LUẬN A TỲ ĐẠT MA PHÁP UẨN TÚC
Tác giả: Tôn giả Đại Mục Kiền Liên
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Tráng
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 10: THÁNH ĐẾ

Thuở ấy, Đức Bạc-già-phạm trú ở khu rừng Thí Lộc, thuộc thành Bà-la-ni-tư, chỗ luận thuyết của các vị Tiên nhân.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo với chúng Bí-sô: Đây là khổ Thánh đế (sự thật về khổ của Phật nói), nếu ai đối với pháp chưa từng nghe này mà đúng lý suy tư tìm xét thì nhất định sẽ có được mắt sáng trí tuệ biết rõ mọi lẽ. Đây là khổ tập Thánh đế, nếu ai đối với pháp chưa từng nghe mà đúng lý suy tư tìm xét thì nhất định sẽ có khả năng phát sinh mắt sáng trí tuệ biết rõ mọi lẽ. Đây là khổ tập diệt Thánh đế, nếu ai đối với pháp chưa từng nghe mà đúng lý suy tư tìm xét thì nhất định sẽ có khả năng phát sinh mắt sáng trí tuệ biết rõ mọi lẽ. Đây là khổ diệt đạo Thánh đế, nếu ai đối với pháp chưa từng nghe mà đúng lý suy tư tìm xét thì nhất định sẽ có khả năng phát sinh mắt sáng trí tuệ biết rõ mọi lẽ.

1. Lại nữa các vị Bí-sô, với khổ Thánh đế này nên dùng thông tuệ mà nhìn biết tận tường (biết khắp). Nếu ai đối với pháp chưa từng nghe này mà đúng lý suy tư tìm hiểu thì nhất định sẽ phát sinh được mắt sáng trí tuệ biết rõ.

2. Với khổ tập Thánh đế này nên dùng thông tuệ mà đoạn dứt. Nếu ai đối với pháp chưa từng nghe này mà đúng lý suy tư tìm xét thì nhất định sẽ phát sinh được mắt sáng trí tuệ biết rõ mọi lẽ.

3. Với khổ diệt Thánh đế này nên dùng thông tuệ mà chứng đạt.

Nếu ai đối với pháp chưa từng nghe này mà đúng lý suy tư tìm xét thì nhất định sẽ phát sinh được mắt sáng trí tuệ biết rõ.

4. Với con đường đưa đến sự diệt hết khổ của Phật nói này, nên dùng thông tuệ mà tu tập. Nếu ai đối với pháp chưa từng nghe này mà đúng lý suy tư tìm xét thì nhất định sẽ phát sinh được mắt sáng trí tuệ biết rõ mọi lẽ.

Lại nữa các vị Bí-sô, với khổ Thánh đế này, Ta đã dùng thông tuệ mà biết khắp (biết tận tường). Nếu ai đối với pháp chưa từng nghe này mà đúng lý suy tư tìm xét thì nhất định sẽ phát sinh được mắt sáng trí tuệ biết rõ mọi lẽ.

Với khổ tập Thánh đế này, Ta đã dùng thông tuệ mà chứng đạt. Nếu ai đối với pháp chưa từng nghe này mà đúng lý suy tư tìm xét thì nhất định sẽ phát sinh được mắt sáng trí tuệ biết rõ mọi lẽ.

Với khổ diệt Thánh đế này, Ta đã dùng thông tuệ mà chứng đạt. Nếu ai đối với pháp chưa từng nghe này mà đúng lý suy tư tìm xét thì nhất định sẽ phát sinh được mắt sáng trí tuệ biết rõ.

Với thú khổ diệt Thánh đế này, Ta đã dùng thông tuệ mà chứng đạt. Nếu ai đối với pháp chưa từng nghe này mà đúng lý suy tư tìm xét thì nhất định sẽ phát sinh được mắt sáng trí tuệ biết rõ.

