Tại Sao Hướng Đạo Rồi Mà Vẫn Còn Khổ Nạn, Bệnh Khổ?
Bảo Đăng

 

Hỏi:

Cuộc sống ngày nay quá nhiều cám dỗ của DỤC VỌNG làm cho con người trở nên quá phức tạp. Chúng tôi là một trong nhiều gia đình đã hướng về đường đạo : “ăn chay, niệm Phật, đi chùa” nhưng không hiểu sao các khổ nạn, nghiệp bệnh (tâm thần) vẫn ồ ạt kéo đến khảo đảo cho từng gia đình chúng tôi, đã, đang sống trong sợ hãi và ai oán. Xin cô cho chúng tôi lời khuyên dạy, giúp cho cuộc sống được trở lại yên bình như xưa, tu hành có kết quả tốt và được vãng sanh. 

Đáp:

Quý vị đi chùa ít nhiều cũng được nghe giảng về “THỜI MẠT PHÁP” rồi. Nghĩa là, chúng sanh chúng ta đang sống trong thời kỳ PHÁP đang diệt và “ĐẤU TRANH KIÊN CỐ”. Cho nên tất cả “DỤC VỌNG” của chúng ta rất rất lẫy lừng hơn xưa. Khó mà cứu giải cho lắm! Con người đang chạy theo nhu cầu tân tiến hiện nay, cho rằng: “Con cháu giờ thông minh, khôn lanh, giỏi hơn Ông bà, cha mẹ chúng ta khi xưa”, nên rất là hãnh diện. Nhưng có biết đâu rằng: Chúng càng thông minh, khôn lanh bao nhiêu, thì mất đi cái NHÂN, LỄ, NGHĨA, TRÍ, TÍN bấy nhiêu, mất đi cái NHÂN TÌNH và sự HIẾU KÍNH cha mẹ. Từ lúc nhỏ đã được cha mẹ cho sống theo phong trào điện tử tân tiến hiện đại, suốt ngày, tháng năm chúng đâu có nói chuyện nhiều, đâu có thường gần gũi với người lớn, hoặc được phát biểu ý kiến gì, từ từ lớn lên chúng sẽ “vô tình, vô nghĩa và thiếu ý thức”, không còn biết đến ai ngoài bản thân mà thôi, lại còn khinh chê cha mẹ là ngu dốt. Khi cha mẹ bệnh hoạn, già yếu thì chúng lại VÔ TÂM (không màng đến), không biết phải làm gì cho cha mẹ cả. Lỗi tại ai đây? 

Ngày xưa, đạo Nho dạy cho chúng ta NGŨ THƯỜNG: Bậc làm cha mẹ phải dạy con cái NHÂN, LỄ, NGHĨA, TRÍ, TÍN từ lúc còn bé, và ngay cả trong gia đình, hằng ngày chính ông bà, cha mẹ cũng phải đối với nhau y như lời dạy trên để làm gương sáng sau nầy cho con cái vậy. Thì xã hội ngày nay sẽ không lâm vào cảnh khó, khổ nạn và tâm tánh con người không còn hiền và không được “bình thường”! 

Trong đạo Phật cũng có dạy cho chúng ta thực hành NGŨ GIỚI: – Không sát sanh, Không trộm cắp, Không tà dâm, Không nói láo, Không uống rượu. 

NGŨ THƯỜNG của đạo NHO = NGŨ GIỚI của PHẬT:

1. Nhân = Không sát sanh 2. Lễ = Không tà dâm 3. Nghĩa = Không trộm cắp 4. Trí = Không uống rượu (không mê mờ tâm tánh) 5. Tín = Không nói láo 

Chúng ta đều là Phật tử, có tụng kinh Phật, có niệm Phật, trì chú, có học Phật pháp, có QUY Y TAM BẢO thì ít nhiều cũng giữ được 2, 3 giới của người phật tử tại gia. CÓ thực hành lời Phật dạy hay không? 

