THÀNH THẬT LUẬN
Ha-lê-bạt-ma tạo luận
Cưu-ma-la-thập dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 14

Phẩm 176: TƯỞNG CHÁN ĂN

Tất cả khổ sinh đều bởi tham ăn. Cũng bởi ăn nên giúp phát sinh dâm dục. Ở trong cõi Dục có bao nhiêu thứ khổ đều bởi ăn uống dâm dục sinh ra. Dứt tham ăn nên phải tu tưởng nhàm chán.

Lại như chúng sinh ở thời kỳ kiếp sơ, từ trên trời đến hóa sinh nơi đây, thân có ánh sáng, bay đi tự tại. Bắt đầu ăn vị đất. Người nào ăn nhiều, liền mất oai lực của ánh sáng. Như vậy dần dần có già đau chết. Đến ngày nay sống chỉ trăm tuổi, nhiều các khổ não. Bởi đều tham ăn nên mất các lợi trên. Cho nên phải quán đúng đắn việc ăn uống.

Lại tham đắm ăn uống nên sinh dâm dục. Do dâm dục sinh các phiền não. Do các phiền não gây các nghiệp bất thiện. Do nghiệp bất thiện có thể tăng thêm 3 nẻo ác, mà giảm bớt chúng trời, người. Cho nên tất cả tổn hại khổ não đều bởi tham ăn.

Lại tướng già đau chết đều bởi ăn uống.

Lại ăn là chỗ rất tham đắm. Dâm dục tuy nặng nhưng không hay não người, như người vì ăn. Hoặc thiếu tráng, lão niên, tại gia hay xuất gia không ai không vì cái ăn mà bị não hại.

Lại nên ăn cái ăn nầy mà tâm không đắm, đối với người chưa lìa dục đó là điều rất khó, như bị dao cắt, như uống thuốc độc, như nuôi rắn độc. Cho nên Phật nói: Phải tu tập, lấy đó mà ăn, đừng để cái khổ tham ăn làm não hại. Có các ngoại đạo tu pháp nhịn ăn, cho nên Phật nói: Việc ăn nầy không phải nhịn mà lìa được, phải suy nghĩ mà ăn. Nếu chỉ nhịn ăn mà không hết phiền não, thì chết uổng vô ích. Cho nên Phật nói: Đối với việc ăn nầy nên sinh tưởng chán lìa, thì không các lỗi như trên.

Hỏi: Làm sao đối với việc ăn nên sinh tưởng chán lìa?

Đáp: Thể tính của ăn là bất tịnh. Cho dù ăn thức ăn thượng vị cũng đều là bất tịnh, cho nên phải sinh chán.

Lại như tất cả thức ăn uống thơm ngon tinh khiết, khi thành bất tịnh có thể lợi ích cho thân. Như dùng răng ngậm nhai ngấm nước miếng, trạng giống như đồ nôn mửa, nuốt xuống bao tử có thể lợi ích thân, cho nên biết bất tịnh.

Lại ăn uống nầy vì không biết nên ưa thích. Nếu người tuy ăn thức ăn ngon, nhưng nhổ ra rồi không thể ăn lại được. Phải biết vì không biết nên cho là ngon đó thôi.

Lại vì nhân duyên ăn uống mà chịu bao nhiêu khổ nhọc làm lụng vất vả, chứa để giữ gìn. Do nhân duyên nầy gây vô lượng tội lỗi.

Lại có bao nhiêu đồ bất tịnh đều do ăn uống mà ra. Nếu không ăn uống thì đâu có da thịt máu xương và phân nhơ v.v… các vật bất tịnh?

Lại có bao nhiêu ác đạo như những loại trùng ở trong nhà xí, đều bởi tham đắm hương vị nên mới sinh vào trong đó. Như trong Phẩm nghiệp đã nói: Chúng sinh chết vì khát thì sinh làm loại trùng sống trong nước, chết nơi ồn ào sinh vào loại chim, chết vì tham dâm dục thì sinh trong bào thai v.v….

Lại nếu lìa ăn nầy thì được vui lớn như sinh về cõi Sắc và trong Nê-hoàn.

Lại tùy vì ăn nên mới có khổ cày cấy đó. Như vậy quán việc ăn uống là khổ bất tịnh, cho nên cần tu tưởng nhàm chán.

Phẩm 177: TƯỞNG TẤT CẢ THẾ GIAN KHÔNG GÌ CÓ THỂ VUI

Hành giả thấy tất cả thế gian đều khổ nên tâm không chút vui.

Lại hành giả này tu định ly hỷ: như vô thường tưởng, khổ tưởng, vô ngã tưởng, thực yểm tưởng, tử tưởng v.v…, nên tâm không vui tất cả những gì của thế gian.

Lại người nầy thấy những gì mình yêu thích thì tăng thêm tham dục, thấy những gì mình ghét thì tăng thêm giận dữ, cho nên đều không vui.

Lại thấy người giàu sang thì có cái khổ bảo vệ, thấy những người nghèo cùng có cái khổ thiếu thốn v.v….

Lại thấy người ở chỗ tốt sẽ đọa chỗ xấu, thấy người ở chỗ xấu đang chịu các khổ.

Lại thấy người giàu sang hiện tại biết chắc sẽ đọa lạc, vì đó cũng là chỗ mà các tham sân phiền não tụ hội. Còn những người nghèo cùng hiện biết không có cơ hội có thể ra được. Cho nên không tham vui tất cả thế gian.

Lại ít có chúng sinh được sinh chỗ tốt, phần nhiều đọa ác đạo, như trong kinh nói: Ít sinh chỗ tốt, nhiều sinh chỗ xấu, thấy lỗi đó rồi, chỉ cầu Nê-hoàn.

Lại người nầy thấy lỗi tham v.v… các phiền não thường đeo bám chúng sinh như người thù oán rình giết người, được cơ hội là hạ thủ ngay. Sống trong giặc thù đó làm sao vui được?

Lại thấy do phiền não sinh nghiệp bất thiện, nghiệp quả bất thiện thường đuổi theo, quyết không thoát được. Như trong kinh nói:

Nếu ngươi tạo ác nghiệp nay tạo, đã tạo và sẽ tạo, thì cho dù bay lên hư không, quyết không thể giải thoát. Cho nên không vui.

Lại nữa, sinh v.v… 8 khổ còn theo người có phúc huống là người vô phúc? Như vậy làm sao vui với thế gian.

Lại như hòm rắn độc, 5 tên giặc rút dao, giặc phá tan làng xóm. Các khổ ở bờ bên nầy thường theo chúng sinh làm sao vui được?

Lại như bị trôi trong sông nước mặn của ái dục. Khổ 5 dục như mũi nhọn tẩm độc, vô minh đen tối, và trong hầm lửa, thường bám theo chúng sinh, thì làm sao vui được!

Lại hành giả biết vui yên ổn ít, mà khổ não nhiều. Bởi vì sao? Vì thấy các thế gian ngày tốt, hội vui, cây rừng hoa quả sum sê tươi tốt, đất nước yên vui không được bao lâu, hoan lạc ít, mà chịu khổ thì nhiều. Cho nên không vui được với tất cả thế gian.

Hỏi: Với tưởng nầy, tu tập được những lợi gì?

Đáp: Có thể đối với tất cả tướng thế gian tâm không tham đắm.

Lại nhờ tu tưởng này nên mau được giải thoát, không còn ở lâu trong sinh tử nữa.

Lại hành giả nầy được lợi ích trí tuệ, vì thường học tập tất cả hành tướng tội lỗi.

Lại tâm người này không sinh phiền não, nếu sinh cũng mau diệt, như một giọt nước rơi trên tấm sắt nóng. Hành giả do không vui thế gian, nên rất ưa thích tịch diệt. Nếu không chán thế gian thì không thể ưa vui tịch diệt. Cho nên phải tu tập tưởng tất cả thế gian là không có gì đáng vui.

Phẩm 178: TƯỞNG BẤT TỊNH

Hỏi: Tu tưởng bất tịnh như thế nào?

Đáp: Hành giả thấy hạt giống của thân là bất tịnh. Nghĩa là từ đường bất tịnh của cha mẹ sinh 2 giọt đỏ và trắng hòa hợp.

Lại thân này do vật bất tịnh mà thành. Đó là thức ăn vữa nát thành chất nhão lỏng.

Lại sinh ở chỗ bất tịnh là trong thai mẹ đầy nhẫy bất tịnh.

Lại phân nhơ v.v… các vật bất tịnh họp lại mà làm thân, 9 lỗ nơi thân thường chảy bất tịnh.

Lại chỗ đặt mình là chỗ không tốt không sạch.

Lại ăn uống áo mặc đắp trên thân người đều thành bất tịnh, bị người nhờm gớm.

Lại vật dùng cho thân nầy đều là bất tịnh, như nước tắm gội, hoặc bồn tắm v.v….

Lại từ thân sinh ra móng, tóc, mồ hôi, mũi dãi v.v… đều là bất tịnh.

Lại thấy thây chết thật là bất tịnh, thì thân ta đây khi chết đâu có khác gì? Phải biết xưa nay thường là bất tịnh. Khi sống chỉ vì ngã tâm che lấp, cho đó là tịnh, mà khi chạm thân người chết, cho đó là bất tịnh, mà tóc móng v.v… là các vật thường chết, nhiều loại trùng chết cũng thường ở trong thân. Cho nên biết thân nầy xưa nay bất tịnh.

Lại loài bất tịnh như rận rệp ruồi muỗi v.v… các loại trùng chết cũng thường chạm đến thân. Cho nên biết bất tịnh.

Lại thân nầy giống như nhà xí thường đầy bất tịnh, do đó nên trong nhà xí sinh hàng ngàn thứ trùng, thân này cũng như vậy.

Lại thân này như mồ mả. Bởi vì sao? Vì chỗ đặt thây chết nên gọi là mả. Thân nầy cũng có nhiều trùng chết đang nằm trong đó.

Lại thân nầy hay tạo ra bất tịnh, như chỗ sạch, hoa tươi, quần áo, chuỗi anh lạc v.v…, do thân nầy nên đều bị bất tịnh.

Lại các người Bà-la-môn không ăn ở những nhà đang có người chết và người sinh đẻ, vì cho là bất tịnh. Mà ở trong thân nầy có hàng ngàn vạn thứ trùng thường sinh đẻ thường chết, thì không nên theo nó mà thụ ăn uống. Cho nên biết là bất tịnh.

Lại chỗ bất tịnh trên đời là lao ngục. Thân nầy là lao ngục nhốt hàng ngàn loại trùng, nên gọi bất tịnh.

Lại thân nầy thường phải tắm gội, nếu nói là sạch cần gì tắm gội?

Lại dùng hoa đẹp hương thơm, chuỗi anh lạc trang sức cho thân nầy, phải biết thân nầy thể tính bất tịnh, nên mới nhờ tịnh vật bên ngoài để trang điểm.

Lại thân người rất là bất tịnh, như da, lông, móng, răng, gân, xương, thịt, nếu có cần dùng, thì thân người không một thứ nào có thể lấy, vì là bất tịnh.

Lại như hoa sen như Ưu-bát-la, Bát-đầu-ma v.v… từ chỗ bất tịnh sinh, nên gọi bất tịnh, thân nầy không như vậy, không bởi các vật khác khiến nó bất tịnh, mà chính là tính nó bất tịnh.

