KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG

KINH SỚ

Tam Tạng, Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường vâng chiếu dịch.
Sa-môn dịch kinh Tuệ Chiểu soạn.

Phẩm BỒ-ĐỀ THỌ THẦN TÁN THÁN

Phần nói về lý do có phẩm này của phẩm Bồ-đề Thọ Thần Tán Thán đồng như trước.

1. Giải thích tên gọi.

Theo Tây vực truyện chép: “Cây vốn tên là cây Tất-bát-la, ở trên tòa Kim cang, tòa Kim cang đó được hình thành cùng lúc với măạt đất vào kiếp Hiền xa xưa. Theo trong tam thiên đại thiên thế giới thì dưới đến tận Kim luân, trên ăn sâu vào mặt đất. Tòa Kim cang tạo thành vòng quanh hơn một trăm bộ, ngàn Đức Phật kiếp Hiền ngồi ở đó mà nhập định Kim cang, cho nên gọi là tòa Kim cang.” Tất-bát-la là cây mà Đức Phật đã ngồi dưới gốc của nó thành tựu quả vị Đẳng chánh giác, do đó gọi là cây Bồ-đề. Thân cây màu vàng trắng, cành lá màu xanh biếc, đông hạ không tàn lụi, màu sắc sáng ngời không thay đổi, mỗi lần đến ngày Như lai nhập Niết-bàn thì lá đều rơi rụng, sau mới trở lại như cũ. Bồ-tát trên mặt đất hiện làm Thiên nữ làm thần cây này, tức là vị thần làm chủ cây Bồ-đề, thuộc về y chủ thích.

2. Giải trừ vấn nạn.

Hỏi: Sao không nói những vị thần khác?

Đáp: Vì thấy Phật trước tiên cho nên thường không lìa Phật.

Hỏi: Thần cây Bồ-đề và thần mặt đất là một hay khác?

Đáp: Có chỗ nói là một, có chỗ nói là khác.

Văn kinh: Bấy giờ, thần cây Bồ-đề.

Tiếp theo văn trong phẩm chia làm ba đoạn: Đầu tiên nêu ra người năng tán; tiếp đến “Cũng dùng Già-đà…” về sau là nói rõ lời ngợi khen đó, sau cuối “Bấy giờ, Thế Tôn…” đến hết là Như lai khen ngợi ấn chứng. Đây tức là phần đầu.

Văn kinh: Cũng dùng Già-đà ngợi khen Thế Tôn rằng: Kính lễ Như lai thanh tịnh tuệ, kính lễ thường cầu chánh pháp tuệ, kính lễ thường lìa phi pháp tuệ, kính lễ tuệ thường vô phân biệt.

Đây là lời ngợi khen, tất cả có mười một bài tụng, toàn bộ chia làm hai phần: Năm bài tụng đầu là ngợi khen, sáu bài tụng sau là phát nguyện. Trong phần ngợi khen, một bài tụng đầu ngợi khen trí thể, bốn bài tụng sau ngợi khen trí dụng. Trong phần trí thể, một câu đầu ngợi khen chung trí thể, lìa chướng trí tròn đầy gọi là thanh tịnh tuệ, hai câu tiếp ngợi khen khả năng trí tuệ, thường dạy chúng sinh tu điều lành nên nói là thường cầu chánh pháp, nếu không như vậy thì quả tròn đầy còn cầu gì nữa. Thường dạy chúng sinh dứt bỏ điều ác cho nên nói là lìa phi pháp tuệ, tuy có thể như vậy, nhưng ba luân thanh tịnh do đó thường không phân biệt. Hoặc một câu ngợi khen về quả, ba câu sau về nhân. Trong ngợi khen nhân: Câu đầu là trí gia hạnh, câu tiếp là trí căn bản, câu sau là hậu đắc trí. Lìa bỏ tà phân biệt cho nên nói là vô phân biệt; hoặc lần lượt thường có thể tiến làm lành, luôn lìa bỏ các điều ác, thường thuận theo pháp vô vi luôn luôn vô phân biệt. Hoặc câu đầu gồm cả Pháp thân và báo thân, ba câu còn lại chỉ ngợi khen Báo thân. Ngợi khen trí dụng tức là Hóa thân. Kinh cựu dịch chép: “Nam-mô thanh tịnh vô thượng chánh giác thậm thâm diệu pháp”, vì vậy thanh tịnh tuệ gồm cả pháp thân.

Văn kinh: Ít có Thế Tôn hạnh vô biên, ít có khó gặp như Ưu-đàm, ít có như biển rộng núi cao, ít có Thiện Tuệ vô lượng quang, ít có Điều ngự bi nguyện lớn, ít có Thích chủng sáng hơn trời, thường nói kinh quý báu như vậy, xót thương lợi ích mọi chúng sinh.

Tiếp theo ngợi khen trí dụng. Hai bài tụng đầu là trí dụng lợi tha, hai bài tụng sau là trí dụng tự lợi. Trong trí dụng lợi tha: Một câu đầu ngợi khen đầy đủ hạnh ít có, một câu tiếp theo ngợi khen sự thị hiện ít có, một câu tiếp khen ngợi sự hiện thân hiếm có, thân ở giữa đại chúng như núi Diệu cao trấn giữ biển lớn, một câu tiếp theo là ánh sáng vô lượng ít có, một câu tiếp là nguyện rộng ít có, một câu tiếp theo là chủng tánh ít có, gần mặt trời mà sinh Thế Tôn cho nên nói là sáng hơn mặt trời, tiếp một câu là nói kinh này ít có, tiếp một câu là lợi sinh ít có, tức là đầy đủ tám việc ít có.

