ĐẠI BÁT NIẾT BÀN KINH SỚ

Đời Nguyên,Viện Sùng Thánh Sa-môn Sư Chánh thuộc tông Thiên Thai soạn thuật.

PHẨM 16: BỒ-TÁT

Về thứ lớp của phẩm này, các phẩm trên đã trả lời mười ba hoặc mười lăm câu hỏi về việc của Phật. Đức Phật đã trả lời xong. Từ phẩm này trở xuống có mười chín câu hỏi về việc của Bồ-tát, Đức Phật cũng đều đã trả lời. Có sư cho rằng phẩm này trả lời từ mười hai đến mười bảy câu hỏi. Nay nói đáp mười hai câu hỏi, nhưng chẳng thể nêu hết tên mười hai câu hỏi. Từ đầu tiên để đặt tên nên nói là Bồ-tát, giải thích nghĩa Bồ-tát lược có bốn bậc.

1. Bồ-tát Tam Tạng giáo: Từ khi gặp Phật Thích-ca, cúng dường ba việc thì gọi là sơ tâm; ba a-tăng-kỳ một trăm kiếp tu nhân tướng quý và vẻ đẹp làm Trung tâm; ngồi dưới cội Bồ-đề là Hậu tâm.

2. Bồ-tát Thông giáo. Đầu tiên là tin suông các pháp như huyễn hóa, chưa thấm nhuần được dòng nước lý gọi là Càn tuệ địa; nước lý đã nhuần thấm tinh thần, hàng phục và dứt trừ kiến tư hoặc gọi là Trung tâm; du hý thần thông, làm thanh tịnh cõi nước, tập khí dư thừa như làn khói mờ nhạt, nghiệp chướng cạn mỏng, đó gọi là Hậu tâm.

3. Bồ-tát Biệt giáo: Từ Thập trí đến ba mươi tâm là Sơ tâm, hàng Thập địa là Trung tâm, Bồ-tát Đẳng giác là Hậu tâm. Ba bậc Bồ-tát này nhiếp pháp không cùng tận, hễ thoái lui thì không gồm thâu được tất cả chúng sinh, còn tiến đến thì chẳng nhiếp phục được người có căn tánh Phật.

4. Bồ-tát Viên giáo: Đầu tiên là lý tánh Bồ-tát, đến danh tự, quán hạnh, tương tự, phần chứng và rốt ráo Bồ-tát. Đầu tiên nói lý tánh là chung cho tất cả chúng sinh và cuối cùng là Diệu giác đều gọi là Bồ-tát. Vì thế, Bồ-tát Ca-diếp hỏi: “Vì sao chưa phát tâm mà gọi là Bồ-tát”. Cho nên biết chẳng hỏi vể ba bậc Bồ-tát kia mà chính là hỏi Bồ-tát Viên giáo. Y cứ theo Bồ-tát Viên giáo, nhưng chẳng hỏi về năm vị sau, mà chỉ hỏi về Bồ-tát lý tánh. Cho nên từ ý được hỏi mà lập tên, chính là dùng Bồ-tát lý tánh để nêu phẩm. Còn về lời đáp của Như Lai cũng tức là đáp về lý tánh, tức chưa phát tâm mà gọi là Bồ-tát. Nhưng lý tánh này làm nhân, ánh sáng của giáo Niết-bàn làm duyên, từ hủy báng mà tin thì chuyển thành danh tự. Danh tự tức là Bồ-tát phát tâm, lý tánh tức là chưa phát tâm. Nghĩa của lời hỏi và đáp đã rõ ràng trong văn, đâu thể có cách giải thích khác mà hợp với tông chỉ của kinh? Từ đây mà đặt tên, nên gọi là phẩm Bồ-tát. Nhưng Hà Tây nói phẩm này trả lời bốn câu hỏi đồng một ý. Nghĩa là người chưa phát tâm do kinh mà phát tâm, được thấy Phật tánh, vì thấy Phật tánh nên đối với chúng sinh không sợ sệt; cho đến vì thấy Phật tánh như thầy thuốc trị các bệnh, chẳng bị bệnh ô nhiễm.

Nay ý viên đốn của kinh này, không nơi nào chẳng thông suốt, vì sao chỉ nói trả lời bốn câu hỏi mà thôi, cho đến thấy tánh, hay làm người lái thuyền giỏi, năng thoát khỏi lớp da cũ, như cây thiên ý, v.v… năng lực Phật tánh, không gì chẳng làm được. Toàn thân đều thông mà lại thiếu mi mắt. Nay y cứ theo lời đáp mười hai câu hỏi mà chia thành hai đoạn là tự hành và lợi tha. Trong phần tự hành lại có hai là đáp sinh thiện và đáp diệt ác. Trong phần đáp sinh thiện, trước là nêu dụ khen ngợi kinh để phụ đáp câu hỏi trên, sau đó chính thức đáp câu hỏi.

Thứ nhất khen ngợi kinh để phụ đáp. Có hai ý: một, là phụ trả lời; hai, là phân biệt.

Hưng Hoàng nói rằng nhờ năng lực của kinh Niết-bàn, mà người chưa phát tâm phải phát tâm, lại ép ngặt khiến phát tâm, như mộng thấy La-sát tức là nghĩa này. Nếu thế thì do nhân bên trong, duyên bên ngoài mà khiến phát tâm. Phát tâm mới gọi là Bồ-tát, chứ chẳng phải chưa phát tâm mà gọi là Bồ-tát. Lại luận biện thêm: trước đã nghe kinh, nhưng nửa chừng quên các niệm, nay lại được âm thanh, ánh sáng thâm nhập vào thân, mói chịu phát tâm. Vậy trước khi phát tâm đã là Bồ-đề. Nay chẳng y theo cách giải thích này. Vì sao? Vì trước khi nửa chừng quên, thì đã từng phát tâm, nếu chưa phát tâm thì làm sao gọi là nửa chừng quên mất. Vì sao lại cho là chưa phát tâm mà gọi là Bồ-tát? Ánh sáng Niết-bàn, có hai cách giải thích: một, là Đức Phật phát ra ánh sáng trong thân chiếu vào các lỗ chân lông của chúng sinh, Phật liền Niếtbàn, nên gọi là Niết-bàn quang; hai, là vì giáo pháp Niết-bàn nói về lý rất rõ ràng dụ như ánh sáng, hạng Nhất-xiển-đề bất thiện, ánh sáng chẳng chiếu vào tâm. Bốn tội trọng, năm tội nghịch đầy dãy, cội lành cạn mỏng nên gọi là lỗ chân lông. Ánh sáng dụ cho giáo, lỗ chân lông dụ cho trí. Khế kinh tức Tu-đa-la tạng, cho nên nêu ba tạng để làm chỗ kém mà hiển bày Niết-bàn là cao quý. Vả lại, kinh này đương cơ cao quý hơn các kinh khác.

Thứ hai là phân biệt, trước hỏi sau đáp. Trong phần hỏi, trước là thọ lãnh và khen ngợi yếu chỉ. Kế là cung kính bác bỏ, cuối cùng là vặn hỏi. Thứ nhất là lãnh nhận yếu chỉ.

Trước là thọ lãnh lời khen sinh thiện, tức phần trước phẩm này.

Kế là thọ lãnh lời khen diệt ác, tức là cuối phẩm trước.

Kế là cung kính bác bỏ.

Sau cùng là vặn hỏi, có ba ý: một, là hỏi về trì phạm bình đẳng; hai, là hỏi về khen thiện trị ác chẳng bình đẳng; ba là hỏi về khó dễ.

