THÍCH TỊNH ĐỘ
QUẦN NGHI LUẬN
(Giải Thích Những Nghi Vấn Tịnh Độ)
Pháp sư Hoài Cảm soạn
Thích Pháp Chánh dịch
Phần X: Biện biệt chín phẩm
1. Chín phẩm vãng sanh.
Hỏi: Những người được vãng sanh y vào giai vị nào để phân thành chín phẩm? (104)
Đáp: Phân biệt chín phẩm sơ lược có hai cách giải thích, phân biệt chín phẩm chi tiết có nhiều cách giải thích.
A. Phân biệt sơ lược: (1) Chín phẩm này đều là Bồ tát giai vị Thập tín. Căn cứ vào công hạnh, hoặc trụ hoặc thoái, làm thiện làm ác, lên xuống không đồng, phân thành chín phẩm. Ba phẩm trên là Bồ tát thập tín bất thoái, tùy theo giai vị, công hạnh sâu cạn mà phân thành ba phẩm. Ba phẩm giữa là những hành giả thoái tâm Đại thừa, phát tâm Tiểu thừa, thoái công hạnh Đại thừa, tu công hạnh Tiểu thừa, tùy công hạnh sâu cạn mà phân thành ba phẩm. Ba phẩm dưới là những hành giả thoái tâm Đại thừa, khởi tâm sanh tử, thoái công hạnh Đại thừa, tạo tội sanh tử, tùy tội nặng nhẹ, phân thành ba phẩm. (2) Phát tâm Vô thượng Bồ đề, tu hạnh Bồ tát, công hạnh sâu cạn, phân thành ba phẩm trên. Phát tâm Thanh văn Bồ đề, tu hạnh Thanh văn, công hạnh sâu cạn, phân thành ba phẩm giữa. Không phát tâm Đại Tiểu thừa, không tu công hạnh Đại Tiểu thừa, chỉ biết phát tâm sanh tử, chỉ biết tạo tội sanh tử, tạo tội nặng nhẹ, phân thành ba phẩm dưới. Đây là phân chín phẩm sơ lược.
B. Phân biệt chi tiết: (1) Đối với ba bậc thượng phẩm, có nhiều kiến giải khác biệt. (a) Có người cho rằng vãng sanh thượng phẩm thượng sanh là các Bồ tát Tứ địa, Ngũ địa, Lục địa, vãng sanh thượng phẩm trung sanh là các Bồ tát Sơ địa, Nhị địa, Tam địa, vãng sanh thượng phẩm hạ sanh là các Bồ tát Tam hiền (Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng). (b) Có người cho rằng vãng sanh thượng phẩm thượng sanh là các Bồ tát Thập hồi hướng, vãng sanh thượng phẩm trung sanh là các Bồ tát Thập hạnh, vãng sanh thượng phẩm hạ sanh là các Bồ tát Thập trụ. (c) Có người cho rằng vãng sanh thượng phẩm thượng sanh là các Bồ tát Tam hiền (Thập hồi hướng, Thập hạnh, Thập trụ), vãng sanh thượng phẩm trung sanh là các Bồ tát Thập tín hậu tâm, vãng sanh thượng phẩm hạ sanh là các Bồ tát Thập tín sơ tâm. (d) Có người cho rằng vãng sanh thượng phẩm thượng sanh là các Bồ tát Thập hạnh, Thập hồi hướng, vãng sanh thượng phẩm trung sanh là các Bồ tát Thập trụ, vãng sanh thượng phẩm hạ sanh là các Bồ tát Thập tín. (e) Có người cho rằng vãng sanh thượng phẩm thượng sanh là các Bồ tát Thập trụ sơ tâm, vãng sanh thượng phẩm trung sanh là các Bồ tát Thập tín hậu tâm, vãng sanh thượng phẩm hạ sanh là các Bồ tát Thập tín sơ tâm. (f) Có người cho rằng vãng sanh thượng phẩm thượng sanh là các Bồ tát Thập tín và các phàm phu phát tâm Bồ đề, tu tập ba hạnh (giới định tuệ), vãng sanh hai phẩm thượng phẩm trung sanh và hạ sanh là các phàm phu phát tâm Bồ đề, tu tập pháp thiện thế gian, tùy công hạnh sâu cạn mà phân thành hai phẩm. Các nhà chú giải giải thích ba phẩm vãng sanh thượng trung hạ có sự khác biệt là vì các kinh luận có sự phán định khác nhau về giai bậc của Vô sanh pháp nhẫn. Kinh Nhân Vương Bát Nhã cho rằng chứng được Vô sanh pháp nhẫn là các Bồ tát Thất địa, Bát địa và Cửu địa. Các kinh luận khác cũng phán định khác nhau về sự chứng đắc Vô sanh pháp nhẫn, hoặc tại Sơ địa, hoặc tại nhẫn vị.
Kinh Bồ Tát Bổn Nghiệp Anh Lạc cho rằng Vô sanh pháp nhẫn tại giai vị Thập trụ, Kinh Hoa Nghiêm cho rằng Vô sanh pháp nhẫn tại giai vị Thập tín, Kinh Chiêm Sát cho rằng Vô sanh pháp nhẫn tại giai vị phàm phu. Do đây các nhà chú giải, mỗi người căn cứ vào một giai vị đắc Vô sanh pháp nhẫn mà phân biệt ba phẩm có sự cao thấp khác nhau. (2) Đối với ba bậc trung phẩm: (a) Có người cho rằng vãng sanh Trung phẩm thượng sanh là các bậc Tam quả, vãng sanh Trung phẩm trung sanh là các hành giả chứng đắc Bảy phương tiện, vãng sanh Trung phẩm hạ sanh là những người đã gieo trồng thiện căn giải thoát. (b) Có người cho rằng vãng sanh trung phẩm thượng sanh là các bậc nhẫn vị, vãng sanh trung phẩm trung sanh là những người đã hoạch được thiện căn tam giải thoát 1, vãng sanh trung phẩm hạ sanh là những người đã từng trồng thiện căn giải thoát. (c) Có người cho rằng vãng sanh ba bậc trung phẩm đều là những người đã trồng thiện căn giải thoát, chỉ do trì giới sâu cạn, hoặc không trì giới, nhưng tu tập pháp thiện thế gian mà có sự phân chia ba phẩm khác biệt. (3) Đối với ba bậc hạ phẩm: chỉ do gặp nhân duyên tạo tội nặng nhẹ khác nhau, phân thành ba phẩm.
Vô sanh pháp nhẫn có sáu giai vị: (1) văn tuệ: dưới giai vị Thập tín, (2) sanh thắng giải: từ Thập tín trở lên, (3) tư tuệ: từ Thập trụ trở lên, (4) tu tuệ: từ Noãn vị trở lên, (5) chứng đắc: ở giai vị Sơ địa, (6) tương tục: ở giai vị Bát địa. Đây là ở giai vị tu nhân, đến quả vị Phật thì chứng đắc viên mãn.
2. Lục tín không thoái chuyển.
Hỏi: Các hành giả vãng sanh Cực Lạc đều được giai vị Bất thoái, tại sao Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói hành giả vãng sanh thượng phẩm trung sanh phải trải qua bảy ngày mới được bất thoái chuyển Vô thượng Bồ đề? (105)
Đáp: Trong các hành giả vãng sanh thượng phẩm trung sanh, các Bồ tát Thập tín từ giai vị ngũ tâm trở xuống đều có thể bị thoái chuyển, Bồ tát Thập tín lục tâm mới không còn bị thoái chuyển. Sau khi sanh bảy ngày mới lên được giai vị đệ lục bất thoái tâm, cho nên gọi là được tâm bất thoái nơi đạo Bồ đề. Lúc mới vãng sanh được gọi là bất thoái là căn cứ vào “ở cõi bất thoái chuyển” mà nói. Hai bộ kinh A Di Đà và Quán Vô Lượng Thọ căn cứ vào ý nghĩa khác nhau, nhưng thật sự không có mâu thuẫn.
