KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG

KINH SỚ

Tam Tạng, Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường vâng chiếu dịch.
Sa-môn dịch kinh Tuệ Chiểu soạn.

Phẩm XẢ THÂN

Phẩm Xả Thân có chia ra ba phần:

1. Nói về lý do có phẩm này:

Ngay trong phần học hạnh Lưu thông có năm phần, thứ năm là thành tựu các phẩm trước, dạy tu học và thực hành, ý đó có ba, ở đây tức là ý thức ba lại tiếp tục khuyến khích cố gắng nên nói về phẩm Xả Thân này. Vì sao? Vì sợ rằng mọi người nghe nói thực hành các hạnh tự lợi sẽ được thành Phật, hãy còn không thể tu tập, cho nên nêu ra hạnh nguyện Bồ-tát vì lợi ích cho người mà xả bỏ thân mạng, tại sao không vì chính mình tu hành theo kinh này, do đó nói phẩm xả thân. Vì thế sau này kinh nói: “Ta vì người nói về duyên lợi tha ngày xưa, Bồ-tát nên tu học nhân thành Phật như thế…” Lại sợ rằng nghe nói ít thực hành mà được thành Phật thì hữu tình sẽ sinh ra khinh mạn, cho nên nêu ra phẩm Xả Thân để khuyến khích đại chúng y theo tu học. Vì thế sau này kinh nói: “Đức tốt của Bồ-tát tương ứng với trí tuệ, hăng hái tinh chuyên thực hành đầy đủ sáu độ, luôn luôn tu học không dừng nghỉ vì cầu quả vị Bồ-đề, nhập vào tâm xả vững chắc không mệt mỏi.” Trước là ý chính, ở đây là nói gồm đủ về lý do có phẩm này.

2. Giải thích tên gọi:

Vì cầu bi trí của Đấng Đại Giác nên thường tu tập, gặp gian khổ hay vui sướng thề xả bỏ thân mạng chứ không bảo vệ giai vị tôn quý, cúi xưống cứu giúp nạn treo ngược, thực hành nguyện Bồ-tát, nêu làm tên phẩm nên gọi là phẩm Xả Thân.

3. Giải trừ vấn nạn:

Hỏi: Hạnh xả thân này trong ba tăng-kỳ kiếp, kiếp nào mới xả bỏ?

Đáp: Không thấy trong chánh văn, truyện chép: “Trong tăng-kỳ thứ ba mới xả thân, vì trong kiếp đầu tiên công hạnh vẫn còn yếu kém, cho nên không thể thực hiện xả bỏ thân mạng này.” Căn cứ theo đây nên có thể thông cả hai tăng-kỳ sau.

Hỏi: Theo các luận như Du-già chẳng hạn, thì tăng kỳ thứ ba chắc chắn chịu sự biến đổi, vì sao có sự xả bỏ thân thể, xương cốt được?

Đáp: Đó là Hóa thân.

Hỏi: Nếu vậy sao không biến hóa làm các thứ thịt để bố thí cho cọp đói mà hóa hiện xả thân như vậy?

Đáp: Hóa hiện tự thân để bố thí giúp ích nhiều cho chúng sinh.

Hỏi: Nếu như vậy tại sao kinh Kim Quang Minh xưa nói rằng “Xả thân nuôi cọp vượt qua mười một kiếp”?

Đáp: Đó cũng là Hóa thân.

Hỏi: Nếu thế tại sao các kinh như kinh Phật Tạng lại chép: “Đức Phật Di Lặc phát tâm Bồ-đề trước Đức Phật Thích-ca bốn mươi kiếp”, các kinh như kinh Hiền Kiếp chép: “Ngài Thích-ca nhờ tinh tấn tu tập cho nên vượt qua bốn mươi kiếp mà thành Phật trước ngài Di-lặc”?

Đáp: Đó là vì văn cơ hóa sinh thành thục trước sau nên khác nhau, cả hai vị Bồ-tát đều nói có vượt qua kiếp, nếu không như vậy thì làm sao có thể nói từ địa thứ tám trở lên giai vị tăng tiến trong từng sát-na, đều tăng tiến gấp bội, làm sao vượt qua được? Lại giải thích: Tăng tiến thêm là hướng về phía trước và thực hành hạnh tự lợi, đối với hạnh nguyện lợi tha chưa hẳn đã tăng thêm, do đó nói không muốn thực hành lợi tha là chướng ngại phải dứt trừ để đi vào địa thứ chín. Lại giải thích: Kết hợp hai nghĩa trước cho nên có thể nói là vượt qua.

Hỏi: Chướng ngại lợi tha cần phải dứt bỏ là ở địa thứ chín, tại sao Đức Thích-ca trải qua ba tăng-kỳ tu tập đã mãn, trong trăm kiếp gặp Đức Phật Phất-sa vui mừng khen ngợi nên vượt qua chín kiếp?

Đáp: Vì chúng sinh mà giảng nói, cho nên không có lỗi.

Hỏi: Tại sao xả thân không thành tựu quả tuổi thọ của Như lai mà lại nói khổ hạnh khuyến khích cố gắng trì kinh tu hạnh tự lợi?

Đáp: Theo như trướcđây thì Bồ-tát Diệu Tràng chỉ nghi ngờ về thọ mạng, không xứng với nhân của sự sống lâu, không nghi ngờ về thọ mạng lâu dài thì tu tập hạnh gì mà được, do đó không cần phải thành tựu.

Văn kinh: Bấy giờ, Đức Thế Tôn đã nói cho đại chúng nghe về nhân duyên xưa kia của mười ngàn vị Thiên tử này.

Tán rằng: Văn trong phẩm này toàn bộ chia làm bốn phần:

1. Kể rõ hạnh xả thân xưa kia.

2. Từ “Lại bảo A-nan-đà…” về sau là kết hợp xưa và nay.

3. Từ “Ta nói cho các người nghe…” về sau là khuyên nhủ tu học.

4. Từ “Bấy giờ, Đức Thế Tôn…” về sau là đại chúng nghe được lợi ích. Trong phần một chia làm ba: Đầu tiên là kết thúc phần trước, dẫn ra phần sau để nói đầu đuôi sự việc, tiếp đến từ “Bấy giờ, Đức Thế Tôn…” về sau là tiếp tục vì hiện tiền đại chúng hiện tháp báu nói tựa kể rõ sự xả thân, sau cùng từ “Lại bảo A-nan-đà…” trở xuống là nói về hạnh xả thân xưa kia, đích thực lợi ích cho tình hình đặc biệt lúc ấy. Đầy là phần đầu lại có ba, ở đây là đầu tiên kết thúc các kinh trước.

Văn kinh: Lại bảo thần cây Bồ-đề và các đại chúng: Ta ở đời quá khứ thực hành đạo Bồ-tát, không chỉ ban nước và thức ăn cứu giúp mạng sống đàn cá kia, cho đến thân yêu quý của ta cũng xả bỏ, nhân duyên như thế có thể cùng nhau quán sát.

Tiếp theo là phần thứ hai, Đức Thế Tôn dẫn ra phần sau, có bốn:

  1. Nêu căn cơ đương thời.
  2. Từ “Chẳng những…” trở xuống là dựa vào trước đây mà nói lược.
  3. Từ “Cho đến…” trở xuống là nói rộng về nhân tốt đẹp.
  4. Từ “Nhân duyên như thế…” trở xuống là nhắc nhở, khuyến khích đại chúng lúc ấy.

Văn kinh: Bấy giờ, Đức Như lai Ứng Chánh Đẳng Giác cao đẹp nhất, tôn quý nhất khắp cõi trời, cõi người, phát ra trăm ngàn tia sáng soi chiếu cac thế giới mười phương, đầy đủ tất cả trí tuệ, công đức hoàn thiện trọn vẹn, dẫn các Tỳ-kheo cùng với đại chúng đến bày Bàn-giàla, vào trong một khu rừng, đất đai bằng phẳng không có các thứ gai góc, hoa đẹp cỏ mềm trải khắp chỗ đó. Đức Phật bảo Cụ thọ A-nan-đà: Ông hãy ở dưới cội cây này sắp đặt chỗ ngồi cho ra. A-nan-đà lập tức vâng lời sắp đặt xong, bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Chỗ ngồi đã sắp đặt xong, cúi mong Thế Tôn biết thời!

