LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 63

Chương 2: KIẾT UẨN

Phẩm 2: BÀN VỀ NHẤT HÀNH, phần 8

Hỏi: Chín thứ nhận biết khắp như thế, những ai bỏ, bỏ bao nhiêu? Những ai đạt được, được bao nhiêu?

Đáp: Có các hữu tình không bỏ, không được, nghĩa là các phàm phu.

Hỏi: Trong đây, hỏi – đáp không căn cứ ở phàm phu, chỉ dựa nơi Thánh giả, là có Thánh giả đối với chín thứ nhận biết khắp không có bỏ, được chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là trụ ở bản tánh, lúc có thắng tấn, cũng không có bỏ, được. Nghĩa là khi khổ pháp trí nhẫn diệt, khổ pháp trí sinh, và lúc khổ loại trí nhẫn diệt, khổ loại trí sinh, đều đối với chín thứ nhận biết khắp không bỏ, không được.

Khi tập pháp trí nhẫn diệt, tập pháp trí sinh, không có bỏ, được một. Lúc tập loại trí nhẫn diệt, tập loại trí sinh, không có bỏ, được một.

Khi diệt pháp trí nhẫn diệt, diệt pháp trí sinh, không có bỏ, được một. Lúc diệt loại trí nhẫn diệt, diệt loại trí sinh, không có bỏ, được một.

Khi đạo pháp trí nhẫn diệt, đạo pháp trí sinh, không có bỏ, được một. Lúc đạo loại trí nhẫn diệt, đạo loại trí sinh, nếu người chưa lìa nhiễm dục, nhập chánh tánh ly sinh thì cũng không có bỏ, được một.

Nếu người đã lìa nhiễm dục, nhập chánh tánh ly sinh thì bỏ năm, được một. Nghĩa là bỏ năm thứ trước, được năm kiết thuận phần dưới diệt hết là nhận biết khắp.

Trong đây, có thuyết nói: Kiến đạo của sáu địa, bỏ, được đều như vậy.

Có thuyết cho: Ba của năm thứ sau, quả vị pháp trí không được nhận biết khắp.

Thánh giả lúc lìa nhiễm của một phẩm, cho đến tám phẩm nơi cõi dục, không bỏ, không được.

Khi lìa nhiễm nơi phẩm thứ chín, đạo vô gián diệt, đạo giải thoát sinh, bỏ sáu, được một. Nghĩa là bỏ sáu thứ trước, được năm kiết thuận phần dưới diệt hết là nhận biết khắp.

Lìa nhiễm nơi một phẩm của tĩnh lự thứ nhất, cho đến khi lìa nhiễm nơi tám phẩm của tĩnh lự thứ tư, không bỏ, không được.

Lìa nhiễm nơi phẩm thứ chín của tĩnh lự thứ tư, khi đạo vô gián diệt, đạo giải thoát sinh, không bỏ, được một. Nghĩa là sắc ái diệt hết là nhận biết khắp.

Lìa nhiễm nơi một phẩm của Không vô biên xứ, cho đến khi lìa nhiễm nơi tám phẩm của Phi tưởng phi phi tưởng xứ, không bỏ, không được.

Lìa nhiễm nơi phẩm thứ chín của Phi tưởng phi phi tưởng xứ, lúc định kim cang dụ diệt, tận trí đầu tiên sinh, bỏ hai, được một. Nghĩa là bỏ năm kiết thuận phần dưới diệt hết và sắc ái diệt hết là nhận biết khắp, được là tất cả kiết diệt hết là nhận biết khắp.

Đây nói khi thắng tấn là bỏ, được nhận biết khắp. Lúc thoái chuyển cũng có nghĩa này là bỏ, được. Nghĩa là A-la-hán lúc khởi triền của cõi vô sắc để thoái chuyển là bỏ một được hai, nghĩa là bỏ thứ chín, được thứ tám, thứ bảy. Tức A-la-hán kia lúc khởi triền của cõi sắc để thoái chuyển là bỏ một được một, nghĩa là bỏ thứ chín, được thứ bảy. Tức A-la-hán kia lúc khởi triền của cõi dục để thoái chuyển là bỏ một được sáu, nghĩa là bỏ thứ chín, được sáu thứ trước. Đã lìa nhiễm cõi sắc, người Bất hoàn lúc khởi triền của cõi sắc để thoái chuyển là bỏ một, không được, nghĩa là bỏ sắc ái diệt hết là nhận biết khắp. Tức A-la-hán kia lúc khởi triền của cõi dục để thoái chuyển là bỏ hai được sáu, nghĩa là bỏ thứ tám, thứ bảy, được sáu thứ trước. Chưa lìa nhiễm cõi sắc, người Bất hoàn lúc khởi triền của cõi dục để thoái chuyển là bỏ một, được sáu, nghĩa là bỏ nhận biết khắp năm kiết thuận phần dưới hết, được sáu thứ trước. Chưa lìa nhiễm cõi dục, Thánh giả lúc khởi triền của cõi dục và thoái chuyển, đối với chín thứ nhận biết khắp, không bỏ, không được.

Chín thứ nhận biết khắp như thế: Hỏi: Bao nhiêu thứ là quả của tĩnh lự?

Đáp: Chín thứ là quả của tĩnh lự và quyến thuộc.

Hỏi: Bao nhiêu thứ là quả của vô sắc?

Đáp: Hai thứ là quả của vô sắc và quyến thuộc. Nghĩa là sắc ái hết và tất cả kiết hết.

Hỏi: Bao nhiêu thứ là quả của tĩnh lự căn bản?

Đáp: Có năm. Là thứ hai, thứ tư, thứ sáu và hai thứ sau.

Có thuyết cho: Thứ hai, thứ tư và ba thứ sau là năm.

Tôn giả Diệu Âm nói: Ở đây có tám. Nghĩa là trừ thứ bảy.

Hỏi: Bao nhiêu thứ là quả của quyến thuộc tĩnh lự?

Đáp: Có chín. Tức định vị chí, không phải định khác. Tĩnh lự trung gian, như nói về tĩnh lự căn bản.

Hỏi: Bao nhiêu thứ là quả của vô sắc căn bản?

Đáp: Có một. Là thứ chín.

Hỏi: Bao nhiêu thứ là quả của quyến thuộc vô sắc?

Đáp: Có một. Là thứ tám, là cận phần của Không vô biên xứ, không phải là phần khác.

Hỏi: Bao nhiêu thứ là quả của kiến đạo?

Đáp: Có sáu. Là sáu thứ trước.

Có thuyết nói: Có bảy. Là bảy thứ trước.

Hỏi: Bao nhiêu thứ là quả của tu đạo?

Đáp: Có ba. Là ba thứ sau.

Hỏi: Bao nhiêu thứ là quả của nhẫn?

Đáp: Nên nói như quả của kiến đạo.

Hỏi: Bao nhiêu thứ là quả của trí?

Đáp: Nên nói như quả của tu đạo.

Hỏi: Bao nhiêu thứ là quả của pháp trí?

Đáp: Có ba. Là ba thứ sau.

Hỏi: Bao nhiêu thứ là quả của loại trí?

Đáp: Có hai. Là hai thứ sau.

Hỏi: Bao nhiêu thứ là quả của phẩm pháp trí?

Đáp: Có sáu. Là thứ nhất, thứ ba, thứ năm và ba thứ sau.

Hỏi: Bao nhiêu thứ là quả của phẩm loại trí?

Đáp: Có năm. Là thứ hai, thứ tư, thứ sáu và hai thứ sau.

Có thuyết nói: Có sáu. Là thứ hai, thứ tư, thứ sau và ba thứ sau.

Hỏi: Bao nhiêu thứ là quả của đạo thế tục?

