ĐẠI BÁT NIẾT BÀN KINH SỚ

Đời Nguyên,Viện Sùng Thánh Sa-môn Sư Chánh thuộc tông Thiên Thai soạn thuật.

PHẨM 17: NHẤT THIẾT ĐẠI CHÚNG SỞ VẤN

Bản sáu quyển gọi là phẩm Tùy Hỷ, bản xưa gọi là phẩm Ưu Bi Thán Tụng. Bản sáu quyển lấy ý từ ngài Ca-diếp thấy Thuần-đà tu thành tựu đạo Bồ-tát, thì mình cũng tùy hỷ, để đặt tên phẩm. Bản xưa lấy ý từ Đức Phật nhận sự cúng dường của Thuần-đà xong liền nhập Niết-bàn, khiến đại chúng lo buồn, than thở mà đặt tên phẩm. Vậy nay lấy ý gì để đặt tên phẩm ở trên? Có hai cách giải thích:

Trong văn kinh thấy không có lời đại chúng thưa hỏi nhau, cho nên việc đại chúng hỏi Phật, chỉ có hóa Phật thọ đại chúng cúng dường, đó là cảnh mà đại chúng thưa hỏi.

Nay Như Lai thọ nhận cúng dường xong sẽ nhập Niết-bàn, chúng ta về sau sẽ cúng dường ai, đại chúng an ủi hỏi han lẫn nhau.

Các Sư Trung Quán cho rằng ngài Ca-diếp phát khởi lời hỏi là vì đại chúng. Phật là người được hỏi; Người hỏi và người được hỏi, ý là ở phẩm này, từ đó mà đặt tên, nên gọi là đại chúng sở vấn.

Nay nói rằng văn kinh chẳng có ghi lời hỏi, chỉ y cứ theo lời đáp để hiển bày lời hỏi. Ở trên nói thường trụ bất biến, ở đây thị hiện tướng Niết-bàn, tướng và thuyết trái nhau, đại chúng sẽ hỏi về nghĩa này. Đức Phật dùng kệ đáp, rốt ráo thường trụ, chẳng nhập Niết-bàn. Từ đáp mà hiển bày câu hỏi, nên gọi là phẩm Đại Chúng sở Vấn.

Toàn văn có hai đoạn lớn:

  1. Thứ lớp đáp các câu hỏi.
  2. Vui mừng lãnh ngộ.

Trong đoạn thứ nhất, Hà Tây nói phẩm này đáp bảy câu hỏi, gồm có bốn chương. Chương thứ nhất đáp câu hỏi thị hiện tướng Niết-bàn và đáp câu hỏi thị hiện trời, người và đường ma. Thứ hai nói kệ xong và đáp câu hỏi về biết pháp tánh. Thứ ba giải thích bài kệ hữu sự. Chính thức trả lời về câu hỏi bí mật, gồm đáp câu hỏi xa lìa bệnh và đạo Vô thượng. Thứ tư là nói “vì sao gọi là nghĩa vô dư” và đáp câu hỏi về rốt ráo.

– Chương thứ nhất có hai:

  1. Đại chúng phụng cúng.
  2. Như Lai thọ cúng.

– Trong phần phụng cúng có hai ý:

  1. Duyên khởi.
  2. Dâng cúng.

– Duyên khởi lại có năm:

  1. Phát ra ánh sáng.
  2. Muốn dâng cúng.
  3. Trời người ngăn chặn
  4. Lại phát ra ánh sáng.
  5. Dâng cúng.

Lấy lời này làm lời đáp để thị hiện tướng Niết-bàn, Hà Tây cho rằng thị hiện Niết-bàn có ba loại:

  1. Thị hiện bằng lời nói.
  2. Thị hiện bằng thần thông.
  3. Thị hiện ngay nơi sự.

Ngay nơi sự nghĩa là thọ thực lần cuối, rồi gỗ thơm, dầu thô; thần thông tức phát ra ánh sáng, hiện các điềm báo trước, lời nói tức là bảo Thuần-đà rằng: “Các thầy muốn ta trụ lâu ở thế gian, thì hãy nhanh chóng hiến dâng cúng dường lần cuối cùng”. Đó là ý trả lời.

Từ câu “Bấy giờ trời, người, v.v…” trở xuống là ý thứ hai hiến cúng, có hai:

  1. Đại chúng cúng dường.
  2. Thuần-đà cúng dường.

Thứ nhất lại có hai: một, là đại chúng cúng dường. Thứ hai, là Tỳkheo đắp y ôm bát.

