PHÁP HOA TAM-MUỘI SÁM NGHI

SỐ 1941

MỘT QUYỂN 

Sa-môn Trí Khải ở chùa Ngõa Quan đời Tùy soạn.

1/ NÓI HAI MƯƠI MỐT NGÀY KHUYÊN TU SÁM PHÁP PHÁP HOA

Sau khi Như Lai diệt độ khoảng năm trăm năm ở đời ác trược, các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di người tụng kinh Đại thừa, người muốn tu hạnh Đại thừa, muốn phát tâm Đại thừa, hoặc muốn thấy sắc thân Bồ-tát Phổ Hiền, hoặc muốn thấy Phật Thích-ca Mâu-ni, Tháp Phật Đa Bảo, phân thân Chư Phật và Chư Phật mười phương, hoặc muốn được sáu căn tu tập, vào cảnh giới Phật, thông đạt vô ngại. Muốn được nghe các điều mà Chư Phật mười phương nói, trong một niệm đều có thể thọ trì thông suốt không quên, mà giải thích giảng nói không chướng ngại. Có người muốn làm bạn thân với Văn-thù-sư-lợi, Phổ Hiền và các Đại Bồ-tát, hoặc muốn hiện khắp sắc thân, trong một niệm chẳng khởi diệt định, đến khắp tất cả cõi Phật mười phương để cúng dường tất cả Chư Phật. Hoặc muốn được trong một niệm đến khắp tất cả cõi Phật mười phương hiện các thứ thân, hiện các thứ thần biến, phát ra ánh sáng rực rỡ nói pháp độ thoát tất cả chúng sinh vào Nhất thừa không thể nghì bàn. Hoặc muốn được bốn ma, thanh tịnh tất cả phiền não, diệt tất cả tội chướng đạo, hiện thân vào chánh vị Bồ-tát, đủ tất cả công đức tự tại của Chư Phật thì trước phải ở chỗ yên vắng hai mươi mốt ngày nhất tâm tinh tấn nhập vào Tam-muội Pháp Hoa. Nếu có người hiện thân phạm năm tội nghịch, bốn tội trọng và các pháp Tỳ-kheo mà muốn được thanh tịnh đầy đủ luật nghi Sa-môn, được các thứ công đức cao quý như đã nói trên, cũng trong hai mươi mốt ngày phải nhất tâm tinh tấn tu Tam-muội Pháp Hoa, vì sao? Vì kinh Pháp Hoa này là kho bí mật của các Như Lai, cao quý nhất trong các kinh, hành đạo đại thừa không hề trở ngại. Như hạt ngọc quý trong búi tóc của vua Chuyển Luân không cho người bừa bãi. Nếu ai được thì tùy ý mong cầu các thứ châu báu thảy đều đầy đủ. Tam-muội Pháp Hoa cũng giống như thế, đem đến cho tất cả chúng sinh châu báu Phật pháp. Cho nên người tu hạnh Bồ-tát không được tiếc thân mạng tận đời vị lai mà tu hành kinh này huống chi là hai mươi mốt ngày ư? Hỏi: Phật đạo lâu xa tu hai mươi mốt ngày thì có ích gì. Đáp: Có ba lợi ích ở sau sẽ nói.

2/ NÓI VỀ PHƯƠNG TIỆN TRƯỚC CỦA HÀNH PHÁP HAI MƯƠI MỐT NGÀY:

(Dạy người mới tu là pháp này. Dạy người tu lâu thì phải y theo phẩm An Lạc Hạnh).

Tất cả thực hành pháp sám hối đều phải dùng phương tiện trước. Vì sao? Vì nếu trước chẳng trang nghiêm thanh tịnh thân tâm sau đó vào đạo tràng thì đạo tâm chẳng phát, làm chẳng đúng pháp mà không được cảm ứng. Cho nên trước khi chánh sám trong bảy ngày trước phải điều phục tâm mình, dứt hết các duyên sự, cúng dường Tam bảo, trang nghiêm đạo tràng, mặc y phục sạch đẹp, nhất tâm buộc niệm. Tự nhớ thân này từ đời quá khứ đến nay đã gây ra các nghiệp ác nên sinh tâm hổ thẹn hết lòng lễ Phật sám hối, hành đạo, tụng kinh, ngồi thiền quán hạnh, phát nguyện chuyên tinh, vì khiến chánh hạnh Tam-muội thân tâm thanh tịnh không chướng ngại, điều tâm mong cầu đều được kết quả. (Cũng tụng các văn sám hối ở sau cho thông suốt).

3/ NÓI PHƯƠNG PHÁP VÀO ĐẠO TRÀNG NHẤT TÂM TINH TẤN TU HÀNH HAI MƯƠI MỐT NGÀY:

Người mới tu, khi muốn vào đạo tràng phải tự an tâm mình: Con từ hôm nay cho đến hết hai mươi mốt ngày, trong thời gian đó theo đúng lời Phật dạy một lòng tinh tấn. Vì sao? Vì nếu tâm khác niệm liền lẫn lộn các phiền não gọi là chẳng thanh tịnh. Tâm chẳng thanh tịnh thì đâu được tương ưng với Tam-muội chánh đạo. Cho nên phải tự răn nhắc tâm mình không tiếc thân mạng, nhất tâm tinh tấn đủ hai mươi mốt ngày. Hỏi: Tâm chúng sinh thường theo sự lạ duyên khác, làm sao có thể nhất tâm tinh tấn? Đáp: Có hai thứ tu nhất tâm: Một là đối với sự mà tu nhất tâm, hai là đối với lý mà tu nhất tâm. Một là trong sự tu nhất tâm, là như người tu khi mới vào đạo tràng liền nghĩ rằng: nay con trong hai mươi mốt ngày, hoặc khi lễ Phật phải nhất tâm lễ Phật, chẳng có duyên khác. Cho đến khi sám hối, hành đạo, tụng kinh, ngồi thiền, v.v… đều nhất tâm, đối với hành pháp không phân tán. Như thế trải qua hai mươi mốt ngày. Ấy gọi là đối với sự mà tu nhất tâm tinh tấn; Hai là đối với lý tu nhất tâm tinh tấn, là người tu khi mới vào đạo tràng phải nghĩ rằng: Con từ hôm nay cho đến hai mươi mốt ngày, trong thời gian ấy, nếu có các việc làm thường tự biết rõ, tâm có làm việc gì thì tâm tánh chẳng hai. Vì sao? Vì như khi lễ Phật thì tâm tánh chẳng sinh chẳng diệt, như thế khi quán thì thấy tất cả tâm đều là một tâm, vì tâm tánh từ xưa đến nay đều luôn một tướng. Người tu hãy quán như thế, ngược lại với nguồn tâm, tâm tâm nối tiếp liên tục, trọn hai mươi mốt ngày chẳng được tướng tâm. Đó gọi là đối với lý mà tu nhất tâm tinh tấn.

