KIM QUANG MINH TỐI THẮNG

VƯƠNG KINH SỚ

Tam Tạng, Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường vâng chiếu dịch.
Sa-môn dịch kinh Tuệ Chiểu soạn.

Phẩm VÔ NHIỄM TRƯỚC ĐÀ-LA-NI

Phẩm Vô Nhiễm Trước Đà-la-ni chia ra làm ba phần:

  1. Lý do có phẩm này.
  2. Giải thích.
  3. Giải thích vặn hỏi.

 Nói về lý do có phẩm này: phẩm Tứ Thiên Vương Quán Sát Nhân Thiên về sau gồm mười sáu phẩm, đầu tiên nói về học hạnh lưu thông, có năm:

  1. Phẩm Quán Sát khuyết khích tu hành.
  2. Phẩm Tứ Thiên Vương Hộ Quốc trở xuống ba phẩm dưới là nói về sự thủ hộ.
  3. Phẩm Đại Biện Tài trở xuống năm phẩm dưới là nói về làm tăng phước trí của hành nhân mở mang kinh.
  4. Phẩm Vương Pháp Chánh Luận trở xuống ba phẩm dưới nói về chính thức trì học
  5. Bốn phẩm như Thọ Ký v.v… là thành tựu các ý khuyến khích tu học thủ hộ ở trước.

Ngay trong ba phẩm như Tứ Thiên Vương Hộ Quốc v.v… nói về sự thủ hộ, có ba:

  1. Dạy phải thủ hộ cúng dường.
  2. Dạy cho lìa nhiễm trước, không lui sụt.
  3. Giúp cho lìa chướng, như ý.

Trước đã nói về sự thủ hộ cúng dường, ở đây nói về khiến lìa nhiễm trước, không lui sụt, nếu có nhiễm trước tức là có lui sụt, bởi do chấp đắm. Như trong luận Bát-nhã của Bồ-tát Vô Trước giải thích về lìa bất nhẫn khổ chướng rằng: “Không trụ vào tất cả các pháp, phát tâm A-nậu Bồ-đề… là đối trị các khổ như khổ lưu chuyển bất nhẫn, khổ chúng sinh trái nhau, khổ thọ dụng thiếu thốn…”. Nay ở đây cũng vậy, cho nên văn sau nói: “Nếu các Bồ-tát luôn luôn an trụ thì đối với vô thượng Bồ-đề không còn lui sụt, thành tựu chánh nguyện, được vô sở ý, tự tánh biện tài, được việc ít có.” Vì an trụ chánh đạo cho nên nói thần chú này hộ trì khiến cho lìa nhiễm trước, không lui sụt tu hành, do đó có phần này phát sinh.

– Giải thích tên gọi: tiếng Phạn gọi Tỷ-đông-lê-sa, Hán dịch là Vô nhiễm trước, xưa dịch Ngân chủ là sai. Pháp sở hoằng từ pháp giới bình đẳng tối thanh tịnh mà lưu xuất ra, lại nhờ năng lực thần chú có thể khiến lìa nhiễm không hề trú trước, nên gọi là Vô nhiễm trước. Đàla-ni, nghĩa như bình thường đã giải thích rõ.

– Giải trừ vấn nạn:

Hỏi: Tổng trì có bốn, Vô nhiễm trước này thuộc Đà-la-ni nào?

Đáp: Đà-la-ni này có công năng giúp cho Bồ-tát đạt được Vô sinh nhẫn Đà-la-ni, Du-già quyển bốn mươi lăm chép: “Vì sao Bồ-tát có thể đạt được Bồ-tát nhẫn Đà-la-ni? Nghĩa là các Bồ-tát thành tựu tự thể kiên cố nhẫn thực hành đầy đủ diệu trí”, cho đến nói “Không từ người khác nghe mà tự mình chân chánh thông suốt nghĩa lý của tất cả các pháp. Nghĩa là đối với nghĩa lý này thông suốt đúng như vậy, tất cả ngôn từ nói năng về nghĩa của tự tánh các pháp đã nói đều không thành thật, chỉ có các pháp lìa ngôn ngữ tự tánh v.v…” Kinh này đã nói “Đàla-ni chẳng phải là nơi chốn phương xứ”cho đến nói: “Không có pháp sinh ra, cũng không có pháp diệt đi… cho nên biết như vậy.” Hoặc là thần chú tổng trì, trong Bồ-tát Địa nói: “Thế nào là Bồ-tát chú Đà-la-ni? Nghĩa là các Bồ-tát được các tổng trì tự tại như vậy, gia bị, thường trừ diệt tai họa cho hữu tình, là các chương cú thần chú, khiến cho chương cú đó thảy đều thần nghiệm, thường trừ diệt các thứ tai họa chẳng phải chỉ một.” Kinh này lại nói: “Thân cũng không bị dao gậy thuốc độc, lửa nước, thú dữ làm cho tổn hại, cho nên thuộc về thần chú.” Hoặc có thể, bao gồm cả hai, văn không phân biệt.