Tiếp theo là bắt đầu nói rõ sự việc cho đại chúng nghe, có hai:

1. Khen ngợi công đức cao quý của Phật hiển bày ánh sáng nhóm họp đại chúng.

2. Từ “Dẫn các Tỳ-kheo…” về sau là dẫn dắt cho đại chúng biết lối đến đạo tràng. Bàn-già-la, Hán dịch là Tổng tập, cũng có nghĩa là nhung nhúc các con sư tử gọi là Bàn-già-la, tức là người ở nơi này bắt các sư tử nhốt lại, vì giam giữ nên nhân đó đặt ra tên gọi này. Nơi mọi người nhóm họp sinh sống gọi là xóm làng, xóm làng cũng là đình viện. Theo Tây vực truyện: “Ở nước Đát-xoa-thỉ-la, là biên giới phía Bắc Ấn Độ, bấy giờ là phía Tây bắc nước Ca-thấp-di-la, chỗ xả thân này ở vùng phía Bắc nước Thỉ-La. Vượt qua sông Tín độ về phía Đông nam khoảng hai trăm dặm có một cổng đá rộng lớn, nơi đây vương tử Tát-đỏa xả thân nuôi cọp đói và lũ quạ, đất đai trong đó cho đến các loại cỏ cây bé nhỏ đều có màu đỏ, giống như có máu thấm vào. Mọi người đi trên đất đó giống như bị gai đâm, bất luận là người nghi kẻ tin, chẳng ai không buồn thương.”

3. Từ “Đức Phật bảo Cụ Thọ…” trở xuống là Phật bảo A-nan hãy sắp đặt pháp tòa. Đầu tiên là Đức Phật chỉ dạy, tiếp theo là vâng lời chỉ dạy, sau là bắt đầu cầu thỉnh.

Văn kinh: Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền bước lên pháp tòa ngồi kiết già, vững mình chánh niệm bảo các Tỳ-kheo: Các người muốn thấy xá lợi của Bồ-tát thực hành khổ hạnh xưa kia không? Các Tỳ-kheo đáp: Vâng, chúng con muốn thấy. Đức Thế Tôn liền dùng tay phước đức tướng tốt trang nghiêm ấn xuống mặt đất, lúc ấy cả mặt đất vang lên sáu thứ rung chuyển, liền đó mở toang ra, tháp bảy báu bỗng nhiên xuất hiện, nhiều thứ lưới giăng quý báu trang nghiêm phía trên. Đại chúng thấy rồi sinh tâm ít có. Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn liền đứng dậy nơi pháp tòa lễ lạy, đi vòng sang bên phải rồi trở lại pháp tòa bảo Anan-đà:

– Ông hãy mở cánh cửa cuối cùng này!

A-nan-đà lập tức mở cánh cửa đó, thấy chiếc hộp bảy báu kỳ lạ đặt bên trong nên bạch rằng:

– Bạch Đức Thế Tôn! Có chiếc hộp bảy báu trang hoàng nhiều thứ quý lạ.

Đức Phật bảo:

– Ông hãy mở chiếc hộp.

Lúc ấy, A-nan-đà vâng lời dạy mở nắp hộp, thấy có xá-lợi trắng như ngọc kha, trắng như hoa Cẩu-vật-đầu, liền bạch với Đức Phật:

– Trong hộp có xá-lợi màu sắc tuyệt đẹp khác thường.

Đức Phật bảo:

– A-nan-đà! Ông hãy mang xương cốt Đại sĩ ấy đến đây.

A-nan-đà liền vâng lời lấy xương cốt đó mang đến dâng lên Thế Tôn, Đức Thế Tôn nhận và bảo các Tỳ-kheo rằng: Các người nên quan sát di thân xá-lợi của Bồ-tát khổ hạnh. Lại nói bài tụng: Bồ-tát đức tuệ thắng tương ưng, mạnh mẽ tinh chuyên sáu độ tròn, thường tu không nghỉ là Bồ-đề, đại xả vững chắc tâm không mỏi. Tỳ-kheo các thầy đều nên kính lễ bổn thân Bồ-tát, xá-lợi này chính là vô lượng hương Giới, Định, Tuệ xông ướp ngào ngạt, là ruộng phước trên hết rất ít khi gặp được. Lúc ấy các Tỳ-kheo cùng các đại chúng thảy đều dốc lòng chắp tay cung kính đảnh lễ xá-lợi và khen ngợi là chưa từng có. Bấy giờ, Anan-đà bước đến đảnh lễ dưới chân Phật, bạch rằng:

– Bạch Đức Thế Tôn! Như lai Đại sư là đấng vượt qua tất cả sự cung kính của các loài hữu tình, vì nhân duyên gì mà lễ kính thân cốt này?

Đức Phật bảo A-nan-đà:

– Ta nhờ xương cốt này mà mau chóng đạt được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, vì báo đền ân đức ngày xưa nên nay ta cung kính lễ lạy.

Tiếp theo vì hiện tiền đại chúng hiện tháp báu nói tựa kể rõ sự xả thân. Trong đó lại chia làm mười tám đoạn:

  1. Hỏi ý đại chúng có muốn thấy không.
  2. “Các Tỳ-kheo bạch rằng…” về sau là đại chúng trả lời vui mừng muốn thấy.
  3. “Đức Thế Tôn liền dùng…” về sau là Phật hiện bày thần thông.

Hỏi: Sao ngay lúc đó không khiến cho tháp hiện ra mà tay ấn mới nổi lên?

Đáp: Nếu không dùng tay ấn mà ngay lúc đó khiến cho tháp hiện ra thì đại chúng không biết được thần lực của Phật, có ba:

  1. Tay ấn xuống đất.
  2. Mặt đất chấn động.
  3. Mặt đất mở ra.

6. “Ngôi tháp bảy báu…” về sau là tháp báu hiện ra; Chế-để là tiếng Phạn, thông thường chỉ cho chùa tháp thờ Phật, nếu là chỉ riêng thì Phật đường gọi là Chế-đa, Hán dịch là Linh thố, xưa gọi là Chi-đề là sai; Tháp, tiếng Phạn là Tốt-đổ-ba, Hán dịch là Cao hiển, xưa dịch là Phật tháp, Tháp bà, Luân bà v.v… đều sai. Trong này có ba:

  1. Ngôi tháp xuất hiện.
  2. Các thứ trang nghiêm.
  3. Đại chúng nhìn thấy.

Hỏi: Tháp xả thân tại sao không ẩn giữa hư không mà lại chìm dưới đất?

Đáp: Muốn hiển bày Pháp thân xá-lợi trong nhân do chướng ngại che phủ nên không hiển bày được, nhờ phương tiện của Phật mới hiện bày được, vì thế ẩn trong đất, ấn xuống mặt đất mới hiện lên.

7. Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn…” về sau là vì báo ân nên kính lễ, do đó quỷ đói ăn thây chết, các vị trời lạy xương khô, đây là ý khiến cho đại chúng tu nhân nên báo đền ân đức ngày xưa.

  1. “Bảo A-nan-đà…” về sau là dạy bảo mở cửa tháp.
  2. “A-nan-đà lập tức…” về sau là vâng lời mở tháp, trong này có hai:
  3. Mở cửa tháp,
  4. Nhìn thấy chiếc hộp.

8. “Bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn…” về sau là y theo điều nhìn thấy nên bắt đầu thưa hỏi, hiển bày Như lai ẩn chứa đầy đủ tánh công đức cho nên có hộp báu trang nghiêm.

9. “Đức Phật bảo…” về sau là lại bảo mở hộp.

10. Lúc ấy, A-nan-đà…” về sau là vui mừng y theo lời dạy, có hai: Một là mở hộp, hai là những gì nhìn thấy biểu hiện cho lý tánh thanh tịnh không phải là vật đắm nhiễm, giống như hoa sen tinh khiết.

11. “Liền bạch…” về sau là A-nan lại thưa hỏi.

12. “Đức Phật bảo…” về sau là Phật bảo mang đến.

13. “A-nan-đà liền lấy…” về sau là vui mừng vâng lời dâng lên.

14. Thế Tôn nhận và…” về sau là Đức Phật nhận và nói về nhân duyên ấy, có ba: một là Đức Phật thâu nhận, hai là khuyên quan sát, ba là nói tụng ngợi ca.

15. “Tỳ-kheo các thầy…” về sau là Thế Tôn chỉ dạy nên kính lễ, trong đó có hai: một là bảo kính lễ, hai là giải thích lý do. Năm phần pháp hương nêu ra ba, ví dụ hai, giới tức là nói riêng, định là nói về vô biểu định, tuệ như tên gọi, giải thoát tức là thắng giải số, giải thoát trí kiến tức là duyên với vô vi tuệ, giải thích rộng như các luận Tạp Tập, Đại Trang Nghiêm v.v… đã phân biệt rõ.

16. “Lúc ấy, các Tỳ-kheo…” về sau là y theo lời dạy mà lễ lạy khen ngợi.

17. “Bấy giờ, A-nan-đà…” về sau là thưa hỏi Đức Phật về lý do kính lễ.

18. “Đức Phật bảo…” về sau là trả lời về lý do phải kính lễ.