Nếu như có giữ giới, có thực hành lời Phật, ý Tổ muốn dạy, thì làm gì không được quý Ngài gia hộ? Trừ khi chúng ta không giữ tròn ngũ giới, không y giáo phụng hành lời Phật dạy. Thân, khẩu, ý gieo nhiều điều ác, giao kết với tổn hữu, tà sư, ác đảng, mới bị hoạn nạn, bệnh tật, khổ sầu như vậy. 

Ví dụ: Như món ăn ngon, không ăn làm sao biết mùi vị. Có đạo hay, mà không chịu học làm sao biết đạo hay của nó. Đạo Phật ta có nền giáo lý siêu việt, mà không chịu học, nên không có trí huệ để phân biệt, mới bị ngoại đạo, tà sư, ác hữu dẫn đường, chỉ lối. Nên có câu: 

Ma đưa lối, Quỷ dẫn đường, Xâm xâm tìm chốn đoạn trường mà đi! 

– Nếu có học, thì cái học của mình chưa đủ, chưa tới nơi, chưa hiểu thấu đáo.

– Nếu biết cái học của mình chưa đủ, mới xét lại mình mà tìm cầu học hỏi thêm.

– Nếu thấy sự tu tập (niệm Phật, trì chú) của mình chưa được cảm ứng chi, chưa đủ lực để phát huy, thì phải biết mình trì niệm chưa đúng cách.

– Còn khi áp dụng ra dạy đạo cho người, thì mới biết mình còn lúng túng (nên nghe kinh, khiêm hạ mà học hỏi thêm), cố gắng tu tập hơn, chứ không phải biết được chút ít giáo lý, đi chê thầy nầy, thầy kia, không nên như vậy. Là người biết đạo, có tu tập, nên: 

Làm người QUÂN TỬ, 

– Phải giữ NGŨ THƯỜNG,
– Khen người hiền,
– Tùy hỷ công đức,
– Quý người lành, chỉ dạy tận tình và làm lợi ích cho người.

Làm người TIỂU NHÂN: 

– Lòng luôn dối trá (giả),
– Thô (nói cười, cử chỉ thô)
– Bạo (bợ đỡ, hung dữ).
– Tà quấy (luôn chỉ nói lỗi của người, vạch lá tìm sâu).
– Hễ khởi ý là muốn hại người.
– Tâm tham không đáy,
– Tánh sân, ác không chừa.
– Thân thì chạy khắp Tây, Đông… (TÂM viên, Ý mã).

Tổ sư dạy: 

Nhứt nhật hành thiện, Phước tuy vị chí, Họa tự viễn hỷ.
Nhứt nhật hành ác, Họa tuy vị chí, Phước tự viễn hỷ.

Nghĩa là: 

Một ngày làm lành, Tuy phước chưa tới, Họa tự đi xa.
Một ngày làm ác, Tuy họa chưa tới, Phước tự mòn đi (đi xa mà mình không biết).

Hoặc: 

Hành thiện chi nhơn, Như xuân viên chi thảo, Bất kiến kỳ trưởng, Nhựt hữu sở tăng.
Hành ác chi nhơn, Như ma đao chi thạch. Bất kiến kỳ tổn Nhựt hữu sở khuy.

Nghĩa là: 

Người làm điều THIỆN, Như cỏ trong vườn xuân, Tuy không thấy cỏ lớn, Nhưng mỗi ngày thấy rậm rạp. (Làm thiện tuy chưa thấy gì, nhưng từ từ nó càng lớn) 
Người làm điều ÁC, Như đá mài dao, Tuy không thấy đá mòn, Càng ngày càng mỏng đi. (Làm ác tuy chưa thấy gì, nhưng phước càng ngày giảm đi).

Cho nên

Cả đời làm lành, lành còn chưa đủ, Một phút làm ác, ác đã có dư. 

