LUẬN ĐẠI THỪA BẢO YẾU NGHĨA
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 5

Như Kinh Địa Tạng nói: Lại nữa, hoặc có kẻ hung ác thuộc giới Sát-đế-lợi cho đến giới Trưởng giả, đối với những nơi chùa chiền, tăng phòng, vườn rừng, đài gác, ruộng đất, tài sản, vật dụng người hầu, quần áo, ăn uống, đồ nằm thuốc men, cây hoa quả cây hương, cây có bóng mát v.v… cho đến mọi loại đồ dùng được tạo lập hoặc sắm sửa cho Tăng chúng bốn phương mà tự mình xâm đoạt, hoặc bảo người xâm đoạt, để mình sử dụng hay cho người khác thọ dụng, đối với người xuất gia trong giáo pháp của ta, hoặc sinh tức giận mắng nhiếc ngăn cản, khinh chê, làm chướng nạn nơi chánh pháp, hoặc gây nhiễu loạn cho Pháp sư, những lỗi trên là lỗi cực lớn đối với chư Phật ba đời, cho đến tất cả người trí xa lánh.

Tiếp nữa, cũng trong kinh Địa Tạng Đức Thế Tôn dạy:

Các vị đại Bồ-tát đạt được pháp nhẫn nên thọ pháp Quán đảnh của hàng Sát-đế-lợi vương và thọ dụng giàu vui. Ta nói là được.

Bồ-tát Kim Cang Tạng thưa với Phật: Thưa Thế Tôn ! Nếu không phải Bồ-tát chứng đắc pháp nhẫn mà thọ pháp Quán đảnh của hàng Sát-đế-lợi vương thì phải đọa vào những nẻo ác nào?

Phật dạy: Này Kim cang Tạng! Nếu không phải là Bồ-tát đạt được pháp nhẫn, chỉ tu tập mười nghiệp thiện mà thọ pháp Quản đảnh của hàng Sát-đế-lợi vương, ta cũng cho là được.

Bồ-tát Kim Cang Tạng thưa với Phật: Thưa Thế Tôn! Nếu không phải là Bồ-tát đạt được pháp nhẫn, cũng không tu mười nghiệp thiện, mà là những kẻ hung ác Sát-đế-lợi, Chiên-đà-la, đối với giáo pháp sâu xa của Đức Thế Tôn làm giảm mất, thì bị đọa vào địa ngục lớn A-tỳ. Những kẻ ấy làm thế nào để được giải thoát?

Phật dạy: Này Thiện nam! Người thọ pháp Quán đảnh của hàng Sát-đế-lợi vương, nếu mặc áo giáp tín lực kiên cố, rộng sinh tịnh tín nơi Tam bảo, thì đối với pháp xuất ly của ba thừa không sinh hủy báng, cho đến một bài kệ bốn câu cũng không xem nhẹ, không nhiễu loạn đối với kẻ trì giới hay phá giới, cho đến những người chỉ xuống tóc đắp y không thọ tịnh giới, trong chúng Tỳ-kheo cũng không gây rối loạn. Tất cả vật dụng của chúng Tăng hoặc của riêng từng người, hết thảy đều không xâm phạm, cản ngăn, thường nghe nhân chánh pháp xuất ly của ba thừa, theo chỗ nghe nhận mà tu tập tùy theo sức mình, thường gần gũi các Tỳ-kheo, nguyện lực vững chắc không khởi tâm chống trái, chỉ dạy trao pháp Đại thừa cho các loại hữu tình, khiến hướng vào, an trụ nơi pháp ấy. Nếu đầy đủ các tướng như vậy, thì đáng thọ pháp Quản đảnh của hàng Sát-đế-lợi vương, nên thọ phúc lạc rộng lớn, thọ dụng mà không bị lui sụt. Chư Phật đời trước đều chấp thuận, và nay ta cũng chấp thuận điều này.