4/ NÓI VỀ PHƯƠNG PHÁP VÀO ĐẠO CHÁNH TU HÀNH:

Người mới tu khi vào đạo tràng phải có đủ mười pháp: Một là trang nghiêm thanh tịnh đạo tràng; hai là thanh tịnh thân mình; ba là ba nghiệp cúng dường; bốn là kính thỉnh Tam bảo; năm là khen ngợi Tam bảo; sáu là lễ Phật; bảy là sám hối; tám là hành đạo đi nhiễu; chín là tụng kinh Pháp Hoa; mười là suy nghĩ cảnh giới nhất thật. Người tu trong hai mươi mốt ngày, đêm ngày sáu thời, khi vào đạo tràng trong lúc đầu đều phải tu đủ mười pháp này. Về sau, trong mỗi sáu thời thì lược bỏ bớt pháp thỉnh Phật, còn chín pháp kia thì đều làm đủ không khác.

1- Người tu trang nghiêm thanh tịnh đạo tràng:

Phải ở chỗ yên lặng, chọn riêng một ngôi thất để làm đạo tràng có tường rào ngăn cách riêng một nơi. Trong đạo tràng, bày một tòa cao, đặt trên đó một bộ kinh Pháp Hoa, không cần để hình tượng xá-lợi hoặc các kinh khác. Chỉ để một bộ kinh Pháp Hoa mà treo phướn lọng và bày các đồ cúng dường. Ngày vào đạo tràng, buổi sáng sớm phải quét sạch đất, nước thơm tưới rải, bùn thơm trét đất, đốt các thứ đèn dầu thơm, rải các thứ hoa và đốt các hương thơm quý cúng dường Tam bảo. Tùy khả năng mình mà làm các thứ, hết lòng hết ý khiến thật trang nghiêm thanh tịnh. Vì sao? Vì người tu trong tâm kính trọng Tam bảo, vượt ngoài ba cõi khiến muốn thỉnh cúng dường, há lại xem thường? Nếu chẳng nhổ mình ra khỏi tiền của để cúng dường Đại thừa thì chẳng bao giờ mời thỉnh được các Hiền thánh cảm ứng, mà tội nặng chẳng hết, thì Tam-muội do đâu mà phát.

2- Người tu thanh tịnh thân mình:

Khi mới vào đạo tràng phải dùng nước thơm tắm gội, mặc y phục mới sạch, như Đại y và các y mới nhuộm, nếu không có thì phải lấy y áo tốt nhất của mình để làm y áo vào đạo tràng. Sau đó, khi ra khỏi đạo tràng, hoặc đến nơi bất tịnh (đi vệ sinh, v.v…) thì phải cởi tịnh y ra, mà mặc có cũ. Việc làm xong rồi thì phải tắm gội sạch sẽ mới mặc tịnh y vào đạo tràng hành đạo.

3- Người tu ba nghiệp cúng dường:

(Đến trước pháp tòa trải ni-sư-đàn chánh thân quán tưởng thương xót các chúng sinh đều muốn độ thoát, lại khởi tâm cung kính quán tưởng Tam bảo đầy khắp hư không, rải hoa đốt hương thơm quý, miệng đọc lớn rằng):

Tất cả cung kính nhất tâm đảnh lễ mười phương Thường Trụ Phật (một lạy).

– Nhất tâm kính lễ mười phương Thường Trụ Pháp (một lạy) – Nhất tâm kính lễ mười phương Thường Trụ Tăng (một lạy).

– Quì xuống dâng hương, đọc lớn:

–  Nay con dâng hoa này đúng như pháp cúng dường, nguyện mây hương hoa này trùm khắp cõi mười phương, cúng dường Phật và kinh pháp, cùng chúng Bồ-tát Thanh văn Duyên giác và tất cả thiên tiên, thọ dụng làm Phật sự (tưởng hương hoa thành hương quý hoa đẹp cùng khắp mười phương, cúng dường Chư Phật và Thánh chúng, tưởng trước Chư Phật đều có thân mình quì lạy cúng dường và tưởng các chúng sinh đều phát tâm Bồ-đề cúng dường). Đọc lớn: Cúng dường đã xong, tất cả đều cung kính.

4. Người tu thỉnh Tam bảo.

(Người tu chí thành đọc lớn):