Đáp: Có hai. Là thứ bảy, thứ tám.

Hỏi: Bao nhiêu thứ là quả của đạo vô lậu?

Đáp: Có chín. Vì sức của đạo vô lậu được tất cả.

Hỏi: Nếu đã lìa nhiễm cõi sắc, nhập chánh tánh ly sinh, người kia vào lúc nào được nhận biết khắp sắc ái tận?

Đáp: Tôn giả Tăng-già-phiệt-ma nói: Khi được đạo loại trí, do người kia lúc ấy gọi là trụ nơi quả, cũng là trụ nơi hướng.

Lời bình: Tôn giả kia không nên tạo ra thuyết ấy, vì không phải khi trụ nơi quả, gọi là trụ nơi hướng. Nghĩa là lúc được quả, chưa khởi một niệm hiện tiền hướng đến đạo, làm sao gọi là hướng?

Có Sư khác nói: Người kia về sau nếu đã lìa nhiễm nơi Không vô biên xứ, bấy giờ mới được nhận biết khắp là sắc ái tận. Nghĩa là người kia lúc ấy đã tu vô lậu vị lai, các địa tĩnh lự là đối trị đoạn của định kia.

Lời bình: Sư kia cũng không nên tạo ra thuyết như thế. Do lúc ấy chỉ tu vô lậu vị lai, vì các địa tĩnh lự là đối trị vô sắc, không phải là đối trị sắc.

Lại có thuyết cho: Người kia về sau sẽ được quả A-la-hán, khi định kim cang dụ hiện tiền là được nhận biết khắp sắc ái tận này. Nghĩa là người kia bấy giờ đối chung nơi phiền não của ba cõi do kiến đạo, tu đạo đoạn đều đoạn, đồng chứng một vị là lìa hệ thuộc đắc.

Lời bình: Người kia cũng không nên nói như thế. Vì bấy giờ các đoạn tập hợp chung làm một, gọi là nhận biết khắp tất cả kiết dứt hết, làm sao nói là được nhận biết khắp sắc ái tận.

Nên nói như vầy: Người kia nhất định từ quả khởi đạo thắng tấn, lúc hiện tiền mới được nhận biết khắp sắc ái ấy tận. Nếu không thừa nhận người kia quyết định từ quả khởi đạo quả thù thắng hiện tiền, thì các người đã lìa nhiễm của tĩnh lự thứ ba, dựa vào địa dưới, nhập chánh tánh ly sinh, lúc đạo loại trí được quả thứ ba, đã không khởi đạo quả thù thắng hiện tiền. Người kia nếu mạng chung sinh nơi tĩnh lự thứ tư, hoặc cõi Vô-sắc, tức nên không thành tựu lạc căn vô lậu. Nếu vậy là trái với Phẩm Mười Môn. Như nói: Ai thành tựu lạc căn?

Đáp: Hoặc sinh nơi trời Biến tịnh, hoặc sinh nơi dưới trời Biến tịnh. Hoặc Thánh giả sinh nơi trên trời Biến tịnh, chớ có lỗi này! Tất nên thừa nhận các người đắc quả xong, họ nhất định từ quả khởi đạo quả thù thắng, lúc ấy mới gọi là được nhận biết khắp sắc ái tận. Do lý sâu xa này, nếu trước đã lìa nhiễm nơi ba, bốn phẩm của cõi dục, nhập chánh tánh ly sinh, lúc đạo loại trí sinh là được quả Dự lưu, nếu trải qua sự sinh thì nhất định là Gia gia. Nếu trước đã lìa nhiễm nơi bảy, tám phẩm của cõi dục, nhập chánh tánh ly sinh, lúc đạo loại trí sinh là được quả Nhất lai, nếu trải qua sự sinh thì nhất định là Nhất gián. Nếu không thừa nhận người kia được quả Thánh rồi, quyết định từ quả khởi đạo quả thù thắng, nếu người kia trải qua sự sinh, làm sao thành tựu ba, bốn, bảy, tám phẩm vô lậu đối trị căn?

Hỏi: Là chín thứ nhận biết khắp gồm thâu tất cả nhận biết khắp, hay là tất cả nhận biết khắp gồm thâu chín thứ nhận biết khắp?

Đáp: Tất cả gồm thâu chín, không phải chín gồm thâu tất cả. Trong đây: Chín thứ như trước đã nói. Tất cả như ở đây và đoạn khác. Vì thể của tất cả là rộng, nên có thể gồm thâu chín. Còn Thể của chín này hẹp nên không thể gồm thâu tất cả. Như chậu đựng lớn có thể úp lên chậu đựng nhỏ, không phải là chậu đựng nhỏ có thể úp choàng lên chậu đựng lớn được.

Hỏi: Những gì là không gồm thâu?

Đáp: Tức khổ trí đã sinh, tập trí chưa sinh, kiết của ba cõi do kiến khổ đoạn dứt hết, không phải thuộc về chín thứ. Nghĩa là khi khổ pháp trí nhẫn diệt, khổ pháp trí sinh, đã được tất cả pháp đoạn nơi cõi dục do kiến khổ đoạn, và khi khổ loại trí nhẫn diệt, khổ loại trí sinh, đã được tất cả pháp đoạn nơi cõi sắc, cõi vô sắc do kiến khổ đoạn. Như thế, các đoạn không phải thuộc về chín thứ để lập hai nhận biết khắp đầu là quả của kiến đạo, vì duyên chưa đủ.

Đệ tử của Đức Thế Tôn thấy biết đủ, chưa lìa nhiễm cõi dục, kiết nơi cõi dục do tu đạo đoạn trừ hết không phải thuộc về chín thứ. Nghĩa là các Thánh giả đã lìa một phẩm nhiễm cho đến tám phẩm nhiễm của cõi dục do tu đạo đoạn, các đoạn đã được không phải thuộc về chín thứ để lập nhận biết khắp thứ nhất là quả của tu đạo, vì duyên chưa đủ.

Đã lìa nhiễm cõi dục, chưa lìa nhiễm cõi sắc, kiết nơi cõi sắc do tu đạo đoạn trừ hết không phải thuộc về chín thứ. Nghĩa là các Thánh giả đã lìa nhiễm một phẩm của tĩnh lự thứ nhất do tu đạo đoạn, cho đến lìa nhiễm nơi tám phẩm của tĩnh lự thứ tư do tu đạo đoạn, các đoạn đã được không phải thuộc về chín thứ để lập nhận biết khắp thứ hai là quả của tu đạo, vì duyên chưa đủ.

Đã lìa nhiễm cõi sắc, chưa lìa nhiễm cõi vô sắc, kiết nơi cõi sắc do tu đạo đoạn trừ hết không phải thuộc về chín thứ. Nghĩa là các Thánh giả đã lìa một phẩm nhiễm của Không vô biên xứ do tu đạo đoạn, cho đến lìa tám phẩm nhiễm của Phi tưởng phi phi tưởng xứ do tu đạo đoạn, các đoạn đã được không phải thuộc về chín thứ để lập nhận biết khắp thứ ba là quả của tu đạo, vì duyên chưa đủ.

Hỏi: Các phàm phu đã lìa một phẩm nhiễm của cõi dục do kiến đạo, tu đạo đoạn, cho đến lìa chín phẩm nhiễm nơi Vô sở hữu xứ do kiến đạo, tu đạo đoạn, các đoạn đã được cũng không phải thuộc về chín thứ, vì sao trong đây không nói đến?

Đáp: Phải nói nhưng không nói, nên biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn. Lại nữa, trong đây chỉ căn cứ ở Thánh giả để tạo luận, không căn cứ vào phàm phu, do chín thứ nhận biết khắp chỉ được lập trong thân Thánh giả mà thôi.

