THÀNH THẬT LUẬN
Ha-lê-bạt-ma tạo luận
Cưu-ma-la-thập dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 13

Phẩm 166: NHỊ THIỀN

Diệt các giác quán, nội tịnh nhất tâm, không giác không quán, định sinh hỷ lạc, vào đệ nhị thiền.

Hỏi: Nếu đệ nhị thiền nói diệt giác quán, thì phải biết sơ thiền chắc có giác quán, như trong nhị thiền có hỷ, và tam thiền nói diệt hỷ?

Đáp: Như trong sơ thiền không có khổ căn, cũng nói khổ căn, đệ nhị thiền diệt cái nầy cũng như vậy.

Hỏi: Trong sơ thiền tuy không khổ căn mà có các thức. Các thức là chỗ nương của khổ căn. Cho nên nói sơ thiền khổ căn không diệt?

Đáp: Trong sơ thiền tuy có các thức, nhưng không phải chỗ nương của khổ căn.

Hỏi: Tính 5 thức là chỗ nương của khổ căn, vì tính đồng cho nên nói sơ thiền có khổ?

Đáp: Nếu như vậy, ưu căn từ tính ý thức sinh, nên phải nói tất cả chỗ đều có?

Hỏi: Nay vì sao nói trong nhị thiền khổ căn diệt?

Đáp: Sơ thiền gần tâm bất định. Người tâm bất định hay sinh là các thức trói buộc ở cõi Dục, trong đó sinh khổ căn, cho nên không nói sơ thiền khổ diệt.

Hỏi: Nếu vậy sơ thiền cũng gần ưu căn. Ưu căn nầy cũng phải nói như đệ nhị, đệ tam thiền diệt?

Đáp: Nương dục ưu căn, do nương dục hỷ sinh, được tịnh thì hỷ, bất tịnh thì hỷ diệt. Cho nên trong sơ thiền không có ưu căn. Nương bất định sinh khổ căn. Sơ thiền gần tản tâm, nên không gọi là diệt.

Lại như tam thiền không khổ, mà cũng nói dứt khổ lạc mới vào tứ thiền. Điều này cũng vậy.

Lại hành giả trong sơ thiền, định chưa đầy đủ, thường bị giác quán làm loạn, cho nên nói nhị thiền diệt các giác quán.

Nội tịnh là nhị thiền nhiếp tâm sâu, nên tán loạn không vào được. Vì trong không loạn tâm gọi là nội tịnh. Thể của nhị thiền nhất tâm này không giác không quán, tức nhất tâm là tâm hành nhất đạo, cũng gọi là thiền, tức là nội tịnh. Được định sâu nầy nên giác quán không sinh, không phải như sơ thiền tâm số ở giác quán, cho nên nói không giác không quán.

Định sinh hỷ lạc là sơ thiền vì lìa nên được hỷ. Trong đây định thành tựu nên được hỷ, cho nên gọi là định sinh.

Hỏi: Hỷ trong sơ thiền và hỷ trong nhị thiền có gì khác nhau?

Đáp: Sơ thiền do diệt ưu nên hỷ. Nhị thiền diệt khổ nên hỷ. Lại hỷ trong sơ thiền trái với hỷ bất tịnh mà được, hỷ trong nhị thiền trái với hỷ tịnh mà được. Tuy đều bởi ái nhân duyên nên được hỷ, mà hỷ sơ thiền yếu ớt.

Hỏi: Nghĩa như vậy là hữu lậu hay vô lậu?

Đáp: Đều là hữu lậu, vì có ngã tâm là có hỷ.

Hỏi: Vô lậu không có hỷ, điều này không đúng. Trong 7 giác, Phật nói hỷ giác phần. Giác phần chỉ là vô lậu. Cho nên biết có hỷ vô lậu.

Lại trong kinh nói: Người có tâm hỷ, thân được khoan khoái. Thân khoái thì thụ lạc. Nếu không có hỷ vô lậu thì cũng không có khoái lạc vô lậu.

Lại Phật thấy chúng Tăng tu sâu pháp thiện thì sinh hoan hỷ. Cho nên biết có hỷ vô lậu?

Đáp: Ông lấy 7 giác chứng minh hỷ vô lậu. Điều này không đúng. Giác phần có 2 thứ: hữu lậu và vô lậu. Như trong kinh nói: Hành giả khi nghe pháp có thể dứt 5 thứ ngăn che. Tu 7 giác phần, giác gọi là trí vô học, nếu vì giác tu các pháp bất tịnh v.v… , đều gọi là giác phần thì ông nói cũng không nên có khoái vô lậu. Trước sinh hỷ, sau được vô lậu, nghĩa là như thật tri kiến.

Lại không phải tất cả khoái đều do hỷ sinh, như tam thiền trở lên không hỷ cũng không khoái.

Lại chúng tôi không nói lìa trí riêng có thụ pháp. Trí vô lậu nầy mới đến tại tâm, nói là vui, cho nên có vui vô lậu, chỉ không do hỷ sinh.

Lại trong kinh nói: Trừ bỏ thân tâm thô nặng gọi là khoái. Khi được vô lậu thân tâm điều hòa cho nên có khoái vô lậu. Lại Phật thường hành tâm xả, cho nên nói Phật có hỷ. Điều này cần nói rõ.

Lại nếu người không ngã và ngã sở thì không hỷ. Nếu A-la-hán có hỷ, thì cũng có ưu, mà thật không có ưu, nên biết không có hỷ.

Hỏi: Như sơ thiền nhị thiền có hỷ không ưu, La-hán cũng vậy, có hỷ không ưu, có lỗi gì không?

Đáp: Trong các thiền định có ưu, như trong căn nghĩa nói: Ưu hỷ cho đến cõi Hữu Đảnh, khổ vui tùy thân cho đến tứ thiền.

Lại trong Thú tam thiền nói: Ly hỷ hành xả. Cho nên biết không có hỷ vô lậu. Nếu có, thì sao nói lìa?

Lại tâm vô lậu không nên có hỷ. Vì hỷ đều dựa vào giả danh, tưởng phân biệt.

Hỏi: Nếu vậy thì sơ thiền nhị thiền không có thụ vô lậu? Trong kinh nói: Sơ thiền nhị thiền chỉ có hỷ, chưa có tâm lạc. Hỷ nầy cũng không do đâu mà có?

Đáp: Hỷ nầy và lìa hỷ nầy không nói là thiền vô lậu. Mà lại có kinh nói là thiền vô lậu. Như là hành giả do tướng nào, duyên nào, vào sơ thiền, không nghĩ tướng đó, duyên đó, chỉ quán trong sơ thiền có bao nhiêu sắc, thụ, tưởng, hành và thức, đều như bệnh hoạn như ung nhọt, cho đến vô ngã.

Hỏi: Như bệnh hoạn, như ung nhọt, như tên bắn đau nhức, 4 điều nầy là thế gian hành, không phải vô lậu. Cho nên ông đem kinh đó để chứng minh, không thể thành lập được vô lậu?

Đáp: Bốn hành nầy đều là tên khác của khổ, nên gọi vô lậu.

Hỏi: Học nhân cũng không có hỷ vô lậu sao?

Đáp: Nếu tâm tại đạo, thì bấy giờ không có hỷ, mà tại tục thì có. Bậc vô học thường không có.

Hỏi: Trong kinh nói nhờ tâm hỷ lạc có thể được 4 đế. Sao nói không có hỷ vô lậu?

Đáp: Tâm vô ngã tức là lạc. Hành giả được tâm vô ngã, phá hoại điên đảo, biết chân thật nên tâm được khoái lạc chứ không riêng có hỷ.

Lại kinh nầy nói rõ không dùng hỷ mà có thể được thật trí, nên mới nói như vậy.

Phẩm 167: TAM THIỀN

Lìa hỷ, tu xả, nhớ nghĩ, an tuệ, thụ thân lạc. Cái lạc nầy Thánh nhân cũng nói, cũng xả nghĩ nhớ, tu lạc vào đệ tam thiền.

Hỏi: Vì sao lìa hỷ?

Đáp: Hành giả thấy hỷ có thể trôi nổi lên lìa.

Lại hỷ này do tưởng phân biệt sinh. Tướng động chuyển của hỷ từ đầu đến giờ khổ thường đeo bám, cho nên lìa.

Lại hành giả được tịch diệt tam thiền nên xả nhị thiền.

Lại từ hỷ sinh lạc thì cạn, mà lìa hỷ sinh lạc thì sâu, như người đối với vợ con v.v… không thể thường hỷ. Vì hỷ từ tưởng phân biệt sin, còn lạc không từ tưởng phân biệt sinh nên có thể thường có. Hành giả cũng vậy, hỷ mới đến thì lấy làm vui, sau thì chán lìa.