3. Phật có đến rước người vãng sanh Trung phẩm hạ sanh hay không.
Hỏi: Vì sao các phẩm vãng sanh đều được Đức A Di Đà nương vào bổn nguyện đến nghinh tiếp mà chỉ riêng trung phẩm hạ sanh là không đề cập đến việc Đức Phật A Di Đà đến nghinh tiếp. Đây là có ý gì? (106)
Đáp: Căn cứ vào Bốn mươi tám đại nguyện: “Nếu không đến tiếp dẫn, thề không thành Chánh giác”, và hơn nữa, ba bậc hạ phẩm còn được Thánh chúng đến nghinh tiếp, có thể suy luận rằng tất cả mọi phẫm vãng sanh đều có Thánh chúng đến tiếp dẫn. Trong kinh không đề cập đến là vì nhà phiên dịch sai sót, hoặc lược bớt. Có người giải thích rằng: “Ba bậc trung phẩm, Đức Phật vì lòng đại từ bi nên đến tiếp dẫn chứ không phải do bổn nguyện, do đó hành giả vãng sanh trung phẩm hạ sanh, lúc lâm chung Đức Phật quả thật không đến rước, chứ không phải kinh văn thiếu sót, bởi vì trong Bốn mươi tám đại nguyện có nói rõ: “Nếu tôi chứng ngôi Chánh Giác, mười phương chúng sanh, phát tâm Bồ đề, tu các công đức, chí tâm phát nguyện, muốn sanh nước tôi, đến lúc lâm chung, nếu tôi không cùng đại chúng hiện đến trước người đó, tôi nguyện không thành Chánh Giác.” Trong nguyện này đã nói rõ “phát tâm Bồ đề, tu các công đức, nếu không cùng đại chúng hiện đến trước người đó, nguyện không thành Chánh Giác”, câu “phát tâm Bồ đề” này, tức là phát tâm Vô thượng đại Bồ đề. Những hành giả trong ba bậc trung phẩm này vì chưa phát tâm Vô thượng Bồ đề, mà chỉ tu các công đức, cầu nguyện vãng sanh, tuy được vãng sanh, Đức Phật không đến rước, điều này không đi ngược bổn nguyện. Do vì những người này không phát tâm Vô thượng Bồ đề, không xứng đáng với lời đại thệ nguyện của Đức Phật A Di Đà. Kinh Dược Sư nói: “Tám vị Bồ tát hướng dẫn vãng sanh Tây Phương”, đây tức là Đức Phật không đến rước. Nếu Đức Phật A Di Đà đến rước, ắt sẽ vãng sanh Tây Phương, việc gì cần đến Đức Dược Sư Lưu Ly Quang phải sai khiển tám vị Bồ tát dẫn đường chỉ lối? Cho nên biết là không có Phật đến rước. Lý do Phật không đến rước là vì người ấy tuy trước đó có tu đạo, nhưng không chuyên tâm quyết định, không phải là người chí tâm phát nguyện muốn về Cực Lạc, nên Kinh Dược Sư nói: “nhưng chưa quyết định”, nếu đã chí tâm phát nguyện, ắt không phải là người “bất định.” Vả lại, Kinh Dược Sư nói về công hạnh của hành giả, cũng chỉ là công hạnh của hành giả ba bậc trung phẩm, cho nên không thích đáng với bổn nguyện của Phật A Di Đà. Lại nữa, Kinh Bồ Tát Xử Thai nói: “Chúng sanh tu tập nghiệp Tây Phương, phần lớn đều không được vãng sanh về Cực Lạc, mà sanh về xứ Giải Mạn.” Đây không phải là người chí tâm phát nguyện, chuyên tu hành nghiệp Tây Phương. Do vì hành nghiệp không chuyên cần, phát nguyện không chí thiết, không thích đáng với bổn nguyện, cho nên Đức Phật A Di Đà không đến nghinh tiếp. Nếu Phật A Di Đà đến nghinh tiếp, tức là công hạnh Tây Phương đã thành tựu, chả lẽ Phật đến tiếp dẫn mà vẫn còn sanh về xứ Giải Mạn hay sao? Kinh Vô Lượng Thọ nói hành giả ba phẩm vãng sanh đều phát tâm Vô thượng Bồ đề, đều được Đức Phật đến nghinh tiếp. Giả như lúc thức không thấy Phật đến, trong giấc ngủ cũng được thấy Phật đến tiếp dẫn vãng sanh.
4. Diệt tội nhiều ít.
Hỏi: Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói hành giả vãng sanh hạ phẩm thượng sanh chí tâm niệm Phật, diệt trừ năm mươi ức kiếp tội ác sanh tử, hành giả vãng sanh hạ phẩm trung sanh nghe được công đức của Phật, và hành giả hạ phẩm hạ sanh xưng danh hiệu Phật đều được diệt trừ tám mươi ức kiếp tội ác sanh tử. Vì sao cùng niệm danh hiệu Phật A Di Đà, công đức không khác, mà công năng diệt tội lại có sự khác biệt? (107)
Đáp: Có hai cách giải thích. (1) Công đức niệm Phật bằng nhau, đáng lý diệt trừ tội chướng cũng phải giống nhau, nhưng vì tội chướng của những người vãng sanh ba phẩm có sự nặng nhẹ khác biệt. Người vãng sanh hạ phẩm thượng sanh tội chướng ít, chỉ có năm mươi ức kiếp tội làm chướng ngại vãng sanh, còn hai bậc dưới thì tội nhiều hơn, cho nên có tám mươi ức kiếp tội làm chướng ngại việc vãng sanh, vì tội chướng có nặng nhẹ khác nhau, cho nên kinh nói sự diệt tội nhiều ít không đồng, chứ không phải công đức niệm Phật khác nhau, mà khiến cho sự diệt tội có sự khác biệt. Ví như tráng sĩ có sức vác được một trăm ký lô, một người có kiện hàng năm mươi ký lô bảo tráng sĩ vác đi, không phải tráng sĩ không có sức vác nhiều hơn, nhưng kiện hàng chỉ nặng có năm mươi ký. Ý nghĩa ở đây cũng vậy, người hạ phẩm thượng sanh chỉ có năm mươi ức kiếp tội chướng, Đức Phật tùy theo tội chướng của họ mà nói diệt năm mươi ức kiếp tội chướng. Người hạ phẩm trung sanh tội nặng hơn người trước ba mươi ức kiếp, Đức Phật cũng tùy theo tội của họ mà nói diệt tám mươi ức kiếp tội chướng. Còn người hạ phẩm hạ sanh tội chướng quá nặng, cho nên Đức Phật dạy họ niệm đầy đủ mười danh hiệu Phật A Di Đà, mỗi niệm diệt trừ tám mươi ức kiếp tội chướng sanh tử. Nói ba bậc diệt tội khác nhau, không có nghĩa là công đức niệm Phật có sự khác biệt. (2) Niệm danh hiệu Phật tuy không khác nhau, do tâm niệm Phật có sự thành khẩn khác biệt, khiến cho sự diệt tội cũng có sự nhiều ít khác biệt. Người hạ phẩm thượng sanh, tội tương đối nhẹ, lâm chung không có ác tướng, không có tâm quá sợ hãi, tuy chí thành niệm Phật, nhưng chỉ có thể trừ diệt năm mươi ức kiếp tội chướng sanh tử. Người hạ phẩm trung sanh, lúc lâm chung, lửa dữ địa ngục nhất thời hiện đến, người đó hoảng sợ, niệm Phật chí thành, do vì tâm ý tha thiết, cho nên diệt trừ được tám mươi ức kiếp tội chướng sanh tử. Hỏi: Nếu vậy, người hạ phẩm hạ sanh, sự sợ hãi lớn nhất, khi niệm Phật phải được diệt tội nhiều kiếp hơn, tại sao sự diệt tội cũng giống người hạ phẩm trung sanh, chỉ có tám mươi ức kiếp? Đáp: Người hạ phẩm hạ sanh, lúc lâm chung, khí lực kiệt quệ, tận lực chí thành, cũng chỉ đến mức đó. Tâm lực có giới hạn, lẽ nào diệt được nhiều tội? Vả lại, người hạ phẩm hạ sanh, tội chướng nặng nề, Đức Phật dạy niệm đủ mười danh hiệu, mới được vãng sanh về cõi Phật thanh tịnh. Ví như kiếm thần có thể chặt đứt cây lớn. Nếu dùng sức mạnh, kiếm sẽ chém sâu, nếu dùng sức không mạnh, kiếm sẽ chém cạn, không phải tại kiếm bén hay lụt, mà tại sức người mạnh yếu khác nhau. Ở đây cũng tương tự, công đức của Phật như nhau, nhưng vì tâm thành khẩn của hành giả có sự khác biệt, cho nên sự diệt tội cũng có khác nhau nhiều ít.
5. Nghe kinh niệm danh hiệu Phật.
Hỏi: Vì sao nghe đề kinh của Mười hai bộ kinh chỉ diệt trừ được ngàn kiếp tội ác sanh tử, còn niệm Phật một câu lại diệt trừ năm mươi ức kiếp tội ác sanh tử? Kinh Bát Nhã nói: “Nghe kinh mà không phỉ báng, công đức vượt hơn cúng dường tám trăm bốn ngàn vạn ức na do tha Đức Phật.” (108)
Đáp: Kinh Bát Nhã nói cúng dường Phật là vào thời thạnh pháp, nhưng nếu dùng tâm trước tướng2 mà cúng dường, công đức vẫn là ít, còn nói nghe kinh là vào thời mạt pháp, nhưng nếu dùng tâm vô tướng mà thọ trì, thì lại được nhiều công đức. Hiện nay nói “nghe kinh, niệm Phật trong thời mạt pháp”, đây đều là trước tướng tu hành. Thế nhưng, có nhân duyên quá khứ với Đức Phật A Di Đà được chín muồi, trong thời ác trược có thể niệm Phật, sanh lòng tin tưởng, đây là điều cực kỳ hiếm có. Vả lại, chư Phật có năng lực hoằng dương kinh điển, do đó công đức niệm Phật có công năng diệt tội nhiều hơn công đức nghe kinh!