  • Nhất tâm phụng thỉnh Nam-mô Thích-ca Mâu-ni Phật.
  • Nhất tâm phụng thỉnh Nam-mô quá khứ Đa Bảo Thế Tôn.
  • Nhất tâm phụng thỉnh Nam-mô Thích-ca Mâu-ni mười phương phân thân Chư Phật.
  • Nhất tâm phụng thỉnh Nam-mô tất cả Chư Phật trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
  • Nhất tâm phụng thỉnh Nam-mô mười phương tất cả Thường Trụ Phật.
  • Nhất tâm phụng thỉnh Nam-mô Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa kinh.
  • Nhất tâm phụng thỉnh Nam-mô mười phương tất cả Thường Trụ Pháp.
  • Nhất tâm phụng thỉnh Nam-mô Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát Ma-ha-tát.
  • Nhất tâm phụng thỉnh Nam-mô Di-lặc Bồ-tát Ma-ha-tát.
  • Nhất tâm phụng thỉnh Nam-mô Dược Vương Bồ-tát, Dược Thượng Bồ-tát Ma-ha-tát.
  • Nhất tâm phụng thỉnh Nam-mô Quán Thế Âm Bồ-tát, Vô Tận Ý Bồ-tát Ma-ha-tát.
  • Nhất tâm phụng thỉnh Nam-mô Diệu Âm Bồ-tát, Hoa Đức Bồtát Ma-ha-tát.
  • Nhất tâm phụng thỉnh Nam-mô Thường Tinh Tấn Bồ-tát, Đắc Đại Thế Bồ-tát Ma-ha-tát.
  • Nhất tâm phụng thỉnh Nam-mô Đại Nhạo Thuyết Bồ-tát, Trí Tích Bồ-tát Ma-ha-tát.
  • Nhất tâm phụng thỉnh Nam-mô Tú Vương Hoa Bồ-tát, Dũng Thí Bồ-tát, Trì Địa Bồ-tát Ma-ha-tát.
  • Nhất tâm phụng thỉnh Nam-mô Hạ Phương Thượng Hạnh Đẳng Vô Biên A-tăng-kỳ Bồ-tát Ma-ha-tát.
  • Nhất tâm phụng thỉnh Nam-mô Phổ Hiền Bồ-tát và tất cả các Đại Bồ-tát Ma-ha-tát trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
  • Nhất tâm phụng thỉnh Nam-mô Xá-lợi-phất và tất cả chúng Đại Thanh văn trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
  • Nhất tâm phụng thỉnh Nam-mô mười phương tất cả Thường Trụ Tăng.
  • Nhất tâm phụng thỉnh – Tất cả Trời, rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-dà, Nhân, Phi nhân, tất cả minh không và quyến thuộc trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
  • Cúi mong Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật Thế tôn, Đa Bảo Như Lai, phân thân Chư Phật, đại từ đại bi nhận con kính thỉnh đều đến đạo tràng.
  • Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát Di-lặc, các Bồ-tát Thượng Hạnh ở phương dưới.
  • Bồ-tát Phổ Hiền và tất cả các Đại Bồ-tát Ma-ha-tát trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa đại từ đại bi nhận con kính thỉnh đều đến đạo tràng.
  • Xá-lợi-phất, v.v… tất cả các Đại Thanh văn đều từ bi nhận con kính thỉnh đều đến đạo tràng.
  • Tất cả mười phương Tam bảo thương xót che chở nhận con kính thỉnh đều đến đạo tràng.
  • Tất cả tám bộ trời rồng, v.v… đều thương xót nhận con kính thỉnh đều đến đạo tràng.

Các Thánh chúng ấy nguyện đều chứng minh, hôm nay con muốn vì tất cả chúng sinh trong sáu đường ở mười phương mà tu hạnh Đại thừa vô thượng Bồ-đề, phá tất cả tội nặng chướng đạo nguyện được Tam-muội Pháp Hoa, hiện khắp sắc thân, trong một niệm cúng dường tất cả Tam bảo mười phương. Trong một niệm độ khắp tất cả chúng sinh trong sáu đường ở khắp mười phương. Khiến vào Nhất Thừa Bình Đẳng Đại Tuệ. Trong hai mươi mốt ngày nhất tâm thù thắng tu hành như kinh nói. Nguyện tất cả Chư Phật Bồ-tát, Phổ Hiền Đại sư, bổn nguyện lực nhận con sám hối. Khiến việc làm của con quyết định phá các tội chướng. Pháp môn hiện tiền như kinh đã nói.

5. Khen ngợi Tam bảo

– Đốt hương rải hoa, khen ngợi rằng:

Dung nhan rất mầu nhiệm

Ánh sáng soi mười phương

Con đã cúng dường xong

Nay lại đích thân thấy

Thánh Chủ vua trong trời

Tiếng Ca-lăng-tần-già

Thương xót các chúng sinh

Nay chúng con kính lễ.

Nguyện đem công đức khen Phật này tu hành hạnh Đại thừa vô thượng gốc lành, dâng phước cõi trên tám bộ trời rồng Đại Phạm Thiên Vương trời ba mươi ba, Diêm-la năm đường, sáu Trai tám Vương, Quỷ Vương làm bệnh và các quyến thuộc, các thổ thần kỳ trong Tăng-giàlam ủng hộ chánh pháp. Lại vì Quốc vương đế chủ, muôn dân trong cõi nước, sư tăng, cha mẹ, thiện ác tri thức, đàn-việt tạo chùa tín thí mười phương, rộng đến pháp giới chúng sinh. Nguyện nhờ gốc lành này, bình đẳng huân tu hai thứ trang nghiêm công đức trí tuệ, đồng hội vô sinh, thành Đạo chủng trí.

6. Lễ Phật

(Người tu tự biết thân tâm vắng lặng, không có tướng lễ. Thân này dầu như huyễn chẳng thật nhưng đều ở trước Chư Phật mà kính lễ).

  • Nhất tâm kính lễ Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
  • Nhất tâm kính lễ Quá Khứ Đa Bảo Phật.
  • Nhất tâm kính lễ mười phương phân thân Phật Thích-ca Mâuni.
  • Nhất tâm kính lễ Phật Thiện Đức ở phương Đông tất cả Chư Phật trong pháp giới phương Đông.
  • Nhất tâm kính lễ Phật Vô Ưu Đức, ở phương Đông Nam tất cả Chư Phật trong pháp giới ở phương Đông Nam.
  • Nhất tâm kính lễ Phật Vô Lượng Minh, ở phương Tây, tất cả Chư Phật trong pháp giới ở phương Tây.
  • Nhất tâm kính lễ Phật Hoa Đức, ở phương Tây Bắc, tất cả Chư

Phật trong pháp giới ở phương Tây Bắc.

