LUẬN ĐẠI THỪA BẢO YẾU NGHĨA
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 3

Kinh Nhập Định Bất Định Ấn nói: Phật bảo: Này Diệu Cát Tường! Giả sử có người đối với tất cả hữu tình trong hết thảy thế giới khắp mười phương đều móc lấy mắt của họ đến trọn một kiếp, và nếu có thiện nam thiện nữ đối với các hữu tình kể trên khởi tâm từ bi dùng phương tiện, khiến mắt họ được bình phục như cũ, cho đến hết kiếp Này Diệu Cát Tường! Lại có người phát tâm thanh tịnh, chuyên chú nhất tâm quán bậc Bồ-tát tín giải Đại thừa, dù chỉ một lúc, thì lượng phước của người này hơn gấp bội A-tăng-kỳ lần lượng phước của người trước.

Giả sử có người tháo gỡ trói buộc nơi lao ngục cho tất cả hữu tình ở khắp mười phương và khiến cho họ được vị Chuyển luân thánh vương, hoặc Thiên chủ Đế Thích, được mọi diệu lạc. Này Diệu Cát Tường! Lại có người phát tâm thanh tịnh chiêm ngưỡng ngợi khen vị Bồ-tát tín giải Đại thừa, thì lượng phước nầy hơn gấp bội a-tăng-kỳ lần lượng phước người trước.

Kinh Tín Lực Nhập Ấn Pháp Môn nói: Phật bảo: Này Diệu Cát Tường! Nếu có thiện nam thiện nữ trong hằng hà sa số kiếp làm hạnh bố thí rộng rãi, ngày dùng trăm ngàn vị thứ ăn uống, quần áo tốt đẹp để bố thí cúng dường, cho các hữu tình nhiều như số vi trần của tất cả thế giới; lại có người thấy một Ưu-bà-tắc, không có dị sư, tôn trọng tu đầy đủ mười nghiệp thiện bèn nghĩ, đây là người học giới hạnh của Phật rồi mỗi ngày cúng thí một bữa ăn, thì lượng phước như vậy hơn gấp bội Atăng-kỳ lần lượng phước người trước.

Như vậy, kể theo thứ lớp, cúng thí cho một Tỳ-kheo, cúng thí người tu Tùy Tín hành, người tu Tùy Pháp hành cho đến bậc Duyên giác… cúng thí gấp bội.

Lại có người chỉ thấy một tranh vẽ hình tượng Phật hoặc bìa kinh có ảnh tượng Như Lai, thì lượng phước của người này đã hơn gấp bội A-tăng-kỳ lần lượng phước người trước huống gì còn chấp tay tôn trọng ảnh tượng Phật? Hoặc là dùng hương hoa, hương xoa, đèn sáng cúng dường với lòng thanh tịnh. Như vậy lượng phước hơn gấp bội A-tăng-kỳ lần lượng phước người trên.

Lại tiếp, có người trong hằng hà sa số kiếp, ngày ngày dùng trăm ngàn vị ăn uống, quần áo tốt đẹp như áo cõi trời, bố thí cúng dường hằng hà sa số các vị Phật và Thanh văn; lại có người, trong một ngày cúng thí một bữa ăn cho một vị Bồ-tát tu hạnh dương xa, đang gieo trồng thiện căn tịnh tâm đầy đủ theo các vị Phật, thì lượng phước như vậy hơn gấp bội A-tăng-kỳ lần lượng phước người trên.

Ví như có người trong hằng hà sa số kiếp, ngày ngày dùng trăm ngàn vị ăn uống, y phục tốt cúng dường các vị Bồ-tát tu hạnh dương xa, ở tất cả thế giới như cực vi trần số, lại có người trong một ngày cúng thí một bữa ăn cho một Bồ-tát tu hạnh tượng xa, thì lượng phước như vậy hơn gấp bội A-tăng-kỳ lần lượng phước người trước.

