Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

IX. CHÍ TÂM TINH TẤN ĐỆ NGŨ

2.  Thiện Của Nhị Thừa

Thanh Văn, Duyên Giác trong Phật pháp gọi là Nhị Thừa. Nhị Thừa không còn chấp thân này là ta mà chỉ là cái của ta, là sở hữu của ta, nên họ đã phá được “Thân kiến” (cái thấy sai lầm về thân), cũng phá được bốn tướng. Chúng ta xem thấy trên Kinh Kim Cang, Tu-đà-hoàn cũng đã lìa bốn tướng. Kế đến “Biên kiến” là có đối lập, có chấp trước, có người, có ta, có lớn có nhỏ, có dài có ngắn v.v… Phàm phu chúng ta đều sống trong “Biên kiến”. Các nhà khoa học gọi là “Tương đối luận”, đây là sai lầm!

Cho nên, trong cái “Không” của Nhị thừa vẫn còn có “Biên kiến”, vẫn là cái thấy có đối lập hai bên. Tiếp đến: “Kiến thủ kiến” và “Giới thủ kiến”, người Trung Quốc gọi là thành kiến. Thành kiến là tự cho là phải. “Kiến thủ kiến” là thành kiến đối với trên quả báo. “Giới thủ kiến” là thành kiến đối với trên tu nhân. Hai loại kiến giải này đều sai lầm. Ngoài bốn loại trên đây, bao gồm tất cả kiến giải sai lầm, qui nạp đến điều sau cùng là “Tà kiến”. Năm loại vừa kể gọi chung là “kiến phiền não cũng gọi là “Kiến Hoặc” (Kiến giải sai lầm).

Ngoài ra, còn có năm cách nghĩ sai lầm là “Tư phiền não”: “tham-sân-si-mạn-nghi”. Cái “nghi” này là hoài nghi đối với Thánh giáo (giáo huấn của thánh nhân), “Tham-Sân-Si”, phạm vi này rất rộng. Phật nói mười “Kiến Tư phiền não” từ vô lượng kiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp ở trong A-lại-da huân tập thành chủng tử kiên cố, rất khó phá trừ, vừa sinh ra liền có không cần phải học. Ý niệm chúng ta vừa khởi chính vì những thứ này biến hiện, đây là nghiệp nhân của sáu cõi luân hồi. Nếu đoạn dứt được “Kiến Tư phiền não” thì sáu cõi luân hồi sẽ không còn.

Tôi thường nhắc các đồng tu phải tìm một pháp phương tiện, tìm chỗ bắt tay vào, làm được bao nhiêu tính bấy nhiêu, nhất định có chỗ tốt đối với chính mình.

– Phải bắt tay vào từ chỗ nào?

– Từ đoạn “Kiến Tư phiền não”!

“Kiến Tư phiền não” là chấp trước, “Trần Sa phiền não” là phân biệt, “Vô Minh phiền não” là vọng tưởng. Chúng ta phải hạ thủ bắt đầu từ không chấp trước, tức là đoạn “Kiến Tư phiền não”.

– Từ chỗ nào không chấp trước?

– Đối với tất cả người, tất cả vật, tất cả sự vật, buông bỏ ý niệm khống chế. Sau đó, đối nhân xử thế tiếp vật phải “tùy duyên”.

Nếu có ý niệm khống chế, chiếm hữu là “phan duyên” không phải “tùy duyên”. Tâm “tùy duyên” là tâm thanh tịnh, tâm sáng suốt. Thọ dụng của “tùy duyên” là tự tại. Tâm “phan duyên” là tâm không thanh tịnh, thọ dụng của nó tất nhiên không tự tại. Đây là “thiện” của Nhị thừa tương đối đã không dễ dàng. Thành thật mà nói: E rằng chúng ta cũng không làm đến được! Thế nhưng, theo quan điểm của Thiên Thai tông: Nếu chỉ biết tự độ mà không thể độ tha như cái thiện của Nhị thừa cũng vẫn là ác.

3.  Thiện Của Tiểu Thừa Bồ Tát

Thiện này có chỗ khác với Nhị thừa, họ tự động, tự phát cứu vớt tất cả chúng sinh nhưng tâm họ “Trần Sa phiền não”, “Kiến Tư phiền não” vẫn chưa đoạn sạch trơn nên chưa siêu việt mười pháp giới. Hướng lên trên mà so sánh thì họ là ác; hướng xuống mà nhìn thì họ là thiện. Thiên Thai tông nói về “Tạng, Thông, Biệt, Viên”, trong đó “Tạng giáo” chính là Tiểu thừa; trong đây cũng có Phật, có Bồ Tát.