Hỏi: Như người bị nóng bức, thì cho lạnh là vui. Hành giả vì khổ nào đó bức bách, nên lấy tam thiền làm vui?

Đáp: Trong nhị thiền, hỷ là tướng phát động, như gai góc, hành giả bị hỷ nầy bức bách, nên ở trong định không có hỷ sinh tâm vui.

Hỏi: Tùy có khổ nóng thì lấy lạnh làm vui, nếu được lìa nóng thì lạnh không vui. Hành giả, nếu đã lìa hỷ, vì sao trong tam thiền còn sinh tâm vui?

Đáp: Sinh vui có 2 thứ: Hoặc bởi còn khổ, như có khổ nóng thì lấy lạnh làm vui, hoặc bởi lìa khổ, như lìa người oán ghét. Như Phật lìa Tìkheo Câu-xá-di nói: Ta an vui. Điều này cũng vậy, được lìa động tướng nên trong tam thiền sinh vui, như lìa 5 dục nên lấy sơ thiền làm vui.

Tu xả là vì lìa hỷ nên tâm được tịch diệt. Hành giả trước kia sâu đắm tâm hỷ, nhiều tán loạn. Nay được lìa nên tâm đó được tịch diệt, cho nên nói tu xả.

Nhớ nghĩ, an tuệ là đối với lỗi trong hỷ, 2 pháp nầy thường sẵn sàng không cho hỷ đến phá rối.

Lại nhớ nghĩ là nhớ nghĩ hỷ, an tuệ, thấy lỗi trong hỷ.

Thụ thân vui là lìa hỷ, tu xả. Xả tức là vui, vì không vọng động tìm cầu. Cái vui nầy không do tưởng phân biệt sinh, nên gọi là thân thụ vui.

Thánh nhân cũng nói cũng xả, nghĩa là nói là tùy theo người đời, nên nói gọi là vui. Như nói tâm phi tưởng phi phi tưởng xứ không tham đắm nên xả.

Nghĩ nhớ tu vui, là người nầy biết xả, nghĩa là thấy lỗi của hỷ mà sinh chán lìa, nên được cái xả vi diệu.

Lại nghĩ nhớ cũng vi diệu, nghĩa là có thể nhớ lỗi của hỷ. Trong đó cũng nên nói an tuệ với nghĩ đồng hành nên không nói riêng.

Lạc, là vui đệ nhất. Cho nên Thánh nhân cũng nói cũng xả.

Hỏi: Trong tam thiền có thụ vui, vì sao nói xả vui?

Đáp: Trong luận này tôi không nói lìa thụ riêng có xả vui. Thụ vui tức là xả vui.

Hỏi: Nếu vậy trong đệ tứ thiền nên nói thụ vui, vì có xả?

Đáp: Tôi nói tứ thiền cũng có thụ vui chỉ vì diệt vui đệ tam thiền nên nói như vậy.

Hỏi: Nếu đều là thụ vui, vì sao sơ thiền nhị thiền gọi hỷ, mà tam thiền gọi lạc?

Đáp: Vì tưởng phân biệt nên gọi hỷ, không tưởng phân biệt nên gọi lạc. Hành giả trong đệ tam thiền tâm chuyển nhiếp nên không có tưởng phân biệt nên gọi là lạc.

Lại vì được tịch diệt tam thiền chuyển sâu nên gọi là lạc. Như nói tâm động tìm cầu Thánh nhân gọi đó là khổ. Động là phân biệt, nói đây là lạc.

Phẩm 168: TỨ THIỀN

Dứt trừ khổ, vui, trước diệt ưu, hỷ, không khổ không vui, xả niệm thanh tịnh vào đệ tứ thiền.

Hỏi: Nếu trước dứt khổ, vì sao ở trong đây mới nói? Nếu quyết muốn nói nên nói trước dứt, như trước diệt ưu hỷ?

Đáp: Tứ thiền gọi là bất động. Vì muốn thành tướng bất động nầy nên mới nói không 4 thứ thụ. Bởi vì sao? Vì động là phát động. Hành giả bị khổ vui xâm lấn thì tâm động. Tâm động thì sinh tham giận, nên phải dứt khổ vui, khiến tâm không động.

Hỏi: Nếu đệ tứ thiền thụ lợi ích rất lớn, Vì sao không gọi là vui?

Đáp: Thụ nầy tịch diệt, nên nói không khổ không vui. Tùy tâm niệm biết đây là vui thì gọi là vui. Được đệ tứ thiền lìa vui tam thiền, nên không cho là vui.

Xả niệm thanh tịnh là trong đây xả thanh tịnh, vì không cầu. Tam thiền có cầu, cho đó là vui.

Lại trong thiền nầy niệm cũng thanh tịnh. Bởi vì sao? Vì trong tam thiền đắm vui nên nghĩ nhớ tán loạn. Đến Tứ thiền vì dứt tham vui, nên nghĩ nhớ thanh tịnh.

Hỏi: Vì sao tứ thiền không nói an tuệ?

Đáp: Nếu nghĩ nhớ thanh tịnh, phải biết là đã nói an tuệ rồi, vì 2 pháp này không lìa nhau.

Lại đây là đạo thiền định, không phải đạo trí tuệ. An tuệ là tuệ, nên không nói. Trong phần sau của đệ tam thiền cũng không nói an tuệ, chỉ nói vui hành xả nghĩ nhớ, mà không nói vui hành xả niệm tuệ.

Lại nghĩ nhớ nầy có thể thành thiền định, nếu người khi định chưa thành cần phải lấy tưởng nghĩ nhớ là có thể thành, vì vậy được nói riêng.

Lại được thượng công đức, xả hạ công đức, không cần suy nghĩ, nên không nói tuệ.

Hỏi: Thụ không khổ không vui là vô minh phần, trong Tứ thiền phần nhiều trái nhau với tuệ, nên không nói tuệ?

Đáp: Nếu vậy, thụ không khổ không vui lẽ ra không phải là vô lậu? Thụ vui là tham phần cho nên cũng không vô lậu.

Hỏi: Trong tam thiền vì lỗi trái với tự địa nên nói an tuệ, vì trái với lỗi tha địa nên nói nghĩ nhớ. Tứ thiền tự địa không lỗi như vậy, nên không nói an tuệ?

Đáp: Tứ thiền cũng có các lỗi tham v.v… nên phải nói an tuệ, trong đó lỗi tham vi tế khó biết, nên ắt cần phải nói. Trong các địa khác cũng nên nói mà không nói. Nên biết phải đáp như tôi.

Hỏi: Vì sao, tứ thiền diệt hơi thở ra vào?

Đáp: Hơi thở nương thân tâm. Làm sao biết được? Tùy khi tâm yếu, hơi thở cũng yếu. Tứ thiền tâm không động, nên hơi thở ra vào diệt.

Lại như người mỏi mệt, nếu gánh gánh nặng lên núi thì thở hơi mạnh, mà khi nghỉ thì hơi thở yếu. Tứ thiền cũng như vậy, vì không tướng động, tâm ngừng nghỉ, nên hơi thở ra vào diệt. Có người nói hành giả được tứ thiền, nên bít các lỗ chân lông nơi thân tứ đại, cho nên hơi thở dứt. Điều này không đúng. Bởi vì sao? Vì uống ăn mồ hôi chảy khắp cả mình thân, nếu các lỗ chân lông bít lẽ ra không chảy được? Mà thật không phải. Nên biết tâm lực tứ thiền có thể khiến hơi thở diệt.

Hỏi: Trong Tứ thiền không lạc thụ; trong đó làm sao có ái sử? Vì trong kinh nói trong lạc thụ có ái sử?

Đáp: Trong đó có tế lạc thụ, chỉ dứt thô lạc, nên mới nói không khổ không vui, như gió xao ngọn đèn, nếu đèn để trong nhà kín thì không gọi xao động, trong đó chắc có chút gió nhẹ, nhưng gió không mạnh nên không động. Tứ thiền cũng vậy. Chắc có chút vui, nhưng vì dứt khổ vui thô bạo nên gọi không khổ không vui.

Phẩm 169: VÔ BIÊN HƯ KHÔNG XỨ

Vượt qua tất cả sắc tướng, diệt tướng hữu đối, không nghĩ tất cả tướng gì khác, vào vô biên hư không xứ.

Sắc tướng: là tướng sắc, hương, vị và xúc. Vì sao hành giả phải vượt qua? Vì trong sắc đó có đối có ngại và các tướng khác như tiếng chuông trống v.v…. Các tướng nầy là nhiều thứ phiền não, nhiều thứ nghiệp và nhiều thứ khổ nhân. Vì những lẽ đó nên phải vượt qua. Nếu qua tất cả sắc tướng thì tướng hữu đối diệt. Tướng hữu đối diệt thì không có tướng khác. Trong đây lược bớt nên không nói qua đây nên đây diệt.