Hỏi: Các người đã lìa nhiễm cõi dục, cho đến lìa nhiễm của Vô sở hữu xứ, nhập chánh tánh ly sinh, người kia trước đã được các đoạn, nay đến quả vị Thánh, thuận theo chỗ thích hợp, cho đến khi chưa được mang tên là đoạn nhận biết khắp, là quả của kiến đạo, tu đạo đoạn ấy cũng không phải thuộc về chín thứ này, vì sao trong đây không nói đến đoạn kia?

Đáp: Lẽ ra phải nói nhưng không nói, nên biết là nghĩa này nêu bày chưa trọn vẹn.

Lại nữa, trong đây vì chỉ hiển bày tóm lược về môn nhập đầu, nên tướng của đoạn thô thì nói, không nói đến tướng vi tế.

Lại nữa, trong đây chỉ nói kẻ phàm phu gồm đủ trói buộc nhập Thánh đạo, vị kia không phải là gồm đủ trói buộc mà nhập Thánh đạo, thế nên không nói.

***

* Có tám Bổ đặc-già la (Người, hữu tình): 1. Hướng Dự lưu. 2. Quả Dự lưu. 3. Hướng Nhất lai. 4. Quả Nhất lai. 5. Hướng Bất hoàn. 6. Quả Bất hoàn. 7. Hướng A-la-hán. 8. Quả A-la-hán.

Hỏi: Tám thứ Bổ đặc già-la như thế, về danh đã có tám, còn về thật Thể có bao nhiêu?

Đáp: Các Luận sư A-tỳ-đạt-ma nói: Danh này có tám, thật Thể chỉ có năm. Nghĩa là hướng Dự lưu, quả A-la-hán, danh có hai thứ, thật Thể cũng hai. Quả Dự lưu, hướng Nhất lai, danh tuy có hai, thật Thể chỉ có một. Quả Như Lai, hướng Bất hoàn, danh tuy có hai, thật Thể chỉ có một. Quả Bất hoàn, hướng A-la-hán, danh tuy có hai, thật Thể chỉ có một. Hữu tình mang quả hành hướng là một.

Tôn giả Diệu Âm nêu ra thuyết như thế này: Danh, Thể của tám Bổ đặc già-la đều cùng có tám. Luận sư kia nói: Các người Dự lưu cho đến khi chưa khởi đạo quả vượt hơn, vì thành tựu quả Dự lưu, nên gọi là người Dự lưu. Nếu khởi đạo quả vượt hơn, vì bỏ quả Dự lưu, nên gọi là hướng Nhất lai, không phải là người Dự lưu. Các người Nhất lai cho đến khi chưa khởi đạo quả vượt hơn, vì thành tựu quả Nhất lai, nên gọi là người Nhất lai. Nếu khởi đạo quả vượt hơn, vì bỏ quả Nhất lai, nên gọi là hướng Bất hoàn, không phải là người Nhất lai. Các người Bất hoàn cho đến khi chưa khởi đạo quả vượt hơn, vì thành tựu quả Bất hoàn, nên gọi là người Bất hoàn. Nếu khởi đạo quả vượt hơn, vì bỏ quả Bất hoàn, nên gọi là hướng A-la-hán, không phải là người Bất hoàn.

Do dựa vào căn để lập Bổ-đặc-già-la, nên không thể nói một người có hai thứ. Vị kia đã tạo Luận Sinh Trí để nói.

Hỏi: Hướng Nhất lai có thành tựu quả Dự lưu không?

Đáp: Không thành tựu.

Hỏi: Hướng Bất hoàn có thành tựu quả Nhất lai không?

Đáp: Không thành tựu.

Hỏi: Hướng A-la-hán có thành tựu quả Bất hoàn không?

Đáp: Không thành tựu.

Lời bình: Nên tạo ra thuyết này: Các hữu tình dần dần được bốn quả: Danh kia tuy có tám, nhưng thật Thể chỉ có năm. Như danh – Thể, danh nêu bày – Thể nêu bày, danh khác với tướng – Thể khác với tướng, danh khác với tánh – Thể khác với tánh, danh kiến lập – Thể kiến lập, danh sai biệt – Thể sai biệt, danh phân biệt – Thể phân biệt, danh biết rõ – Thể biết rõ, nên biết cũng như vậy.

Hỏi: Nếu danh có tám, thật Thể chỉ có năm, làm sao kiến lập tám thứ danh này?

Đáp: Vì căn cứ vào đạo hiện hành nên lập ra tám thứ. Nghĩa là các người Dự lưu, cho đến khi chưa khởi đạo quả Nhất lai vượt hơn, quả Dự lưu kia đạt được, cũng ở nơi thân thành tựu, cũng hiện tiền. Đối với hướng Nhất lai chưa được, chưa ở nơi thân, chưa thành tựu, chưa hiện tiền, gọi là quả Dự lưu, không phải là hướng Nhất lai. Nếu khởi đạo quả Nhất lai vượt hơn, hiện tiền, hướng Nhất lai kia đạt được, cũng ở nơi thân thành tựu, cũng hiện tiền. Đối với quả Dự lưu đạt được, không ở nơi thân thành tựu, không hiện tiền, gọi là hướng Nhất lai, không phải là quả Dự lưu.

Các người Nhất lai, cho đến khi chưa khởi đạo quả Bất hoàn vượt hơn, quả Nhất lai kia đạt được, cũng ở nơi thân thành tựu, cũng hiện tiền. Đối với hướng Bất hoàn chưa được, chưa ở nơi thân, chưa thành tựu, chưa hiện tiền, gọi là quả Nhất lai, không phải là hướng Bất hoàn. Nếu khởi đạo quả Bất hoàn vượt hơn, hiện tiền, hướng Bất hoàn kia đạt được, cũng ở nơi thân thành tựu, cũng hiện tiền. Đối với quả Nhất lai đạt được, không ở nơi thân thành tựu, không hiện tiền, gọi là hướng Bất hoàn, không phải là quả Nhất lai.

Các người Bất hoàn, cho đến khi chưa khởi đạo quả A-la-hán vượt hơn, quả Bất hoàn kia đạt được, cũng ở nơi thân thành tựu, cũng hiện tiền. Đối với hướng A-la-hán chưa được, chưa ở nơi thân, chưa thành tựu, chưa hiện tiền, gọi là quả Bất hoàn, không phải là hướng A-la-hán. Nếu khởi đạo quả A-la-hán vượt hơn, hiện tiền, hướng A-la-hán kia đạt được, cũng ở nơi thân thành tựu, cũng hiện tiền. Đối với quả Bất hoàn đạt được, không ở nơi thân thành tựu, không hiện tiền, gọi là hướng A-la-hán, không phải là quả Bất hoàn.

Vì thế, về Thể tuy là năm, nhưng về danh có tám. Nếu cùng siêu việt được bốn quả, tức danh có tám, Thể có bảy. Nghĩa là trong kiến đạo có hướng Nhất lai, không có quả Dự lưu, có hướng Bất hoàn, không có quả Nhất Lai, chỉ quyết định không có hướng A-la-hán, không có quả Bất hoàn, nên Thể có bảy.

Tám Bổ-đặc-già-la này: Đối với chín thứ nhận biết khắp, có bao nhiêu thứ thành tựu, bao nhiêu thứ không thành tựu? Cho đến nói rộng.

Trong đây, dùng Bổ-đặc-già-la làm chương, lấy nhận biết khắp làm môn.

Đã nói tám thứ Bổ-đặc-già-la. Nay nói tám thứ này đối với chín thứ nhận biết khắp, có không thành tựu, có thành tựu. Sự thành tựu này có ít, có nhiều.

