THÀNH THẬT LUẬN
Ha-lê-bạt-ma tạo luận
Cưu-ma-la-thập dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 15

Phẩm 187: CHỈ QUÁN

Hỏi: Nhiều chỗ trong kinh Phật thường bảo các Tì-kheo hoặc ở nơi A-lan-nhã, hoặc ở dưới cây, hoặc ở trong nhà trống vắng, nên nghĩ nhớ 2 pháp là Chỉ và Quán.

Nếu tất cả các pháp thiền định đều nên nghĩ nhớ, vì sao chỉ nói Chỉ và Quán?

Đáp: Chỉ là định, Quán là tuệ. Tất cả pháp thiện nào do tu mới sinh thì đều nhiếp thuộc trong 2 pháp đó. Và còn ở tản tâm mà có các tuệ nghe nghĩ cũng nhiếp trong pháp nầy, vì 2 pháp nầy có thể thành xong đạo pháp.

Bởi vì sao? Vì Chỉ có thể ngăn kết, Quán có thể dứt diệt. Chỉ như nắm cỏ, Quán như liềm cắt. Chỉ như quét đất, Quán như trừ phân. Chỉ như dọn bẩn, Quán như rửa nước. Chỉ như nước làm thấm, Quán như lửa làm chín. Chỉ như ung nhọt, Quán như dao khoét. Chỉ như khởi mạch, Quán như chích máu. Chỉ là ngăn tâm động, Quán như vực dậy tâm chìm. Chỉ như vẩy nước vàng, Quán như đem lửa nướng. Chỉ như dây buộc dắt, Quán như dùng dao nạo. Chỉ như lấy nhiếp nhổ gai, Quán như kéo dao cắt tóc. Chỉ như áo giáp, Quán như binh trượng. Chỉ như đứng thẳng, Quán như bắn tên. Chỉ như uống dầu, Quán như uống thuốc. Chỉ như nhồi đất, Quán như in ấn. Chỉ như gia công vàng, Quán như làm đồ vật.

Lại chúng sinh trong thế gian đều sa vào 2 bên hoặc khổ hoặc vui. Chỉ có thể xả bỏ vui, Quán có thể lìa khổ.

Lại trong 7 tịnh, giới tịnh, tâm tịnh là Chỉ, còn 5 pháp kia là Quán.

Trong 8 pháp giác ngộ của bậc Đại nhân, 6 giác là Chỉ, 2 giác là Quán.

Trong 4 ức xứ, 3 ức xứ là Chỉ, ức xứ thứ tư là Quán, 4 như ý túc là Chỉ, 4 chính cần là Quán.

Trong 5 căn, 4 căn là Chỉ; tuệ căn là Quán, 5 lực cũng vậy.

Trong 7 giác phần, 3 giác phần là Chỉ, 3 giác phần là Quán, còn niệm giác phần chung cả hai.

Trong 8 chính đạo phần, 3 phần là giới, 2 phần là Chỉ, 3 phần là Quán. Giới cũng thuộc Chỉ.

Lại Chỉ có thể dứt tham, Quán trừ vô minh. Như trong kinh nói: Tu Chỉ là tu tâm, tu tâm là dứt tham thụ. Tu Quán là tu tuệ, tu tuệ thì vô minh dứt.

Lại vì lìa tham nên tâm được giải thoát, vì lìa vô minh tuệ được giải thoát. Giải thoát được 2 thứ đó lại không còn việc gì nữa nên chỉ nói 2 pháp đó.

Hỏi: Nếu Chỉ Quán có thể tu tâm tu tuệ vì tu tâm tuệ nên dứt tham và vô minh. Vậy sao định nói Chỉ có thể tu tâm, có thể dứt tham ái, Quán có thể tu tuệ có thể dứt vô minh?

Đáp: Tản tâm là các tâm nối nhau đi trong sắc v.v…. Tâm nối nhau nầy được pháp Chỉ thì dứt, cho nên nói Chỉ có thể tu tâm. Do dứt tâm sinh trí nên cho nói Quán có thể tu tuệ. Vì sinh Quán rồi sau mới có tu, nên đều gọi tu tuệ. Sơ tuệ gọi là Quán, sau mới gọi là tuệ. Như trong kinh nói: Tu Chỉ có thể dứt tham là nói ngăn dứt.

Làm sao biết được? Vì với sắc v.v… ngoại dục sinh tham, nếu được thuốc Chỉ thì không thể sinh lại. Như trong kinh nói: Hành giả khi được tịnh hỷ, là xả bỏ bất tịnh hỷ. Nếu nói vô minh dứt là dứt rốt ráo. Vì sao biết được? Vì vô minh dứt nên tham v.v… phiền não dứt hẳn không còn. Trong kinh cũng nói lìa tham nên tâm được giải thoát gọi là ngăn dứt. Lìa vô minh nên tuệ được giải thoát, gọi là rốt ráo dứt.

Có 2 thứ giải thoát: thời gian giải thoát và bất hoại giải thoát. Thời gian giải thoát là ngăn dứt; bất hoại giải thoát là rốt ráo dứt.

Hỏi: Thời gian giải thoát là 5 loại A-la-hán vô lậu giải thoát. Bất hoại giải thoát là bất hoại pháp A-la-hán vô lậu giải thoát, vì sao chỉ nói ngăn dứt ư?

Đáp: Đó không phải vô lậu giải thoát. Bởi vì sao? Vì thời gian giải thoát là chỉ nhờ thượng lực ngăn kết một thời gian ngắn mà chưa có thể dứt vĩnh viễn, về sau phát sinh lại, nên không phải vô lậu.

Lại giải thoát nầy gọi là thời, là ái giải thoát, chứ lậu tận A-lahán không còn chỗ khả ái.

Hỏi: Nếu vậy là không có Thánh sở ái giới?

Đáp: Vì các học nhân chưa hết lậu nên ngã tâm thỉnh thoảng phát khởi, cho nên đối với giới sinh ái, chứ không phải A-la-hán ngã tâm đã diệt hẳn mà lại sinh ái.

Hỏi: A-la-hán Cù-đề với thời giải thoát 6 phen thoái lui mất, lo sợ thoái lui lần thứ 7 nên dùng dao tự sát. Nếu mất hữu lậu không nên tự hại. Cho nên biết thời giải thoát không gọi hữu lậu?

Đáp: Người nầy thoái lui mất sở dụng dứt kết thiền định, ở trong định đó 6 phen lui mất, đến phen thứ 7 lại được định đó lại, bèn muốn tự sát. Bấy giờ liền chứng được đạo A-la-hán. Cho nên ma vương bảo nhau rằng học nhân chết đi quanh 4 phía thây để tìm thức nó chạy ra. Rồi đến thưa Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Đệ tử của ngài vì sao lậu chưa hết mà chết? Phật nói: Người này đã nhổ gốc ái, được vào Nê-hoàn.

Hỏi: Nếu dứt tham gọi là ngăn dứt thì trong kinh có nói: Từ tham tâm được giải thoát, từ nhuế si tuệ được giải thoát. Lại nói: Từ dục lậu tâm được giải thoát. Như vậy đều nên gọi ngăn chận là giải thoát, chứ không phải giải thoát thật sự?

Đáp: Trong đó cũng có nói dứt vô minh, nên mới biết là rốt ráo giải thoát. Nếu nói dứt tham thì hoặc ngăn dứt, hoặc rốt ráo dứt. Nếu không sinh chân trí thì đó là ngăn dứt; tùy sinh chân trí thì đó là rốt ráo dứt. Chứ không có dùng pháp Chỉ mà dứt rốt ráo dứt tham được. Nếu như vậy ngoại đạo cũng có thể rốt ráo dứt tham. Nếu vậy ngoại đạo cũng có thể rốt ráo dứt tham, mà thật sự không phải vậy. Cho nên biết chỉ là ngăn dứt.

Hỏi: Trong kinh nói: Dùng Chỉ tu tâm, nương Quán được giải thoát. Dùng Quán tu tâm, nương Chỉ được giải thoát. Việc đó thế nào?

Đáp: Hành giả, nếu nhân thiền định sinh duyên diệt trí, đó là dùng Chỉ tu tâm, nương Quán được giải thoát. Nếu dùng tản tâm phân biệt ấm, giới, nhập v.v…, nhờ đó được duyên diệt dứt; đó là dùng Quán tu tâm nương Chỉ được giải thoát. Nếu được niệm xứ v.v… đạt phần nhiếp tâm thì đều tu Chỉ Quán. Lại tất cả hành giả đều nương 2 pháp nầy được diệt tâm giải thoát.

Phẩm 188: TU ĐỊNH

Hỏi: Ông nói phải tu tập định. Định tâm nầy là niệm niệm sinh diệt làm sao tu được?