Đầu tiên, từ câu “Vì sao v.v…” trở xuống là vặn hỏi trì phạm bình đẳng.

Nếu ánh sáng nhập vào thân, thì đều sẽ phát tâm, vậy giữ giới phá giới, tu thiện làm ác đâu có gì khác nhau?

Từ câu “Vì sao Như Lai v.v…” trở xuống là vặn hỏi về bất bình đẳng.

Bốn y xuất thế, chính là muốn để thưởng phạt. Nếu nhờ ánh sáng mà phát tâm thì đâu cần đến thưởng phạt.

Thứ ba, là từ câu “Bạch Đức Thế Tôn v.v…” trở xuống là hỏi về khó dễ.

Trên nói “một Hy-liên cho đến ba Hằng hà còn chưa hiểu nghĩa”, đây là nói về khó. Nay nói vừa qua tai liền dứt được phiền não, tức là nói về dễ. Đã chẳng hiểu nghĩa, làm sao dứt được hoặc, dùng nghĩa khó này mà hỏi về nghĩa dễ. Nay nói Ca-diếp dùng Biệt mà hỏi về Viên. Y cứ theo Biệt để nói về nghĩa thì trì phạm, lên xuống, thưởng phạt tự đã khác nhau, làm sao nói là bình đẳng? Nếu nói theo Viên thì tất cả đều là Phật tánh, sao lại chẳng bình đẳng. Theo biệt mà luận thì chứa nhóm điều lành mới hiểu được kinh. Cho nên Đức Phật đáp: “Việc lớn đức lớn”. Tức là ý Viên giáo.

Từ câu “Phật bảo v.v…” trở xuống là phần đáp, có hai là chánh đáp và giải thích lời đáp. Phần chánh đáp có hai: một, là nói về lấy bỏ; hai; là nói về chánh đáp. Trong phần lấy bỏ có hai ý: một, là phân biệt, trừ Nhất-xiển-đề.

Kế là nói tất cả còn lại đều sẽ phát tâm.

Nhưng người phát tâm, chẳng phải là tùy nghi mới gọi là người phước đức lớn nghe được việc lớn.

Thứ hai là giải thích lời đáp.

Phước lớn, việc lớn là bí tạng, là Như Lai Phật tánh, đây chẳng phải phân biệt với hạng Nhất-xiển-đề, vì hạng Nhất-xiển-đề há chẳng có bí tạng Phật tánh. Muốn nói danh tự Bồ-tát v.v… cho nên phân biệt Nhất-xiển-đề. Lấy chung tất cả các căn cơ khác là muốn nói về Bồ-tát lý tánh. Nếu không có nghĩa Biệt, Viên của Thiên Thai thì làm sao giải thích được kinh.

Từ câu “Ca-diếp v.v…” trở xuống là phần thứ hai chánh đáp câu hỏi, trước hỏi sau đáp.

Đầu tiên là hỏi, chính là nêu lại lời thỉnh ở trên, có gần và xa: Xa thì nêu mười hai câu hỏi ở phần kệ trước, gần thì lời nói ở đầu phẩm.

Từ câu v.v… trở xuống là phần đáp. Có hai là chánh đáp và phân biệt trừ Nhất-xiển-đề. Chánh đáp lại có hai: một, là nhờ kinh mà có mộng; hai là khen ngợi kinh.

Nhờ kinh mà phát sinh điềm mộng, tức là trả lời bốn địa vị Bồtát, trừ một vị trước, bỏ một vị sau, chỉ đáp về bốn vị ở giữa. Vì sao? Vì Ca-diếp hỏi về nhân Bồ-đề, chính thức trả lời ý này, nên lược nêu bốn giai vị, trong đó được nghe kinh Niết-bàn là Bồ-tát danh tự, mộng thấy La-sát tỉnh giác phát tâm là nói Bồ-tát quán hạnh, nói đại Bồ-tát là Bồtát phần chứng. Giải thích văn như thế, rất dễ hiểu.

Từ câu “Này người thiện nam v.v…” trở xuống là nêu mười dụ, để phân biệt trừ Nhất-xiển-đề. Văn có bốn:

  1. Gồm một dụ mà song giản.
  2. Một dụ mà giản riêng.
  3. Bốn dụ mà song giản.
  4. Bốn dụ mà giản riêng.

Dụ thứ nhất trừ bỏ Nhất-xiển-đề, giữ lấy gốc lành nên gọi là song giản.

Hư không dụ cho pháp thân, mây dụ cho ứng thân, mưa chớp dụ cho ứng thân nói pháp. Mặt đất, ruộng thấp, ao hồ dụ cho bốn giai vị Bồ-tát. Cây khô, núi đá, cao nguyên, gò đồi là dụ cho Nhất-xiển-đề chẳng tin nhận Phật pháp.

Kế là một dụ, vì chỉ phân biệt Nhất xiển đề nên gọi là giản riêng.

Thứ ba, gồm có bốn dụ. Dụ thứ nhất rất dễ hiểu.

Trong dụ thứ hai nói hòa Dược vương thọ vào sáu loại như sữa, lạc v.v… Xưa giải thích rằng y theo kinh lập sáu quán hạnh. Nói thuốc bột là dụ cho văn xuôi nói rộng, thuốc viên dụ cho kệ tụng. Thoa lên vết thương là dụ cho văn tuệ, xông ướp là dụ cho tư tuệ, thoa mắt là dụ cho tu tuệ. Thấy dụ cho đọc, ngửi dụ cho tụng, rễ dụ cho nói thuyết, thân dụ cho lý, vỏ dụ cho văn từ, v.v…

Khai Thiện nói chỉ có chín dụ, chẳng lấy một dụ kim cương sau cùng. Trong dụ thứ sáu nói về kim cương có nêu sừng dê trắng, Thích luận nói sừng dê núi.

Từ câu “v.v…” trở xuống là đoạn hai của toàn phẩm. Nhưng trước trả lời về việc chưa phát tâm, tức là nói về nghĩa sinh thiện. Kế là trả lời ba câu hỏi, thuộc về nghĩa diệt ác. Sinh thiện diệt ác là con đường quan trọng của Bồ-đề, là nhân gần để đắc quả Phật. Ngài Ca-diếp vì các chúng sinh đời sau mà khai mở tầm nhìn của mắt, cho nên có câu hỏi này.

Về diệt ác, có ba câu hỏi, tức là diệt ba chướng. Đầu tiên là đáp câu “Làm sao ở trước đại chúng mà không sợ hãi” là diệt nghiệp chướng; kế là đáp câu “Làm sao ở trong đời trược, chẳng nhiễm như hoa sen” là diệt báo chướng. Thứ ba là đáp câu “Làm sao đối với phiền não chẳng bị nhiễm ô” là diệt phiền não chướng.

Nay nêu lên mười hai câu kệ để trả lời câu hỏi thứ nhất. Trong đó tám câu trước nói về sám hối diệt tội chướng; bốn câu kệ sau là nói về hộ pháp diệt tội chướng. Đó là bỏ nghiệp ác, tu công đức, sửa lỗi lầm.

Nói chung về sám hối, gồm có mười ý. Nghĩa là nghịch thuận mỗi trường hợp có mười ý. Như Biệt Ký đã ghi, trong đó sám hối và hộ pháp là hai. Trong phần sám hối có hai đoạn: một, là bài kệ đầu nêu điều sai; hai, là bài kệ kế hiển bày việc đúng.