Vì thế, muốn có cuộc sống YÊN BÌNH như xưa, phải y theo lời Phật dạy:

1. Phải THIỂU DỤC.
2. Phải TRI TÚC.
3. Phải XẢ BỎ.
4. Phải TÙY HỶ
5. Phải TỪ BI
6. Phải BIẾT ƠN,
7. Phải biết BÁO ƠN,
8. Phải CHÂN THẬT.
9. Phải NHẪN NHỤC.
10. Phải HIẾU THẢO
11. Phải ẨN DẬT
12. Phải SIÊNG CẦN
13. Phải TIN LỜI PHẬT DẠY
14. Phải TẬN TÂM
15. Phải TẬN LỰC
16. Phải TẬN CƯỜNG

THIỂU DỤC: là ít dục vọng, ít ham muốn. Thản nhiên không bị ngoại cảnh, vật chất, danh lợi, quyền thế làm động tâm. ĐA DỤC: là nhiều dục vọng, nhiều ham muốn, lòng tham không chán, càng có của nhiều lại càng thấy chưa đủ. Ngày đêm cân lường kiếm đủ cách, đủ thủ đoạn (hại người) để kiếm thật nhiều tiền của.

TRI TÚC: là BIẾT ĐỦ. Biết được tài sức của mình, biết được giá trị của cuộc sống, được bấy nhiêu là đủ rồi, không cần phải quá sức để làm việc, chứ không phải “lười biếng” không muốn làm gì hết.

Phật dạy:

1. Người ĐA DỤC vì cầu lợi nhiều nên khổ não cũng nhiều;

2. Người THIỂU DỤC không mong cầu, không ham muốn thì không khổ não.

3. Người tu hạnh Thiểu dục còn phải tu tập, huống gì là Thiểu dục để sanh ra các công đức?

4. Người Thiểu Dục, thì không dua nịnh để vừa ý người, cũng không bị các căn dẫn dắt.

5. Người tu hạnh Thiểu Dục, tâm được thản nhiên không lo sợ, luôn gặp việc có dư, miếng ăn, y phục, vật dùng luôn dư thừa, không thiếu thốn.

6. Người có Thiểu Dục, thì có Niết Bàn. Ấy là công đức Thiểu Dục vậy. 

Muốn khỏi các khổ não, phải quán TRI TÚC, vì pháp Tri Túc, tức là chỗ giàu có, vui vẻ và an ổn.

1. Người Tri Túc, tuy nằm dưới đất cũng được an vui;

2. Người không Tri Túc, dầu ở Thiên đường cũng không vừa ý.

3. Người không Tri Túc, tuy giàu mà nghèo, người biết tri túc tuy nghèo mà giàu.

4. Người không Tri túc, thường bị NGŨ DỤC sai khiến, bị người Tri Túc thương xót. 

Ấy là công đức TRI TÚC. 

Người Tu hành, phải “Ít muốn và Biết đủ”. Có ít muốn và biết đủ mới có thể tu tập và dứt trừ được mọi phiền não. Lòng tham muốn của con người là một cái hang sâu không đáy, nên chúng sanh chúng ta đối với NGŨ DỤC (Tài, sắc, danh, thực, thùy, và sắc, thanh, hương, vị, xúc), đòi hỏi và mong cầu không lúc nào nhàm chán cả. Được vừa ý thì vui, sướng, không được thì giận, tức, thù hận, do đó mà gây tạo ra không biết bao nhiêu điều tội lỗi như: 

“Giết hại, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ”.vv….để rồi: 

KẾT QUẢ, gặp toàn những cảnh khổ, hoạn nạn kéo đến liên tu bất tận, gia đình bất an, bệnh tật, ngày đêm sống trong sự buồn tủi. vv… 

Muốn được THIỂU DỤC, chúng ta học đạo cần phải học cái pháp TRI TÚC. Có Tri Túc chúng ta mới thấy nhẹ nhàng, sung sướng; mới không bứt rứt trong lúc thất thời, mới không kiêu hãnh trong khi đắc thế, mới không còn thấy thiếu thốn một thứ gì. Nếu không Tri Túc thì dù sống trong địa vị nào cũng thấy khổ sở, cũng thấy chán nản, buồn giận. 

Như câu chuyện như sau : Một Ông vua Ả-Rập giàu có, khỏe mạnh ở ngôi vị Chí Tôn mà luôn luôn thấy mình khổ sở, buồn chán, không việc gì làm cho ông vui sướng cả. Vua hỏi tất cả quần thần trong cung, “Làm thế nào cho ngài được sung sướng” ? Mỗi người bày ra một cách, song khi thi hành, vua đều không thấy kết quả gì. 