Thuần-đà dâng cúng, có bốn: một, là sắp bày vật cúng. Thứ hai, là thay đổi cõi nước. Thứ ba, hết lòng cầu thỉnh. Thứ tư, là khen ngợi.

Từ câu “Bấy giờ, Thế Tôn v.v…” trở xuống là đoạn thứ hai, Như Lai thọ cúng. Có bốn:

Một, là nhận đại chúng cúng dường.

Thứ hai, là Thuần-đà dâng cúng.

Thứ ba, là đại chúng khởi niệm, lớn nhỏ dung chứa lẫn nhau.

Thứ tư, đại chúng buồn than.

Cho nên đáp cả câu “Chỉ cho trời, người, ma, ngoại đạo”. Hà Tây

cho rằng các việc như: Thế giới biến thành trang nghiêm thanh tịnh, vô lượng hóa Phật hiện trong một lỗ chân lông, Thuần-đà dâng ít mà cung cấp cho tất cả đại chúng. Đây là những việc thù thắng ít có, làm cho cả chúng hội đương thời thấy rõ. Cho nên đó là đáp cả câu hỏi “Chỉ cho trời, người và ngoại đạo”.

Từ câu “Bấy giờ Đức Thế Tôn v.v…” trở xuống là câu thứ hai, trả lời câu “Biết pháp tánh, thọ pháp lạc”.

Văn có hai: trước trả lời về biết pháp tánh, sau trả lời về biết pháp lạc. Thứ nhất có hai, trước dùng nghĩa biết pháp tánh, sau là văn xuôi nêu khen chê, được mất. Đầu tiên gồm bốn mươi tám câu kệ, chia làm ba phần:

Gồm mười sáu câu, khuyên dứt buồn lo và lắng nghe.

Năm mươi hai câu nói về pháp tánh.

Gồm mười sáu câu kết luận khuyên tu tập.

Thứ nhất gồm mười sáu câu.

Kế là năm mươi hai câu, chia làm hai. Trong đó bốn mươi tám câu đầu gồm sáu cặp đối đãi, mỗi cặp gồm tám câu, hiển bày lý pháp tánh; bốn câu sau kết luận ngăn chặn sự buồn khổ, nhưng chính thức chỉ bốn mươi tám câu, mà văn sau ghi năm mươi hai câu là gom luôn phần kệ kết luận.

Trong bốn câu đầu của cặp thứ nhất nói về chim cắt, hai loại chim này có thể ở chung một nơi, nếu là quạ và cú mèo, thì chẳng thể ở chung một nơi.

Kế là cặp thứ hai rất dễ hiểu.

Cặp thứ ba nói hoa thất diệp, là loại hoa rất hôi, còn hoa Bà-sư rất thơm, Ca-lưu là loại cây độc, còn cây Trấn-đầu là cây lành quả ngọt.

Ba cặp khác y theo kinh rất dễ hiểu.

Trong phần kết luận khuyên tu có nói: “Tam bảo đồng với chân đế”. Khai Thiện giải thích rằng quả Phật thầm hợp với chân, chân đã thường bặt thì quả cũng thường bặt. Trang Nghiêm cho rằng: “Quả Phật ở ngoài chân, chẳng thuộc về chân, đó là thường diệu tuyệt, đồng với chân, cho nên nói đồng với chân đế”. Nghĩa của hai Sư giải thích còn thuộc thiên chân. Nói quả vượt ngoài chân, lại nói đồng với chân, đã đồng thì đâu thể vượt ngoài, đã vượt ngoài thì đâu thể là đồng. Nay nói Phật Tăng là người; đế tức Trung đạo, pháp Trung đạo, Pháp tức là người, người tức là pháp, nên nói Tam bảo đồng với kệ chân đế.

Sau kệ là phần văn xuôi, nói về khen chê, được mất.

Trang Nghiêm cho rằng văn này trả lời câu “Chỉ cho trời, người và đường ma, trong đó Chiên-đà-la là đường ma, A-la-hán dụ cho đường trời người”. Có sư chẳng dùng nghĩa này, A-la-hán chẳng phải người, Chiên-đà-la chẳng phải ma. Đây chỉ là kết luận ý được mất ở trước. Nói biết Tam bảo thường đáng thọ nhận cúng dường. Như A-la-hán đó gọi là được. Nếu chẳng biết thường thì làm thương tổn pháp thân, như Chiên-đà-la đó tức là mất.