Đầu tiên là y cứ vào việc ác để nói về sám hối. Trước là nêu kệ hỏi, kế giải thích lời kệ để làm lời đáp. Theo kinh rất dễ hiểu.

Nói “Việc này đáng sợ” tức là hủy báng chánh pháp; Ai đáng sợ hãi? Đó là người trí. Vì sao? Vì người phỉ báng chánh pháp, không có tâm lành và phương tiện. Đường nguy hiểm tức là các hành.

Thứ hai, từ câu “Ca-diếp bạch v.v…” trở xuống là y cứ theo gốc lành để nói về sám hối, trước cũng nêu kệ hỏi.

Ý nghĩa bài kệ này thế nào?

Kế là giải thích kệ làm lời đáp, có ba phần giải thích kệ.

Thứ nhất nói thấy việc làm tức là hiện tại, kiếp sinh tử tức quá khứ, đến nơi chẳng đến tức vị lai. Nói sám hối tất cả nghiệp chướng trong ba đời.

Kế là nêu điều lỗi, nói chẳng thấy việc đã làm tức là Nhất-xiểnđề.

Từ câu “Nếu có Bồ-tát v.v…” trở xuống là nêu điều đúng.

Thứ hai, Từ câu “ác không phải là thọ, v.v…” trở xuống là bài kệ thứ ba nói về hộ pháp diệt nghiệp. Vì năng lực hộ pháp rất lớn, diệt được nghiệp chướng, lại cảm được quả sống lâu và quyến thuộc chẳng chia lìa.

Trước là nêu kệ hỏi, sau là đáp giải thích.

Giải thích bài kệ này có bốn ý là nêu điều sai, nói điều phải, nêu lại điều sai, khen ngợi kinh.

Hà Tây nói: Thời tiết ở Thiên Trúc nóng, sữa ngưng đọng trong thời gian rất ngắn thì thành lạc. Văn kinh muốn nói người ác chẳng thọ quả báo ngay, chẳng như sữa chóng thành lạc. Văn chẳng đặt chữ bất, nên chẳng cần thêm vì chữ bất ở trên là chung cho đoạn sau.

Kế là, Từ câu “thí như sứ vua v.v…” trở xuống nói về việc lấy hộ pháp để diệt tội chướng. Trước nêu dụ sau là hợp.

Vua dụ cho Phật, sứ giả dụ cho bốn y, giỏi bàn luận dụ, cho trí tuệ bên trong, khéo có phương tiện dụ cho bên ngoài giỏi nói pháp. Bên trong thì có thật trí, bên ngoài thì khéo nói pháp giáo hóa, người như thế có thể hộ pháp, làm lợi ích cho chúng sinh. Vâng mạng tức là truyền ý chỉ của Phật, đến nước khác là nhập vào sinh tử, dù mất mạng cũng không che giấu lời dạy tức khinh thân trọng pháp; bỏ thân để hoằng pháp.

Hợp dụ rất dễ hiểu.

Thứ ba, Từ câu “Này thiện nam v.v…” trở xuống là nêu lại điều sai, lặp lại bài kệ ở trước.

Thứ tư, là từ câu “Vì thế nên biết, v.v…” trở xuống là khen ngợi kinh. Trước khen ngợi diệt ác. Từ câu “Như hoa sen, v.v…” trở xuống là khen ngợi sinh điều thiện. Theo văn kinh rất dễ thấy.

“Lại nữa, này người thiện nam! v.v…” trở xuống là đoạn ba của phẩm, trả lời câu “Làm sao trong đời ác, chẳng nhiễm như hoa sen” là một báo chướng. Văn có hai: một, là nêu dụ hoa sen làm chánh đáp; hai, là nêu dụ về gió để trợ đáp.

Đây là giải thích báo chướng. Vì sao lại nói hóa sinh nơi bùn lầy, cho nên nói là sinh trong phiền não, ý chánh là ở báo chướng, rất dễ thấy.

Từ câu “Thí như thầy thuốc, v.v…” trở xuống là đoạn thứ tư của phẩm, trả lời câu “Làm sao đối với phiền não chẳng bị phiền não nhiễu loạn?” tức là đáp câu hỏi về phiền não chướng, gồm có mười bốn dụ. Trong đó, mười hai dụ trước là dụ cho giáo được nói, hai dụ sau là dụ cho người nói.

Một, dụ thứ nhất là dụ cho giáo xưa, trước là dụ sau là hợp.

Dụ cho giáo xưa, nói tám thứ thuốc là dụ cho tám chánh, lại nói năm môn như vô thường, bất tịnh, khổ, vô ngã, vắng lặng cộng với nhân duyên, từ bi, quán bất tịnh là tám môn. A-tát-xà không có phiên dịch, chỉ nói là bệnh không thể trị.

Thầy thuốc dụ cho giáo nay, rất dễ hiểu.

Thứ ba, như văn kinh ghi ở sau.

Dụ thứ tư nói về sinh thiện và diệt ác, gồm có ba: Một, là nêu dụ; hai, là hỏi đáp phân biệt; ba, là nêu dụ.

Thứ nhất có dụ và hợp.

Xưa giải thích thổ là dụ cho sám hối tội hiện tại, hạ là dụ cho sám hối tội quá khứ. Chung cho sinh thiện và diệt ác là thuốc thoa thân; riêng trì giới diệt ác là thuốc nhỏ mũi; cầu lý là xông ướp; thọ trì văn kinh là thuốc tẩy; thọ trì kệ tụng là thuốc viên; thọ trì văn xuôi là thuốc tán.

Hưng Hoàng chia thành tám câu. Bốn câu đầu dụ cho vô thường của giáo xưa. Thổ dụ cho khổ, Hạ dụ cho vô thường, thuốc thoa thân dụ cho vô ngã, thuốc nhỏ mũi dụ cho bất tịnh. Bốn câu sau dụ cho giáo nay. Đức thường dụ cho thuốc xông, đức tịnh dụ cho thuốc rửa, đức lạc dụ cho thuốc viên, đức ngã dụ cho thuốc bột.

“Người ngu si chẳng chịu uống, thầy thuốc bèn dắt về nhà”, xưa giải thích rằng: Chúng sinh điên đảo, không ưa thích giáo, chẳng thọ nhận, nên nói chẳng chịu dùng. Dắt về nhà là chỉ cho khổ báo trong ba đường là nơi chốn gây ra tội lỗi. Hưng Hoàng cho rằng một lần nói chẳng thọ nhận thì lại nói một lần nữa. Nay giải thích rằng từ bi là ngôi nhà của bậc thánh, khởi từ tâm vì họ giảng nói, nên nói là dắt về nhà. [Nói “người nữ sinh sản”, xưa cho rằng người nữ dụ cho sinh ra điều lành; Xà-lâu, Hán dịch là nhu y; đứa trẻ (nhi) dụ cho thường, y dụ cho phiền não, phiền não khó dứt bỏ nên gọi là xà-lâu chẳng ra. Hưng Hoàng nói người nữ dụ cho Bồ-tát, sinh sản dụ cho chánh quán, y dụ cho hai giáo thường và vô thường. Lá nhau bao bọc đứa bé, như đứa bé ra, lá nhau cũng phải ra, nếu lá nhau chẳng ra thì đó là đại hoạn. Giáo thường và vô thường vốn sinh ra Trung quán, nếu quán giải thành, thì giáo này phải dứt bỏ, nếu chẳng bỏ thì trở thành bệnh.

Sau là hợp hai dụ, rất dễ hiểu.