Các thầy Bí-sô nên biết! Đối với bốn Thánh đế đó, nếu Ta chưa ba lần chuyển thành mười hai hình thức, nghĩa là chưa phát sinh được mắt sáng trí tuệ biết rõ mọi lẽ, thì đối với cõi thế gian của hàng trời, người, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn chưa thể nào được xuất ly giải thoát, cũng như chưa thể trừ hết các điên đảo lầm lẫn và tâm trí trụ nhiều vào một nơi…, cũng như chưa thể đúng như thật tuyên bố rằng: Ta đã chứng được Bồ-đề Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng (bậc giác ngộ tối thượng). Vì đối với bốn Thánh đế đó Ta đã ba lần chuyển thành mười hai hình thức của tướng, nghĩa là Ta đã phát sinh được mắt sáng trí tuệ biết rõ mọi lẽ liền xuất ly giải thoát ngay ở cõi thế gian của hàng trời, người, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn v.v… và đã dứt hết điên đảo lầm lẫn, tâm trụ nhiều vào một nơi, cũng như dám tuyên bố đúng như thật: Ta đã chứng được Bồ-đề Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác…

Khi Đức Phật giảng nói pháp này, các thầy như Kiều-trần-na cùng tám vạn chư Thiên lìa bỏ được trần cấu và phát sinh mắt pháp tịnh, khi nhìn các pháp. Bấy giờ, Đức Phật hỏi các thầy Kiều-trần-na: Với các pháp Ta vừa nói các thầy có hiểu rõ không? Các thầy Kiều-trần-na thưa: Nay chúng con đã hiểu rất rõ…. Vị thứ hai, thứ ba cũng như thế. Vì thầy Kiều-trần-na là người đầu tiên hiểu biết pháp đó, nên người đời cùng tôn xưng các vị ấy là A-nhã-đa. Khi đó các vị Địa thần (thần đất), Lạc-xoa nghe được những lời ấy thì hết sức vui mừng, hớn hở lớn tiếng khen: Hôm nay Đức Phật ở chỗ các vị Tiên nhân luận thuyết Bà-la-ni từ trong khu rừng Thí Lộc (Lộc uyển), đã thương xót tất cả chúng sinh trong cõi thế gian này, muốn giúp cho tất cả mọi người đều nhận được những sự lợi ích và an lạc, cho nên đã ba lần chuyển pháp luân, mở lời diễn giảng giáo pháp với đầy đủ cả mười hai hình thức, khắp cõi thế gian toàn thể các vị Sa-môn, Bà-la-môn các vị Trời – Ma – Phạm đều không thể đảm đương, không đủ khả năng trong việc chuyển pháp luân vô thượng, diễn giảng giáo pháp nhiệm mầu, các vị như Kiều-trần-na v.v… đã thấy rõ được Thánh đế. Từ nay các chúng trời sẽ thêm đông đảo còn bọn A-tố-lạc sẽ giảm đi. Do sự truyền bá giáo lý rộng rãi này mà toàn thể trời, người đều thấm nhuần được rất nhiều lợi ích an lạc vô cùng cao quý đặc biệt…

Các thần Lạc-xoa (Dược-xoa) đang bay trên không trung khi nghe những lời reo vui như thế thì hết sức vui mừng đến truyền báo ngay cho các trời Tứ Đại Vương. Các vị này nghe rồi cũng vui mừng đều cao tiếng thông báo khắp nơi. Trong thoáng chốc lời thông báo vang rộng cả cung trời Phạm thiên. Bấy giờ, vị vua trời Đại Phạm nghe lời thông báo ấy nên hết sức vui mừng khen: Mừng Đức Phật đã chuyển pháp luân vô thượng, đã bắt đầu diễn giảng giáo pháp nhiệm mầu, sẽ đem lại vô số lợi lạc cho toàn thể quần sinh. Trong này nói về việc chuyển pháp luân nên gọi là Kinh Chuyển Pháp Luân. Khi đó năm vị Bí-sô Kiều-trần-na cùng tám vạn Thiên chúng nghe kinh rồi hết sức vui mừng tin nhận tuân hành đầy đủ.

1. Thế nào là Khổ Thánh đế?

Đáp: Nghĩa là gồm có các khổ về sinh, già, bệnh, chết, oán thù mà gặp gỡ nhau hoài là khổ, thương yêu mà phải xa nhau là khổ, cầu mong không toại nguyện là khổ và nói chung tất cả năm uẩn đều là khổ.

Thế nào là sinh khổ? Sinh, nghĩa là các chủng loại hữu tình, chúng tụ họp nhau lại, có các đời sống và sinh sản thêm các đời sống, có các uẩn, và có đủ các thứ giới – xứ – uẩn thì sinh mạng, đời sống sẽ được tạo nên và xuất hiện. Gọi chung đó là sinh, đời sống.

