LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 148

Chương 6: CĂN UẨN

Phẩm 2: BÀN VỀ HỮU, phần 2

Hỏi: Các căn vô lậu duyên nơi thuộc cõi dục, căn này tương ưng với pháp trí chăng? Nếu như căn vô lậu tương ưng với pháp trí thì căn ấy duyên nơi thuộc cõi dục chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có căn vô lậu duyên nơi thuộc cõi dục nhưng căn này không tương ưng với pháp trí. Nghĩa là khổ pháp trí nhẫn và căn tương ưng. Khổ pháp trí, tập pháp trí nhẫn và căn tương ưng. Trong đây, tập pháp trí, khổ pháp trí nhẫn là tuệ căn vô lậu.

Căn này duyên nơi thuộc cõi dục, nhưng không tương ưng với pháp trí, do nhẫn cùng với trí không tương ưng. Cùng với căn tương ưng: Là khổ pháp trí nhẫn tương ưng với tám căn vô lậu.

Căn này cũng duyên nơi thuộc cõi dục, nhưng không tương ưng với pháp trí, nhưng tương ưng với nhẫn. Khổ pháp trí cũng là tuệ căn vô lậu.

Căn này cũng duyên nơi thuộc cõi dục, nhưng không tương ưng với pháp trí, vì tự thể cùng với tự thể không tương ưng. Nghĩa là do ba duyên nên tự thể không tương ưng với tự thể: Một là không có hai tự tánh cùng sinh. Hai là sát-na trước sau không cùng nhau. Ba là hết thảy pháp không quán xét tự tánh và cái khác làm duyên.

Tập pháp trí nhẫn và căn tương ưng. Tập pháp trí cũng như vậy.

1. Có căn vô lậu tương ưng với pháp trí nhưng căn này không duyên nơi thuộc cõi dục. Nghĩa là căn tương ưng với diệt đạo pháp trí. Đây là diệt đạo pháp trí tương ưng với tám căn vô lậu. Căn này không duyên nơi thuộc cõi dục nhưng duyên nơi pháp không hệ thuộc.

2. Có căn vô lậu duyên nơi thuộc cõi dục căn này cũng tương ưng với pháp trí. Nghĩa là căn tương ưng với khổ tập pháp trí. Đó là khổ tập pháp trí tương ưng với tám căn vô lậu. Căn này duyên nơi thuộc cõi dục, duyên nơi khổ tập thuộc cõi dục.

3. Có căn vô lậu không duyên nơi thuộc cõi dục căn này cũng không tương ưng với pháp trí. Nghĩa là khổ loại trí nhẫn, khổ loại trí và hai căn tương ưng. Tập loại trí nhẫn, tập loại trí và hai căn tương ưng. Diệt pháp trí nhẫn và căn tương ưng. Diệt pháp trí, diệt loại trí nhẫn, diệt loại trí và hai căn tương ưng. Đạo pháp trí nhẫn và căn tương ưng. Đạo pháp trí, đạo loại trí nhẫn, đạo loại trí và hai căn tương ưng.

Trong đây, khổ loại trí nhẫn, khổ loại trí đều là tuệ căn vô lậu. Căn này không duyên nơi thuộc cõi dục, nhưng duyên nơi thuộc cõi sắc, vô sắc, cũng không tương ưng với pháp trí, vì nhẫn trí cùng với trí không tương ưng.

Và hai căn tương ưng: Là khổ loại trí nhẫn, khổ loại trí tương ưng với tám căn vô lậu. Căn này không duyên nơi thuộc cõi dục nhưng duyên nơi thuộc cõi sắc, vô sắc, cũng không tương ưng với pháp trí, nhưng tương ưng với khổ loại trí nhẫn, khổ loại trí. Tập loại trí nhẫn, tập loại trí và hai căn tương ưng cũng như vậy. Diệt pháp trí nhẫn là tuệ căn vô lậu. Căn này không duyên nơi thuộc cõi dục nhưng duyên nơi pháp không hệ thuộc, cũng không tương ưng với pháp trí do nhẫn và trí không tương ưng.

Và căn tương ưng: Là diệt pháp trí nhẫn tương ưng với tám căn vô lậu. Căn này không duyên nơi thuộc cõi dục, nhưng duyên nơi pháp không hệ thuộc, cũng không tương ưng với pháp trí nhưng tương ưng với nhẫn. Diệt pháp trí cũng là tuệ căn vô lậu. Căn này không duyên nơi thuộc cõi dục, nhưng duyên nơi pháp không hệ thuộc, không tương ưng với pháp trí, do tự thể không tương ưng với tự thể.

Đạo pháp trí nhẫn và căn tương ưng, đạo pháp trí cũng như vậy. Diệt loại trí nhẫn, diệt loại trí đều là tuệ căn vô lậu. Căn này không duyên nơi thuộc cõi dục, nhưng duyên nơi pháp không hệ thuộc, cũng không tương ưng với pháp trí, do nhẫn trí không tương ưng với trí.

Và hai căn tương ưng: Nghĩa là diệt loại trí nhẫn, diệt loại trí tương ưng với tám căn vô lậu. Căn này không duyên nơi thuộc cõi dục, nhưng duyên nơi pháp không hệ thuộc, cũng không tương ưng với pháp trí, nhưng tương ưng với diệt loại trí nhẫn, diệt loại trí. Đạo loại trí nhẫn, đạo loại trí và hai căn tương ưng cũng như vậy.

Hỏi: Các căn vô lậu duyên nơi thuộc cõi sắc, vô sắc, căn này tương ưng với loại trí chăng? Nếu như căn vô lậu tương ưng với loại trí thì căn ấy duyên nơi thuộc cõi sắc, vô sắc chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp.