Nếu có người trong hằng hà sa số kiếp, ngày ngày dùng trăm ngàn vị ăn uống và y phục tốt cúng dường các vị Bồ-tát tu hạnh tượng xa ở tất cả thế giới như cực vi trần số, lại có người trong một ngày cúng thí một bữa ăn cho một Bồ-tát tu hạnh thần thông nhật nguyệt, thì lượng phước như vậy hơn gấp bội A-tăng-kỳ lần lượng phước người trước.

Nếu có người trong hằng hà sa số kiếp, ngày ngày dùng trăm ngàn vị ăn uống và y phục tốt cúng dường các vị Bồ-tát tu hạnh nhật nguyệt thần thông, ở tất cả thế giới như cực vi trần số, lại có người trong một ngày cúng thí một bữa ăn cho một Bồ-tát tu hạnh thần thông Thanh văn, thì lượng phước như vậy hơn gấp bội A-tăng-kỳ lần lượng phước người trước.

Nếu có người trong hằng hà sa số kiếp, ngày ngày dùng trăm ngàn vị ăn uống và y phục tốt cúng dường các vị Bồ-tát tu hạnh thần thông Thanh văn, ở tất cả thế giới như cực vi trần số, lại có người trong một ngày cúng thí một bữa ăn cho một Bồ-tát tu hạnh thần thông Như Lai, thì lượng phước như vậy hơn gấp bội A-tăng-kỳ lần lượng phước người trước.

Nơi đây nên hỏi: Thế nào là tu hạnh Bồ-tát dương xa cho đến Bồtát tu hạnh thần thông Như Lai?

Đáp: Kinh Nhập Định Bất Định Ấn nói: Phật dạy: Này Diệu Cát Tường! Bồ-tát có năm loại hạnh. Đó là: Hạnh dương xa, hạnh tượng xa, hạnh thần thông nhật nguyệt, hạnh thần thông Thanh văn và hạnh thần thông Như Lai. Trong năm loại hạnh có hai hạnh dương xa và hạnh tượng xa còn có thoái chuyển đối với đạo quả Bồ-đề vô thượng. Còn hạnh thần thông nhật nguyệt, thần thông Thanh văn và hạnh thần thông Như Lai, tu ba hạnh này tức không còn thoái chuyển nơi đạo quả Bồ-đề vô thượng.

Thế nào gọi là Bồ-tát tu hạnh dương xa?

Thí như có người muốn qua số lượng các thế giới nhiều như số vi trần nơi năm cõi Phật số bèn nghĩ: Ta nên dùng xe dê. Nghĩ rồi bèn theo đường mà đi. Qua thời gian cần mẫn chịu khổ dài lâu đi được một trăm do tuần, bỗng gặp một cơn gió lớn thổi lui tám mươi do tuần. Này Diệu Cát Tường! Ông nghĩ thế nào về người cỡi xe dê này, nếu qua một kiếp cho đến vô số kiếp (bất khả thuyết bất khả thuyết kiếp) người này có thể qua số thế giới kia hoặc một thế giới không?

Diệu cát Tường thưa: Thưa Thế Tôn! Không thể qua, không thể có chuyện qua được.

Phật bảo: Này Diệu Cát Tướng! Đúng vậy, đúng vậy! Hoặc có Bồ-tát trước phát tâm đại Bồ-đề rồi, sau không trì không tụng pháp Đại thừa, trở lại ưa thích tu tập, đồng thời khen ngợi thọ trì đọc tụng giải nghĩa pháp Thanh văn, lại khiến người khác cũng tu tập trì tụng hiểu rõ. Do nhân duyên này làm trí tuệ cùn nhụt và thoái chuyển nơi đạo vô thượng trí. Bồ-tát này tuy trước tu tập tâm đại Bồ-đề, với tuệ căn, tuệ nhãn, mà vì trí tuệ cùn nhụt nên bị hoại mất. Đây gọi là Bồ-tát tu hành dương xa (hạnh xe dê).

Thế nào là Bồ-tát tu hạnh tượng xa (xe voi)? Thí như có người cũng muốn đi qua các thế giới nhiều như số vi trần nơi năm cõi Phật như trước bèn tự nghĩ: Ta nên dùng xe voi loại cực tốt có đầy đủ tám bộ phận. Nghĩ rồi theo đường mà đi. Trải qua trăm năm đi được hai ngàn do tuần. Chợt gió lớn thổi lui một ngàn do tuần. Này Diệu Cát Tường! Ông nghĩ thế nào… cho đến… người này qua được một thế giới không?

