KIM QUANG MINH TỐI THẮNG VƯƠNG

KINH SỚ

Tam Tạng, Pháp sư Nghĩa Tịnh đời Đường vâng chiếu dịch.
Sa-môn dịch kinh Tuệ Chiểu soạn.

Phẩm TỨ THIÊN VƯƠNG HỘ QUỐC

Phẩm Tứ Thiên Vương Hộ Quốc chia làm ba phần:

  1. Lý do có phẩm này.
  2. Giải thích.
  3. Giải thích chướng ngại.

– Nói về lý do có phẩm này: Phẩm trước khen ngợi kinh điển cao siêu mầu nhiệm khuyến khích mọi người mở mang thọ trì, ba phẩm tiếp theo đây nói kinh đáng tôn trọng, người thực hành được hộ trì, một phẩm đầu là Thiên vương hộ trì, hai phẩm sau là thần chú hộ trì. Lại nữa, phẩm trước Tứ Thiên Vương khuyến khích mọi người, phẩm này nguyện tự mình hộ trì, phẩm trước khiến cho mọi người thực hành hai lợi, phẩm này nói về tự mình thực hành hai lợi; phẩm trước tự ý mình khuyến khích thọ trì, phẩm này Đức Phật khuyến khích hộ trì rộng rãi. Cho nên sau phẩm trước có phẩm này phát sinh.

– Giải thích tên gọi, thần thông công dụng tự tại sáng ngời gọi là Thiên, các vị trời quy về gọi là thống lãnh thâu nhiếp gọi là vương, vương của Thiên nên gọi là Y sĩ. Phương hướng thành trì khác nhau nên sự thống lãnh chia làm bốn, lại mang số danh. Hộ nghĩa là phòng ngự thâu nhiếp nuôi dưỡng, phòng ngự cho người khác, trừ diệt các tai nạn, thâu nhiếp nuôi lớn phước tuệ của họ. Tứ Thiên là năng hộ, quốc là sở hộ, năng sở hợp lại mà gọi. Đây là nói rộng về tên gọi của phẩm Tứ Thiên Vương Hộ Quốc ấy.

– Giải trừ chướng ngại.

Hỏi: Phẩm này hộ trì cũng bao gồm vua cõi người và các chúng trời khác, vì sao chỉ nói rằng tứ Thiên vương hộ quốc?

Đáp: Vua cõi người thực hành pháp hộ quốc nhờ tứ Thiên vương ấy, các thần chúng khác là bề tôi của tứ Thiên vương cho nên chỉ nói tứ Thiên vương hộ quốc.

Hỏi: Tứ Thiên vương thực hành pháp hộ trì tức là hộ trì con người, sao lại gọi là hộ quốc?

Đáp: Con người là gốc của đất nước, như nói hữu tình gọi là cõi Phật, do đó tuy hộ trì con người nhưng gọi là hộ trì quốc.

Hỏi: Thánh chúng ba thừa, các trời Thích Phạm thấy người thực hành pháp đều nên bảo vệ hộ trì, vì sao chỉ nói tứ Thiên vương hộ quốc?

Đáp: Lý lẽ ra đều có, nhưng nói về người nên nghe. Lại nữa, tứ Thiên vương là nêu ra tên gọi, hộ trì thế gian là bày rõ sự phù hợp với nhau giữa tên gọi và hành động. Vì vậy nêu ra tứ Thiên vương mà không nói đến sự che chở nào khác.

Hỏi: Trời người cung kính tôn trọng, bốn chúng mở mang, kinh pháp cũng là che chở chánh pháp, vì sao chỉ nói đến tứ Thiên vương hộ quốc?

Đáp: Hộ pháp mục đích là lợi ích mọi vật, pháp tồn tại có công năng làm cho đất nước bình an, vì nêu bật sự lợi tha đại bi nên chỉ nói là hộ quốc, chẳng phải là pháp.

Văn kinh: Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn nghe tứ Thiên vương cung kính cúng dường kinh Kim Quang Minh và sẽ ủng hộ những người trì kinh, nên khen ngợi rằng: Lành thay! Lành thay!

Tán rằng: Ngay trong phần này toàn văn chia làm sáu đoạn:

1. Thế Tôn khen ngợi dạy tu.

2 Tứ Thiên vương vâng theo lời dạy phát nguyện che chở.

3. “Lúc Tứ Thiên vương…” trở xuống là Tứ Thiên vương đội ân, khen ngợi Đức Phật.

4. Đức Phật lại khuyến khích che chở kết thành.

5. “Nghe bài tụng này…” trở xuống là tứ Thiên vương mừng vui che chở.

6. Đại chúng nghe kinh được lợi ích.

Đoạn đầu chia làm hai: Ở đầu khen ngợi thành tựu, sau là khuyến khích che chở. Trong phần khen ngợi, đầu tiên là khen ngợi chung, tiếp đó là khen ngợi riêng. Đây là khen ngợi chung: Khen ngợi hộ pháp, khen ngợi hộ nhân. Lại nữa: Khen ngợi khuyến khích người khác; khen ngợi tự mình hộ trì. Lại tiếp: Khen ngợi nhân lành đời trước, khen ngợi ngày nay che chở người, pháp, vì vậy lặp lại rằng lành thay, lành thay.

Văn kinh: Tứ Thiên vương các ông đã ở nơi vô lượng trăm ngàn muôn ức Phật quá khứ, cung kính cúng dường tôn trọng khen ngợi, trồng các gốc lành, tu hành chánh pháp, thường giảng nói chánh pháp, dùng chánh pháp cảm hóa thế gian.

Tán rằng: Khen ngợi riêng, ở đầu khen ngợi phước nghiệp; tiếp theo tu hành chánh pháp v.v… là khen ngợi về trí nghiệp, sau từ “Các ông luôn luôn…” trở xuống là khen ngợi về bi nghiệp. Đây là hai phần đầu, ở chỗ các Đức Phật tu hành ba nghiệp, cúng dường cung kính là thân nghiệp, tôn trọng là ý nghiệp, khen ngợi là ngữ nghiệp. Căn cứ theo kinh Nhân Vương Bát-nhã: “Nhờ một tăng-kỳ cúng dường các Đức

Phật đạt đến Sơ địa, làm Tứ Thiên Vương.”

Văn kinh: Các ông sống trong đêm dài vô minh đối với các chúng sinh, thường nghĩ đến lợi ích, khởi tâm đại Bi, nguyện đem lại an vui, nhờ nhân duyên này khiến cho các ông ở đời hiện tại được phước báo cao quý.

Tán rằng: Thực hành bi nghiệp, ở đầu là khen ngợi, từ “Vì nhân duyên này…” về sau là kết thúc.

Văn kinh: Nếu có vị vua cõi người nào cung kính cúng dường kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này thì các ông phải cố gắng hộ trì, khiến cho họ được yên ổn. Tứ Thiên vương các ông và các quyến thuộc khác cùng vô lượng vô số trăm ngàn Dược-xoa hộ trì kinh này, ấy là hộ trì chánh pháp của các Đức Phật quá khứ, hiện tại và vị lai. Tứ Thiên vương các ông và các chúng trời khác cùng các Dược-xoa lúc chiến đấu với A-tu-la thường được thắng lợi. Các ông thường hộ trì kinh này thì nhờ năng lực của kinh cho nên có khả năng dứt trừ các khổ đau và oán thù giặc giã, mất mùa đói kém và các tật dịch. Vì thế nên nếu các ông thấy bốn chúng có ai thọ trì đọc tụng kinh vương này thì cũng cần dốc lòng cùng nhau che chở để dứt trừ sự suy hao khổ não, mang lại sự an vui cho họ.

Tán rằng: Khuyến khích hộ trì, có ba: Đầu tiên là khuyến khích che chở vua cõi người; tiếp từ “Tứ Thiên vương các ông…” trở xuống là khuyến khích che chở chánh pháp; tiếp đến “Vì thế cho nên…” trở xuống là khuyến khích che chở người trì kinh trong bốn chúng. Trong phần khuyến khích che chở chánh pháp, ở đầu là hộ trì pháp, tiếp “Tứ Thiên Vương các ông và các chúng trời khác…” trở xuống là nói về lợi ích che chở giữ gìn. Trong phần lợi ích che chở giữ gìn pháp, ở đầu là hàng phục oán thù, tự mình thắng lợi; tiếp đến “Nếu thường các ông…” trở xuống là dứt trừ ba tai nạn cho mọi người:

  1. Oán thù giặc giã.
  2. Mất mùa đói kém.
  3. Tật bệnh.

Về hộ trì bốn chúng y theo văn có thể biết.

Văn kinh: Lúc ấy, tứ Thiên vương liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi, vén y bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay cung kính, bạch Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương ở đời vị lai, nếu có cõi nước, thành ấp, xóm làng, núi rừng, nơi hoang vắng, hễ truyền bá đến nơi nào.

Tán rằng: Thứ hai, tứ Thiên vương vâng theo lời dạy phát nguyện hộ trì, có hai: Đầu tiên là nguyện đem thân hộ pháp, tiếp đến “Bấy giờ Thế Tôn lại bảo Tứ Thiên Vương…” trở xuống là nguyện dùng thần chú hộ trì. Trong phần nguyện đem thân hộ pháp có hai: Đầu tiên là nguyện đem thân hộ trì người, tiếp đó “Lúc ấy, tứ Thiên vương…” trở xuống là nguyện đem thân hộ trì pháp. Pháp nhờ con người mà được mở mang giảng nói, do vậy trước tiên phải hộ trì con người. Con người từ nơi pháp mà thành tựu công đức, tiếp phải hộ trì pháp. Trong hộ trì con người cũng hộ trì pháp, ý nói hộ trì con người cho nên khen ngợi hộ trì pháp. Hoặc có thể, đầu tiên là nguyện cùng hộ trì con người và pháp; sau lại so sánh, khuyến khích hộ trì pháp, pháp là thầy của Phật cho nên lại khuyến khích, vả lại y cứ vào sự giải thích ban đầu thì hộ trì con người chia làm bốn:

  1. Tứ Thiên vương nguyện hộ trì.
  2. “Bấy giờ, Đức Phật bảo…” về sau là Thế Tôn khen ngợi thành tựu.
  3. “Lúc ấy, Tứ Thiên vương…” về sau là chỉ dạy nghi thức mở rộng pháp cho vua cõi người.
  4. “Lúc ấy, tứ Thiên vương…” về sau là nói về vua cõi người nương theo pháp tu hành được hộ trì.

Đầu tiên nguyện hộ trì có hai:

  1. Nêu ra nguyện hộ trì.
  2. “Từ Bạch Đức Thế Tôn! Nếu vị vua kia…” về sau chính là nguyện hộ trì.

Trong phần nêu ra, nguyện hộ trì nghi tắc, nói về hộ trì pháp, nói về thời gian hộ trì pháp, nói về nơi hộ trì pháp, nói về người được hộ trì, nói về tướng ủng hộ. Đây là bốn phần đầu.

Văn kinh: Nếu vị vua kia đối với kinh điển này dốc lòng lắng nghe, thọ nhận khen ngợi cúng dường, lại cung cấp bốn bộ chúng thọ trì kinh này, hết lòng ủng hộ khiến cho xa lìa suy hao bức não.

Tiếp theo nói về người được hộ trì, đầu tiên nói về người được hộ trì, tiếp “Đối với kinh điển này…” trở xuống là nói về lý do hộ trì.

Văn kinh: Vì nhân duyên này, con hộ trì vị vua đó và tất cả dân chúng đều được an ổn lìa xa ưu não khổ đau, tăng thêm thọ mạng, uy đức đầy đủ.

Tiếp theo nói về tướng ủng hộ.

Văn kinh: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu vị vua kia thấy trong bốn chúng có người thọ trì kinh thì cung kính hộ trì giống như cha mẹ, tất cả mọi nhu cầu đều cung cấp.

Tán rằng: Chánh thức nguyện hộ trì, có ba:

  1. Người được hộ trì.
  2. “Thấy trong bốn chúng…” về sau là nói về lý do được hộ trì.
  3. “Tứ Thiên vương chúng con… về sau là nói rộng về tướng hộ trì.

Trong lý do được hộ trì có hai:

  1. Nói về vị vua gặp được duyên tốt.
  2. “Cung kính…” về sau là nói về chánh tu thắng hạnh.

Văn kinh: Tứ Thiên Vương chúng con thường hộ trì, khiến cho các hữu tình thảy đều tôn kính. Thế nên chúng con cùng vô lượng các thần Dược-xoa, tùy theo kinh vương này lưu truyền đến đâu cũng đều ẩn thân ủng hộ, làm cho không còn các tai nạn.

Tán rằng: Nói rộng về tướng hộ trì, đầu tiên là hộ trì pháp, sau là hộ trì con người. Đây là hộ trì pháp, làm cho người khác tôn kính pháp thì tự mình phải tôn kính, nếu tự bản thân không thực hành thì làm sao khuyến khích người khác. Thế nên chúng con ẩn hình hộ trì kinh này.

