LUẬN GIẢI THOÁT ĐẠO
(Con đường giải thoát)
A-la-hán Ưu-ba-để-sa tạo luận
Tam tạng Tăng-già-bà-la dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt
QUYỂN 10
Phẩm 11: NĂM PHƯƠNG TIỆN 1
Đến đây, hành giả mới tập thiền muốn thoát khỏi cảnh già, chết, muốn trừ nhân sinh tử, muốn trừ vô minh tối tăm, muốn cắt đứt dây ái, muốn được trí tuệ của bậc Thánh, thì phải khởi phương tiện ở 5 nơi. Đó là:
- Ấm phương tiện.
- Nhập phương tiện.
- Giới phương tiện.
- Nhân duyên phương tiện.
- Thánh đế phương tiện.
Hỏi: Thế nào là ấm phương tiện?
Đáp: Ấm phương tiện là phương tiện của 5 ấm:
- Sắc ấm.
- Thụ ấm.
- Tưởng ấm.
- Hành ấm.
- Thức ấm.
Hỏi: Thế nào là sắc ấm phương tiện?
Đáp: Là 4 đại và các sắc do 4 đại tạo thành.
Thế nào là 4 đại?
Là điạ giới, thủy giới, hoả giới, phong giới.
Thế nào là điạ giới?
Tính cứng, tướng cứng là địa giới.
Thế nào là thủy giới?
Tính ướt, hòa hợp các vật, là thủy giới.
Thế nào là hoả giới?
Sức nóng làm chín các vật là hỏa giới.
Thế nào là phong giới?
Có tính mang các vật đi theo là phong giới.
Người mới tập thiền dùng 2 thứ hành pháp là hoặc sơ lược hoặc rộng rãi mà nắm lấy 5 thứ ngăn che đó là tham, giận, thô tháo, và nghi. Xem phương pháp quán tưởng 4 đại đã nói ở trước sẽ rõ.
Hỏi: Thế nào là sắc do 4 đại tạo nên?
Đáp: Sắc do 4 đại tạo nên gồm có 26 thứ: 1. Nhãn nhập. 2. Nhĩ nhập. 3. Tỹ nhập. 4. Thiệt nhập. 5. Thân nhập. 6. Sắc nhập. 7. Thanh nhập. 8. Hương nhập. 9. Vị nhập. 10. Nữ căn. 11. Nam căn. 12. Mạng căn. 13. Thân tác. 14. Khẩu tác. 15. Hư không giới. 16. Khinh sắc. 17. Nhuyến sắc. 18. Kham thụ trì sắc. 19. Tụ sắc. 20. Tương tục sắc. 21. Sinh sắc. 22. Lão sắc. 23. Vô thường sắc. 24. Khí vị đoàn thực. 25. Giới xứ sắc. 26. Thụy miên sắc. Đó là các sắc do 4 đại tạo nên.
Sao gọi là nhãn nhập?
Là có thể trông thấy sắc tướng, hoặc đối sắc tướng có phản ứng, có thể làm sở duyên cho nhãn thức sinh khởi. Đó gọi là nhãn nhập.
Lại nữa, tròng con mắt gồm 3 khối tròn là tròng trắng, tròng đen và con ngươi tạo thành, bên trong đầy thịt, máu, gió, chất nhờn, chất lỏng 5 thứ hợp thành, có thể thấy như nửa hạt cải hay đầu con kiến. Nhãn nhập là nghiệp ban đầu làm thành, do 4 đại tạo ra, trong đó hỏa đại là thành phần nhiều nhất.
Sắc thanh tịnh do 4 đại này tạo thành, gọi là nhãn nhập.
Như Đại đức Xá-lợi-phất có nói: Do nhãn thức thanh tịnh mới thấy được các thứ sắc tướng bất đồng cho đến rất nhỏ, hoặc vi tế.
Sao gọi là nhĩ nhập?
Là có thể nghe được tiếng, hoặc có thể làm sở duyên cho nhĩ thức sinh khởi, đó gọi là nhĩ nhập.
Lại nữa, tai là 2 hốc lỗ bên trái và bên phải tạo thành có lông màu đỏ mọc ngoài biên, y theo lớp da mỏng trụ như cọng đậu xanh. Do nghiệp ban đầu tạo thành và 4 đại tạo nên, trong đó phong đại chiếm phần nhiều nhất. Sắc thanh tịnh do 4 đại này tạo thành, gọi là nhãn nhập.
Sao gọi là tỹ nhập?
Là có thể ngửi mùi hương, hoặc có phản ứng đối với các mùi, có thể làm sở duyên cho tỹ thức sinh khởi, đó gọi là tỹ nhập.
Lại nữa, trong 2 lỗ mũi có 3 thứ hòa hợp dựa vào lỗ nhỏ mà trụ như hình hoa Câu-tì-đà-la, do nghiệp ban đầu tạo nên, trong đó phong đại chiếm nhiều nhất. Sắc thanh tịnh do 4 đại này tạo thành, gọi là tỹ nhập.
Sao gọi là thiệt nhập?
Là có thể nếm vị, hoặc có phản ứng đối với các vị, có thể làm sở duyên cho thiệt thức sinh khởi, đó gọi là thiệt nhập.
Lại nữa, đầu lưỡi rộng độ 2 ngón tay, là miếng thịt hình giống như hoa Uất-bà-la, do nghiệp ban đầu tạo nên, trong đó thủy đại chiếm nhiều nhất. Sắc thanh tịnh do 4 đại này tạo thành, gọi là thiệt nhập.
Sao gọi là thân nhập?
Là có thể cảm giác xúc giác, hoặc có phản ứng đối với xúc giác, có thể làm sở duyên cho thân thức sinh khởi.
Lại nữa, trong thân thể trừ lông, tóc, móng, răng, các phần khác đều có cảm giác. Cũng như vậy thân nhập do nghiệp ban đầu tạo thành, do 4 đại tạo nên, trong đó địa đại là thành phần nhiều nhất. Sắc thanh tịnh do 4 đại này tạo thành, gọi là thân nhập.
Những sắc tướng có thể trông thấy, hoặc khiến có phản ứng, đó là sắc nhập.
Những âm thanh có thể nghe, hoặc khiến có phản ứng, đó là thanh nhập.
Những mùi hương có thể ngửi được, hoặc khiến có phản ứng, đó là hương nhập.
Những mùi vị có thể nếm được, hoặc khiến có phản ứng, đó là vị nhập.
Nữ căn là đặc tính của phái nữ.
Nam căn là đặc tính của phái nam.
Mạng căn là cái giữ gìn bảo vệ sắc thân do nghiệp lực tạo nên.
Thân tác là những hành vi thể hiện ra các hành động của thân thể. Khẩu tác là những hành vi thể hiện ra lời nói.
Cái có thể khiến các sắc phân biệt được nhau, đó gọi là hư không giới.
Các sắc khinh có tính nhẹ, là khinh sắc.
Các sắc có tính mềm mại, là nhuyến sắc.
Sắc nào mà thể, tướng, tính của nó có thể chịu đựng được, gọi là sắc kham thụ trì.
Ba thứ sắc kể trên, tức khinh sắc, nhuyến sắc, và kham thụ trì sắc, là nguồn gốc làm cho thân trở nên không biếng nhác. Ba thứ này tụ nhập lại gọi là tụ sắc.
Vì sắc tụ tồn tại, tạo thành sắc liên tục không dứt nên gọi là tương tục sắc.
Có thể khiến sắc sinh khởi, gọi là sinh sắc.
Có thể khiến sắc chín muồi rồi già đi, gọi là lão sắc.
Có thể khiến sắc suy yếu, tàn tạ, gọi là vô thường sắc.
Sức sống của mọi loài chúng sinh được đứng vững tồn tại là nhờ ăn uống, đó gọi là đoàn thực.
Sắc dựa vào giới và ý thức giới sinh khởi, đó gọi là giới xứ sắc.
Các giới giải đãi, đó là thụy miên sắc.
Hai mươi sáu loại trên đây do 4 đại tạo nên, cùng với 4 đại, lập thành 36 sắc.
Hỏi: Bốn đại và các sắc do 4 đại tạo nên, khác nhau thế nào?
Đáp: Bốn đại dựa vào nhau cùng sinh.
Các sắc do 4 đại tạo thành dựa vào 4 đại mà sinh.
Các sắc do 4 đại tạo ra không phải chỗ dựa của 4 đại, cũng không phải chỗ dựa của các sắc khác do 4 đại tạo ra.
Như 3 cây gậy dựa vào nhau mà đứng, sự nương tựa vào nhau của 4 đại cũng được hiểu như vậy. Như bóng rọi xuống của 3 cây gậy, các sắc do 4 đại tạo ra cũng được hiểu như vậy.
Đó là chỗ khác biệt.
Người tu thiền với 30 sắc có thể dùng 5 thứ hành pháp để diễn thành thù thắng.
Năm hành pháp đó là: 1. Khiến khởi lên. 2. Tụ hội lại. 3. Sinh ra. 4. Dùng nhiều thứ. 5. Dùng đồng nhất.
Hỏi: Thế nào là do khiến khởi có thể biết 30 thứ sắc pháp?
Đáp: Trong 30 thứ sắc này, do 4 thứ nhân duyên khiến khởi. Đó là:
- Nhân duyên của nghiệp khởi.
- Nhân duyên của tâm khởi.
- Nhân duyên thời tiết khởi.
- Nhân duyên của ăn khởi.
Sắc do nhân duyên của nghiệp khởi có 9 thứ, đó là: 1. Nhãn nhập. 2. Nhĩ nhập. 3. Tỹ nhập. 4. Thiệt nhập. 5. Thân nhập. 6. Nữ căn. 7. Nam căn. 8. Mạng căn. 9. Giới xứ sắc.
Sắc do nhân duyên của tâm khởi có 2 thứ, đó là: 10. Thân tác. 11. Khẩu tác.
Sắc do nhân duyên của thời tiết và tâm khởi có 1 thứ, đó là: 12. Thanh nhập.
Sắc do nhân duyên của thời tiết, tâm, và cái ăn khởi có 4 thứ, đó là: 13. Khinh sắc. 14. Nhuyến sắc. 15. Kham thụ trì sắc. 16. Thụy miên sắc.
Sắc do 4 nhân duyên là nghiệp, tâm, thời tiết và cái ăn khởi lên có 12 thứ, đó là: 17.Sắc nhập. 18. Hương nhập. 19. Vị nhập. 20. Hư không giới sắc. 21. Tụ sắc. 22. Tương tục sắc. 23. Sinh sắc. 24. Đoàn thực. 25. Địa đại giới sắc. 26. Thủy đại giới sắc. 27. Hỏa đại giới sắc. 28. Phong đại giới sắc.
Sắc không khởi, có 2 thứ đó là: 29. Sắc lão. 30. Sắc vô thường.
Lại nữa, trong pháp nhân duyên thì sinh duyên lão, lão duyên vô thường. Từ điểm này có thể biết do nhân duyên khiến khởi các thứ hành pháp thù thắng.
Hỏi: Thế nào là do sắc tụ có thể biết được 30 thứ sắc pháp?
Đáp: Sắc tụ do nhân duyên của nghiệp khởi lên có 9 thứ.
Sắc tụ do nhân duyên của tâm khởi lên có 9 thứ.
Sắc tụ do nhân duyên của thời tiết khởi lên có 6 thứ.
Sắc tụ do nhân duyên cái ăn khởi lên có 3 thứ.
Hỏi: Những gì là 9 thứ tụ sắc do nhân duyên của nghiệp khởi?