Lại có người nói: Tất cả sắc tướng tức là tướng chỗ y chỉ của nhãn thức. Tướng hữu đối là tướng chỗ y chỉ của các thức nhĩ-tỉ-thiệt và thân. Tướng khác là tướng chỗ y chỉ của ý thức. Điều này không đúng. Bởi vì sao? Vì nếu nói diệt tướng hữu đối thì đã thu nhiếp sắc rồi, cần gì nói riêng?

Lại lìa sắc tướng, đối tướng thì sẽ không riêng có sắc làm chỗ nương cho ý thức. Cho nên không cần nói riêng dị tướng, mà nên nói như trước.

Vào vô biên hư không xứ, là hành giả vì sắc tướng bức bách, mỏi mệt, nên quán hư không vô biên. Bên trong lấy tướng hư không của mắt, mũi, yết hầu v.v… Bên ngoài lấy tướng hư không của giếng, hầm, cửa, bộng cây v.v….

Lại quán thân chết bỏ nơi gò mả, lửa cháy tan hết; hoặc chim thú giành ăn, giòi trùng từ trong đó lúc nhúc bò ra… Cho nên biết thân nầy trước đã có hư không.

Hỏi: Định hư không nầy lấy gì làm cảnh duyên?

Đáp: Trước tiên duyên hư không, thành rồi tự duyên các ấm, cũng duyên các ấm người khác. Bởi vì sao? Vì lấy bi làm đầu, khởi nghĩ như vầy: Chúng sinh đáng thương, vì bị sắc tướng làm bức bách khổ não.

Hỏi: Định nầy duyên chúng sinh nào?

Đáp: Duyên tất cả chúng sinh.

Hỏi: Hành giả đó đã lìa sắc tướng, làm sao có thể duyên sắc chúng sinh cõi Dục được?

Đáp: Hành giả nầy vẫn duyên sắc. Có điều đối với trong sắc, tâm không thông suốt, không vui, không đắm. Như trong kinh nói: Nếu Thánh nhân nghĩ nhớ ngũ dục sâu, trong đó không vui không thông không đắm, vì sợ lui chìm lại như cháy gân lông. Nếu nghĩ Nê-hoàn thì tâm thông suốt. Người nầy cũng vậy, có thể duyên sắc, nhưng không tham vui.

Lại như hành giả tùy lìa sắc tướng, do hư không có thể duyên tứ thiền, như vô sắc định có thể duyên vô lậu sắc. Trong đó không lỗi vì không phải chỗ phân biệt, nên ngoài ra cũng phải như vậy.

Hỏi: Hư không là sắc nhập tính, làm sao duyên đây có thể vượt qua sắc tướng?

Đáp: Định nầy duyên hư không vô vi, nên có thể vượt sắc.

Hỏi: Định nầy không duyên hư không vô vi. Bởi vì sao? Vì trong phương tiện định nầy nói duyên hư không trong mắt v.v…. Nên biết duyên hư không hữu vi.

Lại trong kinh không nói tướng hư không vô vi chỉ nói tướng hư không hữu vi, như vô sắc xứ là hư không. Cho nên không có hư không vô vi?

Đáp: Sắc tính không gọi hư không. Bởi vì sao? Trong kinh nói:

Hư không không sắc không thể thấy, không thể đối.

Hỏi: Lại có kinh khác nói: Nhờ sáng biết hư không. Trừ sắc không có pháp nào nhờ sáng có thể biết?

Đáp: Vô sắc gọi là hư không; các sắc do sáng có thể biết. Cho nên cũng nhờ sáng thì biết không có sắc, không phải có hư không.

Lại trong tối cũng biết hư không, người mù dùng tay cũng biết hư không.

Lại dùng gậy cũng biết đó là hư không. Cho nên biết hư không không phải sắc tính. Sắc không nhờ các nhân duyên nầy mà biết được. Lại sắc là hữu đối, hư không là vô đối.

Lại dùng lửa v.v… có thể diệt hết sắc, mà không thể diệt hư không. Nếu hư không diệt lại gọi là pháp gì?

Hỏi: Nếu có sắc sinh thì hư không diệt, như khởi xây tường vách thì trong đó không còn hư không?

Đáp: Sắc sinh trong đó, sắc ấy hoàn toàn không bị diệt. Bởi vì sao? Sắc không gọi là hư không. Pháp không có, không thể lại không có nữa. Cho nên sắc không diệt hư không.

Lại ông nói hư không là sắc. Trong đó không có lý do có thể khiến là sắc.

Hỏi: Hiện thấy hư không trong cửa v.v…, trong việc hiện thấy không cần lý do?

Đáp: Hư không không hiện thấy được. Như trước đã phá rồi, như trong tối cũng có thể biết v.v….

Hỏi: Nếu hư không không phải sắc, vậy là pháp gì?

Đáp: Hư không gọi là vô pháp. Những chỗ không có sắc gọi là hư không.

Hỏi: Trong kinh nói: Do 6 thứ nên chúng sinh thụ thân.

Lại nói hư không là vô sắc vô đối, không thể thấy. Nếu vô pháp, thì không được nói như vậy. Không ai nói sừng thỏ gọi là vô sắc vô đối không thể thấy?

Đáp: Nếu thật có pháp thì đều có chỗ sở y, như danh y vào sắc, sắc lại y vào danh. Hư không không y vào đâu nên biết là vô pháp.

Cái ông là không đó cũng không đúng. Bởi vì sao? Vì sắc ngăn ngại sắc, sắc nầy được, sắc khác mất, nên được tăng thêm. Vì nghĩa nầy nên Phật nói do 6 thứ chúng sinh thụ thân.

Ông nói hư không vô sắc, vô hình, vô đối. Cũng vì phá các vật, nên mới nói như vậy, chứ không nói có tướng hư không.

Ông nói không có ai nói sừng thỏ là vô sắc, vô đối, không thể thấy. Đó cũng không đúng. Bởi vì sao? Vì đều do hư không được có những việc sở tác khứ lai v.v…. Trong sừng thỏ v.v… không có nghĩa như vậy.

Hỏi: Tâm cũng như vậy. Vô sắc, vô hình, vô đối có thể nói không được chăng?

Đáp: Tâm có tác nghiệp, nghĩa là có thể lấy cảnh duyên, hư không không tác nghiệp, chỉ vì không, nên được có chỗ tác dụng. Cho nên biết vô pháp, vì vậy định nầy trước tiên duyên hư không.

Hỏi: Định nầy có thể duyên bậc nào?

Đáp: Định này duyên tất cả bậc, và duyên diệt đạo nữa.

Hỏi: Có người nói các vô sắc định tuy có thể duyên diệt, nhưng chỉ duyên tỷ trí phần diệt, không duyên hiện trí phần diệt. Việc đó thế nào?

Đáp: Duyên tất cả diệt, dùng hiện pháp trí duyên diệt tự địa hiện tại, dùng tỷ trí duyên các diệt khác. Đạo cũng như vậy, có thể duyên tất cả pháp.

Hỏi: Chúng sinh cõi Vô sắc có thể khởi tâm các địa không?

Đáp: Có thể khởi tâm các địa và tâm vô lậu.

Hỏi: Nếu vậy làm sao không chìm?

Đáp: Trụ trong nghiệp quả báo nên có thể không chìm, như sức thần thông trong 2 cõi Dục và Sắc. Trụ sắc khác tâm khác mà có thể không chìm. Trong đó cũng vậy.

Hỏi: Vô biên hư không định, cùng hư không xứ nhất thiết xứ có gì khác nhau?

Đáp: Muốn vào hư không định phương tiện đạo gọi là nhất thiết. Vào định thành rồi gọi là hư không định. Trong đây nhân quả của định là bậc và tất cả hữu lậu vô lậu, hoặc định hoặc phi định, hoặc cấu hoặc tịnh đều gọi là vô biên hư không xứ.

Phẩm 170: BA VÔ SẮC ĐỊNH

Qua tất cả Vô biên hư không xứ, mới vào Vô biên thức xứ. Hành giả rất chán sắc, nên cũng bỏ luôn pháp đối trị sắc, như người đã qua sông bỏ luôn cả thuyền mà đi, như được ra khỏi giặc muốn bỏ đi cho xa. Hành giả cũng vậy, tuy nhờ không phá sắc, cũng muốn bỏ không mà đi xa.

Vô biên thức, là hành giả dùng thức có thể duyên hư không vô biên, thì thức cũng vô biên. Cho nên bỏ không duyên thức.

