Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

VIII. PHÁP TẠNG NHÂN ĐỊA ĐỆ TỨ
(TT)

6. BẤT XẢ BỒ TÁT NGHIỆP CÚNG DƯỜNG

Nghiệp” là sự nghiệp. Sự nghiệp của Bồ Tát là gì? Là kế tục tuệ mạng Phật, hoằng pháp lợi sinh, đây là sự nghiệp của Bồ Tát, gia nghiệp của Phật. Ngày nay, chúng ta đã cạo đầu, đắp y, là đệ tử của Phật phải kế thừa gia nghiệp của Phật. Phải đem gia nghiệp của Phật mà mở mang rộng lớn. Sự nghiệp của Phật là giúp tất cả chúng sinh làm Phật. Muốn giúp chúng sinh làm Phật, nhất định chúng ta phải làm Phật trước. Chính mình không thể làm Phật, sao có thể giúp người khác làm Phật!

– Làm thế nào chính mình làm Phật?

– Phải phát tâm “Tứ Hoằng Thệ Nguyện”, phải thực tiễn “Tứ Hoằng Thệ Nguyện”, quyết không phải chỉ có thời khóa sớm tối là đủ, vậy thì không ích gì! Phải thực tiễn! Mỗi niệm đều muốn độ chúng sinh, muốn giúp chúng sinh giác ngộ. Kinh giáo của Phật phải biết cách giảng. Nguyên lý, nguyên tắc không thay đổi, phương pháp giảng thì thiên hình vạn trạng. Nếu hiểu được Tứ Tất Đàn, Tứ Nhiếp Pháp thì bạn liền thông suốt.

Ngày nay, toàn thế giới phổ biến cái nhìn sai lầm, cho rằng Phật Giáo là tôn giáo, đem Thích Ca Mâu Ni Phật, A Di Đà Phật, các vị Bồ Tát v.v… xem là thần linh để bái lạy. Chúng ta phải cấp bách chỉnh sửa cái quan niệm này. Nếu không thể thay đổi quan niệm này, giáo dục của Phật Đà sẽ không cách gì xúc tiến được.

Tôi đến Úc Châu tham gia tổ chức Tôn giáo Hòa Bình Thế giới. Hơn ba mươi lãnh đạo các tôn giáo đều có ý hướng như nhau, mong cầu xã hội an định, thế giới hòa bình, hợp tác lẫn nhau cùng tồn tại phát triển. Thế nhưng, sự việc này làm thế nào mới có thể thực tiễn? Hiện tại mọi người đang nghĩ biện pháp! Chúng ta có duyên nhận lời mời của họ, đem Phật pháp giới thiệu cho họ.

– Phật pháp là gì?

– Ngày trước tôi thường nói: Phật pháp là giáo dục chí thiện viên mãn của Thích Ca Mâu Ni Phật đối với tất cả chúng sinh. Ngày nay, trước tình huống hiện tại, tôi không dùng cách nói này, tôi nói: Phật pháp là giáo dục chí thiện viên mãn của Thích Ca Mâu Ni Phật đối với “Đa nguyên văn hóa”. Họ nghe rồi liền thừa nhận: Đây là thứ mà chúng ta đang cần. Tôi không hề nói sai! Thích Ca Mâu Ni Phật không phải là thần, ngài là người làm công tác nghĩa vụ giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Mọi người vừa nghe liền hiểu biết được Thích Ca Mâu Ni Phật là người như thế nào.

– Vì sao gọi là Phật?

– Phật là người giác ngộ, Trung Quốc gọi là thánh nhân, đều cùng một ý nghĩa. Chữ “thánh” có nghĩa là người sáng suốt, người minh bạch đối với tất cả sự lý, chân tướng của vũ trụ nhân sinh.

Chúng ta đem giáo dục của Phật Đà giới thiệu cho tất cả chúng sinh, lợi ích tất cả chúng sinh, đây là “Bồ Tát nghiệp”. Hy vọng chúng ta làm tốt sự nghiệp này. Nhưng hiện tại, khó khăn  lớn nhất đối với chúng ta là khác biệt về ngôn ngữ. Chúng ta đối diện, tiếp xúc với nhiều tôn giáo trên thế giới, cái cách biệt này tạo thành chướng ngại rất lớn! Cho nên, vấn đề phiên dịch thật vô cùng quan trọng. Người phiên dịch rất khó cầu, thật không dễ dàng! Tuyệt đối không thể nói thông đạt văn tự ngôn ngữ hai bên mà có thể phiên dịch, không có đạo lý này!

Ngày trước, lão cư sĩ Thẩm Gia Trinh ở Hoa Kỳ muốn đem Phật pháp Đại Thừa giới thiệu với người phương Tây. Ông rất nhiệt tâm, đã vận dụng thời gian, tinh thần, tài lực của mấy mươi năm, mời các phiên dịch viên đến để phiên dịch một số kinh luận Trung văn dịch thành Anh văn. Kết quả, ông dẫn tôi đi xem, một đống bản thảo chất chồng ở thư viện New York, cả một bức vách, trên kệ chất đầy cả sách. Ông lắc đầu nói với tôi, một quyển cũng không dùng được! Những thứ đã phiên dịch ra, người Trung Quốc xem cũng không hiểu, người nước ngoài xem cũng không hiểu! Tâm huyết, tinh thần, tài lực của nhiều năm thật vô cùng đáng tiếc! Ông quen biết tôi có thể nói là quá trễ! Tôi kiến nghị với ông: Phiên dịch như vậy đương nhiên không thể lưu thông!