  • Nhất tâm kính lễ Phật Tướng Đức, ở phương Bắc, tất cả Chư Phật trong pháp giới ở phương Bắc.
  • Nhất tâm kính lễ Phật ở Tam Thừa Hạnh, phương Đông Bắc tất cả Chư Phật trong pháp giới ở phương Đông Bắc.
  • Nhất tâm kính lễ Phật Quảng Chúng Đức, ở phương trên, tất cả Chư Phật trong pháp giới ở phương trên.
  • Nhất tâm kính lễ Phật Minh Đức, ở phương dưới, tất cả Chư Phật trong pháp giới ở phương dưới.
  • Nhất tâm kính lễ Chư Phật ba đời từ xưa đến nay, bảy Phật Thế tôn, ngàn Phật Hiền kiếp.
  • Nhất tâm kính lễ, hai vạn ức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, Phật Đại Thông Trí Thắng, mười sáu Vương tử Phật v.v… tất cả Chư Phật quá khứ trong kinh Pháp Hoa.
  • Nhất tâm kính lễ Phật Tịnh Hoa Tú Vương Trí, Phật Bảo Oai Đức Thượng Vương v.v… tất cả Chư Phật hiện tại trong kinh Pháp Hoa.
  • Nhất tâm kính lễ Phật Hoa Quang, Phật Cụ Túc Thiên Vạn Quang Tướng v.v… tất cả Chư Phật vị lai trong kinh Pháp Hoa.
  • Nhất tâm kính lễ mười phương xá-lợi, tôn tượng, chi-đề pháp mầu, toàn thân Tháp báu Đa Bảo Như Lai.
  • Nhất tâm kính lễ Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa kinh, mười phương tất cả tôn kinh, mười hai bộ Chân Tịnh Pháp Bảo.
  • Nhất tâm kính lễ Đại Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi, Đại Bồ-tát Dilặc.
  • Nhất tâm kính lễ Đại Bồ-tát Dược Vương, Đại Bồ-tát Dược Thượng.
  • Nhất tâm kính lễ Đại Bồ-tát Quan Thế Âm, Đại Bồ-tát Vô Tận Ý.
  • Nhất tâm kính lễ Đại Bồ-tát Diệu Âm, Đại Bồ-tát Hoa Đức.
  • Nhất tâm kính lễ Đại Bồ-tát Thường Tinh Tấn, Đại Bồ-tát Đắc Đại Thế.
  • Nhất tâm kính lễ Đại Bồ-tát Đại Nhạo Thuyết, Đại Bồ-tát Trí Tích.
  • Nhất tâm kính lễ Đại Bồ-tát Tú Vương Hoa, Đại Bồ-tát Trì Địa, Đại Bồ-tát Dõng Thí.
  • Nhất tâm kính lễ vô biên A-tăng-kỳ Đại Bồ-tát như Thượng Hạnh v.v… ở phương dưới kinh Pháp Hoa.
  • Nhất tâm kính lễ trong kinh Pháp Hoa Xá-lợi-phất v.v… tất cả các chúng Đại Thanh văn.
  • Nhất tâm kính lễ mười phương tất cả chư tôn Đại Quyền Bồ-tát, và Thanh văn Duyên giác đắc đạo Hiền thánh tăng.
  • Nhất tâm kính lễ Đại Bồ-tát Phổ Hiền (ba lần đọc tên Bồ-tát này, là Pháp Hoa Sám Hối Chủ, người tu phải quì trước Bồ-tát này mà phát lồ sám hối và phát nguyện v.v…)
  • Khắp vì bốn ân ba hữu và chúng sinh trong pháp giới, đều nguyện dứt trừ ba chướng, quy mạng sám hối.

7. Sám hối sáu căn và khuyến thỉnh tùy hỷ, hồi hướng phát nguyện.

a. Trước sám hối về mắt:

Dốc lòng sám hối, con Tỳ-kheo pháp danh… cùng tất cả pháp giới chúng sinh tứ vô lượng kiếp đến nay, mắt con do tham đắm các sắc, vì mê đắm các sắc nên tham ái các trần, vì tham ái các trần nên chịu thân nam nữ, đời đời sinh ra nơi nào cũng mê đắm các sắc. Sắc làm hư mắt con, làm tôi mọi cho ân ái, cho nên sắc khiến con trải qua ba cõi, vì tệ này khiến con mù đui không thấy, mắt bất thiện làm hại con rất nhiều. Chư Phật mười phương thường còn chẳng mất, con do mắt trược ác ngăn che nên chẳng thấy. Nay tụng kinh điển Đại thừa Phương Đẳng, hướng về Bồ-tát Phổ Hiền và tất cả Thế tôn, đốt hương dâng hoa, nói tội lỗi của mắt chẳng dám che giấu. Xin Chư Phật, Bồ-tát dùng nước pháp mắt tuệ rửa trừ cho. Do nhân duyên ấy khiến con cùng tất cả chúng sinh tất cả tội nặng do mắt gây ra đều được thanh tịnh.

b. Sám hối về tai:

Dốc lòng sám hối, con Tỳ-kheo pháp danh là cùng tất cả chúng sinh trong pháp giới từ nhiều kiếp đến nay, tai do đuổi theo tiếng ngoài. Khi nghe tiếng hay thì tâm sinh mê đắm; nghe tiếng dở thì khởi một trăm lẻ tám giặc hại phiền não. Như tai ác bị báo sự ác, thường nghe tiếng ác, sinh các duyên ác, vì nghe điên đảo nên phải đọa vào đường ác, biên địa, tà kiến chẳng nghe chánh pháp, nơi nơi mê đắm không hề tạm dừng. Vì tội của tai này khiến thần thức con phải nhọc nhằn đọa vào ba đường, Chư Phật mười phương thường nói pháp. Con bị tai ác trược che nên không nghe. Nay mới biết rõ tụng trì kho báu công đức Đại thừa, hướng về Bồ-tát Phổ Hiền và tất cả Thế tôn, đốt hương dâng hoa, nói tội lỗi của tai chẳng dám che giấu, vì nhân duyên ấn khiến con và chúng sinh trong pháp giới tất cả tội nặng của lỗ tai gây ra đều được thanh tịnh.

c. Sám hối về mũi:

Dốc lòng sám hối, con là Tỳ-kheo pháp danh… cùng tất cả chúng sinh trong pháp giới, từ vô lượng kiếp đến nay dùng mũi này ngửi các mùi thơm hoặc mùi thân nam nữ, mùi đồ ăn uống và các thứ mùi thơm, mê đắm chẳng biết, làm động các kiết sử và các giặc phiền não đang ngủ mà khởi vô lượng tội nghiệp thân này tăng trưởng. Vì tham mùi hương nên các thức phân biệt nơi nào cũng đắm nhiễm, mà rơi vào sinh tử chịu các khổ báo. Chư Phật mười phương diệu hương công đức đầy khắp pháp giới, con bị mũi ác trược che chướng nên chẳng nghe. Nay tụng diệu điển Đại thừa thanh tịnh, hướng về Bồ-tát Phổ Hiền và tất cả Thế tôn, đốt hương dâng hoa, nói tội của mũi chẳng dám che giấu vì nhân duyên ấy mà khiến con cùng tất cả chúng sinh, tất cả tội nặng của mũi gây ra đều được thanh tịnh.