Văn kinh: Cũng sẽ hộ trì người nghe kinh này và các vị vua v.v…để dứt trừ sự suy hao tai họa đều khiến cho yên ổn, oán thù giặc giã ở phương khác đến đều làm cho tan rã.

Tán rằng: Sau là hộ trì con người, có hai: Đầu tiên là niêu ra sự hộ trì, tiếp theo. Nếu có vị vua cõi người… về sau là lại hộ trì con người. Đây là mở đầu.

Văn kinh: Nếu có vị vua cõi người lắng nghe kinh này thì khi các nước ở gần oán thù đối địch phát binh, nghĩ như vậy sẽ có đầy đủ bốn thứ quân binh phá tan cõi nước kia.

Tán rằng: Tiếp tục hộ trì con người, có bốn:

  1. Các nước ở gần đối địch có tâm niệm dấy binh.
  2. Nhờ uy lực của kinh khiến quân lính kia tự nhiên thua trận.
  3. Vị vua này truyền lệnh tướng lĩnh dẫn quân thảo phạt.
  4. Thần chúng giúp đỡ làm cho quân kia quy hàng.

Đây là mở đầu.

Văn kinh: Bạch Đức Thế Tôn! Nhờ năng lực uy thần của kinh vương này cho nên lúc ấy các nước ở gần lại có oán thù khác đến xâm hại quấy nhiễu họ, ở nơi lãnh thổ đó có nhiều các tai biến tật bệnh tràn lan khắp nơi.

Tiếp theo là thứ hai, quân kia thua trận có hai lý do:

  1. Giặc khác đến xâm lăng, có chuông trống từng ngày xâm nhập.
  2. Lãnh thổ của mình có nhiều tai họa dịch bệnh.

Văn kinh: Bấy giờ, vua thấy rồi liền chuẩn bị bốn thứ quân binh xuất phát hướng về nước kia muốn thực hiện cuộc thảo phạt.

Tiếp theo là thứ ba, truyền lệnh tướng lĩnh dẫn quân thảo phạt. Thảo là trừ diệt, là giết chết. Phạt là đánh giặc, là thất bại. Ý muốn đối phương bị thất bại, bị trừ diệt. Nay kinh nói là phạt (hình phạt), văn nói kẻ có tội nhỏ gọi là phạt, Quảng Nhã nói phạt là thuyết phục. Nay đã dấy binh thì nên dùng chữ phạt. Hoặc kẻ kia chỉ dấy lên ý nghĩ mà chưa tập trung binh lực, vị vua này phát khởi binh tướng muốn trị tội làm cho kẻ ấy khuất phục, vì thế gọi là phạt.

Văn kinh: Lúc ấy chúng con sẽ cùng quyến thuộc và vô lượng vô biên các thần Dược-xoa đều tự ẩn hình để thực hiện hỗ trợ, khiến cho kẻ thù đối địch kia tự nhiên hàng phục, không còn dám đến cõi nước đó, đâu có thể còn dám đánh nhau? Tiếp theo là thứ tư, thần chúng giúp đỡ làm cho quân kia quy hàng, có hai:

  1. Ý nghĩ dấy lên liền bị hàng phục.
  2. “Không còn dám đến…” về sau là không bao giờ còn chinh phạt lẫn nhau.

Văn kinh: Bấy giờ, Đức Phật bảo tứ Thiên vương: Lành thay! Lành thay! Tứ Thiên vương các ông có khả năng ủng hộ kinh điển như vậy.

Tán rằng: Trong phần hộ trì con người, phần thứ hai là Đức Thế Tôn khen ngợi thành tựu, có ba:

  1. Khen ngợi các vị trời hộ trì pháp.
  2. Khen ngợi pháp khó được nghe.
  3. Nói về mở mang kinh được lợi ích.

Đây là mở đầu.

Văn kinh: Ta trong trăm ngàn câu-chi na-do-tha kiếp quá khứ tu hành các khổ hạnh, đạt được A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, 12 chứng được trí Nhất thiết, nay giảng nói pháp này.

Tiếp theo là khen ngợi pháp khó được nghe. Nhiều kiếp tu hành mới được thành Phật, thành Phật đã lâu đến nay mới nói kinh này, cho nên khó được nghe.

Văn kinh: Nếu có vị vua cõi người nào thọ trì kinh, cung kính cúng dường thì vị ấy dứt trừ được họa hoạn suy hao khiến cho yên ổn, cũng trở lại ủng hộ thành ấp, xóm làng, cho đến kẻ thù giặc giã đều khiến cho rút lui tan rã, cũng khiến cho tất cả các vị vua vốn có trong châu Thiệm-bộ mãi mãi không có các sự suy hao buồn lo tranh đấu.

Tán rằng: Mở mang kinh được lợi ích, có hai:

1. Nói về hiện tại mở mang kinh được lợi ích.

2. “Đại vương nếu cầu đời sau… trở xuống là nói về vị lai mở mang kinh được lợi ích. Trong phần một chỉ nói vua cõi người tự nghe, văn sau đồng thời khuyến khích cúng dường người trì kinh. Hiện tại Phật tự mở mang kinh không nhờ vào tha lực, đời vị lai người khác trì tụng cần được vua che chở. Thầy trò khác nhau cho nên ở đây nói về lợi ích hiện tại: Đầu là nhà vua được lợi ích, sau là người được lợi ích. Trong phần nhà vua được lợi ích: Đầu tiên là nói về nhà vua thực hành hạnh, sau “Trừ được diệt họa hoạn suy hao…” trở xuống là nói về lợi ích đạt được. Trong ích lợi đạt được: Đầu tiên là chung, sau là nói riêng. Trong phần nói chung có hai: Đầu nêu ra một, sau “Cũng khiến…” trở xuống là những lợi ích khác. Trong phần nêu ra một, có bốn:

  1. Trừ diệt suy hao.
  2. Đạt được lợi ích.
  3. Được che chở.
  4. Không có kẻ thù.

Văn kinh: Tứ Thiên vương nên biết rằng châu Thiệm-bộ này có tám mươi bốn ngàn thành ấp tụ lạc, tám mươi bốn ngàn các vị vua cõi người, họ đều ở nơi đất nước của mình thọ hưởng các điều vui sướng, đều được tự tại, thọ dụng đầy đủ, tài bảo vốn có, không xâm phạm chiếm đoạt lẫn nhau, tùy theo túc nhân của mình mà thọ nhận phước báo đó, không khởi niệm ác tham cầu của nước khác, đều sinh tâm ít muốn và lợi lạc, không có các nỗi khổ đấu tranh đeo đuổi buộc ràng.

Tiếp theo là lợi ích đạt được riêng, có mười:

  1. Đạt được cảnh lợi ích.
  2. Đạt được quả lợi ích.
  3. Thọ nhận an vui..
  4. Tài bảo dồi dào.
  5. Không chiếm đoạt lẫn nhau.
  6. Thuận theo túc nghiệp.
  7. Không tỏ vẻ tham lam.
  8. Đều ít ham muốn.
  9. Không có kẻ thù đối địch.
  10. Không có các khổ đau.

Căn cứ theo phần đạt được lợi ích thì đầu tiên là nói chung, sau là nói riêng. Đây là nói chung.

Văn kinh: Nhân dân cõi đó an vui tự nhiên, trên dưới hòa thuận như nước với sữa, tình cảm thương yêu tôn trọng lẫn nhau, vui vẻ trong cuộc sống, Từ bi khiêm nhượng, nuôi lớn gốc lành.

Tiếp theo là lợi ích của dân chúng. Đầu tiên là thực hành hạnh.

Văn kinh: Vì nhân duyên đó nên châu Thiệm-bộ này an ổn, giàu có vui vẻ, nhân dân đông đúc, đại địa phì nhiêu, nóng lạnh điều hòa, thời tiết không trái thứ lớp, mặt trăng, mặt trời và các tinh tú khác thường có mặt không hề thiếu vắng, mưa gió thuận theo thời tiết, lìa hẳn các tai nạn bất ngờ, tài sản châu báu thảy đều đầy đủ, tâm không tham lẫn tính toán, thường thực hành ban ân bố thí, đầy đủ mười nghiệp lành, nếu người mạng chung phần nhiều sinh về cõi trời, chúng cõi trời tăng thêm.

Tiếp theo là nói về lợi ích. Đầu tiên là lợi ích đạt được hiện tại, có mười một thứ:

  1. Không có binh đao nên được an ổn.
  2. Đầy đủ ngũ cốc nên giàu có vui vẻ.
  3. Người vật dồi dào, đông đúc.
  4. Đất đai rộng rãi phì nhiêu.
  5. Bốn mùa thuận theo thứ lớp.
  6. Mặt trời, mặt trăng, các sao y theo hạn kỳ.
  7. Mưa gió thuận theo thời tiết.
  8. Không có các tai họa bất ngờ.. Tài sản dồi dào đầy đủ.
  9. Không tham lam mà ưa bố thí.
  10. Thường thực hành mười điều lành.

“Nếu người mạng chung…” trở xuống là lợi ích sau khi chết.

Văn kinh: Này Đại vương! Nếu đời vị lai có các vị vua cõi người lắng nghe thọ nhận kinh này, cung kính cúng dường, đồng thời tôn trọng khen ngợi bốn bộ chúng thọ trì kinh, lại muốn an vui hơn thêm cho các ông và các quyến thuộc cùng vô lượng trăm ngàn các chúng Dược xoa, vì thế cho nên vị vua kia thường nên lắng nghe thọ nhận kinh vương nhiệm mầu này. Do được nghe mùi vị tối thượng từ nước cam lộ của chánh pháp này nên thân tâm các ông càng tăng thêm thế lực, tinh thần mạnh mẽ, phước đức uy quang thảy đều đầy đủ. Các vị vua cõi người này nếu có thể dốc lòng lắng nghe thọ nhận kinh này tức là cúng dường rộng lớn ít có, cúng dường đối với ta, Đức Thích-ca Mâu-ni Ứng Chánh Đẳng Giác. Nếu cúng dường ta tức là cúng dường trăm ngàn câu-chi na-do-tha Đức Phật ở quá khứ, hiện tại và vị lai. Nếu cúng dường các Đức Phật ba đời thì được vô lượng nhóm công đức không thể suy nghĩ bàn luận.

Tán rằng: Nói về lợi ích vị lai, có hai: Đầu tiên là thực hành hạnh tốt; sau từ “Do được nghe…” về sau là thành tựu nhân tốt. Nhân tốt có hai: Đầu tiên là thêm thế lực của các vị trời, sau là để cúng dường Phật. Trong cúng dường Phật, đầu tiên là nói về chánh hạnh cúng dường, từ “Có thể cúng dường…” về sau là nói đến đạt được nhóm phước lớn khuyến khích thành tựu mở mang kinh này.

Văn kinh: Vì nhân duyên này các ông nên ủng hộ vị vua đó cùng hậu phi quyến thuộc, khiến cho không còn suy hao buồn lo và cung điện nhà cửa thường được an vui, công đức khó suy nghĩ; các cõi nước này tất cả nhân dân đều thọ hưởng niềm vui, đầy đủ các thứ ngũ cốc, tất cả việc ác đều làm cho dứt trừ.

Tiếp theo là nói về mở mang kinh được lợi ích, có hai:

  1. Tứ Thiên vương hộ vệ quyến thuộc.
  2. “Các cõi nước này…” về sau là đất nước thọ phước, nhân dân an vui.

Văn kinh: Bấy giờ, tứ Thiên vương bạch Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Ở đời vị lai nếu có vị vua cõi người nào ưa nghe kinh Kim Quang Minh này, vì muốn ủng hộ bản thân, hậu phi, vương tử, cho đến các cung tần thể nữ trong cung, thành ấp cung điện đều được tốt đẹp tối thượng bậc nhất không thể suy nghĩ bàn luận, vui mừng vắng lặng an lạc, trong đời hiện tại ngôi vị cao vời tôn quý, tự tại hưng thịnh, thường được thêm lớn, lại muốn nhiếp thọ vô lượng vô biên nhóm phước khó suy nghĩ bàn luận, ở nơi cõi nước mình làm cho không còn kẻ thù đối địch và các chuyện buồn lo khổ não tai họa ách nạn.

Tán rằng: Chỉ dạy nghi tắc mở mang Phật pháp cho vị vua cõi người, có bốn:

  1. Nêu ra tâm nguyện của nhà vua.
  2. “Bạch Đức Thế Tôn! Như vậy…” về sau là chỉ dạy nghi tắc đó.
  3. “Bạch Đức Thế Tôn! Tức thì khói hương kia…” về sau là nương theo thực hành cảm ứng điềm lành.
  4. “Lúc đó, các Đức Phật nghe thấy diệu hương này…” về sau là nói về các Đức Phật Phật khen ngợi. Đây là nêu ra tâm nguyện của nhà vua.

Văn kinh: Bạch Thế Tôn! Vị vua cõi người này không nên buông lung khiến tâm tán loạn, nên sinh tâm cung kính chí thành, thiết tha lắng nghe thọ nhận kinh vương tối thắng này.

