LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 147

Chương 6: CĂN UẨN

Phẩm 2: BÀN VỀ HỮU, phần 1

* Dục hữu tương tục đầu tiên có được bao nhiêu căn do nghiệp sinh?

Các chương như vậy và giải thích của chương, đã lãnh hội rồi nên phân biệt rộng. Nhưng có thanh, mục nhiều nghĩa, như trước đã nói rộng. Ở đây, nói tiếp về số hữu tình của chúng đồng phần là năm uẩn, gọi là hữu, tương tục có năm, cũng như trước đã nói. Trong phần này nương vào hai thứ tương tục để tạo luận, nghĩa là trung hữu tương tục, sinh hữu tương tục.

Hỏi: Dục hữu tương tục đầu tiên có được bao nhiêu căn do nghiệp sinh?

Đáp: Noãn sinh, Thai sinh, Thấp sinh được hai, là thân căn, mạng căn.

Hỏi: Đầu tiên, phần vị Yết-la-lam cũng được sắc căn khác chăng? Nếu được, làm sao trong khoảnh khắc ít ỏi liền được từng ấy căn? Lại, ở đây vì sao không nói? Còn như nơi Tỳ-nại-da nói làm sao thông? Như nói: Ở trong bụng mẹ, trước được hai căn, là thân căn và mạng căn. Nếu tổn hại chúng, cho đến nói rộng. Còn nếu không được, thì vì sao kinh nói: Thiên nhãn nhìn xem biết là nam hay nữ?

Đáp: Có thể nói là cũng được.

Hỏi: Làm sao trong khoảnh khắc ít ỏi liền được từng ấy căn như vậy?

Đáp: Lúc ấy, tuy không có các tướng của sắc căn, nhưng đã có đủ chủng tử của căn ấy. Như lắng nước muối trong trộn với váng sữa, mật, đường phèn, rượu rồi để vào bình, dùng cộng cỏ chấm lấy một giọt nơi chất hòa hợp ấy thì trong đó có đủ các vị của muối v.v… Phần vị Yết-la-lam nên biết cũng như vậy. Tất cả chủng tử của sắc căn đều có đủ.

Hỏi: Nếu như vậy vì sao trong đây không nói?

Đáp: Đáng lẽ nói nhưng không nói nên biết là nghĩa ấy nêu bày chưa trọn vẹn.

Có thuyết nêu: Ở đây nói là đều được. Còn những thứ được khác thì bất định, do vậy không nói. Như người sinh ra đã bị mù không có mắt.

Hỏi: Còn như nơi Tỳ-nại-da nói làm sao thông?

Đáp: Ở đấy nói là khả năng duy trì các căn khác. Nghĩa là thân căn có khả năng giữ lấy các sắc căn khác. Mạng căn có khả năng giữ lấy những thứ không phải là sắc căn khác, thế nên nói riêng.

Có thuyết nói: Ở phần vị đó không được các sắc căn khác.

Hỏi: Thế thiên nhãn làm sao nhìn biết nam hay nữ?

Đáp: Khi là Yết-la-lam, tuy chưa có nam, nữ căn, nhưng có tướng nam, nữ. Do quán tướng ấy nên biết là nam, nữ. Vì sao? Vì không phải Yết-la-lam đã có hai căn nam nữ để có thể nói là xem được.

Có Sư khác cho: Căn cứ nơi kinh nên biết. Kinh nói: Nếu thai là nam thì lưng nó dựa vào hông bên phải của mẹ ngồi xổm. Nếu thai là nữ thì bụng nó dựa vào hông bên trái của mẹ ngồi xổm. Người được thiên nhãn quán chỗ khác nhau đó, căn cứ vào kinh để nói.

Hoặc có thuyết cho: Quán trung hữu nên biết. Nghĩa là thiên nhãn quán phần vị sau của trung hữu. Nếu là nam, khi vào thai mẹ thì biết Yết-la-lam ấy là trai, không phải là gái. Nếu là nữ, lại biết phần vị ấy là nữ, không phải là nam. Như thế nên nói: Phần vị Yết-la-lam chưa được sắc căn khác. Phần vị Bát-la-xa-khư mới có được.

