LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 62

Chương 2: KIẾT UẨN

Phẩm 2: BÀN VỀ NHẤT HÀNH, phần 7

* Hỏi: Ở nơi xứ nào có thoái chuyển?

Đáp: Cõi dục có thoái chuyển, không phải là cõi khác. Nẻo (Thú) người có thoái chuyển, không phải là nẻo khác.

Hỏi: Vì sao trong các trời thuộc cõi dục không có thoái chuyển?

Đáp: Vì không có vật dụng của sự thoái chuyển.

Hỏi: Há không phải là các trời kia có năm dục diệu vượt hơn hẳn nẻo người, sao nói là không có?

Đáp: Trong các Khế kinh nói có năm vật dụng của sự thoái chuyển, vì trong các trời ấy không có, nên nói là không có.

Lại nữa, trong sáu trời thuộc cõi dục, người đầu tiên nhập Thánh đạo, được quả Thánh đều là người lợi căn, vì các người lợi căn đều không thoái chuyển.

Hỏi: Trong những người độn căn nhập Thánh đạo rồi, về sau sinh lên nẻo trời, là có thoái chuyển không?

Đáp: Người ấy cũng không thoái chuyển. Vì sao? Vì người ấy đã trải qua sinh nơi hàng Thánh giả, quyết định không thoái chuyển, cũng không chuyển căn, cũng không được sinh nơi cõi sắc, cõi vô sắc. Thánh đạo ở trong sự nối tiếp của người kia đã an trụ, trải qua nhiều thời gian hết sức bền chắc.

Hỏi: Vì sao trong ba nẻo ác không có thoái chuyển?

Đáp: Vì các nẻo kia không có nghĩa lìa nhiễm, không có nghĩa nhập Thánh đạo. Đã không có đức thù thắng thì đối với gì để nói là thoái chuyển?

Hỏi: Cõi sắc, cõi vô sắc đã có đức thù thắng, vì sao không có thoái chuyển?

Đáp: Cõi kia không có vật dụng của sự thoái chuyển, vì công đức bền chắc thế nên không thoái chuyển.

Hỏi: Những người nào có thể thoái chuyển? Những người nào không thể thoái chuyển?

Đáp: Có người tin nơi người khác, theo ý muốn của người khác để vào Thánh đạo. Có người tự tin, theo ý muốn của mình để nhập Thánh đạo. Người đầu có thể thoái chuyển, người sau không thể thoái chuyển.

Lại nữa, có người không tư duy, lường xét, quán sát được mất để vào Thánh đạo. Có người hết sức tư duy, lường xét, quán sát được mất để nhập Thánh đạo. Người đầu có thể thoái chuyển, người sau không thể thoái chuyển.

Lại nữa, có người do sức của nhân, sức của gia hạnh, sức không phóng dật đều không rộng lớn. Có người do ba sức thảy đều rộng lớn. Người đầu có thể thoái chuyển, người sau không thể thoái chuyển.

Lại nữa, có người dùng tín làm hàng đầu để vào Thánh đạo. Có kẻ lấy tuệ làm hàng đầu để vào Thánh đạo. Người đầu có thể thoái chuyển, người sau không thể thoái chuyển.

Lại nữa, có người theo Xa-ma-tha (Chỉ) làm ưu tiên để vào Thánh đạo. Có người theo Tỳ-bát-xá-na (Quán) làm ưu tiên để vào Thánh đạo. Người đầu có thể thoái chuyển, người sau không thể thoái chuyển.

Lại nữa, có kẻ hành theo hành chỉ. Có người hành theo hành quán. Người đầu có thể thoái chuyển, người sau không thể thoái chuyển.

Lại nữa, có kẻ nhiều ái lạc mong cầu ở chỉ. Có người nhiều ái lạc mong cầu nơi quán. Người đầu có thể thoái chuyển, người sau không thể thoái chuyển.

Lại nữa, có người theo chỉ tăng thượng. Có kẻ theo quán tăng thượng. Người đầu có thể thoái chuyển, người sau không thể thoái chuyển.

Lại nữa, có người chỉ huân tập tâm, dựa vào quán được giải thoát. Có kẻ quán huân tập tâm, dựa vào chỉ được giải thoát. Người đầu có thể thoái chuyển, người sau không thể thoái chuyển.

Lại nữa, có kẻ được chỉ của nội tâm, không được quán pháp của tuệ tăng thượng. Có người được quán pháp của tuệ tăng thượng, không được chỉ của nội tâm. Người đầu có thể thoái chuyển, người sau không thể thoái chuyển.

Lại nữa, có người ưa thích hành tập định, không ưa thích đa văn. Có người ưa thích đa văn, không ưa thích hành tập định. Người đầu có thể thoái chuyển, người sau không thể thoái chuyển.

Lại nữa, có người ưa thích lợi mình, không ưa thích lợi người khác. Có người ưa thích làm lợi cho người khác, không ưa thích lợi mình. Người đầu có thể thoái chuyển, người sau không thể thoái chuyển.

Lại nữa, có người là chủng tánh tùy tín hành. Có kẻ là chủng tánh tùy pháp hành. Người đầu có thể thoái chuyển, người sau không thể thoái chuyển.

Lại nữa, có người là hạng độn căn. Có người là hạng lợi căn. Người đầu có thể thoái chuyển, người sau không thể thoái chuyển.

Lại nữa, có người do sức của duyên để nhập đạo. Có người do sức của nhân để nhập đạo. Người đầu có thể thoái chuyển, người sau không thể thoái chuyển.

Lại nữa, có người do sức của bạn ngoại để vào đạo. Có kẻ do sức của bạn nội để vào đạo. Người đầu có thể thoái chuyển, người sau không thể thoái chuyển.

Lại nữa, có người do sức nghe pháp từ người khác để nhập đạo. Có người do sức của chánh tư duy bên trong để nhập đạo. Người đầu có thể thoái chuyển, người sau không thể thoái chuyển.

Lại nữa, có người không có tham tăng thượng. Có người không có si tăng thượng. Người đầu có thể thoái chuyển, người sau không thể thoái chuyển.

Lại nữa, trong Khế kinh nói: Người có bốn pháp có thể hành tác nhiều: 1. Thân cận bậc thiện tri thức. 2. Lắng nghe chánh pháp. 3. Tác ý như lý. 4. Pháp tùy pháp hành. Người tăng thượng hai pháp đầu có thể thoái chuyển. Người tăng thượng hai pháp sau không thể thoái chuyển.

Lại nữa, có kẻ tâm khéo giải thoát, tuệ không khéo giải thoát. Có người tuệ khéo giải thoát, tâm không khéo giải thoát. Người đầu có thể thoái chuyển, người sau không thể thoái chuyển.

Có thuyết nói: Có người tâm khéo giải thoát, tuệ không khéo giải thoát. Có kẻ tuệ khéo giải thoát, tâm không khéo giải thoát. Cả hai người này đều có thể thoái chuyển. Người có tâm khéo giải thoát, tuệ khéo giải thoát, người này không thể thoái chuyển.

Hỏi: Các người đã thoái chuyển trụ trải qua bao nhiêu thời gian?

Đáp: Trụ trải qua một ít thời gian, cho đến chưa nhận biết.

Người kia tìm kiếm xét biết xong, nhanh chóng tu đạo thắng tấn.