Tiếp theo là chỉ dạy nghi tắc, có ba: Đầu tiên là Thiên vương chỉ dạy nghi tắc lắng nghe, tiếp theo là Phật chỉ dạy đón rước, sau là các vị trời chỉ dạy vì ta. Trong phần đầu các vị trời chỉ dạy trong nghi tắc: Đầu tiên là dạy chung, sau là nêu riêng. Đây là phần chỉ dạy chung.

Văn kinh: Lúc muốn nghe thì trước tiên nên trang nghiêm cung điện tối thượng mà nhà vua quý trọng nhất, rưới nước thơm trên đất, rải các thứ hoa thơm, sắp đặt pháp tòa sư tử cao đẹp, dùng các thứ báu để làm đồ trang hoàng, bày biện các lọng báu cờ phướn, đốt các thứ hương vô giá, trỗi các thứ âm nhạc. Lúc bấy giờ, vị vua đó nên tắm gội sạch sẽ, dùng hương xoa thân thể, mặc áo quần mới sạch và đeo các chuỗi ngọc, ngồi tòa thấp nhỏ, không sinh cử chỉ cao ngạo, xả bỏ ngôi vị hiện tại của mình, lìa các ý niệm kiêu mạn, tâm niệm ngay thẳng, lắng nghe kinh vương này, đối với Pháp sư thì khởi lên ý tưởng Đại sư tôn kính, lại đối với hậu phi, vương tử, thể nữ, cung tần cùng thân bằng quyến thuộc trong cung sinh tâm từ bi thương mến, đối xử vui vẻ với nhau, nói năng hòa thuận dịu dàng, đối với thân tâm chính mình chứa chan niềm vui to lớn.

Tiếp theo là nêu riêng. Trong phần nêu riêng:

  1. Nêu rõ nơi phải trang nghiêm.
  2. “Nước thơm…” về sau là nêu nghi tắc nơi trang nghiêm.
  3. “Lúc bấy giờ, vị vua đó…” về sau là nêu rõ thân thể nhà vua trang nghiêm.
  4. “Không sinh tâm cao mạn…” về sau là nêu rõ trang nghiêm tâm nhà vua.
  5. “Khởi nên ý niệm như vậy…” trở xuống là nêu rõ nhà vua nghĩ đến sự an ổn.

Trong phần nêu rõ tâm trang nghiêm:

  1. Dứt bỏ trạo cử.
  2. Dứt bỏ kiêu mạn.
  3. Tâm lắng yên lắng nghe pháp.
  4. Cung kính đối với Pháp sư.
  5. Đối với tất cả đều khởi từ tâm.
  6. Đối xử vui vẻ với nhau.
  7. Nói năng thuận thảo dịu dàng.
  8. Thân tâm chứa chan niềm vui.

Văn kinh: Khởi nên ý niệm như vầy: Nay ta được nhiều lợi ích rộng lớn tốt đẹp, khó suy nghĩ bàn luận, đối với kinh vương này phát khởi cúng dường, đã bày biện xong thấy Pháp sư đến nên sinh tâm chí thành cung kính khao khát kính mến.

Tiếp theo là nêu ra nhà vua nghĩ đến an ổn. Đầu tiên khởi ý tưởng đối với pháp, từ “Đã bày biện xong…” về sau là khởi ý tưởng đối với Pháp sư. Nghi tắc lắng nghe pháp ở đây như luận Du-già ba mươi tám chép: “Bồ-tát như vậy đối với người khéo nói pháp sinh tâm kính trọng sâu sắc, thường thích lắng nghe các vị khéo nói pháp không hề có sự mỏi mệt, cũng không thỏa mãn, niềm tin thanh tịnh sâu dày, tánh tình của họ nhu hòa, tâm thẳng thắn, thấy thẳng thắn kính mến kính trọng đức độ cho nên kính mến kính trọng đối với pháp. Đến chỗ Pháp sư không hề có tâm vặn hỏi mà chỉ có tâm cung kính tôn trọng, không sinh tâm cao mạn, chỉ cầu điều lành chẳng phải tỏ ra đức độ của mình, vì muốn an lập gốc lành cho mình và người, không vì lợi dưỡng làm nhân duyên cung kính, Bồ-tát có đủ công đức như vậy đến chỗ Pháp sư, tâm không còn tạp nhiễm, tâm không hề tán loạn chỉ lắng nghe chánh pháp. Thế nào là tâm vô nhiễm? Nghĩa là lúc nghe pháp tâm xa lìa cống cao, khinh man, yếu hèn tạp nhiễm. Do sáu tướng đó cho nên lìa bỏ cống cao tạp nhiễm. Nghĩa là lúc lắng nghe pháp hợp thời mà nghe, tha thiết mà nghe, cung kính mà nghe, không vì tổn hại, không vì tùy thuận, không tìm lỗi lầm. Vì bốn tướng đó cho nên lìa bỏ khinh mạn tạp nhiễm, đối với lúc nghe pháp thì cung kính chánh pháp, cung kính nói pháp Bổđặc-ca-la, không xem thường chánh pháp, không xem thường người nói. Đối với lúc nghe pháp không xem thường chính mình, do tướng này nên lìa bỏ yếu hèn tạp nhiễm. Thế nào là tâm không tán loạn? Nghĩa là do năm tướng: Một là tâm cầu giải ngộ; Hai là tâm chuyên nhất hướng về; Ba là lắng nghe thuộc về tai; Bốn là gội sạch tâm; Năm là thâu nhiếp tất cả lắng nghe chánh pháp.” Về nghi tắc nói pháp, sơ lược như kinh Pháp Hoa phẩm Pháp sư thứ tư, có ba thứ:

  1. Vào nhà Như lai.
  2. Mặc áo Như lai.
  3. Ngồi tòa Như lai.

Nhà Như lai là tâm đại Từ bi đối với tất cả chúng sinh. Áo Như lai là tâm nhu hòa nhẫn nhục. Tòa Như lai là tất cả các pháp đều không, tâm nói pháp là muốn mang lại yên vui cho chúng sinh, dứt trừ đau khổ của chúng sinh, do đó khởi lên Từ bi. Từ bi nói pháp, người khác làm hại nhưng không tức giận, bi khổ đau thường nhẫn chịu, nghĩa lý sâu xa có thể xác chứng, có thể nối nhau thấy được ba việc không, vô nhiễm, vô trước mới có thể lợi ích thật sự.

Văn kinh: Lúc bấy giờ, Đức Phật bảo tứ Thiên vương: Không nên như vậy lúc đón rước Pháp sư. Chính vị vua cõi người kia nên mặc áo hoàn toàn sạch sẽ, đẹp đẽ, dùng các loại chuỗi ngọc để trang sức, tự cầm lọng trắng cho đến hương hoa đầy đủ, quân lính có hàng ngũ, nghi thức long trọng, bày các âm nhạc, ra cổng thành đón rước Pháp sư, vận dụng ý tưởng chí thành cung kính là điều tốt lành.

Tán rằng: Tiếp theo là Phật chỉ dạy đón rước, có hai: Đầu tiên là nhắc nhở không nên không đón rước; từ “Chính vị vua cõi người kia…” về sau là nêu ra nghi thức thích hợp. Trong nghi thức thích hợp có năm:

  1. Nói về nghi thức đón rước.
  2. Từ “Tứ Thiên Vương vì nhân duyên gì…” về sau là giải thích lý do đón rước.
  3. Từ “Đối với pháp sư nói pháp…” về sau là nói về tâm tưởng đón rước.
  4. “Sau đó quyến thuộc trong cung…” về sau là nói về lợi ích đạt được.
  5. Tứ Thiên vương “Nên biết rằng…” về sau là kết thúc ý khuyên nhắc.

Đây là phần mở đầu.

Văn kinh: Tứ Thiên vương vì nhân duyên gì khiến cho vị vua cõi người kia tự mình làm việc cung kính cúng dường như thế?

Tiếp theo là phần thứ hai, giải thích lý do đón rước. Có ba: Đầu tiên là nêu ý hỏi, tiếp từ “Bởi vì vị vua cõi ngươi kia…” về sau là giải thích, sau từ “Tứ Thiên Vương nên biết…” về sau là kết luận đón rước cho dù gần hay xa. Đây là phần mở đầu.

Văn kinh: Bởi vì vị vua cõi người kia từng bước, từng bước nâng chân lên, đặt chân xuống chính là cung kính cúng dường kính thờ tôn trọng đối với trăm ngàn muôc ức na-do-tha các Đức Phật Thế Tôn, lại được vượt thoát khổ đau sinh tử trong kiếp số như thế, lại ở nơi đời trong 18 kiếp số như thế sẽ thọ nhận địa vị Luân vương tốt đẹp cao quý.

Tán rằng: Giải thích lý do đón rước, có hai: Chung và riêng.

Đây là giải thích tổng quát, có ba:

  1. Thành tựu nhân cao quý.
  2. Vượt thoát các khổ đau.
  3. Đạt được quả báo tốt đẹp.

Văn kinh: Tùy từng bước, từng bước đó cũng ở nơi đời hiện tại khiến cho phước đức tăng trưởng tự tại, là sự cảm ứng khó suy nghĩ bàn luận của nhà vua nên mọi người đều kính trọng. Sẽ ở cõi trời cõi người trong vô lượng trăm ngàn ức kiếp thọ dụng cung điện bảy báu, những nơi sinh ra thường được làm vua, thọ mạng tăng thêm, ngôn từ biện tài rành mạch, trời người tín nhận, không hề sợ hãi, tiếng tăm vang lừng, mọi người đều chiêm ngưỡng, trên cõi trời, giữa loài người đều được niềm vui cao quý, được thế lực rộng lớn, có đại uy đức, thân tướng xinh đẹp, khôi ngô không gì sánh bằng, được gặp thiên nhân sư, gần gũi Thiện tri thức, thành tựu đầy đủ vô lượng nhóm phước.

Tán rằng: Giải thích riêng: Đầu tiên là lợi ích hiện tại, tiếp theo “Sẽ ở nơi…” về sau là lợi ích đời vị lai. Trong lợi ích đời vị lai có mười ba:

  1. Được nơi chốn tốt đẹp.
  2. Thọ nhận phước báo tốt đẹp.
  3. Đạt được biện tài.
  4. Người khác tin nhận.
  5. Lìa sợ hãi.
  6. Được danh tiếng vang lừng.
  7. Được cung kính tôn trọng.
  8. Thọ nhận niềm vui cao quý.
  9. Thành tựu đại lực.
  10. Có uy nghiêm.
  11. Đạt được tướng tốt.
  12. Gặp được thiện hữu.
  13. Đầy đủ phước đức.

Văn kinh: Tứ Thiên vương nên biết rằng các vị vua cõi người thấy tất cả các thứ lợi ích, vô lượng công đức như thế, cho nên phải tự mình đi đón rước Pháp sư, dù chỉ xa một du-thiện-na, cho đến trăm ngàn du-thiện-na.

Tiếp theo là kết luận đón rước cho dù gần hay xa.

Văn kinh: Đối với Pháp sư nói pháp nên sinh ý tưởng như Phật.

Tán rằng: Thứ ba là nói về tâm tưởng đón rước. Đầu tiên là lợi ích được thấy.

Văn kinh: Về đến kinh thành rồi, khởi ý niệm như vầy: Hôm nay Đức Thích-ca Mâu-ni Như lai Ứng Chánh Đẳng Giác vào cung điện của ta, thọ nhận ta nói pháp cho ta nghe. Ta nghe pháp rồi liền đối với A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề không còn lui sụt, tức là được gặp trăm ngàn muôn ức na-do-tha các Đức Phật, Thế Tôn. Hôm nay ta có đủ các thứ niềm vui cao quý trên hết, cúng dường rộng khắp các Đức Phật quá khứ, hiện tại và vị lai; hôm nay ta dứt trừ hẳn đau khổ của cõi vua Diêm-ma, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, chính là đã gieo trồng hạt giống gốc lành của vô lượng trăm ngàn muôn ức Chuyển luân Thánh vương, Thích Phạm, Thiên chủ, sẽ khiến cho vô lượng trăm ngàn muôn ức chúng sinh thoát khỏi sinh tử khổ đau, đạt được Niết-bàn an vui, chứa nhóm vô lượng vô biên nhóm phước đức không thể suy nghĩ bàn luận.

Tiếp theo là về đến cung điện phát sinh ý tưởng, có bảy:

  1. Ý tưởng được thấy Đức Bổn Sư.
  2. Từ “Ta nghe pháp rồi…” về sau là ý tưởng đạt được đại quả Bồ-đề.
  3. Từ “Tức là được gặp…” về sau là ý tưởng được thấy các Đức Phật.
  4. Từ “Ta hôm nay…” về sau là ý tưởng cúng dường các Đức Phật.

5. Từ “Ta hôm nay…” về sau là ý tưởng lìa hẳn đường ác. Vượt khỏi đường ác cõi vua Diêm-ma, tức là ba nghiệp ác phán định người đó thú hướng đến đường quỷ. Luận Du-già chép: “Đọa vào Na-lạc-ca (địa ngục) làm Tĩnh Tức vương là hóa sinh vào cõi Vương, không như vậy thì làm sao sinh nơi thấp hèn nhất, hóa sinh địa ngục? Lại trái với Duy thức hai mươi, không chấp nhận cùng người ấy chịu khổ. Trường-a-hàm mười chín dựa theo tướng khác cho nên nói nhà vua chịu khổ tưởng.