Sau đó có một đạo sĩ đến nói rằng: 

“Nếu mượn được cái áo lót mình của người “sung sướng” mặc vào thì sẽ thấy sướng ngay tức khắc”. 

Nghe vậy, vua liền hạ lệnh điều tra khắp trong nước, nhưng từ quan Tể tướng cho đến người dân thường, ai ai cũng phàn nàn kêu khổ hết cả. Một hôm vua vào rừng săn bắn, chợt nghe ở trong túp lều cỏ có tiếng kêu: 

“Chà! Như mình đây thật là sướng tuyệt trần đời !” 

Vua vội sai lính thị vệ gọi người ấy ra thì là một bác tiều phu, vua hỏi mượn áo lót mình, bác tâu rằng: “ Suốt đời tôi chỉ mặc có một manh khố rách”

Tóm lại, Người tu tập, muốn được yên bình, khỏe mạnh, tâm thể an nhiên, phải biết TRI TÚC. Chẳng những được sự an ổn, sung sướng, tự mình có thể giải thoát được mọi thứ phiền não, khổ đau và còn có thể cứu độ được người khác khỏi điều đau khổ. 

Vì thế, Đức Phật thường đem pháp TRI TÚC dạy cho chúng đệ tử của Ngài:

– “Người xuất gia tu hành, phải biết Tri Túc, một chén cơm, một bầu nước, cũng thấy sung sướng lắm rồi. Vậy nên, người tu hành học Phật luôn luôn phải nhớ nghĩ pháp TRI TÚC; nếu không Tri túc sẽ bị Ngũ Dục khuấy nhiễu, chẳng những không thể học Đạo, thành Phật, mà còn phải bị trầm luân trong sanh tử, trong 6 nẻo, mai một chí xuất gia của mình.

1. Người xuất gia mong cầu sự “giải thoát”, chứ không mong cầu “Ngũ Dục, Lục Trần”, bắt buộc phải tu tập pháp THIỂU DỤC để lần lần đến chỗ TUYỆT DỤC. Thiểu Dục không phải chỉ đối với ÁI DỤC không thôi đâu, mà đối với 5 thứ dục đều nên chán bỏ.

2. Người xuất gia “ÍT” tham muốn, để trở thành một vị CHÂN SƯ.

3. Người xuất gia “KHÔNG” tham muốn, sẽ trở thành một vị PHẬT. Nói một cách khác: 

Vị tu hành nào mà “có tâm” ÍT THAM MUỐN, vị sư đó mới đủ tư cách dẫn dắt “tín đồ”. Vị nào “Có tâm” KHÔNG THAM MUỐN, vị PHẬT đó mới có đầy đủ công đức độ tận chúng sanh. 

Vì thế, người tu đạo phải biết kiểm soát cái TÂM của mình cho kỹ, đừng buông lung để nó chạy theo DỤC VỌNG của đời. Sẽ giết chết cái thân HUỆ MẠNG của mình lúc nào không hay biết, lấp đi con đường về cõi PHẬT, mà bị đọa lạc trong 3 ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh). 

Cho nên, điều đáng sợ nhất trên cõi đời nầy là DỤC VỌNG. Xin kể ra đây một câu chuyện như sau: Có một họa sĩ rất nổi tiếng, ông muốn vẽ hình PHẬT và MA, nhưng không tìm được người làm mẫu nào phù hợp, vì đầu óc ông không tài nào tưởng tượng ra nổi hình dáng của PHẬT, nên rất lo lắng. Trong một lần tình cờ, ông lên chùa bái lạy, vô tình nhìn thấy một hòa thượng. Khí chất trên vị hòa thượng nầy đã thu hút người họa sĩ sâu sắc. Vậy là ông liền đi tìm vị hòa thượng đó, hứa cho hòa thượng một số tiền lớn để làm người mẫu cho ông. 