Hóa sinh được sáu, hoặc bảy, hoặc tám. Không hình được sáu. Nghĩa là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, mạng căn. Một hình có bảy, tức là sáu căn thêm một căn hoặc nam hay nữ. Hai hình có tám tức sáu căn thêm nam, nữ căn.

Hỏi: Những vô sắc căn khác, khi ấy cũng được là ý căn, năm thọ, năm căn như tín v.v…, vì sao trong đây không nói?

Đáp: Đáng lẽ nói nhưng trong đây không nói nên biết là nghĩa ấy nêu bày chưa trọn vẹn.

Có thuyết nói: Khi ấy, được tất cả thì trong đây nói. Còn vô sắc căn khác tuy có được, nhưng không phải là tất cả, do vậy nên không nói. Nghĩa là khi ở địa trên mất, sinh xuống địa dưới, tuy được căn ấy, nhưng từ địa mình mất sinh trở lại nơi địa mình, các căn đều không được, thế nên không nói.

Có thuyết cho: Trong đây chỉ hỏi về căn đầu tiên sinh do nghiệp, phần vị thọ sinh đầu tiên nơi không sắc căn khác, tuy có được nhưng không phải do nghiệp sinh, nên ở đây không nói. Phần vị sau mới được, tuy do nghiệp sinh, nhưng không phải là đầu tiên đạt được, nên cũng không nói.

Hỏi: Sắc hữu tương tục đầu tiên có được bao nhiêu căn do nghiệp sinh?

Đáp: Được sáu. Là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, mạng căn.

Hỏi: Vô sắc hữu tương tục đầu tiên có được bao nhiêu căn do nghiệp sinh?

Đáp: Được một. Là mạng căn.

***

* Từng có tư duy về pháp thuộc cõi dục thì nhận biết khắp về cõi dục chăng? Cho đến nói rộng.

Trong đây nói tư duy là theo nghĩa giữ lấy đối tượng duyên. Nhận biết khắp là nghĩa đoạn dứt rốt ráo. Văn này chỉ rõ duyên nơi pháp ở mọi cảnh giới, lìa nhiễm ở mọi cảnh giới, hoặc không thể lìa.

Hỏi: Từng có tư duy về pháp thuộc cõi dục nhận biết khắp về cõi dục chăng?

Đáp: Nhận biết khắp. Điều này chung cho hàng phàm phu, Thánh nhân, chung cho đạo vô gián và đạo giải thoát. Nếu là đạo thế tục, khi lìa nhiễm dục, thì chín đạo vô gián duyên nơi pháp của cõi dục để lìa nhiễm của cõi dục. Nếu là đạo vô lậu, khi khổ tập pháp trí lìa nhiễm dục, thì chín đạo vô gián, chín đạo giải thoát duyên nơi pháp của cõi dục để lìa nhiễm của cõi dục.

Hỏi: Từng có tư duy về pháp thuộc cõi dục nhận biết khắp về cõi sắc chăng?

Đáp: Không nhận biết khắp.

Hỏi: Từng có tư duy về pháp thuộc cõi dục nhận biết khắp về cõi vô sắc chăng?

Đáp: Không nhận biết khắp.

Hỏi: Vì sao đều không nhận biết khắp?

Đáp: Do cõi dục là cõi bất định, không phải là địa tu, không phải là địa lìa nhiễm. Cõi sắc, vô sắc là cõi định, là địa tu, là địa lìa nhiễm. Không phải duyên nơi pháp thuộc cõi bất định, không phải là địa tu, không phải là địa lìa nhiễm để có thể lìa nhiễm nơi cõi định, nơi địa tu, nơi địa lìa nhiễm.

Có thuyết nêu: Cõi dục là cõi thô. Cõi sắc, vô sắc là cõi tế. Không phải duyên nơi pháp của cõi thô để có thể lìa nhiễm nơi cõi tế.

Có thuyết cho: Cõi dục là cõi dưới, cõi sắc là cõi trung, cõi vô sắc là cõi diệu. Không phải duyên nơi pháp của cõi dưới để có thể lìa nhiễm nơi cõi trung, cõi diệu.