6. Từ “Chính là đã gieo trồng…” về sau là ý tưởng đạt được địa vị các ngôi vua.

7. Từ “Sẽ khiến cho vô lượng…” về sau là ý tưởng khiến cho người khác được lợi ích.

Văn kinh: Sau đó là quyến thuộc trong cung và mọi người dân đều được yên ổn, đất nước thanh bình, không có các tai ách độc hại cùng với người ác, kẻ thù đối địch ở phương khác không đến xâm phạm quấy nhiễu, xa lìa mọi buồn rầu lo lắng.

Tiếp theo là phần thứ tư nói về lợi ích đạt được.

Văn kinh: Tứ Thiên vương nên biết khi vị vua cõi người kia nên thực hành tôn trọng Chánh pháp như vậy, cũng đối với các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ổ-ba-sách-ca, Ổ-bà-tự-ca thọ trì kinh điển nhiệm mầu này cúng dường cung kính tôn trọng khen ngợi sẽ được gốc lành, trước tiên đem phước thù thắng bố thí cho các ông và các quyến thuộc.

Tiếp theo kết thúc thành tựu nhắc nhủ khuyến khích. Đầu là kết thúc thành tựu lời khuyên nhủ, sau là kết thúc thành tựu đạt được lợi ích. Trong phần kết thúc thành tựu khuyên nhủ: Đầu tiên là kết thúc thành tựu cung kính Pháp sư, tiếp theo là kết thúc thành tựu cung kính bổn chúng, sau là dạy hồi hướng bố thí giúp.

Văn kinh: Vị vua cõi người kia có nhân duyên nghiệp lành phước đức to lớn, trong đời hiện tại được tự tại hoàn toàn, tăng thêm uy quang, diệu tướng tốt lành thảy đều trang nghiêm, tất cả các kẻ thù đối địch có thể dùng chánh pháp để làm cho họ nhanh chóng bị hàng phục.

Tiếp theo là kết thúc thành tựu đạt được lợi ích, có thể biết được.

Văn kinh: Bấy giờ, tứ Thiên vương bạch Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có vị vua cõi người nào có thể thực hiện cung kính chánh pháp, lắng nghe kinh vương này mà cung kính cúng dường tôn trọng khen ngợi người trì kinh trong bốn chúng như vậy, thì khi vị vua cõi người ấy muốn làm cho chúng con sinh tâm vui mừng, do đó nên ở một bên cạnh gần pháp tòa, rưới nước thơm trên đất, rải các hoa quý hiếm, sắp xếp nơi chốn, tòa ngồi của tứ Thiên vương, con và vị vua ấy cùng lắng nghe chánh pháp, tất cả gốc lành tự lợi của vị vua ấy cũng đem phước phần bố thí cho chúng con. Bạch Đức Thế Tôn! Lúc vị vua cõi người ấy thỉnh người nói pháp, khi lên tòa liền vì chúng con đốt các thứ danh hương cúng dường kinh này.

Phần sau là Thiên vương dạy vì ta, có hai: Đầu tiên là nhắc lại sự thực hành đó; tiếp theo từ “Khi vị vua cõi người kia…” về sau là tiếp theo chỉ dạy nghi tắc vì ta. Trong phần nghi tắc có sáu:

  1. Nêu ra nơi chốn trang nghiêm.
  2. Làm cho thanh tịnh trang nghiêm.
  3. Dạy sắp đặt tòa ngồi cho tứ Thiên vương.
  4. Con cùng vị vua kia lắng nghe.
  5. Dạy vị vua kia ban phát phước đức.
  6. Dạy cúng dường.

Văn kinh: Bạch Đức Thế Tôn! Bấy giờ thì khói hương đó trong khoảng một niệm bay lên hư không liền đến cung điện của các vị trời chúng con, ở giữa hư không biến thành lọng hương.

Tiếp theo là nói y theo thực hành cảm ứng điềm lành, có hai: Đầu tiên là tứ Thiên vương nói về cảm ứng, sau từ “Đức Phật bảo tứ Thiên vương…” về sau là Phật nói về cảm ứng. Trong phần tứ Thiên vương nói về cảm ứng: Đầu tiên là nói chung, sau là nói riêng. Trong phần nói chung có hai:

  1. Khói hương bay đến cung điện.
  2. Khói hương hóa hiện điềm lành.

Văn kinh: Các vị trời chúng con ngửi thấy mùi hương nhiệm mầu diệu kia, làn hương có ánh sáng vàng chiếu rọi cung điện cư trú của chúng con cho đến cung điện cõi Phạm và các nơi cư trú của Đế Thích, Đại Biện tài Thiên nữ, Đại Cát tường Thiên nữ, Kiên lao Địa thần, Đại tướng Chánh liễu tri, hai mươi tám bộ các thần Dược-xoa, trời Đại Tự tại, Kim cang Mật chủ, Đại tướng Bảo Hiền, Ha-lợi-đề mẫu, năm trăm quyến thuộc vô nhiệt não, long vương Trì, long vương Đại Hải. Bạch Đức Thế Tôn! Tất cả các chúng trời như thế ở tại cung điện mình thấy khói hương kia trong khoảng một sát-na hóa hiện thành lọng hương, ngửi thấy mùi hương ngào ngạt, nhìn thấy sắc màu ánh sáng rực rỡ khắp nơi đến tất cả cung điện của các thiên thần.

Tiếp theo là nói về riêng. Dựa vào hương, nương theo khói mà nói có ánh sáng màu màu vàng, không phải là hương trần của tỷ căn đạt được thì làm sao mà nói là thấy?

Văn kinh: Đức Phật bảo tứ Thiên vương rằng: Làn hương và ánh sáng này chẳng những đến cung điện này hóa thành lọng hương phát ra ánh sáng rực rỡ, mà khi vị vua cõi người đó tay bưng hương đốt các thứ danh hương cúng dường kinh thì làn khói hương đó trong khoảng một niệm còn trùm khắp thế giới tam thiên đại thiên. Trăm ức mặt trăng mặt trời, trăm ức núi chúa Diệu cao, trăm ức bốn châu nơi thế giới tam thiên đại thiên này, tất cả các nơi cung điện của trời rồng, Dược-xoa, Càn-thát-bà,A-tu-la, Yết-lộ-trà, Khẩn-na-la, Mạc-hô-lạcgià đầy khắp hư không, trụ trong các thứ khói hương biến thành lọng mây, màu vàng của lọng mây đó chiếu khắp các cung điện cõi trời. Các thứ mây hương, lọng hương vốn có nơi thế giới tam thiên đại thiên như thế đều do năng lực oai thần của kinh Kim Quang Minh Tồi Thắng Vương này.

Tiếp theo Đức Phật nói về sự cảm ứng, có hai:

1. Từ “Khói hương tỏa khắp thế giới đại thiên… các vị vua cõi người này…” trở xuống là nói về làn hương tỏa khắp các thế giới mười 12 phương. Trong phần một có bốn:

  • Chẳng phải hạn cuộc nơi tình ý.
  • “Do vị vua cõi người kia…” về sau là nói về làn hương lan tỏa khắp nơi.
  • “Các thứ khói hương về sau là nói về điềm lành.”
  • “Vốn có… như thế…” về sau là kết thúc quy về thần lực của kinh.

Văn kinh: Lúc các vị vua cõi người này tay bưng lò hương cúng dường kinh thì các thứ hương thơm chẳng những đầy khắp thế giới tam thiên đại thiên này, mà còn ở trong khoảng một niệm cũng đầy khắp vô lượng vô biên hằng hà sa tăm ngàn muôn ức cõi nước các Đức Phật khắp mười phương, trong hư không ở các cõi nước của các Đức Phật hóa hiện thành lọng hương màu vàng soi chiếu khắp nơi cũng giống như vậy.

Tiếp theo nói về khắp các thế giới mười phương, có hai: Đầu tiên là lan tỏa đến các cõi nước của các Đức Phật ở mười phương; sau là hóa hiện điềm lành.

Văn kinh: Lúc các Đức Phật mười phương ngửi thấy làn hương nhiệm mầu này, nhìn thấy lọng mây ấy và màu vàng, ở các thế giới mười phương hằng hà sa các Đức Phật, Thế Tôn hiện rõ thần biến xong, các Đức Thế Tôn ấy đều cùng nhau quan sát, tất cả đồng thanh khen ngợi Pháp sư rằng: Lành thay! Lành thay! Người đại trượng phu hãy lưu truyền bá rộng rãi kinh điển nhiệm mầu sâu xa này thì sẽ thành tựu vô lượng vô biên nhóm phước công đức không suy nghĩ bàn luận.

Tán rằng: Trong phần chỉ dạy nghi tắc mở mang kinh, thứ tư là các Đức Phật ngợi khen, có hai: Đầu tiên là khen ngợi hiện tại thành tựu nhân tốt đẹp; tiếp theo từ “Lúc bấy giờ, mười phương…” về sau là khen ngợi quả vị lai. Khen ngợi về nhân quả là muốn giúp cho vị vua cõi người nương theo giáo pháp thực hành. Trong phần đầu khen ngợi nhân: Đầu tiên là khen ngợi nhân của Pháp sư, sau là khen ngợi nhân của người nghe. Pháp sư ở đây là chung cho cả người nói pháp đó, cũng bao gồm cả người cúng dường, thực hành mười pháp đều gọi là Pháp sư. Bởi nhà vua có thể vì kinh này cúng dường truyền bá rộng rãi, Pháp sư chính là người có thể lưu thông pháp này. Nhưng theo mạch văn kết hợp chỉ khen ngợi vị vua cõi người, cho nên nêu ra thấy điềm lành ứng hiện mà khen ngợi, hoặc lại là điềm lành ứng hiện do uy lực của kinh, cho nên khen ngợi Pháp sư chung cho hai chỗ cũng được, có ba: Đầu tiên là thấy điềm lành, tiếp theo “Các Đức Thế Tôn …” về sau là khen ngợi lưu thông kinh điển, sau “Tức là thành tựu…” về sau là khen ngợi thành tựu nhân. Văn hiển bày có thể biết.

Văn kinh: Nếu có người nào nghe kinh này thì công đức họ đạt được thật vô cùng rộng lớn, huống gì viết chép, đọc tụng, giải thích cho người nghe, như thuyết tu hành. Vì sao? Này người thiện nam! Nếu có chúng sinh nào nghe kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này thì không còn lui sụt đối với quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.

Tiếp theo là khen ngợi công đức, có ba: Đầu tiên là nêu ra công hạnh nhỏ bé huống gì to lớn; tiếp đến nêu lý do; sau chính là giải thích.

Văn kinh: Lúc bấy giờ, ở mười phương có trăm ngàn câu-chi nado-tha vô lượng vô biên hằng hà sa cõi nước các Đức Phật, tất cả các Đức Như lai nơi các cõi nước kia đều đồng thanh ở trên pháp tòa khen ngợi vị Pháp sư đó rằng: Lành thay!Lành thay!

Tiếp theo là khen ngợi quả vị lai, có hai: Đầu tiên là các Đức Phật đồng thanh khen ngợi chung.

Văn kinh: Này người thiện nam! Đời vị lai ông dùng năng lực tinh tấn tu tập vô lượng trăm ngàn khổ hạnh, đầy đủ tư lương, vượt hơn các Thánh chúng, thoát ra ba cõi, là bậc Tối Thắng.

Tiếp theo là khen ngợi riêng. Trong khen ngợi riêng, đầu tiên là khen ngợi nhân lợi ích.

Văn kinh: Sẽ ngồi dưới cội Bồ-đề thù thắng trang nghiêm, cứu độ chúng sinh hữu duyên trong thế giới tam thiên đại thiên, khéo hàng phục các loại ma quân có hình tướng đáng sợ, hiểu rõ các pháp tối thắng thanh tịnh sâu xa vô thượng chánh đẳng Bồ-đề. Này người thiện nam! Ông sẽ ngồi trên tòa Kim cang, quya bánh xe pháp vô thượng về mười hai diệu hạnh sâu xa cùng tột mà các Đức Phật khen ngợi, thường gióng lên trống pháp rất lớn trên hết, thường thổi vang loa pháp nhiệm mầu trên hết, thường dựng nên cờ pháp, rưới xuống mưa pháp cam lộ vô thượng, dứt bỏ vô lượng phiền não oán kết.

Tiếp theo là khen ngợi quả. Trong phần khen ngợi quả có bốn:

  1. Ngồi dưới cây đạo tràng.
  2. Từ “Khéo hàng phục…” về sau là hàng phục thiên ma.
  3. Từ “Hiểu rõ các pháp…” về sau là đạt được Bồ-đề.
  4. Từ “Này người thiện nam…” về sau là quay bánh xe pháp.

