LUẬN ĐẠI THỪA BẢO YẾU NGHĨA
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 2

Kinh A-Xà Thế-Vương nói: Tôn giả Đại-ca-diếp bạch với Bồ-tát Diệu-cát-tường rằng: Cũng như sư tử mới sinh, vừa sinh ra đã có thế lực. Phàm chỗ sư tử đến, hoặc bầy nai vừa nghe hơi sư tử thì đều chạy trốn. Ngay đến Long tượng sức to lớn, lúc nghe hơi sư tử cũng kinh hãi co cụm như bị trói, dứt sợ sệt liền chạy bốn hướng tìm hang hóc ẩn trốn. Loài sống dưới nước, chim bay nghe mùi sư tử cũng đều hãi sợ. Này Bồ-tát Diệu-cát-tường! Bậc Bồ-tát đầy đủ sức tuệ cũng lại như vậy. Bậc Bồ-tát mới phát tâm, vừa phát tâm đại Bồ-đề liền hơn hẳn các bậc Thanh văn Duyên giác. Cung ma rúng động; tất cả thiên ma run sợ. Vì run sợ nên không thể ở yên trong cung ma.

Kinh Bảo Tích nói: Phật dạy: Này A-nan! Ý ông nghĩ sao? Người bị đứt cả tay chân có sống được không?

A-nan thưa: Chân tay dù bị đứt, nhưng mệnh người ấy vẫn có thể sống dược.

Phật hỏi: A-nan! Nếu có người bị cắt xẻ tim, người này còn sống được không

A-nan thưa: Thưa Thế Tôn! Không thể sống được.

Phật bảo: A-nan! Ông nên biết, đệ tử của ta, Đại Mục-kiền-liên và Xá-lợi-phất cũng như tay chân ta. Còn các Bồ-tát thì như tim ta. Anan! Như có Bồ-tát cầm cương một xe báu lớn, bằng công đức nơi năm dục tạo thần thông cho xe dong ruỗi, nhưng không có ai được ngự ở trên xe. Lúc ấy, Như-lai được lực của Bồ tát ngự ở trên xe tiến về đường trước. Nếu Xá-Lợi-phất và Mục-kiền-liên tu tập ba môn giải thoát, trải qua một kiếp hoặc hơn một kiếp thì Như-lai không phải thúc đẩy nhắc nhở về sức chuyên cần.

Kinh Phụ Tử Hợp Tập nói: Này các Tỳ-khưu! Có hằng hà sa số các bậc Như-lai trong hằng hà sa số kiếp khen ngợi người phát tâm

tương ưng Nhất thiết trí và các tạng công đức nói không cùng tận. Vì sao? Lúc xưa Như-lai tu hạnh Bồ-tát, chưa từng tạm thời không phát tâm này; thâu nhận tất cả các loài hữu tình mà không khởi tưởng có các loài hữu tình được hóa độ, có vô lượng giới hữu tình, Như-lai đều ở khắp trong vô lượng giới ấy tu hạnh Bồ-tát thù thắng rộng lớn, mỗi mỗi phát tâm góp các tụ phước. Tại sao vậy? Các Tỳ-kheo! Giới hữu tình thì vô tận nên Như-lai rộng tu hạnh Bồ-tát thù thắng, mỗi mỗi phát tâm góp các tụ phước cũng là vô tận.

Kinh Như Lai Bí Mật nói: Các vị Bồ-tát phát tâm Bồ-đề tu các thắng hạnh, đó là khiến hạt giống Tam bảo không dứt tuyệt.

Lại nói: Tâm Bồ-đề của Bồ-tát sinh ra một tụ phước, nào đều đem hồi hướng cho tất cả hữu tình. Công đức hồi hướng như vậy tràn đầy hư không giới, còn hơn cả lượng phước trên. Lượng phước mà tất cả hữu tình thâu nhận được đều do tâm Bồ-đề của Bồ-tát chuyển.