Lại như sắc vì mỏi mệt nên duyên hư không. Như vậy bị hư không làm mỏi mệt, muốn ngăn dứt nên mới duyên nơi thức.

Lại người nầy dùng thức có thể duyên hư không vì cho thức là thắng, nên chỉ duyên thức. Hành giả dùng thức tùy duyên tùy lúc, nên sinh mệt nhọc, vô cùng chán lìa, lại muốn phá thức, nên vào vô sở hữu xứ, nghĩ như vầy: Tùy có thức thì khổ, nếu ta có thức vô biên, ắt phải có vô biên khổ. Cho nên thu nhiếp tâm duyên thức. Vì tâm vi tế nên cho là vô sở hữu.

Lại nghĩ như vầy: Vô sở hữu tức là tưởng. Mà tưởng là khổ não, như tật bệnh, như ung nhọt. Nhưng nếu không tưởng lại là ngu si nếu ta thấy vô sở hữu tức đó là hữu, nên đối với các tưởng chưa được giải thoát. Hành giả thấy tưởng là suy nhược, là bênh hoạn mà vô tưởng là ngu si, tịch diệt là vi diệu, đó là phi tưởng phi phi tưởng xứ. Phàm phu thường e sợ vô tưởng, vì cho là ngu si, cho nên rốt cuộc không thể diệt tâm.

Có người nói chúng sinh vô tưởng cũng có thể diệt tâm. Điều này không đúng. Bởi vì sao? Vì nếu những người trong cõi Sắc có thể diệt tâm, thì trong cõi Vô sắc sao lại không thể?

Hỏi: Cõi Sắc có sắc nên có thể diệt tâm. Trong cõi Vô sắc trước đã diệt sắc nay lại diệt tâm. Nếu thấy sắc tâm đều diệt thì kinh sợ bàng hoàng?

Đáp: Nếu người ở trong kia không thể diệt mà sinh về trong đây thì phải có thể diệt, như diệt tận định.

Hỏi: Quả của diệt tâm là vô tưởng, cho nên nếu diệt cả sắc lẫn tâm thì mất hẳn?

Đáp: Diệt tận định cũng có quả hữu tâm. Điều này cũng như vậy.

Lại nếu quả không dứt cũng gọi trụ ở quả, như ở sắc biến hóa. Biến hóa trong tâm lại sinh quả, nên không gọi mất hẳn được. Cho nên trong cõi Sắc không nên nói diệt tâm. Nếu nói thì trong cõi Vô sắc cũng cần phải nói.

Lại trong vô tưởng định, tâm không nên diệt. Bởi vì sao? Vì hành giả cần chán lìa tâm, nên có thể diệt tâm. Nếu người chán tâm, còn không sinh trong cõi Vô sắc huống sinh cõi Sắc.

Lại người phàm phu trong tâm sinh ngã tưởng sâu. Như trong kinh nói: Phàm phu từ lâu tham đắm tâm nầy, cho đó là ngã. Cho nên không thể có chút chán lìa.

Lại trong kinh nói: Ngoại đạo có thể nói dứt diệt 3 thứ thủ mà không thể nói dứt ngã ngữ thủ. Cho nên không thể diệt tâm.

Lại nếu biết đúng đắn pháp nhân duyên, có thể được tâm không. Như trong Kinh Viên Hầu Dụ nói: Phàm phu hoặc có thể lìa thân, mà không thể lìa tâm. Thà quán thân thường, đừng quán tâm thường. Bởi vì sao? Vì mắt thấy thân nầy, hoặc sống còn 10 tuổi cho đến trăm tuổi, như nói hoặc tâm hoặc ý hoặc thức, niệm niệm sinh diệt biến khác, như vượn khỉ chuyền cây, buông một nhánh, liền vin một nhánh, không đứng một chỗ. Nếu đệ tử Phật trong đó quán đúng đắn pháp nhân duyên thì có thể biết vô thường.

Lại người biết pháp nhân duyên, vì thụ sai khác nên có thể phân biệt thức. Các ngoại đạo vì không có trí phân biệt nhân duyên, nên không thể diệt tâm.

Lại người phàm phu lìa sắc mà không lìa tâm nên không được giải thoát. Nếu cả 2 đều có thể diệt thì sao không được giải thoát?

Lại người phàm phu e sợ diệt, nên đối với Nê-hoàn rốt cuộc không thể sinh tưởng tịch diệt an ổn. Như trong kinh nói: Không có ngã và không có ngã sở là chỗ phàm phu rất khiếp sợ.

Lại trong vô tưởng sinh tâm ngu si. Nếu đối với Nê-hoàn không sinh tâm tưởng tịch diệt an ổn, làm sao có thể diệt tâm.

Lại pháp phàm phu cần nhờ bậc trên, mới có thể xả bậc dưới, cho nên không có nhân duyên có thể diệt tâm, chỉ nhờ sức định suy tưởng tỉ mỉ tâm hiện tiền, không hiểu cho nên tự cho là vô tưởng. Nếu khởi thô tưởng tức thì thoái lui. Như người thiểu trí gọi là vô trí, như thức ăn ít mặn gọi là không mặn, như mê ngất xỉu mất nhớ, như loại sâu nằm lâu năm trong lòng đất, như loại cá nằm trong băng giá. Trong đây nói phi tưởng phi phi tưởng xứ cũng vậy. Tuy thật có tưởng, nhưng vì tùy theo thế tục, nên nói là vô tưởng.

Phẩm 171: DIỆT TẬN ĐỊNH

Qua tất cả Phi tưởng phi phi tưởng xứ, thân chứng tưởng thụ diệt.

Hỏi: Vì sao trong các thiền không nói qua tất cả? Trong vô sắc định không nói diệt?

Đáp: Tôi nói trong các thiền định đều có các pháp giác quán hỷ lạc, cho nên không nói qua tất cả.

Hỏi: Vô biên hư không xứ có sắc tâm. Điều này đã rõ, nên trong Vô sắc cũng không nên nói qua tất cả?

Đáp: Như vào trong vô biên hư không định thoát được sắc tâm, mà không thoát được các pháp giác quán.

Lại có người nói: Nếu nói qua, diệt, chìm, đều là nghĩa một mà tên khác.

Lại trong vô sắc định tâm kiên cố. Trong các bậc dưới tâm bị tán loạn làm hoại, cho nên không nói qua tất cả.

Hỏi: Nếu đều nói có gai góc là sắc tưởng v.v…, sao lại nói tâm kiên cố?

Đáp: Tuy đều nói gai góc, nhưng cũng gọi đệ tứ thiền là không động. Như vậy trong vô sắc định, định lực lớn nên được kiên cố.

Hỏi: Học nhân không nên được diệt tận định, vì chưa qua tất cả phi tưởng phi phi tưởng xứ?

Đáp: Học nhân có thể thấy tất cả hành diệt của Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nhưng chưa có thể khiến nó không sinh, nên cũng được nói là qua.

Hỏi: Nếu ý trong đây lấy Nê-hoàn cho là diệt, thì trước ông nói trong 9 thứ lớp diệt là tâm và tâm số diệt, trái nhau sao?

Đáp: Diệt định có 2 thứ: một là diệt hết các phiền não, hai là diệt chưa hết. Người hết phiền não ở trong giải thoát. Người phiền não chưa hết ở trong thứ lớp.

Lại một là diệt phiền não nên gọi diệt định, hai là diệt tâm, tâm số, pháp cũng gọi diệt định. Diệt phiền não là giải thoát thứ 8, cũng gọi là quả A-la-hán. Quả A-la-hán là diệt tất cả tưởng, không cho sinh lại nữa. Trong đây tuy diệt các tưởng, nhưng còn thừa kết sử, nên không thể khiến không tái sinh.

Hỏi: Nếu hành giả dùng 9 thứ lớp định có thể diệt tâm thì Tuđà-hoàn v.v… làm sao có thể chứng pháp tâm diệt?

Đáp: Trong 9 thứ lớp diệt gọi là đại diệt. Như người khéo tu các thiền định, nhờ sức mạnh đạo tâm nên có thể được diệt nầy. Nếu không sức đó, thì chỉ được có diệt, không thể được đại lực như vậy, cho nên nói thứ lớp định. Các chỗ khác cũng có tâm diệt, như trong đệ tứ thiền có thể diệt tâm, tâm số pháp, vào trong vô tưởng, thì trong Sơ thiền v.v… vì sao không diệt?

Lại chỗ khác cũng phải có nghĩa diệt tâm, như trong kinh nói: Tu-đà-hoàn v.v… đều có thể chứng diệt. Chỉ tâm diệt gọi là diệt, không có pháp nào khác diệt. Cho nên biết lìa 9 bậc này cũng có tâm diệt.

