LUẬN GIẢI THOÁT ĐẠO 
(Con đường giải thoát)
A-la-hán Ưu-ba-để-sa tạo luận
Tam tạng Tăng-già-bà-la dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 11

Phẩm 11: NĂM PHƯƠNG TIỆN 2

Hỏi: Thế nào là Thánh đế phương tiện?

Đáp: Đó là 4 Thánh đế: Khổ Thánh đế, khổ tập Thánh đế, khổ diệt Thánh đế và khổ diệt đạo Thánh đế.

Hỏi: Thế nào là khổ Thánh đế?

Đáp: Là sinh khổ, già khổ, chết khổ, ưu khổ, ưu bi khổ, phiền não khổ, khổ khổ là khổ, oán ghét gặp nhau khổ, thương yêu xa lià khổ, cầu không được khổ, nói tóm lại 5 thụ ấm đều là khổ.

Sinh khổ, có nghiã là, nơi các loài chúng sinh, khi các ấm sinh khởi. Sinh khổ có nghĩa là tập hợp tất cả khổ.

Già khổ, có nghiã là, tất cả các giới do sinh ra rồi già suy, mất đi sức lực, màu sắc, năng lực của trí nhớ và trí tuệ.

Chết khổ, có nghiã là, thọ mạng chấm dứt khiến lòng sợ hãi.

Ưu khổ, có nghiã là, khi gặp đau khổ, tâm lo sợ, lòng như thiêu đốt.

Ưu bi khổ, có nghiã là, khổ đến thốt ra lời than thở, như trong ngoài bị thiêu đốt.

Khổ khổ, có nghiã là, thân đau khổ, cái khổ ấy lại làm nguyên nhân gây khổ thêm cho thân.

Não khổ, có nghiã là, tâm khổ, nguyên nhân làm cho tâm khổ.

Oán ghét gặp nhau khổ, có nghiã là, cùng phải hòa hợp với kẻ khó thương, khiến sinh khổ.

Thương yêu xa lìa khổ, có nghiã là, chia lià người thân yêu, vì phân tán biệt ly nên khổ.

Cầu không được khổ, có nghiã là, muốn tránh xa người mình ghét mà không được, muốn gần người mình thương mà không được, phải mất đi sự an vui. Nói tóm lại 5 thụ ấm khổ có nghiã là, 5 ấm không táh rời tất cả khổ cho nên 5 thụ ấm đều là khổ.

Hỏi: Những gì là 5 thụ ấm?

Đáp: Sắc thụ ấm, thống thụ ấm, tưởng thụ ấm, hành thụ ấm, thức thụ ấm. Đó là 5 thụ ấm như đã được nói rộng trong phần Ấm phương tiện, có thể hiểu được.

Như vậy, có 2 thứ khổ là xứ khổ và tự tính khổ.

Khổ vì sinh, vì chết, vì oán ghét gặp gỡ, vì thương yêu chia lià, vì tìm cầu không được, nói tóm lược là 5 thụ ấm, là xứ khổ, tức hoàn cảnh nơi khởi sinh sự khổ.

Ưu khổ, ưu bi khổ, não khổ, được gọi là tự tính khổ, tức bản chất của sự khổ..

Khổ cũng có 3 loại là khổ khổ, hoại khổ, và hành khổ.

Thân khổ, tâm khổ, đó là khổ khổ.

Các thú vui hữu lậu khi các sở duyên hoại diệt thì sinh khổ, đó gọi là hoại khổ.

Năm thụ ấm đều là hành khổ.

Trên đây là nói về khổ Thánh đế.

Hỏi: Thế nào là khổ tập Thánh đế?

Đáp: Khổ tập có 3 thứ sinh khởi: 1. Ái khiến tái sinh. 2. Cùng khởi với dục. 3. Khởi khắp nơi nơi.

Ái là chỉ cho dục ái, hữu ái và bất hữu ái. Ái khiến cho tái sinh, là chỉ cho vì do ái làm nhân có được thành nhiều, rồi lại khiến hữu sinh ái. Khổ tập không chung cùng với ái, do đó mới biết có khổ tập.

Cùng khởi với dục, có nghiã là, chỉ có dục ái có thể làm cho sinh khởi vui thích, làm cho vui thích tức làm cho sinh nhiễm. Nói khởi tức là nói nhiễm. Do đó nói dục với nhiễm cùng khởi lên hoan hỷ.

Khởi khắp nơi có nghiã là, ở nơi nơi, khiến thân tính sinh khởi. Nơi nào có sắc khả ái, thì thân tính khởi vui thích ở nơi ấy.

Ở đây dục ái, hữu ái, bất hữu ái, ngoại trừ hữu ái và bất hữu ái ra, tất cả còn lại là dục ái .

Hữu ái cùng khởi với thường kiến.

Phi hữu ái thì cùng khởi với đoạn kiến.

Trên đây là nói về khổ tập Thánh đế.

Hỏi: Thế nào là khổ tập diệt thánh đế?

Đáp: Là trừ ái ra không còn gì khác muốn diệt. Trừ xả ra, xuất ly giải thoát, không còn có hành xứ nào khác. Đó gọi là khổ tập diệt Thánh đế..

Hỏi: Đã là khổ tập diệt, sao Thế Tôn lại nói là khổ nhân diệt?

Đáp: Khổ nhân diệt nên thành không sinh không diệt. Vì phải đối chứng nghĩa, mới nói là khổ tập diệt. Do đó Thế Tôn nói khổ khổ nhân diệt.

Trên đây là nói khổ tập diệt Thánh đế.

Hỏi: Thế nào là khổ diệt đạo Thánh đế?

Đáp: Đó là Bát Chính Đạo phần, là 8 con đường diệt khổ.

Bát Chính Đạo gồm: 1. Chính kiến. 2. Chính tư duy. 3. Chính ngữ. 4. Chính nghiệp. 5. Chính mạng. 6. Chính tinh tiến. 7. Chính niệm. 8. Chính định.

Chính kiến, là trí tuệ hiểu rõ 4 Thánh đế.

Chính tư duy, là 3 tư duy thiện, là lìa dục, từ ái, không hại.

Chính ngữ, là lià bỏ 4 ác hành về miệng là nói thêu dệt, nói dối, nói đâm thọc, nói lời thô ác.

Chính nghiệp, là lìa bỏ 3 hành động xấu ác về thân là sát sinh, trộm cướp, dâm dục.

Chính mạng, là lìa xa lối sống không chân chính, tức nghiệp thân, miệng, ý thanh tịnh.

Chính tinh tiến, là 4 chính cần, tức ác đã sinh khiến diệt, ác chưa sinh khiến không sinh, thiện chưa sinh khiến sinh, thiện đã sinh khiến tăng trưởng.

Chính niệm, là 4 niệm xứ, tức thân, thụ, tâm, pháp.

Chính định, là 4 cấp của thiền định.

Lại nữa, người tu hành Thánh đạo, đạt được tri kiến về Nêhoàn, đó gọi là chính kiến.

Giác ngộ được Nê-hoàn, đó gọi là chính tư duy.

Dứt bỏ lời nói tà vạy, đó là chính ngữ.

Dứt bỏ tà nghiệp, đó là chính nghiệp.

Dứt bỏ tà mạng, đó là chính mạng.

Dứt bỏ tà tinh tiến, đó là chính tinh tiến.

Niệm nhớ nghĩ đến Nê-hoàn, đó là chính niệm.

Luôn chuyên tâm nhất trí đến Nê-hoàn, đó là chính định.

Như vậy, tuệ căn, tuệ lực, tuệ như ý túc, trạch pháp giác phần, nhập vào trong chính kiến.