Có thuyết biện: Cõi dục là cõi kém. Cõi sắc và cõi vô sắc là cõi hơn. Không phải duyên nơi pháp của cõi kém để có thể lìa nhiễm nơi cõi hơn.

Do những nghĩa đó nên không nhận biết khắp.

Hỏi: Từng có tư duy về pháp thuộc cõi sắc nhận biết khắp về cõi sắc chăng?

Đáp: Nhận biết khắp. Điều này chung cho hàng phàm phu, Thánh giả, chung cho đạo vô gián và đạo giải thoát. Nếu là đạo thế tục, khi lìa nhiễm sắc, thì chín đạo vô gián duyên nơi pháp của cõi sắc để lìa nhiễm của cõi sắc. Nếu là đạo vô lậu, khi khổ tập loại trí lìa nhiễm sắc, thì chín đạo vô gián, chín đạo giải thoát duyên nơi pháp của cõi sắc để lìa nhiễm của cõi sắc.

Hỏi: Từng có tư duy về pháp thuộc cõi sắc nhận biết khắp về cõi dục chăng?

Đáp: Nhận biết khắp. Điều này chung cho hàng phàm phu, Thánh giả, chỉ ở đạo giải thoát, không phải đạo vô gián. Nghĩa là đạo thế tục, khi lìa dục nhiễm, thì chín đạo giải thoát duyên nơi pháp của cõi sắc để lìa nhiễm của cõi dục.

Hỏi: Từng có tư duy về pháp thuộc cõi sắc nhận biết khắp về cõi vô sắc chăng?

Đáp: Không nhận biết khắp.

Hỏi: Vì sao không nhận biết khắp?

Đáp: Vì cõi sắc là cõi thô, cõi vô sắc là cõi tế. Không phải duyên nơi pháp của cõi thô để có thể lìa nhiễm nơi cõi tế.

Có thuyết nêu: Cõi sắc là cõi trung, cõi vô sắc là cõi diệu. Không phải duyên nơi pháp của cõi trung để có thể lìa nhiễm nơi cõi diệu.

Có thuyết cho: Cõi sắc là cõi kém, cõi vô sắc là cõi hơn. Không phải duyên nơi pháp của cõi kém để có thể lìa nhiễm nơi cõi hơn.

Do những nghĩa ấy nên không nhận biết khắp.

Hỏi: Từng có tư duy về pháp thuộc cõi vô sắc nhận biết khắp về cõi vô sắc chăng?

Đáp: Nhận biết khắp. Điều này chỉ có nơi bậc Thánh, không phải là hàng phàm phu. Chung cho đạo vô gián và đạo giải thoát. Nghĩa là đạo vô lậu, khi khổ tập loại trí lìa nhiễm vô sắc, thì chín đạo vô gián, chín đạo giải thoát duyên nơi pháp của cõi vô sắc để lìa nhiễm của cõi vô sắc.

Hỏi: Từng có tư duy về pháp thuộc cõi vô sắc nhận biết khắp về cõi dục chăng?

Đáp: Không nhận biết khắp.

Hỏi: Vì sao không nhận biết khắp?

Đáp: Do quá xa. Không phải quán pháp của cõi quá xa để có thể lìa nhiễm nơi cõi quá xa.

Hỏi: Từng có tư duy về pháp thuộc cõi vô sắc nhận biết khắp về cõi sắc chăng?

Đáp: Nhận biết khắp. Điều này chung cho hàng phàm phu, Thánh giả, chỉ có ở đạo giải thoát, không phải ở đạo vô gián. Nghĩa là đạo thế tục, khi lìa nhiễm sắc, thì chín đạo giải thoát duyên nơi pháp của cõi vô sắc để lìa nhiễm của cõi sắc.

Hỏi: Có bao nhiêu căn nhận biết khắp nơi cõi dục?

Đáp: Đạo thế tục có bảy. Đạo vô lậu có tám.

Đạo thế tục có bảy, là ý căn, xả căn và năm căn như tín v.v…

Đạo vô lậu có tám, là bảy thứ trước thêm dĩ tri căn.

Hỏi: Có bao nhiêu căn nhận biết khắp nơi cõi sắc?