4.  Thiện Của Bồ Tát Trong “Thông Giáo”

Thông giáo” là phía trước thông “Tiểu thừa”, phía sau thông Đại thừa, họ cũng chưa kiến tánh. So với phía trước họ cao hơn một tầng, họ đoạn được “Kiến Tư phiền não”, có thể tự hành hóa tha, tương đồng với A-la-hán, Bích Chi Phật. Họ có tâm từ bi, chủ động độ khắp chúng sinh nhưng vẫn còn rơi vào nhị biên (có và không), chẳng thấy được “lý Trung Đạo” của Biệt giáo. Nói cách khác, họ đã xả bỏ chấp trước nhưng vẫn còn phân biệt; vì có phân biệt nên không thể thấy lý Trung Đạo.

Mặt khác, “Thông giáo” vẫn chưa đoạn được một phần vô minh; so với bên trên họ vẫn là ác, so với bên dưới thì họ là thiện. Đây là cõi “Pháp giới tứ thánh”. Tuy họ đã vượt thoát được lục đạo nhưng vẫn còn trong phạm vi mười pháp giới, nên trong kinh Phật gọi họ là “ngoại phàm”. Đến khi nào họ siêu việt mười pháp giới mới trở thành thánh nhân. Trên Kinh Hoa Nghiêm, bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân Đại Sĩ là thánh nhân vì họ đã siêu việt mười pháp giới, phá được một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân.

5. Thiện Của Bồ Tát Trong Biệt Giáo

Biệt giáo” là thuần túy Đại thừa, không giống như “Thông giáo” họ thấy được “lý Trung Đạo” tức là phân biệt không còn nữa, đây là thiện. Nhưng họ vẫn còn cách biệt Trung Đạo, chẳng thể thấy được “Diệu Trung” (tức là lý của Trung Đạo nhiệm mầu) viên dung của Viên giáo, sở hành còn vướng trong phương tiện, chẳng xứng hợp với lý thể nên cũng là ác. Tâm lượng của Viên giáo, chính là nhà Phật thường nói: “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới”, hàng Biệt giáo không có tâm lượng này. Tâm lượng của Phật, Bồ Tát Biệt giáo có thể nói là tư duy cả một đại thiên thế giới. Nhưng, Viên giáo Bồ Tát, khảo lượng của các ngài là tận hư không khắp pháp giới tất cả chúng sinh, bình đẳng, từ bi không có giới hạn.

Chúng ta muốn biết tâm lượng của mình ra sao, hãy dùng tâm thanh tịnh, tâm đại từ bi mà khảo lượng. Tâm lượng càng lớn thì công đức càng lớn. Công đức lớn, nhỏ không qui định ở sự việc lớn hay nhỏ, không ở chỗ ra tiền, ra sức nhiều hay ít mà cốt ở tâm lượng bạn. Người có tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi; trong cuộc sống thường ngày cho dù họ làm việc thiện nhỏ, nhưng công đức họ làm ra lại không thể nghĩ bàn! Vì sao? Vì xứng tánh!

Tâm lượng cứu cánh viên mãn chính là tự tánh. Tâm trùm hư không, lượng khắp pháp giới đó là tự tánh. Dùng tâm hạnh như vậy, không luận làm bất cứ việc gì, dù chỉ bố thí một xu tiền, thậm chí trên người không có tiền, thấy việc tốt của người chấp tay hoan hỉ, tán thán, công đức đó đều là vô lượng vô biên. Người có trí tuệ, thông minh rõ được đạo lý này, thấu suốt chân tướng sự thật, nắm lấy cơ hội thành tựu vô lượng vô biên công đức. Người ngu luôn luôn là để cho cơ hội qua đi trước mắt! Không những không biết nắm lấy cơ hội tích lũy công đức mà còn tạo tác vô biên tội nghiệp!

Người thế gian ham thích hưởng thụ năm dục, sáu trần; đây không phải là chân thật hưởng thụ, đó là năm gốc của địa ngục! Thử hỏi, họ có thể hưởng thụ được bao nhiêu ngày, hay quả khổ tiếp nối theo sau?! Thật nói không nên lời!!

Thánh nhân, bậc có trí giác triệt để nói với chúng ta: “Lạc thọ chân thật là cứu giúp người khác”, lấy sự việc giúp người làm vui. Chúng ta học Phật, phải tỉ mỉ mà quan sát hành nghi của Phật, Bồ Tát; phải sâu sắc mà lĩnh hội mới phát hiện được các ngài trải qua đời sống rất kham khổ, giúp người khác được an vui, đó là niềm chân lạc, đại tự tại nhất của các ngài.

6.  Thiện Của Bồ Tát Trong Viên Giáo

Lý viên diệu là diệu thiện cùng tột như Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Pháp Hoa, Kinh Vô Lượng Thọ đều đạt đến viên diệu cùng tột, cho nên đây là chí thiện. Nhưng lý này, Đại Sư Thiên Thai nói có hai nghĩa:

– Nghĩa thứ nhất: “Viên lý thuận với Thật Tướng là thiện, trái nghịch với Thật Tướng là ác”.

Lời nói này nghe qua vẫn không dễ hiểu; đổi cách nói khác: “Tùy thuận chân tướng của vũ trụ nhân sinh, đây là thiện”. Câu nói này tuy có phần dễ hiểu nhưng cảnh giới, nghĩa thú trong đây vẫn không cách gì hiểu được!

