TẠI GIA BỒ TÁT GIỚI KINH GIẢNG LỤC

Tam Tạng Pháp Sư Đàm Vô Sấm dịch Phạn Hán
Thái Hư Đại Sư giảng
Thích Tịnh Nghiêm dịch Hán Việt

 

Phẩm Một: Tập Hội

A1. Phần phát khởi
B1. Nêu lên pháp hội

Tôi nghe như vầy, một thuở nọ Đức Phật ở Tinh xá Cấp cô độc, trong rừng Kỳ đà, tại nước Xá vệ, cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu tăng, năm trăm vị tỳ khưu ni, một ngàn ưu bà tắc, và năm trăm người ăn mày.

[Giải]   Đây là phần mà người kết tập thuật lại bổn kinh, có người thuyết pháp, người nghe pháp, cùng thời gian và địa điểm thuyết pháp, gọi là năm phần chứng tín; mượn đây chứng minh bộ kinh nầy xác thật có thể tin được, mục đích để lưu truyền dài lâu mai hậu.

Trong các đệ tử Phật, có ngài A Nan Đà, dịch là Khánh Hỷ, là bậc đa văn bậc nhất, thọ trì ghi nhớ không quên. Sau khi Phật diệt độ, trong lần kết tập thứ nhất, do năm trăm đệ tử tiến cử ngài A Nan Đà kết tập kinh tạng, ngài Ưu Ba Ly kết tập luật tạng, và ngài Đại Ca Diếp kết tập luận tạng. Bộ kinh này do ngài A Nan Đà kết tập, đang lúc kết tập, tự thuật lại pháp hội này.

“Tôi nghe như vầy”, thuật lại chính tự thân nghe. Chữ “tôi” là do người kết tập tự xưng. ” Như vầy”, bao hàm ý nghĩa rất sâu. Ở đây chỉ đề cập đến văn nghĩa của bổn kinh, mà nói nghĩa của kinh này như vậy, là do tôi tự thân nghe Đức Phật nói, dùng để chứng minh bổn kinh không phải những câu chuyện chỉ nghe phong phanh, hoặc những câu chuyện huyễn hoặc, có thể so sánh. Đây là chứng tín “do chính mình nghe”.

“Một thuở nọ” (Hán: nhất thời), thuật lại thời gian thuyết pháp. Lý do không ghi rõ ngày thánh năm, là vì theo nghĩa rộng mà nói, trên cõi trời dưới cõi người, ngày tháng năm dài ngắn khác nhau, không có sự đồng nhất, cho nên không thể ghi rõ ngày tháng năm, là để kinh điển tiện lưu hành ở khắp mọi nơi. Lại nữa, một thuở nọ, có thể phân thành lý và sự, nghĩa là giáo lý và căn cơ khế hợp, nói nghe hoàn tất, đây gọi là sự; còn nếu y vào “vô phân biệt trí” khế hợp “vô phân biệt lý”, lý và trí không hai không khác, đây gọi là lý. Đây gọi là chứng tín ” thời gian thuyết pháp”.

“Phật”, đây là âm tiếng Phạn, đầy đủ nên nói “Phật đà”, hoặc “Phù đồ”. Người Trung quốc thông thường, thường dùng để chỉ “tháp”, kỳ thực, tháp là nơi thờ xá lợi của Phật, do đây mượn tên để đại biểu Đức Phật. Nhà Nho thời cổ, thường hay dùng chữ Phù đồ để chỉ cho đệ tử xuất gia của Đức Phật, thực sự, kẻ xuất gia là người học Phật nhưng chưa thành tựu, không thể hàm hồ mà gọi là Phật; hoặc cho rằng người xuất gia đứng đầu trong các hàng đệ tử Phật, thay Phật tuyên dương Phật pháp nên gọi là Phật chăng?

Bổn nghĩa của Phật đà là Giác giả, giác tức là giác ngộ, tương tự như chữ Thánh ở Trung quốc. Trong Phật pháp, A la hán, Bích chi phật, và các vị Bồ tát đăng địa, cũng được gọi là Thánh, thế nhưng Đức Phật là bậc Thánh trong hàng Thánh. Giác giả nghĩa là bậc Thánh giác ngộ, ví như kẻ có học vấn được gọi là học giả, còn kẻ giác ngộ được xưng là giác giả. Ở đây chữ giác giả là chỉ riêng những bậc hoàn toàn không còn mê hoặc sai lầm, rốt ráo viên mãn, cho nên các bậc thánh từ A la hán nhẫn đến Đại Bồ tát, vẫn chưa được gọi là Giác giả, mà phải là bậc chứng đắc A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, tức là bậc Vô thượng chánh biến giác, mới được gọi là giác giả. Chánh, tức là chân chánh mà không sai lầm; biến, tức là phổ biến mà không thiên lệch. Đại Bồ tát tuy có chánh biến giác ngộ, nhưng chưa vô thượng, cho nên cần phải đầy đủ phước đức trí tuệ mới gọi là Phật. Chữ Phật vốn là chỉ chung, như Đông phương Dược Sư Phật, Tây phương A Di Đà Phật, nhẫn đến mười phương chư Phật, đều được gọi là Phật. Thế nhưng, ở thế gian nầy chỉ có giáo pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni lưu hành, cho nên có thể giản đơn dùng chữ Phật để gọi Đức Phật Thích Ca, còn các vị Phật khác đều dùng tên riêng để gọi, chẳng hạn Phật Dược Sư, v.v… Cho nên ở đây chữ Phật là chỉ riêng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Thế nhưng, mười phương chư Phật, phước trí đều như nhau, sự chứng đắc và thuyết pháp không có cao thấp, chỉ có sự thiết lập những phương tiện khéo léo để thích ứng căn cơ chúng sinh là khác biệt, do đó một vị Phật thuyết pháp cũng đồng như tất cả chư Phật thuyết pháp. Đây gọi là chứng tín “vị giáo chủ thuyết pháp”.

“Nước Xá vệ”, ở trung Ấn độ. Trung Ấn độ không phải chỉ có nước Xá vệ, chẳng qua Xá vệ và Ma kiệt đà là hai nước tương đối lớn. Xá vệ là dịch âm, dịch nghĩa là Phong đức, có nghĩa là quốc gia phong phú đạo đức.

“Tinh xá Cấp cô độc, trong rừng Kỳ đà”, tức là Kỳ thọ Cấp cô độc viên trong kinh Kim Cương. Kỳ Đà, gọi tắt là Kỳ, là tên của thái tử của nước Xá vệ, có nghĩa là chiến thắng, nhân vì sanh vào lúc phụ vương thắng trận, cho nên đặt tên là Chiến thắng. Cấp Cô Độc, âm Phạn là A na bân để, dịch là Thiện thí, nhân vì ông thường hay bố thí cho những kẻ cô độc, nên được gọi là trưởng giả Thiện thí. Rừng thuộc về thái tử Kỳ Đà, tinh xá thuộc về Cấp Cô Độc, cho nên gọi chung là tinh xá Cấp cô độc trong rừng Kỳ đà. Chỗ này vốn là đất của thái tử Kỳ đà, trưởng giả Cấp Cô Độc muốn mua đất cúng dường Phật, thái tử Kỳ Đà nói đùa rằng cần phải lót vàng đầy khắp mới bán, trưởng giả tâm tha thiết cúng dường Phật, lại là người giàu có dư dật, cho nên đem hết số vàng có sẳn để lót khu rừng. Thái tử Kỳ Đà thấy thế cảm động, bèn ra lệnh ngừng lót vàng, đem đất bán cho trưởng giả, riêng lưu lại rừng cây để tự cúng dường Phật, cho nên gọi là rừng Kỳ đà. Trưởng giả được đất, bèn xây phòng xá tinh mỹ cúng dường Phật, cho nên gọi là tinh xá Cấp cô độc. Ở đây nước Xá vệ là tên vùng đất lớn, còn tinh xá Cấp cô độc trong rừng Kỳ đà là tên vùng đất nhỏ. Đây gọi là chứng tín “nơi thuyết pháp”.

“Cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu …. năm trăm người ăn mày”, là chứng tín “những người nghe pháp”. Trong đây trước tiên đề cập đến tỳ khưu tăng, là vì tỳ khưu là thượng thủ trong năm chúng xuất gia. Tỳ khưu, có người “nhìn văn đoán nghĩa”, cho rằng tỳ khưu, nghĩa là so sánh với Khổng Khưu. Thế nhưng tỳ khưu là dịch âm, dịch nghĩa là khất sĩ. Nhân vì kẻ xuất gia không những không sản xuất, mà còn xả bỏ tất cả tài sản, thường hành khất thực để nuôi sinh mệnh. Hiện tại Tích lan, Xiêm la, Miến điện, vẫn còn như thế. Lại còn có nghĩa khất pháp để nuôi sống tuệ mệnh, khất pháp, tức là cầu pháp, nghĩa là cầu học Phật pháp để đoạn trừ phiền não giải thoát sinh tử. Bổn nghĩa của tỳ khưu, vốn chỉ là như thế. Nếu suy rộng ra, lại còn có các nghĩa bố ma, phá ác. Đại khái, tu học Phật pháp, phá trừ pháp ác, làm sao cho thiên ma bị khủng bố.

Chữ “tăng”, phần nhiều bị hiểu lầm hoặc dùng sai; hoặc cho rằng tăng là họ của người xuất gia, thế nhưng, chữ tăng là dịch âm, gọi đủ là “tăng già”, dịch nghĩa là “chúng”. Do đây, tăng là đoàn thể của những tín đồ Phật giáo xuất gia; đoàn thể này y vào giới luật mà sinh hoạt; y vào giới luật tỳ kheo mà sinh hoạt, gọi là tỳ kheo tăng; y vào giới luật tỳ kheo ni mà sinh hoạt, gọi là tỳ kheo ni tăng. Chữ tăng chỉ chung cho các đoàn thể xuất gia, trong kinh cũng còn gọi là chúng.

Trình độ của tỳ kheo không đồng, có người đã chứng thánh quả, độ chúng sinh; cũng có người phá giới, thoái thất, đọa lạc, lại cũng có người mới vào đạo, thế nhưng tỳ kheo ở đây, đều là bậc chứng quả a la hán, phát Bồ đề tâm, có đại công đức trí tuệ, cho nên được gọi là tỳ kheo, lại có những người thường tháp tùng Đức Phật, cả thảy gôàm một ngàn hai trăm năm mươi vị. Ni cũng là dịch âm, tỳ kheo ni là tỳ kheo phái nữ, gồm năm trăm người. Trong hàng đệ tử Phật, tỳ kheo ni xuất hiện tương đối trễ, sau khi Phật thành đạo ước chừng hai, ba mươi năm, do mẹ nuôi của Đức Phật cầu xuất gia, mới bắt đầu có tỳ kheo ni.

Nghĩa của chữ ưu bà tắc, hôm trước đã có nói qua, hôm nay có nhiều người mới đến nghe, thành thử xin nói tóm tắt như sau. Ưu bà tắc là dịch âm, còn dịch là Ô ba sách ca, Ô ba tắc ca, hoặc Ưu bồ tắc, có nghĩa là cận sự, vì có thể thân cận phụng sự Tam bảo. Còn có chỗ dịch là thiện túc, cận túc, thanh tín. Trung quốc quen gọi là cư sĩ, kỳ thực, trong kinh Phật, chữ cư sĩ là gọi những người thế gian thông thường, còn nếu là đệ tử Phật, nên gọi là ưu bà tắc hoặc ưu bà di. Đại khái, là những người đã thọ ngũ giới, nói rộng hơn nữa, thì kẻ chỉ quy y Tam bảo cũng có thể gọi là Tam quy ưu bà tắc (di), kẻ thọ ngũ giới thì gọi là Ngũ giới ưu bà tắc (di), kẻ thọ Bát giới thì gọi là Bát giới ưu bà tắc (di). Trong đây có độ khoảng một ngàn người tham dự pháp hội.

“Ăn mày”, thông thường tiếng Hán gọi là khất cái, không giống với nghĩa khất thực, khất pháp của tỳ kheo đã nói ở phần trên, gồm có năm trăm người.

Trong pháp hội này, có đủ các hàng tăng tục, nam nữ, giàu nghèo, và toàn là loài người chứ không có các loài chúng sinh khác, đây cũng là một điểm đặc thù của bộ kinh này, có thể chứng minh rằng bộ kinh này chính vì loài người mà thi thiết.

Loại thuật sự pháp hội này, cũng giống như hiện nay ghi lại các buổi khai hội. Tôi nghe như vầy, tức là lời tự thuật của người ký lục, kế đó là thời gian khai hội, có chủ tịch, địa điểm, người tham dư, v.v…

Như quyển kinh này, chứng cứ đầy đủ, nên không lạ là đã lưu truyền đến hôm nay, vĩnh viễn có thể tin được!

B2. Thiện Sinh thưa hỏi

[Giải]   Trong số một ngàn ưu bà tắc, có trưởng giả tên Thiện Sinh thưa thỉnh Đức Phật thuyết pháp, nêu rõ cương tông của bộ kinh này

C1. Hỏi đáp bổn sự
D1. Hỏi về sự lạy sáu phương

Lúc bấy giờ trong pháp hội có một vị trưởng giả tên Thiện Sinh bạch với Đức Phật: Kính bạch Đức Thế Tôn! Phái ngoại đạo Lục sư  thường dạy rằng: “Nếu mỗi buổi sáng kính lạy sáu phương, thì sẽ được sống lâu, giàu có. Vì sao? Cõi phương đông thuộc về trời Đế thích; nếu người nào cúng dàng, sẽ được Đế thích bảo hộ và giúp đỡ. Cõi phương nam thuộc về vua Diêm la; nếu người nào cúng dàng, sẽ được Diêm la bảo hộ và giúp đỡ. Cõi phương tây thuộc về trời Bà lâu na ; nếu người nào cúng dàng, sẽ được Bà lâu na bảo hộ và giúp đỡ. Cõi phương bắc thuộc về trời Câu tỳ la ; nếu người nào cúng dàng, sẽ được Câu tỳ la bảo hộ và giúp đỡ. Cõi phương dưới thuộc về trời Lửa; nếu người nào cúng dàng, sẽ được Lửa bảo hộ và giúp đỡ. Cõi phương trên thuộc về trời Gió; nếu người nào cúng dàng, sẽ được Gió bảo hộ và giúp đỡ.” Kính bạch Đức Thế Tôn, trong Phật pháp cũng có sáu phương như vậy chăng?

[Giải]   Trưởng, nghĩa là tôn xưng kẻ tuổi cao đức trọng, có nhiều của cải và thanh danh. Thiện Sinh tuổi còn trẻ, nên gọi là trưởng giả tử. Trong các bộ kinh khác, nói rất tường tận việc người cha lúc mệnh chung, dặn dò việc lễ lạy sáu phương.

Sau khi Thiện Sinh quy y Phật pháp, bèn nhân cơ hội hỏi Đức Phật về ý nghĩa của sáu phương. Nhân vì ông ta có thiện căn nên mới sinh vào cõi người, lại không làm luống uổng cuộc đời hiện tại của mình, tăng tiến làm thiện, cho nên gọi là Thiện Sinh. Lúc này, Thiện Sinh tuy đã quy y Phật, nhưng chưa hỏi kỹ Phật pháp, do đó đem việc Lục sư ngoại đạo dạy cách lạy sáu phương ra hỏi. Phàm không phải là Phật pháp, tức đều là ngoại đạo. Vào thời Đức Phật, có chín mươi sáu nhóm ngoại đạo, Lục sư là sáu đại biểu nổi tiếng của họ. Kinh Niết Bàn đã có nói rõ.

Thứ nhất, Phú Lâu Na Ca Diếp. Phú Lâu Na là tên, Ca Diếp là họ. Chủ trương tính đoạn diệt của tất cả các pháp, không có đạo vua tôi, cha con, trung hiếu, v.v…

Thứ hai, Mạt Già Lê Câu Xá Lê, có nghĩa là kiến đạo. Mạt Già Lê là tên, Câu Xá Lê là tên của bà mẹ. Chủ trương sự khổ lạc của chúng sinh tự nhiên mà có, không co nhân duyên.

Thứ ba, San Xà Dạ Tỳ La Chi Tử. San Xà Dạ là tên, Tỳ La Chi Tử là tên bà mẹ, có nghĩa là Chánh Thắng Bất Tác. Chủ trương không cần cầu đạo, chỉ cần trải qua một số kiếp sinh tử nhất định, sẽ chấm dứt sự khổ, giống như cuộn chỉ lăn từ núi cao, hết chỉ tự ngừng.