6. Đầy đủ mười niệm.
Hỏi: Hành giả vãng sanh hạ phẩm hạ sanh tuy tội nặng hơn người vãng sanh hạ phẩm trung sanh ở phần ngũ nghịch báng pháp, không rõ nguyên nhân gì mà hành giả vãng sanh hạ phẩm trung sanh chỉ nghe công đức của Phật liền được vãng sanh, còn hành giả vãng sanh hạ phẩm hạ sanh phải niệm đầy đủ mười niệm A Di Đà Phật mới được vãng sanh? (109)
Đáp: Có hai cách giải thích. (1) Nếu theo sự tính toán thông thường, tạo tội ngũ nghịch lẽ ra chỉ thọ sáu kiếp tội nghiệp sanh tử, thế nhưng, người phạm tội này bị thọ chín lần tám mươi ức 3 (9 x 8.000.000.000) kiếp tội chướng sanh tử là vì khi người này tạo tội ngũ nghịch đã trưởng dưỡng những tội chướng khác, khiến cho chúng tăng trưởng thế lực, có thể chiêu cảm quả báo chín lần tám mươi ức kiếp tội chướng sanh tử. Ví như một niệm sân hiện tiền có thể thiêu rụi tất cả pháp lành, chướng ngại trăm ngàn pháp môn. Ở đây cũng tương tự như vậy, tạo tội ngũ nghịch có thể khiến cho những nghiệp ác quá khứ tăng trưởng thế lực, có thể chướng ngại việc vãng sanh Tịnh độ. (2) Tội ngũ nghịch này chỉ chiêu cảm quả báo năm kiếp thọ khổ, nhưng tội hủy báng Chánh pháp, theo như kinh nói, sẽ thọ khổ dài lâu vô lượng a tăng kỳ kiếp. Kinh Đại Phẩm Bát Nhã và Kinh Phật Tạng nói: “Người hủy báng Chánh pháp bị đọa vào địa ngục A tỳ. Ở cõi này đến kiếp hoại, người tội sẽ sanh về địa ngục A tỳ ở cõi khác, như vậy lần lượt trải qua vô số kiếp.” Cho nên cần phải niệm đủ mười danh hiệu Phật, (mỗi niệm) diệt trừ tám mươi ức kiếp trọng tội sanh tử, mới được vãng sanh Tịnh độ.
7. Bảy sự thù thắng của Niệm Phật.
Hỏi: Có nhiều pháp môn tu tập vãng sanh, vì sao lúc lâm chung chỉ dạy pháp niệm Phật mà không dạy các pháp môn vãng sanh khác. Điều này có ý gì? (110)
Đáp: Có bảy lý do thù thắng để dạy chúng sanh lúc lâm chung niệm Phật mà không dạy pháp môn khác: tối thắng, đơn giản, dễ dàng, diệt tội, nhân duyên, nghinh tiếp, vãng sanh. (1) Tối thắng: tất cả phàm thánh, hoặc người hoặc pháp, không ai vượt quá Đức Phật là bậc tối tôn tối thắng, đoạn tận hai chướng (phiền não chướng, sở tri chướng), vạn đức tròn đầy, tự giác giác tha, giác hạnh viên mãn, thương xót chúng sanh quá hơn con một, là nơi đại quy y, là bến là bờ, là nơi cứu vớt, độ thoát của tất cả hữu tình, cho nên cần phải chí thành xưng niệm danh hiệu của ngài. (2) Đơn giản: trong tất cả pháp tu thiện, chỉ có niệm danh hiệu Phật là đơn giản, tất cả các pháp môn khác đều rườm rà phiền toái, vả lại lúc lâm chung, chỉ cần niệm danh hiệu Phật, cần gì phải tu pháp môn khác. (3) Dễ dàng: trong tất cả các pháp môn tu hành, chỉ có niệm Phật là dễ tu nhất. Trong lúc lâm chung, trăm khổ vây quanh, khí lực suy nhược, mọi sự đều phải xả bỏ, khuyên tu niệm Phật còn e không thành tựu. Những pháp môn khác, tu tập khó khăn, thành thử chọn pháp môn giản dị này dạy cho họ tu tập. (4) Diệt tội: Pháp môn niệm Phật, công ít dễ tu, một niệm chí thành, có thể diệt trừ tám mươi ức kiếp sanh tử tội nặng, vĩnh viễn xả ly ba đường ác của cõi Ta Bà. (5) Nhân duyên: Đức Phật A Di Đà từ vô lượng kiếp đến nay đã gieo duyên thâm thiết với chúng sanh, những ai đã từng cúng dường, thấy nghe, tùy hỷ, hoặc cùng ngài tu tập, nếu như nhất tâm xưng niệm danh hiệu ngài, ắt ngài sẽ nghe thấy mà đến cứu độ ra khỏi cảnh trầm luân sanh tử. (6) Nghinh tiếp: Do công đức niệm Phật, tội cấu được trừ diệt, Phật A Di Đà và chư thánh chúng tự thân đến tiếp dẫn, nếu tu các pháp môn khác thì không được như vậy, cho nên hành giả cần phải niệm Phật. (7) Vãng sanh: Như bổn nguyện của Phật A Di Đà nói: “Niệm danh hiệu A Di Đà nhẫn đến mười niệm, nếu không vãng sanh, thệ không thành Chánh Giác.” Do bảy lý do thù thắng này, cho nên khuyên tất cả chúng sanh lúc lâm chung nên niệm Phật.
8. Vô thượng công đức.
Hỏi: Niệm danh hiệu Phật A Di Đà một câu, mười câu đều được vãng sanh, đây là chỉ nương vào niệm Phật mà vãng sanh, hay còn nương vào pháp môn khác mà được vãng sanh. Tôi chưa hiểu về pháp niệm này. Tuy kinh nói một niệm mười niệm đều đầy đủ công đức vô thượng, nhưng một niệm A Di Đà làm sao liền có thể trở thành công đức vô thượng? (111)
Đáp: Công đức đâu cần phải tu tập lâu dài hoặc tu tập thật nhiều mới trở thành vô lượng. Có trường hợp tu tập thật lâu, thật nhiều, nhưng vẫn được rất ít phước đức, có trường hợp tu tập ngắn ngủi, ít ỏi, nhưng lại được nhiều phước đức. Nghĩa này là thế nào? Như Kinh Kim Cang Bát Nhã nói: “Nếu có người, trong mỗi ngày, sáng, trưa, tối, đều đem số thân mạng như hằng hà sa bố thí, như vậy trải qua vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp đem thân bố thí. Lại có người nghe được kinh này, khởi lòng tin tưởng tùy thuận, phước đức của người nghe kinh nhiều hơn người bố thí thân mạng.” “Vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp” là tu tập thời gian lâu dài, “xả bỏ số thân mạng như hằng hà sa” là tu tập rất nhiều, và mỗi khi “xả bỏ thân mạng” là chịu khổ rất nhiều. Tuy có ba sự nhiều như vậy, nhưng tích tập phước đức lại không nhiều. “Lại có một người”, đây là số thân ít. “Nghe kinh điển này”, đây là thời gian ngắn. “Tin tưởng tùy thuận”, đây là công hạnh ít. Nhưng lại được công đức nhiều hơn người cúng dường thân mạng. Điều này là do Đức Phật nói ra, không phải tâm phàm phu có thể đo lường, lẽ nào không tin? Hiện nay, một niệm Niệm Phật đầy đủ vô thượng công đức, điều này cũng chính do Đại Sư (Phật) tự nói ra, tại sao lại hoài nghi? Lại nữa, một niệm Niệm Phật vượt quá trăm ngàn vạn ức kiếp tu tập (các pháp môn khác) do đó công đức rất nhiều. Như Kinh Pháp Hoa nói: “Nếu có người thọ trì danh hiệu của sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ tát, lại trọn đời cúng dường thức ăn, quần áo, tọa cụ, thuốc men, v.v…, theo ý ông thế nào, người thiện nam thiện nữ đó có nhiều công đức không? Bồ tát Vô Tận Ý nói: ‘Bạch đức Thế Tôn, rất nhiều.’ Phật nói: ‘Lại nếu có người thọ trì danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm, nhẫn đến một lần lễ bái cúng dường, phước của hai người đó bằng nhau không khác.’” Một người thọ trì danh hiệu của sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ tát, lại cúng dường thức ăn, quần áo, tọa cụ, thuốc men, v.v…, tính theo thời gian đã trải qua trăm ngàn vạn ức kiếp, còn một người chỉ tạm thời xưng niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm, lại chỉ cúng dường một lần, vậy mà công đức lâu dài của người trước cũng chỉ bằng công đức trong khoảng thời gian ngắn của người thứ hai. Kinh Thập Luân nói: “Nếu có người trong trăm đại kiếp chí tâm niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm, v.v…, không bằng trong khoảng bữa ăn niệm danh hiệu Bồ tát Địa Tạng.” Nếu trong trăm đại kiếp niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm, so sánh với phần trên, tức là công đức này vượt hơn niệm danh hiệu và cúng dường trăm ngàn vạn ức bất khả thuyết hằng hà sa Bồ tát khác. Công đức nhiều kiếp niệm danh hiệu Bồ tát Địa Tạng, không bằng chí tâm niệm một danh hiệu Đức Phật A Di Đà công đức vô lượng vô biên. Như vậy, đem Phật A Di Đà so với Bồ tát Địa Tạng, đem Bồ tát Địa Tạng so với Bồ tát Quán Thế Âm, đem Bồ tát Quán Thế Âm so với sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ tát khác, tức có thể biết rằng công đức niệm một danh hiệu Phật A Di Đà vượt quá niệm danh hiệu và cúng dường vô lượng a tăng kỳ hằng hà sa các Bồ tát khác. Công đức của một niệm Niệm Phật vượt quá công đức của Bồ tát tu đạo trải qua một a tăng kỳ kiếp, hai a tăng kỳ kiếp. Làm sao lại có thể cho rằng công đức niệm Phật ít? Hành giả nên dùng sự so sánh vừa nêu trên để biết công đức niệm Phật là vô lượng vô biên.