Lại nữa, người kia khởi phiền não hiện tiền, khi thoái chuyển, vì sinh hổ thẹn sâu xa, nhanh chóng tức khiến đoạn trừ. Như người mắt sáng, trên đất bằng phẳng, giữa ban ngày bỗng nhiên tự ngã nghiêng, rồi đứng dậy nhanh chóng, nhìn khắp bốn phía, chớ cho người khác trông thấy mình đã ngã. Như thế Hành giả lúc khởi phiền não, cảm thấy hổ thẹn sâu xa, có chư Phật, hoặc đệ tử của Phật, hoặc người thiện khác nhận biết ta chăng? Nên nhanh chóng khiến cho đoạn trừ trở lại quả vị cũ.

Lại nữa, người kia khởi phiền não hiện tiền, lúc thoái chuyển, vì thiêu đốt thân tâm nên nhanh chóng khiến chúng được diệt trừ. Như người thân thể mềm mại, vội phủi lửa va chạm vào thân, vì không thể chịu đựng nên tức khắc dập tắt.

Lại nữa, người kia khởi phiền não hiện tiền, khi thoái chuyển, vì giận trách xú uế nên nhanh chóng đoạn trừ. Như người ưa thích sạch sẽ, có chút ít phẩn uế rơi trúng nơi thân liền tẩy trừ ngay.

Lại nữa, người kia khởi phiền não hiện tiền, khi thoái chuyển, vì thân tâm nặng nề nên nhanh chóng buông bỏ. Như người ốm yếu bỗng gánh phải gánh nặng, sức không kham nổi nên nhanh chóng lìa bỏ.

Có thuyết cho: Sự thoái chuyển là không nhất định, vì không tự tại nên khởi các phiền não. Hoặc có thể nhanh chóng đoạn trừ, trở lại phần vị cũ. Hoặc phải trải qua thời gian lâu mới đạt được quả cũ. Nghĩa là do sức của văn, tư tuệ nơi cõi dục dẫn khởi tu tuệ, Thánh đạo hiện tiền, chuyển vận Tín thắng giải trở thành căn kiến chí, sau đó lại hướng tới quả vị A-la-hán, nên người kia thoái chuyển rồi, chậm, mau không nhất định.

Hỏi: Nếu thoái chuyển nơi quả Bất hoàn, A-la-hán, người kia làm lại sự việc đã làm hay là không thể làm?

Đáp: Không thể làm lại. Vì sao? Vì thoái chuyển nơi quả trên, sự nghiệp đã tạo tác khác với sự nghiệp của Thánh nhân trước đây lúc chưa được quả trên.

***

* A-la-hán có sáu hạng: 1. Pháp thoái chuyển. 2. Pháp tư duy.

3. Pháp hộ trì. 4. Pháp an trụ. 5. Pháp gắng đạt. 6. Pháp bất động.

Trong đây, pháp thoái chuyển: Là A-la-hán nên thoái chuyển.

Pháp tư duy: Là A-la-hán kia tư duy xong, cầm dao tự hại.

Pháp hộ trì: Là A-la-hán luôn ân cần, trân trọng gìn giữ sự giải thoát.

Pháp an trụ: Là A-la-hán không thoái chuyển, cũng không thăng tiến.

Pháp gắng đạt: Là A-la-hán có thể đạt đến bất động.

Pháp bất động: Là A-la-hán vốn đạt được chủng tánh bất động, hoặc do luyện căn mà được bất động.

Hỏi: A-la-hán của pháp thoái chuyển tất thoái chuyển chăng? Cho đến A-la-hán của pháp gắng đạt tất luyện căn đạt đến bất động chăng?

Đáp: Có thuyết nói: Trong A-la-hán thì hạng pháp thoái chuyển tất thoái chuyển. Pháp tư duy tất tư duy, cầm dao tự hại. Pháp hộ trì tất có thể gìn giữ sự giải thoát. Pháp an trụ tất có thể không thoái chuyển, cũng không thăng tiến. Pháp gắng đạt tất có thể luyện căn đạt đến bất động. Do sự việc này, nên A-la-hán kia được gọi là pháp thoái chuyển, cho đến gọi là pháp gắng đạt.

Hoặc có thuyết cho: Dựa vào sáu tác dụng để kiến lập tên của sáu hạng A-la-hán. Thuyết kia nói ở cõi dục có đủ sáu hạng. Cõi sắc, cõi vô sắc chỉ có hai hạng là pháp an trụ và pháp bất động.

Nên nói như thế này: A-la-hán của pháp thoái chuyển bất tất thoái chuyển, cho đến A-la-hán của pháp gắng đạt bất tất luyện căn đạt đến pháp bất động.

Hỏi: Nếu như vậy vì sao A-la-hán kia gọi là pháp thoái chuyển, cho đến A-la-hán kia gọi là pháp gắng đạt?

Đáp: Trong A-la-hán hạng pháp thoái chuyển bất tất thoái chuyển. Nếu thoái chuyển là từ chủng tánh này, không phải là chủng tánh khác. Cho đến pháp gắng đạt bất tất luyện căn đạt đến bất động pháp. Nếu có thể luyện căn đạt đến bất động thì quyết định là từ chủng tánh này, không phải là chủng tánh khác.

Hoặc có thuyết nêu: Căn cứ nơi sáu chủng tánh để kiến lập sáu thứ tên gọi A-la-hán. Đây là nói ba cõi đều có đủ sáu hạng, sáu thứ chủng tánh hiện có khắp ba cõi.

Hỏi: Căn cứ ở đâu để kiến lập sáu hạng A-la-hán như thế?

Đáp: Căn cứ nơi căn để kiến lập.

Hỏi: Căn có chín phẩm: Hạ hạ, hạ trung, hạ thượng. Trung hạ, trung trung, trung thượng. Thượng hạ, thượng trung, thượng thượng. Vì sao dựa nơi căn để kiến lập sáu hạng, không lập chín hạng?

Đáp: Có thuyết nói: Trong sáu hạng này thì pháp thoái chuyển thành tựu hai phẩm căn là hạ hạ, hạ trung. Pháp tư duy thành tựu một thứ căn là hạ thượng. Pháp hộ trì thành tựu một thứ căn là trung hạ. Pháp an trụ thành tựu một thứ căn là trung trung. Pháp gắng đạt thành tựu một thứ căn là trung thượng. A-la-hán của pháp bất động thành tựu một thứ căn là thượng hạ. Độc giác thành tựu một thứ căn là thượng trung. Phật thành tựu một thứ căn là thượng thượng.

Lời bình: Người kia không nên tạo ra thuyết ấy. Không có một hạng thành tựu hai phẩm căn. Lợi căn hãy còn không có đủ hai phẩm căn, huống là độn căn lại có đủ hai phẩm căn. Nên nói như thế này:

Trong A-la-hán thì pháp thoái chuyển thành tựu căn phẩm hạ hạ. Pháp tư duy thành tựu căn phẩm hạ trung. Pháp hộ trì thành tựu căn phẩm hạ thượng. Pháp an trụ thành tựu căn phẩm trung hạ. Pháp gắng đạt thành tựu căn phẩm trung trung. Từ Thời giải thoát luyện căn cho đến pháp bất động, thành tựu chủng tánh gốc của căn phẩm trung thượng. Pháp bất động thành tựu căn phẩm thượng hạ. Độc giác thành tựu căn phẩm thượng trung. Như Lai thành tựu căn phẩm thượng thượng.

Có thuyết cho: Trong sáu hạng A-la-hán: Pháp thoái chuyển tạo ra một sự: Là thoái chuyển. Pháp tư duy tạo ra hai sự: Là thoái chuyển, tư duy. Pháp hộ trì tạo ra ba sự: Là thoái chuyển, tư duy, hộ trì. Pháp an trụ tạo ra bốn sự: Là thoái chuyển, tư duy, hộ trì và an trụ. Pháp gắng đạt tạo ra năm sự: Là thoái chuyển, tư duy, hộ trì, an trụ và luyện căn đạt đến bất động.