Vì sao lại nói sinh là khổ? Khổ là loài hữu tình đang sinh sống thì sẽ nhận lãnh và giữ lấy (chịu đựng) các thứ khổ của thân hoặc của tâm, hay của thân và tâm. Hoặc là nhận lãnh giữ lấy, chịu đựng các thứ nóng nảy bứt rứt khổ buồn cho riêng của thân, hoặc riêng của tâm, hoặc cả thân và tâm. Cho đến các việc nặng nề hơn như chịu đựng các sự thiêu đốt của thân, hoặc của tâm, hoặc của cả thân và tâm… cho nên nơi là khổ. Lại nữa, khi sống (sinh) thì phải chịu hai thứ khổ khổ và hành khổ, nên gọi là sinh khổ.

Thế nào lại nói là già khổ? Già nghĩa là lúc đã già yếu thì tóc rụng, tóc bạc phơ, da dùn mặt nhăn, mình khom, lưng còng, hơi thở gấp gáp khò khè, phải nương gậy mà lần bước, cả mình mẩy nổi tàn nhang hoặc bạch biến loang lỗ. Tinh thần suy nhược, mù mờ ngu độn chậm chạp. Các cơ quan bộ phận đều rã rời hư nát, các hành cũng suy thoái bại hoại, mục nát suy yếu… Gọi chung là già.

Vì sao già là khổ? Khi loài hữu tình đã già thì sẽ nhận lãnh giữ lấy và chịu đựng các khổ của thân… Rộng nói cho đến nhận lấy và chịu đựng sự thiêu đốt của cả thân và tâm. Lại còn khi già thì phải chịu ba thứ khổ là khổ khổ, hành khổ, và hoại khổ. Cho nên gọi là già khổ.

Thế nào là bệnh khổ? Bệnh, nghĩa là đau đầu, đau mắt, tai, mũi, lưỡi, bệnh mặt mày, hôi miệng, bệnh răng cỏ, bệnh hàm họng, phong điên, trúng gió, ho hen, hơi thở nghẹn tức hay ợ ngáp, bệnh phong cùi, ghẻ lở, bệnh trĩ, kiết lỵ, trúng gió, bệnh nóng hoặc lạnh, bệnh sốt rét, động kinh ói mửa, ghẻ lở nhọt độc, bệnh phù thủng, bệnh ghẻ lở, lác, bệnh ung bướu, bệnh ngưng trệ rò rỉ, bệnh kết hờn, kết hạch, bệnh nóng nảy, bứt rứt v.v… và các thứ bệnh khác sinh ra từ thân và tâm, thân tâm bị bệnh hoạn khổ sở…, gọi chung là bệnh.

Vì sao lại gọi bệnh là khổ? Loài hữu tình khi bệnh thì nhận lãnh, giữ lấy, chịu đựng các thứ đau khổ của thân… Rộng nói cho đến nhận giữ chịu đựng các thứ thiêu đốt cả thân và tâm. Lại nữa, khi bệnh thì phải chịu hai thứ khổ là khổ khổ và hành khổ, nên nói là bệnh khổ.

Thế nào chết là khổ? Chết nghĩa là các loài hữu tình đang tụ họp cùng sống với nhau thì biến đổi, chia lìa, cuộc sống, sức nóng và thức bị tiêu mất, thân mình không còn cử động nhúc nhích, các uẩn đều bị phá hư. Chết non, tàn đời, ra đi, thở hơi cuối cùng… đều gọi là chết.

Vì sao nói chết là khổ? Các loài hữu tình khi chết thì phải nhận giữ chịu đựng biết bao nhiêu khổ sở cho thân thể… Rộng nói cho đến nhận giữ chịu đựng các thứ thiêu đốt của thân và tâm, cho nên nói chết là khổ. Lại còn khi chết thì phải chịu ba thứ khổ là khổ khổ, hành khổ, và hoại khổ. Cho nên gọi chết là khổ.