Thứ tư, A Kỳ Đa Xí Xá Khâm Bà La. A Kỳ Đa Xí Xá là tên, Khâm Bà La tức là áo thô. Thân mặc áo thô rách, phơi mình ngoài nắng, tu đạo khổ hạnh, chủ trương thọ sự khổ dài lâu trong một thời gian ngắn, sẽ được giải thoát.

Thứ năm, Ca Na Cưu Đà Ca Chiên Diên. Ca Na Cưu Đà là tên, có nghĩa cổ trâu; Ca Chiên Diên là họ, có nghĩa là cắt tóc. Chủ trương các vừa có tướng vừa vô tướng, tùy ý giải đáp. Đây gọi là bọn tà mệnh ngoại đạo.

Thứ sáu, Ni Kiền Đà Nhã Đề Tử. Ni Kiền Đà, nghĩa là thoát ly hệ phược, tên chung của những người xuất gia. Nhã Đề, là tên người mẹ. Chủ trương khổ lạc thiện phước đều do nghiệp đời trước tạo, không phải đời này tu hành đạo nghiệp mà có thể đoạn trừ. Đây là hiện tại Kỳ Na Giáo ở Aán Độ, rất nhiều tín đồ.

Sáu nhóm ngoại đạo nói trên, đều có đồ chúng, và cũng giáo hóa chúng sinh. Ở đây không phải bọn Lục sư đều chủ trương như thế, chẳng qua là trong nhóm họ có người nêu lên chủ trương mà Thiện Sinh đã trình bày với Đức Phật.

Sống lâu giàu có, giống như chúng ta thường nói “tăng phước tăng thọ”. Bọn ngoại đạo, phần lớn tùy thuận sự yêu cầu của thế tục, hầu mong được cung kính cúng dường, thế nhưng, trong Phật pháp Đại thừa, cũng không chỉ tu tập trí tuệ, mà còn muốn tu tập phước đức để “sống lâu giàu có”, hầu làm tư lương để độ hóa chúng sinh.

Cõi phương đông, chữ cõi, có nghĩa là thế giới, tức là lãnh thổ của Thiên Đế Thích. Có năng lực làm vua của các vị trời, nên gọi là Đế Thích (Hán: Thích Đề Hoàn Nhân, dịch là Năng thiên chúa, kẻ có năng lực làm chúa của trời). Vua Diêm La, tức là chúa địa ngục, cai quản chúng sinh chịu khổ báo địa ngục. Bà Lâu Na, tên của long vương, cai quản nước. Vị trời cai quản nước, có thể gọi là thần, trời Bà Lâu Na tức là thủy thần. Câu Tỳ La, nghĩa là giao, chữ Giao là tên của thần dạ xoa, chứ không phải là giao long (thuồng luồng). Trời lửa, tức là hỏa thần. Trời Gió, tức là thần gió. Lễ lạy các vị trời hoặc thần đó, họ sẽ bảo hộ, cứu trợ. Đây là ý nghĩa lễ lạy sáu phương của bọn ngoại đạo.

Thế Tôn, là bậc được tất cả thế giới tôn kính, dịch âm là Bạc Già Phạm.

D2. Phật trả lời tu lục độ

Phật bảo Thiện Sinh: “Trong Phật Pháp cũng có sáu phương, tức là sáu pháp Ba la mật. Phương đông tức là Bố thí Ba la mật. Vì sao? Phương đông đại biểu sự mới bắt đầu của một ngày, đem đến ánh sáng chói lọi của trí tuệ. Phương đông lại thuộc về tâm chúng sinh. Nếu người nào cúng dàng  Bố thí Ba la mật, sẽ được sống lâu và giàu có. Phương nam tức là Trì giới Ba la mật. Vì sao? Trì giới Ba la mật đại biểu phía mặt. Nếu người nào cúng dàng, sẽ được sống lâu và giàu có. Phương tây tức là Nhẫn nhục Ba la mật. Vì sao? Phương tây ở về phía sau, tượng trưng cho tất cả pháp ác đều bị bỏ lại ở phía sau. Nếu người nào cúng dàng, sẽ được sống lâu và giàu có. Phương bắc tức là Tinh tiến Ba la mật. Vì sao? Phương bắc tượng trưng cho sự chiến thắng các pháp ác. Nếu người nào cúng dàng, sẽ được sống lâu và giàu có. Phương dưới tức là Thiền Ba la mật. Vì sao? Vì xuyên qua thiền định, chúng sinh có thể chân chính quán sát ba đường dữ. Nếu người nào cúng dàng, sẽ được sống lâu và giàu có. Phương trên tức là Bát nhã Ba la mật. Vì sao? Vì trên tức là vô thượng, vô sinh. Nếu người nào cúng dàng, sẽ được sống lâu và giàu có. Thiện nam tử! Sáu phương đều thuộc về tâm của chúng sinh, không phải như bọn ngoại đạo Lục Sư đã nói.”

[Giải] Phật giải đáp sáu phương tức là sáu ba la mật, cho nên nói: “Người chánh nói pháp tà, pháp tà đều thành chánh”. Phật lấy sáu phương nói đến sáu độ, tức là đem ngoại đạo chuyển thành Phật đạo. Ba la mật là âm Phạn, dịch nghĩa là đáo bỉ ngạn (đến bờ bên kia). Phàm sự việc làm đến mức thành công viên mãn, đều gọi là ba la mật. Ý nghĩa của sáu độ sẽ được trình bày tường tận. Ở đây chỉ nói tóm lược: (1) Đàn, gọi đủ là đàn na, nghĩa là bố thí, trước tiên, tu bố thí có thể khai phát ánh sáng trí tuệ. Cúng dường, có nghĩa là tu học. (2) Thi, gọi đủ là thi la, nghĩa là trì giới. Phía mặt, có nghĩa là trên (Hán: thượng), là ưu; nếu có thể thọ giới tu trì thì tức là bậc thượng đẳng, bậc ưu việt. (3) Sàn đề, có nghĩa là nhẫn nhục. Phía sau, có thể nhẫn nhục, tức là đem pháp ác vứt bỏ lại phía sau. (4) Tỳ lê da, có nghĩa là tinh tiến. Phương bắc có thể hàng phục pháp ác, cho nên có hiệu là “chiến thắng các pháp ác”. (5) Thiền, tức là thiền định, gọi đủ là thiền na, dịch nghĩa là tĩnh lự, có nghĩa là tĩnh quán nhân quả thiện ác. (6) Bát nhã, có nghĩa là trí tuệ, đây là trí tuệ chân thực vô phân biệt, là pháp tối thượng trong các pháp, cho nên gọi là vô thượng. Dùng trí tuệ vô phân biệt khế hợp chứng đắc chân như, không có sinh diệt, tương đương với ý nghĩa của Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Không sinh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm”, cho nên gọi là vô sinh.

Lục độ là sở hành trong tâm chúng sinh, cho nên nói thuộc về tâm của chúng sinh, không phải như ngoại đạo nói là thần ở sáu phương. Ngoại đạo có đa thần giáo, nhất thần giáo, còn Phật pháp thì muốn chứng minh tất cả đều thuộc về tâm chúng sinh.

C2. Gạn lọc hỏi đáp
D1. Biện luận về Bồ tát tính có thể cúng dường

– Ai có thể cúng dàng sáu phương như vậy?

– Thiện nam tử! Chỉ có Bồ tát mới có thể cúng dàng.

[Giải]   Phần trước đã nói, nếu như có thể cúng dường (tu tập) lục độ, tức là có thể lễ kính sáu phương, y theo nghĩa này tự nhiên dẫn đến sự việc Thiện Sinh hỏi ai là kẻ có thể cúng dường sáu phương như vậy.

Thiện nam tử, tức là kêu gọi Thiện Sinh. Phật lập tức trả lời: “Chỉ có Bồ tát mới có thể cúng dường.”

Bồ tát, có người dùng chữ này là đại danh từ để gọi các ngẫu tượng, không luận là tượng quỷ thần bằng gỗ, bằng đất, bằng đồng, đều gọi là Bồ tát. Điều này quả thật sai lầm.  Hoặc giả, dùng chữ Bồ tát để gọi chung tất cả quỷ thần, hoặc giả hỗn lạm không phân biệt thần, Phật, đều gọi chung là Bồ tát, điều không thỏa đáng!