Lại nữa trong kinh ấy nói: Nếu có hàng Sát-đế-lợi chân thiện, cho đến Trưởng giả chân thiện, đời hiện tại hay đời sau, cho đến sau năm trăm năm lúc pháp sắp diệt, hoặc tự mình, hoặc do người khác, đều làm hộ vệ trong giáo pháp thanh tịnh của Phật, giữ gìn kiên cố, lại an trụ nơi thừa Thanh văn, thừa Duyên giác và Đại thừa. Những chúng sanh tu đầy đủ tịnh giới đức rộng lớn hoặc là pháp khí, hoặc là không phải là pháp khí cho đến chỉ xuống tóc đắp y đều được bảo vệ. Lại hộ trì chùa tháp và những vật hệ thuộc, tất cả khiến không bị xâm đoạt. Hoặc mình thọ dụng hoặc người thọ dụng, có người xâm đoạt liền ngăn cấm. Như vậy lượng phước là vô số vô lượng, không có giới hạn.

Lúc ấy, trong pháp hội, tất cả từ Thiên chủ cho đến Chúa quỷ Tấtxá-tả đều nói: Thưa Thế Tôn! Nếu có Sát-đế-lợi vương chân thiện cho đến Trưởng giả chân thiện, đầy đủ công đức như vậy, chúng con đều tạo mọi sự hộ trì và khiến có đầy đủ mười sự tăng trưởng. Mười sự đó là:

Một là: Tăng trưởng thọ mạng.

Hai là: Tăng trưởng thêm sự không nạn.

Ba là: Tăng trưởng sự không bệnh.

Bốn là: Tăng trưởng quyến thuộc.

Năm là: Tăng trưởng tài sản.

Sáu là: Tăng trưởng vật dụng cần thiết.

Bảy là: Tăng trưởng sự tự tại.

Tám là: Tăng trưởng danh xưng.

Chín là: Tăng trưởng, bạn lành.

Mười là: Tăng trưởng trí tuệ.

Chúng con cùng quyến thuộc bảo vệ vị Sát-đế-lợi vương ấy và

cả đất nước. Có mười pháp khiến nên xa lìa để được bảo vệ. Mười loại là:

Một là: Chiến tranh với nước khác.

Hai là: Chiến tranh trong nước.

Ba là: Những người tạo nghiệp tội.

Bốn là: Những người sát hại.

Năm là: Mưa trái thời.

Sáu là: Gió dữ, nóng bạo. Bảy là: Tinh tú xấu ác Tám là: Đói kém.

Chín là: Chết yểu bệnh dịch.

Mười là: Tà kiến.

Trong Kinh Nguyệt Đăng Tam Muội nói: Phật dạy: Nếu các Thiên, Long, cùng Dạ-xoa v.v… làm người hộ trì trong giáo pháp Ta, thì đó là những thí chủ lớn, khiến pháp nhãn của Ta trụ lâu dài, khiến hạt giống Tam bảo không dứt mất. Những người con từ nơi miệng của Ta sinh ra, theo pháp hóa sinh ra, đó là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Cư sĩ nam nữ và những thiện nam thiện nữ tịnh tín vì pháp Thắng nghĩa đế cho đến cầu đạo quả Bồ-đề vô thượng, tất cả đều được hộ trì. Nay ta phó chúc nơi các ông, những vị Thiên Long, Dạ-xoa, những thí chủ lớn và các bậc Bồ-tát Ma-ha-tát trong Hiền kiếp như Bồ-tát Từ Thị v.v… như lời truyền dạy của Ta đều nên tạo sự hộ trì.

Nếu người muốn an trụ tu hành chánh pháp, tức được tâm thiện. Làm thế nào đạt được tâm thiện? Như kinh Bảo Vân nói: Bậc Bồ-tát được tâm thiện, thế nào gọi là tâm thiện? Đó là nếu nơi thân tâm có thể xả ly, tức được tâm thiện. Nên sinh tâm như vậy và quán xét kỹ xem pháp nào là chỗ hành của tâm ta, và lấy cái gì để gọi là thiện? Nếu tâm hành thiện tức tâm vui thanh tịnh, do tâm vui tức là hành thiện, nên có thể xả bỏ nhiều loại, có thể khởi nhiều ý xét về pháp không thiện rồi dứt trừ hết.