Hỏi: Theo Du-già nói: “Bốn thứ tổng trì, thể không phải đều là niệm tuệ, thần chú tổng trì tức là nói định này, đạt được nhẫn tổng trì nói là diệu tuệ”, vì sao như thế?

Đáp: Vì thể tánh khác nhau, có thứ y nhân xuất thể, tức nói là định, có thứ nương vào khả năng lựa chọn mà nêu ra thể, tức nói là trí, có thứ nương theo ký ức mà đưa ra thể, tức nói là niệm, có loại y quả xuất thể, tức theo pháp sở trì gọi là tổng trì, mỗi thứ căn cứ theo một nghĩa hoàn toàn không trái nhau, do đó luận Trí độ giải thích về tổng trì rằng: “Vì thiền định đạt được lửa trí tuệ”, lại nói: “Trí tuệ ở trong tâm Bồ-tát gọi là Bát-nhã, trong tâm hàng Tiểu thừa gọi là đạo phẩm, trong tâm người không quên gọi là Đà-la-ni.” Vì thế biết Du-già chép: “Chú tổng trì nói là định, đạt được nhẫn tổng trì gọi là tuệ, đều tùy theo nghĩa mà nói.” Lại nói là định, đạt được nhẫn tổng trì gọi là tuệ, đều tùy theo nghĩa mà nói. Lại trong trì chú nói: “Đạt được các tổng trì tự tại như vậy, khiến cho thần chú thần nghiệm v.v… đều là nói theo nhân, chẳng phải là hạn định nơi thể.” Do vậy, luận Đại Trang Nghiêm chép: “Đắc có ba loại: Báo đắc, Tập đắc, do năng lực văn trì hiện tại mà được, Tu đắc, do nương vào định lực mà được, do đây nên biết rõ.” Nói rằng “Đạt được các tổng trì tự tại như vậy gia bị nên thần chú thảy đều thần nghiệm” là do đạt được định cho nên phát khởi niệm tuệ thù thắng thường trì các thần chú, là dựa vào nhân đưa ra thể. Đạt được nhẫn tổng trì, nhẫn là quả, chú là nhân của nhẫn, nhở năng lực của niệm tuệ đạt được nhẫn chú này, gọi là thường đạt được vô sinh nhẫn Đà-la-ni của Bồ-tát. Chú sở trì và thể năng trì đều lấy niệm tuệ làm thể, hoặc chỉ có năng trì lấy niệm tuệ làm thể, chẳng phải chú sở trì, như dùng tổng trì mà trì văn nghĩa, văn nghĩa sở trì chẳng phải là niệm tuệ. Hoặc chú là nhân, do năng lực của chú này có thể đạt được bốn thứ tổng trì, trì bốn pháp đó không để quên mất. Lại nữa, Du-già chép: “Đạt được nhẫn tổng trì là diệu tuệ là cũng theo nhân mà nói rằng: Các Bồ-tát thành tựu tự thể vững chắc, nhẫn thực hành đầy đủ diệu tuệ, một mình ở chỗ nhàn rỗi, vắng lặng không nói năng”, cho đến nói: “Đối với những điều Phật đã nói đạt được Bồ-tát nhẫn, chương cú các thần chú có thể tư duy kỹ càng, cú nghĩa như vậy không từ người khác mà nghe, tự tại thông suốt, hiểu biết chương cú các thần chú như vậy đều không có các nghĩa”. Nói thành tựu vững chắc nhẫn hành, hành là nhân, nhân tức là diệu tuệ, đạt được diệu tuệ cho nên một mình ở chỗ nhàn rỗi vắng lặng không nói năng…, là nơi chốn tu hành và nghi thức tu hành. Đối với những điều Phật đã nói đạt được Bồ-tát nhẫn, chương cú các thần chú v.v… là pháp sở học đạt được nhân nhẫn. Thường tư duy là thường tu hành, tức là nhân. Vì vậy luận Đại Trang Nghiêm chép: “Do hiện tại nghe cố gắng trì mà đạt được, cho nên biết rằng tên gọi Đà-la-ni chẳng riêng đối với tổng trì niệm tuệ.” Nhân của tổng trì niệm tuệ và pháp sở trì cũng đều gọi là Tổng trì, định và chú đều gọi là Tổng trì. Lại nữa, nghĩa của pháp sở trì là chung, thần chú và nhẫn là riêng, vì vậy thần chú và đạt được nhẫn chú cũng đều có nghĩa của pháp.