Đại khái, quỷ thần, hoặc thuộc về cõi trời, hoặc cõi a tu la, hoặc cõi quỷ, đều không ra khỏi sáu nẽo luân hồi. Còn các vị Bồ tát, tuy thọ sinh trong cõi trời người, đều đã phát Bồ đề tâm, và chỉ y vào một niệm phát Bồ đề tâm đó, đã vượt trên các chúng sinh trong tam giới cùng hàng Nhị thừa. Nhân đây, không thể gọi chung với các quỷ thần chưa ra khỏi ba cõi. Lại nữa, có người cho rằng, Bồ, nghĩa là phổ, Tát, nghĩa là tế, Bồ tát có nghĩa là phổ tế (phổ biến tế độ). Đây chỉ là nhìn văn tưởng nghĩa (Hán: vọng văn sinh nghĩa). Kỳ thực, Bồ tát là tên gọi tắt của Bồ đề tát đỏa. Bồ đề, là gọi tắt của A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, còn tát đỏa có nghĩa là chúng sinh hữu tình. Nói tắt, Bồ tát tức là hữu tình phát Bồ đề tâm. Con người cũng là một loại hữu tình, cho nên, nghĩa gần là muốn chỉ người phát Bồ đề tâm, mới có thể gọi là Bồ tát. Cho nên cần phải phát tâm Vô thượng Bồ đề, kiên cố không bị dao động, mới được xưng là Bồ tát. Chỉ có Bồ tát mới có thể kính lễ sáu phương, nghĩa là có thể tu tập lục độ.

– Kính bạch Đức Thế Tôn! Do nghĩa gì mà gọi là Bồ tát?
       
Đức Phật bảo Thiện Sinh: “Kẻ đã giác ngộ được gọi là Bồ tát, kẻ có tính giác ngộ được gọi là Bồ tát.”

– Kính bạch Đức Thế Tôn! Nếu kẻ giác ngộ được gọi là Bồ tát, như vậy lúc chưa cúng dàng sáu phương, thì thế nào được gọi là Bồ tát? Nếu vì có tính giác ngộ mà được gọi là Bồ tát, thì ai có tính ấy? Nếu như, người có tính nầy mới có thể cúng dàng sáu phương, còn không có tính nầy không thể cúng dàng, Đức Như Lai không thể nói là sáu phương thuộc về tâm chúng sinh.

– Thiện nam tử! Không phải được giác ngộ mà gọi là Bồ tát. Vì sao? Kẻ được giác ngộ thì gọi là Phật. Trước khi giác ngộ thì gọi là Bồ tát.

Thiện nam tử! Tất cả chúng sinh không có tính giác ngộ, cũng như chúng sinh không có tính trời, người, sư tử, cọp, sói, chó, v.v… Do trong đời nầy hòa hợp nhiều nhân duyên của nghiệp lành mà chúng sinh được thân người, trời; hoặc hòa hợp nhiều nhân duyên của nghiệp ác mà sinh vào loài bàng sinh, như sư tử chẳng hạn. Bồ tát cũng như vậy, do sự hòa hợp nhiều nhân duyên của nghiệp lành, lại phát tâm Bồ đề, nên gọi là Bồ tát. Giả sử có người nói rằng tất cả chúng sinh đều có tính Bồ tát, nghĩa nầy không đúng. Vì sao? Nếu đã có tính Bồ tát thì không cần tu tập những nhân duyên nghiệp lành bằng cách cúng dàng sáu phương.

Thiện nam tử! Nếu chúng sinh đã có sẵn tính Bồ tát, thì chắc không có kẻ mới phát tâm cũng như có kẻ thoái tâm. Do vô lượng nhân duyên nghiệp lành mà phát tâm Bồ đề, nên mới gọi là có tính Bồ tát.

[Giải]   Thiện Sinh không rõ có ý nghĩa gì mà gọi là Bồ tát, cho nên mới hỏi lại ý nghĩa Bồ tát. Đức Phật trả lời: “Kẻ đã giác ngộ được gọi là Bồ tát, kẻ có tính giác ngộ được gọi là Bồ tát. Đã giác ngộ, là từ quả vị mà nói, tức là thành tựu cứu cánh A nậu đa la tam miệu tam bồ đề, tức là thành Phật. Tính giác ngộ, là từ tu nhân mà nói. Xưa nay vốn thế, thường thường như thế, nên gọi là tính. Xưa nay vốn, nghĩa là không phải do học tập mà được; thường, nghĩa là không biến đổi. Ví như, có tính người nên được gọi là người; có tính nam, nên gọi là người nam; có tính nữ, nên gọi là người nữ. Vì có tính giác ngộ, cho nên gọi là Bồ tát.

Hai câu trả lời này, lại phát khởi nghi vấn của Thiện Sinh, cho nên ông ta hỏi tiếp. Câu hỏi này rất là trọng yếu, đây chính là tông chỉ đặc thù của bổn kinh. Ý của Thiện Sinh muốn hỏi: “Nếu nói đã giác ngộ mới được gọi là Bồ tát, nếu vậy, trước khi cúng dường sáu phương, ắt chưa được giác ngộ, như thế, chưa được gọi là Bồ tát, làm sao có thể cúng dường sáu phương, như vậy là có sự mâu thuẫn!

Lại nữa, nếu cho rằng có tính giác ngộ mới được gọi là Bồ tát, phải chăng tất cả chúng sinh đều có tính này? Nếu như không phải tất cả đều có tính này, thì kẻ không có tính giác ngộ không thể cúng dường. Do đây suy luận, sáu phương không phải là tâm chúng sinh!

Lại nữa, nếu như không phải tất cả đều có tính giác ngộ, ắt tự mình không thể biết mình có tính ấy hay không, do đây không thể quyết định là có thể hay không thể cúng dường sáu phương, há chẳng phải phí công vô ích!

Nếu cho rằng tất cả chúng sanh đều có tính giác ngộ, tại sao chúng sinh không thể cúng dường sáu phương? Nếu cho rằng có chúng sinh có tính giác ngộ, có chúng sinh không, nhưng lại không biết, cho nên không thể quyết định là mình có nên cúng dường sáu phương hay không! Như vậy, không thể nói sáu phương thuộc về tâm chúng sinh. Nhân vì, nếu đà chứng đắc Bồ đề, thì không cần phải cúng dường, còn có tính Bồ đề cũng không thể cúng dường, như vậy, hình như điều Phật nói, lý luận không vững, cho nên Thiện Sinh mới cật vấn Đức Phật.

Đức Phật liền trả lời: “Không phải chứng đắc Bồ đề mới là Bồ tát, vì kẻ chứng đắc Bồ đề thì gọi là Phật, còn trước khi chứng đắc Bồ đề thì gọi là Bồ tát”. Cho nên điều này không mâu thuẫn với câu trả lời trên. Phần trên nói kẻ đã chứng đắc Bồ đề là chú trọng đến sự có thể chứng đắc. Lại nói: “Không phải có tính Bồ đề mà được gọi là Bồ tát”, vì chữ “tính” có nghĩa là “vốn như thế không biến đổi”. Lại nói, tất cả chúng sinh vốn không có tính Bồ đề, ví như tất cả chúng sinh không có tính người, trời, súc sinh, v.v…, do sự hòa hợp của các nhân duyên thiện ác mà có thân người, trời, súc sanh, v.v…, bởi vì chúng sinh có thể nhận thọ nhiều đời sinh tử, sinh sinh tử tử, trôi lăn sáu nẽo, đều không có một tính nhất định; nếu như có tính nhất định, thì sư tử vĩnh viễn sẽ làm sư tử; người, trời vĩnh viễn sẽ làm người, trời! Đại khái, do sự trôi lăn sinh tử này, mà nói rằng không có một tính nhất định không biến đổi, hiện nay được thân người, trời, sư tử, cọp, sói, v.v…, đều là quả báo của sự hòa hợp các nhân duyên thiện ác.

Ví như, tu tập Ngũ giới sẽ được thân người, tu tập thập thiện và bất động nghiệp (tức thiền định), sẽ được thân trời, còn như mười nghiệp bất thiện sẽ sinh là sư tử, cọp, sói, v.v…

Y vào đạo lý này, Bồ tát cũng tương tự như vậy, do sự hòa hợp của các nhân duyên thiện nghiệp siêu việt hơn trời người mà lại bao quát thiện nghiệp trời người, lại có thể phát thệ nguyện chứng đắc Vô thượng Bồ đề, cho nên được gọi là Bồ tát. Bồ tát sở dĩ là Bồ tát, là từ sự hòa hợp của nhiều thiện hạnh siêu việt trời người và thiện hạnh trời người mà được. Nếu cho rằng tất cả chúng sinh có tính Bồ tát thì không đúng. Xưa nay vốn không biến đổi mới gọi là tính; nếu như có tính Bồ tát không biến đổi thì không cần phải cúng dường sáu phương mới có thể chứng đắc Bồ đề mà thành Phật.