Nghĩa là Hướng Dự lưu, hoặc không thành tựu, hoặc thành tựu một, hai, ba, bốn, năm.

Không thành tựu: Nghĩa là khổ pháp trí nhẫn cho đến vị tập pháp trí nhẫn. Năm khoảnh tâm này đối với chín thứ nhận biết khắp của kiến đạo, tu đạo đều chưa thành tựu, vì bốn duyên, năm duyên đều cùng chưa đủ.

Thành tựu một: Nghĩa là quả vị tập pháp trí, tập loại trí nhẫn. Hai khoảnh tâm này thành tựu một nhận biết khắp là pháp đoạn nơi cõi dục do kiến khổ, kiến tập đoạn.

Thành tựu hai: Nghĩa là quả vị tập loại trí, diệt pháp trí nhẫn. Hai khoảnh tâm này thành tựu hai nhận biết khắp là pháp đoạn nơi ba cõi do kiến khổ, kiến tập đoạn.

Thành tựu ba: Nghĩa là quả vị diệt pháp trí, diệt loại trí nhẫn. Hai khoảnh tâm này thành tựu ba nhận biết khắp là pháp đoạn nơi ba cõi do kiến khổ, kiến tập đoạn, và pháp đoạn nơi cõi dục do kiến diệt đoạn.

Thành tựu bốn: Nghĩa là quả vị diệt loại trí, đạo pháp trí nhẫn. Hai khoảnh tâm này thành tựu bốn nhận biết khắp là pháp đoạn nơi ba cõi do kiến khổ, kiến tập, kiến diệt đoạn.

Thành tựu năm: Nghĩa là quả vị đạo pháp trí, đạo loại trí nhẫn. Hai khoảnh tâm này thành tựu năm nhận biết khắp là pháp đoạn nơi ba cõi do kiến khổ, tập, diệt đoạn, và pháp đoạn nơi cõi dục do kiến đạo đoạn.

Quả Dự lưu thành tựu sáu thứ nhận biết khắp: Nghĩa là đạo loại trí cho đến khi chưa khởi đạo quả Nhất lai vượt hơn, thành tựu sáu nhận biết khắp là pháp đoạn nơi ba cõi do kiến đạo đoạn.

Hướng Nhất lai, nếu lìa nhiễm cõi dục gấp bội, nhập chánh tánh ly sinh, tức như hướng Dự lưu. Nghĩa là hoặc không thành tựu, tức năm khoảnh tâm đầu của kiến đạo. Hoặc thành tựu một, hai, ba, bốn, năm, tức mười khoảnh tâm sau của kiến đạo, như hai – hai sátna theo thứ lớp.

Nếu từ quả Dự lưu hướng tới quả Nhất lai và Quả Nhất lai thành tựu sáu. Nghĩa là từ lúc khởi đạo quả Dự lưu vượt hơn, cho đến đạo vô gián thứ sáu lìa nhiễm cõi dục đều gọi là hướng tới quả Nhất lai. Từ đạo loại trí hoặc đạo giải thoát thứ sáu lìa nhiễm cõi dục, cho đến khi chưa khởi đạo quả Bất hoàn vượt hơn, gọi là quả Nhất lai, đều cùng thành tựu sáu, tức sáu nhận biết khắp là pháp đoạn nơi ba cõi do kiến đạo đoạn.

Hướng Bất hoàn, nếu đã lìa nhiễm cõi dục, nhập chánh tánh ly sinh, tức như hướng Dự lưu. Nghĩa là hoặc không thành tựu, tức năm khoảnh tâm đầu của kiến đạo. Hoặc thành tựu một, hai, ba, bốn, năm, tức mười khoảnh tâm sau của kiến đạo, như hai – hai sát-na theo thứ lớp.

Trong đây, có thuyết nói: Nếu đã lìa nhiễm cõi dục, dựa vào sáu địa, nhập chánh tánh ly sinh, tức đều như hướng Dự lưu đã nói.

Có thuyết cho: Nếu đã lìa nhiễm cõi dục, dựa vào định vị chí, nhập chánh tánh ly sinh, tức như hướng Dự lưu đã nói. Nếu căn cứ nơi năm địa trên, nhập chánh tánh ly sinh, tức không phải như hướng Dự lưu. Nghĩa là từ khổ pháp trí nhẫn cho đến tập loại trí nhẫn, chưa thành tựu nhận biết khắp. Từ tập loại trí cho đến diệt loại trí nhẫn, thành tựu một nhận biết khắp là pháp đoạn nơi cõi sắc, cõi vô sắc do kiến khổ, tập đoạn. Từ diệt loại trí cho đến đạo loại trí nhẫn, thành tựu hai nhận biết khắp là pháp đoạn nơi hai cõi sắc, vô sắc do kiến khổ, tập, diệt đoạn. Do đạo của năm địa trên không phải là pháp đoạn đối trị của cõi dục, nên ở vào lúc có ba pháp trí: tập, diệt, đạo, không được ba nhận biết khắp là pháp đoạn nơi cõi dục do kiến đạo đoạn. Nếu từ quả Nhất lai hướng quả Bất hoàn thì thành tựu sáu. Nghĩa là từ lúc khởi đạo quả Nhất lai vượt hơn, cho đến đạo vô gián thứ chín lìa nhiễm cõi dục, đều gọi là hướng tới quả Bất hoàn, người Nhất lai kia thành tựu sáu nhận biết khắp là pháp đoạn nơi ba cõi do kiến đạo đoạn.

Quả Bất hoàn thành tựu một nhận biết khắp. Nghĩa là năm kiết thuận phần dưới hết, từ đạo loại trí hoặc đạo giải thoát thứ chín đã lìa nhiễm cõi dục, cho đến lúc chưa khởi đạo quả A-la-hán vượt hơn, gọi là quả Bất hoàn, quả đó thành tựu một nhận biết khắp là nhận biết khắp năm kiết thuận phần dưới đã hết.

Đoạn nơi ba cõi chung do kiến đạo đoạn và đoạn của cõi dục do tu đạo đoạn là tự tánh, nên Hướng A-la-hán hoặc thành tựu một, hoặc thành tựu hai. Nghĩa là người chưa lìa nhiễm cõi sắc thành tựu một, người đã lìa nhiễm cõi sắc thành tựu hai. Tức từ lúc khởi đạo quả Bất hoàn vượt hơn, cho đến định kim cang dụ, đều được gọi là Hướng A-la-hán. Người Bất hoàn kia nếu chưa lìa hết nhiễm cõi sắc, thành tựu một, nghĩa là nhận biết khắp năm kiết thuận phần dưới đã hết. Nếu người đã lìa nhiễm cõi sắc thì thành tựu hai, nghĩa là tiếp theo một thành tựu trước và nhận biết khắp sắc ái đã hết.

Quả A-la-hán thành tựu một, nghĩa là nhận biết khắp tất cả kiết đều diệt tận.

Tất cả pháp đoạn của ba cõi tập hợp chung là tự tánh, nên Độc giác, Đại giác như A-la-hán đều chỉ thành tựu nhận biết khắp thứ chín.

Hỏi: Học vị Độc giác thành tựu bao nhiêu thứ?

Đáp: Dụ Bộ hành như nói về Thanh văn. Dụ Lân giác như nói về Bồ-tát.

Hỏi: Thánh vị Bồ-tát thành tựu bao nhiêu thứ?

Đáp: Trong kiến đạo có thuyết nói: Như Hướng Dự lưu năm khoảnh tâm đầu hoàn toàn chưa thành tựu. Mười khoảnh tâm sau như thứ lớp nơi hai – hai sát-na, thành tựu một, hai, ba, bốn, năm thứ nhận biết khắp.