Đáp: Đạo thế tục có bảy, là ý căn, xả căn và năm căn như tín v.v… Đạo vô lậu có mười, là bảy thứ trước thêm hỷ căn, lạc căn, dĩ tri căn.

Hỏi: Có bao nhiêu căn nhận biết khắp nơi cõi vô sắc?

Đáp: Có mười một, là mười thứ trước thêm cụ tri căn.

Dĩ tri căn là đạo vô gián, cụ tri căn là đạo giải thoát, nên biết đây là nương vào phần vị sau cùng để nói.

Hỏi: Khi lìa nhiễm nơi cõi dục, sau cùng là đạo giải thoát, nó bao gồm căn bản nơi tĩnh lự thứ nhất hiện tiền, dùng xả căn làm đạo vô gián, hỷ căn làm đạo giải thoát, vì sao không nương vào phần vị sau cùng ấy để nói đạo thế tục hoặc có tám, đạo vô lậu hoặc có chín?

Đáp: Văn này nên nói như vầy: Đạo thế tục có bảy hoặc tám. Đạo vô lậu có tám hoặc chín. Nhưng không nói như thế nên biết là nêu bày chưa trọn vẹn.

Có thuyết nói: Trong đây nói là quyết định. Nghĩa là khi lìa nhiễm của phi tưởng phi phi tưởng xứ, quyết định lấy cụ tri căn làm đạo giải thoát sau cùng. Khi lìa nhiễm của cõi dục, quyết định không lấy hỷ căn làm đạo giải thoát sau cùng. Do vào bấy giờ không thể nhập nơi địa căn bản, chỉ phần nhiều dựa vào cận phần cho nên chỉ nói xả.

Hỏi: Khi nhận biết khắp cõi dục có bao nhiêu căn nhận biết khắp?

Đáp: Có bốn. Là các căn nam, nữ, khổ, ưu. Tuy ngay khi ấy nhận biết khắp là mười chín, nhưng dựa vào sự đoạn trừ vĩnh viễn không còn sót, không phần, không nửa, không ảnh, không tùy theo trói buộc để đoạn nên nói như vậy. Hoặc trong đây nói cõi trên là không hành, không thể nắm bắt được, do đó chỉ nói có bốn.

Hỏi: Khi nhận biết khắp cõi sắc có bao nhiêu căn nhận biết khắp?

Đáp: Có năm. Là các căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Tuy ngay khi ấy nhận biết khắp là mười ba, nhưng dựa vào sự đoạn trừ vĩnh viễn không còn sót, không phần, không nửa, không ảnh, không tùy theo trói buộc để đoạn nên nói như vậy. Hoặc trong đây nói cõi trên là không hành, không thể nắm bắt được, do đó chỉ nói có năm.

Hỏi: Khi biết khắp cõi vô sắc có bao nhiêu căn nhận biết khắp?

Đáp: Có tám. Là ý căn, mạng căn, xả căn và năm căn như tín v.v… Do những căn này khi lìa nhiễm ở phi tưởng phi phi tưởng xứ đều đoạn trừ vĩnh viễn

Hỏi: Có bao nhiêu căn khi được quả Dự lưu?

Đáp: Có chín. Là ý căn, xả căn, năm căn như tín v.v…, vị tri đương tri căn, dĩ tri căn. Vị tri đương tri căn là đạo vô gián. Dĩ tri căn là đạo giải thoát.

Hỏi: Có bao nhiêu căn khi được quả Nhất lai?

Đáp: Nếu đã lìa nhiễm dục gấp bội, nhập chánh tánh ly sanh thì có chín, như nói về quả Dự lưu. Nếu từ quả Dự lưu chứng được quả Nhất lai, thì đạo thế tục có bảy, đạo vô lậu có tám. Bảy là ý căn, xả căn và năm căn như tín v.v… Tám là bảy thứ trước thêm dĩ tri căn.

Hỏi: Có bao nhiêu căn khi được quả Bất hoàn?

Đáp: Nếu đã lìa nhiễm dục, nhập chánh tánh ly sanh thì có chín. Nghĩa là ý căn. Lạc căn, hỷ căn, xả căn thì theo đấy có một, do dựa vào địa riêng, năm căn như tín v.v… cùng vị tri đương tri căn, dĩ tri căn. Vị tri đương tri căn là đạo vô gián. Dĩ tri căn là đạo giải thoát.