Kinh A-xà-thế nói: Các bậc Bồ-tát không nên sinh tâm như thế. Nếu tâm có chỗ sinh tức để các loại ma có chỗ lợi dụng, chư Phật Như Lai cũng không thích muốn, bậc Hiền Thánh cũng không sinh tâm mừng từ nơi gốc thiện phân chia ra rồi giảm mất. Nếu tâm sinh mà không có chỗ sinh thì ma ác không có chỗ lợi dụng, chư Phật Như Lai cũng đều vui thích. Tâm bậc Hiền Thánh vui là phần của gốc thiện cũng không giảm mất. Nếu tu hành như thế tất có thể sinh tâm ở tất cả nơi, sinh tâm chuyển pháp luân giảng nói pháp mà không bị tạp loạn.

Kinh Khai Phát Nội Tâm nói: Phật dạy: Này Từ Thị! Nếu các Tỳkheo có chỗ nói tạp loạn, tuy nghe học nhiều mà lại sinh kiêu mạn, sai lầm, mê say, quên mất, nội tâm tán loạn nên không chuyên chú. Tâm dua nịnh quanh co ấy nối tiếp sinh khởi, xa rời Xa-ma-tha (chỉ) Tỳ-bátxá-na (quán) không được người tôn trọng, Thiên Long, Dạ-xoa cũng không tùy thuận, tuy là tu chính hạnh nhưng không được thành tựu. Nếu đối với chỗ hành, tất cả đều không có chỗ thủ đắc, đó là chính hạnh. Nếu muốn biết rõ chỗ chính hạnh tức phải siêng năng tu tập, nghe nhiều và tọa thiền.

Lại nữa, trong kinh kia còn nói như vầy: Nếu có bậc Bồ-tát siêng năng tu thắng hạnh, làm tổng lĩnh, xây tháp đẹp bằng bảy báu khắp cả tam thiện đại thiên thế giới, thì Ta cũng không chấp thuận. Nhưng nếu có người nghe nhận chánh pháp từ một bài kệ gồm bốn câu tương ưng với Bát-nhã Ba-la-mật, Ta sẽ tôn trọng khen ngợi người này. Vì sao vậy? Vì đa văn có khả năng sinh Bồ-đề của chư Phật, lại từ thế gian không chấp giữ tham vướng mà sinh. Nếu có bậc Bồ-tát siêng năng tu thắng hạnh là tổng lĩnh, nên vì người thuyết pháp giảng đạo. Bậc Bồ-tát với những giảng dạy khiến người chấp chặt nơi pháp không còn chấp chặt, thâu được lượng phúc rộng lớn vô lượng và tiêu tan nghiệp chướng.

Này Từ Thị! Giả sử hết cõi Diêm-phù-đề các Bồ-tát đều siêng năng tu thắng hạnh làm tổng lĩnh, thì những Bồ-tát ấy nếu siêng năng tu một hạnh, thuyết pháp giảng nói truyền trao mới là chỗ thừa sự cúng dường.

Lại nữa, nếu cả cõi Diêm-phù-đề các Bồ-tát đều siêng tu, thuyết pháp giảng truyền, thì Bồ-tát siêng tu một hạnh, tọa thiền mới là chỗ thừa sự cúng dường. Nếu được như vậy, Phật sẽ chấp thuận và cũng tùy hỷ. Vì sao vậy? Vì sự nghiệp trí tuệ khó hành bậc nhất là tối cao tối thắng trong ba cõi. Lại nữa tuyên thuyết hạnh trì chánh pháp, như Kinh Bảo Tích nói: Phật dạy: Này Ca-diếp! Ví như có một chủ buôn muốn ra biển lớn tìm vật báu vô giá, trước phải xem xét về thuyền bè vững chắc, cho đến chỗ có châu báu rồi lúc quay về nhà mình. Này Ca-diếp! Đại Bồ-tát cũng như vậy. Muốn vào biển Nhất thiết trí, trước phải quán sát siêng tu sáu Ba-la-mật, cho đến khi vượt qua tất cả địa vị ngu phu, phàm tục, Thanh văn, Duyên giác, sau cùng trụ nơi quả vị Phật.