1. Có căn vô lậu duyên nơi thuộc cõi sắc, vô sắc, nhưng căn này không tương ưng với loại trí. Nghĩa là khổ loại trí nhẫn cùng căn tương ưng. Khổ loại trí, tập loại trí nhẫn cùng căn tương ưng. Trong đây tập loại trí, khổ loại trí nhẫn là tuệ căn vô lậu.

Căn này duyên nơi thuộc cõi sắc, vô sắc, không tương ưng với loại trí, do nhẫn không tương ưng với trí.

Cùng căn tương ưng: Là khổ loại trí nhẫn tương ưng với tám căn vô lậu. Căn này cũng duyên nơi thuộc cõi sắc, vô sắc, không tương ưng với loại trí nhưng tương ưng với nhẫn. Khổ loại trí cũng là tuệ căn vô lậu.

Căn này cũng duyên nơi thuộc cõi sắc, vô sắc, không tương ưng với loại trí, vì tự thể không tương ưng với tự thể. Tập loại trí nhẫn và căn tương ưng. Tập loại trí cũng như vậy.

2. Có căn vô lậu tương ưng với loại trí nhưng căn này không duyên nơi thuộc cõi sắc, vô sắc. Nghĩa là căn tương ưng với diệt đạo loại trí. Đây là diệt đạo loại trí tương ưng với tám căn vô lậu. Căn này không duyên nơi thuộc cõi sắc, vô sắc, nhưng duyên nơi pháp không hệ thuộc.

3. Có căn vô lậu duyên nơi thuộc cõi sắc, vô sắc, căn này cũng tương ưng với loại trí. Nghĩa là căn tương ưng với khổ tập loại trí. Đó là khổ tập loại trí tương ưng với tám căn vô lậu. Căn này duyên nơi thuộc cõi sắc, vô sắc, duyên nơi khổ, tập của cõi sắc, vô sắc.

4. Có căn vô lậu không duyên nơi thuộc cõi sắc, vô sắc, căn này cũng không tương ưng với loại trí. Nghĩa là khổ pháp trí nhẫn, khổ pháp trí và hai căn tương ưng. Tập pháp trí nhẫn, tập pháp trí và hai căn tương ưng. Diệt pháp trí nhẫn, diệt pháp trí và hai căn tương ưng. Diệt loại trí nhẫn và căn tương ưng. Diệt loại trí, đạo pháp trí nhẫn, đạo pháp trí và hai căn tương ưng. Đạo loại trí nhẫn và căn tương ưng.

Trong đây, đạo loại trí, khổ pháp trí nhẫn, khổ pháp trí đều là tuệ căn vô lậu. Căn này không duyên nơi thuộc cõi sắc, vô sắc nhưng duyên nơi thuộc cõi dục, cũng không tương ưng với loại trí, do nhẫn trí không tương ưng với trí.

Và hai căn tương ưng: Là khổ pháp trí nhẫn, khổ pháp trí tương ưng với tám căn vô lậu. Căn này không duyên nơi thuộc cõi sắc, vô sắc, nhưng duyên nơi thuộc cõi dục, cũng không tương ưng với loại trí nhưng tương ưng với nhẫn pháp trí. Tập pháp trí nhẫn, tập pháp trí và hai căn tương ưng cũng như vậy.

Diệt pháp trí nhẫn, diệt pháp trí đều là tuệ căn vô lậu. Căn này không duyên nơi thuộc cõi sắc, vô sắc, nhưng duyên nơi pháp không hệ thuộc, cũng không tương ưng với loại trí, do nhẫn trí không tương ưng với trí.

Và hai căn tương ưng: Là diệt pháp trí nhẫn, diệt pháp trí tương ưng với tám căn vô lậu. Căn này không duyên nơi thuộc cõi sắc, vô sắc, nhưng duyên nơi pháp không hệ thuộc, cũng không tương ưng với loại trí nhưng tương ưng với nhẫn pháp trí.

Đạo pháp trí nhẫn, đạo pháp trí cùng hai căn tương ưng cũng như vậy.

Diệt loại trí nhẫn là tuệ căn vô lậu. Căn này không duyên nơi thuộc cõi sắc, vô sắc, nhưng duyên nơi pháp không hệ thuộc, cũng không tương ưng với loại trí, do nhẫn không tương ưng với trí.

Và căn tương ưng: Là diệt loại trí nhẫn tương ưng với tám căn vô lậu. Căn này không duyên nơi thuộc cõi sắc, vô sắc, nhưng duyên nơi pháp không hệ thuộc, cũng không tương ưng với loại trí mà tương ưng với nhẫn.

Diệt loại trí cũng là tuệ căn vô lậu. Căn này không duyên nơi thuộc cõi sắc, vô sắc, nhưng duyên nơi pháp không hệ thuộc, cũng không tương ưng với loại trí, vì tự thể không tương ưng với tự thể.

Đạo loại trí nhẫn và căn tương ưng, đạo loại trí cũng như vậy.

***

* Pháp trí nên nói là pháp trí chăng? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Tại sao trong đây chỉ dựa vào hai trí là pháp trí, loại trí để tạo luận?

Đáp: Do người tạo luận có ý muốn như vậy. Tùy theo ý muốn ấy để tạo luận, miễn là không trái với pháp tánh tức không nên vấn nạn. Ý của người tạo luận muốn dựa vào hai trí để tạo luận, liền dựa theo đó để tạo. Nghĩa là pháp trí và loại trí, như nơi chương Trí Uẩn ở trước.

Tùy theo ý của Luận giả muốn dựa vào hai trí để tạo luận. Nghĩa là tha tâm trí và túc trụ tùy niệm trí, như nơi chương Định Uẩn ở sau.

