LUẬN ĐẠI THỪA BẢO YẾU NGHĨA
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản
QUYỂN 9
Như trong Kinh Nhập Lăng Già, Bồ-tát Đại Tuệ hỏi về Như Lai Tạng: Phật bảo: Đại Tuệ! Vì sao ông hỏi Như Lai về tự tánh sáng tỏ, thanh tịnh, xưa nay vốn thanh tịnh, và các thuyết như vậy? Đức Như Lai có đủ ba mươi hai tướng tốt, trong tất cả thân của chúng hữu tình, như vật báu vô giá được buộc giấu trong chiếc áo bẩn rách, những buộc che của áo Uẩn, Xứ, Giới, cũng như vậy. Tham-sân-si kia không chấp trước là thật. Những cấu nhiễm này là pháp vô thường, không bền chắc, không phải cứu cánh.
Bồ-tát Đại Tuệ thưa với Phật: Thưa Thế Tôn! Chỗ nói của ngoại đạo như nói về thần ngã, vì sao không thể sánh với chỗ nói về Như Lai tạng? Do ngoại đạo nói Thần ngã là thường. Ngã có thể tạo tác, lìa buộc, tự tại, mà vĩnh viễn không diệt? Như thuyết của ngoại đạo nói về Thần ngã như vậy.
Phật dạy: Đại Tuệ! Nói về ngã của ngoại đạo không thể so với chỗ nói về Như Lai tạng. Này Đại Tuệ! Chỗ Ta nói về thực tế, Niết-bàn, là Vô sinh, là Không, Vô tướng, Vô nguyện, những câu nghĩa như thế, bậc Như Lai Ứng Cúng Chính Đẳng Chánh giác vì những kẻ ngu tối, khiến lìa sự sợ hãi về pháp Vô ngã nên dùng phương tiện nói môn Như Lai tạng không phân biệt, không chỗ đối ngại. Trong đây cũng không phải là, các Bồ-tát Ma-ha-tát vị lai, hiện tại chấp trước vào ngã mà tạo tác.
Đại Tuệ! Vì như người thợ gốm, lấy đất sét, dùng nước, dây niền và những công cụ ra sức làm thành các loại đồ dùng. Như Lai cũng lại như vậy, trụ ở pháp vô ngã, lìa tướng phân biệt, nên lấy vô số phương tiện của thắng tuệ khéo tương ưng để thuyết giảng hoặc Như Lai tạng, hoặc pháp Vô ngã; khéo dùng thí dụ, câu văn lời nói mà thuyết giảng. Với duyên cớ ấy, nên lời nói về Ngã của ngoại đạo không thể sánh với chỗ nói về Như Lai tạng. Đại Tuệ ! Lại lời ta nói về Như Lai tạng chỉ để hàng phục lời của các ngoại đạo chấp Ngã cho nên dùng phương tiện để nói về Như Lai tạng. Như vậy cớ gì họ lại cứ thích rơi vào kiến chấp về chủ tể không thực? Nếu ý vui thích ba môn giải thoát, đầy đủ thì có thể mau chứng đạo quả Bồ-đề vô thượng. Với những ý nghĩa trên nên lời nói về ngã của ngoại đạo không thể nào sánh với chỗ nói về pháp Như Lai tạng của đấng Như Lai Ứng Cúng Chính Đẳng Chánh giác được. Này Đại Tuệ! Để khiến Ngoại đạo lìa bỏ các kiến chấp, hãy khiến họ tùy thuận tạng pháp vô ngã của Như Lai, chỗ tuyên thuyết này là pháp cứu cánh thành tựu vô thượng. Đó là pháp “không”, không sinh, không hai, là pháp không tự tánh của Bồ-tát, đó là pháp thâm diệu. Nếu được tuyên thuyết và thọ trì là có thể thâu tóm khắp mọi nghĩa sâu xa của tất cả kinh điển Đại thừa. Vì sao? Vì pháp thâm diệu nầy, đã gồm thâu hết thảy pháp nơi tất cả kinh điển. Kinh ấy lại nói: Đại Tuệ! Pháp “không”, không sinh, không nhị, không tự tánh tướng này gồm thâu khắp tất cả chư Phật và tất cả kinh điển.
Trong Kinh Nguyệt Đăng Tam Muội, Như Lai nói kệ:
Trong thế giới tam thiên đại thiên
Những kinh điển Ta đã tuyên thuyết,
Các loại văn cú đều một nghĩa
Nên không thể thuyết giảng khắp nữa!
Cho đến thuyết rộng nhiều loại pháp
Của tất cả các đức Như Lai.