Kinh A-Xà-Thế nói: Phật dạy: Đại vương! Gốc rễ của tâm Nhất thiết trí không dứt đoạn, Gốc rễ như vậy phải nhắc nhở siêng năng chỉ dạy tinh tiến, bố thí không chán đủ lấy đó để hồi hướng về trí Nhất thiết trí. Trì giới không ngừng dứt, để hồi hướng tất cả hữu tình, nhẫn nhục không ngừng dứt để cầu sắc tướng Phật. Tinh tiến không ngừng dứt để siêng năng tu tập thiện căn. Thiền định không ngừng dứt để tương ưng với sở duyên. Trí tuệ không ngừng dứt để khéo phân biệt tất cả các xứ. Vì làm lợi pháp, nên an vui, giàu có, sống lâu ở tất cả nơi đều không có lỗi. Còn người tu chính hạnh cần khởi tâm bình đẳng đối với tất cả loài hữu tình.

Như Kinh Nguyệt Đăng Tam Muội nói: Phật dạy: Đồng tử! Bậc đại Bồ-tát nên đầy đủ một pháp. Người thành tựu công đức này tức chóng chứng đắc đạo quả Bồ-đề vô thượng. Thế nào là một pháp?

Đồng tử! Nghĩa là Đại Bồ-tát khởi tâm bình đẳng đối với tất cả loài hữu tình, khởi tâm lợi ích, tâm không chướng ngại, tâm không độc. Đó là một pháp. Nếu muốn tu hạnh chánh pháp nên cần xả bỏ những sự về lợi dưỡng.

Kinh Khai Phát Nội Tâm nói: Nên quán xét suy nghĩ những lợi dưỡng, vì sự vướng víu của lợi dưỡng làm mất chánh niệm, lúc tánh si nổi lên thì chỉ thành tựu về lợi cho mình. Lúc tánh dua nịnh dối quanh khởi lên thì không thuận theo lời dạy nhắc nhở của chư Phật. Lúc tánh ngã mạn cao ngạo khởi lên chỉ hoàn toàn chỉ vì gốc rễ hiểm ác.

Những loại như vậy đều làm hư hoại thiện căn. Người trí nên xem xét suy nghĩ về lợi dưỡng. Tuy hiện tại đang hưởng thấy có chỗ được nhưng quả lợi nơi đời sau đều không, vô lượng thiền định thảy đều xa lìa, sẽ đọa vào chốn địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Người trí nên nghĩ xét về sự lợi dưỡng cũng như nước chảy trôi mãi không dứt. Xét nghĩ như vậy rồi liền sinh tâm ít muốn biết đủ.

Kinh Tạp A Hàm nói: Ví như có một bầy dê câm đi vòng quanh cây Ni-câu-luật-đà, trong bầy có một con dê câm một mình đi đến chỗ bầy nai trong núi, nơi người chăn nai ở, đến trước bầy nai ngúc ngắc đầu rồi quì xuống để xin ăn, cầu được giúp đỡ. Như vậy lúc trở về, những con dê khác sẽ khinh chê. Đây có hạng Tỳ-kheo ngã mạn, ca tụng sư lợi dưỡng cũng lại như vậy, khởi tâm không chán, rời khỏi chúng Tăng, vì miếng ăn mà một mình vào xóm làng thành ấp lần lượt khất thực cầu sự mời đón, được thức ăn tối thượng thanh tịnh, tự chia phần ăn rồi mang thức ăn về chỗ các Tỳ-kheo nói với họ: Các Tôn giả! Hôm nay, tội thọ nhận sự cúng dường tại nhà bạch y, được một bữa ăn rất mực thanh tịnh, nay tôi có thức ăn. Đây là pháp ăn lớn, đây là pháp xả, vị nào muốn ăn cứ tùy ý. Nói như vậy xong, trong chúng có Tỳ-kheo trẻ đều sinh tâm khinh mạn. Người trí nên biết: Người nói những lời thô thiển xấu xa như vậy đều là do những sự lợi dưỡng, như trong kinh đã nói rộng. Ở đây làm sao lìa tránh hai pháp dua nịnh, dối trá.