Hỏi: Nếu diệt tận định có thể diệt tất cả tâm, tâm số pháp, vì sao chỉ nói tưởng thụ diệt?

Đáp: Tất cả tâm đều gọi là thụ. Thụ nầy có 2 thứ: một là tưởng thụ, hai là tuệ thụ. Tưởng thụ là hữu vi duyên tâm, vì tưởng hiện hành trong pháp giả danh. Giả danh có 2 thứ: một là do hòa họp giả danh, hai là pháp giả danh. Cho nên tất cả hữu vi duyên tâm đều gọi là tưởng. Tuệ thụ là vô vi duyên tâm. Cho nên nếu nói tưởng thụ diệt là nói tất cả diệt.

Hỏi: Trong tất cả tâm, tâm số pháp, thụ tưởng là hơn cả cho nên nói riêng. Bởi vì sao? Vì phiền não có 2 phần: một là ái phần, hai là kiến phần. Thụ sinh ái phần, tưởng sinh kiến phần.

Lại trong cõi Dục, cõi Sắc thụ thắng hơn, trong cõi Vô sắc tưởng thắng hơn. Cho nên chỉ có 2 thứ.

Lại trong các thức xứ chỉ nói thụ tưởng. Thức xứ từ tâm khởi nên gọi là hành.

Lại nếu nói thụ tưởng diệt, thì nói tất cả tâm, tâm số diệt, vì các tâm số không rời nhau?

Đáp: Không phải vậy. Ông nói thắng hơn cho nên nói riêng thì cần phải nói tâm. Bởi vì sao? Vì trong kinh nhiều chỗ nói tâm là chủ mà cũng là chỗ nương của 2 phần phiền não. Và cũng vì tâm sai khác nên gọi là thụ tưởng, cho nên phải nói tâm.

Lại nói tâm thì dễ, cho nên lời ông nói không đúng.

Hỏi: Định nầy vì sao nói thân chứng?

Đáp: Tám giải thoát đều phải nói thân chứng.

Lại diệt pháp này không phải dùng lời nói mà thấu rõ được, nên nói thân chứng, như người chạm vào nước mới biết tướng lạnh, chứ không phải nghe nói mà có thể biết được. Việc này cũng vậy.

Lại đây là pháp vô tâm, cho nên phải dùng thân chứng?

Hỏi: Ông nói diệt định là pháp vô tâm. Nghĩa nầy không đúng. Bởi vì sao? Vì người vào định nầy là chúng sinh, thế gian không có chúng sinh vô tâm, cho nên không đúng.

Lại trong kinh nói: Mạng sống, hơi nóng, ý thức, 3 pháp nầy thường không rời nhau, cho nên không diệt tâm.

Lại tất cả chúng sinh đều nhờ 4 lối ăn mới được sống còn. Mà người vào diệt tận định thì không còn các lối ăn nầy nữa. Bởi vì sao? Vì người này không ăn lối đoàn thực, xúc thức v.v… cũng đều diệt hết, cho nên không ăn.

Lại tâm từ tâm sinh, nếu tâm nầy diệt, các tâm khác không sinh, vì không thứ lớp duyên thì hậu tâm làm sao sinh nữa được?

Lại tâm chỉ nhập Nê-hoàn vô-dư, khi dứt tương tục mới diệt, không phải ở các chỗ khác mà diệt được. Như trong kinh nói: Lấy sắc vượt qua các dục, lấy vô sắc vượt qua sắc, lấy diệt vượt qua các tác niệm tư duy. Tâm là tác niệm tư duy, cần phải lấy diệt mới có thể vượt qua. Được Nê-hoàn hữu dư thì tâm cáu bẩn diệt. Được Nê-hoàn vô dư thì tâm không cáu bẩn diệt. Đó chính là nghĩa Phật pháp.

Lại người vào diệt định không gọi là chết. Tâm diệt gọi là chết. Nếu tâm diệt sinh lại, người chết cũng phải sống lại, vậy thì rốt cuộc không có chết. Nếu tâm diệt sinh lại, thì người vào Nê-hoàn cũng phải sinh lại, vậy thì rốt cuộc không có giải thoát. Mà thật không phải như vậy, cho nên tâm không diệt?

Đáp: Ông nói không có chúng sinh vô tâm. Tuy đồng là vô tâm, mà khác với người chết. Như trong kinh hỏi rằng: Người vào diệt tận định với người chết có khác gì không? Đáp rằng: Người chết thì sinh mạng, hơi nóng, ý thức 3 thứ đều diệt. Người vào diệt tận định chỉ tâm diệt, mạng sống và hơi nóng không rời khỏi thân. Cho nên biết phải có chúng sinh vô tâm.

Lại người này tâm thường còn, vì có sức nên cũng gọi có tâm, không như gỗ đá.

Ông nói 3 việc không rời nhau, đó là chúng sinh cõi Dục cõi Sắc, cho nên nói trong cõi Vô sắc có mạng có thức mà không nóng.

Lại người vào diệt tận định, có mạng có nóng mà không có thức, tức trong kinh này cũng nói thức rời thân. Cho nên, nếu nói 3 việc không rời nhau là tùy có chỗ mà nói.

Ông nói không ăn làm sao sống? Thân này trước dùng ý tư thực nên tồn tại. Hiện tại dùng lạnh v.v… các xúc nên có thể chi trì thân.

Ông nói tâm do tâm sinh, đó là tâm làm nhân cho tâm khác. Làm nhân rồi diệt, cho nên có thể sinh tâm khác.

Hỏi: Tâm diệt làm sao có thể sinh tâm khác? Như mắt đã diệt là không thể sinh thức?

Đáp: Như nghiệp diệt rồi, quả báo mới sinh được. Việc này cũng vậy.

Lại ý với ý thức 2 việc ngại nhau, mà nhãn cùng nhãn thức không phải như vậy. Cho nên không phải nhân.

Ông nói khi dứt tương tục thì tâm diệt. Điều này không đúng. Diệt có 2 thứ là sắc diệt và tâm diệt. Hoặc sắc diệt tâm không diệt, như trong Vô sắc. Hoặc tâm diệt chẳng phải sắc như vào diệt định. Hoặc sắc tâm đều diệt, như khi diệt tương tục.

Ông nói vào diệt tận định không gọi là người chết đó. Người nầy mạng và nóng không diệt, mà người chết 3 thứ đều diệt. Đó là chỗ khác nhau.

Lại người nầy nhờ mạng và nóng nên tâm có thể sinh lại, mà người chết thì không phải vậy.

Ông nói nếu diệt tâm lại sinh thì không ai giải thoát. Điều này không đúng. Bởi vì sao? Vì người vào Nê-hoàn nghiệp trước chiụ mạng, nóng, thức đã diệt không đợi sinh lại. người nầy mạng và nóng không diệt, trước mong tâm sinh, Như trong Phẩm diệt tận định nói: Người vào diệt tận định nhờ 6 nhập nầy và thân mạng nên được khởi lại, cho nên tâm có thể sinh lại. Người vào Nê-hoàn tâm không sinh lại, nên biết định nầy vô tâm.

Hỏi: Vì sao bố thí người khởi định nầy có thể được hiện báo?

Đáp: Người từ định nầy khởi tâm rất tịch diệt. Như trong kinh nói: Người khởi diệt tận định tâm thuận với Nê-hoàn.

Lại người nầy sức thiền định mạnh, nương định nầy nên trí tuệ cũng lớn. Trí tuệ lớn, nên có thể làm cho người thí được quả báo vượt trội. Như người cúng dường trăm ngàn Thanh Văn không bằng một Phật, trong đó đều lấy trí tuệ làm vượt trội, không phải ở chỗ dứt các kết. Việc này cũng như vậy.

Lại người vào định nầy do huân tu nhiều pháp thiện nơi tâm, nên sinh đại quả. Như người làm ruộng giỏi chắc thu hoạch được nhiều.

Lại người thí có thể chán đời nhiều thì được báo lớn. Nói người chẳng phải tâm cáu bẩn, là người này không đem tâm cáu bẩn giả danh cho nên cúng dường được quả lớn.

Lại người nầy thường trụ đệ nhất nghĩa đế, những người khác ở trong thế đế.

Lại người nầy thường trụ trong pháp không tranh chấp. Bởi vì sao? Vì tâm duyên hữu vi thì có tranh tụng.

Lại như trong kinh nói: Cỏ dại làm hại lúa, tham lam dục vọng hại tâm. Cho nên thí người vô dục được quả báo lớn. Nhân duyên tham dục là tướng giả danh. Người khởi định nầy vì duyên Nê-hoàn nên lìa tướng giả danh.

