Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

IX. CHÍ TÂM TINH TẤN ĐỆ NGŨ

Mãn túc ngũ kiếp tức là trọn đủ năm kiếp, tu tập liên tục không gián đoạn.

Tu tập công đức, mãn túc ngũ kiếp”, câu này trên kinh, Phật không xác định rõ ràng cụ thể, nên các cổ đức mới nêu ra nhiều thuyết khác nhau. Chúng ta không nên phê phán, suy đoán, phân biệt, chấp trước ở đây, đó là thái độ của người học Phật; chỉ cần nói có đạo lý là được! “Pháp” không có định pháp, chủ yếu là giúp chúng ta tăng trưởng tín tâm, biết được thế giới Tây Phương Cực Lạc không phải là thế giới không tưởng mà đó là sự thật, khiến tín tâm, nguyện tâm chúng ta càng kiên định, nhất tâm niệm Phật cầu sinh Tịnh Độ, đợi đến thế giới Cực Lạc mọi việc sẽ tường tận. Các thuyết như sau:

– Thứ nhất, các vị Tịnh Ảnh, Cảnh Hưng đều cho rằng: Năm kiếp là thời gian tu hành sau khi phát nguyện.

Sách Tịnh Ảnh Sớ (đây là pháp sư Huệ Viễn thời nhà Tùy) viết “Nương nguyện tu hành” và “vì vậy ở ngay nơi đức Phật ấy, ngài Pháp Tạng ngay trong một thân tu hành năm kiếp”.

– Thứ hai, năm kiếp chính là thời gian phát nguyện.

Sách Hợp Tán bảo: “Năm kiếp là thời gian phát nguyện tư duy”. Ngài Vọng Tây cũng đồng quan điểm này. Sách Hội Sớ viết “Phàm Bồ Tát kiến lập Tịnh Độ cũng giống như thợ giỏi xây   dựng đại thành, trước hết phải suy nghĩ, hoạch định họa đồ…Năm kiếp tư duy như vẽ đồ án”. Sách Bình Giải cũng có cùng một nhận định. Các vị ấy đều lấy bản Ngụy dịch của Khương Tăng Khải làm chứng cớ để lập luận.

– Thứ ba, riêng ngài Gia Tường lại bảo: “Trong năm kiếp tu hành phát nguyện”.

Thuyết này nêu cả tu hành lẫn phát nguyện, nhưng lấy phát nguyện làm chỗ qui thú, rất phù hợp với bản Tống dịch. Bản Tống dịch trước tiên viết: “Tư duy tu tập” rồi viết tiếp: “Phát đại thệ nguyện, kinh ư ngũ kiếp” (Phát đại thệ nguyện suốt trong năm kiếp). Theo cụ Hoàng Niệm Tổ: Quan điểm này rất phù hợp với ý của hội bản, phải là sau khi “tinh cần cầu sách, cung thận bảo trì, tu tập công đức, mãn túc ngũ kiếp” (siêng gắng tìm lấy, cung kính, thận trọng gìn giữ hành trì, tu tập công đức trọn đủ năm kiếp) thì “sở nhiếp Phật quốc, siêu quá ư bỉ” (quốc độ được ngài nhiếp thủ mới siêu việt cõi ấy). Kinh chép như vậy thật tương hợp với thuyết của ngài Gia Tường. Vì vậy, “năm kiếp tu hành” là thời gian tu hành và phát nguyện.

Ư bỉ nhị thập nhất câu-chi Phật độ công đức trang nghiêm chi sự, minh liễu thông đạt, như nhất Phật sát (Với các công đức trang nghiêm của hai mươi mốt câu-chi cõi Phật kia, ngài hiểu rõ thông đạt như một cõi Phật): Đây là viên mãn thành tựu quả đức. Chữ “câu-chi” là danh từ số lượng thời cổ ở Ấn Độ, tương đương với mười triệu, tức một ngàn vạn của Trung Quốc. Hai mươi mốt câu-chi, chính là phía trước nói hai trăm mười ức.