Thời xưa, khi pháp sư Ấn Độ đến Trung Quốc, công tác dịch kinh tiến triển, không phải chỉ một người phiên dịch. Trung Quốc phiên dịch kinh là có tổ chức, bao gồm rất nhiều người phân công hợp tác. Trước tiên, do một tổ nhỏ làm khởi thảo. Sau đó, nêu ra nghiên cứu, thảo luận, xác định ý nghĩa không dịch sai. Kế đến, nhờ một số nhà văn học đến để nhuận văn, tu sức phần văn tự. Ý nghĩa nhất định không thể thay đổi. Sau cùng phải mời những vị thông đạt kinh giáo cả hai nước đến ấn chứng. Trước, đọc qua một lần cho họ nghe, nếu họ gật đầu chứng minh không hề sai, công tác này mới có thể hoàn thành. Cho nên dịch kinh có rất nhiều trình tự. Thử nghĩ: Nếu mời một người ở trong nhà tạo xe, chiếc xe chế tạo đó không thể đi trên đường được! Thẩm lão cư sĩ hỏi tôi:

– Vậy phải làm sao? Tôi nói:

– Nếu muốn phiên dịch bộ kinh nào, ông phải nghe ngóng trong và ngoài nước, xem vị nào có sự tu trì, thấu triệt về kinh đó, mời họ đến để thuyết giảng. Phải tập họp tất cả người phiên dịch kinh đến để nghe giảng. Họ phải thật hiểu mới có thể phiên dịch. Có chỗ nào nghi vấn, họ phải hỏi pháp sư. Cách làm này nhất định phải có viện dịch kinh, phải có tổ chức qui mô. Tuy nhiên, ngày nay không thể sánh được với thời xưa.

Trung Quốc thời xưa, viện dịch kinh của Đại sư Cưu Ma La Thập có hơn bốn trăm người, viện dịch kinh của Đại sư Huyền Trang có hơn sáu trăm người, đều có biên chế, do quốc gia chủ trì, mọi kinh phí đều do quốc gia đài thọ.

Ngày nay, muốn dịch kinh, bạn phải có ít nhất hai, ba chục người, quyết không phải chỉ vỏn vẹn có vài người mà có thể làm được! Phiên dịch bộ kinh nào thì ngày ngày phải giảng bộ kinh đó, mới có thể giúp họ thông hiểu, tránh được dịch sai những lời Phật dạy. Người dịch kinh không hiểu gì về Phật pháp, phiên dịch của họ chỉ là dịch văn tự, có khác nào như một chuyện cười mà thầy Lý đã kể về “nhị túc tôn”, họ dịch thành “hai cái chân tôn quí nhất”! Họ dịch không sai: “nhị” là hai, “túc” là chân; “nhị túc tôn” là “hai chân tôn quí nhất”! Thật là cười vỡ bụng! Cho nên dựa vào văn tự, dịch sai một chút, ý nghĩa đã hoàn toàn sai lệch! Có thể thấy được sự việc này không phải dễ dàng! Công tác phiên dịch là “Bồ Tát nghiệp”.

Muốn phát tâm “Bất xả Bồ Tát nghiệp cúng dường” phải phát tâm đem Phật pháp Đại thừa phổ biến đến toàn thế giới. Việc này đòi hỏi bạn phải thông thạo ngôn ngữ nước ngoài. Hiện tại, ngôn ngữ thông dụng nhất trên thế giới là: Anh văn, Tây Ban Nha văn, Trung văn. Do Trung Quốc có số lượng người rất đông, gần một tỷ tư, các quốc gia muốn giao lưu với Trung Quốc đều phải học ngôn ngữ nước này. Hiện tại ở Hoa Kỳ, mỗi trường Đại học đều có khoa Hán học, chuyên học Trung văn.

Bất xả Bồ Tát nghiệp cúng dường”, vào thời đại này, không những chúng ta phải tu hành đúng pháp, phải kế tục tuệ mạng của Phật, phải hoằng pháp lợi sinh, còn phải nghĩ đến các chủng tộc khác nhau, văn hóa khác nhau, ngôn ngữ văn tự khác nhau, vấn đề này làm sao có thể giải quyết? Đồng tu trẻ tuổi, không luận tại gia hay xuất gia phải phát tâm dõng mãnh, chăm chỉ nỗ lực tu hành, phấn đấu học tập, tiếp nối tuệ mạng Phật, phổ độ tất cả chúng sinh, cho dù phải nhận chịu tất cả mọi khổ cực cũng cam tâm tình nguyện. Đây là Bồ Tát hạnh, Bồ Tát nguyện, cũng chính là bạn chân thật cúng dường chư Phật Như Lai.

7. BẤT LY BỒ ĐỀ TÂM CÚNG DƯỜNG

Bồ Tát Phổ Hiền trong “Hạnh Nguyện phẩm” nói cho chúng ta nghe “Pháp cúng dường”, tổng cộng có bảy điều. Ngài đem “Như thuyết tu hành cúng dường” đặt ở hàng đầu, đem “Bất ly Bồ Đề tâm cúng dường” đặt ở hàng cuối. Một cái trước, một cái sau này rất quan trọng. Thực tế, cả bảy câu đều quan trọng, hai câu này còn quan trọng hơn. Trên Kinh Đại Thừa, Phật thường nói: “Lìa tâm Bồ Đề mà tu thiện pháp, đều là ma nghiệp”.