Lại nếu thân nầy là sạch, thì cần gì dùng áo quần che đắp? Như người lấy áo che đậy đống đại tiểu tiện để dối gạt người khác. Nữ nhân cũng như vậy, dùng đồ phục sức che đậy tấm thân để dối gạt nam tử, trái lại nam tử cũng làm như vậy. Phải biết là bất tịnh.

Lại khắp cả thân nầy thường chảy ra bất tịnh. Đó là 9 lỗ cửa ngõ của bất tịnh và các lỗ chân lông không một chút sạch. Nên biết bất tịnh.

Hỏi: Tu tưởng bất tịnh được những lợi gì?

Đáp: Bởi tưởng rằng nam nữ là sạch nên khởi tham dục, từ tham dục đó mở các cửa tội lỗi. Tu tưởng bất tịnh thì có thể chế phục tham dục. Bởi vì sao? Vì thân nầy đều là hôi thối bất tịnh, chỉ lớp da mỏng che khuất nên không biết được, tựa như lấy áo che đống bất tịnh. Ai ưa sạch sẽ thì hãy tránh xa!

Lại người hành giả nầy, nhờ tưởng xanh bầm v.v… mà phá hoại tất cả chấp thân. Vì phá chấp thân này nên không sinh tham dục.

Lại cũng chỉ hiện thấy các sắc xanh bầm.

Hỏi: Như thật chưa xanh, vì sao thấy xanh?

Đáp: Hành giả nhờ sức tín giải lấy tướng xanh nầy thấy tất cả sắc đều xanh bầm.

Hỏi: Quán như vậy chẳng phải là điên đảo sao?

Đáp: Trong thân nầy có phần xanh bầm. Như trong kinh nói trong nước có tính sạch.

Lại thường tu tập tướng xanh bầm nên có thể thắng các sắc khác, như ánh sáng viên ngọc xanh có thể làm át sắc trắng. Như vậy tập lâu tướng xanh bầm v.v… thì tưởng bất tịnh đầy đủ. Bất tịnh đầy đủ thì không khởi dâm dục. Không khởi dâm dục thì đóng bít các cửa tội lỗi, tùy thuận Nê-hoàn. Tu tưởng bất tịnh được lợi như vậy.

Phẩm 179: TƯỞNG VỀ SỰ CHẾT

Hành giả vì tưởng về sự chết thì đối với thọ mạng tâm không quyết định, cho nên phải tu tập.

Lại người nầy thường rất ưa thích pháp thiện, trừ dứt bất thiện. Bởi vì sao? Vì chúng sinh phần nhiều quên cái chết, nên mới khởi nghiệp bất thiện, nếu nghĩ nhớ cái chết thì có thể trừ dứt.

Lại thường nhớ đến cái chết, nên đối với cha mẹ, anh em, chị em, bà con, láng giềng, bè bạn v.v…, mỏng bớt sự tham ái.

Lại tu tập tưởng đến cái chết thì được tự lợi. Nghĩa là có thể nhất tâm tụ tập các pháp thiện, chúng sinh thế gian nhiều vui lợi tha mà bỏ tự lợi.

Lại người nầy có thể mau được giải thoát. Bởi vì sao? Vì người thường theo qua lại trong thế gian nên có chết chóc, người nầy chán sự chết chóc nên cầu giải thoát.

Hỏi: Nên tu tưởng về sự chết như thế nào?

Đáp: Như trước đã nói chung tất cả vô thường. Nay chỉ nói quán thân vô thường. Dứt ấm luôn nối nhau gọi là chết. Tưởng thân này vô thường hơn cả sự vật bên ngoài, giống như bình chén không có tướng bền chắc. Hành giả quán thân mong manh hơn các vật kia. Bởi vì sao? Vì bình chén kia, nếu gia tâm giữ gìn hoặc có thể còn lâu dài, còn thân nầy có lâu lắm cũng không hơn trăm năm. Vì không bền chắc cho nên phải nghĩ nhớ tưởng đến cái chết.

Lại thân nầy có nhiều pháp làm hại như là dao, gậy, mũi nhọn, giặc thù, hầm hố, ăn uống không tiêu hóa, các chứng bệnh lạnh, nóng, gió. Tóm tắt mà quan sát tất cả chúng sinh và vật phi chúng sinh, đều là pháp trái hại của thân. Cho nên phải tu tưởng về sự chết.

Lại hành giả thấy thân, trong mỗi niệm thường là tướng hư hoại không bảo đảm được một niệm, cho nên tu tưởng về sự chết.

Lại hành giả hiện thấy tuổi trẻ, tuổi già, có bệnh, không bệnh, không ai có thể đuổi cái chết đi được, mới tự nghĩ thân mình rồi cũng sẽ có ngày như vậy. Cho nên tu tưởng về sự chết.

Lại hành giả thấy có nghiệp báo bất định, không phải tất cả nghiệp đều chịu hết trong khoảng tuổi thọ trăm năm. Vì nghiệp bất định nên cái chết cũng đến không nhất định Cho nên phải nghĩ nhớ sự chết.

Lại trong vô thủy sinh tử có vô lượng nghiệp. Có những nghiệp có thể làm hại các nghiệp khác. Ta cũng có thể có nghiệp chết phi thời, thì làm sao tin chắc được mạng sống nầy ư?

Lại hành giả thấy cái chết nó có thế lực lớn, không thể dùng lời mềm mỏng dụ dỗ, hay dối gạt bằng của cải, hoặc theo đuổi tranh tụng mà thoát được, như núi đá lớn từ 4 phía áp đến không chỗ chốn tránh.

Hỏi: Nếu ai có thể khiến vua Diêm Vương hoan hỷ thì được thoát chết?

Đáp: Nói vậy là ngu si. Diêm Vương không có quyền tự do sinh sát, mà chỉ có thể khảo xét việc làm thiện hay ác mà thôi. Nếu thụ báo hết, lại bị nhân duyên hại thân thì chết. Cho nên hành giả thấy thân không chỗ nương nhờ và cầu cứu, ở trong con đường chết, cho nên nghĩ nhớ tưởng về sự chết.

Lại hành giả thường thấy thân nầy bị già bệnh làm khổ não, tính không bền chắc. Vì không có tính bền chắc, và niệm niệm sinh diệt nối nhau, vì nghiệp thức trói buộc, cho nên tu tưởng về sự chết.

Lại hành giả nầy thấy chết là định mệnh, thì bất định ắt thắng, vì bất định nên tu tưởng về sự chết.

Hỏi: Vì sao không nói tưởng về già bệnh v.v… mà chỉ nói tưởng về sự chết?

Đáp: Già bệnh cướp người không thể cướp hết được. Bệnh tật cướp mất sự khỏe mạnh. Già nua cướp tuổi thanh xuân, mà dòng họ láng giềng của cải và thân vẫn còn. Còn cái chết thì cướp đi hết.

Lại già bệnh v.v… là nhân duyên của chết, nên không cần nói riêng.

Lại trong kinh nói chết là một sự tối tăm to lớn, không có ánh sáng và không ai cứu giúp, cũng không bè bạn, không chỗ nương cậy, là chỗ rất đáng sợ. Cho nên phải nghĩ đến cái chết.

Lại chúng sinh vì nhân duyên chết nên khiếp sợ đời sau.

Lại trong 3 cõi tất cả đều có chết, mà già bệnh thì không như vậy.

Hỏi: Nếu không rời chúng sinh có tướng chết đó, chúng sinh tức là giả danh. Hành giả tu tập tưởng này làm gì?

Đáp: Không hoại tướng chúng sinh là khiếp sợ đối với sự chết. Nếu tu tưởng về sự chết thì không sinh kinh sợ, cho nên phải tu tập.

Lại tưởng vô thường gọi là con đường gần. Còn tưởng bất tịnh, tưởng chán ăn và tưởng về sự chết gọi là đướng xa. Người chưa đắc đạo dùng các tưởng nầy nên có thể chế phục được tâm.

Phẩm 180: BA TƯỞNG SAU

Tưởng dứt là như trong 4 chính cần có nói: Vì muốn dứt pháp ác bất thiện đã sinh nên siêng năng tinh tiến. Các pháp ác bất thiện nầy là nhân duyên khổ não của địa ngục v.v…, và cũng là gốc các điều khổ của các tiếng tăm xấu ác và tâm ăn năn v.v…. Cho nên phải dứt.

Hỏi: Phải dứt bằng cách nào?

Đáp: Được pháp không tạo tác, bấy giờ là dứt.

Lại nghĩ nhớ tà là nhân tham dục v.v… các phiền não. Dứt sự nghĩ nhớ tà vạy đó là pháp dứt.

Hỏi: Tu tưởng dứt nầy được những lợi ích gì?

Đáp: Người tu tưởng nầy thường không theo pháp ác, mà làm những việc đáng làm.

Lại đây là lìa 8 nạn, làm thân người lợi, gọi là dứt phiền não.

Lại ưa dứt phiền não là mặc pháp phục hủy bỏ hình hảo, lợi người xuất gia. Nếu ai không như vậy thì luống uổng tự hổ thân.

Lại nếu hành giả ưa tu tưởng dứt, thì dùng pháp cúng dường Phật.

Tưởng lìa dục, tưởng diệt, là nếu dục hết không sinh gọi là lìa dục. Nghĩ lìa dục nầy gọi là tưởng lìa.

Hỏi: Nếu nói tưởng dứt tức là tưởng lìa, sao còn nói lại?

Đáp: Do dứt được lìa. Dứt là diệt trừ tham dục. Như trong kinh nói: Vì dứt tham dục nên 5 ấm dứt.

Lại tưởng dứt là tưởng lìa dục. Bởi vì sao? Vì nếu với pháp nầy không tham gọi là dứt pháp đó. Cho nên nếu được lìa dục, thì khổ não diệt. Như trong kinh nói: Người lìa dục được giải thoát. Được giải thoát tức là dứt. Nếu vào được vô dư, đó gọi là diệt.

Lại trong kinh nói có 3 tính là tính dứt, tính lìa dục và tính diệt. Nếu nói tính dứt, tính lìa dục tức là A-la-hán, dứt tất cả phiền não, lìa dục 3 cõi, trụ Nê-hoàn hữu dư. Nếu nói tính diệt tức lâm chung xả thọ mạng dứt ấm nối nhau vào Nê-hoàn vô dư.

Lại có 2 thứ giải thoát là tuệ giải thoát và tâm giải thoát. Nếu nói dứt tức là lìa vô minh, nên tuệ được giải thoát. Nếu nói lìa dục tức là lìa tâm ái, được giải thoát. Quả của 2 giải thoát nầy gọi là diệt.

Lại nếu nói dứt tưởng tức là nói dứt lậu vô minh. Nếu nói lìa tưởng dục tức là nói dứt dục lậu hữu lậu. Nếu nói tưởng diệt tức là 2 quả nầy.

Lại như trong kinh nói: Dứt tất cả các hành nên gọi là dứt, lìa tất cả các hành nên gọi là lìa, diệt tất cả hành nên gọi là diệt. Vậy thì 3 pháp này nghĩa một mà tên khác nhau. Nếu tu tưởng vô thường cho đến tưởng diệt thì xong tất cả việc. Diệt các phiền não, dứt ấm kết nối nhau, vào Nê-hoàn vô dư.