Thế nào là oán ghét gặp nhau là khổ? Oán ghét gặp nhau, nghĩa là các loài hữu tình (mọi người) không yêu thương mến thích nhau, không hợp ý vừa lòng nhau…, mà phải cùng làm, cùng ở chung một chỗ, không thể nào khác được, không thể phân tán lìa xa nhau được mà phải hòa hợp tụ tập gặp gỡ nhau mãi…, nên gọi chung là oán ghét mà phải gặp nhau là khổ.

Vì sao lại nói oán ghét gặp nhau là khổ? Nói oán ghét gặp nhau khổ, nghĩa là các loài hữu tình (người nào) oán ghét mà gặp nhau hoài thì phải nhận giữ chịu đựng bao nhiêu cái khổ não của thân… Rộng nói cho đến phải chịu đựng bao nhiêu các thứ thiêu đốt cả thân và tâm, nên nói đó là khổ. Lại còn khi oán ghét mà gặp nhau thì phải chịu hai thứ khổ là khổ khổ, hành khổ. Cho nên nói oán ghét mà gặp nhau hoài là Khổ.

Thế nào là thương nhau mà lìa nhau là khổ? Thương nhau mà phải lìa nhau, nghĩa là các loài hữu tình yêu thương mến thích nhau, thích ý vừa lòng nhau nhưng cả hai không cùng ở chung một chỗ, cùng làm bạn bè thân thiết với nhau, mà đành phải cách biệt, riêng rẽ, phân tán lìa xa nhau, và không thể cùng hòa hợp tụ tập gặp gỡ nhau được…, gọi chung là thương nhau mà lìa nhau là khổ.

Vì sao lại nói thương nhau mà phải lìa nhau là khổ? Nghĩa là các loài hữu tình khi thương mến nhau mà phải xa lìa nhau thì phải nhận chịu mọi sự đau khổ của thân thể… Rộng nói cho đến nhận lãnh giữ lấy, chịu đựng bao nhiêu đau khổ như bị thiêu đốt cả thân và tâm, nên nói đó là khổ. Lại còn khi thương nhau mà mãi xa lìa nhau thì phải chịu ba thứ khổ là khổ khổ, hành khổ, và hoại khổ. Cho nên nói thương nhau mà phải xa lìa nhau là khổ.

Thế nào là mong cầu không được là khổ? Cầu không được, nghĩa là mong cầu về các thứ rất thích ý vừa lòng về sắc-thanh-hương-vị-xúc, hay y phục ăn uống, ngọa cụ, thuốc men, các đồ dùng cần thiết cho đời sống hằng ngày nhưng lại không có được, không gặp gỡ, không thấy, không thành tựu, không hoàn hảo thuận hợp (hòa hợp)… Gọi là chung là mong cầu mà không được.

Vì sao nói mong cầu không được là khổ? Nghĩa là các loài hữu tình khi mong cầu mà không được thì phải lãnh nhận giữ lấy, chịu đựng tất cả mọi thứ đau khổ của thân thể… Rộng nói cho đến phải nhận lãnh giữ lấy chịu đựng tất cả mọi thứ đau khổ như bị thiêu đốt cả thân và tâm, cho nên nói đó là khổ. Lại còn khi mong cầu chẳng được thì phải chịu hai thứ khổ là khổ khổ và hành khổ. Cho nên nói mong cầu không được là khổ.

Thế nào là nói vắn gọn tất cả năm uẩn đều khổ? Năm thủ uẩn, tức là sắc thủ uẩn và các thọ, tưởng, hành, thức, thủ uẩn…, gọi chung là năm thủ uẩn.

Vì lý do nào mà nói tất cả năm thủ uẩn là khổ? Nghĩa là vì các uẩn này đều không thường (vô thường) mà luôn chuyển dời, nó luôn mệt mỏi rã rời, suy yếu, nó là pháp luôn mất mát, hư hoại rất nhanh chóng không bao giờ. Nó luôn hư hao mục nát, biến rã không phải còn mãi, không thể bảo đảm tin cậy được, nó là pháp dời đổi hư nát, có lúc tăng thêm có khi giảm bớt, mới sinh ra đó thì bỗng nhiên mất đi. Xưa không có mà nay có, khi có rồi lại trở về không… Vì lẽ đó nên nói tóm tắt một lời là tất cả năm thủ uẩn là khổ. Như nói các uẩn đều có tính chất là khổ vì nó không an ổn, vì nó trái ngược lại với Thánh tâm. Các khổ như thế gọi là khổ đế, nghĩa là đó đúng là vô thường, là vô thường nên gọi là khổ. Nó đúng là khổ; dù Phật có ra đời hay không ra đời. Cái pháp khổ đó là pháp luôn làm cho pháp giới tồn tại. Tất cả các Như Lai đều đã rõ biết thấu suốt tường tận nên đều diễn nói trình bày, đưa ra thành quan điểm phân biệt chỉ bày, khiến nó càng sáng tỏ rõ ràng: Đây là vô thường, đây là khổ. Đây là tính chất vô thường thì đó là tính chất của khổ. Đó là điều chân thật, đúng đắn nhất, không hề hư vọng, không hề điên đảo lầm lạc, đổi khác…, nên gọi là Khổ đế.