– Vì sao gọi là ma nghiệp?

– Vì không có tâm Bồ Đề, tu tất cả thiện pháp, tương lai bạn có được chỉ là phước báo của trời người. Hưởng phước báo của trời, người vẫn chưa thể ra khỏi sáu cõi luân hồi, phước báo hưởng hết vẫn phải đọa lạc, cho nên gọi là ma pháp, không phải là Phật pháp; là “ma nghiệp” không phải “Bồ Tát nghiệp”.

Trong Quán Kinh nói: “Tâm Bồ Đề là tâm chí thành, thâm tâm, hồi hướng phát nguyện tâm”:

1. Tâm chí thành: Là tâm chân thành đến tột đỉnh. Đây là thể tánh của tâm Bồ Đề.

– Thế nào gọi là “thành”?

– Tiên sinh Tăng Quốc Phiên, trước nhà Thanh, đưa ra định nghĩa rất hay: “Một niệm không sinh gọi là thành”. Đích thật là tương ưng với Phật pháp đã nói: Một niệm không sinh gọi là chí thành, cũng gọi là “nhất tâm”, “nhất niệm”. Nhất niệm, nhất tâm là chí thành. Nhị tâm, nhị niệm thì không chí thành. Nếu bạn nhất tâm, nhất niệm, liền siêu việt mười pháp giới đến “Pháp giới Nhất Chân”. Cho nên, “nhất tâm, nhất niệm” là “năng chứng”; “Pháp giới Nhất Chân” là “sở chứng”.

Ngày trước tôi ở Hoa Kỳ, có đồng tu đọc Kinh Di Đà đến nói với tôi: Pháp sư à! Pháp môn Tịnh Độ tôi không thể tu. Tôi hỏi: Vì sao? Vì “Nhất tâm bất loạn” tôi không làm được! Tôi bội phục người này, họ xem kinh rất tỉ mỉ. Người thông thường xem thấy chỗ này đều không nêu ra vấn đề. Tôi liền nói: “Nhất tâm bất loạn”, cái “từ” này là dịch ý, do ngài Cưu Ma La Thập dịch. Trên bản dịch của Đại sư Huyền Trang là “nhất tâm chuyên niệm” không phải là “nhất tâm bất loạn”. Trên Kinh Vô Lượng Thọ cũng dịch là “nhất hướng chuyên niệm”. “Nhất hướng chuyên niệm” thì chúng ta có thể làm được, “nhất tâm bất loạn” thì thật không dễ!

Chỉ cần từ sớm đến tối, Phật hiệu không gián đoạn, trong tâm chỉ nghĩ đến A Di Đà Phật, không hề nghĩ đến bất cứ vọng niệm nào khác. Tất cả niệm khác đều biến thành “A Di Đà Phật”, đây gọi là “công phu thành khối”. Có được công phu này, khi Phật đến tiếp dẫn, Phật quang vừa chiếu, liền đem công phu của bạn tăng gấp bội, đó là “sự nhất tâm bất loạn”. Đại sư La Thập dịch không sai. Đại sư La Thập cũng là người vãng sinh thế giới Cực Lạc, trong “Tịnh Độ Thánh Hiền Lục” có tên ông. Đây đều là Bồ Tát thế giới Cực Lạc tái sinh. Cho nên, người Trung Quốc chân thật là có phước báo. Những Pháp sư dịch kinh thời xưa đều là cổ Phật, Bồ Tát, Pháp Thân Đại Sĩ tái lai. Nếu không phải là người tái sinh, kinh này làm sao có thể dịch ra được.

– Tâm chí thành này phải bắt đầu từ đâu?

–  Từ không vọng ngữ mà làm, không gạt người mà làm, không tự gạt mình gạt người, đó là tối sơ phương tiện của tâm chí thành.

2. Thâm tâm: Là tự thọ dụng, là tâm hiếu thiện, hiếu đức. Ngày nay chúng ta gọi là: hoan hỉ xả mình giúp người, đó là thâm tâm.

3. Hồi hướng phát nguyện tâm: Là tha thọ dụng, chính là thực tiễn tâm chí thành của mình trong cuộc sống thường ngày. Đây là tâm Đại bi, tâm thương yêu, giúp đỡ tất cả chúng sinh không điều kiện.

Thông thường, người thế gian, bao gồm tại gia lẫn xuất gia, mỗi khi giúp đỡ, bố thí người khác, trong tâm thường khởi lên vọng niệm; cho dù không tham muốn hồi báo, cũng có phân vân do dự: Việc bố thí này phải chăng là việc tốt chân thật? Có phải ta đang bị họ đánh lừa không? v.v…, rất nhiều câu hỏi do dự khác. Tu bố thí, cúng dường như vậy chỉ là phước báo hữu lậu trong sáu cõi không phải công đức! Công đức là thanh tịnh bố thí, không hề có chút nghi hoặc; ngày nay chúng ta gọi là vô tư bố thí, cúng dường vô điều kiện.

Giả linh cúng dường hằng sa thánh”:

Hằng sa thánh” ở đây là chỉ Pháp Thân Đại Sĩ. Chứng được Pháp Thân Bồ Tát mới có thể gọi là Thánh nhân, chưa chứng được Pháp Thân Bồ Tát, chúng ta gọi là Hiền nhân. Chữ “thánh” ở chỗ này là Biệt giáo Sơ Địa, Viên giáo Sơ Trụ.