Diệu Cát Tường đáp: Thưa Thế Tôn! Không thể được, không thể có chuyện ấy.

Phật bảo: Này Diệu Cát Tường! Đúng vậy! Đúng vậy! Hoặc có Bồ-tát trước phát tâm đại Bồ-đề, sau lại không trì tụng pháp Đại thừa, trở lại ưa thích tu tập pháp Thanh văn, trì tụng giải rõ. Đây gọi là Bồ-tát tu hạnh tượng xa.

Thế nào là Bồ-tát tu hạnh thần thông nhật nguyệt? Thí như người muốn đi qua số thế giới nhiều như số vi trần nơi năm cõi Phật, như người trước… cho đến… dùng hạnh thần thông nhật nguyệt theo đường mà đi. Này Diệu Cát Tường! Ông nghĩ người này có thể qua các thế giới kia không?

Diệu Cát Tường bạch: Thưa, người này có thể đi qua, nhưng phải chịu khổ nhọc chuyên cần trải qua thời gian dài lâu.

Phật bảo: Này Diệu Cát Tường! Đúng vậy! Đúng vậy! Hoặc có Bồ-tát trước đã phát tâm đại Bồ-đề, không thích tu tập pháp Thanh văn, cho đến một bài kệ bốn câu cũng không trì, tụng. Chỉ thích đọc tụng giải thích thấu tỏ pháp Đại thừa. Đó gọi là Bồ-tát tu hạnh thần thông nhật nguyệt.

Thế là Bồ-tát tu hạnh Thần thông Thanh văn?

Ví như có người muốn qua số thế giới nhiều như số vi trần nơi năm cõi Phật như trước… cho đến… người này dùng hạnh thần thông Thanh văn theo đườngmà đi. Này Diệu Cát Tường! Theo ý ông người này có thể đi qua các thế giới kia chăng?

Diệu Cát Tường bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Người này có thể đi qua.

Phật bảo: Này Diệu Cát Tường! Đúng vậy! Đúng vậy! Như các bậc Bồ-tát phát tâm Bồ-đề rồi, yêu thích tu tập pháp Đại thừa, sau đó đối với người tu Đại thừa, với người tín giải, trì tụng, thâu nhận pháp Đại thừa và đối với các Bồ-tát hết lòng tín phụng qui hướng, thân cận, mong cầu pháp Đại thừa, thọ trì đọc tụng mãi đến lúc gặp phải nhân duyên mất mệnh, cũng không có lúc tạm xa rời pháp Đại thừa, lại còn dùng hương hoa các loại tôn quý cúng dường các người khác tu tập Đại thừa, cũng không có lòng kiêu mạn đối với người chưa học pháp Bồ-tát, thì đó gọi là Bồ-tát tu hạnh thần thông Thanh văn

Thế nào gọi là Bồ-tát tu hạnh thần thông Như Lai?

Ví như có người muốn đi qua số thế giới nhiều như số vi trần nơi năm cõi Phật như trước… cho đến… người này cầu hạnh thần thông của Phật theo đường mà đi. Này Diệu Cát Tường! Ông có nghĩ người này nhanh chóng đi qua các cõi kia không?

Diệu Cát Tường bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Người này trong khoảng sát na, ngay lúc phát tâm liền có thể nhanh chóng đi qua những thế giới kia.

Phật bảo: Này Diệu Cát Tường! Đúng vậy! Đúng vậy! Cũng như Bồ-tát phát tâm đại Bồ-đề rồi, cho đến… khéo giải nghĩa lý sâu xa rộng lớn của Đại thừa, thường vì cứu độ tất cả hữu tình mà phát tâm đại Bồđề từ bi thâu nhận, giữ tâm dũng mãnh cần mẫn tu sáu pháp Ba-la-mậtđa và bốn nhiếp pháp, rồi lại khiến người khác cũng được an trụ như vậy. Đây gọi là Bồ-tát tu hạnh Thần thông Như Lai.