Nên nói như thế này: Pháp thoái chuyển tạo ra ba sự: 1. Thoái chuyển trụ nơi căn học. 2. Luyện căn đến tư duy. 3. Tức trụ nơi kia mà bát Niết-bàn.

Pháp tư duy tạo ra bốn sự: 1. Thoái chuyển trụ nơi căn học. 2. Thoái chuyển trụ nơi căn pháp thoái chuyển. 3. Luyện căn đến hộ trì. 4. Tức trụ nơi kia mà bát Niết-bàn.

Pháp hộ trì tạo ra năm sự: 1. Thoái chuyển trụ nơi căn học. 2. Thoái chuyển trụ nơi căn pháp thoái chuyển. 3. Thoái chuyển trụ nơi căn pháp tư duy. 4. Luyện căn đến an trụ. 5. Tức trụ nơi kia mà bát Niết-bàn.

Pháp an trụ tạo ra sáu sự: 1. Thoái chuyển trụ nơi căn học. 2. Thoái chuyển trụ nơi căn pháp thoái chuyển. 3. Thoái chuyển trụ nơi căn pháp tư duy. 4. Thoái chuyển trụ nơi căn pháp hộ trì. 5. Luyện căn đến gắng đạt. 6. Tức trụ nơi kia mà bát Niết-bàn.

Pháp gắng đạt tạo ra bảy sự: 1. Thoái chuyển trụ nơi căn học. 2. Thoái chuyển trụ nơi căn pháp thoái chuyển. 3. Thoái chuyển trụ nơi căn pháp tư duy. 4. Thoái chuyển trụ nơi căn pháp hộ trì. 5. Thoái chuyển trụ nơi căn pháp an trụ. 6. Luyện căn đến bất động pháp. 7. Tức trụ nơi kia mà bát Niết-bàn.

Hỏi: A-la-hán của pháp tư duy khi thoái chuyển trụ nơi căn học là được căn học nào? Là được căn học của chủng tánh pháp thoái chuyển hay được căn học của chủng tánh pháp tư duy?

Đáp: A-la-hán kia được căn học của chủng tánh pháp thoái chuyển, không phải là căn học của chủng tánh pháp tư duy. Vì sao? Vì A-la-hán kia trước ở phần vị học, chưa được căn học của pháp tư duy. Nay nếu thoái chuyển được căn học của pháp tư duy là tiến không phải là thoái, tức không hợp với chánh lý. Trong Khế kinh nói: Có A-la-hán tên Kiều-để-ca là bậc Thời ái tâm giải thoát, vị ấy đã sáu lần thoái mất quả A-la-hán rồi, lần thứ bảy khi trở lại được quả A-lahán, vì sợ lại thoái mất, nên đã dùng dao tự hại.

Hỏi: A-la-hán kia là hạng pháp thoái chuyển hay là pháp tư duy? Giả nêu như vậy thì có lỗi gì? Cả hai đều cùng có lỗi. Vì sao? Vì nếu là pháp thoái chuyển thì do duyên gì tự hại? Còn nếu là pháp tư duy vì sao thoái chuyển?

Đáp: Nên nói như vầy: A-la-hán kia là pháp thoái chuyển.

Hỏi: Nếu vậy vì sao A-la-hán kia lại dùng dao tự hại?

Đáp: Vì A-la-hán kia đã chán sự thoái chuyển nên dùng dao tự hại. Nếu trước không thoái chuyển mà tự hại là pháp tư duy.

Có thuyết cho: A-la-hán kia từ pháp thoái chuyển, luyện căn đến tư duy, vì vẫn còn sợ thoái chuyển nữa, nên đã dùng dao tự hại, nên không trái lý. Nếu bản tánh là tư duy, đến quả vị vô học, thì quyết định không có nghĩa thoái chuyển trụ nơi học.

Hỏi: Các dụng nơi đạo này là đoạn dứt kiết cõi dục. Khi thoái chuyển đạo này thì có trở lại bị kiết kia trói buộc không?

Đáp: Trở lại bị kiết kia trói buộc. Các dụng nơi đạo này là đoạn dứt kiết cõi sắc, cõi vô sắc.

Hỏi: Khi thoái chuyển đạo này có trở lại bị kiết kia trói buộc không?

Đáp: Có. Tức trở lại bị kiết kia trói buộc.

Trong đây, có thuyết nói: Dụng của kiết gọi là trói buộc. Nghĩa là trước kia khi lìa nhiễm là đoạn dứt dụng trói buộc của các kiết. Khi thoái chuyển trở lại là dụng của kiết kia trói buộc.

Có thuyết cho: Đắc của kiết gọi là trói buộc. Nghĩa là khi lìa nhiễm là đoạn trừ đắc của các kiết. Nay khi thoái chuyển đạo là trở lại được đắc của kiết kia. Dụng của kiết, đắc của kiết cùng hỗ trợ nhau, chỉ có một lúc tất có loại thứ hai. Bị trói buộc không bỏ nên gọi là dụng của kiết, bất tất hiện tại có được. Hệ thuộc kiết rồi là kiết có đắc dụng. Kiết này chỉ ở nơi hiện tại, quá khứ vị lai không có đắc dụng.

Hỏi: Nếu đạo có thể đoạn trừ kiết thì trụ nơi đạo này, không thoái chuyển. Nếu trụ nơi đạo này thoái chuyển thì đạo này không đoạn trừ kiết. Nghĩa là đạo vô gián có thể đoạn trừ các kiết, không trụ nơi đạo này mà có thoái chuyển. Trụ nơi đạo giải thoát, chấp nhận có thoái chuyển, tất không có nghĩa dùng đạo này để đoạn trừ các kiết. Nay vì sao nói các dụng nơi đạo này là đoạn trừ các kiết nơi ba cõi. Khi thoái chuyển đạo này, trở lại bị kiết kia trói buộc?

Đáp: Sự việc này không trái với lý. Vì sao? Vì đạo vô gián là nhân của đạo giải thoát, đạo giải thoát là quả của đạo vô gián. Khi quả này thoái chuyển, cũng nói là nhân thoái chuyển. Lại nữa, các đạo vô gián là đối trị đắc của phiền não, khi thoái chuyển khởi đắc của phiền não, cũng nói là thoái chuyển nơi đạo vô gián kia. Lại nữa, vì đoạn trừ phiền não nên lập đạo vô gián, khi thoái chuyển khởi phiền não, cũng nói là thoái chuyển nơi đạo vô gián kia. Lại nữa, tên gọi đoạn có hai: 1. Chung. 2. Riêng. Riêng là chỉ đạo vô gián, chung là chung nơi đạo giải thoát. Nay vì căn cứ nơi nghĩa chung, nên không trái nhau.

Tôn giả Tăng-già Phiệt-tô nói: Trụ nơi đạo vô gián và đạo giải thoát đều cùng có nghĩa thoái chuyển. Như người Dự lưu đã đoạn trừ phiền não của năm phẩm trước, khởi triền nơi phẩm thượng thượng. Khi thoái chuyển gọi là thoái chuyển đạo giải thoát, đạo vô gián của năm phẩm trước.

Lời bình: Tôn giả kia không nên tạo ra thuyết ấy. Vì sao? Vì tất không có trụ nơi đạo vô gián thoái chuyển, cũng không có thoái chuyển rồi trụ nơi đạo vô gián. Thế nên, thuyết trước về lý là tốt. Nghĩa là khi quả thoái chuyển gọi là nhân thoái chuyển.