Đáp: Hiện thấy thân nghiệp tuy niệm niệm diệt, nhờ tu tập nên có kỹ năng khác thường, tùy tu tập lâu dần chuyển đổi khác, khẩu nghiệp cũng vậy. Tùy chỗ tu tập chuyển tăng, điều hòa lợi ích kiên cố dễ nhớ, như đọc tụng v.v… Phải biết ý nghiệp tuy niệm niệm diệt nhưng có thể tu tập, như lửa có thể biến sống thành chín, nước có thể xói mòn đá, gió có thể thổi vật. Như vậy các pháp niệm niệm diệt đều có sức nhóm họp.

Lại tùy tập phiền não thì tùy theo đó mà bùng phát, như người đời đời quen tập dâm dục thì thành đa dục. Nhuế si cũng vậy. Như trong kinh nói: Nếu người tùy nghĩ việc gì, thì tâm hướng theo việc đó, như thường tùy theo dục giác thì tâm hướng theo dục. Hai giác kia cũng vậy. Cho nên biết tâm nầy tuy niệm niệm diệt mà cũng có thể tu tập.

Lại tu gọi là tăng trưởng. Hiện thấy các pháp đều có tăng trưởng. Như trong kinh nói:: Hành giả bởi tà niệm nên dục v.v… các lậu chưa sinh thì sinh, đã sinh thì tăng trưởng, nghĩa là từ hạ sinh trung, từ trung sinh thượng, như hạt giống, mầm cộng nhánh lá hoa quả. Hiện thấy đều từ nhân dần dần tăng trưởng. Pháp định tuệ v.v… cũng phải như vậy.

Lại hiện thấy ướp mè, mùi hương càng lúc càng tăng. Hương đó và mè niệm niệm không ngừng mà có sức ướp. Cho nên biết pháp niệm niệm diệt cũng có thể tu tập.

Hỏi: Mè là pháp trụ, hoa hương đến xông ướp không có tâm trụ . Đem trí niệm niệm diệt mà đến tu tập, thì làm sao ví dụ được?

Đáp: Không có pháp trụ. Tất cả các pháp đều niệm niệm diệt. Điều nầy trước đã thành lập nên không còn đem nạn vấn được.

Lại nếu pháp không niệm niệm diệt thì không tu tập được, tức thể thường trụ tu tập ích gì? Nếu pháp niệm niệm sinh diệt do hạ, trung, thượng nên mới có tu tập.

Hỏi: Các hoa đến mè có thể xông ướp. Trí không đến tâm nên không tu tập?

Đáp: Trong ví dụ về nghiệp ở trước đã nói rõ việc này. Như nói nghiệp sau không đến nghiệp trước. Lời nói trước không đợi lời nói sau, mà thân khẩu nghiệp cũng vẫn có tướng tu. Cho nên ông nói không đến không tu, không gọi là nạn vấn được.

Lại hiện thấy nhiều quả tuy không đồng thời, nhưng cũng được do nhân có quả. Như vậy tâm pháp tuy niệm niệm diệt, mà vẫn có tu tập được.

Lại như giống được nước tuy không đến mầm v.v…, nhưng cũng vẫn khiến mầm tươi tốt. Như vậy tu tập trí tuệ, tâm trước tâm sau tăng trưởng.

Hỏi: Nếu mè niệm niệm diệt thì sinh mè khác. Mè nầy là do ướp mà sinh hay không ướp sinh? Nếu không ướp sinh, thì hoàn toàn không có sự xông ướp. Nếu xông ướp sinh, thì cần gì xông ướp lâu?

Đáp: Vì nhân xông ướp. Như hạt giống được nước thì mầm thấm nhuần tốt tươi. Như nhân hoa trước hợp lại mà sinh thứ mè khác, vậy là do xông ướp sinh.

Ông nói cần gì ướp lâu, như trong kinh của ông nói: Do lửa hợp với pháp vi trần mà tướng đen diệt tướng đỏ sinh. Nếu ban đầu lửa hợp với pháp diệt tướng đen đó, thì không nên sinh lại tướng đen. Nếu ban đầu lửa hợp với pháp sinh tướng đỏ đó, thì cần gì lửa sau phải hợp với pháp nữa? Nếu khi lửa ban đầu hợp, tướng đen sinh, tướng đỏ lẽ ra hoàn toàn không nên sinh. Nếu khi thời gian thứ 2 tướng đỏ sinh, lại cần gì lâu hợp với lửa? Nếu ý ông bảo tướng đỏ sinh dần dần. Tâm cũng như vậy, đâu có lỗi gì ư? Hư hoại v.v… cũng như vậy.

Lại các pháp tuy có nhân duyên nhưng cũng thứ lớp sinh, như thụ thai v.v… dần dần thành thân, như hạt giống, gốc rễ v.v… cũng lần lượt sinh. Cũng như vậy, các pháp định tuệ v.v… tuy niệm niệm diệt, nhưng cũng do pháp hạ trung thượng tuần tự sinh.

Lại tu pháp vi tế dị tâm nối nhau, như hơi nóng vi tế của quả trứng làm cho biến dần thành lông con chim con, như hơi nóng vi tế của da tay làm mòn dần cán búa đến hết.

Tâm cũng như vậy, định tuệ vi diệu nên lần lượt tu tập.

Lại khi tu tập pháp, đến thì mới biết. Như có bài kệ nói:

Một phần theo thầy thụ.

Một phần nhờ bạn được.

Một phần tự tư duy.

Một phần đợi thời đến.

Nếu có người tuy đọc tụng suốt ngày không rõ ràng nghĩa lý được, như thời chín muồi chưa đến, như đem nhiều hoa một lúc xông ướp mè không bằng ít hoa mà xông ướp lâu. Nước thấm vào tường vách dày cũng như vậy. Hiện thấy hạt giống rễ mầm v.v… tăng trưởng rất vi tế còn không thấy được, lớn lên từng ngày chừng bằng đầu sợi lông. Thân trẻ con v.v…, bơ sữa v.v… chín muồi cũng như vậy. Cho nên biết pháp tu hành rất vi diệu khó biết được.

Hỏi: Hoặc thấy có pháp nhất thời tụ tập rất gấp. Như có người xưa nay không thấy sắc, mà thấy sắc là đắm nhiễm ngay. Cũng có người chút ít thời gian mà thông đạt nhiều điều. Vì sao chỉ nói lần lượt tu tập?

Đáp: Đó đều là quá khứ từng tu tập nên biết chứa nhóm sự tích tập dần dần điều này đã rõ.

Lại không chỉ phát tâm mà có thể thành xong sự nghiệp. Như trong kinh nói: Nếu đối với pháp thiện không siêng tu tập mà chỉ mong muốn không thụ các pháp, đối với các lậu tâm muốn được giải thoát, thì ý nghĩ người nầy hoàn toàn không theo ước nguyện được, vì không thể siêng tu pháp thiện. Hành giả, nếu có thể siêng tu pháp thiện dù không phát nguyện, tâm cũng được giải thoát các lậu vì do từ nhân sinh quả không phải cầu nguyện, như con chim sẻ cần lo ấp trứng, không cần nguyện cầu chim con từ trứng nở ra.

Lại không vì nguyện nên đèn sáng trong trẻo, mà cần đầy đủ dầu trong, tim sạch, không vật gì xúc động ánh sáng mới trong trẻo.

Lại không chỉ nguyện mà có thể được lúa tốt, mà quyết phải có ruộng mầu mỡ, giống tốt, thời tiết thuận hòa, công sức đầy đủ mới có thu hoạch.

Lại không chỉ nguyện suông mà thân được sức mạnh, mà cần phải có các duyên như uống thuốc tốt, ăn thức ngon bổ v.v… mới được đầy đủ sức lực. Như vậy không phải chỉ nguyện suông mà có thể được hết lậu, phải có chân trí mới được giải thoát. Có đâu người trí biết do nhân sinh quả, mà bỏ nhân để theo đuổi cầu quả ở những gì khác.

Lại tu tập pháp hiện thấy quả báo. Như trong kinh Phật nói: Không cần 7 ngày, ta dạy đệ tử cho đến tu tập pháp thiện trong giây lát sẽ thường được hưởng vui trong nhiều đời.

Lại các Tì-kheo-ni thưa Đại đức A-nan rằng: Chị em chúng tôi khéo tu niệm xứ, nghiệm biết khác hơn lúc ban đầu.

Lại trong kinh Phật bảo các Tì-kheo: Nếu ai tâm không dua dọc, đến đây với ta, ta vì ban mai nói pháp, khiến chiều được lợi, nói pháp ban chiều khiến sáng mai được lợi.

Lại nếu người được đạo A-la-hán, thì không cùng người khác, cũng không cùng phi nhân. Chỉ tu nhân chân chính nên được lợi đó.

Lại vô thượng Phật đạo còn phải tích chứa, tập các pháp thiện mới chứng được, huống là những việc khác! Như trong kinh Phật bảo các Tì-kheo: Ta nương nhờ 2 pháp mà được đạo vô thượng: một là ưa thích điều thiện không chán, hai là tu đạo không biết mỏi. Phật đối với pháp thiện hoàn toàn không có giới hạn.