Hỏi: Nếu nói định tuệ là nhân của tổng trì, vì sao trong Bồ-tát Địa nói: “Nếu các Bồ-tát đầy đủ bốn công đức mới được tổng trì, không được thiếu bất cứ một công đức nào?”

Đáp: Nhân có xa gần, định tuệ là nhân gần; bốn nhân kia là:

  1. Đối với dục lạc không tham.
  2. Người khác hơn mình không ganh tỵ.
  3. Mọi sự giúp đỡ không hối tiếc.
  4. Đối với chánh pháp sâu xa sinh tâm vui mừng.

Đây là bốn nhân xa.

Hỏi: Bốn tổng trì này ở địa vị nào mới đạt được?

Đáp: Theo Du-già chép: “Đạt được nhẫn này cho nên các Bồ-tát này không bao lâu sẽ đạt được tịnh thắng ý lạc địa Bồ-tát pháp Đà-lani nghĩa Đà-la-ni. Nếu vượt qua vô số đại kiếp lần thứ nhất rồi đi vào tịnh thắng ý lạc địa sở đắc quyết định, từ đó về sau tuy đắc mà không quyết định, như nghĩa nói pháp, chú Đà-la-ni nên biết rằng cũng giống như vậy.” Theo đây tức là đạt được nhẫn tổng trì ở Địa tiền, còn lại đi vào Địa mới đạt được, đó là nói theo thực tế, còn nếu dựa vào hơn kém đủ thiếu thì địa vị đạt được không nhất định như vậy. Như các kinh Giải Thâm Mật nói thì ở Địa thứ ba đạt được văn trì Đà-la-ni, cũng nói ở Địa thứ chín đạt được bốn Đà-la-ni. Nếu dựa theo lý sở chứng thì đạt được đều ở Sơ địa y, y theo sự tu tập đạt được thì cùng chung cho cả Địa tiền, y theo sự nhậm vận đều đạt được Bát địa trở lên. Ở đây Du-già nói Địa tiền đạt được nhẫn, còn lại đi vào Địa mới đạt được, ảnh hiện rõ ràng với nhau như vậy.

Văn kinh: Lúc ấy, Đức Thế Tôn bảo Cụ Thọ Xá-lợi-tử rằng: Nay có pháp môn tên là Vô nhiễm trước Đà-la-ni, là pháp tu hành của các Bồ-tát, là sự thọ trì của Bồ-tát quá khứ, là mẹ của Bồ-tát. Nói lời này xong.

Tán rằng: Toàn văn chia làm sáu:

  1. Đức Phật nêu danh tông.
  2. Hỏi đáp về danh thể.
  3. Thỉnh Đức Phật giảng nói.
  4. Khen ngợi giảng nói.
  5. Hiển bày sự tốt đẹp, khuyến khích tu hành.
  6. Nghe chỉ dạy vui mừng tu học.

– Đây tức là phần đầu, có bảy:

  1. Nói về giáo chủ.
  2. Các cơ nghi hòa hợp.
  3. Nêu tên thần chú.
  4. Chỉ bày nên tu học.
  5. Nêu ra đã từng khuyến khích.
  6. Nói về ý tu học, bởi vì là mẹ của Bồ-tát, vì các Bồ-tát quá khứ thảy đều đã tu hành, Bồ-tát hiện tại nên tu hành.
  7. Kết thúc nêu ra ở trước, đoạn văn có thể biết.