***

* Có chín thứ nhận biết khắp: Nghĩa là kiết nơi cõi dục do kiến khổ, tập đoạn trừ hết là nhận biết khắp thứ nhất. Kiết nơi cõi sắc, cõi vô sắc do kiến khổ, tập đoạn trừ hết là nhận biết khắp thứ hai. Kiết nơi cõi dục do kiến diệt đoạn trừ hết là nhận biết khắp thứ ba. Kiết nơi cõi sắc, cõi vô sắc do kiến diệt đoạn trừ hết là nhận biết khắp thứ tư. Kiết nơi cõi dục do kiến đạo đoạn trừ hết là nhận biết khắp thứ năm. Kiết nơi cõi sắc, cõi vô sắc do kiến đạo đoạn trừ hết là nhận biết khắp thứ sáu. Năm kiết thuận phần dưới đoạn trừ là nhận biết khắp thứ bảy. Kiết ái của sắc dứt hết là nhận biết khắp thứ tám. Tất cả kiết dứt hết là nhận biết khắp thứ chín.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì nhằm ngăn chận tông chỉ của người khác, để chỉ bày rõ chánh lý. Nghĩa là hoặc có thuyết nói: Không có đoạn trừ nhận biết khắp, do các pháp vô vi không có tự tánh. Vì ngăn chận tông chỉ của thuyết kia, nhằm chỉ rõ pháp vô vi thật sự có tự tánh, nên đoạn trừ nhận biết khắp quyết định là thật có.

Hoặc lại có thuyết nói: Đoạn trừ nhận biết khắp này không phải chỉ có chín. Tất cả trạch diệt đều được gọi là đoạn trừ nhận biết khắp. Vì ngăn chận thuyết kia, nhằm chỉ rõ đoạn trừ nhận biết khắp chỉ có chín thứ. Phần sau sẽ nêu rõ về nhân duyên lập chín thứ.

Có thuyết nói: Đoạn trừ nhận biết khắp chỉ có một thứ, do Thể của tất cả trạch diệt chỉ là một. Vì ngăn chận ý của thuyết kia, nhằm chỉ rõ Thể của đoạn trừ nhận biết khắp không phải chỉ là một, nên tạo ra Luận này.

Hỏi: Đoạn là vô vi, không thể duyên nghĩ, không có tác dụng quyết định rõ, sao gọi là nhận biết khắp?

Đáp: Đoạn này tuy không thể duyên nghĩ, quyết định rõ, nhưng là quả của trí, nên gọi là nhận biết khắp. Như A-la-hán là quả của giải, nên cũng gọi là giải. Như sáu xúc xứ là quả của nghiệp, nên cũng gọi là nghiệp cũ. Như thiên nhãn, thiên nhĩ là quả của thông, nên cũng gọi là thông. Đoạn ở đây cũng như thế, là quả của trí nên cũng gọi là nhận biết khắp.

Hỏi: Đoạn do tu đạo đoạn là quả của trí, nên có thể gọi là nhận biết khắp. Đoạn do kiến đạo đoạn chính là quả của nhẫn, sao gọi là nhận biết khắp?

Đáp: Vì đoạn kia cũng là quả của thế tục trí. Nghĩa là đạo thế tục lìa nhiễm cõi dục, cho đến lìa nhiễm của Vô sở hữu xứ. Đoạn do kiến đạo đoạn trong tám địa kia là quả của thế tục trí, nên cũng gọi là nhận biết khắp.

Hỏi: Nếu đạo thế tục có tác dụng nơi xứ thì đoạn do kiến đạo đoạn là quả của trí nên có thể gọi là nhận biết khắp. Đoạn này đối với Phi tưởng phi phi tưởng xứ không có tác dụng của đoạn. Như vậy đoạn do kiến đạo đoạn kia làm sao gọi là nhận biết khắp?

Đáp: Tôn giả Tăng Già Phiệt Tô nói: Vì đoạn kia là quả của tuệ, nên gọi là nhận biết khắp. Đoạn có hai thứ: 1. Là quả của trí. 2. Là quả của tuệ. Trong đây, quả của tuệ gọi là nhận biết khắp.

Lời bình: Tôn giả kia không nên tạo ra thuyết ấy. Vì sao? Vì Khế kinh chỉ nói có hai nhận biết khắp: 1. Trí nhận biết khắp. 2. Đoạn nhận biết khắp.

Đức Phật từng không nói có tuệ nhận biết khắp. Lại, tuệ không phải là trí, tức nên gọi là tuệ hiện hữu khắp, sao gọi là nhận biết khắp? Vì nhận biết là trí. Nên nói như vầy: Nhẫn đã đạt được đoạn. Lúc định kim cang dụ hiện tiền, lại là chủ thể chứng, nên cũng gọi là quả của trí. Nghĩa là định kim cang dụ là thắng nghĩa. Diệt do Samôn đã chứng gọi là quả Sa-môn. Do định này khi chứng được quả A-la-hán là chứng chung được đoạn nơi ba cõi do kiến đạo, tu đạo đoạn. Thế nên đoạn này cũng gọi là nhận biết khắp.

Lại nữa, vì nhẫn là quyến thuộc của trí, nên cũng gọi là trí. Diệt do nhẫn này đã đạt được, cũng gọi là nhận biết khắp.

Lại nữa, đoạn này đã do chủng tộc của trí đạt được, nên gọi là nhận biết khắp. Như chủng tộc Cù-đáp-ma đã sinh ra gọi là Kiềuđáp-ma.

Lại nữa, vì đoạn này đã có tướng nhận biết khắp, nên cũng gọi là nhận biết khắp. Do đấy cũng là đối tượng chứng của trí, nên như mắt quá khứ, vị lai tuy không trông thấy sắc, nhưng vì không bỏ tướng của mắt nên cũng gọi là mắt.

Tôn giả Diệu Âm nói: Đoạn này nên lập tên là Lý nhận biết khắp. Nghĩa là nhận biết rõ khắp lý của thắng nghĩa đế, lý của đế cứu cánh mà chứng đắc.

Hiếp Tôn giả nói: Đoạn này nên lập tên là Xả nhận biết khắp. Nghĩa là nhận biết rõ khắp lỗi lầm của sinh tử, xả bỏ vĩnh viễn sinh tử mà chứng đắc.

Hai thuyết như thế tuy không trái lý, nhưng vì kinh chỉ nói về tên đoạn nhận biết khắp, nên trong ba thuyết, thuyết đầu là tốt.

Tuy nhiên, tự tánh của đoạn cũng gọi là đoạn, cũng gọi là lìa, cũng gọi là diệt, cũng gọi là đế, cũng gọi là nhận biết khắp, cũng gọi là quả Sa-môn, cũng gọi là cảnh giới Niết-bàn hữu dư y, cũng gọi là cảnh giới Niết-bàn vô dư y. Như thế, tám thứ ở trong các vị có đủ, không đủ. Nghĩa là khi khổ pháp trí nhẫn diệt, khổ pháp trí sinh, đoạn do trí kia đã đạt được gọi là đoạn, gọi là lìa, gọi là diệt, gọi là đế, chưa gọi là nhận biết khắp, chưa gọi là quả Sa-môn, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn hữu dư y, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn vô dư y. Khi khổ loại trí nhẫn diệt, khổ loại trí sinh, đoạn do trí kia đã đạt được gọi là đoạn, gọi là lìa, gọi là diệt, gọi là đế, chưa gọi là nhận biết khắp, chưa gọi là quả Sa-môn, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn hữu dư y, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn vô dư y.

