SỐ 278
KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM
Hán dịch: Đời Đông Tấn, Tam tạng Pháp sư Phật-đà-bạt-đà-la, người nước Thiên Trúc
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 30: CÔNG ĐỨC SÁNG CHÓI Ở TƯỚNG NHỎ CỦA PHẬT

Bấy giờ, Đức Phật bảo Bồ-tát Bảo Thủ:

–Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác có vẻ đẹp kèm theo tên là Hải vương. Vẻ đẹp ấy phát ra ánh sáng tên là Minh tịnh có bảy trăm vạn a-tăng-kỳ ánh sáng làm quyến thuộc.

Lại nữa, Đại Bồ-tát ở cõi trời Đâu-suất phóng ra ánh sáng lớn tên là Tràng vương soi khắp số cõi nhiều như số vi trần của mười thế giới, soi đến khắp chúng sinh ở địa ngục ở nơi đó, diệt trừ thống khổ khiến cho nghiệp các căn mắt, mũi, lưỡi, thân, ý của mười loại chúng sinh ở đó đều thanh tịnh hết. Những chúng sinh đó thấy ánh sáng rồi đều rất vui mừng. Sau khi qua đời, họ đều sinh lên cõi trời Đâu-suất. Sinh lên cõi trời rồi họ nghe được diệu âm của trời tên là Khả ái lạc. Âm thanh này nói với các Thiên tử:

–Do chẳng buông lung, ở chỗ chư Phật, các ông đã gieo trồng căn lành, gặp được Thiện tri thức và sức uy thần của Phật Lô-xá-na nên sau khi qua đời ở địa ngục được sinh lên cõi trời này.

Trong vòng xe ngàn căm dưới chân Đức Như Lai có ánh sáng vi diệu tên là Phổ chiếu vương. Ở chỗ vẻ đẹp Hải vương đó đều phóng ra bốn mươi ánh sáng rộng lớn. Có một ánh sáng tên là Thanh tịnh công đức soi khắp số thế giới nhiều như số vi trần trăm ức na-do-tha cõi Phật. Ánh sáng ấy chiếu soi theo cảnh giới chúng sinh, theo chủng loại căn lành, theo ý chúng sinh… cho đến soi khắp địa ngục A-tỳ. Chúng sinh trong đó sau khi qua đời đều sinh lên cõi trời Đâu-suất. Sinh lên trời rồi, họ nghe diệu âm của trời nói:

–Hay thay, hay thay! Này các Thiên tử! Bồ-tát Lô-xá-na hôm nay trụ ở Tam-muội Ly cấu, các ông nên phải cung kính tưởng niệm!

Bấy giờ, các Thiên tử nghe tiếng khuyến hóa vi diệu của trời liền khởi lên ý nghĩ: “Lạ thay, lạ thay! Do đâu mà phát ra âm thanh vi diệu này?”

Khi ấy âm thanh nói với các Thiên tử:

–Âm thanh trời này của ta là sự thành tựu của các công đức lành. Này các Thiên tử! Như ta nói “ngã” mà chấp trước ngã, chẳng chấp trước ngã sở. Tất cả chư Phật cũng như vậy, tự nói là Phật mà chẳng chấp trước ngã, chẳng chấp trước ngã sở.

Này các Thiên tử! Như âm thanh của ta chẳng từ phương Đông, phương Nam, Tây, Bắc, bốn góc, phương Trên, phương Dưới mà đến.

Này các Thiên tử! Việc báo thành Phật cũng lại như vậy, chẳng phải từ mười phương đến.

Này các Thiên tử! Giống như các ông ngày xưa ở tại địa ngục, chẳng từ mười phương đến mà chỉ do điên đảo, ngu si ràng buộc nên bị ở thân địa ngục, vốn không chỗ đến. Như ánh sáng Phổ chiếu vương chẳng từ mười phương đến, âm thanh trời của ta cũng như vậy, chẳng phải từ mười phương đến mà chỉ do sức căn lành Tam-muội nên sinh ra âm thanh vi diệu như vậy, sức Bát-nhã ba-la-mật thị hiện thần lực tự tại như vậy.

