VÔ NHẤT ĐẠI SƯ THÍCH THIỀN TÂM MỘT CAO TĂNG CẬN ĐẠI

Soạn Giả: Ưu Bà Di, Bồ Tát Giới BẢO ĐĂNG
Giảo Chánh: Sa môn THÍCH HẢI QUANG
Xuất Bản: Pháp Hoa Tự, Tucson-Arizona

 

III. - GIAI ĐOẠN XUẤT DƯƠNG (Lên tỉnh học)

Năm cố Hòa thượng được 12 tuổi (cuối năm 1937) thì ngài đã hoàn mãn xong chương trình Tiểu học (lớp nhứt) ở trường làng. Vì nơi đây không còn có lớp để tiếp tục cho chương trình Trung học, nên hễ ai muốn học thêm thì phải lên trên tỉnh lỵ mới có được đầy đủ phương tiện.

Riêng cố Hòa thượng, ban đầu ngài cũng không có ý định muốn đi học tiếp vì các lẽ: gia đình nghèo không mấy dư dả cho lắm, phần thêm anh chị em đông vả lại cũng không có người quen trên tỉnh thị để ở nhờ (trọ học).

Hơn nữa, như đã nói ở phần đầu, ngài là một người thông hiểu đạo lý rất sớm, vả lại cũng bởi có căn tu sâu dầy nên tuy tuổi còn nhỏ mà tánh tình đã sớm biết suy xét sâu xa như một người lớn, thân tuy còn tại gia mà tâm như đã gởi nơi chốn am thiền, chí nguyện của ngài là chí nguyện xuất trần chớ không phải là chí nguyện của người nơi bể tục. Vì thế cho nên trong tâm ngài không có một ý niệm gì về các việc tranh danh, đoạt lợi cõi đời này cả.

Sự việc này được chứng minh nhân dịp đi đưa đám ma của một người quen chòm xóm mà trong quyển bút lục anh năm của ngài có chép lại một bài thơ sau đây:

NỔI LÒNG TU SĨ (2)
Hôm qua nhìn thấy cảnh vô thường,
Tang quyến khóc buồn dạ mấy thương.
Tu sĩ nghe lòng dâng đau xót,
Ý niệm thoát trần mãi vấn vương.
*********

Ra trước bàn thờ thắp nén hương,
Cúng dường Phật tổ chốn Tây Phương.
Tu sĩ biết đời ai tránh khỏi,
Vùi thân huyệt lạnh cạnh bên đường!
Nhựt Thăng Tu sĩ 1937.
(Đám ma bác tư)

Qua bài thơ này ta nhận thấy rõ ràng bổn ý của ngài là muốn đi tu (thoát trần) chớ không thích luyến đời như thường tình nhân thế. Nhưng mà đối với một con người đặc biệt khác thường như ngài thì đương nhiên là ngài phải cân phân kỹ lưỡng trước khi quyết định một việc gì có tánh cách quan trọng, nhất là cái việc “chung thân đại sự“ (tu tập) của mình.

Là một “ông đồ nho con” am tường điển chương, đạo lý, qua các bộ sách Nho văn của thân phụ, thì ngài cũng đã đọc biết trong quyển Kinh Thi của Khổng giáo có bài thơ rằng:

– Phụ hề sanh ngã,

– Mẫu hề cúc ngã, phủ ngã, súc ngã, dưỡng ngã, dục ngã, cố ngã, phục ngã, xuất nhập phúc ngã.

– Dục báo chi đức,

– Hiệu thiên võng cực.

nghĩa là:

– Cha sanh ra ta,

– Mẹ cho ta bú mớm, ẳm bồng, nuôi nấng, giữ gìn, dạy dỗ, trông nôm, săn sóc, ra vào bồng ẩm ta.

– Muốn báo công đức đó,

– Khó như muốn vói tay đụng đến trời cao vậy.

Như thế thì qua bài thơ này ta thấy cha mẹ đối với con có đến 9 chữ “Cù lao” (Tức là cần cù, lao nhọc) để nuôi con, và đương nhiên là cố Hòa thượng ngài cũng biết rõ như vậy.

Chín chữ ấy là:
– Cha SANH (có một)

– Mẹ DƯỠNG (có 8 điều): Cúc (bú mớm), Phủ (bồng ẳm), Súc (nuôi nấng), Dưỡng (giữ gìn), Dục (dạy dỗ), Cố (trông nom), Phục (săn sóc), Xuất nhập phúc (ra vào bồng ẳm để con trên bụng).

Vậy thì:

Một công của cha sanh.
Tám điều của mẹ dưỡng,

Chín cái “Đức cù lao” cao thâm này kẻ làm con biết lấy chi báo đáp cho vừa.

Lại nữa chắc chắn là cố Hòa thượng của chúng ta cũng đã sớm biết câu rằng:

Ai ai phụ mẫu,
Sanh dưỡng cù lao.
Dục báo thâm ân,
Hiệu thiên võng cực.

nghĩa là:

Nghĩ thương đến cha mẹ,
Ơn sanh dưỡng nhọc nhằn
Muốn báo trọn thâm ân,
Trời cao kia khó vói.

Hoặc như:

Ơn cha mẹ dưỡng sanh khó nhọc,
Đức Cù lao chín chữ bao la.
Ví như tay vói trời xa,
Báo đền cha mẹ dễ mà được ư!

Vì những lý do như vậy cho nên một trang nho giả trẻ tuổi như cố Hòa thượng của chúng ta bắt buộc phải để tâm suy nghĩ lại cho thật chính chắn về vấn đề muốn “thoát trần” sớm của mình. Bởi ngoài cái công ơn sanh dưỡng cao thâm rất khó đền, khó báo kia ra, mà hiện tại đây thân mẫu của ngài do nơi nhiều lần sanh nở (cho một đàn con 13 đứa) nên sức khỏe càng ngày càng thêm mỏi mòn, thân thể suy hao, tàn tạ. Hơn nữa vì gia đình ở chốn ruộng vườn xa xôi tỉnh thị, ăn uống thiếu thốn dinh dưỡng, bệnh hoạn thiếu thốn thuốc men, nên đã từ lâu Cụ bà vương mang nhiều bệnh tật trầm kha, dây dưa khó trị.

Qua nhiều ngày đêm suy nghĩ, đắn đo, lòng hiếu thảo của một người con hiểu điều đạo lý đã khiến cho trong tâm của ngài nảy sinh ra một ý niệm là đi học Đông y (tức là thuốc Bắc – Hồi xưa thì ngành Đông y và thuốc Bắc phổ cập trong dân chúng nhiều hơn Tây y) để trị lành bệnh cho mẹ trước, hầu lấy đó mà đền đáp lại phần nào thâm ân dưỡng sanh cao rộng của đấng mẫu từ.

Ngài đem ý định nay trình bày với thân phụ để xin lên tỉnh học và được cụ ông chấp thuận. Vì bản quận Hòa Đồng nằm trong tỉnh lỵ Gò Công, nên ban đầu cụ ông định đưa ngài lên Gò Công để học và tạm trú nơi nhà của một người quen làm nghề buôn bán tôm cá ngoài chợ.

Nghe thân phụ nói lại là sẽ ở trọ nơi nhà của một người làm nghề buôn tôm bán cá tức là buôn bán sanh mạng, máu thịt của chúng sanh để sống thì ngài không được vui và có ý bần dùng (chậm trễ), ba bốn ngày trôi qua mà cũng chưa quyết định được chi hết nên trong dạ lo buồn.

Bỗng dưng sáng sớm hôm đó ngài nói với anh năm của ngài là ngài sẽ lên Mỹ Tho để học thay vì đi xuống Gò Công như đã dự tính.

Anh năm ngài nói:

– Chú muốn học ở Mỹ Tho thì cũng được nhưng mà cậu đâu có quen ai ở trên đó.

Ngài mạnh dạn nói:

– Cậu không có người quen, nhưng tôi có, chẳng những có người quen không thôi mà tôi còn có nhà sẵn để ở trọ nữa.

Anh năm ngài nghe xong lấy làm lạ tưởng ngài nói đùa, vì từ bé đến giờ ngài chưa hề cất chân đi ra khỏi làng một bước thì làm gì có người quen và nhà ở sẵn trên chợ Mỹ Tho, nhưng rồi thấy vẻ mặt của ngài nghiêm trang, đứng đắn, vả lại anh năm của ngài cũng biết rằng người em trai “đặc biệt” này ít có bao giờ nói chơi (nói bá láp) lắm nên mới hỏi duyên cớ, thì ngài kể chuyện như sau:

– Hồi khuya này đang ngủ thì nghe có tiếng gõ cửa, thì tôi mới chạy ra mở thì thấy có một vị lão tăng mặc áo vàng đứng bên ngoài. Tôi mừng lắm lật đật cúi lạy rước vào nhà mời ngồi trên ghế và dâng nước trà cho ngài uống.

Hòa thượng kêu tôi tới gần lấy tay vò đầu tôi 3 cái rồi nói:

– Con giỏi lắm và lúc nào cũng ngoan ngoãn dễ dạy.
Tôi mới quỳ xuống thưa rằng:

– Bạch đại sư ngài là ai và từ nơi chùa nào mà đến nay thăm con vậy?

Hoà thượng đáp:

– Ta chính là bổn sư của con từ chùa cũ, ở phương xa kia, nay vì việc tu học của con mà ta đến nay.

Tôi nghe nói vậy thì mừng lắm vội thưa:

– Bạch Hòa thượng bổn sư xin từ bi dắt con đi tu vì lòng con ao ước đã từ lâu rồi.

Hòa thượng nói:

– Tố hảo lắm, việc phải như vậy. Nhưng bây giờ chuyện đi tu ấy hãy tạm gác lại một bên, lo trị cho mẹ con lành bệnh trước đã, khi nào xong rồi ta sẽ tiếp độ cho.

Nói xong đại sư bước xuống ghế đi ra cửa, tôi lật đật chạy theo thì ngài lấy trong túi ra một bao thư màu đỏ đưa cho tôi và nói:

– Mọi việc thảy đều sẵn đủ. Con hãy y theo (lời dặn) trong thơ đó mà tiến hành thì sẽ được như ý chớ có lo buồn chi.

Nói xong rồi ngài bước ra ngoài đi mất.

Tôi mới mở bao thư ra coi thì thấy bên trong có một tờ giấy nhỏ ghi bốn câu thơ rằng:

Đây nào có phải mấy ai xa,
Tu sĩ bổn sư chính thiệt ta.
Nhắc Đó chớ quên lời PHẬT ẤN,
Vĩnh tự Tràng kia vốn thiệt nhà.

Tôi xem xong vừa đi vừa suy nghĩ thì vấp phải ngạch cửa té nhào thức dậy, thì ra là chiêm báo chớ không phải thiệt. Vậy anh nghe và có biết ý của bốn câu thơ này ra sao chăng?

Anh năm ngài nói:

– Ba câu trên thì dễ hiểu ví ý nó đã rõ ràng ra như vậy rồi. Còn câu thứ tư, ba chữ đầu thì chữ Tự là chùa Vĩnh Tự Tràng là Chùa Vĩnh Tràng. Vậy là sao, cái gì là Vĩnh Chùa Tràng, hay là chùa Vĩnh Tràng chăng?

Ngài khen rằng:

– Anh cũng khá đó, Vĩnh Tự Tràng tức là Vĩnh Tràng Tự, là Chùa Vĩnh Tràng của Hòa thượng PHẬT ẤN ở Mỹ Tho đó. Anh còn nhớ năm rồi Hòa thượng Phật Ấn đã nói gì không?

Anh năm ngài đáp:

– Tôi còn nhớ chớ và tôi cũng có ghi chuyện ấy vào trong sổ tay nữa.

(Đến nay Bảo đăng tôi xin nhắc lại để quý đọc giả nhớ lại lời của Hòa Thượng Phật Ấn hứa năm xưa với thân phụ của ngài nơi ruộng lúa rằng:

– Tôi là Hòa thượng Phật Ấn trụ trì chùa Vĩnh Tràng tại chợ Mỹ Tho nếu như về sau ông muốn cho đứa bé này đi tu thì hãy dẫn nó đến gặp tôi ở đấy”)

Quả thật là cái chuyện đi tu học của ngài đã được chư Phật sắp đặt sẵn rồi, chớ không phải là hên xui, may rủi đâu, cho nên vị lão tăng tự xưng là bổn sư của ngài trong giấc chiêm bao có nói:

– “Mọi việc thảy đều sẵn đủ Con hãy y theo đó mà làm thì sẽ được như ý”

Đại khái thì bài thơ này nói:

– “Ta nay không phải là người xa lạ đâu mà chính thật là bổn sư của ngươi đó, nay ta đến để nhắc cho ngươi nhớ rằng:

– Chớ có quên lời hứa của PHẬT ẤN Hòa thượng năm xưa, chùa Vĩnh Tràng kia thiệt là nhà của ngươi đó. (Hãy đến đấy ở chớ đừng đi Gò Công).

– Sau khi nhắc lại việc của Hòa thượng PHẬT ẤN hứa năm xưa xong. Cố Hòa thượng của chúng ta cười vui và có vẻ phấn khởi lắm, ngài ứng khẩu đọc liền 4 câu thơ sau nay:

Đêm qua mơ thấy bổn sư ta,
Đến bảo nay con chớ xót xa.
Phật Ấn năm xưa lời có dặn,
Vĩnh Tràng Tự kia vốn thiệt nhà,

Sau đó ngài mời thưa trình lên thân phụ sự việc trên và xin được lên Mỹ Tho để học thay vì đi xuống Gò Công. Cụ ông nghe nhắc, nhớ lại chuyện năm xưa nơi ruộng lúa nên cũng mừng và chấp nhận quyết định chọn ngày khởi hành,nhắm hướng Mỹ Tho và chùa Vĩnh Tràng trực chỉ.