Lại có thuyết cho: Bảy khoảnh tâm đầu hoàn toàn chưa thành tựu. Từ tập loại trí cho đến diệt loại trí nhẫn, thành tựu một. Nghĩa là nhận biết khắp là pháp đoạn nơi hai cõi sắc, vô sắc do kiến khổ, tập đoạn. Từ diệt loại trí cho đến đạo loại trí nhẫn, thành tựu hai. Nghĩa là hai nhận biết khắp là pháp đoạn nơi cõi sắc, cõi vô sắc do kiến khổ, tập, diệt đoạn. Tĩnh lự thứ tư không phải là pháp đoạn đối trị của cõi dục, nên khi có ba pháp trí: tập, diệt, đạo, không được ba nhận biết khắp là pháp đoạn của cõi dục do kiến đạo đoạn. Từ đạo loại trí đầu tiên cho đến định kim cang dụ đều thành tựu một, nghĩa là một nhận biết khắp về năm kiết thuận phần dưới đã hết.

Hỏi: Bồ-tát có được nhận biết khắp sắc ái tận vào lúc nào?

Đáp: Tôn giả Tăng-già-phiệt-tô nói: Nơi vị đạo loại trí đầu tiên tức có được nhận biết khắp này.

Lời bình: Tôn giả kia không nên nói như vậy, vì không có khoảnh khắc một niệm đạt được hướng, quả để nhận biết khắp.

Có thuyết cho: Vào lúc đạo vô gián đầu tiên lìa nhiễm của Phi tưởng phi phi tưởng xứ là có được nhận biết khắp này.

Lời bình: Thuyết kia cũng không nên nói như thế, vì lúc ấy Hành giả chỉ tu đạo đối trị vô sắc, không phải là đối trị sắc.

Lại có thuyết nêu: Vào lúc định kim cang dụ hiện tiền là có được nhận biết khắp này.

Lời bình: Thuyết kia cũng không nên nói như thế, vì bấy giờ tất cả pháp đoạn do kiến đạo, tu đạo đoạn chung cho cả ba cõi, đều được một vị là lìa hệ thuộc đắc, gọi là được nhận biết khắp tất cả kiết đã dứt hết, vì sao vào lúc hiện nay lại được sắc ái tận?

Nên nói như thế này: Thánh vị Bồ-tát quyết định không có được nhận biết khắp là pháp đoạn nơi hai cõi sắc, vô sắc do kiến đạo đoạn. Cùng nhận biết khắp sắc ái tận nhận biết khắp tập hợp chung, vì không cùng tu đối trị đoạn kia.

***

Chương 2: KIẾT UẨN

Phẩm 3: BÀN VỀ HỮU TÌNH, phần 1

* Ba cõi đều có hai bộ kiết, nghĩa là kiết do kiến đạo, tu đạo đoạn. Các chương như thế v.v… và giải thích về nghĩa của chương, đã lãnh hội xong, tiếp theo nên giải thích rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn chỉ rõ ba cõi đều có hai bộ kiết, khiến các hữu tình phải chịu mọi thứ khổ não. Nghĩa là các kiết này, cùng với các hữu tình ở trong sinh tử đã tạo ra sự trói buộc lớn, sự vô nghĩa lớn, gây nên sự hiểm nguy lớn đang ẩn nấp. Do có các thứ ấy nên khiến các hữu tình ở trong ba cõi phải chịu các khổ não, sinh tử luân hồi, luôn vào trong sinh tạng, thục tạng của thai mẹ, trụ ở chỗ tối tăm, do vô số thứ bất tịnh bức bách. Sinh rồi không biết lỗi lầm tai hại của kiết ấy, trở lại tập nhiễm, thọ nhận khổ đau vô tận.

Vì muốn khiến cho hữu tình thấy biết, hiểu rõ các kiết này xong, siêng năng tu tập đối trị đoạn trừ các kiết ấy, đạt được Niết-bàn vĩnh viễn, không còn luân hồi, nhận khổ của sinh tử. Như không nhận biết rõ về oán gia, sự trói buộc, vô nghĩa, các hiểm nguy đang ẩn nấp, tức không thể tránh khỏi. Nếu nhận biết rõ thì có thể tránh khỏi.

Thế nên phải tư duy, lường xét, quán sát, chê trách các kiết bằng những lời thiện, cho đến trải qua nhiều đời cũng không quên mất. Như người con từ ái nên lúc mới sinh, liền nói thế này: Ba cõi đều có các kiết của hai bộ do kiến đạo, tu đạo đoạn. Hữu tình vì bị kiết ấy trói buộc, nên thường xuyên vào thai mẹ, chịu các khổ não, sinh tử luân hồi, khó có kỳ hạn ra khỏi.

Hỏi: Tôn giả kia vì sao nơi lúc mới sinh đã nói lời như thế?

Đáp: Do Tôn giả kia ở trong thai mẹ, bị các khổ bức bách, liền có suy niệm: Duyên gì khiến hữu tình thường vào thai mẹ chịu khổ như vậy? Nghĩ như thế rồi, do ái lạc, đa văn, nguyện lực của đời trước, tức có thể nhận biết rõ, vì nơi ba cõi đều có kiết của hai bộ chưa đoạn trừ vĩnh viễn. Do đấy, lúc mới sinh liền có thể quở trách về vô số lỗi lầm tai hại của các kiết nơi hai bộ.

Vì các nhân duyên trên đây, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Trong đây nói Bộ là muốn hiển bày về nghĩa gì?

Đáp: Là muốn hiển bày về nghĩa chúng (Nhiều, đông). Như bộ Bí-sô gọi là chúng Bí-sô, bộ Bà-la-môn gọi là chúng Bà-la-môn. Các loại khác cũng như thế. Sự tụ hợp của Bộ, Chúng, danh khác nhưng nghĩa đồng.

Hỏi: Trong đây nói Đốn (Liền, tức thời) là muốn nói rõ về nghĩa gì?

Đáp: Là nhằm nói rõ nghĩa nơi một thời, một lúc.

Làm sao nhận biết như thế? Vì Khế kinh nói. Như Khế kinh nói: Đại vương chủ nước Kiều-tát-la là Thắng Quân đi đến chỗ Đức Phật. Đến rồi, đảnh lễ nơi hai chân Đức Thế Tôn, lui lại ngồi qua một phía, dùng lời lẽ ái kính thăm hỏi Đức Thế Tôn. Đức Phật cũng thuận theo phép tắc an ủi nhà vua. Vấn an xong, nhà vua bạch Phật: “Trước kia, con đã nghe Phật từng nói lời này: Đời quá khứ, vị lai, hiện tại không có Sa-môn, Bà-la-môn v.v… đối với tất cả pháp có đủ trí kiến thật sự. Nếu nói có tất không có điều này. Kiều Đáp Ma Tôn có nhớ lời nói ấy không?”. Đức Phật nói: “Ta không nhớ”. Lại bạch Phật: “Ở đời, hoặc có người ghét thọ nhận văn nghĩa, nhận khác nói khác. Kiều Đáp Ma Tôn tất không nên như thế. Chỉ xin nhớ kỹ, vì con giảng nói rõ”. Đức Phật nói: “Đại vương! Ta nhớ lại từ xa xưa từng nói lời này: Đời quá khứ, vị lai, hiện tại không có Sa-môn, Bà-la-môn v.v… đối với tất cả pháp có được trí kiến tức khắc. Nếu nói có tất không có điều ấy. Vì lẽ quyết định phải trải qua ba vô số kiếp, tu tập trăm ngàn hạnh khổ khó làm, tích lũy dần đủ sáu Ba-la-mật-đa, sau đó mới có thể đối với tất cả pháp đủ trí kiến như thật”.