Từ câu “Thiện nam tử! Nếu chúng sinh …” trở xuống, kết luận tính Bồ tát không phải là tâm vốn có không biến đổi. Nếu là vốn có, thì không có lúc mới phát tâm, và nếu như không biến đổi, thì cũng không có lúc thoái tâm. Bởi vì có tâm mới phát và tâm thoái chuyển, chứng minh không phải tất cả chúng sinh có tính Bồ tát, mà phải do vô lượng nhân duyên thiện nghiệp, phát Bồ đề tâm mới được gọi là Bồ tát.

Phần trên, tuy y vào kinh văn mà thuyết minh, đối với kẻ chưa từng nghiên cứu các kinh điển khác, hoặc giả, có thể tin tưởng không nghi; nhưng nếu đã nghiên cứu qua các kinh điển khác, thì ngược lại, lại phát sinh nghi vấn. Đại khái, có một loại kinh điển, từng nói tất cả chúng sinh đều có Phật tính; lại có một loại kinh điển khác, nói chúng sinh được chia làm năm nhóm: có kẻ vô tính, tức không có tính Niết bàn của Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát; có kẻ có định tính Thanh văn, hoặc định tính Duyên giác, hoặc định tính Bồ tát; lại có kẻ không có định tính, nghĩa là không nhất định là Thanh văn, Duyên giác hay Bồ tát. Hiện nay, bộ kinh này nói tất cả chúng sinh đều không có Phật tính, như vậy đối với các kinh điển khác làm sao hội thông?

Trên phương diện lý thể, Phật pháp là nhất quán; thế nhưng, trên phương diện giảng kinh, tạo luận, các các đều có yếu điểm đặc thù, phân làm ba loại: cảnh, hành, quả, để giải thích. (1) Cảnh, tức là vũ trụ vạn hữu (tính, tướng của các pháp). Từ chân như tính bình đẳng của tất cả các pháp trong vũ trụ mà nói, tách khỏi ngôn ngữ, dứt tuyệt sự suy lường, các chúng sinh đều là bình đẳng, không hai không khác, thì tất cả chúng sinh đều có Phật tính; ngay cả cỏ, cây, sông, núi, đều có cùng Phật tính này. Đây là từ thể tính của cảnh và pháp, nêu rõ tất cả đều có Phật tính; nếu từ hành tướng của cảnh và pháp mà nói, tất cả các pháp trong vũ trụ đều có nhân do, ví như hạt giống của cây cỏ, mỗi loại đều khác biệt; các chủng tử trong bổn thức (a lại da thức) của chúng sinh hữu tình đều có công năng sai biệt; dùng cảnh giới pháp tướng mà quán sát, thì thấy có năm loại: vô tính, tính của ba Thừa, và tính bất định khác nhau.

Có kinh điển giảng thuyết từ phương diện quả vị, lại có sự bất đồng, như kinh Niết Bàn nói: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính”. Đại khái, từ phương diện quả vị quán sát tất cả các pháp, tất cả chúng sinh đều có Pháp thân của Phật, cho nên đều có ý nghĩa “dùng Phật làm tính”. Thế nhưng, kinh Pháp Hoa lại nêu lên hiệu lực giáo hóa của Phật quả, có thể chứng minh “Tất cả chúng sinh đều không có Phật tính”, như nói: “Phật chủng từ duyên khởi, cho nên nói Nhất thừa”. Nhân vì tất cả các pháp đều từ duyên sinh, chúng sinh lúc đầu chưa có Phật tính, phải có một nhân duyên tăng thượng thù thắng, một vị đã thành Phật từ bi giáo hóa, mới có thể làm cho họ sinh khởi Phật tính, đây gọi là đốn khởi Phật tính; ngoài ra có chúng sinh, lúc đầu khởi tâm Thanh văn, Duyên giác tính, sau được Phật giáo hóa, hồi tâm hướng Đại thừa, phát khởi Phật tính. Tất cả do nhân duyên được Phật giáo hóa mà sinh khởi, lúc đầu đều không có tính. Đây là kinh Pháp Hoa y vào Bồ đề quả mà thuyết minh.

Bộ kinh này đặc biệt chú trọng đến “hành”, cho nên nói nếu phát tâm người, trời, tu hành Ngũ giới, Thập thiện, thì có tính người, trời; nếu phát tâm Bồ đề, tu hạnh Bồ tát, thì có tính Bồ tát; nếu như có thể tu vô lượng nghiệp vô lậu, đầy đủ ba a tăng kỳ kiếp, thì sẽ thành Phật. Điều này nêu rõ tông chỉ của bổn kinh là chú trọng đến phương diện “hành”, cho nên tính Bồ tát không phải là “đã chứng đắc Bồ đề”, mà cũng không phải là “vốn có không biến đổi”, mà phải do phát tâm Bồ đề, tu hạnh Bồ tát, mới có được tính này, mới được gọi là Bồ tát.

Thế nhưng ý nghĩa của bộ kinh này và kinh Pháp Hoa muốn nói, tuy rất gần gũi, thế nhưng kinh Pháp Hoa là từ phương diện lấy Phật quả Bồ đề làm duyên khởi, chú trọng tại “quả”, còn bộ kinh này là từ phương diện chúng sinh phát tâm Bồ đề, tu Bồ tát hạnh, chú trọng tại “hành”. Tuy thế, trên phương diện lý thể, hai bộ kinh vẫn có sự tương thông vô ngại.

Trên đây là biện minh tính Bồ tát, có thể cúng dường sáu phương,  sáu độ. Kẻ nào hiểu rõ tính Bồ tát này, thì gọi là Bồ tát.

D2. Biện minh chỗ phát sinh Bồ đề tâm
E1. Nói rõ mười nguyên nhân phát tâm

Thiện nam tử! (1) Có những chúng sinh tu theo ngoại đạo, vì không thích lý thuyết điên đảo của bọn họ mà phát tâm Bồ đề; (2) hoặc có chúng sinh ở nơi vắng lặng, nhờ nhân duyên thiện căn trong tâm mà phát tâm Bồ đề; (3) hoặc có chúng sinh quán sát lỗi lầm của sinh tử mà phát tâm Bồ đề; (4) hoặc có chúng sinh thấy nghe điều ác mà phát tâm Bồ đề; (5) hoặc có chúng sinh biết rõ sự tham dục, sân hận, ngu si, bỏn sẻn, ganh ghét của mình, vì muốn đối trị mà phát tâm Bồ đề; (6) hoặc có chúng sinh thấy bọn tiên ngoại đạo có năm phép thần thông mà phát tâm Bồ đề; (7) hoặc có chúng sinh muốn biết thế giới là hữu biên hoặc vô biên mà phát tâm Bồ đề; (8) hoặc có chúng sinh thấy nghe cảnh giới không thể nghĩ bàn của Như Lai mà phát tâm Bồ đề; (9) hoặc có chúng sinh khởi tâm thương xót cứu độ mọi loài mà phát tâm Bồ đề; (10) hoặc có chúng sinh vì yêu mến mọi loài mà phát tâm Bồ đề.