Trong quyển “Nhựt Thăng tu sĩ di cảo” có ghi lại một bài thơ về việc lên tỉnh học y dược của ngài như sau:

Chẳng vì phú quý lẫn cao sang,
Cám cảnh mẹ hiền bệnh khổ mang.
Quyết tâm lên tỉnh tìm phương thuốc,
Dứt bệnh mẫu từ dạ mới an.
Việc “thoát trần” kia nay tạm hoãn,
Nghiên tầm y dược cứu lầm than.
Chắp tay hướng đấng từ bi lễ,
Độ trì thân mẫu sớm an khang.
Nhựt Thăng Tu sĩ
(Ngày lên tỉnh học)

Sau khi cùng với thân phụ lên đến chợ Mỹ Tho, tìm gặp được Hòa thượng PHẬT ẤN nơi chùa Vĩnh Tràng, đảnh lễ và trình lên cho ngài xong hết mọi việc như vậy rồi, Hòa thượng nghe qua lấy làm hoan hỉ, liền chấp nhận cho ngài ở học và còn hứa thêm là sẽ tận tình giúp đỡ cho cố Hòa thượng của chúng ta sớm thành đạt được những điều mong muốn.

Từ đó trở đi, ngài ở luôn nơi chùa Vĩnh Tràng để tiếp tục việc học của mình. (Kể từ nay, cuộc đời của ngài đã bắt đầu bước vào trong một khúc quanh mới, cực kỳ quan trọng cho con đường đạo học và xuất gia sau này – bởi vì hai cái PHẬT ẤN Hai cái Phật Ấn: một là của Phật đóng vào trán, hai là Hòa thượng bổn sư Thích Phật Ấn của ngài nay đã trùng hợp lại. Châu hườn hiệp phố)

Ban đầu ngài định chuyên học về Đông y thôi, nhưng thuận theo lời khuyên của Hòa thượng nên ngài lại tiếp tục học thêm lên bậc sơ trung (tức là trung học đệ nhất cấp ngày nay) để mở rộng thêm các kiến thực về văn hóa (Bởi vì ý của Hòa thượng trụ trì muốn rằng sau nay khi ngài xuất gia, phải có đủ khả năng văn hóa, và trình độ học thức mới có thể ra hoằng dương đạo pháp làm lợi ích cho Phật giáo được.).

Vì thế cho nên việc học của ngài chia ra làm ba bộ môn:

– Sáng thì theo học văn hóa (ngoại điển) nơi trường trung học tỉnh.

– Chiều lại thì đi học Đông y.

– Tối đến thì theo chư tăng học các thời khóa công phu, tụng kinh, bái sám.

Vĩnh Tràng tự là một ngôi chùa lớn có đông tăng ni, đặt biệt là Kinh điển (chữ Nho) đầy đủ cho nên ngài được môi trường rất thuận tiện để tu học. Hơn nữa vì đã được biết ngài có chí nguyện xuất gia sau nay nên Hòa thượng và chư tăng trong bổn tự đều có lòng thương mến, giảng dạy cho ngài học thêm phần nội điển (kinh pháp), ấy cũng vì Hòa thượng bổn sư muốn có thiện căn và chủng tử xuất gia của ngài được thêm cơ duyên tăng thượng hầu ngày sau khi xuất gia trở thành một vị tăng sĩ rồi, ngài có đầy đủ hết các phần đạo học cần thiết, khả dĩ có thể làm nên sự lợi ích tốt đẹp cho nền Phật pháp ở tương lai.

Ngài căn tánh vốn dĩ lanh lợi, thông minh, thêm vào đó là sự cần mẫn, quyết tâm học hỏi để đạt cho được mục đích của mình, vì vậy nên tất cả các phần học vấn của ngài từ ngoại điển, Đông y dược học và nội điển thảy đều tiến bộ vượt bậc, đặc biệt là về bộ môn Phật học thì vô cùng xuất sắc. Bởi trong tiền kiếp đã có công huân tu rồi nên hiện đời ngài học kinh điển rất dễ dàng và mau thành thuộc.

Sống ở nơi Vĩnh Tràng tự này ngài được thích ứng cũng như là rồng gặp mây, cá gặp nước vậy mặc tình tu tập cho phỉ chí bình sanh.

Hòa thượng trụ trì và tất cả tăng chúng trong chùa ai nấy cũng đều ngầm hiểu rằng ngài là một “pháp khí” trong đạo Phật và chắc chắn sẽ làm thịnh vượng cho nền Phật giáo về sau.

Phật Ấn Hòa thượng là một vị đại sư có danh cho nên được mọi giới đời, đạo gần xa và riêng tại thị xã Mỹ Tho nể trọng, vì thế mà việc học Đông y của cố Hòa thượng chúng ta cũng nhờ vào đó mà được thuận duyên thêm qua sự giới thiệu của ngài Phật Ấn đến một vài Đông y sĩ nổi danh trong tỉnh lỵ mà đã từ lâu từng quen biết cùng với Hòa thượng Vĩnh Tràng.

Vả lại khi xưa lúc ngài tác ý đi học thuốc thì trong tâm chỉ có một điều nguyện duy nhất là trị lành bệnh cho mẹ rồi đi tu chớ không phải muốn nương dựa vào đó để gây tạo duyên đời. Cái tấm lòng hiếu thảo ấy có lẽ đã cảm đến Phật, Trời nên được bề trên gia hộ, vì vậy mà khiến xui cho ngài mỗi khi đến học Đông y với y sĩ nào thì người đó hết lòng dạy bảo chớ không có dấu nghề, thậm chí còn giới thiệu cho ngài đến các y sĩ bạn hữu danh để học thêm y thuật nữa.

Như trường hợp của vị Đông y Tế An Đường tự thân dẫn ngài đến một người bạn chí thiết của ông ở miền quê nằm sâu trong quận Trung Lương để học cho tường tận thêm về bộ mạch “THÁI TỐ” là một bộ môn y thuật đoán bệnh như thần, trăm ngàn lần không sai một. (mà ngày nay gần như đã bị thất truyền).

Môn y phương nay rất khó học được, vì thường là không truyền cho người ngoài họ chính ngay như vị y sư của bộ mạch THÁI TỐ nầy trước kia cũng có lời nguyện với sư phụ là chỉ truyền lại (y phương) này cho con trai trong dòng họ chớ không truyền cho con gái – vì sợ con gái khi có gia đình rồi sẽ chỉ lại cho chồng là người dị tộc (khác họ) làm tiết lộ cái y thuật bảo bối (quý báu) của gia đình ra cho người ngoài họ biết đi.

(Người Á Châu ta, thường có cái thông lệ là ưa “dấu nghề” này lắm. Thà là mang theo xuống chốn “tuyền đài” cùng với họ luôn chớ không chịu truyền ra cho người ngoài họ, hoặc truyền cho con gái trong gia đình, vì thế mà chỉ riêng cho ngành Đông y thôi, bị mất đi không biết bao nhiêu là bài thuốc hay được xem như là “thần phương, thánh dược” có công năng “khởi tử hồi sanh” (tức là người mới vừa chết mà uống thuốc này vào cũng có thể sống lại được). Việc làm ích kỷ này trái hẳn với người Âu Châu rộng lượng là khi họ đã phát minh ra được một điều học nào hay hoặc bất cứ là bộ môn nào có tánh cách lợi ích họ cũng đều in ra thành sách và dẫn giải cặn kẽ cho khắp cả mọi người gần xa học hỏi. Cho nên các xứ Tây Âu càng ngày càng thêm văn minh, tiến bộ là như vậy).

Trở lại việc của cố Hòa thượng chúng ta khi được giới thiệu đến để cầu học về bộ “THÁI TỐ thần mạch” nơi vị y sư ẩn danh nay. Có lẽ do vì tấm lòng hiếu hạnh, thiện tâm và đức độ của ngài chiêu cảm, hay là được Phật, Bồ tát gia hộ không chừng, cho nên vị y sư này thay vì từ chối như hàng chục, hàng trăm lần trước đây theo lời thệ nguyện của mình, mà nay trái lại đối với ngài thì y sư đó lại vui lòng chấp nhận và còn tận tình dẫn thêm nữa khiến cho y sĩ Tế An Đường và cả gia đình của chính vị y sư kia đều vô cùng ngạc nhiên, quái lạ.

Cố Hòa thượng theo y sư học bộ mạch THÁI TỔ kỳ diệu này suốt cả một năm, ban ngày thì đến nhà thầy để học, chiều lại thì về ngôi chùa gần bên để trú ngụ (trụ trì ngôi chùa này là bạn của PHẬT ẤN Hòa thượng). Trong thời gian lưu trụ trong ngôi chùa nay, ngài lại có thêm một kỷ niệm vui tươi và ngộ nghĩnh khác nữa mà trong quyển “NHỰT THĂNG tu sĩ di cảo” ghi lại như sau:

– Nguyên đây là một ngôi chùa cổ trong làng nên rất là xưa cũ, chùa gồm có một thầy trụ trì tuổi khoảng 60 và 4 chú tiểu mà chưa có chú nào quá 9, 10 tuổi hết.

Hôm đó thấy thầy trụ trì có việc phải đi cúng đám (ma) ở làng bên, vì đường xá xa xôi nên phải mấy ngày sau mới về được. Trước khi đi thầy kêu mấy chú tiểu tới dặn: Ở nhà phải giữ thời khóa công phu thường lệ chớ không được bỏ bê, biếng trể. Nếu vi phạm thì sẽ bị quỳ hương và phạt đánh đòn (bằng roi mây) nghe không?

Các tiểu đều vâng dạ và thưa rằng:

– Xin tuân lời sư phụ, chúng con sẽ “y giáo phụng hành”. Và do vì thấy mọi chuyện căn dặn đều được mấy chú tiểu dạ rân lên “nhất nhất như luật lịnh” hết nên thầy trụ trì an lòng xách dù, quảy gói ra đi.

Nhưng có một điều quan trọng mà thầy trụ trì quên để ý tới, đó là cách nay năm sáu ngày trước trong làng có một gánh hát mới về và hiện vẫn còn đang tiếp tục trình diễn. Bà con trong làng xem hát đêm nào cũng đi, về ngang qua trước cửa chùa nườm nượp (rộn rịp). Nghe ai nấy cũng đều khen rằng đoàn hát nay hay quá, đào đẹp, kép trẻ, diễn xuất hay, ca ngâm ngọt như mía lùi v.v… làm cho mấy chú nô nức trong lòng, thèm muốn leo rào đi coi hát gần chảy nước miếng mà không dám vì thầy trụ trì còn ở nhà, ngồi đứng một đống chần dần giữa chùa như ông thần hộ pháp gác cổng, thấy bắt dễ sợ thì còn chú nào mà dám hó hé chớ!

Hôm nay đột nhiên nghe thầy nói bận đi cúng đám ở xa, mấy hôm sau mới về thì mấy chú khoái tỉ, mừng rân như tù sắp được thả. Tuy rằng đứng nghe thầy dặn phải nhớ làm thế này, thế kia, miệng thì dạ rân nói y giáo phụng hành (sẽ y theo lời dạy mà làm) nhưng mà mắt của mấy chú đã đá lông nheo với nhau hết, chỉ tội cho ông thầy không thấy mà thôi, vái lầm thầm làm sao để ổng đi cho lẹ, đặng chúng mình còn tính đường “tương chao” nữa chứ (nghĩa là đêm nay sẽ đi xem hát một bữa cho thả cửa, đã thèm).

Vì vậy mà khi thầy trụ trì vừa đi khuất sau cổng chùa là mấy chú đồng nhảy dựng lên, vỗ tay reo hò mừng rỡ như người tử tội được đại xá không bằng.Chiều lại khi cơm nước xong xuôi, mấy chú đến gõ cửa phòng rủ cố Hòa thượng của chúng ta tháp tùng xem hát chung cho vui.

Ngài không chịu đi và đáp rằng:

– Thôi, tôi không đi đâu vì tôi bận học, mấy huynh muốn thì cứ đi xem, để tôi ở nhà giữ chùa cho.

Nghe ngài nói sẽ ở nhà giữ chùa thì mấy chú còn mừng hơn nữa, làm bộ màu mè cám ơn một hồi rồi dặn rằng:

– Vậy sư huynh ở nhà thì nhớ tới 7 giờ 30 lên chánh điện đánh chuông, mõ lên tụng kinh dùm cho chúng đệ nghe, chớ không sư phụ về sẽ bị rầy.

Cố hòa thường đồng ý, chịu liền.

Còn mấy chú thì vui vẻ đi xem hát đến hơn 11 giờ khuya mới về, buồn ngủ ngáp dài, ngáp vắn hết (Bởi vì hồi xưa chùa có cái lệ là tối tụng kinh từ 7 giờ 30 đến 9 giờ, 9 giờ rưỡi là phải đi ngủ hết đến 4 giờ 30 thức dậy tụng Lăng Nghiêm, thập chú – công phu sáng – giờ giấc như thế đã quen rồi). Hôm nay đặc biệt thức quá giờ giấc vì mê xem hát nên chú nào cũng lo sáng bị ngủ quên hết, một mặt căn dặn “sư huynh” nhớ kêu chúng em dậy dùm, một mặt lấy áo tràng trồng vào mình sẵn sàng hết đặng sáng ngủ dậy thì ra tụng kinh liền cho khỏi mất thời gian mặc áo, vì mấy chú sợ rằng sẽ bị ngủ quên dậy trễ giờ công phu đi.