Quay bánh xe pháp có tám: Một thứ đầu là thể của bánh xe pháp, sáu loại giữa là nghĩa của bánh xe pháp, “Thường khiến cho vô lượng…” về sau là dụng của bánh xe pháp. Sáu thứ trong nghĩa của bánh xe pháp 1 là:

  1. Khai quyền.
  2. Loa pháp lập giáo.
  3. Cờ pháp đạt được trí Bồ-đề.
  4. Được pháp đạt được lý Niết-bàn.
  5. Mưa pháp thường phát sinh điều lành.
  6. Dứt bỏ phiền não, những điều xấu ác.

Văn kinh: Giúp cho vô lượng trăm ngàn muôn ức na-do-tha hữu tình vượt qua biển lớn đáng sợ không bến bờ, thoát khỏi luân hồi sinh tử không giới hạn, được gặp vô lượng trăm ngàn muôn ức na-do-tha

Đức Phật.

Tán rằng: Dụng của bánh xe pháp có ba: Vượt qua biển lớn lìa khổ đế, thoát khỏi sinh tử dứt tập đế; do nghi ngờ ràng buộc luân hồi nơi sinh tử, cho nên dứt trừ tập đế nói là giải thoát. Nghiệp chẳng phải là nghĩa của trói buộc, chẳng phải cội gốc sinh tử cho nên không nói là nghiệp, hoặc là cũng thuộc về nghiệp, bởi vì giống như tập đế. “Gặp được các Đức Phật” về sau là được gặp bạn lành.

Văn kinh: Lúc bấy giờ, tứ Thiên vương lại bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Kinh Kim Quang Minh tối Thắng Vương này thường ở đời vị lai, hiện tại thành tựu vô lượng công đức như vậy, thế nên vị vua cõi người được nghe kinh điển nhiệm mầu này tức là đã gieo trồng các gốc lành ở nơi trăm ngàn muôn ức vô lượng Đức Phật. Đối với vị vua cõi người kia con sẽ che chở, lại thấy vô lượng phước đức lợi ích cho nên lúc tứ Thiên vương chúng con và quyến thuộc của con cùng vô lượng trăm ngàn muôn ức các thần ở nơi cung điện của mình thấy các loài khói hương lọng mây này biến hiện thần diệu thì sẽ ẩn hình không xuất hiện thân tướng đó, vì nghe pháp cho nên sẽ đến nơi cung điện giảng pháp thanh tịnh trang nghiêm đầy đủ của vị vua này. Như thế cho đến Phạm cung của Đế Thích, Đại Biện tài Thiên nữ, Đại Cát tường Thiên nữ, Thiên lao địa thần, Đại tướng Chánh Liễu tri, hai mươi tám bộ các thần Dược-xoa, trời Đại Tự tại, Kim cang Mật chủ, Đại tướng Bảo Hiền, Ha-lợi-đề Mẫu, năm trăm quyến thuộc long vương Vô nhiệt não trì, long vương Đại hải, vô lượng trăm ngàn muôn ức na-do-tha các trời Dược-xoa, các bộ chúng như thế vì nghe pháp cho nên đều không hiện bày thân tướng bay đến cung điện trang nghiêm thù thắng, nơi tòa cao nói pháp của vua cõi người kia. Bạch Đức Thế Tôn! Tứ Thiên vương chúng con và quyến thuộc của mình cùng các thần Dược-xoa đều sẽ nhất tâm cung kính tôn vị vua cõi người kia là Thiện tri thức, bởi vị vua cõi người này là vị thí chủ đem mùi vị cam lộ đầy đủ của đại pháp vô thượng đến cho chúng con. Vì thế chúng con ủng hộ vị vua này, dứt trừ các lo buồn suy hao đó, khiến cho được yên ổn, và các tai biến ác họa trong cung điện, thành ấp, đất nước kia thảy đều khiến cho tiêu diệt.

Tiếp theo là phần thứ tư, vị vua cõi người tu hành đạt được lợi ích trong nguyện hộ trì, tu hành kinh được Phật nói về lợi ích. Đây là phần vị vua cõi người nương theo tu hành đạt được lợi ích. Có ba:

  1. Khen ngợi pháp.
  2. “Vì thế cho nên nhân vị vua cõi người…” về sau là khen ngợi người thực hành.
  3. “Đối với vị vua cõi ngươi kia…” về sau là sự che chở. Đầu tiên đưa ra lý do che chở, từ “Tứ Thiên Vương chúng con…” trở xuống chính là nói về sự che chở, có bốn:
  • Nói về lúc che chở.
  • “Con sẽ ẩn hình…” trở xuống là các vị trời đến cung vua.
  • “Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con…” trở xuống là các vị trời cùng kết giao bạn lành.
  • “Thế nên chúng con…” trở xuống chính là nói về sự che chở. Trong đoạn thứ hai: Đầu tiên là tứ Thiên vương đến, tiếp theo từ “Như thế cho đến…” trở xuống là nói về các vị trời Thích Phạm… đều đến. Những đoạn còn lại có thể biết.

Văn kinh: Bấy giờ, tứ Thiên vương đều cùng nhau chắp bạch với Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có vị vua cõi người nào ở nơi cõi nước của họ tuy có kinh này nhưng chưa từng truyền bá rộng rãi, tâm sinh lìa bỏ không thích lắng nghe, cũng không cúng dường tôn trọng khen ngợi, thấy người trong bốn bộ chúng trì kinh lại cũng không thể tôn trọng cúng dường, cuối cùng khiến cho chúng con và quyến thuộc của mình cùng vô lượng các trời không được nghe pháp mầu sâu xa này, lìa bỏ mùi vị cam lộ, làm mất dòng chảy chánh pháp, không có uy quang cho đến tăng thêm thế lực của đường ác, giảm bớt hàng trời người, rơi vào sông sâu sinh tử, trái với nẻo đến Niết-bàn.

Tán rằng: Thứ hai nói về khiến cho vua cõi người hộ pháp. Trong đó có ba:

  1. Không hộ trì sẽ có tổn hại.
  2. “Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có vua cõi người…” trở xuống là nói về hoằng kinh hộ pháp được ích lợi.
  3. “Bạch Đức Thế Tôn! Như Đại Phạm Thiên…” trở xuống là so sánh nói về sự tốt đẹp, khuyến khích mở mang kinh.

Trong phần đầu có hai: Đầu tiên là bỏ pháp không mở mang, có hai: Đầu tiên là bỏ pháp, tiếp đó là bỏ con người, sau từ “cuối cùng khiến cho chúng con…” trở xuống là nói về do việc ấy mà có tổn hại. Lại chia làm hai: Đầu tiên là tổn hại loài trời, sau là tổn hại loài người.

Trong tổn hại loài trời, có năm:

  1. Đánh mất lợi ích của pháp.
  2. Đánh mất uy quang.
  3. Tăng thêm đường ác.
  4. Giảm bớt trời, người.
  5. Đánh mất con đường chánh.

Như văn có thể biết.

Văn kinh: Bạch Đức Thế Tôn! Tứ Thiên Vương chúng con cùng các quyến thuộc và các Dược xoa đều thấy sự việc như thế, xả bỏ cõi nước đó tâm không còn ủng hộ, chẳng những chúng con xả bỏ vị vua này, cũng có vô lượng các đại thiện thần che chở giữ gìn đất nước thảy đều xả bỏ; đã xả bỏ rồi thì đất nước đó sẽ có các thứ tai họa, làm mất vị trí đất nước, tất cả dân chúng đều không có tâm lành, chỉ có trói buộc giết hại, sân giận tranh cãi lẫn nhau, gièm pha dua nịnh, vu oan người vô tội, tật dịch lan tràn khắp nơi, sao chổi xuất hiện nhiều lần, hai mặt trời cùng hiện ra, bị xâm thực không bình thường, hai cầu vồng đen trắng biểu hiện sự không tốt lành, sao băng đất động, trong giếng phát ra âm thanh, mưa dữ dội, gió hung hãn, không đúng thời tiết, thường gặp cảnh mất mùa đói kém, lúa má không chín được, có nhiều oán thù giặc giã từ phương khác đến xâm lấn, nhân dân trong nước gánh chịu mọi điều khổ não, trên mặt đất không có nơi nào đáng vui.

Tiếp theo là tổn hại loài người, có hai:

  1. Trời thần xa lìa.
  2. Từ “Đã xả bỏ rồi…” trở xuống là đất nước suy hao tổn hoại, trong đó có ba: Đầu tiên là nêu ra, tiếp theo là phân biệt rõ, từ “Bạch Thế Tôn! Tứ Thiên Vương chúng con…” trở xuống là kết thúc.

Trong phần phân rõ, có bốn:

  1. Làm mất vị trí mất nước.
  2. “Tất cả dân chúng…” trở xuống là người làm ác.
  3. Tật dịch phát sinh.
  4. “Sao chổi…” trở xuống là điềm ác hiện ra. Có mười một:
  1. Sao chổi bất ngờ xuất hiện nhiều lần.
  2. Hai mặt trời cùng hiện ra.
  3. Mặt trăng, mặt trời xâm thực lẫn nhau.
  4. Cầu vồng biểu hiện điềm không tốt lành.
  5. Sao băng thất thường.
  6. Mặt đất chấn động.
  7. Trong giếng phát ra âm thanh khác lạ.
  8. Mưa gió trái mùa.
  9. Mầm non hoa trái không thành tựu.
  10. Giặc giã phương khác xâm lấn.
  11. Đất nước không yên vui.

Văn kinh: Bạch Đức Thế Tôn! Tứ Thiên vương chúng con cùng với vô lượng trăm ngàn thiên thần và các thiện thần trước kia che chở cõi nước đã rời xa thì phát sinh vô lượng trăm ngàn thứ tai họa kỳ quái, các việc xấu ác như thế. Kết thúc.

Văn kinh: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có vị vua cõi người nào muốn che chở, giữ gìn đất nước thì thường được vui sướng, muốn làm cho chúng sinh đều được yên ổn, muốn hàng phục được tất cả kẻ địch bên ngoài, trong phạm vi đất nước của mình mãi mãi được hưng thịnh, muốn làm cho chánh giáo truyền bá rộng khắp ở thế gian, mọi khổ não ác pháp đều dứt trừ diệt. Bạch Đức Thế Tôn! Các vị vua này phải nên lắng nghe thọ nhận kinh vương nhiệm mầu này, cũng nên cung kính cúng dường người đọc tụng, thọ trì kinh thì chúng con và vô lượng Thiên chúng của mình nhờ vào gốc lành nghe pháp này mà uy lực được tăng thêm, được thấm nhuần pháp vị cam lộ vô thượng, tất cả quyến thuộc của chúng con cùng tất cả vị Thiên thần khác đều được lợi ích cao quý. Vì sao? Vì vị vua cõi người này dốc lòng lắng nghe thọ nhận kinh điển này.

Tán rằng: Tiếp theo nói về hoằng kinh, hộ pháp được lợi ích, có ba:

  1. Nhà vua phát khởi thiện nguyện.
  2. “Bạch Đức Thế Tôn! Các vị vua này…” trở xuống là chỉ dạy khiến mở mang kinh.
  3. “Chúng con và vô lượng chúng trời…” trở xuống là tứ Thiên vương được lợi ích, có ba: Đầu tiên là nêu ra, “Vì sao” là hỏi ngược lại, “Vì vị vua cõi người này…” về sau là giải thích. Trong phần nêu ra nói rằng nhờ nghe pháp này v.v… do vị vua cõi người nghe pháp, từ “Chúng con…” trở xuống là nói về tứ Thiên vương chúng con đều được lợi ích.

Văn kinh: Bạch Đức Thế Tôn! Như Đại Phạm Thiên đối với các hữu tình thường giảng nói giải thích các luận về thế, xuất thế cho họ nghe, Đế Thích lại nói các thứ luận, và Thần tiên ngũ thông cũng nói về các luận. Bạch Đức Thế Tôn! Phạm Thiên, Đế Thích, các vị tiên đã có chứng năm thần thông tuy có trăm ngàn câu-chi na-do-tha vô lượng các luận thuyết, nhưng Phật Thế Tôn Từ bi thương xót vì các trời, người nói kinh Kim Quang Minh nhiệm mầu so với những gì đã nói trước đây, hơn hẳn nơi kia gấp trăm ngàn câu-chi na-do-tha lần không thể ví dụ được.

Vì sao? Vì kinh điển này khiến cho tất cả vua chúa ở châu Thiệmbộ đều dùng chánh pháp cảm hóa thế gian, thường mang lại mọi sự yên vui cho chúng sinh, vì bảo vệ tự thân cùng các quyến thuộc khiến cho không còn khổ não, đồng thời không có oán thù giặc giã từ phương khác đến xâm hại, tất cả mọi điều xấu ác thảy đều xa lìa, cũng làm cho đất nước an bình, dứt hết tai ách, cảm hóa theo chánh pháp, không có tranh cãi kiện tụng. Vì thế cho nên các vị vua cõi người mỗi vị đều ở đất nước của mình, đương nhiên đuốc pháp sáng ngời chiếu soi không giới hạn, chúng trời và các quyến thuộc đông thêm.