Tùy theo ý của Luận giả cũng dựa vào hai trí để tạo luận. Nghĩa là tận trí và vô sinh trí, như trước uẩn này.

Tùy theo ý của Luận giả muốn dựa vào bốn trí để tạo luận. Nghĩa là khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí, như nơi chương Kiết Uẩn ở trước.

Tùy theo ý của Luận giả muốn dựa vào tám trí để tạo luận. Nghĩa là pháp trí, loại trí, tha tâm trí, thế tục trí, khổ, tập, diệt, đạo trí, như nơi phẩm đã nhận biết.

Tùy theo ý của Luận giả dựa vào mười trí để tạo luận. Nghĩa là tám trí ở trước và tận trí, vô sinh trí. Ví như thợ đồ gốm thiện xảo, dùng đất sét nhuyễn đặt lên bánh xe, tùy ý quay, uốn nắn để thành nhiều thứ đồ dùng, đối với phương cách công xảo không hề trái phạm. Cũng vậy, người khéo tạo luận dùng văn tư tuệ, hành nơi cảnh của đối tượng nhận biết soi sáng rõ, dứt trừ tối tăm. Sau đấy, tùy ý muốn tạo nhiều thứ luận, đối với tánh của các pháp cũng không hề chống trái.

Có thuyết nói: Chỉ pháp trí, loại trí, chúng không cùng gồm thâu nhau, cũng cùng duyên khắp, nhưng không cùng tiếp nhận cảnh. Nghĩa là pháp của bốn Thánh đế là hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi.

Có thuyết nêu: Do pháp trí, loại trí gồm thâu tất cả trí vô lậu, chúng đều là căn bản.

Có thuyết cho: Hai trí pháp, loại tạo nên sự khác biệt nơi duyên hợp. Nghĩa là pháp trí duyên nơi bên dưới, loại trí duyên nơi bên trên.

Do những duyên ấy, nên chỉ dựa vào hai trí này để tạo luận.

Hỏi: Pháp trí nên nói là pháp trí chăng? Nên nói là loại trí, tha tâm trí, thế tục trí, khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí chăng?

Đáp: Nên nói là pháp trí, hoặc tha tâm trí, khổ, tập, diệt, đạo trí.

Nên nói là pháp trí: Nghĩa là nhận biết các hành nơi cõi dục, nhân của các hành, các hành được diệt trừ, đạo đối trị của các hành.

Hoặc tha tâm trí: Nghĩa là nhận biết tâm tâm sở pháp của người khác nơi đạo đối trị các hành của cõi dục.

Hoặc khổ trí: Nghĩa là nhận biết các hành nơi cõi dục là tướng vô thường, tướng khổ, tướng không, tướng vô ngã.

Hoặc tập trí: Nghĩa là nhận biết nhân của các hành nơi cõi dục là tướng nhân, tướng tập, tướng sinh, tướng duyên.

Hoặc diệt trí: Nghĩa là nhận biết các hành nơi cõi dục được diệt trừ là tướng diệt, tướng tĩnh, tướng diệu, tướng lìa.

Hoặc đạo trí: Nghĩa là nhận biết đạo đối trị các hành nơi cõi dục là tướng đạo, tướng như, tướng hành, tướng xuất.

Hiển bày về tự tánh rồi nên làm sáng tỏ về địa.

Hỏi: Pháp trí nên nói là có tầm có tứ, không tầm chỉ có tứ, không tầm không tứ chăng?

Đáp: Nên nói cả ba thứ. Nghĩa là tại vị chí nơi tĩnh lự thứ nhất gọi là có tầm có tứ. Ở tĩnh lự trung gian gọi là không tầm chỉ có tứ. Nơi ba tĩnh lự trên gọi là không tầm không tứ.

Hiển bày về địa xong, nên làm sáng tỏ sự tương ưng.

Hỏi: Pháp trí nên nói là tương ưng với lạc căn, với hỷ căn, với xả căn chăng?

Đáp: Nên nói là tương ưng với cả ba. Ở tĩnh lự thứ ba tương ưng với lạc căn. Ở tĩnh lự thứ nhất, thứ hai tương ưng với hỷ căn. Ở vị chí tĩnh lự trung gian, tĩnh lự thứ tư tương ưng với xả căn.

Hiển bày về sự tương ưng xong, nên làm sáng tỏ về hành tướng.

Hỏi: Pháp trí nên nói là tương ưng với không, vô tướng, vô nguyện chăng?

Đáp: Nên nói là tương ưng với cả ba. Nghĩa là hai hành tướng tương ưng với không. Bốn hành tướng tương ưng với vô tướng. Mười hành tướng tương ưng với vô nguyện.

Hiển bày về hành tướng xong, nên làm sáng tỏ về đối tượng duyên.

Hỏi: Pháp trí nên nói là duyên nơi thuộc cõi dục, thuộc cõi sắc, thuộc cõi vô sắc, duyên nơi không hệ thuộc chăng?

Đáp: Nên nói là duyên nơi thuộc cõi dục, hoặc không hệ thuộc.

Duyên nơi thuộc cõi dục: Là khổ, tập, pháp trí.

Duyên nơi không hệ thuộc: Là diệt, đạo, pháp trí.

Hỏi: Loại trí nên nói là loại trí chăng? Nên nói là pháp trí, tha tâm trí, thế tục trí, khổ, tập, diệt, đạo trí chăng?

Đáp: Nên nói là loại trí, hoặc tha tâm trí, khổ, tập, diệt, đạo trí.

Nên nói là loại trí: Nghĩa là nhận biết các hành nơi cõi sắc, vô sắc, nhân của các hành, các hành được diệt, đạo đối trị của các hành.