Vì nếu đã tu học nghĩa một câu
Thì mọi tu tập được thành tựu
Tất cả các pháp tánh đều “không”.
Nếu người hiểu rõ được nghĩa này
Tức học được thành từ câu nghĩa,
Pháp của chư Phật không khó được,
Pháp rất sâu xa dễ tin hiểu,
Đạt được tất cả thnắg phước sinh,
Mọi việc thế gian và xuất thế,
Đều được hoàn thành chứng quả Phật.
Kinh Bảo Thọ nói: Lại nữa, Diệu Cát Tường! Có Bồ-tát trải qua trăm ngàn kiếp tu sáu Ba-la-mật, đủ phương tiện thiện xảo. Lại có người siêng cầu nghe nhận chánh pháp này thì người ấy thu được lượng phước nhiều hơn vị Bồ-tát trên. Huống gì là với tâm không chỗ cầu mà nghe nhận, viết chép rộng giảng nói cho người khác.
Kinh Kim Cang Bát-Nhã Ba-la-mật-đa nói: Phật bảo: Tu-bồ-đề!
Ý ông thế nào? Số cát hiện có trong sông Hằng, nếu mỗi mỗi hạt là một sông Hằng, thì số cát hiện có nơi những sông Hằng ấy là nhiều chăng?
Tu-bồ-đề đáp: Các con sông Hằng ấy thôi, đã là quá nhiều vô số, huống chi là số cát của chúng!
Phật bảo: Này Tu-bồ-đề ! Nay ta bảo thực với ông: Nếu Thiện nam, Thiện nữ đem bảy báu chất đầy trong số thế giới như số cát nơi những con sông Hằng kia dùng làm bố thí chư Phật Như Lai, thì do nhân duyên ấy các Thiện nam Thiện nữ kia được phước nhiều chăng? Tu-bồđề đáp: Thưa nhiều, nhiều lắm, thưa Thế Tôn!
Phật nói: Tu-bồ-đề ! Nếu có người theo chánh pháp này, cho đến chỉ thọ trì một bài kệ bốn câu, vì người khác mà giảng nói thì phúc người này hơn phúc người trên
Kinh Phạm Vương Vấn nói: Này nhân giả! Nếu có Thiện nam, Thiện nữ nơi chỗ của Như Lai muốn tu sự phước nên nghe kỹ, tuy hiểu và thọ trì chánh pháp này tức có thể thu hoạch được sắc tướng giàu thịnh, đông nhiều quyến thuộc, nơi pháp tự tại, hưởng được vui sướng trong cõi nhân, thiên.
Kinh Xá-Lợi-Tử Thuyết Bát-Nhã Ba-la-mật-đa nói: Xá-lợi-tử thưa với Phật: Thưa Thế Tôn! Nếu có người nghe nói Bát-nhã Ba-lamật-đa này, nghe xong rồi tin hiểu, người này tức được bất thoái chuyển nơi Bồ-đề.
Bồ-tát Từ-Thị nói: Thưa Thế Tôn! Nếu có người nghe giảng nói Bát-nhã Ba-la-mật-đa này, nghe xong rồi tín hiểu thì vị Bồ-tát ấy được gần quả vị Phật.
Bồ-tát Diệu Cát Tường nói: Thưa Thế Tôn! Nếu có người nghe giảng nói Bát-nhã Ba-la-mật-đa này nghe rồi tín hiểu thấy vị Bồ-tát ấy như tưởng đến Phật, tất cả tội nhiễm ô tạo ác đều được giải trừ, tất cả nghiệp chướng đều được thanh tịnh, có thể sinh thắng giải nơi pháp thâm diệu.
Kinh Như Lai Tạng nói: Phật bảo: Ca-diếp! Mười nghiệp bất thiện nhất là:
Một là: Giả sử có người cha là Duyên giác mà khởi tâm sát hại. Đây là tội sát sanh nặng nhất.
Hai là: Chiếm đoạt vật tiền của Tam bảo, đó là tội trộm nặng nhất.
Ba là: Giả sử có mẹ là A-la-hán mà sinh nhiễm đắm. Đây là tội tà nhiễm nặng nhất.
Bốn là: Có người nói: Ta là Như Lai. Đây là tội vọng ngữ nặng nhất.
Năm là: Làm ly gián trong Thánh chúng. Đây là tội nói hai lưỡi nặng nhất.
Sáu là: Hủy báng Thánh chúng. Đây là tội ác khẩu nặng nhất.