9. Một niệm được sanh.
Hỏi: Sự so sánh vừa nêu trên hiển rõ công đức vô lượng, thật đáng ngưỡng mộ niệm Phật ắt được vãng sanh, nhưng Kinh Pháp Hoa lại nói: “Nếu dùng tâm tán loạn, đi vào trong tháp miếu, niệm câu Nam Mô Phật, đều đã thành Phật đạo.” Nếu một câu niệm Phật liền được vãng sanh Tây Phương, và cũng một câu niệm Phật được thành Phật đạo, đã thành Phật đạo thì mười phương giới không còn phàm phu, bởi vì tất cả chúng sanh có thể niệm Phật đều đã thành Phật. Nếu xưng một danh hiệu Phật chưa thể thành Phật, mà chỉ là nhân duyên xa để thành Phật, hành giả cần phải trải qua ba a tăng kỳ kiếp, dần dần tích tụ công đức, đầy đủ tâm đại bi, tròn đầy tất cả công hạnh mới được thành Phật, thì mười niệm lúc lâm chung làm sao có thể bảo đảm vãng sanh, ắt cũng phải dần dần tu tập, đầy đủ các Ba la mật, mới có thể được vãng sanh Tịnh độ. (112)
Đáp: Ở đây không thể so sánh được. Phật quả không có chín phẩm sai biệt, mà cần phải vạn đức tròn đầy, trải qua thời gian lâu dài, nhiều đời nhiều kiếp mới có thể thành tựu quả vị Chánh Giác. Kinh Pháp Hoa vì muốn giáo hóa hàng Thanh văn nên mới nêu lên những lời dạy như vậy, tức là chỉ cần có thể phát tâm Vô thượng Bồ đề, nhẫn đến dùng tâm tán loạn niệm Phật, tất cả đều là hạt giống cho sự thành Phật. Sau đó nếu có thể rộng tu sáu Ba la mật, thì mới có thể thành bậc Đẳng Chánh Giác. Hàng Thanh văn dù có tu nhiều, cũng không thể chứng đắc Vô thượng Bồ đề, vì hạnh Thanh văn không phải là nhân cho sự thành tựu quả Phật. Kinh Pháp Hoa vì muốn đưa hai thừa Thanh văn, Duyên Giác về Nhất thừa, cho nên mới dạy như vậy, không thể so sánh với Kinh Quán Vô Lượng Thọ bàn về sự vãng sanh. Hành giả niệm một danh hiệu, hoặc mười danh hiệu Phật A Di Đà, tuy được vãng sanh Tịnh độ, nhưng vẫn là chúng sanh phàm phu. Vãng sanh chín phẩm khác nhau là do công hạnh tu tập khác nhau, những vẫn thuộc vào giai vị phàm phu. Như vậy, đâu có ngại gì một niệm liền được vãng sanh Tịnh độ. Nếu không có chín phẩm khác nhau, tu nhân chỉ cần một loại, tức là cần phải tu tập đầy đủ vạn hạnh, mới có thể thành Phật, cho nên hai kinh không thể so sánh với nhau được.
10. Riêng khuyên vãng sanh cõi Phật A Di Đà.
Hỏi: Niệm Phật A Di Đà được vô lượng vô biên công đức, đây là điều mà bổn luận đã dẫn chứng kinh luận giải thích rõ ràng và tôi đã tin tưởng phụng hành, còn như niệm danh hiệu các Đức Phật khác có được vô lượng vô biên công đức hay không? (113)
Đáp: Có hai ý nghĩa. (1) Niệm tất cả Phật đều được vô lượng công đức, không có sai biệt, bởi vì chư Như Lai đều đầy đủ vô biên công đức, đều đã trừ sạch tất cả ngã chấp, pháp chấp, công đức viên mãn, cho nên không có sự niệm danh hiệu đưa đến công đức khác nhau. Hỏi: Nếu vậy, tại sao trong nhiều kinh điển, Đức Như Lai chỉ tán thán niệm Phật A Di Đà công đức vô lượng? Đáp: Thật ra công đức chỉ là một loại, nhưng vì hàng phàm phu trí tuệ nông cạn không thể niệm tất cả chư Phật, cho nên Đức Như Lai chỉ riêng tán thán công đức của một vị Phật, khiến cho hành giả nhất tâm chuyên niệm, bởi vì công đức của sự chí tâm xưng niệm rất lớn, và đây là phương tiện mật ý của Đức Như Lai. Ví như thọ giới tỳ kheo, tất cả vị tăng truyền giới đều thanh tịnh, đều có thể làm giới sư, không có sự hơn kém, nhưng tùy vào tâm người thọ giới, chuyên tâm vào một vị sư, tôn đó làm Hòa thượng, duyên vào đó để phát giới thể, điều này thù thắng hơn là trong cùng một lúc duyên vào tất cả các vị sư. Ở đây cũng giống như vậy, chuyên tâm vào một Phật, công đức rất nhiều, đây là do sự chuyên tâm nhất ý. (2) Chư Phật Như Lai tuy công đức đều bình đẳng, không có sự cao thấp, nhưng chúng sanh trong đời quá khứ gieo duyên với chư Phật có sự khác biệt. Các bộ luận trong Duy Thức Học, như Luận Nhiếp Đại Thừa, v.v…, đều cho rằng: “Chúng sanh do pháp lực tự nhiên, gieo duyên với chư Phật không giống nhau, hoặc nhiều chúng sanh gieo duyên với một vị Phật, hoặc một chúng sanh gieo duyên với nhiều vị Phật. Nếu có duyên với vị Phật này, vị Phật này có thể cứu độ, nếu không gieo duyên với các vị Phật khác, các vị Phật đó không thể cứu độ. Nếu có duyên với vị Phật này, chí tâm xưng niệm danh hiệu ngài, công đức sẽ rất nhiều, còn nếu không có duyên, công phu niệm Phật sẽ không nhiều, vị Phật đó ắt sẽ không đến cứu độ.”