Hằng Sa” là chỉ cho số lượng rất nhiều không thể tính đếm được. Cúng dường vô lượng vô biên Pháp Thân Đại Sĩ phước báo lớn đến như vậy. Nhưng, Phật nói cũng không bằng: “kiên dũng cầu Chánh Giác”, câu này hàm nghĩa là có ý chí quyết tâm kiên định, dũng mãnh tinh tấn không lười mõi để cầu Chánh Giác, tức là cầu làm Phật. Chúng ta có thể qui kết hai câu trên thành một câu: “Không bằng Niệm Phật vãng sinh làm Phật”. Đây cũng chính là mục tiêu sau cùng của “Tứ Tất Đàn” là “Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn”; giúp mọi người Niệm Phật vãng sinh bất thoái thành Phật.

Kiên dũng cầu Chánh Giác”: Chữ “kiên” là kiên định, tín nguyện kiên định, trước sau không đổi, thỉ chung bất biến, người này nhất định có thành tựu. Tín tâm kiên định, thực tế là rất khó, không phải việc dễ dàng! Chỉ có người thiện căn phước đức sâu dày, người thâm giải nghĩa thú mới không thoái chuyển. Hai loại người này nhất định sẽ thành tựu.

Bất như kiên dũng cầu Chánh Giác” đây chân thật là tự lợi, lợi tha; như phần trước kinh này đã nói: “Trụ chân thật tuệ”, thực tiễn “huệ dĩ chân thật chi lợi”. Cho nên, nhất định phải tín tâm kiên định, quyết không dao động.

Đại sư Thiện Đạo nói: “Cho dù Thích Ca Mâu Ni Phật có tái sinh, mười phương chư Phật tái lai khuyên bạn; nếu nói mà không tương ưng với kinh này cũng không nghe”. Vì sao? Vì đó không phải Phật thật! Nếu là Phật thật thì Phật Phật phải như nhau. Chúng ta trong đời này quyết giữ tâm kiên định, dũng mãnh tinh tấn cầu Chánh Giác, chỉ duy nhất trì một pháp môn Niệm Phật, cầu vãng sinh bất thoái thành Phật. Đây là pháp viên đốn chẳng thể nghĩ bàn! Thật đáng tin, thật nhanh chóng và thật ổn định. Các pháp môn khác đương nhiên cũng không tệ, nhưng đòi hỏi bạn phải có khả năng đoạn diệt phiền não: Đoạn “Kiến Tư”, “Trần Sa”, phá “vô minh”, việc này thật quá khó! Đích thật không phải việc mà người hiện tại có thể làm được.

Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, ông là Kim Cang Thượng Sư của Mật Tông. Ông rất thẳng thắn mà nói với mọi người: Thời đại này tu học Mật pháp không có người thành tựu. Ông tiếp xúc với rất nhiều đồng tu Mật Tông, đều khuyên họ trì Kinh Vô Lượng Thọ, trì Kinh Di Đà Yếu Giải, trì Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện phẩm; những pháp môn khác không thể thành tựu, pháp môn này thành tựu.

Vào thời đại của Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ, người tham thiền rất nhiều, ngài thấy rất rõ, họ không thể có thành tựu, cho nên đề xướng “Thiền, Tịnh song tu”: Có Thiền, có Tịnh như hổ mọc thêm sừng. Thật sự không phải ngài có ý muốn đề xướng “Thiền, Tịnh song tu” mà chỉ là phương tiện nói. Vì vấn đề thể diện của họ không thể buông bỏ, nên ngài chỉ khuyên nên thêm Tịnh Độ vào thì tốt hơn.

Hiện tại, chúng ta niệm A Di Đà Phật là chân thật cúng dường hằng sa thánh, cũng là “như giáo tu hành cúng dường”. Chúng ta chân thật xả bỏ tất cả sự hưởng thụ, xả bỏ tất cả phú quí, tất cả thời gian đều dùng để niệm Phật, đọc kinh, cũng là tiêu tai giải nạn cho chúng sinh. Đây là hành vi chân thật tự lợi, lợi tha; phàm phu không nhận biết, nhưng chư Phật Như Lai tán thán, long thiên thiện thần xem thấy cũng đều cung kính, hộ trì.

Chúng ta cũng không quên lấy “kiên dũng cầu Chánh Giác” làm chủ, lấy “cúng dường hằng sa thánh” rộng kết pháp duyên cùng tất cả chúng sinh. Kinh Phật thường nói: “Phật không độ người vô duyên”. Do đây có thể biết “kết pháp duyên” vô cùng quan trọng; đặc biệt là đối với người xuất gia. Người xuất gia tiếp nhận cúng dường của tín đồ, nhất định phải “kết pháp duyên”, đó là công đức chân thật. Việc cúng dường này của họ, nếu chính mình đem đi hưởng thụ, vậy thì hỏng rồi! Đó chính là trong nhà Phật thường nói: “Đời này không liễu đạo, đời sau mang lông đội sừng để trả”.

Chúng ta thấy qua không ít viện dưỡng lão, nhất là ở Úc Châu có rất nhiều thôn dưỡng lão. Có người nói: Viện dưỡng lão là công trình không hy vọng, họ đến đó để chờ chết! Thật không phải vậy! Viện dưỡng lão là công trình hy vọng, có đại hy vọng. Viện dưỡng lão của nhà Phật, tương lai họ có thể vãng sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Viện dưỡng lão của các tôn giáo, tương lai đều muốn lên thiên đàng hưởng phước, làm sao mà không hy vọng chứ!