Bảy là: Dùng lời nói giả dối tạp loạn làm trở ngại chánh pháp. Đây là tội nói lời thêu dệt nặng nhất
Tám là: Thấy chỗ chính nghĩa chính đạo có lợi dưỡng, khởi tâm chiếm đoạt. Đây là tội tham dục nặng nhất.
Chín là: Khen ngợi năm tội vô gián. Đây là tội sân hận nặng nhất
Mười là: Khởi ác kiến hẹp hòi sai lạc. Đây là tội tà kiến nặng nhất
Này Ca-diếp! Những thứ trên là mười nghiệp bất thiện đều là tội nặng nhất. Nếu hữu tình nào có tội như vậy hành đủ mười nghiệp bất thiện, Như Lai tức vì họ giảng nói pháp nhân duyên hòa hợp, khiến được hiểu rõ vào pháp. Lúc đó, cũng không có tưởng ngã, nhân, hữu tình, thọ giả. Nếu có thể lãnh hội được pháp vô tác, vô vi như huyễn này thì lìa được nhiễm, được thanh tịnh và tự tánh sáng tỏ, hiểu được tất cả pháp xưa nay thanh tịnh, tịnh tín và thắng giải nơi tất cả pháp. Ta nói người này không bị đọa vào cõi ác. Vì sao? Vì không có các tánh tụ hội phiền não có thể được; sinh rồi, tức liền tất cả hủy hoại. Cho nên biết nhân duyên hòa hợp, một khi tụ lại, các phiền não được sinh, sinh rồi liền diệt, hoặc mống tâm dứt trừ thì các phiền não theo đó tức là có sinh. Nếu hiểu được như vậy thì có tội ở chỗ nào? Không có chỗ chứa nhận. Nếu nói có các tội chướng có thể trụ thì không có điều ấy.
Trong phẩm Hàng Ma, Tôn giả trì luật Ưu-ba-ly hỏi: Các ngươi là ma ác thì làm thế nào là Tỳ-khưu hành trì luật chân chính?
Ma nói: Thưa Tôn giả! Nếu vị Tỳ-khưu hiểu rõ tất cả pháp trọn được điều phục, các tội xưa nay không có chỗ đầu, cuối, vì rời lìa mọi biên vực, nếu phạm tội Đọa và các Ác tác khác thì đều giải trừ, chớ nên chấp chặt. Dùng những pháp như vậy để khai thị cho người khác, kẻ phạm phải năm tội vô gián còn trừ được hết huống chi là chỉ phạm ít cấu nhiễm phá giới.
Hiểu rõ luật pháp này là không bị phiền não khách trần cấu nhiễm, sanh tưởng xuất ly biết rõ các phiền não không ở trong, không ở ngoài cũng không ở khoảng giữa. Không phải Trí lìa nhiễm có thể trừ diệt phiền não. Tánh lìa nhiễm cũng không thể dứt trừ. Người trí quán như thật về các phiền não như mây nổi bị gió thổi trôi tan. Tùy chỗ phương hướng đi về đâu? Trụ ở đâu? Lại nữa các phiền não như mặt trăng trong nước, chấp dựa vào ảnh tượng đối hiện trước mắt. Các phiền não lại cũng là cảnh giới đen tối, đèn trí tuệ sáng suốt có thể soi chiếu xua tan. Lại giặc trộm phiền não phá hoại sắc tướng như quỉ Dạ-xoa, Lasát. Nếu tác ý sâu chắc, suy xét như thật, tức không chỗ trụ. Lại những phiền não thường rình rập làm hại. Nếu không tác ý sâu chắc thì phiền não tăng trưởng, còn ở trong pháp trí tuệ không, vô tướng, vô nguyện tức không có gì trái hại. Lại đối với các phiền não, như vậy, người trí dùng trí đối với việc chấp trước phiền não, và chấp trụ ở pháp đối trị của hữu tình kia, trước hết khởi tâm thương xót, rồi thuyết pháp không ngã, không hữu tình, khiến họ rời nhiễm. Đây tức là trì luật chân thật.
Kinh Vua A-Xà-Thế nói: Phật bảo: Này Tôn giả A-nan! Nay ta bảo thực với ông: Nếu có người phạm năm tội vô gián, được nghe chánh pháp như vậy rồi có thể sinh thắng giải, Ta không nói người đó có nghiệp và nghiệp chướng. A-nan! Nói tóm lại. Ta đây muốn tuyên thuyết chánh pháp sâu xa này, nên phải sinh tâm thắng giải, xưng tán rộng rãi, thường ở nơi kinh kia chuyên cần nghe nhận, không lìa. Bồ tát có phương tinệ khéo léo phải siêng năng như thế mà thuyết giảng pháp thâm diệu. Cho nên, trí tuệ và phương tiện là hai pháp không lìa. Đây là chánh pháp tương ưng của Bồ-tát.
