KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
Hán dịch: Căn cứ vào bản dịch của Tam tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm, đời Tống
Sa-môn Tuệ Nghiêm, Tuệ Quán và Cư sĩ Tạ Linh Vận sửa lại
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 18: HIỆN BỆNH

Bấy giờ, Bồ-tát Ca-diếp bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Như Lai đã khỏi tất cả bệnh tật, hoạn khổ đều

trừ, không kinh sợ nữa. Bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh có bốn mũi tên độc tức là nguyên nhân của bệnh. Những gì là bốn? Đó là tham dục, sân hận, ngu si và kiêu mạn. Nếu có nguyên nhân về bệnh thì có bệnh sinh ra. Như là bệnh sốt rét, phổi, da ngứa ngáy, tâm thần mê loạn, bệnh lỵ, bệnh nôn ọe, bệnh tiểu tiện ra máu, bệnh đau một bên mắt và tai, bệnh lưng, bụng trương đầy, bệnh điên cuồng, táo bón, bị quỷ mỵ bắt. Các thứ bệnh về thân tâm như vậy chư Phật Thế Tôn đều không có. Hôm nay Như Lai vì duyên gì mà gọi Văn-thù-sư-lợi bảo: “Ta nay đau lưng, các ông phải vì đại chúng nói pháp”. Theo con thì có hai nhân duyên mà Như Lai không có bệnh khổ. Những gì là hai? Một là thương xót tất cả chúng sinh. Hai là bố thí cho người bệnh thuốc chữa bệnh. Như Lai thuở xưa đã ở trong vô lượng ức kiếp, tu đạo Bồtát, thường hành ái ngữ làm lợi ích cho chúng sinh, chẳng khiến họ khổ não. Ngài đã bố thí cho người bệnh tật đủ thứ thuốc thì vì nhân duyên gì đến hôm nay tự nói có bệnh? Thưa Thế Tôn! Người đời có bệnh, hoặc ngồi, hoặc nằm chẳng yên ổn, hoặc đòi ăn uống, hoặc dặn dò người nhà chăm lo sản nghiệp, còn vì sao Như Lai nằm im, chẳng dạy bảo những người đệ tử Thanh văn về Giới Ba-la-mật, các thiền, giải thoát, Tam-ma-bạt-đề, các chánh cần? Vì nhân duyên gì Như Lai chẳng nói kinh điển Đại thừa thâm diệu như vậy? Vì sao Như Lai chẳng dùng vô lượng phương tiện dạy Bồ-tát Đại Ca-diếp, bậc tượng vương trong loài người và các bậc đại nhân v.v… khiến cho những vị ấy chẳng thoái Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao Như Lai chẳng trách phạt các Tỳ-kheo ác nhận chứa tất cả vật bất tịnh? Thưa Thế Tôn! Quả thật Như Lai không có bệnh mà sao im lặng nằm nghiêng hông bên phải? Các Bồ-tát phàm đã cấp thí cho người bệnh thuốc chữa bệnh, thiện căn có được đều bố thí cho chúng sinh rồi cùng hồi hướng về Nhất thiết chủng trí, để trừ diệt những phiền não chướng, nghiệp chướng, báo chướng cho chúng sinh. Phiền não chướng là tham dục, sân hận, ngu si, phẩn nộ, triền cái, bực tức, ganh ghét, keo kiệt, gian trá, dua nịnh, không hổ, không thẹn, mạn, mạn mạn, bất như mạn, tăng thượng mạn, ngã mạn, tà mạng, kiêu mạn, phóng dật, cao ngạo, oán giận, tranh tụng, nịnh hót, trá hiện tướng khác, lấy lợi cầu lợi, cầu ác, cầu nhiều, không có cung kính, chẳng theo lời dạy bảo, gần gũi bạn xấu, tham lợi không chán, trói buộc khó mở, ham muốn điều ác, tham lam việc ác, chấp thân, chấp hữu và cả chấp vô, uể oải ưa ngủ, ngáp dài chẳng vui, ham muốn ăn uống, tâm ý tối tăm, lòng duyên tưởng khác, chẳng khéo tư duy, thân miệng nhiều ác, ưa thích nói nhiều, các căn ám độn, phát ngôn rỗng tuếch, thường bị sự che trùm của tưởng dục, tưởng