Này các Thiên tử! Vua núi Tu-di có cung điện Tịnh diệu đủ chủng loại nhạc cụ của trời Ba mươi ba, chúng chẳng từ mười phương đến, âm thanh trời của ta cũng như vậy.

Này các Thiên tử! Ví như số thế giới nhiều như số vi trần của ức na-do-tha nát tan ra làm vi trần, chúng sinh nhiều như số vi trần như vậy, ta vì chúng nói pháp tùy theo sự thích ứng của chúng, khiến chúng rất vui mừng. Nhưng ta đối với chúng chẳng sinh lòng chán ghét, chẳng sinh lòng mệt mỏi, chẳng sinh lòng buông lung, chẳng sinh lòng kiêu mạn.

Này các Thiên tử! Bồ-tát Lô-xá-na trụ ở Tam-muội Ly cấu cũng như vậy, ở trong vẻ đẹp tùy theo nơi bàn tay phải, phóng ra một ánh sáng, sinh ra vô lượng thần lực tự tại mà tất cả chúng sinh, Thanh văn, Duyên giác chẳng thể biết được. Các ông nên phải đi đến chỗ Bồ-tát Lô-xá-na mà cung kính lễ bái, chớ chấp trước năm dục, ngăn che các căn lành.

Này các Thiên tử! Ví như kiếp tận dốc núi Tu-di khiến cho tiêu diệt hết.

Này các Thiên tử! Bị năm dục trói buộc mà tu niệm Phật Tammuội thì đều diệt trừ hết chúng.

Vậy nên, này các Thiên tử! Các ông phải biết đền ân, một lòng cung kính niệm Bồ-tát Lô-xá-na.

Này các Thiên tử! Trong số ấy có chúng sinh chẳng biết đền ân thì khi bỏ thân này rồi phải vào ba đường ác.

Này các Thiên tử! Các ông xưa kia ở tại địa ngục, nhờ ân ánh sáng nên bỏ địa ngục rồi sinh đến cõi trời này, các ông phải nên nuôi lớn những căn lành đó.

Này các Thiên tử! Ví như các vị trời của ta chẳng phải nam, chẳng phải nữ mà có thể sinh ra trăm ngàn vạn ức pháp chẳng thể nghĩ bàn.

Này các Thiên tử! Như Thiên tử, Thiên nữ, năm dục, nhạc cụ, cung điện, vườn rừng đều như ta, chẳng sinh chẳng diệt, sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Nếu biết như vậy thì gọi là có thể vào biển Tam-muội Vô trước thậm thâm.

Các Thiên tử nghe được những âm thanh đó thì vui mừng không lường. Tất cả đều hóa ra một vạn đóa mây hoa, một vạn đóa mây hương, một vạn đóa mây nhạc, một vạn đóa mây tràng phan, một vạn đóa mây bảo cái, một vạn đóa mây khen ngợi. Tạo ra những hóa vật ấy rồi cùng đi đến chỗ Bồ-tát Lô-xá-na, trụ ở cung điện, cung kính cúng dường, đứng về một bên mà chẳng thấy Bồ-tát Lô-xá-na, có Thiên tử nói:

–Bồ-tát này đã qua đời, sinh vào vua Tịnh Phạn, nương nơi lầu các Chiên-đàn, ở trong thai phu nhân Ma-gia.

Lúc bấy giờ, các Thiên tử dùng Thiên nhãn quan sát Đại Bồ-tát Lô-xá-na, thấy thân trời Phạm, chư Thiên cõi Dục cung kính cúng dường. Các Thiên tử nói:

–Chúng ta nếu chẳng đi đến trước cung kính cúng dường Bồ-tát Lô-xá-na thì cho đến dù chỉ trong phút chốc trụ ở trời Đâu-suất khởi lên lòng vui đắm, thì cũng chẳng nên.