Sau đó đương nhiên là vừa chun vô mùng, đặt lưng xuống chiếu là chú nào, chú nấy thảy đều ngáy lên inh ỏi như là “gọi đò sang sông” vậy. Và tuy rằng ngủ mê nhưng bởi vì tâm thức cứ bị đặt trong một sự cảnh giác là phải nhớ dậy để tụng kinh sáng, đừng có trễ giờ v.v… cho nên vừa mới ngủ được một chập thì bỗng dưng có một chú giật mình thức giấc, còn đang mắt nhắm mắt mở, ngó lên đồng hồ treo trên tường thì đã 4 giờ sáng rồi nên hoảng kinh vội vàng đánh thức mấy chú kia dậy hết mà nói rằng:

Dậy, dậy đi, bốn giờ rồi, lẹ lẹ lên kẻo trễ tụng kinh. (Thật ra thì mới 12 giờ 20 phút thôi, nhưng bởi vì mới thức giấc còn đang sật sừ, say ngủ nên sớn sác ngó không rõ, lầm cây kim dài mà thấy là cây kim ngắn, cây kim ngắn mà lại thấy ra cây kim dài, cho nên mới 12 giờ 20 phút khuya mà thấy lộn thành ra là 4 giờ sáng!).

Mấy chú kia đang ngủ mê nghe kêu dậy và nói là 4 giớ sang rồi thì hoảng vía hết, lật đật ngồi dậy vừa vun vãi, vừa ngáp dài nói bứ xứ rằng:

– Cha chả, bữa nay ngủ một giấc thiệt là ngon hết sức, mới vừa nằm xuống có một chút xíu mà đã tới bốn giờ sáng rồi mau quá.

Sau đó rồi thì cả bốn chú đồng chạy ra ngoài chánh điện, người thì ôm chày đi dộng đại hồng chung, người thì xách dùi khua trống bát nhã, gõ mõ, đánh chuông lên tụng niệm om xòm một hồi, chưa xong thời kinh thì thảy đều lăn cù ra ngủ gục tại chỗ hết!

Lúc đó cố Hòa thượng của chúng ta đang còn thức để học bài, bỗng nhiên nghe tiếng chuông trống bát nhã của thời khóa công phu sáng nổi lên inh ỏi thì ngài lấy làm lạ lắm vì mới có hơn 12 giờ khuya thôi, bữa nay sao mà kỳ cục vậy. Kế tiếp đó ngài lại nghe tiếng tụng kinh vang lên, lè nhè vô trật tự như người say rượu, chưa đầy 15 phút thì êm ru hết nên càng lấy làm quái dị hơn nữa, lật đật chạy lên chánh điện thăm chừng.

Khi lên đến nơi thì ngài trông thấy một cái quang cảnh rất là khôi hài hiện ra trước mắt:

– Chú giữ mõ thì gục đầu xuống ôm cái mõ ngủ khò.

– Chú đánh chuông thì gục đầu vào trong bụng chuông ngái pho pho.

– Hai chú tụng kinh ở phía dưới thì chổng mông lên, gục đầu xuống quyển kinh ngái kêu ro ro như thổi sáo.

Làm cho ngài không sao dằn (bụng) được, đứng bụm miệng lại mà cười sục sục một hồi cho đã, rồi nhẹ chân bước ra ngồi để cho mấy chú được “an lành trong mộng đẹp”.

Tưởng như vậy rồi thôi, không dè cái thời khóa công phu trái giờ giấc đó còn phát sanh ra nhiều chuyện “tréo cẳng ngỗng” khác nữa.

Nguyên trong làng này, hầu hết dân chúng đều không có đồng hồ, (hồi xưa đồng hồ không được phổ cập như bây giờ, nên chỉ vài ba nhà giàu mới có mà thôi) đa số còn lại chỉ căn cứ vào tiếng chuông mõ công phu ở bên chùa mà biết giờ giấc, thí dụ như tối nghe tiếng chuông mõ tụng kinh thì biết là 7 giờ 30, sáng sớm nghe tiếng trống (bát nhã) công phu thì biết là 4 giờ 30 sáng rồi, căn cứ vào đó mà thức dậy, chuẩn bị cho các công việc thường nhật của mình.

Hôm nay cũng thế, khi nghe bên chùa tiếng chuông trống công phu sáng nổi lên thì trong làng có một số các bà buôn bán ở xa thức dậy, sửa soạn hàng gánh, quảy rau cải, gà vịt, tôm cá v.v…đi ra chợ bán. Thường lệ thì mỗi khi họ ra đến chợ một chút sau thì thấy các tiệm bán đồ (tạp hóa) sửa soạn mở cửa, kế lại chút xíu nữa là thấy các bạn hàng khác đồng tới nhóm họp, không bao lâu thì trời sáng trắng ra, chợ nhóm đông đảo, nhưng bữa nay thì ai nấy cũng đều lấy làm lạ không biết vì sao mà khi ra đến nơi chợ lại vắng tanh, chờ hoài cũng không thấy ai tới, mà các tiệm buôn cũng không chịu mở cửa nữa (vì mới có 1, 2 giờ sáng thì đâu có ai mà đi chợ buôn bán) báo hại mấy bà bị gió thổi lạnh run, phần thì chợ khuya vắng vẻ nên ai nấy cũng đều sợ ma hết, nhưng mà lỡ rồi cũng không biết làm sao hơn, đành ngồi chùm nhum lại với nhau nói chuyện cho đỡ rét và đỡ sợ trước cái cảnh đêm khuya vắng vẻ, gió thổi lạnh lùng đó.

Mấy bà tức quá, đến trưa lại thì mãn chợ về nhà xong rồi đồng kéo nhau lên chùa “khiếu nại” thì mới hay là thầy trụ trì bận đưa đám ma đi vắng nên cằn nhằn: “mấy chú hại tụi tôi” một hồi rồi về hết.

Trong số đó có một ông vừa cằn nhằn vừa kể cái chuyện “tréo cẳng ngỗng” của ông như sau:

Theo thường lệ mỗi khi nghe tiếng chuông trống công phu sáng nổi lên như vậy thì ông thức giấc, sửa soạn kẹo đậu phộng, bánh ngọt đem ra ngoài cái quán tranh của ông ở đầu làng bày ra và nấu nước trà để bán cho mấy người đi làm sáng sớm, thí dụ như có ai đi ngang qua thì ghé vào quán tranh của ông mua một hai miếng kẹo đậu phộng ăn và uống nhăm nhi vài ba chung trà nóng cho ấm rồi đi tiếp.

Ngày nào cũng vậy hết, hễ ông ra đến quán, bày hàng ra, vừa nấu xong nước trà thì trời rạng đông (hừng sáng) và có người đến ăn kẹo bánh, uống trà, nói chuyện khào một lúc rồi đi. Nhưng đặc biệt bữa nay sau khi dọn hàng ra rồi, chờ hoài mà cũng không thấy có ai tới hết, trời khuya gió rét làm cho ông lạnh muốn teo ruột, phải rót nước trà nóng ra uống cho ấm lại, mà đã uống trà thì phải ăn kẹo (tựa nhưnhậu thì phải ăn đồ nhấm vậy), ông ấy nói:

– Báo hại tôi uống hết năm sáu bình trà ngon, ăn mấy chục miếng kẹo đậu phộng thì trời mới sáng, làm bữa nay tôi lỗ vốn. Bắt đền mấy chú đó. Mấy bà mấy ông la lối, kể lể một hồi khiến cho mấy chú xìu luôn như bong bóng bị xì hơi vậy.

– Trong bụng chú nào, chú nấy cũng “đánh lô tô” hết, bởi vì phen này mà “ông già” về thì chỉ còn có nước “xí lắc léo hết mong còn trông chi sống” rồi.

Sau khi mấy ông bà thăng hết rồi thì mấy chú buồn xo, cùng nhau than thở, chiều lại khi cố Hòa thượng của chúng ta từ nơi lớp học trở về, mấy chú kéo đến tâm sự và cầu cứu rằng:

– Ngày mai khi sư phụ về, xin sư huynh nói đỡ lời dùm cho chúng đệ, chớ nếu không thì chắc là “xí” hết cả đám.

Việc này, cố Hòa thượng vì mấy chú mà có bài thơ “thông cảm và lân mẫn” như sau:

Huynh ơi, bị đánh chịu sao kham!
Sư phụ hăm he lỡ sái làm.
Cũng bởi trống kèn đào kép gọi,
Khiến kẻ thiền môn nổi tánh tham.
Quỳ trước bệ vàng xin “khấn nguyện”,
Hát xướng từ đây dạ hết ham.
Hộ pháp ngài ơi xin “cứu giá”,
Thần nhãn hôm qua hại xác phàm!!

Mà quả thiệt như điều mấy chú lo sợ, hôm sau thầy trụ trì về, thì mấy ông, mấy bà lại “quang giáng đạo tràng” thêm một lần nữa, kể lại cho thầy cả nghe về cái thời khóa công phu sáng “tréo cẳng ngỗng” này và báo cáo lên các sự thiệt hại của họ như là người thì cảm hàn (vì bị gió khuya lạnh), người thì sợ ma thiếu điều muốn đau tim luôn, người thì bị lỗ vốn vì ăn thâm bánh kẹo v.v…

Báo hại thầy trụ trì phải kêu mấy chú tới xin lỗi và hứa không được tái phạm như vậy nữa.

Sau khi mấy ông mấy bà “thăng’ hết rồi thì quý độc giả cũng dư biết là chuyện gì xảy ra cho mấy chú rồi Bảo Ðăng xin miễn nói tiếp thêm. Bởi càng nói đến cái việc đó bao nhiêu thì càng thêm “tội nghiệp” bấy nhiêu!

Lý do vì Bảo Ðăng tôi còn tìm thấy trong di cảo có thêm một bài thơ khác nữa tiếp theo bài thơ “thông cảm và lân mẫn” trước như vầy:

Công phu thường khóa nhớ hay chưa?
Mấy tiểu vòng tay dạ kính thưa:
Sư phụ yên tâm xin chớ ngại,
Y lời dặn bảo dám “thưa mưa”
Mới lỡ lần đầu xin bớt giận,
Cúi dài chịu gậy mấy ai ưa
Úi cha đau quá xin nhè nhẹ,
Nứt đít từ nay hứa sẽ chừa.

Tiếp tục trở lại việc học của Cố Hòa thượng.

Như trước đã lược sơ qua, gồm có ba phần chánh yếu:

– Ngoại điển (sơ trung) – để theo kịp trào lưu tiến hóa của nền khoa học hiện đại cùng bảo đảm cho trình độ văn hóa tối thiểu cần phải có của một vị tăng (tương lai) khả dĩ có thể làm nên cho Phật giáo trong mai hậu (Và cũng để cho người Phật tử cư sĩ tại gia không dám khởi ý niệm coi thường hoặc bĩu môi khi dễ rằng đó chỉ là một thầy tăng quê mùa dốt nát, thất học).

– Đông y dược học với chủ ý duy nhất là mong sao sớm được thành đạt để về cứu bệnh cho mẫu thân hầu báo đáp được chút ít phần nào hiếu niệm và đền ơn sanh dưỡng trước khi xuất gia đầu Phật.

– Nội điển để làm một nền tảng giáo lý vững chắc cho kiến thức Phật pháp (bắt buộc phải có) của một người “Như lai sứ giả” sau này trên bước đường tu niệm và hoằng dương đạo pháp.

Đặc biệt riêng về bộ môn Đông y của cố Hòa thượng đang theo học, thì nhờ vào sự lưu tâm, ân cần và đề bạt của Hòa thượng bổn sư PHẬT ẤN cùng với sự chỉ dạy tận tình của vài ba Đông y sư danh tiếng đương thời trong thị xã mà từ lâu đã có lòng thương mến qua tánh hạnh và hiểu rõ về tâm nguyện của ngài (học thuốc chỉ dùng vào một việc duy nhất là cứu bệnh cho mẹ rồi đi tu mà thôi) cho nên dần dần theo ngày tháng trôi qua, với sự thông minh và siêng cần học hỏi, ngài đã tiến thêm được những bước thật dài trong sự tinh thông của ngành Đông y học.

Chẳng hạn như:

– Từ nơi Lâm y sư, ngài đã hoàn tất và thấu triệt về bộ mạch Thái Tố.

– Từ nơi Tạ y sư, ngài tinh thông về các phương thức trị liệu khác như là: nhận diện các mặt thuốc, chẩn mạch, kê toa, đầu thang (hốt thuốc) và các kinh nghiệm cần thiết trong ngành Đông y dược học từ nơi các bậc đàn anh, tiền bối truyền lại.

Đến năm ngài được 18 tuổi (1943) thì ngài đã hoàn tất xong các phần sở học.

– Về ngoại điển thì ngài đã tốt nghiệp bằng Thành Chung (tức là bằng trung học Đệ I cấp hồi xưa – Tương đương với lớp Đệ tứ và lớp 9 sau này).

– Về Đông y ngài cũng đã hoàn mãn được trình độ của một người y sĩ cần phải có.

Các y sư giáo học liên hệ đều đồng ý cho phép ngài từ nay được tự lực, một mình bắt tay vào việc chữa trị bệnh tình cho thân mẫu (không phải là chỉ từ bây giờ mới bắt đều trị bệnh thôi đâu, mà thời gian trước đó, mỗi năm cứ vào dịp lễ và nghỉ hè, ngài đều có về thăm nhà và mang theo các loại thuốc cần thiết cho bệnh tình của mẹ để điều trị “lai rai” trước rồi – Còn nói là “cho phép ngài được tự lực, một mình chữa trị bệnh,” bởi vì trong những năm và những lần về trước kia khi ngài không được phép một mình tự ý đầu thang hoặc là kê toa, bốc thuốc cho mẹ mà phải qua sự chỉ dẫn, cố vấn cùng ý kiến của các y sư giáo học).