sân và tưởng độc hại. Đó gọi là phiền não chướng. Nghiệp chướng là năm tội vô gián, bệnh nặng hiểm ác. Báo chướng là sinh tại địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, bài báng chánh pháp và Nhất-xiển-đề. Đó gọi là báo chướng. Ba chướng như vậy gọi là đại bệnh nhưng các Bồtát ở vô lượng kiếp, khi tu Bồ-đề đã cấp phát cho tất cả người bệnh tật thuốc chữa trị, thường phát nguyện này: “Khiến cho các chúng sinh vĩnh viễn đoạn dứt bệnh nặng ba chướng này”. Lại nữa, bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát khi tu Bồ-đề, cấp phát cho tất cả người bệnh thuốc trị bệnh, thường phát nguyện này: Nguyện khiến cho chúng sinh vĩnh viễn đoạn dứt các bệnh, được thành thân kim cang của Như Lai. Nguyện vì tất cả vô lượng chúng sinh làm thầy thuốc giỏi đoạn trừ tất cả những bệnh nặng hiểm ác. Nguyện cho các chúng sinh được thuốc A-da-đà, nhờ dược lực này có thể trừ tất cả vô lượng độc ác. Nguyện cho chúng sinh đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác không có thoái chuyển, mau chóng được thành tựu thuốc Phật vô thượng, tiêu trừ tất cả mũi tên độc phiền não. Nguyện cho chúng sinh siêng tu tinh tấn, thành tựu tâm kim cương của Như Lai, làm thuốc vi diệu trị liệu mọi thứ bệnh, khiến cho không còn người sinh tưởng tranh tụng. Cũng nguyện cho chúng sinh làm cây thuốc lớn trị liệu tất cả những trọng bệnh ác hiểm. Lại nguyện cho chúng sinh nhổ ra tên độc, được thành ánh sáng vô thượng của Như Lai. Lại nguyện cho chúng sinh được vào tạng pháp vi mật đại dược trí tuệ của Như Lai. Bạch Thế Tôn! Bồ-tát như vậy đã ở vô lượng trăm ngàn vạn ức triệu kiếp phát thệ nguyện này, khiến cho những chúng sinh đều không có các bệnh thì vì duyên cớ gì Đức Như Lai cho đến hôm nay nói là có bệnh! Lại nữa, thưa Thế Tôn! Người đời có bệnh thì chẳng thể ngồi dậy, cúi, ngước, tiến, dừng, ăn uống chẳng thường, nước uống chẳng xuống, cũng lại chẳng thể dạy răn các con chăm lo gia nghiệp. Bấy giờ, cha mẹ, vợ con, anh em, thân thuộc, bạn bè đều đối với người này cho là nhất định sẽ chết. Bạch Thế Tôn! Như Lai hôm nay cũng như vậy, nằm nghiêng bên phải, không có luận nói gì thì những người ngu của cõi Diêm-phù-đề này sẽ nghĩ rằng, Như Lai Chánh Giác ắt sẽ vào Niết-bàn, rồi sinh tưởng diệt tận. Nhưng mà tánh của Như Lai thật ra chẳng rốt ráo vào Niết-bàn. Vì sao? Vì Như Lai thường trụ không biến dịch. Do nhân duyên này chẳng nên nói rằng Ta nay đau lưng.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Người đời có bệnh thì thân thể hao gầy, hoặc nằm ngửa, hoặc nằm nghiêng trên giường nệm. Bấy giờ lòng mọi người sinh ra khinh rẻ, nghĩ là chắc chết. Đức Như Lai nay cũng như vậy, sẽ bị sự khinh nhờn của chín mươi lăm thứ ngoại đạo và phát sinh tưởng vô thường. Những ngoại đạo kia sẽ nói: “Chẳng như chúng ta do tánh của ngã nên người tự tại, thời tiết, vi trần, các pháp là thường trụ, không có biến dịch. Sa-môn Cù-đàm bị vô thường biến chuyển là pháp biến dịch”. Do nghĩa này nên, bạch Thế Tôn! Hôm nay Thế Tôn chẳng nên im lặng nằm nghiêng bên phải. Lại nữa, bạch Thế Tôn! Người đời có bệnh thì bốn đại tăng giảm chẳng điều