Kế là từ câu “Bấy giờ đại chúng trời, người, v.v…” trở xuống là nói về thọ pháp lạc, nhờ sự việc mà làm lời đáp. Trước nói về thọ pháp lạc, sau là sắp đặt cúng dường.

Từ câu “Bấy giờ, Phật bảo, v.v…” trở xuống là đoạn thứ hai, lãnh thọ điềm lành và kết thành, có hai:

  1. Bảo Ca-diếp lãnh thọ.
  2. Bảo Thuần-đà lãnh thọ.

Trong phần Ca-diếp thọ lãnh, văn kinh có ghi “Lại thấy đại chúng nói mười ba bài kệ”. Có thuyết cho rằng Phật và đại chúng mỗi vị đều nói mười ba bài kệ. Văn này là Phật nói, còn kệ do đại chúng nói thì chưa đến. Có thuyết cho rằng lại “thấy đại chúng” là thuộc về câu trên;

“nói mười ba bài kệ” là thuộc Phật nói, không phải là đại chúng nói. Trong phần bảo Ca-diếp lãnh giải văn kinh gồm có bốn: Thứ nhất, (bảo mệnh lệnh). Thứ hai, nhận lãnh. Thứ ba, suy công đức về Phật. Thứ tư, suy ra Bồ-tát có thể biết.

Kế là bảo Thuần-đà, cũng có bốn: Thứ nhất, bảo. Thứ hai, vâng lãnh. Thứ ba, Phật kết luận. Thứ tư, Ca-diếp tùy hỷ.

Từ câu “Bạch Thế Tôn v.v…” trở xuống là chương thứ ba trả lời câu hỏi “Làm sao vì chúng sinh giảng nói nơi bí mật?” ở trên. Lại đáp cả câu hỏi “lìa hẳn tất cả bệnh, gần được đạo Vô thượng.” Nhưng bài kệ Hữu dư là lời ẩn kín, tùy duyên chẳng phải nghĩa bình đẳng hiển lý rốt ráo. Nay hiển bày chỗ ẩn kín làm cho bí mật được hiển bày, tức là đáp câu hỏi ở trước. Nhưng văn lại nói ba hạng người gây ra năm tội nghịch, bốn trọng cấm, hủy báng chánh pháp, tội được tiêu diệt, bệnh lành, tức là đáp cả câu “lìa hẳn tất cả bệnh”. Do bệnh lành tội diệt, nên gần đạo Vô thượng. Đáp cả hai câu hỏi, ý ở tại nơi đây. Toàn văn có hai:

  • Lược hỏi đáp.
  • Nêu bảy bài kệ.

Đầu tiên là lược hỏi hữu dư, vô dư; kế là lược đáp hữu dư là chẳng liễu tức mật, vô dư là liễu tức hiển.

Kế là từ câu “Thuần-đà bạch rằng v.v…” trở xuống là nêu rộng bảy bài kệ; hỏi đáp có bảy chương; bảy chương này có chỗ cho là Thuần-đà nêu, có chỗ cho là ngài Văn-thù nêu, hoặc là Đức Thế Tôn tự nói.

Chương một là Thuần-đà thưa hỏi, văn có sáu đoạn:

  1. Phân biệt với Nhất-xiển-đề.
  2. Giữ lấy ba hạng người có tội.
  3. Giải thích ý giữ lấy
  4. Giải thích ý phân biệt.
  5. Kết luận kệ.
  6. Duyên khởi.

Đầu tiên nêu kệ xin. Giải thích: Vì sao tất cả bố thí đều được khen ngợi, bố thí trì giới đều được khen ngợi, còn bố thí phá giới vì sao được khen ngợi?

Trong lời Phật đáp là trừ bỏ Nhất-xiển-đề.

Phen hỏi đáp thứ hai, thứ ba, rất dễ thấy.

Thứ tư, hỏi thế nào là Xiển-đề. Kế là trong lời Phật đáp, có ba phen.

Đầu tiên nói chung bốn bộ đệ tử phỉ báng chánh pháp, không bao giờ sám hối, tuy sai mà cho là đúng thì cũng hướng về con đường Nhấtxiển-đề.

Phen thứ hai nêu lên bốn trọng cấm và năm tội nghịch, nếu biết chắc chắn phạm việc nặng như thế, mà tâm không mảy may hổ thẹn sợ hãi, chẳng chịu phát lồ sám hối, thì đối với Phật pháp không bao giờ có tâm giữ gìn kiến lập, lại hủy báng xem thường, nói nhiều lời lỗi lầm, người như thế cũng hướng về con đường Nhất-xiển-đề.