Lại các Bồ-Tát dù không được định cũng không biếng nhác mỏi mệt. Bởi vì sao? Vì nếu không làm thiện thì không được gì hết. Làm thiện cũng không mâu thuẫn nhau. Người không làm thiện quyết không yên ổn. Suy nghĩ vậy rồi, thì siêng năng tinh tiến tu tập pháp thiện. Nếu phát tâm tinh tiến hoặc được hoặc mất, còn người không tinh tiến thì mãi mãi không có hy vọng. Cho nên phải siêng năng tu tập, đừng sinh biếng nhác.

Lại người trí cuối cùng phải được giải thoát. Nếu bỏ tu tập không còn phương tiện nào khác. Cho nên người trí phải siêng tu tập đừng sinh biếng nhác.

Lại hành giả nghĩ tu chính hành ắt có quả báo, tuy chưa được liền không lấy làm lo.

Lại hành giả nên nghĩ: Ta đã từng được quả báo tu tập, vì chúng sinh xưa nay đều được tất cả thiền định, nay ta chính tu cũng chắc sẽ được. Nên không biếng nhác.

Lại người chính hành được Phật chứng minh. Ta nay chính hành, nên biết chắc được.

Lại ta được đầy đủ nhân duyên đắc đạo là: được thân người, các căn đầy đủ, rõ biết tội phúc, cũng tin giải thoát, gặp thiện tri thức. Đủ các duyên may nầy, làm sao tu tập không được quả?

Lại chính hành tinh tiến không hề luống bỏ, nên không chán mỏi.

Lại phiền não dứt một cách vi tế âm thầm khó biết, như cán búa mòn dần đến hết. Các phiền não ta cũng phải sẽ dứt, nhưng vì vi tế nên không thể biết hết được. Cho nên biết tu thiện tinh tiến là hơn hết.

Lại kẻ ít trí tuệ còn có thể phá được phiền não, như chút ánh sáng cũng có thể trừ tối. Như vậy chỉ được chút ít trí tuệ thì sẽ xong việc, nên không chán mỏi.

Lại lâu mà khó thành, như đắc định. Nếu đắc định rồi thì các công phu khác sẽ không lâu. Cho nên tuy không mau đắc, quyết không chán mỏi.

Lại hành giả nên nghĩ đắc định là rất khó, như Bồ-tát xưa phúc tuệ sâu dày mà phải tinh cần đến 6 năm mới chứng được! Còn các Tìkheo đắc định cũng khó, huống là chúng ta phàm phu bạc phúc độn căn mà có thể mau được ư? Nghĩ như vậy rồi không sinh chán mỏi.

Lại điều tất yếu của các hành giả phải là tu định, không còn nghiệp nào khác hơn, nên dù được dù không vẫn cần phải tu tập.

Lại người tu tập dù không được định, nhưng cũng gọi thân được xa lìa. Thân xa lìa rồi thì dễ được định.

Lại nếu siêng tu định thì không phụ ơn Phật. Mà cũng vì tu hạnh xa lìa mới được gọi là hành giả.

Lại tu tập pháp thiện lâu thì được thành tính thiện, cho đến chuyển mang thân khác pháp thiện đó vẫn thường theo, nên được thường gặp gỡ người thiện, đó là lợi lớn.

Lại người thường tu thiện hoặc ngay thân nầy chắc được hết lậu, hoặc được ngay khi lâm chung, hoặc sau khi mạng chung hóa sinh về chỗ thiện và được hết lậu ở đó, như trong Lợi ích của sự nghe pháp đã nói.

Lại trong tâm hành giả phát khởi tướng dũng mãnh nghĩ như vầy: Nếu ta không phá được trận giặc phiền não nầy quyết chẳng trở về không.

Lại hành giả nương tâm kiêu mạn mà sinh ý nghĩ như vầy: Người khác có tín v.v… các thiện căn nên có thể được định, ta nay cũng có, vì sao không được? Như Bồ-tát xưa theo người tiên A-la-la nghe pháp khởi ý nghĩ như vầy: Người nầy có tín v.v… các thiện căn, nên có thể được pháp nầy. Ta nay cũng có, mà vì sao lại không được?

Lại hành giả biết phiền não yếu ớt, sức trí tuệ mạnh mẽ, diệt nó đâu khó gì? Như nói Tì-kheo thành tựu 6 pháp, có thể dùng miệng thổi tan núi Tuyết, huống là thứ vô minh chết.

Lại hành giả sinh ý nghĩ: Do đời trước ta không tu định, nên nay không thể được, nay nếu không siêng tu sau lại sẽ không được, cho nên phải siêng tu tập.

Lại vì thường tu định nên tâm được chỗ trụ như chiếc bình lăn không dừng chắc phải có chỗ trụ.

Lại hành giả sinh ý nghĩ: Nếu ta thường siêng năng tinh tiến, dù được dù không, sau khỏi ăn năn. Cho nên phải nhất tâm siêng năng tu tập các định.

Phẩm 189: TƯỚNG CỦA TRÍ TRONG LUẬN VỀ TRÍ CỦA NHÓM ĐẠO ĐẾ

Chân tuệ gọi là trí. Chân là không, vô ngã. Trong đó trí tuệ gọi là chân trí. Trong giả danh, tuệ là tưởng không phải trí. Bởi vì sao? Vì trong kinh nói: Như dao có thể cắt. Đệ tử Phật dùng dao trí tuệ có thể cắt đứt tất cả phiền não kết, phược, sử, triền, chứ không nói pháp nào khác. Không dùng thứ không thật mà có thể dứt phiền não được. Cho nên biết trí tuệ là thật.

Hỏi: Ông chỉ nói tuệ có thể dứt phiền não. Việc đó không đúng. Bởi vì sao? Vì tưởng cũng có thể dứt các phiền não. Như trong kinh nói: Khéo tu tưởng vô thường có thể phá ất cả Dục nhiễm, Sắc nhiễm, và Vô sắc nhiễm, tất cả hý diệu, kiêu mạn, vô minh?

Đáp: Không đúng. Tuệ mới dứt phiền não, lấy tên tưởng mà gọi. Phật có 2 lối nói: một là thật ngữ, hai là danh tự ngữ. Như trong kinh nói: Tâm từ dứt giận dữ. Mà thật không phải pháp từ dứt kết, chỉ trí mới có thể dứt, như nói dao trí dứt các phiền não. Cho nên biết từ có thể dứt giận dữ, đó là danh tự ngữ.

Lại nghĩa trong kinh nói hiểu biết nên gọi tuệ. Có thể hiểu biết việc gì? Là sắc vô thường như thật biết vô thường, thụ tưởng hành thức vô thường như thật biết vô thường. Đó là trí tuệ.

Lại nói đệ tử Phật là người tu định nhiếp tâm như thật thấy biết. Cho nên biết duyên đệ nhất nghĩa gọi là trí tuệ.

Lại trong ví dụ trí tuệ gọi trí là con dao tuệ là mũi tên v.v…. Trong dụ nầy đều chỉ rõ dứt trừ phiền não, chỉ chân trí tuệ mới có thể dứt phiền não. Cho nên biết trí tuệ là thật.

Lại trong kệ nói:

Hành giả thấy thế gian,

Tất cả các trời người,

Vì thoái mất chân trí,

Nên tham đắm danh sắc.

Thế gian phần đông chấp hư vọng cho là thường, lạc, tịnh v.v…

gọi là mất chân trí. Nếu thấy chân thật không, vô ngã v.v… gọi là được chân trí. Cho nên biết trí tuệ là thật.

Lại trong kinh Phật nói: Như người mất của gọi là mất tiểu lợi. Nếu mất trí tuệ gọi là mất đại lợi.

Lại nói: Trong các lợi, của cải là lợi nhỏ, tuệ là lớn.

Lại nói: Trong các ánh sáng, ánh sáng mặt trời mặt trăng là ánh sáng nhỏ, ánh sáng tuệ là đệ nhất. Nếu tuệ không phải thật, sao Phật phải nói lên như vậy?

Lại trong kinh nói tuệ căn nhiếp thuộc Thánh đế.

Lại nói phải biết trí khổ, tập là chân thật, duyên đệ nhất đế gọi là tí tuệ.

Lại nói, trong các pháp trí tuệ là thượng.

Lại nói, cũng gọi Vô thượng Chính biến tri là tuệ nhãn. Cho nên biết trí tuệ là thật vì duyên đệ nhất nghĩa.

Hỏi: Nếu vậy thì không có thế gian trí tuệ?

Đáp: Thật không có trí tuệ thế gian. Làm sao biết được? Vì tâm thế gian duyên giả danh, tâm xuất thế gian duyên không, vô ngã. Bởi vì sao? Vì thế gian là giả danh, vượt khỏi giả danh gọi là xuất thế gian.