hòa, gầy yếu suy kiệt. Vậy nên người bệnh chẳng thể tùy ý ngồi dậy, nằm mẹp trên giường nệm. Như Lai, bốn đại điều hòa, thân lực đầy đủ, cũng không gầy yếu, tổn hao. Thưa Thế Tôn! Như sức của mười con trâu nhỏ chẳng bằng sức của một con trâu lớn. Sức của mười con trâu lớn chẳng bằng sức của một con trâu xanh. Sức của mười con trâu xanh chẳng bằng sức của một con voi thường. Sức của mười con voi thường chẳng bằng sức một con voi hoang. Sức của mười con voi hoang chẳng bằng sức của một con voi hai ngà. Sức của mười con voi hai ngà chẳng bằng sức của một con voi bốn ngà. Sức của mười con voi bốn ngà chẳng bằng sức của một con voi trắng của núi Tuyết. Sức của mười con voi trắng ở núi Tuyết chẳng bằng sức của một con voi hương. Sức của mười con voi hương chẳng bằng sức của một con voi xanh. Sức của mười con voi xanh chẳng bằng sức của một con voi vàng. Sức của mười con voi vàng chẳng bằng sức của một con voi đỏ. Sức của mười con voi đỏ chẳng bằng sức của một con voi trắng. Sức của mười con voi trắng chẳng bằng sức của một con voi núi. Sức của mười con voi núi chẳng bằng sức của một con voi ưu-bát-la. Sức của mười con voi ưu-bát-la chẳng bằng sức của một con voi ba-đầu-ma. Sức của mười con voi ba-đầu-ma chẳng bằng sức của một con voi câu-vật-đầu. Sức của mười con voi câu-vật-đầu chẳng bằng sức của một con voi phân-đà-lợi. Sức của mười con voi phân-đà-lợi chẳng bằng sức của một lực sĩ trong loài người. Sức của mười lực sĩ trong loài người chẳng bằng sức của một Bát-kiện-đề. Sức của mười Bát-kiện-đề chẳng bằng sức của một Na-ladiên tám tay. Sức của mười Na-la-diên tám tay chẳng bằng sức một chi của một Bồ-tát Thập Trụ. Những đốt xương trong thân của tất cả phàm phu chẳng đụng đến nhau. Đầu đốt xương của lực sĩ trong loài người đụng đến nhau. Các đốt xương trong thân của Bát-kiện-đề tiếp liền nhau. Đầu đốt xương trong thân của Na-la-diên móc vào nhau. Vậy nên sức của Bồ-tát rất lớn. Khi thế giới hình thành, từ cảnh giới kim cương hiện lên tòa ngồi kim cương lên đến dưới gốc cây Bồ-đề đạo tràng, đức Bồ-tát ngồi rồi, tức thì chứng được mười lực. Như Lai hôm nay chẳng nên như đứa hài nhi kia. Hài nhi ngu si vô trí thì không gì có thể nói. Do nghĩa này nên hài nhi tùy ý nằm nghiêng không người chê trách. Còn Như Lai Thế Tôn có đại trí tuệ soi sáng tất cả, là rồng lớn trong loài người, đầy đủ đại oai đức, thành tựu thần thông, bậc tiên nhân vô thượng đoạn trừ vĩnh viễn lưới nghi, đã nhổ bỏ mũi tên độc, tiến lùi an tường, oai nghi đầy đủ, được vô sở úy, nhưng hôm nay Như Lai vì sao nằm nghiêng hông phải, khiến cho hàng trời, người sầu khi khổ não?

Bấy giờ, Bồ-tát Ca-diếp liền ở trước Đức Phật mà nói kệ:

Đấng Cù-đàm thánh đức
Diệu pháp nguyện nói lên
Chẳng nên như đứa trẻ
Người bệnh nằm trên giường
Điều Ngự, Thiên Nhân Sư
Nằm tựa giữa Song Thọ
Phàm phu ngu hèn thấy
Sẽ nói ắt Niết-bàn
Chẳng biết kinh Phương Đẳng
Sở hành Phật sâu xa
Chẳng thấy tạng vi mật
Như mù chẳng thấy đường
Chỉ có các Bồ-tát
Như Văn-thù vân vân
Hiểu điều sâu xa đó
Như người giỏi bắn tên
Ba đời các Đức Phật
Đại bi làm cội nguồn
Đại từ bi như vậy
Hiện nay ở đâu rồi?