Tinh tiến căn, tinh tiến lực, tinh tiến như ý túc, dục như ý túc, tinh tiến giác phần, 4 chính cần, nhập vào trong chính tinh tiến.

Niệm căn, niệm lực, niệm giác phần, 4 niệm xứ, nhập vào trong chính niệm.

Định căn, định lực, tâm như ý túc, tín căn, tín lực, định giác phần, hỷ giác phần, khinh an giác phần, xả giác phần, nhập vào trong chính định.

Trên đây là 37 pháp Bồ-đề, nhập vào trong 8 chính đạo.

Trên đây là nói về khổ diệt đạo Thánh đế Trên đây là nói về 4 Thánh đế.

Hỏi: Vì sao chỉ nói 4 Thánh đế, mà không phải 3 hay 5?

Đáp: Đế nhân thế gian, đế quả thế gian, đế nhân xuất thế gian, đế quả xuất thế gian, 4 pháp nhân quả này có thể giải đáp tất cả nghi vấn.

Hỏi: Thế nào là nhân và quả ở thế gian và xuất thế?

Đáp: Khổ tập Thánh đế là đế nhân thế gian, đế quả thế gian.

Khổ tập diệt Thánh đế là đế quả xuất thế gian.

Khổ diệt đạo Thánh đế là đế nhân xuất thế gian. Vì lẽ đó, chỉ có 4 pháp.

Lại nữa, do 4 câu: Khổ phải biết. Tập phải đoạn. Diệt phải chứng. Đạo phải tu. Vì 4 hành pháp đối ứng mà Thánh đế chỉ có 4 thứ.

Có thể dùng 11 thứ hành pháp có thể hiểu biết 4 Thánh đế: 1. Do nghiã câu. 2. Do tướng. 3. Do thứ lớp. 4. Do tóm lược. 5. Do thí dụ. 6. Do phân biệt. 7. Do số. 8. Do đồng nhất. 9. Do nhiều thứ. 10. Do thứ lớp rộng. 11. Do thâu nhiếp.

Hỏi: Thế nào là do nghiã câu có thể biết 4 Thánh đế?

Đáp: Thánh đế, là pháp do Thánh nhân nói, pháp đó có thể thông suốt nhân duyên giải thoát, cho nên gọi là Thánh đế.

Đế, là nghiã như thị, không đổi khác, tự tướng không đổi thay.

Khổ, là nghĩa của quả.

Khổ tập, là nghĩa của nhân.

Khổ tập diệt, là nghĩa của tùy diệt.

Khổ diệt đạo, là có thể thấy đệ nhất nghiã.

Như vậy là do cú nghiã có thể biết 4 Thánh đế.

Hỏi: Thế nào là do tướng có thể biết 4 Thánh đế?

Đáp: Khổ, là tướng của tội lỗi.

Khổ tập, là tướng của nhân.

Khổ tập diệt là tướng của sự không sinh.

Khổ diệt đạo là tướng của các phương tiện.

Lại nữa, khổ là tướng bức bách phiền não, của âu lo, là tướng hữu vi, tướng có giới hạn.

Khổ tập, là tướng tụ tập, tướng nhân duyên, tướng hoà hợp, tướng đeo bám.

Khổ tập diệt, là tướng xuất ly, tướng tịch tĩnh, tướng vô vi, tướng Đề hồ.

Khổ diệt đạo, là tướng chuyên chở, tướng đến nơi, tướng thấy rõ, tướng nương tựa được.

Trên đây là nói do các tướng không giống nhau có thể biết 4 Thánh đế.

Hỏi: Thế nào là do thứ lớp có thể biết 4 Thánh đế?

Đáp: Là dùng tâm sơ khởi và tâm cầu chứng sinh khởi thứ lớp.

Tâm mới khởi là thứ nhất khổ đế. Khổ sinh khởi tập là thứ hai khổ tập đế. Khổ tập đoạn diệt là thứ ba khổ tập diệt đế. Dùng pháp phương tiện như thật đoạn diệt khổ tập là thứ tư khổ diệt đạo đế.

Ví như người thầy thuốc giỏi, trước chẩn đoán căn nguyên của bệnh, sau tìm nguyên do gây bệnh, rồi để trừ dứt bệnh mới xét bệnh lý mà cho thuốc.

Trong thí dụ này, bệnh là khổ, nhân duyên gây bệnh là khổ tập, trừ dứt tật bệnh là khổ tập diệt, thuốc đây là khổ diệt đạo, tức con đường diệt khổ.

Trên đây là nói do thứ lớp có thể biết 4 Thánh đế.

Hỏi: Sao gọi là do pháp nói giản lược có thể biết 4 Thánh đế?

Đáp: Sinh là khổ. Khiến cho sinh là tập. Khổ ngừng là diệt. Khiến cho ngừng là đạo.

Nơi có phiền não là khổ. Phiền não là tập. Đoạn phiền não là diệt. Phương tiện để đoạn phiền não là đạo.

Khổ có thể khởi mở cửa thân kiến. Tập có thể mở cửa đoạn kiến. Diệt có thể khởi mở cửa thường kiến. Đạo có thể mở cửa tà kiến.

Trên đây là dùng pháp giản lược có thể biết 4 Thánh đế.

Hỏi: Thế nào là dùng thí dụ?

Đáp: Như dùng cây độc làm thí dụ:

Cây độc là khổ đế. Hạt giống của cây đó là tập. Thiêu đốt hạt giống là diệt. Lửa đốt là đạo.

Dùng bờ bên kia làm thí dụ:

Bờ bên nầy có đau khổ, có sợ hãi là khổ. Khổ như dòng nước chảy là tập. Bờ bên kia không đau khổ không sợ hãi là diệt. Như pháp thuyền có thể vượt dòng sang sông là đạo.

Dùng gánh nặng làm thí dụ:

Gánh nặng là khổ. Đang gánh gánh nặng là tập. Buông gánh nặng xuống là diệt. Phương pháp để trút bỏ gánh nặng là đạo.

Trên đây là nói dùng thí dụ có thể biết 4 Thánh đế.

Hỏi: Thế nào là dùng phân biệt có thể biết 4 Thánh đế?

Đáp: Dùng 4 loại đế lý có thể phân biệt 4 Thánh đế: 1. Ngữ đế. 2. Các các đế. 3. Đệ nhất nghiã đế. 4. Thánh đế.

Ngữ đế, là nói lời chân thật, không nói lời không chân thật, đó là ngữ đế. Các các đế, là dùng đại nhập vào các kiến, đó gọi là các các đế. Như Tì-kheo vọng ngữ ngu si pháp, hoặc Tì-kheo không vọng ngữ ngu si pháp, là các các đế. Đệ nhất nghĩa đế là Nê-hoàn. Thánh đế, là chân lý tu hành của Thánh nhân, và chúng ta cũng ưa thích tu hành Thánh đế này.

Trên đây là nói dùng sự phân biệt có thể biết 4 Thánh đế.

Hỏi: Thế nào là dùng số có thể biết 4 Thánh đế?

Đáp: Trừ ái ra, các pháp thiện, bất thiện và vô ký nơi 3 điạ Dục, Sắc, Vô sắc là khổ đế. Ái là tập đế. Đoạn ái là diệt đế. Bát chính đạo là đạo đế.

Lại nữa, ngoại trừ ái và các phiền não khác, các pháp thiện, bất thiện và vô ký nơi 3 điạ Dục, Sắc, Vô sắc là khổ đế. Ái và các phiền não khác là tập đế. Đoạn ái và các phiền não khác là diệt đế. Con đường đoạn trừ đó là đạo đế.