Lại trong kinh nói: Nếu người thụ đàn-việt cúng rồi, vào vô lượng định, đàn-việt nầy nhờ nhân duyên đó được phúc vô lượng. Người khởi diệt định duyên tâm Nê-hoàn nên gọi là vô lượng, diệt định nầy cũng là vô lượng, nên được vô lượng phúc, nên có thể được hiện báo.

Lại nhờ 8 công đức trang nghiêm phúc điền nầy. Tâm duyên Nê-hoàn là chân chính kiến, các phúc phần khác tùy tùng, cho nên có thể sinh hiện báo.

Hỏi: Có người nói diệt tận định là tâm bất tương ưng hành, cũng gọi thế gian pháp. Việc này thế nào?

Đáp: Như trên đã nói người khởi định nầy có rất nhiều các công đức tịch diệt v.v… là những công đức mà thế gian không thể có.

Hỏi: Diệt tận định gọi là pháp ngăn, vì nhờ pháp nầy khiến tâm không sinh. Cho nên phải gọi tâm bất tương ưng hành, như sắt vào lửa thì không còn tướng đen, mà rời lửa lại sinh. Việc này cũng như vậy?

Đáp: Nếu là vậy, Nê-hoàn cũng phải là tâm bất tương ưng hành. Bởi vì sao? Vì bởi Nê-hoàn nên các ấm không sinh. Nếu Nê-hoàn không phải tâm bất tương ưng hành, thì định này cũng không được gọi là bất tương ưng hành. Nhưng các người hành giả thì pháp phải như vậy. Vào trong định nầy tùy theo sở nguyện nên tâm có thể không sinh. Cho nên không nên gọi là bất tương ưng hành.

Hỏi: Định nầy thứ lớp như vậy vào, rồi cũng thứ lớp như vậy ra sao?

Đáp: Cũng thứ lớp ra, rồi chậm rãi nhập vào thô tâm.

Hỏi: Trong kinh nói: Người mới khởi diệt tận định chạm vào 3 thứ xúc đó là vô động, vô tướng, vô sở hữu. Vì sao như vậy?

Đáp: Trong vô vi duyên tâm, có các xúc gọi là vô động, vô tướng, vô sở hữu. Vô động tức là trống không. Hữu vi duyên tâm, nhẹ nên có động, như lấy sắc, thụ v.v…. Trong không, không có tướng. Trong vô tướng không có tham v.v… Người vô tâm nầy mới bắt đầu duyên Nê-hoàn, sau duyên hữu vi, cho nên mới nói khi khởi chạm vào 3 thứ xúc.

Hỏi: Có người nói vào diệt tận định tâm là hữu lậu. khởi định tâm hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu. Việc đó thế nào?

Đáp: Không phải hữu lậu. Hành giả muốn nhập định nầy phải phá hoại tất cả hữu vi từ trước. Phá xong mới vào được. Khi khởi tâm duyên Nê-hoàn hiện tiền. Cho nên biết đều là vô lậu.

Hỏi: Trong kinh nói: Hành giả nhập diệt tận định không tự nghĩ là mình nhập, khi khởi cũng không tự nghĩ.

Nếu vậy làm sao có thể nhập?

Đáp: Thường tu tập nên định lực kiên cường, tuy không tự nghĩ mà có thể nhập được.

Lại hành giả nầy từ khi dứt hữu vi đến nay đã từng vào diệt. Nếu không ngăn nổi tâm, để cho duyên hữu vi thì không gọi là nhập. Cho nên kinh nói: Người vào định nầy, trước phải tập điều hòa tâm. Cho nên có thể vào được.

Hỏi: Nếu không có cái không khác, có thể được tu vô vi duyên tâm, thì được ích gì?

Đáp: Vì tu tập đã lâu thì định kiên cố, thấy biết rõ ràng như tâm duyên hữu vi thấy niệm niệm diệt, cũng không khác niệm niệm diệt, chỉ tu tập lâu thì tâm kiên cố, Việc này cũng vậy.

Phẩm 172: MƯỜI NHẤT THIẾT XỨ

Không phá hỏng duyên trước, tâm lực tự tại, gọi là nhất thiết xứ. Hành giả lấy một ít tướng rồi, nhờ sức tin hiểu khiến nó thêm rộng. Bởi vì sao? Sức nhiếp tâm này nếu vào trong thật, thì đều có thể khiến trống không, mà vào trong tín giải đều có thể khiến tùy theo trước đã lấy tướng.

Hỏi: Thế nào là tính tín giải?

Đáp: Xanh v.v… các màu sắc nhiều vô lượng. Lược nói căn bản có 4 thứ: là địa v.v… 4 đại. Bốn sắc căn bản có thể phá 8 việc nầy. Đó là hư không. Vì thức có thể biết vô biên không, nên cũng gọi là vô biên. Bởi vì sao? Vì không phải pháp hữu biên có thể lấy vô biên. Đó gọi là 10.

Hỏi: Trong địa thật có thủy v.v…, vì sao hành giả có thể quán chỉ là địa?

Đáp: Tập lâu quán nầy thường lấy địa tướng, về sau chỉ thấy địa mà không thấy vật gì khác.

Hỏi: Hành giả đã thấy địa tướng thật là địa không?

Đáp: Vì sức tín giải nên thấy là địa, kỳ thật không phải địa.

Hỏi: Nếu do sức biến hóa mà có, thì vật bị biến hoại không phải thật sao?

Đáp: Biến hóa là do sức định mà thành, nên thứ được làm ra đều thật, như ánh sáng, nước, lửa v.v….

Hỏi: Có luận sư nói vào nhất thiết xứ chỉ ở trong đệ tứ thiền. Việc đó thế nào?

Đáp: Nếu ờ cõi Dục và trong tam thiền thì có lỗi gì? Hai nhất thiết xứ sau đều ở tự địa. Mười pháp nầy đều là hữu lậu, vì không phá hoại được cảnh duyên.

Hỏi: Tướng hư không không phá hoại sắc sao?

Đáp: Hành giả cũng nhờ tín giải lấy không tướng trong mắt mũi v.v… làm tướng trống không, chứ không thể trực tiếp phá được thật sắc. Cho nên cũng gọi là tín giải.

Hỏi: Trong kinh nói người vào định nhất thiết địa nghĩ địa tức là ngã, ngã tức là địa. Vì sao khởi nghĩ như vậy?

Đáp: Hành giải nhận thấy tâm đầy khắp nên mới sinh ý nghĩ tất cả là ngã này.

Hỏi: Có người nói định nầy chỉ duyên địa hệ thuộc cõi Dục. Việc đó thế nào?

Đáp: Nếu duyên tất cả địa hệ thuộc 2 cõi Dục, Sắc v.v… có lỗi gì? Giả sử định nầy lại duyên các pháp khác lại có lỗi gì?

Lại định này là tín giải quán duyên hư vọng, không có địa không hư v.v….

Hỏi: Đệ tử Phật cũng quán địa v.v…. Việc đó thế nào?

Đáp: Học nhân nếu quán đều vì để phá hoại.

Hỏi: Thật không phải tất cả đều là địa v.v…. Làm sao định nầy không phải điên đảo?

Đáp: Trong quán này có phần si, vì trong quán này khởi ngã kiến. Quán bất tịnh v.v… tuy không phải chân thật, nhưng tùy thuận ly dục. Quán nầy không như vậy, nên có phần si.

Hỏi: Vì sao không quán thụ v.v… vô biên, mà chỉ quán thức ư?

Đáp: Có thể lấy là địa v.v…, lấy là thức. Cho nên thấy thức, mà không thấy thụ.

Lạị như trước đã nói thụ v.v… đều là sai biệt của tâm.

Lại hành giả không thấy thụ v.v… đầy khắp, vì không phải tất cả chỗ thụ khổ vui. Đệ tử Phật nếu tu định nầy là vì phá hoại cảnh duyên. Bởi vì sao? Vì cảnh duyên đó là chỗ tham đắm của hành giả. Nếu không phá hoại thì đồng với phàm phu.

Phẩm 173: MƯỜI TƯỞNG VÔ THƯỜNG TƯỞNG

Mười tưởng là vô thường tưởng, khô tưởng, vô ngã tưởng, thực yểm tưởng, nhất thiết thế gian bất khả lạc tưởng, bất tịnh tưởng, tử tưởng, dứt tưởng, ly tưởng và diệt tưởng.

Vô thường tưởng là trong pháp vô thường biết chắc là vô thường.

Hỏi: Vì sao tất cả vô thường?

Đáp: Tất cả pháp đó đều từ nhân duyên sinh. Nhân duyên hoại nên đều quy về vô thường.

Hỏi: Không phải vậy. Có pháp tuy từ duyên sinh, mà không phải vô thường. Như kinh ngoại đạo nói ai lập 3 đền thờ được sinh về nơi thường còn?