– Hy vọng này do đâu mà có?

–  Từ giáo dục tôn giáo! Bạn dưỡng lão, ngày ngày phải cho họ lên lớp, nhất định phải có thầy tôn giáo giảng kinh nói pháp, lãnh đạo họ tu hành. Mỗi tôn giáo đều có phương thức tu hành riêng. Nếu viện dưỡng lão không có người giảng kinh nói pháp, không đạo tu hành thì đích thật là có vấn đề!

Chúng ta xem thấy người già hay nói lảm nhảm, nghĩ tưởng viễn vông xằng bậy, hoặc ngây ngây dại dại, đó là họ đã rơi vào vô minh. Nghĩ tưởng xằng bậy, nhà Phật gọi là trạo cử. Hai loại hiện tượng này đều không tốt đó là nhân của ba đường ác. Cho nên, giúp viện dưỡng lão là công trình hy vọng, tràn đầy sáng lạn, giúp họ thành tựu đời sau càng tốt hơn đời này, quyết không phải là công trình vô vọng như người thông thường đã nghĩ.

Riêng đối với tuổi trẻ, chúng ta phải giúp chúng thành tựu đức hạnh, kỹ năng, học vấn; phải chân thật có lòng yêu thương, nhẫn nại mà dạy bảo chúng. Đây đều là “cúng dường hằng sa thánh”, là thiện căn, phước đức, nhân duyên; đem những công đức này hồi hướng cầu sinh về thế giới Tây Phương Cực Lạc.

Lần này, tôi giảng kinh ở Hồng Kông, có đồng tu hỏi tôi: Niệm Phật thế nào mới có thể nắm chắc được phần vãng sinh?- Biết trước giờ chết, không có bệnh khổ, ngồi mà đi, đứng mà đi … thì nắm chắc!

–  Có thể làm được hay không?

–  Có thể! Vấn đề chính là bạn có chịu làm hay không. Phải chân thật đoạn ác tu thiện, tích công bồi đức. Tu phước không nên hưởng phước, phước báo giữ lại đến khi lâm chung hưởng. Khi lâm chung không có bệnh khổ, rõ ràng tường tận, thấy Phật đến tiếp dẫn, chào từ biệt mọi người, vui vẻ mà ra đi. Biểu diễn được như vậy, bạn độ không biết bao nhiêu người, dù không tin, họ cũng phải tin. Hằng ngày, nói đến rách da miệng chưa chắc họ đã tin, nay họ liền tin, rõ ràng bạn đã rộng kết pháp duyên với họ.

Trong đoạn Kinh Hoa Nghiêm phía trước, chữ “câu-chi” là một ngàn vạn, “na-do-tha” là vạn vạn, những con số kế tiếp sau đó càng lớn hơn nữa. Dẫu đem cả đại địa nghiền nát thành vi trần thì con số “ưu-ba-ni-sa-đà” vẫn còn lớn hơn số vi trần ấy nữa. Công đức của “Pháp cúng dường” ví như số vi trần trong toàn thể quả địa cầu, còn công đức của “tài cúng dường” chưa bằng một hạt bụi nhỏ, làm sao sánh nổi với tất cả số vi trần của địa cầu. Đây chính là lời khen chi tiết về công đức chẳng thể nghĩ bàn của “Pháp cúng dường” vậy. Tóm lại câu “Bất như kiên dũng cầu Chánh Giác” chỉ rõ công đức kiên cố, dũng mãnh cầu Chánh Giác của Bồ Tát Pháp Tạng vượt xa công đức cúng dường hằng sa chư thánh.

Ở đây nói “nhược chư Bồ Tát hành pháp cúng dường” là cầu Trí tuệ, tức có thể “tắc đắc thành tựu cúng dường Như Lai”. Chữ “Như Lai” ở đây là chỉ chính mình, chính mình có thành tựu mới có thể ảnh hưởng đến người khác.

– Tu “Pháp cúng dường” như thế nào?

– Người xưa có câu: “Thân hành ngôn giáo”. Phải thực hành đúng như pháp. “Giới” là pháp, “Định” là pháp, đây là trong Phật pháp nói. Trong truyền thống văn hóa, tổ tông dạy: “Ngũ luân”, “ngũ thường”, “tứ duy”, “bát đức” cũng là pháp.

Ngũ Luân có hai mươi chữ: Phụ tử hữu thân, quân thần hữu nghĩa, phu phụ hữu biệt, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín.

Ngũ Thường có năm chữ: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín

Tứ Duy có bốn chữ: Lễ, nghĩa, liêm, sĩ.

Bát Đức có tám chữ: Hiếu để trung tín, nhân ái hòa bình.

Đây là đạo lý chính thống ngàn vạn năm của cổ nhân, sau này phát huy thành “Tứ thư ngũ kinh”, “Thập tam kinh”. Đến thời Càn Long, nhà Thanh biên tập thành một bộ đại toàn thư tức là “Tứ Khố Toàn Thư”; không có loại học thuật, trước tác nào có thể vượt qua phạm vi này của cổ nhân. Không tìm thấy!