Đáp: Đó là: 1. Nhãn 10 tụ. 2. Nhĩ 10 tụ. 3. Tỹ 10 tụ. 4. Thiệt 10 tụ. 5. Thân 10 tụ. 6. Nữ căn 10 tụ. 7. Nam căn 10 tụ. 8. Giới xứ 10 tụ.
9. Mạng căn 9 tụ.
Hỏi: Sao gọi là nhãn 10 tụ?
Đáp: Nhãn nhập thanh tịnh sắc, 4 đại giới là chỗ y chỉ, mà nhãn nhập lại dựa vào sắc của 4 đại giới. Do đó địa, thủy, hỏa, phong, sắc, hương, vị, xúc, mạng căn, và thêm nhãn nhập thanh tịnh sắc của tự thân là 10. Mười thứ sắc pháp này cùng sinh không rời nhau nên gọi là tụ, và cũng gọi là nhãn 10 tụ
Theo pháp nhân duyên mà nói thì sự sinh khởi của nhãn 10 tụ gọi là sắc sinh, chín muồi, gọi là sắc lão, suy yếu, gọi là sắc vô thường, phân biệt, là hư không giới.
Sắc sinh, sắc lão, sắc vô thường, sắc hư không giới 4 pháp này với nhãn 10 tụ sở duyên cùng nhau sinh khởi.
Khi nhãn 10 tụ đó già đi thì sinh ra một nhãn thập thứ nhì. Khi 2 nhãn 10 tụ cùng tồn tại, đó là một thứ tụ pháp. Nhãn 10 tụ thứ nhì đuổi theo nhãn 10 tụ thứ nhất một cách khẩn thiết, đó gọi là tương tục.
Sắc tụ, sắc tương tục, thêm với sinh, lão, vô thường, hư không là 6 thứ sắc pháp. Sáu sắc pháp này với sở duyên của nhãn 10 tụ cùng nhau sinh khởi.
Khi nhãn 10 tụ thứ nhì đã già lão thì sinh ra nhãn 10 tụ thứ ba. Khi nhãn 10 tụ thứ nhì và nhãn 10 tụ thứ ba cùng tồn tại thì gọi là sắc tụ. Nhãn 10 tụ thứ ba theo đuổi nhãn 10 tụ thứ hai một cách khẩn thiết, đó gọi là sắc tương tục.
Khi nhãn 10 tụ thứ nhất suy tàn, nhãn 10 tụ thứ nhì lão hóa, nhãn 10 tụ thứ ba sinh khởi, cả quá trình đó xảy ra chỉ trong 1 sátna. Các nhãn 10 tụ sinh khởi như vậy, sự quan hệ giữa sắc và sắc, quan hệ đây kia không thể nào nhận biết được vì thời gian trong quá trình đó vô cùng nhanh chóng, tri thức thế gian không thể hiểu biết được.
Người tu thiền thấy nhãn tương tục như dòng nước chảy, như ngọn lửa đèn cứ cháy mãi liên tục, đó gọi là nhãn 10 tụ.
Cùng như vậy, nhĩ 10 tụ, tỹ 10 tụ, thiệt 10 tụ, thân 10 tụ, nữ căn 10 tụ, nam căn 10 tụ và mạng căn 9 tụ, suy rộng ra có thể hiểu được.
Hỏi: Những gì là 9 sắc tụ do tâm khởi?
Đáp: Đó là: 1. Thanh tịnh 8 tụ. 2. Thanh tịnh thân tác 9 tụ. 3. Thanh tịnh khẩu tác 7 tụ. 4. Thanh tịnh khinh 9 tụ. 5. Khinh thân tác 10 tụ. 6. Khinh khẩu tác 11 tụ. 7. Thanh tịnh nhãn 9 tụ. 8. Nhãn thân làm 10 tụ. 9. Nhãn khẩu làm 11 tụ.
Hỏi: Thế nào là tâm khởi thanh tịnh 8 tụ?
Đáp: Là 8 thứ thanh tịnh sắc do tâm khởi, đó là địa, thủy, hỏa, phong, của 4 đại giới và sắc, hương, vị, xúc. Tám pháp này cùng sinh và không tách rời nhau. Đó gọi là 8 thứ thanh tịnh tụ.
Khi 8 thứ thanh tịnh tụ này khởi là sắc sinh, khi chín muồi là sắc lão, khi suy tàn là vô thường, khi được phân biệt là hư không giới. Do đó sinh sắc, lão sắc, vô thường sắc, hư không giới sắc, 4 thứ sắc pháp này theo 8 thứ thanh tịnh tụ sở duyên này cùng khởi.
Ngay khi 1 cái thanh tịnh 8 tụ suy tàn thì đồng thời tâm sinh khởi thanh tịnh 8 tụ thứ nhì. Ngay khi thanh tịnh 8 tụ thứ nhất suy tàn và thanh tịnh 8 tụ thứ nhì sinh khởi, quá trình đó diễn ra trong 1 sát-na, đồng thời sinh khởi chứ không phải lần lượt 1 sắc rồi 1 sắc tụ tập lại.
Quá trình sinh khởi của thanh tịnh 8 tụ thứ ba cũng giống như vậy.
Quá trình sinh khởi của thanh tịnh khinh 9 tụ, thanh tịnh nhãn 9 tụ và thanh tịnh sắc 8 tụ cũng giống như vậy.
Ngoài ra 6 thứ sắc tụ khác do tạo tác mà thành là: thanh tịnh thân tác 9 tụ, thanh tịnh khẩu tác 7 tụ, khinh thân tác 10 tụ, khinh khẩu tác 11 tụ, nhãn thân tác 10 tụ, nhãn khẩu tác 11 tụ. Sáu thứ sắc tụ này không suy tàn, do đó sắc tụ thứ nhì không sinh khởi, và cũng không có sự tồn tại của sát-na tâm.
Vì sao 1 tâm không thể làm khởi 2 động tác?
Điều này mấy chương trước đã nói rõ.
Hỏi: Những gì là 6 thứ tụ sinh khởi theo thời tiết?
Đáp: Đó là: 1. Thanh tịnh 8 tụ. 2. Thanh tịnh thanh 9 tụ. 3. Thanh tịnh khinh 9 tụ. 4. Thanh tịnh khinh thanh 10 tụ. 5. Thanh tịnh nhãn 9 tụ. 6. Thanh tịnh nhãn thanh 10 tụ.
Trong đó chỉ có thanh tịnh 8 tụ và thanh tịnh thanh 9 tụ vì là ngoại tụ nên hình thành thanh tịnh 8 tụ thứ nhì, và thanh tịnh thành 9 tụ thứ nhì.
Hỏi: Thế nào là 3 thứ tụ khởi do nhân duyên cái ăn?
Đáp: Đó là: 1. Thanh tịnh 8 tụ. 2. Thanh tịnh khinh 9 tụ. 3.
Thanh tịnh nhãn 9 tụ.
Nhân duyên thời tiết và nhân duyên cái ăn khởi nhiều thứ tụ liên tục theo nghiệp và xứ tương tự có thể biết được. Ngoài ra như trước đã nói.
Mạng căn 9 tụ, nơi cõi trời Dục giới, là sắc tụ do nghiệp sinh khởi chỉ có 8 thứ. Bởi vì ở cõi trời Dục giới phải có thọ mạng thành cuộc sống, do đó không có mạng căn 9 tụ.
Ngoài ra, tỹ nhập, thiệt nhập, thân nhập, nam căn, nữ căn, khinh sắc, nhuyến sắc, kham thụ trì sắc và thụy miên sắc, 9 thứ sắc pháp này ở trời Sắc giới không cần mạng căn 9 tụ của trời Dục giới.
Nơi cõi trời Vô tưởng Phạm thiên lấy Thân Nhất thiết nhập mà thành cuộc sống.
Trên đây là lấy tụ có thể biết 30 thứ sắc pháp.
Hỏi: Sao gọi là lấy sinh có thể biết 30 thứ sắc pháp?
Đáp: Nam hay nữ khi nhập thai, trong 1 sát-na sinh 30 thứ sắc pháp. Đó là: Giới xứ 10 tụ, thân 10 tụ, hoặc nữ căn 10 tụ, hoặc nam căn 10 tụ. Người ái nam ái nữ khi nhập thai trong 1 sát-na chỉ sinh 20 sắc pháp là giới xứ 10 tụ và thân 10 tụ.
Hóa sinh nơi Dục giới thì nam căn, nữ căn có đủ. Khi sinh, trong 1 sát-na sinh khởi 70 mươi thứ sắc pháp là: Giới xứ 10 tụ, thân 10 tụ, nhãn 10 tụ, nhĩ 10 tụ, tỹ 10 tụ, thiệt 10 tụ, nữ căn 10 tụ, hoặc nam căn 10 tụ.
Hóa sinh nơi đường ác, người mù bẩm sinh, trong 1 sát-na sinh khởi 60 sắc pháp, đó là 70 sắc pháp của Dục giới trừ nhãn 10 tụ.
Cũng như vậy người điếc bẩm sinh, trong 1 sát-na chỉ sinh khởi 60 sắc pháp, tức 70 sắc pháp của Dục giới trừ nhĩ 10 tụ.
Người bẩm sinh vừa mù vừa đìếc thì khi sinh, trong 1 sát-na chỉ sinh khởi 50 sắc pháp, tức 70 sắc pháp của Dục giới trừ nhãn 10 tụ và nhĩ 10 tụ.
Hóa sinh nơi đường ác, đầy đủ các căn mà không phải nam không phải nữ, và con người khi thế giới mới thành, khi sinh trong 1 sát-na sinh khởi 60 sắc pháp, tức 70 sắc pháp của Dục giới trừ căn10 tụ của nam hoặc của nữ.
Cũng như vậy, hóa sinh nơi đường dữ, các căn không đầy đủ, bị mù bẩm sinh hoặc chẳng phải nam chẳng phải nữ thì khi sinh trong 1 sát-na sinh khởi 50 thứ sắc pháp, tức 70 sắc pháp của Dục giới trừ nhãn 10 tụ và nam căn 10 tụ hoặc nữ căn 10 tụ.
Điếc bẩm sinh hoặc phi nam, phi nữ thì khi sinh trong 1 sát-na sinh khởi 50 sắc pháp, tức 70 sắc pháp của Dục giới trừ nhĩ 10 tụ và nam căn 10 tụ hoặc nữ căn 10 tụ.
Điếc bẩm sinh, mù bẩm sinh hoặc phi nam phi nữ, khi sinh trong 1 sát-na sinh khởi 40 thứ sắc pháp, tức chỉ có giới xứ 10 tụ, thân 10 tụ, tỹ 10 tụ và thiệt 10 tụ.
Chúng sinh sinh trời Phạm Thiên, khi sinh trong 1 sát-na sinh khởi 49 thứ sắc pháp, tức: giới xứ 10 tụ, nhãn 10 tụ, nhĩ 10 tụ, thân 10 tụ và mạng căn 9 tụ.
Chúng sinh sinh trời Vô Tưởng, khi sinh trong 1 sát-na khởi 9 thứ sắc pháp, đó là mạng căn 9 tụ.
Trên đây là lấy sinh có thể biết 30 thứ sắc pháp.
Hỏi: Sao gọi là do các chủng loại khác nhau mà biết được 30 thứ sắc pháp?
Đáp: Tất cả sắc pháp có thể phân thành 2 loại lớn và nhỏ. Trong đó 12 sắc pháp lớn nội ngoại sắc nhập do nghĩa có đối. Đó là nhãn, sắc, nhĩ, thanh, tỹ, hương, thiệt, vị, thân, mạng căn, nữ căn và nam căn thuộc đại sắc pháp. Còn lại 18 thứ sắc pháp nhỏ do nghĩa không đối. Đó là địa, thủy, hỏa, phong, thân tác, khẩu tác, hư không giới sắc, khinh sắc, nhuyến sắc, kham thụ trì sắc, tụ sắc, tương tục sắc, sinh sắc, lão sắc, vô thường sắc, khí vị đoàn thực, giới xứ sắc, và thụy miên sắc thuộc về sắc pháp nhỏ.