Nên biết nói Đốn là nhằm hiển bày về một thời, một lúc.

Hỏi: Đối với hai bộ kiết nơi cõi dục do kiến đạo, tu đạo đoạn: Từng có bị trói buộc tức khắc (Đốn) chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là phàm phu đã lìa nhiễm cõi dục, từ khi lìa nhiễm cõi dục thoái chuyển và lúc từ cõi sắc, vô sắc mất, sinh nơi cõi dục. Tức là các phàm phu đã lìa nhiễm cõi dục, nếu khởi triền nơi phẩm hạ hạ của cõi dục rồi thoái chuyển thì tức khắc được các kiết nơi phẩm hạ hạ của cõi dục do kiến đạo, tu đạo đoạn. Nếu khởi triền nơi phẩm hạ trung của cõi dục rồi thoái chuyển, thì tức khắc được kiết của hai phẩm hạ hạ, hạ trung của cõi dục do kiến đạo, tu đạo đoạn. Cho đến nếu khởi triền nơi phẩm thượng thượng của cõi dục rồi thoái chuyển, thì được tức khắc các kiết nơi chín phẩm của cõi dục do kiến đạo, tu đạo đoạn. Vì trước đã tức khắc đoạn, nên nay trở lại tức khắc được. Lại, khi ở hai cõi trên mất, sinh nơi cõi dục, trong triền của chín phẩm theo đấy khởi phẩm nào khiến sự sinh nối tiếp đều được ngay tức khắc, các kiết của chín phẩm nơi cõi dục do kiến đạo, tu đạo đoạn nên có được tức khắc sự trói buộc này.

Hỏi: Từng có lìa trói buộc tức khắc chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là khi phàm phu lìa nhiễm cõi dục. Ở đây nói phàm phu là nơi phần vị lìa nhiễm cõi dục kết hợp chung với các phiền não kiết của cõi dục do kiến đạo, tu đạo đoạn trừ dùng làm chín phẩm, như cách thức cắt cỏ, mỗi mỗi phẩm đoạn ngay tức khắc. Tức là dùng phẩm hạ hạ nơi đạo vô gián đoạn tức khắc kiết của phẩm thượng thượng nơi cõi dục do kiến đạo, tu đạo đoạn. Cho đến dùng phẩm thượng thượng nơi đạo vô gián đoạn tức khắc kiết của phẩm hạ hạ nơi cõi dục do kiến đạo, tu đạo đoạn, nên có tức khắc lìa trói buộc này.

Hỏi: Từng có bị trói buộc dần chăng?

Đáp: Không có. Nghĩa là quyết định không có, trước đã bị kiết của cõi dục do kiến đạo đoạn, sau bị kiết của cõi dục do tu đạo đoạn. Cũng quyết định không có, trước bị kiết của cõi dục do tu đạo đoạn, sau bị kiết của cõi dục do kiến đạo đoạn, vì thế nên không có bị trói buộc dần này.

Hỏi: Từng có lìa trói buộc dần chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là đệ tử của Đức Thế Tôn, trước lìa kiết trói buộc nơi cõi dục do kiến đạo đoạn, sau lìa kiết trói buộc của cõi dục do tu đạo đoạn. Tức là các Thánh giả, trước dùng kiến đạo đoạn trừ kiết nơi cõi dục do kiến đạo đoạn, sau dùng tu đạo đoạn trừ kiết nơi cõi dục do tu đạo đoạn, vì thế nên có lìa trói buộc dần này.

Hỏi: Đối với hai bộ kiết nơi cõi sắc do kiến đạo, tu đạo đoạn: Từng có bị trói buộc tức khắc chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là phàm phu đã lìa nhiễm cõi sắc, từ khi lìa nhiễm cõi sắc thoái chuyển và khi mất ở cõi vô sắc, sinh nơi cõi dục, cõi sắc. Nghĩa là các phàm phu đã lìa nhiễm cõi sắc. Nếu khởi triền nơi phẩm hạ hạ của cõi sắc rồi thoái chuyển, thì tức khắc bị kiết của phẩm hạ hạ nơi cõi sắc do kiến đạo, tu đạo đoạn. Nếu khởi triền nơi phẩm hạ trung của cõi sắc rồi thoái chuyển, thì tức khắc bị kiết của hai phẩm hạ hạ, hạ trung nơi cõi sắc do kiến đạo, tu đạo đoạn. Cho đến nếu khởi triền nơi phẩm thượng thượng của cõi sắc rồi thoái chuyển, thì tức khắc bị các kiết của chín phẩm nơi cõi sắc do kiến đạo, tu đạo đoạn. Đây là nói về địa mình.

Nếu khi khởi triền nơi mỗi mỗi phẩm trong chín phẩm của địa dưới rồi thoái chuyển, đều tức khắc bị các kiết của chín phẩm nơi địa trên do kiến đạo, tu đạo đoạn. Nếu khởi triền nơi mỗi mỗi phẩm trong chín phẩm của cõi dục rồi thoái chuyển, bấy giờ cũng đều tức khắc bị các kiết của chín phẩm thuộc cõi sắc do kiến đạo, tu đạo đoạn.

Có thuyết nói: Trong đây, nên nói: Phàm phu đã lìa nhiễm cõi sắc, khi khởi triền nơi cõi dục và trời Phạm thế rồi thoái chuyển, tức khắc bị các kiết của hai bộ nơi cõi sắc do kiến đạo, tu đạo đoạn.

Lời bình: Thuyết kia không nên nói như thế. Vì sao? Vì trong đây là nói chung về tức khắc bị trói buộc nơi cõi, không nói địa.

Nếu khi khởi triền nơi tĩnh lự thứ tư rồi thoái chuyển, cho đến nếu khởi triền nơi cõi dục rồi thoái chuyển, đều tức khắc bị kiết nơi cõi sắc do kiến đạo, tu đạo đoạn. Về nghĩa không có dị biệt, vì trước đã đoạn tức khắc, nên nay trở lại bị trói buộc tức khắc.

Lại, khi mất ở cõi vô sắc, sinh nơi cõi dục, cõi sắc, trong chín phẩm triền theo đấy khởi phẩm nào khiến cho sự sinh nối tiếp, đều tức khắc bị các kiết của chín phẩm nơi cõi sắc do kiến đạo, tu đạo đoạn.

Có thuyết cho: Trong đây nên nói: Khi mất ở cõi vô sắc, sinh nơi cõi dục và trời Phạm thế, tức khắc bị các kiết của hai bộ nơi cõi sắc do kiến đạo, tu đạo đoạn.

Lời bình: Người kia không nên tạo ra thuyết này. Vì sao? Vì trong đây là nói chung về tức khắc bị trói buộc nơi cõi, không nói địa.

Nếu sinh nơi tĩnh lự thứ tư, cho đến nếu sinh nơi cõi dục, đều tức khắc bị các kiết nơi cõi sắc do kiến đạo, tu đạo đoạn. Nghĩa ấy không khác, nên có tức khắc bị trói buộc này.

Hỏi: Từng có lìa trói buộc tức khắc chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là phàm phu khi lìa nhiễm cõi sắc, đây là nói phần vị phàm phu lìa nhiễm cõi sắc, kết buộc chung các phiền não kiết nơi mỗi mỗi tĩnh lự thuộc cõi sắc do kiến đạo, tu đạo đoạn, đều là chín phẩm. Như phương pháp cắt cỏ, mỗi mỗi phẩm đều đoạn tức khắc. Nghĩa là đạo vô gián của phẩm hạ hạ đoạn trừ tức khắc kiết của phẩm thượng thượng nơi mỗi mỗi tĩnh lự của cõi sắc do kiến đạo, tu đạo đoạn, cho đến dùng đạo vô gián của phẩm thượng thượng đoạn trừ tức khắc kiết của phẩm hạ hạ nơi mỗi mỗi tĩnh lự thuộc cõi sắc do kiến đạo, tu đạo đoạn. Vì thế nên có tức khắc lìa trói buộc này.