Văn kinh: Mâu-ni vắng lặng định các căn, thường vào thành Niết-bàn vắng lặng, thường đứng giữ các cổng vắng lặng, thường biết cõi vắng lặng sâu xa, phước trí tôn nghiêm trụ vắng lặng, Thanh văn đệ tử thân cũng không, thể tánh các pháp thảy đều không, tất cả chúng sinh đều vắng lặng.

Đây là hai bài tụng ngợi khen trí tụng tự lợi. Tướng hóa thân trụ trong vắng lặng nhập vào Niết-bàn… cho nên nói Mâu-ni và đệ tử Thanh văn. Hoặc bao gồm thọ dụng của trí dụng tự lợi, nên nói các trì môn như căn định trụ v.v… Nhưng Tam tạng Chân đế cho rằng đó là ngợi khen Pháp thân, nhưng thế văn hơi sơ lược. Hai bài tụng chia làm ba phần: Một bài tụng ngợi khen đức tự lợi vắng lặng, nửa bài tụng tiếp ngợi khen vì sao thường trụ trong vắng lặng, nửa bài tụng cuối nói về lý do kết thúc thành tựu. Vì pháp thể là không, tự tánh đều vắng lặng cho nên an trụ trong vắng lặng. Vì an trú vắng lặng cho nên thường tĩnh lặng, các căn thường nhập trong viên tịch, thường an trụ trong định nên 32 thường chứng được cảnh giới tịch tịnh. Vì vậy kinh Vô Cấu Xưng chép: “Ba luân thường vắng lặng nên bổn tánh vắng lặng.” Lại giải thích: Bài tụng đầu trước hết ngợi khen an trú vắng lặng, tụng sau ngợi khen đạt được bốn bình đẳng:

  1. Pháp bình đẳng.
  2. Chúng sinh bình đẳng.
  3. Hóa thân bình đẳng.
  4. Phật thể bình đẳng.

Dựa theo văn thì biết rõ.

Văn kinh: Con thường nhớ nghĩ các Đức Phật, con thường ưa thấy các Thế Tôn, con thường phát khởi tâm tha thiết, thường ngày được gặp Đức Như lai. Con thường đảnh lễ Đức Thế Tôn, nguyện thường khát khao tâm không lìa. Khóc thương rơi lệ tình không dứt, thường được hầu hạ không biết chán. Cúi mong Thế Tôn khởi bi tâm, dung nhan khiến con thường được thấy, Phật và chúng Thanh văn thanh tịnh, nguyện thường cứu độ khắp trời người. Thân Phật thanh tịnh như hư không, cũng như khói mây và trăng nước, nguyện nói pháp cam lộ Niết-bàn, thường sinh tất cả các công đức, Thế Tôn vốn có cảnh giới tịnh, chánh hạnh từ bi khó nghĩ bàn, Thanh văn Độc giác chẳng thể so, Đại tiên Bồ-tát không thể lường. Cúi mong Như lai thương xót con, thường khiến nhìn thấy thân đại bi, hầu Từ Tôn ba nghiệp không mỏi, mau thoát sinh tử về chân như.

Đây là phát nguyện, có sáu bài tụng: nửa bài tụng đầu nhớ nghĩ nguyện nơi ở thường thấy. Nửa bài tụng tiếp theo là ân trọng nguyện nơi sinh thường gặp. Một bài tụng tiếp là cung cấp hầu hạ, nguyện thường cung cấp không nhàm chán mệt. Nửa bài tụng tiếp theo nguyện thường gia hộ khiến được thấy, lẽ ra nói thấy v.v… vì văn tụng gò bó nên lược bớt chữ v.v… Một bài tụng rưỡi tiếp là nguyện thường lợi ích chúng sinh, nói trời người là căn cứ theo năng chứng ngộ; nói thanh tịnh như hư không là pháp thân, như khói mây trăng nước…là thọ dụng biến hóa thân. Hai bài tụng tiếp là nguyện được thấy và chứng đạt, trong đó một bài tụng đầu khen ngợi sự tốt đẹp, cảnh sở hành tức là thân pháp tánh, chánh hạnh từ bi tức là bi trí đều không thể suy nghĩ bàn luận, Đại tiên Bồ-tát tức là Bồ-tát Đẳng giác, nửa bài tụng tiếp theo là nguyện cầu che chở, nửa bài tụng tiếp theo là nói lên tu tập được chứng quả.

Văn kinh: Bấy giờ, Đức Thế Tôn nghe ngợi khen như thế xong, bèn dùng âm thanh cõi Phạm, bảo thần cây: Lành thay! Lành thay! Này thiện nữ Thiên ngươi có thể đối với Pháp thân thanh tịnh chân thật không luống dối của ta, vì tự lợi và lợi tha mà giảng nói tướng nhiệm mầu, nhờ công đức này giúp cho ngươi mau chứng Bồ-đề tối thượng, tất cả chúng sinh cũng cùng tu tập, nếu ai được nghe đều vào trong pháp môn cam lộ vô sinh.

Như lai khen ngợi ấn chứng. Đầu tiên là khen ngợi, từ “Thiện nữ Thiên…” đến hết là ấn chứng, có hai: Đầu tiên là ấn chứng lời ngợi khen, tiếp theo “Nhờ công đức này…” cho đến hết là ấn chứng sự phát nguyện.