Hỏi: Ông nói không đúng. Bởi vì sao? Vì trong kinh nói: Thức biết chỗ nào? Là biết sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Như vậy ấm, giới, nhập v.v… đều do thức biết. Nay cái biết này đều nên gọi là xuất thế gian. Cho nên ông nói tâm thế gian chỉ duyên giả danh không thể duyên thật. Điều này không đúng.

Lại ý thức cũng có thể duyên thật, vì có thể duyên thụ, tưởng, hành v.v…

Lại Phật nói 2 thứ chính kiến là thế gian và xuất thế gian. Thấy có phúc tội v.v… gọi là thế gian. Như đệ tử Phật duyên khổ tập diệt đạo, vô lậu niệm, tương ưng tuệ gọi là xuất thế gian.

Lại trong kệ nói:

Được chính kiến trên đời,

Dù qua lại sinh tử,

Cho đến trăm ngàn đời,

Thường không đọa ác đạo.

Lại trong kinh nói: Người tà hành được sinh về chỗ thiện. Người nầy tội nghiệp chưa thành, mà duyên thiện thành thục trước, hoặc chính khi chết chính kiến tương ưng, thiện tâm hiện tiền, nên được sinh chỗ thiện.

Lại trong 10 thiện đạo cũng có nói chính kiến. Sao ông nói không có thế gian trí?

Lại Phật tự nói có 3 thứ tuệ là văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ. Văn tuệ tư tuệ đều là thế gian. Tu tuệ gồm cả 2.

Lại Phật sinh ý nghĩ rằng Tì-kheo La-hầu-la chưa có thể thành tựu được tuệ giải thoát.

Lại nói có 5 pháp có thể khiến tâm chưa thành thục giải thoát được thành thục. Đó đều là trí tuệ thế gian.

Lại trong kinh nói: Có người có thể xuất mà không thể quán. Có người có thể quán mà không thể độ. Được thế gian trí nên gọi là có thể xuất. Chưa thấy 4 đế nên không thể quán. Nếu thấy 4 đế mà chưa được hết lậu nên gọi không thể độ.

Lại Phật tự nói: Pháp trí, tỷ trí, tha tâm trí, thế trí.

Lại nói: Túc mạng trí, sinh tử trí đều là hữu lậu.

Lại nói: Pháp trụ trí, Nê-hoàn trí v.v… do trong kinh nói có như vậy v.v…. cho nên phải biết có trí hữu lậu?

Đáp: Nếu có trí tuệ hữu lậu, thì nay cần phải nói tướng sai khác của trí hữu lậu và vô lậu.

Hỏi: Nếu pháp sa vào hữu gọi là hữu lậu, khác đi là vô lậu.

Đáp: Pháp nào là sa vào hữu, pháp nào không sa vào hữu? Điều này phải giải đáp. Nếu không đáp được thì không phải tướng hữu lậu và vô lậu.

Ông nói có tâm thế gian duyên phi giả danh, gọi là thức duyên các trần, điều này không đúng.

Bởi vì sao? Vì Phật nói phàm phu thường theo giả danh mà lấy nghĩa. Vì tất cả tâm phàm phu không phá được giả danh, nên thường chạy theo tướng ngã, hoàn toàn không thể lìa bỏ được. Tuy thấy sắc cũng không lìa được tướng cái bình v.v… Cho nên tâm phàm phu không duyên được thật nghĩa. Dù có duyên các pháp thụ tưởng v.v… cũng vẫn thấy là ngã và ngã sở. Cho nên biết tất cả tâm thế gian đều duyên giả danh.

Ông nói có các trí tuệ thế gian là 2 thứ chính kiến v.v…. Nay sẽ giải đáp tâm có 2 thứ là tâm si và tâm trí. Duyên pháp giả danh gọi là tâm si. Nếu chỉ duyên pháp, là không, vô ngã gọi là tâm trí. Như trong Kinh Giải Vô Minh nói: Vô minh là không biết trước, không biết sau, không biết trước sau, không biết nghiệp, không biết báo, không biết nghiệp báo trước sau. Như vậy v.v… chỗ chỗ như thật không biết, không thấy, không hiểu, si vọng đen tối, nên gọi là vô minh.

Như thật không biết, nghĩa là không biết không, vô ngã, vì là tâm phàm phu thường ở trong giả danh và duyên giả danh nên gọi là vô minh, duyên không, gọi là trí. Nay nếu tất cả tâm thế gian đều duyên giả danh, tâm duyên giả danh gọi là vô minh, thì làm sao được nói thế gian có trí tuệ?

Hỏi: Như ông nói tướng trí tuệ duyên giả danh gọi là vô minh thì nay A-la-hán phải có vô minh, vì cũng có tâm duyên cái bình v.v…?

Đáp: A-la-hán không có tâm duyên cái bình v.v…. Bởi vì sao? Vì khi mới đắc đạo đã phá vỡ các tướng giả danh rồi. Nhưng chỉ vì sự dụng nên nói bình v.v… mà không chấp đắm kiêu mạn.

Có 3 thứ ngôn ngữ: một do thấy sinh, hai do kiêu mạn sinh, ba do sự dụng sinh. Phàm phu khi nói cái bình, khi nói con người, những lời đó đều do thấy sinh. Học nhân tuy không ngã kiến, vì mất chính niệm nên trong 5 ấm lấy tướng ngã mạn nói là con người, là cái bình, như trong Kinh Sai-ma-già đã nói.

Sự dụng, là A-la-hán như Đại Ca-diếp thấy áo Tăng-già-lê nói: Vật nầy của ta. Thiên thần sinh nghi. Phật giải thích rằng: Người đó đã vĩnh viễn nhổ gốc mạn, đốt cháy hết nhân duyên làm sao có mạn? Nhưng vì danh tự thế gian nên nói vậy thôi. Cho nên biết A-la-hán không có tâm cái bình v.v….

Hỏi: Nếu thế gian không trí tuệ, mà nói 2 thứ chính kiến v.v…, thì làm sao thông với kinh được?

Đáp: Đó đều là tưởng, lấy tên trí mà nói. Phật có thể thông đạt thật tướng các pháp, tùy theo có thể độ chúng sinh mà lập nhiều danh tự, như trí tuệ lấy tên thụ v.v… mà nói, như nói thụ là đối với các pháp được giải thoát. Cũng nói, khéo tu tưởng vô thường v.v… có thể phá tất cả phiền não. Cũng nói nghiệp thứ tư không đen không trắng có thể hết các nghiệp, như nói học tư.

Lại nói, lấy ý dứt các tham đắm.

Lại nói, tin có thể qua sông, nhất tâm qua biển, tinh tiến trừ khổ, tuệ có thể thanh tịnh.

Lại nói, mắt muốn thấy sắc, mắt thật không muốn chỉ tâm muốn thấy, mà lấy tên mắt nói.

Hỏi: Nếu trí thế gian thật sự là tưởng đó, vì sao gọi là trí? Nếu không nhân duyên gì mà gọi là trí, thì tất cả tưởng đều phải gọi trí. Cũng có thể nói có 2 thứ tưởng, một duyên thế đế, hai duyên đệ nhất nghĩa đế?

Đáp: Không phải. Tưởng có nhiều thứ sai khác, có tưởng rất ngu si, đến nổi không biết thiện ác thế gian. Có tưởng si kế tiếp có thể phân biệt thiện ác, có tưởng ít si hơn nữa có thể duyên tướng xương v.v…. Không lìa giả danh thì không thể hoại tướng các ấm. Tưởng này có thể thuận với trí hoại ấm tướng, nên Phật gọi là trí. Thế gian có lối nói quả trong nhân. Như nói ăn vàng, thí người 5 việc, gái làm bẩn giới pháp, bờ tốt dòng nước ngon, pháp phục người vui.

Lại trong Kinh Thất Lậu nói: Dụng dứt v.v… lậu nhân gọi là lậu.

Lại nói, lấy cái ăn làm mạng sống, cỏ làm bò dê. Cũng nói, áo cơm các vật đều là ngoại mạng. Như cướp của người tức là cướp mạng. Đó đều nói nhân làm quả. Như vậy nhân của trí nói là trí, nên không lỗi.

Hỏi: Các niệm xứ là trong noãn pháp v.v…, tâm có thể duyên thật pháp là vô lậu sao?

Đáp: Tâm vô lậu có thể phá giả danh. Cho nên tùy tâm có thể phá giả danh, từ đó về sau gọi là vô lậu.

Hỏi: Tâm đến bậc nào có thể phá giả danh?

Đáp: Tùy có thể thấy đầy đủ tướng 5 ấm sinh diệt, bấy giờ được tưởng vô thường. Tưởng vô thường có thể khiến hành giả đủ tưởng vô ngã. Như nói Thánh đệ tử dùng tưởng vô thường tu tâm thì có thể trụ tưởng vô ngã. Dùng tưởng vô ngã tu tâm có thể chóng được giải thoát tham sân si v.v…. Bởi vì sao? Vì nếu dùng tưởng vô ngã tu tâm thì có thể trụ tưởng khổ, vì tưởng ngã nên dù bị khổ vẫn không biết. Cho nên, nếu pháp vô thường, vô ngã, mà cũng khổ thì người trí vẫn có thể rất sinh chán ghét. Nên tưởng vô ngã có thể đủ tưởng khổ.