Lại thân trời Phạm Thế là thường còn?

Đáp: Thì trong pháp của ông cũng nói Thích Đề Hoàn Nhân có thể làm trăm ngôi đền cũng bị thoái đọa đó sao?.

Lại trong bài kệ nói: Có nhiều các Đế Thích v.v…, tạo lập hơn trăm ngàn ngôi đền, v.v… đều vô thường hết. Trăm ngàn đền thờ còn không tồn tại, cho nên biết 3 đền cũng chẳng thường còn!

Lại Thích Đề Hoàn Nhân và các Thiên Vương, thân phần cũng hết. Cho nên pháp do duyên sinh không gì có thể thường còn được.

Lại trong pháp của ông lấy sách Vi-đà làm quí. Trong Vi-đà nói do trí tuệ nên được phép bất tử. Như nói: Thấy sắc mặt trời đại nhân quá hơn nơi thế tính. Trước tùy thuận ý người nầy, có thể được đạo bất tử, mà không có đạo nào khác. Tiểu nhân có thần nhỏ, đại nhân có thần lớn thường ở trong thân. Nếu người nào không biết tướng thần đó thì dẫu có đọc tụng kinh Vi-đà v.v… cũng không ích gì. Vì trong pháp của ông nói Phạm Vương cũng thường thờ tự, trì giới, làm các công đức . Nếu biết thân thường, cần chi phải làm phúc?

Lại nghe trong kinh của ông nói các vị Phạm Vương có ác dâm dục. Nếu có dâm dục ắt có sân v.v… tất cả phiền não. Nếu có phiền não ắt có tội nghiệp. Như vậy người tội làm sao có thể được thường giải thoát.

Lại không phải tất cả thần tiên đều thờ trời, cũng không phải tất cả tu hành theo đạo Phạm Thiên. Nếu đó là thường thì tất cả phải đều thờ đều tu theo.

Lại tất cả vạn vật v.v… đều vô thường. Bởi vì sao? Vì nếu khi đại kiếp tận diệt thì đất nước gió lửa trở lại không còn nữa.

Lại thời gian vần chuyển như bánh xe, nên biết vô thường.

Lại thành tựu giới định tuệ v.v… vô lượng công đức , các vị Đại Thánh nhân, Phật Định Quang v.v… và Bích-chi-phật, Ma-ha-tamma-già v.v…, các vị vương kiếp sơ, v.v… đều vô thường thì đâu có vật gì là thường!

Lại Phật tự nói tất cả sinh pháp đều định tướng vô thường. Như trong Kinh Ngưu Phấn nói: Phật lấy một ít phân bò cho các Tì-kheo xem mà rằng không có sắc gì thường định không biến đổi. Trong kinh nầy nói rộng quả báo của các vua Thích, Phạm, Chuyển luân, cũng sẽ hết. Cho nên biết tất cả vô thường.

Lại tất cả tuổi thọ của 3 cõi đều có hạn lượng. Thọ mạng một kiếp trong địa ngục A-tì bằng thọ mạng nửa kiếp trong địa ngục Tănggià-đà. Ngoài ra hoặc nhiều hoặc ít. Loài rồng v.v… tối đa cũng thọ một kiếp. Ngạ quỷ tối đa thọ 7 vạn năm. Phất-vu-đãi thọ 250 năm. Câu-da-ni thọ 500 năm. Uất-đan-việt định thọ ngàn năm. Diêm-phùđề thọ hoặc vô lượng kiếp, hoặc thọ 10 tuổi. Trời Tứ Thiên Vương thọ 500 năm, cho đến cõi Hữu Đảnh thọ 8 vạn kiếp. Cho nên biết tất cả 3 cõi đều vô thường.

Lại lấy 3 thứ tín tin biết vô thường. Trong hiện thấy không có pháp thường còn. Trong lời Thánh nhân đã nói cũng không có pháp thường còn. Và trong so sánh biết cũng không có thường vì cần phải trước hiện thấy sau mới so sánh biết.

Lại nếu có chỗ thường, có đâu người trí diệt tất cả pháp để cầu giải thoát? Ai không muốn cùng người mình yêu thường ở cùng nhau chung hưởng khoái lạc? Mà thật người trí đều cầu giải thoát. Cho nên biết sinh pháp không thường còn được.

Lại còn phải nói tất cả sinh pháp đều niệm niệm diệt, còn không tạm ngừng huống chi thường còn được.

Hỏi: Tu tưởng vô thường có thể làm xong việc gì?

Đáp: Có thể phá phiền não. Như trong kinh nói: Khéo tu vô thường tưởng, phá được tất cả Dục nhiễm, Sắc nhiễm và Vô sắc nhiễm, trạo, mạn, vô minh.

Hỏi: Không phải vậy. Tưởng vô thường nầy lại càng tăng tham dục, như người biết tuổi trẻ không được bao lâu, nên rất tham đắm dâm dục. Biết hoa đẹp không tươi mãi, thì gấp dùng cho bằng thích. Biết sắc đẹp kia không phải của mình thường có, thì càng mau tăng dâm dục. Như vậy tùy theo biết vô thường, mà sinh tham đắm. Cho nên tưởng vô thường không thể phá được tham dục.

Cũng có người vì biết vô thường nên mới làm việc sát hại v.v…. Và cho đến loài súc sinh đều biết vô thường, mà cũng không thể phá các phiền não. Cho nên tu tưởng vô thường không lợi ích gì cả?

Đáp: Bởi vô thường nên mới sinh khổ ly biệt, khổ vì mất tuổi xuân xanh, sự an vui, tuổi thọ và sự giàu sang. Người trí do đó không sinh tâm vui mừng. Không tâm vui mừng nên không sinh lòng tham. Bởi thụ nên ái. Thụ diệt thì ái cũng diệt theo. Cho nên biết tưởng vô thường có thể dứt tham dục.

Lại nếu pháp vô thường tức là vô ngã thì hành giả có thể quán vô thường vô ngã thì không sinh ngã tâm. Không ngã tâm nên không ngã sở. Ngã và ngã sở không có, thì tham dục cái gì?

Lại người tu tập vô thường tưởng, đối với thân mình thân người, thấy diệt chết trong từng mỗi niệm, làm sao sinh tham?

Lại hành giả sở cầu điều gì đều vô thường bại hoại, tức đã bị lừa gạt cho nên không sinh tham đắm.

Lại chúng sinh không ưa việc không bền chắc, như người không thích đồ vật hư cũ. Cũng như một cô gái biết chàng trai nào đó chỉ sống được không hơn 7 ngày nữa, thì dù là trẻ tuổi, đẹp trai, sang trọng, có thế lực, cũng chẳng ai màng đến. Người nầy chính nhờ tưởng vô thường nên không sinh tham đắm.

Lại người trí thường tập tưởng ly biệt, nên không ưa hòa hợp. Bởi vì sao? Vì người trí thường lo nghĩ cái khổ thoái lui v.v…. Cho đến dục lạc cõi trời cũng không sinh tham, chỉ cầu giải thoát.

Ông nói vô thường làm tăng thêm tham dục, điều này không đúng. Nếu người chưa dứt ngã mạn, thấy ngoại vật vô thường mới sinh buồn rầu, vì mất chỗ yêu mến tiếc thương nên sinh tham cầu. Người phàm phu nầy trừ bỏ dục lạc, lại không biết lìa khổ, giống như đứa con nít bị mẹ đánh, trở lại chui vào lòng mẹ. Người trí biết còn nhân khổ, là còn khổ không thể dứt, nên lìa bỏ nhân khổ, như 5 ấm.

Lại hành giả nầy xé rách nội ấm, được tâm vô ngã, dù mất ngoại vật không sinh buồn rầu. Người đó được vô ngã lại cầu tìm gì nữa. Người tu tưởng vô thường cũng không có gì để cầu.

Lại tưởng vô thường nầy, nếu chưa có thể sinh tưởng khổ, vô ngã, thì không gọi là đầy đủ có thể phá diệt phiền não. Nên trong kinh nói: Phải nhất tâm chính quán 5 ấm vô thường. Nếu không phá hủy nội ấm, thấy ngoại vật vô thường, vì còn có ngã tâm nên sinh buồn rầu, đó không gọi là chính quán.

Lại người tuy thấy vô thường, mà không sinh chán lìa như kẻ hàng thịt, thợ săn v.v…, tuy biết vô thường mà không gọi là người khéo tu tập.

Lại người tuy có thể chính quán mà không thể thường siêng tu tập thì lòng tham xen lẫn, nên phải nói nhất tâm.

Lại người ít tu vô thường, mà nhiều phiền não thì không thể phá diệt được, như thuốc ít mà bệnh nhiều. Điều này cũng như vậy, cho nên mới nói nhất tâm chính quán vô thường có thể phá phiền não.