Đến thời gian này (1943) thì cuộc đời của ngài lại đi thêm vào trong một ngõ đường và một giai đoạn mới nữa. Trong khi các bạn học (đời) của ngài, có người thì theo học ngành sư phạm, người theo học lên các lớp cao hơn, hoặc có người rời bỏ hẳn mái ấm học đường, chen thân ra ngoài xã hội tìm kế sanh nhai, hay sinh phương lập nghiệp v.v…

Còn riêng ngài thì phấn khởi, bắt đầu nhìn về phía tương lai và dấn thân vào trong ý định dùng với tâm nguyện của mình. Một cái tương lai, ý định và tâm nguyện mà trên cõi đời này hầu hết các thanh thiếu niên cùng lứa tuổi như ngài ít ai có được.

GIAI ĐOẠN TRỊ BỆNH CHO MẸ VÀ CHUẨN BỊ XUẤT GIA

Sau khi được các y sư giáo học xác nhận là ngài đã có đầy đủ khả năng và trình độ cần phải có của một Đông y sĩ, khả dĩ có thể tự mình đứng ra đảm nhận lấy việc điều trị và phục hồi bệnh tật cùng sức khỏe cho thân mẫu, với lại hơn nữa việc học (ngoại điển) cũng đã xong rồi nên ngài lên đảnh lễ Hòa thượng bổn sư PHẬT ẤN, trình bạch hết mọi việc, xin phép Hòa thượng được xuất tự một thời gian ngắn để trở về nhà trị bệnh cho thân mẫu theo đúng như tâm nguyện của mình, trước khi xuống tóc xuất gia, vĩnh viễn làm một người Tăng sĩ và được Hòa thượng PHẬT ẤN hoan hỷ hứa khả.

Ngài cũng đến lạy chào và tạm biệt chư tăng nơi Vĩnh Tràng tự cùng thưa rõ các ý định của mình, chư tăng thảy đều hoan hỷ và dạy rằng:

– Nguyền cho người được như ý nguyện, và hoàn mãn hiếu niệm, khi nào xong rồi hãy nhớ sớm quay trở lại chốn thiền môn, chớ nên ở nhà lâu mà phải bị nhiễm sâu nơi chốn hồng trần, muội đi chơn tánh.

Kế tiếp ngài ra nơi chánh điện lạy Phật, rồi trở về phòng lo chuẩn bị khăn gói “hạ san”.

Kể từ khi nhập tự học hành (1938) cho đến khi hoàn thành và xuất tự (1943) Thời gian gồm hơn 4 năm có lẻ (thêm mấy tháng).

Việc này trong quyển “Nhựt Thăng Tu sĩ di cảo” có ghi lại một bài thơ sau đây:

Bốn năm nương bóng chốn am thiền,
Với mọi duyên đời đã tịch nhiên.
Kinh kệ, mõ chuông lòng thấy tịnh,
Cam lồ rửa sạch mối oan khiên.
Chắp tay kính bạch lên Hòa Thượng,
Vĩnh kiếp lòng con dạ vẫn kiên.
Xuất tự để lo tròn hiếu niệm,
Tạm biệt hồi gia cứu mẹ hiền.

Nhựt Thăng Tu sĩ
(Ngày xuất tự)

Bắt đầu từ đó (khoảng đầu năm 1943) nơi gia đình, ngài chánh thức trách nhiệm việc chẩn mạch, kê toa, và đầu thang (hốt thuốc) để điều trị bệnh tình cho mẹ cùng với sự tiếp tay và giúp đỡ của các anh chị em.

Với bộ mạch Thái Tố thần diệu mà ngài đã học được từ nơi Lâm y sư trước kia, nay ngài đem nó ra áp dụng vào trong việc truy nguyên căn bệnh của thân mẫu một cách tỉ mỉ, cẩn thận và kiên nhẫn suốt mấy tháng dài. Bởi do nơi hiếu tâm và lòng thương mẹ nên ngài không quản ngại cực khổ, nhọc nhằn thức giấc đêm khuya, tự thân mình săn sóc, hầu hạ thuốc thang cùng theo dõi mọi chuyển biến của bệnh tình trong suốt thời gian điều trị.

Và cũng trong thời gian này, cố Hòa thượng cũng đã có lưu lại cho gia đình (và cho cả chúng ta nữa) mọi kỷ niệm vui và một câu chuyện “hỉ tiếu” (khôi hài) sau đây:

– Nguyên trong mấy năm sau chót về ở cùng với gia đình để lo săn sóc và điều trị bệnh tình cho mẹ, thì chẳng những ngài là một y sĩ riêng cho cụ bà không thôi mà đồng thời cũng còn là một y sĩ chung cho cả gia đình nữa. Trong nhà, các anh chị em lớn nhỏ, hễ ai có bệnh tật hay đau yếu chi chi cũng đều đến bày tỏ những việc “ai đau khổ” của mình với ngài để nhờ ngài chẩn mạch và cho thuốc trị bệnh hết.

Cả cụ ông cũng thế …

Một hôm cụ ông bảo với “đứa con y sĩ” của mình rằng:

– Thăng con, mấy hôm nay cậu “đi đồng” không được điều hòa, giống như bị bón uất, trong mình nóng nảy và hay đau bụng (Đi đồng tức là đi cầu – sở dĩ gọi là đi đồng là vì dưới miền quê, người ta không có làm cầu tiêu trong nhà như ở thành phố, mà thường hay làm nhà cầu bên ngoài có khi cách xa nhà cả trăm thước, hoặc trên bờ sông, bờ ao (nuôi cá vồ) hoặc trên mé rạch cho nó được sạch sẽ theo nước thủy triều, hoặc đôi khi không cần làm nhà cầu chi cả, mỗi lần muốn “xả cảng” cho nó khỏe khoắn và nhẹ nhàng trong người là cứ việc ôm bụng, xách quần chạy thẳng ra ngoài đồng ngồi đại trên bờ đê hay khuất sau lùm bụi, bờ ruộng … mà làm cái việc “tự nhiên” và “cần thiết” này – khi nào xong xuôi rồi thì vui vẻ huýt sáo trở vào.

Danh từ “đi đồng” này ở dưới quê ai cũng biết hết).

Vậy con xem thử coi có thuốc gì cho cậu uống không?

Sau khi chẩn mạch và khám bệnh cho thân phụ xong, ngài nói:

– Cũng không có gì đáng lo ngại lắm, cậu chỉ bị táo bón thông thường thôi. Để mai này nhơn dịp xuống Mỹ Tho bổ thêm thuốc mới cho má, con hốt cho cậu vài thang thuốc nhuận trường (thuốc xổ) uống xong thì hết bệnh ngay.

Sau khi ngài mang mấy thang thuốc của cụ ông về rồi thì giao cho người em gái út sắc thuốc. Đương nhiên là bữa đó nấu một lượt hai siêu (ấm bằng đất để nấu nước, hoặc thuốc bắc) thuốc, một siêu thuốc cho cụ bà và một siêu thuốc cho cụ ông.

Trước khi ngồi vào tu theo khóa lễ thường nhật, ngài có dặn cô em út rằng:

– Siêu thuốc này là của cậu, còn siêu thuốc kia là của má. Em đun lửa và coi thuốc cho cẩn thận, anh mắc bận niệm Phật, khi nào thuốc chín tới rồi thì rót ra chén. Thuốc nào của má thì bưng lên cho má, thuốc nào của cậu thì bưng lên cho cậu. Nhớ đừng làm lộn thuốc nghe chưa.

Cô em dạ rân, thi hành nhiệm vụ.

Còn ngài thì yên tâm vào trong khóa lễ.

Đến khi ngài hoàn mãn khóa lễ thì cô em cũng đã sắc xong thuốc trước đó mấy phút và bưng đến trao cho hai cụ rồi.

Ngài thay áo tràng xong mới đến hỏi mẹ:

– Con út nó có bưng thuốc đến cho má uống chưa?

Cụ bà đáp:

– Nó bưng đến rồi nhưng mà thấy nóng quá nên còn để đó chờ thuốc nguội một chút.

Ngài nghe nói vậy thì gật đầu, bưng chén thuộc lên nếm thử xem có vừa uống hay chưa đặng đích thân hầu thuốc cho mẹ.

Vừa đưa chén thuốc lên môi và nghe mùi thuốc bốc lên mũi thì ngài đã hơi nghi rồi, vội nếm thử một chút thì giật mình, hoảng hốt nói:

– Ý a, con út nó bưng lộn thuốc của cậu cho má rồi. Vậy má ngưng đi, đừng uống để con xem lại.

Đoạn ngài tức tốc chạy lên nhà trên thì thấy cụ ông vẫn đang còn ngồi trên ghế uống nước trà.

Ngài lật đật hỏi:

– Cậu có uống thuốc chưa?

Cụ ông đáp:

– Chưa, còn chờ cho nó nguội thêm một chút xíu nữa.

(May phước là chưa có ai uống hết, chớ nếu không thì chắc có lộn xộn, rắc rối).

Ngài thở phào, nhẹ nhõm trong bụng, nói rõ vụ lộn thuốc cho cụ ông nghe và mang thuốc vào đổi lại cho đâu vào đó. Đương nhiên là cô em bị rầy và bị ký đầu mấy cái bởi vì thuốc của cụ bà dùng để trị bệnh đàn bà, còn thuốc của cụ ông là thuốc xổ.

Ngài cười hỉ hả nói:

– Nếu như mà má lỡ uống chén thuốc này của cậu rồi thì má sẽ bị “xổ” một ngày 3, 4 lần, còn như cậu mà uống lộn chén thuốc kia của má thì cậu sẽ bị “bón” thêm vài ba hôm nữa.

Cả nhà ai nấy đều cười rộ vui vẻ (và hết giựt mình).

Nhân dịp này, ngài có kể lại cho gia đình nghe cũng một vụ trao lộn thuốc của người này cho người kia như sau:

Nguyên lúc ngài còn ở trên Mỹ Tho học thuốc thì có quen và kết bạn “vong niên” (tức là bạn già tuổi hơn mình) với một ông thầy thuốc bắc Tàu, người Quảng Đông. Hai người rất thân và ưa ái lẫn nhau, thầy này nói tiếng Việt cũng rất giỏi, tên là ông “Thầy Sáu”.

Thầy thường kể cho cố Hòa thượng của chúng ta nghe về những kinh nghiệm bản thân và một số kỷ niệm buồn vui trong nghề làm thầy thuốc của mình. Có lần thầy kể lại một chuyện “trao lộn thuốc” của thầy như sau:

Trước khi thầy Sáu về chợ Mỹ Tho mở dược phòng, chẩn bệnh và buôn bán thuốc cao đơn, hườn tán, thì thầy là một “y sĩ vườn” (thầy thuốc ở miền quê) ở trong một làng nhỏ thuộc quận Chợ Gạo (giáp ranh với quận Hòa Đồng, Gò Công).

Tánh thầy hiền lành, ưa làm phước và bố thí thuốc cho người nghèo nên quanh vùng ai nấy cũng đều thương mến và quý trọng.

Một bữa nọ thầy Sáu mắc bận đi khám bệnh và đỡ đẻ cho mấy bệnh nhân ở trong ấp xa. Trước khi đi thầy có dặn rằng nhỏ giúp việc (khoảng 11, 12 tuổi gì đó thôi) rằng:

– Ngộ bận đi khám bệnh ở xa, chắc khuya ngộ mới về tới. Vậy thì bữa nay nị khoan về nhà sớm hả, ráng chờ thêm một chút xíu nữa và nhớ đưa mấy cái thang thuốc có cột bằng dây đỏ này cho ông cai tổng nghe (tương tợ như ông xã trưởng bây giờ vậy). Còn mấy cái thang thuốc có cột dây xanh này thì nị để lại, mai người ta mới đến lấy. Nhớ đừng làm lộn nghe. Tối ngộ mới về. Cám ơn nị trước hả.

Thằng nhỏ dạ om sòm vâng lời, còn thầy thì an tâm khăn gói ra đi.

Khuya hôm đó thầy Sáu mới về đến nhà, phần bị trời mưa lạnh, phần đường xa mệt mỏi nên thầy nằm lăn ra, thẳng cẳng ngủ khò một giấc cho đến sáng hôm sau mới thức dậy mở cửa tiệm làm việc theo như thường lệ.

Một lát sau thì bệnh nhân hôm qua đến, thầy mới lật đật kéo học tủ ra lấy thuốc trao cho thân chủ, bỗng nhiên thầy hoảng hồn, chết điếng cả mấy phút đồng hồ khi khám phá ra rằng mấy thang thuốc này là mấy thang thuốc cột bằng dây màu đỏ của ông cai tổng, còn mấy thang thuốc cột dây màu xanh của thân chủ hôm nay đây thì “thằng ông nội con nít” giúp việc đã trao lộn cho ông cai tổng ngày hôm qua mất tiêu rồi!

Thầy Sáu vừa run vừa sợ, lập cà, lập cập hốt mấy thang thuốc khác trao cho thân chủ (Bởi vì thầy là người Tàu nên sợ bị liên quan đến cò bót, làng xã lắm, đa số người Hoa ở vào thời kỳ này, nhất là ở miền quê thì họ mong sao cho được an thân để làm ăn nuôi vợ, nuôi con thôi. Ai làm sao thì làm, ngộ đây không có biết gì hết).

Sau khi thân chủ lấy thuốc xong rồi thì thầy Sáu cũng tựa như là một người đã chết đi rồi vậy. Bởi vì ông Cai tổng này hung dữ có tiếng, hở ra một chút là bắt người, cùm cột hay đánh đập, bỏ tù, ở trong Tổng này ai cũng sợ ổng hết. Vả lại mấy thang thuốc này là để trị bệnh cho bà vợ bé của ổng, bà này 5, 6 tháng nay bị bệnh nặng lắm, ăn uống không được, tiêu tiểu không thông, bụng chang bang lên như cái trống chầu, da dẻ vàng khè như thoa nghệ, tiếng nói khào khào, thở không muốn ra hơi, hình tướng tiều tụy lắm, rõ ràng là sắp hiện ra tử tướng (tướng gần chết) tới nơi rồi.