Lại nữa, tất cả sắc pháp có thể chia làm 2 loại là nội và ngoại. Nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân nhất thiết nhập có thể sinh khởi tướng đối với cảnh giới ngoại tại. Do đó thuộc vào nội sắc pháp. Còn lại 25 thứ không sinh khởi cảnh giới thuộc về ngoại sắc pháp.
Lại nữa, tất cả sắc pháp có thể chia làm 2 loại là mạng căn và phi mạng căn. Ở đây có 8 thứ sắc pháp, 5 thứ nội sắc pháp là nhãn căn, nhĩ căn, tỹ căn,thiệt căn và thân căn. Thêm vào nam căn, nữ căn và mạng căn đều dựa vào nghĩa của căn, thuộc mạng căn sắc pháp. Còn 22 sắc pháp còn lại không dựa vào nghĩa của căn, thì thuộc về phi mạng căn sắc pháp.
Tất cả sắc pháp có thể chia làm 3 loại: thụ sắc, phi thụ sắc, và hữu hoại sắc.
Ở đây có 9 thứ sắc pháp thuộc nghiệp báo tạo thành là hữu thụ sắc pháp. Chín thứ sắc pháp này là 8 mạng căn gồm nhãn căn, nhĩ căn, tỹ căn, thiệt căn, thân căn, nam căn, nữ căn, và mạng căn, thêm vào giới xứ sắc.
Chín thứ sắc pháp chẳng nghiệp báo tạo thành thuộc phi thụ sắc pháp. Chín thứ sắc pháp này là: thanh nhập, thân tác, khẩu tác, khinh sắc, nhuyến sắc, kham thụ trì sắc, lão sắc, vô thường sắc và thụy miên sắc.
Còn lại 12 thứ sắc pháp thuộc nghiệp báo tạo thành, hoặc chẳng phải nghiệp báo tạo thành, do đó là pháp có hoại diệt. Mười hai thứ sắc pháp đó là: địa, thủy, hỏa, phong, sắc, hương, vị, hư không giới sắc, tụ sắc, tương tục sắc, sinh sắc và khí vị đoàn thực.
Lại nữa, tất cả sắc pháp có thể chia làm 3 loại: có đối tượng có thể thấy, có đối tượng không thể thấy, và không có đối tượng không thể thấy.
Ở đây, tất cả sắc pháp có thể thấy, có thể chạm xúc là có đối tượng có thể thấy. Loại sắc pháp này gọi là sắc nhập.
Mười một sắc pháp có đối tượng chạm xúc được, nhưng không thể thấy là các đại sắc còn lại, trừ các sắc nhập, vì chúng tuy không thấy được, nhưng xúc chạm được.
Mười một thứ sắc pháp này là trong 12 thứ đại sắc pháp trừ sắc nhập. Đó là nhãn nhập, nhĩ nhập, tỹ nhập, thiệt nhập, thân nhập, thanh nhập, hương nhập, vị nhập, mạng căn, nữ căn, nam căn. ( Các sắc pháp có đối tượng có thể thấy và các sắc pháp có đối tượng nhưng không thể thấy đều thuộc đại sắc pháp )
Mười tám sắc pháp còn lại là sắc vi tế không có đối tượng thấy được, không xúc chạm được. Đó là địa, thủy, hỏa, phong, thân tác, khẩu tác, hư không giới sắc, khinh sắc, nhuyến sắc, kham thụ trì sắc, tụ sắc, tương tục sắc, sinh sắc, lão sắc, vô thường sắc, khí vị đoàn thực, giới ngoại sắc và thụy miên sắc. ( Các sắc không có đối tượng và không thể thấy thuộc vi tế sắc pháp )
Tất cả sắc được chia thành 4 chủng loại đó là: tự tính sắc, hình sắc, tướng sắc, và phân biệt sắc.
Ở đây, trừ 12 thứ sắc pháp, còn 18 thứ sắc pháp thuộc tự tính sắc. Trong đó nữ căn, nam căn, mạng căn, thủy giới, khí vị đoàn thực, giới xứ sắc và thụy miên sắc, 7 thứ sắc pháp này do có hình đầy đủ nên thành 7 hình sắc.
Thân tác, khẩu tác, khinh sắc, nhuyến sắc, kham thụ trì sắc, tụ sắc, tương tục sắc, 7 thứ sắc pháp này do tự tính biến hóa thành 7 biến sắc.
Sinh sắc, lão sắc và vô thường sắc vì là tướng hữu vi thành 3 tướng sắc.
Hư không giới sắc do có thể phân biệt sắc tụ, thành 1 phân biệt sắc.
Như vậy trong 18 thứ sắc pháp này, trừ hư không giới sắc, có thể đối, sở duyên sắc tụ khởi phân biệt, các sắc pháp còn lại không khởi phân biệt.
Trên đây là dùng các thứ khác nhau có thể biết 30 thứ sắc pháp. Hỏi: Thế nào là dùng 1 thứ mà phân biệt được 30 thứ sắc pháp?
Đáp: Tất cả sắc pháp đều không phải nhân, cũng không phải không nhân, hoặc không tương ứng với nhân.
Có duyên, có tạo tác là thuộc pháp thế gian.
Có sót lọt, có trói buộc, có lưu chuyển, có kết chặt, có ách nạn, có ngăn che, hễ tiếp xúc thì đều có nẻo đến, có phiền não.
Vô ký, vô sự, chẳng phải tâm số pháp, không tương ưng tâm pháp là thuộc Tiểu Dục giới.
Bất định, phi thừa, không với lạc thụ cùng khởi, không với khổ thụ cùng khởi, hoặc cùng khởi với không khổ thụ không lạc thụ, không khiến tụ, hoặc chẳng phải không khiến tụ, chẳng phải học, hoặc chẳng phải chẳng học, chẳng phải do kiến đạo đoạn, hoặc chẳng phải do tư duy đoạn. Đó là dùng 1 thứ pháp thù thắng mà phân biệt được 30 thứ sắc pháp.
Trên đây là nói về sắc ấm phương tiện, trong 5 ấm phương tiện. Hỏi: Thế nào là thụ ấm phương tiện?
Đáp: Là với tướng sở duyên, dùng giới tâm thụ trì, đó là tướng 1 cảm thụ.
Với thân thụ và ý thụ, thì đó là giới và xứ 2 cảm thụ.
Với cảm thụ vui, cảm thụ khổ, và cảm thụ không vui không khổ, đó là tự tính 3 cảm thụ.
Với cảm thụ thiện, cảm thụ bất thiện, cảm thụ báo, cảm thụ về sự, đó gọi là 4 cảm thụ đối với pháp.
Với cảm thụ về lạc căn, khổ căn, hỷ căn, ưu căn, xả căn, đó gọi là 4 cảm thụ đối với căn.
Với cảm thụ vui hữu lậu, cảm thụ vui vô lậu, cảm thụ khổ hữu lậu, cảm thụ khổ vô lậu, cảm thụ không khổ không vui hữu lậu, cảm thụ không khổ không vui vô lậu, đó gọi là đen trắng 6 cảm thụ.
Từ tiếp xúc với mắt sinh cảm thụ, từ tai sinh cảm thụ, từ mũi sinh cảm thụ, từ tiếp xúc với lưỡi sinh cảm thụ, từ thân sinh cảm thụ, từ ý sinh cảm thụ, từ ý thức giới sinh cảm thụ, đó gọi là cửa ngõ của 7 cảm thụ.
Y theo ái khởi 6 cảm thụ, y xuất ly khởi 6 cảm thụ, y ái ưu khởi 6 cảm thụ, y xuất ly ưu khởi 6 cảm thụ, y ái xả khởi 6 cảm thụ, y xuất ly xả khởi 6 cảm thụ, đó gọi là 36 cảm thụ.
Nếu dùng pháp rộng rãi hành 36 cảm thụ trong 3 thời quá khứ, hiện tại, vị lai thì tổng cộng khởi 108 cảm thụ.
Trên đây là nói thụ ấm phương tiện, trong 5 ấm phương tiện.
Hỏi: Thế nào là tưởng ấm phương tiện?
Đáp: Do tâm biết sự việc, đó gọi là tướng 1 tưởng.
Tưởng điên đảo, tưởng không điên đảo, đó gọi là đen trắng 2 tưởng.
Tưởng tham dục, tưởng giận dữ, tưởng làm hại, đó gọi là 3 tưởng bất thiện.
Tưởng xuất ly, tưởng không hờn giận, tưởng không làm hại, đó gọi là 3 tưởng thiện.
Với chỗ bất tịnh khởi tưởng tịnh, với khổ khởi tưởng vui, với vô thường khởi tưởng thường, với vô ngã khởi tưởng có ngã, đó gọi là 4 tưởng về không biết nghĩa tự tính của xứ môn.
Với chỗ bất tịnh khởi tưởng bất tịnh, với khổ khởi tưởng khổ, với vô thường khởi tưởng vô thường, với vô ngã khởi tưởng vô ngã, đó gọi là 4 tưởng về hiểu biết nghĩa tự tính của xứ môn.
Với chỗ bất tịnh khởi tưởng tịnh, với chỗ bất tịnh khởi tưởng bất tịnh, với chỗ tịnh khởi tưởng bất tịnh, với chỗ tịnh khởi tưởng tịnh, với chỗ tịnh bất tịnh khởi tưởng hoài nghi, đó gọi là 5 tưởng của Tì-ni.
Tưởng sắc, tưởng thanh, tưởng hương, tưởng vị, tưởng xúc, tưởng pháp, đó gọi là 6 tưởng về sự, tức đối tượng.
Từ nhãn xúc sinh tưởng, từ nhĩ xúc sinh tưởng, từ tỹ xúc sinh tưởng, từ thiệt xúc sinh tưởng, từ thân xúc sinh tưởng, từ ý giới xúc sinh tưởng, từ ý thức giới xúc sinh tưởng, đó gọi là cửa ngõ của 7 tưởng.
Trên đây là nói các thứ tưởng, tức các tưởng ấm phương tiện.
Hỏi: Thế nào là hành ấm phương tiện?
Đáp: Xúc, tư, giác, quán, hỷ, tâm, tinh tiến, niệm, định, tuệ, mạng căn, ngăn che, không tham, không giận, tự thẹn, hổ thẹn, khinh an, dục, giải thoát, xả, tác ý, tham, giận, vô minh, mạn, kiến, điệu, hối, nghi, biếng nhác, không tự thẹn, không xấu hổ, trừ thụ ấm và tưởng ấm, tất cả tâm số pháp đều thuộc hành ấm.
Xúc, là tâm tiếp xúc với đối tượng, ví như ánh sáng mặt trời chiếu lên tường. Tưởng là tác động của xúc.
Tư, là tâm chuyển động, ví như làm nhà trước phải có đầy đủ các phương pháp kiến trúc. Cửa ngõ đi vào đối tượng là nơi tác động của tư duy.
Giác, là dùng tâm làm thay cho miệng, ví như dùng tâm tụng kinh chứ không dùng miệng đọc. Tưởng là túc xứ của giác.
Quán, là dùng tâm quan sát sự vật, ví như tâm theo nghĩa của tư. Giác là túc xứ.
Hỷ, là tâm vui mừng, ví như người được vật gì. Tâm phấn chấn là túc xứ của hỷ.