Truyền thống văn hóa xưa là bốn khoa mục trên, rất đơn giản nhưng khiến quốc gia này, mảnh đất này, ngàn năm ổn định lâu dài, nhân dân hạnh phúc. Một đất nước lễ nghĩa là quốc gia hòa thuận, chỉ dựa vào bốn khoa mục đơn giản như thế, mấu chốt ở chỗ: Trên thực hành, dưới làm theo.

Ngày xưa, làm Đế vương tự họ phải nêu gương trước, trăm họ tự nhiên học theo. Nhà nhà đều thực hành, người người đều học theo, xã hội này là xã hội Thánh hiền, nhân dân ở đây đều là Thánh hiền, quân tử. Đây cũng chính là “hành pháp cúng dường”, cúng dường chân chánh.

KINH VĂN:

Nguyện đương an trụ tam-ma-địa
Hằng phóng quang minh chiếu nhất thiết 
Cảm đắc quảng đại thanh tịnh cư
Thù thắng trang nghiêm vô đẳng luân.
Luân hồi chư thú chúng sinh loại
Tốc sinh ngã sát thọ an lạc
Thường vận từ tâm bạt hữu tình
Độ tận vô biên khổ chúng sinh.

VIỆT DỊCH:

Nguyện sẽ an trụ tam-ma-địa
Luôn phóng quang minh chiếu hết thảy
Cảm được chốn thanh tịnh, rộng lớn.
Trang nghiêm thù thắng không chi sánh.
Các chúng sinh luân hồi các nẽo
Chóng sinh cõi tôi hưởng an lạc
Thường vận từ tâm cứu hữu tình
Độ hết vô biên chúng sinh khổ.

GIẢNG:

Tám câu trên đây chính là lời nguyện cầu thành Phật, nhiếp thủ Tịnh Độ. Tám câu này đúng là chỗ qui kết của toàn bộ các nguyện trên, cũng chính là cốt lõi của bốn mươi tám nguyện sẽ tường thuật ở phần sau. Bốn câu đầu là “cảm đắc tịnh sát” cũng có thể nói là “kiên dũng cầu Chánh Giác”. Bốn câu sau “độ tận chúng sinh” cũng chính là thực tiễn “cúng dường hằng sa thánh”. Đây là mục tiêu mà Bồ Tát Pháp Tạng kiến lập thế giới Cực Lạc không phải vì thọ dụng cho bản thân mà vì rộng độ chúng sinh, đặc biệt là chúng sinh trong Lục Đạo.

Phẩm “Phổ Hiền Hạnh Nguyện” chép: “Nhược chư Bồ Tát dĩ đại bi thủy nhiêu ích chúng sinh, tắc năng thành tựu A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Thị cố Bồ Đề thuộc ư chúng sinh” (Nếu các Bồ Tát dùng nước Đại Bi làm lợi ích chúng sinh thì có thể thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vì vậy, Bồ Đề thuộc về chúng sinh).

Trong kinh này nói đến ba thứ chân thật, trong đó chân thật rốt ráo là “tự tánh”, Kinh Đại Thừa gọi là “Vô Vi Pháp Thân” hay “Thanh Tịnh Pháp Thân”, đây là bản thể của các pháp. Trong tất cả pháp chỉ có “tự tánh” là chân thật, ngoài ra tất cả đều không chân thật. “Bồ Tát hạnh” lấy chân thật rốt ráo làm căn bản, lấy tâm Đại Từ Bi làm nghiệp dụng; nghiệp là sự nghiệp. Cho nên sự nghiệp của Bồ Tát là cứu giúp chúng sinh khổ nạn, điều này là dựa trên căn bản chân thật, gốc rể của tâm Đại Bi. Chân thật rốt ráo là rể, Đại Bi chân thật là gốc; hai thứ này là nhân tố thúc đẩy Bồ Tát thành tựu Vô Thượng Bồ Đề (tức “A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề” trong tiếng Phạn). Cho nên “Bồ Đề thuộc chúng sinh”. Vì thành tựu phương tiện cứu cánh, sự nghiệp độ sinh nên ngài Pháp Tạng mới phát đại nguyện nhiếp tịnh quốc độ.

“Nguyện đương an trụ tam-ma-địa
Hằng phóng quang minh chiếu nhất thiết “

(Nguyện sẽ an trụ tam-ma-địa, luôn phóng quang minh chiếu hết thảy). Theo chú giải của cụ Hoàng Niệm Tổ: “Tam-ma-địa chính là tam-muội hay Chánh Định. Câu đầu nói về Tịch, về Thể; câu sau nói về Chiếu, về Dụng. Hai câu kệ này ngụ ý diệu đức: Định-Tuệ đẳng trì, Tịch-Chiếu đồng thời, Thể-Dụng bất nhị. Phóng quang là Tu Đức, thể của nó là Tánh Đức: Tịch mà thường Chiếu, Chiếu nhưng luôn Tịch. Cõi nước là Thường Tịch Quang, thân là Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang Như Lai, cho nên an trụ tịch định, luôn phóng quang minh chiếu khắp hết thảy. Do vậy cảm đắc được cõi Phật rộng lớn thanh tịnh”.

Cảm đắc quảng đại thanh tịnh cư”: Chữ “cư” ở đây là chỉ cho nơi chốn, quốc độ. Quả thật như Kinh Lăng Nghiêm nói: “Tùy chúng sinh tâm ứng sở tri lượng”. Tâm Phật A Di Đà lớn, lượng lớn, nên từ trong “Tự tánh thanh tịnh viên minh thể” hiện ra thế giới Cực Lạc cũng rộng lớn, thanh tịnh.

