KINH HIỀN KIẾP

(CÒN CÓ TÊN LÀ KINH TAM-MUỘI BẠT-ĐÀ-KIẾP. ĐỜI TẤN GỌI LÀ KINH HIỀN KIẾP ĐỊNH Ý)

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam Tạng Trúc Pháp Hộ, người nước Nguyệt Chi
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 15: NÓI VỀ MƯỜI THỨ TRÍ LỰC

Đức Phật bảo Bồ-tát Hỷ Vương:

–Thế nào gọi là trí lực thông tỏ về “Hữu xứ vô xứ” sâu cạn, xa gần và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như từ nơi xứ sở ấy mà đạt được sự thẩm xét chân lý, từ đấy tỏ ngộ được cội nguồn của các pháp, đó là Bố thí. Hoặc như chỗ có thể nhận thức và lý giải mọi hiện tượng trong ba cõi đều là không, đó là Trì giới. Mọi nơi chốn thông tỏ thảy đều phân biệt mà tạo được sự thâm nhập vào khắp cõi nhân hòa, đó là Nhẫn nhục. Thực hiện thệ nguyện lớn lao ấy cũng như mọi hành động của đức độ cao cả đều biểu lộ sự mạnh mẽ mà vững chắc, đó là Tinh tấn. Trừ dứt mọi thứ cấu uế trong mười hai nẻo duyên khởi, khiến dứt mọi sự pha tạp khác lạ, đó là Nhất tâm. Con đường tuân phụng để tu tập luôn có sự nhận thức hiểu biết thích hợp với hoàn cảnh nhưng không trái với lời dạy của Bậc Giác Ngộ, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là trí lực thông tỏ về nhân quả nghiệp báo trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như có thể trừ diệt sạch mọi tạo tác của các nghiệp về mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý, cùng mọi sai phạm của chúng, đó là Bố thí. Hoặc như có thể tiêu trừ mọi duyên tạo nên báo ứng của sinh tử, phước họa, đó là Trì giới. Dứt bỏ mọi nơi chốn tạo nhân của năm ấm, sáu trần, cùng các đối tác của nhân duyên để không còn nẻo tạo tác của các nghiệp, đó là Nhẫn nhục. Như lìa bỏ mọi tội phước, tự nhiên dẫn đến việc tiêu trừ các mối sinh tử trong ba cõi, đó là Tinh tấn. Tĩnh lặng, an nhiên, trong lành để dứt mọi vọng động của năm ấm là sắc, thống, tưởng, hành, thức, đồng thời tỏ ngộ chúng là Vô sở hữu, đó là Nhất tâm. Nẻo tu tập hành hóa luôn tuân phụng để nhận ra diệu lý “vô sở sinh”, nhờ đấy mà tâm chí luôn thản nhiên tự tại, lấy đạo pháp làm chỗ dựa lớn lao, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là trí lực thông tỏ về nhận thức vô số chủng loại thế gian và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Ví như chúng sinh đoạn trừ từng ấy hành động của các chủng loại đông đúc phức tạp, nhưng không lấy đó làm cho tâm ý phóng túng, đó là Bố thí. Dứt trừ vô số thứ tạo nên mọi che chắn vây phủ đối với các nhập, nhờ đấy mà phụng hành tu theo sáu pháp Độ vô cực, đó là Trì giới. Tuy ở trong các chủng loại nhưng dứt bỏ mọi suy niệm tính toán của con người, nhờ đấy tỏ ngộ cac pháp là hư vọng, không thực, đó là Nhẫn nhục. Đi đến khắp các loài, theo bệnh mà cho thuốc, khiến cho chúng sinh trong ba cõi được tiêu trừ ba thứ độc, đó là Tinh tấn. Ở trong sự chi phối của bốn đại nhưng dứt trừ tham lam cùng mọi vọng niệm tính toán, từ đấy dẫn dắt chế ngự đám chúng sinh mê lầm giúp họ tiêu diệt mọi thứ sở hữu, đó là Nhất tâm. Trụ nơi các chủng loại nhưng luôn tư duy nhận thức để thấu tỏ tất cả mọi hiện tượng đều là không, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là trí lực thông tỏ về chỗ nhận thức các căn tăng giảm, ngôn ngữ mỗi loài không đồng… trong thế gian