11. Niệm Phật nhiều thiện.
Hỏi: Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Bồ tát bậc thấp và những hành giả ít phước đức đều được vãng sanh thế giới Cực Lạc”, nhưng Kinh A Di Đà lại nói: “Không thể do chút ít nhân duyên thiện căn phước được mà được vãng sanh cõi Cực Lạc.” Ý nghĩa của hai kinh trái nghịch nhau, làm sao giải thích ổn thỏa? (114)
Đáp: Vì chỗ căn cứ khác nhau, mỗi bên đều có ý nghĩa riêng biệt, nhưng không có sự mâu thuẫn. Kinh Vô Lượng Thọ nói “ít”, nghĩa là “số lượng ít”, Kinh A Di Đà nói “nhiều”, nghĩa là “công dụng nhiều.” Kinh A Di Đà chỉ dạy niệm Phật A Di Đà chứ không dạy các đạo phẩm khác như sáu Ba la mật, v.v…, phải mất nhiều thời gian, nhiều đời nhiều kiếp, hơn nữa, vì chỉ nói công đức niệm Phật chứ không nói đến phước đức của sự tu tập khác, cho nên nói là “ít.” Thế nhưng, niệm một hay nhiều danh hiệu Phật A Di Đà sẽ được vô lượng vô biên công đức thù thắng, cho nên nói là “nhiều.” Kinh Vô Lượng Thọ, quyển Hạ, nói: “Mười phương hằng hà sa chư Phật Như Lai đều khen ngợi uy thần công đức bất khả tư nghì của Phật Vô Lượng Thọ. Các chúng sanh nghe được danh hiệu của ngài, vui mừng tin tưởng, nhẫn đến xưng niệm một danh hiệu, ắt được vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, trụ bậc bất thoái chuyển.” Lại nói: “Nếu có chúng sanh nghe được danh hiệu, hoan hỷ vui mừng, nhẫn đến niệm một danh hiệu, người đó sẽ được lợi lớn, tức là đầy đủ công đức vô thượng.” Kinh Xưng
Tán Tịnh Độ nói: “Nghe được danh hiệu công đức vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn của Phật Vô Lượng Thọ.” Dùng những kinh văn này làm chứng cứ, biết được công đức niệm Phật vô lượng vô biên. Ước số lượng, công dụng, nói nhiều nói ít đều không mâu thuẫn. Ví như một viên ngọc ma ni (như ý), có thể gọi là ít, có thể gọi là nhiều. Nói ít là vì ngọc chỉ có một viên, số lượng không nhiều, người ngu không biết, chê ít cho nên không lấy. Nói nhiều là vì viên ngọc ma ni có giá trị hơn cả tam thiên đại thiên thế giới, người trí quý trọng nên gọi là nhiều. Niệm Phật cũng tương tự như vậy. Nói ít nói nhiều là căn cứ vào ý nghĩa khác nhau.
12. Sự lý của Niệm Phật.
Hỏi: Tôi hoàn toàn kính tin sự giải thích vừa rồi về niệm Phật A Di Đà được vô lượng vô biên công đức, nay xin hỏi thêm rằng công đức niệm Phật do tâm vô sở đắc dùng “vô tướng niệm” niệm chân thực pháp thân của Phật A Di Đà mà được vô lượng vô biên, hay do tâm có sở đắc dùng “hữu tướng niệm” niệm báo thân hóa thân của Phật A Di Đà mà được vô lượng vô biên? (115)
Đáp: Cả hai đều được vô lượng vô biên công đức. Pháp thân ly tướng, chân thể đầy đủ vạn đức. Có thể dùng tâm vô sở đắc để thể hội vô tướng niệm Phật mà được vô lượng vô biên công đức. Thế nhưng, những người căn cơ nông cạn, chưa đủ trình độ tu tập pháp vô tướng niệm Phật, dùng tâm có sở đắc, quán tưởng sắc thân thanh tịnh của Đức Như Lai, tướng hảo thù thắng, hằng sa vạn đức, chí thành xưng niệm danh hiệu, cũng được vô biên công đức thù thắng. Ví như hàng hạ phẩm hạ sanh, xưa nay vốn tạo ác, đến lúc lâm chung mới xưng niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà, bọn họ lẽ nào có thể tu pháp niệm Phật vô tướng? Phải nên tin rằng niệm Phật hữu tướng cũng có thể được vô lượng vô biên công đức thù thắng. Vả lại, muốn đoạn trừ hai chướng (phiền não chướng, sở tri chướng) thì phải tu niệm Phật vô tướng, nhưng hiện nay muốn trồng nhân duyên cho pháp tu này, thì cũng phải trước tiên tu tập pháp niệm Phật hữu tướng. Hơn nữa, chân Phật (pháp thân) quyền Phật (báo hóa thân), sự lý không đồng, niệm Phật vô tướng hữu tướng, tu nhân cũng khác biệt. Trên nguyên tắc không có sự mâu thuẫn.
13. Nghiệp thành được sanh hay không.
Hỏi: Nếu pháp quán thực tướng có thể diệt trừ các tội chướng vi tế, thù thắng hơn pháp niệm Phật chỉ diệt trừ các nghiệp thô, tại sao không dạy cho người đang lâm chung pháp quán thực tướng mà lại khuyên họ niệm danh hiệu Phật? (116)
Đáp: Lời ông vừa nói quả thật chí lý, nhưng có bốn ý nghĩa khiến không thể dạy họ quán thực tướng: người ác, pháp quán thâm sâu, bị khổ bức bách, thời gian gấp rút. (1) Người ác: người này chưa từng tu thiện, chỉ dạy niệm Phật, chưa chắc họ đã làm được, huống bàn đến việc dạy cho họ hiểu rõ pháp quán thực tướng. (2) Pháp quán thâm sâu: Nhị không (ngã không, pháp không) chân như, pháp tánh bình đẳng, nghĩa lý thâm sâu, tu tập vội vả e khó thành tựu, không thể dạy cho họ được. (3) Bị khổ bức bách: Bình thường, những người tu pháp quán này, giả như bị sự khổ bức bách còn không thể quán tưởng thành tựu, huống chi người này từ trước đến nay chưa từng tu tập, đang lúc bị sự khổ vây quanh mới dạy họ tu, trên nguyên tắc, đây là điều bất khả. (4) Thời gian gấp rút: Trong lúc bình thường, dạy họ tỉ mỉ về các pháp quán thực tướng, qua nhiều năm suy ngẫm còn chưa chắc hiểu được, huống chi hiện nay đang trong lúc thời gian gấp rút mới dạy cho họ pháp tu, chắc chắn là không thành tựu, uổng phí công lao, phải biết rõ thời cơ mới gọi là Đại pháp sư (vị thầy khéo léo). Đức Phật biết rõ bọn họ học ắt không thành, cho nên không dạy pháp quán thực tướng. Điều này chứng tỏ Đức Phật là bậc khéo biết căn cơ chúng sanh. Do bốn ý nghĩa vừa nêu trên, cho nên không dạy pháp quán thực tướng.
14. Lâm chung niệm Phật.
Hỏi: Nếu có người cả đời tu hành ba phước và mười sáu pháp quán, khi lâm chung gặp thiện tri thức dạy niệm Phật một câu mười câu, tội căn đều được tiêu trừ, khiến được vãng sanh. Giả sử, người này mạng căn chưa dứt, được sống thêm nhiều ngày nữa, trong trường hợp này, người đó có cần tiếp tục niệm Phật mới được vãng sanh, hay không cần tiếp tục niệm Phật mà vẫn được vãng sanh? (117)
Đáp: Đều được vãng sanh. Do vì người này hành nghiệp đã hoàn mãn, tội cấu tiêu diệt, giả như có sống thêm nhiều ngày nữa cũng vẫn được vãng sanh. Nhưng có hai điều cần nhớ: (1) Sau khi tu phước, sống thêm nhiều ngày, người đó không tạo thêm tội nặng, thường khởi tâm vô ký, tâm này không thể chiêu cảm quả báo thiện ác, cho nên có thể nương vào công đức niệm Phật trước kia mà được vãng sanh. (2) Người này sau khi niệm Phật, hoặc khi sống thêm nhiều ngày bèn khởi ác niệm, tạo tác nghiệp ác. Những người như vậy, phần lớn e sẽ không được vãng sanh Tịnh độ. Kinh nói: “Một niệm tâm sân chướng ngại trăm nghìn pháp môn.” Lại nói: “Sân hận phá hoại các pháp thiện. Kẻ tặc cướp công đức không gì hơn sân hận.” Người đó tuy trước kia tu các pháp thiện như quán tưởng niệm Phật, v.v…, đều bị sân hận phá hại, không được vãng sanh, huống chi các nghiệp ác khác chướng ngại thiện hạnh. Như kinh nói: “Lúc lâm chung tạo nghiệp, tâm nghiêng về nghiệp nào, thì thọ quả báo của nghiệp đó trước, nếu nặng nhẹ bằng nhau, thì nghiệp nào tạo trước, sẽ thọ báo trước.” Người ấy, nếu tạo nhiều nghiệp, lúc lâm chung e sẽ không được vãng sanh.
