LUẬN ĐẠI THỪA BẢO YẾU NGHĨA
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 6

Như Kinh Bảo Tích nói: Giả sử tất cả những hữu tình khắp trong ba cõi mỗi mỗi đều tạo lập tháp miếu Như Lai, hình dáng cao rõ như núi chúa Tu-di, rồi các hữu tình trải qua vô số hằng hà sa kiếp, mỗi mỗi đều cúng dường tôn trọng tháp và nếu có bậc Bồ-tát không rời tâm Nhất thiết trí, chỉ lấy một cành hoa để cúng dường tôn trọng tháp, thì lượng phúc của vị nầy hơn trước rất nhiều lần.

Kinh ấy lại nói: Giả sử tất cả chúng hữu tình trong tam thiên đại thiên thế giới đều trụ nơi Đại thừa, rồi sau đều thành Chuyển Luân Thánh Vương, những người ấy góp chứa dầu thơm như nước nơi biển lớn, tích chứa cỏ nhiên đăng nhiều như núi Tu-di, mỗi mỗi thắp sáng thành ngọn đèn sáng rộng lớn để cúng dường nơi tháp miếu Như Lai, và nếu có vị Bồ-tác xuất gia lấy một nhánh cỏ nhiên đăng, thấm một ít dầu đốt lên cúng dường nơi tháp Phật, thì vị này được lượng phước hơn người bố thí đèn sáng trước rất nhiều, lượng phước của người trước không được một phần trăm của vị này, cho đến phân ra thành số cực vi cũng không bằng một phần.

Lại nữa, những vị Chuyển Luân Thánh Vương kia, mỗi người đối với Phật và các Tỳ-kheo, đem cúng thí tất cả các vật thọ dụng an lạc, và nếu có vị Bồ-tát xuất gia, mang bát kuất thực, trước thí bớt cho người rồi sau mới ăn, thì vị này được lượng phước hơn lượng phước trước rất nhiều, rất lớn rộng. Lại nữa, nếu những Chuyển Luân Thánh Vương gom y phục đẹp số lượng như núi Tu-di để cúng thí Phật và chúng Tỳkheo, và nếu có một vị Bồ-tát xuất gia chỉ dùng ba y, hoặc cúng thí vị Bồ-tát có tâm mười tín, hoặc cúng thí Phật và các Tỳ-kheo, hoặc cúng thí tháp miếu Như Lai, thì lượng phước này rất là thù thắng so với lượng phước trước.

Lại nữa, những vị Chuyển Luân Thánh Vương kia, mỗi vị đều đem

bày biện hoa đẹp đầy khắp cõi Diêm-phù-đề rộng vì cúng dường các tháp miếu Như Lai. Nếu có Bồ-tát xuất gia chỉ lấy một cánh hoa cúng dường tháp miếu Như Lai, so với lượng phước vị này thâu được thì lượng phúc của người trước không bằng một phần trăm, cho đến cũng không bằng một phần của phần cực vi.

Kinh Thứ Đệ Xuất Sinh nói: Nên quán Bồ-tát có bốn loại hiền thiện đáng khen ngợi, ứng hợp với sự dạy bảo của Như Lai về cúng dường. Bốn điều ấy là gì?

Một là: Tự thực hiện bố thí cúng dường tối thượng và khiến các hữu tình cũng thực hiện thắng hạnh cúng dường như vậy.

Hai là: Siêng năng thành kính cúng dường chư Như Lai rồi lại làm vững chắc tâm đại Bồ-đề.

Ba là: Chiêm ngưỡng ba mươi hai tướng đại trượng phu như ở trước mắt.

Bốn là: Gieo trồng thiện căn để được tăng trưởng thù thắng. Đó là bốn pháp. Đó là thừa sự cúng dường tối thượng nơi các đức Phật Như Lai.

Kinh Hải Tuệ Vấn nói: Phật dạy: Này Hải Tuệ! Có ba thứ pháp là sự thừa sự cúng dường tối thượng Như Lai. Những gì là ba pháp?

Một là: Phát sinh tâm đại Bồ-đề.