Khi tập pháp trí nhẫn diệt, tập pháp trí sinh, đoạn do trí kia đã đạt được gọi là đoạn, gọi là lìa, gọi là diệt, gọi là đế, gọi là nhận biết khắp. Nghĩa là kiết nơi cõi dục do kiến khổ, tập đoạn trừ hết là nhận biết khắp, chưa gọi là quả Sa-môn, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn hữu dư y, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn vô dư y. Khi tập loại trí nhẫn diệt, tập loại trí sinh, đoạn do trí kia đã đạt được gọi là đoạn, gọi là lìa, gọi là diệt, gọi là đế, gọi là nhận biết khắp. Nghĩa là kiết nơi cõi sắc, cõi vô sắc do kiến khổ, tập đoạn trừ hết là nhận biết khắp. Chưa gọi là quả Sa-môn, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn hữu dư y, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn vô dư y.

Khi diệt pháp trí nhẫn diệt, diệt pháp trí sinh, đoạn do trí kia đã đạt được gọi là đoạn, gọi là lìa, gọi là diệt, gọi là đế, gọi là nhận biết khắp. Nghĩa là kiết nơi cõi dục do kiến diệt đoạn trừ hết là nhận biết khắp. Chưa gọi là quả Sa-môn, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn hữu dư y, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn vô dư y. Khi diệt loại trí nhẫn diệt, diệt loại trí sinh, đoạn do trí kia đã đạt được gọi là đoạn, gọi là lìa, gọi là diệt, gọi là đế, gọi là nhận biết khắp. Nghĩa là kiết nơi cõi sắc, cõi vô sắc do kiến diệt đoạn trừ hết là nhận biết khắp. Chưa gọi là quả Sa-môn, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn hữu dư y, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn vô dư y.

Khi đạo pháp trí nhẫn diệt, đạo pháp trí sinh, đoạn do trí kia đã đạt được gọi là đoạn, gọi là lìa, gọi là diệt, gọi là đế, gọi là nhận biết khắp. Nghĩa là kiết nơi cõi dục do kiến đạo đoạn trừ hết là nhận biết khắp. Chưa gọi là quả Sa-môn, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn hữu dư y, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn Vô dư y. Khi đạo loại trí nhẫn diệt, đạo loại trí sinh, đoạn do trí kia đã đạt được gọi là đoạn, gọi là lìa, gọi là diệt, gọi là đế, gọi là nhận biết khắp. Nghĩa là kiết nơi cõi sắc, cõi vô sắc do kiến đạo đoạn trừ là nhận biết khắp. Gọi là quả Sa-môn tức là quả Dự lưu, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn Hữu dư y, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn vô dư y.

Bấy giờ, đoạn này và kiết nơi ba cõi do kiến khổ, tập, diệt đoạn trừ cùng kiết nơi cõi dục do kiến đạo đoạn trừ đều đoạn, chứng chung một vị là lìa hệ thuộc đắc. Đoạn kia, lúc ấy gọi là đoạn, gọi là lìa, gọi là diệt, gọi là đế, gọi là nhận biết khắp, tức chỗ đã đạt được ở trước gọi là quả Sa-môn, tức là quả Dự lưu, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn Hữu dư y, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn vô dư y.

Khi Dự lưu cầu chứng quả Nhất lai, đoạn một phẩm kiết cõi dục, cho đến kiết của năm phẩm đoạn do trí kia đã đạt được gọi là đoạn, gọi là lìa, gọi là diệt, gọi là đế, chưa gọi là nhận biết khắp, chưa gọi là quả Sa-môn, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn hữu dư y, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn vô dư y. Khi đạo vô gián đoạn trừ kiết của phẩm thứ sáu diệt, đạo giải thoát sinh, đoạn do trí kia đã đạt được gọi là đoạn, gọi là lìa, gọi là diệt, gọi là đế, chưa gọi là nhận biết khắp, gọi là quả Sa-môn tức là quả Nhất lai, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn hữu dư y, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn vô dư y. Bấy giờ, đoạn này và kiết nơi ba cõi do kiến đạo đoạn cùng kiết của năm phẩm trước nơi cõi dục do tu đạo đoạn đều đoạn, chứng chung một vị là lìa hệ thuộc đắc. Đoạn kia lúc ấy gọi là đoạn, gọi là lìa, gọi là diệt, gọi là đế, chưa gọi là nhận biết khắp, tức chỗ đạt được ở trước gọi là quả Sa-môn tức là quả Nhất lai, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn hữu dư y, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn vô dư y.

Khi Nhất lai cầu chứng quả Bất hoàn, đoạn trừ kiết của phẩm thứ bảy, thứ tám, đoạn do trí kia đã đạt được gọi là đoạn, gọi là lìa, gọi là diệt, gọi là đế, chưa gọi là nhận biết khắp, chưa gọi là quả Samôn, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn hữu dư y, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn vô dư y. Khi đạo vô gián đoạn trừ kiết của phẩm thứ chín diệt, đạo giải thoát sinh, đoạn do trí kia đã đạt được gọi là đoạn, gọi là lìa, gọi là diệt, gọi là đế, gọi là nhận biết khắp. Nghĩa là năm kiết thuận phần dưới đã đoạn hết là nhận biết khắp. Gọi là quả Sa-môn, tức là quả Bất hoàn, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn hữu dư y, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn vô dư y. Bấy giờ, đoạn này và kiết nơi ba cõi do kiến đạo đoạn cùng kiết của tám phẩm trước nơi cõi dục do tu đạo đoạn đều đoạn, chứng chung một vị là lìa hệ thuộc đắc. Đoạn kia, lúc ấy gọi là đoạn, gọi là lìa, gọi là đế, gọi là diệt, gọi là nhận biết khắp, tức năm kiết thuận phần dưới đã đoạn hết là nhận biết khắp, gọi là quả Sa-môn, nghĩa là quả Bất hoàn, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn hữu dư y, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn vô dư y.

Khi lìa kiết của tĩnh lự thứ nhất cho đến kiết của tĩnh lự thứ ba đều có chín phẩm, cùng lìa kiết nơi tám phẩm trước của tĩnh lự thứ tư, lúc ấy đoạn do trí kia đã đạt được gọi là đoạn, gọi là lìa, gọi là diệt, gọi là đế, chưa gọi là nhận biết khắp, chưa gọi là quả Sa-môn, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn hữu dư y, chưa gọi là cảnh giới Niếtbàn vô dư y. Đã lìa kiết nơi phẩm thứ chín của tĩnh lự thứ tư, khi đạo vô gián diệt, đạo giải thoát sinh, đoạn do trí kia đã đạt được gọi là đoạn, gọi là lìa, gọi là diệt, gọi là đế, gọi là nhận biết khắp, nghĩa là ái sắc đã đoạn trừ hết là nhận biết khắp, chưa gọi là quả Sa-môn, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn hữu dư y, chưa gọi là cảnh giới Niếtbàn vô dư y.

Hỏi: Sắc ái này đã đoạn trừ hết là nhận biết khắp vì sao được kiến lập? Vì tất cả kiết nơi cõi sắc do tu đạo đoạn trừ hết hay là vì tất cả kiết của tĩnh lự thứ tư do tu đạo đoạn trừ hết hay là kiết nơi phẩm hạ hạ của tĩnh lự thứ tư do tu đạo đoạn trừ hết chăng?

Đáp: Có thuyết nói: Chỉ là kiết nơi phẩm hạ hạ của tĩnh lự thứ tư do tu đạo đoạn trừ hết.

Có Sư khác cho: Chỉ là tất cả kiết của tĩnh lự thứ tư do tu đạo đoạn trừ hết.