Nếu từ quả Nhất lai đạt được quả Bất hoàn, thì đạo thế tục có bảy, đạo vô lậu có tám. Bảy và tám như nơi quả Nhất lai. Đây là dựa vào phần nhiều. Nếu nhập căn bản thì có tám hoặc chín.

Hỏi: Có bao nhiêu căn khi được quả A-la-hán?

Đáp: Có mười một. Là ý căn, lạc căn, hỷ căn, xả căn, năm căn như tín v.v… cùng dĩ tri căn, cụ tri căn. Dĩ tri căn là đạo vô gián. Cụ tri căn là đạo giải thoát.

Hỏi: Đây nói mười một là do dụng hay là do hữu? Nếu do dụng thì không có ba thọ cùng dùng một lúc, sao nói là mười một? Nếu do hữu thì khi được quả Bất hoàn cũng có ba thọ, vì sao không nói?

Đáp: Đây là do dụng mà nói, không do hữu.

Hỏi: Không có ba thọ cùng dùng một lúc, sao nói là mười một?

Đáp: Đây là dựa vào tác dụng của một sự tương tục để nói, nên không có lỗi. Nghĩa là gồm có một Bổ-đặc-già-la, trước do lạc căn đạt được quả A-la-hán, nếu thoái chuyển thì dùng hỷ, lại thoái chuyển thì dùng xả. Hoặc khi mới thoái chuyển thì dùng xả, lại thoái chuyển thì dùng hỷ, như trước đã dùng lạc. Như vậy, trước hỷ, trước xả, tùy chỗ thích hợp cũng như thế.

Chứng quả Bất hoàn, sự việc không phải như vậy. Nếu dùng căn này được quả trước, nếu quả ấy thoái chuyển thì trở lại dùng căn ấy. Được căn ấy tức là xả căn, do hỷ, lạc có nghĩa không thoái chuyển.

Hỏi: Khi được quả Dự lưu, có bao nhiêu căn nhận biết khắp?

Đáp: Không có. Khi ấy chưa có một căn được đoạn dứt rốt ráo.

Hỏi: Khi được quả Nhất lai, có bao nhiêu căn nhận biết khắp?

Đáp: Không có. Khi ấy cũng chưa có một căn được đoạn dứt rốt ráo.

Hỏi: Khi được quả Bất hoàn, có bao nhiêu căn nhận biết khắp?

Đáp: Nếu đã lìa nhiễm dục, nhập chánh tánh ly sanh thì không có, nghĩa như trước đã nói. Nếu từ quả Nhất lai đạt được quả Bất hoàn có bốn, là nam, nữ, khổ, ưu căn.

Hỏi: Khi được quả A-la-hán, có bao nhiêu căn nhận biết khắp?

Đáp: Có tám. Là mạng, ý, xả và năm căn như tín v.v…

Hỏi: Các căn khi được quả Dự lưu, những căn ấy được quả đó rồi, nên nói là thành tựu hay không thành tựu?

Đáp: Thuộc đạo giải thoát nên nói là thành tựu. Thuộc đạo vô gián nên nói là không thành tựu.

Các căn nơi phẩm câu sinh của đạo loại trí là thuộc đạo giải thoát nên nói là thành tựu, do đã được.

Các căn nơi phẩm câu sinh của đạo loại trí nhẫn là thuộc đạo vô gián nên nói là không thành tựu, do đã xả.

Hỏi: Các căn khi được quả Nhất lai, những căn ấy được quả đó rồi, nên nói là thành tựu hay không thành tựu?

Đáp: Thuộc đạo giải thoát nên nói là thành tựu. Thuộc đạo vô gián nên nói là không thành tựu.

Các căn nơi phẩm câu sinh của đạo loại trí hoặc đạo giải thoát thứ sáu là thuộc đạo giải thoát nên nói là thành tựu, do đã được.

Các căn nơi phẩm câu sinh của đạo loại trí nhẫn hoặc đạo vô gián thứ sáu là thuộc đạo vô gián nên nói là không thành tựu, do đã xả.