Luận Vãng Sinh bảo ba thứ trang nghiêm vào trong một pháp cú, mà một pháp cú là thanh tịnh cú; thanh tịnh cú là “chân thật trí tuệ, vô vi Pháp Thân”. “Vô vi Pháp Thân” là Thể, từ Thể hiện ra y báo, Chánh báo trang nghiêm của cõi Cực Lạc, nên nói:

Cảm đắc quảng đại thanh tịnh cư
Thù thắng trang nghiêm vô đẳng luân.”.

(Cảm được chốn thanh tịnh, rộng lớn trang nghiêm thù thắng không chi sánh). “Vô đẳng luân” là không gì bằng, không gì so sánh nổi. Bản Ngụy dịch ghi rằng: “Đạo tràng siêu tuyệt”. “Siêu tuyệt” là thù thắng, ý nghĩa cũng tương tự.

Gia Tường Sớ ghi: “Tu đạo nhanh chóng thành Phật nên bảo là siêu tuyệt”.

Lời của Đại sư Gia Tường đã mở toang chỗ siêu việt thù thắng của Tịnh Tông là: Nhanh chóng thành Phật, phàm phu vãng sinh chứng ngay Bất Thoái; có Bất Thoái mới mau chóng thành Phật. Chúng ta ở thế giới này học Phật tiến tiến, thoái thoái không ngừng nên mất rất nhiều thời gian. Đời này chưa thành tựu thì thọ mạng đã đến! Đặc biệt là hoàn cảnh hiện nay, sức cám dỗ quá lớn! Nhất là ma vương truyền hình, mỗi ngày tiếp xúc nó, là tiếp thu bạo lực, sắc tình, sát, đạo, dâm, vọng khiến tâm ta không an định được!

Giáo dục hiện nay là giáo dục tranh danh đoạt lợi, có thể nói: Bắt đầu từ mẫu giáo đến Thạc sĩ, Tiến sĩ cũng đều như vậy! Khởi tâm động niệm là tổn người lợi mình! Quả thật đáng sợ! Ý niệm, hành vi này chiêu cảm đến thế giới bi thảm, địa cầu bị hủy diệt! Các nhà khoa học nêu ra rất nhiều nguyên nhân:

– Nguyên nhân đầu tiên là đại chiến thế giới thứ ba:

Vũ khí hạt nhân, chiến tranh hóa học, đưa đến sự hủy diệt nhân loại trên toàn địa cầu. Đây là nhân họa, không phải thiên tai. Mọi người rất có thể sẽ cùng nhau chết!

– Nguyên nhân thứ hai là thiên tai tự nhiên:

Đây là thảm họa lớn! Hiện nay, đáng sợ nhất là nhiệt độ địa cầu ngày càng tăng khiến băng ở Nam, Bắc cực cũng không ngừng tan chảy! Nhiệt độ toàn bộ địa cầu thay đổi, ảnh hưởng đến sinh tồn của động, thực vật. Nghiêm trọng nhất là lượng sản xuất lương thực bị giảm sút rất nhiều sẽ khiến nhân loại gặp cơn đói khát.

Miền Đông Bắc của Trung Quốc là khu vực sản xuất lúa mì nhiều nhất trên toàn thế giới, sản lượng lúa mì nghe nói thu hoạch năm nay bị tổn thất đến bốn mươi phần trăm. Năm nay, mùa đông ấm áp, mùa vụ của lúa mì không dài, khí hậu các nơi trên thế giới đều biến hóa. Nơi đúng ra lạnh thì trở thành ấm; nơi đúng ra ấm áp thì trở thành lạnh nên động, thực vật tử vong rất nhiều!

– Nguyên nhân thứ ba là nước biển sẽ dâng cao:

Việc này khiến các đô thị ven biển đều bị ngập. Có thể có những đợt sóng thần nghiêm trọng, núi lửa phun trào, động đất lớn trên cấp chín!

Tóm lại, thiên tai hay nhân họa đều liên quan mật thiết với nhân tâm con người. Nếu con người biết đoạn ác tu thiện, thay đổi tâm thái có thể cải hóa được địa cầu này. Trong kinh nói rất rõ: “Cảnh tùy tâm chuyển”. Từ chỗ này chúng ta có thể tỉnh ngộ, mau chóng hồi đầu. Phương pháp cứu vãn duy nhất chính là tìm lại nền tảng giáo dục của Thánh Hiền.

Những năm gần đây, đích thật tôi đã dùng không ít thời gian làm công việc hòa thuận giữa các tôn giáo, hy vọng tôn giáo có thể đoàn kết, học tập lẫn nhau, khuyên bảo tín đồ học tập lời dạy của Thánh Hiền, có thể giúp xã hội, thế giới khôi phục lại nền an định, giúp địa cầu hóa giải thiên tai. Ngoài sự việc này ra sẽ vô cùng khó khăn! Thế gian này người tín ngưỡng tôn giáo không ít, nếu họ hướng thiện quay đầu sẽ ảnh hưởng đến những người không tin tôn giáo. Việc này dựa vào sự nỗ lực của mọi người tự hành hóa tha.

