KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG

KINH SỚ

Tam Tạng, Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường vâng chiếu dịch.
Sa-môn dịch kinh Tuệ Chiểu soạn.

Phẩm DIỆU TRÀNG BỒ-TÁT TÁN THÁN

Phần nói về lý do có phẩm này của phẩm Diệu Tràng Bồ-tát Tán Thán đồng như trước.

1. Giải thích tên gọi:

Tiếng Phạn là Cù-lô-chỉ-la, Hán dịch là Diệu, Kê-đầu, Hán dịch là Tràng, tức thắng trí xa dụ như cho ngọn cờ cao dài, tự một mình vượt lên mọi trần lụy cho nên gọi là Diệu, Tràng tức là gọi là Diệu, gọi là Diệu Tràng, thuộc về trì nghiệp thích. Từ ví dụ mà lập tên, gọi là Diệu Tràng. Kinh cựu dịch là Tín Tướng. Tướng, tiếng Phạn là Da-Sắt-trí, ở đây goi là Cù-lô-chỉ-la, cho nên dịch là Tràng. Tánh của Tín là thanh tịnh, nghĩa của Diệu cũng tương tự. Tràng là cao hiển, vì thế gọi nhầm là Tướng.

2. Giải thích vấn nạn.

Hỏi: Nghe pháp được thọ ký đâu chỉ có Diệu Tràng, vì sao tán thán chỉ nêu một mình vị đó?

Đáp: Bởi đó là vị Đại sĩ đứng đầu.

Văn kinh: Bấy giờ, Bồ-tát Diệu Tràng liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi, vén y bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật.

Tiếp theo văn trong phẩm chia làm ba đoạn: Đầu tiên là người khen ngợi và nghi thức, tiếp theo “Nói lời ngợi khen rằng…” về sau chính là nói rõ sự ngợi khen, sau cùng “Đức Phật bảo Bồ-tát Diệu Tràng…” đến hết là Đức Thế Tôn khen ngợi ấn chứng. Đây chính là phần đầu.

Văn kinh: Nói lời ngợi khen rằng: Mâu-ni trăm phước tướng tròn đầy, công đức vô lượng trang nghiêm thân, thanh tịnh rộng lớn người thích ngắm, như sánh ngàn mặt trời soi sáng, rựa rỡ vô biên ánh bừng lên, như ngọc báu đẹp tướng đoan nghiêm, như mặt trời mọc chiếu hư không, trắng hồng rõ ràng giữa sắc vàng, cũng như ánh núi vàng chiếu khắp, trăm ngàn cõi mọi nơi đều thấy, thường dứt các khổ của chúng sinh, đều ban mọi niềm vui mầu nhiệm, các tướng đầy đủ đều thanh tịnh, chúng sinh thích ngắm không thỏa mãn, tóc mềm mại ửng màu xanh biếc, như bầy ong đen quanh hoa thơm.

Tiếp theo là phần ngợi khen, có tám bài tụng rưỡi chia làm ba phần: Bốn bài tụng đầu ngợi khen về hóa Phật, tiếp từ “Đại hỷ…” về sau ba bài tụng là ngợi khen về thân thọ dụng của Phật, cuối cùng “Miệng vàng Như lai….” về sau một bài tụng rưỡi là chung cho cả hai Đức Phật. Lược bỏ không ngợi khen Pháp thân, bởi vì sâu xa kín đáo vô cùng, cho nên ngợi khen thân năng y đó để bày hiện thân sở y. Trong phần đầu, ngợi khen Hóa thân chia làm bốn: Đầu tiên một bài tụng ngợi khen thân tướng, tiếp một bài tụng ngợi khen ánh sáng, tiếp theo một bài tụng kết hợp ngợi khen thân tướng và ánh sáng, nửa bài tụng trước ngợi khen thường chiếu khắp nơi, nửa bài tụng sau ngợi khen thường làm lợi ích, tiếp một bài tụng ngợi khen tướng tốt.

Văn kinh: Đại Hỷ đại Xả thật nghiêm tịnh, đại Từ đại Bi đều đầy đủ, các tướng tốt đẹp để trang nghiêm, thành tựu từ pháp Bồ-đề phần. Như lai thường ban mọi phước lợi, chúng sinh thường được mọi yên vui, các thứ công đức cùng trang nghiêm, ánh sáng chiếu khắp ngàn muôn cõi. Ánh sáng Như lai thật tròn đầy, như mặt trời rực rỡ khắp hư không, Phật như Tu-di đủ công đức, thị hiện khắp thế giới mười phương.

Tiếp theo ngợi khen về thân thọ dụng, bao gồm hai thân tự tha thọ dụng, chia làm bốn: Nửa bài tụng đầu ngợi khen tâm vô lượng; nửa bàii tụng tiếp theo khen ngợi tướng tốt. Nói là “thành tựu từ pháp Bồđề phần” là ngợi khen nhân thành tự tướng hảo. Nửa bài tụng tiếp theo ngợi khen về lợi ích, một bài tụng rưỡi tiếp là ngợi khen thân tướng và ánh sáng. Trong phần thân tướng và ánh sáng, nửa bài tụng đầu là chung, một bài tụng sau là riêng. Trong phần chung: Câu trước ngợi khen thân tướng, bao gồm cả năm uẩn, câu sau ngợi khen ánh sáng cũng bao gồm cả trí và sắc. Từ “Ánh sáng Như lai…” về sau là ngợi khen riêng. Nửa bài tụng đầu khen ngợi ánh sáng, nửa bài tụng tiếp ngợi khen thân tướng.

Văn kinh: Miệng vàng Như lai thật đoan nghiêm, răng trắng đều khít như ngọc quý, mặt mũi Như lai không ai sánh, lông trắng giữa mày thường hướng phải, hồng hào sáng trắng tựa pha lê, giống như trăng tròn giữa hư không.

Bao gồm ngợi khen tướng tốt và vẻ đẹp của hai thân Phật.

Văn kinh: Đức Phật bảo Bồ-tát Diệu Tràng: Ông hãy ngợi khen công đức không thể suy nghĩ bàn luận của Phật như vậy để lợi ích cho tất cả, giúp cho người chưa biết thuận theo đó tu học. Tiếp theo là Đức Như lai khen ngợi ấn chứng.