Phẩm 181: NĂM ĐỊNH CỤ ĐẦU TRONG CÁC ĐỊNH CỤ

Hỏi: Ông trước nói đạo đế, gọi là định cụ và định. Đã nói định, nay cần phải nói định cụ. Bởi vì sao? Vì nếu có định cụ thì định mới thành, nếu không là không thành?

Đáp: Định cụ có tất cả 11 pháp: 1. Thanh tịnh trì giới. 2. Được thiện tri thức. 3. Giữ gìn căn môn. 4. Ăn uống có độ lượng. 5. Đầu đêm cuối đêm bớt ngủ nghỉ. 6. Đầy đủ thiện giác. 7. Đầy đủ tín giải. 8. Đủ phần hành giả. 9. Đủ chỗ giải thoát. 10. Không bị chướng ngại. 11. Không chấp trước.

1. Thanh tịnh trì giới: Lìa nghiệp bất thiện gọi là trì giới. Nghiệp bất thiện như là sát, đạo, tà dâm, là 3 thân nghiệp. Vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ là 4 khẩu nghiệp. Xa lìa tội nầy gọi là trì giới.

Lại lễ kính đưa rước, và cúng dường v.v…, tu hành các pháp thiện cũng gọi là giới. Vì giới có thể làm nhân cho định cho nên phải thụ trì. Bởi vì sao? Vì như gia công vàng, trước trừ chỗ thô bẩn. Như vậy trước lấy trì giới trừ lỗi lớn là phá giới, sau mới lấy định v.v… trừ các lỗi nhỏ. Bởi vì sao? Vì nếu không trì giới thì không có thiền định. Nhờ nhân duyên trì giới thiền định dễ thành. Như trong kinh nói: Giới là gốc đạo và cũng là bậc thang tốt.

Lại nói: Giới là cái xe đầu tiên, nếu không lên xe đầu làm sao lên được xe thứ hai v.v….

Lại nói: Giới là đất bằng; đứng nơi đất bằng này quan sát được 4 đế.

Lại nói: Hai sức là sức nghĩ và sức tu. Sức nghĩ tức là trì giới, sức tu là đạo. Trước suy nghĩ so lường tội lỗi phá giới, lợi ích trì giới nên mới có thể trì giới. Sau khi đắc đạo tự nhiên lìa ác.

Lại nói: Giới là rễ cây Bồ-đề, mà không rễ là không cây. Nên phải có tịnh giới.

Lại pháp là phải như vậy. Nếu không trì giới thì không thiền định, giống như liệu pháp trị bệnh, phải dùng như vậy trị bệnh phiền não, nếu không trì giới thì chỉ liệu pháp thôi không đủ.

Lại nói người trì tịnh giới thì tâm không ăn năn, cho đến lìa dục tâm được giải thoát, các công đức nầy đều do trì giới, nên gọi định cụ.

Lại có nghiệp chướng, phiền não chướng. Quả 2 thứ chướng nầy gọi là báo chướng. Nếu trì tịnh giới thì không có 3 chướng nầy. Nếu tâm không có chướng thì có thể thành định.

Lại người tịnh trì giới không bại hoại, ắt đến Nê-hoàn, như gỗ trôi trong dòng sông Hằng.

Lại tịnh trì giới nên có thể an lập. Trì giới có thể ngăn nghiệp bất thiện nơi thân miệng. Thiền định có thể ngăn nghiệp bất thiện nơi ý. Ngăn các phiền não như vậy, được trí thật chân trí thì rốt ráo dứt trừ.

Lại lâu đài của đạo phẩm lấy giới làm trụ cột. Thành trì của tâm thiền định lấy giới làm tường thành chung quanh. Qua biển sinh tử lấy giới làm cầu. Vào trong đám đông người thiện lấy giới làm dấu tin. Ruộng 8 Thánh đạo lấy giới làm bờ. Nếu ruộng không bờ không giữ nước. Cũng như vậy, nếu không tịnh giới nước định không giữ được.

Hỏi: Sao gọi là tịnh trì giới?

Đáp: Nếu hành giả thâm tâm không ưa làm ác, khiếp sợ đời sau và tiếng xấu, gọi là tịnh trì giới.

Lại hành giả đem tịnh tâm nên trì giới thanh tịnh. Như trong Kinh Thất Dâm Dục nói: Thân tuy không phạm, mà tâm không tịnh nên giới không tịnh.

Lại nhân duyên phá giới là các phiền não, nếu có thể chế phục là trì giới được tịnh.

Lại Thanh Văn trì giới chỉ vì Nê-hoàn; người cầu Phật đạo đem lòng đại bi vì tất cả chúng sinh không chấp giới tướng, có thể khiến giới đó, như tính Bồ-đề. Trì giới như vậy gọi là thanh tịnh.

2. Thiện tri thức: Trong kinh nói do 2 nhân duyên có thể sinh chính kiến là một theo người nghe pháp, hai tự nghĩ nhớ đúng đắn pháp đã được nghe. Đó gọi là thiện tri thức.

Hỏi: Nếu vậy, sao chỉ nói thiện tri thức?

Đáp: Trong kinh nói: A-nan hỏi Phật: Con ngồi yên một nơi, suy nghĩ như vầy: Gặp được thiện tri thức là được nửa phần nhân duyên đắc đạo? Phật bảo đừng nói như vậy. Thiện tri thức là nhân duyên đắc đạo đầy đủ. Bởi vì sao? Vì chúng sinh sinh lão bệnh tử được ta làm thiện tri thức, thì đều được giải thoát sinh lão bệnh tử.

Lại chúng sinh nhờ thiện tri thức, được tăng trưởng giới v.v… 5 pháp. Như cây Sa-la nhờ núi Tuyết-Sơn được 5 sự tăng trưởng.

Lại Phật hãy còn ưa thích thiện tri thức. Như khi mới đắc đạo nghĩ như vầy: Nếu người không có thầy thì không khiếp sợ, không có tâm cung kính, thường bị ác pháp che khuất, không có hạnh yên ổn. Ta phải lấy ai làm thầy, nương ai mà trụ? Khởi nghĩ như vậy rồi mới khắp xem tất cả không ai hơn mình được, liền sinh ý nghĩ rằng: Pháp ta đã chứng được, nhờ đó mà thành Phật, nay phải trở lại nương pháp đó. Các Phạm thiên cũng khen rằng: Vậy không ai bằng Phật. Tất cả Chư Phật đều lấy pháp làm thầy.

Lại thiện tri thức giống như đèn sáng; có mắt mà không đèn thì không thấy gì được. Như vậy hành giả tuy có lợi căn phúc đức nhân duyên mà không có thiện tri thức thì không được ích gì.

Hỏi: Người như thế nào là thiện tri thức?

Đáp: Tùy theo có thể làm cho người tăng trưởng pháp thiện gọi là thiện tri thức.

Lại tất cả những người thiện an trụ nơi chính pháp, đều là thiện tri thức của trời người thế gian.

3. Giữ gìn căn môn: Là nghĩ nhớ chân chính. Hành giả không nên nhắm mắt không thấy, chỉ nên nhất tâm chính niệm hiện tiền.

Lại gọi là chính tuệ, lấy chính tuệ nầy có thể phá cảnh duyên hiện tiền. Có thể phá cảnh duyên hiện tiền nên có thể không chấp lấy tướng. Không chấp lấy tưởng nên không chạy theo giả danh. Nếu không giữ các căn, để chấp lấy tướng thì các phiền não sinh, lưu xuất ra 5 cửa tức thì phá giới các pháp thiện. Nếu có thể giữ gìn căn môn thì các giới được bền chắc.

4. Ăn uống có độ lượng: Không vì sức mạnh, dâm dục, tham vị mà ăn, ăn chỉ để nuôi thân.

Hỏi: Hành giả nuôi thân để làm gì?

Đáp: Để tu pháp thiện. Nếu bỏ pháp thiện thì không đạo pháp. Không đạo pháp thì làm sao lìa khổ được! Nếu người không vì tu hành mà ăn, là luống uổng nuôi kẻ giặc thù, và cũng phá hoại phúc của thí chủ, tổn hại người cúng dường. Như vậy không nên ăn thức ăn của người.

Hỏi: Lấy gì mà lường sự ăn uống?

Đáp: Tùy lượng đủ có thể giúp nuôi thân, đó gọi là lường.

Hỏi: Nên ăn những thứ gì?

Đáp: Nếu thức ăn không tăng thân bệnh như lạnh nóng v.v…, tâm bệnh tham giận v.v…, là nên ăn. Những thức ăn nầy cũng phải tùy thời, như biết thức ăn đó đối với lúc nầy có thể tăng thêm các bệnh lạnh nóng tham giận v.v… thì không nên ăn.

Hỏi: Các ngoại đạo nói: Nếu ăn thứ thanh tịnh thì có thể được phúc thanh tịnh, nghĩa là tùy ý thèm muốn sắc, hương, vị, xúc, nhưng nước phải lọc lượt chú nguyện rồi sau mới ăn dùng. Đó gọi là tịnh. Việc đó thế nào?

Đáp: Đồ ăn uống không có quyết định là tịnh. Bởi vì sao? Vì nếu cho rằng đồ ăn thừa là bất tịnh, thì tất cả đồ ăn uống không thứ nào không phải là thừa. Như sữa là vật thừa của bò con, mật là đồ thừa của ong, nước là thừa của trùng, hoa là thừa của ong, và trái cây là thừa của chim chóc. Cứ như vậy v.v….

Lại thân nầy từ bất tịnh sinh ra, thể tính bất tịnh, bất tịnh đầy nhẫy. Đồ ăn uống trước là bất tịnh, sau vào trong thân không một chút tịnh. Chỉ vì điên đảo mê lầm vọng tưởng đó là tịnh mà thôi.

Hỏi: Nếu đều là bất tịnh, thì cùng hạng người hèn hạ, Chiên-đàla đâu có khác chi?

Đáp: Lại nhờ không sát hại sinh mạng, không trộm cắp, không nuôi sống bất chính v.v…, đúng như pháp mà có cái ăn. Đem trí tuệ quán tưởng các lỗi do ăn uống, gạn lọc bằng nước trí tuệ xong rồi sau mới ăn. Không phải chỉ có lọc nước mà cho là tịnh.

5. Đầu đêm cuối đêm bớt ngủ nghỉ: Hành giả biết sự nghiệp do tinh tiến siêng năng mà thành đạt nên không ngủ nghỉ.

Lại thấy ngủ nghỉ luống qua không được gì. Nếu ông cho ngủ nghỉ là vui, chút vui hèn đó không đáng nói.

Lại hành giả không ưa chung cùng với phiền não, như người không ưa ở chung với kẻ oán thù. Lẽ đâu có người đang ở trong trận giặc mà ngủ ngon? Cho nên không ngủ nghỉ.

Hỏi: Cơn buồn ngủ đến làm sao xua đuổi?

Đáp: Người nầy được mùi vị Phật pháp, tâm rất vui mừng, nên có thể xua đuổi được.

Lại nghĩ tội lỗi già bệnh chết trong sinh tử thì tâm khiếp sợ nên không ngủ nghỉ.

Lại hành giả nhận thấy được làm thân người, các căn đầy đủ, lại may được gặp Phật pháp, có thể phân biệt tốt xấu, phải quấy là việc rất khó, mà nay không cầu độ còn đợi khi nào mới được giải thoát?

Cho nên phải siêng năng tinh tiến để diệt trừ ngủ nghỉ.