[Giải] Nhân duyên phát tâm Bồ đề có mười loại: (1) Xả bỏ ngoại đạo, nghĩa là xả bỏ tà thuyết mà quay về chánh pháp; loại người này, hiện nay rất nhiều, như những kẻ tin theo đạo quỷ thần của các nhóm Đồng thiện xã, Đạo viện, Kê đàn, v.v…, từ phương diện lý luận, nghiên cứu giáo thuyết của họ, thấy khó có thể đứng vững, những điều họ nói không phù hợp sự thực, cho nên xả bỏ tà giáo tà sư không phù hợp với sự thực này, phát tâm quy y Phật pháp, dùng chánh tri chánh kiến mà tu học; (2) do thiện căn trong tâm khải phát, nhân vì trước đó đã có thiện căn; (3) quán sát sự trôi lăn sinh tử, tới lui sáu nẽo, lúc sinh lúc tử, không có ngừng nghỉ, thấy sinh tử có vô lượng lỗi lầm, cho nên phát Bồ đề tâm; (4) có chúng sinh thấy, nghe điều ác, phát khởi lòng thương xót, muốn bạt trừ sự khổ não của chúng sinh mà phát Bồ đề tâm; (5) có người thấy rõ bỏn sẻn là một phần của tâm tham, ganh ghét là một phần của tâm sân, muốn giác ngộ mình và người, cần phải vạch trần cội gốc của phiền não, do đây phát tâm Bồ đề để mong đối trị phiền não; (6) năm phép thần thông (Hán: ngũ thông), tức là thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mệnh thông và thần cảnh thông, Phật và Bồ tát lại còn có lậu tận thông, hợp lại thành lục thông. Thế nhưng, chư Phật Bồ tát tuy có lục thông, nếu không phải vì cần độ chúng sinh,  thì không hiển hiện; còn ngoại đạo thì đặc biệt coi trọng thần thông, chuyên việc lòe mắt thiên hạ. Ở đây mong muốn thần thông là vì muốn hàng phục bọn ngoại đạo, nên phát Bồ đề tâm; (7) đây là do tâm mong cầu hiểu biết sai khiến, giống như khoa học, triết học hiện đại; vì muốn biết thế giới hữu thỉ hay vô thỉ, hữu chung hay vô chung, hữu trung hay vô trung, hữu biên hay vô biên, vì muốn hiểu biết triệt để lý trung đạo, cho nên phát tâm cầu Vô thượng Bồ đề; (8) vì ham thích Phật đạo; nhân vì Phật có mười hiệu, vì quán sát Đức Phật có thể thực thi những việc tối tôn tối thắng bất khả tư nghị, cho nên tự mình muốn thành tựu sự nghiệp của chư Phật; (9) vì thấy chúng sinh khổ não nên muốn cứu tế, khởi lòng thương xót, hiểu rằng nếu không phát Bồ đề tâm thì không thể thành tựu sự việc cứu độ chúng sinh; (10) vì muốn thành tựu những kẻ mình yêu mến mà phát tâm, quán sát chúng sinh giống như cha mẹ, anh em, vợ con, những người thân thương nhất, cho nên phát tâm Bồ đề.

E2. Nêu rõ ba loại phát tâm

Thiện nam tử! Tâm giác ngộ có ba bậc, thượng, trung và hạ. Nếu chúng sinh quyết định có tính giác ngộ, làm sao lại nói có ba bậc? Chúng sinh bậc hạ có thể phát tâm bậc trung, chúng sinh bậc trung có thể phát tâm bậc thượng, chúng sinh bậc thượng có thể phát tâm bậc trung, và chúng sinh bậc trung có thể phát tâm bậc hạ. Chúng sinh siêng tu vô lượng pháp lành, có thể tăng lên bậc thượng; nếu không siêng tu thì sẽ sụt xuống bậc hạ. Nếu khéo tu tiến thì gọi là không thoái lui; nếu không khéo tu tiến thì gọi là thoái lui. Nếu trong tất cả thời gian thường vì tất cả chúng sinh tu tập hạnh lành thì gọi là kẻ không thoái chuyển; ngược lại, thì gọi là kẻ thoái chuyển. Những Bồ tát như vậy gọi là kẻ có tâm thoái lui, khiếp sợ. Nếu có kẻ nào, trong tất cả thời gian vì tất cả chúng sinh mà tu pháp lành, được quả vị bất thoái, ta sẽ thọ ký kẻ ấy quyết định không bao lâu sẽ được quả vị Vô thượng Chính đẳng Chính giác.

[Giải] Ở đây nêu rõ sự phát Bồ đề tâm có ba bậc, nghĩa là tâm bậc hạ có thể tăng tiến lên bậc trung, bậc thượng, tâm bậc trung có thể chuyển thành bậc thượng, bậc thượng chuyển thành bậc trung, bậc trung chuyển thành bậc hạ. Ở đây, từ hạ lên thượng, từ thượng xuống hạ, tức có nghĩa là tăng tiến hoặc thoái chuyển. Tâm bậc hạ tức là tâm Thanh văn, tâm bậc trung tức là Bích chi phật, tâm bậc thượng tức là tâm Bồ tát. Có người lúc đầu phát Bồ đề tâm, sau lại thoái thất, phát tâm Thanh văn, Duyên giác; hoặc trước phát tâm Thanh văn, Duyên giác, sau phát tâm Bồ đề. Sự biến động của ba bậc thượng trung hạ không nhất định, do siêng năng nên tăng tiến, vì biếng nhác nên thoái sụt, hơn nữa, không tiến ắt sẽ thoái, tiến tức là không thoái. Cần phải trong mọi thời, vì tất cả vô biên chúng sinh mà tu tập, mới gọi là không thoái. Giả sử khởi một niệm thoái thất, hoặc sợ hãi, thì gọi là thoái. Nếu như không thoái chuyển, thì chư Phật nhất định sẽ thọ ký, thọ ký cho kẻ ấy trải qua bao nhiêu thời kiếp thì sẽ thành Phật.

E3. Biện minh sự phát tâm không có định tính

Thiện nam tử! Ba bậc giác ngộ không có tính nhất định, nếu có tính nhất định, thì kẻ phát tâm Thanh văn, Duyên giác không thể phát tâm Vô thượng Bồ đề.

Thiện nam tử! Giống như chúng tăng không có tính nhất định, tính của ba bậc giác ngộ cũng như thế. Nếu có kẻ nói “Giác ngộ có tính nhất định”, kẻ đó là ngoại đạo. Vì sao? Vì bọn ngoại đạo không tin nhân quả, như trời Tự tại của họ, phủ nhận cả nhân lẫn quả.

[Giải]   Ở đây nêu rõ Bồ đề tâm không có tính nhất định. Chúng tăng hòa hợp, không có tính nhất định, ví như chúng tăng hiện có năm, sáu người, hôm nay một hai người bỏ đi, ngày mai lại có hai, ba người mới tới, số thành viên không nhất định, tùy lúc lại có sự biến đổi; dùng đây để ví dụ sự biến động của ba loại Bồ đề cũng giống như vậy. Nếu nói có tính nhất định, đây là kiến giải của bọn ngoại đạo, bởi vì Đức Phật nói các pháp đều từ nhân duyên sinh; còn như nói các pháp đều không, cũng chỉ là nêu lên sự biến hóa của nhân duyên không có tính cố định.

Trời Tự tại của ngoại đạo, cùng với vị sáng tạo chủ tể của đạo Thiên chúa, thể và dụng tương đồn; cho rằng vốn có không biến đổi, tức là không nhân không quả. Nhân là năng biến, giống như hạt lúa sinh ra lúa, tức là nhân đã biến thành quả. Trời Tự tại thường hằng không biến đổi, tức là không nhân không quả.

Trong Phật pháp, bình đẳng chân như tuy cũng là “phi nhân quả”, nhưng không phải là một sự tồn tại ngoài nhân quả, chẳng qua, đó chỉ là lý tính phổ biến khắp tất cả các pháp nhân duyên sinh quả; còn trời Tự tại của ngoại đạo là sự tồn tại vốn có không biến đổi, ở ngoài nhân quả, cho nên gọi là ngoại đạo.

D3. Biện minh nhân duyên sinh của Bồ tát tính

Thiện nam tử! Nếu có kẻ nói tính Bồ tát giống như tính của vàng, nhất định hiện hữu trong kim khoáng, do sự tinh lọc mà hiển hiện được công dụng của vàng. Đây là thuyết của ngọai đạo Phạm chí. Vì sao? Bọn Phạm chí thường cho rằng trong hạt Ni câu đà đã có cây Ni câu đà, và trong tròng mắt có lửa và đá. Do đó bọn họ thừa nhận không có nhân cũng không có quả. Nhân tức là quả, và quả tức là nhân. Hạt Ni câu đà đã có sẵn cây Ni câu đà. Đây là thuyết nhân quả của bọn Phạm chí. Nhưng điều nầy không đúng. Vì sao? Nhân thì nhỏ mà quả thì to. Vả lại, nếu nói trong con mắt nhất định có lửa, mắt sẽ bị đốt cháy. Làm sao mắt có thể thấy được?

Thiện nam tử! Bọn Phạm chí cho rằng, có tức là vĩnh viễn có, không tức là vĩnh viễn không. Không không trở thành có, mà có cũng không trở thành không. Nếu trong khoáng có tính của vàng, vàng không thể gọi là tính, mà tính cũng không thể gọi là vàng.