Hỏi: Vì sao ông phá thuyết thứ lớp? Trong kinh nói: Nếu vô thường tức là khổ; khổ tức là vô ngã, cho nên tưởng vô thường có thể đủ tưởng khổ, tưởng khổ có thể đủ tưởng vô ngã?

Đáp: Trong kinh nói: Tu tưởng vô thường, tâm Thánh đệ tử có thể tu tưởng vô ngã. Cho nên tưởng vô thường có thể đầy đủ tưởng vô ngã.

Lại nói như vậy cũng có đạo lý. Bởi vì sao? Vì người nói ngã muốn để thành lập đời sau, nên mới nói ngã là thường. Cho nên, nếu thấy 5 ấm vô thường liền biết vô ngã. Như trong kinh nói: Nếu người nói mắt là ngã thì không đạo lý. Bởi vì sao? Vì mắt có sinh diệt. Nếu mắt là ngã, ngã tức sinh diệt. Có những lỗi như vậy.

Hỏi: Hai kinh đó nên nói thế nào cho thông?

Đáp: Tưởng khổ có 2 thứ: một do tưởng vô thường sinh gọi là tưởng hoại khổ, hai do tưởng vô ngã sinh, gọi là tưởng hành khổ. Cho nên 2 kinh đó vẫn không mâu thuẫn nhau.

Hỏi: Nếu như vậy thì niệm xứ trong pháp noãn v.v… có tưởng vô thường, nên pháp nầy đều phải là vô lậu?

Đáp: Trong niệm xứ v.v…, nếu là vô lậu đâu có lỗi chi?

Hỏi: Tâm phàm phu không nên vô lậu được, lại tâm phàm phu còn có vọng niệm xứ v.v… làm sao mà vô lậu được?

Đáp: Người nầy không phải hoàn toàn là phàm phu. Người đó gọi là đang tu quả Tu-đà-hoàn.

Hỏi: Tu quả Tu-đà-hoàn là ở trong kiến đạo đế, pháp niệm xứ v.v… không gọi kiến đế?

Đáp: Tu quả Tu-đà-hoàn có gần có xa. An trụ trong niệm xứ v.v… là xa, hành giả kiến đế là gần. Làm sao biết được? Phật nói trong Kinh Phủ Kha Dụ rằng: Hoặc biết hoặc thấy nên được hết lậu. Biết thấy pháp gì? Nghĩa là sắc này v.v… sắc này sinh v.v… sắc này diệt v.v…. Nếu không tu đạo thì không hết lậu mà tu thì được, như ví dụ ấp trứng.

Lại hành giả thường tu đạo phẩm phiền não vi trần, tuy không đếm biết được, nhưng hết rồi mới hay, như thí dụ cái cán búa.

Lại hành giả thường tu 37 phẩm trợ đạo thì dục, phược, kết, triền dễ có thể tán hoại như thí dụ tàu biển. Cho nên biết do niệm xứ đến tu tập đạo phẩm đều gọi là người tu hành sơ quả.

Lại nếu trong một niệm hoặc 15 niệm không được tu tập, phải biết đó là người xa tu hành Tu-đà-hoàn.

Hỏi: Ban đầu nói biết sắc này v.v… sắc này sinh v.v…sắc này diệt v.v…, là đạo sơ quả. Ba dụ sau là dụ 3 quả. Cho nên không gọi là người tu hành sơ quả?

Đáp: Nếu trứng không ấp thì hư, ấp thì thành tựu. Như vậy từ niệm xứ đến mới phát tu tập, nếu không thành không gọi là hành, mà có thể thành thì học nhân nầy gọi là không hư hoại, có thể kham nhận. Cho nên nếu trong niệm xứ v.v… hư hoại thì gọi phàm phu. Nếu tu tập thành thì gọi là người hành sơ quả. Giống như còn ở trong vỏ trứng, nếu được ra khỏi vỏ gọi là Tu-đà-hoàn. Cho nên biết còn ở trong niệm xứ v.v… gọi là người đi xa.

Lại như Trưởng giả Úc-già cúng dường chúng Tăng, có thiên thần giới thiệu: Đây là A-la-hán, cho đến đây là người hành sơ quả. Nếu còn ở trong kiến đế đạo, làm sao chỉ được như vậy? Phải biết đó là người đi xa.

Lại trong kinh Phật nói: Nếu không có tín v.v… 5 căn thì người nầy gọi là còn ở trong ngoại phàm phu. Nghĩa nầy nói có nội phàm phu và ngoại phàm phu. Nếu không được đạt phần thiện căn gọi là ngoại phàm phu, mà được gọi là nội. Nội phàm phu nầy cũng gọi Thánh nhân, cũng gọi phàm phu. Bởi ngoại phàm phu nên gọi Thánh nhân, nhờ kiến đế đạo nên gọi phàm phu. Như A-nan bảo Xa-nặc rằng: Phàm phu không thể nghĩ sắc không, vô ngã thụ tưởng hành thức không, vô ngã, tất cả các hành vô thường; tất cả pháp vô ngã, Nê-hoàn tịch diệt. Bấy giờ Xa-nặc chưa vào pháp vị, cũng nói phàm phu không thể nghĩ các pháp đó.

Hỏi: Hoặc gần hoặc xa đều gọi là hành giả, có gì sai khác?

Đáp: Nếu thấy diệt đế gọi chân hành giả. Nếu còn ở viễn phần thiện căn thấy 5 ấm vô thường, khổ, không, vô ngã mà chưa thấy diệt, gọi là danh tự hành giả. Bởi vì sao? Như trong kinh nói: Chư Tìkheo hỏi Phật: Thế nào gọi là thấy pháp? Phật nói: Do mắt duyên sắc sinh nhãn thức, tức cùng sinh thụ, tưởng, tư v.v… tất cả pháp nầy đều vô thường bại hoại không thể tin tưởng bảo đảm được. Nếu pháp vô thường tức là khổ. Pháp khổ nầy sinh cũng khổ, trụ cũng khổ, thường xuyên khỏi tướng cũng khổ. Cho đến ý pháp cũng như vậy. Nếu khổ đó diệt, các khổ khác không sinh, không còn nối nhau nữa. Hành giả tâm nghĩ rằng nơi đó là tịch diệt nhiệm mầu, nghĩa là xả bỏ tất cả hư vọng, diệt hết tham ái, ly tịch Nê-hoàn.

Nếu trong pháp nầy tâm vào tín giải, không lay không động không lo không sợ, từ đây trở đi mới gọi là thấy pháp. Cho nên biết hành giả nếu dùng vô thường v.v… tu quán thấy 5 ấm gọi là người đi xa, nếu thấy diệt đế gọi là người đi gần. Như Xa-nặc trả lời các Thượng tọa rằng: Con cũng có thể nghĩ sắc v.v… là vô thường, mà với tất cả hành diệt hết ái, tâm Nê-hoàn không thể vào thông đạt tín giải. Nếu biết như vậy không gọi là thấy pháp.

Lại nói, nếu hành giả trong pháp nầy dùng nhuyễn tuệ tín nhẫn gọi là người tín hành. Vượt khỏi địa vị phàm phu vào chính pháp vị, không được sơ quả quyết không chết yểu. Nếu dùng lợi tuệ tín nhẫn gọi là người pháp hành. Thấy pháp đó rồi có thể dứt 3 kết, gọi là Tuđà-hoàn. Rõ ràng không còn sót lọt gì hết gọi là A-la-hán. Cho nên biết thấy diệt gọi là người đi gần.

Hỏi: Vì sao hành giả không đều thấy diệt?

Đáp: Trong kinh nói: Các pháp vô tính, do nhiều nhân duyên sinh. Pháp đó rất sâu xa, hết tất cả ái, tịch diệt Nê-hoàn, nơi đó khó thấy được! Phật quán 12 nhân duyên diệt nên chứng được Vô thượng đạo.

Lại trong Kinh Pháp Ấn nói: Nếu hành giả quán thấy 5 ấm vô thường bại hoại hư vọng không bền chắc, cũng gọi là không, mà gọi là tri kiến chưa tịnh. Kinh nầy sau nói hành giả khởi ý nghĩ như vầy: Những điều ta thấy, nghe, ngửi, nếm, chạm xúc và nghĩ, bởi nhân duyên nầy mà sinh thức, thì nhân duyên thức đó là thường hay vô thường, tức biết là vô thường. Nếu từ nhân duyên vô thường mà sinh thức thì làm sao thường được? Cho nên thấy tất cả 5 ấm vô thường do nhiều duyên sinh, tận tướng, ly tướng và diệt tướng. Bấy giờ tri kiến hành giả mới thanh tịnh. Bởi nói diệt tận là tri kiến tịnh. Cho nên tri kiến diệt gọi là thấy Thánh đế.