Nguyên bà nhỏ này trước kia là một người đẹp nên ông Cai Tổng thương yêu lắm, thiếu điều muốn chết mê, chết mệt vì bà mấy tháng nay bà bị bịnh nặng như vậy nên ông Cai Tổng vô cùng lo lắng, tìm thầy chạy thuốc khắp nơi mà “cục cưng yêu quý” của ông vẫn không thuyên giảm chút nào. Do vì vậy cho nên ông Cai Tổng buồn bực nổi cáu lên (nổi giận), ai mà lôi thôi với ổng lúc này thì coi như là bị ở tù mệt nghỉ.

Hôm nay chắc ngộ tới số dồi. Diêm vương bôi tên, Ngọc Hoàng giũ sổ ngộ dồi, nên mới khiến cho ngộ đưa lộn mấy thang thuốc “xổ” của người kia cho bà vợ bé của ổng uống. Bả bị bệnh nặng như vậy, mất hết sức lực, đi đứng không nổi, nằm luôn một chổ để chờ “hui nhị tỳ” thôi, nếu bả mà uống mấy cái thang thuốc kia vào rồi, bả bị “xổ chảy re” một ngày 5, 6 lần thì chỉ còn có nước đứt hơi thở sớm “xí lắc léo” là cái chắc. Mà nếu như bả bị “Xí” (chết) đi rồi, thì ngộ đây chắc cũng phải “Xí” theo bả luôn cho có bạn, vì ông Cai Tổng nhứt định là sẽ không bao giờ dung tha cho ngộ hết. Bởi ngộ đã tiêu diệt cái “cục cưng yếu quý” của ổng thì ổng cũng sẽ tiêu diệt ngộ lại để trả thù.

Dầu ngộ có chạy về Tàu cũng khó sống nữa!

Thầy Sáu càng nghĩ càng sợ, mồ hôi, mồ kê chảy ra như tắm, run lập cập, cả mình sởn ốc lên hết. Một hồi lâu mới định thần lại và thầy quyết định là phải bỏ nhà bỏ tiệm để “đào tẩu” trước khi lính Tổng đến bắt mình.

Thôi thì “Tiên hạ thủ vi cường” (Ai ra tay trước thì hơn) ngộ phải trốn đi liền mới được.

Thầy mở tủ áo quơ vội vài ba bộ đồ bỏ vào trong bọc rồi chạy ra ngoài bờ sông lấy ghe, định bụng sẽ theo đường thủy chạy trốn. Rủi quá, nhằm bữa đó nước sông ròng gần sát đáy nên chiếc ghe bị mắc lầy (mắc cạn trong bùn) đẩy hoài mà vẫn không nhúc nhích, thầy cố gắng hết sức đẩy chiếc ghe tới lui, qua lại, đẩy đến nổi tháo mồ hôi hột ra mà chiếc ghe vẫn cứ y nhiên nằm chình ình ra trên mặt bùn chớ không chịu chạy xuống nước.

Thầy vừa sợ vừa suy nghĩ:

– Bữa nay đúng là Trời hại ngộ dồi nên chiếc ghe này cũng không chịu chạy nữa.

Thầy Sáu liền bỏ ghe định leo lên bờ chạy bộ thì thầy chợt phát giác ra lý do, té ra là bởi vì sợ quính quíu quá nên cứ lo đẩy ghe không thôi mà quên mở đôi (tức là dây cột ghe vẫn trong chân cầu), cho nên thầy chổng mông lên, è ạch đẩy thiếu điều muốn đứt hơi thở luôn mà nó không chịu cục kịch chút nào!

Thầy vội mở đôi ra, vừa đẩy ghe xuống nước xong leo lên định chống ra sông thì thấy nghe ngoài vàm (cách chỗ thầy khoảng 2, 3 trăm thước) có tiếng mấy ông lính Tổng (họ cũng chèo ghe đi kiếm nhà cửa thầy nữa) kêu bảo nhau rằng:

– Đây nè, đúng rồi. Quẹo ghe vô cái ngõ rạch này là tới ngay nhà của thằng cha Thầy Sáu. gớm, kiếm cái nhà của cha “lang băm” này thiệt là mệt.

Thầy Sáu nghe lính nói vậy thì càng hoảng kinh hơn nữa, thầy nghĩ bụng rằng:

– Chắc là bà Tổng bé uống thuốc vô bây giờ đã “Xỉ chảy” dồi nên ông Cai Tổng sai lính tới đây bắt mình.

Thấy đường sông đã bị chận đầu rồi, nên thầy Sáu lại lật đật bỏ ghe, leo lên bộ chạy theo đường tắt ở phía sau nhà để trốn cho lẹ. Thầy cắm đầu chạy một hồi được đâu khoảng chừng 3, 4 trăm thước, thì chợt nhớ ra là bởi vì mình vội vàng quá cho nên quên mang theo cái giấy “thuế thân” (Hồi xưa lúc Tây còn cai trị thì mỗi người dân đều được cấp cho một cái giấy “Thuế thân”, cũng tựa như giấy căn cước sau này vậy.

Người nào mà có giấy này thì được chánh quyền nhìn nhận là công dân hợp lệ có trả đầy đủ thuế cho chánh phủ. Ai không có thì là ở lậu, bất hợp lệ, phải bị ở tù, vì vậy nên thiếu cái gì cũng có thể được, chớ cái giấy “thuế thân” này rất ư quan trọng không thể nào thiếu được hết).

Thầy vội vã chạy trở lại nhà để lấy giấy “Thuế thân” mang theo, nhưng bởi vì sợ quá nên thành ra lẩm cẩm, quên mất không nhớ là cái giấy ấy để ở chổ nào nữa! Thầy vừa run, vừa khẩn trương kéo học tủ này ra lục, mở cửa tủ kia ra tìm, một hồi lâu mới thấy “nó”. Thầy mừng quá, thở phào một tiếng, lấy tay quẹt mồ hôi trán rồi đứng lên định nghỉ xả hơi một vài phút cho bớt mệt rồi sẽ tiếp tục ca bài ca “tẩu mã” nữa.

Nhưng thầy chưa kịp nghĩ xong thì nghe có tiếng mấy ông lính Tổng nói vang rân lên trước cửa:

– Đúng ngay bon rồi. Đây là nhà của cha thầy Sáu đó, ủa mà sao cửa đóng, hổng biết cha nội có ở nhà hôn. Xô đại vô đi.

Trong khi thầy Sáu còn đang run rẩy thì cánh cửa tiệm bị xô bật ra một cái rầm. Ba bốn ông lính Tổng thuộc về loại “quan to súng dài”, ông nào ống nấy cũng đều lực lưỡng, to con như ông thần ở ngoài đình làng vậy, hiện ra ngay trước cửa làm cho Thầy Sáu sợ điếng cả người, đứng trợn mắt, hả miệng ra, chết trân một chỗ như bị trời trồng, nói không ra tiếng.

Hai ông lính chạy tới kẻ thì nắm tay, người thì nắm vai thầy, xô xô mấy cái rồi nói lớn:

– Phải ông là thầy Sáu hôn?

Thầy Sáu run lập cập đáp:

– Phải … phải … phải, ngộ là … thầy… Sáu, thầy Sáu … là … ngộ. Mấy quan … kiếm … ngộ … có việc … gì không?

Lính nói:

– Ông Tổng sai tụi tôi đến kiếm thầy để …

Thầy Sáu càng run rẩy dữ tợn thêm nữa (bởi vì thầy nghĩ là ông Tổng sai lính tới kiếm mình để bắt).

Thầy lập cập hỏi:

– Kiếm … ngộ … để … làm … gì?

Mấy ông lính nói:

– Thầy Sáu đừng sợ, Trời đất ơi, thầy giỏi quá chừng, nhờ mấy thang thuốc của thầy hốt cho mà bà Tổng nhị (tức là bà Tổng hai, bà bé) uống vô xong rồi thì bả “thượng thổ, hạ tả” (trên miệng thì ói ra, dưới thì tiêu chảy) đái vãi ra đầy giường đầy chiếu hết mấy lần.

Bây giờ thì bụng của bả đã xẹp lại như thường rồi, bả nói trong mình thấy khỏe, muốn ăn cháo, uống sữa, mặt mày của bả cũng hơi hồng hào trở lại …

Ông Tổng mừng lắm sai tụi tôi tới kiếm thầy để hốt thêm thuốc cùng thưởng tiền cho thầy nè …

Và thầy Sáu chỉ còn có đủ một chút “hơi tàn” để nghe tới đây mà thôi. Thầy rên lên mấy tiếng rồi té xỉu luôn xuống đất, không còn biết gì nữa hết … Sau đó, khi xong cái chuyện kinh khủng này rồi, thì thầy Sáu thu xếp mọi thứ, bỏ quê lên chợ Mỹ Tho để tìm sống trên đất mới chớ không dám ở dưới vườn nữa, vì thầy biết sách có câu rằng:

– Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí.

Tức là:

– Phước không đến hai lần, chớ còn họa thì đến hoài không biết trước được …

Sau khi kể xong chuyện này rồi, ngài kết luận rằng:

– Phải nên cẩn thận chớ đừng có cho uống lộn thuốc như trường hợp con út trao lộn thuốc của cậu cho má vậy.

Cả nhà ai nấy đều ôm bụng cười ngất.

(Và đây cũng là một giai thoại, một kỷ niệm vui vẻ cuối cùng của ngài trong suốt mấy năm sau chót ở nhà cùng với gia đình vậy).

Bậy giờ tiếp tục trở lại việc trị bệnh cho mẹ của cố Hòa thượng.

Và rồi Phật, Trời không phụ hiếu tâm nhơn, cho nên sau đó không bao lâu, nhờ bộ mạch Thái Tố này mà ngài tìm ra được nguồn gốc của căn bệnh và biết rõ được các phương pháp trị liệu. Trong suốt mấy năm sau cùng ở nhà với gia đình, ngài vẫn thường xuyên lên xuống, qua lại giữa chợ Mỹ Tho và Bình Xuân để bổ thuốc và tham khảo ý kiến với thầy học là Tạ y sư trong việc điều trị bệnh tình cho mẹ (xem như là cụ bà được 2 y sĩ có tài đồng chăm sóc một lúc). Nhờ đó và thêm vào nữa là việc thuốc thang đầy đủ, điều trị đúng cách, nên bệnh tật của bà cụ càng ngày càng thêm thuyên giảm một cách rõ rệt. Cụ ông và cả nhà ai nấy cũng đều mừng rỡ.

Thời gian này (từ 1943 – mùa xuân 1943 Ất Dậu) ngoài việc chuyên chú trị bệnh cho mẹ ra, thêm vào đó, ngài còn lợi dụng các thời giờ rỗi rảnh, mang Phật pháp ra giảng dạy cho phụ mẫu và người anh thứ năm nghe (Các anh chị em khác thỉnh thoảng tuy cũng có nghe nhưng không phát tâm) cùng khuyến khích gia đình tu niệm, phát lòng tin hướng nơi Tam bảo. Ngài lại vì cha mẹ và gia đình mà thiết lập bàn thờ Phật, hướng dẫn cách thức tụng niệm, lễ bái, chỉ dạy cho những điều quan trọng, cần thiết mà người Phật tử tại gia phải nên có và phải nên biết.

Qua sự giáo hóa của ngài, ông bà cụ cố và người anh thứ 5 đều phát tâm thực hành tu niệm, còn riêng về phần cụ bà thì nhờ vào sự an vui bên cạnh con, an vui trong câu niệm Phật và sự tận tụy chăm sóc thuốc thang của ngài nên chẳng bao lâu (vào cuối năm 1944) cụ được hoàn toàn lành mạnh, phục hồi đầy đủ sức khỏe lẫn tinh thần (và sống đến gần 100 tuổi sau này – Cụ bà mất vào năm 98 tuổi, trước cố Hòa thượng khoảng 4 năm tại Phương liên tịnh xứ đạo tràng – sẽ nói đến ở phần sau).

Đến đây, ta có thể nhận thấy rằng:

– Khoảng đời thơ ấu của cố Hòa thượng trong suốt 19 năm tại gia từ khi sơ sanh cho đến trước ngày xuất gia, nhập tự chẳng những ngài đã không gây tạo nên điều chi thương tổn đến gia đình, mà trái lại ngài còn (mang thêm đến cho song thân cùng gia đình) nhiều điều hân hạnh;

– Về phương diện đời thì kể từ khi còn nhỏ (đã có sơ lược qua trong phần đầu) ngài đã được người trong xóm làng quý trọng và xem như là một gương sáng để căn cứ vào đó mà dạy bảo cho con, cháu của mình. Đến khi lớn khôn, lìa quê lên tỉnh học thì thi cử đổ đạt (Vào những thập niên 1930-1950) này, đa số dân chúng ở làng quê ít có ai qua khỏi được chương trình tiểu học hết, huống hồ chi nói đến trung học. Nếu như có ai lên tỉnh học và đổ được bằng Thành Chung (như cố Hòa thượng đây) thì đó chẳng phải chỉ là một điều hân hạnh riêng cho gia đình, không thôi đâu mà là còn chung cho cả xóm làng nữa).

– Về phương diện Đông y thì sở học của ngài cũng đã được thành đạt và trở thành một Đông y sĩ trẻ tuổi nhất giả sử nếu như ngài không có chí nguyện xuất gia mà vẫn ở ngoài đời như các thanh niên khác trong xã hội thì ngài vẫn có thể ra mở được dược phòng Đông y, sanh phương, lập nghiệp … thì chắc chắn là sẽ trở thành một Đông y sĩ có tài, nổi tiếng (vì nếu như đã dứt được căn bệnh trầm kha, khó trị của thân mẫu rồi thì các bệnh tật thông thường khác ngài cũng có thể trị hết được).