Ở đây nên nói: Nếu có người hủy báng chánh pháp, thì đối với pháp tạo tác các chướng nạn. Đó là tội cực lớn. Như Kinh Bát-nhã Ba La Mật Đa nói: Hoặc có người tu Bồ-tát thừa, tuy từng được gặp trăm ngàn vô số chư Phật Như Lai rộng hành pháp bố thí nơi chỗ Phật cho đến tu tập trí tuệ, nhưng khởi tâm có sở đắc, nên dù được đến trong hội Phật nghe thuyết giảng Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, nhưng không sanh tôn trọng. Hoặc thân hoặc tâm đều không thanh tịnh, khởi tuệ nhiễm ô, thành nghiệp tội lớn, tức đối với Bát-nhã Ba-la-mật-đa thâm diệu sanh hủy báng. Mà hủy báng Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa tức là hủy báng chư Phật Thế Tôn ở ba đời quá khứ vị lai hiện tại và Nhất thiết trí của Phật. Vì nhân duyên này nên làm chướng nạn lớn cho pháp. Nghiệp này nối tiếp nên bị đọa vào địa ngục lớn, trải qua trăm ngàn vô số năm, cứ rời địa ngục này lại vào địa ngục khác. Cứ như thế xoay chuyển vô số lần thành hoại. Ra khỏi địa ngục lại phải đọa vào chốn ngạ quỉ và súc sanh.

Tôn giả Xá-lợi-tử bạch Phật: Thưa Thế Tôn! Tội làm chướng ngại chánh pháp này nối tiếp tục sẽ bị đọa địa ngục ngũ vô gián. Nay có thể nói tội nghiệp ấy là lường tính được hay là không thể nói chăng?

Phật bảo: Hãy dừng lại Xá-lợi-tử! Ông không nên nói!

Lại nữa, người tu hạnh Bồ-tát có nhiều loại ma sự.

Kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa nói: Lại nữa, Tu-bồ-đề! Nếu có kiến lập các danh tự thì Bồ-tát nên biết đó là ma sự. Như có ma đến chỗ Bồtát nói như vầy: « Bồ-tát! Ông hiện đang thành Chánh giác, hãy kiến lập danh này ». Lúc ấy Bồ-tát liền xét nghĩ, nếu trụ nơi tướng bất thoái chuyển thì loài ma kia không dễ làm hại được. Nếu khởi tâm nghĩ cho là ta được thọ ký, tức sinh ý ngã mạn, sinh khinh thường các Bồ-tát khác.

Đấy là ma ác tận dụng phương tiện khiến Bồ-tát xa rời Bát-nhã, bỏ bạn lành theo bạn ác, hoặc rơi vào bậc Thanh-văn hoặc rơi vào bậc Duyên giác. Người khởi tâm tương ưng khinh mạn, phạm tội rất nặng hơn cả bốn trọng tội căn bổn. Bồ-tát nên biết: đây là ma sự.

Kinh Diệu Cát Tường Thần Thông Du Hí nói: Diệu Cát Tường nói: Thiên tử! Theo việc có sự nghiệp thành tựu, đó đều là ma sự, hoặc có chỗ mong cầu, hoặc có pháp để giữ lấy, hoặc có pháp để xả bỏ, đều là ma sự. Như có sự mong muốn, như có sự tưởng tượng, hoặc có sự thu nạp, hoặc có sự lường tính đều là ma sự. Lại nữa, Thiên tử! Đối với tâm Bồ-đề có chỗ để chấp giữ, vướng mắc đều là ma sự. Đối với việc bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn thiền định, trí tuệ, nếu tâm có chỗ chấp giữ đều là ma sự. Lại nữa, bố thí khởi tâm kiêu mạn, trì giới trụ nơi phân biệt, nhẫn nhục mà còn sân hận, tinh tấn có hí luận, thiền định chấp giữ tướng, trí tuệ có tác ý, tất cả đều là ma sự. Hoặc khởi tâm chán bỏ, thích ở nơi tịch tĩnh cũng là ma sự. Nếu đối với sự ít muốn biết đủ, công đức Đầu-đà mà khởi ý hiểu biết lãnh thọ, đó là ma sự. Nếu hành pháp “Không”, hành Vô tướng, hành Vô nguyện, hành không hí luận, hành xa lìa, tu hành theo lời dạy của Như Lai mà khởi ý ngã mạn và có sự phân biệt thì đều là ma sự. Này Thiên tử ! Cho đến dù có phân biệt hay không phân biệt thì lúc sinh niệm nghĩ về kiến – văn – giác – tri đều là ma sự.