Gọi là Thánh – Phật và đệ tử Phật. Đây là Thánh đế, nghĩa là các vị Thánh ấy đối với các điều đó (khổ, tập v.v… này) đều hiểu biết thấy rõ, thấy rõ nó là chân thật đúng đắn, chắc chắn là Đế. Do đó mà gọi là Thánh đế.

Lại còn khổ Thánh đế là cái giả lập trên danh tưởng ngôn thuyết, trên trí tưởng nói năng có đối đãi. Gọi là Thánh đế, vì chư Phật và các hàng đệ tử đều đưa ra cái tên gọi như thế.

2. Thế nào là khổ tập Thánh đế?

Đáp: Nghĩa là có bao nhiêu thứ ái dục, mến yêu. Sau đó thì liền có sự mừng vui ham thích đi đôi với các ái dục đó (sự yêu thích đó). Như thế mà nói vắn tắt là khổ tập Thánh đế… Nếu nói rõ ràng hơn là từ cái ái thứ hai, thứ ba thì lại có thêm các điều tham ái thứ tư, thứ năm, thứ sáu…, kể cả mọi pháp chẳng thiện hay mọi pháp thiện hữu lậu và tất cả mọi thứ trói buộc chặt chẽ của tùy miên, tùy phiền não v.v… tất cả đều gọi chung là khổ tập Thánh đế.

Vì sao lại nói là khi có hết thảy các ái rồi sau đó lại vui mừng ham thích luôn đi đôi với các ái dục đó, và mọi người ai ai cũng ham thích ái dục, thì đều gọi là khổ tập Thánh đế? Nghĩa là bốn thứ ái dục này chính là cái nguyên nhân căn bản, là con đường phát khởi của khổ quá khứ – hiện tại – vị lai. Rộng nói cho đến thân chết rồi thì chính do nhân khổ đó thúc đẩy quả khổ mà sinh khởi. Cho nên nói đây gọi là khổ tập Thánh đế.

Vì sao lại có cái ái thứ hai, thứ ba, rồi sau lại có cái ái thứ tư, thứ năm, thứ sáu và tất cả các pháp chẳng thiện, tất cả các pháp thiện hữu lậu, tất cả mọi sự trói buộc chặt chẽ của tùy miên và tùy phiền não…, thì đều gọi là khổ tập Thánh đế?

Nghĩa là chính các pháp này là nhân căn bản, con đường phát khởi của khổ suốt trong quá khứ – hiện tại – vị lai. Rộng nói cho đến khi thân này chết đi thì chính do pháp đó làm nhân nên có khổ quả sinh ra. Như thế các ái dục v.v… đều gọi là Tập đế.

Gọi là Tập đế thì các ái này là đúng như thật và các ái này gọi là Tập thì đúng như thật nó là Tập, là sự tụ họp chứa nhóm, dù Phật có ra đời hay không thì chúng vẫn là ái, là tập. Chúng làm cho pháp giới tồn tại, tất cả Phật Như Lai đều tự nhiên thấu suốt, đều hiểu biết đúng đắn mà tuyên nói, trình bày, đặt thành vấn đề, mà phân biệt chỉ bày làm nó được rõ ràng sáng tỏ. Nghĩa là đây là ái, đây là tập, đây là tính chất của các ái và đây là tính chất của tập. Đó là điều chân thật đúng đắn nhất, không hề hư vọng, không hề điên đảo, lầm lẫn, đổi khác, nên gọi là Tập đế.