Văn kinh: Lại bảo A-nan-đà: Nay ta vì dứt hết mọi sự nghi ngờ cho ông và các đại chúng nên nói về nhân duyên xưa kia của xá-lợi này, các ông kéo suy nghĩ và nên nhất tâm lắng nghe. A-nan-đà thưa: Chúng con rất muôn nghe, cúi mong giảng nói cho chúng con nghe! A-nan-đà, thuở quá khứ có một vị vua tên là Đại Xa, rất giàu có nhiều tài sản, kho tàng đầy ắp, binh lính hùng mạnh, mọi người đều kính phục, thường dùng chánh pháp ban bố, cai trị dân chúng, khắp nơi thinh vượng, không có oán thù đối địch. Quốc Thái phu nhân sinh hạ ba vương tử dung mạo khôi ngô, mọi người đều thích ngắm nhìn. Thái tử tên là Ma-ha-ba-la, thứ tử tên là Ma-ha-đề-bà, ấu tử tên là Ma-hatát-đỏa.

Tiếp theo nói về hạnh xả thân xưa kia làm lợi ích cho chúng hội lúc bấy giờ. Văn chia làm ba phần:

  1. Dạy lắng nghe và hứa giảng nói.
  2. Đại chúng ưa thích muốn nghe.
  3. Chính thức giảng nói, trong đó lại có hai: Đầu tiên là văn trường hàng, sau là văn trùng tụng. Văn trường hàng có mười đoạn:
  1. Kẻ rõ quyến thuộc xưa kia.
  2. “Lúc này, Đại vương…” về sau là kể lại cuộc dạo chơi vui vẻ ngày xưa.
  3. “Vương tử thứ nhất…” về sau là gặp cảnh khổ sinh lòng thương.
  4. “Bấy giờ, vương tử Tát-đỏa…” về sau là nghĩ nên xả thân mạng.
  5. “Lúc ấy, vương tử…” về sau là hy sinh thân mạng để cứu giúp.
  6. “Lúc ấy, mặt đất…” về sau là điềm lành cảm đến trời người.
  7. “Lúc này cọp đói…” về sau là cọp bèn ăn thịt.
  8. “Bấy giờ, Đại vương…” về sau là quyến thuộc kêu khóc thương tiếc.
  9. “Bấy giờ, Đại vương…” về sau là xây nên tháp thờ.
  10. “A-nan-đà …” về sau là kết thúc chỉ rõ hạnh lợi sinh.

– Trong phần kể rõ quyến thuộc xưa kia có ba:

  1. Nói về thời gian.
  2. Kể rõ cha mẹ.
  3. Nói rõ anh em.

Văn trong đoạn có thể biết. Ma-ha-ba-la, Hán dịch là Đại cừ, Ma-ha-đề-bà, Hán dịch là Đại thiên, Ma-ha-tát-đỏa, Hán dịch là Đại dũng mãnh. Vì cầu đại Bồ-đề nên phát tâm rất mạnh mẽ, không ngại nơi chốn, thời gian, hy sinh thân mình xả bỏ tánh mạng, cầu pháp lợi ích mọi vật, thường không tiếc nuối, lui sụt, vì thế gọi là rất mạnh mẽ. Do đó bài tụng ở dưới nói: “Vương tử tên Dũng Mãnh, tâm thường cho không tiếc.”

Văn kinh: Lúc ấy, Đại vương vì muốn tuần du quán sát, thong dong ngắm nhìn rừng núi, ba vị vương tử đó cũng cùng đi theo, vì tìm kiếm hoa quả nên rời xa vua cha đến một khu rừng trúc rộng lớn nghỉ ngơi trong đó.

Tiếp theo là kể lại cuộc dạo chơi vui vẻ ngày xưa, văn trong đó có ba: Đầu tiên là nhà vua ra khỏi cung du ngoạn, tiếp đến là các quan phụ tá đều đi theo, sau là các vương tử rời vua cha tìm nơi thưởng ngoạn.

Hỏi: Đã nói là nhà vua rời cung du ngoạn và các vương tử cùng đi theo, vì sao nghe con xả thân ở trong cung?

Đáp: Theo cựu dịch thì chỉ nói vương tử rời cung, lược bỏ không nói về người cha. Ở đây khi đã xả thân rồi thì lược bỏ không nói đến ngự giá hồi cung. Căn cứ theo thực tế thì vương tử cùng đi theo, nhà vua trở về trước, vì thế nghe con xả thân ở trong cung là không sai.

Văn kinh: Vương tử thứ nhất nói như vầy: Ta cảm thấy hôm nay trong lòng rất hoang mang, ở trong rừng này mong sao không có thú dữ làm hại đến ta! Vương tử thứ hai lại nói như vầy: Đối với bản thân em trước tiên không hề tiếc rẻ, sợ rằng có nỗi khổ chia lìa đối với những gì yêu mến. Vương tử thứ ba thưa với hai anh rằng: Đây là nơi ở của các thần tiên, em không sợ hãi nỗi buồn chia lìa, thân tâm chan chứa nhiều niềm vui sướng, sẽ đạt được các công đức cao quý. Lúc ấy, các vương tử đều nói những điều suy nghĩ trong tâm tư mình.

Tiếp theo là phần thứ ba, gặp cảnh khổ sinh lòng buồn lo, trong đó có ba: Đầu tiên là kể lại ý nghĩ trước đó, trong này lại có hai: Một là ba vương tử đều bày tỏ ý nghĩ, hai là “Lúc ấy, các vương tử…” về sau là nhà dịch kinh tổng kết.

Văn kinh: Lại nữa, trước đó trên đường đi thấy có một con hổ sinh bảy hổ con mới bảy ngày, các hổ con bị đói khát, bức bách, thân hình gầy yếu chẳng bao lâu sẽ chết.

Tiếp theo là phần thứ hai, thấy hổ đói ốm yếu.

Hỏi: Thấy hổ mẹ sinh con, làm sao biết là bảy ngày?

Đáp: Chân đế Tam tạng giải thích có hai cách:

1. Sự giúp đỡ của đoàn thực chỉ trong bảy ngày, qua thời gian này sẽ chết, hổ đói như thế cho nên biết là bảy ngày.

2. Vào lúc đó liền có quỷ thần trình báo, nhưng các kinh không nêu ra; cũng như phát nguyện xả thân, không có người nghe biết, sau đó thiên thần báo lại, như thần cây trình báo số cá trong hồ.

Văn kinh: Vương tử thứ nhất nói như vầy: Đáng thương thay! Hổ mẹ này sinh con đã bảy ngày, bảy hổ con vây quanh không ngớt tìm kiếm thức ăn, bị đói khát bức bách chắc chắn quay lại ăn thịt hổ con.

Vương tử Tát-đỏa hỏi rằng:

– Hổ này mỗi khi thường ăn những thứ gì?

Vương tử thứ nhất trả lời:

– Hổ báo, chó sói, sư tử chỉ ăn máu thịt sống, hơn nữa không có thức ăn uống nào có thể cứu giúp hổ mẹ gầy ốm này.

Vương tử thứ hai nghe lời này rồi liền nói như vầy:

– Hổ mẹ này gầy yếu bị đói khát bức bách, mạng sống còn lại chẳng bao lâu, chúng ta không thể nào tìm được thức ăn gì cho nó, như thế khó ăn uống được, lại vì nó tự xả bỏ thân mạng cứu giúp nỗi khổ đói khát kia?

Vương tử thứ nhất nói:

– Tất cả khó xả bỏ, thân mình đều sinh lòng yêu quý, lại không có trí tuệ, không thể nào đối với người khác mà làm điều lợi ích.

Tiếp theo là phần thứ ba, đau đớn cùng nhau bàn luận, trong đây có bảy:

  1. Thái tử thấy khổ sinh lòng thương xót.
  2. “Vương tử Tát-đỏa…” về sau là Tát-đỏa hỏi thức ăn của hổ.
  3. “Vương tử thứ nhất…” về sau là thái tử trả lời hổ ăn máu thịt.
  4. “Vương tử thứ hai…” về sau là Đại thiên nghe sinh lòng khiếp sợ.
  5. “Vương tử thứ nhất…” về sau là thái tử nói rõ sự xả thân là khó.

6. “Vương tử Tát-đỏa…” về sau là Tát-đỏa bàn bạc trước sau, trong đó có ba: Đầu tiên trách mình không có khả năng, tiếp theo tôn sùng người khác có khả năng, sau cùng tâm niệm tự xem xét. Đầu tiên trách mình không có khả năng vì có ba nguyên nhân:

  1. Có tham đắm.
  2. “Lại không có trí tuệ…” về sau là không có đại trí.
  3. Không thể nào đối với…” về sau là không có đại Bi.

Có tham đắm cho nên không thể sinh tâm chán bỏ pháp hữu vi, không có đại trí nên không thể sinh tâm cầu quả Bồ-đề, không có đại bi nên không thể sinh tâm lợi ích hữu tình, do đó không thể nào xả thân để lợi ích chúng sinh.

Văn kinh: Nhưng có bậc Thượng sĩ có tâm đại Bi, thường thực hành lợi tha, quên thân mình cứu giúp chúng sinh.