–  Vì sao có sự khác biệt xưng hô này?

– Nguyên do là lão cư sĩ Hạ Liên Cư hội tập kinh văn, nguyên bản dịch không phải là một bản mà đến năm bản. Hội tập phải trung thành với nguyên bản dịch nên không được tùy tiện cải sửa những chữ này.

Nhị thập nhất câu-chi”, phía trước đã nói qua, nó không phải là số tự mà là biểu pháp, đại biểu cho “đại viên mãn”, cũng chính là nói hư không pháp giới tất cả cõi nước chư Phật, không có sót lọt nơi nào. Trong các cõi nước chư Phật này “Công đức trang nghiêm chi sự, minh liễu thông đạt”, đây là nói về sự thành tựu của tỳ kheo Pháp Tạng đã làm ra được thành tích: Trong mười phương cõi nước chư Phật, đạo lý của y báo, chánh báo, nghiệp nhân quả báo, sự tướng chuyển biến tiếp nối ngài đều rõ ràng, tường tận.

– Kết quả đó là hiện tượng gì?

– Hư không pháp giới đồng một duyên khởi hòa dung không ngại! Đây là trên Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã đem hiện tượng này nói rất rõ ràng.

Hiện nay chính phủ Úc đang chủ động thúc đẩy tiến hành “đa nguyên văn hóa”, chính thức thiết lập cơ cấu, ủy thác quan viên tiến hành việc quan trọng này.

– Cái gì là “đa nguyên văn hóa”?

– Chủng tộc khác nhau, tín ngưỡng khác nhau, văn hóa khác nhau v.v…, làm thế nào có thể trong một quốc gia, một khu vực, mọi người cùng tôn trọng, kính yêu, hợp tác lẫn nhau, cùng tồn tại phát triễn, đó chính là “đa nguyên văn hóa”.

– Làm thế nào thực tiễn “đa nguyên văn hóa”?

– Đây là vấn đề!

Hôm qua tôi ở Úc Châu, sáng sớm cục trưởng “đa nguyên văn hóa” ở Queensland đến thăm tôi, cũng thảo luận vấn đề này. Tôi nói với ông ấy: – Thực tiễn “đa nguyên văn hóa” là vấn đề giáo dục!

Cổ Thánh tiên Hiền Trung Quốc nói rất hay: “Kiến quốc quân dân, giáo dục vi tiên”. Muốn thực tiễn “đa nguyên văn hóa” vẫn là giáo dục hàng đầu, đào tạo con người có được quan niệm, tư tưởng chính xác. Nhà Phật nói: “Hư không pháp giới đồng một duyên khởi” cũng chính là “hư không pháp giới, tất cả chúng sanh cùng đồng một thể sinh mạng”.

Tôi nêu ra vấn đề với cục trưởng văn hóa: Như thân thể này của chúng ta là tổ hợp của rất nhiều tế bào, mỗi tế bào là một chủng tộc do rất nhiều nguyên tử hợp lại mà thành. Phân tích nữa, trong nguyên tử lại có điện tử, có hạt nhân, có hạt tử; cho nên mỗi tế bào là một chủng tộc nhỏ. Khí quan của chúng ta là chủng tộc lớn.

Thí dụ sau đây sẽ khiến họ dễ hiểu: “Chúng ta cùng đồng một thể sinh mạng”. Nếu đem thân thể chúng ta ví như hư không pháp giới tất cả chúng sinh thì mỗi cơ quan trên thân chúng ta như: mắt, tai, mũi, lưỡi v.v… là một chủng tộc lớn do rất nhiều tế bào tạo thành. Những chủng tộc này không như nhau, nhưng mỗi mỗi đều là đệ nhất không có đệ nhị: mắt thấy đệ nhất, tai nghe đệ nhất, mũi ngửi đệ nhất, lưỡi nếm đệ nhất, v.v… Kinh Hoa Nghiêm nói: “Không có thứ nào là đệ nhị. Cho nên có thể hòa bình cùng sống chung với nhau.