Hoặc tha tâm trí: Nghĩa là nhận biết tâm tâm sở pháp của người khác nơi đạo vô lậu đối trị các hành thuộc cõi sắc, vô sắc.

Hoặc khổ trí: Nghĩa là nhận biết các hành nơi cõi sắc, vô sắc với bốn thứ tướng như vô thường v.v…

Hoặc tập trí: Nghĩa là nhận biết nhân của các hành nơi cõi sắc, vô sắc với bốn thứ tướng như nhân v.v…

Hoặc diệt trí: Nghĩa là nhận biết các hành được diệt nơi cõi sắc, vô sắc với bốn thứ tướng như diệt v.v…

Hoặc đạo trí: Nghĩa là nhận biết đạo đối trị các hành nơi cõi sắc, vô sắc với bốn thứ tướng như đạo v.v…

Hiển bày về tự tánh xong, nên làm sáng tỏ về địa.

Hỏi: Loại trí nên nói là có tầm có tứ, không tầm chỉ có tứ, không tầm không tứ chăng?

Đáp: Nên nói cả ba thứ. Nghĩa là tại vị chí nơi tĩnh lự thứ nhất gọi là có tầm có tứ. Ở tĩnh lự trung gian gọi là không tầm chỉ có tứ. Ở ba tĩnh lự trên và ba vô sắc dưới gọi là không tầm không tứ.

Hiển bày về địa xong, nên làm sáng tỏ về sự tương ưng.

Hỏi: Loại trí nên nói là tương ưng với lạc căn, với hỷ căn, với xả căn chăng?

Đáp: Nên nói là tương ưng cả ba thứ. Ở tĩnh lự thứ ba tương ưng với lạc căn. Ở tĩnh lự thứ nhất, thứ hai tương ưng với hỷ căn. Ở vị chí, tĩnh lự trung gian, tĩnh lự thứ tư, ba vô sắc dưới tương ưng với xả căn.

Hiển bày về sự tương ưng xong, nên làm sáng tỏ hành tướng.

Hỏi: Loại trí nên nói là tương ưng với không, vô tướng, vô nguyện chăng?

Đáp: Nên nói là tương ưng với cả ba thứ. Nghĩa là hai hành tướng tương ưng với không. Bốn hành tướng tương ưng với vô tướng. Mười hành tướng tương ưng với vô nguyện.

Hiển bày về sự tương ưng xong, nên làm sáng tỏ về đối tượng duyên.

Hỏi: Loại trí nên là duyên nơi thuộc cõi dục, thuộc cõi sắc, thuộc cõi vô sắc, duyên nơi không hệ thuộc chăng?

Đáp: Nên nói là duyên nơi thuộc cõi sắc, thuộc cõi vô sắc, hoặc không hệ thuộc.

Duyên nơi thuộc cõi sắc, vô sắc: Là khổ, tập, loại trí.

Duyên không hệ thuộc: Là diệt, đạo, loại trí.

***

* Thời tâm giải thoát nên nói là căn học đạt được, căn vô học đạt được? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn giải thích nghĩa của Khế kinh. Như Đức Phật bảo Tôn giả A-nan-đà: “Các Bí-sô không nên ưa thích ở chốn ồn ào. Nếu ưa thích nơi chốn ấy thì đối với thời ái tâm giải thoát, hoặc đối với bất thời, bất động tâm giải thoát, thân tác chứng, có thể an trụ đầy đủ, là điều không thể có. Nếu có Bí-sô không ưa thích ở nơi chốn ồn ào nhưng ưa thích nơi chốn vắng lặng, thì đối với thời ái tâm giải thoát, hoặc đối với bất thời, bất động tâm giải thoát, thân tác chứng, có thể an trụ đầy đủ, là điều có thể có”.

Kinh kia tuy nói hai thứ giải thoát, nhưng không phân biệt về tự tánh của hai thứ ấy, cũng chưa từng làm rõ do căn nào đạt được. Trước, trong chương Trí Uẩn tuy đã hiển bày tự tánh của giải thoát, nhưng chưa làm sáng tỏ chỗ đạt được. Nay muốn làm sáng tỏ chỗ đạt được ấy nên tạo ra phần Luận này.

Có thuyết nói: Là để ngăn chận thuyết của kẻ khác. Nghĩa là hoặc có lối chấp: Thời tâm giải thoát là hữu học, có tạo tác, tạo tác chưa xong. Bất động tâm giải thoát là vô học, là không tạo tác, là tạo tác xong. Nhằm ngăn chận các thứ chấp ấy, hiển bày hai thứ giải thoát đều là vô học, mọi tạo tác đã xong.

Hoặc lại có lối chấp: Thời tâm giải thoát là hữu lậu, bất động tâm giải thoát là vô lậu. Để ngăn chận ý tưởng đó làm sáng tỏ hai thứ giải thoát đều là vô lậu.

Hoặc lại có lối chấp: Thời tâm giải thoát là hữu vi, bất động tâm giải thoát là vô vi. Nhằm ngăn chận lối chấp ấy và làm sáng tỏ hai giải thoát đều là hữu vi.

Vì những duyên ấy nên tạo ra phần Luận này.

Trong các pháp, chỉ có hai pháp là tự tánh của giải thoát: Nghĩa là trong pháp hữu vi chỉ có thắng giải, trong pháp vô vi chỉ có trạch diệt. Thắng giải kia là tâm sở nơi pháp đại địa luôn tương ưng với tâm. Trạch diệt kia là lìa mọi trói buộc, là thắng nghĩa thiện nơi Niếtbàn thường trụ.