Về sau, tác phẩm của họa sĩ đã hoàn thành, gây chấn động ở vùng đó. Nhà họa sĩ nói: “Đó là bức tranh vừa ý nhất mà tôi chưa từng vẽ qua, bởi người làm mẫu cho tôi, kết quả là, khiến người ta vừa nhìn thấy nhất định cho rằng anh ta chính là PHẬT, loại khí chất thanh thoát, an lành trên người anh có thể cảm động bất kì ai”. 

Người họa sĩ sau đó đã cho vị hòa thượng rất nhiều tiền như lời đã hứa. Cũng nhờ bức tranh nầy, mọi người không còn gọi ông là họa sĩ nữa, mà gọi ông là “họa thánh”. 

Bẵng đi một thời gian, họa sĩ chuẩn bị bắt tay vào việc vẽ MA. Nhưng điều này lại trở thành một vấn đề khó của ông. Vì chẳng biết tìm hình tượng ma quỷ ở đâu. Ông đã hỏi thăm rất nhiều nơi, tìm rất nhiều người bên ngoài có vẻ hung dữ, nhưng không ai vừa ý cả. Cuối cùng, ông tìm được trong nhà tù, một tù nhân rất phù hợp với đối tượng ông cần vẽ. Họa sĩ vô cùng mững rỡ, nhưng khi ông đối diện phạm nhân đó, người nầy đột nhiên khóc lớn, đau khổ trước mặt ông. 

Nhà họa sĩ rất lấy làm kinh ngạc, liền hỏi rõ ngọn ngành. Người phạm nhân đó nói: “Tại sao lần trước khi người mà ông tìm để vẽ PHẬT là tôi, bây giờ khi vẽ Ma, Quỷ, người ông tìm đến cũng chính là tôi”!. 

Người họa sĩ giật cả mình, thế là ông lại nhìn kỹ người phạm nhân đó, rồi nói: “Sao lại có thể chứ? người mà tôi tìm để vẽ PHẬT ấy, khí chất phi phàm, còn cậu xem ra chính là một hình tượng ma quỷ thuần túy, sao lại có thể là cùng một người được? 

Điều này thật kì lạ, quả thật khiến người ta không thể nào lý giải được”. Người kia đau khổ bi ai nói: 

“Chính những đống tiền của ông đã khiến tôi từ PHẬT biến thành MA QUỶ”. Họa sĩ nói : “Sao cậu lại nói như vậy, tôi vốn đâu có làm gì đối với cậu đâu”. Người đó nói: “Kể từ sau khi tôi nhận được số tiền lớn ông cho, không biết phải làm gì, tôi liền đi đến những chốn ăn chơi đàng điếm để tìm thú vui, mặc sức tiêu xài. Đến sau này, tiền tiêu sạch hết, mà tôi lại đã quen với cuộc sống đó rồi, dục vọng đã khởi phát mà không thể thu hồi lại được. Thế là tôi phải giật tiền người ta, còn mang tội giết hại người nữa, chỉ cần có được tiền, chuyện xấu ác gì tôi cũng có thể làm, kết quả đã thành ra bộ dạng này của ngày hôm nay đây”. Người họa sĩ nghe xong những lời này, cảm khái vạn phần, ông sợ hãi than rằng: 

“Bản tính con người trước DỤC VỌNG lại biến đổi mau chóng đến thế. Con người chính là yếu nhược của DỤC VỌNG như vậy đó”. 

Thế là ông áy náy quăng cây bút vẽ xuống đất, từ đó về sau không còn vẽ bức tranh nào nữa, ông bỏ hẳn nghề vẽ luôn. 

Con người ta, một khi rơi vào trong cậm bẫy “theo đuổi ham muốn tiền của, vật chất, danh lợi, quyền thế, tài sắc và tình dục”, thì rất dễ đánh mất tánh bổn thiện của con người, biến thành tâm quỷ hoặc tâm súc sanh, muốn thoát ra khỏi đã trở thành mục tiêu rất khó khăn, vậy nên bản tánh “thiện” của con người không thể đi cùng với lòng “tham dục”. 