Hỏi: Từng có bị trói buộc dần chăng?

Đáp: Không có. Nghĩa là quyết định không có, trước bị kiết của cõi sắc do kiến đạo đoạn, sau bị kiết của cõi sắc do tu đạo đoạn. Cũng quyết định không có, trước bị kiết của cõi sắc do tu đạo đoạn, sau bị kiết của cõi sắc do kiến đạo đoạn, nên không có bị trói buộc dần.

Hỏi: Từng có lìa trói buộc dần chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là đệ tử Đức Thế Tôn, trước lìa kiết nơi cõi kia do kiến đạo đoạn, sau lìa kiết nơi cõi ấy do tu đạo đoạn. Tức là các Thánh giả, trước dùng kiến đạo đoạn trừ kiết nơi cõi sắc do kiến đạo đoạn, sau dùng tu đạo đoạn trừ kiết nơi cõi sắc do tu đạo đoạn, vì thế nên có lìa trói buộc dần này.

Hỏi: Đối với hai bộ kiết nơi cõi vô sắc do kiến đạo, tu đạo đoạn:

Từng có bị trói buộc tức khắc chăng?

Đáp: Không có. Vì không có nghĩa phàm phu hoàn toàn lìa nhiễm cõi vô sắc, về sau khởi triền nơi phẩm hạ của mình, tức khắc bị kiết của cõi vô sắc do kiến đạo, tu đạo đoạn. Cũng không có nghĩa phàm phu khi ở trên ba cõi mất, sinh nơi ba cõi, tức khắc bị kiết nơi cõi vô sắc do kiến đạo, tu đạo đoạn, vì thế nên không có bị trói buộc tức khắc này.

Hỏi: Từng có lìa trói buộc tức khắc chăng?

Đáp: Không có. Nghĩa là không có nghĩa phàm phu hoàn toàn lìa nhiễm của cõi vô sắc, nên quyết định không có tức khắc lìa kiết nơi cõi vô sắc do kiến đạo, tu đạo đoạn. Đây là căn cứ nơi cõi mà nói, không phải căn cứ nơi địa. Tuy căn cứ nơi địa mà nói có nghĩa lìa tức khắc, nhưng không phải ý trong đây muốn hiển bày, vì thế nên không có lìa tức khắc trói buộc này. Trước không có bị trói buộc tức khắc, căn cứ ở đây nên biết.

Hỏi: Từng có bị trói buộc dần chăng?

Đáp: Không có. Nghĩa là quyết định không có, trước bị kiết của cõi vô sắc do kiến đạo đoạn, sau bị kiết nơi cõi vô sắc do tu đạo đoạn. Cũng quyết định không có, trước bị kiết của cõi vô sắc do tu đạo đoạn, sau bị kiết của cõi vô sắc do kiến đạo đoạn, vì thế nên không có bị trói buộc dần này.

Hỏi: Từng có lìa trói buộc dần chăng?

Đáp: Có. Nghĩa là đệ tử Đức Thế Tôn, trước đã lìa kiết nơi cõi kia do kiến đạo đoạn, sau lìa kiết nơi cõi ấy do tu đạo đoạn. Tức là các Thánh giả, trước dùng kiến đạo đoạn trừ kiết nơi cõi vô sắc do kiến đạo đoạn, sau dùng tu đạo đoạn trừ kiết nơi cõi vô sắc do tu đạo đoạn, vì thế nên có lìa trói buộc dần này.

Hỏi: Phàm phu, Thánh giả theo thời gian lìa nhiễm nơi chín phẩm của địa nào? Có bao nhiêu đạo vô gián, bao nhiêu đạo giải thoát nên được lìa?

Đáp: Có thuyết nói: Phàm phu chỉ dùng ba đạo vô gián, ba đạo giải thoát để lìa nhiễm nơi chín phẩm. Nghĩa là dùng đạo giải thoát, đạo vô gián của phẩm hạ để lìa nhiễm của ba phẩm thượng. Dùng đạo giải thoát, đạo vô gián của phẩm trung để lìa nhiễm của ba phẩm trung. Dùng đạo giải thoát, đạo vô gián của phẩm thượng để lìa nhiễm của ba phẩm hạ. Thánh giả cũng như vậy.

Có Sư khác cho: Phàm phu chỉ dùng đạo giải thoát, đạo vô gián của một phẩm để lìa tức khắc nhiễm của chín phẩm. Thánh giả dùng đạo giải thoát, đạo vô gián của chín phẩm để lìa dần nhiễm của chín phẩm. Vì sao? Vì đạo phàm phu là chậm đối với việc đoạn nơi đối tượng nhận biết, không thể phân tích tạo nên chín phẩm khác biệt, nên nơi một phẩm đạo tức khắc đoạn nhiễm. Đạo của Thánh giả là nhạy bén đối với việc đoạn nơi đối tượng nhận biết, có thể khéo phân tích tạo ra chín phẩm khác biệt, nên dùng chín phẩm đạo đoạn dần nhiễm.

Lời bình: Sư kia không nên tạo ra thuyết ấy, vì nếu nói như thế là muốn làm rõ phàm phu kém thua Thánh giả, nhưng ở đây là ngược lại, chứng tỏ Thánh giả kém thua phàm phu. Nếu các phàm phu dùng một phẩm đạo để lìa nhiễm của chín phẩm, còn Thánh giả phải dùng đến chín phẩm đạo để lìa nhiễm nơi chín phẩm, há không phải Thánh giả thua kém phàm phu sao? Như người uống nhiều thuốc, khi gặp phải chất độc, chỉ uống một ít thuốc là có thể loại trừ chung, ai không cho là tốt?

Nên nói như vầy: Phàm phu, Thánh giả đều dùng chín đạo vô gián, chín đạo giải thoát để lìa nhiễm nơi chín phẩm.

Hỏi: Nếu vậy thì giữa phàm phu, Thánh giả có gì khác biệt?

Đáp: Phàm phu dùng chín đạo vô gián, chín đạo giải thoát buộc chung các kiết do kiến đạo, tu đạo đoạn để làm chín phẩm, như phương pháp cắt cỏ, đoạn tức khắc từng phẩm riêng. Còn Thánh giả dùng một đạo vô gián, một đạo giải thoát đoạn tức khắc kiết nơi chín phẩm do kiến đạo đoạn. Dùng chín đạo vô gián, chín đạo giải thoát để đoạn trừ dần kiết nơi chín phẩm do tu đạo đoạn. Đó là khác biệt giữa phàm phu và Thánh giả.

Hỏi: Phàm phu, Thánh giả khi thuận theo việc lìa nhiễm nơi chín phẩm của địa nào, đã dùng bao nhiêu gia hạnh, bao nhiêu nhập định để được lìa?

Đáp: Có thuyết nói: Đã dùng ba gia hạnh, ba nhập định để lìa nhiễm nơi chín phẩm. Nghĩa là dùng gia hạnh đầu tiên, nhập định đầu tiên để lìa nhiễm nơi ba phẩm thượng. Dùng gia hạnh thứ hai, nhập định thứ hai để lìa ba phẩm trung. Dùng gia hạnh thứ ba, nhập định thứ ba để lìa ba phẩm hạ.

Lời bình: Nên nói như vầy: Sự việc ấy không nhất định: Hoặc có khi dùng một gia hạnh, dùng một nhập định để lìa nhiễm nơi chín phẩm. Hoặc có lúc cho đến phải dùng chín gia hạnh, chín nhập định để lìa nhiễm nơi chín phẩm.