Lời bình: Nên tạo ra thuyết này: Tất cả kiết của cõi sắc do tu đạo đoạn trừ hết đều là sắc ái tận, là nhận biết khắp. Nhưng khi đoạn trừ kiết nơi phẩm hạ hạ mới được mang tên là nhận biết khắp. Lìa kiết của Không vô biên xứ cho đến kiết của Vô sở hữu xứ đều là chín phẩm kiết và khi đã lìa tám phẩm kiết trước của Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đoạn do trí kia đã đạt được gọi là đoạn, gọi là lìa, gọi là diệt, gọi là đế, chưa gọi là nhận biết khắp, chưa gọi là quả Sa-môn, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn hữu dư y, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn vô dư y. Lìa kiết nơi phẩm thứ chín, định kim cang dụ diệt, lúc tận trí ban đầu sinh, đoạn do trí kia đã đạt được gọi là đoạn, gọi là lìa, gọi là diệt, gọi là đế, gọi là nhận biết khắp, nghĩa là tất cả kiết đoạn trừ hết là nhận biết khắp, gọi là quả Sa-môn, tức là quả A-la-hán, gọi là cảnh giới Niếtbàn hữu dư y, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn vô dư y. Bấy giờ, đoạn này và kiết của ba cõi do kiến đạo đoạn cùng kiết của tám địa dưới do tu đạo đoạn và kiết nơi tám phẩm trước của Phi tưởng phi phi tưởng xứ do tu đạo đoạn đều đoạn trừ, chứng chung một vị là lìa hệ thuộc đắc. Khi ấy, đoạn kia gọi là đoạn, gọi là lìa, gọi là diệt, gọi là đế, gọi là nhận biết khắp, nghĩa là tất cả kiết đoạn trừ hết là nhận biết khắp, gọi là quả Sa-môn, nghĩa là quả A-la-hán, gọi là cảnh giới Niết-bàn hữu dư y, chưa gọi là cảnh giới Niết-bàn vô dư y.

Nếu uẩn, giới, xứ của A-la-hán đã diệt, về sau lại không nối tiếp nhập cảnh giới Niết-bàn vô dư y rồi, bấy giờ đoạn do trí kia đã đạt được gọi là đoạn, gọi là lìa, gọi là diệt, gọi là đế, gọi là nhận biết khắp, tức chỗ đạt được ở trước gọi là quả Sa-môn, tức là quả A-lahán, không gọi là cảnh giới Niết-bàn hữu dư y, gọi là cảnh giới Niếtbàn vô dư y.

Hỏi: Tất cả trạch diệt đều gọi là đoạn, đoạn là quả của trí, tức đều nên gọi là nhận biết khắp, vì sao tên gọi này chỉ ở nơi chín vị, vị khác không được gọi là nhận biết khắp?

Đáp: Chỉ trong chín vị, hoặc đủ bốn duyên, hoặc đủ năm duyên, được mang tên là nhận biết khắp. Vì các vị khác không như vậy nên chỉ lập chín. Nghĩa là sáu vị trước chỉ là quả của kiến đạo, vì đủ bốn duyên, nên được mang tên là nhận biết khắp. Một là diệt bỏ hai nhân. Hai là lìa cùng bị trói buộc. Ba là chứng đắc vô lậu, lìa hệ thuộc đắc. Bốn là không có các biến hành của Hữu đảnh.

Ba vị sau là quả của tu đạo, vì đủ năm duyên nên được mang tên là nhận biết khắp. Tức bốn duyên trước và vĩnh viễn vượt qua cõi. Nghĩa là:

Khi khổ pháp trí nhẫn diệt, khổ pháp trí sinh, chưa diệt hai thứ nhân, tuy đã diệt nhân do kiến khổ đoạn, chưa diệt nhân do kiến tập đoạn, nên chưa lìa cùng bị trói buộc, tuy đã lìa trói buộc do kiến khổ đoạn, chưa lìa trói buộc do kiến tập đoạn, nên chỉ được vô lậu lìa hệ thuộc đắc, vì chưa không có các biến hành của Hữu đảnh, tuy có một duyên, nhưng thiếu ba duyên, nên đoạn do trí kia đạt được chưa gọi là nhận biết khắp.

Khi khổ loại trí nhẫn diệt, khổ loại trí sinh, chưa diệt hai thứ nhân, tuy đã diệt nhân do kiến khổ đoạn, chưa diệt nhân do kiến tập đoạn, nên chưa lìa cùng bị trói buộc, tuy đã lìa trói buộc do kiến khổ đoạn, chưa lìa trói buộc do kiến tập đoạn, nhưng chứng đắc vô lậu, lìa hệ thuộc đắc và không có các biến hành của Hữu đảnh, tuy có hai duyên, nhưng vì thiếu hai duyên, nên đoạn do trí kia đạt được chưa gọi là nhận biết khắp.

Khi tập pháp trí nhẫn diệt, tập pháp trí sinh, gọi là diệt hai nhân: trước là diệt nhân do kiến khổ đoạn, nay là diệt nhân do kiến tập đoạn, nên cũng lìa cùng bị trói buộc: trước là lìa trói buộc do kiến khổ đoạn, nay là lìa trói buộc do kiến tập đoạn, đã được vô lậu lìa hệ thuộc đắc và không có các biến hành của Hữu đảnh, vì đủ bốn duyên, nên chỗ đạt được của trí kia và phần đoạn ở trước được gọi là nhận biết khắp thứ nhất.

Khi tập loại trí nhẫn diệt, tập loại trí sinh, gọi là diệt hai nhân: trước là diệt nhân do kiến khổ đoạn, nay là diệt nhân do kiến tập đoạn, nên cũng lìa cùng bị trói buộc: trước là lìa trói buộc do kiến khổ đoạn, nay là lìa trói buộc do kiến tập đoạn, đã được vô lậu lìa hệ thuộc đắc và không có các biến hành của Hữu đảnh, vì đủ bốn duyên, nên chỗ đạt được của trí kia và phần đoạn ở trước gọi là nhận biết khắp thứ hai.

Khi diệt pháp trí nhẫn diệt, diệt pháp trí sinh, gọi là diệt hai nhân: trước là diệt nhân do kiến khổ, tập đoạn, nay là diệt nhân do kiến diệt đoạn, nên cũng lìa cùng bị trói buộc: trước là lìa trói buộc do kiến khổ, tập đoạn, nay là lìa trói buộc do kiến diệt đoạn, đã được vô lậu lìa hệ thuộc đắc và không có các biến hành của Hữu đảnh, vì đủ bốn duyên, nên chỗ đoạn do trí kia đạt được gọi là nhận biết khắp thứ ba.

Khi diệt loại trí nhẫn diệt, diệt loại trí sinh, gọi là diệt hai nhân: trước là diệt nhân do kiến khổ, tập đoạn, nay là diệt nhân do kiến diệt đoạn, nên cũng lìa cùng bị trói buộc: trước là lìa trói buộc do kiến khổ, tập đoạn, nay là lìa trói buộc do kiến diệt đoạn, đã được vô lậu lìa hệ thuộc đắc và không có các biến hành của Hữu đảnh, vì đủ bốn duyên, nên chỗ đoạn do trí kia đạt được gọi là nhận biết khắp thứ tư.

Khi đạo pháp trí nhẫn diệt, đạo pháp trí sinh, gọi là diệt hai nhân: trước là diệt nhân do kiến khổ, tập đoạn, nay là diệt nhân do kiến đạo đoạn, nên cũng lìa cùng bị trói buộc: trước là lìa trói buộc do kiến khổ, tập đoạn, nay là lìa trói buộc do kiến đạo đoạn, đã được vô lậu lìa hệ thuộc đắc và không có các biến hành của Hữu đảnh, vì đủ bốn duyên, nên chỗ đoạn do trí kia đạt được gọi là nhận biết khắp thứ năm.