Văn kinh: Cụ Thọ Xá-lợi-tử bạch Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Đà-la-ni là cú nghĩa gì? Bạch Đức Thế Tôn! Đà-la-ni chẳng phải phương xứ hay chẳng phải chẳng phương xứ? Thưa lời này xong.

Tiếp theo hỏi đáp về danh thể, đầu là hỏi, sau là đáp.

Trong phần hỏi có hai:

1. Hỏi danh nghĩa là cú nghĩa gì, là ý nói vì sao gọi là Vô trước v.v… Lại vì nghĩa gì, cú là tên gọi của năng thuyên, chẳng phải là tên gọi trong danh cú? Về sau là hỏi về thể, vì thể của các pháp tức là chân như, chẳng phải có chẳng phải không, đều không thể nói năng giảng giải, làm sao có thể nói Đà-la-ni này? Chẳng phải phương xứ là lìa có, chẳng phải chẳng phương xứ là lìa không. Theo như ở dưới Đức Phật trả lời có bảy câu, ở đây lược nêu ra câu đầu để hỏi, bởi vì phản ánh những câu còn lại. Hoặc Xá-lợi-tử là phần ngộ còn Đức Thế Tôn là cụ ngộ, cho nên nói có bao nhiêu.

Văn kinh: Đức Phật bảo Xá-lợi-tử: Lành thay! Lành thay! Xá-lợi -tử, ông đã có thể phát khởi hướng về tin hiểu Đại thừa, tôn trọng Đại thừa.

Tiếp theo là đáp, có hai: Đầu tiên là khen ngợi, sau là đáp.

Đây là khen ngợi, có hai: Nói lành thay là khen ngợi câu hỏi: “Ông đối với Đại thừa…” về sau là khen ngợi đức, có ba: Đầu tiên khen ngợi xả bỏ Tiểu thừa, vì đã có thể phát khởi hướng về, tiếp là khen ngợi hiểu được Đại thừa, vì tin hiểu Đại thừa, nhờ tin mà được hiểu, chẳng phải trí chứng nhập. Vì vậy kinh Pháp Hoa chép: “Xá-lợi-phất, đối với kinh này ông còn nhờ lòng tín mà được ngộ nhập, huống là các Thanh văn khác.” Hướng về Đại thừa sau đó trải qua hai muôn kiếp mới bắt đầu đến thập tín sơ tâm, do đó kinh Niết-bàn chép: “Hàng A-la-hán qua hai muôn kiếp mới đến.” Nói đến tức là đến tâm A-nậu, bởi vì chưa chứng ngộ, nếu theo Địa thứ bảy thì vượt qua chủng tánh địa, đạt đến thắng giải hạnh địa, nếu theo vị thứ năm thì chưa trụ tư lương vị, chỉ ở thiện pháp dục, do đó thập tín mới đạt được ở tư lương, sau là khen ngợi vững chắc, bởi vì tôn trọng Đại thừa.

Văn kinh: Như lời ông nói, Đà-la-ni chẳng phải phương xứ, chẳng phải chẳng phương xứ chẳng phải pháp, chẳng phải phi pháp, chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại, chẳng phải sự, chẳng phải phi sự, chẳng phải duyên, chẳng phải phi duyên, chẳng phải hành, chẳng phải phi hành. Không có pháp nào sinh, cũng không có pháp nào diệt.