Kinh Pháp Tập nói: Bồ-tát phát tâm Bồ-đề giác ngộ tất cả pháp, biết tất cả các pháp cùng với pháp giới bình đẳng, mà tất cả pháp không từ đâu đến và không chỗ dừng, cũng không thể nhận biết. Nhưng dùng trí như lượng biết tánh “không” của pháp, khiến cho tất cả các hữu tình cũng hiểu biết rõ như vậy. Nếu các Bồ-tát phát tâm như thế thì đây gọi là: Tâm Bồ-đề của Bồ-tát làm lợi lạc cho tất cả tâm loài hữu tình, gọi là tâm vô thượng, tâm đại từ hòa dịu, tâm đại bi không chán, tâm đại hỷ không lui chuyển, tâm đại xả không cấu nhiễu, tâm “không” không tạo tác việc khác, tâm Vô tướng tịch tĩnh, tâm Vô nguyện, vô trụ.

Hỏi: Vì sao dùng ít thiện căn hồi hướng Nhất thiết trí cho đến khi ngồi nơi đạo tràng Bồ-đề, mà khoảng giữa lại không cùng tận?

Đáp: Như kinh Vô Tận Ý nói, Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất: Ví như một giọt nước rơi vào trong biển lớn cho đến kiếp tận cùng, nơi đoạn giữa thì không thể tận cùng. Bồ-tát dùng ít thiện căn hồi hướng Nhất thiết trí cũng lại như vậy; cho đến khi ngồi nơi đạo tràng Bô-đề thì khoảng giữa cũng không cùng tận.

Kinh Thiện Xảo Phương Tiện nói: Hoặc có Bồ-tát thấy kẻ bần cùng khởi tâm thương xót cho một ít cơm. Như chỗ Phật dạy tâm lớn rộng này gọi là bố thí tối thượng. Huống chi bố thí pháp. Của cho tuy ít nhưng công đức của tâm Nhất thiết trí thì nhiều vô lượng.

Kinh Hiền Kiếp nói: Đức Như Lai Tinh Vương lúc mới phát tâm Bồ-đề ở nơi đức Như Lai Thanh Thụ. Kiếp xưa Như Lai Tinh Vương là mục đồng dùng hoa Mạt-câu-la cúng thí, theo nhân duyên này mà phát tâm.

Đức Như Lai Danh Xưng lúc mới phát Bồ-đề tâm ở chỗ đức Như Lai Điện Quang. Kiếp xưa Như Lai Danh Xưng là thợ dệt, theo nhân duyên đã cúng thí đệm thảm tốt mà phát tâm.

Đức Như Lai Minh Diệm lúc mới phát tâm Bồ-đề ở nơi đức Như Lai Vô Biên Quang. Kiếp xưa đức Như Lai Minh Diệm là người giữ thành. Theo nhân duyên cúng thí đèn cỏ mà phát tâm.

Đức Như Lai Nan Thắng lúc mới phát tâm Bồ-đề ở nơi đức Như Lai Kiên Cố Bộ. Kiếp xưa đức Như Lai Nan Thắng là tiều phu, theo nhân duyên cúng thí một mắt gỗ mà phát tâm.

Đức Như Lai Công Đức Tràng lúc mới bắt đầu phát tâm Bồ-đề ở nơi đức Như Lai Diệu Xứng. Kiếp xưa đức Như Lai Công Đức Tràng là người gánh nước, theo nhân duyên cúng thí một bình đựng nước mà phát tâm.

Đức Như Lai Lực Quân lúc mới bắt đầu phát tâm Bồ-đề ở nơi đức Như Lai Đại ký. Kiếp xưa đức Như Lai Lực Quân là thầy thuốc, theo nhân duyên cúng thí một quả A-ma-lặc mà phát tâm.

Kinh Bảo Tích nói: Như có người cầu quả A-la-hán nên dùng báu Ma-ni đầy khắp vô biên thế giới để bố thí.

Lại có người tu Bồ-tát thừa thấy được và phát tâm tùy hỷ tương ưng Nhất thiết trí. Tâm tùy hỷ tương ưng này có lượng phước mà lượng phước của người bố thí cầu quả A-la-hán kia không bằng một phần trăm lượng phước người tu Bồ-tát thừa. Cho đến chia phần ô ba ni sát (số cùng cực) cũng không được một phần.

Hỏi: Tại sao Bồ-tát lại hơn người bố thí trước?

Đáp: Do hồi hướng về Nhất thiết trí.