Trừ ba hạng người đã nêu trên, còn tất cả các bố thí đều đáng được khen ngợi.

Từ câu “Bấy giờ, Thuần-đà v.v…” trở xuống là phen hỏi đáp thứ hai. Giữ lấy ba người tội tức phạm bốn trọng cấm, v.v… có ba ý:

1/ Hỏi đáp lược nêu ba tướng.

2/ Nói rộng về bốn tội trọng.

3/ Nói riêng về nhân duyên phỉ báng.

Thứ nhất như văn kinh nói.

Kế là trong phần nói rộng, trước là hỏi, kế là trong lời đáp có ba ý:

1/ Nói về pháp diệt ác.

2/ Giải thích pháp diệt ác.

3/ Nói về ác diệt.

Thứ nhất, pháp diệt ác.

Hà Tây nói có sáu thứ thuốc quý:

1/ Phát tâm Bồ đề.

2/ Hổ thẹn sám hối tội lỗi.

3/ Giữ gìn chánh pháp.

4/ Cung kính người hộ pháp.

5/ Hiểu rõ tướng tội.

6/ Thọ trì, giảng nói kinh điển Đại thừa.

Sáu thứ thuốc quý này so với sáu duyên ở đây phần nhiều đồng nhau, chỉ có chút khác nhau:

1/ Mặc pháp phục.

2/ Hỗ thẹn sửa đổi.

3/ Phát tâm hộ pháp.

4/ Cúng dường người hộ pháp.

5/ Tự mình thọ trì đọc tụng.

6/ Giảng nói cho người nghe.

Hà Tây nói phát tâm và hiểu rõ tướng tội, cũng có thể hiểu được lời này.

Thứ hai, từ câu “Vì sao v.v…” trở xuống là giải thích gồm có dụ và hợp.

Thứ ba, từ câu “Nếu có người hủy báng v.v…” trở xuống là nói về điều ác bị dứt trừ.

Cần phải nói đủ như trước, mà đoạn văn này lược bớt, chỉ nói quy y chánh pháp và nêu điều phải trái. Phạm năm tội nghịch tức là nói năm tội nghịch có thể dứt trừ, cũng nêu điều đúng, điều sai. Ba tội ở đoạn này đều có thể dứt trừ, là trả lời cả câu hỏi “lìa bỏ tất cả bệnh”. Lại tội đã diệt tức là gần đạo Vô thượng.

Từ câu “Này người thiện nam v.v…” trở xuống là ý thứ ba, giải thích ý giữ lấy ba hạng người có tội, gồm có pháp, dụ và hợp.

Dụ có bốn:

1/ Chưa sinh giải.

2/ Đã sinh giải.

3/ Nói về hộ pháp.

4/ Được quả báo.

Dụ thứ nhất, nói lúc tạo tội phá giới.

Người nữ dụ cho Bồ-tát tu hành cạn hẹp, có bao gồm ý nghĩa sinh giải; nói như người nữ mang thai là giải chưa phát, còn ẩn kín. Gặp thời loạn lạc là dụ cho chúng phá giới, con đường trì phạm bị cắt đứt, nên nói đến xứ khác.

Thứ hai là nói vào miếu thờ trời là dụ cho sinh giải.

Miếu thờ trời dụ cho kinh này, y kinh mà sinh giải. Quê hương an ổn sung mãn, tức nghe công đức giữ giới mà được quả báo như thế.

Thứ ba, từ câu “Nửa đường v.v…” trở xuống là dụ cho hộ pháp.

Tà kiến đoạn thường dụ cho sông Hằng, tà biện cong vạy dụ cho nước sông chảy mạnh, thà mất báo thân chứ không lìa bỏ giải ngộ, nên nói là chẳng thể một mình đến bờ kia.

Thứ tư, từ câu “Sau khi qua đời, v.v…” trở xuống là được quả báo sinh lên cõi trời.

Từ câu “Phạm bốn trọng cấm v.v…” trở xuống là hợp dụ.

Từ câu “Thuần-đà lại nói v.v…” trở xuống là giải thích phân biệt Nhất-xiển-đề. Trước là hỏi, kế là đáp, gồm có pháp, dụ và hợp.

Trong pháp thuyết ý nói: bố thí cho người này không được phước.

Từ câu “Thí như có v.v…” trở xuống là dụ.