Kế là phân biệt. Trước hỏi, sau Đức Phật đáp rất dễ hiểu.

Thứ ba, Từ câu “Như đứa trẻ kia v.v…” trở xuống là nêu thêm dụ để giải thích lại ý trước.

Chánh quán dần dần thêm lớn dụ như đứa trẻ dần dần khôn lớn. Trước nhờ giáo sinh giải, nên nói là thầy thuốc rất giỏi. Thuốc và bệnh khác nhau nên nói là biết rõ. Khi chưa nghe kinh này, tất cả chúng sinh thường sống trong vô minh, cho nên nói là ta vốn khi còn ở trong thai. Nói ban thuốc cho mẹ ta, mẹ là dụ cho kinh giáo, thuốc dụ cho vô thường và thường đối trị lẫn nhau. Bệnh hết giải sinh nên nói là được an ổn. Tâm mê hoặc đã dứt, lại khen ngợi giáo, nên nói kỳ lạ thay. Mười tháng có hai cách giải, hoặc cho mười sử ngăn che, hoặc nói là thập địa tròn đầy. Nói nhường khô nằm ướt, xưa nói mạn là khô, ái là ướt. Hưng Hoàng cho rằng Nhị thừa là khô, phàm phu là ướt. Dọn dẹp chất bất tịnh, xưa nói là dứt vô minh. Hưng Hoàng nói là dẹp bỏ điên đảo đoạn thường, dung nạp Trung đạo, nên nói là nuôi dưỡng thân ta.

Từ câu “Phạm bốn trọng cấm v.v…” trở xuống là hợp dụ, rất dễ hiểu.

Từ câu “Thí như thầy thuốc v.v…” trở xuống là dụ thứ năm.

Có nhiều cách giải thích khác nhau về đoạn văn này: một, là nói thầy thuốc dụ cho Phật, con của thầy thuốc dụ cho Bồ-tát, thuốc dụ cho kinh giáo; hai, là nói thầy thuốc dụ chung cho các giáo, con thầy thuốc dụ cho giữ giới diệt tội, rắn độc dụ cho phỉ báng chánh pháp, rắn giống rồng, phỉ báng chánh pháp tựa như Nhất-xiển-đề. Rồng dụ cho năm tội nghịch, rít dụ cho bốn trọng cấm; thuốc hay dụ cho lý, thoa trên giày dép dụ cho giáo, chạm thuốc độc dụ cho việc phá tâm phỉ báng pháp. Lại nói giày dép là vật thấp kém dụ cho tâm bất thiện, bất thiện được điều phục thì phá được các ác độc.

Từ câu “Thí như có người v.v…” trở xuống là dụ thứ sáu.

Người dụ cho Phật, thuốc độc dụ cho giáo nay, thoa lên mặt trống dụ cho giáo xưa. Lại nói người dụ cho kinh này tuy không có tâm muốn nghe, bỗng nhiên được nghe, sẽ dứt được hoặc.

Từ câu “Thí như ban đêm v.v…” trở xuống là dụ thứ bảy.

Giáo xưa như đêm tối, giáo nay dụ cho trời sáng. Từ câu “Giống như mưa lớn v.v…” trở xuống là dụ thứ tám.

Nói tám mươi có ba cách giải: một, là nên nói tám ngàn, như trong phẩm Trì nói tám ngàn vị được thọ ký, vì người dịch kinh lầm lẫn nên chỉ nói tám mươi; hai, là bản Phạm chỉ nói tám mươi người được thọ ký, văn kinh đó chưa truyền đến Trung Quốc nên nói là không; ba, là đây chẳng phải số lượng tất cả mà chỉ tính số lượng các vị Thanh văn tuổi cao, gặp hội Pháp Hoa mới được tin hiểu.

Hai cách giải thích sau chẳng nên sử dụng. Vì nếu nhất định lấy tám mươi làm số lượng thì số này quá nhỏ, không bao gồm các vị được thọ ký. Nếu nhất định là các vị tuổi cao, thì cần gì nói có hơn có kém.

Vì thế chẳng nên sử dụng.

Từ câu “Mùa thu thì thâu hoạch v.v…” trở xuống là dụ thứ chín.

Tuy chẳng phải là dụ chính cho giáo, nhưng cũng cần dựa vào giáo mà được thâu giữ.

Từ câu “Thí như thầy thuốc, v.v…” trở xuống là dụ thứ mười.

Thầy thuốc dụ cho kinh này, Sứ dụ cho người mở mang, đây là chương cú nói về diệt tội sinh phước. Con của người khác, tức xưa là con

Phật, vì gây ra bốn trọng cấm, năm tội nghịch, nên thành con của người khác. Bị phi nhân làm hại là dụ cho ngoại đạo dụ dẫn. Nếu người chậm trễ ta sẽ tự đi: là dụ cho người mở mang kinh chẳng hợp duyên giáo hóa, Phật tự hành giáo hoá. Lại nói chậm trễ là dụ cho sai cơ, nếu đạt được lý là dụ cho tự ta đi đến.

Từ câu “Thí như người điếc v.v…” trở xuống là dụ thứ mười một.

Từ câu “thí như thầy thuốc, v.v…” trở xuống là dụ thứ mười hai.

Vua dụ cho chúng sinh phạm tội, người sẽ chết dụ cho người rơi vào đường ác. Vua chẳng tin dụ cho người chẳng thọ giáo này, chẳng thấy trong bụng là chẳng thấy vị lai, thuốc xổ dụ cho sám hối tội xưa, vua chẳng chịu uống dụ cho chúng sinh chẳng chịu sám hối. Dùng chú thuật làm cho chỗ kín nổi ung nhọt là dụ cho năng lực của kinh này làm cho trong mộng thấy đọa vào địa ngục.

Từ câu “Này thiện nam v.v…” trở xuống gồm có hai dụ, là phần thứ nhất nói về người thuyết giáo, văn có hai: dụ trước nói chủ của giáo xưa, dụ sau nói chủ của giáo nay.

Mười hai dụ ở trên cũng giống như thế, dụ thứ nhất là dụ cho các giáo xưa, mười một dụ còn lại là dụ cho giáo nay. Dụ giáo xưa nói tám thuật, giáo nay nói hơn tám thuật. Văn sau hợp dụ, đều dùng Phật và Bồ-tát để hợp. Cho nên biết dụ cho giáo chủ của xưa và nay.

Từ câu “Thí như thuyền lớn v.v…” trở xuống là phần thứ năm của phẩm, trả lời câu “Làm sao trong biển sinh tử, làm người lái thuyền giỏi” ở trước.

Trước trả lời trừ chướng, chỉ tự cởi mở trói buộc, nay trả lời thuyền sư là cởi mở trói buộc cho người, trước khi tu nhân là nhờ vào kinh mà đạt được năng lực tự hành; nay là lúc đạt quả nhờ vào kinh mà có năng lực hóa tha. Trước là năng lực Pháp thân thiện tuệ, nay là năng lực Ứng thân ứng hiện. Văn gồm bốn dụ; hai dụ trước là chánh đáp, hai dụ sau là khen ngợi kinh giúp đáp.

Đầu tiên nói về thuyền, chưa nói đến thuyền sư, và những người được độ. Thuyền dụ cho Niết-bàn, thuyền sư dụ cho chủ giáo hóa, người được độ tức người được sự giáo hóa.

Hai dụ về gió và gió lớn đều khen ngợi kinh này, theo văn rất dễ thấy.

Từ câu “Như rắn thay da v.v…” trở xuống là đáp câu hỏi thứ sáu là ứng hiện.