d. Sám hối về lưỡi:

Dốc lòng sám hối, con là Tỳ-kheo pháp danh, v.v… cùng tất cả chúng sinh trong pháp giới từ vô số kiếp đến nay, lưỡi đã gây ra các nghiệp ác bất thiện, vì tham các mùi vị mà giết hại các chúng sinh. Phá các giới cấm buông lung chơi bời, vô lượng tội nghiệp do lưỡi gây ra. Lại vì lưỡi mà sinh khởi lỗi của miệng, như nói dối, nói hung ác, nói thêu dệt, nói hai lưỡi, chê bai Tam bảo, khen ngợi tà kiến, như lửa thâm củi. Lưỡi gây tội ác vô lượng vô biên. Vì nhân duyên đó nên phải đọa vào đường ác, trăm kiếp ngàn kiếp không có ngày ra. Pháp vị Chư Phật đầy khắp pháp giới, vì tội của lưỡi nên chẳng biết rõ. Nay tụng Bí Tạng Đại thừa của Chư Phật, hướng về Bồ-tát Phổ Hiền và tất cả Thế tôn, đốt hương dâng hoa, nói tội lỗi của lưỡi chẳng dám che giấu. Vì nhân duyên ấy khiến con cùng chúng sinh trong pháp giới tất cả tội nặng của lưỡi gây ra đều được thanh tịnh.

e. Sám hối về thân:

Dốc lòng sám hối, con là Tỳ-kheo pháp danh… cùng tất cả chúng sinh trong pháp giới từ lâu xa đến nay, thân bất thiện mê đắm các chạm xúc. Đó là thân nam nữ mềm mại trơn láng, các thú chạm xúc như thế điên đảo chẳng biết, phiền não hừng hẫy tạo ra thân nghiệp, khởi ba bất thiện là sát đạo dâm, cùng các chúng sinh kết oán thù lớn, tạo nghịch phá giới cho đến đốt phá chùa tháp, xài đồ vật của Tam bảo không biết hổ thẹn, các tội như thế vô lượng vô biên từ thân nghiệp khởi lên nói không thể hết. Tội cấu nhân duyên ở đời vị lai phải đọa địa ngục, lửa dữ hừng hẫy đốt cháy thân con, vô lượng ức kiếp phải chịu khổ não dữ dội, Chư Phật mười phương thường phát ra ánh sáng trong sạch chiếu đến thân con, thân con tội nặng che chướng nên chẳng biết, chỉ biết tham đắm các chạm xúc thô xấu, hiện chịu các khổ. Sau sẽ chịu các khổ địa ngục ngạ quỉ súc sinh. Các khổ như thế, chết ở trong đó, chẳng biết chẳng hay. Ngày nay hổ thẹn tụng trì chân thật pháp tạng Đại thừa, hướng về Bồ-tát Phổ Hiền và tất cả Thế tôn đốt hương dâng hoa, nói tội lỗi của thân không hề che giấu. Vì nhân duyên ấy khiến con cùng tất cả chúng sinh trong pháp giới tất cả tội nặng của thân đều được thanh tịnh.

f. Sám hối về ý:

Dốc lòng sám hối, con là Tỳ-kheo pháp danh… cùng tất cả chúng sinh trong pháp giới, từ vô thỉ đến nay ý bất thiện tham đắm các pháp, điên đảo ngu si chẳng hiểu, tùy cảnh được duyên mà khởi tham sân si, tà niệm như thế sinh ra tất cả tạp nghiệp. Nói về mười điều ác, năm tội nghịch cũng như khỉ vượn, cũng như keo nhựa, chỗ nào cũng tham đắm, đến khắp tất cả sáu căn, sáu căn nghiệp này nhánh lá hoa quả đều đầy khắp ba cõi hai mươi lăm hữu, tất cả chỗ sinh, cũng sinh ra vô minh già chết, mười hai khổ, tám tà tám nạn đều trải qua, vô lượng vô biên báo ác bất thiện từ ý sinh ra. Như thế ý căn tức là cội gốc tất cả sinh tử, nguồn gốc các khổ như trong kinh nói: Thích-ca Mâu-ni gọi là Tỳ-lôgiá-na cùng khắp tất cả chỗ. Phải biết tất cả các pháp đều là Phật pháp, vì vọng tưởng phân biệt nên chịu các nhiệt não. Cho nên trong Bồ-đề mà thấy chẳng thanh tịnh, ở trong giải thoát mà khởi cột trói. Nay mới giác ngộ, vô cùng hổ thẹn, vô cùng sợ hãi, tụng trì Đại thừa tu hành đúng như lời dạy. Hướng về Bồ-tát Phổ Hiền và tất cả Thế tôn, đốt hương dâng hoa nói tội lỗi của ý, phát lồ sám hối chẳng dám giấu giếm. Vì nhân duyên ấy khiến con và chúng sinh trong pháp giới, tất cả tội nặng của ý căn cho đến sáu căn khởi lên tất cả nghiệp ác, đã khởi, đang khởi và sẽ khởi ở vị lai rửa sạch sám hối, khiến rốt ráo thanh tịnh.

– Nói về khuyến thỉnh, con là Tỳ-kheo pháp danh… dốc lòng khuyến thỉnh vô lượng Phật trong pháp giới ở mười phương, cúi mong ở lâu trên đời xoay bánh xe pháp, hàm linh có tình thức trở về bản tịnh, sau Như Lai trở về thường trụ.

– Nói về tùy hỷ. Con là Tỳ-kheo pháp danh… dốc lòng tùy hỷ công đức của Chư Phật và Bồ-tát, phàm phu tịnh loạn có tướng thiện, tất cả nghiệp lậu và vô lậu, Tỳ-kheo các con đều tùy hỷ.

– Nói về hồi hướng, con là Tỳ-kheo pháp danh… dốc lòng hồi hướng tất cả thiện ba nghiệp đã tu, cúng dường Hằng sa Phật ở mười phương, hư không pháp giới hết đời vị lai, nguyện hồi hướng phước này cầu Phật đạo.