Tiếp theo là tôn sùng người khác có khả năng, ở đây cũng có ba:

  1. Có đại trí, tức là có bậc Thượng sĩ.
  2. Có đại Bi, tức là có tâm đại bi…
  3. Quên thân mình cứu giúp chúng sinh tức là không tham đắm, có thể chán bỏ pháp hữu vi.

Văn kinh: Lại suy nghĩ như vầy: Thân này của ta hiện giờ trong trăm ngàn đời đã bị rục rã bỏ đi một cách vô ích, vì sao hôm nay lại không thể xả bỏ để cứu giúp nỗi khổ đói khát, như nhổ bỏ đờm dãi.

Tiếp theo là tâm niệm tự xem xét, trong đó có ba: Đầu tiên là suy nghĩ ngày xưa thân này bỏ đi một cách luống uổng nhiều không kể xiết, tiếp theo “Tại sao hôm nay…” về sau là suy nghĩ hôm nay vì sao không thể xả bỏ để cứu giúp chúng sinh, cuối cùng “Như xả bỏ đờm dãi…” về sau là nên sinh tâm chán bỏ giống như đờm dãi. Xả bỏ sắc thân vô thường nên đạt được sắc thân thường còn.

Văn kinh: Lúc ấy, các vương tử bàn nhau như thế xong, đều khởi lên tâm từ đau đớn xót xa, cùng nhìn hổ mẹ tiều tụy mắt không hề rời, lưỡng lự hồi lâu rồi cùng quay bước bỏ đi.

Tiếp theo là phần thứ bảy, các vương tử đau lòng gắng gượng lìa xa.

Văn kinh: Bấy giờ, vương tử Tát-đỏa liền nghĩ như vầy: Nay chính là lúc ta xả bỏ thân mạng, vì sao từ xưa đến nay mang thân nhơ bẩn này, máu mủ chảy đầy không đáng yêu quý, cung cấp mọi thứ, cùng với ăn mặc, voi ngựa, kiệu xe và các thứ tài bảo, pháp biến hoại, thể vô thường, luôn cầu tìm, khó đầy đủ, khó giữ gìn. Tuy luôn luôn cung cấp nuôi dưỡng nhưng ôm ấp oán hại, rốt cuộc rồi cũng bỏ ta, không biết công ơn. Lại nữa, thân này không bền lâu, đối với ta thật vô ích, đáng sợ như giặc, bất tịnh như phẩn dãi, hôm nay ta nên sử dụng thân này để tu tạo sự nghiệp to lớn, làm con thuyền lớn trong biển sinh tử, xả bỏ luân hồi để được thoát ra.

Tiếp theo là phần là thứ tư, suy nghĩ nên xả bỏ thân mạng, có sáu:

1. Khởi lên ý niệm xả thân.

2. “Vì sao…” về sau là thôi thúc tác ý, tức là đi vào pháp lành thì dục là căn bản, tác ý sinh khởi, tức là như lý tác ý tư duy về bốn niệm trú. Hai câu đầu suy nghĩ về sự bất tịnh; ba câu tiếp theo suy nghĩ về sự vô thường; hai câu tiếp đó suy nghĩ có khổ. Luôn cầu tìm khó thỏa mãn là khổ cầu mong mà không được, khó giữ gìn là khổ thương yêu mà chia lìa, ôm ấp oán hại là khổ già bệnh chết; một câu tiếp theo suy nghĩ về vô ngã, tâm tuy mong cầu vui vẻ nhưng không thể ở với ta, rốt cuộc bỏ ta trong năm nẻo luân hồi, vứt bỏ chẳng hề biết ân, cho nên vô ngã.

3. “Lại nữa…” về sau là chán bỏ ưa thích mong cầu, có hai: Đầu tiên là nhân, sau là quả.

Trong nhân có ba:

  1. Chán bỏ pháp hữu vi tức là quán bốn niệm trú, thân này không bền lâu nên vô thường, đối với ta thật vô ích là vô ngã, đáng sợ như giặc là vô lạc, bất tịnh như phẩn dãi là bất tịnh.
  2. “Hôm nay ta…” về sau là cầu quả Bồ-đề.
  3. “Trong biển sinh tử…” về sau là ích lợi cho hữu tình, tức là dùng thân này thực hành sự nghiệp lợi ích chúng sinh, cho nên gọi là nhờ nhân tu, nếu về sau sinh rồi lại mất thì gọi là quả.

Văn kinh: Lại suy nghĩ như vậy: Nếu xả thân này tức là xả bỏ vô lượng ung nhọt, bệnh quái ác, trăm ngàn điều kinh sợ. Thân này chỉ có đại tiểu tiện lợi, không bền lâu tựa như bọt nước, các loại vi trùng nhóm họp, máu mủ gân cốt cùng liên kết với nhau để tạm gìn giữ, thật đáng ghê tởm! Cho nên nay ta phải xả bỏ đề cầu Niết-bàn vô thượng rốt ráo, xa lìa hẳn ưu tư sầu não vô thường khổ đau, sinh tử ngừng dứt, trừ bỏ các trần dây dưa, dùng năng lực định tuệ viên mãn huân tu trăm phước trang nghiêm, thành tựu trí Nhất thiết, các Đức Phật khen ngợi pháp thân nhiệm mầu, đã chứng đạt rồi, ban cho chúng sinh vô lượng pháp lạc. Lúc ấy, vương tử sinh khởi tâm mạnh mẽ, phát thệ nguyện rộng lớn, dùng ý niệm đại bi để tăng thêm tâm nguyện đó.

Tiếp theo là nói về mong cầu quả vị, cũng có ba:

1. Chán bỏ pháp hữu vi. Theo luận Giải Thoát Đạo có mười quán tưởng bất tịnh:

  1. Phình trướng.
  2. Tím đen.
  3. Thối rữa.
  4. Vứt bỏ.
  5. Chim thú ăn nuốt.
  6. Thân thể rời ra
  7. Tứ chi vung vãi
  8. Máu đỏ giây đầy.
  9. Giòi bọ rúc rỉa.
  10. Xương cốt lăn lóc.

Mười thứ này chỉ là bất tịnh, nay trong văn này nói chung có bốn niệm: Các loại ung nhọt… là vô lạc, chỉ có đại tiểu tiện lợi… là bất tịnh, không bền lâu như bọt nước là vô thường, các trùng bọ nhóm họp… là vô ngã. Nhưng luận ấy chép: “Thân tự tánh có sáu mươi khe hở, có tám muôn loài trùng”, cho nên nói là các trùng bọ nhóm họp.

2. “Cho nên nay ta…” về sau là cầu quả vị Bồ-đề, Bồ-đề và Bồđề đoạn đều gọi là Bồ-đề, Ma-ha Bát-nhã, Giải thoát, Pháp thân đều là đại Niết-bàn, do đó cùng chung cho cả trí và lý. Trong đây đầu tiên nói về Niết-bàn, từ “Dùng năng lực định tuệ…” về sau là nói về Bồ-đề.

3. “Đã chứng đạt rồi…” về sau là nói về lợi ích cho chúng sinh. Nhân quả về đoạn trí, ân đức, hai văn đều phối hợp lần lượt theo thứ lớp.

Tu tập cầu quả Bồ-đề không vượt quá nơi này, cho nên phần thứ tư từ “Lúc ấy, vương tử…” về sau là bi nguyện càng tha thiết.

Văn kinh: Sợ ý của hai anh lo sợ sẽ cùng nhau giữ lại thì sẽ không thỏa mãn được ý định thực hành.

Tiếp theo là phần năm, sợ có điều khó dễ phát sinh.

Văn kinh: Liền thưa rằng: Hai anh đi trước, em sẽ đến sau.

Tiếp theo là phần sáu, khéo tu phương tiện.

Văn kinh: Bấy giờ, vương tử Ma-ha Tát-đỏa quay lại vào trong rừng đến nơi hổ mẹ kia, cởi bỏ áo quần vắt trên cành trúc, phát lời thề rằng: Tôi vì chúng sinh trong pháp giới chí thành cầu vô thượng Bồđề, khởi tâm đại bi không hề nao núng, sẽ xả thân yêu quý của phàm phu, cầu quả vị Bồ-đề không ưu sầu không phiền muộn, vì sự an vui của những bậc có trí, vì các chúng sinh trong biển khổ ba cõi, nay tôi cứu giúp khiến cho an vui. Lúc ấy, vương tử nói như thế xong, đến trước hổ đói xả thân nằm xuống. Do uy lực từ Bi của Bồ-tát này, hổ đói không thể ăn được. Bồ-tát thấy vậy liền lên núi cao rồi lao mình xuống đất, lại nghĩ rằng: Nay hổ đã yếu sức không thể ăn thịt ta. Liền bắt đầu tìm dao, nhưng không tìm được dao nên dùng tre khô đâm vào cổ, máu chảy rồi từ từ đến gần bên hổ.