Cho nên, muốn có được cuộc sống yên bình, tâm thể an nhiên, hạnh phúc, phải biết “an phận”, hạnh phúc những gì mình đang có trong tay. Không “tham cầu”, không dùng “thủ đoạn” hại người để mong cầu lợi dưỡng. Tất cả sự “giàu nghèo, sang hèn, đẹp xấu, tài trí, ngu si, bệnh tật” ở kiếp nầy đều do cái “NHÂN” thiện hoặc ác đã gieo trồng trong quá khứ mà chiêu cảm lấy cái “QUẢ” (tốt hoặc xấu) ở kiếp nầy vậy. 

Trong kinh Phật dạy: 

Muốn biết NHÂN kiếp trước, Hãy xem QUẢ trả đời nầy. Muốn biết quả kiếp sau, Hãy xem NHÂN (gieo) hiện tại. Nghĩa là: Muốn biết cái NHÂN đã gieo (thiện hay ác) trong kiếp trước, hãy kiểm cái phước duyên có được ở đời nầy. Muốn biết cái QUẢ (tốt hoặc xấu) trong tương lai (kiếp sau), hãy xem cái NHÂN (hành động từ nơi thân, khẩu, ý thiện nhiều hay ác nhiều, có tu hành gì không, có bố thí cúng dường không, có hiếu thảo, kính dưỡng cha mẹ không) ở kiếp nầy. 

Gieo NHÂN nào thì hái QUẢ đó, không sai. Tất cả đều do cái tâm THIỆN hoặc ÁC, lòng “tham dục” nhiều hoặc ít mà chiêu cảm ra hết. 

Theo luật Nhân Quả, chúng sanh tùy nơi “nghiệp thiện ác” mà luân hồi trong 6 nẻo. 

Vĩnh Gia đại sư dạy rằng: 

– Tâm nóng giận, tà dâm, độc ác là nghiệp ĐỊA NGỤC.

– Tâm tham lam, bỏn xẻn là nghiệp NGẠ QUỶ.

– Tâm ngã mạn, cống cao là nghiệp A-TU-LA.

– Giữ tròn 5 giới (sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói láo, uống rượu) không phạm là nghiệp NGƯỜI.

– Tinh tấn tu 10 điều thiện (thân 3, khẩu 4, ý 3) là nghiệp TRỜI.

– Chứng ngộ nhơn không là nghiệp THANH VĂN.

– Rõ pháp nhân duyên là nghiệp DUYÊN GIÁC.

– Tu hành 6 độ là nghiệp BỒ TÁT.

– Lòng chân từ bình đẳng là nghiệp PHẬT.

– Nếu tâm trong sạch, thì sẽ hóa sanh về Tịnh độ, ở nơi bảo các, hương đài.

– Tâm dơ nhiễm, thì gởi chất nơi uế bang, ở cõi núi gò, hầm hố. Muôn cảnh “tốt xấu, siêu đọa” đều do TÂM tạo, lìa nguồn tâm ra không có hình thể chi. Vậy muốn hưởng quả lành, phải tu nhân tịnh hạnh, xa lìa NGŨ DỤC. Cho nên, PHÀM LÀM VIỆC GÌ CŨNG PHẢI LUÔN NGHĨ ĐẾN CÁI HẬU QUẢ CỦA NÓ TRƯỚC. 

Những lời dạy của Vĩnh Gia Đại sư trên đây, tuy vắn tắt, nhưng đã thuyết minh lý luân hồi trong 6 nẻo và đề cập rõ ràng NHÂN QUẢ của 10 pháp giới. 

Tổ sư dạy rằng: BỒ TÁT “SỢ” NHÂN, CHÚNG SANH “SỢ” QUẢ. Bởi vì, Bồ Tát sợ NHÂN cho nên không dám gieo NHÂN (ác), Chúng sanh không sợ NHÂN (ác), nên gieo nhân ác thả cửa. Khi cái QUẢ (ác) tới rồi, thì phải đối đầu với nhiều khổ nạn. 

Điều đáng sợ nhất trên cõi đời nầy, chính là DỤC VỌNG. Dục vọng của người càng nhiều, thì sẽ càng không thỏa mãn, vậy nên sẽ càng không vui vẻ, và phiền não vì thế sẽ càng nhiều hơn. 