Lại còn khổ tập Thánh đế là cái giả lập trên danh tưởng ngôn thuyết, trên trí tưởng nói năng đối đãi, gọi là Thánh đế, quá khứ hằng sa Phật và hàng đệ tử đều đặt ra tên gọi như thế.

3. Thế nào là khổ diệt Thánh đế?

Đáp: Nghĩa là có các ái rồi sau đó thì vui mừng ham thích các ái và cùng đi (sống chung) với ái dục, ai ai cũng ham thích ái… Với các việc như thế thì đoạn trừ dứt hẳn không sót chút gì, là buông bỏ, biến đổi mà mửa ra thật hết, lìa bỏ hết, tiêu diệt hết các nhiễm trước, là tịch tĩnh vắng lặng cùng cực, là không còn gì cả… Như thế nói vắn tắt là khổ diệt Thánh đế (sự diệt hết các khổ). Nếu như rộng nói thì cái ái thứ hai, thứ ba sau đó sẽ có cái thứ tư, thứ năm, thứ sáu và tất cả các pháp chẳng thiện, tất cả các pháp thiện hữu lậu, tất cả mọi sự ràng buộc của tùy miên và tùy phiền não… Tất cả những thứ đó buông xả, biến đổi nôn mửa ra thật hết, lìa bỏ hết, tiêu diệt hết các nhiễm trước, là tịch tĩnh vắng lặng cùng cực, là không còn gì cả…, các thứ đó đều gọi là khổ diệt Thánh đế.

Vì sao là các thứ ái rồi sau đó thì vui mừng ham thích các ái, cùng sống chung với các ái, và ai ai cũng ham thích các ái…, mà đoạn dứt không còn gì, là buông bỏ biến đổi, nôn mửa ra cho thật hết, lìa bỏ hết, tiêu diệt hết các trước nhiễm, là tịch tĩnh vắng lặng cùng cực, là không còn gì cả…, thì đều gọi là khổ diệt Thánh đế? Nghĩa là bốn thứ ái này nếu chưa đoạn dứt, chưa biết khắp, chưa tiêu diệt, chưa nôn mửa ra thật hết thì sau này, nhiều đời sau, các quả khổ sẽ nối tiếp nhau mà khởi lên hiện rõ ra. Còn như đã đoạn trừ dứt, đã biết khắp, đã tiêu diệt, đã mửa ra hết rồi thì sau này, nhiều đời sau này các quả khổ sẽ không còn sinh ra được nữa, cho nên sự đoạn dứt này là khổ diệt Thánh đế.

Vì sao mà từ cái ái thứ hai, thứ ba, rồi sau đó sẽ có cái thứ tư, thứ năm, thứ sáu và tất cả các pháp chẳng thiện, tất cả pháp thiện hữu lậu, tất cả các thứ trói buộc chặt chẽ của tùy miên và tùy phiền não…, nếu dứt trừ hết không còn sót chút gì, lìa bỏ hết, buông bỏ hết, biến đổi mửa ra thật hết, tiêu diệt hết các nhiễm trước, là tịch tĩnh vắng lặng cùng cực, là không còn gì cả…, thì đều gọi là khổ diệt Thánh đế? Nghĩa là các pháp này, nếu chưa đoạn dứt, chưa biết khắp, chưa tiêu diệt hết, chưa ói mửa ra hết, thì sau này, nhiều đời sau này các quả khổ sẽ nối tiếp nhau mà sinh ra và khởi lên. Còn khi đã đoạn dứt, đã biết khắp, đã tiêu diệt hết, đã ói mửa ra hết thì các quả khổ sau này sẽ không thể nào sinh lại được. Cho nên sự đoạn dứt này gọi là khổ diệt Thánh đế. Tức là khổ diệt Thánh đế này cũng gọi là nhà cửa, cũng gọi là bến bãi, cũng gọi là nơi cứu độ, cũng gọi là chốn nương thân (trở về nơi nương nhờ). Cũng gọi là chỗ cần đến, cũng gọi là chỗ vô ưu, không lo sầu, cũng gọi là không bệnh hoạn, cũng gọi là bất tử không còn chết chóc, cũng gọi là không bị thiêu đốt, cũng gọi là không bứt rứt nóng nảy, cũng gọi là nơi an ổn, nơi mát mẻ, nơi vắng lặng tịch tĩnh, cũng gọi là việc thiện, là điềm tốt, cũng gọi là cõi an lạc, bất động và cũng gọi đó là cõi Niếtbàn. Như nói Niết-bàn là sự diệt khổ chân thực, là quả vị rốt ráo của Sa-môn.