Phẩm 182: BẤT THIỆN GIÁC

6. Đầy đủ thiện giác: Nếu người tuy không ngủ nghỉ mà khởi các bất thiện giác, như dục giác, sân giác, não giác, hoặc thân lý giác, quốc độ giác, bất tử giác, lợi tha giác, khinh tha giác v.v…. thì thà nên ngủ nghỉ, để đừng khởi những thứ bất thiện giác nầy.

Cần phải nghĩ nhớ cần, chính, xuất, các thiện giác, như xuất giác, không sân não giác, 8 bậc Đại nhân giác.

Dục giác là nương lòng tham dục mà sinh tri giác, trong 5 dục thấy có lợi lạc, gọi là dục giác.

Làm suy hại chúng sinh, gọi là sân giác, não giác. Hành giả không nên nhớ nghĩ 3 thứ giác nầy. Bởi vì sao? Vì nghĩ đến 3 giác này thì bị tội nặng.

Lại như trước đã nói tội lỗi tham v.v…. Bởi tội lỗi nầy không nên nghĩ nhớ.

Hỏi: Sao không nói si giác?

Đáp: Ba ác giác nầy sinh theo thứ lớp, còn các phiền não khác không phải như vậy. Hành giả nếu nghĩ đến 5 dục nên sinh tham giác, tham mà không được mới sinh giận dữ; thành giận dữ gọi là não. Cho nên không nói si.

Lại kết quả của si là tham giận. Nếu từ tham giận sinh nghiệp bất thiện. Ba giác nầy là nghiệp nhân bất thiện. Như trong kinh nói: Ví như cục đất, đêm thì khói ra, ngày thì lửa đốt. Khói tức là giác, lửa gọi là nghiệp.

Thân lý giác: Bởi bà con, xóm làng nên khởi nghĩ nhớ muốn làm cho bà con, xóm làng được yên ổn vui vẻ. Nếu nghĩ đến suy hại thì sinh buồn rầu. Nếu nghĩ muốn cùng cộng tác với bà con xóm làng làm việc nọ việc kia gọi là thân lý giác. Hành giả không nên nghĩ nhớ thứ giác nầy. Bởi vì sao? Vì bản nguyện khi xuất gia đã xả bỏ bà con xóm làng, mà nay lại khởi giác nầy là điều không nên.

Lại nếu người xuất gia lại nghĩ đến bà con xóm làng thì luống bỏ gia thuộc, uổng công không thành gì. Vì yêu bà con xóm làng nên sinh tham đắm. Vì tham đắm mới giữ gìn. Vì nhân duyên giữ gìn mà các nghiệp bạo lực thứ tự sinh khởi. Cho nên không nên sinh thân lý giác.

Lại cùng bà con xóm làng hòa hợp thì không thể tăng trưởng pháp thiện.

Lại hành giả nghĩ tất cả chúng sinh trôi lăn trong sinh tử, không một ai là không phải bà con xóm làng thì vì sao chấp đắm thiên lệch.

Lại trong sinh tử vì bà con xóm làng nên buồn thương khóc lóc nước mắt chảy thành biển cả, mà nay lại tham đắm nữa thì khổ không bao giờ hết.

Lại chúng sinh vì nhân duyên lợi ích nên thân ái nhau không có nhất định.

Lại người hay nghĩ bà con là tướng ngu si. Người ngu ở thế gian không có ai chưa lợi mình mà muốn lợi người. Nếu nghĩ bà con xóm làng thì ít tự lợi. Vì những lẽ trên đây nên hành giả không nên khởi thân lý giác.

Quốc độ giác: Hành giả sinh ý nghĩ có cõi nước nào đó giàu vui yên ổn nên đến đó có thể được an vui.

Lại tâm nông nổi muốn dạo xem khắp. Hành giả không nên khởi ý giác như vậy. Bởi vì sao? Vì tất cả cõi nước đều có lỗi xấu, có nước rất lạnh, có nước rất nóng, có nước nhiều nguy hiểm, có nước nhiều bệnh tật, có nước nhiều giặc trộm. Có nhiều lỗi khác nhau như vậy, nên không nên nghĩ tới.

Lại người nông nổi thì mất thiền định. Tùy theo chỗ ưa vui có thể được tăng thêm pháp thiện thì đó là tốt, chứ cần gì phải xem khắp các cõi nước? Tất cả các cõi nước chỉ nghe từ xa, đến đó chưa chắc vừa lòng, vì người đời phần nhiều nói quá sự thật.

Lại những người đi qua các nước chịu nhiều sự khổ.

Lại thân là nhân khổ, mà mang nhân khổ nầy theo thì đi đến đâu cũng đều chịu khổ.

Lại hưởng chịu khổ vui do nghiệp nhân thì dù đi xa đến đâu cũng không ích gì. Cho nên không nên khởi quốc độ giác.

Bất tử giác: Là hành giả khởi nghĩ như vầy: Ta nên từ từ sẽ tu đạo. Trước hết phải đọc tụng Tu-đa-la, Tì-ni, A-tì-đàm, tạp tạng, Bồ-tát tạng, rộng họp các sách ngoại điển, nuôi nhiều đệ tử, dắt dẫn người thiện, cúng dường 4 tháp, khuyến hóa chúng sinh khiến tu đại bố thí, sau phải tu đạo gọi là bất giác tử.

Hành giả không nên khởi nghĩ như vậy. Bởi vì sao? Vì giờ khắc chết không định được, không thể dự biết trước được. Nếu trong khi đang kinh doanh các việc, không may mạng tận thì đâu kịp tu đạo được. Đến khi sắp chết lòng dạ ăn năn buồn rầu rằng ta luống dưỡng thân nầy uổng không được gì hết, đồng chết như loài súc sinh nào khác. Như trong kinh nói: Phàm phu nên dùng 20 pháp để chiết phục tự tâm nghĩa là như vầy: Ta chỉ có hình hài và y phục khác người thế tục mà không được một sở đắc gì hết. Cho đến sẽ như thế này cho đến chết thôi.

Lại người trí không làm những việc không nên làm. Như trong Kinh Pháp Cú nói:

Không nên làm, không làm,

Nên làm thì thường làm.

Nghĩ nhớ tâm an tuệ,

Thì được hết các lậu.

Lại trong kinh nói:

Người chưa được 4 đế,

Phương tiện vì muốn được,

Phải siêng năng tinh tiến,

Hơn cứu lửa cháy đầu.

Cho nên không nên khởi bất tử giác.

Lại bất tử giác là tập khí ngu si, có đâu người trí biết mạng sống vô thường, như hạt sương trên cành, dễ gì có thể bảo tồn một khắc!

Lại trong kinh nói: Phật hỏi các Tì-kheo: Các ông tu tập tưởng chết như thế nào? Có vị thưa Phật rằng: Con không bảo đảm được 7 năm. Có vị thưa 6 năm. Cứ như vậy giảm bớt cho đến còn trong giây lát. Phật nói: Các ông đều là những người phóng dật mà tu tưởng về sự chết. Khi đó có một Tì-kheo trịch vai áo bên hữu thưa Phật rằng: Con thì cho rằng hơi thở ra không chắc đã hít vào, hơi hít vào không chắc sẽ thở ra. Phật khen: Hay thay! Hay thay! Ông mới là chân thật tu tưởng về sự chết. Cho nên không nên khởi bất tử giác.

Lợi tha giác: Là đối với người không phải trong bà con xóm làng muốn làm cho họ được lợi ích. Nếu khởi ý nghĩ như vầy: Có thể tu bố thí làm cho ai đó giàu sang an vui, còn ai đó thì không.

Hành giả không nên khởi giác như vậy. Bởi vì sao? Vì không bởi ý nghĩ mà có thể làm cho ai được khổ vui. Chỉ có tự mình vì ý nghĩ đó làm hoại loạn định tâm mà thôi.

Hỏi: Muốn khiến người được lợi không phải tâm từ hay sao?

Đáp: Hành giả cầu đạo nên nghĩ đến lợi đệ nhất nghĩa là vô thường v.v…. Trong đó tuy có ít được phúc nhưng vì có thể hại đạo, lợi ít hại nhiều, vì loạn định tâm. Nếu đem tản tâm nghĩ lợi người khác thì không thể thấy tội lỗi tham đắm, cho nên không nên nghĩ.

Khinh tha giác: Là hành giả, hoặc nghĩ người này chủng tính, hình sắc, giàu sang, tài năng, trì giới, lợi căn, thiền định, trí tuệ v.v… đều không bằng ta.

Hành giả không nên khởi giác như vậy. Bởi vì sao? Vì tất cả muôn vật đều vô thường, nếu thượng trung hạ đâu có sai khác?

Lại tóc lông móng răng của người này đều gọi là bất tịnh như nhau không khác.

Lại già bệnh chết v.v… và suy não cũng vẫn đồng nhau.

Lại tất cả chúng sinh trong ngoài khổ não đều đồng nhau không khác.

Lại phàm phu mà giàu sang là nhân duyên gây tội lỗi.

Lại giàu sang không bao lâu rồi cũng nghèo cùng lại. Cho nên không khởi giác khinh dể người khác.

Lại kiêu mạn là một phần của vô minh, người trí làm sao khởi giác đó.

Phẩm 183: THIỆN GIÁC

Xuất giác: Là tâm ưa xa lìa, như lìa 5 dục và 2 cõi Sắc, Vô sắc. Ưa vui xa lìa này nên gọi xuất giác. Vì ưa vui xa lìa nầy là không các khổ mà tùy theo tham đắm mới có khổ, không tham đắm thì vui. Trong các giác, 2 thứ giác vui là vô sân giác và vô não giác. Bởi vì sao? Vì 2 giác nầy gọi là an ổn giác. Như trong Phẩm Như Lai nói:

Như Lai thường có 2 thứ giác hiện tiền là an ổn giác và viễn ly giác. An ổn giác tức thứ giác không sân não. Viễn ly giác tức là xuất giác.

Lại nghĩ 3 giác nầy thì phúc tăng trưởng, cũng có thể thành định tâm, và tâm được thanh tịnh.

Lại nghĩ 3 giác nầy có thể ngăn các trói buộc, vì dứt các trói buộc nên mau chứng được dứt diệt.

Lại hành giả vì ưa xa lìa, nhóm họp được nhiều pháp thiện, nên mau được giải thoát.

Tám bậc đại nhân giác: Là trong Phật pháp, nếu người thiểu dục mới có thể được lợi ích, chứ không phải người đa dục, người tri túc, người xa lìa, người tinh tiến, người nghĩ nhớ chân chính, người định tâm, người trí tuệ, người không hý luận có thể được lợi ích, và người phi hý luận gọi là tám.

Thiểu dục mà gọi là hạnh, là vì muốn tu đạo nên phải muốn vật cần dùng, nhưng không nên cầu nhiều vật thừa không dùng, gọi là thiểu dục.

Tri túc là có người hoặc vì nhân duyên, hoặc vì trì giới, hoặc muốn người khiến người khác tâm được thanh tịnh, cho nên lấy ít mà tâm không cho là đủ. Nếu có người lấy ít tâm cho là đủ, đó gọi là tri túc. Có người tuy lấy ít vật mà tìm thứ tốt, đó là thiểu dục mà không phải là tri túc. Nếu lấy vừa được ít vật, gọi là tri túc.