Bồ Tát Pháp Tạng “Nguyện đương an trụ tam-ma-địa”. Chúng ta cũng nguyện đem tâm an trụ trong “Niệm Phật tam-muội”. Trên kinh nói: “Niệm Phật tam-muội, tam-muội trung vương”. “Tam- muội” là tiếng Phạn, dịch thành ý Trung Quốc là “Chánh thọ”, tức là hưởng thọ bình thường. Hưởng thọ bình thường là “Chấp Trì Danh Hiệu”, đó mới là chân thật hưởng thọ bình thường. Khi chúng ta quên mất đi Phật hiệu, chính là lúc chúng ta nghĩ tưởng xằng bậy, đây là thọ dụng không bình thường. Nên biết: Nghĩ tưởng xằng bậy là tạo nghiệp luân hồi, chúng ta chính mình phải có tâm cảnh giác. Mỗi ngày hai mươi bốn giờ, tỉ mỉ mà tư duy: Ngay trong hai mươi bốn giờ, ta niệm Phật được bao nhiêu giờ? Khởi vọng tưởng chiếm bao nhiêu giờ? Rơi vào vô minh bao nhiêu giờ?

– Lúc nào rơi vào vô minh?

– Ngủ nghỉ là rơi vào vô minh!

Nếu thời gian chánh niệm dài, siêu việt vọng tưởng, siêu việt vô minh, công phu của bạn sẽ có lực, bạn mới an trụ trong “Niệm Phật tam-muội”.

Trên Kinh Phật thường nói: “Tài-sắc-danh-thực-thùy” là gốc của địa ngục. “Thùy” là ngủ nghỉ, là ma chướng cũng là gốc của địa ngục.

– Có phương pháp gì đột phá chăng?

– Có! Nghe nói ở Đại Lục có những người chân thật tu, tôi chưa thấy qua, chỉ nghe cư sĩ Lý Mộc Nguyên kể: Chân thật có người niệm Phật suốt cả năm không hề ngủ nghỉ, hai mươi bốn giờ niệm Phật, lạy Phật. Có người không tin, phái người luân phiên theo dõi, quả nhiên không sai, mỗi ngày đều như vậy. Hãy đến thỉnh giáo với ông ấy: – Ông làm thế nào đoạn dứt được ngủ nghỉ? Chúng ta vì sao không đoạn được?!

Bồ Tát Mã Minh trong Khởi Tín Luận nói: “Bổn giác vốn có, bất giác vốn không”. “Tài-sắc-danh-thực-thùy” là bất giác “bổn lai không”, “bổn lai không” quyết có thể đoạn dứt. “Bổn lai có” quyết có thể chứng được. Vấn đề là bạn có quyết tâm đoạn nó hay không, nếu có quyết tâm tất sẽ đoạn được. Phải đột phá cửa ải này! Ngoài ra bạn còn được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần hộ trì, sao không thành tựu được!

Niệm Phật Đường chúng ta nơi đây cũng có chút ít trải nghiệm. Thông qua trải nghiệm nhỏ này, tôi tin tưởng có thể giúp bạn tăng thêm tín tâm. Rất nhiều đồng tu thói quen ngày ngày ngủ nghỉ, còn ngủ nướng, đến Niệm Phật Đường nghe nói niệm Phật đến hai mươi bốn giờ, sợ e chịu không nổi! Kết cuộc, niệm luôn ba mươi sáu giờ vẫn rất nhẹ nhàng, vẫn rất thoải mái. Trong khi niệm Phật họ cũng không bị ngủ gật, đây chính là họ đã dần dần đột phá.

Có thể suốt ba mươi sáu giờ tinh thần đầy đủ thì cũng có thể ba trăm sáu mươi ngày tinh thần họ cũng đầy đủ. Vấn đề là họ có chân thật quyết tâm đột phá hay không. Nhân tố quan trọng nhất của đột phá này là tâm phải thanh tịnh. Nếu trong tâm còn có phiền não, lo lắng, vướng bận v.v… thì không được! Nếu có thể buông bỏ hết vọng tưởng, phân biệt, chấp trước họ liền có thể trải qua đời sống của Phật, Bồ Tát. Không những Phật, Bồ Tát không có ngủ nghỉ, người trời Sắc giới ngủ nghỉ vẫn còn rất ít; trời Dục giới ngủ nghỉ cũng ít, đến Sơ Thiền thì không còn ngủ nghỉ.

Thánh nhân thế gian nói: “Khắc kỷ tác thánh”, ý nói phàm phu nếu có thể khắc phục được vọng niệm của chính mình liền có thể thành thánh. Trong Phật pháp, đoạn phiền não liền chứng Bồ Đề. Cho nên, người tu hành nhất định phải vật lộn với phiền não, phải đánh thắng không thể đánh thua, thua thì xong rồi! Phải liều mạng không sợ khổ, không sợ khó, không sợ chết, nhất định chiến thắng. Phàm hễ bại trận là do sợ khó, sợ chết nên nhất định thất bại!

Chúng ta xem thấy trong Hư Vân Niên Phổ, lão Hòa thượng phát nguyện bái sơn, ba bước một lạy. Trải qua mấy ngàn dặm đường, lạy đến mấy năm mới đến được. Buổi tối ngủ ngay trên đất, nhiều tháng, nhiều năm làm sao không vướng bệnh! Lúc bệnh khổ đến không thể đứng vững; Phật, Bồ Tát liền đến giúp ông hết bệnh. Sau khi ông lành bệnh; Phật, Bồ Tát liền đi, ông lại tiếp tục cuộc hành trình bái lạy. Sợ khổ, sợ khó, sợ chết làm sao có thể thoát khỏi luân hồi!