Tâm, là tâm thanh tịnh, ví như người trì chú làm cho nước trong sạch. Bốn phần sở duyên của Tu-đà-hoàn, tức giới, định, tuệ và xả là túc xứ của tâm.
Tinh tiến, là tâm dũng mãnh, ví như con bò khoẻ có thể chở vật nặng. Sở duyên nơi 8 việc, tức sắc, nhãn giới, thanh, nhĩ giới, hương, tỹ giới, vị, thiệt giới, là túc xứ của tinh tiến.
Niệm, là tâm thận trọng giữ gìn, ví như người tay bưng bát dầu. Sở duyên 4 niệm xứ, tức thân, thụ, tâm, pháp, là túc xứ của niệm.
Định, là tâm chuyên nhất, ví như ngọn đèn trong cung điện. Sở duyên 4 thứ thiền pháp là túc xứ của định.
Tuệ, là tâm nhìn thấy, ví như mắt trông thấy đồ vật. Sở duyên 4 Thánh đế, tức khổ, tập, diệt, đạo, là túc xứ của tuệ.
Mạng căn, là pháp vô sắc, là mạng sống, ví như nước nuôi sống hoa Uất-ba-la. Sở duyên danh sắc là túc xứ của mạng căn.
Cái, là ngăn che, tâm chấm dứt hoặc lià bỏ các thứ ác niệm, ví như người muốn sống vui phải không chấp nhận mọi độc hại. Sở duyên 4 thứ thiền pháp là túc xứ của cái.
Không tham, là tâm đã buông bỏ mọi chấp trước, ví như người đã hết nợ nần. Sở duyên pháp xuất ly là túc xứ của tâm không tham.
Không giận, là tâm không còn giận dữ, dịu như da mèo. Sở duyên 4 tâm vô lượng, tức từ, bi, hỷ, xả, là túc xứ của không giận.
Tàm, là tâm biết hổ thẹn các việc làm ác, ví như gớm ghiếc đồ đại tiểu tiện. Sở duyên tự bản thân mình là túc xứ của sự hổ thẹn.
Qúi, là tâm sợ sự làm ác, ví như thông thường dân đen sợ quan địa phương. Sở duyên nơi người đời là túc xứ của sự xấu hổ với kẻ khác.
Ỷ, tức khinh an, là đã dứt tâm dao động, ví như người đang nóng bức mà tắm nước mát. Sở duyên pháp hỷ là túc xứ của khinh an.
Dục, là tâm ưa làm việc thiện, tạo nghiệp thiện, ví như thí chủ có tín tâm kiên cố. Sở duyên 4 như ý túc, tức dục, cần, tâm, quán, là túc xứ của dục.
Giải thoát, là tâm đã khắc phục những hiện tượng tâm lý quanh co uẩn khúc, ví như dòng nước sâu. Sở duyên giác, quán, là túc xứ của giải thoát.
Xả, là tâm không đi không đến, ví như người cầm cân. Sở duyên pháp tinh tiến v.v…, là túc xứ của xả.
Tác ý, là khiến tâm sinh khởi các thứ pháp, ví như người cầm cái quả cân. Sở duyên pháp thiện và pháp bất thiện là túc xứ của tác ý.
Tham, là tâm tiếp thụ các sắc đáng yêu đáng thích, ví như yêu thích con ngỗng. Sở duyên đối tượng đáng yêu thích là túc xứ của tham.
Giận, là tâm kích động, ví như người ta đối với sự giận dữ của con rắn độc. Sở duyên 10 sân nhuế xứ , tức 10 sử, gồm tham, sân, si, mạn, nghi, thân, biên, tà, kiến thủ, giới cấm thủ, là túc xứ của giận hờn.
Vô minh, là tâm không có tri kiến, ví như người mù. Sở duyên 4 điên đảo, tức thường, lạc, ngã, tịnh, là túc xứ của vô minh.
Mạn, là tâm cao ngạo, ví như 2 người đang đánh nhau. Sở duyên 3 thứ mạn, tức mạn kiến, mạn sử, mạn kết, là túc xứ của mạn.
Kiến thủ, là tâm cố chấp, ví như người mù sờ voi. Nghe người ta nói mà không phán đoán là túc xứ của kiến thủ.
Điệu, tức trạo cử, là tâm không ở yên, ví như nước đang sôi sùng sục. Sở duyên tinh tiến gấp gáp là túc xứ của trạo cử.
Hối, là tâm thoái chuyển, ví như nghiêng về thích thú điều bất tịnh. Làm các ác hạnh khiến thiện tâm thoái lui là túc xứ của hối.
Nghi, là tâm chấp vào nhiều ngả, không có một quyết định, ví như người phân vân trước ngả 3 đường. Sở duyên tác ý không đúng là túc xứ của hoài nghi.
Giải đãi, tức biếng nhác, là tâm lười biếng như con rắn khoanh mình ẩn trốn. Sở duyên 8 chỗ lười biếng, tức nghi, phóng dật, giải đãi, không tin, hôn trầm, trạo cử, không tự thẹn, không xấu hổ với người khác, là túc xứ của giải đãi.
Vô tàm, tức không tự thẹn, là tâm làm ác không biết hổ thẹn, ví như người Chiên-đà-la. Sở duyên 6 chỗ không cung kính, tức lừa đảo, nịnh bợ, kiêu ngạo, quấy rối, hận, làm hại, là túc xứ của sự không tự thẹn.
Vô qúi, tức xấu hổ với người khác, là tâm làm ác mà không biết sợ, ví như ông vua tàn ác. Sở duyên 6 chỗ không cung kính, tức lừa đảo, nịnh bợ, kiêu ngạo, quấy rối, hận, làm hại, là túc xứ của sự không biết xấu hổ.
Trên đây là nói 32 thứ phương tiện hành pháp, tức gọi là hành ấm phương tiện.
Hỏi: Thế nào là thức ấm?
Đáp: Thức ấm gồm có 7 thứ là: nhãn thức, nhĩ thức, tỹ thức, thiệt thức, thân thức, ý giới, ý thức giới.
Như vậy, mắt duyên sắc sinh thức gọi là nhãn thức. Tai duyên âm thanh sinh thức gọi là nhĩ thức. Mũi duyên mùi hương sinh thức gọi là tỹ thức. Lưỡi duyên mùi vị sinh thức gọi là thiệt thức. Thân duyên sự chạm xúc sinh thức gọi là thân thức. Ý giới dựa vào xứ mà khởi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân làm 5 việc trước sau có thứ lớp, sinh ra thức, đó gọi là ý giới. Ý thức giới là, ngoại trừ 6 thức vừa kể ra, phần còn lại của tâm được gọi là ý thức giới.
Có 3 thứ hành pháp thù thắng có thể biết 7 thức. Ba thứ hành pháp đó là: 1. Do xứ sự. 2. Do sự. 3. Do pháp.
Hỏi: Thế nào là do xứ sự mà biết rõ được các thức?
Đáp: Năm thức trước, tức nhãn thức, nhĩ thức, tỹ thức, thiệt thức và thân thức khác nhau về nơi chốn ( xứ) và về đối tượng ( sự).
Ý giới và ý thức giới cùng chung một nơi chốn ( xứ ).
Ý giới có 5 đối tượng ( sự ).
Ý thức giới có 6 đối tượng ( sự ).
Năm thức có pháp bên trong ( nội pháp ) và nơi chốn bên trong ( nội xứ ), nhưng đối tượng thì ở bên ngoài ( ngoại sự ).
Ý giới cũng có pháp bên trong ( nội pháp ), nhưng xứ và đối tượng ở bên ngoài.
Ý thức giới cũng có pháp bên trong ( nội pháp ), xứ ở bên ngoài ( ngoại xứ ) mà đối tượng có thể bên trong ( nội sự ) hoặc bên ngoài ( ngoại sự).
Ý thức giới của nơi sơ sinh và đối tượng sơ sinh, khi nhập thai, trong một sát-na thức xứ cùng sinh với nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân và ý giới.
Trước khi sinh, nơi sơ sinh không có sắc và tất cả đối tượng nào tồn tại.
Trên đây là nói do xứ và sự có thể biết được 7 thức.
Hỏi: Thế nào do sự (đối tượng) mà biết được 7 thức?
Đáp: Năm thức mỗi mỗi đều có cảnh giới riêng. Chúng không theo thứ tự sinh, không sinh trước hoặc sinh sau, không sinh khởi một cách tán loạn.
Bởi 5 thức, tức nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân thức trừ khi mới khởi không thể biết có pháp.
Bởi ý giới, tức thức thứ 6, trừ khi ý chuyển cũng không thể biết có pháp.
Bởi 6 thức tuy không có 4 oai nghi là tướng đi đứng nằm ngồi, nhưng lại có khả năng an lập 4 oai nghi một cách mau chóng.
Bởi tự tính của thức 6 không có thân nghiệp, khẩu nghiệp, thiện pháp, bất thiện pháp, nhưng lại có khả năng thụ trì 4 pháp này một cách nhanh chóng.
Bởi thức thứ 6 không có tâm niệm nhập định và sinh khởi tâm an ổn rõ ràng, nhưng lại có khả năng nhập định một cách nhánh chóng và sau đó phân biệt được thế nào là tâm an ổn rõ ràng.
Bởi thức thứ 6 không có kết thúc, không có sinh khởi, nhưng lại có khả năng dùng tâm sau đó phân biệt kết thúc và sinh khởi, hoặc sau khi đối tượng sở duyên kết thúc, do quả báo chuyển sinh ý thức giới.
Bởi thức thứ 6 không ngủ, không thức giấc, không thấy chiêm bao, nhưng lại có khả năng do tâm sau này phân biệt mới có ngủ, chuyển ý thành thức giấc hoặc thấy chiêm bao một cách nhanh chóng.
Trên đây là nói thế nào là do sự có thể biết 7 thức.
Hỏi: Thế nào là do pháp có thể biết 7 thức?
Đáp: Năm thức có giác, có quán.
Ý giới cũng có giác, có quán.
Ý thức giới, do pháp phương tiện, khi thì có giác có quán, hoặc không có giác mà có ít quán, hoặc không giác không quán.
Năm thức cùng đi với xả.
Thân thức, do pháp phương tiện, khi thì đi với khổ, hoặc với lạc.
Ý thức giới, do pháp phương tiện, khi thì đi với hỷ, hoặc với ưu, hoặc với xả.
Năm thức có quả báo.
Ý giới, do pháp phương tiện, có quả báo tồn tại.
Ý thức giới, do pháp phương tiện, quá báo tồn tại khi thiện hoặc bất thiện.
Thức thứ 6 không nhân, không khởi.
Năm thức là pháp thế gian vì là hữu lậu, có kết sử, có ràng buộc, có lưu chuyển, có ách nạn, có sự che khuất, có tiếp xúc, có chấp thủ, có phiền não, không do kiến đạo đoạn, không do tư duy mà đoạn được, chẳng phải là tụ, chẳng phải chẳng phải tụ, là chẳng phải học, là chẳng phải chẳng phải học, là thuộc Tiểu Dục giới, bất định, phi thừa.
Ý thức giới, tất cả pháp nhân duyên nơi đây đều hoại diệt.
Trên đây là nói do pháp thù thắng có thể biết 7 thức.
Trên đây là nói về phương tiện thức ấm.
Trên đây là nói về phương tiện của 5 ấm.
Lại nữa, có 4 thứ hành pháp thù thắng có thể biết phương tiện của 5 ấm.
Bốn hành pháp đó là: 1. Do nghiã câu. 2. Do tướng. 3. Do phân biệt. 4. Do thâu nhiếp.
Hỏi: Thế nào là do nghiã câu có thể biết phương tiện của 5 ấm?