Kinh Duy Ma Cật nói: Không có tuệ phương tiện buộc mà có tuệ phương tiện mở. Thế nào là không có tuệ phương tiện buộc? Nếu Bồ-tát điều phục tâm mình trong pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện, không dùng tướng tốt để trang nghiêm cõi Phật và thành thục loại hữu tình, thì đây là không có tuệ phương tiện buộc. Thế nào là có tuệ phương tiện mở? Nếu Bồ-tát có khả năng dùng tướng tốt trang nghiêm cõi Phật, thành thục hữu tình, điều phục được tâm trong pháp Không, Vô tướng, Vô nguyện. Siêng năng tu hành hết mực, không lúc nào lười mỏi. Đây tức là có tuệ phương tiện mở.
Thế nào là không có tuệ phương tiện buộc? Nếu Bồ-tát đối với các kiến phiền não sinh khởi, theo đuổi nó chấp trụ là “có”, nhưng vẫn phát khởi tất cả thiện căn và hồi hướng nơi Bồ-đề vô thượng, thì đây là không có tuệ phương tiện buộc.
Thế nào là có tuệ phương tiện mở? Nếu Bồ-tát đối với các kiến phiền não sinh khởi, theo đuổi nó mà đoạn các chấp “có” rồi, phát khởi tất cả thiện căn, hồi hướng nơi Bồ-đề vô thượng, đều không chỗ nắm giữ, thì đây là có tuệ phương tiện mở.
Tuệ và phương tiện, hai pháp này hòa hợp nên biết đều là hạnh của Bồ-tát. Thế nào là hạnh Bồ-tát? Không phải là hạnh phàm phu, cũng không phải là hạnh Hiền Thánh, đó là hạnh Bồ-tát
Nơi sinh tử không bị nhiễm ô, nơi Niết-bàn không cầu tịch diệt, đó là hạnh Bồ-tát. Tuy cầu tìm trí bốn đế mà cũng không trái thời thủ chứng Niết-bàn. Đó là hạnh Bồ-tát.
Tuy quán nội không mà thường nghĩ thị hiện thọ sinh trong tam giới, đó là hạnh Bồ-tát.
Tuy quán pháp vô sinh, nhưng không vào chính vị, đó là hạnh Bồtát.
Tuy thâu nhiếp tất cả hữu tình, nhưng không nhiễm vướng, đó là hạnh Bồ-tát.
Tuy hành nơi “không” nhưng thường siêng đạt các tướng công đức, đó là hạnh Bồ-tát.
Tuy hành vô tác, nhưng vẫn siêng tu tất cả việc thiện, đạt được khinh an, đó là hạnh Bồ-tát.
Tuy tu tập chỉ quán mà không hoàn toàn rơi vào tịch diệt, đó là hạnh Bồ-tát. Tuy chuyển pháp luân, thị hiện Đại Bát Niết-bàn, nhưng không bỏ chỗ làm của hạnh Bồ-tát, đó là hạnh Bồ-tát.
Tất những những việc như trên đều là thực hiện hạnh Bồ-tát.
Kinh Hàng Ma nói: Lại nữa, có chính hạnh tối thượng của bậc Bồtát Ma-ha-tát, đó là trí thắng tuệ tăng thượng tương ưng. Như trí phương tiện là hành gồm thâu khắp tất cả các pháp thiện. Trí thắng tuệ là trí không ngã, không nhân, không hữu tình, không thọ giả, không nho đồng v.v… Trí phương tiện là hạnh thành thục tất cả hữu tình. Trí thắng tuệ là hạnh gồm thâu khắp các pháp. Trí phương tiện là hạnh thâu nhận chánh pháp. Trí thắng tuệ là hạnh không phân biệt tất cả pháp giới Phật. Trí phương tiện là hạnh thừa sự, cúng dường tôn trọng tất cả pháp Phật. Trí thắng tuệ là hạnh thấy tất cả cõi Phật như hư không. Trí phương tiện là hạnh tạo đầy đủ công đức trang nghiêm nơi tất cả cõi Phật và làm nghiêm tịnh các cõi ấy. Trí thắng tuệ là hạnh tu vô vi của tất cả Thánh Hiền. Trí phương tiện là hạnh khởi tâm tôn kính tất cả sư tôn và thi hành các loại tác dụng. Trí thắng tuệ là hạnh quán xét thân Phật vô lậu. Trí phương tiện là hạnh tu tướng hảo như Phật. Trí thắng tuệ là hạnh quán sát tất cả những sự việc không sinh và không khởi.