Hỏi: Nếu lấy vật cần dùng gọi là thiểu dục, thì tất cả chúng sinh đều được gọi thiểu dục vì đều lấy vật cần dùng thôi?

Đáp: Hành giả không đem lòng tham đắm mà lấy, chỉ vì dùng mới lấy nên không lấy nhiều, không như người đời vì trang điểm, tiếng khen, thường lấy mà lấy nhiều.

Hỏi: Hành giả vì sao phải thiểu dục và tri túc?

Đáp: Trong việc giữ gìn thấy có tội lỗi.

Lại chứa để mà không dùng là tướng ngu si.

Lại người xuất gia không nên tích trữ như người thế gian. Vì các lỗi đó nên phải thiểu dục tri túc.

Lại hành giả, nếu không thiểu dục tri túc thì lòng tham tăng dần, rồi vì tài lợi mà tìm cầu những gì không đáng tìm cầu.

Lại tham tài lợi rốt cuộc không yên ổn, vì quá tham đắm.

Lại người xuất gia nầy ưa tu hạnh xa lìa, mà vì tham lợi nên quên mất điều nên tu.

Lại cũng không thể bỏ các phiền não. Bởi vì sao? Vì ngoại vật còn không bỏ được huống chi nội pháp.

Lại thấy lợi dưỡng là nhân suy não, như mưa đá hại lúa má. Cho nên thường tu tập thiểu dục tri túc.

Lại thấy nhận của tín thí khó đền, như mắc nợ không trả, về sau phải chịu khổ não.

Lại thấy lợi dưỡng là vật bỏ của Phật và người thiện. Như Phật nói: Ta không gần lợi dưỡng, lợi dưỡng đừng gần ta.

Lại hành giả này đầy đủ pháp thiện, nên bỏ lợi dưỡng. Như Phật nói: Chư thiên còn không thể được vui xuất, vui ly, vui tịch diệt và vui chân trí như ta đã được. Cho nên bỏ lợi dưỡng.

Lại như Xá-lợi-phất nói: Ta khéo tu vô tướng, lấy không Tammuội quán tất cả vạn vật bên ngoài, coi như đờm dãi.

Lại hành giả thấy không có người nào thụ dục mà chán đủ, như uống nước mặn không trừ hết khát được. Cho nên siêng cầu trí tuệ mới là đầy đủ.

Lại thấy người đa dục thường phát nguyện cầu, cầu nhiều mà được ít, nên thường bị khổ.

Lại thấy người cầu xin, bị người khinh tiện không chút kính trọng như người thiểu dục.

Lại người xuất gia mà đa cầu là việc rất không nên làm, mà người ta cho không lấy mới phải. Cho nên cần phải tu hạnh thiểu dục tri túc.

Viễn ly: Là đối với những người tại gia xuất gia tu thân xa lìa, với các phiền não tu tâm xa lìa. Đó gọi là viễn ly.

Hỏi: Hành giả vì sao phải xa lìa?

Đáp: Những người xuất gia tuy chưa đắc đạo lấy xa lìa làm vui. Ở trong các chỗ người thế gian, nơi nữ sắc, chỗ ồn ào quyết không thể an vui được.

Lại nếu xa lìa thì tâm dễ vắng lặng, như nước không khuấy, tự nhiên lắng trong. Cho nên tu xa lìa.

Lại pháp xa lìa nầy đã được Chư Phật nhiều như cát sông Hằng ngợi khen. Vì sao biết được? Là Phật thấy Tì-kheo ngồi thiền định gần nơi xóm làng thì lòng không vui, mà thấy Tì-kheo nằm ngủ ở chỗ trống vắng thì hoan hỷ. Bởi vì sao? Vì ngồi thiền gần xóm làng bị nhiều nhân duyên làm tán loạn định tâm, khiến cho điều nên được thì không được, pháp phải chứng thì không chứng. Còn nằm ngủ chỗ vắng tuy có chút biếng nhác, nhưng nếu thức dậy cầu vào định thì thâu nhiếp được tâm tán loạn. Nhiếp tâm là có thể được giải thoát.

Lại bởi chấp lấy tướng nên mới khởi tham v.v… các phiền não. Còn chỗ trống vắng không có sắc v.v… các tướng thì phiền não dễ dứt, như lửa không củi, thì tự nhiên tắt mất.

Lại trong kinh nói: Nếu Tì-kheo ưa ở chỗ đông người, ưa nói năng đủ chuyện, không lìa chỗ đông người còn không thể được ái duyên giải thoát, huống là có thể được bất hoại giải thoát. Người tu hạnh xa lìa thì chắc chắn chứng được cả hai.

Lại như đèn lìa gió thì có thể soi sáng. Hành giả cũng như vậy, nhờ tu hạnh xa lìa nên có thể mau được chân trí.

Tinh tiến: Là hành giả, nếu tu chính cần, dứt pháp bất thiện, tu nhóm thiện pháp. Trong đó siêng năng tu nên gọi là tinh tiến. Như vậy thì có thể được lợi Phật pháp. Bởi vì sao? Vì nhóm họp pháp thiện ngày ngày tăng trưởng như các loài hoa sen Ưu-bát-la, Bátđầu-ma v.v… tùy theo nước mà tăng trưởng dần lên. Còn người hành giả biếng nhác như khúc chày gỗ từ khi được làm thành đến nay, ngày một mòn dần đến hết.

Lại người tinh tiến, vì được lợi ích nên tâm thường hoan hỷ, còn người biếng khác bị ác che tâm hằng ôm khổ não.

Lại người tinh tiến trong từng niệm pháp thiện tăng trưởng, thường xuyên không có tổn giảm.

Lại thâm tu tinh tiến được chỗ vượt trội hơn hết là đạo của chư Phật. Như trong kinh Phật bảo A-nan rằng thâm tu tinh tiến có thể đến Phật đạo.

Lại người tinh tiến dễ được định tâm.

Lại kẻ độn căn mà tinh tiến tuy còn ở trong sinh tử cũng mau được giải thoát; còn người lợi căn mà biếng nhác thì không thể được.

Lại có bao nhiêu lợi ích đời nay, đời sau, thế gian, xuất thế gian đều nhờ tinh tiến. Trái lại tất cả thế gian có bao nhiêu sự suy não đều do biếng nhác. Như vậy thấy lỗi biếng nhác, lợi ích tinh tiến, nên phải nghĩ nhớ tinh tiến.

Nghĩ nhớ chân chính: Là thường đối với thân, thụ, tâm và pháp, tu tập nghĩ nhớ chân chính.

Hỏi: Nghĩ nhớ 4 pháp nầy được những lợi ích gì?

Đáp: Pháp ác bất thiện không đến nhập vào tâm, như khéo giữ đề phòng thì kẻ ác không xâm nhập được.

Lại như bình đầy thì nước không vào nữa được. Như vậy người nầy pháp thiện đầy nhẫy nên không dung các điều ác.

Lại nếu tu nghĩ nhớ chân chính nầy thì gồm thâu tất cả pháp thiện nghiệp vào trong phần giải thoát như uống nước biển là uống đủ các nguồn, vì tất cả nguồn đều chảy vào biển cả.

Lại tu nghĩ nhớ chân chính nầy gọi là an trụ chỗ hành xứ tự tại, ma dân phiền não không thể phá hoại được, như ví dụ chim ưng chim cắt.

Lại người này tâm đã an trụ khó động như động, như chiếc bình tròn đã đặt trên cái đế.

Lại người nầy không bao lâu sẽ được lợi ích, như trong Kinh Tì-kheo-ni nói: Các Tì-kheo-ni hỏi A-nan rằng: Thưa Đại đức! Bọn chúng tôi khéo tu niệm xứ giác khác hơn trước? A-nan bảo: Khéo tu pháp đó là như vậy.

Định tâm: Là nếu tu tập định tâm được lợi ích vi diệu. Như trong kinh nói: Người tu định tâm có thể biết như thật.

Lại vì người nầy thân có phép hơn người như là thân mình phun ra nước lửa, bay đi tự do v.v….

Lại người nầy được cái vui, cho đến chư thiên và Phạm Vương v.v… không thể nào bằng được.

Lại người nầy là người làm việc đáng làm, không làm điều gì không nên làm.

Lại khéo tu tập định, pháp thiện thường tăng.

Lại người tu tập định, về sau tâm không ăn năn, người nầy gọi là được quả xuất gia. Cũng gọi là người thuận theo Phật dạy, chứ không như những người luống lãnh của tín thí cúng dường. Người nầy có thể trả ơn cho người thí phúc, mà người khác không thể trả được.

Lại pháp định tâm nầy được chư Phật và Hiền thánh đều gần gũi.

Lại có thể kham thụ tất cả pháp thiện.

Lại nếu định tâm được thành tựu thì chứng Thánh đạo, mà không thành thì sinh về Tịnh thiên là 2 cõi Sắc và Vô sắc. Bởi vì sao? Vì như bố thí v.v… không thể được việc như vậy. Nghĩa là có thể rốt ráo không tạo ác. Như trong kinh nói: Nếu đứa trẻ con từ lúc còn nhỏ bé, tu tập lòng từ, có thể khởi tâm ác nghĩ việc ác chăng? Thưa không, Thế Tôn! Đó đều là định lực.

Lại định tâm gọi là nhân chân trí tuệ. Nhân chân trí tuệ mới có thể diệt hết các hành nghiệp. Các hành hết nên các khổ não cũng diệt hết.

Lại hành giả đối với việc tất cả thế gian và xuất thế gian khởi nghĩ tức làm xong không nhọc gia công sức. Còn các người khác còn không thể phát tâm lường chỗ sở đắc của người kia cho nên nói định tâm có thể được lợi ích.

Trí tuệ: Là người trí trong tâm không sinh phiền não, nếu sinh liền diệt, như một giọt nước rơi trên tấm sắt nóng.

Lại tâm người trí không khởi các tướng, nếu khởi liền diệt, như sương trên cành, gặp ánh nắng liền khô.

Lại nếu có con mắt trí có thể xem Phật pháp, như người có mắt ban ngày dùng được.

Lại người trí gọi là được phần Phật pháp, như chính là con thì được hưởng phần của cải của cha mẹ.

Lại trí tuệ gọi là có mạng sống ngoài ra gọi là chết.

Lại người trí tuệ gọi là người chân đạo nhân, vì có thể biết đạo.

Lại người trí biết mùi vị Phật pháp, như thiệt căn không hư có thể phân biệt 5 vị.

Lại người trí tuệ ở trong Phật pháp tâm định không động, như núi đá gió không lay động được.

Lại người trí tuệ gọi là tín, vì tự được 4 pháp tin mà không theo người khác mới có được.

Lại được Thánh tuệ căn gọi là đệ tử Phật, ngoài ra là ngoại phàm phu. Cho nên nói người trí có thể được lợi ích.

Không hý luận: Là như lối nghị luận cho là một, hoặc cho là khác, gọi là hý luận. Như A-nan hỏi Xá-lợi-phất: Nếu 6 xúc nhập, lìa dục diệt hết rồi, nếu có còn thừa ư? Xá-lợi-phất nói: Nếu 6 xúc nhập lìa dục tận diệt rồi, nếu còn có thừa là không thể luận mà ông luận ư? Nếu không có cũng có, cũng không, không phải có, không phải không, hỏi đáp cũng như vậy.

Hỏi: Việc ấy vì sao không thể luận?