– Cái gì là chân tướng vũ trụ nhân sinh? Làm thế nào để tùy thuận nó?

– Chân tướng của vũ trụ nhân sinh là “tướng có, thể không”; “sự có, lý không”. Đây là tổng cương lĩnh, tổng nguyên tắc mà nói; sau đó mới biết cách hành trì ra sao, tùy thuận như thế nào. Trong tùy thuận có đại an vui, đại tự tại nên gọi là “thiện”.

Xét lại, chúng ta đã hoàn toàn trái ngược với chỗ này. Chúng ta không hề hay biết đối với chân tướng sự thật. Tuy Phật pháp đã học nhiều năm, danh từ thuật ngữ có thể ghi nhớ, cũng thường hay nói ở đầu môi, nhưng khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm hoàn toàn trái ngược với chân tướng sự thật. Cho nên, tu học của chúng ta không có kết quả!

– Niệm Phật vãng sinh, bạn có thể nắm chắc được chưa? Có tin tức gì chưa? Vì sao tu học công phu không có lực?

– Luôn có một đạo lý, một nguyên tắc: Nếu có thể tìm ra được nhân tố “không thể thành tựu”, đem cái nhân tố này loại trừ, công phu của bạn mới thành tựu.

Thông thường trong lúc giảng dạy, tôi thường xuyên nhắc nhở mọi người phải chân thật nhìn thấu, buông bỏ; phải đem tâm mình làm một cuộc cải biến lớn: Lúc trước mê hoặc điên đảo, tất cả đều không thuận với Thật Tướng, khởi tâm động niệm đều vì chính mình; chỉ cần vì chính mình liền tạo tác vô lượng vô biên tội nghiệp; nay chuyển đổi lại, niêm niệm đều vì pháp giới chúng sinh không còn vì mình.

– Những chúng sinh nào vậy?

– Tất cả chúng sinh tận hư không khắp pháp giới, trong đó bao gồm cả chính mình. Nếu ý niệm bạn chỉ vì một chúng sinh này mà quên đi tất cả thì bạn đã sai lầm! Thực tế mà nói: Chính bạn, chúng sinh này cũng không cách gì giữ được! Đây là chân tướng sự thật!

– Nghĩa thứ hai: “Thấu đạt viên lý là thiện, chấp trước viên lý là ác” (Đạt thử viên lý chi thiện, trước chi vi ác)

Quan điểm “Thấu đạt viên lý là thiện, chấp trước viên lý là ác” là giáo thuyết độc đáo tinh diệu do tông Thiên Thai phát huy, nghĩa lý này rất hay, đã nói đến cùng tột của viên diệu. “Thấu đạt viên lý” có nghĩa là thông đạt tường tận thì quá tốt, đấy là thiện. Nhưng, thông đạt tường tận, vẫn còn chấp trước cái “thông đạt” thì sai rồi! Cái “thông đạt tường tận” đó của bạn sẽ trở thành ác! Cho nên, chấp vào viên lý còn là ác huống là chấp vào các pháp khác.

Năm giới mười thiện là pháp “thiện” căn bản của thế và xuất thế gian. Từ nơi cội nguồn mà nói: Năm giới tương ưng với tánh đức phát xuất từ tâm thanh tịnh của tự tánh mà lưu xuất ra; mười thiện tương ưng với tâm thức là từ ý thức mà lưu lộ ra. Hành trì của Phật, Bồ Tát năm giới, mười thiện là tự nhiên không hề có chút tạo tác, cũng chính là nói tâm các ngài hoàn toàn thanh tịnh, không có ô nhiễm, không có khởi tâm động niệm như: Phải trì giới, phải hành thiện.v.v…Tâm các ngài là “tâm vô tâm”, đây mới là chân tâm, là thuần thiện. Nếu còn khởi tâm, tâm đó là tâm ý thức, là vọng tâm, không gọi là thiện.

Nếu nói: Tất cả chúng sinh là chính mình, vậy ta phải nên làm thế nào đó tức là bạn đã rơi vào trong ý thức rồi! Đó không phải là thuần thiện, nhiều nhất cũng chỉ là “thiện của Biệt giáo Bồ Tát”, cũng đã đưa bạn lên quá cao rồi. Nếu hướng xuống thấp một chút là “thiện của Bồ Tát Tiểu thừa”, họ vẫn còn có tâm đang làm thiện. Cho nên, tất cả vì chúng sinh, không chấp cái tướng vì chúng sinh.

Kinh Bát Nhã nói: “Tam luân thể không”. Chân thật làm đến được “Tam luân thể không”: đoạn ác cũng là “Tam luân thể không”; làm thiện cũng là “Tam luân thể không”, liền tương ứng với cái lý của viên diệu.

– Cái gì là “Tam luân thể không”?