Hỏi: Các căn khi được quả Bất hoàn, những căn ấy được quả đó rồi, nên nói là thành tựu hay không thành tựu?

Đáp: Thuộc đạo giải thoát nên nói là thành tựu. Thuộc đạo vô gián nên nói là không thành tựu.

Các căn nơi phẩm câu sinh của đạo loại trí hoặc đạo giải thoát thứ chín là thuộc đạo giải thoát nên nói là thành tựu, do đã được.

Các căn nơi phẩm câu sinh của đạo loại trí nhẫn hoặc đạo vô gián thứ chín là thuộc đạo vô gián nên nói là không thành tựu, do đã xả.

Hỏi: Dùng đạo vô lậu khi được quả Nhất lai, quả Bất hoàn, có thể nói là thuộc đạo vô gián, là không thành tựu. Nếu dùng đạo thế tục khi được hai quả đó, thì đạo vô gián không xả, vì sao nói là không thành tựu?

Đáp: Hai quả này, văn nên nói như vầy: Thuộc đạo giải thoát nên nói là thành tựu. Thuộc đạo vô gián nên nói là hoặc thành tựu hoặc không thành tựu. Nhưng không nói như vậy, nên biết là trong đây chỉ dựa vào thắng đạo không chung để nói.

Có thuyết nói: Đây nói về thành tựu hiện tiền, do đạo thế tục đạt được hai quả ấy rồi, còn đạo vô gián thì các căn nhất định không hiện tiền.

Hỏi: Các căn khi được quả A-la-hán, những căn ấy được quả đó rồi, nên nói là thành tựu hay không thành tựu?

Đáp: Thuộc đạo giải thoát nên nói là thành tựu. Thuộc đạo vô gián nên nói là không thành tựu.

Các căn nơi phẩm câu sinh của tận trí đầu tiên là thuộc đạo giải thoát nên nói là thành tựu, do đã được.

Các căn nơi phẩm câu sinh của định kim cang dụ là thuộc đạo vô gián nên nói là không thành tựu, do đã xả.

Hỏi: Các căn được quả Dự lưu, các căn ấy đoạn kiết nơi cõi nào?

Đáp: Cõi sắc, vô sắc, hoặc không đoạn.

Cõi sắc, vô sắc: Là các căn nơi phẩm câu sinh của đạo loại trí nhẫn.

Hoặc không đoạn: Là các căn nơi phẩm câu sinh của đạo loại trí, do đạo giải thoát không đoạn bằng đối trí.

Hỏi: Căn này thuộc quả nào?

Đáp: Thuộc quả Dự lưu, hoặc không.

Thuộc quả Dự lưu: Là các căn nơi phẩm câu sinh của đạo loại trí. Hoặc không: Là các căn nơi phẩm câu sinh của đạo loại trí nhẫn. Hỏi: Các căn được quả Nhất lai, các căn ấy đoạn kiết nơi cõi nào?

Đáp: Cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc, hoặc không đoạn.

Cõi dục, hoặc không đoạn: Là khi từ quả Dự lưu đạt được quả Nhất lai, các căn nơi phẩm câu sinh của đạo vô gián thứ sáu đoạn kiết nơi cõi dục. Các căn nơi phẩm câu sinh của đạo giải thoát thứ sáu không đoạn kiết.

Đoạn nơi cõi sắc, vô sắc, hoặc không đoạn: Nghĩa là lìa nhiễm dục gấp bội, nhập chánh tánh ly sanh, khi được quả Nhất lai, các căn nơi phẩm câu sinh của đạo loại trí nhẫn đoạn kiết nơi cõi sắc, vô sắc. Các căn nơi phẩm câu sinh của đạo loại trí không đoạn kiết.

Hỏi: Căn này thuộc quả nào?

Đáp: Thuộc quả Nhất lai, hoặc không.

Thuộc quả Nhất lai: Là các căn nơi phẩm câu sinh của đạo giải thoát thứ sáu và đạo loại trí.

Hoặc không: Là các căn nơi phẩm câu sinh của đạo vô gián thứ sáu và đạo loại trí nhẫn.

Hỏi: Các căn được quả Bất hoàn, các căn ấy đoạn kiết nơi cõi nào?