– Về phương diện đạo giáo, thì mặc dầu mới có 18-19 tuổi đầu thôi, thân tuy còn ở tại gia, hình tướng tuy còn là học sinh, cư sĩ mà ngài đã sớm chứa được “một bụng kinh luân” (ủa quên) “một bụng đạo học” và tinh thông, am tường Phật kinh, giáo điển rồi. Hơn nữa, thêm vào đó ngài còn có một cái tâm nguyện và một ý chí thoát tục khác thường mà hầu hết mọi người trên đời này ít bao giờ (có ai) lưu tâm nghĩ đến.

(Cho nên có thể nói rằng một người thanh niên như ngài rất là hiếm có và xứng đáng được cho ta cũng như mọi người đều ngợi khen kính trọng vậy.

Vì sao Bảo Đăng lại dám quả quyết như thế?

– Bởi vì ngài đã hội đủ được hết các điều kiện thuận lợi (vào trong thời buổi đó) mà những bạn cùng trang lứa đương thời thảy đều ước mơ, thao thức và mong lấy đó để làm nấc thang hầu bước lên con đường tương lai sáng sủa đầy nhung gấm, cao sang nơi chốn trường đời, thành tựu giấc mơ xưa, thuở mà mới vừa lớn khôn lên và được mẹ cha “nung chí anh hùng” cho nơi đường vinh hoa, phú quý sau này).

Còn riêng đối với ngài thì không theo thế tình như vậy. Là một người có căn tu sâu dầy trong quá khứ, cho nên kiếp hiện tại này ngài đã sớm thức ngộ được ý vạn vật vô thường như bài kệ trong Kim Cang kinh sau đây:

Nhứt thiết hữu vi pháp,
Như mộng, huyền, hào ảnh.
Như lộ, diệc như điện,
Ưng tác như thị quán.

Tạm dịch:

Hãy xem các pháp hữu vi,
Khác nào bóng, bọt, khác nào điểm sương.
Quán xem các pháp vô thường,
Diệt sanh, sanh diệt như tuồng chớp giăng.

Và cũng bởi vì thấy rõ được các sự vinh hư, thành bại của đời rốt lại cũng chỉ là phù không mà thôi. Nên vào khoảng tháng 3 dl năm 1945 (qua tết Ất Dậu) sau khi xác thực được rõ ràng các việc:

– Mẹ đã hoàn toàn lành hẳn các bệnh tật.

– Cả phụ mẫu (và anh năm) cũng đã ít nhiều phát khởi đạo tâm, quy hướng Tam Bảo, niệm Phật tu hành.

– Ý nguyện năm xưa của mình đối với thân mẫu (và gia đình) cũng đã hoàn mãn.

Nên ngài quyết định một “đại sự tối hậu” khác nữa là trình bạch lên song thân cái “Ý ĐỊNH XUẤT GIA” của mình.

GIAI ĐOẠN TRÌNH BẠCH XUẤT GIA

(Từ đây về sau là bắt đầu khởi qua một gia đoạn khác, cực kỳ quan trọng cho cuộc đời tu hành của cố Hòa thượng – 1945 – 1992 (ngày 21/11 Âl Nhâm Thân niên)).

Mặc dầu từ lâu ông bà cụ cố cũng đã rõ biết rằng đứa con đặc biệt này của mình không phải thông thường như các con khác, mà lớn lên rồi nó sẽ đi tu, sẽ lìa bỏ gia đình, sẽ trở thành một ông sư nơi cửa Phật và mặc dầu cũng đã được ngài (nhiều lần) gián tiếp “Chuẩn bị tinh thần” cho từ nhiều năm qua về cái việc đi tu của mình rồi.

Nhưng vào một buổi sáng sớm hôm đó (của tháng 3 mùa xuân năm Ất Dậu 1945) khi thấy ngài với vẻ mặt thành khẩn, trang nghiêm trong chiếc áo tràng màu lam sờn vai, cũ kỹ (tượng trưng cho ý nghĩa là đi tu từ lâu rồi đến nỗi chiếc áo đã bạc màu, sờn vai, cũ kỹ – còn mới đi tu thì áo vẫn mới nguyên) thỉnh mời phụ mẫu ra nơi chốn trung đường (phòng khách) ngự tọa trên chiếc ghế trường kỹ cạnh bàn thờ Phật, ngài quỳ xuống trước mặt song thân, hai tay cung kính dâng lên khay trà mời cha mẹ uống và xin phép cho con đây được thưa lên một điều quan trọng – là trong lòng của ông bà cụ cố đã thấy dâng lên ít nhiều hồi họp lo âu rồi, có lẽ cả hai cụ đều có cùng một ý nghĩ như nhau, đó là:

– Cái chuyện mà vợ chồng chúng ta lo sợ từ lâu, ngày hôm nay nó đến đây rồi!

Sau khi lạy xong ba lạy, ngài mới thưa rằng:

– Con là Mười lớn Nhựt Thăng (trong số năm người con thứ 10 thì ngài là lớn hơn hết) vốn đã có ý nguyện xuất gia từ thuở nhỏ, nhưng vì muốn nấn ná lại để trị lành bệnh cho má nên mới chậm trễ cho đến bây giờ. Ngày nay má đã hết bệnh, mạnh khỏe, an vui không còn đau yếu dây dưa như xưa nữa, nên nay con đối trước cậu má xin được phép xuất gia, làm một nhà sư nơi chốn già lam, Phật tự, vĩnh viễn từ bỏ hết mọi duyên đời. Mong cậu, má thương và vui lòng chấp thuận cho con được tròn ý nguyện để trở thành một người con của Phật.

Tuy rằng trước đó mấy phút đồng hồ, hai ông bà cụ cố cũng đã nghĩ biết rằng hôm nay con mình sẽ thưa lên điều gì rồi – và trong tâm hai cụ cũng đã chuẩn bị tinh thần để “sẵn sàng chiến đấu” với sự xúc động đâu đó xong xuôi hết cả rồi – nhưng khi mới vừa chính tai mình nghe xong cái lời nói “thỏ thẻ” của con xin phép được cạo đầu đi tu, thành một nhà sư nơi Phật tự thì song thân của ngài cũng không sao tránh khỏi được sự bàng hoàng, thất sắc (vì quá cảm xúc). Ôi, cái lời yêu cầu kia của con nó thiệt là êm ái, dịu dàng nhưng mà sao ta nghe tai nó giống y như là tiếng trời long, đất sụp vậy!!!

Lặng người đi một chốc để cho trấn tỉnh, cụ ông mới ngào nghẹn nói rằng:

– Thăng con, cậu đã biết là con có căn đi tu từ lúc con mới chào đời, và khi con lớn khôn lên, cậu cũng biết rằng cái ngày mà con quyết định cắt ái từ thân rồi cũng sẽ phải đến mà thôi. Nhưng bởi vì là cha, thì cậu tránh sao cho khỏi buồn rầu, cậu không dám ngăn cản việc con muốn tu hành theo chí nguyện, nhưng cậu xin con nên nghĩ đến má con mới vừa hết bệnh mà chậm lại thêm một thời gian nữa, để cho cha con ta được kéo dài thêm đôi chút trùng phùng trong cái cuộc đời đầy mong manh, ngắn ngủi này.

Cụ bà thì sụt sùi, sa lệ như mưa, cụ nói:

– Thăng con ơi, con nở bỏ má mà đi tu sao, trong các con thì má thương con nhiều nhất, nhờ có con mà má mới hết bệnh, an vui như ngày hôm nay, nếu như con bỏ má mà đi tu chắc là má sẽ chết đi vì sầu muộn, chớ làm sao chịu nổi sự mỏi mòn nhớ nhung con trẻ.

(Lược nguyên văn trong quyển Tây liên bút lục)… Thấy cha mẹ bi lụy như thếthì ngài cũng không dám nói chi hơn, chỉ lặng im dập đầu cúi lạy thêm 3 lạy nữa rồi lui ra. Và thêm một tháng sau đó, (mặc nhiên đáp ứng lời yêu cầu chậm lại của thân phụ lần sau cùng) ngài vẫn y nhiên sống trong gia đình như thường nhật để cho song thân tạm an lòng cái đã (rồi tính sau).

Thời gian tuy êm đềm trôi qua, nhưng trong lòng của người “Nhựt Thăng Tu sĩ” này chẳng có chút nào bình lặng cả mà chính thật là nó dào dạt phong ba.

Trong quyển “Nhựt Thăng di cảo” có ghi lại một sự việc như sau:

– Khoảng 10 ngày sau đó, một đêm khuya, thời gian vào khoảng giữa canh ba, lúc ấy ngài còn đang nằm mơ màng và niệm Phật thầm trong giấc ngủ bỗng nhiên nghe có tiếng ai gõ cửa. Ngài vội vàng ngồi dậy và đi đền mở cửa ra, thì thấy có một sa di mình khoác áo nhật bình màu lam tuổi khoảng chừng 16, phong cách siêu phàm, dung nghi thoát tục, đang đứng đợi ở bên ngoài.

Ngài lật đật cúi mình đảnh lễ, bái lạy và thưa rằng:

– Bạch Đại Đức ngài từ đâu và có duyên sự chi mà đến nơi con?

Sa di đáp:

– Ta đến trao thư của tôn sư cho người. Nói đoạn, lấy trong người ra một bao thư màu trắng đưa cho ngài và nói:

– Ý của tôn sư đều ở trong đó.

Nói xong chắp tay chào rồi bước ra ngoài đi mất.

Ngài trở vào nhà, mở phong thư ra xem thì thấy bên trong có một tờ giấy vàng, ghi bài thơ sau đây:

Khá khen hiếu niệm chẳng quên lòng,
Mười chín tuổi tròn vẹn ước mong.
Phù tục lợi danh từ đấy lặng,
Sớm đáo thiền môn tách bụi hồng.
Ơn nghĩa mẹ cha đều báo bổ,
Thiên đường, Phật quốc chép ghi công.
Bệnh mẫu từ ngươi nay đã dứt,
Đò neo bến đợi kịp sang sông.

Sau khi thức dậy ngài liền ghi bài thơ ra nơi giấy, suy nghĩ nghĩa lý và biết rằng ngay từ bây giờ mình phải nên sớm lo liệu việc xuất gia chớ chẳng nên chần chờ, trễ nải.

(Bảo Đăng xin lược ý của bài thơ này như sau:

– Câu thứ nhất:

Khá khen hiếu niệm chẳng quên lòng,

(Là ý nói khá khen cho ngươi lòng chẳng lúc nào quên niệm hiếu đối với cha mẹ)

 – Câu thứ hai:

Mười chín tuổi tròn vẹn ước mong.

(Là ý nói năm nay 19 tuổi, ngươi đã thực hiện trọn vẹn sự ước mong của mình – là trị lành bệnh cho mẹ, hướng dẫn song thân nhập đạo tu hành, quy hướng Tam bảo)

– Câu thứ ba:

Phù tục lợi danh từ đấy lặng,

(Là ý nói những việc lợi, danh phù phiếm của thế gian từ đây không còn nghĩ tưởng đến nữa (lặng).

– Câu thứ tư:

Sớm đáo thiền môn tách bụi hồng.

(Là ý nói sớm bỏ đời mà xuất gia trở về nơi cửa Phật đi).
(Trong tâm tư ngài lúc nào cũng tưởng nghĩ đến chốn thiền môn, hình bóng của Phật Ấn Hòa Thượng cùng với chư tăng nơi Vĩnh Tràng tựnăm xưa)

– Câu thứ năm:

Ơn nghĩa mẹ cha đều báo bổ,

(Là ý nói ơn nghĩa sinh dưỡng của cha mẹ nay ngươi đều đã báo bổ hết rồi).

– Câu thứ sáu:

Thiên đường, phật quốc chép ghi công.

(Là ý nói Trời, Phật đã chứng minh cái công đức đó của người rồi).

– Câu thứ bảy và tám:

Bệnh mẫu từ ngươi nay đã dứt,
Đò neo bến đợi kịp sang sông.

(Là ý nói bệnh của mẹ ngươi đã hết rồi – đúng như ý nguyện trước kia của ngươi – Vậy hãy mau sang sông qua bên kia bờ đạo đi đừng ở bờ đời bên này nữa. Đò đang neo nơi bến đợi chờ ngươi đó).

Trong những ngày tối hậu sống cùng với gia đình bên cạnh cha mẹ, anh em. Tuy là ngoài mặt gượng gạo giữ vẻ tươi vui, nhưng trong tâm tư của ngài lúc nào cũng tưởng nghĩ đến chốn thiền môn cả, hình bóng của PHẬT ẤN tôn sư Hòa thượng cùng với chư tăng nơi Vĩnh Tràng Tự năm xưa luôn luôn chập chờn trong giấc mộng. Có nhiều khi trong giữa canh vắng đêm khuya, ngài bỗng dưng giật mình tỉnh giấc bởi dường như mới vừa nghe đâu đây có tiếng chuông chùa văng vẳng bên tai.

Và cái nổi lòng tương tư, thiết tha đó được quyển “Tây liên bút lục” ghi lại qua bài thơ sau đây:

NỖI LÒNG TU SĨ
Nghe tiếng chuông chùa bên kia sông,
Thanh âm ngân suốt mấy từng không.
Kêu người du tử lìa cơn mộng,
Hướng chốn thiền môn tách bụi hồng.
Nhớ tiếng chuông chùa bên kia sông,
Đêm ngày con trẻ ngóng cùng trông.
Thầm hỏi mẫu từ ơi có thấu.
Tu sĩ chiều nay CÓ NỖI LÒNG.