Thiên tử hỏi: Thưa Bồ-tát Diệu Cát Tường ! Những ma sự này từ nguyên do nào mà khởi?

Bồ-tát Diệu Cát Tường đáp: Thiên tử! Những ma sự đều do tương ưng với tăng thượng mà dấy khởi. Vì sao vậy? Các ma đối với pháp tương ưng, tăng thượng rình tìm chỗ tiện lợi. Nếu thắng pháp không tương ưng thì ma sự có chỗ nào để tác hành?

Thiên tử nói: Thưa Bồ-tát ! Thế nào là Bồ-tát tương ưng tăng thượng? Thế nào là không tương ưng?

Bồ-tát Diệu Cát Tường đáp: Thiên tử! Như có hai pháp tương ưng, đó tức là tương ưng tăng thượng. Vì sao? Hai pháp tương ưng này là sự nương dựa hòa hợp của thế gian. Tương ưng tăng thượng này tức là chính tương ưng tăng ngữ. Chính tương ưng nầy tức là không tương ưng tăng ngữ. Sự không tương ưng này tức là tăng ngữ không hí luận. Sự không hí luận này tức là chính tương ưng tăng ngữ. Dù tương ưng dù không tương ưng, trong đây đều được thành lập.

Do đó Thiên tử! Không tương ưng mắt, không tương ưng sắc, cho đến không tương ưng ý, không tương ưng pháp. Nói như vậy là chính tương ưng của Bồ-tát.

Lại nữa, Thiên tử! Nên biết Bồ-tát có hai mươi loại pháp làm ma sự khởi theo, khiến ma hung hãn. Những gì là hai mươi pháp?

Một là: đối với việc tu sự nghiệp giải thoát, đối với việc sợ hãi sanh tử, đối với việc tu hạnh tương ưng thù thắng, phương tiện thân gần phụng sự cúng dường, đó đều là ma sự của Bồ-tát

Hai là: Nếu chỉ quán “không” mà dứt bỏ hữu tình, đó đều là ma sự của Bồ-tát

Ba là: Chỉ quán vô vi, còn thiện căn hữu vi thì mệt chán, đó đều là ma sự của Bồ-tát

Bốn là: Tuy khởi ý định mà không tu hạnh định, đó đều là ma sự của Bồ-tát

Năm là: Lúc nói pháp chỉ thích giảng nói, không khởi tâm đại bi đối với người nghe, đó đều là ma sự của Bồ-tát

Sáu là: Cầu hành bố thí với người có đức có giới, rồi hủy báng kẻ phá giới, đó đều là ma sự của Bồ-tát

Bảy là: Thích nói pháp Thanh văn Duyên giác, che lấp không luận pháp Đại thừa, đó đều là ma sự của Bồ-tát

Tám là: Không bàn luận ý nghĩa thâm diệu, chỉ thích bàn luận ý nghĩa thông thường, đó đều là ma sự của Bồ-tát

Chín là: Tuy biết đạo Bồ-tát mà không biết cầu tu đạo Ba-la-mật, đó đều là ma sự của Bồ-tát

Mười là: Khen ngợi ngôn ngữ tương ưng tăng thượng. Với các hữu tình không tương ưng, lại chỉ dạy, đó đều là ma sự của Bồ-tát

Mười một là: Tuy gieo trồng thiện căn nhưng trái ngược với tâm Bồ-đề, đó đều là ma sự của Bồ-tát