Lúc bấy giờ, mỗi một Thiên tử cùng với mười na-do-tha Thiên tử quyến thuộc muốn từ trời xuống đến cõi Diêm-phù-đề, đến chỗ đức Bồ-tát. Khi đó diệu âm của trời nói với các Thiên tử:

–Đại Bồ-tát cũng chẳng qua đời, sinh ở Diêm-phù-đề mà chỉ là tùy theo chỗ mà ứng hóa khiến cho ở đó đều nhìn thấy.

Này các Thiên tử! Ví như ta đây chẳng phải mắt được nhìn thấy, có thể phát ra âm thanh, Đại Bồ-tát trụ Ly cấu Tam-muội cũng như vậy, chẳng phải mắt nhìn thấy mà khắp nơi thị hiện qua đời thọ sinh, lìa bỏ hư vọng, diệt trừ kiêu mạn, không có nhiễm trước. Vậy nên, này các Thiên tử! Các ông mau chóng phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, khiến cho ý thanh tịnh, trụ ở oai nghi, hối lỗi tất cả nghiệp chướng, phiền não chướng, báo chướng, tà kiến chướng. Dùng nghiệp lành thân, miệng, ý ngang bằng pháp giới, hư không giới, chúng sinh giới, dùng thân bằng chúng sinh giới, đầu bằng chúng sinh giới, lưỡi bằng chúng sinh giới để sám hối lỗi bốn chướng.

Các Thiên tử nghe tiếng đó rồi thì rất vui mừng, lòng dạ nhu nhuyến, hỏi Trời rằng:

–Đại Bồ-tát sám hối lỗi như thế nào?

Bấy giờ, vị trời dùng lực Tam-muội của Đại Bồ-tát, lực căn lành của trời đáp các Thiên tử rằng:

–Nghiệp chướng… tội chẳng từ phương Đông, phương Nam, Tây, Bắc, bốn góc, phương Trên, phương Dưới đều tích tụ ở tâm Đại Bồ-tát biết nghiệp… do đó điên đảo khởi lên, chẳng sinh ra nghi hoặc.

Này các Thiên tử! Như tiếng trời của ta nói, theo nghiệp báo hành, theo giới, theo hỷ, theo định tịnh diệt, các Đức Phật, Bồ-tát nói: “Ngã, chúng sinh, nghiệp tham, sân, si mà thật không ngã, không có ngã sở. Cũng như vậy các nghiệp đã làm ở mười phương tìm chẳng thể được.

Này các Thiên tử! Như tiếng trời của ta, chúng sinh ít phước chẳng thể nghe, trừ chúng sinh ở địa ngục, được ứng hợp giáo hóa.

Này các Thiên tử! Tiếng chẳng phải sinh diệt, tất cả các nghiệp cũng như vậy, chẳng phải sinh, chẳng phải diệt, chỉ theo nghiệp hành mà chịu quả báo.

Này các Thiên tử! Như sự phát ra âm thanh của ta, vô lượng kiếp không thể cùng tận.

Này các Thiên tử! Nếu cho rằng, âm thanh có đem đi thì tức là rơi vào biên kiến, tất cả chư Phật chẳng nói đoạn, thường trừ khi vì chúng sinh mà phương tiện nói pháp.

Này các Thiên tử! Như tiếng trời của ta cả mười phương thế giới tùy theo sự ứng hóa đều nghe được hết. Tất cả chư Phật cũng như vậy, tùy theo người được độ đều được thấy hết.

Này các Thiên tử! Ví như kính pha lê vàng Định quang minh tịnh bằng cả mười thế giới. Ở trong kính đó nhìn thấy vô lượng cõi, tất cả núi sông, tất cả chúng sinh, địa ngục, ngạ quỷ hoặc đẹp hoặc xấu…. các hình loại ấy đều hiện ở trong đó.

Này các Thiên tử! Ý các ông thế nào? Những cảnh ấy đi vào trong kính chăng?