Câu hỏi: Làm sao xả bỏ sinh tử như rắn thay da? Ở đây lại nêu dụ về rắn làm câu trả lời. Có hai dụ: dụ thứ nhất là thí dụ rắn làm chánh đáp, thứ hai dụ thợ vàng là trợ đáp.

Rắn dụ cho một phương ứng hiện đến, thợ kim hoàn là dụ cho nơi nơi ứng đến, chốn chốn thị hiện đi.

Từ câu “cây Am-la, v.v…” trở xuống là đoạn thứ bảy của phẩm, trả lời câu “làm sao quán Tam bảo, giống như cây Thiện ý”. Nay lại nêu lên loại cây ở nhân gian làm lời đáp. Cây cõi trời, tùy các vị trời muốn thấy hoa quả dài ngắn thì thuận theo ý của họ mà hiện, dụ cho việc Đức Phật ứng hợp cơ duyên, đáng hiện sinh nơi cung vua, đáng thị hiện diệt độ nơi Ta-la, v.v… cây ở cõi người ba mùa khô tươi khác nhau, lấy đó làm dụ thì thuận tiện, nhưng cũng chẳng nên chấp. Văn có năm đoạn:

  1. Nói về Phật có ba thân khác nhau.
  2. Nói về mật ngữ của Như Lai.
  3. Nói về hưng suy.
  4. Khuyên lập chí trượng phu.
  5. Nói về khởi diệt.

Ba đoạn trước nói về Tam bảo, trong đó thân Phật là Phật bảo, mật ngữ là Pháp bảo, hưng suy là Tăng bảo. Nhưng Tam bảo lại có hai: một, nhất thể; hai, biệt thể, đều y cứ theo nhân quả.

Phật là người đã chứng quả, Tăng là người còn ở nhân. Trong đó nói: “Tăng có hưng suy” tức là biệt thể. Đầu tiên dụ cho thân Phật có ba phần là dụ, hợp và lãnh giải. Theo văn rất dễ hiểu.

Kế là, Từ câu “này người thiện nam, v.v…” trở xuống là nói về Pháp bảo. Văn có bốn là pháp, dụ, hợp và kết.

Trang Nghiêm nói rằng: “Mật ngữ là tên chung của Niết-bàn, chẳng thể dịch thành tên riêng. Như bốn phi thường từ Đại thừa mà nêu ra, một vô thường có đủ bốn nghĩa, mỗi nghĩa đều có ý riêng. Nay nhờ một việc mà nói về mật ngữ, tức Đức Phật chỉ nói một mà đầy đủ bốn nghĩa. Như nói câu hữu, tức đủ các câu vô, vừa hữu vừa vô, chẳng phải hữu, chẳng phải vô. Nếu chỉ biết câu hữu thì chẳng gọi là vị quan thông minh. Ở đây hợp với nghĩa bốn giáo. Như Phật nói sinh diệt, tức chẳng sinh diệt, tức vừa sinh diệt vừa chẳng sinh diệt, tức chẳng sinh diệt chẳng phải chẳng sinh diệt. Nếu chỉ hiểu sinh diệt của Ba tạng, thì chẳng phải là vị quan thông minh. Lại hợp với bốn môn, từ hữu môn cho đến phi hữu phi vô môn v.v… cũng như thế. Kinh Niết-bàn bản sáu quyển lập dụ khác với ở đây, trong đó nghĩa thứ ba là thanh kiếm, nghĩa thứ tư là thau dùng để tắm rửa.

Thứ ba là hợp dụ, trước hợp với vô thường, sau hợp với Thường.

Văn đầu tiên nói đủ bốn Vô thường, hợp với bốn câu.

Từ câu “Vì nghĩa này v.v…” trở xuống là hợp với giáo thường.

Cũng nói bốn pháp mà chẳng đối đãi với đoạn trước. Đầu tiên nói về bất động, kế đến nói vô tướng, thứ ba nói thường trụ bất biến, thứ tư nói Phật tánh, tuy nói có bốn pháp mà chỉ là một Niết-bàn, như bốn câu mà chỉ là một Tiên-đà-bà.

Thứ tư, từ câu “Các Tỳ-kheo v.v…” trở xuống là phần tổng kết, y theo văn kinh rất dễ hiểu.

Thứ ba, từ câu “Như cây Ba-la-xa v.v…” trở xuống là nói về tướng suy của hai ngôi báu. Có ba:

Nói về kinh không có oai đức, tức Pháp suy; Tỳ-kheo khởi lỗi lầm tức Tăng suy. Chỉ dạy kỹ về mở mang truyền bá kinh, tức là nói về hai ngôi báu.

Văn thứ nhất trước là dụ, sau là hợp.

Cây thuốc gặp trời mưa mới có công năng chữa bệnh, nếu gặp lúc khô hạn cây thuốc sẽ chết, không cò công năng chữa bệnh. Chánh pháp cũng như thế, nếu có đệ tử tài trí mở mang truyền bá pháp này, phá dẹp các điên đảo; nếu gặp các Tỳ-kheo, tội ác thì chánh pháp sẽ diệt.

Thứ hai, là từ câu “Chánh pháp của Như Lai v.…” trở xuống là nói Tỳ-kheo sinh khởi lỗi lầm, tức Tăng suy.

Do những người ác ở đời mạt pháp lười biếng, tạo nhiều việc ác khiến cho Tăng suy.

Thứ ba, từ câu “Thí như cô gái chăn bò v.v…” trở xuống là chỉ dạy kỹ về mở mang truyền bá kinh. Bảo người tốt hộ trì; do người sinh khởi lỗi lầm làm cho hủy hoại Pháp và Tăng. Trước là dụ, sau là hợp.

Về dụ này, các sư xưa giải thích rằng: Vốn chỉ có một đấu sữa, đầu tiên thêm hai phần nước, tức thêm hai phần đấu thành ba đấu, kế là thêm sáu đấu thành chín đấu, kế thêm hai phần nữa là mười tám đấu, thành hai mươi bảy đấu, lại thêm hai phần nữa thành tám hộc một đấu. Có người giải rằng: Chẳng phải như thế, vốn chỉ một đấu, đầu tiên hai phần là thành ba, thêm hai phần thành năm, thêm hai phần thành bảy, thêm hai phần thành chín.

Hợp dụ có bảy câu, trước nói bốn lần thêm nước là dụ cho người dịch thêm vào, sau chính là dụ cho người mở mang chánh pháp; người nữ chăn bò dụ cho người mở mang kinh; tánh người nữ tà vạy dụ cho việc người mở mang kinh chẳng thể quên mất tâm vì pháp mà cầu lợi lộc bất chánh, vì thế dụ như người nữ. Lần thứ hai thêm hai phần, lần thứ nhất là lược bỏ các lời sâu xa mầu nhiệm, thứ hai là thêm vào văn từ thế gian. Lần thêm hai phần thứ ba: thứ nhất là chép phần trước ra phía sau, thứ hai đem phía sau đặt ra phía trước. Lầm thêm hai phần thứ tư là đem đoạn trước, đoạn sau đặt vào giữa, đem đoạn giữa đặt phía trước, phía sau.

Có người cho rằng lần thứ tư thêm hai phần, một là nói chỗ ngăn che được khai mở, hai là chỗ khai mở thì ngăn che.

Từ câu “Bây giờ có nhiều người ác v.v…” trở xuống là hợp với lần thêm thứ ba.

Từ câu “Các người ác có đọc tụng v.v…” trở xuống là hợp với lần thêm thứ tư.