Mười hai là: Tương tục hành quán hạnh tương ưng nhưng không chỉ dạy hữu tình cần chỉ dạy, đó đều là ma sự của Bồ-tát

Mười ba là: Tuy cầu dứt hết phiền não vô dư, nhưng chán ngán phiền não tương tục của sinh tử, đó đều là ma sự của Bồ-tát

Mười bốn là: Tuy nghĩ xét về thắng tuệ mà không giữ cảnh sở duyên của tâm đại bi, đó đều là ma sự của Bồ-tát

Mười lăm là: Không đủ phương tiện đối với tất cả hạnh thiện, đó đều là ma sự của Bồ-tát

Mười sáu là: Tuy mong cầu pháp tạng Bồ-tát nhưng thích thọ trì sách ngoại đạo như Lộ-già-da-đà, đó đều là ma sự của Bồ-tát

Mười bảy là: Tuy được nghe nhiều pháp nhưng thường cất giấu tiếc rẻ không khiến người khác được biết, đó đều là ma sự của Bồ-tát

Mười tám là: Tuy nghe nhiều, theo duyên thế gian vì người giảng nói, trao pháp nhưng thủ giữ tiền bạc, mua bán không có nghĩa lợi, đó đều là ma sự của Bồ-tát

Mười chín là: Đối với Pháp sư Đại thừa không tôn trọng, gần gũi học hỏi, phụng sự, trái lại gần gũi với Thanh văn, Duyên giác, tuy không đồng phận nhưng đồng chỗ khen ngợi, đó đều là ma sự của Bồ-tát

Hai mươi là: Nếu Bồ-tát ỷ lại chỗ giàu có, uy đức phú thịnh nên không tôn trọng thân cận thừa sự với các bậc Thiên Đế Thích, Phạm Vương, Hộ Thế, Vua, Trưởng giả, đó đều là ma sự của Bồ-tát

Đó là hai mươi pháp của Bồ-tát, theo đó mà ma sự nổi lên và khiến ma hung hãn.

Kinh Hải Ý nói: Như có Bồ-tát đầy đủ danh tiếng, giàu có tự tại, dòng dõi cao quí, quyến thuộc đông nhiều, đầy đủ phước hạnh, do vậy nên sinh biếng nhác, không dùng trí cầu thắng hạnh tương ưng mà phóng dật kiêu ngạo, hoặc thấy có Bồ-tát xuất gia viên mãn, thường dùng trí hạnh cầu pháp tương ưng, chịu đựng gian khổ, gió to, nắng dữ đều cam chịu đựng, thân thể hao gầy, dung mạo xấu xí, Bồ-tát trước thấy công năng cao của Bồ-tát này lại sinh ý khinh mạn, vị này có nói hay thuyết khéo cũng không nghe, lại còn tăng thêm lòng kiêu ngạo, nghi ngờ, đó đều là ma lực trói buộc của Bồ-tát

Lại nói: Có bốn loại pháp có thể làm chướng ngại pháp Đại thừa.

Một là: Khoe đức của mình.

Hai là: Dìm che đức của người khác.

Ba là: Ngã mạn lớn mạnh.

Bốn là: Giận hờn lâu chắc.

Các Bồ-tát cũng đừng nên cho phát tâm Bồ-đề rồi là điều đáng mừng và đủ mà còn phải rộng tu thắng hạnh tương ứng.

Hỏi: Bồ-tát tại gia tu hạnh như thế nào?

Đáp: Như Kinh Dũng Thọ Trưởng giả Vấn nói: Phật bảo: Trưởng giả! Bồ-tát tại gia tuy ở nhà mình nhưng thường tu hành hạnh của bậc chính sĩ (Bồ-tát) không phải việc làm của chính sĩ thì không làm. Đúng như pháp xử dụng, không dựa theo phi pháp. Trong gian khổ vẫn mong cầu chính mệnh mà tự sống không sống bằng tà mệnh. Không làm phiền nhiễu người khác. Tuy thường thọ dụng chỗ lợi ích của mình nhưng quán sát vô thường, rộng lấy pháp chân thật mà hành bố thí, xả bỏ hết, không bỏn sẻn; lo việc tôn kính cha mẹ; với vợ con, nô tỳ, người giúp việc cho đến bạn bè, trí thức, thường đem chánh pháp chỉ bảo cho nhau.