15. Lửa và hoa sen khác biệt.
Hỏi: Kinh Quán Phật Tam Muội Hải nói: “Nếu có người giết hại cha mẹ, nhục mạ họ hàng, gây tạo những tội như vậy, đến lúc mạng chung, chó đồng hả miệng hóa ra mười tám xe vàng, giăng phủ màn báu, tất cả ngọn lửa biến thành ngọc nữ, người đó thấy vậy sanh lòng vui mừng, muốn lên ngồi trên xe. Lúc đó có một luồng gió lạnh thấu xương thổi qua, người đó lạnh quá la hoảng lên, muốn ngồi lên xe, đốt lửa sưởi ấm, vừa thoáng lên ý nghĩa đó thì tức khắc mạng chung. Trong khoảng sát na, người đó thấy mình đang ngồi trên xe vàng, vừa vươn mắt nhìn, thì thấy các ngọc nữ đều cầm rìu sắt đâm chặt thân thể mình.” Kinh lại nói: “Nếu có chúng sanh phạm bốn giới trọng, tiêu dùng của cúng dường một cách hoang phí, tà kiến phỉ báng Chánh pháp, không biết nhân quả, phá hoại căn tánh Đại thừa, hủy báng mười phương chư Phật, trộm tài vật của thường trụ, dâm dật vô đạo, bức hãm tịnh hạnh tỳ kheo ni, chị em thân thích, không biết hổ thẹn, tạo các nghiệp ác. Người đó lúc lâm chung, do ác nghiệp lực, tứ đại phân tán, nằm ngồi không an như bị đánh đập, tâm ý hoang mang, loạn tưởng si cuồng, thấy tất cả mọi vật, nhà cửa, nam nữ già trẻ đều biến thành những vật bất tịnh, phẩn dãi hôi thối bài tiết ra ngoài. Khi ấy, người đó bèn thốt lên: ‘Tại sao chỗ này không có thành quách trang nghiêm, núi rừng xanh tốt để ta dạo chơi mà lại phải ở nơi ô uế như vầy?’ Vừa nói xong lời này, ngục tốt la sát dùng chỉa ba lớn mở ngục A tỳ, các rừng đao kiếm biến thành rừng cây báu và những ao nước mát mẽ, những ngọn lửa dữ biến thành hoa sen cánh vàng, những con trùng mõ sắt biến thành chim phù nhạn, âm thanh thống khổ ở địa ngục biến thành giọng hát êm dịu, người đó nghe âm thanh êm dịu bèn nghĩ: ‘Nơi đó tuyệt diệu, ta phải đến đó dạo chơi.’ Ý nghĩ vừa dứt thì đã thấy mình ngồi trên hoa sen lửa.” Nếu vậy, biết đâu hôm nay hoa sen đến tiếp dẫn chẳng phải là hoa sen lửa? (118)
Đáp: Do bốn nghĩa mà biết rằng không phải xe (hoa sen) lửa: hành, tướng, ngữ, và Phật. (1) Hành: Kinh Quán Phật Tam Muội nói: “Hành giả tạo tội, phạm bốn giới trọng, cho đến hủy nhục người thân, không biết hối cải, không gặp bạn lành dạy cho pháp niệm Phật, cho nên thấy tướng hoa sen chính là tướng địa ngục. Hiện nay, hành giả của ba bậc hạ phẩm, tuy từ trước đến nay tạo tội, nhưng lúc lâm chung gặp thiện tri thức dạy pháp niệm Phật, vì chí tâm niệm Phật, nên diệt được nhiều kiếp tội, thành tựu công đức thù thắng, chiêu cảm hoa sen từ ao báu cõi Cực Lạc đến nghinh tiếp, lẽ nào giống như hoa lửa? (2) Tướng: Kinh trên nói gió đao cắt thân, nghiêng ngữa không định, như bị đánh đập, tâm ý hoang mang, phát si cuồng tưởng, thấy tất cả người vật trong nhà đều là bất tịnh, đầy dẫy phẩn dãi, máu huyết tanh hôi lan tràn khắp nơi. Hiện nay, người niệm Phật thân tâm an ổn, tướng ác đều bị trừ diệt, mắt thấy thánh chúng, mũi ngửi diệu hương. Cho nên không thể so sánh. (3) Ngữ: Kinh trên nói âm thanh thống khổ địa ngục nghe như tiếng ca ngâm, người tội nghe xong, thầm nghĩ chỗ tốt đẹp đó, ta phải tìm đến. Còn trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Đức Phật khen ngợi: “Này thiện nam tử, ông xưng niệm danh hiệu Phật, tội chướng tiêu diệt, nên ta đến nghinh đón.” Một bên là tiếng ca ngâm, một bên nói lời diệt tội. Hai âm thanh khác nhau, cho nên không đồng. (4) Phật: Kinh trên nói tất cả ngọn lửa dữ biến thành ngọc nữ, tội nhân nhìn thấy, tâm sanh vui mừng, thầm nghĩ ta muốn đến đó, sau khi ngồi lên xe vàng, ngoái cổ nhìn các ngọc nữ, thấy tất cả đều cầm búa rìu, chặt cắt thân thể mình. Còn Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Lúc ấy, Đức Phật A Di Đà sai khiển Hóa Phật, Hóa Quán Thế Âm, Hóa Đại Thế Chí, đến trước hành giả, v.v…” Dùng bốn nghĩa này biết rằng hoa sen đến nghinh tiếp hành giả niệm Phật không giống như cảnh tướng trình bày trong Kinh Quán Phật Tam Muội Hải.
16. Hạ hạ sen vàng.
Hỏi: Những hành giả vãng sanh chín phẩm, hành trì có ưu có liệt, thánh chúng tiếp dẫn có nhiều có ít, hoa nở có nhanh có chậm, trân đài hoa báu đều sai khác, vì lý do gì mà thượng phẩm hạ sanh và hạ phẩm hạ sanh có cùng một loại hoa sen vàng, không có sự sai khác? (119)
Đáp: Có ba ý nghĩa: (1) Đây không phải là hoa sen dành cho người vãng sanh. Có thể là tòa sen của Phật đang ngự đến tiếp dẫn. Người vãng sanh vì nghiệp nặng, không thể thấy Đức Phật, chỉ thấy tòa sen, nhưng không được rõ ràng, tựa như vành mặt trời chói lòa. (2) Người vãng sanh vì nghiệp nặng, Đức Phật không đến rước, chỉ đưa hoa sen vàng tiếp dẫn vãng sanh Tịnh độ, cho nên Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Hoa sen ở trước mặt hành giả.” Nếu như người đó ngồi lên tòa sen, tại sao kinh lại không đề cập đến? (3) Đây tuy là tòa sen vàng, nhưng cũng có sự lớn nhỏ, đẹp xấu khác nhau. Nếu đã phân hoa sen làm hai loại, thì đâu ngại gì khi hai hành giả vãng sanh phẩm vị khác nhau ngồi lên hai loại tòa sen khác nhau.