Lại nữa, ngoại trừ ái và phiền não khác, tất cả những bất thiện, các pháp thiện và hữu ký nơi 3 điạ Dục, Sắc, Vô sắc là khổ đế. Ái và các phiền não khác và tất cả các bất thiện là tập đế. Đoạn ái và tất cả bất thiện khác là diệt đế. Con đường đoạn ái và các phiền não khác cùng tất cả bất thiện, là đạo đế.

Lại nữa, ngoại trừ ái, các phiền não khác, tất cả các bất thiện ra, các pháp bất thiện và vô ký trong 3 địa Dục, Sắc, Vô sắc, là khổ đế. Ái, các phiền não khác và tất cả các bất thiện, các pháp thiện nơi 3 điạ Dục, Sắc, Vô sắc, là tập đế. Đoạn ái, các phiền não khác, tất cả bất thiện là diệt đế. Con đường đoạn ái, các phiền não khác, tất cả bất thiện là đạo đế.

Như vậy, ở đây tìm cầu sự thích thú tức là ái. Tập, là hữu sử trói buộc, các phiền não khác là tập. Vì có thể đoạn, vì khiến khởi hữu, cho nên ái và các phiền não khác cùng tất cả bất thiện đều là tập.

Tất cả các bất thiện, các thiện pháp trong 3 địa Dục, Sắc, Vô sắc, hoặc thành khổ đế, hoặc thành tập đế. Những phiền não bức bách, lo âu, tướng hữu vi, hữu biên, nên thành khổ đế. Tụ tập nhân duyên, chấp trước tướng hoà hợp, nên thành tập đế.

Trên đây là dùng số có thể biết 4 Thánh đế.

Hỏi: Thế nào là dùng tính đồng nhất có thể biết 4 Thánh đế?

Đáp: Bốn Thánh đế do 4 hành mà thành 1 tính đồng nhất. Bốn hành là: 1. Theo nghiã của đế. 2. Theo nghiã của chân như. 3. Theo nghiã của pháp. 4. Theo nghiã của không.

Trên đây là nói do tính đồng nhất có thể biết biết 4 Thánh đế.

Hỏi: Thế nào là do nhiều thứ khác nhau có thể biết 4 Thánh đế?

Đáp: Nhiều thứ khác nhau có thể quy nạp vào 2 đế là thế đế và xuất thế đế.

Thế đế là pháp hữu lậu, có kết sử, có trói buộc, có lưu chuyển, có ách nạn, có che khuất, có chạm xúc, có chấp thủ, có phiền não, đó gọi là khổ đế và tập đế.

Xuất thế đế là pháp vô lậu, không kết sử, không trói buộc, không lưu chuyển, không ách nạn, không che khuất, không xúc chạm, không chấp thủ, không phiền não, đó gọi là diệt đế và đạo đế.

Khổ, tập, đạo 3 đế là pháp hữu vi.

Diệt đế là pháp vô vi.

Tập, diệt, đạo 3 đế là pháp không có hình sắc.

Khổ đế là pháp có hình sắc hoặc không có hình sắc.

Tập đế là pháp bất thiện.

Đạo đế là pháp thiện.

Diệt đế là pháp vô ký.

Khổ đế là pháp vừa thiện, bất thiện và vô ký.

Khổ đế có thể hiểu biết được. Tập đế có thể đoạn trừ được. Diệt đế có thể chứng được. Đạo đế có thể tu hành được.

Trên đây là nói do các thứ khác nhau có thể biết 4 Thánh đế.

Hỏi: Thế nào là do thứ lớp rõ ràng có thể biết 4 Thánh đế?

Đáp: Thứ nhất: Có thức thân là khổ. Ngã mạn là tập. Đoạn ngã mạn là diệt. Thân niệm xứ là đạo.

Thứ 2: Danh sắc là khổ, là vô minh. Hữu ái là tập. Đoạn hữu ái là diệt. Xa-ma-tha và Tì-bà-xá-na là đạo.

Thứ 3: Khổ khổ là khổ đế. Ba căn bất thiện, tức tham, sân, si, là tập. Đoạn trừ 3 căn bất thiện là diệt. Giới, định, tuệ là đạo.

Thứ 4: Bốn tính nơi thân, tức sinh, lão, bệnh, tử, là khổ, 4 điên đảo, tức thường, lạc, ngã, tịnh, là tập. Đoạn 4 điên đảo là diệt. Bốn niệm xứ, tức thân, thụ, tâm, pháp, là Đạo.

Thứ 5: Năm nẻo luân hồi, tức địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, trời, là khổ. Năm thứ che khuất, tức tham dục, sân nhuế, thụy miên, điệu hối, nghi pháp, là tập. Đoạn trừ 5 sự che khuất là diệt. Năm căn, tức tín, tiến, niệm, định, tuệ, là đạo.

Thứ 6: Sáu căn tiếp xúc, tức nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý, là khổ. Sáu thứ khát ái của thân, tức sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, là tập. Đoạn trừ 6 thứ khát ái của thân là diệt. Sáu pháp xuất ly, tức bố thí, giữ giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, Bát-nhã, là đạo.

Thứ 7: Bảy thức trụ, tức nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý giới, ý thức giới, là khổ. Bảy kết sử, tức dục ái, sân nhuế, hữu ái, ngã mạn, vô minh, tà kiến, nghi pháp, là tập. Đoạn trừ 7 kết sử là diệt. Bảy Bồ-đề phần, tức trạch pháp, tinh tiến, hỷ, khinh an, niệm, định, xả, là đạo.

Thứ 8: Tám pháp thế gian, tức lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc, là khổ. Tám tà biên, tức tà kiến, tà tư duy, tà ngữ,tà nghiệp, tà mạng, tà phương tiện, tà niệm, tà định, là tập. Đoạn trừ 8 tà biên là diệt. Tám chính phần, tức chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tiến, chính niệm, chính định, là đạo.

Thứ 9: Chín cảnh giới cư trú của chúng sinh, tức thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hóa sinh, có hình sắc, không hình sắc, có tưởng, không có tưởng, phi hữu tưởng phi vô tưởng, là khổ. Chín nguồn gốc của sự khát ái, tức tham ái, sân nhuế, kiêu căng, ngu si, nghi pháp, tà kiến, thủ kiến, xan, tật đố, là tập. Đoạn trừ 9 ái căn nầy là diệt. Chín tác ý chân chính, tức ngược lại 9 ái căn, là đạo.

Thứ 10: Mười phương tiện hành, tức bố thí, giữ giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ, đại từ, đại bi, giác ngộ, bất thoái, là khổ. Mười kết sử, tức tham, sân, si, mạn, nghi, thân, biên, tà, kiến thủ, giới cấm thủ, là tập. Đoạn trừ các kết sử là diệt. Mười tưởng, tức 10 niệm xứ, hoặc 10 hoại tưởng, là đạo.

Trên đây là nói theo thứ tự rộng 10 pháp có thể biết 4 Thánh đế Hỏi: Thế nào là do dùng thâu nhiếp có thể biết 4 Thánh đế?

Đáp: Có 3 thứ thâu nhiếp: 1. Ấm nhiếp. 2. Nhập nhiếp. 3. Giới nhiếp.

Khổ đế được thâu nhiếp trong 5 ấm. Tập đế và đạo đế được thâu nhiếp trong hành ấm. Diệt đế không thâu nhiếp trong các ấm.

Khổ đế được thâu nhiếp trong 12 nhập. Tập, diệt, đạo, 3 đế chỉ thâu nhiếp trong pháp nhập.