Còn thế nào là hạnh bất chính của Bồ-tát tại gia?

Như kinh Xuất Gia Chướng Nạn nói: Phật bảo Tôn giả Đại Danh: Ông nay nên biết: Những kẻ sinh ra bị mù, điếc, câm và Toàn-đà-la (kẻ bần cùng), người không biết vui, kẻ hay hủy báng, kẻ dua nịnh quanh co, kẻ không phải nam, kẻ thường là tôi tớ, kẻ chuyển thành thân nữ, lạc đà, lừa, heo, chó, cho đến rắn độc, những giống loại như vậy, nhiều đời nhiều kiếp sinh ra đều không yêu thích những điều dạy bảo của Phật.

Lại nữa, Đại Danh! Có bốn loại pháp là chướng nạn của Bồ-tát tại gia :

Một là, đối với những loại hữu tình đã từng gieo trồng thiện căn ở trước Phật và những người có tâm cầu xuất ly, người có tâm yêu thích Thánh đạo mà làm trở ngại thì đó là chướng nạn thứ nhất của Bồ-tát tại gia.

Hai là, vì tham đắm tiền của con cái quyến thuộc, không tin nghiệp báo. Trong thân quyến có người nam hoặc nữ hoặc vợ, hoặc con bỏ phú quý muốn xuất gia mà làm trở ngại những người này thì đó là chướng nạn thứ hai của Bồ-tát tại gia.

Ba là, Bồ-tát tại gia hủy báng chánh pháp, tuy được nghe nhận những pháp chưa nghe nhưng nghe xong lại không tin và sinh hủy báng, đó là chướng nạn thứ ba của Bồ-tát tại gia.

Bốn là, đối với Sa-môn, Bà-la-môn đầy đủ giới đức nếu khởi tâm tổn hại và những ý lỗi lầm thì đó là chướng nạn thứ tư của Bồ-tát tại gia.

Bốn loại như vậy và những pháp chướng ngại khác biệt khởi lên , đều là chướng nạn của Bồ-tát tại gia cho đến nhiều đời kiếp.

Ví như có một người bị rớt vào giếng bẩn, bèn nói với những người khác: Thích ghê! Nước giếng này thật trong sạch! Những người khác nghe rồi cứ tưởng ở chỗ nước bẩn kia là trong sạch, không biết dơ bẩn, không thanh tịnh. Những loại hữu tình nhiễm dục cũng lại như vậy, tự mình vấy dính bùn dục còn dạy bảo khiến người khác cũng vấy dính, tự ngửi mùi thối rồi bảo người cũng ngửi, tự đọa trong chốn hiểm nạn tham sân si rồi bảo nhiều người cùng đọa.

Lại như có người chuốc lấy oán đối như ném vào hầm lửa, ngọn lửa này sáng mạnh cao bằng bảy lần thân người, không củi cũng không khói. Người nhiễm dục cũng lại như vậy, gần gũi nữ nhân, ca ngợi việc dục, đọa vào hầm lửa dục, lại dạy bảo người khác cũng đọa, làm cho người kia đọa rồi, bị bệnh, khổ, lo sầu thường bức bách. Lại như có người dạy bảo khiến người khác lên núi “mũi đao” để hưởng hoan lạc và nói: Núi này bằng phẳng không có nguy hiểm có thể lên núi để hưởng hoan lạc. Trong thế gian, cha mẹ yêu thương con cái cũng lại như vậy. Vì thương con nên giữ chặt nhiễm dục, mà pháp nhiễm dục thực sự rất xấu ác như rắn độc. Người có tâm nhiễm trước vợ người kia dùng lời đẹp đẽ ca ngợi sự dục. Ba nẻo ác, hiểm độc rất đáng sợ lại dùng lời hoa mỹ nói ngược là nẻo thiện. Người nói điều này đáng đọa trong các chốn địa ngục – ngạ quỷ – súc sinh.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10