Lại trước là pháp trụ trí, sau là Nê-hoàn-trí. Cho nên thấy diệt đế, gọi là được Thánh đạo.

Phẩm 190: THẤY MỘT ĐẾ

Hỏi: Ông nói chỉ thấy diệt đế gọi là người hành quả. Việc đó không đúng. Bởi vì sao? Trong kinh Phật nói: Ta và các ông không thể như thật thấy 4 đế, nên ở lâu trong sinh tử. Nay thấy 4 đế nầy dứt nhân duyên thân, hết tướng sinh tử, không có thụ thân nữa. Phải biết thấy 4 đế nên gọi là người hành quả, không phải chỉ thấy diệt đế.

Lại nữa, Phật nói: Thượng pháp đó là 4 đế. Cho nên hành giả cần phải thấy biết hết.

Lại nói: Nếu người mặc pháp phục hủy bỏ hình hảo, chính tín xuất gia, đều vì mục đích thấy 4 đế. Nếu người muốn được đạo quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, đều vì thấy 4 đế. Nếu người được Phật đạo A-la-hán, Bích-chi-phật, là đều đã thấy 4 đế. Cho nên biết không những chỉ thấy diệt đế.

Lại Phật tự nói: Bốn đế được theo thứ tự.

Lại trong Kinh Chuyển Pháp Luân nói: Ta quán đây là khổ, đây là nhân khổ, đây là diệt khổ, đây là đạo diệt khổ. Ở trong đó sinh nhãn trí minh giác. Ba phen chuyển như vậy đều nói 4 đế.

Lại trong kinh nói: Tấm vải mới trắng sạch đem ngâm vào trong ao hồ tức thì ăn màu. Người nầy cũng vậy tức là một khi ngồi là thấy 4 chân đế.

Lại nói: Hành giả tịnh tâm chính quán khổ đế cho đến đạo đế thấy như vậy rồi từ dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu, tâm được giải thoát.

Lại trong các kinh nói Thánh đế xứ v.v… đều nói 4 đế không chỉ nói diệt.

Lại Phật nói 4 trí là khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí đều vì 4 đế.

Lại pháp của hành giả phải quán thấy cả 4-đế, giống như thầy thuốc giỏi phải biết bệnh, biết nguyên nhân của bệnh, biết cách chữa bệnh, và biết thuốc chữa bệnh. Cũng như vậy, hành giả muốn thoát các khổ, cần phải biết khổ, khổ nhân, diệt khổ, và đạo diệt khổ. Nếu không biết khổ thì do đâu biết nhân khổ, biết diệt khổ và đạo diệt khổ. Cho nên biết không chỉ thấy diệt?

Đáp: Có các thuyết nói 4 Thánh đế lợi, đều nói trong ấm giới nhập v.v…, nghĩa là biết sắc này v.v…, sắc v.v… sinh diệt cho nên được hết lậu.

Lại Phật tự nói: Ta đối với trong sắc ấm v.v… không như thật biết vị, quá, xuất, ly, thì hoàn toàn không tự gọi được đạo Vô thượng. Nếu biết như thật thì tự biết được đạo.

Lại trong Kinh Thành Dụ nói: Nếu ta chưa biết lão tử, lão tử sinh, lão tử diệt, và đạo diệt lão tử, cho đến các hành, các hành sinh, các hành diệt, và đạo diệt các hành, thì không tự nói ta được đạo Vô thượng. Nếu như thật biết, tự nói ta được thành Phật, thấy như vậy v.v…, nếu là được thấy đạo, thì 16 thứ tâm không gọi là được đạo.

Hỏi: Tôi không nói đó gọi là thấy được đạo, mà là lúc suy nghĩ?

Đáp: Trong 4 đế cũng nói như vậy. Cũng có thể nói là lúc suy nghĩ. Nếu không phải như vậy, thì cần phải nói nhân duyên khi thấy 4 đế gọi được đạo khi thấy 5 ấm v.v… là suy nghĩ.

Hỏi: Trí dứt phiền não gọi là được đạo. Suy nghĩ 5 ấm v.v… không dứt phiền não?

Đáp: Trước tôi đã nói 5 ấm v.v… trí cũng dứt phiền não, như nói thấy biết sắc v.v… nên được hết lậu.

Lại nói, thấy thế gian nhóm thì diệt chấp không, thấy thế gian diệt thì diệt chấp có.

Lại Phật tự quán nhân duyên đắc đạo.

Lại trong Kinh Chân-thúc-già nói có nhiều thứ nhân duyên đắc đạo. Có người quán 5 ấm mà đắc đạo, hoặc quán 12 nhập, 18 giới, 12 nhân duyên v.v… mà đắc đạo. Cho nên biết không phải chỉ nhờ 4 đế mà được đạo. Nếu ý ông bảo tuy có thuyết đó, nhưng không bởi quán nầy có thể dứt phiền não, thì cũng có thể nói tuy quán 4 đế mà không dứt phiền não.

Lại cần phải nhờ chân đế mới đắc đạo, mà lời giải trong 4 đế nói: sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, oán ghét gặp nhau khổ, yêu thương xa lìa khổ, và cầu không được khổ. Tóm lại 5 ấm là khổ.

Lại nói, nhân của khổ là tham ái thường đeo bám theo nơi ưa thích mà thụ thân. Quán như vậy v.v… không thể hết lậu, vì đó đều là thế đế chứ không phải đệ nhất nghĩa.

Hỏi: Tuy quán sinh tử v.v… mà không hết lậu. Lược nói 5 ấm đều khổ, trong đó người có trí có thể phá phiền não?

Đáp: Còn 3 đế kia thì sao? Cho nên biết ông tự nhớ tưởng phân biệt.

Lại quán 5 ấm đều khổ là tâm tán loạn nên không được đạo.

Hỏi: Nếu không dùng 4 đế được đạo thì phải dùng pháp nào được đạo?

Đáp: Dùng Một đế được đạo. Đó là Diệt. Như trong kinh nói: Vọng là hư dối, thật gọi là không điên đảo. Tất cả pháp hữu vi đều hư dối do vọng chấp lấy. Cho nên biết hành giả tùy tâm ở trong pháp hữu vi, đều không phải chân thật. Như trong kinh nói: Các pháp hữu vi hư dối như ảo hóa, như sóng nắng, như chiêm bao, như vay mượn v.v…. Như trong Kinh Pháp Cú nói:

Hư vọng buộc thế gian.

Giống như có chắc thật.

Thật không, thấy như có.

Chính quán thì đều không.

Như thật không có pháp nam nữ, chỉ 5 ấm hòa hợp miễn cưỡng gọi là nam nữ, phàm phu lầm lẫn cho đó là thật có. Hành giả quán sát 5 ấm đó trống rỗng, không ngã, nên tức thì không còn thấy. Như trong Kinh Pháp Ấn nói: Hành giả quán sắc vô thường, là tướng trống, rỗng, lìa. Vô thường là thể tính sắc vô thường. Trống, rỗng là như trong bình không nước gọi là bình không. Như vậy trong 5 ấm không có thần ngã, nên gọi là không. Quán như vậy cũng gọi là không, cũng gọi tri kiến chưa thanh tịnh, vì chưa thể thấy 5 ấm diệt. Về sau mới thấy diệt, như hành giả khởi ý nghĩ như vầy: Những gì ta đã thấy nghe v.v…. nên tri kiến diệt thì hết các phiền não.

Hỏi: Vì sao thấy diệt đế thì hết phiền não mà không phải các đế khác?

Đáp: Lúc bấy giờ hành giả đã quyết định tưởng khổ. Nếu chưa chứng tướng diệt, thì đối với pháp hữu vi tâm khổ chưa quyết định, như người chưa được hỷ lạc của sơ thiền, thì trong 5 dục không sinh tưởng nhàm chán.

Lại như chưa được định Vô giác quán, đối với định Giác quán không lấy gì làm lo. Hành giả cũng vậy, khi chưa chứng tướng Nêhoàn tịch diệt, không được hành khổ. Phải biết thấy diệt đế nên tưởng khổ đầy đủ. Tưởng khổ đầy đủ mới dứt được ái v.v… các kết.

Hỏi: Nếu thấy diệt đế nên tưởng khổ đầy đủ thì lẽ ra thấy diệt đế rồi sau mới dứt phiền não. Bởi vì sao? Vì thấy diệt đế rồi tưởng khổ mới đủ?

Đáp: Không phải dứt sau. Tùy ở trong diệt, được tướng tịch diệt tức thì tưởng khổ đầy đủ, sau sẽ hiện tiền. Như trong kinh nói: Hành giả đối với tập sinh tướng, pháp trí tận diệt tướng, ngay trong pháp đó được pháp nhãn thanh tịnh.