Nhựt Thăng Tu sĩ
(Những ngày cuối)

Cái “nỗi lòng” đó nó đôn đốc, nhắc nhở từng ngày, từng giờ, từng phút và rồi cho đến một hôm ngài mới nghĩ rằng:

– Khi xưa Bồ Tát Tất Đạt Đa cũng không thể nào minh chính xuất gia được mà phải âm thầm nửa đêm lén trốn ra khỏi hoàng cung. Ta nay cũng vậy, nếu như không bỏ nhà lén trốn ra đi thì đối với sự trìu mến của “phụ mẫu tình thâm” kia làm sao ta gỡ cho ra được.

Rồi ngài quyết định:

– Sẽ âm thầm bỏ cha, bỏ mẹ, trốn nhà xách gói ra đi, theo tiếng gọi con tim “xuất gia” cùng với người tình “Thiền môn, Phật tự”.

Ngài đem ý định đó ra bày tỏ cùng với anh năm của ngài để nhờ trợ lực và được ông anh sẵn lòng trợ duyên, giúp đỡ. Cả hai anh em đêm nào cũng ra nơi chỗ vắng rù rì to nhỏ, bàn tính “kế hoạch bí mật”.

Đó là:

– Chú sẽ là người “đào tẩu”.

– Anh năm của chú sẽ là người “đồng lõa” cung cấp phương tiện.

Bởi vì chiếu theo sách xưa để lại, hết thảy trong “Tam thập lục kế” thì chỉ có “Tẩu vi thượng sách” mà thôi. Nguyên văn: “Tam thập lục kế, dĩ đào vi thượng” nghĩa là trong 36 chước thì chỉ có cách “trốn” là chắc ăn nhứt.

BÁN DẠ ĐỘ HÀ CẮT ÁI, TỪ THÂN

Rồi ngày ra đi đã đến.

Chiều hôm đó cũng như thường lệ, sau khi cơm nước xong xuôi, ngài hướng dẫn song thân niệm Phật khoảng nửa tiếng đồng hồ và kế đó dâng thuốc lên cho cha mẹ uống cũng như mọi bữa (nhưng đặc biệt trong thang thuốc hôm nay ngài có gia thêm vào trong đó một vị thuốc ngủ nhẹ, để ông bà cụ cố ngủ say, vì ngài e ngại rằng do nơi tình thâm phụ tử, nên có khi đêm nay khiến cho hai cụ trằn trọc không ngủ được mà làm hỏng đi cái sự bỏ trốn của mình chăng).

Đêm đó là ngày gần cuối tháng (âm lịch) nên trời không trăng, tứ bề im lặng, vắng vẻ, thỉnh thoảng chỉ còn nghe vài ba tiếng chó sủa đêm bâng quơ mà thôi. Trời càng khuya, nơi gia đình hết thảy mọi người đều say mơ trong giấc mộng, chỉ có hai người “đồng đội” là ngài và anh năm của ngài là còn nằm thao thức (giả bộ ngủ) trên bộ ván gổ kê gần cửa sổ ở bên hông nhà trên mà thôi.

Tất cả “kế hoạch” đều đã được hoàn tất từ mấy hôm nay rồi. Hành lý của ngài chỉ gồm có một bộ đồ lam cũ và một ít tiền bạc cùng một cái giấy thông hành để tùy thân mà thôi. Theo như chương trình đã định, lúc gà vừa gáy đầu canh tư (khoảng 2 giờ sáng) là hai anh em khẽ lén ngồi dậy, anh năm của ngài ra nhà sau đốt lên ngọn đuốc dầu mù u rồi ra nơi cổng trước đứng chờ, trong khi đó ngài ra trước giường của song thân dập đầu lạy bốn lạy vĩnh biệt rồi se sẻ theo ngõ nhà bếp (ngõ hậu) mà đi.

Trong bút lục có ghi lại giờ phút phân ly này bằng một bài thơ sau đây:

Giã từ cậu má con ra đi,
Ơn đức sanh thành dạ khắc ghi
Bên gối dập đầu con bái biệt,
Lạy chào cha mẹ phút phân ly.

*********

Phân ly con biết nói lời chi,
Xuất gia, xuất giá cũng đồng đi.
Bước chân chẳng dám quay nhìn lại,
E nổi thâm tình lệ ướt mi.
Nhựt Thăng Tu sĩ
(Phút phân ly)

Và rồi hai anh em sánh vai nhau đi trên con đường quê nhỏ, giữa đêm khuya vắng vẻ lạnh lùng dưới ánh sáng chập chờn của ngọn đuốc dầu mù u khi mờ khi tỏ, hướng thẳng ra bến đò của chợ Bình Xuân.

Từ nhà ra bến đò khoảng chừng nửa tiếng đồng hồ đi bộ, nhưng hai anh em vừa đi vừa chạy cho nên chẳng mấy lúc thì ra đến bến đò.

Trước mặt là con sông rộng, dài trăng trắng trong ánh đêm mờ ảo chắn ngang qua, dường như ranh giới ngăn chia giữa hai nẻo đạo, đời. Hai anh em ngậm ngùi ôm nhau một hồi nói lên lời từ biệt, chúc cho nhau tất cả bình yên.

Ngài dặn anh năm của ngài rằng:

– Em đi rồi thì anh ở lại thay em phụng dưỡng cậu má trong lúc tuổi già, nhớ nhắc cậu má ráng niệm Phật đừng quên, chớ nên buồn vì em xa vắng. Xưa nay đời vốn vô thường, có hợp tất phải có tan. Em chỉ có ít lời căn dặn như thế, thôi anh hãy trở về đi cho sớm kẻo cậu má thức giấc và nghi ngờ khi thấy mất bóng hai ta.

Đoạn ngài ứng khẩu đọc lên bài thơ giã biệt như sau:

Từ nay huynh đệ cách đôi nơi,
Xin giã từ anh ở lại đời.
Phụng dưỡng huyên đường trong bóng xế,
Thay người em nhỏ chốn xa khơi.
Đã chết cuộc đời trong nẻo đạo,
Cùng bóng từ quang tỏa ánh ngời.
Bác lái đò ơi qua cho kíp,
Rước kẻ hồng trần bỏ cuộc chơi.
Nhựt Thăng Tu sĩ

(Bến đò Bình Xuân – giã từ anh Năm)

Trong quyển “Nhựt Thăng Tu sĩ di cảo” có ghi thêm lời như sau:

– Sau khi anh năm của ngài về rồi thì ngài ngồi một mình tại bến để chờ đò qua. Bởi vì lúc đó còn khuya quá cho nên không có ai sang sông sớm và chủ đò hãy còn đang ngủ.

Ngài ngồi như vậy trong đêm sương khuya vắng lạnh lùng, một mình, một cảnh chẳng có ai là bạn đồng hành. Sương khuya sa xuống, thấm ướt vai áo bạc màu khiến ngài phải co ro lại cho đỡ lạnh. Ngài nhớ khi xưa, Tất Đạt Đa thái tử cũng phải giữa đêm rời khỏi cung thành tìm phương giải thoát, ta nay là con của Phật nên cũng y theo gương ngài đang đêm trốn nhà bỏ cha, lìa mẹ mà đi tu (nào có khác chi đâu).

Bảo Đăng tôi thấy trong di cảo còn có thêm bài thơ sau đây, có lẽ ngài nương theo ý này mà cảm tác ra không chừng:

Nhớ xưa Bồ Tát Tất Đạt Đa,
Trốn cha, lìa vợ vượt tỳ La.
Sáu năm tu tập nhiều gian khổ,
Đạo quả tròn nên Phật Thích Ca.
Tôi cũng theo gương đức Bạc già,
Bán dạ độ hà trốn mẹ cha.
Vì sợ tử sanh cam lỗi đạo,
Nguyện đấng huyên đường chẳng xót xa.
Nhựt Thăng Tu sĩ
(Đợi chuyến đò ngang)

Và Ngài tiếp tục ngồi đợi trong sương khuya lạnh lẽo như thế cho đến canh năm (khoảng 4 giờ sáng) mới có chuyến đò đầu tiên qua sông, và ngài một mình, một bóng, bơ vơ bước chân lên đò, “đáo qua bỉ ngạn”.

Có bài thơ nữa như sau:

Nương thuyền bát nhã lướt sang sông,
Bỏ cả huyên đường cả ước mong.
Song thân giờ chắc còn an giấc,
Xin hiểu cho con một tấm lòng.
Hướng chốn thiền môn chân bước đến,
Duyên trần xin tạ, việc đời không.
Đường quê mờ khuất sau ngàn sóng,
Khuất hết người quen chốn bụi hồng.
Nhựt Thăng Tu sĩ
(Sang bên kia sông)

Những người quen nơi chốn bụi hồng này là ai đây?

Đương nhiên ta cũng biết là ai rồi.

– Là cha, là mẹ, là anh em, là lục thân quyến thuộc và … còn có thêm, bóng của một người quen khác nơi chốn bụi hồng nữa:

– Đó là bóng của một người “khuê nữ” đáng thương, yêu người trong phận bạc. Một mối tình yêu đơn phương mà kẻ được yêu có lẽ sẽ không bao giờ hay biết cả.

Bởi trong “Tây liên Tùy bút lục” anh năm ngài có ghi lại một bài thơ cuối cùng nơi trang chót của quyển nhật ký như sau:

Tống biệt
Nhựt Thăng huynh

Nếu chẳng chung nhau bước một đường,
Xui chi gặp gỡ khiến lòng thương.
Mấy năm mơ mối tình hương lửa,
Đơn bóng rèm thưa lạnh gió sương.
Cũng bởi em yêu người “thoát tục”,
Nên đời mang nặng khổ đơn phương.
Sầu cho mộng ước đầu dang dở,
Ôm khối tình si luống đoạn trường.

(TTKL)

Khi Bảo Đăng tôi xem đến cuối quyền bút lục, và đọc được bài thơ này xong, chính mình cũng thấy bòng bùi ngùi, cảm thương cho một người hồng nhan phận bạc. Sau đó Bảo Đăng tôi có hỏi ĐĐ. Bổn sư Thích Hải Quang nguyên nhân vì sao mà trong quyển bút lục lại có bài thơ “Tống biệt” này.

Nó từ đâu đến, vì sao mà có và hơn nữa lại được ghi vào trong quyển bút lục này?

Đại đức đáp rằng:

– Trước kia (vào khoảng năm 1970) lần đầu tiên khi xem quyển bút lục và đọc đến bài thơ này, thì thầy cũng có một thắc mắc y như con vậy. Sau đó thầy mới đem sự việc này hỏi lại thân phụ của thầy (y như lời) con hỏi thầy ngày hôm nay, và được thân phụ của thầy giải đáp như sau:

– Nguyên sau ngày cố Hòa thượng đi rồi, mấy tháng sau đó, do vì nhớ em nên anh năm của ngài mới soạn lại các áo quần, sách vở (của ngài), đem cất để làm kỷ niệm. Lúc mở cặp táp ra thì trong đó chỉ có ba bốn cuốn tập và một vài quyển sách học khi ngài thi bằng Thành Chung còn sót lại mà thôi.

Vì nhớ em và cũng vô tình nên anh năm ngài lật ra xem, ban đầu cũng không lưu ý gì cho mấy nên chỉ xem sơ qua mà thôi. Mấy lần sau đó nhân có thời giờ rảnh rang nên mới xem kỹ và ngắm lại các nét chữ viết của em mình để “tìm xem kỷ niệm” thì bỗng trong quyển vở học của ngài rớt ra một phong thư, mà phong thư đó vẫn còn niêm kín chớ chưa có mở ra (Có lẽ ngài nhận được nó lúc còn ở trên Mỹ Tho và rồi sau đó hoặc là ngài quên bẵng đi hay là ngài không thèm quan tâm tới nữa cũng không chừng).

Bìa ngoài như có đề tên người gởi là Tạ Thị Kim Loan (TTKL) đây rõ ràng là tên của mỹ nhân (có lẽ vậy) mà! Cô này là ai nhỉ, là bạn, là người quen của em mình lúc còn ở học trên chợ Mỹ chăng? Ủa, mà sao thư vẫn còn nguyên chưa mở ra xem nhỉ?

Như vậy là em mình chắc không bao giờ biết ở trong thơ đây người đẹp (?) TTKL viết điều chi rồi, bây giờ “chú nó” đã đi tu, có lẽ đã cạo đầu trọc và trở thành một “tiểu hòa thượng” rồi cũng không chừng, thôi thì ta hãy “mạn phép” chú nó mở ra xem, coi cho biết có “cái gì” ở trong ấy.

Rồi anh năm của ngài khai thư ra xem, và khi xem xong thì chính người cũng phải chắc lưỡi mấy cái mà than thở rằng:

– Hỡi ôi! thiệt là tội nghiệp. (Chớ phải chi ta là chú nó thì hay biết mấy!)

Thấy bài thư ấy hay và đượm nhiều tình ý đau buồn, thương cảm có liên quan đến em mình, nên anh năm của ngài viết luôn vào quyển nhật ký để lưu hậu.

Theo thiển ý của Bảo Đăng tôi nghĩ thì chắc có lẽ TTKL tiểu thơ “yêu” ngài lắm, nhưng chỉ là yêu đơn phương mà thôi, còn ngài vì tâm trí đã đặt nơi chốn Phật đài, và con tim cũng đã có mang bóng hình của Phật Tổ rồi thì ngài đâu còn để ý gì đến ai ở trên cõi đời này nữa, kịp đến khi tiểu thơ TTKL biết ngài sắp sửa hồi gia để trị bịnh cho mẹ xong rồi đi tu luôn, thì tiểu thơ lấy làm buồn khổ lắm vì biết là từ đây đã vĩnh biệt “người yêu trong mộng” rồi nên mới gởi cho ngài bài thơ: “Tống biệt Nhựt Thăng huynh” (Vĩnh biệt anh Nhựt Thăng) đấy chăng? Nhưng bài thơ hay như thế mà cũng không được ngài xem đến nữa (dầu chỉ một lần thôi).