– Phá được bốn tướng như Kinh Kim Cang nói chính là “Tam luân thể không”.

Bốn tướng đó là “không ngã tướng, không nhân tướng, không chúng sinh tướng, không thọ giả tướng”. Sơ quả Tiểu thừa gọi là “Nhập Lưu” tức nhập vào dòng thánh cũng đã lìa bốn tướng. Lìa tướng là công phu! Mặc áo ăn cơm, đối người tiếp vật, từ sớm đến tối cũng học lìa tướng. Tường tận mọi thứ là trí tuệ; thông đạt mà không chấp trước là trí tuệ Bát Nhã chân thật. Đem công phu này, Niệm Phật cầu sinh Tinh Độ, chắc chắn được vãng sinh.

Quốc độ thô diệu”: “Thô” là chẳng tinh, “diệu” là thắng diệu (tốt đẹp tuyệt vời). Sư Nghĩa Tịch bảo: “Trong Tịnh Độ có thô, diệu sai khác. Thô chính là biến hóa, diệu chính là thọ dụng” nghĩa là trong Tịnh Độ có các sự thô hay diệu sai khác: “thô” là có suy, có biến đổi; “diệu” chính là cõi Thật Báo Tự Thọ Dụng hay Tha Thọ Dụng.

Thiên nhân thiện ác” là nhân, “Quốc độ thô diệu” là quả. Thực tế mà nói chánh báo cũng là quả; chỗ này đã tỉnh lược bớt; tuy tỉnh lược, ý nghĩa vẫn đầy đủ. Vì sao? Vì y báo tùy theo chánh báo chuyển. Người lành thì cõi nước lành, người ác ắt cõi nước hèn kém. Vì vậy, sách Hội Sớ bảo: “Quốc độ chính là hình bóng của chúng sinh. Hình dài thì bóng dài, hình ngắn thì cõi đất ngắn ngủi”; ý nói ảnh tùy hình chuyển biến. Đem hình ví cho tâm, đem ảnh ví cho cảnh; cảnh tùy tâm chuyển.

Tịnh Ảnh Sớ nói: “Câu ‘thiên nhân thiện ác’ phiếm chỉ cái nhân của các cõi nước. ‘Quốc độ thô diệu’ là chỉ chung cái quả hết thảy các cõi”. Câu nói này không sai chút nào. Môi trường chúng ta cư trú, bản thân phải chịu trách nhiệm, không liên quan gì đến người khác. Tâm ta thanh tịnh liền trú tại Tịnh độ. Tâm ô nhiễm liền trú tại uế độ. Cho nên, ác không thể không đoạn; thiện không thể không tu. Nhưng, thiện ác đó bạn phải có năng lực nhận biết nó, đây là trí tuệ. Nếu không có trí tuệ, không thể nào phân biệt được thiện ác: Đem ác cho là thiện, đem thiện cho là ác, đây là điên đảo! Điên đảo là hướng đến diệt vong, đến tận thế!

–  Tiêu chuẩn thiện ác ở đâu?

– Ở nơi lời giáo huấn của chư Phật và Thánh Hiền.

Phật, Bồ Tát dạy chúng ta: Thập thiện, ngũ giới, lục Ba la mật v.v… những thứ này là tiêu chuẩn. Thánh nhân dạy: Ngũ luân, Ngũ thường, Tứ duy, Bát đức, đây cũng là tiêu chuẩn. Tương ưng với tiêu chuẩn là thiện; trái với tiêu chuẩn là ác. Chỗ này nói “thô diệu”, ý nghĩa rất sâu rộng, chúng ta phải tỉ mỉ mà thể hội.

– “Chánh báo diệu”, chánh báo là thân tướng, thế nào mới gọi là diệu?

– Trên kinh có tiêu chuẩn: Ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, đó là diệu.

– Vì sao phải dùng cách này làm tiêu chuẩn?

– Ba mươi hai tướng hảo, mỗi tướng hảo đều do nhân thiện mà biến hiện ra. Nhân thiện này không phải từ phước đức mà do công đức thành tựu. Ý nghĩa thô diệu là từ chỗ này mà định.

Hiện tại, người thế gian tướng mạo đẹp cũng rất nhiều, nhưng đó là tướng phước đức không phải tướng công đức. Công đức cùng phước đức có khác biệt. Tướng người thế gian tuy chánh báo tốt, hoàn cảnh y báo cũng không tệ. Nhưng tỉ mỉ mà quan sát tư tưởng, hành vi của họ đều là tạo tác nghiệp bất thiện, do vậy mà không phải diệu. Nên biết: Người tạo tác đại ác, nếu họ có đại phước báo thì vẫn không bị tội. Người không có phước báo, giết một mạng người cũng phải ngồi tù hoặc lãnh án tử hình! Đây là nói đến “thô diệu thiện ác” của chánh báo.