Kinh Bát nhã Ba La Mật nói: Phật dạy: Xá-lợi-tử! Bậc đại Bồ-tát hơn hẳn tất cả bậc Thanh văn Duyên giác ở chỗ: Lúc tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định trí tuệ phải nên một lần phát tâm tùy hỷ tương ưng tâm Nhất thiết trí, tu học Bát nhã Ba-la-mật-đa lấy tâm đại bi dẫn đầu, rồi sau Bồ-tát mới phát tâm Bồ-đề. Như vậy nên biết, nếu phát tâm đại Bồ-đề thì tâm đại bi dẫn đầu.

Làm sao biết được điều này?

Như kinh Bồ-Tát Tạng nói: Bậc Bồ-tát muốn cầu Bồ-đề nên lấy đại bi dẫn đầu. Cũng như sĩ phu (con người) có mệnh căn dùng nơi hít thở dẫn đầu. Bậc đại Bồ-tát cũng như vậy, trong việc tu tập pháp Đại thừa lấy tâm đại bi dẫn đầu.

Lại như bậc Chuyển Luân thánh vương, trong các báu vật thì lấy bánh xe báu dẫn đầu. Bậc đại Bồ-tát cũng vậy, trong tất cả các pháp Phật dùng tâm đại bi làm lối dẫn đầu.

Lại nói: Bậc Bồ-tát, với lỗi của mình thường theo sát xét nghĩ, với lỗi của người thì dùng tâm đại bi để hộ niệm.

Kinh Vô Úy Thọ Sở Vấn Đại thừa nói: Phật bảo: Trưởng giả! Bậc Bồ-tát muốn thành tựu đại Bồ-đề, nên khởi tâm đại bi với tất cả loại hữu tình. Không sinh tâm yêu mến chấp trước thân mệnh mình, cho đến tất cả gạo tiền, nhà cửa, vợ con, ăn uống, y phục, xe cộ, giường ghế, hương hoa, hương xoa và tất cả các loại vật dụng vui chơi đều không nên vướng chấp. Vì sao vậy? Trưởng giả! Phần nhiều các loài hữu tình đều yêu mến chấp trước thân mệnh, do yêu mến chấp giữ thân mệnh nên tạo nhiều tội nghiệp, đọa vào nẻo ác. Nếu loài hữu tình khởi tâm đại bi rồi, không sinh yêu mến chấp giữ thân mệnh, do không yêu mến chấp giữ nên sinh vào nẻo thiện, lại còn có thể vận tâm làm các hạnh bố thí, cùng tất cả các pháp thiện tương ưng.

Người tu hạnh Bồ-tát dùng tâm đại bi để thành tựu thân mình. Điều này làm sao biết?

Như kinh Bảo Vân nói: Phật bảo: Này Thiện nam! Nếu các Bồ-tát đầy đủ mười pháp. Đó là dùng tâm đại bi thành tựu thân mình. Những gì là mười pháp.

Một là: Thấy tất cả loài hữu tình bị khổ bức bách không được cứu trợ, không chỗ nương, không nẻo về, thấy rồi nên phát tâm Bồ-đề lớn để hỗ trợ.

Hai là: Phát tâm Bồ-đề rồi liền khiến loài hữu tình ấy được thành tựu pháp.

Ba là: Tùy chỗ pháp đạt được làm lợi ích cho các loài hữu tình. Bốn là: Khiến những loài hữu tình keo lận hành hạnh bố thí Năm là: Người không tu giới cấm thì khiến họ tu tịnh giới.

Sáu là: Khiến người nhiều sân hận trụ nơi pháp nhẫn nhục.

Bảy là: Khiến người nhiều lười biếng phát khởi tinh tấn.

Tám là: Khiến người nhiều tán loạn tu tĩnh lự.

Chín là: Khiến những người không trí tuệ được tuệ thù thắng.

Mười là: Bồ-tát rộng ngăn trừ những khổ sở nhất bức não tất cả các loài hữu tình và khiến không chướng nạn đối với Bồ-đề.

Như thế gọi là mười pháp.