Kinh Vô Nhiệt Não nói: Có hai loại pháp chướng ngại cho tâm Nhất thiết trí, đó là: Dua nịnh, và dối trá.

Có hai pháp không làm chướng ngại: Một là chính trực, hai là không dua nịnh. Muốn thành tựu được các chính hạnh thường nên gần gũi các bậc thiện tri thức. Nhờ thiện tri thức mà thành tựu chính hạnh.

Trong những kinh nào nói điều này? Như Kinh Thắng Sinh Thắng Man Giải Thoát nói: Các bậc đại Bồ-tát nhờ nơi thiện tri thức mà lưu xuất tất cả pháp hành của Bồ-tát. Thiện tri thức có uy lực lớn, nên có thể làm thành tựu viên mãn bậc Bồ-tát. Thiện tri thức có thể sinh khởi tất cả thiện căn của Bồ-tát. Thiện tri thức có thể kết tập khắp tất cả chỗ hành trì, tu học của bậc Bồ-tát. Thiện tri thức là gốc rễ, có thể khiến tâm nhiễm của Bồ-tát trở thành thanh tịnh. Thiện tri thức có thể giữ gìn, làm tăng trưởng tất cả lượng phúc. Thiện tri thức là chỗ đáng yêu thích để thâu đạt tất cả Bồ-đề của Phật. Thiện tri thức có thể thâu giữ khiến các Bồ-tát không rơi vào cõi ác, không thoái chuyển nơi Đại thừa, không ra ngoài chốn học của Bồ-tát. Vượt ra ngoài lãnh vực của hàng phàm phu ngu dốt và cũng không xả bỏ pháp Thanh văn, Duyên giác mà còn tạo sự hộ trì. Thiện tri thức có thể khiến tất cả những kẻ mất đạo trở về chính đạo, với kẻ nghe chánh pháp thì khiến hiểu rõ, thâm nhập tất cả pháp của Phật. Thiện tri thức như mẹ, có thể khiến tất cả sinh nơi nhà Phật. Thiện tri thức như cha, rộng vì các loại hữu tình làm lợi ích về sự sống, tài sản. Thiện tri thức như mẹ nuôi, khéo giúp tất cả khiến xa rời tội nghiệp. Thiện tri thức như người đầy tớ lao nhọc, có thể vào biển sanh tử đầy phiền não để cứu hộ. Thiện tri thức như kẻ lái đò liên tục chở loài hữu tình đến chốn báu lớn trí Nhất thiết trí. Những người tu chánh hạnh, nếu muốn đến chỗ thiện tri thức nên nghĩ như vậy, khiến thân tâm được thanh tịnh, siêng năng dũng mãnh. Tâm phải như đất mới có thể gánh vác những gánh nặng. Tâm như nô bộc, tùy chỗ chỉ dạy khiến đều làm theo. Tâm ấy như con chó, thường cảnh giác sủa vang để ngăn, giữ. Phải quán thân mình như bệnh nhân, Thiện tri thức như thầy thuốc, pháp dạy như thuốc, hành theo điều chỉ dạy như trừ bệnh. Tưởng như vậy rồi, nhờ nơi thiện tri thức mà tâm sâu xa được thanh tịnh. Dựa theo chỗ chỉ dạy của thiện tri thức mà khéo tu hành, tức có thể tăng trưởng tất cả thiện căn. Cũng như tất cả cỏ thuốc, rừng cây đều nương dựa vào núi Tuyết, nương dựa vào thiện tri thức cũng lại như vậy, có thể thành tựu tất cả các pháp Phật, thành pháp khí lớn. Lại cũng như tất cả dòng sông đều qui về biển lớn, bậc Bồ-tát cũng do nơi thiện tri thức, theo đó mà xuất sinh, tức được thành tựu viên mãn tất cả pháp hạnh của Bồ-tát và tất cả pháp Phật.