Tiếp theo là đoạn lớn thứ năm hủy thân cứu giúp. Trong văn có bốn phần:

  1. Trở lại con đường đến chỗ chỗ đói.
  2. “Cởi bỏ áo quần…” về sau là bắt đầu phương tiện trước tiên.
  3. “Phát lời thề rằng…” về sau là phát tâm Bồ-đề, hai câu đầu là chung, sáu câu sau là riêng. Trong phần riêng, hai câu đầu là tâm nhàm chán lìa bỏ pháp hữu vi, hai câu tiếp theo là tâm cầu Bồ-đề, hai câu sau cùng là tâm lợi ích chúng sinh.
  4. “Lúc ấy, vương tử…” về sau chính là xả bỏ thân mạng, trong đó lại có sáu:
  1. Xả thân cho hổ.
  2. “Do uy lực… Bồ-tát này…” về sau là hổ không thể ăn được.
  3. “Bồ-tát thấy vậy…” về sau là vì đó leo lên núi cao rồi lao mình xuống.
  4. “Lại nghĩ rằng…” về sau là tiếp tục suy nghĩ hổ nay đã yếu sức.
  5. “Liền bắt đầu tìm dao…” về sau là tiếp tục dùng phương tiện.
  6. “Máu chảy rồi từ từ đến gần bên hổ” là máu chảy đến chỗ hổ

cho hổ ăn thịt.

Văn kinh: Lúc ấy, mặt đất vang lên sáu thứ chấn động như: gió nổi lên, nước dâng cao ngập tràn không ngớt, mặt trời không sáng tỏ, như La-hầu che lấp hang chuột, mọi phía tối mịt không có ánh sáng, trời mưa hoa đẹp và mạt hương kỳ lạ rơi xuống rực rỡ khắp nơi trong rừng. Bấy giờ, giữa hư không có các chúng trời thấy việc như vậy liền sinh tâm vui theo, khen ngợi là điều chưa từng có, đều khen rằng: Lành thay! Đại sĩ! Liền đó nói bài tụng: Đại sĩ cứu giúp vận tâm bi, nhìn mọi chúng sinh như con một, vui mừng mạnh mẽ lòng không tiếc, xả thân cứu khổ phước khó bàn, định đến nơi chân thường nhiệm mầu, xa lìa sinh tử các lo phiền, không lâu sẽ đạt quả Bồ-đề, vắng lặng an vui chứng vô sinh.

Tiếp theo là đoạn lớn thứ sáu, điềm lành cảm ứng trời người, trong đó có hai: Đầu tiên là hiện rõ điềm báo có ba:

1. Mặt đất vang rền sáu thứ rung chuyển.

2. Mặt trăng, mặt trời không phát ánh sáng.

3. Trời rải hương hoa như mưa khắp nơi trong rừng để cúng dường. Sau đó, từ “Bấy giờ giữa hư không…” trở xuống là chúng trời nhìn thấy, cũng có ba: Nhìn thấy, vui theo, khen ngợi. Trong phần khen ngợi có ba: Hai câu đầu khen ngợi tâm bi bình đẳng, hai câu tiếp khen ngợi hạnh bố thí của Đại sĩ, bốn câu sau khen ngợi sẽ đạt được quả Bồ-đề. Trong phần đạt được quả, hai câu đầu cùng khen ngợi về Bồ-đề Niết-bàn, nương vào ba việc thường đầy đủ nên được gọi là thường, hai câu sau khen ngợi riêng về Bồ-đề Niết-bàn, vắng lặng tức là Niết-bàn, hoặc năng tịch sở vắng lặng đều gọi là tịch tịnh. Vô sinh tức là Niết-bàn.

Văn kinh: Lúc ấy, hổ đói thấy máu chảy xuống từ cổ của Bồ-tát nên lập tức liếm máu ăn thịt, cuối cùng hết sạch chỉ để lại bộ xương.

Tiếp theo là phần thứ bảy, hổ đói cuối cùng ăn được xác thân của Bồ-tát.

Văn kinh: Bấy giờ, vương tử thứ nhất thấy mặt đất rung chuyển nên nói với người em rằng: Mặt đất, sông núi đều rung chuyển, mọi phía tối mịt, mặt trời không chiếu sáng, hoa trời rơi đầy giữa hư không, chắc chắn là điềm em ta đã xả thân. Vương tử thứ hai nghe anh nói vậy liền nói bài tụng (Già-đà) rằng: Em nghe Tát-đỏa nói từ bi, thấy hổ đói kia thân suy yếu, đói khổ bức bách sợ ăn con, em nay nghĩ đệ xả thân mình. Hai vương tử vô cùng buồn lo, khóc lóc than thở, liền cùng nhau đi theo con đường quay lại chỗ hổ đói, thấy áo quần em mình vắt trên cành trúc, hài cốt và tóc còn vung vãi khắp nơi, máu chảy thành bùn vấy bẩn trên mặt đất. Thấy cảnh tượng này lòng buồn rười rượi, cuối cùng không thể tự kiềm chế, bèn giao mình lên xương cốt người em, hồi lâu mới tỉnh lại, liền đứng lên giơ tay gào khóc đau đớn, lúc ấy than rằng: Em ta dung mạo khôi ngô, cha mẹ yêu quý nhớ thương, tại sao cùng nhau ra ngoài, rồi em xả thân mà chẳng quay về, nếu cha mẹ hỏi thì chúng ta biết trả lời sao đây? Thà rằng cùng nhau bỏ mạng, làm sao riêng mình giữ lại thân này? Hai vương tử khóc thương xót xa, từng bước thất thểu quay về.

Tiếp theo là phần thứ tám, quyến thuộc kêu khóc thương tiếc, có ba:

  1. Anh em khóc thương.
  2. “Lúc ấy, tiểu vương tử đã dẫn thị vệ…” về sau là thị vệ truy tìm trông thấy.
  3. “Bấy giờ, quốc đại phu nhân…” về sau là cha mẹ đau đớn than khóc.

Trong phần một có sáu:

  1. Thấy điềm báo cùng nhau luận bàn.
  2. “Hai Vương tử…” về sau là than thở đau đớn cùng đi tìm kiếm.
  3. “Thấy áo quần em mình…” về sau là thấy thi thể vương vãi.
  4. “Thấy cảnh tượng này…” về sau là lòng buồn thương kêu gào thảm thiết.
  5. “Liền đứng lên giơ tay…” về sau là anh em thở than thương tiếc.
  6. “Hai vương tử…” về sau là khóc lóc, đau đớn quay về.

Văn kinh: Lúc ấy, tiểu vương tử đã dẫn thị vệ đến, nói với nhau rằng: Vương tử ở đâu nên cùng nhau tìm kiếm.

Tiếp theo là thị vệ truy tìm.