– Nói về phát nguyện: Con là Tỳ-kheo pháp danh… dốc lòng chí tâm phát nguyện, nguyện khi qua đời thần thức không tán loạn, chánh niệm vãng sinh về An dưỡng mà thờ kính Di-đà, gặp Thánh chúng tu hành mười địa, cao quý Thường vui.

8. Nói về hành đạo:

Thành kính đọc lớn:

Nam-mô mười phương Phật

Nam-mô mười phương Pháp

Nam-mô mười phương Tăng

Nam-mô Thích-ca Mâu-ni Phật

Nam-mô Đa Bảo Phật

Nam-mô phân thân của Phật Thích-ca Mâu-ni

Nam-mô Diệu Pháp Liên Hoa kinh Nam-mô Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát Nam mô Phổ Hiền Bồ-tát.

Tự quy y Phật, cầu cho chúng sinh, hiểu rõ đại đạo, phát tâm vô thượng.

Tự quy y Pháp, cầu cho chúng sinh, vào sâu kinh tạng, trí tuệ như biển.

Tự quy y Tăng, cầu cho chúng sinh, quản lý đại chúng, tất cả vô ngại. Kính lễ Thánh Chúng.

9. Lại nói về tụng kinh. Người tu đối với việc hành đạo, trước xưng niệm danh hiệu Chư Phật, Bồ-tát xong rồi thì nhất tâm chánh niệm tụng kinh Pháp Hoa. Chỉ có hai cách tụng: Tụng đầy đủ và tụng không đầy đủ: 1/ Tụng đầy đủ: Cách tu trước đã tụng một bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa thuộc lòng khiến vào đạo tràng, có thể từ thứ nhất mà tụng một, hai phẩm có thể đến một quyển. Hành đạo sắp xong liền ngưng tụng kinh, như trước mà xưng niệm danh hiệu Chư Phật và Bồ-tát, ba tự quy y xong thì trở về ngồi chỗ cũ. Nếu ý chưa muốn ngồi thiền thì lại ngồi thẳng mà tụng kinh, cũng được ít nhiều tùy tâm thêm bớt. Chỉ bốn thời ngồi thiền là không được toàn bỏ. Sự phải ngồi lâu, nếu người chẳng quen ngồi, chỉ muốn tụng kinh sám hối, thì phải ở trong đi ngồi mà tụng kinh, lâu mệt mỏi thì có thể tạm buộc niệm. Nghỉ ngơi xong lại tụng kinh cũng chẳng trái với hành pháp, nên nói chẳng nhập vào Tam-muội, chỉ tụng trì nên thấy sắc thượng diệu; hai là người tụng không đủ. Nói về người tu chưa hề tụng kinh Pháp Hoa, nay vì hành trì Tam-muội, thì phải tụng phẩm An lạc hạnh cho thật thuộc lòng. Khi đi nhiều thì tụng phẩm này một biến hoặc hai, ba biến, tùy ý nhiều ít, nếu tụng cả các phẩm khác của Pháp Hoa cũng được, nhưng chẳng được tụng các kinh khác. Tụng kinh phải cho câu văn rõ ràng như đối trước văn chẳng khác, chẳng được sai sót, kế phải tịnh tâm hiểu tánh âm thanh như tiếng vang trong hang trống. Tuy chẳng được tiếng mà tâm rõ ràng chiếu sáng các câu nghĩa, lời lẽ rõ ràng. Vận tiếng pháp này đầy khắp pháp giới để cúng dường Tam bảo thí khắp chúng sinh, khiến vào cảnh giới nhất thật Đại thừa.

10. Nói về ngồi thiền, thật tướng chánh quán:

Người tu hành đạo tụng kinh xong, phải ở chỗ cũ vào giường dây (đệm ngồi) y phục tề chỉnh ngồi ngay thẳng, nhắm mắt ngậm miệng điều hòa hơi thở, buông lỏng thân tâm mỗi mỗi như trong phương tiện trước khi ngồi thiền đã nói. Sau mới buộc niệm chánh quán phá hoại tội nghiệp. Thế nào là chánh quán, như pháp Bồ-tát chẳng dứt kiết sử, chẳng trụ biển sử, quán tướng không, như thật của tất cả pháp, đó gọi là chánh quán. Thế nào là quán tất cả pháp không? Là người tu phải quán chắc một niệm vọng tâm hiện tại tùy cảnh mà duyên, như tâm này là do tâm mà có tâm hay chẳng phải do tâm, chẳng phải chẳng do tâm mà có tâm, là ở ba đời hay ở trong ngoài và khoảng giữa có dấu chân nào ở nơi chốn nào. Như thế trong các thứ nhân duyên mà tìm tâm thì rốt ráo chẳng thật có, tâm như mộng huyễn chẳng thật, trống vắng như hư không, không tên không tướng, không thể phân biệt. Khi đó người tu còn chẳng thấy tâm là sinh tử, làm sao thấy tâm là Niết-bàn. Đã chẳng thật có sở quán, cũng chẳng còn năng quán, chẳng lấy chẳng bỏ, chẳng đắm chẳng dính, tất cả niệm tướng chẳng khởi, tâm luôn trống vắng, cũng chẳng trụ ở trống vắng, dứt đường nói năng chẳng thể giảng nói tuy chẳng được tâm, chẳng phải tướng tâm, mà hiểu rõ thông suốt tất cả tâm chẳng phải tâm, tất cả đều như huyễn hóa. Đó gọi là quán tâm không tâm, pháp chẳng trụ pháp. Các pháp giải thoát Diệt đế vắng lặng. Thực hành sám hối như thế gọi là đại sám hối, gọi là trang nghiêm sám hối, gọi là vô tội tướng sám hối, gọi là phá hoại tâm thức sám hối. Tu sám hối này tâm như nước chảy, chẳng trụ vào pháp. Đó là sao? Vì vọng tưởng điên đảo tạo ra tội phước các pháp đều từ tâm khởi, lìa tâm thì không có tội phước và tất cả pháp. Nếu quán tâm không tâm thì tội phước không có chủ, biết tội phước tánh không thì tất cả các pháp đều không. Khi quán như thế thì phá được tất cả sinh tử điên đảo. Ba độc vọng tưởng là nghiệp ác cực nặng, cũng không có chỗ phá, thân tâm thanh tịnh, trong niệm niệm soi rõ các pháp, chẳng nhận chẳng chấp dính ấm giới vi tế. Vì nhân duyên đó mà được tương ưng với năng lực Tam-muội, liền thấy Phổ Hiền và Chư Phật mười phương xoa đầu nói pháp, tất cả pháp môn đều trong một niệm tâm, chẳng phải một, chẳng phải khác, không có chướng ngại. Ví như hạt ngọc báu như ý, đầy đủ tất cả châu báu. Như thế tánh báu chẳng phải trong, chẳng phải ngoài. Người tu khéo quán tâm tánh cũng như hư không. Ở trong tịnh tâm rốt ráo thấy tất cả pháp môn thông suốt vô ngại cũng giống như thế. Đó gọi là người tu quán tâm thật tướng sám hối, sáu căn chẳng dứt năm dục, được thanh tịnh các căn, thấy chướng ngoài sự. Nói rộng như trong kinh Pháp Hoa và Kinh Phổ Hiền Quán. Lại nữa, người tu mới vào đạo tràng trong một lúc phải tu đủ mười pháp. Như thế trong sáu thời đều cùng pháp ấy, chỉ trừ triệu thỉnh Tam bảo, trong hai mươi mốt ngày tu đủ chín pháp, khi thực hành mỗi pháp đều tu quán này. Trong sáu thời, mỗi thời chẳng được đối với sự lý có thiếu. Đó gọi là trong hai mươi mốt ngày nhất tâm tinh tấn. Lại nữa, người tu trong hai mươi mốt ngày khi tu sám hối, hoặc đi hoặc ngồi, hoặc đứng hay ra vào, đại tiểu tiện, quét sân, tắm giặt, làm các cử động, nhìn ngó cúi ngước, đều phải tâm tâm nhớ nghĩ Tam bảo, quán tâm tánh không, chẳng được dù trong sát-na nhớ nghĩ việc đời năm dục, sinh tâm tà niệm và nói năng luận bàn với người ngoài, buông lung ngủ nghỉ, cười giỡn nhìn sắc nghe tiếng, đắm trước các trần cảnh, khởi bất thiện vô ký phiền não tạp niệm, trái với bốn hạnh An lạc đã nói. Nếu tâm tâm tiếp nối như thế chẳng lìa thật tướng, chẳng tiếc thân mạng, vì tất cả chúng sinh làm pháp sám hối. Đó gọi là trong hai mươi mốt ngày chân thật nhất tâm tinh tấn tu hành.