Kinh Tổng Trì Tự Tại Vương Vấn nói: Bậc Bồ-tát hoặc thấy một loài hữu tình do tham ái ràng buộc, đắm nhiễm vợ con quyến thuộc, do tâm ác ràng buộc nên không được tự tại, Bồ-tát thuận vì nói pháp yếu khiến cởi bỏ được sự ràng buộc của ái để được tự tại. Hoặc thấy một loài hữu tình khởi tâm phẫn hận chống đối, tổn hại sinh nhiều lỗi lầm, Bồ-tát thuận vì thuyết giảng pháp yếu khiến trừ dứt sân hận, lỗi lầm. Lại nữa, hoặc thấy các hữu tình bị bạn ác lôi kéo xa rời bạn tốt, thường tạo tội nghiệp. Bồ-tát liền nói pháp yếu khiến gần gũi bạn lành xa rời bạn ác. Đó là Bồ-tát vì các hữu tình khởi tâm đại bi. Hoặc thấy một loài hữu tình tham ái rất nặng không biết chán đủ, xa lìa trí tuệ thù thắng, Bồ tát thuận vì thuyết giảng pháp yếu khiến cho đoạn tham ái phát sinh trí tuệ thù thắng. Đó là Bồ tát vì các hữu tình khởi Tam đại bi.

Hoặc thấy một loài hữu tình cho là không có nghiệp báo, chấp đoạn hoặc chấp thường, Bồ-tát liền nói pháp yếu khiến vào pháp duyên khởi sâu xa biết các hành nghiệp. Đó là Bồ-tát vì các hữu tình khởi tâm đại bi.

Hoặc thấy một loài hữu tình do vô minh si ám che lấp, nên chấp giữ ngã nhân, hữu tình, thọ giả, Bồ-tát liền giảng nói pháp yếu, khiến có tuệ nhãn thanh tịnh trừ dứt kiến chấp. Đó là Bồ-tát vì các hữu tình khởi tâm đại bi.

Hoặc thấy một loại hữu tình đắm mùi sinh tử, chấp trước năm uẩn, như người sát hại, Bồ-tát liền nói pháp xuất yếu khiến cho xuất ly ba cõi. Đó là Bồ-tát vì các hữu tình khởi tâm đại bi. Hoặc thấy một loài hữu tình bị ma sách nhiễu trói buộc, sinh tâm trụ vướng mắc ở ái, ác (yêu, ghét), Bồ-tát liền giảng nói pháp yếu giải thoát cởi bỏ sách nhiễu, trói buộc của ma, dứt trừ tâm vướng mắc ở ái, ác. Đó là Bồ-tát vì các hữu tình khởi tâm đại bi. Hoặc thấy một loài hữu tình, đóng cổng Niết-bàn mở cửa nẻo ác, Bồ-tát liền nói pháp yếu khiến mở cổng Niết-bàn, đóng cửa nẻo ác. Đó là Bồ-tát vì các hữu tình khởi tâm đại bi nên phát tâm Bồ-đề.

Nếu có kẻ hủy báng pháp nhẫn của Bồ-tát, sinh tâm khinh mạn, đối với pháp, làm chướng ngại, muốn làm Bồ-tát lìa rời pháp nhẫn, Bồtát liền biết đó là ma sự nổi lên.

Kinh Tín Lực Nhập Ấn Pháp Môn nói: Phật bảo: Diệu Cát Tường! Giả sử có người gây chướng nạn cho tất cả thế giới nhiều như số cực vi trần, gây chướng nạn tất cả hữu tình có thiện căn; lại có người làm chướng nạn cho một Ưu-bà-tắc tôn kính tu tập đủ mười điều thiện, không thờ dị sư (ngoại đạo), lại ít thiện căn, thì tội người sau hơn tội người trước gấp bội A-tăng-kỳ lần.

Giả sử có người làm chướng nạn thiện căn của các Ưu-bà-tắc ở tất cả thế giới nhiều như cực vi trần; lại có người làm chướng nạn cho một Tỳ-kheo ít thiện căn, thì tội của người này lớn gấp bội A-tăng-kỳ lần tội người trước. Như vậy theo thứ lớp, như làm chướng nạn người tu Tùy Tín Hành, người Tùy Pháp hành, bậc Tu-đà-hoàn, bậc Tư-đà-hàm, bậc A-na-hàm, bậc A-la-hán, bậc Bồ-tát trụ thứ tám, bậc Duyên giác, bậc Bồ-tát hành dương xa, Bồ-tát hành tượng xa, Bồ-tát hành nhật nguyệt thần thông, Bồ-tát hành Thanh-văn thần thông v.v… Hoặc có người đối với hàng Bồ-tát hành các thần thông Thanh văn ở tất cả thế giới nhiều như cực vi trần, hễ có bao nhiêu thiện căn đều gây chướng nạn; lại có người đối với một Bồ-tát hành thần thông của Như Lai, có một thiện căn đều gây chướng nạn, khởi tâm khinh mạn, giận dữ, thì tội nhiều hơn tội người trước gấp bội A-tăng-kỳ lần. Giả sử có người rình rập chực cướp đoạt tài vật, tiền bạc của tất cả hữu tình trong tất cả thế giới như cực vi trần ở mười phương, lại có người khởi tâm khinh mạn, tức giận mạ ly, quấy nhiễu một bậc Bồ-tát, tội như vậy nặng hơn tội người trước gấp bội A-tăng-kỳ lần.