Tiếp theo là phần thứ ba, so sánh về sự tốt đẹp, khuyến khích mở rộng kinh, có ba: Đầu tiên là so sánh nói về sự tốt đẹp, tiếp đến là tứ Thiên vương được lợi ích, sau là khuyến khích mở mang kinh. Trong phần đầu có bốn:

  1. Nêu ra sự thua kém.
  2. “Bạch Đức Thế Tôn! Phạm Thiên…” trở xuống là nói về sự tốt đẹp.
  3. “Vì sao?…” trở xuống là giải thích nguyên do.
  4. “Vì thế cho nên…” trở xuống là kết thúc nên trì kinh.

Văn kinh: Bạch Đức Thế Tôn! Tứ Thiên Vương chúng con và vô lượng chúng Thiên thần Dược-xoa, tất cả Thiên thần trong châu Thiệm-bộ nhờ nhân duyên này được thấm nhuần pháp vị cam lộ vô thượng, đạt được uy đức thế lực rộng lớn, ánh sáng thảy đều đầy đủ, tất cả chúng sinh đều được yên ổn. Lại trong vô lượng trăm ngàn không thể suy nghĩ bàn luận na-do-tha kiếp ở đời vị lai thường thọ hưởng vui sướng, lại được gặp vô lượng các Đức Phật gieo trồng các gốc lành, sau đó chứng được quả vị A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Vô lượng vô biên lợi ích cao quý như vậy là do Đức Như lai Ứng Chánh Đẳng Giác dùng tâm đại Từ bi vượt hơn các trời Phạm chúng, dùng đại trí tuệ vượt hẳn Đế Thích, tu các khổ hạnh hơn hẳn Thần tiên ngũ thông, trăm ngàn muôn ức na-do-tha lần không thể so tính, ví dụ, vì các chúng sinh giảng nói kinh điển nhiệm mầu này.

Tiếp theo là được lợi ích, có hai: Đầu tiên là các vị trời được lợi ích; tiếp từ “Khiến cho… châu Thiệm-bộ…” trở xuống là nói về người được lợi ích. Trong phần trời được lợi ích: Đầu tiên là đạt được lợi ích, sau từ “Đều là do Như lai…” trở xuống là khen ngợi.

Văn kinh: Khiến cho tất cả vua chúa và nhân dân ở châu Thiệmbộ hiểu rõ tất cả mọi việc về phương pháp trị nước, cảm hóa nhân dân, khuyên nhủ dẫn dắt, nhờ năng lực lưu thông kinh vương này nên khắp nơi được yên vui. Những phước lợi này đều là do năng lực Từ bi của Đức Thích-ca Đại sư đối với kinh điển này vì chúng sinh lưu thông rộng khắp.

Tiếp theo là kết luận về lợi ích của loài người. Trong đó chỉ nói đến được nhân lợi ích, không nói về quả, nên trước đây đã nói:

  1. Được nhân lợi ích.
  2. Kết thúc do kinh.

Văn kinh: Bạch Đức Thế Tôn! Vì nhân duyên này nên các vị vua cõi người đều phải thọ trì cúng dường cung kính tôn trọng ngợi khen kinh vương nhiệm mầu này. Vì sao? Vì tất cả lợi ích công đức cao quý không thể suy nghĩ bàn luận như thế, cho nên gọi là kinh vương tối thăng.

Tiếp theo là phần sau khuyến khích mở mang kinh, có ba: Nêu ra, trưng hỏi, giải thích riêng.

Văn kinh: Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo tứ Thiên vương rằng: Tứ Thiên vương các ông và quyến thuộc của mình cùng vô lượng trăm ngàn câu-chi na-do-tha đại chúng các vị trời, thấy vị vua cõi người kia nếu có thể dốc lòng lắng nghe kinh điển này, cúng dường cung kính tôn trọng khen ngợi thì cần phải ủng hộ, trừ bỏ họa hoạn sụp hao của họ, khiến cho các ông cũng được yên vui.

Tán rằng: Đoạn lớn thứ hai là tứ Thiên vương vâng theo lời dạy phát nguyện hộ trì. Trong đó có hai: Đầu tiên là thân hộ trì, sau là pháp hộ trì. Trước đây nói về thân hộ trì, nay tiếp theo nói về pháp hộ trì. Trước đây nói về thân hộ trì là hộ trì người mở mang và hộ trì cõi nước, ở đây chỉ hộ trì đối với người mở mang Phật pháp. Lại nữa, thân hộ trì là trừ diệt các họa hoạn suy hao, tai biến tật dịch cùng tất cả mọi sự bất an, ở đây trừ diệt nỗi khổ nghèo cùng, khiến đạt được tài vật, cho nên Phật khen ngợi rằng: “Ông hãy phá tan mạng lưới khổ sở nghèo thiếu của tất cả chúng sinh, khiến cho họ được phước lạc, đạt được phước lạc rồi thì có thể mở mang kinh”, do đó tiếp theo nói: “Cũng khiến cho kinh này truyền bá rộng rãi ở thế gian.” Trong đó có ba: Đầu tiên là Đức Thế Tôn lại khuyến khích, tiếp theo là pháp hộ trì của tứ Thiên vương; sau từ “Lúc Thiên vương Đa Văn nói chú này xong…” trở xuống là Thế Tôn ngợi khen. Đây là phần mở đầu, có hai: Đầu tiên là khuyến khích hộ trì vị vua cõi người, sau là khuyến khích hộ trì bốn chúng. Đây là phần hộ trì vị vua cõi người, trong văn có bốn:

  1. Ban sắc cho tứ Thiên vương.
  2. Người được hộ trì.
  3. Chính thức dạy ủng hộ.
  4. “Khiến cho các ông…” trở xuống là nói về lý do dạy hộ trì.

Văn kinh: Nếu bốn bộ chúng có thể truyền bá rộng rãi kinh vương này, ở trong trời người làm nhiều Phật sự, khắp làm lợi ích cho vô lượng chúng sinh, người như vậy, tứ Thiên vương các ông thường nên ủng hộ, bốn chúng như vậy đừng để các duyên khác xâm hại quấy nhiễu họ, làm cho thân tâm họ vắng lặng yên vui, đối với kinh vương này giảng nói rộng rãi, truyền bá khắp nơi, đừng để dứt mất, lợi ích cho hữu tình đến tận mé vị lai.

Tiếp theo là khuyến khích hộ trì bốn chúng, trong văn có bốn:

  1. Người được hộ trì.
  2. “Ở trong trời người…” trở xuống là khen ngợi công năng.
  3. “Người như vậy…” trở xuống chính là dạy phải ủng hộ.
  4. “Đối với kinh vương này…” về sau là nói về mục đích dạy hộ trì.

Văn kinh: Lúc ấy, Thiên vương Đa Văn đứng dậy khỏi chỗ ngồi, bạch Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Con có pháp Đà-la-ni Như ý Bảo châu, nếu có chúng sinh nào thích thọ trì thì công đức vô lượng, con thường ủng hộ giúp cho chúng sinh kia lìa đau khổ được an vui, thành tựu hai thứ tư lương phước trí.

Tán rằng: Thứ hai là pháp hộ trì của tứ Thiên vương, phân bốn:

  1. Nêu ra công năng của thần chú.
  2. “Thích thọ trì…” trở xuống là hai phương pháp trì chú.
  3. “Lúc ấy, có Đệ-thất-la…” trở xuống là nói về lợi ích được thần chú.
  4. “Dù cho mặt trăng, mặt trời…” trở xuống là lập thệ nguyện thủ hộ.

Văn phần đầu có ba: Đầu tiên là người nói chú, tiếp theo là nêu lên thần chú; sau từ “Nếu có chúng sinh…” trở xuống là nói công năng của thần chú.

Văn kinh: Người muốn thọ trì, trước tiên nên tụng thần chú hộ trì thân này, liền nói thần chú rằng: “Nam-mô đệ thất la mạt noa dã hạc ha la xã dã-(nhưng chữ Dã trên cần phải kéo dài tiếng, dẫn thanh) đát diệt tha la la la la – củ nộ củ nộ – khu nộ khu nộ – lũ nộ lũ nộ – táp phược táp phược – yết la yết la – mạc ha tỳ yết lạc ma – mạc ha tỳ yết lạc ma – mạc ha hạt la xã hạt lạc xoa hạt lạc xoa – đổ mạn (tự xưng tên mình) tát bà tát đoản nan giả – sa ha (hai chữ này đều kéo dài, dẫn thanh).” Bạch Đức Thế Tôn! Người tụng chú này nên dùng chỉ trắng, tụng bảy biến chú, mỗi biến gút một mắt, buộc vào khuỷu tay, thì việc ấy chắc chắn thành tựu, nên lấy các thứ hương, như hương an tức, hương chiên đàn, hương long não, hương tô hợp, hương đa-yết-la, hương huân lục, đều cần lượng bằng nhau, hòa hợp một chỗ, tay bưng lò hương đốt hưong, cúng dường tắm gội sạch sẽ, mặc áo quần mới sạch, ở trong một căn phòng yên tĩnh mới tụng thần chú.

Tiếp theo là nói về phương thức trì chú. Phương thức có ba: Đầu tiên là chỉ dạy hộ trì thân, tiếp theo là chỉ dạy cầu thỉnh hộ trì, sau chính là chỉ dạy chú này.

Đầu tiên chỉ dạy hộ trì thân có ba:

  1. Nêu tên thần chú.
  2. Chính thức nói thần chú.
  3. “Bạch Đức Thế Tôn! Người tụng thần chú này…” trở xuống là chỉ bày nghi tắc trì tụng. Bệ-thất-la Mạt-noa-dã (Hán dịch là Đa văn) Mạc-ha (Hán dịch là Đại) Hạt-la-xà-dã (Hán dịch là Vương). Văn còn lại có thể biết. Nói Đa-yết-la, Hán dịch là Linh-lăng-hương.

Văn kinh: Cầu thỉnh con, Thiên vương Bệ-thất-mạt-noa liền nói chú rằng: “Nam mô-Bệ thất la-Mạt noa (dẫn) Dã-nam mô đàn na đà dã-đàn nễ thuyết la (dẫn) dã-a yết xả-a bạt lị nhị đa-đàn nễ thuyết labát la ma-ca lưu ni ca-tát bà tát đoản rất đa chấn đa-ma ma (nói tên mình) đàn na-mạt nô bát lạt duệ xả toái diêm ma yết xả-sa ha ha.” Tụng chú này đủ bảy biến rồi.

Tiếp theo là chỉ bày cầu thỉnh hộ trì: Đầu tiên là nêu ra cầu thỉnh, tiếp theo là nói thần chú, sau từ “Tụng thần chú này đủ bảy biến…” trở xuống là kết thúc cách trì tụng.

Văn kinh: Kế là tụng chú này. Lúc muốn tụng chú, trước tiên nên xưng danh cung kính lễ lạy Tam bảo và Đại vương Bệ thất la-Mạt noa có khả năng thí cho tài vật, khiến mọi sự cầu nguyện của các chúng sinh đều thành tựu đầy đủ và được yên vui. Lễ lạy như thế xong, tiếp đến tụng thần chú Bệ thất la-Mạt noa Vương như ý Mạt-ni Bảo Tâm, có công năng thường bố thí cho chúng sinh tùy ý yên vui. Lúc ấy, Thiên vương Đa Văn liền đối trước Đức Phật nói thần chú Như ý mạt-ni bảo tâm rằng: Nam-mô hạt lạt đát na-đát lạt dạ (dẫn) dã, Nam-mô Bệthất-la mạt noa-(dẫn) Dã mạc ha la xà (dẫn) dã-đát điệt tha tứ nhị tứ nhị-tô mẫu tô mẫu-chiên trà chiên trà-triết la triết la-tát la tát la-yết la yết la-chỉ lý chỉ lý-củ rô củ rô-mẫu rô mẫu rô-chủ rô chủ rô-sa đại dã ác tham, con tên là… nặc-điếm-ác-tha-đạt đạt đổ sa-ha, Nam-mô Bệthất-la Mạt-dã sa ha-đàn na đà dã-sa ha-mạn nô lạt tha bát lị bô lạt ca (dẫn) dã sa ha.” Thọ trì thần chú, trước tiên trì tụng một ngàn biến, sau đó ở trong tịnh thất bôi Cù-ma trên đất, làm một đàn tràng nhỏ, hễ khi nào ăn uống thì nhất tâm cúng dường, thường đốt hương quý khiến cho khói hương không dứt, trì tụng tâm chú như trước, ngày đêm tâm thường nhớ nghĩ, chỉ tự tai nghe đừng để cho người khác biết.

Tiếp theo là phần thứ ba chính thức dạy chú này, có bốn:

  1. Nêu rõ.
  2. Từ “Trước tiên nên…” trở xuống là dạy quy y lễ bái và phát nguyện.
  3. Khiến cho tụng chú này, tức là lễ lạy như thế xong, tiếp đến tụng Bệ-thất-la… về sau.
  4. Từ “Lúc ấy, Thiên vương Đa Văn…” trở xuống chính là nói thần chú. Hạt-lạt-đát-na Hán dịch là Bảo, Đát-lạt-dạ-dã Hán dịch là Tam, tức là lễ bái Tam bảo. Sau nói Đàn-na Hán dịch là Tài, Đà-dã

Hán dịch là Thí, Mạn-nô Hán dịch là Ý, Lạt-tha-bát-tra Hán dịch là Ngã, Bô-lạt-ca-dã Hán dịch là Mãn, ý chung nói là “tài thí đầy đủ như ý con”. Lúc thọ trì chú… trở xuống là nói về cách trì chú.