Tiếp theo là trả lời có hai: Đầu tiên là trả lời về thể, “tức là công đức các Đức Phật…” trở xuống là trả lời về danh nghĩa. Trong phần đầu có hai: Trước tiên nói về sự thành tựu, sau từ “Nhưng vì…” trở xuống là trả lời lý do. đầu tiên là kể rõ sự thành tựu. Chẳng phải phương xứ v.v… như trước đã giải thích. Thứ hai là chẳng phải pháp v.v… là lìa giải thích chẳng giải thích, chẳng phải pháp, chẳng phải sở thuyên, chẳng phải phi pháp, chẳng phải không lìa pháp chẳng giải thích, cho nên trí chứng. Thứ ba là lìa ba đời, vì là thường, chẳng phải ba đời thì nên có chẳng phải phi quá khứ… chẳng phải lìa pháp thế gian, vì mô phỏng giản lược, câu thứ bảy trong kinh cũng đồng với cách giải thích này. Thứ tư là sự lý đối, là lý chẳng phải sự. lại nói chẳng phải chẳng là sự là vì không lìa sự pháp. thứ năm là hữu vi vô vi đối, chẳng phải hữu vi duyên sinh, chẳng phải chẳng là hữu vi, bởi vì hiểu rõ nhân hiện bày; hoặc vì không lìa pháp duyên sinh. Thứ sáu là thường vô thường đối, hành là dời đổi, chân như chẳng phải hành, chẳng phải chẳng hành, đồng với giải thích ở trước. Thứ bảy là tướng phi tướng đối, vì lý chân như lìa mười tướng như sinh diệt v.v… thể các pháp sau khi sinh ra không gọi là diệt, như đã không sinh nên không có pháp diệt. Nêu ví dụ này để lệ cho những thứ khác, thứ bảy là lìa tướng sinh diệt, đây là giải thích theo quy viên thành thật trong ba tánh, vì là nơi quy thú của tất cả các pháp. Nếu dựa theo biến kế và thắng nghĩa thì bảy câu thắng nghĩa tóm lại là che lấp. Nếu dựa theo hai đế mà so sánh thì đều chung cho che lấp và biểu lộ. Như đầu tiên chẳng phải phương xứ, căn cứ theo thắng nghĩa che lấp phương xứ, biểu lộ chẳng phải phương xứ, chẳng phải chẳng phương xứ. Dựa vào pháp sở trì trong tục đế thì bởi thể tổng trì là nương vào âm thanh, cho nên tự tánh tổng trì là niệm tuệ, mà niệm tuệ chẳng phải phương xứ, vì nương vào phương xứ, những điều còn lại theo đó có thể biết. Nhưng căn cứ vào ý kinh dựa theo chân thắng nghĩa thì đường tâm tư, lời nói dứt bặt, tóm lại y cứ theo che lấp và biểu lộ không nương vào y tha và biến kế, hoặc cùng nương vào ba tánh, đều được, không có lỗi.

Văn kinh: Nhưng vì lợi ích cho các Bồ-tát nên nói lời như vậy, đối với công dụng chánh đạo lý thú và thế lực mà lập thành Đà-la-ni này.

Tiếp theo là trả lời về lý do. Nhưng căn cứ vào thắng nghĩa, chẳng phải phương xứ, chẳng phải chẳng phương xứ đều dứt mất lời lẽ tướng mạo; song nay vì lợi ích cho các Bồ-tát nên đối với phương tiện đạo lý nương vào tục đế mà nói lời như vậy. Nương vào đâu mà nói pháp? Đó là đối với Đà-la-ni này tức dựa vào thể các pháp đã nói, nương vào bốn thứ nghĩa mà an lập thi thiết, gọi đó là nói. Tiếp đó nói an lập là tên khác của thi thiết, nương vào bốn nghĩa này mà an lập. Nói bốn nghĩa ấy là:

  1. Công dụng, tức là dựa vào công dụng của tổng trì có khả năng đạt được quả mà nói.
  2. Chánh đạo, tức là thể của công dụng này, lìa hai bên chứng chánh lý nên gọi là Chánh đạo, tức là các Niệm tuệ.
  3. Lý thú, tức là chân như và các nghĩa của pháp sở tri, các cảnh giới của niệm trí này gọi chung là lý thú.
  4. Thế lực, tức là do nghĩa của pháp này thường niệm các tuệ, diệt ác sinh thiện, chứng lý đắc quả, nên gọi là thế lực, tức là uy lực của pháp, vì muốn nói về năng thuyên khế hợp với các pháp, hoặc chính là hai pháp Niệm tuệ của tổng trì, có thế lực thường nhiếp trì, sinh thiện diệt ác.

Văn kinh: Tức là sinh xứ của các Đức Phật, mật ý của các Đức Phật, sở học của các Đức Phật, cấm giới của các Đức Phật, công đức của các Đức Phật, nên gọi là pháp môn tối diệu Vô nhiễm trước Đàla-ni.

Nói lời này xong.