V. LƯỢC NÓI TƯỚNG TU CHƯNG:

Nếu người tu trong hai mươi mốt ngày nhất tâm tinh tấn như thế, khi tu Tam-muội trong hai mươi mốt ngày thời gian hoặc đã mãn hai mươi mốt ngày thì có ba thứ người tu chứng tướng khác nhau, nay lược phân biệt: Một là chứng tướng của người hạ căn, hai là chứng tướng của người trung căn, ba là chứng tướng của người thượng căn. 1/ Thế nào là chứng tướng của người hạ căn? Nói trong thời gian hai mươi mốt ngày hoặc đã xong rồi thì được giới căn thanh tịnh. Vì sao biết được? Tựu trung cũng có ba phẩm: Một là Hạ phẩm, nếu được các thứ điều lạ và mộng lành, hoặc biết các căn sáng sạch, bốn đại nhẹ nhàng, nhan sắc tươi tắn, thân có khí lực, oai đức vòi vọi đạo tâm phát mạnh. Đó gọi là Hạ phẩm biết giới căn dần dần có tướng thanh tịnh; Hai là Trung phẩm giới căn tướng tịnh, là trong hai mươi mốt ngày hoặc mãn hai mươi mốt ngày trong lúc hành đạo hoặc trong khi ngồi thiền bỗng thấy các điềm lạ như hoa có ánh sáng, mùi hương lạ và các tiếng khen ngợi các thứ như trong kinh Phạm Võng, trong giới Bồ-tát đã nói. Thấy các thứ điềm lạ xong thì thân tâm vui mừng được pháp Hỷ lạc. Không có các tướng ác. Đó gọi là Trung phẩm biết giới căn có tướng thanh tịnh; Ba là Thượng phẩm giới căn tướng tịnh, trong hai mươi mốt ngày hoặc mãn hai mươi mốt ngày, trong lúc hành đạo và ngồi thiền, tuy chẳng chứng các thứ pháp môn mà thân tâm an vui vắng lặng, ở trong tịnh tâm tự thấy tướng thân giới thanh tịnh, tức thấy thân mặc pháp phục thanh tịnh, oai nghi khoan thai, thân tướng đoan nghiêm, ở trong chúng thanh tịnh tự thấy tướng thiện nghiệp rất rõ ràng sáng tỏ, ba thiện giới tướng thứ lớp hiện ra. Tín tâm khai phát, tâm được pháp hỷ, an ổn vui sướng không chút sợ hãi, ở trong tâm định thấy các tướng nghiệp lành như thế. Đó gọi là thượng phẩm giới căn tướng tịnh. Do tướng mạo ba phẩm mà nghiệm biết giới căn dần được thanh tịnh. Tướng ấy rất nhiều chẳng thể hết nói. Nếu tội nặng khó diệt mà dụng tâm siêng năng sám hối chẳng thôi. Hoặc khi thấy các tướng tội tức như không đầu tay và tế hầm sâu, nước đục, lửa dữ, hôi thúi, các cảnh giới ác. Thấy rồi tâm sinh sợ sệt, phải rất hết lòng sám hối, sám hối chẳng thôi thì sau cũng được giới căn thanh tịnh. Thế nào là tướng tu chứng của người Trung căn. Đó là được định căn thanh tịnh, trong đó cũng có ba phẩm: Một là Hạ phẩm, nếu khi người tu ngồi thiền bỗng biết thân tâm lặng yên, phát sinh các thiền định, đó là Dục giới trụ và Vị đáo địa định, thân tâm vắng lặng. Trong thân các xúc thứ lớp phát sinh, giác quán rõ ràng, hỷ lạc nhất tâm mặc nhiên tịch tịnh. Hoặc duyên với chúng sinh chứng từ bi hỷ xả, hoặc lại duyên với tướng tốt của Phật. Thiện tâm khai phát, nhập vào các Tam-muội. Các thứ định như thế v.v… Đó gọi là tướng Hạ phẩm định căn thanh tịnh; Hai là Trung phẩm biết định căn thanh tịnh. Có các người tu khi ngồi thiền thân tâm an định, biết hơi thở ra vào dài ngắn nhỏ nhiệm, khắp lỗ chân lông hơi thở ra vào vô ngại. Do đó thấy rõ ràng ba mươi sáu vật của thân, phát các vui sướng vào các thứ thiền định. Hoặc thấy trong ngoài thân các thứ bất tịnh, xương trắng ngổn ngang, hoặc thấy xương trắng sáng sạch rõ ràng mà chán lìa thế gian. Do đó phát các thiền định, thân tâm vui sướng vắng lặng chánh thọ. Hoặc duyên các pháp mà sinh từ bi hỷ xả. Hoặc duyên các thứ công đức trí tuệ mầu nhiệm của Chư Phật mà sinh ra Tam-muội. Các thứ định như thế khai phát, đó gọi là tướng Trung phẩm định căn thanh tịnh; Ba là Thượng phẩm tướng định căn thanh tịnh. Người tu khi ngồi thiền thân tâm an tịnh. Tâm duyên với ấm nhập giới thế gian, liền biết vô thường, khổ, không, thân