Trong Phật kinh có bộ kinh gọi là “Tạo Tượng Độ Lượng Kinh”. Thời xưa, tạo tượng đều y theo tiêu chuẩn trong bộ kinh này. Ngày nay thì không có! Họ tạo tượng Phật, Bồ Tát chỉ là “nghệ thuật hình người”! Phật, Bồ Tát cũng biến thành phàm phu!

Tư duy cứu cánh, tiện nhất kỳ tâm, tuyển trạch sở dục, kết đắc đại nguyện(Tư duy đến rốt ráo, ngài liền nhất tâm chọn lựa lấy điều mình mong muốn kết thành đại nguyện): Đoạn kinh văn này, chúng ta có thể thể hội được Pháp Tạng Bồ Tát không phải dựa vào không tưởng mà kiến lập ra thế giới Tây Phương Cực Lạc. Với mỗi cái nhân thiện ác, mỗi quả thô diệu của tất cả cõi Phật, ngài đều dốc tâm suy nghĩ thấu đáo, hiểu rõ tường tận, “thủ nhân chi trường, xả nhân chi đoản”, như vậy mà tuyển chọn tạo thành ra thế giới Cực Lạc. Cho nên, thế giới Cực Lạc là kết tập đại thành thiện nhân, thiện quả của tất cả cõi nước chư Phật.

Ngài “tư duy cứu cánh”, chữ “cứu cánh” (rốt ráo) chính là “Chân Thật Tế” được nói trong kinh, cũng là một pháp cú, một thanh tịnh cú “Chân thật trí-tuệ, vô vi Pháp Thân”. “Nhất pháp cú” chính là câu “Nam mô A Di Đà Phật”. Chỉ cần dùng một câu Phật hiệu này có thể đánh tan khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước, giúp bạn kiến tánh, liền tương ưng với tự tánh. Tịnh Tông kỳ diệu là ở điểm này.

Có niệm là phàm phu, vô niệm mới là Phật. Chỉ dùng một câu Phật hiệu A Di Đà Phật mà dẹp bỏ được tất cả ý niệm, đây gọi là biết niệm. Cổ nhân nói khống chế vọng niệm giống như dùng đá đè cỏ; tuy không nhổ được gốc nhưng vẫn hữu dụng. Thật sự đè nén được những vọng niệm, đây là bạn có công phu, vãng sinh thế giới Tây Phương Cực Lạc sẽ không còn chướng ngại nữa. Nếu phải đoạn gốc phiền não, điều này không dễ dàng! Đoạn gốc là không “đới nghiệp”. Đè nén được vọng niệm là “đới nghiệp”. Có người hỏi:

– Tôi không niệm A Di Đà Phật; chỉ niệm “một-hai-ba-bốn” có được không?

– Được! nhưng niệm “một-hai-ba-bốn” phải niệm cho hết phiền não mới có thể thành tựu!

Niệm A Di Đà Phật, phiền não tuy chưa đoạn hết, họ vẫn có được cảm ứng với A Di Đà Phật; A Di Đà Phật sẽ gia trì họ. Bạn niệm “một-hai-ba-bốn” không có ai gia trì bạn, vậy là công hiệu khác nhau rồi! Nên nhớ: Bạn niệm đức Phật khác vẫn không bằng niệm A Di Đà Phật. Vì sao? Vì A Di Đà Phật có bổn nguyện gia trì tất cả chúng sinh niệm danh hiệu ngài.

Tiện nhất kỳ tâm, tuyển trạch sở dục, kết đắc đại nguyện”: Đây là Bồ Tát Pháp Tạng dốc hết tâm lực, chọn lựa lấy điều mình mong muốn kết thành đại nguyện. Chữ “nhất kỳ tâm” là nhất tâm, một lòng một dạ vì tất cả chúng sinh, vì tận hư không khắp pháp giới tất cả chúng sinh. Bổn ý hai chữ “chúng sinh” này là chúng duyên hòa hợp mà sinh ra hiện tượng như: Động vật, thực vật, khoáng vật, thậm chí đến tất cả hiện tượng tự nhiên đều do chúng duyên hòa hợp mà sinh ra. Bồ Tát Pháp Tạng vì tất cả chúng sinh này mà cứu độ, không hề nói chỉ vì chúng sinh hữu tình.

Kinh Hoa Nghiêm, sách Thám Huyền Ký, Đại Sư Hiền Thủ có nói: “Nhất tâm giả, tâm vô dị niệm cố” (Nhất tâm là tâm không có một niệm khác). Nhất tâm là chân tâm. Chân tâm không có ý niệm, chân tâm ly niệm, vọng tâm thì có niệm. Phàm phu dùng là vọng tâm nên ý niệm họ quá nhiều, cho nên nói “ba tâm, hai ý”: “ba tâm” là A- lại-da, Mạt-na, và Ý thức. “Hai ý” là Ý thức (tức là thức thứ sáu) và Mạt-na (là thức thứ bảy). Dùng A-lại-da chính là dùng vọng tâm. Nếu có thể chuyển A-lại-da thành Đại Viên Cảnh Trí, đó chính là chân tâm.