Đáp: Sắc là nghiã của hiển hiện. Thụ là nghiã của nhận lấy. Tưởng là nghiã của biết. Hành là nghiã của hành vi tạo tác. Thức là nghiã của hiểu rõ. Ấm là nghiã tập họp các chủng loại.
Trên đây là do nghiã của câu có thể biết phương tiện của 5 ấm.
Hỏi: Thế nào là do tướng có thể biết phương tiện của 5 ấm?
Đáp: Sắc, là tự tính trông thấy sắc tướng, ví như thấy gai nhọn.
Sở duyên 4 đại giới là túc xứ của sắc.
Thụ, là tướng của thụ đối với cảnh giới sở duyên, ví như cảm thụ bệnh hủi ác tính. Sở duyên của xúc là túc xứ của thụ.
Tưởng, là lấy cái tướng nắm giữ làm tướng, ví như trong lòng tưởng đến hình dáng của một người nào đó. Sở duyên của xúc là túc xứ của tưởng.
Hành, là lấy hòa hợp làm tướng, ví như quay cái bánh xe. Sở duyên của xúc là túc xứ của hành.
Thức, là biết rõ cái tướng đang nắm giữ, ví như trông thấy thức ăn liền biết cái vị của nó. Sở duyên danh sắc là túc xứ của thức.
Trên đây là do tướng có thể biết phương tiện của 5 ấm.
Hỏi: Thế nào là do phân biệt có thể biết phương tiện của 5 ấm?
Đáp: Năm ấm được phân biệt thành 3 loại: 1. Năm ấm. 2. Năm thụ ấm. 3. Năm pháp ấm.
Năm ấm là tất cả pháp hữu vi.
Năm thụ ấm là tất cả pháp hữu lậu.
Năm pháp ấm là: giới ấm, định ấm, tuệ ấm, giải thoát ấm và giải thoát tri kiến ấm.
Năm pháp ấm nầy là pháp đáng yêu thích.
Trên đây là do phân biệt có thể biết phương tiện của 5 ấm.
Hỏi: Thế nào là do thâu nhiếp có thể biết phương tiện của 5 ấm ?
Đáp: Năm ấm bao gồm có 3 thứ: 1. Nhập nhiếp. 2. Giới nhiếp. 3. Đế nhiếp.
Ở đây, sắc ấm thâu nhiếp trong 11 nhập, 3 ấm thâu nhiếp trong pháp nhập, thức ấm thâu nhiếp trong ý nhập.
Sắc ấm thâu nhiếp trong 11 giới, tức nhĩ giới, thanh giới, tỹ giới, hương giới, thiệt giới, vị giới, thân giới, xúc giới, ý giới, pháp giới và ý thức giới.
Thụ, tưởng và hành 3 ấm thâu nhiếp trong pháp giới.
Thức ấm thâu nhiếp trong 7 giới, tức nhãn giới, nhĩ giới, tỹ giới thiệt giới, thân giới, ý giới và ý thức giới
Giới ấm, định ấm, tuệ ấm, giải thoát ấm, giải thoát tri kiến ấm thâu nhiếp trong pháp nhập và pháp giới.
Giải thoát ấm thâu nhiếp trong pháp nhập và ý nhập và pháp giới, ý thức giới.
Năm ấm, có bộ phận thâu nhiếp vào đế nhiếp, có bộ phận chẳng phải thâu nhiếp trong đế nhiếp.
Năm thụ ấm thâu nhiếp trong khổ đế và tập đế.
Giới ấm, định ấm, tuệ ấm, thâu nhiếp trong đạo đế.
Giải thoát ấm chẳng phải thâu nhiếp trong đế nhiếp.
Giải thoát tri kiến ấm lại thâu nhiếp trong khổ đế.
Có những pháp phương tiện được thâu nhiếp trong ấm mà không thâu nhiếp trong đế nhiếp, hoặc được thâu nhiếp trong đế nhiếp mà không thâu nhiếp trong ấm, hoặc vừa được ấm vừa được đế thâu nhiếp, hoặc không do ấm thâu nhiếp cũng không do đế thâu nhiếp.
Những pháp phương tiện này đều cùng với đạo tương ưng, là các sắc pháp chẳng bị căn ràng buộc.
Quả Sa-môn được thâu nhiếp trong ấm, chẳng phải trong đế.
Nê-hoàn được thâu nhiếp trong đế, chẳng phải trong ấm.
Ba đế là khổ, tập, diệt vừa được ấm thâu nhiếp vừa được đế thâu nhiếp.
Chế, tức là danh, không do ấm cũng không do đế thâu nhiếp.
Như thế, do sự thâu nhiếp mà biết rõ về 5 ấm.
Qua 4 thứ hành pháp trên đây có thể biết 4 thứ phương tiện hành pháp của 5 ấm phương tiện.
Đó gọi là ấm phương tiện.
( Xong phần nói về ấm phương tiện ) Hỏi: Thế nào là nhập phương tiện?
Đáp: Có 12 nhập, đó là: nhãn nhập, sắc nhập, nhĩ nhập, thanh nhập, tỹ nhập, hương nhập, thiệt nhập, vị nhập, thân nhập, xúc nhập, ý nhập, pháp nhập.
Nhãn nhập, là nhãn giới thanh tịnh của khả năng thấy sắc.
Sắc nhập là cảnh giới của mắt. Cảnh giới này trình bày các thứ hình dạng sắc tướng.
Nhĩ nhập là nhĩ giới thanh tịnh có khả năng nghe tiếng.
Thanh nhập là cảnh giới của tai. Cảnh giới này có đầy đủ tất cả âm hưởng.
Tỹ nhập là tỹ giới thanh tịnh có khả năng ngửi được mùi.
Hương nhập là cảnh giới của mũi. Cảnh giới này có đầy đủ các thứ mùi.
Thiệt nhập là thiệt giới thanh tịnh có khả năng nếm biết vị.
Vị nhập là cảnh giới của lưỡi. Cảnh giới này có đầy đủ các thứ vị.
Thân nhập là thân giới thanh tịnh có khả năng cảm giác được các cảm xúc vi tế.
Xúc nhập là cảnh giới của thân. Cảnh giới này có đầy đủ tính cứng, mềm, lạnh, nóng của 4 đại giới là điạ, thủy, hoả, phong.
Ý nhập là 7 thức giới, tức sắc, thanh, hương, vị,xúc, ý giới và ý thức giới.
Pháp nhập là 3 vô sắc ấm, tức thụ, tưởng, và hành, với 18 sắc vi tế là địa, thủy, hỏa, phong, thân tác, khẩu tác, hư không giới sắc, khinh sắc, nhuyến sắc, kham thụ sắc, tụ sắc, tương tục sắc, sinh sắc, lão sắc, vô thường sắc, khí vị đoàn thực, giới xứ sắc và thụy miên sắc, cùng với Nê-hoàn. Đó gọi là 12 nhập.
Lại nữa, có 5 thứ hành pháp thù thắng có thể biết 12 nhập. Đó là: 1. Do nghiã câu. 2. Do cảnh giới. 3. Do duyên. 4. Do đối tượng sở duyên áp lại gần mà tâm khởi. 5. Do thâu nhiếp.
Hỏi: Thế nào là do nghiã câu có thể biết được 12 nhập?
Đáp: Nhãn có nghiã của thấy. Sắc có nghiã của hiển hiện. Nhĩ có nghiã của nghe. Thanh có nghiã của tiếng. Tỹ có nghiã của ngửi. Hương có nghiã của mùi. Thiệt có nghiã của nếm. Vị có nghiã cùa vị giác. Thân có nghiã của chính trì. Xúc có nghiã có thể chạm xúc. Ý có nghiã của biết. Pháp có nghiã không có sinh mạng. Nhập có nghiã là cửa của các pháp vô sắc, nghiã của nơi chốn, nghiã của thụ trì.
Trên đây là do nghiã câu có thể biết được 12 nhập.
Hỏi: Thế nào là do cảnh giới có thể biết được 12 nhập?
Đáp: Mắt, tai không đến tận cảnh giới của đối tượng. Mũi, lưỡi đến được cảnh giới của đối tượng. Ý cùng với đối tượng có chung cảnh giới.
Lại có thuyết cho rằng, tai có thể đến cảnh giới của đối tượng. Nhưng tại sao khi ở gần có sự ngăn cách thì không nghe được? Trường hợp chú thuật thì giải thích thế nào?
Lại có thuyết cho rằng, mắt có thể từ cảnh giới của chính nó đến cảnh giới của vật thì tại sao không thấy được phiá bên kia bức tường?
Trên đây là do cảnh giới có thể biết 12 nhập.
Hỏi: Thế nào là do duyên có thể biết 12 nhập?
Đáp: Nhãn thức thì duyên nơi mắt, sắc, ánh sáng, tác ý, mà sinh nhãn thức. Như vậy từ mắt đến nhãn thức phải có 4 duyên thành duyên. Nếu là lúc sơ sinh thì dựa vào căn, hữu duyên, sắc, 3 duyên đó thành duyên. Sơ sinh thì đối tượng, hữu duyên và ánh sáng, do 3 duyên thành duyên. Sơ sinh thì dựa vào hữu duyên, tác ý, do 2 duyên thành duyên.
Nhãn thức sinh khởi theo thứ lớp không có sở duyên.
Nhĩ thức thì duyên nơi tai, tiếng, hư không, tác ý mà được sinh khởi. Do 4 thứ duyên phân biệt tất cả nhĩ thức.
Tỹ thức thì duyên nơi mũi, mùi, gió, tác ý mà được sinh khởi.
Thiệt thức thì duyên nơi lưỡi, vị, nước, tác ý mà được sinh khởi. Thân thức thì duyên nơi thân, chạm xúc, tác ý mà được sinh khởi. Ý thức thì duyên nơi ý, pháp, giải thoát, tác ý mà được sinh khởi.
Về 6 thức duyên mà nói thì tác ý là hậu phần của tâm, pháp là pháp sự.
Pháp sự nói chung chia làm 4 loại:
Loại thứ nhất gồm có 6 nội nhập về quá khứ, hiện tại và vị lai.
Loại thứ nhì gồm có 5 ngoại nhập về quá khứ, hiện tại và vị lai, ngoại trừ nhập không do căn.
Loại thứ 3 gồm các pháp nhập.
Loại thứ tư gồm có 11 thứ chế danh, đó là: nhãn nhập, sắc nhập, nhĩ nhập, thanh nhập, tỹ nhập, hương nhập, thiệt nhập, vị nhập, thân nhập, xúc nhập và ý nhập. Đó gọi là chúng sinh, phương hướng, thời gian, phạm tội, tất cả tướng Đầu-đà, vô sở hữu nhập định sự diệt thiền định, thật tư duy, và tư duy không thật.
Bốn loại trên đây gọi là pháp sự.
Chuyên tâm có nghiã là tâm theo lý chân như.
Tác ý có nghiã là từ cửa ý mà chuyển ý.
Thức có nghiã là tâm nhanh chóng. Như vậy từ ý giới đến ý thức giới phải dựa vào tất cả thức duyên mới thành duyên.
Pháp thì do sự duyên thành duyên.
Giải thoát là dựa vào pháp duyên thành duyên.
Tác ý do 2 duyên là thứ đệ duyên và hữu duyên mà thành duyên.
Trên đây là nói do duyên có thể biết 12 nhập.
Hỏi: Thế nào là do giáp thắng tâm để khởi phân biệt biết 12 nhập?
Đáp: Nơi cửa mắt, có thể khởi 3 thứ giáp thắng tâm, đó là thượng sự, trung sự và hạ sự.
Như vậy thượng sự nơi cửa mắt, do áp gần thành khởi 7 tâm. Nơi vô gián sinh địa ngục A-tì.