Lại biết pháp vô thường, mới gọi là chân trí tuệ, trong chân trí tuệ không có tham v.v… các phiền não. Bởi vì sao? Vì nhân duyên vô minh nên có tham v.v… Phải biết vô thường không phải tăng thêm tham dục.

Lại tưởng vô thường có thể diệt tất cả phiền não. Hành giả, nếu biết vật đó vô thường thì không có tham.

Lại biết người này ắt rồi cũng sẽ chết, nổi giận làm gì. Có đâu người đại trí lại giận người sắp chết.

Lại nếu pháp vô thường, lẽ đâu lấy đó mà sinh tâm cao ngạo.

Lại biết các pháp là tính vô thường thì không sinh si. Vì không si nên cũng không nghi v.v…. Cho nên biết vô thường trái với các phiền não.

Phẩm 174: TƯỚNG CỦA KHỔ

Nếu pháp xâm hại đó gọi là khổ thì khổ nầy có 3 thứ là khổ khổ, hoại khổ, và hành khổ. Hiện tại thật khổ như là dao gậy v.v…, gọi là khổ khổ. Nếu khi tình yêu thương chia lìa sinh khổ như vợ con v.v…, gọi là hoại khổ. Nếu được trí không vô ngã, biết pháp hữu vi đều có thể xâm hại, gọi là hành khổ. Tùy khổ tâm đó gọi là khổ tưởng.

Hỏi: Nếu tu khổ tưởng được những lợi gì?

Đáp: Khổ tưởng nầy có quả chán lìa. Bởi vì sao? Vì người tu khổ tưởng không nương tham hỷ. Vì không có hỷ này nên không có ái.

Lại hành giả nếu biết được pháp đó là khổ thì không thụ các hành. Nếu pháp tuy vô thường vô ngã mà không thể sinh khổ thì quyết không bỏ. Vì khổ nên bỏ, vì bỏ khổ nên với khổ được thoát.

Lại tất cả chúng sinh chỗ rất sợ là khổ. Nếu thiếu, tráng, lão niên, hiền ngu, sang hèn biết tướng khổ nầy đều sinh chán lìa. Tất cả người tu hành đối với Nê-hoàn có thể sinh tâm yên ổn tịch diệt, đều ở trong sinh tử sinh khổ tưởng. Làm sao biết được? Vì nếu chúng sinh bị khổ hệ thuộc cõi Dục làm sao não hại, thì đối với sơ thiền sinh tưởng tịch diệt. Như vậy lần lượt cho đến bị khổ cõi Hữu Đảnh não hại, thì đối với Nê-hoàn sinh tưởng tịch diệt.

Lại trong sinh tử có bao nhiêu tội lỗi đều là khổ. Như trong kinh nói: Lỗi trong các sắc đó là tướng khổ của sắc vô thường bại hoại.

Lại bởi vô minh nên tham đắm khổ nầy. Vì sao biết được? Vì chúng sinh ở trong thật khổ mà sinh tưởng vui. Nếu sinh tưởng rất khổ thì sẽ chán lìa. Cho nên Phật nói: Ta giác ngộ được khổ nên mới nói chân lý của sự khổ. Trong đó Phật nhân thế đế mà chỉ dạy nghĩa như vậy. Tùy theo tất cả chỗ mà trời, người, thế gian sinh tưởng vui, thì đệ tử ta trong đó sinh tưởng khổ. Sinh tưởng khổ rồi mới có thể chán lìa.

Lại chỗ rất ngu si là trong khổ mà sinh tưởng vui. Vì tưởng nầy nên tất cả chúng sinh qua lại sinh tử, tâm thức não loạn. Nếu có thể tưởng khổ thì được giải thoát.

Lại vì 4 lối ăn nên khiến có thân sau. Dùng tưởng khổ này dứt được các cách ăn kia, như ăn thịt con, như ăn bò không da, như ăn đống lửa, như ăn trăm mũi giáo nhọn. Trong 4 cách ăn như vậy đều là nghĩa khổ. Nhờ tưởng khổ nầy có thể dứt các cách ăn.

Lại người tu tưởng khổ, ý không ưa trụ trong 4 thức xứ, vì đều thấy là khổ. Như con bướm si mê lao vào ngọn lửa vì tưởng là sung sướng. Người trí biết lửa có thể thiêu đốt nên tránh xa. Phàm phu cũng như vậy, vì vô minh si mê nên gieo mình thân sau vào lửa. Người trí do tưởng khổ nên có thể được giải thoát.

Lại tất cả 3 cõi đều là khổ, là nhân duyên của khổ. Trong đó khổ thụ là khổ, có thể sinh khổ thụ là nhân duyên của khổ. Tuy không khổ ngay, nhưng lâu sau chắc chắn bị khổ, cho nên phải quán thế gian tất cả đều là khổ, sinh tâm chán lìa, không thụ các pháp, thì được giải thoát.

Phẩm 175: TƯỞNG VÔ NGÃ

Hành giả thấy tất cả pháp đều là tướng phá hoại. Như chấp sắc là ngã, khi sắc đó bại hoại thì biết là tướng bại hoại, vậy thì lìa ngã tâm, thụ v.v… cũng như vậy. Như người bị nước từ trên núi cuốn trôi, chụp nắm được vật gì đều bị gãy vuột trốc đứt mất. Hành giả cũng như vậy, chấp vật làm ngã, thấy vật đó hoại thì biết ngay là vô ngã. Cho nên ở trong vô ngã, tu tưởng vô ngã.

Hỏi: Tu tưởng vô ngã được những lợi gì?

Đáp: Tu tưởng vô ngã mới có thể đủ các tưởng về khổ. Phàm phu vì tưởng ngã nên ở trong thật khổ mà không thấy được cái khổ. Dùng tưởng vô ngã nên ở trong một chút khổ cũng đã biết sự não hại của khổ.

Lại ở trong tưởng vô ngã nên có thể tu tâm xả. Bởi vì sao? Vì tưởng ngã nên lo sợ mất ngã vĩnh viễn. Nếu có thể thật biết thì chỉ mất khổ, không có ngã có thể mất thì có thể tu xả.

Lại do tưởng vô ngã nên có thể được thường lạc. Bởi vì sao? Vì tất cả vô thường, trong đó, nếu sinh tâm ngã và ngã sở, thì bảo là ngã sẽ không có, và ngã sở cũng không có, là thường có khổ. Nếu khởi nghĩ như vầy: Không có ngã và ngã sở, thì khi các pháp bại hoại không sinh đau khổ.

Lại hành giả nhờ tưởng vô ngã nên tâm được thanh tịnh. Bởi vì sao? Vì tất cả phiền não đều do ngã kiến sinh. Bởi cho rằng điều này có ích lợi cho ta, nên sinh tham dục, trái lại điều này có tổn hại cho ta, nên sinh giận dữ, vì cho đó là ngã, tức sinh kiêu mạn. Sau khi mạng ta chết sẽ làm hay không làm? Liền sinh nghi kiến. Những lỗi như vậy đều do ngã nên khởi các phiền não. Chứ dùng tưởng vô ngã thì các phiền não kia dứt. Dứt phiền não nên tâm được thanh tịnh. Tâm thanh tịnh, nên mới có thể bình đẳng với vàng đá, chiên đàn dao búa, ngợi khen mắng nhiếc, tâm lìa ghét thương, yên ổn tịch diệt. Cho nên biết người tưởng vô ngã, tâm được thanh tịnh.

Lại trừ tưởng vô ngã, không còn con đường nào khác có thể được giải thoát. Bởi vì sao? Vì người nói có ngã, nếu khi biết không ngã và không ngã sở hữu, thì khi tâm có thể quyết định như vậy, liền được giải thoát.

Hỏi: Không phải vậy. Hoặc bởi tưởng vô ngã lại sinh tâm tham, như tham nữ sắc, là vì không phải bà con với ta. Do đó tùy theo bởi không phải ngã, có thể nhóm tội phúc. Bởi vì sao? Vì tự mình làm tổn hại hay ích lợi cho bản thân, đâu có tội phúc?

Đáp: Người có ngã tâm có thể sinh tham dục. Với tự thân sinh tướng nam, với thân người kia sinh tướng nữ, rồi tham đắm.

Lại tham đắm khởi đều do giả danh. Tướng người kia tức là giả danh. Cho nên không phải vô ngã mà sinh tâm tham.

Lại người tâm vô ngã không nhóm các nghiệp. Như A-la-hán dứt ngã tưởng nên không nhóm các nghiệp. Tưởng vô ngã nầy có thể dứt tất cả phiền não và nghiệp, cho nên cần phải tu tập.