Hai là: Thâu nhận chánh pháp của Như Lai.

Ba là: Rộng vì các hữu tình, khởi tâm đại bi.

Đây là những pháp hành cúng dường Thắng nghĩa.

Kinh Từ Thị Sư Tử Hống nói: Không có Phật có thể nghĩ tưởng quán xét, huống chi lại có Phật để có thể cúng dường sao? Có chỗ thủ đắc chăng? Không có điều này.

Ở đây, thế nào là cúng dường Phật?

Gọi là cúng dường chân thật, tức nên khởi tâm vô tưởng, vô tướng, không tác ý tâm, tâm sở, không tưởng Phật, không tưởng Pháp, không tưởng Chúng, không tưởng chúng sanh, không tưởng mình, người. Cúng dường mà khởi tâm như vậy, đó là cúng dường các đức Phật Như Lai một cách chân thật.

Kinh Bát nhã Ba-La-Mật nói: Phật dạy: Thiên chủ! Giả sử gom chứa Xá-lợi của Như Lai đầy khắp trong hằng hà sa số thế giới để trên sát tràng (phướn). Và có người chép viết kinh Bát-nhã Ba-la-mật-đa để dâng thí, trong hai phần ấy ông chọn phần nào?

Đế Thích thưa với Phật: Thưa Thế Tôn! Trong hai phần ấy, con chọn phần Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Vì sao? Vì Bát-nhã Ba-la-mật-đa, có thể sinh xá-lợi của Như Lai. Sự cúng dường người tu tập Bát nhã Ba-lamật-đa tức là cúng dường Xá-lợi Như Lai.

Phật dạy: Đế Thích! Nếu các loại hữu tình tin hiểu về Niết-bàn như thật của Như Lai là rất khó được, thì Niết-bàn như thật của Như Lai trong đây nghĩa là gì? Rất nhiều kinh nói về điều ấy.

Như kinh Như Lai Hưng Hiển nói: Phật dạy: Phật tử! Nếu bậc Bồ-tát mong muốn hiểu rõ về Đại Niết-bàn của chư Phật Như Lai, nên lấy tuệ quán sát, trước hiểu rõ tánh nơi tự tánh của pháp. Tự tánh của pháp tức là nói chân như, thực tế, pháp giới hư không giới, cõi tự tánh thanh tịnh, cõi vô tướng, cõi tự tánh của ngã. Tự tánh của tất cả là như như Niết-bàn, nên biết rõ như vậy về Niết-bàn như thật của Như Lai. Vì sao? Phật tử! Các pháp xưa nay là như vậy, không sinh và không chỗ sinh. Do pháp xưa nay là như vậy không sinh, không chỗ sinh nên không có chút pháp nào có thể thủ đắc. Tuy nhiên, Phật Như Lai có chỗ sinh, chỉ vì tạo niềm an vui cho các loại hữu tình tương tục, nên biểu thị có sinh như vậy. Như Lai vào Niết-bàn, đó cũng vì loài hữu tình mệt mỏi chán ngán về sinh. Thực sự Như Lai vốn không sinh cũng không chỗ sinh và cũng không Niết-bàn. Chư Như Lai thường trụ nơi pháp giới.

Phật tử! Ví như vầng sáng mặt trời xuất hiện, chiếu sáng khắp tất cả thế giới. Trong các bình chứa nước thanh tịnh thấy được hình ảnh mặt trời sáng, không phải là vầng nhật đi khắp mọi nơi, đi vào trong bình nước mà có hình ảnh hiện. Nếu tất cả bình nước kia hoặc lúc bị vỡ, hoặc nước đục dơ, hoặc lúc nước cạn thì vầng mặt trời cũng không thấy trong bình. Nhưng hình ảnh mặt trời sáng không hiện rõ trong bình không phải là lỗi của mặt trời. Đó là do bình tịnh đó tự phá hủy.

Phật tử! Đức Như Lai cũng lại như vậy.