17. Thời kiếp của cõi Cực Lạc.
Hỏi: Hạ phẩm trung sanh sáu kiếp hoa mới nở, hạ phẩm hạ sanh mười hai kiếp hoa mới nở là dùng thời gian cõi Ta Bà mà tính, hay dùng thời gian cõi Cực Lạc mà tính? (120)
Đáp: Nhiều học giả Tịnh độ cho rằng thời gian nêu ra trong kinh là lấy thời gian của cõi Ta Bà làm chuẩn. Vì sao biết được? Đức Phật Thích Ca thành đạo ở cõi này, giảng kinh cho chúng sanh cõi này hiểu rõ thời gian hoa nở ở cõi Cực Lạc, cho nên chỉ dùng thời gian kiếp số của cõi Ta Bà để nêu rõ thời gian hoa nở ở cõi kia. Hiện nay chúng tôi sẽ không giải thích như vậy, mà chủ trương rằng trong kinh dùng thời gian của cõi Cực Lạc làm chuẩn để nêu rõ thời gian hoa nở. Vì sao biết được? Có ba ý nghĩa để giải thích: so sánh, lời dạy của Phật, và nghĩa lý. (1) So sánh: Lấy cõi trời Tứ Thiên Vương làm chuẩn. Thọ mạng dài ngắn của các cõi trời khác trong cõi Dục đều lấy ngày đêm của cõi Tứ Thiên Vương làm chuẩn. Một ngày cõi trời Tứ Thiên Vương dài bằng năm mươi (50) năm cõi người. Như vậy, lấy ba mươi ngày làm một tháng, mười hai tháng làm một năm, cõi trời đó thọ mạng năm trăm năm, tính ra bằng 50 x 30 x 12 x 500 = 9.000.000 năm tuổi thọ loài người. Từ cõi trời Tứ Thiên Vương trở lên, thọ mạng càng lúc càng tăng gấp bội, chẳng hạn, một ngày cõi trời Đao Lợi dài gấp đôi một ngày cõi Tứ Thiên Vương (một ngày cõi Đao Lợi dài một trăm năm cõi người), v.v… Cho nên biết rằng thọ mạng của mỗi cõi trời đều tính bằng ngày tháng của cõi trời đó. Tương tự, dùng ngày tính tháng, dùng tháng tính năm, dùng năm tính kiếp, ngày tháng ở cõi Tịnh độ quyết không dùng thời gian cõi người ở thế giới Ta Bà để làm tiêu chuẩn. (2) Lời dạy của Phật: Trong phần Thượng phẩm thượng sanh nói: “Tử kim đài này như hoa báu lớn, qua một đêm liền nở.” Cho nên biết rằng “sau một đêm hoa nở” là tính bằng ngày đêm ở cõi Cực Lạc. Ban đêm hoa khép, ban ngày hoa nở. Một đêm cõi Cực Lạc, dài bằng nửa đại kiếp ở cõi Ta Bà, là lúc hoa khép; một ngày cõi Cực Lạc, dài bằng nửa đại kiếp ở cõi Ta Bà, là lúc hoa nở. Cho nên biết rằng kinh nói đến thời gian hoa nở của hàng thượng phẩm trung sanh là lấy thời gian của hoa sen báu ở cõi Cực Lạc (chứ không dùng thời gian cõi Ta Bà). Tương tự, hàng thượng phẩm hạ sanh, trải qua một ngày đêm hoa sen mới nở, cũng là dùng thời gian ở cõi Cực Lạc làm chuẩn. Nếu không, chả lẽ dùng thời gian cõi này làm chuẩn cho thời gian hoa sen báu khép nở nơi cõi Cực Lạc? Nếu cho rằng đối với hàng thượng phẩm trung sanh, hoa báu lớn nở là dùng thời gian cõi Cực Lạc, còn hàng thượng phẩm hạ sanh, hoa báu trải qua một ngày đêm mới nở là dùng thời gian cõi Ta Bà, lẽ nào hàng thượng phẩm trung sanh hoa sen lại nở chậm hơn hàng thượng phẩm hạ sanh? Đây là một sự mâu thuẫn không thể chấp nhận được, cho nên biết rằng kinh nói đến ngày tháng là lấy thời gian cõi Cực Lạc làm tiêu chuẩn. (3) Căn cứ vào lý: Nếu cho rằng khi kinh nói thời gian một ngày đêm là lấy thời gian Cực Lạc làm tiêu chuẩn, còn khi nói đến kiếp là lấy thời gian Ta Bà làm tiêu chuẩn, thì hàng trung phẩm trung sanh, hoa sen trải qua thời gian bảy ngày (cõi Cực Lạc) hoa nở, tính ra là thời gian bảy đại kiếp ở cõi Ta Bà, còn hàng hạ phẩm trung sanh, hoa sen trải qua thời gian sáu kiếp (cõi Ta Bà) hoa nở, tính ra thời gian ở cõi Cực Lạc thì chỉ mới có sáu ngày, chả lẽ hoa sen của hàng trung phẩm trung sanh lại nở chậm hơn hoa sen của hàng hạ phẩm trung sanh? Hơn nữa, chả lẽ hàng hạ phẩm thượng sanh, hoa sen trải qua thời gian bốn mươi chín ngày (thời gian Cực Lạc) mới nở, lại còn chậm hơn hành hạ phẩm trung sanh đến bốn mươi ba đại kiếp hay sao [note] Hàng hạ phẩm thượng sanh, hoa sen trải qua bốn mươi chín ngày cõi Cực Lạc, dài bằng bốn mươi chín đại kiếp cõi Ta Bà. Trong khi hàng hạ phẩm trung sanh, hoa sen trải qua sáu đại kiếp (thời gian cõi Ta Bà), tính ra chỉ là thời gian sáu ngày ở cõi Cực Lạc. [/note]? Dùng lý luận này trưng dẫn thì biết rằng thời gian trong kinh đề cập đến là thời gian cõi Cực Lạc, chứ không phải thời gian cõi Ta Bà.
18. Nhân duyên hoa khép.
Hỏi: Những người ngồi trong hoa sen nhiều kiếp hoa sen mới nở là do tội chướng mà hoa sen nở chậm, hay là do công đức thù thắng mà được ở trong hoa sen nhiều kiếp? (121)
Đáp: Căn cứ vào bậc hạ phẩm hạ sanh phải trụ trong hoa sen mười hai đại kiếp hoa sen mới nở, lúc ấy Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí dùng âm thanh đại bi vì người đó nói rộng về các pháp thực tướng, cùng phương pháp trừ diệt các tội chướng, chúng ta biết rằng những hành giả vãng sanh đó vẫn còn tội chướng, vì bị nghiệp chướng ràng buộc cho nên phải trải qua nhiều kiếp hoa sen mới nở. Nếu không tại sao lại có chín phẩm vãng sanh, hoa nở nhanh chậm, trang nghiêm sai khác?
19. Tịnh độ diệt tội.
Hỏi: Nếu do nghiệp chướng mà hoa sen nở chậm, tại sao nghiệp chướng này không chiêu cảm tội báo? (122)
Đáp: Hành giả vãng sanh tuy còn tội căn, nhưng vì đời trước đã phát tâm Bồ đề, chí tâm niệm Phật A Di Đà, tội chướng đã được tiêu trừ, dù còn những tội căn tiềm tàng, chúng không thể làm nhân cho quả báo đọa lạc ác đạo, mà trở thành những chủng tử nghiệp vô cùng yếu ớt, cho nên biết rằng công đức Niệm Phật đã phá trừ thế lực của chúng. Lại nữa, thế lực của công đức Niệm Phật chiêu cảm thân thù thắng ở cõi Tịnh độ, quả báo khổ không còn hiện khởi. Vả lại, tuy nhờ công lực bổn nguyện của Phật, quả báo khổ không hiện hành, nhưng vẫn còn những dư chướng, làm cho hoa sen không thể nở nhanh. Vì thế, Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Do vì nghi ngờ trí tuệ bất khả tư nghì của Phật A Di Đà mà bị sanh vào Thai cung, tuy không thọ sự khổ, nhưng trong năm trăm năm bị Thai cung ngăn che (cho nên không được thấy Phật, không được nghe pháp).” Trường hợp ở đây cũng tương tự, ngăn không cho hoa nở sớm. Tuy chướng ngại không cho hoa nở sớm, nhưng không có sự khổ. Tội căn của hành giả vãng sanh chỉ chướng ngại không cho hoa nở sớm, chứ không có năng lực chiêu cảm khổ quả. Giống như đẳng lưu quả của nghiệp sát sanh có thể làm giảm tuổi thọ ở cõi trời, người.
Hỏi: Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói: “Người Hạ phẩm hạ sanh niệm mười danh hiệu Phật, mỗi niệm trừ diệt tám mươi ức kiếp tội chướng sanh tử.” Tội chướng đã trừ diệt, vì lý do gì sau khi hoa nở, đức Quán Thế Âm Bồ Tát lại vì người đó nói pháp thực tướng để trừ diệt tội chướng? Nếu còn tội để trừ diệt, vì sao những tội đó không làm chướng ngại sự vãng sanh Tịnh độ? (123)
Đáp: Tuy kinh nói trừ diệt, nhưng hành giả vãng sanh vẫn còn những tội chướng vi tế chưa được thanh tịnh. Nhân vì thế lực của nghiệp đã trở nên yếu ớt, hơn nữa, hành giả nương vào thế lực mạnh mẽ của sự niệm Phật và uy thần của Phật, cho nên nghiệp lực đã không chướng ngại được sự vãng sanh Tịnh độ. Hơn nữa, tuy hành giả đó đã tạo nghiệp nặng, có thể chiêu cảm quả báo ở ba đường ác, chịu khổ vô cùng, nay nhờ công đức niệm Phật tiêu trừ thế lực chiêu cảm quả báo của nghiệp ác đó, khiến cho hành giả không bị đọa ác đạo, thế nhưng, tội chướng vi tế vẫn còn tồn tại, cho nên sau khi hoa nở, hành giả vãng sanh gặp được hai Bồ tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí nói cho nghe pháp thực tướng thậm thâm mầu nhiệm. Khi ấy hành giả mới có thể quán tưởng pháp thân Phật, trí tuệ và cảnh giới vi tế, và nương vào đây, có thể trừ diệt công năng của những tội chướng nhỏ nhiệm, do đó mới nói: “Nói các pháp thực tướng, trừ diệt tội chướng.”