Muốn không có niệm khác, đầu tiên sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần phải thật sự làm đến được không khởi tâm, không động niệm, chân tâm liền hiện tiền. Cách tu là dùng một câu A Di Đà Phật: mắt thấy sắc, phân biệt chấp trước liền khởi, phải lập tức chuyển nó thành câu A Di Đà Phật; tai nghe âm thanh cũng A Di Đà Phật; mũi ngửi hương cũng A Di Đà Phật, lưỡi nếm vị cũng A Di Đà Phật, tất cả đều là A Di Đà Phật. Sự vi diệu của Tịnh tông là ở chỗ này. Thử hỏi: Bạn có biết chuyển hay không? Ý niệm vừa khởi, lập tức chuyển thành A Di Đà Phật, đây gọi là biết Niệm Phật.

Sách Giáo Hạnh Tín Chứng Văn Loại viết: “Một niệm là tín tâm không có hai tâm nên bảo là một niệm. Đấy gọi là nhất tâm. Nhất tâm là cái nhân chân thật của báo độ thanh tịnh vậy”. Câu này giống y như câu “nhất tâm kết thành đại nguyện” trong kinh này, chỉ rõ: Nhất tâm chính là cái nhân chân thật của báo độ. Báo độ thanh tịnh chính là thế giới Tây Phương Cực Lạc. Cho nên, vãng sinh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc là có điều kiện. Điều kiện này không liên quan gì đến niệm Phật nhiều hay ít, quan trọng là nhất tâm.

Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, chiều hôm trước khi vãng sinh nói với những học trò bên cạnh rằng: “Thế giới này loạn rồi! Phật, Bồ Tát hay thần tiên có hạ phàm cũng cứu họ không được! Mọi người chỉ có một con đường sống là niệm Phật cầu sinh Tịnh Độ”. Sáng sớm hôm sau ông đã đi rồi! Thọ chín mươi bảy tuổi. Lời này là thật!

Tuyển trạch sở dục (Chọn lựa lấy điều mình mong muốn): Cái sở dục này chính là “khai hóa hiển thị chân thật chi tế”.

“Chân thật” này chính là pháp môn Tịnh Độ mà Bồ Tát Pháp Tạng đã thành tựu thế giới Cực Lạc, ngài đã viên mãn thành tựu được y báo, chánh báo. Dùng hai chữ “Cực Lạc” để hình dung, thực tế mà nói, không tìm ra được hình dung từ nào tốt hơn để biểu trưng thế giới Cực Lạc.

Kết đắc đại nguyện là nguyện tâm của Pháp Tạng đã thành tựu. Đại nguyện của A Di Đà Phật là độ tận khắp hư không pháp giới tất cả chúng sinh, mỗi mỗi đều bình đẳng, viên mãn thành Phật. Đây đích thật là “Vô thượng thù thắng chi nguyện”, tất cả chư Phật khác rất có thể các ngài không hề nghĩ đến phương cách này, A Di Đà Phật đã làm ra được một cống hiến vĩ đại, chân thật không thể nghĩ bàn cho tất cả chúng sinh tận hư không khắp pháp giới.

Ngày nay, chúng ta muốn vãng sinh thế giới Tây Phương Cực Lạc, muốn làm đệ tử của Phật A Di Đà, tối thiểu cũng phải niệm đến “công phu thành khối”. Đây là bờ mé của “Sự nhất tâm bất loạn”, việc này chúng ta có thể làm được. Đây chỉ là “nhất tâm tương tợ”, vẫn có thể đè nén được vọng tưởng, phiền não, như người xưa nói: Đem đá đè cỏ, gốc cỏ tuy chưa nhổ hết, nhưng cỏ không thể khởi tác dụng. Được trình độ này, chúng ta có thể an tâm về việc vãng sinh thế giới Tây Phương Cực Lạc của mình.

Tinh cần cầu sách (Siêng gắng cầu lấy): “Cầu” là mong cầu, “sách” là giữ lấy. Hai bản Hán dịch và Ngô dịch đều chép là: “dũng mãnh tinh tấn, cần khổ cầu sách” (dũng mãnh tinh tấn, vất vã tìm tòi), nên chữ “tinh tấn” ở đây cũng có nghĩa là rất dụng tâm. Chữ “cần” là “cần phấn”, có nghĩa là chuyên cần tìm cầu, nỗ lực phấn đấu.

Cung thận bảo trì (Cung kính, thận trọng, gìn giữ, hành trì): bốn chữ này rất quan trọng! Chúng ta tu học, thành công hay thất bại mấu chốt chính ngay chỗ này. Sở dĩ tu hành, công phu không có lực, thực tế mà nói: Bốn chữ này chúng ta không có. “Cung” là cung kính, “thận” là thận trọng, cẩn thận; “cung thận” chính là ý nghĩa của thành kính.