Như Kinh Bảo Tích nói: Phật dạy: Này Ca-diếp! Như người đi thuyền vào biển lớn, giữa dòng bỗng nhiên thuyền bị hư hoại. Lúc đó, hoặc nương tựa nơi một mảnh ván hoặc cây cột nào còn lại, theo đấy mà được đến bờ yên ổn. Ca-diếp! Thuyền tâm Nhất thiết trí của thừa Bồ-tát cũng lại như vậy, bỗng nhiên giữa dòng bị mất pháp của Bồ-tát thừa, nếu gặp thiện tri thức và nương dựa theo thiện tri thức tức lại được tâm Nhất thiết trí, dựa các pháp Ba-la-mật-đa chở đi cho đến bến bờ pháp giới.

Này Ca-diếp! Có được pháp nơi đạo quả Bồ-đề vô thượng là thảy đều nương vào thiện tri thức. Do đó, sự cúng dường, thừa sự nơi thiện tri thức là tối thượng, dù khi Phật tại thế, hay sau khi Phật nhập Niết-bàn cũng nên siêng năng thực hiện, thì được viên mãn vô lượng hành phước quả báo rốt ráo được thành tựu. Như Kinh Hoa Tích nói: Nếu thấy Như Lai hiện pháp Sư tử diệu dụng, thấy rồi liền phát tâm thanh tịnh và cúng dường. Lại sau khi Phật nhập Niết-bàn, thu giữ hạt xá-lợi dù nhỏ như hạt cải để cúng dường, như vậy chỗ được quả báo đều bằng nhau, trong đó cũng không có các thứ sai biệt.

Như Kinh Đại Bi nói: Phật dạy: Này A-nan! Nếu có người cúng dường khi ta hiện tiền, có một giá trị thế nào thì người cúng dường xálợi như hạt cải khi ta nhập Niết-bàn rồi cũng giá trị như vậy. Lại nếu có người tạo dựng bảo tháp, theo như trong giáo pháp của ta, cũng có giá trị như thế. Hoặc có người chỉ lấy một cành hoa tung rải trong không, để quán tưởng cúng dường chư Phật, ta nói người này từ thiện căn ấy cuối cùng sẽ chứng đắc quả đại Niết-bàn.

A-nan! Nói tóm lại, thấp cho đến trong loài bàng sinh, các loài hữu tình nếu biết tưởng niệm chư Phật, ta nói những hữu tình đó từ thiện căn ấy, rốt cùng cũng thành tựu quả đại Niết-bàn. A-nan! Ông quán nơi Phật Thế Tôn, những việc làm nào thực hiện là lớn nhất? Phát tâm thế nào là uy lực lớn? A-nan! Nếu một người chỉ có thể một lần xưng niệm Nam Mô Phật-đà-da, thì đó là thắng nghĩa. Vì sao? Nghĩa là Phật Thế Tôn đầy đủ danh xưng đại bất không. Nghĩa bất không này tức là Nam mô Phật-đà-da. Lấy một chút thiện căn dù cực ít, theo chư Như Lai thì cũng không hoại mất, thấp hơn cho đến một phát tâm thanh tịnh, tất cả tâm ấy cuối cùng đều chứng đắc Niết-bàn.

A-nan! Cũng như người câu cá muốn câu cá trong ao lớn, bèn thả mồi câu trong nước. Cá bèn mon men lặn đến tìm ăn. Lúc đó ngư ông biết cá đã đến, lớp lớp vững vàng, từ từ sâu chắc, thâu dây theo cần. Đã được cá rồi trở về đất liền, tùy theo ý thích mà sử dụng. Tất cả các loài hữu tình trên thế gian cũng lại như vậy. Trước phát tâm thanh tịnh nơi Phật Thế Tôn, gieo trồng căn lành cho đến sinh khởi tịnh tín, vậy mà những hữu tình ấy sau lại làm ác, gây nghiệp chướng để sinh ở xứ nạn. Về sau mới gặp được Phật Thế Tôn, dùng trí Bồ-đề và dây câu bốn nhiếp cứu độ kẻ hữu tình ra khỏi dòng sinh tử, về bờ Niết-bàn.