20. Một niệm mười niệm.
Hỏi: Kinh Vô Lượng Thọ, quyển Thượng, phần Bốn mươi tám nguyện nói: “Niệm Phật cho đến mười niệm đều được vãng sanh, chỉ trừ những người phạm tội ngũ nghịch”, còn quyển Hạ nói: “Nhẫn đến niệm Phật một niệm đều được vãng sanh”, tại sao trong cùng một bộ kinh mà lời dạy khác nhau, có lúc nói mười niệm, có lúc lại nói một niệm? (124)
Đáp: Không có sự khác nhau. Lời văn tuy khác, nhưng ý nghĩa vốn đồng. Trong phần trên nói “cho đến mười niệm” tức là nói từ ít đến nhiều, còn trong phần dưới nói: “cho đến một niệm” tức là nói từ nhiều đến ít. Kinh nêu cả hai, vốn không có điều gì mâu thuẫn. Ngài tỳ kheo Pháp Tạng dùng ít đến nhiều mà phát nguyện: “Hành giả lúc lâm chung, bỗng gặp nhân duyên thù thắng, gặp được người khuyên niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh độ, hành giả vừa xưng được một danh hiệu thì mạng chung, hoặc xưng được hai danh hiệu thì mạng chung, hoặc xưng được ba, bốn, năm, sáu, hoặc cho đến bảy, tám, chín, mười danh hiệu thì mạng chung, dù nhiều dù ít, đều được vãng sanh Tịnh độ.” Hơn nữa, hành giả này xưa nay chưa hề tạo tội ngũ nghịch, phỉ báng Chánh pháp, tùy niệm được bao nhiêu, đều được vãng sanh. Nếu như hành giả đã từng tạo tội ngũ nghịch, hủy báng Chánh pháp, bỗng nhiên gặp được thiện tri thức dạy cho niệm Phật, hành giả cần phải niệm đủ mười niệm mới được vãng sanh. Nếu chỉ niệm một niệm cho đến chín niệm, e cũng chưa được vãng sanh, cho nên kinh mới nói: “Nhẫn đến mười niệm, ngoại trừ những kẻ phạm tội ngũ nghịch, phỉ báng Chánh pháp.” Đây chỉ là căn cứ vào số lần niệm mà nói “ngoại trừ”, chứ không phải những người như vậy tuyệt đối không được vãng sanh. Người học Tịnh độ lâu năm, đọc hiểu lời nguyện này, còn những kẻ mới vào Tịnh độ, nếu đọc lời nguyện lần đầu, ắt thường hiểu lầm ý chỉ, mà giải thích quàng xiêng, không hợp với tông chỉ Tịnh độ. Đức Bổn Sư Thích Ca vốn biết rằng người học Phật đời sau sẽ hiểu lầm ý chỉ, khởi ý loạn cầu, cho nên mới nói “cho đến mười niệm”, với chủ ý rằng hành giả dù đã từng tạo tội nặng, nếu có thể niệm Phật nhiều thì cũng sẽ được vãng sanh. Còn nói “cho đến một niệm cũng được vãng sanh” tức là đã loại ra những người ngũ nghịch báng pháp. Hai phần thượng hạ trong Kinh Vô Lượng Thọ bổ túc cho nhau, hiển bày ý nghĩa mà Đức Phật muốn nói, với mục đích mong muốn người tu hiểu rõ những lời Phật dạy.
21. Tổn lực ích năng.
Hỏi: Không biết niệm Phật diệt trừ tám mươi ức kiếp trọng tội, được vãng sanh Tây Phương, là diệt chủng tử, hay diệt thượng tâm? Nếu diệt chủng tử, thì cần phải đắc thánh quả, thấy được nhân pháp đều không, thì mới diệt được chủng tử phiền não. Công đức niệm Phật tuy vô lượng vô biên, nhưng đây chỉ là thiện tâm của văn tu và tư tu, làm sao đồng với sự chứng đắc thánh quả (tu tu) có thể diệt trừ nghiệp chướng. Nếu diệt thượng tâm, hai nghiệp tội và phước không thể đồng thời hiện khởi, lúc khởi tội nghiệp thì không thể niệm Phật, lúc đang niệm Phật thì không thể tạo tội, thiện ác không thể hiện khởi đồng thời. Nếu hai tâm (thiện ác) không đồng thời hiện khởi, thì làm sao có thể cho rằng niệm Phật diệt trừ thượng tâm? (125)
Đáp: Niệm Phật diệt trừ chủng tử chứ không phải diệt trừ thượng tâm. Tội của thượng tâm trong khoảng sát na sẽ tự tiêu diệt, không cần phải đợi đến lúc niệm Phật mới được diệt trừ. Vả lại, thiện ác không hiện khởi đồng thời. Lúc đang niệm Phật, tội đã bị diệt trước đó, hoặc chưa kịp hiện khởi, còn lúc đang tạo tội, thì việc niệm Phật đã qua, hoặc chưa niệm Phật, cho nên không thể diệt thượng tâm, mà chỉ diệt chủng tử tạo tội. Nếu sự niệm Phật liên tục không ngừng thì sẽ có công năng diệt trừ quả báo đọa lạc tam đồ ác đạo. Còn nếu không niệm Phật, chủng tử tội chướng sẽ dần dần tăng gia thế lực, có thể chiêu cảm quả báo ba đường ác trong tương lai. Do sức mạnh của sự niệm Phật, khiến cho công năng chiêu cảm quả báo của chủng tử tội chướng càng lúc càng yếu dần, không còn có thể chiêu cảm quả báo, giống như người đang bị bệnh, tuy thân thể đang nằm trên giường, nhưng không còn công năng để làm bất cứ động tác nào, tội chướng cũng giống như vậy, không còn công năng để chiêu cảm quả báo ác đạo trong tương lai, cho nên gọi là diệt. Đây là diệt thế lực của chủng tử, chứ không phải là tiêu diệt hoàn toàn. Trong sáu loại chuyển y, đây gọi là chuyển “tổn lực ích năng.”
22. Nghiệp cũ được sanh.
Hỏi: Công đức niệm Phật có thể trừ khử công năng chiêu cảm quả báo của chủng tử, không biết công năng của chủng tử đã bị trừ diệt, sau này gặp ác duyên, chủng tử có còn thế lực để chiêu cảm quả báo ác nữa hay không? (126)
Đáp: Vẫn có thể chiêu cảm. Như chư Bồ tát tu tập các pháp thiện để đối trị phiền não, nhân đây, thế lực của phiền não chủng tử yếu dần, không thể hiện khởi. Nhưng sau đó nếu phiền não có lực lượng trở lại, vẫn có thể khởi hiện hành. Hiện hành chủng tử tích tập thế lực, khiến cho phiền não chủng tử gia tăng thế lực. Như hai loại vô tâm định (Vô tưởng định và Diệt tận định), kềm hãm ý thức không cho hiện hành, nhưng sau khi xuất định, thức thứ sáu vẫn tiếp tục hiện khởi, ác nghiệp vẫn y nhiên. Niệm Phật cũng tương tự như vậy, công đức lực khiến cho chủng tử ác nghiệp trở nên yếu ớt, không thể chiêu cảm quả báo, nhưng nếu sau đó không tiếp tục tu thiện mà lại tạo ác nghiệp, thì những nghiệp cũ đã tạo sẽ hồi phục công năng chiêu cảm ác quả. Nếu hành giả gặp thiện duyên lâu dài, các pháp ác trở nên suy yếu, thì sẽ nhập vào thánh đạo, chủng tử ác sẽ hoàn toàn bị tiêu diệt.
23. Thiện ác diệt nhau.
Hỏi: Chủng tử ác nghiệp đã bị công đức niệm Phật trừ diệt công năng chiêu cảm quả báo trong ba đường ác, không biết chủng tử thiện nghiệp của những công hạnh niệm Phật, bố thí, v.v…, có do vì tạo tác trọng tội mà bị trừ diệt công năng chiêu cảm quả báo vãng sanh Tịnh độ hay không? (127)
Đáp: Thay đổi hai vị trí thiện ác, trên nguyên tắc, tạo tác trọng tội cũng sẽ trừ diệt công năng vãng sanh Tịnh độ của các chủng tử thiện nghiệp. Như một niệm sân hận có thể chướng ngại trăm ngàn pháp môn. Kinh Di Giáo nói: “Sự tai hại của sân hận là phá hoại các pháp lành.” Lại nói: “Trong các kẻ tặc cướp đoạt công đức không gì hơn sự sân hận.” Nên biết rằng việc ác có thể diệt pháp lành. Nói diệt không có nghĩa là diệt trừ chủng tử thiện, mà chỉ là diệt trừ công năng chiêu cảm quả báo thiện. Thiện ác là hai pháp đối nghịch, tiêu diệt lẫn nhau. Ví như một đời làm thiện, có thể chiêu cảm quả báo cõi lành, thế nhưng lúc lâm chung vì mất chánh niệm, khởi lên các nghiệp ác, phá hoại các công hạnh lành đã tu từ trước, khiến cho hành giả đọa lạc ba đường ác. Còn những hành giả, xưa nay đã tạo nhiều nghiệp ác, ngũ nghịch thập ác, không tội nào mà không tạo, lúc lâm chung niệm Phật, đầy đủ mười danh hiệu, diệt trừ các tội nặng, được vãng sanh Cực Lạc. Căn cứ vào điều này, khuyên hành giả từ nay cho đến lúc mạng chung, cần phải chuyên tâm chú ý, không khởi niệm ác khiến tiêu tán công đức tu thiện, mà phải chuyên tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Điều này trong kinh có nêu rõ, lẽ nào không tin?