phát khởi của các kinh khác nhau nên gọi là “Biệt Tự”.

Chẳng hạn như kinh Tiểu Bổn A Di Đà, chẳng ai hỏi mà Phật tự nói (vô vấn tự thuyết), kinh này do Thế Tôn phóng quang hiện tướng tốt lành, A Nan thưa hỏi mà nói. Mỗi kinh chẳng giống nhau nên gọi là “Biệt Tự”. Phẩm thứ ba của kinh này thuộc về phần “Biệt Tự”.

Tuy văn tự không dài nhưng cách kết cấu của kinh này đích thật là tương đồng với cách kết cấu của một bộ Đại kinh như Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Pháp Hoa v.v… nhưng so với Hoa Nghiêm, Pháp Hoa thì ngắn hơn nhiều, rất thích hợp cho người thời nay đọc tụng. Phần Tự nói duyên do của Pháp Hội. Phần Chánh Tông là phần chủ yếu nhất của Pháp hội, đem toàn bộ ý thú quan trọng của Pháp hội, hoàn toàn phát huy ra. Phần Lưu Thông là hi vọng những người được nghe bộ kinh này, hay đọc bộ kinh này, đều có trách nhiệm, nghĩa vụ đem pháp môn này, tận tâm tận lực tuyên dương, đẩy mạnh, giới thiệu đến tất cả chúng sinh, khiến mọi người đều được lợi ích viên mãn của Đại Pháp.

Do đây có thể thấy: Phật pháp tâm lượng rất rộng lớn. Trong Kinh Đại Thừa thường nói: “Ngang khắp mười phương, dọc cùng tam tế”, đây là tâm lượng của Phật, Bồ Tát. Chúng ta học Phật mục đích là phải thành Phật, cũng có nghĩa là phải khôi phục lại tâm lượng của bản năng chúng ta cùng với chư Phật Như Lai không khác.