KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
Hán dịch: Căn cứ vào bản dịch của Tam tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm, đời Tống
Sa-môn Tuệ Nghiêm, Tuệ Quán và Cư sĩ Tạ Linh Vận sửa lại
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

Phẩm 11: BỐN ĐIÊN ĐẢO

Đức Phật bảo Bồ-tát Ca-diếp:

–Này thiện nam! Gọi bốn điên đảo là, ở trong cái chẳng phải khổ mà sinh tưởng khổ thì gọi là điên đảo. Chẳng phải khổ thì gọi là Như Lai. Sinh ra tưởng khổ thì cho là chư Như Lai vô thường biến dịch. Nếu nói Như Lai là vô thường thì gọi là đại tội khổ. Nếu nói Như Lai bỏ thân khổ này vào Niết-bàn như củi hết lửa tắt thì đó gọi là chẳng phải khổ mà sinh ra tưởng khổ. Đó gọi là điên đảo. Nếu Ta nói rằng, Như Lai thường trụ thì tức là ngã kiến. Do ngã kiến nên có vô lượng tội. Vậy nên cần phải nói Như Lai vô thường. Nói như vậy thì Ta thụ hưởng niềm vui. Như Lai vô thường tức là khổ, mà nếu là khổ thì làm sao sinh ra lạc? Vì ở trong khổ sinh tưởng lạc nên gọi là điên đảo, lạc sinh tưởng khổ nên gọi là điên đảo. Lạc tức là Như Lai, khổ là Như Lai vô thường. Nếu nói Như Lai là vô thường thì đó gọi là trong lạc sinh ra tưởng khổ. Như Lai thường trụ, đó gọi là lạc. Nếu Ta nói rằng, Như Lai là thường trụ thì sao lại được vào Niết-bàn. Nếu nói rằng, Như Lai chẳng phải là khổ thì tại sao xả thân mà chọn lấy diệt độ. Do ở trong lạc mà sinh ra tưởng khổ nên gọi là điên đảo. Đó gọi là điên đảo đầu tiên. Vô thường mà tưởng là thường, thường mà tưởng là vô thường thì đó gọi là điên đảo. Vô thường thì gọi là chẳng tu “không”, chẳng tu “không” nên thọ mạng ngắn ngủi. Nếu có người nói rằng, chẳng tu không tịch, được sống lâu thì đó gọi là điên đảo. Đó gọi là điên đảo thứ hai. Vô ngã mà tưởng ngã, ngã mà tưởng vô ngã, thì đó gọi là điên đảo. Người thế gian cũng nói có ngã, trong pháp Phật cũng nói có ngã. Người thế gian tuy nói có ngã nhưng không có Phật tánh thì đó gọi là ở trong vô ngã mà sinh ra tưởng ngã. Đó gọi là điên đảo. Pháp Phật có ngã tức là Phật tánh. Người thế gian nói pháp Phật vô ngã, đó gọi là trong ngã sinh ra tưởng vô ngã. Nếu nói rằng, pháp Phật nhất định vô ngã nên Như Lai dạy bảo các đệ tử tu tập vô ngã thì gọi là điên đảo. Đó gọi là điên đảo thứ ba. Tịnh mà tưởng bất tịnh, bất tịnh mà tưởng tịnh thì đó gọi là điên đảo. Tịnh tức là Như Lai thường trụ, chẳng phải thân tạp thực, chẳng phải thân phiền não, chẳng phải là thân thịt, chẳng phải là thân gân xương ràng buộc. Nếu có người nói rằng, Như Lai vô thường là thân tạp thực cho đến thân gân xương ràng buộc và Pháp, Tăng, giải thoát đều là diệt hết thì đó gọi là điên đảo. Bất tịnh mà tưởng tịnh gọi là điên đảo. Nếu có người nói rằng, trong thân này của ta không có một pháp nào là bất tịnh, do không bất tịnh nên sẽ được vào chỗ thanh tịnh, nhưng Đức Như Lai đã nói tu quán bất tịnh, nói như vậy là lời nói hư vọng thì đó gọi là điên đảo. Đó là điên đảo thứ tư.

Bồ-tát Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Từ ngày hôm nay chúng con mới được chánh kiến. Bạch Thế Tôn! Từ đây trở về trước, chúng con đều là người tà kiến.