Ngày nay, chúng ta tu học, không luận tại gia hay xuất gia: học kinh, nghiên giáo, niệm Phật dụng công, kém khuyết chính là thiếu sự chân thành, cung kính. Tâm thành của chúng ta không đủ, cung kính cũng không đủ, cho nên niệm Phật công phu không có lực! ở Phật đường, chúng ta nhìn thấy tượng Phật không hề xem tượng Phật như là Phật thật, đây chính là không đủ thành kính! Người chân thật đầy đủ thành kính, nhìn thấy tượng Phật giống như thấy Phật vậy. Hiện tại, cơ hội học Phật rất thuận tiện so với ngày trước, nhưng tâm cung kính thì không có, do vậy mà thành tựu kém xa người trước. Ấn Tổ dạy: “một phần thành kính được một phần lợi ích…. mười phần thành kính được mười phần lợi ích” là ý nghĩa này.

Khi xưa, muốn có được một quyển kinh thật không dễ dàng, phải chép lại. Nếu may mắn có được một bộ kinh sách, quyển đóng vào thời xưa, không dám viết chữ, ghi ký hiệu, chú giải gì trên đó, phải chép ra một quyển sách khác mới có thể ghi chú trên đó. Sách xưa là đời đời truyền nối nhau, chúng ta xem xong còn phải bảo quản lưu truyền cho đời sau, mới biết thời xưa vất vả, khó nhọc học tập là dường nào!

Khi tôi mới bắt đầu học Phật, kinh sách toàn là chép tay, không dám động đến nguyên bản. Hiện tại, trên tay tôi vẫn còn một số sách kết chỉ của thời xưa. Cho nên, “cung thận bảo trì”, bốn chữ này nhất định phải đầy đủ thì đời này chúng ta mới có được thành tựu. Phải chăm chỉ, nỗ lực học tập! Phải xem sự việc học Phật là việc lớn duy nhất trong đời: “Sống đến già học đến già”, vẫn học không hết! Đời sau vẫn phải học tiếp, đời đời kiếp kiếp từ sơ phát tâm mãi đến Như Lai địa.

Kinh Đại thừa thường nói: Vô lượng kiếp, A Di Đà Phật tu hành ở nhân địa trọn đủ năm kiếp. Năm kiếp này là đại kiếp, không phải tiểu kiếp. Nếu không phát tâm dài lâu ắt không thể nào thành tựu. Quyết không thể nói: Tôi học Phật đã được mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm v.v…. là đủ rồi, không cần phải nỗ lực nữa, vậy thì sai rồi! Mười năm, hai ba mươi năm, có thể học được thứ gì chứ?! Tuyệt đối không nên có ít cho là đủ. Đối với dục vọng phải nên ít muốn biết đủ, nhưng cầu học đạo thì không thể nào ít muốn biết đủ. Vừa ít muốn biết đủ thì bạn không thể nào hướng lên trên.

Cho nên, phải không ngừng tinh tấn mãi đến Như Lai quả địa. Đến Như Lai quả địa mới chân thật là “vô học”, Bồ-tát Đẳng Giác vẫn còn phải tu học. Người học Phật, đối với bất cứ thú vui gì của thế gian vẫn không bằng học Phật, như vậy mới có thể “cung thận bảo trì”. Hơn nữa, việc học Phật phải đi đôi với thực hành, nỗ lực làm đến được “Pháp hỉ sung mãn” công phu mới chân thật có lực, một chút miễn cưỡng cũng không có, trí tuệ mới phát sinh, tâm từ bi mới mỗi ngày thêm lớn.

Trong Luận ngữ, câu nói đầu tiên “Học nhi thời tập chi, bất diệt duyệt hồ”, đây là Khổng Phu Tử dạy chúng ta học rồi phải thực hành. “Tập” chính là thực tiễn, nuôi dưỡng thành thói quen, mỗi giờ, mỗi phút đều thực tiễn, “thời tập chi”, pháp hỉ liền tràn đầy. Nên nhớ: “duyệt” cùng “lạc” không như nhau. “Lạc” là sự vui do tác động bên ngoài hưởng thụ của năm dục, sáu trần. “Duyệt” là an vui phát xuất từ nội tâm lưu lộ ra bên ngoài, không phải từ ngoài đến.

Tu tập công đức”; Đại đức xưa nói: “chuyển quen thành lạ, chuyển lạ thành quen”. Phàm phu thói quen là tạo ác, “thân-khẩu-ý” tạo tác mười ác nghiệp, không cần học họ cũng biết làm. Trên Kinh Phật dạy: mười ác là sai, phải đem nó chuyển thành mười thiện. Mười thiện, chúng ta chưa quen, thế nhưng vâng lời Phật dạy, chúng ta nỗ lực, gắng sức đem cái lạ chuyển thành cái quen. Khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm đều tương ưng với mười nghiêp thiện, hành vi của mười nghiệp ác dần dần xa lìa, không còn tạo tác nữa, đó chính là “chuyển quen thành lạ”, gọi là tu tập.