Khi đạo loại trí nhẫn diệt, đạo loại trí sinh, gọi là diệt hai nhân: trước là diệt nhân do kiến khổ, tập đoạn, nay là diệt nhân do kiến đạo đoạn, nên cũng lìa cùng bị trói buộc: trước là lìa trói buộc do kiến khổ, tập đoạn, nay là lìa trói buộc do kiến đạo đoạn, đã được vô lậu lìa hệ thuộc đắc và không có các biến hành của Hữu đảnh, vì đủ bốn duyên, nên chỗ đoạn do trí kia đạt được gọi là nhận biết khắp thứ sáu.

Sáu thứ nhận biết khắp như thế, chỉ là quả của kiến đạo, có đủ bốn duyên để kiến lập.

Lìa một phẩm nhiễm của cõi dục do tu đạo đoạn, cho đến khi lìa tám phẩm nhiễm, chưa diệt hai nhân, tuy diệt một phẩm, cho đến nhân của tám phẩm, chưa diệt tám phẩm, cho đến nhân của một phẩm, nên cũng chưa lìa cùng bị trói buộc. Tuy đã lìa một phẩm, cho đến chỗ trói buộc của tám phẩm, chưa lìa tám phẩm, cho đến chỗ trói buộc của một phẩm. Tuy đã được vô lậu lìa hệ thuộc đắc và không có các biến hành của Hữu đảnh, nhưng chưa vĩnh viễn vượt qua cõi, tuy có hai duyên, nhưng thiếu ba duyên, nên chỗ đoạn do trí kia đạt được chưa gọi là nhận biết khắp.

Lìa nhiễm của phẩm thứ chín, khi đạo vô gián diệt, đạo giải thoát sinh, gọi là diệt hai nhân: trước là diệt nhân của tám phẩm, nay là diệt nhân của phẩm thứ chín, nên cũng lìa cùng bị trói buộc: trước là lìa trói buộc của tám phẩm, nay là lìa trói buộc của phẩm thứ chín, đã được vô lậu lìa hệ thuộc đắc và không có các biến hành của Hữu đảnh, cùng vĩnh viễn vượt qua cõi dục, có đủ năm duyên, nên chỗ đạt được của trí kia và phần đoạn ở trước gọi là nhận biết khắp thứ bảy, nghĩa là năm kiết thuận phần dưới đã hết là nhận biết khắp.

Lìa nhiễm của bốn tĩnh lự, mỗi tĩnh lự đều là một phẩm nhiễm, cho đến tám phẩm nhiễm do tu đạo đoạn chưa diệt hai nhân: tuy đã diệt một phẩm, cho đến nhân của tám phẩm, chưa diệt tám phẩm, cho đến nhân của một phẩm, nên chưa lìa cùng bị trói buộc: tuy lìa một phẩm, cho đến chỗ trói buộc của tám phẩm, chưa lìa tám phẩm cho đến chỗ trói buộc của một phẩm, tuy được vô lậu lìa hệ thuộc đắc và không có các biến hành của Hữu đảnh, nhưng chưa vĩnh viễn vượt qua cõi, tuy có hai duyên, nhưng thiếu ba duyên, nên chỗ đoạn do trí kia đạt được chưa gọi là nhận biết khắp.

Lìa nhiễm nơi phẩm thứ chín của ba tĩnh lự trước do tu đạo đoạn, khi đạo vô gián diệt, đạo giải thoát sinh, gọi là diệt hai nhân: trước là diệt nhân của tám phẩm, nay là diệt nhân của phẩm thứ chín, cũng lìa cùng bị trói buộc: trước là lìa chỗ trói buộc của tám phẩm, nay là lìa chỗ trói buộc của phẩm thứ chín, tuy đã được vô lậu lìa hệ thuộc đắc và không có các biến hành của Hữu đảnh, nhưng chưa vĩnh viễn vượt qua cõi, tuy có bốn duyên, nhưng thiếu một duyên, nên chỗ đoạn do trí kia đạt được chưa gọi là nhận biết khắp.

Lìa nhiễm nơi phẩm thứ chín của tĩnh lự thứ tư do tu đạo đoạn, khi đạo vô gián diệt, đạo giải thoát sinh, gọi là diệt hai nhân: trước là diệt nhân của tám phẩm, nay là diệt nhân của phẩm thứ chín, cũng lìa cùng bị trói buộc: trước là lìa chỗ trói buộc của tám phẩm, nay là lìa chỗ trói buộc của phẩm thứ chín, đã được vô lậu lìa hệ thuộc đắc và không có các biến hành của Hữu đảnh, cùng vĩnh viễn vượt qua cõi sắc, có đủ năm duyên, nên chỗ đạt được của trí kia và phần đoạn ở trước gọi là nhận biết khắp thứ tám, tức là ái sắc hết là nhận biết khắp.

Lìa mỗi một phẩm nhiễm của bốn vô sắc do tu đạo đoạn, cho đến lúc lìa lìa nhiễm của tám phẩm, chưa diệt hai nhân: tuy đã diệt một phẩm, cho đến nhân của tám phẩm, chưa diệt tám phẩm, cho đến nhân của một phẩm, cũng chưa lìa cùng bị trói buộc, tuy lìa một phẩm cho đến chỗ trói buộc của tám phẩm, chưa lìa tám phẩm, cho đến chỗ trói buộc của một phẩm, tuy đã được vô lậu lìa hệ thuộc đắc và không có các biến hành của Hữu đảnh, nhưng chưa vĩnh viễn vượt qua cõi, tuy có hai duyên, nhưng thiếu ba duyên, nên chỗ đoạn do trí kia đạt được chưa được gọi là nhận biết khắp.

Lìa mỗi nhiễm nơi phẩm thứ chín của ba vô sắc trước do tu đạo đoạn, lúc đạo vô gián diệt, đạo giải thoát sinh, gọi là diệt hai nhân: trước là diệt nhân của tám phẩm, nay là diệt nhân của phẩm thứ chín, nên cũng lìa cùng bị trói buộc: trước là lìa chỗ trói buộc của tám phẩm, nay là lìa chỗ trói buộc của phẩm thứ chín, tuy đạt được vô lậu lìa hệ thuộc đắc và không có các biến hành của Hữu đảnh, nhưng chưa vĩnh viễn vượt qua cõi, tuy có bốn duyên, nhưng thiếu một duyên, nên chỗ đoạn do trí kia đạt được chưa gọi là nhận biết khắp.

Lìa nhiễm thứ chín của Phi tưởng phi phi tưởng xứ do tu đạo đoạn, khi định kim cang dụ diệt, tận trí ban đầu sinh, gọi là diệt hai nhân: trước là diệt nhân của tám phẩm, nay là diệt nhân của phẩm thứ chín, nên cũng lìa cùng bị trói buộc: trước là lìa chỗ trói buộc của tám phẩm, nay là lìa chỗ trói buộc của phẩm thứ chín, đã được vô lậu lìa hệ thuộc đắc và không có các biến hành của Hữu đảnh, cùng vĩnh viễn vượt qua cõi vô sắc, có đủ năm duyên, nên chỗ đạt được của trí kia và phần đoạn ở trước gọi là nhận biết khắp thứ chín, tức là tất cả kiết đều đoạn trừ hết là nhận biết khắp. Ba thứ sau này là quả của tu đạo, đủ năm duyên, nên được thành lập.

Hỏi: Bốn quả Sa-môn là xứ được sống lại, đối với các đoạn đều chứng một vị là lìa hệ thuộc đắc, vì sao quả Bất hoàn, A-la-hán tập hợp chung các đoạn lập một nhận biết khắp, còn quả Dự lưu, Nhất lai không nói là tập hợp chung các đoạn để lập một nhận biết khắp?