Pháp giới như vầng mặt trời lớn rộng sáng tỏ. Tùy trong pháp giới thường xuất hiện chiếu sáng rộng khắp thuận theo tất cả thế gian. Nếu tâm của các hữu tình thanh tịnh tương tục tức ảnh tượng Như Lai xuất hiện. Tất cả hữu tình tuy thường xem thấy ảnh tượng như vầng mặt trời của Như Lai nhưng không phải Như Lai đi đến tất cả chỗ, theo đó mà xuất hiện. Nếu các hữu tình kia cũng như bình nước vỡ, tâm không thanh tịnh, nghiệp phiền não tương tục như cũ, sẽ không thấy được ảnh tượng là vầng sáng mặt trời của Như Lai, các hữu tình ấy liền khởi nghĩ tưởng là Như Lai nhập Niết-bàn. Sự nhập Niết-bàn của Như Lai này không phải là lỗi của Như Lai, đó là vì thiện căn tương tục của các hữu tình bị hủy hoại. Hơn nữa, dùng pháp đại Niết-bàn có thể hóa độ được các hữu tình.

Do đó Đức Như Lai biểu hiện nhập Niết-bàn, nhưng chân thực thì Như Lai vô lai, vô khứ (không đến không đi) và cũng không chỗ trụ.

Phật tử! Ví như tất cả thế gian đều có đốt lửa, sau đó hoặc là riêng biệt ở một nước, một thành ấp, xóm làng lửa bị tắt, đấy không phải là khắp hết thảy thế gian, việc dùng lửa đều dứt. Phật tử! Như Lai cũng lại như vậy. Tận khắp tất cả thế giới tùy thuận thi hành, làm tất cả Phật sự, nếu trong các nước Phật khác, làm Phật sự xong rồi, hiển thị nhập Niếtbàn, thì không phải chư Phật ở tất cả thế giới đều nhập Niết-bàn. Cũng như bậc thầy huyễn thuật khéo học pháp huyễn, dùng sức của minh chú hiểu suốt tất cả trong tam thiên đại thiên thế giới, hiện thân làm những sự huyễn. Tất cả làng xóm thành ấp cõi nước đều hiển thị khắp, tùy sức huyễn hoặc trụ một kiếp hoặc nhiều kiếp. Nếu ở các làng xóm thành ấp nơi cõi nước khác làm sự huyễn xong, bèn tự ẩn thân tướng, không phải sự huyễn ở tất cả thế gian đều ẩn.

Phật tử! Như Lai cũng lại như vậy. Dùng vô lượng trí như huyễn khéo học trí tuệ phương tiện thù thắng sáng suốt, thị hiện tất cả pháp giới sự huyễn. Như Lai tùy hiện nhưng thân Như Lai rốt ráo an trụ, pháp giới và hư không giới tất cả loại hữu tình đều là sự nghiệp bình đẳng, riêng biệt nơi các cõi nước, tùy theo Phật sự đã làm xong bèn thị hiện nhập Niết-bàn, cũng không phải trong một cõi Phật nhập Niết-bàn, tất cả pháp giới Như Lai đều nhập Niết-bàn. Phật tử! Các bậc Bồ-tát nên biết như vậy Đại Niết-bàn của chư Phật Như Lai, chỗ biết nhiều vô lượng, rốt ráo không chấp trước. Pháp giới không có biên vực, cũng không có khoảng giữa. Tự tánh rộng lớn như hư không giới. Chân như không sinh, cũng không diệt, an trụ ở thực tế, tùy lúc dùng phương tiện thị hiện. Do đó nên biết, đừng sinh chán ngán tất cả thế gian, tùy theo hạnh nguyện trước mà tự an trụ. Tất cả thế gian, tất cả các cõi, các pháp thắng hạnh đều được thành tựu. Kinh Bát nhã Ba-la-mật-đa có nói: Đại Niết-bàn nghĩa là tự tánh “không” (không tự tánh).

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói: Phật dạy: Này Ca-diếp! Nếu có thể hiểu rõ tỏ ngộ tánh bình đẳng của tất cả pháp, đó là đại Niết-bàn.