Bảy tâm là: 1. Hữu phần tâm. 2. Chuyển kiến tâm. 3. Sở thụ tâm. 4. Phân biệt tâm. 5. Khiến khởi tâm. 6. Tốc hành tâm. 7. Quả báo tâm của sở duyên sự.
Hữu phần tâm có nghiã là nơi đây có căn tâm như sợi dây kéo dắt đi.
Chuyển kiến tâm là nơi nhãn môn sắc, sự, duyên áp gần cho nên do duyên mà lần lượt đến các giới. Hữu phần tâm dựa vào xứ thành khởi. Trong quá trình sinh khởi, do sắc, sự, của chỗ thấy thành chuyển, sinh khởi chuyển tâm. Chuyển tâm lần lượt dựa vào mắt chuyển hiện khởi được thấy, sinh khởi thấy tâm. Đó gọi là chuyển kiến tâm.
Chuyển tâm dựa theo mắt thấy được sắc, do tâm làm khởi lên cảm thụ, sinh khởi thụ tâm.
Thụ tâm lần lượt do thụ hiện khởi thụ phân biệt mà sinh khởi phân biệt tâm.
Phân biệt tâm nầy do thứ lớp phân biệt khiến hiện khởi mà sinh linh khởi tâm.
Linh khởi tâm nầy do thứ lớp khiến khởi, do nghiệp tâm mà sinh khởi tốc hành tâm.
Tốc hành tâm nầy do thứ lớp tốc hành mà không do phương tiện, sinh khởi quả báo tâm của sở duyên sự, tức nghiệp.
Quả báo tâm của sở duyên, tức nghiệp đó, dựa vào nghiệp trở lại sinh khởi hữu phần tâm, tức sinh hữu tâm.
Hỏi: Có thí dụ nào giải thích rõ thêm chăng?
Đáp: Có, thí dụ như có một ông vua đang nghỉ ngơi trong cung điện, cửa thành bên ngoài đóng kín. Nữ tì đang xoa bóp chân vua. Hoàng hậu ngồi gần bên. Các đại thần và thị thần túc trực trước mặt vua. Một người điếc gác cửa đang dựa lưng vào cổng thành. Bấy giờ, người giữ vườn mang xoài vào gõ cửa. Vua nghe tiếng tỉnh dậy ra lệnh cho người nữ tì ra mở cửa. Người nữ tì vâng lệnh, dùng tay ra dấu hiệu bảo người điếc giữ cửa. Người điếc hiểu ý liền mở cửa thành thấy các trái xoài. Vua cầm dao, người nữ tì nhận xoài mang vào dâng lên đại thần. Đại thần dâng lên Hoàng hậu. Hoàng hậu rửa sạch, lựa trái chín, trái sống để riêng, rồi dâng lên vua. Vua ăn xong, Vua nói trái nào ngon, trái nào không ngon. Rồi vua trở lại nghỉ ngơi.
Như vậy, lúc vua đang nằm nghỉ, có thể biết như hữu phần tâm. Khi người làm vườn mang xoài đến gõ cửa thành, có thể biết như tại nơi cửa mắt, đối tượng của sắc áp đến gần. Khi vua nghe tiếng gõ cửa, tỉnh giấc, sai nữ tì ra mở cửa, có thể biết như là do duyên mà chuyển dần vào nơi ý giới, dựa vào xứ hữu phần sinh khởi. Người nữ tì ra dấu hiệu khiến người điếc giữ cửa hiểu được mà ra mở cửa, đó là chuyển tâm. Như người điếc mở cửa nhìn thấy các trái xoài, đó là nhãn thức. Vua cầm dao, nữ tì dâng xoài lên đại thần, có thể biết như là thụ trì tâm. Đại thần nhận xoài rồi dâng lên Hoàng hậu, đó cũng như phân biệt tâm. Hoàng hậu rửa sạch, lựa trái ra rồi dâng lên vua, đó cũng như khiến khởi tâm. Vua ăn xoài, đó cũng như tốc hành tâm. Ăn xong, vua khen trái nầy, chê trái kia, đó cũng như quả báo tâm của đối tượng sở duyên. Rồi vua nghỉ ngơi trở lại, đó cũng như trở về hữu phần tâm như cũ.
Về các đối tượng chạm áp vào cửa mắt, với mức độ trung bình, thì do tốc hành tâm liên tục sinh khởi trở lại hữu phần tâm của sở duyên.
Về các đối tượng áp đến gần cửa mắt với mức độ thấp, thì do khiến khởi tâm liên tục sinh khởi trở lại hữu phần tâm của sở duyên.
Ngoài ra, tâm áp đến cửa của các giác quan khác, như tai, mũi, lưỡi, thân, có thể cùng cách trên suy ra biết được.
Về cửa của ý, không có chạm giáp với đối tượng, do tác ý duyên và do giải thoát hạnh, thành 3 sự. Thượng sự có 3 thứ tâm pháp sinh khởi, đó là: hữu phần tâm, chuyển tâm, và tốc hành tâm. Với trung sự và hạ sự thì có 2 thứ tâm pháp sinh khởi, đó là chuyển tâm và tốc tâm.
Đối với ý môn thượng sự thì đối với các căn môn khác phân biệt có trường hợp có thể thụ có trường hợp không thể thụ.
Đối với ý môn trung sự, thì do các duyên khác nhau, các thụ khác nhau có thể biết được.
Đối với ý môn hạ sự thì do các tác ý chân chính hay tác ý không chân chính, có thể biết được là thiện hay bất thiện.
Trên đây là nói do giáp thắng tâm của sở duyên có thể biết được 12 nhập.
Hỏi: Thế nào là do thâu nhiếp có thể biết 12 nhập?
Đáp: Có 3 sự thâu nhiếp: 1. Ấm nhiếp. 2. Giới nhiếp. 3. Đế nhiếp.
Trong đó 10 nhập được thâu nhiếp trong sắc ấm.
Ý nhập được thâu nhiếp trong thức ấm.
Pháp nhập, trừ Nê-hoàn, được thâu nhiếp trong 4 ấm.
11 nhập, được thâu nhiếp trong 11 giới.
Ý nhập được thâu nhiếp trong 7 giới.
5 nội nhập được thâu nhiếp trong khổ đế.
5 ngoại nhập có thể hay không có thể được thâu nhiếp trong khổ đế.
Ý nhập có thể hoặc không có thể được thâu nhiếp trong khổ đế.
Pháp nhập có thể do 4 đế thâu nhiếp, hoặc có thể không do khổ đế thâu nhiếp.
Trên đây là do sự thâu nhiếp có thể biết 12 nhập.
Trên đây là nói do hành nhập trí khiến khởi phương tiện, đó cũng gọi là Nhập phương tiện.
Hỏi: Thế nào Giới phương tiện?
Đáp: Có tất cả 18 giới. Đó là: nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới, nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới, tỹ giới, hương giới, tỹ thức giới, thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới, thân giới, xúc giới, thân thức giới, ý giới, pháp giới, ý thức giới.
Như vậy về giới mà nói, nhãn thanh tịnh là nhãn giới. Tất cả hình sắc được mắt thấy là sắc giới. Nhãn thức là nhãn thức giới. Cùng cách nầy suy ra biết được các giới khác.
Ý giới là 5 căn môn, tức 5 cửa của giác quan chuyển đối tượng. Ý giới thụ quả báo. Ý giới chỉ pháp nhập có thể khởi. Trừ pháp giới, 6 thức giới, ngoài ra các tâm pháp đều thuộc về ý thức giới. Ngoài ra như phần Nhập phương tiện có nói rộng.
Trừ pháp giới và ý thức giới, 10 giới được thâu nhiếp trong sắc ấm
Pháp giới, ngoại trừ Nê-hoàn, được thâu nhiếp trong 4 ấm là thụ, tưởng, hành và thức.
11 giới, tức nhãn, sắc, nhĩ, thanh, tỹ, hương, thiệt, vị, thân, xúc, và ý, do 11 nhập thâu nhiếp.
7 giới, tức nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý, và ý thức, do ý nhập thâu nhiếp.
11 giới, tức nhãn, sắc, nhĩ, thanh, tỹ, hương, thiệt, vị, thân, xúc, và ý, do khổ đế thâu nhiếp.
5 giới, tức nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, và thân, hoặc do khổ đế thâu nhiếp, hoặc không thâu nhiếp trong đế.
Pháp giới được 4 đế, tức khổ, tập, diệt, và đạo thâu nhiếp, hoặc không thâu nhiếp trong đế.
Ý thức gìới được khổ đế thâu nhiếp, hoặc không thâu nhiếp trong đế.
Hỏi: Thế nào là cảnh giới của sự giáo hoá?
Đáp: Là có thể chuyển hóa ấm, nhập, giới làm cảnh giới của tất cả các pháp.
Tất cả các pháp này do tướng hòa hợp của các chủng loại làm ấm, do tướng của cửa vào làm nhập, do tướng của tự tính làm giới,
Lại nữa, Thế Tôn vì người lợi căn, ấm môn, tức cửa ngõ của ấm mà nói khổ đế, vì người trung căn thì dùng nhập môn, tức cửa ngõ của nhập mà nói khổ đế, vì người độn căn, thì dùng giới môn, tức cửa ngõ của giới mà nói khổ đế.
Lại nữa, đối với người chấp tướng danh thì tóm lược nói sắc, để phân biệt với danh nên nói ấm.
Với người chấp tướng sắc thì để phân biệt sắc lược nói danh, nói nhập.
Với người chấp tướng danh và sắc, thì để phân biệt danh sắc nên nói giới.
Lại nữa, nói tự tính xứ, nói ấm, nói xứ sự, nói nhập, hoặc dùng xứ sự nói tâm khởi, nói giới.
Như vậy là do các hành giới phân biệt phương tiện, đó gọi là Giới phương tiện.
( Xong phần nói về Giới phương tiện )
Hỏi: Thế nào là Nhân duyên phương tiện?
Đáp: Theo chiều thuận: Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên 6 nhập, 6 nhập duyên xúc, xúc duyên thụ, thụ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão, tử, ưu, bi, khổ, não. Như vậy là khổ ấm sinh khởi.
Theo chiều nghịch: Vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì 6 nhập diệt, 6 nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thụ diệt, thụ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sinh diệt, sinh diệt thì lão, tử, ưu, bi, khổ, não diệt. Như vậy là khổ ấm đều diệt.
Vô minh là không biết 4 đế.
Hành là hành nghiệp của thân, miệng và ý.
Thức là một niệm trong tâm lúc nhập vào bào thai mẹ.
Danh sắc là tâm tương tục khởi các tâm số pháp, cùng với sắc Ca-la-la, tức sắc không thanh tịnh.
Sáu nhập là 6 nội nhập, tức mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.
Xúc là 6 thứ chạm xúc của thân.
Thụ là 6 thứ cảm thụ của thân.
Ái là 6 thứ tham ái của thân.
Thủ là 4 thứ giữ lấy, tức ấm, nhập, giới, và đế.
Hữu là do nghiệp khiến phải sinh vào 3 cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.
Sinh là nơi có các ấm khởi.
Lão là các ấm đã già, chín muồi.
Tử là các ấm tan hoại.
Hỏi: Vì sao vô minh duyên hành? Vì sao sinh duyên lão tử?
Đáp: Phàm phu thế gian hoàn toàn không hiểu 4 Thánh đế, tham đắm 5 thụ ấm mà sống trong đêm dài tối tăm tham đắm cái ta, cái của ta, duyên vào ta và cái của ta mà sinh khởi xúc, cho cái này là thân ta, cái này là vật của ta.