Thiện nam tử! Do nhiều nhân duyên nên có sự hòa hợp, vì hòa hợp nên trước vốn là không mà sau mới có. Nếu vậy, bọn Phạm chí cho rằng “không tức vĩnh viễn là không”, nghĩa nầy là thế nào? Lại như vàng hòa hợp với thủy ngân, vàng bị biến đổi. Nếu vậy, như bọn Phạm Chí cho rằng “có thì vĩnh viễn không diệt”, nghĩa nầy là thế nào? Nếu nói chúng sinh có sẵn tính Bồ tát, đây là thuyết của ngoại đạo, không phải thuyết của đạo Phật.

Thiện nam tử! Ví như do nhân duyên hòa hợp mà có tác dụng của vàng, tính Bồ tát cũng giống như vậy. Chúng sinh có tâm so đo, nên gọi đó là tâm mong cầu, dùng tâm mong cầu đó, do nhân duyên thiện nghiệp mà phát tâm Bồ đề, như vậy gọi là tính Bồ tát.

Thiện nam tử! Ví như chúng sinh trước kia không có tâm mong cầu giác ngộ, sau nầy mới có, tính Bồ tát cũng vậy, trước không sau có. Thế nên, không thể nói quyết định có tính Bồ tát.

[Giải] Ở đây, biện minh thêm về nhân duyên sinh. Trong kim khoáng có tính vàng, đây là thuyết của Phạm chí; tức là nói trong nhân có quả. Cây Ni câu đà, tức là cây Bồ đề (?), cây này rất lớn, tương tự như cây Dong (Hán: 榕) ở Quảng đông. Hạt của cây này rất nhỏ. Trong hạt nhỏ có cây lớn, tức là trong nhân có quả.

Khi mắt có bệnh, hoặc có cảm giác đau rát, hoặc có cảm giác khó chịu như bị vật chặn. Bọn họ cho rằng trong măé vốn có lửa và đá; rát bỏng tức là lửa, vật chặn tức là đá; đây cũng là trong nhân có quả.

Nếu cho rằng mắt lành đã có sẵn lửa và đá, hạt Ni câu đà đã có sẵn trong cây Ni câu đà, cho nên nhân tức là quả, điều này đi ngược với sự thực! Hạt nhỏ cây lớn, đây là nhân nhỏ quả to, làm thế nào hạt tức là cây? Lại nữa, nếu mắt lúc lành đã có sẵn lửa, tại sao mắt không bị đau rát? Lúc mắt lành đã có sẵn đá, tại sao không có cảm giác bị chặn? Bọn họ chấp có tính cố định, cho nên cho rằng có là vĩnh viễn có, không tức là vĩnh viễn không, điều này gần giống như luận điệu của phái Số luận. Vả lại, nếu như vậy thì không có sự sinh diệt; không sinh, ắt sẽ tương phản với sự thực là sự vật do nhân duyên hòa hợp, vốn không nay có; không diệt, ắt sẽ tương phản với sự thực là vàng hòa hợp với thủy ngân, vàng sẽ bị hủy diệt. Hơn nữa, nếu đã có vàng, ắt không còn nói đến tính, còn đã nói tính, thì thể nói tức là vàng. Giống như khoáng thạch không thể dùng như vàng, bởi nó không phải vàng. Luận điệu của bọn Phạm chí quả thực nghịch lý, cho nên nói chúng sinh nhất định có tính Bồ tát, đây là luận điệu của ngoại đạo, bởi vì phải do nhân duyên thiện nghiệp hòa hợp mới có tính Bồ tát.

Tâm mong cầu, tức là tâm nguyện ước mong muốn. Phát tâm Bồ đề, tức là phát nguyện ước mong cầu Bồ đề. Mong cầu, tức là tâm chí nguyện chứng đắc Bồ đề, do đây được gọi là tâm Bồ tát, phải thành Phật mới được gọi là Bồ đề, phải phát tâm mới được gọi là tính Bồ tát.

Tuy không có tính nhất định, nhưng nếu một khi phát tâm mong cầu chứng đắc Bồ đề, thì không luận là nam, nữ, già, trẻ, tất cả đều là Bồ tát phát tâm Bồ đề!

C3. Nêu tông chỉ đại cương
D1. Nêu rõ ý nghĩa và loại biệt của tất cả Bồ tát

Thiện nam tử! Bất cứ kẻ nào cầu trí tuệ rộng lớn đều gọi là Bồ tát. Bởi vì họ muốn biết sự chân thực của tất cả các pháp; vì muốn được sự trang nghiêm rộng lớn; vì muốn tâm được kiên cố, độ vô lượng chúng sinh; và vì không tiếc thân mệnh, nên đây gọi là Bồ tát tu hạnh Đại thừa.

Thiện nam tử! Bồ tát có hai hạng: một là thoái chuyển, hai là không thoái chuyển. Kẻ đã tu tập nghiệp ba mươi hai tướng, gọi là không thoái chuyển; nếu chưa thể tu được, gọi là thoái chuyển. Lại có hai hạng: một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia, phụng trì tám giới trọng hoàn toàn thanh tịnh, gọi là Bồ tát không thoái chuyển. Bồ tát tại gia, phụng trì sáu giới trọng hoàn toàn thanh tịnh, cũng gọi là Bồ tát không thoái chuyển.

[Giải]   Trí tuệ rộng lớn, tức là Đại giác, cũng tức là Phật trí. Do giác tuệ tương ưng mà chứng đắc những giác tuệ rộng lớn phổ biến như Nhất thiết trí, hoặc Nhất thiết chủng trí, hoặc Tự nhiên trí. Mong cầu những loại trí tuệ như vậy, thì gọi là Bồ tát. Đây là nêu tổng quát ý nghĩa của Bồ tát.

Kế đến, ý nghĩa đặc thù của Bồ tát, có năm điều: (1) Muốn biết sự chân thực cứu cánh của tất cảc pháp trong vũ trụ, đây cũng là động cơ mong cầu trí tuệ. Vì sao mong cầu trí tuệ? Điều này là cương lĩnh của phẩm Phát bồ đề tâm. Đại khái, người thế gian theo đuổi sự nghiệp học vấn, đều không ngoài hai loại: (a) cầu được an lạc, miễn trừ sự khổ não, và (b) truy cầ trí thức để được trí tuệ. Tất cả sự mong cầu của người đời không ngoài hai thứ này. Trong đây, đối với vũ trụ vạn hữu, sự mong cầu hiểu biết các pháp trong pháp giới, tức là lòng mong cầu tối cao vô thượng, nhân đây có thể trở thành bậc Nhất thiết trí. Như kinh Pháp Hoa có nói: “Chỉ có chư Phật mới có thể hiểu biết cứu cánh thực tướng của các Pháp”.
(2) Sự trang nghiêm rộng lớn, đây là cương lĩnh của phẩm Trang nghiêm mình và người và phẩm Trang nghiêm phước đức trí tuệ, tức là Phước đức Lưỡng túc tôn. (3) Tâm kiên cố, do vì chí hướng tuyệt đối, kiên cố lập trường, phát tâm tu hành, khó tránh gặp phải sự khó khăn, cần phải có tâm chí kiên cố, mới có thể chiến thắng lòng dục vọng riêng tư. Muốn kiên cố tâm chí, cần phải thọ giới, cho nên mới có phẩm thọ giới. (4) Độ vô lượng chúng sinh, đây là cương lĩnh của hai phẩm Sáu Ba la mật và Tu hành nghiệp ba mươi hai tướng. Tất cả Bồ tát, đều vì độ chúng sinh. (5) Không tiếc thân mệnh. Bồ tát vì độ chúng sinh mà thọ thân, chúng sinh vì bị phiền não lôi kéo mà thọ thân. Bồ tát vì muốn độ chúng sinh nên vào biển sinh tử, đầy đủ sự trang nghiêm phước đức, trí tuệ, thí xả tiền bạc của cải; đã vì độ chúng sinh mà thọ thân, thì ngay cả tay chân, đầu, mắt, v.v…, đều có thể thí xả, không còn tâm bỏn sẻn. Mạng, tức là mạng sống, cũng co thể vì độ chúng sinh mà thí xả. Đại khái, Bồ tát thực sự có thể soi chiếu năm uẩn đều là không, tức là không còn sự phân biệt ta người; chứng đắc “sinh nhẫn trí”, y vào ma ha bát nhã (đại trí tuệ) mà độ chúng sinh, coi sự bố thí thân mạng, tài sản và vô úy đồng nhau không khác.