Đáp rằng:

–Không phải! Này các Thiên tử! Tất cả nghiệp báo cũng như vậy không có sự đến đi mà có thể sinh ra quả báo căn lành. Ví như nhà huyễn thuật có thể làm huyễn mắt người, các ông phải biết, các nghiệp cũng như vậy. Nếu biết như vậy thì gọi là chân thật hối lỗi thanh tịnh.

Khi nói pháp này thì Thiên tử của trời Đâu-suất trong những thế giới nhiều như số vi trần của trăm ngàn vạn ức na-do-tha cõi Phật đều được Vô sinh pháp nhẫn, vô lượng, vô biên chẳng thể nghĩ bàn a-tăng-kỳ những Thiên tử cõi Dục đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tất cả Thiên nữ trong cõi trời Lục dục đều bỏ thân nữ làm nam và được tâm Bồ-đề chẳng thoái chuyển.

Lúc bấy giờ, các Thiên nữ nghe ngài Phổ Hiền hồi hướng căn lành, đều được những lực mười địa trang nghiêm, đầy đủ Tammuội, đều thành tựu nghiệp lành thân, miệng, ý của chúng sinh giới…, diệt tất cả chướng đều được thanh tịnh, thấy được hoa sen bảy báu nhiều như số vi trần của trăm ngàn vạn ức na-do-tha cõi Phật. Trên mỗi hoa đều thấy Bồ-tát ngồi kiết già phóng ra ánh sáng lớn. Trong mỗi vẻ đẹp tùy hình của những Bồ-tát phóng ra ánh sáng khắp chúng sinh giới… Trong ánh sáng đó thấy chư Phật đồng như chúng sinh giới ngồi kết già, tùy theo sự ứng hóa mà vì chúng nói pháp, nhưng chưa có thể thấy được một phần nhỏ Tammuội Ly cấu vậy.

Bấy giờ, các Thiên tử, ở mỗi một lỗ chân lông hóa ra làm mây diệu hương hoa bằng chúng sinh giới cúng dường Lô-xá-na Phật. Hương hoa tung lên rồi thì trong mỗi hoa thấy có chư Như Lai, đồng thời mây thơm đó xông khắp thế giới nhiều như số vi trần của vô lượng cõi Phật. Chúng sinh nhờ hương thơm ấy mà thân tâm hỷ lạc, như vị Tỳ-kheo vào đệ Tứ thiền. Nếu có chúng sinh được nghe hương thơm này thì các tội, nghiệp chướng đều trừ diệt hết. Ở nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc bên trong có năm trăm phiền não, hai vạn một ngàn dục hành phiền não, hai vạn một ngàn nhuế hành phiền não, hai vạn một ngàn si hành phiền não, hai vạn một ngàn đồng hành phiền não… những phiền não này đều bị diệt trừ hết. Những chúng sinh đó đầy đủ chủng loại căn lành tịnh hương tự tại quang minh. Nếu có chúng sinh nhìn thấy mây bảo cái này thì những chúng sinh đó đã gieo trồng căn lành ở chỗ một hằng sa Chuyển luân thánh vương, còn gọi là Bạch tịnh bảo võng Chuyển luân vương….

Đại Bồ-tát an trụ chỗ Chuyển luân vương như vậy ở trong thế giới nhiều như số vi trần của trăm ngàn ức na-do-tha cõi Phật giáo hoa chúng sinh, như Đức Như Lai Nguyệt Vương của thế giới Minh cảnh. Trong mười phương vô lượng cõi, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưubà-tắc, Ưu-bà-di, thậm chí dù chỉ một niệm, cũng làm hóa thân đi đến chỗ Đức Phật mà nghe pháp. Đức Phật đó thường vì họ rộng nói kinh pháp, cho đến rộng vì họ nói kinh Bản Sinh. Người nghe được danh hiệu Đức Phật ấy thì sau đó qua đời đều sinh về nước của Đức Phật ấy.