Kinh ấy cũng nói: Phật dạy: Này Thiện nam! Chỗ hành hóa của Như Lai đều đã làm xong. Thọ mệnh từ thành Phật đến nay đã dài lâu vô lượng. Như Lai thường trụ không nhập Niết-bàn, vì hóa độ các hữu tình nên thị hiện Niết-bàn. Vì sao? Vì nên dùng duyên như vậy mới thành thục chúng hữu tình.

Kinh Đại Bi nói: Phật dạy: Này Đại Phạm! Như vậy, nghiệp thế gian này dứt, phiền não dứt, khổ não dứt, duyên khổ dứt tắt, tịch nhiên xuất ly. Đây là nói Niết-bàn. Đại Phạm! Trong đây không có người thấu rõ đó là Niết-bàn, tức là nghiệp phiền não dứt, tự tánh thanh tịnh hiển hiện. Phẩm Xuất Thế nói: Dùng phương tiện, chư Phật khai thị vô số pháp Niết-bàn.

Kinh Phạm Vương Vấn nói: Phạm vương thưa với Phật: Thưa Thế Tôn! Những bậc xuất gia đối với trong tất cả các tướng vốn ưa thích nếu có thể dừng dứt, thì đây gọi là Niết-bàn. Phật dạy: Đại Phạm! Điều này cùng làm duyên mà được thành lập.

Kinh Giác Trí Phương Quảng nói: Phật bảo: Này Đại-Mục-kiềnliên! Thời quá khứ có Phật hiệu là Danh Xưng Cao Hiển, ở cõi Phật ấy chỉ có chúng Thanh văn, lúc đó có một Tỳ-kheo quán các cảnh sở duyên, trụ ở hạnh Đại thừa. Người này từng ở chỗ vô số vô lượng đức Phật gieo trồng thiện căn, không thoái chuyển tâm Bồ-đề vô thượng, an trụ trong pháp Đại thừa vô thượng, muốn làm nghiêm tịnh vô số cõi Phật. Trong cõi Phật ấy không có hữu tình nào khác phát tâm Bồ-đề. Bấy giờ vị Tỳ-kheo nọ, tuy gieo trồng thiện căn rộng, nhưng trong pháp thâm sâu lại sinh tâm kiêu mạn. Do nhân duyên này nên sinh về cõi trời Trường thọ. Bấy giờ, Như Lai Danh Xưng Cao Hiển đã đến lúc làm Phật sự xong, ngài bèn quán sát tất cả cõi Phật xem trong cõi nào, giới hữu tình không làm Phật sự. Sau quán ngay cõi của ngài có một Tỳ-kheo trụ hạnh Đại thừa, đúng là pháp khí Bồ-đề, nhưng Tỳ-kheo ấy lại bị chướng nạn và sinh nơi cõi trời Trường Thọ, nên thân khí người ấy không thể khiến gieo trồng thiện căn Bồ-đề. Sau khi mệnh chung, người này phải bị đọa vào địa ngục lớn A-tỳ và cũng không thể gieo trồng thiện căn. Ra khỏi địa ngục, sinh vào cõi người lại bị câm điếc, phải làm dấu đưa tay chỉ vật, hoặc mượn duyên khác mới hiểu được sự. Lúc này, Đức Như Lai Danh Xưng Cao Hiển muốn hóa độ Tỳ-kheo này nên dùng phương tiện khéo léo trong sáu mươi ức đời, khó nhọc nhẫn nại để làm việc hóa độ, khiến được thành thục. Phật bảo: Đại-mục-kiền-liên! Ông hãy quán tâm của Phật Như Lai ấy, vì một hữu tình trải qua thời gian dài như vậy chịu bao lao khổ cho đến khi cơ duyên vị Tỳ-kheo nọ thành thục, an trụ ở bậc địa bất thoái chuyển.

Này Tôn giả Đại-mục-kiền-liên! Ý ông nghĩ sao, vị Như Lai Danh Xưng Cao Hiển lúc ấy là người khác lạ chăng? Nay chính là Như Lai Hiện Nhất Thiết Nghĩa. Còn vị Tỳ-kheo quán sát cảnh sở duyên thuở ấy tức Đức Như Lai Vô Lượng Quang.