Văn kinh: Lúc đó, có vương tử Bệ-hất-la-mạt-noa tên là Thiềnnị-sư hiện hình Đồng tử đến tịnh thất đó hỏi rằng: Vì sao phải gọi cha ta? Thì hãy đáp rằng: Con vì việc cúng dường Tam bảo, cần đến tài vật, nguyện xin giúp cho! Lúc Thiền-nị-sư nghe lời này rồi liền trở về chỗ cha mình, thưa với cha rằng: Nay có thiện nhân phát tâm chí thành cúng dường Tam bảo mà thiếu thốn tài vật, vì thế triệu thỉnh. Cha vương tử trả lời: Con hãy mau đến đó, hãy ngày giúp cho người ấy một trăm Ca-lợi-sa-ba-noa (đây là âm Phạm căn bản, chỉ thấy nói trong bối kinh nên tùy theo nơi chốn không nhất định, hoặc là bối-xỉ hoặc là các loại tiền vàng, bạc, đồng, thiếc. Nhưng ở Ma-yết-đà hiện nay thông dụng một Ca-lợi-sa-ba-noa có một ngàn sáu trăm bối-xỉ, tổng số có thể theo đó thì biết. Nếu theo giá trị của đồ vật thì tùy nơi chốn không cố định, nếu người trì chú được thành tựu sở nguyện thì lúc được tài vật sẽ tự mình biết số đó. Có bản nói rằng: Mỗi ngày giúp cho người ấy một trăm trần-na-la, tức là tiền vàng, cho đến suốt đời mỗi ngày thường được người cầu về Tây phương phần nhiều được thần nghiệm, trừ khi không dốc lòng). Người trì chú đó thấy tướng trạng này rồi liền biết việc được thành tựu, nên phải ở một mình trong tịnh thất, đốt hương mà nằm, có thể ở bên cạnh giường đặt một cái hộp hương, mỗi ngày đến lúc trời sáng xem trong hộp đó lấy được vật mình cầu, mỗi khi được vật thì ngày ấy liền nên cúng dường Tam bảo các thứ hương hoa đồ ăn thức uống cùng giúp đỡ người nghèo thiếu, đều bố thí cho hết, không được giữ lại. Đối với các hữu tình nên khởi ý niệm Từ bi, đừng sinh tâm sân cuồng hãm hại. Nếu người khởi tâm sân cuồng thì sẽ mất sự thần nghiệm, thường hãy giữ gìn tâm ý, đừng để tức giận.

Tiếp theo là nói về lợi ích được thần chú, có hai: Đầu tiên là thấy vương tử Đa Văn được lợi ích, sau là thấy cha của vương tử Đa Văn được lợi ích. Trong phần thấy vương tử được lợi ích, có năm:

  1. Vương tử đến hỏi.
  2. “Thì hãy trả lời…” trở xuống là người trì chú trả lời.
  3. Từ lúc “Thiền-nị-sư…” trở xuống là vương tử trở về thưa với vua cha.
  4. Từ “Cha của vương tử trả lời…” trở xuống là vua cha bảo vương tử giúp cho.
  5. Từ “Người trì chú đó…” trở xuống là hành giả được lợi ích, có chín:
  1. Thấy sự ứng nghiệm.
  2. Từ “Nên phải một mình ở chỗ…” về sau là được tài vật.
  3. Được hộ trì.
  4. Kéo dài tuổi thọ.
  5. Không gặp tai nạn.
  6. Được kho báu.
  7. Được thần thông.
  8. Được toại nguyện.
  9. Hiểu được ngôn ngữ khác.

– Trong phần được tài vật:

  1. Nghi thức thọ nhận tài vật.
  2. Từ “Thường được tài vật…” về sau là được rồi nên cúng dường.
  3. Từ “Đối với các hữu tình…” về sau là khởi tâm Từ bi.
  4. Từ “Chớ sinh…” về sau là dạy xa lìa điều ác.

Văn kinh: Lại nữa, người trì chú này mỗi ngày nghĩ nhớ Thiên vương Đa Văn và nam nữ quyến thuộc của con, xưng dương khen ngợi, thường dùng mười điều lành cùng giúp đỡ lẫn nhau, khiến cho phước lực của các vị trời kia càng tăng thêm, các điều lành đều đạt đến chứng được quả Bồ-đề, các chúng trời đó thấy được việc này rồi đều rất vui mừng cùng nhau đến ủng hộ người trì chú. Lại nữa, thọ mạng của người trì chú rất lâu dài, đến vô lượng tuổi, xa lìa hẳn ba đường ác, thường không có các tai ách, cũng khiến hộ trì được như ý bảo châu và thần thông tự tại ẩn giấu cùng sở nguyện đều được thành tựu, nếu cầu quan chức vinh hoa thảy đều xứng ý, cũng hiểu được ngôn ngữ của tất cả các loài cầm thú.

Tiếp theo nói về được hộ trì, trong đó có bốn:

  1. Dạy nhớ nghĩ khen ngợi.
  2. Từ “Thường dùng mười điều lành…” về sau là dạy phải tu tư lương điều lành.
  3. Từ “Khiến cho các vị trời kia…” về sau là khiến các vị trời ấy trở xuống là dạy các vị trời khéo tu tư lương, cũng khiến được yên vui.
  4. Từ “Các chúng trời đó…” về sau là được thủ hộ, nói lên trong cá đoạn văn còn lại.

Văn kinh: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu lúc người trì chú muốn thấy tự thân con hiển hiện thì có thể vào ngày mồng tám hoặc mười lăm mỗi tháng, họa hình tượng Đức Phật ở trên vải bông trắng, nên dùng keo gỗ và nhiều màu sắc pha lẫn để tô điểm đẹp đẽ. Người họa tượng đó phải thọ tám giới (bát quan trai). Ở bên trái Đức Phật họa hình tượng Cát tường Thiên nữ, ở bên phải Đức Phật họa hình tượng của con là Thiên vương Đa Văn cùng các nam nữ quyến thuộc, an trí chỗ ngồi, tất cả đều làm cho đúng pháp, bày biện hoa quả năm màu, đốt các thứ hương quý, thắp đèn sáng rực ngày đêm nối nhau không tắt, thức ăn đồ uống ngon ngọt, cùng các các loại quý hiếm lạ thường, phát tâm thiết tha, thường xuyên cúng dường.

Tán rằng: Tiếp theo thấy Thiên vương Đa Văn được lợi ích, có năm:

  1. Nêu rõ muốn cầu thấy.
  2. Chỉ dạy nghi thức cầu thấy.
  3. Dạy phải tụng thần chú.
  4. Thiên vương hiện thân cho người đó thấy.
  5. Sở nguyện của người đó được như ý.

– Trong phần chỉ bày nghi thức cầu thấy:

  1. Thời gian.
  2. Vẽ hình tượng Phật.
  3. Phương pháp vẽ.
  4. Người vẽ giữ giới.
  5. Vẽ thân thị giải.
  6. Từ “Bày biện…” về sau là dạy phải tu pháp cúng dường.

Văn kinh: Thọ trì thần chú tâm không được xem thường, lúc triệu thỉnh ta nên tụng chú này: “Nam mô-thất lị kiện na-(dẫn) dã bột đà (dẫn) dã-Nam mô-Bệ thất la mạt noa-Dã-Dược xoa la xà (dẫn ở dưới đồng) dã-mạc ha la xà-a địa la xà dã-nam ma thất lỵ da duệ-mạc ha đề tệ (dẫn) duệ-đát diệt tha-đát la đát la-đốt rô đốt rô-mạt la mạt la-tốt súy thổ tốt súy thổ-hán na hán na-mạt ni yết nặc ca-bạt triết la bệ lưu ly dãmục để ca lăng ngật lật đa thiết lỵ la duệ bồ (dẫn)-tát bà tát đoả rất đá ca (dẫn) ma-bệ thất la mạt noa-thất ly ỹ dạ đề tỷ bạt lạp bà (dẫn) dã-ế sất ế sất-ma tỳ lam bà-cù lật noa cù lật noa-mạt lạt sa mạt lạt sa-đạt đà sất ma ma-a mục ca da mạt tả (tự xưng tên mình) đạt lý thiết na ca mạt tả-đạt lý thiết nam-ma ma mạt na-bát lạt hạt la đại dã-sa ha.”

Tiếp theo dạy phải tụng thần chú: Đầu tiên là chỉ bày nghi thức tụng, tiếp theo chính thức nói chú.

Văn kinh: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu con thấy người tụng chú này, lại thấy sự cúng dường rộng lớn như thế thì sinh tâm ưa thích vui mừng, con liền biến thân thành hình dạng trẻ nhỏ hoặc thành dáng vẻ vị Tỳ-kheo lớn tuổi, tay cầm hạt chây ma-ni Như ý cùng với túi vàng, vào trong đạo tràng thân hiện tướng cung kính, miệng xưng niệm danh hiệu Phật.

Tiếp theo vua vì ngươi ấy hiện thân, có năm:

  1. Thấy mình thì cầu nghi tắc.
  2. Trong tâm khởi lên vui mừng.
  3. Những hình tướng hiện bày.
  4. Đến nơi cầu thỉnh.
  5. Lễ kính Tam bảo. Phối hợp văn có thể biết.

Văn kinh: Nói với người trì chú rằng: Tùy theo sự mong cầu của ông đều khiến được như nguyện, hoặc ẩn trong rừng lớn, hoặc tạo ra châu báu, hoặc muốn mọi người yêu mến, hoặc cầu các vật vàng bạc, muốn trì các chú đều khiến được ứng nghiệm, hoặc muốn thần thông, thọ mạng lâu dài và vui sướng tuyệt vời, tất cả đều như ý. Nay tôi tạm thời nói những việc như thế, nếu lại cầu việc khác mà tùy nguyện ước đều được thành tựu, kho báu vô tận công đức vô cùng.

Tiếp theo những nguyện ước đó đều được như ý, có ba: Đầu tiên là nêu chung, tiếp từ “hoặc ẩn trong rừng lớn…” về sau là nêu riêng, sau từ “Nay tôi tạm thời nói…” về sau là sơ lược kết thúc.

Văn kinh: Giả sử mặt trời, mặt trăng rơi xuống mặt đất, hoặc là trái đất có lúc di chuyển, lời tôi nói chân thật cuối cùng không luống dối, như thế thường được yên ổn, tùy tâm vui sướng.

Tiếp theo lập thệ nguyện thủ hộ. Đoạn văn có ba: Đầu tiên là chung lập thệ nguyện, tiếp theo nói riêng về lợi ích đạt được, sau từ “Nay lời tôi nói chân thật…” trở xuống là kết thúc không luống dối.

Văn kinh: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có người nào thọ trì, đọc tụng kinh Vương này thì lúc tụng thần chú này không hề mệt mỏi, pháp tu mau được thành tựu. Bạch Đức Thế Tôn! Nay con vì chúng sinh nghèo khó, khốn cùng, khổ não kia nói thần chú này khiến cho họ được lợi ích rộng lớn, đều được giàu có vui sướng tự tại, không còn sầu lo, cho đến suốt đời, con sẽ ủng hộ theo sát người này để dứt trừ tai ách, lại làm cho người thọ trì, truyền bá kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương này và người trì chú trong khoảng trăm bộ được ánh sáng soi tỏ. Con vốn có một ngàn vị thần Dược-xoa cũng thường theo hầu bảo vệ, tùy ý muốn sai khiến gì đều được toại nguyện. Lời con nói chân thật không luống dối, chỉ có Phật chứng biết.

– Tiếp theo nói riêng về lợi ích đạt được, trong đó có năm:

  1. Nói về pháp thực hành để thành tựu.
  2. Từ “Bạch Đức Thế Tôn! Nay con…” trở xuống là nói lợi ích của thần chú.
  3. Từ “Cho đến suốt đời…” trở xuống là nói về thân thủ hộ.
  4. Từ “Lại cũng làm cho…” trở xuống là lợi ích của ánh sáng.
  5. Từ “Con vốn có…” trở xuống là quyến thuộc bảo vệ. Kết thúc không luống dối, theo văn có thể biết.

Văn kinh: Bấy giờ Thiên vương Đa Văn nói chú này xong, Đức Phật bảo: Lành thay! Lành thay! Ông có thể xé rách lưới sự nghèo khó của tất cả chúng sinh khiến cho họ được giàu có vui sướng nên nói thần chú này, lại làm cho kinh này truyền bá rộng rãi trên thế gian.

Tán rằng: Đoạn lớn thứ ba trong phần hộ trì pháp là Thế Tôn khen ngợi. Khen ngợi có hai: Đầu tiên là khen ngợi lợi ích chúng sinh, sau từ “Lại làm cho kinh này…” về dưới là khen ngợi lợi ích pháp.