Nếu đại bi không có
Thì chẳng gọi Thế Tôn
Nếu Phật quyết Niết-bàn
Thì chẳng gọi là thường
Nguyện xin đấng Vô thượng
Thương nhận lời con thỉnh
Chúng sinh được lợi ích
Hàng phục các ngoại đạo.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn với lòng đại bi, biết ý niệm của mỗi chúng sinh, muốn thuận theo để được lợi ích rốt ráo, Đức Phật liền trở dậy ngồi kiết già, dung mạo tươi vui như khối vàng ròng, mặt mày đoan nghiêm giống như vầng trăng tròn đầy, hình dung thanh tịnh không có những cấu bẩn, phóng ra ánh sáng lớn soi đầy khắp hư không. Ánh sáng ấy hơn cả trăm ngàn mặt trời, soi đến các thế giới chư Phật ở phương Đông, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn phương bàng, phương trên, phương dưới, ban cho chúng sinh đuốc đại trí khiến cho họ diệt được hết vô minh hắc ám, khiến cho trăm ngàn ức triệu chúng an trụ tâm Bồ-đề chẳng thoái chuyển. Bấy giờ, Đức Thế Tôn không nghi ngờ lo lắng, như sư tử chúa, Ngài dùng ba mươi hai tướng của bậc đại nhân, tám mươi vẻ đẹp để trang nghiêm thân mình. Tất cả lỗ chân lông ở trên thân, mỗi lỗ chân lông ấy xuất hiện một đóa hoa sen. Hoa ấy vi diệu đều đủ một ngàn cánh thuần màu vàng ròng, thân bằng lưu ly, tua bằng kim cương, đài bằng ngọc mai khôi, hình dáng lớn tròn trịa giống như bánh xe. Những hoa sen đó đều phát ra ánh sáng đủ thứ màu sắc xen nhau như xanh, vàng, đỏ, trắng, tía, pha lê. Những ánh sáng đó đều soi khắp đến địa ngục A-tỳ, địa ngục Tưởng, địa ngục Hắc Thằng, địa ngục Chúng Hợp, địa ngục Khiếu Hoán, địa ngục Đại Khiến Hoán, địa ngục Tiêu Nhiệt, địa ngục Đại Tiêu Nhiệt. Chúng sinh trong tám địa ngục ấy thường bị sự bức thiết của các khổ như là đốt cháy, nung nấu, nướng trên lửa, chặt, đâm, lột da. Họ gặp ánh sáng ấy rồi thì mọi khổ như vậy diệt hết không còn, yên ổn, mát mẻ, sung sướng không cùng cực. Trong ánh sáng ấy tuyên nói tạng bí mật của Như Lai: “Các chúng sinh đều có Phật tánh”. Chúng sinh nghe rồi liền mạng chung sinh vào trong cõi trời, người. Cho đến tám thứ địa ngục lạnh giá như là địa ngục A-ba-ba, địa ngục A-tra-tra, địa ngục Ala-la, địa ngục A-ta-ta, địa ngục Ưu-bát-la, địa ngục Ba-đầu-ma, địa ngục Câu-vật-đầu, địa ngục Phân-đà-lợi. Chúng sinh trong những địa ngục đó thường bị sự bức bách não hại của khổ lạnh, như là cắt xé thân thể nát vụn, tàn hại lẫn nhau. Họ gặp ánh sáng ấy rồi thì những khổ như vậy cũng diệt không còn, liền được điều hòa ấm áp, thích hợp với thân thể. Trong ánh sáng này cũng nói tạng bí mật của Như Lai: “Các chúng sinh đều có Phật tánh”. Chúng sinh nghe rồi, liền mạng chung sinh vào trong cõi trời, người. Bấy giờ, ở cõi Diêm-phù-đề này và các thế giới khác hễ có địa ngục thì đều trống không, không có người thọ tội, trừ Nhất-xiển-đề. Ngạ quỷ, súc sinh bị sự bức bách của đói khát, dùng tóc buộc thân, hàng trăm ngàn năm chưa từng nghe danh tự nước uống mà gặp ánh sáng ấy rồi thì đói khát liền tiêu trừ. Trong ánh sáng đó cũng nói tạng bí mật của Như Lai: “Các chúng sinh đều có Phật tánh”. Chúng sinh nghe rồi, liền mạng chung sinh vào trong cõi trời, người, khiến cho loài ngạ quỷ cũng đều trống không, trừ loài quỷ bài báng chánh điển Đại Thừa Phương Đẳng. Chúng sinh súc sinh giết hại lẫn nhau, tương tàn ăn thịt nhau mà gặp ánh sáng ấy rồi thì lòng sân hận đều diệt. Trong ánh sáng đó cũng nói tạng bí mật của Như Lai: “Các chúng sinh đều có Phật tánh”. Chúng sinh nghe rồi, liền mạng chung sinh vào trong cõi trời, người. Khi