Khổ đế được thâu nhiếp trong 18 giới. Tập, diệt, đạo, 3 đế chỉ thâu nhiếp trong pháp giới.

Trên đây là nói dùng sự thâu nhiếp có thể biết 4 Thánh đế.

Trên đây nói 11 thứ hành pháp thù thắng có thể biết và khiến khởi 4 Thánh đế. Đó gọi là Thánh đế phương tiện.

( Xong phần nói về Thánh đế phương tiện )

Phẩm 12: PHÂN BIỆT ĐẾ 1

Bấy giờ, người tu thiền đã hiểu rõ ấm, giới, nhập, nhân duyên và đế, 5 pháp phương tiện, đã được nghe nói đến giới, hạnh Đầu-đà thiền.

Vì phàm phu chưa giải thoát nên lo sợ sự tái sinh vào các nẻo dữ, tưởng đến sinh tử từ vô thủy mà lo sợ, tưởng về 1 sát-na không thể được, tưởng đến thí dụ 300 cây giáo nhọn cùng đâm một lúc, tưởng đến thí dụ lửa cháy đầu, mà còn chưa thể phân biệt 4 Thánh đế, thì phải dùng các pháp phương tiện để đạt được trí tuệ có thể phân biệt 4 Thánh đế, phải tinh tiến dũng mãnh, chuyên tâm duyên niệm 4 Thánh đế, để có đầy đủ trí tuệ có thể phân biệt 4 Thánh đế.

Hỏi: Như vậy phải làm thế nào?

Đáp: Người tu thiền tu tập pháp 4 Thánh đế, trước hết phải nghe giảng 4 Thánh đế, hoặc bằng phương pháp vắng tắt, hoặc phương pháp nói rộng chi tiết rõ ràng, hoặc vừa vắng tắt vừa mở rộng, rồi do theo văn, theo nghiã kinh, đọc tụng thụ trì 4 Thánh đế.

Bấy giờ, người tu thiền ngồi yên tĩnh, dùng tâm không loạn, tâm không đến không đi, khởi niệm 4 Thánh đế.

Trước hết dùng ấm, nhập, giới khởi khổ Thánh đế.

Ấm, tức là dùng tự tướng, dùng tướng của ấm khởi khổ Thánh đế. Về hành pháp thì xem phần Ấm phương tiện có nói rõ.

Nhập, tức là dùng tự tướng, dùng tướng của nhập khởi khổ Thánh đế. Về hành pháp thì xem phần Nhập phương tiện có nói rõ.

Giới, tức là dùng tự tướng, dùng tướng của giới khởi khổ Thánh đế. Về hành pháp thì xem phần Giới phương tiện có nói rõ.

Bấy giờ người tu thiền đã hoàn toàn hiểu rõ ấm, nhập, giới. Trong tâm chỉ có ấm, nhập, giới mà thôi, không có chúng sinh, không có thọ mạng. Khổ Thánh đế đã khởi, là người tu thiền đã được hành và tưởng.

Bấy giờ, sau khi đã được hành và tưởng, người tu thiền dùng phương pháp vắng tắt tóm lược khiến khởi 2 pháp là danh và sắc.

Trong đây, sắc ấm là 10 nhập, 10 giới thuộc về sắc.

Bốn ấm thụ, tưởng, hành, thức, là ý nhập và 7 giới thuộc về danh, là pháp nhập và pháp giới.

Pháp nhập, pháp giới hoặc thuộc danh, hoặc thuộc dư danh dư sắc.

Dư danh dư sắc, tức là vì sắc không.

Hoặc danh hoặc sắc, tức là vì danh không.

Danh, là vì sắc không tách rời.

Sắc, là vì danh không tách rời.

Ví như cái trống và tiếng trống. Sắc dựa vào danh mà sinh, danh dựa vào sắc mà sinh. Cũng người mù và người què, nương nhau mà đi xa.

Hỏi: Danh và sắc khác biệt nhau như thế nào?

Đáp: Danh không có thân, sắc có thân.

Danh có sở tri, sắc không có sở tri.

Danh di chuyển nhẹ nhàng, sắc di chuyển chậm chạp.

Danh không kết tụ, sắc có kết tụ.

Danh có hiểu, có biết, có tư duy, có nhận thức, sắc không có các thứ ấy.

Sắc có thể đi, dựa, ngồi, nằm, co, duỗi, danh không thể như vậy.

Danh thì, biết ta đi, ta dựa, ta ngồi, ta nằm, ta co, ta duỗi, sắc thì không thể như vậy.

Sắc thì, uống, ăn, nhai, nếm, danh thì không.

Danh thì, biết ta uống, ta ăn, ta nhai, ta nếm, sắc thì không.

Sắc thì vỗ vai, bỡn cợt, cười, khóc, nói năng đủ thứ, danh thì không.

Danh thì biết ta vỗ vai, ta bỡn cợt, ta cười, ta khóc, ta nói năng đủ thứ, sắc thì không.

Đó là chỗ khác nhau giữa danh và sắc.

Bấy giờ người tu thiền đã hoàn toàn hiểu rõ danh và sắc, trong tâm chỉ có danh và sắc mà thôi, không có chúng sinh, không có thọ mạng. Khổ Thánh đế đã khởi và do đó đã được hành và tưởng.

Bấy giờ dùng pháp tóm lược, tri kiến thanh tịnh như thật khiến danh sắc sinh khởi. Đó là khổ Thánh đế.

Trên đây là nói dùng danh sắc làm nhân duyên khiến khởi khổ Thánh đế.

Người tu thiền, ngay khi khởi khổ Thánh đế có thể sinh khởi tư duy về các khổ. Sau đó, nên quán nhân duyên gây khổ.

Hỏi: Khổ đó, do nhân duyên nào, tập hợp ra sao?

Đáp: Người tu thiền đó biết như vầy: Khổ đó do sinh làm nhân duyên. Sinh là, do hữu làm nhân duyên. Hữu là, do thủ làm nhân duyên. Thủ là, do ái làm nhân duyên. Ái là, do thụ làm nhân duyên. Thụ là, do xúc làm nhân duyên. Xúc là, do 6 nhập làm nhân duyên. Sáu nhập là, do danh sắc làm nhân duyên. Danh sắc là, do thức làm nhân duyên. Thức là, do hành làm nhân duyên. Hành là, do vô minh làm nhân duyên.

Như vậy, vô minh duyên hành, hành duyên thức, sinh duyên lão tử, mà thành lo sầu, khổ não. Do đó, khổ ấm thành khởi. Bằng cách đó, người tu thiền dùng pháp quán tưởng rộng mà quán tưởng nhân duyên ràng buộc.

Bấy giờ, dùng pháp tóm lược biết thụ duyên ái mới thành ra khổ tập, nguồn gốc của sự khổ. Hoặc dùng pháp trụ trí, Thánh thủ nhân duyên trí, ly nghi thanh tịnh trí … dùng các thứ trí tuệ này khiến khởi tập đế.

Bấy giờ người tu thiền, trong Tam-muội đã vượt khỏi các pháp nghi ngờ, khiến khởi khổ tập Thánh đế.

Giờ đây, ngay sau khi người tu thiền khởi khổ tập Thánh đế, thì phải quán tưởng khổ tập diệt.

Cái gì diệt thì khổ diệt? Cái gì diệt thì khổ này diệt? Người tu thiền ấy biết rõ rằng sinh đã diệt thì khổ do sinh tạo thành cũng diệt theo. Sinh diệt thì hữu diệt. Hữu diệt thì thủ diệt. Thủ diệt thì ái diệt, cho đến vô minh diệt, hành diệt. Như vậy người tu thiền hiểu rõ 12 pháp nhân duyên theo chiều nghịch: Vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, cho đến sinh diệt, lão tử diệt, ưu bi khổ não diệt. Như vậy là tất cả khổ ấm thành diệt hết.