Văn kinh: Lúc đó, tứ Thiên vương đều đứng dậy khỏi chỗ ngồi, vén y bày vai phải đảnh lễ dưới chân Phật, gối phải quỳ sát đất, chắp tay cung kính dùng già-tha (kệ tụng) khen ngợi công đức của Phật: Mặt Phật giống như trăng tròn sáng, cũng như ngàn mặt trời tỏa rạng, mắt trong dài rộng như sen xanh, răng trắng đều đặn như ngọc quý, Phật đức vô biên như biển lớn, vô hạn thứ báu chứa trong đó, nước đức trì tuệ giữ đầy tràn, trăm ngàn thắng định đều đầy đủ, hình bánh xe dưới chân nghiêm trang, vòng tròn ngàn căm đều ngay ngắn, tay chân màng mỏng khắp trang nghiêm, như tướng ngỗng đầu đàn đầy đủ, thân Phật sáng ngời sánh núi vàng, thanh tịnh tuyệt vời không ai bằng, cũng như diệu cao đầy công đức, nên con cúi lạy núi chúa Phật, tướng tốt như không nào lường được, vượt hẳn ánh sáng ngàn vầng trăng, đều như huyền ảo (diêm huyễn) không nghĩ bàn, nên con cúi lạy tâm vô trước.

Tán rằng: Đoạn lớn thứ ba trong phẩm là Tứ Thiên Vương đội ân khen ngợi Đức Phật, có hai: Đầu tiên là văn trường hàng, khen ngợi oai nghi Đức Phật; sau chính là nói tụng. Khen ngợi nói thần chú trước đây chỉ nói đến Đa Văn, nay khen ngợi gồm cả tứ Thiên vương. Vì muốn làm cho chuyên tâm thỉnh cầu dễ thành tựu, nên chỉ nói một thần chú. Nghe pháp được lợi ích tất cả cho nên tứ Thiên vương cùng khen ngợi. Lại nữa, Đức Phật thường nói kinh cho nên chỉ khen ngợi Đức Phật, không khen ngợi ai khác. Tất cả có năm bài tụng, bốn bài tụng đầu khen ngợi riêng về tướng tốt, một bài tụng sau khen ngợi chung về sự kính lễ. Trong phần riêng có hai: Đầu tiên là khen ngợi, một câu cuối là kính lễ. Trong phần khen ngợi có bảy: Nửa bài tụng khen ngợi khuôn mặt; một câu là đôi mắt; một câu là hàm răng; một bài tụng khen ngợi định tuệ như biển lớn là chung, mười lực vô úy… là của báu, trí tuệ là gốc, như nước định nương vào trí, căn cứ vào quả Phật thì trí là chủ yếu, như mây đại pháp trí bao gồm các nước công đức…; nữa bài tụng khen ngợi tướng bánh xe ngàn căm; nửa bài tụng khen ngợi tướng màng mỏng; ba câu khen ngợi tướng thân quang; một câu nói về sự kính lễ. Một bài tụng sau từ tướng tốt trở xuống là khen ngợi chung, có hai: Ba câu đầu là khen ngợi, một câu sau là kính lễ. Trong ba câu: Một câu đầu là chung, hai câu sau là ánh sáng. Lại giải thích: Một bài tụng đầu là Hóa thân, một bài tụng tiếp theo là Báo thân, hai bài tụng tiếp nữa là kết hợp khen ngợi Báo và Hóa thân, một bài tụng sau là Pháp thân. Trong Pháp thân: Một câu là kính lễ, hai câu là khởi dụng của Báo và Hóa thân, một câu sau là nói về sự kính lễ.

Văn kinh: Lúc bấy giờ, tứ Thiên vương khen ngợi Đức Phật xong, Đức Thế Tôn cũng dùng già-tha (kệ) mà trả lời rằng: Kinh Kim Quang Minh Tối Thắng này, Vô thượng Thập lực đã nói ra, tứ vương các ông thường ủng hộ, nên sinh tâm mạnh mẽ không lui, kinh báu mầu này thật sâu xa, thường ban vui tất cả chúng sinh, vì thế hữu tình kia yên vui, thường được truyền bá châu Thiệm-bộ, ở trong thế giới đại thiên này, tất cả loài hữu tình vốn có, ngạ quỷ súc sinh và địa ngục, đường khổ như thể thảy đều dứt, các quốc vương ở Nam châu này, và tất cả các loài hữu tình khác, nhờ uy lực kinh thường vui mừng, đều nhờ ủng hộ được bình an, cũng khiến các hữu tình trong đây, dứt trừ các bệnh khổ không trộm cướp, vì nhờ cõi này mở mang kinh, yên ổn thái bình không sầu lo.

Tiếp theo là đoạn lớn thứ tư trong phẩm, Đức Phật lại khuyến khích ngợi khen kết thúc thành tựu. Văn chia làm hai: Đầu tiên là tựa của các nhà kết tập kết luận trước, sinh khởi sau, sau là Phật chính thức giảng nói, có mười lăm bài tụng, chia ra làm bốn: Năm bài tụng đầu là khen ngợi kinh, năm bài tụng tiếp theo là khuyến khích hộ trì; hai bài tụng tiếp đó khuyến khích các vị trời hộ trì, ba bài tụng cuối là kết thúc. Trong phần đầu có ba: Nửa bài tụng đầu là khen ngợi sự cao quý của kinh, nửa bài tụng tiếp là nhắc nhở phải hộ trì, bốn bài tụng sau là nói về công dụng của kinh, trong đó hai bài tụng trước nói chung về đại thiên thế giới, hai bài tụng sau nói riêng về châu Thiệm-bộ. Trong phần nói chung thì nửa bài tụng trước là nói ban cho yên vui, nửa bài tụng tiếp theo là phát sinh điều lành, tức là mở rộng kinh pháp, một bài tụng sau là nhổ sạch gốc khổ. Trong phần nói riêng về châu này: Một bài tụng đầu là được yên vui, nửa bài tụng tiếp theo là lìa xa khổ đau, nửa bài tụng sau là kết thúc.

Văn kinh: Nếu người nghe nhận kinh Vương này muốn cầu giàu sang và tài lợi, đất nước thái bình không tranh chấp, tùy tâm nguyện ước đều như ý, thường khiến giặc phương khác rút lui, nơi đất nước mình thường yên ổn, nhờ sức kinh Vương tối thắng này, lìa các khổ não không lo sợ.

Tiếp theo là khuyến khích loài người hộ trì, bao gồm cả nhà vua và nhân dân. Trong đây khuyến khích hộ trì khiến cho lắng nghe tin nhận… đều là khả năng khen ngợi công năng của kinh, mục đích làm cho mở mang và hộ trì. Trong đó chia làm hai: Hai bài tụng đầu nói về pháp, ba bài tụng sau là ví dụ. Trong phần kết hợp pháp: Một bài tụng đầu là lắng nghe tin nhận được yên vui, có ba:

  1. Được yên vui.
  2. Không tranh chấp.
  3. Tùy tâm nguyện.

– Một bài tụng sau là nhổ sạch gốc khổ:

  1. Lìa xa các khổ oán tặc xâm chiếm tổn họa cho nên đất nước được yên ổn.
  2. Lìa xa các khổ về tai họa tật dịch, tức là lìa các khổ não.

Văn kinh: Như cây báu chúa ở trong nhà, sinh ra tất cả mọi đều vui, kinh Vương tối thắng cũng như vậy, thường ban công đức cho vua người, giống như nước trong veo mát mẻ, thường trừ các nóng nảy đói khát, kinh Vương tối thắng cũng như vậy, khiến phước lạc ấy tâm đầy đủ, như người có rương báu ở trong nhà, tùy các thọ dụng đều như ý, kinh Vương tối thắng cũng như vậy, phước đức tùy tâm không hề thiếu.

Tiếp theo trong phần dụ hợp chỉ ví dụ kết hợp với đạt được yên vui. Trong đó có ba: Đầu tiên là cây báu kết hợp với được yên vui, tiếp là nước mát kết hợp với không tranh chấp, sau là hòm báu kết hợp với tùy tâm nguyện.

Văn kinh: Thiên chủ và Thiên chúng các người, hãy nên cúng dường kinh Vương này, nếu y lời dạy vâng trì kinh, trí tuệ oai thần đều đầy đủ, hiện tại các Phật khắp mười phương, đều cùng hộ niệm kinh Vương này, thấy người đọc tụng và thọ trì, khen ngợi lành thay thật ít có.

Tiếp theo là khuyến khích các vị trời hộ trì, cũng chung cho cả thần dân, quốc chủ, chia làm hai: Một bài tụng đầu là tăng thêm phước trí, một bài tụng sau là các Đức Phật hộ trì.

Văn kinh: Nếu có người thường nghe kinh này, thân tâm hăng hái sinh vui mừng, thường có trăm ngàn chúng Dược-xoa, tùy nơi cư trú hộ người ấy, các chúng trời ở thế giới này, số đó vô lượng không nghĩ bàn, đều cùng nghe nhận kinh Vương này, vui vẻ hộ trì không lui sụt, nếu người nghe nhận kinh Vương này, oai đức mạnh mẽ thường tự tại, tất cả chúng trời, người thêm nhiều, khiến lìa suy não thêm ánh sáng.

Tiếp theo là ba bài tụng kết thúc: Một bài tụng đầu là người nghe được hộ trì; một bài tụng tiếp theo là các vị trời được không lui sụt, chẳng những nghe nhận đều không lui sụt, mà cũng khiến cho oai đức của các vị trời không lui sụt, một bài tụng sau là phối hợp kết, vua được sắc lực, phước trí, oai đức mạnh mẽ thường được tự tại, các vị trời được tăng thêm cho nên lìa năm thứ suy não lớn nhỏ, vì thế thường thêm nhiều ánh sáng.

Văn kinh: Lúc ấy, tứ Thiên vương nghe bài tụng này xong, vui mừng hớn hở bạch với Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Từ xưa đến nay con chưa từng được nghe âm thanh nhiệm màu sâu xa như vậy, tâm sinh buồn vui lẫn lộn, nước mắt chan hòa, toàn thân run rẫy, chứng nhận sự việc ít có không thể suy nghĩ bàn luận, rải hoa Mạnđà-la, hoa Ma-ha Mạn-đà-la cõi trời trên người Đức Phật. Thực hiện cúng dường Phật thù thắng như vậy rồi bạch với Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Tứ Thiên Vương chúng con đều có năm trăm Dược-xoa quyến thuộc thường hướng về mọi nơi ủng hộ kinh này và Pháp sư nói pháp, dùng ánh sáng trí tuệ mà trợ giúp bảo vệ vị ấy. Nếu đối với tất cả câu nghĩa của kinh này có nơi nào quên hay sai sót, con đều khiến cho người đó nhớ lại không quên, đồng thời ban cho pháp môn Đà-lani cao siêu khiến được đầy đủ. Lại muốn làm cho kinh Vương cao siêu này ở nơi nào vì các chúng sinh giảng nói rộng rãi, truyền bá khắp nơi không hề bị mất đi.

Tán rằng: Đoạn lớn thứ năm trong phẩm, tứ Thiên vương mừng vui hộ trì, có bốn:

1. Nghe tụng tâm vui vẻ, tức là tâm vui vẻ, thân hăng hái.

2. Từ “Bạch với Đức Phật…” trở xuống là phát ngôn nói lời thưa bạch, có ba:

  1. Nghe điều chưa từng nghe.
  2. Thân tâm mừng vui. Theo kinh Nhân Vương thì Bồ-tát Sơ địa là tứ Thiên vương vì chứng được không lui sụt cho nên nghe pháp sâu xa buồn vui rơi lệ, toàn thân rúng động.
  3. Đạt được điều chưa từng đạt được, tức là chứng được việc không thể suy nghĩ bàn luận.

3. Từ “Dùng hoa Mạn-đà-la cõi trời…” trở xuống là rải hoa cúng dường.

4. Từ “Thực hiện cúng dường Phật thù thắng…” trở xuống là thỉnh nguyện hộ trì, có hai: Đầu tiên là thân hộ trì, sau từ “Dùng ánh sáng trí tuệ…” trở xuống là hộ trì, có ba:

  1. Khiến cho nhớ nghĩ.
  2. Ban cho tổng trì.
  3. Khiến cho hoằng pháp, truyền bá không dứt.

Văn kinh: Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn ở giữa đại chúng nói pháp này, có vô lượng chúng sinh đều đạt được đại trí, thông suốt biện tài, nhiếp thọ vô lượng nhóm phước đức, lìa xa các ưu não, phát tâm vui mừng ưa thích, khéo hiểu các luận, bước đến con đường xuất ly, không còn lui sụt, mau chứng quả Bồ-đề.

Tiếp theo là đoạn lớn thứ sáu trong phẩm, đại chúng nghe kinh được lợi ích, có chín:

  1. Đạt được trí tuệ.
  2. Đạt được biện tài.
  3. Đạt được phước đức.
  4. Lìa xa khổ đau.
  5. Đạt được vui sướng.
  6. Đạt được năm minh.
  7. Đạt được con đường Niết-bàn.
  8. Đạt được không lui sụt.. Mau chứng quả Bồ-đề.

Văn rõ ràng có thể biết.