Ôi! tình yêu là đau khổ, đau khổ.

Và đời cũng thế, chỉ là một chuỗi khổ đau!

Đến đây trước khi bước qua một chương khác, tức là chỉ thuần ghi lại những sự việc kể từ khi ngài xuất gia, hành đạo, nhập thất và viên tịch (vào năm Nhâm Thân 1992) mà thôi. Bảo Đăng tôi thấy mình cũng phải nên ghi thêm vào đây một vài sự việc trong gia đình và sự đau khổ của ông bà cụ cố, sau khi ngài đã “xuất gia” và “vu quy” theo Phật rồi.

(Theo lời kể lại của cụ Tây Liên đã thuật cho con là ĐĐ. Bổn sư Thích Hải Quang nghe và được thầy ghi bổ túc thêm ở phần sau chót của quyển lút lục).

(Lược thuật).

… Sau khi (thức giấc) và biết con mình đã “xuất giá tòng phu” ý quên đã “xuất gia tòng Phật” rồi thì ông bà cụ cố buồn lắm.

Ban đầu thì hai cụ và mọi người trong gia đình ai cũng đều nghĩ rằng chắc có lẽ là ngài lên Mỹ Tho và trở về chùa Vĩnh Tràng lại để xuất gia cùng với Hòa thượng Phật Ấn tôn sư nên cũng không mấy lo cho lắm. Bởi vì trước kia khi ngài còn học ở trên chợ Mỹ tho thì cụ ông thỉnh thoảng cũng có đến chùa thăm con (để mang thêm cho ngài tiền học phí hoặc xây xài mua sắm sách vở, giấy mực) … cái việc đi đi, về về như thế (trong suốt hơn bốn năm trường) nên cụ ông cũng đã quen thuộc với mọi đường đi nước bước rồi. Cho nên hôm nay, tuy biết rằng con của mình nửa đêm đã âm thầm trốn nhà đi tu rồi nhưng cụ ông cũng không đến nỗi nào bi lụy và lo lắng thái quá. Bởi cụ nghĩ rằng thôi cũng không sao, để vài tuần nữa mình thu xếp mọi việc xong xuôi rồi (sẽ cùng má nó) lên Mỹ Tho, đến chùa Vĩnh Tràng thì sẽ gặp lại con, việc đâu cũng còn có đó. Dầu rằng nó lén trốn nhà, bỏ cha mẹ mà đi tu không một lời từ giã, nhưng không sao, vì “ta” đã biết chỗ ở của “nó” rồi thì “nó” chạy đâu cho thoát chớ.

(Vì khi gặp lại “nó’ rồi thì ta và “má nó” sẽ tìm đủ mọi cách để năn nỉ, khóc lóc cho thật nhiều hoặc làm bộ té xỉu … thì “nó” là một đứa con có hiếu, có lẽ nào nó làm ngơ mà không theo ta trở về nhà hay sao?)

Do vì nghĩ như vậy cho nên khoảng nửa tháng sau, hai cụ cố áo quần, khăn dù tươm tất cẩn thận, rời Bình Xuân lên xe đò nhắm hướng Mỹ Tho và chùa Vĩnh Tràng trực chỉ.

Nào dè khi đến nơi rồi thì không thấy ngài ở nơi đó. Hỏi Hòa thượng và chư tăng ni trong chùa thì ai nấy cũng đều chưng hửng hết. Hai cụ cố thì tưởng ngài đã về chùa nửa tháng nay rồi, còn Hòa thượng và chư tăng ni thì cử tưởng là ngài vẫn còn ở nhà trị bệnh cho bà cụ (vì cách đây hơn tháng khi ngài lên Mỹ Tho bổ thuốc cho hai cụ thì ngài có ghé ngang qua thăm chùa, có ai nghe ngài nói gì về việc bỏ nhà đi tu đâu).

Nay vỡ lẽ ra thì ai nấy cũng đều bí “HỐ” hết mà cùng nhau té ngửa, té nghiêng, kêu “trời đất ơi” liền miệng … giờ biết nó ở đâu mà tìm – lúc này là lúc mà ông bà cụ cố đau khổ và khóc nhiều nhất, bởi vì cái hy vọng cuối cùng (để bám víu) giờ cũng đã tiêu tan.

(Thiệt là “ai đau khổ” hết sức)

Hai cụ không biết làm sao hơn đành phải đảnh lễ Hòa thượng, buồn thầm, khóc lóc mà trở về.

Không một ai biết ngài đã đi đâu và ở tại chốn nào hết cả.

Đúng là cái cảnh:

Đường mây bặt dấu chim hồng,
Dặm ngàn khuất dạng, còn trông chi tìm.
Hỏi mây, mây cũng lặng im,
Hỏi trăng, trăng cũng an điềm mặc nhiên.
Sân chiều trời ngả bóng nghiêng,
Nhựt thăng biết đã về miền nơi nao!
Cả kêu rằng hỡi trời cao,
Con tôi giờ đã ra sao, chốn nào?

Nguyễn Văn Hương
(Nhớ con)

Và rồi thời gian tuần tự trôi qua …

Gần suốt cả năm trời sau đó, cụ bà mỗi lần nhắc đến cố Hòa thượng của chúng ta là cụ bà sụt sùi nhỏ lệ nhớ thương.

Còn cụ ông vì là nam nhi cho nên cứng cỏi hơn một chút, nghĩa là cụ ông chỉ buồn buồn vậy thôi chớ không có khóc như cụ bà vậy. Mà mỗi lần buồn như thế là cụ ông lấy áo cũ của ngài ra để ở trước mặt mà ngó, ngó đã rồi uống nước trà giải buồn, có khi uống hết bình trà này qua bình trà khác (mà cũng vẫn chưa đã khát nữa).

Trong “Tây liên bút lục” có ghi lại bài thơ sau đây:

Con đi áo để lại nhà,
Mỗi ngày nhìn ngắm lòng già quặn đau.
Buồn trong ngõ trước vườn sau,
Nhựt Thăng giờ ở nơi nào hỡi con?
Sớm hôm lòng dạ héo hon,
Chờ mong tin nhạn mỏi mòn nhạn ơi. (***)
Sầu này biết thuở nào vơi!
Nguyễn Văn Hương
(Chờ đợi tin con)

(***) Chờ trông tin nhạn: Ý nói là chờ đợi tin thư. Vì hồi xưa người ta dùng chim nhạn để đưa thư, nên trong cổ thi gọi “tin thư” là “tin nhạn”

Chẳng hạn như:

Nhạn ơi mang cánh thư này nhé,
Chuyển đến dùm ta khách nẻo xa.
Mấy năm cách biệt tin ngày vắng,
Ngắm khói hoàng hôn chợt nhớ nhà.
Hoặc là:
Ngày sáu khắc mong tin nhạn vắng,
Đêm năm canh khắc khoải mộng hồn.
Vv….

Có những đêm cụ ông ngồi sù sụ một mình với ngọn đèn chong đốt bằng dầu hôi để ở trước mặt và chiếc áo cũ của con mình mà chìm vào trong suy tư, trầm tưởng suốt cả mấy canh dài không chịu vào nhà trong an giấc.

Ở nhà ai cũng sợ cụ ông bệnh đồng xúm lại giải khuyên để cho cụ ông nguôi bớt đi phần nào sầu khổ.

(Theo Bảo Đăng nghĩ, chẳng thà mình buồn khổ quá thì mình cứ việc khóc lớn lên cho nó vơi đi, chớ còn im lặng như vậy thì nó dày xéo tâm can khổ còn gấp bội hơn nữa. Không biết quý vị nghĩ sao?)

Có một lần đó, nhân lúc cụ ông bận việc đi vắng, người con thứ năm mới đem cái áo cũ của ngài (mà cụ ông vẫn thường để ở trước mặt ngắm mỗi khi nhớ con) ra giặt vì sợ để lâu quá nó có mùi hôi. Thì thấy trong chiếc áo ấy rơi ra một tờ giấy xếp kỹ lại, trên có ghi mấy bài thơ “liên khúc” mà cụ ông sáng tác sau đây:

BUỒN KHÓC NHỚ CON
Đêm nay sao khiến tôi buồn quá,
Trước ngọn đèn chong có một mình.
Rỉ rả ve sầu vang tiếng gọi,
Tỉ tê giọng dế suốt đêm thanh.
Ngoài hè gió thổi nghe xào xạt,
Trong trướng1 không an giấc mộng lành.
Trằn trọc thâu đêm không nhắm mắt,
Biết ai mà tỏ nổi lòng mình.
 
Lòng mình, mình biết chỉ mình hay,
Tâm sự này bày tỏ với ai.
Lặng lẽ mà nghe lòng thổn thức,
Âm thầm chịu đựng mấy ai thay
Nhớ con dấn bước hà phương tá,2
Để khổ lòng già chịu đắng cay.
Sầu nọ, nổi kia thêm chất ngất,
Khôn ngăn giọt lụy suốt đêm dài.
 
Đêm dài thao thức nổi sầu quanh,
Thơ thẩn, thẩn thơ dưới bức mành.
Nghĩ nhớ trẻ thơ lòng đứt đoạn,
Bao giờ gặp lại hỡi cao xanh?
Thân yếu, tuổi già thêm quạnh vắng,
Một mình sầu khổ suốt năm canh.
Con hởi vì sao đành vội sớm?
Lá mới xanh non nở tách cành!
 
Tách cành đành bỏ mẹ cùng cha,
Canh vắng đường khuya khổ lắm mà.
Vì sợ tử sanh con lỗi đạo?
Hướng về Phật tự lướt xông pha.
Bỏ quê, bỏ xứ, bỏ người thân,
Lìa hết thương yêu, dứt ruột rà.
Cúi lạy Phật đà xin đoái tưởng,
Độ người qua khổ hải trầm kha.
Nguyễn Văn Hương
(Đêm buồn khóc nhớ con xa)

(1) Trướng: là chỗ nằm, chỗ ngồi, chỗ ngơi nghỉ, chỗ văn phòng làm việc.

(2) Hà phương tá: tức là ở đâu, ở nơi nào. Câu này ý nói: nhớ con không biết con đi nơi phương nào.


Và rồi một ngày kia…

Gần hai năm trời sau đó, cánh nhạn chờ mong từ nơi phương trời xa xôi nào kia bỗng dưng bay trở lại và hai cụ cố nhận được một bức thư của ngài gởi về thăm viếng, tạ lỗi cùng khuyên nhắc song thân và gia đình tu niệm.

Trong thư ngài cũng không nói là ngài đang ở đâu, hay làm gì hết, mà chỉ thuần có các lời thăm hỏi khuyên nhắc và kèm theo một bài thơ sau đây:

Tụ tán xưa nay lý vẫn thường,
Mất còn, tan hợp bận chi thương.
Bình tâm nghĩ lại đừng bi lụy,
Năm tháng lạnh lùng bạc tóc sương.
Nếu có nhớ con xin niệm PHẬT,
Phát lòng quy hướng chốn Tây Phương.
Nguyền cho cậu, má tâm thường nhớ,
Cực Lạc là quê chỗ náu nương.

THÍCH THIỀN TÂM

Lúc đó cả nhà mới biết bấy lâu nay ngài đã xuống tóc và trở thành một ông “Thầy tu chánh hiệu” với pháp danh là: THÍCH THIỀN TÂM tăng sĩ rồi.

Cụ ông mỗi ngày đều xem qua bài thơ ấy, cứ mỗi lần xem xong là cụ ngậm ngùi nhỏ lệ, uống trà, (cho tan buồn) rồi mặc áo tràng vào và lễ mễ ra trước bàn thờ, quỳ xuống niệm Phật, tu theo lời dặn của đứa con yêu:

Nếu có nhớ con xin niệm Phật,
Phát lòng quy hướng chốn Tây Phương.

Cụ ông qua đời 9 năm sau đó (vào khoảng cuối năm 1954)

– (Lúc đó ĐĐ. bổn sư Thích Hải Quang mới vừa lên được 9 tuổi).

– Đại Đức Liên Du THÍCH THIỀN TÂM (Trí Hiền) cũng vừa tốt nghiệp xong chương trình Cao Đẳng PHẬT học tại PHẬT Học Đường Nam Việt (Sài Gòn) với hạng “Tối ưu”.

Và ngài về chịu tang cha…

(Trong quyển “Tây liên tùy bút lục” có ghi lại những ngày cuối của cụ ông khi còn nằm trên giường bệnh như sau:

– Cậu rất là tỉnh táo, tay lần chuỗi niệm Phật. Thỉnh thoảng cậu nói:

– Phải chi có thằng THĂNG nó về lúc này chắc cậu vui lắm…

Trước khi qua đời, cậu nói nhớ “Thầy Mười” và để lại bài thơ này, dặn nếu sau “Thầy Mười” Thầy Mười: là cố Hòa thượng – vì trong gia đình ngài thứ mười, cho nên gọi là “Thầy Mười”. có về thì trao lại.

Và sau đây là bài thơ cuối cùng của cụ ông.

Bảo Đăng xin ghi lại ở nơi đây (để mà thương cho tình cảm của một người cha):

Chín năm cách biệt đứa con yêu,
Đếm bước vườn sau có những chiều.
Ngắm áo con thơ lòng nức nở,
Lệ sầu tuôn đổ biết bao nhiêu!
Lắm khi khóc lặng trong niềm nhớ,
Gan ruột dường như bị đốt thiêu.
Con ở phương xa giờ có biết?
Phút cuối cha nghe dạ nhớ nhiều.
Nguyễn Văn Hương
(Phút cuối đời tôi)