và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Nhận thức thấu đạt về bốn đại trong tính chất thành trụ hoại không của chúng để nhân đấy tự dứt bỏ những vọng niệm tính toán về bản thân, đó là Bố thí. Giác ngộ về lẽ không đối với mọi tạo tác của sáu căn là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, tâm để dứt mọi sai phạm, lỗi lầm của chúng, đó là Trì giới. Tâm an nhiên, thông tỏ về hết thảy các pháp là bản vô nên không một đối tượng nào là không thông đạt, đó là Nhẫn nhục. Như có thể lãnh hội đầy đủ về các đối tượng như nam nữ, thọ mạng, vui khổ, thiện ác, từ đấy quan sát về sáu căn ấy để nhận ra là không có gốc, đó là Tinh tấn. Hoặc như có thể nhận rõ về Tín, Giới, Định, Tuệ, để thấy năm căn đó là đầu mối của sự tu tập đạo pháp, đó là Nhất tâm. Hay như thông suốt về các đối tượng đã phân biệt như các căn của mọi người với những đặc tính khác lạ, từ đấy đạt đến sự thông tỏ về tất cả các căn của mọi chúng sinh, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là trí lực thông tỏ về thế gian mọi việc ưa thích, không ưa thích với từng ấy hành động và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Tùy ở chỗ ham thích vui vẻ mà kịp thời thực hiện việc dẫn dắt giáo hóa chúng sinh theo bệnh cho thuốc, đó là Bố thí. Các đối tượng được tập họp, dùng tâm từ để khuyến trợ, chỉ dạy tất cả dứt bỏ mọi ý niệm mưu hại, giết chóc, đó là Trì giới. Từ mọi chỗ đạt được an lạc ấy, thuận theo hoàn cảnh mà tiêu trừ tất cả các tội lỗi cùng nơi chốn gây ra các tội ác, đó là Nhẫn nhục. Dứt phá mọi lưới nghi vây bủa, xua trừ các nẻo biếng trễ lười nhác, đó là Tinh tấn. Trừ bỏ mọi ý niệm phân biệt về sở sinh, “vô sở sinh”, hoàn toàn giũ sạch sự phân biệt ấy, đó là Nhất tâm. Thuận theo chỗ được ưa thích mà khiến đạt được cảnh giới tịch nhiên tự tại, dùng các phương tiện quyền xảo để giáo hóa, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là trí lực thông tỏ về việc đi vào khắp các nẻo hành động tạo tác, muốn trói buộc hay cởi bỏ mọi thứ trói buộc, sử dụng các phương tiện và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như có thể thông tỏ được cội nguồn của mọi thứ khổ để từ đấy tiêu diệt tận cùng chúng và làm cho đạo pháp được hưng thịnh tươi sáng, đó là Bố thí. Nhận thức rõ về nguồn gốc của các phiền não để mau chóng dứt trừ mọi hoạn nạn của tham dâm, sân nộ, si cấu, đó là Trì giới. Thông tỏ mọi nẻo diệu nghĩa của đạo, tạo lập và thể hiện sự an lạc để tiêu trừ bao mối âu lo sầu khổ, đó là Nhẫn nhục. Tin tưởng, mau chóng thấu đạt một cách thông suốt dẫn tới niềm an lạc lâu dài trong niềm vui với chánh pháp của đạo Vô thượng, đó là Tinh tấn. Nhận rõ các nẻo tạo tác về tội phước cũng như mọi ngọn ngành của các nẻo quy về nơi năm cõi, đó là Nhất tâm. Đem mọi tương hợp giữa nhận thức và hành động để hướng tới các nơi chốn hữu vô nhằm lý giải tính chất bất nhị của chúng cũng như của sinh tử và Niết-bàn, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là trí lực thông đạt các pháp căn, lực, giác ý, các cửa giải thoát, định ý chánh thọ… và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như đem các pháp ấy cùng với trí tuệ tạo riêng được an lạc, dứt mọi tạo tác xấu ác, đem ân giúp cho mọi người, đó là Bố thí. Thực hiện sự