Tiếp theo trả lời câu hỏi về cú nghĩa, đầu tiên là trả lời về nghĩa, tiếp từ “cho nên gọi là…” về sau là tức là về cú, cú trả lời tên gọi. Bốn nghĩa như công dụng v.v… ở trước là ở nơi Phật, tức đều gọi là công đức v.v… hoặc có thể làm nhân, nương vào đây có thể đạt được các pháp Bất cộng của Phật gọi là công đức, thường khiến cho lìa bỏ lỗi lầm gọi là cấm giới, làm thầy của Phật nên gọi là sở học, lý mầu pháp thân sâu xa khó suy lường nên gọi là mật ý, thành tựu Báo Phật, Hóa Phật nên gọi là sinh xứ. Từ giáo năng thuyên giải thích nghĩa này nên gọi là pháp môn Vô nhiễm trước v.v… hoặc ngay nơi niệm tuệ gọi là pháp môn, cùng với pháp sở trì làm môn, tức là cửa của pháp, hoặc nương vào tổng trì này có công năng phát sinh mọi công đức. Pháp nhiệm mầu tức là cửa của pháp nhiệm mầu, hoặc pháp mầu này chung cho cả năng xuất và sở xuất, tức là bao gồm cả hai y chủ thích và trì nghiệp thích.

Văn kinh: Xá-lợi-tử bạch Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn!

Cúi mong Đức Thiện Thệ vì con nói về pháp Đà-la-ni này. Nếu các Bồtát có thể an trụ thì đối với Vô thượng Bồ-đề không còn lui sụt, thành tựu chánh nguyện, đạt được vô sở y, tự tánh biện tài, được những việc ít có, an trụ trong Thánh đạo, đều là do đạt được Đà-la-ni này.

Tiếp theo là thứ ba, thỉnh Đức Phật trình bày, có hai: Đầu tiên là thỉnh nói, tiếp từ “Nếu các Bồ-tát…” trở xuống là thứ hai, ý cầu thỉnh.

Trong ý cầu thỉnh có hai:

  1. Người năng học.
  2. “Có thể an trụ ấy…” trở xuống là nói về tu giáo được ích lợi, có sáu:
  1. Được không lui sụt, tùy theo bốn thứ không lui sụt với tín trụ….
  2. Đạt được chánh nguyện, đó là mười nguyện lớn, trong luận Phát Bồ-đề Tâm chép:

“Một là nguyện: Thân con từ đời trước cho đến ngày nay vốn gieo trồng gốc lành, bố thí tất cả, thảy đều hồi hướng vô thượng Bồđề, khiến cho nguyện này của con niệm niệm thêm lớn, đời đời không quên, là sự thủ hộ của Đà-la-ni.

Hai là nguyện: Con hồi hướng đại Bồ-đề rồi, đem gốc lành này hễ sinh ra chỗ nào thường được cúng dường tất cả các Đức Phật, thường không sinh vào cõi nước không có Phật.

Ba là nguyện: Con được sinh vào cõi nước các Đức Phật rồi, thường được gần gũi theo hầu hạ hai bên, như bóng theo hình, không khoảnh khắc nào lìa xa các Đức Phật.

Bốn là nguyện: Con được gần gũi Đức Phật rồi, hễ con cầu gì thì Phật nói pháp cho con nghe, liền được thành tựu năm thông của Bồtát.

Năm là nguyện: Đạt được năm thông rồi liền thông hiểu rõ ràng thế gian, mượn tên gọi truyền bákhắp nơi, hiểu rõ nghĩa bậc nhất, đạt được trí tuệ chánh pháp.

Sáu là nguyện: Con đạt được trí tuệ chánh pháp rồi, với tâm không nhàm chán sinh nói pháp cho chúng sinh nghe, chỉ dạy lợi ích vui mừng đều khiến cho hiểu biết.

Bảy là nguyện: Con đã mở bày hiểu biết cho các chúng sinh rồi, nhờ thần lực Phật đến khắp các thế giới ở mười phương không sót nơi nào, cúng dường các Đức Phật nghe nhận chánh pháp, che chở tất cả chúng sinh.

Tám là nguyện: Đã nghe chánh pháp của chư Phật rồi, liền có thể tùy đó chuyển pháp luân thanh tịnh, tất cả chúng sinh ở mười phương thế giới, người nghe pháp con người nghe danh con, liền dứt bỏ được tất cả phiền não, phát tâm Bồ-đề.