ấy loài súc sinh cũng hết, trừ loài bài báng chánh pháp. Mỗi một hoa đó đều có một Đức Phật với hào quang tỏa sáng một tầm màu vàng rực rỡ, vi diệu đoan nghiêm, tối thượng vô tỷ. Thân các Đức Phật đó trang nghiêm ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Những Đức Thế Tôn đó, hoặc có vị ngồi, hoặc có vị đi, hoặc có vị nằm, hoặc có vị đứng, hoặc nổi sấm, hoặc tuôn mưa to, hoặc phóng ra ánh chớp, hoặc quát gió lớn, hoặc phát ra khói lửa, thân như đám lửa, hoặc thị hiện bảy báu, đất nước, thành ấp, xóm làng, cung điện, nhà cửa, hoặc lại thị hiện voi, ngựa, sư tử, cọp, sói, khổng tước, phượng hoàng, các loài chim, hoặc lại thị hiện khiến cho chúng sinh trong cõi Diêm-phù-đề đều thấy địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, hoặc lại thị hiện sáu cõi trời thuộc Dục giới. Lại có Đức Thế Tôn, hoặc nói ấm, giới, nhập có nhiều tội lỗi. Hoặc lại có vị nói pháp bốn Thánh đế. Hoặc lại có vị nói nhân duyên của các pháp. Hoặc có vị nói các nghiệp phiền não đều do nhân duyên sinh. Hoặc có vị nói ngã cùng vô ngã. Hoặc có vị nói hai pháp khổ và vui. Hoặc lại có vị nói thường, vô thường v.v… Hoặc lại có vị nói tịnh cùng bất tịnh. Lại có Đức Thế Tôn vì các vị Bồ-tát diễn nói việc tu hành sáu pháp Ba-la-mật. Hoặc lại có vị nói về công đức sở đắc của các vị Đại Bồ-tát. Hoặc lại có vị nói về công đức sở đắc của các Đức Phật Thế Tôn. Hoặc lại có vị nói về công đức sở đắc của Thanh văn. Hoặc lại có vị nói thuận theo Nhất thừa. Hoặc lại có vị nói về Tam thừa thành đạo. Hoặc có Đức Thế Tôn mà hông trái tuôn ra nước, hông phải phát ra lửa. Hoặc có vị thị hiện: sơ sinh, xuất gia, ngồi ở dưới gốc cây Bồ-đề đạo tràng, chuyển bánh xe diệu pháp, vào đến Niết-bàn. Hoặc có Đức Thế Tôn dũng mãnh thuyết pháp khiến cho trong hội này có người được Quả thứ nhất, Quả thứ hai, Quả thứ ba, cho đến Quả thứ tư. Hoặc lại có vị nói vô lượng nhân duyên lìa khỏi sinh tử. Bấy giờ, chúng sinh trong cõi Diêm-phù-đề này gặp ánh sáng ấy rồi thì người mù thấy được hình sắc, người điếc nghe được tiếng, người câm có thể nói, người què có thể đi, người nghèo được của, người tham lam keo kiệt có thể bố thí, người sân hận phát từ tâm, người chẳng tin thì tin. Như vậy thế giới không có một chúng sinh hành pháp ác, trừ Nhất-xiển-đề. Lúc này, tất cả trời, rồng, quỷ thần, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Kiền-đà, Ưu-ma-đà, A-bà-ma-la, người, chẳng phải người v.v… đều cùng đồng thanh xướng lên:

–Hay thay! Hay thay! Đấng Vô Thượng Thiên Tôn ban nhiều sự lợi ích!

Nói lời đó rồi, họ nhảy nhót vui mừng, hoặc ca, hoặc múa, hoặc thân chuyển động, dùng đủ loại hoa tung lên Đức Phật và chúng Tăng.

Những hoa đó là hoa Ưu-bát-la, hoa Câu-vật-đầu, hoa Ba-đầu-ma, hoa Phân-đà-lợi, hoa Mạn-đà-la, hoa Đại Mạn-đà-la, hoa Mạn-thù-sa, hoa Đại Mạn-thù-sa, hoa Tán-đà-na, hoa Đại Tán-đà-na, hoa Lô-chỉ-na, hoa Đại Lô-chỉ-na, hoa Hương, hoa Đại hương, hoa Thích ý, hoa Đại thích ý, hoa Ái kiến, hoa Đại ái kiến, hoa Đoan nghiêm, hoa Đệ nhất đoan nghiêm của cõi trời. Họ lại còn tung lên các thứ hương như hương trầm thủy đa-già-lâu, hương hòa hợp đủ thứ chiên-đàn uất kim, hương hải ngạn tụ. Họ lại dùng cờ phướn, lọng báu cõi trời, các kỹ nhạc cõi trời như đàn tranh, sáo, sênh, đàn sắt, đàn không hầu tấu lên để cúng dường Đức Phật rồi nói kệ:

Con nay cúi lạy Đại Tinh Tấn
Vô Thượng Chánh Giác Lưỡng Túc Tôn
Trời, người, đại chúng đều chẳng biết
Chỉ có Cù-đàm mới hiểu rõ.