Như vậy là người tu thiền đã dùng pháp quán rộng quán tưởng sự ràng buộc của nhân duyên mà làm cho tiêu diệt.

Bấy giờ dùng pháp vắng tắt biết thụ duyên ái diệt có thể khiến sở duyên nơi thụ duyên ái khổ tập thành diệt.

Người tu thiền duyên tập 4 pháp Thánh đế như vậy là đã khiến khởi khổ tập diệt Thánh đế.

Ngay sau khi người tu thiền đã làm khởi khổ tập diệt Thánh đế, bấy giờ người ấy phải quán tưởng con đường diệt khổ.

Thế nào là con đường diệt khổ? Vì sao phải ái diệt rồi sau mới có thể đầy đủ con đường diệt khổ?

Người tu thiền ấy tu tập pháp 4 Thánh đế, trong quán tưởng khi đã biết 5 thụ ấm là lỗi lầm thì biết thế nào là con đường diệt khổ, cũng biết chỉ có ái diệt sau mới có thể đầy đủ con đường diệt khổ. Bấy giờ đã khiến khởi Thánh đế con đường diệt khổ, như được nói rộng trong phần Thánh đế phương tiện.

Người tu thiền như vậy trong quán nhân duyên dùng thứ lớp đã khiến khởi 4 Thánh đế.

Người tu thiền ngay sau khi đã khởi 4 Thánh đế, người ấy phải quán tưởng 180 sắc pháp của 5 thụ ấm. Dùng tụ phân biệt, dựa theo thứ tự, quán tưởng các sở hữu sắc, như tất cả sắc quá khứ, vị lai, hiện tại, trong, ngoài, lớn, nhỏ, thô, tinh vi, xa, gần. Dùng pháp vô thường quán rộng rãi tất cả sắc, dùng pháp khổ quán rộng rãi các sắc, dùng pháp vô ngã quán rộng rãi tất cả sắc.

Sắc, thụ, tưởng, hành, thức, mỗi ấm có 12 thứ sắc pháp. Như vậy 5 lần 12 cộng lại là 60 thứ sắc pháp. Do đó 5 ấm tương ưng vô thường kiến có 60 thứ, 5 ấm tương ưng khổ kiến có 60 thứ, và 5 ấm tương ưng vô ngã kiến có 60 thứ, tổng cộng là 180 thứ.

Lại nữa, còn có 180 thứ sắc pháp là: 6 nội nhập, 6 ngoại nhập, 6 thức thân, 6 xúc thân, thụ thân, 6 tưởng thân, 6 tư thân, 6 ái thân, 6 giác thân, và 6 quán thân, 10 lần 6 thành 60 thứ.

Tương ưng với vô thường kiến có 60 thứ, tương ưng với khổ kiến có 60 thứ, và tương ưng với vô ngã kiến có 60 thứ, tổng cộng 3 lần 60 thành 180 thứ.

Dùng pháp vô thường, quán phân biệt vào chính mình nhiều năm, thời gian ngày, tháng, nửa tháng, ngày, đêm, giờ, 1 niệm, 1 sát-na, không ngớt dùng pháp hồi chuyển, luôn đổi mới, như lửa đèn cháy liên tục thành ngọn đèn. Dùng pháp khổ, thực hành quán phân biệt nơi các nẻo ác chịu khổ, đói khát, sợ hãi, mong cầu, thương yêu chia lià, già, bệnh, chết, lo buồn, khổ não. Tất cả các pháp khổ hành đó không ngớt tương ưng liên tục mãi.

Dùng pháp vô ngã thực hành quán phân biệt nơi hành, sắc vô thường. Từ ấm, nhập, giới, nhân duyên, đế, nghiệp, quả báo nhân duyên khiến sinh ra. Ngay khi tất cả các hành sắc này không sinh khởi, ta không động, khi không tạo tác, tự tính thành khởi.

Dùng pháp vắng tắt và pháp mở rộng phân biệt nghĩa của diệt, khổ, sợ, vô ngã, không thật.

Phân biệt nghĩa của thụ, tưởng, hành, thức và vô thường diệt.

Khổ, là nghĩa của sợ sệt.

Vô ngã, là nghĩa của không thật.

Trên đây là dùng pháp vắng tắt và pháp mở rộng làm phân biệt.

Khi đó, vô thường đã phân biệt thì thường tưởng trừ diệt. Khổ đã phân biệt thì lạc tưởng trừ diệt. Vô ngã đã phân biệt thì ngã tưởng trừ diệt.

Hỏi: Thế nào là dùng vô thường mà rộng phân biệt?

Đáp: Là người tu thiền thấy như thật tất cả các hành đều không có hiện hữu, không có diệt mất, người ấy khởi tâm nơi vô tướng và an tâm nơi cảnh giới vô tướng.

Như vậy là dùng vô thường mà rộng phân biệt.

Hỏi: Thế nào là dùng khổ mà rộng phân biệt?

Đáp: Là với tất cả các hành khiến sinh lo sợ mới. Do tạo tác và mong muốn có thể khiến tâm khởi. Tâm an trụ nơi vô tác, vô nguyện. Đó là dùng khổ mà rộng phân biệt.

Hỏi: Thế nào là lấy vô ngã mà rộng phân biệt?

Đáp: Là thấy tất cả pháp, đều khởi tâm chấp cho là thuộc đây thuộc kia. Chỉ có cảnh giới không, là có thể làm an tâm. Đó là cách dùng vô ngã mà rộng phân biệt

Như vậy người tu thiền tu tập 4 pháp Thánh đế dùng phân biệt trí, dùng vô thật trí quán tưởng 3 cõi, 5 nẻo luân hồi, 7 thức, 9 nơi cư trú của các loài chúng sinh để diệt trừ sợ hãi.

( Xong phần nói về Phân biệt trí )

Người tu thiền ấy trong 5 thụ ấm đã phân biệt rõ 3 tướng vô thường, khổ và vô ngã, đoạn tất cả các hành khiến sinh khởi lạc thiền chi.

Bấy giờ, hiện tại 5 thụ ấm bên trong thủ tướng sở duyên khiến tâm thông suốt, sinh khởi diệt trí.

Như vậy, pháp diệt trí xưa nay vốn không tồn tại, tức vô sinh, mà hiện tại sinh khởi, tức hiện sinh, dùng tâm thông suốt khiến sinh đoạn diệt.

Thủ tướng có 3 thứ: 1. Thủ tướng phiền não. 2. Thủ tướng định. 3. Thủ tướng Tì-bà-xá-na.

Phàm phu mê mờ đối với 4 cảnh giới thấy, nghe, hay, biết, thì tưởng là vui là thường còn. Bốn cảnh giới đó làm cho điên đảo khiến tâm phiền não mới khởi ưa chấp lấy tướng này mà sinh phiền não chấp đắm, như con bướm lao vào ngọn lửa đèn.

Đó gọi là nắm giữ tướng phiền não.

Hỏi: Thế nào là nắm giữ tướng định?

Đáp: Người tu thiền muốn được lạc chi thiền định, để buộc niệm vào nơi chính trí, định của sơ tâm, thì dùng 38 hành nắm giữ lấy tướng để không cho tâm tán loạn. Nơi mỗi hành pháp riêng biệt buộc tâm vào tướng như con voi bị cột xích lại.

Đó gọi là nắm giữ tướng định.

Hỏi: Thế nào là nắm giữ tướng Tì-bà-xa-na?