Kinh Phụ Tử Hợp Tập, phẩm Tiên Hành nói: Phật dạy: Này Diệu Cát Tường! Thời quá khứ, trong sự luân hồi vô lượng A-tăng-kỳ, vô số không thể tính toán, không có thời mở đầu, có vị Như Lai hiệu là Đế Tràng, trải qua hằng hà sa số thế giới cõi Phật, những loại hữu tình ở những cõi Phật ấy đều được năm việc vui. Hoặc có hữu tình được vui về ý muốn, hoặc được vui về lìa bỏ, hoặc được vui về thiền định, hoặc vui về Tam-ma-địa, hoặc được vui về đạo quả Bồ-đề vô thượng. Tuy các hữu tình ấy được thọ những điều vui, nhưng không ràng buộc, chấp giữ, ví như chim bay liệng trong không mà được tự tại. Những hữu tình được các sự vui cũng vậy đều không chấp trước. Bồ-tát Diệu Cát Tường thưa với Phật: Thưa Thế Tôn! Đức Như Lai Đế Tràng thời bấy giờ tức là Thế Tôn Thích-ca Mâu-ni.

Kinh Nhập Lăng Già có bài tụng:

Ta không quán tịch tĩnh
Cũng không khởi hành tướng
Lại không tâm phân biệt
Nên Ta chứng Niết-bàn.

Trong đây nên biết, đối với một thừa tin hiểu rất là khó được. Một thừa này trong các kinh đều nói. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nêu: Ta phát khởi một thừa vì hữu tình thuyết pháp, là nói Phật thừa không có hai, không có ba. Pháp ấy trong mười phương tất cả thế giới đều như vậy. Vì sao? Vì trong đời quá khứ, chư Phật Như Lai trong tất cả thế giới mười phương đều phát khởi nhất thừa vì hữu tình thuyết pháp, hoặc trong đời vị lai, chư Phật Như Lai trong tất cả thế giới mười phương phát khởi nhất thừa cũng vì hữu tình thuyết pháp. Nhất thừa đó là Phật thừa.

Do duyên này, mười phương thế giới không có hai thừa, có thể kiến lập, huống hồ là ba thừa.

Phẩm Chân Thực nói: Phật dạy: Này Diệu Cát Tường! Do nhân xưa kia nơi cảnh giới nhất thừa có thể đầy đủ, nay trong ba cõi Phật chỉ có pháp một thừa để xuất ly, mà không kiến lập hai thừa Thanh-văn và Duyên giác. Vì sao? Vì Như Lai đã lìa bỏ tất cả các loại nghĩ tưởng. Nếu có người nói: Hoặc Như Lai thuyết pháp Đại thừa, hoặc Như Lai thuyết giảng Thanh văn thừa, hoặc Như Lai thuyết giảng Duyên giác thừa, tức người này đối với Như Lai tâm không thanh tịnh, tâm không bình đẳng, tâm chấp trước.

Kinh Đại Bi nói: Phật dạy: Nếu Ta thuyết giảng có các loại nghĩ tưởng tức là tự sinh dối trá trong pháp. Nhưng Ta vì các hữu tình thuyết giảng các pháp, đều khiến đối với Bồ-đề mong muốn được pháp Đại thừa, thu gồm được Nhất thiết trí, khiến các hữu tình cùng đến bậc trí Nhất thiết trí. Do đó, không có phần vị thừa khác có thể kiến lập, cũng không có các địa trong chỗ Ta kiến lập. Cũng không kiến lập Bổ-đặcgià-la. Cũng không kiến lập ít hạnh hoặc vô lượng hạnh. Cũng không có ba thừa có thể phân biệt, do không có tính phân biệt nhập môn Pháp giới. Chỉ vì thế tục đế nên khai thị dẫn dắt, dùng phương tiện mà nói. Với thắng nghĩa đế, chỉ có một pháp nhất thừa, không có hai.