Các sự đoạn diệt như thế thì gọi là Diệt đế, thì tên Niết-bàn này là đúng như thật, Niết-bàn đó ở đây gọi là diệt thì đúng là diệt, dù Đức Phật có ra đời hay không thì nó vẫn là diệt, là Niết-bàn từ lâu, pháp này làm cho pháp giới tồn tại, tất cả Phật Như Lai đều tự nhiên thấu suốt, đều hiểu biết đúng đắn mà tuyên nói trình bày, đặt thành vấn đề, và phân biệt chỉ bày khiến nó càng rõ ràng sáng tỏ. Nghĩa là đây là Niếtbàn, đây là diệt, đây là tính chất Niết-bàn, đây là tính chất của diệt. Đó là điều chân thật, đúng đắn nhất, chẳng hề hư vọng, chẳng hề điên đảo lầm lẫn sai khác, nên gọi là Diệt đế.

Gọi là Thánh đế, Thánh tức là chư Phật và hàng đệ tử của Phật. Đây là Thánh đế, nghĩa là các vị Thánh ấy đều thấy biết hiểu rõ các điều đó. Biết rõ nó là chân thật, đúng đắn, chắc chắn đó là Đế. Do đó gọi là Thánh đế.

Lại còn khổ diệt Thánh đế là cái giả lập trên danh tưởng ngôn thuyết, trên trí tưởng nói năng đối đãi, gọi là Thánh đế. Quá khứ Hằng sa Phật và hàng đệ tử đều cùng đặt ra tên gọi như thế.

4. Thế nào là đạo đưa đến diệt khổ Thánh đế?

Đáp: Gọi là đạo hoặc là Thánh hạnh (hạnh của Phật), thì ở quá khứ – hiện tại – vị lai đối các khổ đều có thể luôn đoạn dứt, luôn buông xả, luôn biến đổi, nhả ra hết, luôn lìa nhiễm, luôn diệt trừ, luôn vắng lặng, luôn biến mất không còn gì…, phải chăng đó gọi là tám chi Thánh đạo? Nó gồm có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh cần, chánh niệm, chánh định.

Thế nào là Chánh kiến? Nghĩa là hàng đệ tử Phật đối với khổ-tập -diệt-đạo mà suy tư tìm xét về khổ-tập-diệt-đạo, luôn luôn tác ý tương ưng với vô lậu và có bao nhiêu cách tuyển chọn thì nên tuyển chọn kỹ lưỡng, cùng cực hiểu rõ, hiểu tất cả, hiểu gần. Thấu hiểu mọi lẽ cơ mật kín đáo, xét biết thấu đáo sáng suốt, hiểu biết rõ ràng tinh tường và Tỳbát-xá-na. Đó gọi là Chánh kiến.

Thế nào là Chánh tư duy? Nghĩa là hàng đệ tử Phật đối với khổ- tập- diệt- đạo mà suy tư tìm xét về khổ-tập-diệt-đạo, luôn luôn tác ý tương ưng với vô lậu và có bao nhiêu sự tìm xét thì đều suy tư tìm xét kỹ, tìm cầu tất cả, xét tìm tất cả… khiến cho tâm đối với các pháp còn thô động phải thay đổi thành tinh tế. Đó gọi là Chánh tư duy.

Thế nào là Chánh ngữ? Nghĩa là hàng đệ tử Phật luôn suy tư tìm xét về khổ-tập-diệt-đạo, luôn luôn tác ý tương ưng với vô lậu và có sức suy tư chọn lựa mà từ bỏ đời sống sai trái với bốn loại lời nói xấu ác. Đối với những lời thô ác còn lại phải thực hành cho được vô lậu, xa lìa, từ bỏ được, từ bỏ tiếp cận, từ bỏ tận cùng. Sống đời sống giới hạnh tịch tĩnh vắng lặng, không làm không gây tạo, buông bỏ tất cả, luôn tự giữ mình, như thuyền bè cầu bến, bờ đê, tường rào, hào rãnh, đối với những gì ngăn chế đều không vượt rào, có tự tánh không vượt bỏ khuôn phép. Đó là Chánh ngữ.