Do đó ưa thích, ưa thích hòa hợp với tham đắm mà thành có tư duy. Nhưng sở duyên của tư duy đó lại khởi ở chỗ không phải trí tuệ mà có hữu và trụ ở hữu tựa như hạt giống nơi ruộng lúa.
Nếu không có thức đó duyên tất cả, thì sự hiện hữu không thể sinh khởi. Đó gọi là vô minh duyên hành, tức do vô minh làm duyên mà sinh khởi các hành.
Nơi vô minh duyên, hành khởi và tư duy nhập vào hữu, nắm giữ vào đối tượng hữu tướng mà thành tụ. Ngay khi tụ chuyển hóa thành hữu, hữu tướng không ngừng sinh khởi. Do đó thức ở nơi hữu thức theo tâm không dứt. Đó là hành duyên thức, tức do hành làm duyên mà sinh khởi thức.
Cũng như trừ ánh sáng mặt trời ra, không có ánh sáng nào khác. Ánh sáng mặt trời làm cho muôn vật trên mặt đất tăng trưởng. Cũng như vậy, trừ thức ra không có gì được gọi là danh sắc. Danh sắc có thể khiến cho vật vốn không có tự thể được trụ vững và tăng trưởng. Giống như các cây lau sậy dựa vào nhau mà tăng trưởng. Đó là thức duyên danh sắc, tức do thức làm duyên mà sinh khởi danh sắc.
Dựa vào nơi thanh tịnh sắc của 5 căn, cùng nhau sinh khởi danh của 5 nhập. Dựa vào ý nhập, tức danh sắc của 5 nhập, được tăng trưởng, 4 đại giới nhân đây dựa vào danh mà được gọi là mạng. Cái ăn, và thời tiết nhân duyên chín muồi, 5 nhập cùng nhau sinh khởi và tăng trưởng, tức danh sắc của tất cả tâm số thức. Trừ đây ra, 6 nhập hoàn toàn không có duyên nào khác. Đó là danh sắc duyên 6 nhập, tức do danh sắc làm duyên mà sinh khởi 6 nhập.
Do 6 nhập dựa vào căn, cảnh giới và thức, hoà hợp lại mà sinh khởi xúc. Đó là 6 nhập duyên xúc, tức do 6 nhập làm duyên mà sinh khởi xúc.
Do có xúc làm duyên mà cảm thụ sinh khởi. Từ đó có cảm thụ khổ, cảm thụ vui, hoặc cảm thụ không khổ không vui. Nếu không có xúc, tất không có thụ. Đó là xúc duyên thụ, tức do xúc làm duyên mà sinh khởi thụ.
Phàm phu si mê khi cảm thụ vui thì tham đắm, tìm cầu được vui thêm, khi thụ khổ thì tìm vui để đối trị lại. Nếu cảm thụ không khổ không vui, thì đó là xả thụ. Đó là thụ duyên ái.
Do thèm khát sự yêu thích nên gấp rút tìm lấy chỗ yêu thích. Đó là ái duyên thủ.
Do có sự nắm lấy đó mà gieo hạt giống hữu vi. Đó là thủ duyên hữu.
Do nghiệp lực chiếm ưu thế nên sinh vào trong các nẻo thụ sinh. Đó là hữu duyên sinh.
Do có sinh nên trở thành già lão rồi chết. Đó là sinh duyên lão tử.
Như cây lúa làm duyên cho hạt lúa, đó là vô minh duyên hành. Hạt lúa làm duyên cho mầm cây lúa, đó là hành duyên thức. Mầm làm duyên cho chồi, đó là thức duyên danh sắc. Chồi làm duyên cho cành, đó là danh sắc duyên 6 nhập. Cành làm duyên cho thân cây, đó là 6 nhập duyên xúc. Thân cây làm duyên cho bông hoa, đó là xúc duyên thụ. Hoa làm duyên cho nhựa cây, đó là thụ duyên ái. Nhựa cây làm duyên cho bột gạo, đó là ái duyên thủ. Bột gạo làm duyên cho hạt lúa, đó là thủ duyên hữu. Hạt lúa làm duyên cho mầm cây lúa, đó là hữu duyên sinh.
Như hạt giống làm duyên cho mầm sinh khởi, rồi tiếp nối nhau, không thể nào biết được quá khứ trước đó, mà cũng không hiểu được tương lai về sau. Như vậy, con người sinh ra do vô minh làm nhân duyên sơ khởi rồi tiếp nhau mãi, không biết được quá khứ cũng như vị lai.
Hỏi: Cái gì làm duyên cho vô minh?
Đáp: Trong 12 nhân duyên, duy chỉ vô minh làm duyên cho chính vô minh. Mười sử làm duyên cho 10 triền, 10 triền làm duyên cho 10 sử. Cái ban đầu làm duyên cho cái ban đầu, cái sau làm duyên cho cái sau.
Lại nữa, tất cả các phiền não cũng làm duyên cho vô minh, như Phật có nói: Từ lậu tập khởi vô minh tập.
Lại nữa, do mắt thấy sắc, nơi một tâm pháp này mà nói thì người si mê thấy sắc liền khởi tham đắm, trong khi người tu hành vốn thanh tịnh. Chuyển thanh tịnh tức thành si mê, đó gọi là vô minh. Tư duy chấp trước, là vô minh duyên hành. Tâm chấp trước, là hành duyên thức. Biết sự tương ứng của các tâm số pháp là sắc tạo ra do tâm số pháp sở duyên, là thức duyên danh sắc. Từ ái sinh hỷ, duyên hỷ biết hỷ là do sắc duyên tạo ra, tiến đến biết 6 căn thanh tịnh, đó là danh sắc duyên 6 nhập. Do vô minh chạm xúc, đó là 6 nhập duyên xúc. Từ chạm xúc duyên cảm thụ sinh khởi vui thích, tiến đến tăng trưởng ái dục, đó là thụ duyên ái. Do tâm chấp trước nắm giữ cái vui thanh tịnh, đó là ái duyên thủ. Chấp thủ vào chỗ tư duy, đó là thủ duyên hữu. Khi hữu phần pháp sinh khởi, tức là hữu duyên sinh. Khi niệm đã an trụ thành thục, đó là lão. Khi niệm tan hoại, đó là tử.
Như vậy, chỉ trong một sát-na đã khởi thành 12 nhân duyên.
Hỏi: Trong 12 nhân duyên, có bao nhiêu thứ thuộc phiền não, bao nhiêu thứ thuộc nghiệp, bao nhiêu thứ thuộc quả báo, bao nhiêu thứ thuộc quá khứ, bao nhiêu thứ thuộc hiện tại, bao nhiêu thứ thuộc vị lai, có bao nhiêu nhân duyên là cộng hữu, bao nhiêu thứ đã khởi?
Thế nào là nhân duyên? Thế nào pháp nhân duyên? Nhân duyên và pháp nhân duyên có gì khác biệt? Thế nào là tính nhiễm của 12 nhân duyên?
Đáp: Phiền não có 3 thứ: 1. Vô minh. 2. Ái. 3. Thủ.
Nghiệp có 2 thứ: 1. Hành. 2. Hữu.
Quả báo có 7 thứ: 1. Thức. 2. Danh sắc. 3. Sáu nhập. 4. Xúc, 5. Thụ. 6. Sinh. 7. Lão, tử.
Ở đây ái, thủ, hữu thuộc phiền não, là nhân tạo thành hữu mà sau được sinh. Ví như người thợ vẽ xử lý màu sắc mà thành bức họa. Bức họa không thể tự nhiên có được. Phiền não khởi do hữu làm duyên mà sinh, như thợ vẽ xử lý màu sắc.
Quá khứ cộng hữu, có 2 thứ: 1. Vô minh. 2. Hành.
Vị lai cộng hữu, có 2 thứ: 1. Sinh. 2. Lão tử.
Hiện tại cộng hữu có 8 thứ: 1. Thức. 2. Danh sắc. 3. Sáu nhập. 4. Xúc. 5. Thụ. 6. Ái. 7. Thủ. 8. Hữu.
Trên đây là dùng 3 thời của vô thủy làm căn cứ mà biết sinh tử nối tiếp nhau kể từ vô thủy.
Có 12 nhân duyên. Bản thân của nhân duyên sinh khởi như thế nào không cần phải thuyết minh thêm, cũng không nên hỏi nhân duyên là gì.
Pháp 12 nhân duyên theo thứ lớp làm nhân cho nhau, đó gọi là nhân duyên khởi. Mười hai nhân duyên phần là pháp đã khởi.
Nhân duyên và pháp nhân duyên khác nhau ở chỗ: Nhân duyên là các thứ hành pháp không giống nhau, hoặc là pháp hữu vi, hoặc là pháp vô vi chưa hoàn toàn thành tựu, cho nên không thể nói rõ mỗi thứ. Cho nên không thể giải thích.
Nhân duyên khởi là pháp nhân duyên sở hành đã thành tựu, là pháp hữu vi. Đó là chỗ khác nhau giữa nhân duyên và pháp nhân duyên.
Vì nhân duyên gì mà tính của nhân duyên là thâm sâu?
Tính thâm sâu của nhân duyên là do hành, do tướng thành khởi vô minh hành duyên với hành ấy, tướng ấy, tính ấy. Thánh nhân không duyên cái gì khác mà dùng tuệ nhãn thông đạt tất cả. Đó gọi là tính thâm sâu của 12 nhân duyên.
Lại nữa, có thể dùng 7 hành pháp thù thắng biết được 12 nhân duyên. Đó là: 1. Dùng 3 tiết. 2. Dùng 4 giản lược. 3. Dùng 20 hành. 4. Dùng sự luân chuyển. 5. Dùng sự dắt dẫn. 6. Dùng sự phân biệt. 7. Dùng sự thâu nhiếp lẫn nhau.
Hỏi: Thế nào là dùng 3 tiết có thể biết được 12 nhân duyên?
Đáp: Khoảng cách giữa các hành và thức, là tiết thứ nhất.
Khoảng cách giữa thụ và ái là tiết thứ nhì.
Khoảng cách giữa hữu và sinh là tiết thứ ba.
Quá khứ nghiệp và phiền não duyên quả báo hiện tại, là tiết thứ nhất.
Quả báo hiện tại duyên phiền não hiện tại, là tiết thứ nhì.
Phiền não hiện tại duyên quả báo vị lai, là tiết thứ ba.
Tiết thứ nhất và tiết thứ ba là tiết về nhân quả và cũng là tiết về hữu. Tiết thứ nhì là tiết về nhân quả, nhưng không phải tiết về hữu.
Hỏi: Thế nào là tiết về hữu?
Đáp: Khi chưa đến lúc chung kết thì trong tiến trình quá độ đến ấm, nhập, giới, thì các phiền não ban đầu hình thành cuộc sống hiện hữu sinh vào các nẻo, đó gọi là tiết về hữu sinh.
Hỏi: Thế nào là thành hữu tiết?
Đáp: Do tương ưng với ái, do tâm duyên tạo công đức nhập vào vô minh, đó gọi là thành hữu tiết.
Phàm phu ác nghiệp, lúc đó gọi là chết. Phàm phu ác nghiệp lúc đó vì chết mà chịu khổ, nằm ở chỗ người chết nằm, không còn thấy tất cả những gì trên cõi đời nầy, không còn nhớ những gì lúc sinh tiền. Cũng không thể nhớ lại được gì.
Tiếp đến là bắt đầu mở ra cái khổ mới thụ sinh, ý niệm có trí tuệ thoái lui, thân mạnh mẽ thoái lui, các căn từ từ lạc mất, rồi từ nơi thân, hoặc phía trên, hoặc phía dưới, mạng căn tàn lụn như chiếc lá khô. Lúc đó, người như ở trong cơn mê ngủ.