Đáp: Là người dùng quán thường pháp, lấy trí tuệ làm xứ sở, sơ tâm Tì-bà-xá-na giữ lấy tướng của sắc, thụ, tưởng, hành, thức, mỗi mỗi phân biệt tự tướng của chúng, lạc dục xả tướng ấy như bắt con rắn độc. Đó gọi là nắm giữ tướng Tì-bà-xa-na. Như vậy có thể nắm giữ dễ dàng tướng Tì-bà-xa-na.

Hỏi: Thế nào là nắm giữ tướng của sắc, thụ, tưởng, hành, thức?

Đáp: Nắm giữ tướng của sắc tức là hoặc do điạ giới, hoặc do thủy giới, hoặc do hoả giới, hoặc do phong giới, hoặc do nhãn nhập, hoặc do thân nhập, người tu thiền quán tưởng sắc tướng của sắc sở duyên.

Nắm giữ tướng của thụ là quán tưởng tướng thụ của thụ sở duyên như hoặc thụ vui, hoặc thụ khổ, hoặc thụ không vui không khổ.

Nắm giữ tướng của tưởng là quán tưởng tướng tưởng của tưởng sở duyên là sắc tưởng hoặc pháp tưởng.

Nắm giữ tướng của hành là quán tưởng tướng hành của hành sở duyên là xúc, là tư, là giác, là quán hoặc là tác ý.

Nắm giữ tướng của thức là quán tưởng tướng thức của thức sở duyên tức nhãn thức hoặc ý thức.

Như vậy, người tu thiền khéo nắm giữ tướng của 5 ấm và khéo khởi nắm giữ các tướng sắc, thụ, tưởng, hành và thức.

Lại nữa, bằng 2 hành pháp, người tu thiền khéo nắm giữ tướng của tâm. Đó là do sự, và do tác ý.

Hỏi: Thế nào là do sự mà nắm giữ tướng của tâm?

Đáp: Là quán tưởng vào sự việc tạo tác khiến tâm ta khởi. Quán tưởng về sắc này thụ sự, tưởng sự, hành sự, thức sự làm tâm ta sinh khởi. Quán tưởng về những việc làm do tự tâm ta sinh khởi. Đó là do sự việc mà nắm giữ tướng của tâm.

Hỏi: Thế nào là do tác ý mà nắm giữ tướng của tâm?

Đáp: Là quán tưởng vào nhân làm ta tác ý, đó là sắc tướng làm tâm ta sinh khởi. Quán tưởng vào nhân làm ta tác ý, đó là thụ, tưởng, hành, mà tâm ta khởi. Như vậy là do tác ý mà nắm giữ được tướng của tâm.

Hỏi: Thế nào là khéo nắm giữ các tướng sở duyên kia?

Đáp: Là do hành, do tướng của hành sở duyên mà thành quán, do tướng hành sở duyên của sắc, thụ, tưởng, hành, thức mà thành quán.

Nếu có thể quán tưởng hơn nữa các pháp sở duyên, biết đó là hành, đó là tướng tức gọi là do tướng sở duyên mà khéo nắm giữ các tướng.

Thông đạt sinh diệt có 3 thứ là: khởi thông đạt, diệt thông đạt, và khởi diệt thông đạt. Như vậy, sắc đã sinh hiện tại, tướng sinh của sở duyên đã khởi, tướng biến đổi đã diệt. Hai câu đó là nói do tuệ nhãn thấy thông đạt sự khởi diệt. Đến như thụ, tưởng, hành, thức cũng giống như vậy.

Lại nữa, có 3 trường hợp thông đạt được khởi tướng, đó là do nhân, do duyên, và do tự tính.

Hỏi: Thế nào là do nhân thông đạt mà khởi tướng?

Đáp: Là ái, vô minh và nghiệp làm nhân cho ấm khởi, do tuệ nhãn nhìn thấy, đó là do nhân thông đạt mà khởi tướng.

Hỏi: Thế nào là do duyên thông đạt mà khởi tướng?

Đáp: Là do duyên ăn uống mà sắc ấm khởi, do duyên xúc chạm mà thụ, tưởng, hành 3 ấm khởi, và do duyên danh sắc mà thức ấm khởi, nay nhờ có tuệ nhãn nhìn thấy được các duyên cớ đó thông đạt được mà khởi tướng.

Hỏi: Thế nào là do tự tính thông đạt mà khởi tướng?

Đáp: Như ngọn đèn dầu liên tục cháy sáng, các hành không ngớt đổi mới , từ đầu đến cuối không thể phân biệt được, tự tính ấy nhờ tuệ nhãn nhìn thấy thông đạt mà khởi tướng.

Như vậy, do nhân mà khởi kiến, do tướng của tập đế thành sở kiến khiến khởi giác, do duyên do tự tính khởi kiến thành khổ não, do tướng thành sở kiến, do sát-na tâm là bất khả đắc mà thành giác.

Đó gọi là 3 hành pháp, do nhân, do duyên, do tự tính mà thông đạt được tướng khởi.

Hỏi: Thế nào là do 3 hành pháp, thông đạt được tướng diệt?

Đáp: Ba hành pháp đó là: Do nhân diệt, do duyên diệt và do tự tính diệt. Như vậy, do ái diệt thì vô minh diệt. Do nghiệp diệt thì ấm thành diệt. Do tuệ nhãn nhìn thấy vì nhân diệt nên thông đạt tướng diệt.

Do sự ăn uống diệt nên sắc ấm thành diệt. Do xúc diệt nên 3 ấm thành diệt. Do danh sắc diệt nên thức ấm thành diệt. Do tuệ nhãn nhìn thấy, vì duyên diệt nên thông đạt tướng diệt.

Như ngọn lửa đèn dầu liên tục cháy không không ngớt từ lúc bắt đầu cháy cho đến lúc tắt. Do tuệ nhãn nhìn thấy tự tính diệt mà thông đạt tướng diệt.

Như vậy là do nhân diệt mà khởi kiến diệt đế. Do tướng của diệt đế mà thành chỗ sở kiến. Do tướng vô sinh mà thành giác. Do duyên diệt, do tự tính, do kiến diệt, do tướng của khổ đế thành cái thấy sơ khởi, sát-na không thể được mà thành giác.

Đó gọi là do 3 hành diệt mà thông đạt tướng diệt.

Hỏi: Nếu do sự khởi diệt mà thấy khổ đế, là do tướng mà được thấy, đã là có tướng thì làm sao thượng trí thành khởi diệt được?

Đáp: Thượng trí khởi diệt khi khởi không cần phải khởi kiến diệt, vì tướng của khổ đế được thấy hay chưa thấy, tất cả khổ đó đã đủ cả, cho đến các hành đã qua đi, đã hết. Đó là đã thấy như thật tất cả tướng khổ thành diệt.

Từ hành tướng đã khiến tâm khởi, quá độ đến phi hành tâm. Đó là thấy như thật lỗi lầm của tất cả các hành.

Nếu các hành tướng đã khiến tâm khởi, quá độ đến phi hành, nơi phi hành thấy tất cả khổ đầy đủ, đó gọi là chấp trước vào nhị biên, tức 2 thái cực.

Như con chim bay đang bị lửa cháy bốn bề không khỏi lo sợ. Nếu con chim không vọt lên được trên không trung thì làm sao biết được nỗi hoạn nạn bị lửa bao vây? Làm sao biết được khi bị lửa bao vây thì phải bay vọt lên không trung?

Do đó biết là do nhân, duyên khởi kiến mà thông đạt tướng nhân duyên khởi: Cái này có thì cái này khởi. Cái này khởi thì thành khởi cái này.