Dụ thứ năm nói thọ học tức là cầu pháp: nói vì con cưới vợ, đãi khách”. Các sư xưa giải thích rằng: “Con” dụ cho kiến thường giải, “vợ” dụ cho cảnh thường, “khách” dụ cho các tri kiến khác. Lại “con” dụ cho thật trí Trung quán, “vợ” dụ cho thầy trò kế thừa khác nhau. Người thế gian vì muốn đời sau có người nối dòng nên cưới vợ, dụ cho việc muốn sự giáo hóa chẳng dứt, nên thầy truyền trao cho trò. Nói “Cần muốn gấp sữa này” là dụ cho người cầu pháp, mong mau được tri giải. “Đến chợ mua” dụ cho việc đến giảng đường cầu pháp. “Người bán sữa” là dụ thứ sáu nói người mở mang kinh vì mong cầu lợi dưỡng. Dụ thứ bảy ghi: “Người này nói rằng” tức là dụ cho người nghe pháp phân biệt rõ được nghĩa sâu cạn. Nói “Ta gấp đãi khách” là dụ cho việc người nghe pháp nói rằng “Vì không nghe gì mà đến nơi này”. “Mua rồi đem về nhà” là dụ cho việc nghe rồi khởi quán, biết tất cả đều không. Nói “Còn hơn ngàn lần” là dụ cho việc tuy không được yếu chỉ sâu xa, nhưng cũng còn là Đại thừa, hơn kinh diển tiểu thừa gấp bội.

Thứ hai, từ câu “Này thiện nam! v.v…” trở xuống là hợp đủ với bảy ý trên.

Đại sư Thiên Thai giải thích rằng: Cô gái chăn bò dụ cho Phật, sữa nguyên chất dụ cho Pháp Niết-bàn. Đức Phật muốn nói pháp này nhưng pháp chẳng thể nói, muốn nói phải y cứ theo đế, đó là Nhị đế, nên nói là thêm hai phần nước. Còn các cô gái chăn bò khác là dụ cho các Bồtát soạn luận giải kinh. Vì kinh khó hiểu nên soạn Ưu-ba-đề-xá để trình bày giáo Nhị đế, đây là lần thứ hai thêm nước. Cô gái gần thành là dụ cho các sư truyền kinh, vì luận khó hiểu nên soạn nghĩa sớ để giải thích luận, đây là lần thêm thứ ba. Người nữ trong thành dụ cho người thọ học, vì sớ khó hiểu nên soạn ký để giải thích sớ, là lần thêm nước thứ tư. Văn kinh lấy nghĩa Tỳ-kheo đời ác trược sao lược chia thành nhiều phần mà hợp với lần thêm nước thứ nhất, chẳng lấy Như Lai vì duyên nói pháp; duyên thích sao lược là y cứ theo Nhị đế mà phân biệt. Phật hợp với sở duyên đầy đủ; người trí hợp với năng duyên đầy đủ thì cũng trái với kinh. Trong lần hợp thứ hai có nói: “Ẩn giấu lời sâu xa bí mật” là dường như soạn luận giải thích kinh.

Từ câu “Lại nữa, này thiện nam! v.v…” trở xuống là đoạn thứ tư khuyên lập chí trượng phu, có hai:

  1. Khuyên.
  2. Thọ lãnh, hiểu rõ.

– Phần đầu lại có hai:

1. Khinh chê thân nữ. 2. Xếp vào thân nam.

Từ câu “Vì sao? v.v…” trở xuống là sắp xếp.

Kinh nêu ra hai câu, nếu nói rộng sẽ thành bốn câu.

Từ câu “Như con v.v…” trở xuống là đoạn thứ năm nói về Đại pháp khởi diệt, kế là nói về khởi diệt, thứ nhất gồm có dụ và hợp.

Vào đời ác trược thì nhiều người ác, ít người mở mang truyền bá kinh này, như nước tiểu của con ve kia không cứu được khô hạn.

Từ câu “Thí như hết mùa Hạ thì sang Thu v.v…” trở xuống là nói chung về khởi diệt.

Từ câu “Bấy giờ, Văn-thù v.v…” trở xuống là phần thứ tám, trả lời câu hỏi “Nếu ba Thừa vô tánh”. Văn có hai:

  1. Giải thích kệ nghi, đồng thời bác bỏ câu hỏi trên.
  2. Ca-diếp nói về nghĩa làm chánh đáp.

– Văn thứ nhất có năm câu:

  1. Ngài Văn-thù nêu Thuần-đà có điều nghi.
  2. Như Lai đồng ý giải đáp.
  3. Ngài Văn-thù nêu ra điều nghi.
  4. Như Lai giải thích.
  5. Ngài Văn-thù nhận lãnh hiểu rõ.

Nhưng đây là trả lời câu hỏi, đâu thể bỗng nhiên nêu tâm nghi. Nghi tự mình còn chẳng quyết định được hay sao mà lại bảo người khác nêu. Hà Tây cho rằng Bồ-tát Văn-thù là bậc Đại sĩ du phương, thường giúp đỡ Đức Thích-ca, là bậc Thượng tọa trong chúng, thường làm chủ khải phát. Vì thế nêu lên nghi ngờ. Bậc Thánh thì không còn ta, người, chỉ vì lợi ích chúng sinh huống chi là hai vị bạn thân, nên nêu nghi đâu có gì hại. Thuần-đà từ đâu mà sinh nghi? Trước lập năm câu hỏi, trong lời Đức Phật đáp rằng: Chưa thấy tánh là Vô thường, thấy tánh là Thường. Như Lai thọ trai xong nhập Tam-muội kim cương, cơm này tiêu rồi thì thấy Phật tánh, được Tam-Bồ-đề. Như thế Thường này tức vốn không nay mới có, có rồi lại thành không, thì thành vô thường, nên biết Như Lai chẳng phải Thường, vì sao lại nói là gồm đáp ngài Ca-diếp hỏi: “Nếu Ba thừa vô tánh, làm sao có ba thừa khác nhau?”

Nay nêu bài kệ để nói về khác nhau và không khác nhau, nên được nói là gồm đáp câu hỏi. Lời hỏi của ngài Ca-diếp ngầm hợp với lý. Nếu Ba thừa đồng với tánh Nhất thừa, thì đâu thể nói là ba hạng khác nhau. Nếu nói Ba thừa hoàn toàn chưa có tánh Nhất thừa, thì sao lại nói là có. Nếu nêu kệ đáp thì sai và chẳng sai đều dứt bỏ, đó là ý gồm đáp. Nhưng Thuần-đà và Phật nói về nghĩa chưa thấy tánh là Vô thường, thấy tánh là Thường. Bấy giờ, có ba hạng căn cơ giải ngộ, bậc Thượng căn ngộ ở phẩm Ai Thán; hàng Trung căn ngộ ở phẩm Ca-diếp Vấn; người hạ căn chưa được giải ngộ. Nay ngài Văn-thù lại vì những người này mà thưa hỏi.