Đáp: Hỏi nầy là hỏi pháp thật ngã là một hay là khác, cho nên không đáp, vì ngã không quyết định. Chỉ trong 5 ấm giả lập danh tự mà nói đó thôi. Nếu lấy có, không mà đáp, tức là sa vào dứt, thường. Nếu đem pháp nhân duyên mà luận nói ngã thì không phải là hý luận.

Lại nếu người thấy chúng sinh trống không, pháp trống không, thì không hý luận. Cho nên nói người không hí luận mới được lợi ích của Phật pháp. Đó gọi là đầy đủ thiện giác.

Phẩm 184: NĂM ĐỊNH CỤ SAU

7. Đầy đủ tín giải tốt: Nghĩa là như người hành giả có thể ưa thích Nê-hoàn mà chán ghét sinh tử gọi là tín giải tốt. Tín giải như vậy chóng được giải thoát.

Lại người ưa thích Nê-hoàn tâm không đắm gì cả.

Lại ưa thích Nê-hoàn thì không khiếp sợ. Bởi vì sao? Vì nếu là phàm phu mà tâm nghĩ Nê-hoàn liền sinh kinh sợ cái ngã sẽ mất hẳn.

Hỏi: Do nhân duyên gì tín giải Nê-hoàn?

Đáp: Hành giả thấy thế gian vô thường, khổ, không, vô ngã thì đối với Nê-hoàn sinh tưởng tịch diệt.

Lại người nầy bản tính phiền não nhẹ yếu, nghe nói Nê-hoàn thì lòng tin vui ưa thích.

Lại nếu theo vị thầy giỏi, hoặc đọc kinh sách, nghe sinh tử tội lỗi, như Kinh Vô Thủy và các Kinh Ngũ Thiên Sứ v.v… nói, thì chán lìa sinh tử tin vui Nê-hoàn.

8. Đủ phần hành giả: Như trong kinh nói có 5 phần của hành giả là: 1. Có tin. 2. Tâm không dua dọc. 3. Ít bệnh. 4. Tinh tiến. 5. Trí tuệ.

Có tin là tâm đối với Tam Bảo và 4 đế không nghi hối. Không nghi hối nên mau được thành định.

Lại người có lòng tin nhiều vui vẻ nên chóng được thành định. Lại người có tin, tâm điều hòa dễ thu nhiếp nên chóng được định.

Hỏi: Nếu do định sinh tuệ, sau có thể dứt nghi. Nay vì sao trước định rồi nói không nghi?

Đáp: Vì nhờ đa văn nên có thể dứt nghi chứ không phải được định.

Lại sinh vào nhà rất có lòng tin, hoặc cùng làm việc với những người có lòng tin, nên thường tu lòng tin, tuy chưa được định, nhưng không sinh nghi v.v….

Không dua dọc: Là đem tâm chất trực, tâm không che giấu, thì dễ độ, như người nói thật và đầy đủ bệnh trạng với thầy thuốc thì dễ cứu chữa.

Ít bệnh: Ít bệnh thì có thể đầu đêm cuối đêm tinh tiến không dứt. Nếu người tật bệnh thì trở ngại sự hành đạo.

Tinh tiến: Là vì cầu đạo nên thường siêng năng tinh tiến, như dùi cây để lấy lửa mà không nghỉ tay thì chóng được lửa.

Trí tuệ: Nhờ có trí tuệ nên được quả 4 việc. Đó là Thánh đạo.

Hỏi: Các pháp niệm xứ … cũng là phần của hành giả. Vì sao chỉ nói 5 pháp nầy?

Đáp: Tuy đều là phần, mà pháp nầy vượt trội hơn, nên hành giả phải cần dùng, cho nên nói riêng. Cũng lìa tất cả ác, nhóm tất cả thiện, nên gọi phần của hành giả, như có nói trong Kinh Cù-ni-sa.

9. Đủ chỗ giải thoát: Là 5 giải thoát xứ: 1. Như Phật và Tì-kheo Tôn Thắng vì đó nói pháp, theo chỗ được nghe, riêng có thể tính thông đạt ngôn ngữ nghĩa lý. Nhờ thông đạt đó nên sinh tâm hoan hỷ. Hoan hỷ thì thân khoan khoái, khoan khoái thì thụ vui, thụ vui là tâm được thu nhiếp. Đó là chỗ giải thoát đầu tiên. Hành giả an trụ chỗ giải thoát nầy nên nhớ nghĩ mạnh mẽ thì tâm nhiếp định, các lậu được diệt hết, chắc chứng được Nê-hoàn. 2. Siêng đọc tụng kinh điển. 3. Vì người khác nói pháp. 4. Ở riêng một chỗ suy nghĩ các pháp. 5. Khéo giữ định tướng, là 9 tướng v.v… như trên đã nói.

Hỏi: Phật và Tì-kheo Tôn Thắng vì sao nói pháp cho hành giả nầy?

Đáp: Vì có khả năng thụ pháp có thể được lợi ích lớn, cho nên nói cho hành giả này.

Lại Tì-kheo nầy nhờ Phật xuất gia các căn thuần thục, nên vì nói pháp. Còn Tì-kheo Tôn Thắng vì chỗ đồng nghiệp nên nói cho nhau.

Lại người hành giả nầy cần phải nghe pháp, cho nên vì nói.

Lại người nầy có các công đức tịnh giới v.v… đã thành tựu, giống như cái đồ đựng đã làm xong có thể đựng đồ vật, cho nên vì nói pháp. Đó gọi là 3 tuệ. Thông đạt ngôn ngữ là đa văn tuệ, thông đạt nghĩa lý là tư duy tuệ. Do đạt 2 tuệ trên có thể sinh tâm hỷ, cho đến nhiếp tâm sinh như thật trí, đó gọi là tu tuệ. Ba tuệ nầy có 3 thứ quả là chán, lìa, và giải thoát.

Lại nữa, nghe pháp, đọc tụng, vì người nói pháp là đa văn tuệ. Suy nghĩ so lường các pháp là tư duy tuệ, khéo giữ lấy định tướng là tu tuệ.

Hỏi: Tâm giải thoát và hết lậu 2 pháp đó có gì sai khác?

Đáp: Dùng định ngăn phiền não nên nói tâm giải thoát, vĩnh viễn dứt hẳn phiền não mới nói hết lậu.

Hỏi: Như tu pháp trì giới v.v… cũng là chỗ giải thoát, như nói trì giới thì tâm không hối, tâm không hối thì hoan hỷ v.v…. Hoặc nhờ thí v.v… cũng được giải thoát. Vì sao chỉ nói 5 pháp nầy ư?

Đáp: Vì vượt trội nên được nói riêng.

Hỏi: Pháp nầy có gì vượt trội?

Đáp: Là nguyên nhân gần của giải thoát, giới v.v… vì là nguyên nhân xa nên không nói.

Hỏi: Sao biết được là nguyên nhân gần?

Đáp: Hành giả nghe pháp biết ấm, giới, nhập v.v… chỉ các pháp hòa hợp, trong đó không ngã, cho nên tức là đã phá giả danh. Phá giả danh tức là giải thoát, nên gọi đó là nguyên nhân gần.

Lại trong kinh nói: Công đức đa văn là không theo người khác cầu nghe pháp, tâm dễ thâu nhiếp v.v…. Cũng do đó nên biết là nguyên nhân gần.

Lại Phật pháp có công đức lớn có thể diệt phiền não, đến Nêhoàn v.v…. Trong pháp tịch diệt nầy, hoặc nghe hoặc tụng hoặc tự suy nghĩ thì chóng được giải thoát, cho nên gọi là nguyên nhân gần.

Lại thí được đại phú, trì giới được tôn quý, đa văn được trí. .Nhờ trí tuệ nên được diệt hết các lậu, chứ không nhờ phú quí cho nên biết là nguyên nhân gần.

Lại Xá-lợi-phất v.v… được tôn xưng là bậc đại trí, đều do đa văn.

Hỏi: Nếu nhờ đa văn tâm dễ nhiếp thì vì sao A-nan đầu hôm, giữa đêm, cuối đêm đều không được giải thoát?

Đáp: Đầu của A-nan chưa kê lên gối đã được giải thoát. Cho nên thường ở trong pháp hiếm có, vì sao không nhanh chóng?

Lại A-nan trong đêm đó có chút lỗi tinh tiến, vì quá mỏi mệt nên không được giải thoát.

Lại A-nan tự thề rằng: Trong đêm nay ta quyết được hết lậu. Cũng như Bồ-Tát tự thề trong đạo tràng. Thử hỏi ai có sức nầy? Người như A-nan đều là nhờ sức đa văn.

10. Không bị chướng ngại: Như nói 3 chướng là nghiệp chướng, báo chướng, và phiền não chướng. Nếu ai không có 3 chướng ngại nầy thì không đọa chỗ nạn. Nếu lìa được các nạn là kham thụ đạo pháp.

Lại người đó gọi là đầy đủ 4 luân là : cõi nước tốt đẹp, y chỉ người thiện, tự phát chính nguyện và phúc đức đời trước.

Lại có thể thành tựu 4 phần Tu-đà-hoàn là: gần gũi người thiện, ưa nghe chính pháp, tự nghĩ nhớ chân chính và có thể thực hành theo chính pháp.

Lại có thể lìa bỏ tham v.v… 3 pháp, như trong kinh nói: Không dứt 3 pháp thì không vượt qua được già, bệnh, chết.

11. Không chấp trước: Là không đắm trước bờ bên này, không đắm trước bờ bên kia, không chìm giữa dòng, không vọt lên đất bằng, không bị người bắt lấy, và phi nhân bắt lấy, không vào trong dòng nước xoáy, không tự mục nát. Bờ bên này là 6 nhập bên trong. Bờ bên kia là 6 nhập bên ngoài. Giữa dòng là tham, hỷ. Đất bằng là ngã mạn. Người bắt là hòa hợp với người tại gia xuất gia. Phi nhân bắt lấy là trì giới để sinh lên trời. Dòng xoáy là phá giới. Mục nát là phá trọng cấm. Nếu người đối với nội nhập chấp ngã, tức đối với ngoại nhập sinh tâm ngã sở. Từ nội ngoại nhập kia sinh tham hỷ, cho nên mới chìm đắm trong đó. Từ đó sinh ngã mạn. Tại vì sao. Nếu người đắm chấp thân thụ có vui, cho nên người đến khinh chê thì sinh kiêu mạn. Như vậy vì ngã, ngã sở, tham hỷ, ngã mạn làm loạn tâm, nên mới gây thành các việc khác.

Hỏi: Trong dụ này lấy gì làm nước, nếu lấy 8 Thánh đạo làm nước, thì không nên lấy nội ngoại 6 nhập làm bờ sông, tham, hỷ v.v… làm giữa dòng, cũng không nên có dòng xoáy, mục nát. Nếu lấy tham ái làm nước, thì làm sao theo đó được đến Nê-hoàn?

Đáp: Lấy 8 Thánh đạo làm nước. Thí dụ bất tất khiến cho giống hệt nhau hết. Như cây này nếu lìa 8 nạn quyết trôi đến biển cả. Tìkheo cũng vậy, lìa các dòng, nạn, thì theo nước 8 Thánh đạo trôi vào Nê-hoàn. Như nói sữa trắng như vỏ sò, chỉ lấy màu sắc của sò mà không lấy cứng mềm, cũng như nói mặt như mặt trăng, mà chỉ lấy cái đầy đặn mà không lấy hình dạng vậy.