Chín là nguyện: Con làm cho tất cả chúng sinh phát tâm Bồ-đề, thường theo dìu dắt che chở, trừ diệt những điều không lợi ích, mang đến vô lượng niềm vui, xả bỏ thân mạng tài sản, che chở chúng sinh gánh vác chánh pháp.

Mười là nguyện: Con gánh vác được chánh pháp rồi, tuy thực hành chánh pháp nhưng tâm vô sở hành, như các Bồ-tát thực hành chánh pháp mà vô sở hành cũng không điều gì không thực hành, vì hóa độ chúng sinh không xả bỏ chánh nguyện, đại ý giống với nguyện của Bồ-tát Địa.”

3. Đạt được vô sở y tức là Niết-bàn Vô trụ.

4. Tự tánh biện tài, tức là bốn vô ngại biện, không nhờ thầy mà ngộ nên gọi là tự tánh, hoặc không có nhân duyên mà vì lợi ích người khác phát khởi bốn biện tài này nên gọi là tự tánh.

5. Được việc ít có, theo Bồ-tát Địa bốn mươi sáu chép: “Bồ-tát tu tập Bồ-đề vô thượng có năm việc ít có:

  • Đối với hữu tình chẳng có nhân duyên mà sinh thân ái.
  • Chỉ vì lợi ích cho các hữu tình, thường ở nơi sinh tử chịu đựng vô lượng khổ đau.
  • Đối với hữu tình nhiều phiền não khó hàng phục thì khéo léo có thể hiểu rõ phương tiện điều phục.
  • Đối với nghĩa lý chân thật rất khó hiểu có khả năng đó ngộ nhập theo.
  • Có năng lực sức oai thần rộng lớn, không thể suy nghĩ bàn luận.

6. An trụ Thánh đạo, trụ ở địa vị hoan hỷ cùng cực, được trí nhị không, gọi là an trú Thánh đạo. Hoặc có thể là năm, đạt được vô sở y tự tánh biện tài hợp lại thành một, không do duyên khác nói là vô sở y, tánh thường lợi tha nói là tự tánh. Hoặc:

  1. Đạt được trụ bất thối.
  2. Ở Sơ địa đạt được chánh nguyện.
  3. Ở địa thứ năm đạt được vô sai biệt đạo, nói là đắc vô sở y.
  4. Ở địa thứ chín đạt được bốn tự tánh biện tài.
  5. Ở địa thứ mười được sự việc ít có, như kinh Thập Địa chép: “Ở địa thứ mười có việc ít có, lúc Tam-muội hiện tiền có đại bảo hoa vương, vi nhiễu chung quanh như mười a-tăng-kỳ, tất cả các thứ báu xen lẫn trang nghiêm, lúc này thân của Bồ-tát trang nghiêm tốt đẹp xứng hợp với các tòa hoa”.
  6. Ở nơi Phật địa an trụ Thánh đạo, vì không tiếp tục cầu mong nên gọi là an trụ; đều do đạt được các Đà-la-ni này, đó là kết thúc.

Văn kinh: Đức Phật bảo Xá-lợi-tử: Lành thay! Lành thay! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói.

Tiếp theo thứ tư khen ngợi vì đó giảng nói, có ba: Đầu tiên là ngợi khen xác nhận; tiếp là lại ngợi khen; sau chính là giảng nói. Đây là phần đầu có thể biết.

Văn kinh: Nếu có Bồ-tát nào được Đà-la-ni này thì nên biết rằng người đó không khác Phật. Nếu có ai cúng dường tôn trọng, thờ phụng cung cấp cho vị Bồ-tát này thì nên biết rằng tức là cúng dường Đức Phật.

Tiếp theo lại ngợi khen, có ba: Đầu tiên là ngợi khen khả năng chứng đắc; tiếp theo từ “Nếu có ai cúng dường…” trở xuống là ngợi khen người cúng dường. Vì người chứng đắc như sở đắc của Phật, nên chắc chắn sẽ đạt được, bởi vì lý bình đẳng, nên chọn lấy văn sau “Vì nhân duyên ấy nên được quả vô thượng” để giải thích không khác với Phật và tức là cúng dường Phật.