Đã đập vỡ hạt mà đem trồng, thì hạt không thể nẩy mầm là dụ cho Nhất-xiển-đề. Nhưng xiển-đề sửa đổi thì chẳng phải là Nhất-xiển-đề. Văn sau nói: Nhất-xiển-đề được thành Phật cũng gọi là phỉ báng Phật; nói Nhất xiển đề không được thành Phật cũng gọi là phỉ báng Phật. Nếu nói Nhất xiển đề sửa đổi thành Phật thì mới chẳng phỉ báng Phật.

Hợp dụ như văn kinh có ghi.

Thứ năm, từ câu “Vì nghĩa này v.v…” trở xuống là kết luận ý nghĩa các bài kệ.

Trước nói tất cả bố thí đều được khen ngợi, tức là thuyết hữu dư. Ở đây nói có khác nhau tức là thuyết vô dư.

Thứ sáu, từ câu “Thuần-đà lại nói v.v…” trở xuống là nói về duyên khởi bài kệ.

Từ câu “Lại nữa v.v…” trở xuống là chương hai, Đức Phật nói kệ, có ba:

  1. Đức Phật nêu kệ.
  2. Văn-thù nêu kệ hỏi lại Phật.
  3. Như Lai giải thích.

Văn thứ nhất rất dễ thấy.

Văn thứ hai trong lời hỏi lại của ngài Văn-thù có nói Phương Đẳng A-hàm, A-hàm dịch là Pháp Quy, tức chỗ nhóm họp về của các pháp. A-hàm chung cho Đại thừa, Tiểu thừa. Tiểu chỉ nói là A-hàm, Đại thì thêm Phương Đẳng.

Văn thứ ba, từ câu “Đức Phật bảo v.v…” trở xuống là Đức Phật giải thích.

Từ câu “Bấy giờ Văn-thù-sư-lợi v.v…” trở xuống là chương ba, ngài Văn-thù lại vặn hỏi. Đầu tiên là lời vặn hỏi, kế là Phật dạy, sau là Phật đáp.

Nói chín mươi lăm ngoại đạo hướng về đường ác; Thanh văn là chánh, tức là đường lành. Kinh Hoa Nghiêm nói chín mươi sáu thứ đều là tà đạo, hai văn này làm sao hội thông? Giải rằng: Hoa Nghiêm chỉ cho thực hành Nhị thừa, nên chẳng nói là chánh. Cổ Bách luận ghi “Thuận hóa Thanh văn đều là ngoại đạo”.

Kế là Đức Phật đáp.

Từ câu “Bấy giờ Đức Thế Tôn v.v…” trở xuống là chương thứ tư, Đức Phật nêu kệ, có ba:

1/ Đức Phật nói kệ.

2/ Ngài Văn-thù nói kệ.

3/ Phật ấn chứng, khen ngợi.

Từ câu “Bấy giờ ngài Văn-thù v.v…” là chương năm, ngài Vănthù nói kệ. Lại có hai:

  1. Ngài Văn-thù nói kệ.
  2. Như Lai ấn chứng.

Nói tham ái và vô minh, các sư kia giải thích rằng: Tâm tham là bên trong dụ như mẹ, vô minh là cảnh bên ngoài dụ như cha. Nhưng chỉ là tham ái chẳng lẽ lại đọa vào Vô gián ư? Do tham khởi tà kiến, cho nên đọa lạc, nghĩa này chẳng đúng. Tham ái và vô minh đều có trong người. Vô minh là gốc để thọ thân giống như cha, tham là cành lá phiền não giống như mẹ. Vả lại, cha là duyên xa như vô minh, mẹ là duyên gần như tham ái.

Từ câu “Bấy giờ, Như Lai v.v…” trở xuống là chương sáu. Như Lai nói kệ có ba: một, là Như Lai nói kệ; hai, ngài Văn-thù vặn hỏi; ba, Như Lai giải thích.

Chương bảy, ngài Văn-thù nêu kệ; có hai ý: Một, là ngài Văn-thù nêu kệ, hai là Như Lai giải thích ngược lại.

Từ câu “Bấy giờ, Ca-diếp v.v…” trở xuống là chương thứ tư, đáp câu hỏi “Thế nào là hỏi rốt ráo và chẳng rốt ráo?” Ở trên, gồm có hỏi và đáp.

Trong phần đáp có nêu đủ ý trên. Vô dư tức là nghĩa rốt ráo, vì sao gọi Nhất thiết nghĩa chẳng phải là rốt ráo. Phật trả lời hai câu hỏi, nói “chỉ trừ trợ đạo là nghĩa vô dư” để đáp câu hỏi về rốt ráo; còn các pháp khác có cả hữu dư và vô dư, là đáp câu “Nhất thiết nghĩa chẳng gọi là nghĩa rốt ráo”.