Thắng giải có hai thứ là nhiễm và không nhiễm. Nhiễm là thắng giải tà, tức tương ưng với tùy phiền não, phiền não như tham v.v… Không nhiễm là thắng giải chánh, tức tương ưng với các pháp thiện như tín v.v…

Thắng giải chánh này lại có hai thứ là hữu lậu và vô lậu. Hữu lậu là tương ưng với quán bất tịnh, trì tức niệm (Quán sổ tức) vô lượng, thắng xứ, biến xứ. Vô lậu lại có hai: Là học, vô học. Học là thắng giải vô lậu trong thân bảy Thánh. Vô học là thắng giải vô lậu trong thân A-la-hán.

Thắng giải vô học lại có hai thứ: Thời tâm giải thoát và bất thời tâm giải thoát. Thời tâm giải thoát là thắng giải vô lậu trong thân của năm bậc A-la-hán. Bất thời tâm giải thoát là thắng giải vô lậu trong thân A-la-hán pháp bất động. Hai thứ này cũng gọi là tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Do lìa tham nên gọi là tâm giải thoát. Do lìa vô minh nên gọi là tuệ giải thoát.

Hỏi: Nếu thắng giải này lìa tham nên gọi là tâm giải thoát, lìa vô minh nên gọi là tuệ giải thoát, thì trong Luận Tập Dị Môn nói làm sao thông suốt? Như nói: Thế nào là lìa tham nên tâm được giải thoát? Đáp: Là căn thiện không tham đối trị tham. Thế nào là lìa vô minh nên tuệ được giải thoát? Đáp: Là căn thiện không si đối trị si. Do đấy nên nói Thể của hai giải thoát là căn thiện, không phải là thắng giải.

Đáp: Văn kia nên nói như thế này: Thế nào là lìa tham nên tâm được giải thoát? Đáp: Là căn thiện không tham tương ưng với tâm thắng giải, có thể chấp nhận được. Tức ở đây gọi là Thời tâm giải thoát. Thế nào là lìa vô minh nên tuệ được giải thoát? Đáp: Là căn thiện không si tương ưng với tâm thắng giải, có thể chấp nhận được. Tức ở đây gọi là Bất động tâm giải thoát. Nhưng không nói như vậy là có ý gì chăng? Đáp: Đây là căn cứ theo nơi nương dựa để làm sáng tỏ thắng giải. Nghĩa là dựa vào không tham nên tâm được giải thoát khỏi tham. Dựa vào không si nên tâm được giải thoát khỏi si. Nhưng thể của tâm giải thoát là thắng giải.

Hỏi: Thời tâm giải thoát nên nói là căn học được, căn vô học được, hay căn học – vô học được?

Đáp: Nên nói là căn học – vô học được.

Căn học được: Là căn câu sinh của đạo vô gián.

Căn vô học được: Là căn câu sinh của đạo giải thoát.

Lại, căn học được: Là căn câu sinh của hướng đạo. Căn vô học được: Là căn câu sinh của quả đạo.

Lại, căn học được: Là căn nơi phẩm câu sinh của định kim cang dụ. Căn vô học được: Là căn nơi phẩm câu sinh của tận trí.

Lại, căn học được: Là dĩ tri căn. Căn vô học được: Là cụ tri căn.

Lại, căn học được: Là căn câu sinh của tu đạo. Căn vô học được: Là căn câu sinh của đạo vô học.

Địa tu, địa vô học cũng như vậy.

Hỏi: Bất động tâm giải thoát nên nói là căn học được, căn vô học được, hay căn học – vô học được?

Đáp: Nếu vốn được bất động nên nói là căn học – vô học được. Nếu A-la-hán thời giải thoát được bất động nên nói là căn vô học được.

Căn học – vô học được: Nói rộng như trước.

Căn vô học được: Là đạo vô gián, đạo giải thoát kia đều thuộc vô học.

Hỏi: Tất cả kiết đều dứt hết, nên nói là căn học được, căn vô học được, hay căn học – vô học được?

Đáp: Nên nói là căn học – vô học được, nói rộng như trước.

Hỏi: Trong văn đây, vì sao không nói như: Bất động tâm giải thoát?

Đáp: Văn ở đây cũng nên nói như thế này: Nếu mới chứng đắc tất cả kiết dứt hết, nên nói là căn học – vô học được. Nếu A-la-hán thời giải thoát đạt được bất động, chứng đắc kiết dứt hết, nên nói là căn vô học được. Nhưng không nói như vậy là có ý gì? Đáp: Giải thoát có hai: Hữu vi và vô vi. Hai thứ tâm giải thoát là hữu vi. Tất cả kiết dứt hết là vô vi. Giải thoát hữu vi có hạ, trung, thượng. Chỗ được ban đầu khác, chỗ được về sau khác, nên nói có khác nhau. Giải thoát vô vi không có hạ, trung, thượng. Chỗ đạt được sau giống như ban đầu, nên không nói riêng.

***

Hỏi: Dùng đạo vô gián chứng quả Dự lưu, đạo này nên nói là tương ưng với pháp trí hay là tương ưng với loại trí, tha tâm trí, thế tục trí, khổ, tập, diệt, đạo trí? Nên nói là có tầm có tứ, không tầm chỉ có tứ, hay không tầm không tứ? Nên nói là tương ưng với lạc căn, hỷ căn, xả căn chăng? Nên nói là tương ưng với không, vô tướng, vô nguyện chăng? Nên nói là duyên nơi thuộc cõi dục, thuộc cõi sắc, thuộc cõi vô sắc, hay duyên nơi không hệ thuộc?

Đáp: Dùng đạo vô gián chứng quả Dự lưu, đạo này nên nói tương ưng với nhẫn, có tầm có tứ, tương ưng với xả căn, tương ưng với vô nguyện, duyên nơi không hệ thuộc.