Đáp: Tuy được bốn quả vị, đều tập hợp chung đoạn, nhưng hai quả sau khi có đủ hai nghĩa, nên tập hợp chung các đoạn, lập một nhận biết khắp.

Hai nghĩa là: 1. Được quả. 2. Vượt qua cõi.

Khi được quả Dự lưu, quả Nhất lai, tuy là được quả nhưng không vượt qua cõi. Lúc lìa nhiễm nơi phẩm thứ chín của tĩnh lự thứ tư, tuy là vượt qua cõi, nhưng không phải là đắc quả. Khi được quả Bất hoàn, cả hai nghĩa đều không thiếu: 1. Đắc quả: Là được quả Bất hoàn. 2. Vượt qua cõi: Vượt qua cõi dục. Khi được quả A-la-hán cũng có đủ hai nghĩa: 1. Đắc quả: Là được quả A-la-hán. 2. Vượt qua cõi: Vượt qua cõi vô sắc.

Nói tập hợp chung: Là hợp một nghĩa.

Ở cõi vô sắc, vì lìa nhiễm một phần, nên được quả Dự lưu, vì lìa nhiễm hoàn toàn, nên được quả A-la-hán. Ở cõi dục, vì lìa nhiễm một phần, nên được quả Nhất lai, vì lìa nhiễm hoàn toàn, nên được quả Bất hoàn. Ở cõi sắc, lìa từng phần, lìa toàn phần nhiễm đều không được quả.

Chỉ ở nơi hai xứ, hai nghĩa đều không thiếu. Nghĩa là khi đắc quả cũng tức vượt qua cõi. Quả A-la-hán và quả Bất hoàn tập hợp chung các đoạn, lập một nhận biết khắp.

Lại nữa, chủ yếu là ở nơi xứ có đủ hai nghĩa mới tập hợp chung là nhận biết khắp: 1. Ở trong ba cõi thuận theo vượt qua một cõi. 2. Ở trong kiết thuận phần dưới, thuận phần trên, tùy dứt hết một thứ. Khi được quả Dự lưu, quả Nhất lai, cả hai nghĩa đều thiếu. Khi lìa nhiễm nơi phẩm thứ chín của tĩnh lự thứ tư, tuy vượt qua cõi sắc, nhưng thiếu một nghĩa. Lúc được quả Bất hoàn, cả hai nghĩa đều không thiếu: 1. Vượt qua cõi dục. 2. Kiết thuận phần dưới hết. Khi được quả A-la-hán cũng gồm đủ hai nghĩa: 1. Vượt qua cõi vô sắc. 2. Kiết thuận phần trên hết. Nên hai quả vị sau mới tập hợp chung là nhận biết khắp.

Lại nữa, chủ yếu là ở nơi xứ có đủ hai nghĩa mới tập hợp chung làm nhận biết khắp: 1. Ở trong ba cõi tùy vượt qua một cõi. 2. Ở trong phiền não bất thiện, vô ký tùy dứt hết một thứ. Khi được quả Dự lưu, quả Nhất lai, cả hai nghĩa đều thiếu. Khi lìa nhiễm nơi phẩm thứ chín của tĩnh lự thứ tư, tuy vượt qua cõi sắc, nhưng thiếu một nghĩa. Khi được quả Bất hoàn, cả hai nghĩa không thiếu: 1. Vượt qua cõi dục. 2. Phiền não bất thiện đã hết. Khi được quả A-la-hán cũng gồm đủ hai nghĩa: 1. Vượt qua cõi vô sắc. 2. Phiền não vô ký hết. Nên hai quả vị sau mới tập hợp chung là nhận biết khắp.

Lại nữa, chủ yếu là ở nơi xứ có đủ hai nghĩa mới tập hợp chung là nhận biết khắp: 1. Ở trong ba cõi theo đấy vượt qua một cõi. 2. Ở trong phiền não có dị thục, không có dị thục theo đấy diệt hết một thứ. Lúc được quả Dự lưu, quả Nhất lai, cả hai nghĩa đều thiếu. Khi lìa nhiễm nơi phẩm thứ chín của tĩnh lự thứ tư, tuy đã vượt qua cõi sắc, nhưng thiếu một nghĩa. Lúc được quả Bất hoàn, cả hai nghĩa không thiếu: 1. Vượt qua cõi dục. 2. Phiền não có dị thục hết. Khi được quả A-la-hán cũng gồm đủ hai nghĩa: 1. Vượt qua cõi vô sắc. 2. Phiền não không có dị thục hết. Nên hai quả vị sau mới tập hợp chung là nhận biết khắp.

Lại nữa, chủ yếu là ở nơi xứ có đủ hai nghĩa mới tập hợp chung là nhận biết khắp: 1. Ở trong ba cõi theo đấy vượt qua một cõi. 2. Ở trong phiền não chiêu cảm hai quả, một quả, theo đấy diệt hết một thứ. Khi được quả Dự lưu, quả Nhất lai, cả hai nghĩa đều thiếu. Khi lìa nhiễm nơi phẩm thứ chín của tĩnh lự thứ tư, tuy đã vượt qua cõi sắc, nhưng thiếu một nghĩa. Lúc được quả Bất hoàn, cả hai nghĩa không thiếu: 1. Vượt qua cõi dục. 2. Phiền não chiêu cảm hai quả Đẳng lưu và Dị thục đều dứt hết. Khi được quả A-la-hán cũng gồm đủ hai nghĩa: 1. Vượt qua cõi vô sắc. 2. Phiền não chỉ chiêu cảm một quả Đẳng lưu dứt hết. Nên hai quả vị sau mới tập hợp chung là nhận biết khắp.

Lại nữa, chủ yếu là ở nơi xứ có đủ hai nghĩa mới tập hợp chung là nhận biết khắp: 1. Ở trong ba cõi theo đấy vượt qua một cõi. 2. Ở trong phiền não tương ưng, không tương ưng với không hổ, không thẹn, theo đấy diệt hết một thứ. Khi được quả Dự lưu, quả Nhất lai, cả hai nghĩa đều thiếu. Lúc lìa nhiễm nơi phẩm thứ chín của tĩnh lự thứ tư, tuy đã vượt qua cõi sắc, nhưng thiếu một nghĩa. Lúc được quả Bất hoàn, cả hai nghĩa không thiếu: 1. Vượt qua cõi dục. 2. Phiền não tương ưng với không hổ, không thẹn dứt hết. Khi được quả A-la-hán cũng gồm đủ hai nghĩa: 1. Vượt qua cõi vô sắc. 2. Phiền não không tương ưng với không hổ, không thẹn dứt hết. Nên hai quả vị sau mới tập hợp chung là nhận biết khắp.

Lại nữa, chủ yếu là ở nơi xứ có đủ hai nghĩa mới tập hợp chung là nhận biết khắp: 1. Ở trong ba cõi theo đấy vượt qua một cõi. 2. Ở trong bốn loài, năm nẻo, theo đấy diệt hết một thứ. Khi được quả Dự lưu, quả Nhất lai, cả hai nghĩa đều thiếu. Khi lìa nhiễm nơi phẩm thứ chín của tĩnh lự thứ tư, tuy đã vượt qua cõi sắc, nhưng thiếu một nghĩa. Lúc được quả Bất hoàn, cả hai nghĩa không thiếu: 1. Vượt qua cõi dục. 2. Thai sinh của nẻo người đã dứt hết. Khi được quả A-lahán cũng gồm đủ hai nghĩa: 1. Vượt qua cõi vô sắc. 2. Hóa sinh nơi nẻo trời đã dứt hết. Nên hai quả vị sau mới tập hợp chung là nhận biết khắp.

HẾT – QUYỂN 62