“Chỉ trừ các pháp trợ đạo là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh”, Hà Tây cho rằng: Trợ đạo là nhân, thường lạc là quả; Muôn hạnh là nhân, được muôn đức là quả. Nghĩa vô dư này là lời chân thật, nói cho người lợi căn. Vì không pháp nào chẳng gồm thâu nên gọi là Nhất thiết, cũng gọi là Vô dư. Còn các pháp khác đều gọi là hữu dư; trong hữu dư cũng có vô dư. Như nói Tứ đế cho Thanh văn, nói mười hai nhân duyên cho Duyên giác. Vì xứng hợp căn khí mà nhận lấy, nên gọi là Vô dư.

Hưng Hoàng cho rằng: Nói trợ đạo là nói chung chứ không phải riêng y cứ theo nhân. Nay lấy thường làm quả, pháp thiện làm nhân. Nhân quả này đều là trợ đạo, làm duyên phá các điên đảo. Chẳng phải nhân chẳng phải quả mới là chánh đạo, mới là nghĩa vô dư.

Từ câu “Bồ-tát Ca-diếp, v.v…” trở xuống là đoạn lớn thứ hai của phẩm nói về đại chúng vui mừng thọ lãnh, tin hiểu. Đầu tiên chia làm hai chương:

Theo thứ lớp trả lời các câu hỏi. Vui vẻ thọ lãnh, tin hiểu.

Nay theo thứ lớp trả lời câu hỏi đã xong, kế là nói đại chúng vui mừng. Văn có hai:

1/ Chính thức thọ lãnh, tin hiểu.

2/ Hiện bệnh kết luận hoàn thành.

– Văn thứ nhất lại có hai đoạn:

1/ Ngài Ca-diếp thọ lãnh, tin hiểu.

2/ Đại chúng thọ lãnh, tin hiểu.

Đoạn một có hai ý:

1/ Lãnh giải, khen ngợi.

2/ Ca-diếp lại hỏi về công đức.

Từ câu “Bấy giờ, các vị trời, v.v.…” trở xuống là đoạn hai, nói đại chúng lãnh giải. Văn có ba ý:

1/ Đại chúng khen ngợi khuyến thỉnh.

2/ Như Lai ngăn tâm lo buồn của đại chúng.

3/ Đại chúng cúng dường phát tâm.

Ý đầu lại có bốn bài kệ. Chia làm ba: một, là gồm bốn câu nêu lời thỉnh.

Thứ hai, là giải thích lý do. Nêu hai vị xuất gia và một vị tại gia chưa đến thì chẳng nên nhập diệt. Ý thứ hai, là bốn câu kết.

Trong phần Như Lai dứt trừ tâm lo buồn làm lời đáp, có mười câu, chia làm hai:

Gồm tám câu đáp lời hỏi.

Gồm hai câu, ngăn dứt tâm lo buồn.

Câu “A-nan bậc học rộng, tự nhiên sẽ hiểu rõ, pháp thường và vô thường”, bản sáu quyển lại ghi “Tự biết thường, vô thường”. Khi Như Lai Niết-bàn thì một chân đen sậm, một chân sáng sạch; sáng sạch biểu thị cho pháp thân thường trụ, đen sậm biểu thị cho thân ứng tích vô thường.

Ý thứ ba từ câu “Bấy giờ, đại chúng v.v…” trở xuống , đại chúng cúng dường phát tâm. Lại có ba:

1/ Cúng dường.

2/ Phát tâm.

3. Đạt quả vị.

Theo kinh rất dễ hiểu.

Từ câu “Bây giờ, Đức Thế Tôn, v,v…” trở xuống là văn thứ hai, Như Lai kết luận hoàn thành, lại có ba ý:

1/ Thọ ký.

2/ Phó chúc.

3/ Hiện bệnh.

Xưa nói: Từ phó chúc trở xuống là phẩm Hiện Bệnh. Nay thì chẳng như thế, hiện bệnh là kết thành ý đây không trở ngại trước là ở đây.

Nói đau lưng là trích từ luận Đại Trí Độ: Khi xưa, Đức Thế Tôn còn làm một con nai đầu đàn chịu chết để đợi một con thỏ cuối cùng qua sông. Ngày nay, Đức Phật vì đợi Tu-đạt nên nói là đau lưng.