Có đệ nhất, có đệ nhị, có lớn, có nhỏ thì đánh nhau là cái chắc!” Cũng thế, nếu đôi mắt, đôi tai, lỗ mũi v.v… của chúng ta đều kình chống nhau, thì con người của chúng ta sẽ thế nào?! Chắc chắn là phải lâm bệnh! Nghiêm trọng nữa là chết! “Tất cả chúng sinh cùng đồng một thể sinh mạng, cùng đồng một duyên khởi”, sự việc này nếu chân thật triệt để tường tận, đó chính là bạn chứng được Pháp Thân thanh tịnh.

Chúng ta biết được chư Phật Như Lai có Pháp thân, chúng ta cũng có Pháp thân. Cái gì là Pháp thân? Hư không pháp giới tất cả chúng sinh là Pháp thân của chính chúng ta. Chúng ta giúp đỡ, thương yêu người khác cũng chính là thương yêu, giúp đỡ chính mình. Kinh Đại thừa thường nói: “Mười phương ba đời chư Phật cùng đồng một Pháp thân”. “Mười phương ba đời chư Phật” tức là các chủng tộc khác nhau, tư tưởng không như nhau, tôn giáo không như nhau v.v… cùng đồng một Pháp thân, cùng đồng một thể sinh mạng.

Phải chân thật đem những đạo lý, chân tướng sự thật này làm cho rõ ràng, làm cho thấu đáo. Một khi đã thấu triệt được đạo lý này thì việc thực tiễn “đa nguyên văn hóa” không khó. Ngày nay, sở dĩ chúng ta không làm được vì không có người dạy!

Sau khi đàm luận, tôi mời ông xem giá sách của tôi. Trên giá sách có kinh điển của Thiên chúa giáo, của Ki-tô giáo, của Hồi giáo, của Đạo giáo v.v… Tôi nói: – Ông xem! Tất cả tôi đều đọc!

Ông là Do Thái giáo, tôi nói: – Kinh điển của Do Thái giáo ở đây tôi không có; nếu không gì trở ngại, ông có thể tìm giúp cho tôi có được chăng? Ông nói: – Tốt! Không có vấn đề gì! Tôi nhất định sẽ đưa đến.

Mỗi tôn giáo, mỗi văn hóa khác nhau, chúng ta đều phải học, phải hiểu rõ. Họ không đọc kinh điển của chúng ta, họ sẽ không hiểu rõ về chúng ta. Chúng ta đọc kinh điển họ, chúng ta hiểu rõ họ. Hiểu rõ chính là giác ngộ. Trước tiên, chúng ta phải giúp họ, phải thương yêu và tôn kính họ trước. Đây là hy vọng đồng tu chúng ta, kinh này không thể đọc suông. Sau khi đọc rồi, nhất định phải thực tiễn giống như Bồ Tát Pháp Tạng vậy.

Công đức trang nghiêm chi sự, minh liễu thông đạt, như nhất Phật sát”: Đây là nói trình độ nhận biết của ngài đối với các công đức trang nghiêm của hai mươi mốt “câu-chi” cõi Phật kia; tất cả ngài đều thông đạt như một cõi Phật. Việc này cũng giống như sự nhận biết đối với hư không pháp giới tất cả chúng sinh không khác với sự nhận biết đối với thân thể này của chúng ta.

Sở nhiếp Phật quốc, siêu quá ư bỉ (Quốc độ được ngài nhiếp thủ vượt trội các cõi kia), “Phật quốc” ở đây chỉ cho thế giới Tây Phương Cực Lạc. “Siêu quá ư bỉ”, chữ “bỉ” là chỉ cho hai mươi mốt câu-chi cõi Phật phía trước, cũng chính là nói: Thế giới Tây Phương Cực Lạc siêu việt tất cả hư không pháp giới cõi nước chư Phật.