thọ tâm pháp đều chẳng thật, mười hai nhân duyên hư giả không có chủ, tất cả các pháp chẳng sinh chẳng diệt, giống như hư không, thân tâm vắng lặng, không, tương ưng với vô tướng vô nguyện mà sinh các thứ thiền định sâu, vui sướng mầu nhiệm, vắng lặng vô vi. Chán lìa thế gian, thương xót tất cả. Không còn che giấu và các pháp ác. Đó gọi là tướng Thượng phẩm định căn thanh tịnh. Thế nào là biết tướng tu chứng thượng căn? Đó là tuệ căn thanh tịnh. Trong đó cũng có ba phẩm: Một là tướng Hạ phẩm tuệ căn tịnh, nếu trong hai mươi mốt ngày, hoặc mãn hai mươi mốt ngày nếu trong lúc đi ngồi hoặc nhập các thiền định bỗng biết thân tâm như mây như bóng, mộng huyễn chẳng thật, do đó biết trong tâm phát trí tuệ sáng suốt, biết rõ các pháp, phương tiện khéo nói không có chướng ngại, thông suốt mười hai bộ kinh, tùy nghĩa giải thích hỏi đáp vô ngại, nói pháp vô tận. Đó gọi là tướng Hạ phẩm tuệ căn tịnh; Hai là tướng Trung phẩm tuệ căn tịnh. Đó là người tu khi ngồi tụng niệm thân tâm vắng lặng giống như hư không, vào các tịch định. Ở trong chánh tuệ tận mặt thấy Bồ-tát Phổ Hiền cỡi voi trắng sáu ngà cùng vô lượng chúng Bồ-tát vây quanh vì tất cả chúng sinh vui mừng thấy thân hiện ra trước người ấy. Người ấy vì thấy Bồ-tát Phổ Hiền liền được Tam-muội và Đà-la-ni, Pháp Âm Phương Tiện Đàla-ni. Đà-la-ni tức là Đại trí tuệ, vì được Đại trí tuệ nên Chư Phật nói ra một lần, nghe qua đều không quên mà thông suốt vô ngại. Đối với trong một câu thông suốt tất cả nghĩa, nói vô cùng tận, như gió trong hư không. Được các thứ môn trí tuệ như thế, đó gọi là tướng Trung phẩm tuệ căn tịnh; ba là tướng Thượng phẩm tuệ căn tịnh. Người tu khi ngồi tụng niệm, thân tâm rỗng rang thanh tịnh, vào thiền định sâu. Biết tuệ rõ ràng, tâm chẳng lay động. Ở trong thiền định được thấy Bồ-tát Phổ Hiền, Thích-ca, Đa Bảo thân Thế tôn và Phật mười phương, được Đại Đà-la-ni vô ngại, được sáu căn thanh tịnh, hiện khắp sắc thân, khai tri kiến Phật, vào vị Bồ-tát, nói rộng như trong Kinh Phổ Hiền Quán, đó gọi là tướng Thượng phẩm tuệ căn tịnh.

Đây là nói lược tướng được chứng của ba căn người tu khác nhau chẳng đồng. Trong ba tướng chánh ấy hoặc có việc ma tương tợ. Nếu chứng pháp này phải khéo phân biệt, chẳng được liền sinh đẳng tâm. Cho nên nếu người tu muốn được công đức lợi ích rộng lớn này thì trong hai mươi mốt ngày phải nhất tâm tinh tấn tu phương pháp trước. Nếu hai mươi mốt ngày không được thì lại phải gia công thêm, bỏ ngang chớ nên lười biếng. Nếu tội nặng chướng đạo dần hết, mà các pháp môn Tam-muội sâu xa chưa hiện ra, muốn thường thực hành Tam-muội chưa hẳn đều nương vào mười pháp trên, chỉ nên lấy ý nói trong phẩm An Lạc Hạnh mà nhất tâm tu tập thì liền tự được sáu căn thanh tịnh, thấy Chư Phật mười phương được khắp hiện sắc thân, khai tri kiến Phật, vào vị Bồ-tát. Phải biết hai mươi mốt ngày kỳ hạn làm như trên nói trong sáu thời. Người tu là Bồ-tát mới học chưa thể vào Tam-muội sâu, trước phải dùng sự pháp mà điều phục tâm mình, phá tội nặng chướng đạo. Do đây thân tâm thanh tịnh được pháp hỷ vị. Nếu muốn nhất tâm thường tịch vào Tam-muội sâu thì phải bỏ chỗ làm trước, y thẳng vào An Lạc Hạnh, thường ưa thích ngồi thiền, quán tướng không, như thật của tất cả pháp, chẳng khởi các lỗi trong ngoài, đại bi thương xót tất cả chúng sinh, tâm không xen hở, tức là tu Tam-muội. Nếu y theo pháp trước thì sự phiền không ngại. Cho nên người tu đã được ý này thì phải tự lấy trí lực mà thêm bớt, chẳng thể chỉ dùng một hạn kỳ như đã nói. Người mới học chưa khéo léo, thì nên y vào văn này dùng phương pháp trước mà tu Tam-muội.