Kinh Bát nhã Ba-La-Mật nói: Phật bảo: Thiên chủ! Nếu các Thiên tử chưa phát tâm cầu đạo quả Bồ-đề vô thượng, Ta sẽ khiến phát tâm cầu đạo quả Bồ-đề vô thượng. Nếu lại không thể quyết định phát tâm Bồ-đề, ta cũng khiến cho tùy hỷ phát tâm cầu đạo quả Bồ-đề vô thượng. Vì sao vậy? Các vị đó mãi ở trong vòng sinh tử nối tiếp không dứt. Ta không muốn phần thiện căn của các vị bị chìm mất, nên khiến có được chỗ chứng đắc trong pháp tối thắng.

Phẩm Hội của Đại Tập nói: “Một thừa thu nhiếp khắp tất cả thừa kia. Dùng một thừa gồm thâu các thừa” nên đồng qui về một lý phổ nhập pháp giới, tánh không phân biệt của pháp giới.

Kinh Tổng Trì Tự Tại Vương Vấn nói: Phật không dạy có các loại nghĩ tưởng. Nhưng Phật xuất thế, những chỗ tác sự đồng một vị pháp giới mà không chướng ngại, thâu nhận tất cả hữu tình. Tự thành Chánh giác rồi, lại khiến các hữu tình cũng giác ngộ thông suốt, sau nữa chuyển pháp luân vi diệu là pháp luân bất thoái chuyển. Ví như người thầy sửa ngọc báu, đối với các báu chỉ lấy lưu ly giả sắc, trước dùng nước tro lau rửa cho sạch, tiếp theo dùng lông đen trơn để lau sửa ngọc. Cố nhiên, người thầy sửa ngọc báu này trải qua bao mệt nhọc, sau dùng nước thịt và lụa màu nhiều lần chùi sửa. Lại dùng nước đại dược và loại áo mỏng, mềm lần lượt sửa tinh xảo. Rốt cùng thì trong suốt, mất giả sắc thành lưu ly thực.

Đức Như Lai cũng lại như vậy. Biết giới hữu tình vốn không thanh tịnh, bèn thuyết giảng pháp vô thường-khổ-vô ngã-bất tịnh, khiến giới hữu tình sinh chán lìa luân hồi. Sau dùng pháp Thánh, phương tiện điều phục dẫn dắt. Như Lai cũng không có lúc nào sinh chút mệt mỏi. Sau cùng thuyết giảng pháp không, vô tướng, vô nguyện, khiến họ mở mắt Như Lai giác ngộ.

Đức Như Lai vẫn không hề có lúc sinh mệt mỏi. Sau thuyết giảng Pháp luân bất thoái chuyển và ba luân thanh tịnh để dẫn đường hữu tình vào trong cảnh giới của Như lai, bình đẳng vượt qua vô số tánh nhân, cùng chứng pháp tánh thanh tịnh của Như Lai. Thuyết giảng này là vì cứu cánh của thế gian nhằm đạt được quả vô thượng.

Kinh A Duy Việt Trí nói: Luân bất thoái chuyển là bình đẳng. Chư

Phật nói pháp cũng bình đẳng, vì vậy vì loài hữu tình tin hiểu thấp kém không hiểu rõ pháp nhất thừa, Như Lai bèn xuất thế ở cõi Sa-bà năm uế trược, dùng phương tiện khéo léo vì những hữu tình kia kiến lập Phật sự, khiến thành tựu quả Phật.

Kinh Thắng Man Sư Tử Hống nói: Chư Phật Như lai theo phương tiện giảng nói pháp Niết-bàn này, từ trong ba thừa sinh ra các thừa, nhưng chỉ do pháp nhất thừa mới chứng được đạo quả Bồ-đề vô thượng.

Kinh Nhập Lăng Già nói: Các chủng tử của phiền não vào Tamma-địa, Tam-ma-bát-để, biết rõ như thật, trụ trong cõi vô lậu, lại vào trong cõi Thanh văn và Duyên giác vô lậu, thắng hạnh xuất thế thành tựu viên mãn, được pháp thân tự tại không nghĩ bàn. Vì hóa độ cho những hữu tình được thành tựu các hạnh thiện, nên Như Lai dùng phương tiện nói nhiều loại thừa.

Do vậy các Đức Như Lai ở trong các giới không những chỉ nói ba thừa mà còn nói các pháp thừa khác nữa.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10