Phật vì chúng con nên thuở trước
Tu khổ hạnh nhiều kiếp không lường
Mà sao một sớm bỏ bản thệ
Liền bỏ thân mạng vào Niết-bàn.
Tất cả chúng sinh chẳng thể thấy
Tạng bí mật của Phật Thế Tôn
Do nhân duyên này khó ra khỏi
Xoay vần sinh tử trong đường ác.
Như lời Phật nói, A-la-hán
Tất cả đều phải đến Niết-bàn
Hành xứ Phật sâu xa như vậy
Phàm phu ngu si ai biết được.
Ban cho chúng sinh pháp cam lồ
Vì họ đoạn trừ các phiền não
Nếu có người uống cam lồ ấy
Thì sinh, già, bệnh, chết chẳng còn.
Như Lai Thế Tôn đã trị liệu
Trăm ngàn chúng sinh nhiều không lường
Khiến cho những trọng bệnh của họ
Tất cả tiêu diệt hết không còn.
Đã lâu Thế Tôn xả bệnh khổ
Nên được gọi đệ thất Thế Tôn
Nguyện xin hôm nay mưa mưa pháp
Thấm nhuần giống công đức chúng con.
Các đại chúng và trời, người đó
Thỉnh như vậy rồi đứng lặng yên.

Khi nói bài kệ này thì tất cả các Đức Phật trong đài hoa sen từ cõi Diêm-phù-đề khắp đến cõi trời Tịnh Cư đều nghe hết. Bấy giờ, Đức Phật bảo Bồ-tát Ca-diếp:

–Hay thay! Hay thay! Này thiện nam! Ông đã đầy đủ trí tuệ vi diệu như vậy thì chẳng bị sự phá hoại của những ma ngoại đạo. Này thiện nam! Ông đã an trụ chẳng bị sự khuynh động của tất cả những cơn gió tà ác. Này thiện nam! Ông đã thành tựu biện tài nhạo thuyết, đã từng cúng dường vô lượng hằng hà sa số những Đức Phật Thế Tôn đời quá khứ. Vậy ông có thể hỏi Như Lai Chánh Giác về ý nghĩa như vậy. Này thiện nam! Ta vào thuở xưa, vô lượng vô biên ức triệu trăm ngàn vạn kiếp đã trừ hết bệnh căn, vĩnh viễn lìa dựa, nằm. Này Cadiếp! Thuở quá khứ vô lượng vô số kiếp, có Đức Phật ra đời, hiệu là Vô Thượng Thắng Như Lai Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Đức Phật đã vì các Thanh văn nói kinh Đại Niết-bàn Đại Thừa này, khai thị, phân biệt, hiển phát nghĩa của kinh ấy. Ta vào lúc ấy cũng vì Đức Phật đó mà làm Thanh văn, thọ trì kinh điển Đại Niết-bàn như vậy, đọc tụng thông suốt, ghi chép thành kinh quyển, vì người khác mà khai thị, phân biệt, giảng nói nghĩa của kinh ấy, rồi đem thiện căn này hồi hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này thiện nam! Ta từ đó đến nay chưa từng có nghiệp duyên phiền não ác đọa vào cõi ác, bài báng chánh pháp làm Nhấtxiển-đề, thọ thân huỳnh môn, không có căn hay hai căn, phản nghịch cha mẹ, giết A-la-hán, phá tháp, hoại tăng, làm chảy máu thân Phật, phạm bốn trọng cấm. Từ đó đến nay thân tâm ta yên ổn không có các khổ não. Này Ca-diếp! Ta nay quả thật không có các bệnh tật. Vì sao? Vì chư Phật Thế Tôn xa lìa tất cả bệnh lâu rồi. Này Ca-diếp! Những chúng sinh chẳng biết lời mật giáo của Đại Thừa Phương Đẳng liền cho là Như Lai thật sự có bệnh.