Đại Bồ-tát an trụ chỗ Bạch tịnh bảo võng Chuyển luân vương cũng như vậy, Bồ-tát phóng ra ánh sáng Mạn-đà-la tự tại. Nếu có chúng sinh gặp được ánh sáng ấy thì đều được mười địa của Bồ-tát.

Các ông phải biết rằng, những chúng sinh này, đều là ở đời trước tu căn lành lực. Như họ được Sơ thiền, tuy chưa qua đời mà đã thấy cõi trời Phạm, được niềm vui trời Phạm. Cứ như vậy theo thứ lớp họ được các thiền thì tuy chưa mạng chung mà được niềm vui đó. Như vậy Đại Bồ-tát an trụ ở chỗ Bạch tịnh bảo võng Chuyển luân vương, phóng ra ánh sáng lớn tên là Châu-la-ma-ni. Nếu có chúng sinh gặp được ánh sáng ấy thì đều được mười Địa của Bồ-tát, đều được ánh sáng trí tuệ không lường, được mười thứ hành nghiệp của mắt trong sạch… cho đến mười thứ nghiệp ý sạch trong, thành tựu đầy đủ tịnh lực Tam-muội, thành tựu đầy đủ mắt thịt trong sạch như vậy, ví như Đại Bồ-tát dùng tay trái nắm hàng ức na-do-tha vi trần của cõi Phật phương đông, đi qua khỏi số thế giới nhiều như số vi trần của ức na-do-tha cõi Phật, Bồ-tát mới bỏ xuống một hạt bụi. Ở phương Đông cứ như vậy mà đi cho đến hết số vi trần này.

Đại Bồ-tát như vậy có thể biết rõ hết số vi trần đó, cũng rõ biết được nơi gốc của những hạt bụi, chỗ đến của chúng và cõi hạt bụi được bỏ xuống… cho đến mười phương cũng như vậy.

Đại Bồ-tát lại có thể tập hợp lại những vi trần này làm một cõi Phật, ở cõi Phật này, Bồ-tát cũng phân biệt được hết.

Đức Phật bảo Bồ-tát Bảo Thủ:

–Ý ông thế nào? Như vậy cõi Phật rộng lớn có thể nghĩ bàn chăng?

Bồ-tát Bảo Thủ bạch Phật:

–Bạch Đức Thế Tôn! Cõi Phật vô lượng, vô biên như vậy chẳng thể nghĩ bàn! Thưa Đức Thế Tôn, lạ thay, lạ thay! Như được nghe lời ví dụ đó, người này đã khó có, nghe mà tin được cũng lại khó hơn.

Đức Phật bảo Bồ-tát Bảo Thủ:

–Đúng vậy, đúng vậy! Nếu có thiện nam, thiện nữ nghe mà tin thì ta thọ ký cho họ mau thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, được Nhất thiết chủng trí.

Đức Phật bảo Bồ-tát Bảo Thủ rằng:

–Ví như số thế giới nhiều như số vi trần của ngàn ức cõi Phật, như nói ở là ví dụ trên, tất cả những cõi này đều nghiền nát làm vi trần, mỗi một vi trần của những thế giới đó đều cùng ngang bằng với số vi trần của tất cả cõi Phật. Đại Bồ-tát lấy số vi trần này lại làm hạt giống tuần tự cho đến tám mươi lần, rồi mỗi một vi trần đó sinh ra trái đều ngang bằng cùng với số vi trần của tất cả thế giới. Mắt thịt nghiệp báo thanh tịnh của Đại Bồ-tát đều phân biệt thấy hết những điều ấy. Ở trong một niệm, Bồ-tát đó cũng nhìn thấy số Đức Như Lai nhiều như số vi trần của trăm ngàn vạn ức na-do-tha cõi Phật.

Đức Phật bảo ngài Bồ-tát Bảo Thủ rằng:

–Ví như ngọc pha lê Định quang soi chiếu số thế giới nhiều như số vi trần của mười cõi Phật. Ngọc ấy là sự thành tựu căn lành của Bạch tịnh bảo võng Chuyển luân thánh vương.