Phần trên biện minh vì cầu trí tuê, v.v…, mà phát tâm, sau khi đã phát tâm, cần phải tu hành, đây là định nghĩa của Bồ tát. Phải có đủ năm nghĩa mới là Bồ tát. Bồ tát Đại thừa, giống như xe lửa trong các loại xe, có thể chở rất nhiều người đạt đến mục tiêu. Từ đây trở xuống, biện minh chủng loại của Bồ tát. Hai loại Bồ tát, dùng thoái chuyển và không thoái chuyển mà phân biệt.

Trước khi chân chánh phát tâm, không thể gọi là thoái chuyển hay không thoái chuyển. Sau khi đã phát tâm, trong Thập tín, bậc Lục tín được gọi là ” tín bất thoái”; Sơ trụ gọi là “phát tâm bất thoái”; Thất trụ gọi là “vị bất thoái”. Tu tập Bồ tát hạnh phải đến bậc Thất trụ mới không còn thoái chuyển, cho nên phát tâm, trong lúc tu nhân, đến bậc Lục trụ vẫn còn bị thoái chuyển. Đến bậc Sơ địa mới chứng được chân lý, chứng được “chân chánh không còn thoái chuyển”, nên được gọi là “chứng bất thoái”; bậc Bát địa được gọi là “niệm bất thoái”, bởi vì các ngài, chân trí hiện tiền, cho nên niệm niệm tự nhiên tăng tiến; bậc Thất địa trở xuống còn khởi câu sinh phiền não.

Có người nói phải đợi đến viên mãn ba đại a tăng kỳ kiếp mới bắt đầu tu tập nghiệp ba mươi hai tướng, hoặc có người nói, từ bậc sơ phát tâm trụ (sơ trụ) đã bắt đầu tu tập nghiệp ba mươi hai tướng. Phần sau có riêng một phẩm chuyên giảng về nghiệp ba mươi hai tướng này.

Phần trên biện minh hai loại thoái chuyển và không thoái chuyển, phần dưới đây biện minh hai loại xuất gia và tại gia, tức là dùng sự trì giới kiên cố hay không mà biện minh vấn đề thoái chuyển hay không thoái chuyển, điều này đủ để chứng minh bộ kinh này chú trọng đến giới hạnh.

Ở đây, chú trọng tám giới trọng, sáu giới trọng. Nếu phạm giới trọng ắt sẽ mất giới thể không thể sám hối, còn phạm giới khinh thì có thể sám hối. Bốn giới trọng của tỳ kheo cũng tức là bốn giới trọng đầu của Bồ tát Du già. Tám giới trọng, tức là bốn giới trọng của tỳ kheo: sát hại, trộm cướp, dâm dục, vọng ngữ, cùng với bốn giới trọng của Bồ tát: khen mình chê người, bỏn sẻn không bố thí pháp, sân hận không thọ sám hối, nói pháp tương tự, hợp lại thành tám giới trọng của người xuất gia. Nếu như tu trì tám điều giới trọng này hoàn toàn không phạm, có thể gọi là bất thoái chuyển. Sáu giới trọng của hàng tại gia, tức là sáu giới trọng, hai mươi tám giới khinh trong phẩm Thọ giới của bổn kinh, đến phần dưới chúng ta sẽ trình bày tường tận. Cần phải hoàn toàn không phạm, mới được gọi là bất thoái chuyển.

Điều này đủ cho chúng ta thấy, đặc biệt chú trọng sự trì giới chính là tông chỉ của bộ kinh này.

D2. Hiển rõ sự thù thắng của Bồ tát tại gia

Thiện nam tử! Phúc đức của bọn ngoại đạo đoạn được tâm tham dục, thù thắng hơn phúc đức của chúng sinh trong cõi dục giới. Tu đà hoàn thù thắng hơn bọn ngoại đạo dị kiến, Tư đà hàm thắng hơn Tu đà hoàn, A na hàm thù thắng hơn Tư đà hàm, A la hán thù thắng hơn A na hàm, Bích chi phật thù thắng hơn A la hán. Kẻ tại gia phát tâm Bồ đề, lại thù thắng hơn Bích chi phật. Kẻ xuất gia phát tâm Bồ đề không khó. Kẻ tại gia phát tâm Bồ đề, quả thật không thể nghĩ bàn. Vì sao? Vì kẻ tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc. Lúc kẻ tại gia phát tâm Bồ đề, thì từ cõi trời Tứ thiên vương, cho đến cõi trời Sắc cứu cánh, tất cả đều kinh ngạc vui mừng, nói như thế nầy: “Hôm nay chúng ta đã có được vị thầy của trời người.”

[Giải]   Ở đây dùng sự so sánh để hiển minh sự thù thắng. Từ “Thiện nam tử!” trở xuống, đều dùng sự so sánh để thuyết minh.

Bọn ngoại đạo cũng tu tập thiền định thế gian, tứ thiền, bát định, có thể đoạn trừ ngũ dục, và siêu việt các cõi trời dục giới.

Tu đà hoàn, tức là bậc sơ quả của Tiểu thừa. Thanh văn, do nghe Đức Phật nói pháp, tu hành giải thoát; trong bốn quả vị Thanh văn, đây là quả đầu tiên; dịch nghĩa dự lưu, có nghĩa là mới bắt đầu nhập vào dòng thánh. Bậc này thù thắng hơn tất cả ngoại đạo, vượt hơn các vị trời Phi tưởng phi phi tưởn, chứng đắc nhân không vô ngã kiến, đoạn trừ được kiến hoặc.

Tư đà hàm, tức là bậc nhị quả Thanh văn, dịch là nhất lai, nghĩa là chỉ trở lại nhân gian (cõi dục giới) một lần cuối.

A na hàm, tức là bậc tam quả Thanh văn, dịch là bất hoàn, nghĩa là sanh vào cõi trời Ngũ bất hoàn của cõi sắc giới, không còn trở lại nhân gian, mà tại cõi sắc chứng quả A la hán.

Phần dưới sẽ đặc biệt nhấn mạnh đến kẻ tại gia.

Kẻ tại gia nếu có thể chân thực phát tâm Bồ đề, không những thù thắng hơn ngoại đạo, nhẫn đến còn thù thắng hơn cả bậc Bích chi phật. Do đây, có thể thấy được sự tôn quý của sự phát tâm Bồ đề. Hàng tại gia không nên tự coi rẻ mình mà đi cúng dường bọn ngoại đạo quỷ thần.

Trong truyện ký kể lại, có một vị A la hán du hành,có một đệ tử tiểu sa di vai mang hành lý tháp tùng. Ngài dùng tha tâm thông thấy đệ tử bổng nhiên phát tâm Bồ đề, sau khi biết được, ngài bèn lấy bọc hành lý lại, tự mình mang lấy, đồng thời nhường cho đệ tử đi trước. Chốc lát sau, tiểu sa di bổng nghĩ Bồ tát hạnh khó hành, bèn thoát tâm, A la hán biết được, bèn đem bọc hành lý đưa cho tiểu sa di mang, bảo chú ấy trở lại đi phía sau. Sa di thấy thế bèn hỏi lý do, vị La hán nói: “Phát Bồ đề tâm siêu vượt A la hán, còn nếu thoái tâm, tức không bằng A la hán!”

Từ “Kẻ xuất gia” trở xuống, nói kẻ tại gia phát tâm Bồ đề. Người xuất gia xả bỏ ngũ dục, thanh tịnh dễ tiến bộ; người tại gia ở trong cảnh ngũ dục mà có thể phát tâm Bồ đề, thực là không thể nghĩ bàn, bởi vì họ bị nhiều nhân duyên ác trược ràng buộc. Cõi trời Tứ thiên vương là từng trời đầu tiên, cõi trời Sắc cứu cánh là từng trời cao nhất, tổng cộng có hai mươi tám bốn (có chỗ nói hai mươi tám) từng trời. Tất cả đều kinh ngạc vui mừng, bởi vì kẻ ở trong các nhân duyên ác mà có thể phát tâm Bồ đề, xứng đáng làm vị thầy của trời người (Hán: nhân thiên sư biểu), tức là không khác gì với Đức Phật!

Do trì giới thanh tịnh, tông chỉ chú trọng hành trì, đặc biệt chú trọng đến hạnh Bồ tát tại gia, đặc biệt ở phẩm này nêu rõ sự thù thắng, cho nên bộ kinh này có thể gọi là Kinh Bồ Tát Tại Gia.

Ở đây chúng ta đã nêu rõ cưong tông của toàn thể bộ kinh, các phẩm ở phần dưới chỉ là nói tường tận hơn phần cương tông mà thôi.