Văn kinh: Bấy giờ, quốc đại phu nhân ngủ trên lầu cao, lúc trong giấc mộng thấy điềm không lành, hai bầu vú bị cắt, răng sữa rơi rụng, ba con chim câu non bị chim ưng bắt đi một con, hai con còn lại kinh hãi vô cùng. Lúc mặt đất rung chuyển, phu nhân liền thức giấc, tâm lo lắng vô cùng, nói như vầy: Tại sao lúc này mặt đất rung chuyển, sông suối rừng cây đều chao đảo chuyển động, mặt trời không chiếu sáng, như che khuất mắt nhìn, bầu vú thì động đậy khác thường như mũi tên bắn vào tim, lo buồn bức bách thân run rẩy không yên ổn, Ta mộng thấy những điều không lành đó là dấu hiệu chắc chắn có việc tai biến bất thường xảy ra. Hai bầu vú của phu nhân bỗng nhiên chảy sữa, bèn nghĩ như vậy chắc chắn có điều gì thay đổi kỳ lạ, có thị nữ nghe người bên ngoài nói tìm kiếm vương tử hiện giờ vẫn chưa gặp, tâm kinh hãi vô cùng liền vào trong cung thưa với phu nhân: Mọi người biết không, ở ngoài nghe quân lính đổ xô đi tìm vương tử khắp nơi nhưng chẳng gặp. Lúc đó phu nhân nghe nói xong vô cùng lo lắng, ngấn lệ sầu bi ứ đầy trên mắt, đến chỗ Đại vương tâu rằng: Tâu Đại vương, tôi nghe người bên ngoài nói rằng: “Vương tử út yêu quý của tôi lạc mất rồi.” Nhà vua nghe nói xong kinh hoàng biến sắc, thương xót nghẹn lời mà nói: Đau đớn thay! Hôm nay con yêu quý của ta thất lạc. Liền đó lau nước mắt an ủi phu nhân rằng: Hiền Thủ! Bà chớ lo buồn, bây giờ ta cùng mọi người phải rời cung tìm kiếm con trai yêu quý. Nhà vua cùng các đại thần và tất cả mọi người tức tốc cùng ra khỏi thành, mọi người tản ra khắp nơi đi tìm. Không bao lâu, có một vị đại thần đến thưa với nhà vua: Nghe vương tử còn sống, mong bệ hạ đừng sầu lo, vương tử út hiện nay vẫn chưa tìm thấy. Nhà vua nghe nói vậy than thở nói rằng: Đau đớn thay! Đau đớn thay! Ta mất con trai yêu quý, lúc đầu có con trai thì vui vẻ ít, lúc sau lại mất con thì buồn đau nhiều, nếu làm cho tuổi thọ con ta tăng thêm thì dù thân ta có chết đi cũng không đớn đau. Phu nhân nghe nói lòng đầy xót xa, như bị tên bắn vào tim, than thở nghẹn ngào: ba con trai của ta cùng người hầu đều vào trong rừng dạo chơi ngắm cảnh, chỉ một mình con trai út yêu quý nhất không quay về, chắc chắn có chuyện tai ương khác thường. Tiếp đó, vị đại thần thứ hai đến chỗ nhà vua, vua hỏi quan đại thần: Con trai yêu quý của ta ở đâu? Vị đại thần này áo não rơi lệ, cổ họng khô cứng, miệng không nói nên lời, cuối cùng không trả lời được. Phu nhân nói rằng: Mau trả lời con trai út của ta hiện giờ ở đâu, thân ta nóng nảy bứt rứt, phiền muộn thiêu đốt rối bời, tâm trí tán loạn mê muội, chớ để cho lòng ta phải tan nát! Lúc ấy, vị đại thần này liền kể lại đầy đủ chuyện xả thân của vương tử cho nhà vua biết. Vua và phu nhân nghe việc ấy rồi không chịu nỗi sự đớn đau, nghẹn ngào hướng về nơi xả thân, tức tốc ngự giá đi thẳng đến nơi rừng trúc. Đến chỗ Bồ-tát xả thân, thấy hài cốt của con mình vương vãi khắp nơi, cùng lúc gieo mình xuống đất, đau đớn tuyệt vọng muốn chết, giống như gió mạnh thổi rừng trúc cao, tâm trí rối bời ngổn ngang chẳng hay biết gì nữa. Lúc ấy, các quan đại thần vẩy nước khắp mình vua và phu nhân, hồi sau mới tỉnh lại vung tay gào khóc vật vã, than rằng: Tai họa thay! Con trai yêu quý, tướng mạo khôi ngô, vì sao cái chết đến sớm như vậy, nếu ta chết trước con thì đâu nhìn thấy sự việc quá khổ đau như thế này? Lúc đó, phu nhân đã bớt mê muội, chỉ có đầu tóc rối tung, hai tay đấm vào ngực, vật vã trên đất như cá mắc cạn, như mới sinh ra mà mất con, bi thương khóc lóc than rằng: Con ta ai sát hại chỉ còn lại xương cốt vung vãi trên đất, mất con trai yêu quý ta buồn đau không thể nào chịu nỗi, đau khổ thay, ai giết con ta, gây nên điều thảm thương này, tim ta chẳng phải kim cang làm sao mà không tan nát! Trong giấc mộng ta đã thấy hai bầu vú đều bị cắt, các răng sữa đều bị rơi rụng, nay gặp phải chuyện quá đau khổ, lại mộng thấy ba con chim câu non, một con bị chim ưng bắt đi, nay mất đứa con ta yêu quý, tướng ác biểu lộ chẳng phải luống dối.

Đây là phần thứ ba, cha mẹ thở than đau xót trong phần quyến thuộc kêu khóc thương tiếc, trong đó có mười một đoạn:

  1. Phu nhân kinh hãi lạ lùng, có tám:
  2. Ngủ mộng thấy điềm xấu.
  3. “Lúc mặt đất rung chuyển…” về sau là mặt đất chấn động nên kinh hãi tỉnh giấc.
  4. “Nói như vậy…” về sau là kể lại điềm xấu đã mộng thấy.
  5. “Hai bầu vú của phu nhân…” về sau là cảm kích nên sữa chảy ra.
  6. “Thì có thị nữ…” về sau là thị nữ nghe người ngoài báo.
  7. “Tâm kinh hãi vô cùng…” về sau là vội vàng đi vào cung bẩm báo.
  8. “Lúc đó phu nhân…” về sau là mẹ nghe tin dữ nên sầu não.
  9. “Đến chỗ Đại vương…” về sau là nước mắt lưng tròng đến hỏi nhà vua.

Căn cứ theo bài tụng thì đều nói trước tiên là đến hỏi, văn trong đây có lược bớt.

10. “Nhà vua nghe nói xong…” về sau là người cha liền đau đớn kinh hoàng.

11. “Liền đó lau nước mắt…” về sau là nhà vua an ủi phu nhân. Theo thường pháp của các nước ở Tây vực gặp nhau khen ngợi gọi nhau là Hiền Thủ.

4. “Nhà vua cùng các đại thần…” về sau là vua quan rời cung đi tìm kiếm, theo trong bài tụng ở dưới thì trước tiên phải là quan quân đi tìm, sau đó vua và hậu phi ra khỏi cung, ở đây văn lược bớt điểm chung, chỉ nói là ra khỏi cung tìm kiếm, trong đó lại có bảy:

  1. Tản ra bốn phía để tìm kiếm.
  2. “Không bao lâu…” về sau là quan đại thần đến tâu.
  3. “Nhà vua nghe nói như vậy…” về sau là vua cha nghe nói đau đớn thở than.
  4. “Phu nhân nghe xong…” về sau là người mẹ lại than thở thương đau.
  5. “Tiếp theo sau đó, vị đại thần thứ hai…” về sau là quan đại thần đến chỗ vua hỏi còn hay mất.
  6. “Vị đại thần này…” về sau là quan đại thần nghẹn ngào không trả lời được.
  7. “Phu nhân nói rằng…” về sau là phu nhân hoang mang rối bời, thúc giục bẩm báo.

5. “Lúc ấy, vị đại thần này…” về sau là được tin con trai xả thân, theo bài tụng thì phải có hai quan đại thần cùng bẩm báo, trong văn trường hàng này lược bớt một vị đại thần.

6. “Vua và phu nhân…” về sau là biết vậy nên đau đớn nghẹn ngào.

7. “Hướng về nơi xả thân…” về sau là đến thẳng chỗ xả thân.

8. “Thấy hài cốt con mình…” về sau là nhìn thấy nên ngất xỉu.

9.. “Lúc ấy, các quan đại thần…” về sau là các quan vẩy nước cho tỉnh lại.

10. “Vua và phu nhân…” về sau là tỉnh lại rồi than thở đớn đau.

11. “Lúc đó phu nhân…” về sau là người mẹ khóc lóc đau đớn kẻ lại giấc mộng, đầu tiên là lời của các nhà sớ kinh, tiếp theo là người mẹ đau đớn kể lại. Trong đó hai bài tụng nói rõ sự bi thương, hai bài tụng kẻ lại những tướng ác.

Văn kinh: Bấy giờ, Đại vương và phu nhân cùng hai vương tử đều gào khóc đau đớn, không đeo chuỗi ngọc, cùng mọi người tập trung thâu nhặt xá-lợi còn lại của Bồ-tát đem về đặt trong tháp (Tốt-đổ-ba) để thờ phụng.

Tiếp theo là đoạn lớn thứ chín, là xây tháp thờ phụng.

Văn kinh: Này A-nan-đà! Các ông nên biết rằng đây chính là xá-lợi của Bồ-tát kia. Lại bảo: A-nan-đà! Thuở xưa, ta tuy có đủ các thứ phiền não tham, sân, si v.v… nhưng có thể ở trong năm đường đối với địa ngục ngạ quỷ súc sinh tùy duyên cứu giúp cho được thoát khỏi, huống gì ngày nay các phiền não đều không còn, các thói quen đều dứt sạch, hiệu là Thiên Nhân Sư, có trí Nhất thiết mà không thể vì tất cả chúng sinh trải qua nhiều kiếp ở trong địa ngục và các nơi khác thay họ nhận chịu mọi khổ đau khiến cho ra khỏi sinh tử phiền não luân hồi hay sao.

Tiếp theo là đoạn lớn thứ mười, kết thúc nêu rõ hạnh nguyện lợi sinh, có ba: Đầu tiên là kết thúc đem xá-lợi về. “Lại bảo A-nan-đà…” về sau là lược nêu nhân hạnh ngày xưa. Nói bao gồm được mất, đầy đủ các thứ phiền não v.v… là mất, có thể tu hành là được. Đây là ý khích lệ người còn các phiền não để khiến họ tu hành, tức là đầu tiên phải rèn luyện; cũng khuyến khích các bậc Thánh giả, ta xưa kia còn là phàm phu mà vẫn làm được lợi ích chúng sinh, các ông đã chứng quả Thánh, tại sao không tinh tấn? Cuối cùng “Huống gì ngày nay…” về sau là nói ngày nay làm lợi ích, tức là tùy cơ cảm ứng hóa thân hiện hình đều vì lợi ích chúng sinh. Ý này hãy còn có thể thay thế chúng sinh chịu đựng khổ đau để làm cho họ được thoát khỏi đau khổ, cho nên nay nói định là nhân của phương tiện để làm lợi lạc, các ông cần phải truyền bá tu học.