Tương ưng với nhẫn: Là đạo loại trí nhẫn cùng kết hợp.

Có tầm có tứ: Là chỉ dựa vào địa vị chí.

Tương ưng với xả căn: Là địa vị chí chỉ có xả thọ.

Tương ưng với vô nguyện: Là cùng kết hợp với đạo vô nguyện.

Duyên nơi không hệ thuộc: Tức phẩm loại trí làm đối tượng duyên.

Hỏi: Dùng đạo vô gián chứng quả Nhất lai, đạo này nên nói là tương ưng với pháp trí hay tương ưng với loại trí, tha tâm trí, thế tục trí, khổ, tập, diệt, đạo trí? nên nói là có tầm có tứ, không tầm chỉ có tứ, không tầm không tứ chăng? Nên nói là tương ưng với lạc căn, hỷ căn, xả căn chăng? Nên nói là tương ưng với không, vô tướng, vô nguyện chăng? Nên nói là duyên nơi thuộc cõi dục, thuộc cõi sắc, thuộc cõi vô sắc, hay duyên nơi không hệ thuộc?

Đáp: Nếu lìa nhiễm dục gấp bội, nhập chánh tánh ly sanh, như nói về phần chứng quả Dự lưu.

Nếu từ quả Dự lưu dùng đạo thế tục chứng quả Nhất lai, đạo này nên nói tương ưng với thế tục trí, có tầm có tứ, tương ưng với xả căn, duyên nơi thuộc cõi dục.

Tương ưng với thế tục trí: Là ba hành tướng như thô v.v… tùy một chuyển.

Không cùng với không v.v… tương ưng: Tức nó chỉ là vô lậu.

Duyên nơi thuộc cõi dục: Tức năm uẩn nơi cõi dục làm đối tượng duyên.

Phần còn lại như trước đã nói.

Nếu từ quả Dự lưu dùng đạo vô lậu chứng quả Nhất lai, đạo này nên nói là tương ưng với pháp trí, hoặc tương ưng với khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí, có tầm có tứ, tương ưng với xả căn, tương ưng hoặc với không, vô tướng, vô nguyện, hoặc duyên nơi thuộc cõi dục, hoặc duyên nơi không hệ thuộc.

Tương ưng với pháp trí: Là tương ưng với tùy một pháp trí trong bốn pháp trí. Hoặc tương ưng với khổ trí: Là tương ưng với khổ pháp trí. Cho đến hoặc tương ưng với đạo trí: Là tương ưng với đạo pháp trí.

Hoặc tương ưng với không: Là tương ưng với hai hành tướng. Hoặc tương ưng với vô tướng: Là tương ưng với bốn hành tướng. Hoặc tương ưng với vô nguyện: Là tương ưng với mười hành tướng.

Hoặc duyên nơi thuộc cõi dục: Là khổ, tập pháp trí. Hoặc duyên nơi không hệ thuộc: Là diệt, đạo pháp trí.

Phần còn lại như trước đã nói.

Hỏi: Dùng đạo vô gián chứng quả Bất hoàn, đạo này nên nói là tương ưng với pháp trí hay tương ưng với loại trí, tha tâm trí, thế tục trí, khổ, tập, diệt, đạo trí? Nên nói là có tầm có tứ, không tầm chỉ có tứ, không tầm không tứ chăng? Nên nói là tương ưng với lạc căn, hỷ căn, xả căn chăng? Nên nói là tương ưng với không, vô tướng, vô nguyện chăng? Nên nói là duyên nơi thuộc cõi dục, thuộc cõi sắc, thuộc cõi vô sắc, hay duyên nơi không hệ thuộc?

Đáp: Nếu đã lìa nhiễm dục, nhập chánh tánh ly sanh, đạo này nên nói là tương ưng với nhẫn, có tầm có tứ, hoặc không tầm chỉ có tứ, hoặc không tầm không tứ, hoặc tương ưng với lạc căn, hỷ căn, xả căn, tương ưng với vô nguyện, duyên nơi không hệ thuộc.

Hoặc có tầm có tứ: Là dựa vào vị chí nơi tĩnh lự thứ nhất. Hoặc không tầm chỉ có tứ: Là dựa vào tĩnh lự trung gian. Hoặc không tầm không tứ: Là dựa vào ba tĩnh lự trên.

Hoặc tương ưng với lạc căn: Là dựa vào tĩnh lự thứ ba. Hoặc tương ưng với hỷ căn: Là dựa vào tĩnh lự thứ nhất, thứ hai. Hoặc tương ưng với xả căn: Là dựa vào vị chí, tĩnh lự trung gian, Tĩnh lự thứ tư.

Phần còn lại như trước đã nói.

Nếu từ quả Nhất lai dùng đạo thế tục chứng quả Bất hoàn: Như đã nói dùng đạo thế tục chứng quả Nhất lai.

Nếu từ quả Nhất lai dùng đạo vô lậu chứng quả Bất hoàn: Như đã nói dùng đạo vô lậu chứng quả Nhất lai.

Hỏi: Dùng đạo vô gián chứng quả A-la-hán, đạo này nên nói là tương ưng với pháp trí hay tương ưng với loại trí, tha tâm trí, thế tục trí, khổ, tập, diệt, đạo trí? Nên nói là có tầm có tứ, không tầm chỉ có tứ, không tầm không tứ chăng? Nên nói là tương ưng với lạc căn, hỷ căn, xả căn chăng? Nên nói là tương ưng với không, vô tướng, vô nguyện chăng? Nên nói là duyên nơi thuộc cõi dục, thuộc cõi sắc, thuộc cõi vô sắc, hay duyên nơi không hệ thuộc?