Này Ca-diếp! Như nói rằng, Như Lai là sư tử trong loài người mà Như Lai thật chẳng phải là sư tử. Lời nói như vậy tức là lời dạy bí mật của Như Lai. Này Ca-diếp! Nếu nói, Như Lai là đại long trong loài người mà ta ở trong vô lượng kiếp đã lìa bỏ nghiệp này. Này Ca-diếp! Như nói, Như Lai là người, là trời, mà ta chân thật chẳng phải là người, chẳng phải là trời, cũng chẳng phải là quỷ thần, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, chẳng phải ngã, chẳng phải mạng, chẳng phải có thể nuôi dưỡng, chẳng phải sĩ phu, chẳng phải tác, chẳng phải bất tác, chẳng phải thọ, chẳng phải chẳng thọ, chẳng phải là Thế Tôn, chẳng phải là Thanh văn, chẳng phải nói, chẳng phải chẳng nói. Những lời nói như vậy đều là lời dạy bí mật của Như Lai.

Này Ca-diếp! Như nói rằng, Như Lai giống như núi Tu-di, như biển cả mà Như Lai thì thật chẳng phải vị mặn, đồng với núi đá. Ông phải biết, lời nói đó cũng là lời dạy bí mật của Như Lai. Này Ca-diếp! Như nói rằng, Như Lai như hoa Phân-đà-lợi, mà Ta thật chẳng phải là hoa Phân-đà-lợi. Lời nói như vậy tức là lời nói bí mật của Như Lai. Này Ca-diếp! Như nói rằng, Như Lai giống như cha mẹ, mà Như Lai thì thật chẳng phải là cha mẹ. Lời nói như vậy cũng là lời dạy bí mật của Như Lai. Này Ca-diếp! Như nói rằng, Như Lai là đại thuyền sư, mà Như Lai thì thật chẳng phải là thuyền sư. Lời nói như vậy cũng là lời dạy bí mật của Như Lai. Này Ca-diếp! Như nói rằng, Như Lai giống như thương chủ, mà Như Lai thì thật chẳng phải là thương chủ. Lời nói như vậy cũng là lời dạy bí mật của Như Lai. Này Ca-diếp! Như nói rằng, Như Lai có thể tiêu diệt hàng phục ma, mà Như Lai thì thật không có tâm ác muốn khiến cho người khác hàng phục. Lời nói như vậy đều là lời dạy bí mật của Như Lai. Này Ca-diếp! Như nói rằng, Như Lai có thể trị ung thư, ghẻ lở, mà Ta thật chẳng phải là thầy trị ung thư, ghẻ lở. Lời nói như vậy cũng là lời dạy bí mật của Như Lai. Này Ca-diếp! Như lời nói trước đây của Ta, nếu có thiện nam, thiện nữ nào có thể tu sửa nghiệp của thân, miệng, ý thì khi bỏ mạng thì tuy có thân tộc giữ lấy thi hài của mình, hoặc dùng lửa đốt, hoặc ném vào nước lớn, hoặc bỏ vào nghĩa địa, chon , sói, cầm thú tranh nhau ăn nuốt, nhưng tâm ý thức liền sinh vào đường thiện. Thật ra tâm pháp đó không đi, lại, cũng không chỗ đến, chỉ là trước sau tương tự, nối tiếp nhau, hình mạo như nhau chẳng khác. Lời nói như vậy tức là lời dạy bí mật của Như Lai. Này Ca-diếp! Hôm nay Ta nói bệnh cũng như vậy, cũng là lời dạy bí mật của Như Lai. Cho nên mới bảo với Văn-thù-sưlợi, Ta nay đau lưng, các ông hãy vì bốn chúng nói pháp. Này Ca-diếp! Như Lai Chánh Giác thật không có bệnh, nằm nghiêng hông phải, cũng chẳng rốt cùng vào Niết-bàn. Này Ca-diếp! Đại Niết-bàn này tức là thiền định sâu xa của chư Phật. Thiền định như vậy chẳng phải là hành xứ của hàng Thanh văn, Duyên giác. Này Ca-diếp! Trước ông hỏi Ta là vì sao Đức Như Lai dựa nằm, chẳng dậy, chẳng đòi ăn uống, răn bảo gia thuộc chăm sóc sản nghiệp? Này Ca-diếp! Tánh của hư không cũng không ngồi dậy, đòi ăn uống, dạy bảo gia thuộc chăm sóc sản nghiệp, cũng không đi, không lại, không sinh diệt, không già trẻ, không hiện ra, không mất đi, không tổn thương, không hư hoại, không giải thoát, không trói buộc, cũng chẳng tự nói, cũng chẳng nói người khác, cũng chẳng tự hiểu, cũng chẳng hiểu người khác, chẳng phải an, chẳng phải bệnh. Này thiện nam! Chư Phật Thế Tôn cũng như vậy, giống như hư không thì làm sao có những bệnh khổ.