Lại hành giả ra khỏi Thánh đạo rồi, lại đắm trước nội ngoại nhập, thì không bằng cây này ở giữa dòng nước, vướng mắc bờ bên này bờ bên kia và mục nát v.v….

Lại có luận sư nói: Như nước sông Hằng quyết chảy về biển lớn. Như vậy 8 Thánh đạo chắc đến Nê-hoàn. Cho nên mới lấy làm thí dụ.

Như trên đã lược nói đủ 11 định cụ. Nếu có pháp này tự nhiên được định.

Phẩm 185: HƠI THỞ RA VÀO

A-na-ba-na tức hơi thở, có 16 hạnh tất cả là: Nghĩ nhớ hơi thở ra vào hoặc dài hoặc ngắn. Nghĩ hơi thở khắp thân, trừ các thân hành, giác hỷ, giác lạc, giác tâm hành, trừ tâm hành. Nghĩ hơi thở ra vào, giác tâm, khiến tâm hỷ, khiến tâm nhiếp, khiến tâm giải thoát. Nghĩ hơi thở ra vào, tùy vô thường, quán tùy dứt, quán ly diệt. Nghĩ hơi thở ra vào hoặc dài hoặc ngắn.

Hỏi: Thở dài ngắn là thế nào?

Đáp: Như người trèo lên núi, hoặc gánh nặng bị mệt lả nên hơi thở ngắn. Hành giả cũng như vậy, còn ở trong thô tâm bấy giờ là ngắn. Thô tâm đó chỗ gọi là tâm vội vả tán loạn. Hơi thở dài là nếu hành giả ở trong trạng thái tế tâm thì hơi thở dài. Bởi vì sao? Vì tâm dịu nên nên hơi thở cũng tùy theo đó mà dịu dàng dần. Như ngay khi người đó quá mệt nên nghỉ để thở thì cũng tùy mà dịu, bấy giờ thì hơi thở dài.

Khắp thân, là hành giả vì tin và hiểu thân trống không nên thấy tất cả lỗ chân lông có gió ra vào.

Trừ thân hành, là hành giả được sức cảnh giới, tâm yên ổn nên hơi thở thô diệt, bấy giờ hành giả mới nhớ đủ chỗ trong thân.

Giác hỷ, là người đó từ định pháp nầy tâm sinh đại hoan hỷ, trước kia tuy có hoan hỷ nhưng không bằng, bấy giờ gọi là giác hỷ.

Giác lạc, là từ hỷ sinh lạc. Bởi vì sao? Vì nếu tâm được hoan hỷ thì thân điều hòa thỏa thích, thân điều điều hòa thỏa thích là được an vui khoan khoái. Như trong kinh nói: Tâm hoan hỷ nên thân khoan khoái, thân khoan khoái thì cảm thụ vui.

Giác tâm hành, là hành giả thấy tội lỗi của hỷ là vì có thể sinh tham. Tham là hành vi của tâm, do tâm khởi, cho nên trong thụ sinh tham, cho nên thấy thụ là hành vi của tâm.

Trừ tâm hành, là hành giả thấy lỗi do thụ sinh tham. Trừ diệt thì tâm yên ổn, cũng trừ diệt thô thụ nữa nên nói trừ tâm hành.

Giác tâm, là hành giả trừ mùi vị của cảm thụ nên thấy tâm tịch diệt không chìm không động. Tâm này có khi lặn chìm, bây giờ khiến hỷ. Nếu tâm lại nổi động thì bấy giờ khiến nhiếp giữ. Nếu lìa được 2 pháp nầy, bấy giờ nên xả, cho nên nói khiến tâm giải thoát. Hành giả như vậy tâm tịch định nên sinh vô thường hành. Nhờ vô thường hành dứt các phiền não, gọi là dứt hành. Dứt phiền não nên tâm chán lìa gọi là ly hành. Vì tâm lìa nên được được tất cả diệt, gọi là diệt hành. Như vậy thứ lớp được giải thoát, nên mới gọi là 16 hạnh nghĩ nhớ hơi thở ra vào.

Hỏi: Vì sao nghĩ nhớ thở ra vào gọi là Thánh hạnh, Thiên hạnh, Phạm hạnh, học hạnh, vô học hạnh ư?

Đáp: Gió vận hành trong hư không, tướng hư không có thể mau mở đường cho tướng hoại. Tướng hoại tức là trống không. Không tức là Thánh hạnh, cho nên gọi là Thánh hạnh. Vì muốn sinh về cõi tịnh thiên nên gọi là thiên hạnh. Vì muốn đến tịch diệt, nên gọi Phạm hạnh. Vì muốn học pháp nên gọi là học hạnh. Vì đến bậc vô học, nên gọi là vô học hạnh.

Hỏi: Nếu quán bất tịnh rất chán lìa thân, chóng được giải thoát, cần gì tu 16 pháp hạnh nầy ư?

Đáp: Tu bất tịnh quán chưa được lìa dục, tự chán ghét thân tâm thì sinh mê muội, như uống thuốc quá liều thì lại gây thêm bệnh. Như vậy bất tịnh ưa sinh chán ghét. Như các Tì-kheo tu quán bất tịnh bên bờ sông Bạt-cầu-mạt, nên rất sinh chán ghét, bởi đó mà gây ra các việc như uống thuốc độc, nhào đầu từ trên cao tự sát v.v…. Hạnh nầy không như vậy. Có thể được lìa dục mà không sinh chán ghét, nên gọi là thắng.

Lại hạnh nầy dễ được, duyên tự thân nên bất tịnh dễ mất.

Lại hạnh nầy vi tế, vì có thể tự hoại thân, bất tịnh hạnh thô kịch, khó hoại tướng xương.

Lại hạnh nầy có thể phá tất cả phiền não, bất tịnh chỉ phá dâm dục. Bởi vì sao? Vì tất cả phiền não đều do giác sinh, nghĩ nhớ hơi thở ra vào để dứt các giác.

Hỏi: Hơi thở ra vào là thuộc thân hay thuộc tâm?

Đáp: Cũng thuộc thân, cũng thuộc tâm. Bởi vì sao? Vì ở trong thai không có, nên biết do thân, nếu đệ tứ thiền v.v…, và những người vô tâm không có nên biết do tâm.

Hỏi: Thở không cố ý khởi, không nên do tâm. Bởi vì sao? Hơi thở này không do ý khởi như tâm nghĩ các việc khác. Hơi thở thường ra vào, như thức ăn vào bụng tự tiêu, như bóng tự di chuyển theo hình, không phải người làm?

Đáp: Thở không do cố ý khởi, không do nghĩ nhớ, chỉ do các duyên hòa hợp mà khởi. Nếu có tâm thì có, mà không tâm là không, cho nên biết do tâm.

Lại tùy theo tâm mà có sai khác. Thô tâm thì ngắn, tế tâm thì dài.

Lại thở ra vào còn do cõi do tâm. Nếu ở tại cõi thở ra vào, cũng có cõi tâm thở ra vào, bấy giờ thì có thở ra vào. Cõi như là cõi Dục và Tam thiền. Nếu ở tại cõi thở ra vào, mà không cõi tâm thở ra vào, và tại vô tâm, bây giờ thì không có. Nếu tại cõi không thở ra vào, bấy giờ cũng không có.

Hỏi: Khi khởi thở, thở ra trước hay thở vào trước?

Đáp: Khi sinh trước ra, khi chết sau vào. Ra vào đệ tứ thiền cũng như vậy.

Hỏi: Nghĩ nhớ thở ra vào này, sao gọi là đầy đủ?

Đáp: Hành giả nếu được 16 hạnh nầy, bấy giờ gọi là đầy đủ.

Có luận sư nói: Do 6 nhân duyên nên gọi đầy đủ. Đó là Sổ, Tùy, Chỉ, Quán, Chuyển, Duyên, Thanh tịnh.

Sổ, là đếm hơi thở ra vào từ 1 đến 10. Có 3 lối đếm: hoặc bằng, hoặc quá hơn, hoặc giảm bớt. Bằng là 10 thì đếm là 10. Quá hơn là 11 đếm cho là 10. Giảm bớt là đếm 9 cho là 10.

Tùy, là tâm hành giả theo dõi hơi thở ra vào.

Quán, là hành giả thấy hơi thở luồn trong thân như sợi chỉ luồn hạt châu.

Chỉ, là khiến tâm trụ theo hơi thở ra vào.

Chuyển, là chuyển thân.

Duyên, là tâm khiến thụ duyên tâm hiện tiền. Tâm pháp cũng như vậy.

Thanh tịnh, là hành giả lìa tất cả phiền não và các nạn, tâm được thanh tịnh. Đây không nhất định. Bởi vì sao? Vì trong các hạnh nầy không nhất thiết phải cần dùng 2 pháp Số, Tùy, hành giả chỉ khiến tâm trụ trong hơi thở để dứt các giác. Nếu có thể tu 16 pháp nầy gọi là đầy đủ.

Lại tướng đầy đủ nầy cũng không quyết định, vì chỗ sở hành của người độn căn đối với người lợi căn là không đầy đủ.

Hỏi: Thở ra vào nầy, vì sao trong kinh nói gọi là ăn?

Đáp: Nếu thở ra vào ngừng v.v…, thân được khoái lạc như được ăn thứ ngon, lợi ích hòa thích cho thân thể nên gọi là ăn.

Hỏi: Trong 16 hành nầy, đều phải nhớ thở ra vào luôn sao?

Đáp: Người nầy gọi là xé rách 5 ấm phương tiện. Nếu xé rách 5 ấm trừ giả danh rồi, đâu còn dùng nghĩ nhớ hơi thở ra vào làm chi nữa? Đó gọi là thân nhớ. Có 4 pháp nhớ thân nên gọi thân nhớ.

Hỏi: Nhớ là duyên về quá khứ, thở là hiện tại, mà sao gọi là nhớ?

Đáp: Đó là trí phá giả danh, vì nhớ nên mới nói. Các tâm số pháp thay nhau mà gọi tên như 10 tưởng v.v…, cũng nhớ chỗ sở hành trước sau, nên gọi là nhớ.

Hỏi: Trong thở dài ngắn v.v… không nói Thánh hành, vì sao vô hành lại gọi chỗ nhớ? Trong kinh nói: Nếu hành giả học thở ra vào, hoặc dài hoặc ngắn, hoặc khắp thân, hoặc trừ thân hành, bấy giờ gọi là chỗ nhớ thân?

Đáp: Đó là phương tiện đạo đầu tiên. Vì muốn tâm thanh tịnh nên về sau gọi là dứt đạo.

Lại trong đây có vô thường v.v… các hạnh. Chỉ kinh đó không nói, các kinh khác có nói. Hành giả ở trong thở ra vào quán thân sinh tướng, diệt tướng, và sinh diệt tướng.

Lại nói quán thân vô thường v.v…. Chỉ trong đệ tứ vô thường v.v… các hành đầy đủ cho nên nói.

Phẩm 186: ĐỊNH NẠN

Định nầy, nếu lìa chướng ngại các nạn có thể thành lợi ích lớn. Định nạn, là như thô hỷ. Như trong kinh nói: Ta sinh thô hỷ là pháp tâm nạn. Hành giả không nên sinh thô hỷ đó, vì sẽ có các lỗi tham đắm làm loạn định tâm.