Văn kinh: Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn lập lại nghĩa này nên nói bài tụng rằng: Ta nhớ thuở quá khứ, vô lượng vô số kiếp, hoặc lúc làm quốc vương, hoặc lại làm vương tử, thường thực hành đại thí, và xả thân mến yêu, nguyện thoát khỏi sinh tử, đến nơi Bồ-đề mầu. Ngày xưa có nước lớn, vua tên Đại Xa, vương tử tên Dũng Mãnh, tâm thường thí không tiếc. Vương tử có hai anh, tên Đại Cừ, Đại Thiên, ba người cùng ngoạn cảnh, dần đến nơi rừng trúc, thấy hổ đói bức bách, liền sinh tâm như vầy: Hổ này đói quá mức, lại không có gì ăn. Đại sĩ thấy như thế, sợ hổ ăn thịt con, xả thân chẳng suy nghĩ, cứu con khỏi tổn thương. Đất đai và núi rừng, đồng thời đều rung chuyển, nước sông biển vọt dâng, sóng cuộn nước chảy ngược, đất trời mất ánh sáng, tối mịt chẳng thấy gì, các cầm thú rừng hoang, bay chạy khỏi nơi ở. Hai anh không thấy em, sinh buồn thương đau khổ, liền cùng các người hầu, tìm kiếm khắp rừng núi. Anh em cùng bàn tính, lại đến nơi rừng sâu, bốn phía không có gì, thấy hổ nơi rừng vắng, hổ mẹ cùng bảy con, miệng đều có vây máu, còn lại xương và tóc, vương vãi ở dưới đất. Lại thấy có dòng máu, chảy ra từ rừng trúc, hai anh thấy vậy rồi, tâm vô cùng kinh hãi, đau đớn cùng ngã quỵ, bất tỉnh chẳng biết gì, bụi đất lấm đầy thân, sáu căn mất tác dụng. Các người hầu vương tử, tâm buồn bã khóc thương, lấy nước vẩy tỉnh lại, vung tay gào thảm thiết. Lúc Bồ-tát xả thân, từ mẫu đang trong cung, năm trăm các thể nữ, cùng thưởng thức thú vui, hai vú của phu nhân, bỗng nhiên tự chảy sữa, khắp mình như gai châm, đau khổ không thể yên, chợt nghĩ rằng mất con, lòng lo sợ đớn đau, liền báo đại vương biết, kể việc buồn lo này, khóc thương không nén được, đau đớn nói với vua: Nay Đại vương nên biết, thiếp khổ não vô cùng, hai vú chợt chảy sữa, tâm không thể ngăn được, như gai châm toàn thân, buồn thương ngực muốn vỡ, trước thiếp mộng điềm xấu, chắc sẽ mất con yêu, xin vua cứu mạng thiếp, biết con còn hay mất. Mộng thấy ba chim non, chim nhỏ là con yêu, bỗng bị chim ưng bắt, buồn đau khó nói hết, nay thiếp lòng xót xa, không bao lâu sẽ chết, sợ mạng con bất toàn, xin mau chóng tìm kiếm! Lại nghe người ngoài nói, tìm không thấy con út, nay lòng thiếp bất an, mong vua xót thương thiếp!

Phu nhân thưa vua xong, toàn thân khụy xuống đất, tâm đớn đau buồn thương, bất tỉnh không hay biết. Thể nữ thấy phu nhân, bất tỉnh nằm trên đất, đều cất tiếng òa khóc, lo buồn mất nương tựa. Vua nghe lời như vậy, lòng buồn không kềm nỗi, truyền lệnh cho các quan, tìm kiếm con yêu quý, đều cùng nhau rời thành, tìm kiếm mọi nơi chốn, rơi lệ hỏi mọi người: Vương tử giờ ở đâu, nay còn hay đã mất, ai biết đi chốn nào, làm sao tìm thấy được, lòng ta bớt đau buồn! Mọi người cùng truyền khắp, đều nói vương tử mất, nghe vậy đều thương tiếc, than thở đau đớn thay! Bấy giờ, vua Đại Xa bi thương gượng đứng lên, vội đến chỗ phu nhân, dùng nước vẩy thân mình, phu nhân nhờ vẩy nước, hồi lâu mới tỉnh lại, thương khóc hỏi Đại vương: Con thiếp nay còn không? Vua nói với phu nhân: Ta đã sai mọi người, tìm vương tử khắp nơi, tin tức vẫn chưa có. Vua lại bảo phu nhân: Hậu chớ sinh buồn rầu, hãy nên tự kiềm chế, ta cùng rời cung tìm. Vua liền cùng phu nhân, đích thân tiến về trước, tiếng khóc thương xót xa, lòng dạ như lửa đốt. Trăm ngàn muôn quân dân, cũng theo vua rời thành, đều mong tìm vương tử, tiếng bi thương vang khắp. Vua vì tìm vương tử, mắt nhìn khắp bốn phía, thấy có một người đến, thân tóc bê bết máu, mình mẩy đầy lấm lem, khóc thương từ xa đến, vua thấy tướng ác đó, lại càng thêm đau đớn. Vua liền vung hai tay, gào khóc không nén nổi, bỗng có vị đại thần, vội đến chỗ Đại vương, bước tới tâu vua rằng: “Mong vua chớ đau thương, con trai quý của vua, tuy giờ chưa tìm thấy, chẳng bao lâu sẽ gặp, để nhà vua bớt buồn. Vua lại tiến lên trước, thấy đại thần khác đến, đại thần đến chỗ vua, rơi lệ tâu vua rằng: Hai vương tử nay còn, bị đau đớn bức bách, vị vương tử thứ ba, không còn trở về nữa, thấy hổ đói mới sinh, sắp ăn thịt hổ con, nên vương tử Tát-đỏa, thấy vậy khởi tâm Bi, nguyện cầu đạo vô thượng, sẽ cứu mọi chúng sinh, luôn nghĩ đến Bồ-đề, sâu rộng như biển cả, liền lên đỉnh núi cao, lao mình xuống trước hổ, hổ yếu không ăn được, dùng trúc tự đâm cổ, liền ăn thịt vương tử, chỉ còn trơ lại xương. Vua cùng với phu nhân, nghe nói đều bất tỉnh, lòng chìm trong đau thương, xót xa không chịu nỗi. Quan đem nước chiên đàn, vẩy trên mình hai người, tỉnh lại khóc thảm thiết, vung tay đấm vào ngực. Đại thần thứ ba đến, tâu với vua như vầy: Thần thấy hai vương tử, bất tỉnh ở trong rừng, thần lấy nước lạnh vẩy, bây giờ đã tỉnh lại, quay nhìn khắp bốn phía, như lửa dữ khắp nơi, tạm thời đang hồi phục, đau thương không nén nổi, vung tay thương xót nói, ngợi khen em ít có. Vua nghe nói như vậy, lòng càng thêm đau đớn, phu nhân gào thét lên, lớn tiếng mà nói rằng: Con nhỏ của tôi yêu quý nhất, đã bị vô thường la-sát nuốt, còn hai con lớn nay còn sống, lại bị lửa thương đau thiêu đốt, nay ta nên mau đến dưới núi, an ủi để bảo vệ mạng chúng, liền vội ruổi xe về phía trước, một lòng đến nơi xả thân kia, gặp hai con vừa đi vừa khóc, thất thểu vỗ ngực thật áo não, cha mẹ thấy con lòng tan nát, cùng đến nơi núi rừng xả thân. Đã đến chỗ Bồ-tát xả thân, cùng nhau khóc thương thật đớn đau, cởi bỏ vòng ngọc lòng nghẹn ngào, nhặt lấy hài cốt thân Bồ-tát, để cho mọi người cùng cúng dường, cùng xây tháp thờ bằng bảy báu, đặt xá-lợi đó ở trong hộp, trang nghiêm rước đến trong thành ấp.

Tiếp theo là nói tụng, có năm mươi sáu bài tụng chia làm hai: Hai bài tụng đầu nêu chung về sự tu hành, năm mươi bốn bài tụng sau khen ngợi riêng về sự xả thân. Văn trường hàng trước có mười đoạn, ở đây đoạn lớn kệ tụng lược bỏ không có bài tụng thứ tư là suy nghĩ nên xả thân, bài tụng thứ bảy hổ liền ăn, bài tụng thứ mười kết thúc nêu rõ hạnh lợi sinh, tức là chia làm bảy đoạn: Đầu tiên một bài tụng rưỡi là phần tụng thứ nhất, nói về quyến thuộc ngày xưa.