Này Ca-diếp! Người đời có ba bệnh khó trị, một là bài Đại thừa, hai là tội ngũ nghịch, ba là Nhất-xiển-đề. Trong đời, ba thứ bệnh như vậy rất nặng mà chẳng phải Thanh văn, Duyên giác có thể trị liệu được. Ví như có người bị bệnh nan y chắc chắn chết, thì hoặc có người chăm sóc tùy ý thuốc thang, hoặc không có người chăm sóc tùy ý cho thuốc thang thì bệnh như vậy nhất định chẳng thể chữa trị. Ông phải biết, người đó nhất định chết, chẳng nghi ngờ gì. Này thiện nam! Ba hạng người này cũng như vậy, dù có Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát hoặc thuyết pháp, hoặc chẳng thuyết pháp thì cũng chẳng thể khiến cho những người ấy phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Ca-diếp! Ví như người bệnh, nếu có người chăm sóc tùy ý thuốc thang thì có thể hết bệnh, còn nếu không thì người này chẳng thể hết bệnh. Thanh văn, Duyên giác cũng như vậy, theo Phật, Bồ-tát được nghe pháp rồi liền có thể phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếu họ chẳng nghe pháp thì chẳng thể phát tâm. Này Ca-diếp! Ví như người bệnh, nếu có người chăm sóc tùy ý thuốc thang, hoặc không có người chăm sóc tùy ý thuốc thang xem bệnh thì đều có thể hết bệnh. Có một hạng người cũng như vậy, hoặc gặp Thanh văn hay chẳng gặp Thanh văn, hoặc gặp Duyên giác hay chẳng gặp Duyên giác, hoặc gặp Bồ-tát hay chẳng gặp Bồ-tát, hoặc gặp Như Lai hay chẳng gặp Như Lai, hoặc được nghe pháp hay chẳng được nghe pháp mà tự nhiên thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Đó là người hoặc vì tự thân, hoặc vì người khác, hoặc vì kinh sợ, hoặc vì lợi dưỡng, hoặc vì dua nịnh, hoặc vì lừa dối người khác mà ghi chép Kinh Đại Niết-bàn như vậy rồi thọ trì, đọc tụng, cúng dường, cung kính vì người khác diễn nói.

Này Ca-diếp! Có năm hạng người đối với kinh điển Đại Niết-bàn Đại Thừa này có bệnh hành xử chẳng phải là Như Lai. Những gì là năm? Một là người đoạn được ba kiết sử chứng quả Tu-đà-hoàn, chẳng còn đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, trở lại cõi người, trời bảy lần rồi đoạn trừ vĩnh viễn các khổ mà vào Niết-bàn. Này Ca-diếp! Đó gọi là hạng người thứ nhất có bệnh hành xử. Người này đời vị lai qua tám vạn kiếp sẽ thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Cadiếp! Hạng người thứ hai là người đoạn dứt ba kiết sử, giảm tham, sân, si, chứng quả Tư-đà-hàm, một lần trở lại cõi trời người rồi đoạn dứt hẳn các khổ mà vào Niết-bàn. Này Ca-diếp! Đó gọi là hạng người thứ hai có bệnh hành xử. Người này vào đời vị lai qua sáu vạn kiếp sẽ thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Hạng người thứ ba là người đoạn dứt năm hạ kiết, chứng quả A-na-hàm, chẳng trở lại cõi này, đoạn trừ vĩnh viễn các khổ vào Niết-bàn. Đó gọi là hạng người thứ ba có bệnh hành xử. Người này vào đời vị lai qua bốn vạn kiếp sẽ thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Ca-diếp! Hạng người thứ tư là người đoạn trừ vĩnh viễn tham dục, sân hận, ngu si, chứng quả A-lahán, phiền não không còn, vào Niết-bàn, cũng chẳng phải là hạnh kỳ lân độc nhất. Đó gọi là hạng người thứ tư có bệnh hành xử. Người này vào đời vị lai qua hai vạn kiếp sẽ thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Ca-diếp! Hạng người thứ năm là người đoạn trừ vĩnh viễn tham dục, sân hận, ngu si, chứng được đạo Phật-bích-chi, phiền não không còn, vào Niết-bàn, thật sự là hạnh kỳ lân độc nhất. Đó là hạng người thứ năm có bệnh hành xứ. Người này vào đời vị lai qua mười ngàn kiếp sẽ thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Ca-diếp! Đó gọi là hạng người thứ năm có bệnh hành xứ, chẳng phải là Như Lai.