Tu” chính là tu chánh, tu sửa thói quen sai lầm thành tập quán chính xác. Tập quán chính xác chính là năm giới, mười thiện, đây là có “Giới”. Nâng cao hơn một tầng đến tu học trong Đại thừa là phá mê khai ngộ, tức là tu học có sức “Định”, có sức “Tuệ”. Sức “Định”,“Tuệ” có cạn sâu khác nhau. Sức Định càng sâu, trí tuệ càng rộng. Chúng ta xem thấy trên kinh: “Định” của A-la-hán là “Cửu Định”, siêu việt ba cõi sáu đường; sức Định này vượt qua sức Định của “Bát Định” (quả báo của Bát định là cõi trời “Phi Tưởng Phi Phi tưởng”.) Định Tuệ tiếp tục nâng cao, đó chính là quả báo của Bồ Tát trong “Thập pháp giới”. Lại hướng lên trên đến quả báo của Phật trong “Thập pháp giới”, nếu siêu việt mười pháp giới sẽ đến “Pháp giới Nhất Chân”. Trong “Pháp giới Nhất Chân” còn có bốn mươi mốt giai cấp, cho nên công phu của Định, Tuệ phải không ngừng nâng cao, không thể nào đình chỉ. Một phần công phu liền có một phần thu hoạch; thu hoạch chính là “đức”. Trong “công đức”, chữ “đức” cùng với chữ “được” (mất) của chúng ta là một ý nghĩa.

–  Làm thế nào bảo trì được công đức?

– Trong Phật pháp thường nói: “Lửa thiêu rừng công đức”. Tu “công đức” thật không phải dễ! Nếu không cẩn trọng, chỉ một đóm lửa nhỏ của sân giận cũng thiêu rụi hết cả rừng công đức! Thật sự muốn tu công đức phải thật cảnh giác điều này, nhất định không khởi tâm sân giận, vì đây là ma chướng! Kinh Kim Cang nói “nhất thiết pháp đắc thành ư nhẫn”, nhẫn nhục Ba la mật có thể giúp ta bảo trì được công đức.

Nên biết: “Phước báo” có thể san sẻ cho người khác; với “công đức” thì không được! “Công đức” người nào tu người đó được, nên nói: “Ông tu ông đắc, bà tu bà đắc, không tu không đắc”. Ví như bạn có tiền bạc, của cải có thể ban tặng cho người khác, đây là phước báo mà bạn có được. Còn “công đức” là công phu tu hành của bạn, không cách chi ban tặng cho người.

Nên nhớ: Chỉ có “công đức” mới giải quyết được vấn đề sinh tử, “phước đức” thì không thể! Trong “công đức” có đầy đủ “phước đức”. Trong “phước đức” không đầy đủ “công đức”. Từ mặt thiển cận mà nói: Lợi ích chúng sinh là “công đức”, nhưng lợi ích chúng sinh phải không dính vào tướng lợi ích chúng sinh, cái công đức này mới thù thắng, quả báo mới không thể nghĩ bàn. Nếu làm sự nghiệp lợi ích chúng sinh mà chấp tướng thì đó chỉ là phước đức.

Phàm hễ làm tất cả việc lợi ích chúng sinh đều gọi là bố thí. Trong bố thí, nếu không có trí tuệ, việc bố thí này chỉ là “phước đức”, quả báo của “phước đức” này tương lai đến đâu hưởng thì không nhất định!

Lần này, tôi đến Úc Châu, có đồng tu nói với tôi: Bên đó có một người rất giàu có, chết rồi để lại tài sản trên một tỷ cho con chó cưng của ông, không cho con cái, cũng không cho hội từ thiện. Ông bảo luật sư làm tờ di chúc, tất cả tài sản đều giao cho con chó đó, báo chí Úc đều đăng tin, con chó đó là đại phú ông, tài sản trên tỷ bạc! Bạn xem! Yêu thích chó đến như vậy! Cho nên tôi khẳng định, sau khi chết nhất định ông làm thân chó! Yêu thích chó, nhất định chết rồi sẽ đầu thai làm chó! Ông ta không biết được, nếu đem số tài sản này làm những việc lợi ích xã hội mà không chấp tướng, đời sau sẽ sinh lên trời làm vua trời, hiện tại do vô minh mà làm thân chó! Có thật đáng tiếc chăng? Đây gọi là người ngu si, cơ hội có mà để lỡ qua trước mắt!

Do đây có thể biết, trí tuệ Bát Nhã quan hệ rất lớn! Không có trí tuệ, cái mà bạn tu được chỉ là phước báo; phước báo đến đâu hưởng thì không nhất định! Bạn xem! Phú ông giàu đến vạn ức có thể đầu thai là một chú chó! Con chó của ông ta đời trước nhất định có tu đại phước báo nên đời này có được tài phú nhiều đến như vậy. Nhưng, trong tu phước của nó không có trí tuệ nên đầu thai làm chó để hưởng phước. Tóm lại, “tu tập công đức”, câu này chúng ta phải rất rõ ràng tường tận.