Bài kệ này có bốn lần nêu lên:

  1. Nêu ở phẩm này.
  2. Nêu ở phẩm Phạm hạnh.
  3. Nêu ở phẩm hai mươi lăm.
  4. Nêu ở phẩm hai mươi sáu.

Đại ý ở bốn phần này đều đồng mà duyên thì khác. Trong phẩm này là giải thích nghĩa khác nhau không khác nhau; trong phẩm Phạm Hạnh giải thích Sở đắc và Vô sở đắc; phẩm hai mươi lăm giải thích nghĩa Trung đạo hữu chẳng nhất định là hữu, vô chẳng nhất định vô, chẳng phải hữu chẳng phải vô. Phẩm hai mươi sáu giải thích nghĩa pháp định tánh nói vô tánh. Bốn việc này cũng là ba căn cơ hạ phẩm. Các Luận sư Thành Thật nói rằng: Kim cương tâm chưa phải là Thường. Hậu tâm mới là Thường. Vô thường thì xưa có nay không, thường thì xưa không nay có. Đây chính là giải thích điều nghi của Thuần-đà, chẳng liên quan đến ý bài kệ, vả lại giải thích xưa có là xưa có phiền não, đây là xưa của ngày xưa; nói nay không tức nay không có Bát-nhã, đây là nay của ngày xưa, đều là xưa có nay không của trước vị Kim cương tâm. Nói “Ba thời có pháp chẳng có việc này”, tức là y cứ theo quả Phật thường trụ sau Kim cương tâm, chẳng thuộc ba đời, cho nên nói “chẳng có việc này”. Lại nói hai câu kệ trên chẳng khác với trước, mà nói người ba thừa cùng vào Niết-bàn vô dư, cho nên nói “Ba đời có pháp là chẳng có việc ấy”.

Lại giải thích rằng: Xưa có phiền não, nay không có phiền não, chẳng thuộc về ba đời; xưa không có Niết-bàn, nay có Niết-bàn, cũng chẳng thuộc ba đời. Sự giải thích của các sư chẳng thể dứt nghi tâm của Thuần-đà. Đó chỉ là vì xưa các thầy đã vô thường nay cũng vô thường, xưa chưa được thường, nay mới được thường. Xưa không nay có, thì thuộc về ba đời. Mối nghi rõ ràng đâu có liên quan đến ý bài kệ.

Các sư Địa luận cho rằng pháp Thường chẳng phải mới được. Xưa nay đầy đủ thể dụng, bị vọng hoặc che lấp, về sau mới hiển. Nếu thế thì trước ẩn sau hiển, cũng có thể nói hiển rồi lại ẩn; cũng có thể nói đã hiển mà chẳng ẩn, thì ẩn cũng có thể chẳng hiển.

Tam tạng Pháp sư cho rằng sinh tử có không có bắt đầu nhưng có cuối cùng, Niết-bàn có bắt đầu mà không có cuối cùng. Hôm nay mới được cho nên nói có bắt đầu. Đã một lần được thì xong việc hẳn, nên nói không có cuối cùng. Người giải thích như thế lại đồng với các sư Địa luận. Tiểu thừa cũng có thể nói như thế, hoặc diệt đạo còn xưa không nay có, đều là vô thường. Người lập thuyết này y cứ theo các sư xưa, không tránh được lời vặn hỏi của Thuần-đà.

Hưng Hoàng cho rằng ý vặn hỏi của Ca-diếp là nói Ba thừa, mỗi thừa đều được Niết-bàn, vì sao lại đồng một Phật tánh, lẽ ra là cùng đồng một Phật thừa. Đức Phật trả lời Ba thừa chỉ một Phật tánh, xưa ngay nơi một mà ba, nay nói ba là một, đâu thể nói Ba thừa trước kia vô tánh, mà nay mới có tánh, chỉ tùy duyên mà nói có khác. Xưa chưa ngộ thì xưa có nay không. Nay mới ngộ thì xưa không nay có. Thí như Phật Đăng Vương Đa Bảo ở quá khứ, là xưa có nay không; Phật Di-lặc ở vị lai là xưa không nay có, đó cũng là hiện tại đến quá khứ, hiện tại đến vị lai. Đây cũng thuộc ý nửa trên của bài kệ. Đến khi nói về Phật tánh đâu có liên quan gì đến có không và nay xưa, tức là ý nửa sau bài kệ. Lại chê trách các lời giải thích khác rằng: Có ba để lập ba thì thành khác nhau, nếu không khác nhau thì mất đi sự khác nhau. Khai một thành ba thì mất đi một, hợp ba thành một thì mất đi ba. Nay nói chẳng phải như thế mà vì xưa ba còn là một của nay, một của nay là ba của giáo xưa. Khai thành ba thì mất một, hợp thành một thì mất ba, là khác nhau tức không khác nhau, không khác nhau tức khác nhau. Nếu hiểu ý này thì câu “xưa có nay không, ba đời có pháp thì không có viêc ấy” cũng có thể nói “xưa có nay không, ba đời có pháp thì thật có viêc ấy”. Vô thường và thường, cảnh trí chẳng phải cảnh trí, nhân quả chẳng phải nhân quả, cũng ví dụ như thế. Vả lại nói “Xưa có chỉ là có, nay không chỉ là không”. Lại nói nửa trên bài kệ là có, nửa dưới bài kệ là không. Câu “Chẳng có việc này” là chẳng phải có chẳng phải không. Xưa không nay có cũng ví như thế.

Nhưng Hưng Hoàng dùng Phật tánh đồng nhất là xưa có, mới ngộ là nay không để giải thích. Dùng Phật tánh chẳng nay chẳng xưa để giải thích nửa bài kệ sau, rồi nói đây là nghĩa khác nhau, không khác nhau. Đây là chia văn thành hai dòng, nghĩa không quan hệ nhau.

Nay chẳng nói như thế, chỉ y cứ một câu mà nói khác nhau tức không khác nhau, không khác nhau tức khác nhau, một đế tức ba Đế, nên nói xưa có; Ba đế nói một đế nên nói nay không. Tức là ba, một chẳng phải ba, một. Nên nói “Ba đời có pháp thì không có việc ấy” như thế xoay vần nhau chẳng lìa. Đó mới là khác nhau tức không khác nhau, không khác nhau tức khác nhau. Cho nên dứt hết các câu hỏi cho Cadiếp, không còn dư thừa. Cũng là dùng thường tức vô thường, vô thường tức là thường, chẳng phải thường chẳng phải vô thường để giải thích mối nghi của Thuần-đà. Mây tạnh, băng tan, trí ngộ cũng như thế. Ngộ một tức ba là xưa có, ngộ ba tức một là nay không, ngộ ba, một chẳng phải ba, một gọi là “không có việc ấy”. Như thế thì lời hỏi nào chẳng dẹp, tâm nghi nào chẳng dứt. Cho nên xưa có thì một có tất cả có, Là Thế giới Tất-đàn; nay không là một không tất cả không là Đối trị Tấtđàn; tất cả vừa có vừa không tức là Vị nhân Tất-đàn. “Ba đời có pháp, thì chẳng có việc ấy” là Đệ nhất nghĩa Tất-đàn. Nay một Tất-đàn tức bốn Tất-đàn, mới dứt được câu hỏi giải thích mối nghi.

Nói thêm rằng: Nếu nghi nạn của hai người đều trừ dẹp, đều giải thích, thế thì vật cơ dung hợp, thể hội được xưa có tức hữu cú hữu môn, nay không tức vô cú vô môn; Thanh văn, Duyên giác vừa khác nhau vừa không khác nhau, tức câu vừa hữu vừa vô, môn vừa hữu vừa vô. “Ba đời có pháp, thì không có việc ấy” tức câu phi hữu phi vô, bốn và một tức nhau, đó mới là dứt vặn hỏi giải điều nghi.