Nhân diệt thì duyên diệt, do thấy diệt của tướng nhân duyên sinh, mà thành thông đạt tướng nhân duyên diệt: Cái này không có thì cái này không thành. Cái nầy không nên cái này thành diệt.

Do thấy tự tính khởi diệt mà đã thấy khởi thành thông đạt tướng tự tính khởi. Biết pháp nhân duyên, pháp hữu vi, pháp sở duyên thì biết được thành khởi, biết được thành diệt, biết được thành trụ.

Như vậy, do khởi diệt thấy 4 pháp: pháp 1 tướng, pháp nhiều loại, pháp vô sự, và pháp dừng lại.

Pháp 1 tướng là liên tục chấp trước các hành mà thành khởi. Không thấy các hành sở duyên khởi diệt mà thành ra chấp nhiểu loại. Tâm trước tâm sau chuyển làm các hành, dùng tâm sở duyên thấy khởi diệt thì không thành chấp 1 tướng. Tự tính tâm lìa bỏ các hành không động, không thấy sự khởi diệt của các hành tâm trước tâm sau mà thành ngã chấp.

Các hành của tâm trước tâm sau là do nhân duyên chuyển. Cũng như vậy do pháp ngăn chận không thấy khởi diệt mà thành chấp vô sự.

Kẻ phàm phu không phải hàng Thanh Văn vì không hiểu tính 1 tướng mà thành thường kiến đoạn kiến. Do không hiểu pháp nhiều loại mà thành thường kiến. Vì không hiểu pháp vô sự mà thành chấp ngã kiến. Vì không hiểu pháp dừng lại mà thành chấp vô sự.

Như vậy, ngôn ngữ bình đẳng là ngôn ngữ thù thắng của pháp 1 tướng. Do phân biệt mà thành khởi pháp nhiều loại. Do phiền não mà thành khởi tính 1 tướng. Do pháp phương tiện mà thành khởi tính tính loại. Do ái quả mà thành khởi tính 1 tướng. Do nghiệp quả mà thành khởi tính nhiều loại.

Người tu thiền tu tập cái thấy khởi diệt, hiểu rõ tính 1 tướng thì không thể chấp cái thấy khác loại.

Nếu thấy tính khác loại thi không chấp thường kiến là tính 1 tướng.

Nếu thấy tính 1 tướng, thì dùng tác, giác khác, tức các pháp ngoài trí khởi diệt, mà trừ diệt cái thấy ấy.

Nếu thấy tính khác loại, thì dùng tác ấy, giác ấy, tức trí khởi diệt sở duyên, trừ diệt cái thấy ấy.

Nếu thấy tính 1 tướng, đó là đoạn kiến thì phải trừ diệt.

Nếu thấy tính khác loại, đó là thường kiến thì phải trừ diệt.

Người tu thiền tu tập trí khởi diệt, dùng khởi diệt như vậy mà thấy 1 tính mà thấy nhiều tính.

Chính pháp minh làm sao thành khởi?

Vì tất cả các hành hiện khởi được thấy sở duyên trụ nơi vô sự, tức trụ A-lan-nhã.

Vì sao tất cả các hành trụ nơi vô sự, tức trụ A-lan-nhã, là bất động?

Vì tất cả chỗ khởi thành trụ, trụ nơi tự tính nhân duyên hoà hợp. Tập làm nhân duyên cho vô sự trụ.

Như vậy, nơi vô sự trụ sinh khởi, hoặc khiến khởi pháp dừng lại. Ở đây theo nghiã không có mạng và theo nghiã bất động, mà có thể biết pháp vô sự.

Do theo nghiã tự tính và nghiã của duyên, có thể biết pháp dừng trụ.

Khiến hiện khởi tướng không, đó là vô sự.

Khiến hiện khởi nghiệp, đó là sở tác.

Cũng như vậy, dùng pháp dừng trụ khiến hiện khởi vô sự, đó là pháp.

Khiến hiện khởi pháp dừng trụ, đó gọi là hành.

Như vậy, do pháp tính 1 tướng mà hiểu biết thành thông đạt tướng khổ.

Do tính nhiều loại khác nhau, mà hiểu biết thành thông đạt tướng vô thường.

Do pháp vô sự, mà hiểu biết thành thông đạt tướng dừng trụ.

Do pháp dừng trụ, hiểu biết mà thành thông đạt tướng vô ngã.

Hỏi: Người tu thiền nên quán sự khởi diệt của tất cả các hành ở tất cả mọi nơi, hay chỉ cần quán một nơi là đủ?

Đáp: Tâm ban đầu khởi tất cả các hành, thủ lấy tướng chung với nơi chốn, thì trí khởi diệt thông đạt tất cả mọi nơi, khiến tất cả các hành được viên mãn. Ví như có một người nếm nước biển tại một nơi nào đó trên biển, thì biết nước trong biển ở đâu cũng mặn như vậy. Đó là lý nhất xứ tức nhất thiết xứ.

Trí khởi diệt do 2 cách khiến các hành được viên mãn là do sự, tức đối tượng, và do không ngu si.

Do đó các hành thủ lấy tướng sở duyên, thông đạt sinh diệt. Các hành sở duyên do sự sở tạo thành tựu viên mãn.

Đoạn vô trí, tất cả các hành do không ngu si mà thành tựu viên mãn.

Do đó trí khởi diệt tức là trí phân biệt tất cả các hành.

Tất cả các hành do hữu biên ban đầu thành khởi, thành phân biệt, do hữu biên ban đầu thành khởi, thành tịch tịch.

Do diệt hữu biên thành tịch tịch. Do khởi theo khởi mà không có cái ban đầu, tức sinh. Do diệt theo diệt mà không có cái sau, tức tử.

Đó là trí khởi diệt trở thành nguyên nhân cho trí phân biệt của tất cả chư hành.

( Xong phần nói về trí khởi diệt )

Người tu thiền như vậy thấy đúng đắn tướng sinh diệt, khéo phân biệt các hành, vui được diệt lạc định. Bấy giờ, người ấy không tác ý quán sinh, chỉ thấy tâm diệt: do đối tượng của sắc, do tâm sinh diệt, y theo đối tượng đó mà thấy tâm diệt. Cũng vậy, do thụ trì, do tưởng, do hành, do thức, do tâm sinh diệt, dựa vào sắc sở duyên mà thấy được tâm sinh của mình đã diệt.

Lại nữa, do 3 thứ hành pháp mà quán tưởng tâm diệt. Đó là: 1. Dùng tụ pháp. 2. Dùng song quán. 3. Dùng phân biệt.

Hỏi: Thế nào là dùng tụ pháp mà quán diệt?

Đáp: Là trong 4 oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, và tại các nơi khởi tâm pháp và tâm số pháp, dùng tụ pháp, mà quán thấy sở duyên thành diệt.

Lại nữa, người tu thiền sau khi đã quán thấy sắc vô thường, thụ vô thường, tưởng vô thường, hành vô thường, thức vô thường, lúc ấy do tất cả sắc sự, nghiệp sự vô thường làm khởi tâm pháp và tâm số pháp, do tụ pháp tức sắc tụ, nghiệp tụ mà quán thấy các sở duyên sự, tức sắc sự và nghiệp sự thành diệt.

Cũng vậy, do khổ sự mà thành tựu vô ngã.

Đó gọi là dùng tụ pháp mà quán diệt Thánh đế.

Hỏi: Thế nào là dùng song quán diệt?