Trí phương tiện là hạnh thường tư duy về ba cõi và thị hiện thọ sinh trong ấy.
Kinh Vô Tận Ý nói: Phương tiện của Bồ-tát là thế nào? Và thắng tuệ của Bồ-tát là thế nào?
Lúc nhập định, khởi tâm đại bi duyên một cách vững chắc để quán sát hữu tình, đó là phương tiện.
Nếu ở trong định, trụ chỗ tịch tĩnh, và tạo tịch tĩnh khắp, thì đó là thắng tuệ.
Nếu lúc vào định khởi tâm đại bi tùy thuận đạo Phật, thì đó là phương tiện.
Nếu không có chỗ để nương dựa và quán sát, thì đó là thắng tuệ.
Nếu lúc vào định, quán sát và thâu tóm khắp tất cả pháp kia, thì đó là phương tiện.
Nếu quán pháp giới, không hề có chỗ phân biệt, thì đó là thắng tuệ.
Nếu lúc vào định, thấy thân Phật trang nghiêm được tạo tác ở trước, thì đó là phương tiện.
Nếu lúc vào định, quán sát phần vị pháp thân, thì đó là thắng tuệ.
Kinh Duy Ma Cật nói: Phật bảo: Này Bồ-tát Từ Thị! Bồ-tát có hai tướng :
Một là: vui thích tin tưởng ở câu văn vẻ.
Hai là: Không sợ pháp thâm diệu, như tậht hiểu rõ, thể nhập vào.
Đó là hai tướng. Nếu Bồ-tát tin thích và tôn trọng câu văn vẻ, thì biết đó là bậc Bồ-tát sơ học.
Nếu trong kinh điển thâm diệu thanh tịnh ấy, thâu giữ khắp các loại văn nghĩa khác biệt, nghe nhận và thuyết giảng có thắng giải thì biết đó là bậc Bồ-tát đã tu phạm hạnh lâu.
Lại có hai pháp, là bậc Bồ-tát sơ học, tự làm tổn giảm, không điều phục tâm trong pháp sâu xa.
Một là: Trước kia, kinh điển thâm diệu chưa được nghe, nay nghe xong thì sợ hãi sinh nghi, cũng không thuận theo, trái lại sinh khinh chê nói thế này: Pháp này từ đâu đến Tôi xưa chưa từng nghe!
Hai là: Với bậc đại pháp khí giảng nói pháp sâu xa mà không chịu gần gũi tôn trọng. Hoặc trong lúc đó, thầm kể nói lỗi người kia. Đó là hai pháp.
Lại có hai pháp: Bậc Bồ-tát tuy tin hiểu pháp thâm diệu mà cũng tự làm tổn giảm, không thể nhanh chóng chứng được pháp nhẫn vô sinh.
Một là: xem thường bậc Bồ-tát sơ học, không chịu thu nhận, không quyết định chọn lựa và cũng không dạy bảo.
Hai là: Tuy tin hiểu pháp sâu xa nhưng không học tập, cũng không tôn trọng, không thí tài, không thí pháp, không thâu nhận hữu tình.
Đây là hai pháp.
Ở đây nên biết, nếu các hữu tình hiểu rõ, thâm nhập vào nơi diệu lực đại uy đức của chư Phật, Bồ-tát thì thật là khó được.
Thế nào là lực đại uy đức của Bồ-tát?
Kinh Duy Ma Cật nói: Duy Ma Cật nói: Này Tôn giả đại Ca-diếp! Nơi mười phương thế giới hiện có đang làm ma vương đều là bậc Bồtát trụ nơi giải thoát không thể nghĩ bàn. Dùng phương tiện khéo léo làm thành thục các hữu tình nên hiện tướng ma. Lại nữa, mười phương thế giới hiện có Bồ-tát được nhiều kẻ tìm đến xin đầu, xin tay, tai, mũi, máu thịt, gân xương, đầu, mắt, phần thân, vợ con, nô tỳ, dân chúng, làng nước, voi ngựa xe cộ. Những loại như vậy khi đến cầu xin đều cấp thí cho. Bồ-tát dùng tướng như vậy để hành cấp bách. Những vị ấy đều là Bồ-tát trụ nơi giải thoát không thể nghĩ bàn. Ca-diếp! Ví như voi quý bước đi, sức lừa không thể theo kịp nổi phàm phu cũng giống như thế. Không thể làm được việc Bồ-tát cấp bách như vậy. Chỉ có bậc Bồ-tát mới làm được việc Bồ-tát cấp bách như vậy.