Lại người đối với các ấm thường có ngã tâm. Tuy quán các ấm vô thường, khổ v.v…, nhưng chưa được diệt vĩnh viễn. Nếu thấy diệt đế, nhờ vô tướng nên ngã tâm diệt vĩnh viễn.

Hỏi: Nếu thấy diệt đế thì hết ngã tâm. Vì sao Phật quán người đối cơ tâm nhu nhuyến v.v… mới vì nói 4 đế mà không chỉ nói diệt?

Đáp: Trong đó có thuận đạo hành. Người nào dùng tưởng vô thường, tưởng vô ngã đầy đủ nên được khổ quán nầy là người gần đạo. Cho nên hợp lại mà nói.

Hỏi: Nếu khi đắc đạo dứt thân kiến, thì sao lại còn nói giới lấy và nghi nữa ư?

Đáp: Hành giả đắc đạo hiện thấy các pháp đều không, vô ngã, tức không còn nghi, không còn nghe, nghĩ, quán v.v… đồng với phàm phu. Nếu thấy đạo đế thì biết chỉ có đó là một sự thật, không còn con đường nào khác. Cho nên nói ba.

Hỏi: Nếu khi đắc đạo thấy đế dứt hết các phiền não, mà vì sao chỉ nói hết 3 kết ư?

Đáp: Tất cả phiền não đều lấy thân kiến làm gốc. Như Phật hỏi Tì-kheo: Con người do việc gì, bởi việc gì, thấy việc gì, sinh kiến chấp như vầy: Chỉ có thân nầy chết là mất hẳn, có tất cả những kiến chấp như vậy v.v…? Tì-kheo thưa Phật: Phật là Pháp vương, cúi xin giải thích. Phật nói: Con người do sắc, bởi sắc, thấy sắc là ngã, nên mới khởi kiến chấp đó. Cho đến thức cũng như vậy. Phải biết bởi kiến chấp ngã mà khởi các phiền não. Bởi vì sao? Vì nếu có thân kiến thì cho rằng cái ngã này là hoặc thường, hoặc vô thường. Nếu định kiến là thường thì đó là thường kiến, định kiến là vô thường thì đó là đoạn kiến. Nếu ngã là thường thì không nghiệp, không báo, không giải thoát khổ. Nếu ngã là vô thường cũng không nghiệp, không báo và không giải thoát khổ, không do tu đạo mà được Nê-hoàn. Nếu cho kiến chấp đó là hơn, tức là kiến thủ, và cho là có thể được độ tức là giới thủ. Tự yêu kiến chấp của mình, giận ghét kiến chấp người khác, lấy kiến chấp đó làm tự cao tức là kiêu mạn. Đều bởi không biết như thật, nên mới khởi kết nầy tức là vô minh. Cho nên dứt thân kiến mới dứt kết của kiến đế.

Hỏi: Nếu dứt thân kiến các thứ khác cũng dứt theo, thì cần gì nói riêng giới lấy và nghi ư?

Đáp: Vì nó hơn. Hành giả hiện thấy pháp tướng thì không có nghi. Nghi này là nghi ngã có hay không. Cũng nghi đạo nầy có được thanh tịnh chăng. Nay thấy khổ đế thì dứt ngã kiến. Cũng biết chỉ một con đường mà không có con đường nào khác. Cho nên nói dứt thân kiến là chân thật thấy khổ, dứt giới thủ nên gọi là con đường tu hành. Không ngăn ngại đối với pháp tri và sở tri. Dùng chính trí biết pháp sở tri, tức dứt tập, chứng diệt gọi là đủ 4 đế. Cho nên nói 3 pháp này để làm rõ tướng không nghi. Nghi này do ngã đạo sinh, như trong kinh nói: Đầu tiên được tướng đạo. Nghĩa là thấy pháp, được pháp, biết pháp, đạt pháp, vượt quá các lưới nghi, không theo ai chỉ bày, ở trong Phật pháp được sức vô úy an trụ trong chính quả.

Phẩm 191: DUYÊN TẤT CẢ

Hỏi: Trí nào có thể duyên tất cả?

Đáp: Nếu trí hành giới, nhập v.v… gọi là duyên tất cả. Bởi vì sao? Vì như nói pháp các nhập các giới, sự vật có các duyên các trần có thể nhận biết v.v…, đều gồm hết các pháp, nếu trí có thể duyên gọi là duyên tất cả.

Hỏi: Trí nầy không biết các pháp tương ưng cọng sinh?

Đáp: Có thể biết, nếu duyên nhập v.v…, đó gọi là trí tổng tướng. Vì trí tổng tướng nên có thể duyên tất cả. Bởi vì sao? Vì như nói 12 nhập thì không còn thừa pháp nào nữa. Cho nên biết trí nầy cũng duyên tự thể.

Hỏi: Trong kinh nói: Hai nhân duyên sinh thức. Cho nên không có trí tự duyên.

Lại các trí không có nhân duyên, ví dụ để chỉ nghĩa có thể duyên tự thể, như đầu ngón tay không thể tự chạm xúc, con mắt không thể tự thấy được?

Đáp: Ông nói 2 nhân duyên sinh thức. Điều này không nhất định. Cũng có không duyên sinh trí, chứ không phải tất cả đều do 2 nhân duyên sinh.

Lại thức thứ 6 ở trong ấm của chính nó đều không có cảnh duyên, vì không có hiện pháp nên thức nầy không thể duyên pháp sắc v.v…. Nếu có thể duyên, thì những người mù lẽ ra cũng phải thấy sắc? Bấy giờ tâm và tâm số pháp của người nầy còn ở trong quá khứ, vị lai, mà quá khứ, vị lai là không có pháp thì lấy gì làm cảnh duyên? Chỉ vì ngăn chấp thần ngã nên nói như vậy thôi. Nếu các thức sinh đều do 2 thứ này không phải 4 nhân duyên, hoặc có thức sinh không có 2 nhân duyên, như trong kinh nói: Sáu nhập làm nhân duyên xúc, mà thật không có xúc bởi 6 nhập là nhân duyên. Nếu sinh thì không xuất nơi 6 nhập vì ngăn pháp nhập thứ bảy. Như vậy ngăn 4 nhân duyên nên Phật nói hai.

Lại đối với quá khứ, vị lai, hư không, thời gian, phương hướng v.v… sinh biết, mà những pháp đó thật sự không có. Đó tức là không duyên mà biết.

Hỏi: Nếu như vậy thì do nhân duyên đó, các pháp quá khứ vị lai lẽ ra phải có, vì nếu không, làm sao sinh cái biết? Với những sừng thỏ, lông rùa, chân rắn v.v… hoàn toàn không sinh cái biết?

Đáp: Trong tạo tác sinh cái biết. Như thấy người đi là nhớ khi đi, nghe người nói là nhớ khi nói. Như vậy v.v… trong quá khứ không tạo tác, cho nên không đúng.

Hỏi: Nay đối với quá khứ là nhớ thứ gì?

Đáp: Nhớ pháp vô sở hữu. Ông nói sao không nhớ sừng thỏ v.v…. Nếu pháp sinh rồi mà diệt là có thể nhớ được. Nếu xưa nay không có, thì nhớ cái gì? Như pháp trước kia gọi chúng sinh, nay tuy đã là quá khứ nhưng cũng gọi chúng sinh. Như vậy trước kia, với pháp nầy sinh nhớ, cho nên nay ngay tâm này nhớ lại, không phải tâm khác.

Lại người nầy trước lấy tướng pháp đó, pháp đó nay tuy đã diệt mà có thể sinh pháp nhớ tưỏng phân biệt. Nếu pháp sinh ở tâm đó nơi người này, pháp nầy diệt mất sau ý thức sinh, có thể biết việc đó gọi là tướng duyên thức.

Lại tướng nầy có thể làm nhân duyên cho tướng duyên thức sau, chứ biết sừng thỏ v.v… không tướng làm nhân, cho nên không sinh.

Lại cũng nên có biết duyên sừng thỏ v.v…, nếu không làm sao có thể nói ra được.

Hỏi: Sừng thỏ v.v… tính không thể biết. Bởi vì sao? Vì hoàn toàn không sinh các ý nghĩ dài ngắn đen trắng v.v…, cho nên pháp quá khứ cũng như vậy. Bởi vì sao? Vì chúng ta không thể dùng pháp quá khứ khiến được hiện tiền, như Thánh nhân biết việc tương lai nói việc này sẽ như vậy, việc kia sẽ không như vậy?

Đáp: Trí lực Thánh nhân là vậy, pháp tuy chưa có mà có thể dự biết. Như Thánh nhân có thể phá vách đá ra vào không ngại. Điều này cũng vậy, không mà có thể biết.

Lại vì sức nhớ nên biết. Như nhãn thức không thể phân biệt nam nữ. Nếu nhãn thức không có thể, thì lẽ ra ý thức cũng không có thể, mà ý thức thật có thể. Điều này cũng vậy.