Hỏi: Từ pháp sinh hỷ, làm sao không cho sinh được?

Đáp: Hành giả nghĩ nhớ trống không thì không sinh hỷ. Vì tưởng có chúng sinh nên mới sinh hỷ, chứ 5 ấm trống rỗng không có chúng sinh thì làm sao có hỷ?

Lại hành giả nên khởi nghĩ như vầy: Vì nhân duyên nên có các pháp sinh, nghĩa là ánh sáng v.v…, trong đó có gì đáng vui mừng ư?

Lại hành giả thấy pháp được hỷ đều liền bại hoại, thì thô hỷ diệt.

Lại hành giả lại còn cầu việc lớn, không dùng ánh sáng v.v… các pháp làm gì, cho nên không sinh hỷ.

Lại hành giả vì thấy tướng diệt là lợi, nên không cho ánh sáng v.v… các tướng là đáng vui mừng.

Lại hành giả nầy tu tập tịch diệt để muốn dứt hết phiền não, nên không sinh hỷ. Bởi các duyên nầy nên có thể diệt được thô hỷ.

Lại có định nạn khiếp sợ. Hành giả thấy duyên đáng sợ nên sinh sợ hãi. Thế gian có bao nhiêu điều đáng sợ hãi hành giả đều thấy hết. Đối với những việc đó đều phải nghĩ kỹ vô thường bại hoại, không nên tùy theo đó. Bởi vì sao? Vì trong pháp tọa thiền có thấy những nhân duyên nầy là việc có thể sợ, không nên vì đó mà sinh khiếp sợ, vì việc đó đều hư vọng trống không, như ảo thuật có thể gạt người phàm chứ không phải chân thật. Suy nghĩ như vây là lìa được sợ hãi. Lại nương không pháp thì không sợ hãi.

Lại khởi ý nghĩ như vầy: Do sức ta tu nên mới cảm hiện tướng lạ nầy, không nên khiếp sợ.

Lại tự nghĩ thân có các công đức trì giới đa văn đầy đủ, không nhân duyên nào có thể gia hại ta được, nên không khiếp sợ.

Lại hành giả nầy vì vui đạo sâu sắc, nên không tiếc thân mạng, nào còn sợ gì nữa?

Lại tâm người nầy thường ở trong chính niệm, cho nên việc khiếp sợ không thể chen vào được.

Lại nghĩ tướng dũng cảm nên không sợ hãi. Sợ hãi là tướng khiếp nhược. Dùng các pháp như vậy để diệt trừ sợ hãi.

Lại có định nạn không thích hợp, là hành giả có bệnh nóng lạnh v.v…, hoặc các nhân duyên mệt mỏi mất ngủ khiến thân thể không điều hòa thích hợp, hoặc có các phiền não tham buồn ganh ghét v.v… khiến tâm không điều hòa thích hợp, nên mất thiền định. Cho nên hành giả phải tự lo giữ gìn thân tâm cho được điều hòa thích hợp.

Lại có định nạn dị tướng, là như tướng nhơ bẩn, và cũng có tướng không không phải nhơ bẩn nhưng có thể làm loạn thiền định, như tướng bố thí v.v….

Lại có định nạn không bình đẳng, là như tinh tiến, hoặc mau hoặc chậm. Mau thì thân tâm mỏi mệt, chậm thì không lấy được định tướng, đều thoái lui mất định, như bắt chim, gấp thì mỏi mệt, hoãn thì bay mất.

Lại như chỉnh dây đàn, nếu căng hoặc chùng đều không thành tiếng.

Lại tinh tiến nếu mau thì khó rốt ráo. Như Phật bảo A-na-luật rằng: Ông tinh tiến quá sau ắt sẽ trễ nải. Bởi vì sao? Vì nếu quá tinh tiến thì việc không thành trở lại biếng nhác, mà tinh tiến nếu chậm việc cũng không xong. Cho nên không bình thường cũng gọi là định nạn.

Lại có định nạn vô niệm, là không nghĩ pháp thiện, dù có nghĩ pháp thiện lại không phải chỗ sở thụ.

Lại không nghĩ định tướng mà nghĩ ngoại sắc. Đó gọi là không nghĩ nhớ. Hành giả nên nhất tâm tinh tiến nghĩ nhớ pháp đã thụ như tay bưng bát dầu đầy.

Lại có định nạn điên đảo, là người nhiều tâm dục chịu tu pháp tâm từ, người nhiều giận dữ tu tập pháp bất tịnh. Hai hạng người trên quán 12 nhân duyên.

Lại trong tâm chìm mà tu chỉ, trong tâm động mà tu tinh tiến, trong 2 tâm này mà tu xả, đó gọi là điên đảo.

Lại có định nạn nhiều lời, nghĩa là nhiều giác quán. Giác quán là nhân của ngôn ngữ. Lại vì tâm không lạc trụ, bắt buộc ở tại cảnh duyên.

Lại có định nạn không lấy tướng. Có 3 thứ tướng là chỉ tướng, tiến tướng và xả tướng.

Lại có 3 tướng nữa là nhập định tướng, trụ tướng và khởi tướng. Hành giả không rành phân biệt các tướng như vậy, nên mất thiền định.

Lại có mạn định nạn, là như nói ta đây vào định được, mà người kia không vào được, gọi là kiêu mạn. Hoặc nói người kia có thể mà ta không thể, gọi là bất như mạn. Hoặc chưa được định mà tự bảo đã được, là tăng thượng mạn. Đối với định không vi diệu mà sinh tưởng cho là vi diệu, gọi là tà mạn.

Lại pháp tham v.v… cũng gọi định nạn. Như trong kinh nói: Nếu hành giả một pháp thành tựu thì không thể quán mắt vô thường. Đó gọi là tham.

Hỏi: Tất cả những người chưa lìa dục, đều không thể quán mắt vô thường sao?

Đáp: Lời đó có chút lỗi. Phải nói hiện tại khởi tham không thể quán mắt vô thường.

Lại trong thành tựu có sai khác. Có người tham v.v… dày nặng thường đến với tâm, thì hay chướng định, hoặc mỏng mà không thường xuyên, thì không thể làm chướng nạn.

Lại trong kinh nói 13 pháp ác đều gọi là định nạn, 13 bạch pháp đều là thuận định.

Như Phật nói: Nếu không dứt 3 pháp thì độ được già, bệnh, chết. Đó là tham, nhuế, si. Nếu không dứt 3 pháp đó thì không thể dứt tham, nhuế, si là thân kiến, giới thủ, nghi.

Lại có 3 pháp là tà niệm, tà hành, tâm chìm.

Lại có 3 pháp là nhớ quấy, bất an, tuệ loạn tâm.

Lại có 3 pháp là điệu hý, không giữ các căn, phá giới.

Lại có 3 pháp là bất tín, tà giới, biếng nhác.

Lại có 3 pháp là không ưa người thiện, ghét nghe chính pháp, ưa xoi bói lỗi người.

Lại có 3 pháp là không cung kính, khó trao đổi giải bày, tập theo ác tri thức. Nếu không dứt 3 pháp thì không dứt được sự không cung kính, khó trao đổi giải bày, ác tri thức, nghĩa là không hổ, không thẹn, phóng túng. Nếu dứt được sự không hổ, không thẹn, phóng túng thì dứt được sự không cung kính, khó trao đổi giải bày, quen tập theo ác tri thức, cho đến dứt được thân kiến, giới thủ, nghi, thì dứt được tham, nhuế, si độ thoát già, bệnh, chết.

Trong đây độ thoát già, bệnh chết là Niết-bàn vô dư. Dứt tham, nhuế, si là quả A-la-hán Nê-hoàn hữu dư. Dứt thân kiến, giới thủ, nghi, là 3 quả Sa-môn. Dứt tà niệm, tà hành, tâm chìm là ở trong noãn v.v… đạt phần thiện căn. Dứt nghĩ nhớ sai quấy, không an tuệ, loạn tâm là tu 4 ức niệm xứ. Dứt điệu hý không giữ các căn phá giới, là thụ giới xuất gia. Dứt sự không ưa người thiện, ghét nghe chính pháp, ưa xoi bói lỗi người, không tin tà giới, biếng nhác, không cung kinh, khó trao đối giải bày, quen tập theo ác tri thức, không hổ, không thẹn, phóng túng, là tại gia thanh tịnh.

Bởi vì sao? Vì nếu người ở một mình làm ác mà không biết xấu hổ, gọi là không hổ, người nầy về sau tâm ác tăng dần, ở giữa chúng mà làm ác cũng không chút liêm sỉ, gọi là không thẹn. Mất gốc pháp thiện của 2 bạch pháp nầy nên thường đuổi theo pháp ác gọi là phóng túng. Bởi thành tựu 3 ác pháp nầy nên không chịu vâng lãnh những lời giáo huấn của các bậc sư trưởng tôn quí, gọi là không cung kính. Chống trả lời thầy dạy, gọi là khó trao đối giải bày. Như vậy xa lìa sư trưởng, gần gũi người ác gọi là tập quen theo ác tri thức.

Trong đây, từ chỗ không hổ sinh không cung kính, từ không thẹn sinh khó trao đổi giải bày, từ phóng túng sinh quen tập theo ác tri thức. Cho nên sinh bất tín mà thụ pháp tà giới, thường biếng nhác, gần gũi người ác, được dạy cho điều bất tín, rằng làm ác không có báo. Hoặc nghe nói làm ác bị quả báo, liền thụ hành giới pháp gà, chó v.v…, mong chóng hết tội. Thụ hành giới pháp nầy không ngờ có chút lợi lại sinh biếng nhác, vì biếng nhác nên không ưa người thiện, cho rằng không phải người chân thật làm chính hạnh. Cũng ghét nghe chính pháp, cho rằng tu chính pháp đều như tà pháp không được lợi ích gì. Bởi tâm vẩn đục nên ưa xoi bói lỗi người, cho rằng pháp người kia làm cũng như mình đều không được gì cả. Như vậy không chế ngự được phiền não nên tâm hý điệu. Vì hý điệu nên không nhiếp hộ các căn thì có thể phá giới, vì phá giới nên sinh nghĩ nhớ sai quấy, mà hành không an tuệ tâm chí tán loạn liền sinh tà niệm. Sinh tà niệm nên liền tu tà đạo. Khi tu tà đạo không được lợi ích, nên tâm mê mờ. Tâm không sáng suốt, nên không dứt được 3 kết. Không dứt 3 kết, nên không dứt được tham v.v… các bệnh phiền não … các suy kém.

Trái với những thứ kể trên thì gọi là bạch pháp tức là pháp thanh tịnh.

Lại có định nạn lo rầu, là hành giả sinh ý nghĩ: Ta đã trải nhiều năm tháng mà không đắc định nên sinh lo rầu.

Lại tham đắm mùi vị hỷ lạc, đó cũng là định nạn.

Lại có định nạn không vui, nghĩa là tuy được chỗ tốt thầy giỏi v.v… duyên tâm cũng không vui.

Lại tham v.v…các thứ ngăn che, cũng đều gọi là định nạn.

Tóm lại, cho đến áo mặc, ăn uống v.v… các pháp làm tổn giảm thiện căn, tăng trưởng bất thiện đều gọi là định nạn, tức những khó khăn trong tu định, cần phải biết rõ, siêng cầu mong lìa bỏ.