Hữu tiết do nghiệp thành khởi 4 thứ pháp: 1. Nghiệp. 2. Nghiệp tướng. 3. Thú. 4. Thú tướng.
Thế nào là nghiệp?
Là hữu sinh tạo nên nghiệp có công đức, hoặc phi công đức, nghiệp nhẹ hoặc nặng, nghiệp nhiều hoặc ít, từ lúc hữu sinh bắt đầu một khi có tạo tác, nghiệp sở duyên liền sinh khởi.
Thế nào là nghiệp tướng?
Tạo nghiệp là nghiệp xứ sở y, nghiệp tướng với sở duyên nghiệp xứ tức thời sinh khởi. Nghiệp với nghiệp tướng như bạn đồng hành cùng nhau sinh khởi. Đồng thời hiển hiện tác nghiệp với tác nghiệp tướng.
Thế nào là thú?
Thú là nẻo tái sinh, do công đức duyên vào nẻo thiện thành khởi, do phi công đức duyên vào nẻo ác thành khởi.
Nói thú tướng, là lúc nhập vào thai mẹ, do 3 sự việc là ấm, nhập và giới hoà hợp mà được sinh.
Hóa sinh, là các nơi được tái sinh, hoặc nơi cung điện, hoặc nơi cư trú, hoặc núi rừng, sông hồ, tùy theo nẻo đến và cùng với tướng khởi lên. Vào lúc đó, người hóa sinh đến nẻo hóa sinh hoặc ngồi, hoặc dựa, hoặc nằm, nhìn thấy hoặc bắt lấy tướng hóa sinh.
Bấy giờ, hữu sinh tiết do hữu sinh ban đầu tạo các nghiệp và nghiệp tướng, do tâm tốc hành tạo tác nghiệp mà hiện khởi diệt. Khi mạng chung, tâm tốc hành thoái mất, liên tục cùng mạng căn cùng diệt, hữu sinh thành chấm dứt tức là chết.
Tâm cuối cùng không gián đoạn mà theo thứ lớp do tốc hành tâm khởi lên, do nghiệp sở duyên, hoặc nghiệp tướng sở duyên, thú hoặc thú tướng, nơi tâm quả báo tạo tác sự nghiệp, quá độ xuống thành 1 hữu sinh tiết. Ví như dùng ngọn đèn mồi một ngọn đèn, cũng như dùng hoả châu lấy lửa.
Khi tâm hữu sinh tiết đó khởi lên thì 4 pháp hữu như bạn đồng hành cùng nương tựa nhau.
Khởi đầu của hữu sinh, khi ở trong bụng mẹ, dựa vào 30 thứ sắc bất tịnh của cha mẹ, theo nghiệp được tạo thành.
Thành khởi 10 tụ sắc của xứ thân.
Khi già, sát-na tâm cùng với vô tâm, quá tiết tâm thành khởi 46 sắc: nghiệp tạo 36 sắc, ăn và thời tiết tạo 6 sắc. Tâm tạo 2 sắc và 8 thứ vô tâm quá tiết sắc, tức thanh tịnh nhập sắc.
Khi già sát-na tâm cọng với đệ nhị tâm thành khởi 54 sắc:
nghiệp tạo 30 sắc, ăn và thời tiết tạo 13 sắc, đệ nhị tâm tạo 3 sắc, và 8 thứ vô tâm quá tiết sắc, tức thanh tịnh nhập sắc.
Nơi đây tất cả sắc pháp thành khởi. Đó chính cái gọi là thức duyên danh sắc, danh sắc duyên thức.
Như vậy là hữu tiết thành khởi.
Trên đây là dùng 3 tiết có thể biết được nhân duyên.
Hỏi: Thế nào là dùng 4 pháp giản lược có thể biết 12 nhân duyên?
Đáp: Vô minh, hành, là phiền não lược pháp của nghiệp quá khứ.
Thức, danh sắc, 6 nhập, xúc, thụ, là phiền não lược pháp của quả báo hiện tại.
Ái, thủ, hữu, là phiền não lược pháp của nghiệp hiện tại.
Sinh, lão tử, là phiền não lược pháp của quả báo vị lai.
Trên đây là nói dùng 4 thứ lược pháp cỏ thể biết 12 nhân duyên.
Hỏi: Thế nào là dùng 20 hành có thể biết 12 nhân duyên?
Đáp: Lấy vô minh, quá khứ ái, quá khứ thủ, do tướng phiền não thành chấp thủ.
Lấy hiện tại hành, quá khứ hữu, do nghiệp tướng thành chấp thủ.
Lấy thức, danh sắc, 6 nhập, xúc, thụ, trong hiện tại do quả báo tướng, sinh và lão tử, thành chấp thủ.
Lấy quá khứ hữu, hiện tại hành, do nghiệp tướng thành chấp thủ.
Lấy sinh, lão tử, vị lai thức, danh sắc, 6 nhập, xúc, thụ, thành chấp thủ.
Hai mươi bốn pháp chấp thủ đó do chấp thủ mà thành 20 hành.
Như trong A-tì-đàm có nói: Nơi nghiệp ban đầu có si là vô minh, tụ tập là hành, chấp trước là ái, tìm cầu là thủ, tư duy là hữu.
Năm pháp nầy tức vô minh, hành, ái, thủ, hữu, ở đây là pháp sinh hữu, lúc mới sinh tạo các nghiệp là duyên.
Do không hiểu rõ đối với thức nhập thành si là vô minh, tụ tập là hành, chấp trước là ái, tìm kiếm là thủ, tư duy là hữu. Năm pháp này ở đây là nghiệp hữu pháp, là duyên của sự sinh vị lai, cũng là quá độ của thức của đời sống vị lai. Do đó cũng gọi là sắc thanh tịnh.
Mười hai nhập là xúc, xúc rồi chấp thủ là thụ. Hai pháp này thuộc vị lai sinh hữu. Ở đây các nghiệp tạo tác là duyên.
Trên đây là nói dùng 20 hành có thể biết 12 nhân duyên.
Hỏi: Thế nào là do sự luân chuyển có thể biết được 12 nhân duyên?
Đáp: Vô minh duyên hành, hành duyên thức, cho đến sinh duyên lão tử, đều thuộc vào khổ ấm. Các pháp nhân duyên sinh khởi nầy, đều là sự không hiểu biết đối với khổ ấm, nên cũng gọi là vô minh. Vô minh duyên hành, hành duyên thức, cho đến sinh duyên lão tử.
Như vậy là do sự luân chuyển tuần hoàn như bánh xe quay mà có thể biết 12 nhân duyên.
Hỏi: Thế nào là do sự kéo dắt theo thứ tự mà biết 12 nhân duyên?
Đáp: Có 2 sự kéo dắt theo chiều xuôi và ngược là khởi đầu tại vô minh, và khởi đầu tại lão tử.
Hỏi: Sao gọi là khởi đầu tại vô minh?
Đáp: Là nói từ vô minh theo thứ tự xuôi xuống đến lão tử.
Hỏi: Sao gọi là khởi đầu tại lão tử?
Đáp: Là nói ngược lại, khởi đầu từ lão tử trở lên đến vô minh.
Lại nữa, khởi đầu từ vô minh là đứng về mặt hữu mà biết về vị lai. Còn khởi đầu từ lão tử là đứng về mặt tối sơ mà biết về quá khứ.
Trên đây là nói dùng sự kéo dắt theo thứ tự xuôi và ngược mà biết 12 nhân duyên.
Hỏi: Thế nào là dùng phân biệt mà biết 12 nhân duyên?
Đáp: Dùng phân biệt có 2 loại nhân duyên là nhân duyên thế gian và nhân duyên xuất thế gian. Như vậy, nhân duyên khởi đầu bằng vô minh là nhân duyên thế gian.
Hỏi: Thế nào là nhân duyên xuất thế gian?
Đáp: Là khổ y khổ, tín y tín, hỷ y hỷ, dũng dước y dũng dước, khinh an y khinh an, lạc y lạc, định y định, tri kiến như thật y tri kiến như thật, nhàm chán y nhàm chán, vô dục y vô dục, giải thoát y giải thoát diệt trí. Đó gọi là nhân duyên xuất thế gian.
Lại nữa, có thuyết cho rằng dùng phân biệt còn có 4 loại nhân duyên: 1. Nghiệp phiền não làm nhân. 2. Chủng tử làm nhân. 3. Hữu tác làm nhân. 4. Cộng nghiệp làm nhân.
Hỏi: Thế nào là nghiệp phiền não làm nhân?
Đáp: Đó là vô minh ban đầu là nghiệp phiền não làm nhân.
Hỏi: Thế nào là chủng tử làm nhân?
Đáp: Như hạt giống và mầm nối tiếp nhau liên tục.
Hỏi: Thế nào là hữu tác làm nhân?
Đáp: Do hữu phần tâm tạo tác các nghiệp sự, sinh khởi các thứ sắc và sắc tướng.
Hỏi: Thế nào là cộng nghiệp làm nhân?
Đáp: Như đất, tuyết, núi, biển, mặt trời, mặt trăng thành khởi đều do nghiệp chung làm nhân.
Lại nữa, có thuyết cho rằng tất cả các hiện tượng tự nhiên chỉ là các sắc pháp, các tâm pháp cùng với thời tiết làm nhân đó thôi, không hề có cộng nghiệp.
Như Thế Tôn có kệ rằng:
Nghiệp không chung với ai, Không ai trộm lấy được. Người làm công đức lành, Báo lành người ấy được.
Trên đây là nói dùng phân biệt có thể biết được 12 nhân duyên.
Hỏi: Thế nào là dùng sự thâu nhiếp có thể biết được 12 nhân duyên?
Đáp: Có 4 sự thâu nhiếp: 1. Ấm thâu nhiếp. 2. Nhập thâu nhiếp.
3. Giới thâu nhiếp. 4. Đế thâu nhiếp.
Vô minh, hành, xúc, ái, thủ, hữu thâu nhiếp trong hành ấm.
Thức thâu nhiếp trong thức ấm.
Danh sắc thâu nhiếp trong 4 ấm là thụ, tưởng, hành và thức.
Sáu nhập thâu nhiếp trong 2 ấm là sắc và thụ.
Thụ thâu nhiếp trong thụ ấm.
Sinh, lão tử thâu nhiếp trong sắc ấm và hành ấm.
Vô minh, hành, xúc, thụ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử, đều thâu nhiếp trong pháp nhập.
Thức thâu nhiếp trong ý nhập.
Danh sắc thâu nhiếp trong 5 nội nhập. Sáu nhập thâu nhiếp trong 6 nội nhập.
Vô minh, hành, xúc, thụ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử đều thâu nhiếp trong pháp giới.
Thức thâu nhiếp trong ý thức giới.
Danh sắc thâu nhiếp trong 5 cảnh giới.
Sáu nhập thâu nhiếp trong 12 giới.
Vô minh, ái, thủ thâu nhiếp trong tập đế.
Hành, thức, danh sắc, 6 nhập, xúc, thụ, hữu, sinh, lão tử thâu nhiếp trong khổ đế.
Các nhân duyên xuất thế gian và các yếu tố của con đường xuất thế đều thâu nhiếp trong đạo đế.
Nhân duyên diệt thâu nhiếp trong diệt đế.
Như vậy là do sự thâu nhiếp lẫn nhau mà biết 12 nhân duyên.
Trên đây là nói dùng sự thâu nhiếp có thể biết được 12 nhân duyên. Trên đây là nói dùng 7 thứ hành pháp có thể biết 12 nhân duyên.
Trên đây là nói về nhân duyên phương tiện.
( Xong phần nói về Nhân duyên phương tiện )
QUYỂN 10 HẾT