Lại như chúng ta với việc trước từng dùng đã diệt rồi mới sinh biết. Thánh nhân cũng vậy, với pháp không có mà có thể sinh biết.

Lại như nói Đề-bà-đạt-đa không có một thức có thể biết 4 chữ, mà cũng có thể biết. Điều này cũng vậy.

Lại như các số lượng sai khác hợp ly đây kia v.v…, trong đó tuy không hiện pháp cũng có thể sinh biết.

Lại như thân người không thể dùng một niệm mà biết khắp, cũng không thể dùng phân tách từng phần mà hiểu biết. Tuy phân tách từng phần không biết, một niệm không biết mà cũng sinh biết người. Điều này cũng vậy.

Ông nói không có nhân duyên thí dụ có thể biết tự thể. Trong đó có nói ý có thể tự biết, nói hành giả tùy tâm quán mà quá khứ vị lai không có tâm. Cho nên biết dùng tâm hiện tại duyên tâm hiện tại. Nếu không vậy thì hoàn toàn không có người có thể biết pháp hiện tại tâm tương ưng.

Hỏi: Trong kinh nói: Nếu có thể đem tuệ quán tất cả pháp vô ngã tức được chán lìa khổ, đạo này là thanh tịnh. Trí tuệ này trừ tự thể và pháp cọng sinh ngoài ra tất cả duyên pháp?

Đáp: Trí này chỉ duyên hữu lậu không phải vô lậu. Bởi vì sao? Vì trong kệ nói: Tức chán lìa khổ. Cho nên biết chỉ duyên khổ đế.

Lại vì phá ngã kiến, tu vô ngã trí. Ngã kiến duyên 5 thứ thụ ấm, phải biết vô ngã cũng là duyên thụ ấm. Năm thụ ấm này vô thường cho nên vô ngã. Như trong kinh nói: Nếu vô thường tức vô ngã. Nếu vô ngã tức là khổ.

Lại Phật bảo Tì-kheo: Dứt không phải pháp sở hữu của ông. Tì-kheo nói: Được rồi, thưa Thế Tôn! Phật hỏi: Ông được như thế nào? Bạch Thế Tôn! Sắc là phi ngã sở, thụ, tưởng, hành, thức, cũng đều phi ngã sở. Phật khen: Hay thay! Hay thay! Phải biết chỉ trong thụ ấm sinh tâm vô ngã.

Lại trong kinh nói: Các sở hữu sắc hoặc quá khứ vị lai, nội ngoại thô tế, gần xa lớn nhỏ, đều nên biết phi ngã phi ngã sở. Như vậy lấy chính tuệ mà quán như thật.

Lại nói: Quán sắc vô ngã, thụ, tưởng, hành, thức vô ngã. Quán sắc vô thường, hư vọng, như trò ảo hóa, gạt người không có mắt trí, là oán, là giặc, không ngã, không ngã sở.

Lại Phật nói: Ngồi ở đây, có người ngu si còn ở trong vỏ vô minh, bị vô minh làm mù quáng, lìa bỏ Phật pháp mà sinh tà kiến này. Nếu sắc vô ngã, thụ, tưởng, hành, thức đều vô ngã, thì làm sao vô ngã khởi nghiệp mà đem ngã ra chịu? Cho nên biết vô ngã chỉ duyên thụ ấm.

Lại trong kinh không chỗ nào nói trí vô ngã duyên tất cả pháp, mà chỗ chỗ đều nói duyên 5 thứ thụ ấm.

Hỏi: Phật tự nói: Tất cả pháp vô ngã. Cho nên biết hữu vi vô vi trí này đều duyên, chứ không phải chỉ duyên 5 thụ ấm.

Lại nói: Có 10 thứ không, duyên tất cả pháp. Không tức là vô ngã.

Lại nói: Các hành vô thường, khổ, tất cả pháp vô ngã. Nếu trí vô ngã chỉ duyên khổ đế, vì sao không nói các hành vô ngã? Vì nói tất cả pháp vô ngã nên phải biết rằng nếu nói hành là nói hữu vi; nếu nói pháp tức gồm chung tất cả.

Lại nói: Người nào đối với pháp một tướng và pháp khác tướng, trí tuệ hiện tại tiền như mắt sáng thấy sắc? Chỉ chư Phật Thế Tôn chính trí được giải thoát mới có thể đối với pháp một tướng và pháp khác tướng, trí tuệ hiện tại tiền như người sáng mắt thấy sắc. Vì tưởng vô ngã nên các pháp một tướng. Cho nên biết vô ngã duyên tất cả pháp không phải chỉ duyên khổ?

Đáp: Nói tất cả, là có 2 thứ: một là thâu nhiếp tất cả, hai là thâu nhiếp một phần. Thâu nhiếp tất cả là như Phật nói: Ta là người Nhất thiết trí. Nói tất cả, gọi là 12 nhập. Thâu nhiếp một phần là như nói tất cả là vậy, mà vô lậu vô vi không thể được vậy.

Lại trong Phẩm Như Lai nói Như Lai là người bỏ tất cả, là người hơn tất cả. Nói thế nhưng không thể bỏ pháp trì giới v.v…, mà chỉ bỏ pháp ác nên nói bỏ tất cả. Cũng như không thể hơn các Phật khác, mà chỉ hơn các chúng sinh nói hơn tất cả.

Lại nói: Tì-kheo như thế nào gọi là Nhất thiết trí?

Đáp: Nghĩa là như thật biết 6 thứ xúc nhập sinh diệt. Đó gọi là biết tướng chung tất cả pháp, không phải trí tướng riêng. Với Phật chung riêng đều biết hết, nên gọi là bậc Nhất thiết trí. Tì-kheo đó đã biết chung các pháp vô thường v.v… nên gọi Nhất thiết trí. Tên tuy đồng, mà kỳ thật có khác, đó gọi là thâu nhiếp một phần.

Lại Phật nói: Nếu pháp đã hội nhập vào Tu-đa-la, tùy thuận Tìni, không trái pháp tướng, thì pháp đó nên lãnh thụ.

Lại nói: Nếu ai nói đây là lời Phật nói, người đó lời đúng mà nghĩa sai. Người trí trong đó phải nói nghĩa đúng. Rồi bảo Tì-kheo nầy rằng lời đó nên tương xứng với nghĩa nào?

Lại có người nói nghĩa đúng mà lời sai. Là trong nghĩa đúng nầy nên để riêng lời nói đúng. Những kinh như vậy, Phật đều cho phép.

Lại có kinh liễu nghĩa và không liễu nghĩa. Nghĩa là rốt ráo và không rốt ráo. Kinh nầy thuộc nghĩa không rốt ráo. Vì sao đối với một việc mà nói tên tất cả? Phải biết ý đó.

Lại người đời trong một việc cũng nói tất cả, như nói vì cúng tất cả, cho ăn tất cả, cũng nói người nầy tất cả đều ăn. Cho nên biết tuy nói tất cả vô ngã nhưng phải biết chỉ vì 5 thụ ấm mà nói, chứ không phải vì tất cả pháp. Ông nói 10 thứ không, trong đó không được có Vô vi không. Bởi vì sao? Vì không ai trong vô vi mà sinh tưởng ngã. Cho nên dù có còn các không khác đi nữa cũng chẳng hại gì, vì ông cũng dùng khổ trí cùng tương ưng với không. Cho nên không, chẳng phải duyên tất cả pháp.

Hỏi: Thế gian không, duyên tất cả pháp, chẳng phải vô lậu không?

Đáp: Không có thế gian không. Tất cả không đều là vô lậu.

Hỏi: Trong Kinh Pháp Ấn nói không là thế gian không?

Đáp: Đó là xuất thế gian không, chứ chẳng phải thế gian không.

Lại hỏi: Trong đó nói tri kiến chưa tịnh, cho nên biết là thế gian không?

Đáp: Tôi trước đã nói tâm vô lậu có thể phá giả danh. Cho nên từ khi phá giả danh trở đi gọi là tâm vô lậu. Sau thấy diệt đế, lìa tăng thượng mạn, mới gọi là tri kiến tịnh. Cho nên không có thế gian không.

Ông nói tất cả hành vô thường, tất cả pháp vô ngã. Như vậy phải có hành giả đầy đủ tưởng vô ngã. Khi pháp tướng đầy đủ thì đối với vô ngã nói pháp danh tự. Như trong Phẩm kiến đế nói: Nếu ai không thấy khổ, đó tức là thấy ngã. Khổ như thật thấy khổ, tức không còn thấy ngã. Như thật, nghĩa là thấy vô ngã. Cho nên nói tất cả pháp vô ngã, chỉ duyên khổ đế nói vô ngã hành.

Ông nói Phật hiện tiền thấy tướng một, tướng khác. Đó cũng nên có, vì lấy giới, nhập, v.v… làm một, cho nên nói một tướng đâu có lỗi gì?