Phía trước, chúng ta đã thấy Thế Gian Tự Tại Vương Phật dùng thần lực đem tình hình của mười phương thế giới chư Phật hiện bày ngay trước mắt Bồ Tát Pháp Tạng cho ngài xem thấy. Đây chính là “đọc ngàn quyển sách đi vạn dặm đường”; “đi vạn dặm” chính là ngày nay chúng ta nói tham quan khảo sát.

Trên thực tế đọc sách là thăm dò lý luận của nó, hiểu rõ chân tướng sự thật. Sau đó, còn phải tận mắt quan sát sự việc khiến cho “kiến văn” (cái thấy, cái nghe) có thể tương ưng, đều không có kém khuyết, vậy mới có thể khai trí tuệ, mới biết thế nào để chọn lựa đúng sai, hay dỡ. Đây là thái độ tu học của Bồ Tát Pháp Tạng, không phải ngài chính mình dựa vào không tưởng để kiến tạo thế giới Tây Phương Cực Lạc mà đích thật ngài học tập, tham quan, chọn lấy cái hay, loại bỏ cái dở của người mà thành tựu thế giới Cực Lạc.

Thế giới Cực Lạc là tập đại thành trang nghiêm của mười phương cõi nước chư Phật trong đó bao gồm tất cả mọi ưu điểm thảy đều có, tất cả mọi khuyết điểm thảy đều không, như thế mà tạo thành, vậy mới có thể “siêu quá ư bỉ” (siêu việt tất cả cõi nước chư Phật).

Phần trước đoạn kinh văn này Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai nói pháp một ngàn ức năm, chúng ta có chú ý đến vấn đề này không? Một đạo tràng giáo hóa chúng sinh, nếu không nói pháp dài lâu, sẽ không nhận được hiệu quả, điểm này chúng ta cần lưu ý! Nên biết: Không nói pháp, mọi người sẽ nghĩ tưởng xằng bậy, niệm Phật sẽ không chuyên, phiền não tập khí sẽ tăng trưởng, nhất là thời đại hiện nay phong khí xã hội không tốt, người nước ngoài gọi là từ trường không tốt. Chúng ta bị ảnh hưởng phong khí, từ trường này, thân tâm đều không ổn, tánh tình bất định, tâm ý bao chao, dễ dàng xảy ra sự việc không hay.

Cho nên, mỗi ngày nghe giảng kinh là giúp cho tâm tình chúng ta ổn định, đạo lý chính ngay chỗ này. Thời gian giảng kinh càng dài, hiệu quả sẽ càng thù thắng. Thế Tôn năm xưa ở đời, mỗi ngày giảng kinh nói pháp tám giờ, không phải hai giờ như đạo tràng chúng ta. Nên nhớ: Hưng suy của đạo tràng, tùy thuộc thời gian giảng kinh nhiều hay ít, đây là nhân tố quyết định. Ngàn ức năm giảng kinh của Thế Gian Tự Tại Vương Phật chính là nhắc nhở chúng ta kinh giáo phải huân tu thời gian dài.

Bồ Tát Pháp Tạng khổ hạnh năm kiếp “Tinh cần cầu sách, cung thận bảo trì, tu tập công đức, mãn túc ngũ kiếp”. Điều này nói lên những phương pháp lý luận mà Pháp Tạng đã tu học, ngài đều thực tiễn được ngay trong cuộc sống thường ngày.

Sau cùng, tôi muốn nhắc nhở mọi người: Tỳ kheo Pháp Tạng vì sao phải kiến tạo thế giới Cực Lạc? Ngài làm với dụng ý gì? Dụng ý của ngài chính là thực tiễn “đa nguyên văn hóa”, hư không pháp giới tất cả chúng sinh đều hòa thuận cùng sống, kính yêu lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau, cùng tồn tại phát triễn, biết được đây là cùng đồng một thể sinh mạng, tất cả chúng sinh chính là chính mình, không phải người khác. Thương yêu, tôn kính, giúp đỡ mọi người vô điều kiện là việc nên làm, là bổn phận chúng ta phải làm. Đây chính là mục tiêu của chư Phật giáo hóa, cũng chính là mục tiêu của A-Di-Đà-Phật kiến lập nên thế giới Tây Phương Cực Lạc.