Các Sư Trung Quán có ba lời giải thích: một, là ba câu trên nêu ra những điều sai, trừ tánh hữu tánh vô, một câu sau kết luận không có việc ấy. Hai, là xưa vốn có tức chẳng có, có này có thể khiến thành vô; xưa vô tức chẳng vô, vô này có thể khiến thành hữu. Hữu này chẳng phải hữu cho nên phi hữu, vô này chẳng vô nên phi vô, phi hữu phi vô nên nói chẳng thuộc ba đời. Ba, là cho rằng hai câu đầu nói không khác nhau mà khác nhau, hai câu sau nói khác nhau mà không khác nhau. Giải thích điều này có hai nghĩa: một, là đương thể; hai, là vì duyên. Đương thể tức là pháp thân bản địa cho nên không khác nhau; vì duyên nên có ba thừa khác nhau. Lại giải thích xưa có nay không, tức là chẳng có xưa của nay, xưa này chẳng phải nay, tức là chẳng phải xưa của nay. Xưa không có nay có tức chẳng có nay của xưa, nay này chẳng phải xưa, tức là chẳng phải nay của xưa. Cho nên chẳng thuộc các đời. Đại ý cách 36 giải thích này rất dễ hiểu.

Từ câu “Bồ-tát Ca-diếp v.v…” trở xuống là phần thứ hai chánh thức đáp câu hỏi trên. Có bốn:

  1. Nói không khác nhau.
  2. Nói có khác nhau.
  3. Lãnh thọ cả hai nghĩa.
  4. Nói lại về có khác nhau.

Đầu tiên có hỏi và đáp, lời hỏi như văn kinh ghi.

Lời đáp có hai dụ, dụ trước nói về nghe kinh tin hiểu, dụ sau nói chứng biết. Trong dụ trước lại có hai là lập dụ và hợp dụ. Trong lập dụ lại có ba: Đầu tiên dụ về chúng sinh đều có Phật tánh, kế là dụ về đặt nghi ngờ, sau cùng là dụ về giải ngộ.

Trưởng giả hoặc dụ cho Phật, hoặc dụ cho chúng sinh, đàn bò dụ cho sáu đường, màu lông khác dụ cho muôn loài chúng sinh khác nhau trong sáu đường. Một người chăn dắt dụ cho người có tín tâm, hoặc nói dụ cho Bồ-tát mở mang kinh điển giáo hóa chúng sinh. Vì việc cúng tế là dụ cho người mở rộng kinh điển báo ân Phật. Vắt hết sữa cho vào một cái thùng là dụ cho việc quán chúng sinh đồng một tánh Trung đạo.

Màu trắng dụ cho lý tánh thanh tịnh.

Từ câu “Liền kinh ngạc v.v…” trở xuống là dụ về nghi ngờ.

Liền sinh kinh ngạc, v.v… trở xuống là trách câu hỏi của ngài Cadiếp, chúng sinh đã khác, Phật tánh há là một hay sao?

Thứ ba, từ câu “Người này nghĩ rằng v.v…” trở xuống là thí dụ về giải ngộ.

Do nghiệp báo của chúng sinh mà sữa chỉ có một màu, cho nên biết được tánh chân nhân của chúng sinh tức là một Trung đạo.

Kế là hợp dụ, lại hợp với ba ý trên. Thứ nhất là hợp với ý đồng một Phật tánh.

Từ câu “Mà các chúng sinh” v.v… trở xuống là hợp với ý nghĩa nghi ngờ.

Từ câu “Các chúng sinh này v.v…” trở xuống là hợp với giải ngộ.

Kế là từ câu “Này thiện nam v.v…” trở xuống là dụ về chứng biết. Trước là dụ sau là hợp, y theo văn rất dễ hiểu.

Từ câu “Ca-diếp v.v…” là phần thứ hai nói về có khác nhau, có hai phen hỏi đáp.

Đầu tiên là hỏi ba thừa đồng một Phật tánh, cho nên đồng với Niết-bàn thường trụ của Như Lai, lẽ ra chẳng phải thân diệt trí đoạn, khiến cho cả ba khác nhau. Văn nói: “Chẳng đồng với Niết-bàn của Như Lai”. Có bản ghi: “Chẳng đồng với Niết-bàn của Như Lai mà chẳng Bát-niết-bàn”. Hai câu này đồng nghĩa. Vì “bát” tức là đồng chứng thường trụ, chẳng “bát” tức thường trụ bất biến, không hề chứng nhập.

Ý Phật đáp là người biếng nhác nên nói ba thừa, thật ra đồng nhất Bát-niết-bàn với Như Lai. “Nếu thế gian không có Phật”, đây là lời giả thiết, chứ thật chẳng phải như thế. Vì vậy thật không có Nhị thừa được Niết-bàn. Phật không ra đời thì có Nhị thừa được hai Niết-bàn, nếu Phật ra đời thì đồng với Như Lai, được một Niết-bàn.

Phen hỏi đáp thứ hai, như văn kinh ghi.

Từ câu “Ca-diếp nói v.v…” trở xuống là phần thứ ba thọ lãnh, tin hiểu.

Từ câu “Ca-diếp nói v.v…” trở xuống là đoạn thứ tư, nói lại về khác nhau. Có ba ý.

Thứ nhất và thứ hai là hỏi đáp, đối với không khác nhau Phật vẫn đáp khác nhau.

Thứ ba là từ câu “Ca-diếp lại hỏi v.v…” trở xuống là nêu ý thưa hỏi.

Đã nói Phật tánh của Thanh văn cao siêu hơn, vì sao phàm phu được thọ ký thành Phật trước.

Ý Phật trả lời là chẳng phải do Phật tánh, nên trước phát nguyện mau thành, thì mau được thọ ký.

Từ câu “Lại bạch v.v…” trở xuống là đoạn thứ chín trong phẩm, trả lời câu “Vì sao các Bồ-tát chẳng phá hoại đại chúng?” Là Ca-diếp lặp lại câu hỏi để xin đáp.

Đức Phật nói việc hộ pháp để làm lời đáp.

Từ câu “Ca-diếp bạch rằng v.v…” trở xuống là đoạn thứ mười của phẩm, trả lời câu “Làm sao làm mắt sáng dẫn đường cho kẻ mù bẩm sinh” ở trên.

Trước nêu môi miệng khô cháy, tức là nghĩa mù bẩm sinh.

Trước là Phật đáp về miệng, mất vị, kế là nói về mù bẩm sinh.

Nói miệng mất vị, tức chẳng biết vị Tam bảo thường trụ. Miệng mất vị tức là mù bẩm sinh. Nếu chấp nhất định là có nhưng xem xét tìm kiếm thì tức là vô.

Vì mù nên chẳng biết, nói chẳng biết tay chân là chẳng biết Phật tánh trong thân.

Từ câu “Lại nữa, Như Lai v.v…” trở xuống là đoạn mười một của phẩm trả lời câu “làm sao hiện nhiều đầu” ở trên.

Phật đáp, Như Lai thị hiện các thân hình, tức là nhiều đầu; nói các  thứ pháp tức là nhiều lưỡi, v.v…

Từ câu “Như người sinh con, v.v…” là đoạn mười hai của phẩm, trả lời câu “Làm sao người nói pháp được tăng trưởng, như câu hỏi trăng mới mọc”.

Trước nêu trăng mới mọc để hỏi, nay Đức Phật y cứ theo sinh con, đều có ý tăng trưởng để đáp. Kinh nói mười sáu tháng, có hai cách giải: Hoặc là nói mười lần sáu tháng, tức là năm tuổi, hoặc là một tuổi và bốn tháng. Theo văn rất dễ hiểu.