bố thí bình đẳng, nghèo giàu sang hèn không phân biệt, cũng không nghiêng ngã theo bè nhóm, đó là Trì giới. Thương xót mọi người, đem chánh pháp khuyến trợ, đưa họ đến với nẻo đạo, đó là Nhẫn nhục. Tự thương xót về chính bản thân mình, khơi dậy tính chất thần diệu tiềm tàng nơi bên trong, rõ gốc của thân mình là phi ngã nên dứt mọi vọng niệm tính toán về thân, đó là Tinh tấn. Thông tỏ hết thảy các pháp là không, nhờ đấy tiêu trừ mọi nẻo danh xưng, tham ái, khinh mạn, đó là Nhất tâm. Đem sự thông tỏ về vô thường, khổ, không, phi ngã (vô ngã) để dứt bỏ mọi sự phân biệt về tôi – ta – người, nhân đấy mà hóa độ chúng sinh, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là trí lực thông tỏ nhận biết về các đời thuộc quá khứ, tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như nhận biết về các đời trước thuộc thời xa xưa với những nơi chốn từng đi đến tạo tác trong vô số kiếp và dùng điều ấy để chỉ dạy giáo hóa mọi người, đó là Bố thí. Biết rõ về các nơi chốn đã từng trải qua trong năm cõi thiên, nhân, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, đó là Trì giới. Phân biệt các nẻo hướng tới của tội phước thiện ác tất điều phục được tâm mình, đó là Nhẫn nhục. Thông tỏ về những tính chất cấu uế của phiền não, ái dục để dứt trừ mọi tham đắm vướng chấp, đó là Tinh tấn. Như tâm ấy đã thể nhập lãnh hội hết thảy mọi đối tượng đều là không nên luôn tĩnh lặng không dấy các tưởng, đó là Nhất tâm. Tiêu diệt hết thảy mọi sở hữu của nghiệp, nhận rõ cội nguồn của tất cả chúng sinh, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là trí lực vận dụng Thiên nhãn vô ngại và tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như đối tượng nhận thức của Thiên nhãn là nhận ra các nẻo hướng tới của thien ác phước họa, đó là Bố thí. Nẻo phụng hành thích ứng là tránh không để rơi vào chốn tai họa hãm hại, luôn giữ gìn đạo hạnh, đó là Trì giới. Tầm nhận thức được xa rộng, vượt mọi biên vực nên nhận rõ cội rễ của muôn loài, đó là Nhẫn nhục. Như nhận thấy hết thảy mọi nẻo sinh hoạt của chúng sinh, luôn đem đức độ để giáo hóa dẫn dắt hạng tăm tối mê muội, đó là Tinh tấn. Xem xét kỹ về các nẻo phủ che mờ tối để nhận ra có lối, không lối cùng nơi chốn hướng đến của thị phi, đó là Nhất tâm. Hiển bày ánh sáng chói lọi để khiến cho mọi chúng sinh đều được tự quy ngưỡng, duyên theo đó mà được hóa độ, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.

Thế nào gọi là trí lực dứt sạch mọi lậu, tu các pháp Độ vô cực gồm có sáu sự việc?

Như thấy rõ các nẻo tạo tác của lậu cùng với những lỗi lầm, vô ích cần nên trừ bỏ để tu tập đạo pháp, đó là Bố thí. Không vui thích với các lậu cùng tham dâm, sân nộ, si mê, chí luôn nhớ nghĩ về giữ gìn đạo pháp, đó là Trì giới. Chẳng tập theo các nẻo cấu uế, thường tu thanh tịnh, đó là Nhẫn nhục. Khai hóa tâm chúng sinh để họ thông tỏ được các tưởng, dứt bỏ mọi lớp che phủ đối với các nhập, không chạy theo phóng dật, đó là Tinh tấn. Hiểu rõ về các lậu, tu tập theo đúng giáo pháp dẫn đến việc thông đạt hết thảy mọi đối tượng, đó là Nhất tâm. Đi vào các nẻo sinh tử, ở ngay nơi chỗ các lậu mà vẫn siêng năng tu tập giáo hóa dẫn dắt chúng sinh khiến họ phát tâm Bồđề, đó là Trí tuệ. Ấy là gồm đủ sáu pháp Độ vô cực.