KINH VĂN:

Ký nhiếp thọ dĩ, phục nghệ Thế Tự Tại Vương Như Lai sở, khể thủ lễ túc, nhiễu Phật tam táp, hiệp chưởng nhi trụ, bạch ngôn:

Thế Tôn , ngã dĩ thành tựu trang nghiêm Phật độ, thanh tịnh chi hạnh.

Phật ngôn:

Thiện tai! Kim chánh thị thời, nhữ ưng cụ thuyết, linh chúng hoan hỉ, diệc linh đại chúng, văn thị pháp dĩ, đắc đại thiện lợi, năng ư Phật sát, tu tập nhiếp thọ, mãn túc vô lượng đại nguyện.

VIỆT DỊCH:

Đã nhiếp thọ xong, lại đến chỗ Thế Tự Tại Vương Như Lai, dập đầu lễ dưới chân Phật, nhiễu Phật ba vòng, đứng chắp tay, bạch rằng:

Bạch Thế Tôn , con đã thành tựu hạnh thanh tịnh trang nghiêm cõi Phật.

Phật khen:

–  Lành thay! Nay chính là đúng lúc, ông nên thuật đủ, khiến cho đại chúng hoan hỉ, cũng khiến cho đại chúng nghe pháp ấy xong được đại thiện lợi, có thể tu tập, nhiếp thọ cõi Phật, đầy đủ vô lượng đại nguyện.

GIẢNG:

“Ký nhiếp thọ dĩ” (Đã nhiếp thọ xong) là câu để nối đoạn kinh trước với đoạn kinh này. Chữ “nhiếp thọ” là tiếp nhận trọn hết. Khi đó, Pháp Tạng Bồ Tát lại đến chỗ đức Thế Gian Tự Tại Vương Phật, “khể thủ” là cúi đầu sát đất; “lễ túc” là dùng đầu  mình áp sát chân Phật, đây gọi là “tiếp túc lễ”. Trong kinh luận giải thích vì sao phải hành “tiếp túc lễ”, đó chính là để nhiếp phục tâm ngạo mạn của chính mình. Nên biết: Ngạo mạn là phiền não từ nhiều đời, không những chướng ngại bạn chứng quả mà đến khai ngộ cũng bị nó chướng ngại!

Sau đó, “nhiễu Phật” cũng chính là cách kính lễ. “Tam táp” là nhiễu quanh Phật ba vòng, biểu thị ý trân trọng hành lễ. Đi nhiễu xong liền chấp tay đứng yên trước Phật, hướng về đức Phật bạch rằng: Ngã dĩ thành tựu trang nghiêm Phật độ, thanh tịnh chi hạnh(Con đã thành tựu hạnh thanh tịnh trang nghiêm cõi Phật).

“Phật ngôn: – Thiện tai!” (Phật khen: – Lành thay!). Ý nói hạnh của tỳ kheo Pháp Tạng thật vừa ý thánh tâm, không những thấu suốt bổn hoài của Phật mà còn ứng trọn các căn cơ nên được Phật khen ngợi. Chữ “thiện tai!” là tiếng biểu lộ sự vui mừng rất sâu của Phật.