Đáp: Đạo này nên nói hoặc tương ưng với pháp trí, hoặc tương ưng với loại trí, hoặc tương ưng với khổ, tập, diệt, đạo trí, hoặc có tầm có tứ, hoặc không tầm chỉ có tứ, hoặc không tầm không tứ, hoặc tương ưng với lạc căn, hỷ căn, xả căn, hoặc tương ưng với không, vô tướng, vô nguyện, hoặc duyên nơi thuộc cõi vô sắc, hoặc duyên nơi không hệ thuộc.

Hoặc tương ưng với pháp trí: Là tương ưng với diệt đạo pháp trí, tùy một thứ. Hoặc tương ưng với loại trí: Là tương ưng với tùy một trong bốn thứ loại trí. Hoặc tương ưng với khổ, tập trí: Là tương ưng với khổ tập loại trí. Hoặc tương ưng với diệt, đạo trí: Là tương ưng với diệt đạo pháp loại trí.

Hoặc có tầm có tứ: Là dựa vào vị chí nơi tĩnh lự thứ nhất. Hoặc không tầm chỉ có tứ: Là dựa vào tĩnh lự trung gian. Hoặc không tầm không tứ: Là dựa vào ba tĩnh lự trên, ba vô sắc dưới.

Hoặc tương ưng với lạc căn: Là dựa vào tĩnh lự thứ ba. Hoặc tương ưng với hỷ căn: Là dựa vào tĩnh lự thứ nhất, thứ hai. Hoặc tương ưng với xả căn: Là dựa vào vị chí, tĩnh lự trung gian, tĩnh lự thứ tư, ba vô sắc dưới.

Hoặc tương ưng với không: Là tương ưng với hai hành tướng. Hoặc tương ưng với vô tướng: Là tương ưng với bốn hành tướng. Hoặc tương ưng với vô nguyện: Là tương ưng với mười hành tướng.

Hoặc duyên nơi thuộc cõi vô sắc: Là khổ tập loại trí duyên nơi khổ tập của Hữu đảnh. Hoặc duyên nơi không hệ thuộc: Là diệt đạo pháp loại trí duyên nơi diệt của ba cõi và đạo có thể đối trị.

Hỏi: Khi được quả Dự lưu có bao nhiêu căn vĩnh viễn đoạn, diệt khởi?

Đáp: Không có căn vĩnh viễn đoạn, bảy căn diệt khởi, một diệt không khởi, một khởi không diệt, khi được quả Dự lưu.

Bảy căn diệt khởi: Là ý căn, xả căn và năm căn như tín v.v… Diệt là bảy căn này thuộc về đạo vô gián. Khởi là bảy căn này thuộc về đạo giải thoát. Lại, diệt là thuộc về hướng đạo, khởi là thuộc về quả đạo. Lại, diệt là thuộc đạo loại trí nhẫn phẩm, khởi là thuộc đạo loại trí phẩm. Lại, diệt là vi tri đương tri căn cùng sinh, khởi là dĩ tri căn cùng sinh. Lại, diệt là thuộc kiến đạo, khởi là thuộc tu đạo. Địa kiến, địa tu cũng như vậy.

Một diệt không khởi: Là vị tri đương tri căn.

Một khởi không diệt: Là dĩ tri căn.

Hỏi: Khi được quả Nhất lai có bao nhiêu căn vĩnh viễn đoạn, diệt khởi?

Đáp: Nếu lìa nhiễm dục gấp bội, nhập chánh tánh ly sanh, tức như đã nói về phần chứng quả Dự lưu.

Nếu từ quả Dự lưu dùng đạo thế tục chứng quả Nhất lai: Không có căn vĩnh viễn đoạn, có bảy căn diệt khởi khi đạt được quả Nhất lai. Bảy căn diệt khởi là bảy căn như trước đã nói. Diệt là bảy căn ấy thuộc về đạo vô gián, khởi là bảy căn ấy thuộc về đạo giải thoát. Lại, diệt là thuộc hướng đạo, khởi là thuộc quả đạo.

Nếu từ quả Dự lưu dùng đạo vô lậu chứng quả Nhất lai: Không có căn vĩnh viễn đoạn, tám căn diệt khởi khi đạt được quả Nhất lai. Tám căn diệt khởi là bảy căn nêu trước thêm dĩ tri căn. Diệt, khởi, nghĩa như đã nói ở trước.

Hỏi: Khi được quả Bất hoàn có bao nhiêu căn vĩnh viễn đoạn, diệt khởi?

Đáp: Nếu đã lìa nhiễm dục, nhập chánh tánh ly sanh, không có căn vĩnh viễn đoạn, có bảy căn diệt khởi, một diệt không khởi, một khởi không diệt, khi được quả Bất hoàn.

Bảy căn diệt khởi: Là bảy căn gồm năm căn như tín v.v… và ý căn, cùng lạc, hỷ, xả căn tùy một.

Phần còn lại như nói về quả Dự lưu.

Nếu từ quả Nhất lai dùng đạo thế tục chứng quả Bất hoàn, không nhập tĩnh lự: Có bốn căn vĩnh viễn đoạn, bảy căn diệt khởi, khi được quả Bất hoàn.

Bốn căn vĩnh viễn đoạn: Là năm, nữ, khổ, ưu căn.

Bảy căn diệt khởi: Là ý căn, xả căn và năm căn như tín v.v… Diệt, khởi về nghĩa như nói từ quả Dự lưu được quả Nhất lai.

Nếu nhập tĩnh lự: Có bốn căn vĩnh viễn đoạn, sáu căn diệt khởi, một diệt không khởi, một khởi không diệt, khi được quả Bất hoàn.