Hoặc như có người, theo duyên khởi nào đó mà sinh tâm khinh mạn giận dữ Bồ-tát thì tội này phải vào địa ngục gào thét, thân hình to năm trăm do tuần, có năm trăm đầu, mỗi đầu có năm trăm lưỡi, mỗi lưỡi lại có năm trăm chiếc cày cày trên lưỡi có lửa cháy mạnh.

Giả sử có người dùng dao gậy đánh người cướp của cải tiền bạc của tất cả hữu tình ở tam thiên đại thiên thế giới, lại có người khởi tâm khinh mạn giận dữ rồi làm tổn não một bậc Bồ-tát, thì tội như vậy nặng gấp bội A-tăng-kỳ lần tội người trước.

Giả sử có người khởi tâm độc ác, phá lợi ích của tất cả hữu tình, sát hại hằng hà sa số A-la-hán trong hằng hà sa số thế giới và phá hại chùa tháp Phật, thành báu, lan can báu, cờ phướn mọi thứ nghiêm sức biểu tượng của Phật đều bị phá hoại, lại có người đối với Bồ-tát tín giải pháp Đại thừa, đã gieo trồng hạt giống Đại thừa, nhưng người này với duyên cớ nào đó mà khởi tâm khinh mạn giận tức mạ nhục quấy nhiễu xúc chạm Bồ-tát thì tội này nặng gấp bội A-tăng-kỳ lần tội người trước.

Vì sao thế? Vì Bồ-tát có thể sinh các bậc Như Lai, làm hạt giống Phật không bị dứt tuyệt.

Nếu hủy báng Bồ-tát tức hủy báng chánh pháp. Hủy báng Bồ-tát thì kẻ đó không thể thâu nhận pháp nào khác nữa, chỉ có pháp Bồ-tát mới có thể nhiếp thọ.

Giả sử có người sinh tâm tức giận với các loại hữu tình ở tất cả mười phương thế giới, lại có người sinh tâm giận tức với Bồ-tát rồi quay lưng không nhìn lại, thì tội này nặng gấp bội A-tăng-kỳ lần tội người trước.

Giả sử có người sát hại rồi xâm đoạt tất cả của cải của hết thảy hữu tình nơi cõi Diêm-phù-đề, lại có người hủy báng một bậc Bồ-tát, thì tội nầy nặng gấp bội A-tăng-kỳ số tội người trước.

Kinh Từ Thị Sư Tử Hống nói: Nếu một Bồ-tát giận nói, chửi mắng đánh đập tất cả hữu tình khắp thế giới tam thiên đại thiên, vị Bồ-tát này cũng không bị tổn não hoại mất. Nhưng nếu khởi tức giận một vị Bồ-tát dù rất ít phần vẫn bị tổn não hư mất. Vì sao vậy? Vì Bồ-tát kia đã khoác áo giáp nhẫn nhục suốt kiếp, thường không xa lìa tâm Nhất thiết trí. Do đó vị Bồ-tát này không nên, dù chỉ một lúc, giận tức đối với vị kia.

Kinh Diệu Cát Tường Thần Thông Du Hí nói: Phật bảo: Này Diệu Cát Tường! Ông nay nên biết: Nói lời tổn hại là làm hoại mất thiện căn tích tụ trong trăm kiếp. Đó gọi là tổn hại.

Người tu hạnh Bồ-tát nên biết như vậy: Nếu ở nơi chỗ Phật Thế Tôn làm những việc không đem lại lợi ích thì tội báo nặng. Làm việc có lợi ích thì thu được lượng phước lớn.

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10