Văn kinh: Xá-lợi-tử! Nếu có người khác nghe Đà-la-ni này mà thọ trì, đọc tụng, phát sinh tín giải thì cũng nên cung kính cúng dường như thế, không khác với Phật, vì nhân duyên này nên được quả vô thượng.

Tiếp theo ngợi khen người có thể tu học và cúng dường. Văn giải thích y theo đó mà biết.

Văn kinh: Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói Đà-la-ni cho Xá-lợi-tử nghe rằng: “Đát điệt tha – san đà lạt nhĩ – ốt đa lạt nhĩ – tô tam bát la để sắt sỉ đá – tô na ma – tô bát lạt để sắt sỉ đá tỷ thệ dã bạt la – tát để dã bát lạt để thận nhã – tô a lô ha – thận nhã na mạt để – ốt ba đàn nhĩ – a phạt na mạt nhĩ – a tỳ sư đàn nhĩ – a bính tỳ da ha la – thâu bà phạt để – tô ni thất lỵ đa (dẫn) – bạc hổ quận xã (dẫn) – a tỳ bà đà – sa ha.

Tiếp theo chính là nói chú.

Văn kinh: Phật bảo Xá-lợi-tử: Tên gọi Vô nhiễm trước Đà-la-ni này, nếu có Bồ-tát nào có thể khéo an trú, có thể chân chánh thọ trì thì phải biết rằng người này hoặc trong một kiếp, hoặc trăm kiếp, hoặc ngàn kiếp, hoặc trăm ngàn kiếp đã phát khởi chánh nguyện không cùng tận, thân cũng không bị dao gậy, thuốc độc, nước lửa, thú dữ làm cho tổn hại. Vì sao? Này Xá-lợi-tử! Vô nhiễm trước Đà-la-ni này là mẹ của các Đức Phật quá khứ, mẹ của các Đức Phật vị lai, mẹ của các Đức Phật hiện tại.

Tiếp theo thứ năm là hiển bày sự tốt đẹp, khuyến khích tu hành, có hai: Đầu tiên là khen ngợi công năng của pháp; sau là so sánh sự hơn kém.

Trong phần đầu có bảy:

  1. Bảo với căn cơ được độ.
  2. “Tên gọi Vô nhiễm trước…” về sau là nêu rõ pháp được khen ngợi.
  3. “Nếu có Bồ-tát…” trở xuống là nói về người năng học.
  4. “Có thể khéo léo an trụ trở xuống là nói về y giáo tu học, có thể khéo léo an trụ, dùng thần chú này làm sở y, có thể chân chánh thọ trì, theo đó phát khởi pháp hạnh, chân chánh thọ là văn tuệ, chân chánh trì là tư và tu tuệ.
  5. “Nên biết rằng người này…” trở xuống là đạt được lợi ích, có hai:
  • Thâu nhiếp bên trong, làm cho phát nguyện không cùng tận, nên được không lui sụt.
  • Thân cũng không bị, lại phòng hộ bên ngoài không có điều xấu ác nào xâm hại.

6. Vì sao nêu lý do.

7. “Xá-lợi-tử…” về sau là giải thích lý do.

Văn kinh: Xá-lợi-tử! Nếu lại có người đem bảy báu đầy khắp trong mười a-tăng-xí-da tam thiên đại thiên thế giới dâng cúng các Đức Phật cho đến các thứ áo quần, thức ăn uống tuyệt vời trên hết cùng các đồ cúng dường trải qua vô số kiếp, nếu lại có người đối với Đà-la-ni này cho dù chỉ một câu có thể thọ trì thì phước sinh ra đó gấp bội so với người kia. Vì sao? Này Xá-lợi-tử! Vì pháp môn sâu xa Vô nhiễm trước Đà-la-ni này là mẹ của các Đức Phật.

Tiếp theo là so sánh hơn kém. Trong đó chia làm bốn:

  1. Nêu ra phước hiến cúng.
  2. Chính thức so sánh.
  3. Nêu hỏi lý do cao quý
  4. Trả lời lý do.

Y cứ vào văn có thể biết.

Văn kinh: Lúc Cụ Thọ Xá-lợi-tử và các đại chúng nghe pháp này xong đều vô cùng vui mừng, thảy đều phát nguyện thọ trì.

Tiếp theo thứ sáu là nghe chỉ dạy vui mừng tu học.