Kinh Hải Long Vương Vấn nói: Phật dạy: Long chủ! Chư đại Bồtát nếu đầy đủ tám pháp thì thường được không lìa rời chư Phật. Tám pháp là gì?

Một là: Chỉ dạy quán ảnh tượng Phật.

Hai là: Thừa sự, nối tiếp lo việc Như Lai.

Ba là: Thường khen ngợi Như Lai.

Bốn là: Tạo hình tượng Phật.

Năm là: Chỉ dạy quán sắc tướng Phật.

Sáu là: Theo cõi của vị Phật nào, nghe xưng danh vị Phật ấy, tức ở trong cõi vị Phật đó phát sinh nguyện thù thắng.

Bảy là: Không sinh tâm thấp kém.

Tám là: Khởi tâm rộng lớn cầu trí tuệ Phật.

Như Kinh Bồ-Tát Tạng nói: Nếu có thể làm nghiêm tịnh tháp miếu của Như Lai thì sẽ đạt được bốn loại thệ nguyện tối thượng thanh tịnh. Bốn loại ấy là gì?

Một là: Đạt được thệ nguyện thanh tịnh nơi sắc tướng tối thượng.

Hai là: Thệ nguyện thanh tịnh đầy đủ các tướng tối thượng.

Ba là: Thệ nguyện thanh tịnh tu tập kiên cố tối thượng.

Bốn là: Thệ nguyện thanh tịnh tối thượng quán thấy Như Lai.

Kinh ấy cũng nói: Nếu ở nơi tháp miếu của Như Lai rải hoa, xoa hương để cúng dường, người này sẽ thu được tám loại pháp bất hoại.

Tám loại ấy là gì?

Một là: Sắc tướng không hoại.

Hai là: Niềm vui không hoại.

Ba là: Quyến thuộc không hoại.

Bốn là: Tịnh giới không hoại. Năm là: Đa văn không hoại.

Sáu là: Tịnh định không hoại.

Bảy là: Trí tuệ không hoại.

Tám là: Thệ nguyện không hoại.

Nếu người muốn tạo hình tượng Như Lai nên theo ý mà làm. Hoặc dùng đất, gỗ, sắt, đá, hoặc dùng ngà voi, vàng bạc, lưu ly, thủy tinh, ngọc châu đỏ, san hô, mã não, kha bối, các loại hương tốt, hoặc làm hình vẽ, hoặc khắc ảnh tượng trên gỗ trên tường đá, hoặc dùng giấy, tơ lụa thuê vẽ cắt làm thành. Hoặc tự mình làm mới, hoặc tu bổ hình tượng Như Lai hư cũ. Tạo những việc ấy, vào đời vị lai không sinh vào dòng họ thấp kém, không sinh trong dòng họ có nghiệp ác tà kiến, thân không bị tàn phế, thiếu khuyết. Như có người phạm đủ năm tội vô gián, có thể phát sinh tịnh tín nơi Như Lai, tạo dựng hình tượng Phật thì tội đọa địa ngục của người này chuyển nặng thành nhẹ, nơi pháp của ba thừa hoặc trong thừa khác mà được xuất ly. Như một người thân ô uế bất tịnh, nhưng nếu tắm gội các loại hương thơm thì mùi hôi bẩn phải tan bay không còn sót. Người phạm năm tội vô gián cũng như vậy. Do tạo dựng tượng Phật nên tội nghiệp được diệt sạch không còn sót. Hoặc là người hành mười nghiệp bất thiện nếu phát tâm tịnh tín đối với Như Lai thì tội nghiệp cũng tiêu hết. Như loại Tô bỏ vào trong lò lửa thì tất cả đều cháy. Ý nghĩa nghiệp tan không còn sót là như vậy. Huống gì một người có đầy đủ tâm Bồ-đề tối thắng và người xuất gia đầy đủ tịnh giới mà tạo dựng hình tượng Phật thì công đức ấy to lớn biết bao!

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10