Đáp: Là người tu thiền đã phân biệt hiểu rõ sắc là vô thường, đã quán tưởng về vô thường, tùy theo chỗ quán vô thường mà thấy được tâm sinh diệt. Đến như thụ, tưởng, hành, thức cũng vậy, tùy theo chỗ quán vô thường mà tâm khởi, thấy tâm sinh diệt.

Cũng vậy, khổ sự đã thành quá khứ, và vô ngã sự cũng thành quá khứ..

Đó gọi là dùng pháp song quán thấy diệt Thánh đế.

Hỏi: Thế nào là dùng phân biệt mà quán diệt?

Đáp: Người tu thiền đã quán sắc vô thường, và đã tùy theo chỗ quán vô thường mà khởi tâm, thấy tâm sinh diệt.

Phương pháp này có thể thấy nhiều thứ bất đồng của tâm sinh diệt. Đó là dùng phân biệt quán diệt.

Cũng như vậy quán thụ, tưởng, hành, thức vô thường, tùy theo đối tượng vô thường khởi tâm, thấy tâm sinh diệt.

Người tu thiền khi mới bắt đầu thấy tâm diệt, cuối cùng thấy là diệt.

Người tu thiền như vậy dùng phân biệt quán thấy các thứ tâm pháp, tâm số pháp thành diệt.

Như vậy là đã quán khổ, đã quán vô ngã.

Như vậy gọi là dùng pháp phân biệt đã quán diệt Thánh đế.

Người tu thiền chỉ có nơi hiện quán khi sở duyên sự diệt, sở duyên sự thành diệt thì thiền hành sự mới có thể thành chuyên. Thường quán sát tìm kiếm thì tâm sát-na của tất cả các hành mới được thành tựu và lợi ích.

Bấy giờ người tu thiền tu diệt Thánh đế, dùng trí tuệ này mà không dùng nhân duyên nào khác, mới có thể thấy tất cả thế gian. Bấy giờ tự tính đã vi tế đến như đầu một hạt cải cũng có thể phân biệt sinh già chết biến hóa trong tâm sát-na.

Khi người tu thiền thành khởi quán diệt trí, sẽ đạt được tri kiến, như Phật-đà nói trong bài kệ sau đây:

Cả hai danh sắc nương,

Lần lượt vào chỗ diệt.

Cú diệt duyên kia diệt,

Và nhân kia sinh khởi,

Ấm vô thường, pháp diệt,

Pháp khổ sinh, pháp diệt,

Như tiếng dùi đánh trống.

Cũng không từ mắt sinh,

Sắc, hương,…đều 5 pháp,

Cũng không từ sắc sinh,

Cũng không lià 2 câu.

Nương duyên sinh hữu vi,

Như tiếng dùi đánh trống.

Cũng không từ tai sinh,

Sắc, hương,…đều 5 pháp,

Cũng không từ tiếng sinh.

Cũng không lià 2 câu.

Cũng không từ mũi sinh,

Sắc, hương,…đều 5 pháp

Cũng không từ hương sinh.

Cũng không lìa 2 câu.

Cũng không từ lưỡi sinh,

Sắc hương đều 5 pháp,

Cũng không từ vị sinh.

Cũng không lìa 2 câu.

Cũng không từ thân sinh,

Sắc hương đều 5 pháp,

Cũng không từ xúc sinh,

Cũng không lìa 2 câu.

Cũng không từ sắc sinh,

Không từ pháp xuất nhập,

Dựa nhân duyên mà sinh,

Như tiếng dùi đánh trống.

Căn kia xuất rất yếu,

Nhân ban đầu rất yếu,

Nhân kia cũng rất yếu,

Sinh khởi cũng rất yếu,

Hiện địa rất là yếu,

Tương ưng cũng rất yếu,

Hòa hợp cũng rất yếu.

Lần hồi rất yếu này,

Lần hồi pháp không trụ,

Lần hồi cũng không tính,

Không khả năng sinh khởi,

Khiến khởi kia cũng không,

Như thành Càn-thát-bà.

Là gì ban đầu khởi,

Không do tự thân sinh,

Không do tự lực trụ,

Do tùy pháp khác sinh,

Sinh các pháp hữu lậu.

Thân thể yếu đuối không tự sinh,

Không do tự nhân, không tự sự,

Không có nơi chốn, không tự tính,

Không tự tính, hành tướng, các hữu,

Vì sinh thân yếu, đời sống ngắn,

Không từ đâu đến, không đi đâu,

Không có nơi sinh không xứ sở,

Tâm không ngã, không mạng, không tính,

Một tâm vui khổ tương ứng nhanh,

Sát-na núi biển 8 vạn kiếp,

Một ở không hề có 2 tâm,

Tương ưng quá khứ và sẽ diệt,

Hiện trụ tất cá các ấm kia,

Chúng đã qua rồi không nghe mất,

Vị lai sẽ mất trong khoảng kia,

Đã mất không khác, tướng không khởi,

Vì không sinh nên hiện tại sinh.

Từ nơi tâm mất, thế gian không,

Trong đệ nhất nghĩa không đi đến,

Vị lai không tụ, chỉ chuyển sinh,

Trụ như hạt cải sinh các pháp.

Pháp kia diệt rồi là bắt đầu,

Thế gian buổi đầu không nhiễm tạp,

Không thấy đến đi, không thấy sin.,

Các pháp không sinh như hư không,

Giống như điện chớp, phút chốc tắt.

Người tu thiền tu tập pháp 4 Thánh đế, như vậy quán thấy diệt hết khổ tập không sót, được nhập chính định, giống như dùi cây lấy lửa, 37 phẩm Bồ-đề sát-na sát-na khởi, sinh khởi lên trong sát-na, rồi do trí quang minh sinh khởi hỷ, khinh an, và lạc. Nếu chấp thủ giải thoát niệm xứ mà sinh khởi xả và xuất ly, tức là không hiểu rõ đạo giải thoát.

Người tu thiền chấp thủ giải thoát niệm xứ thì nơi pháp giải thoát sở duyên sẽ sinh tán loạn hoặc sinh tăng thượng mạn.

Hỏi: Làm sao trừ tâm tán loạn đó?

Đáp: Người tu thiền đó sinh tâm vui mừng nơi hành pháp sở duyên. Tâm vui mừng đó khiến hành pháp được an trụ. Như vậy trong khi ngồi thiền khiến tâm an trụ, điều hòa nắm giữ tâm. Đó là phép tâm trừ loạn. Lại dùng tâm pháp này mà điều hòa nắm giữ tâm quá khứ vị lai. Lại từ thiền định quán tưởng khổ tập diệt an định tâm mình, xả bỏ thường pháp mà thông đạt giải thoát đạo. Do đó mà loạn được trừ bỏ.

Hỏi: Thế nào là khởi lòng tăng thượng mạn?

Đáp: Người tu thiền nơi pháp thiền trước khởi lên tướng sáng, tưởng rằng đã được pháp xuất thế gian, nhưng vì chưa được pháp xuất nhập thế gian mà lại không thêm tinh tiến, do đó mà sinh lòng tăng thượng mạn.

Còn người tu thiền hiểu rõ, biết phiền não tăng thượng mạn ấy có thể làm loạn thiền định, biết việc làm của mình như vậy là pháp thế gian, không phải pháp xuất thế gian.

Như vậy người tu thiền hiểu biết rõ ràng, tu hành Nê-hoàn mới là pháp xuất thế gian chân chính.

Như vậy đã biết thế nào là pháp thế gian, dùng trí tuệ trừ loạn tâm và tăng thượng mạn, trong tâm chỉ thấy tịch diệt.

Đó là thiện pháp tu hành, phải siêng tu và tu nhiều.

( Xong phần nói về quán diệt trí )

QUYỂN 11 HẾT