Kim chánh thị thời(Nay chính là đúng lúc):

Theo chú giải của cụ Hoàng Niệm Tổ: Câu nói này hàm nghĩa cơ duyên đại chúng đã chín muồi, đúng hợp thời cơ gom ba Thừa về một Thừa. Hành giả cả ba Thừa đều được hưởng xe trâu trắng lớn, cùng nhập một Như Lai Thừa để khai tri kiến Phật, chỉ bày tri kiến Phật cho các chúng sinh, nên Kinh Pháp Hoa nói: “Kim chánh thị thời”. Kinh này cũng thế, muốn cho thập phương cửu pháp giới chúng sinh cùng nhập Nhất thừa đại thệ nguyện hải của Phật A Di Đà, hết thảy hàm linh đều được độ thoát, nên Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai bảo:

Kim chánh thị thời, nhữ ưng cụ thuyết, linh chúng hoan hỉ, diệc linh đại chúng văn thị pháp dĩ, đắc đại thiện lợi (Nay chính là đúng lúc, ông nên thuật đủ khiến đại chúng hoan hỉ, cũng khiến cho đại chúng nghe pháp ấy xong được đại thiện lợi).

Đây là Như Lai có ý khuyên Pháp Tạng tuyên thuyết để toàn bộ đại chúng được lợi ích. Hai chữ “đại chúng” bao gồm đại chúng hiện diện khi ấy lẫn hết thảy phàm phu, Nhị thừa và Bồ Tát trong đời tương lai (phàm phu chúng ta ngày nay cũng nằm trong số này). Toàn bộ đại chúng được lợi ích, ấy là khiến cho khắp đại chúng được nghe cùng phát nguyện vãng sinh, học theo hạnh của ngài Pháp Tạng, nhiếp thủ cõi Phật, viên mãn đại nguyện, mau vượt khỏi biển khổ sinh tử nên “linh chúng hoan hỉ” (khiến cho đại chúng hoan hỉ).

Tịnh Ảnh Sớ giảng: “Pháp Tạng tự nói nguyện của mình xong khiến các Bồ Tát học theo ngài cùng phát nguyện”.

Sách Hội Sớ nói: “Bồ Tát nghe xong tự phát tâm dũng mãnh. Ông là trượng phu, ta cũng vậy, ông đã phát nguyện nhiệm mầu, ta há chẳng bằng ông sao? Vì vậy, nguyện của Pháp Tạng làm duyên viên mãn đại nguyện (của đại chúng).

Năng ư Phật sát, tu tập nhiếp thọ”: năng ư Phật sát” là nói thế giới Cực Lạc; “tu tập” là chỉ những người vãng sinh đến đó đều được A Di Đà Phật “nhiếp thọ”, cũng chính là quan tâm, chăm sóc họ. Không những hiện tại được A Di Đà Phật nhiếp thọ, mà tương lai đến thế giới Tây Phương Cực Lạc vẫn được A Di Đà Phật nhiếp thọ.

Mãn túc vô lượng đại nguyện (Đầy đủ vô lượng đại nguyện) là viên mãn hết thảy chí nguyện.

Sách Vãng Sinh Luận Chú viết: “Viên mãn một nguyện vãng sinh Tịnh Độ chính là viên mãn hết thảy các chí nguyện, nên bảo là: mãn túc vô lượng đại nguyện”. Cũng theo cụ Hoàng Niệm Tổ: Đại sư Đàm Loan (tác giả sách Vãng Sinh Luận Chú) quả thật đã giải bày trọn vẹn tâm tủy của chư Phật. Đại nguyện do Pháp Tạng Bồ Tát trong năm kiếp siêng gắng tìm cầu, chọn lọc (các cõi Phật thanh tịnh) thật ra chỉ là một nguyện nhằm khiến tất cả chúng sinh chân thật phát khởi ý nguyện cầu vãng sinh Tịnh Độ.

Cho nên, bọn phàm phu đời mạt pháp chúng ta chỉ cần viên mãn nguyện này ắt liền xứng hợp với Di Đà đại nguyện. Những gì là phương tiện, những gì là đường thẳng chóng? Chính là từ quả khởi tu thẳng đến cứu cánh. Pháp môn Tịnh Độ thật chẳng thể nghĩ bàn.

Đại Thừa Vô Lượng Thọ Kinh Giải Diễn Nghĩa Hết
(Quyển Một)