Bốn căn vĩnh viễn đoạn: Là năm, nữ, khổ, ưu căn.

Sáu căn diệt khởi: Là ý căn và năm căn như tín v.v…

Diệt, khởi về nghĩa như nói ở trước.

Một diệt không khởi: Là xả căn.

Một khởi không diệt: Là hỷ căn.

Nếu từ quả Nhất lai dùng đạo vô lậu chứng đắc quả Bất hoàn, không nhập tĩnh lự: Có bốn căn vĩnh viễn đoạn, tám căn diệt khởi, khi được quả Bất hoàn.

Tám căn diệt khởi: Là năm căn như tín v.v…, ý căn, xả căn và dĩ tri căn.

Phần còn lại như trước đã nói.

Nếu nhập tĩnh lự: Có bốn căn vĩnh viễn đoạn, bảy căn diệt khởi, một diệt không khởi, một khởi không diệt, khi được quả Bất hoàn.

Bảy căn diệt khởi: Là năm căn như tín v.v…, ý căn và dĩ tri căn. Phần còn lại như chỗ nói dùng đạo thế tục chứng quả Bất hoàn.

Hỏi: Lìa nhiễm của cõi dục nơi đạo giải thoát thứ chín, ai nhập tĩnh lự, ai không nhập?

Đáp: Ai có chỗ dựa sức mạnh thì nhập, ai có chỗ dựa sức yếu thì không nhập.

Có thuyết nêu: Chỗ dựa sức yếu thì nhập, vì nuôi lớn chỗ dựa. Chỗ dựa sức mạnh thì không nhập, vì không nuôi lớn chỗ dựa.

Có thuyết cho: Người vui nhiều thì nhập, kẻ chán nhiều thì không nhập.

Có thuyết biện: Nhiều hỷ lạc thì nhập, nhiều ưu khổ thì không nhập.

Có thuyết nói: Dùng diệt đạo trí lìa nhiễm dục thì nhập. Dùng khổ tập trí lìa nhiễm dục thì không nhập.

Có thuyết nêu: Dùng vô nguyện của đạo vô tướng lìa nhiễm dục thì nhập. Dùng vô nguyện của không, khổ, tập lìa nhiễm dục thì không nhập.

Có thuyết cho: Người chán pháp cõi dục, lìa nhiễm dục thì nhập. Người chán pháp ba cõi, lìa nhiễm dục thì không nhập.

Có thuyết biện: Vì cầu tĩnh lự nên lìa nhiễm thì nhập. Vì cầu giải thoát nên lìa nhiễm thì không nhập.

Có thuyết cho: Người lợi căn thì nhập. Kẻ độn căn thì không nhập.

Như lợi căn, độn căn, sức của nhân, sức của duyên, phần nội lực, phần ngoại lực, lực chánh tư duy bên trong, lực nghe chánh pháp bên ngoài, nên biết cũng như vậy.

Hỏi: Khi được quả A-la-hán có bao nhiêu căn vĩnh viễn đoạn, diệt khởi?

Đáp: Nếu dựa vào định vị chí chứng quả A-la-hán: Có một căn vĩnh viễn đoạn, bảy căn vĩnh viễn đoạn, diệt khởi, một diệt không khởi, một khởi không diệt, khi được quả A-la-hán.

Một căn vĩnh viễn đoạn: Là mạng căn.

Bảy căn vĩnh viễn đoạn, diệt khởi: Là năm căn như tín v.v… và ý căn, xả căn. Vĩnh viễn đoạn là thuộc hữu lậu. Diệt là thuộc đạo vô gián. Khởi là thuộc đạo giải thoát.

Lại, vĩnh viễn đoạn là thuộc thế tục. Diệt là thuộc hướng đạo. Khởi là thuộc quả đạo.

Lại, vĩnh viễn đoạn là thuộc phi học phi vô học. Diệt là thuộc học. Khởi là thuộc vô học.

Lại, vĩnh viễn đoạn là thuộc Hữu đảnh. Diệt là thuộc phẩm câu sinh của định kim cang dụ. Khởi là thuộc phẩm câu sinh của tận trí.

Lại, vĩnh viễn đoạn là thuộc tu đạo đoạn. Diệt là thuộc dĩ tri căn. Khởi là thuộc cụ tri căn.

Lại, vĩnh viễn đoạn là thuộc cõi vô sắc gồm thâu. Diệt là thuộc địa tu đạo. Khởi là thuộc địa vô học đạo.

Một diệt không khởi: Là dĩ tri căn.

Một khởi không diệt: Là cụ tri căn.

Như dựa vào định vị chí, dựa vào tĩnh lự trung gian, tĩnh lự thứ tư và ba định vô sắc cũng như vậy.

Nếu dựa vào tĩnh lự thứ nhất, chứng A-la-hán: Có hai căn vĩnh viễn đoạn, sáu căn vĩnh viễn đoạn, diệt khởi, một căn diệt khởi, một căn diệt không khởi, một căn khởi không diệt, khi được quả A-la-hán.

Hai căn vĩnh viễn đoạn: Là mạng căn, xả căn.

Sáu căn vĩnh viễn đoạn, diệt khởi: Là ý căn và năm căn như tín

v.v… Vĩnh viễn đoạn, diệt khởi, về nghĩa như nói ở trước.

Một căn diệt khởi: Là hỷ căn.

Một căn diệt không khởi: Là dĩ tri căn.

Một căn khởi không diệt: Là cụ tri căn.

Như dựa vào tĩnh lự thứ nhất, dựa vào tĩnh lự thứ hai, thứ ba cũng như vậy. Nhưng có khác là dựa vào tĩnh lự thứ ba, nên nói lạc căn là khởi diệt.

HẾT – QUYỂN 148