Thế nào là Chánh nghiệp? Nghĩa là hàng đệ tử Phật luôn suy tư tìm xét về khổ-tập-diệt-đạo, luôn luôn tác ý tương ưng với vô lậu và có sức suy xét chọn lựa kỹ mà từ bỏ đời sống tà đạo với ba hạnh xấu của thân. Còn đối với các hạnh ác khác của thân thì được vô lậu, biết từ bỏ… cho đến không biểu hiện ra thân nghiệp. Đó là Chánh nghiệp.

Thế nào là Chánh mạng? Nghĩa là hàng đệ tử Phật luôn suy tư tìm xét về khổ-tập-diệt-đạo, luôn luôn tác ý tương ưng với vô lậu và có sức suy xét chọn lựa kỹ mà từ bỏ đời sống tà đạo với ba hạnh ác của thân và bốn hạnh ác của miệng đều được vô lậu, biết từ bỏ…, cho đến không biểu hiện ra thân nghiệp và ngữ nghiệp. Đó là Chánh mạng.

Thế nào là Chánh cần (chánh tinh tấn)? Nghĩa là hàng đệ tử Phật luôn suy tư tìm xét về khổ-tập-diệt-đạo, luôn luôn tác ý tương ưng với vô lậu, với hết thảy sự siêng năng chuyên cần, với sức lực rất mạnh mẽ, hăng hái tột độ rất khó can ngăn, lòng cố gắng mãi không. Đó là Chánh cần.

Thế nào là Chánh niệm? Nghĩa là hàng đệ tử Phật luôn suy tư tìm xét về khổ-tập-diệt-đạo, luôn luôn tác ý tương ưng với vô lậu, hết thảy niệm nghĩ nhớ theo, nghĩ nhớ, chuyên chú riêng lẻ, ghi nhớ không quên mất, không mất pháp tánh, có tính chất của tâm sáng suốt, ghi nhớ lâu. Đó là Chánh niệm.

Thế nào là Chánh định? Nghĩa là hàng đệ tử Phật luôn suy tư tìm xét về khổ-tập-diệt-đạo, luôn luôn tác ý tương ưng với vô lậu hết thảy trụ vào tâm, không phân tán, không loạn động, luôn nhiếp giữ ngăn trừ tất cả. Có tự tánh của tâm chuyên chú vào một cảnh. Đó là Chánh định.

Như thế với tám chi Thánh đạo vừa nói cùng với các hạnh vô lậu khác…, thì gọi là đạo dẫn đến chỗ diệt khổ.

Như nói Thánh hạnh là chân thật, là đạo rốt ráo lìa các khổ đạt đến Niết-bàn.

Vì có Thánh hạnh như thế, nên gọi là Đạo đế. Nghĩa là với các Thánh hạnh chân thật này, thì Thánh đạo đó gọi là Đạo. Đó là đạo chân thật, dù Phật có ra đời hay không thì nó vẫn là đạo pháp như thế. Pháp đó làm cho pháp giới tồn tại, tất cả Phật Như Lai đều tự nhiên thấu suốt, hiểu biết đúng đắn mà tuyên nói trình bày, đặt thành vấn đề, phân biệt chỉ bày, khiến nó càng rõ ràng sáng tỏ. Nghĩa là đây là Thánh hạnh, đây là tính chất của đạo. Đó là điều chân thật, đúng đắn nhất, không hề hư vọng, không hề điên đảo lầm lẫn sai khác, nên gọi là Đạo đế.

Gọi là Thánh đế, Thánh tức là chư Phật và hàng đệ tử Phật. Đây là Thánh đế, nghĩa là các vị Thánh đó đều thấy biết hiểu rõ các điều này. Biết rõ nó là chân thật, đúng đắn, chắc chắn là Đế. Do đó gọi là Thánh đế.

Lại còn đạo đưa đến chỗ diệt khổ Thánh đế là đều giả lập trên danh tưởng ngôn thuyết, trên trí tưởng nói năng đối đãi, gọi là Thánh đế. Vì Hằng sa Phật quá khứ và hàng đệ tử đều đặt thành tên gọi như thế.