Hỏi: Phàm phu, Thánh giả khi tùy thuận lìa nhiễm nơi chín phẩm của địa nào là dừng nghỉ hay là không dừng nghỉ?

Đáp: Có thuyết cho: Phàm phu thì không dừng nghỉ. Thánh giả hoặc dừng nghỉ, hoặc không dừng nghỉ.

Lại có thuyết nêu: Thánh giả không dừng nghỉ. Phàm phu hoặc dừng nghỉ, hoặc không dừng nghỉ.

Lời bình: Nên nói như vầy: Sự việc ấy không nhất định. Nghĩa là phàm phu, Thánh giả đều cùng hoặc dừng nghỉ, hoặc không dừng nghỉ để lìa nhiễm nơi chín phẩm.

Có Sư khác nói: Lìa nhiễm cõi dục thì không dừng nghỉ. Lìa nhiễm cõi sắc, cõi vô sắc hoặc có dừng nghỉ, hoặc không dừng nghỉ.

Hoặc có thuyết cho: Lìa nhiễm cõi sắc, cõi vô sắc thì không dừng nghỉ. Lìa nhiễm cõi dục hoặc có dừng nghỉ, hoặc không dừng nghỉ.

Lời bình: Nên tạo ra thuyết này: Sự việc ấy không nhất định. Nghĩa là khi lìa nhiễm của ba cõi, đều hoặc có dừng nghỉ, hoặc không dừng nghỉ để lìa chín phẩm.

Hỏi: Phàm phu, Thánh giả khi khởi triền rồi thoái chuyển thì khởi triền của phẩm nào? Bị kiết của phẩm nào?

Đáp: Có thuyết nói: Phàm phu ở trong ba phẩm hạ, khi thuận theo khởi một triền rồi thoái chuyển, là bị kiết của ba phẩm hạ. Ở trong ba phẩm trung, khi thuận theo khởi một triền rồi thoái chuyển, là bị kiết của sáu phẩm hạ trung. Ở trong ba phẩm thượng, khi thuận theo khởi một triền rồi thoái chuyển, là bị kiết nơi chín phẩm. Thánh giả, khi khởi triền nơi phẩm hạ hạ rồi thoái chuyển, là bị kiết của phẩm hạ hạ. Khi khởi triền nơi phẩm hạ trung rồi thoái chuyển, là bị kiết của hai phẩm hạ hạ, hạ trung. Cho đến khi khởi triền nơi phẩm thượng thượng rồi thoái chuyển, là bị kiết nơi chín phẩm.

Lại có thuyết cho: Phàm phu ở trong chín phẩm, khi thuận theo khởi triền nơi một phẩm rồi thoái chuyển, đều bị kiết nơi chín phẩm. Khi Thánh giả thoái chuyển, về nghĩa như trước đã nói. Vì sao? Vì phàm phu chỉ dùng sức của định thế tục để nhận giữ sự nối tiếp. Vì sức của các định thế tục yếu kém, nên pháp tịnh không bền chắc, pháp nhiễm dễ được. Thánh giả cũng dùng sức của định vô lậu để nhận giữ sự nối tiếp. Do sức của các định vô lậu mạnh mẽ hơn hẳn, nên pháp tịnh vững chắc, pháp nhiễm khó được.

Lời bình: Người kia không nên tạo ra thuyết ấy. Vì sao? Vì phàm phu, Thánh giả đều cùng chưa từng thấy ai không uống thuốc độc mà bị chết.

Nên tạo ra thuyết này: Nếu khi phàm phu khởi triền nơi phẩm hạ hạ rồi thoái chuyển, là bị kiết của phẩm hạ hạ. Nếu khi khởi triền nơi phẩm hạ trung rồi thoái chuyển, là bị kiết của hai phẩm hạ hạ, hạ trung. Cho đến nếu khi khởi triền nơi phẩm thượng thượng rồi thoái chuyển, là bị kiết nơi chín phẩm. Thánh giả cũng như vậy.

Hỏi: Nếu thế thì phàm phu, Thánh giả đâu có khác biệt?

Đáp: Nếu khi phàm phu khởi triền nơi phẩm hạ hạ rồi thoái chuyển, tức khắc bị kiết của phẩm hạ hạ do kiến đạo, tu đạo đoạn. Nếu khi khởi triền nơi phẩm hạ trung rồi thoái chuyển, tức khắc bị kiết của hai phẩm hạ hạ, hạ trung do kiến đạo, tu đạo đoạn. Cho đến khi khởi triền nơi phẩm thượng thượng rồi thoái chuyển, tức khắc bị kiết nơi chín phẩm do kiến đạo, tu đạo đoạn.

Nếu Thánh giả khi khởi triền nơi phẩm hạ hạ rồi thoái chuyển, tức chỉ bị kiết của phẩm hạ hạ do tu đạo đoạn. Nếu khi khởi triền nơi phẩm hạ trung rồi thoái chuyển, tức chỉ bị kiết nơi hai phẩm hạ hạ, hạ trung do tu đạo đoạn. Cho đến nếu khi khởi triền nơi phẩm thượng thượng rồi thoái chuyển, tức chỉ bị kiết nơi chín phẩm do tu đạo đoạn.

Kiết do kiến đạo đoạn không có nghĩa thoái chuyển được. Đây là sự khác biệt giữa phàm phu và Thánh giả.

Có Sư khác nêu: Nếu khi khởi một triền tùy theo trong ba phẩm hạ nơi cõi dục rồi thoái chuyển, là bị kiết nơi ba phẩm hạ của cõi dục. Nếu khi khởi một triền tùy theo trong ba phẩm trung nơi cõi dục rồi thoái chuyển, là bị kiết nơi sáu phẩm hạ trung của cõi dục. Nếu khi khởi một triền tùy theo trong ba phẩm thượng nơi cõi dục rồi thoái chuyển, là bị kiết nơi chín phẩm của cõi dục. Nếu khi khởi triền nơi phẩm hạ hạ của cõi sắc, cõi vô sắc rồi thoái chuyển, là bị kiết của phẩm hạ hạ nơi hai cõi đó. Nếu khi khởi triền nơi phẩm hạ trung của cõi sắc, cõi vô sắc rồi thoái chuyển, là bị triền của hai phẩm hạ hạ, hạ trung của hai cõi đó. Cho đến nếu khi khởi triền nơi phẩm thượng thượng của cõi sắc, cõi vô sắc rồi thoái chuyển, là bị kiết nơi chín phẩm của hai cõi đó.

Hoặc có thuyết nói: Nếu khi khởi một triền thuận theo trong chín phẩm của cõi dục rồi thoái chuyển, là đều bị kiết nơi chín phẩm cõi dục. Nếu khi khởi triền của cõi sắc, cõi vô sắc rồi thoái chuyển, về nghĩa như trước đã nói. Vì sao? Vì cõi dục là không định, pháp nhiễm dễ được. Vì cõi sắc, cõi vô sắc là có định, pháp nhiễm khó được.

Lời bình: Người kia không nên tạo ra thuyết ấy, vì khi đoạn trừ phiền não đều do định.

Nên nói như vầy: Trong các phiền não của chín địa nơi ba cõi, nếu khi khởi triền nơi phẩm hạ hạ rồi thoái chuyển, tức đều chỉ bị kiết của phẩm hạ hạ. Nếu khi khởi triền nơi phẩm hạ trung rồi thoái chuyển, tức đều bị kiết của hai phẩm hạ hạ, hạ trung. Cho đến nếu khi khởi triền nơi phẩm thượng thượng rồi thoái chuyển, tức đều bị kiết nơi chín phẩm.

HẾT – QUYỂN 63