Tóm lại, tất cả những sự vui buồn sướng khổ, hoạn nạn mang đến cho mình đều phát nguồn từ nơi:

4. TÂM (thiện hoặc ác), 5. TÂM (chánh hoặc tà), 6. TÂM (chấp hoặc xả) 7. TÂM (Đa dục hoặc thiểu dục) 8. TÂM (tham cầu hoặc biết đủ).vv…. Kết lại, 

Tất cả loài có tánh linh như loài người, loài thú từ khi sanh ra đã mang theo tất cả những phước lộc, nghiệp thiện hoặc ác đã gây tạo từ vô lượng kiếp về trước. Không phải chỉ theo một kiếp nầy mà mỗi mỗi kiếp sanh ra nó đã “dính” theo ta như bóng với hình rồi vậy. 

Tùy theo nghiệp nhân lành dữ sai khác, nên con người có thân tướng cao thấp, xấu đẹp, bệnh tật, vui khổ, trí huệ hoặc ngu si, u ám đều khác nhau. Ngay chính anh chị em ruột thịt cùng cha mẹ mà “Phước Trí” của họ cũng không ai giống ai cả. 

Cho nên, Trong 6 nẻo luân hồi, chúng sanh chết nơi đây rồi đầu thai qua nơi kia, nay ở cõi nầy chết thác sanh qua cõi khác, kiếp nầy may mắn được làm người mà không trân quý, không trui rèn để trở thành bậc THÁNH NHÂN, thành TỔ, thành PHẬT, mà lại làm những điều gian ác, nên đánh mất thân NGƯỜI phải chuyển qua thân THÚ. 

– Quá khứ nếu đã gieo NHÂN thiện nhiều, sẽ được đầu thai vào chỗ cao quý, thân tướng xinh đẹp, phước lộc dư thừa. – Nếu gieo Nhân xấu ác hại người (nặng nhẹ khác nhau) mà thác sanh vào nhà bần cùng, mang thân tướng xấu xí, bệnh tật, ngu si ám độn. – Nếu gieo Nhân ác nặng hơn sẽ thác sanh vào các loài súc sanh hữu tình như loài:

Thai sanh: Voi, ngựa, trâu, bò, dê, heo, lừa, chó, mèo, chuột…

Noãn sanh từ nơi trứng mà sanh ra: Ngỗng, vịt, gà, chim, công…

Thấp sanh từ nơi chỗ ẩm ướt mà sanh ra: Côn trùng, muỗi, đỉa…

Hóa sanh (loài có hình tướng) là loại bỏ bản chất cũ mà sinh ra hình chất mới như: Bông lúa hóa sâu, gạo hóa mọt, cỏ mục hóa đom đóm…

Hóa sanh (loài không có hình tướng) cũng là chúng hữu tình chẳng nương nơi nào, từ nơi không mà bổng hiện ra đủ thân mình như chư thiên, ma, quỷ, thần, phi nhân…vv. 

Tất cả chúng sanh kể trên đều từ nơi NGHIỆP THIỆN hoặc ÁC chiêu cảm mà sanh ra hết cả. Vì thế, hễ gieo Nhân ác nhiều, thì OAN GIA kéo đến đòi nợ máu càng nhiều, NGIỆP LỰC dẫn đường, chỉ lối suốt một đời người sống trên dương thế. 

Nếu biết tu tập theo Phật pháp, biết SÁM HỐI mỗi ngày, trì chú DIỆT TỘI, NIỆM PHẬT và làm tất cả điều thiện, bố thí, cúng dường, dẫn dắt người tu theo chánh pháp, cứu giúp người hoạn nạn, cô thân, cô thế. Thì dù cho nghiệp nặng cũng chuyển thành nhẹ, nghiệp nhẹ thì sẽ được dứt trừ. 

Cho nên, nhìn cái QUẢ hiện tại chúng ta đang có, đang hưởng (phước lộc) và đang trả (nợ chồng, vợ, thê thiếp, nợ con cái, nợ bạn bè), sẽ biết ngay cái NHÂN ta gieo kiếp xưa hiền hay dữ.