Đụng Vào Người Mới Chết Trước 4 Tiếng Có Tội Hay Không?
Bảo Đăng

 

Hỏi:

Thưa Cô, 

Em được biết khi người mới chết phải chờ từ 4 tiếng cho tới 8 hoặc 10 tiếng mới được đụng vào xác. Trước kia em không hiểu luật nầy, nên đã đụng đến nhiều thân thể của người mới mất để làm những thủ tục cần thiết trong nhà thương, là việc làm của em hằng ngày. Vậy em có bị mang tội với Họ (người chết) không Cô?

Đáp:

Nam mô A-DI-ĐÀ PHẬT, 

Trong kinh dạy về “giới luật” có nói: – “Tội hay không tội đều là do nơi “TÁC Ý” (khởi ý) của mình”. 

Vậy thì trong thời gian cô làm y-tá…việc tắm rửa, lau mình, thay quần áo, gở răng giả, gở băng keo cột đầu, cột miệng, rút những giây ống từ trong bụng ra khỏi miệng của người mất đó. Vv….. 

Vì: Cô không biết và không cố ý xúc-não đến người quá vãng, mà chỉ:

– Làm theo phận sự của mình.

– Không có tác ý làm cho “thần thức” của họ bị đọa vì sân hận (mà đọa hay không đọa là do NHÂN QUẢ (thiện ác, nghiệp lực của họ xui-khiến và dẫn đường mà thôi).

– Có biết bao nhiêu người sắp chết, mới chết mà được gặp “minh sư, thiện hữu” đến Hộ niệm? – Khi sống chỉ biết chạy theo DỤC VỌNG, có người thích tu theo tà đạo, tâm tánh hung dữ, tranh chấp, không tin NHÂN QUẢ.vv… Cho nên, khi chết sẽ bị NGHIỆP CHƯỚNG (ngăn cản), khiến không có người đến hộ niệm, không gặp người hiểu đạo và biết phương cách HỘ NIỆM đúng pháp. Nên hầu hết đều do “nghiệp lực” mà siêu hay đọa trong 6 nẻo luân hồi, nhất là 3 nẻo ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh). Cho nên, không phải lỗi của cô, cô không bị tội chi hết. 

Câu cô lo lắng nữa là : -“Trong giáo lý của Phật” thì việc làm ấy dù là cố-ý hay vô-tình cũng vẫn có tội”? 

Câu nói nầy nếu đem so với lời dạy “tác ý” hay “không tác ý” trên thì không đúng. Vậy cô nên tự xét lại “tâm của mình” trong khi làm các việc ấy, cô có: 

– Tác ý xúc-não người mới mất, hay không tác ý xúc-não (làm thương tổn) người mất hay không? 

Thì cô sẽ biết mình có “tội hay không có tội” ngay. Nhưng theo lời trong thư cô nói thì Bảo Đăng cả quyết rằng: Cô không có tội! 

Từ xưa tới nay, chiếu theo luật NHÂN QUẢ mà hiểu rằng: Nhân Quả là một định luật rất công bằng cho xã hội, một lợi ích lớn lao cho thế gian, một ĐẠO ĐỨC sâu sắc, mầu nhiệm cho con người…chúng ta sẽ thấy rõ ràng đời sống của mình có hạnh phúc hay đau khổ, có tội hay không có tội đều do ở nơi TÂM và Ý của mình tạo nên hết cả. 

NHÂN đâu thì QUẢ đó, hễ gây tạo Nhân gì thì lãnh lấy Quả đó không sai, phải chịu lấy trách nhiệm và hành động (thiện hay ác) của mình gây tạo. Không phải thần linh nào khác đã qui định thưởng phạt kiếp sống của con người, mà chính con người muốn làm chủ đời sống hay mất quyền làm chủ, mình muốn khổ hay muốn vui, muốn giàu hay muốn nghèo, muốn siêu thăng hay muốn đọa lạc là hoàn toàn do mình quyết định, không có ai khác. 

Cho nên, phải cẩn thận giữ gìn mọi hành động về THÂN, KHẨU, Ý cho rõ ràng, TÁC Ý cho chánh trực, lấy đó làm kim chỉ nam để rèn luyện cho mình tạo một đời sống đúng nghĩa, lợi mình, lợi người, và đầy đủ chơn hạnh phúc, tu hành thì sợ gì không gặp được Phật ư!