Tiếp theo nửa bài tụng là phần tụng thứ hai kể lại cuộc dạo chơi vui vẻ ngày xưa. Tiếp một bài tụng là phần tụng thứ ba gặp cảnh khổ sinh bi tâm. Tiếp một bài tụng là phần tụng thứ năm xả thân cứu giúp. Tiếp hai tụng là phần tụng thứ sáu điềm lành cảm ứng trời, người. Tiếp bốn mươi sáu bài tụng rưỡi là phần tụng thứ tám quyến thuộc kêu khóc thương tiếc. Tiếp một bài tụng rưỡi là phần tụng thứ chín xây tháp thờ Bồ-tát. Năm đoạn tụng đầu dựa theo văn có thể biết. Phần tụng quyến thuộc kêu khóc thương tiếc trong trường hàng có ba đoạn: Đầu tiên từ “Hai anh không thấy em…” về sau sáu bài tụng là phần tụng anh em đau buồn than khóc, phân ra tỉ mỉ có thể biết, lược bỏ không có phần tụng các người hầu tìm kiếm. Từ “Lúc Bồ-tát xả thân…” về sau bốn mươi bài tụng rưỡi là phần tụng cha mẹ đớn đau than thở, văn trường hàng ở trước có mười một phần, không có phần “trước tiên sai quan quân đi tìm”, nay trong tụng có phần này, nhưng không có phần mười và phần mười một hoàng hậu khóc lóc kể lại giấc mộng đau thương, phần ba nhà vua an ủi phu nhân gộp vào phần tư vua quan rời cung tìm kiếm, vì thế chỉ chia làm mười đoạn: Đầu tiên mười một bài tụng là phần tụng phu nhân kinh hãi vô cùng. Tiếp nửa bài tụng là phần tụng thứ hai nhà vua liền kinh hoàng đau đớn. Tiếp “Truyền lệnh cho các quan…” về sau mười bốn bài tụng là phần tụng thứ tư vua quan rời cung tìm kiếm. Tiếp “Vua lại tiến về trước…” về sau năm bài tụng rưỡi là phần tụng thứ năm được tin con xả thân. Tiếp “Vua cùng với phu nhân…” về sau là bảy bài tụng là phần tụng thứ sáu biết sự việc rồi đau đớn nghẹn ngào. Tiếp “Nay ta nên mau đến dưới núi…” về sau hai bài tụng là phần tụng thứ bảy đến chỗ xả thân.

Tiếp theo nửa bài tụng là phần tụng thứ tám thấy cảnh tượng lòng tan nát. Trong phần “phu nhân kinh hãi vô cùng” chia làm năm đoạn: Đầu tiên một bài tụng là trong cung đang vui chơi thưởng thức, tiếp một bài tụng rưỡi là linh tính nên dòng sữa tự chảy, tiếp theo sáu bài tụng rưỡi là phần tụng khóc lóc bi thảm báo với nhà vua, trong văn trường hàng trước đây các phần “Ngủ mộng thấy điềm xấu, thị nữ nghe mọi người nói vội vàng vào cung thông báo, mẹ nghe tin lòng sầu não” đều nằm trong phần “Báo với nhà vua” này nên không có bài tụng riêng, vì giúp cho văn giản lược và tránh rườm rà.

Tiếp theo một bài tụng là nói rồi liền bất tỉnh, tiếp một bài tụng là thể nữ lo sợ kinh hãi. Từ “Vua nghe nói như vậy…” về sau là phần tụng thứ hai, nhà vua liền đau đớn kinh hoàng. “Truyền lệnh cho các quan…” về sau mười bốn bài tụng là phần tụng vua quan rời cung tìm kiếm, văn trường hàng trước đây có bảy đoạn, nay phần tụng chia làm ba: Nửa bài tụng đầu là truyền quan quân tìm kiếm, trong trường hàng không có đoạn này. Tiếp chín bài tụng là phần tụng đầu tiên tản ra khắp nơi tìm kiếm, trong đó ba bài tụng đầu là quan quân phụ trách tìm kiếm, tiếp “Bấy giờ, vua Đại Xa…” về sau bốn bài tụng là phần tụng thứ ba “nhà vua an ủi phu nhân” ở trước, bởi vì dựa theo văn vậy, hơn nữa trong trường hàng chỉ nói “khóc lóc bi thảm báo với nhà vua” mà không nói “bất tỉnh, vẩy nước cho tỉnh lại”, nay trong tụng có phần này văn tương tự nên lược bỏ; sau từ “Vua liền cùng phu nhân…” trở xuống hai bài tụng là phần tụng nhà vua rời cung tìm kiếm, một tụng đầu là nhà vua, một bài tụng tiếp là các quan. Từ “Vua vì tìm vương tử…” về sau bốn bài tụng rưỡi là phần tụng thứ hai, đại thần đến bẩm báo trong phần vua quan rời cung tìm kiếm, trong đó chia làm ba đoạn: Đầu một bài tụng rưỡi là phần tụng nhà vua thấy sứ giả đến, tiếp theo một bài tụng là giơ tay gọi đến hỏi, sau hai bài tụng là quan đại thần đến bẩm báo. Từ “Vua lại tiến về trước…” về sau năm bài tụng rưỡi là phần tụng thứ năm “được tin con xả thân” trong đó chia làm bốn đoạn: Nửa bài tụng đầu là nhà vua thấy quan đại thần đến, tiếp theo một bài tụng là bẩm báo hai vương tử còn sống, tiếp theo nửa bài tụng là báo tin Tát-đỏa không còn, tiếp ba bài tụng rưỡi là kể rõ lý do cái chết đó. Từ “Vua cùng phu nhân…” về sau là phần tụng thứ sáu, biết sự việc rồi đau đớn nghẹn ngào, trong đó chia làm bốn đoạn: Một bài tụng đầu là cha mẹ bất tỉnh, tiếp theo một bài tụng là quan vẩy nước cho tỉnh lại, tiếp ba bài tụng là lại có quan tiếp tục bẩm báo, tiếp hai bài tụng là cha mẹ gào khóc than thở. Tiếp đến hai bài tụng là phần tụng thứ bảy đến chỗ xả thân, tiếp nửa bài tụng là phần tụng thứ tám nhìn thấy cảnh tượng đau lòng tan nát, tiếp một bài tụng rưỡi là đoạn lớn thứ chín xây tháp thờ Bồ-tát.

Văn kinh: Lại bảo: Này A-nan-đà! Vương tử Tát-đỏa xưa kia chính là ta, Mâu-ni bây giờ, chớ sinh những ý niệm lạ lùng. Nhà vua là Tịnh Phạn cha ta, hoàng hậu là Ma-gia mẹ ta, thái tử là Từ Thị, thái tử là Mạn-thù-thất-lợi, hổ đói là Đại Thế Chủ, năm hổ con là năm Tỳkheo, một là Đại Mục-liên, một là Xá-lợi-tử.

Tiếp theo là đoạn lớn thứ hai trong phẩm, kết hợp việc xưa và nay.

Văn kinh: Ta nói các thầy nghe, duyên lợi tha xưa kia, hạnh Bồtát như thế, nhân thành Phật nên học. Lúc Bồ-tát xả thân, phát nguyện rộng như vầy: Nguyện xương cốt thân tôi, lợi chúng sinh đời sau. Đây là nơi xả thân, tháp thờ bằng bảy báu, trải qua vô lượng kiếp, nên ẩn trong đất sâu, do bổn nguyện xưa kia, tùy duyên để hóa độ, vì lợi ích trời người, nên từ đất hiện lên.

Tiếp theo là đoạn lớn thứ ba trong phẩm khuyến khích tu học, trong đó một bài tụng đầu là nêu rõ duyên xưa khuyến khích tu học, ba bài tụng sau là kết thúc nêu rõ ý nghĩa tháp thờ.

Văn kinh: Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói về nhân duyên xưa kia như vậy thì có vô lượng a-tăng-xí-da đại chúng trời, người thảy đều phát khởi đại bi vui mừng khen ngợi sự việc chưa từng có, đều phát tâm Anậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Lại bảo với thần cây: Ta vì báo đền ân đức nên chí thành kính lễ. Liền đó, Đức Phật thâu nhiếp thần lực, tháp thờ đó trở lại chìm sâu vào đất.

Tiếp theo là đoạn lớn thứ tư trong phẩm đại chúng nghe rồi được lợi ích, văn chia làm ba phần: Đầu tiên là lặp lại những điều đã nói trước đây, tiếp từ “Vô lượng A-tăng-xí-da…” về sau là nói rõ chúng được bao nhiêu lợi ích, tiếp từ “Lại bảo với thần cây…” về sau là trả lời câu hỏi để tổng kết. Theo văn trường hàng ở trước, chỉ có A-nan thưa hỏi lý do Đức Phật lễ lạy tháp thờ, trong đây lại trả lời câu hỏi của thần cây; vì vậy trong câu hỏi trước đây phải có thần cây cùng hỏi lý do lễ kính, nhưng lược bỏ không nói. Sau cùng, “Đức Phật thâu nhiếp thần lực…” đến hết là nói về tháp trở lại như cũ, bởi vì sự việc đã hoàn tất.