Đáp: Cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc, hoặc không đoạn.

Cõi dục hoặc không đoạn: Nghĩa là khi từ quả Nhất lai đạt được quả Bất hoàn, các căn nơi phẩm câu sinh của đạo vô gián thứ chín đoạn kiết nơi cõi dục. Các căn nơi phẩm câu sinh của đạo giải thoát thứ chín không đoạn kiết.

Đoạn nơi cõi sắc, vô sắc, hoặc không đoạn: Nghĩa là đã lìa nhiễm dục, nhập chánh tánh ly sanh, khi được quả Bất hoàn, các căn nơi phẩm câu sinh của đạo loại trí nhẫn đoạn kiết nơi cõi sắc, vô sắc. Các căn nơi phẩm câu sinh của đạo loại trí không đoạn kiết.

Hỏi: Căn này thuộc quả nào?

Đáp: Thuộc quả Bất hoàn, hoặc không.

Thuộc quả Bất hoàn: Là các căn nơi phẩm câu sinh của đạo giải thoát thứ chín và đạo loại trí.

Hoặc không: Là các căn nơi phẩm câu sinh của đạo vô gián thứ chín và đạo loại trí nhẫn.

Hỏi: Các căn được quả A-la-hán, các căn ấy đoạn kiết nơi cõi nào?

Đáp: Cõi vô sắc, hoặc không đoạn.

Đoạn nơi cõi vô sắc: Là các căn nơi phẩm câu sinh của định kim cang dụ.

Hoặc không đoạn: Là các căn nơi phẩm câu sinh của tận trí đầu tiên.

Hỏi: Căn này thuộc quả nào?

Đáp: Thuộc quả A-la-hán, hoặc không.

Thuộc quả A-la-hán: Là các căn nơi phẩm câu sinh của tận trí đầu tiên.

Hoặc không: Là các căn nơi phẩm câu sinh của định kim cang dụ.

Hỏi: Các căn đã xả bỏ khi được quả Dự lưu, các căn ấy đoạn kiết nơi cõi nào?

Đáp: Cõi dục, Sắc, Vô sắc, hoặc không đoạn.

Khi được quả Dự lưu, kiến đạo gồm thâu những căn đã được, gọi là đối tượng được xả. Căn này hoặc đoạn nơi cõi dục: Nghĩa là các căn nơi phẩm câu sinh của bốn pháp trí nhẫn. Hoặc đoạn nơi cõi sắc, vô sắc: Nghĩa là các căn nơi phẩm câu sinh của bốn loại trí nhẫn. Hoặc không đoạn: Nghĩa là các căn nơi phẩm câu sinh của bảy trí.

Hỏi: Căn này thuộc quả nào?

Đáp: Không. Do không có quả dưới Dự lưu tiếp nhận các căn này.

Hỏi: Các căn đã xả bỏ khi được quả Nhất lai, các căn ấy đoạn kiết nơi cõi nào?

Đáp: Cõi dục, Sắc, Vô sắc, hoặc không đoạn.

Nếu lìa nhiễm dục tăng gấp bội, nhập chánh tánh ly sanh, khi được quả Nhất lai thì kiến đạo gồm thâu những căn đã được này, gọi là đối tượng được xả. Căn này hoặc đoạn nơi cõi dục: Nghĩa là các căn nơi phẩm câu sinh của bốn pháp trí nhẫn. Hoặc đoạn nơi cõi sắc, vô sắc: Nghĩa là các căn nơi phẩm câu sinh của bốn loại trí nhẫn. Hoặc không đoạn: Nghĩa là các căn nơi phẩm câu sinh của bảy trí.

Nếu khi từ quả Dự lưu đạt được quả Nhất lai, thì quả Dự lưu và đạo của quả thù thắng này gồm thâu các căn ấy gọi là đối tượng được xả. Căn này hoặc đoạn nơi cõi dục: Nghĩa là các căn thuộc về sáu đạo vô gián. Hoặc không đoạn: Nghĩa là quả Dự lưu và các căn thuộc về các đạo thắng tấn, đạo giải thoát, đạo gia hạnh trong đạo của quả thù thắng ấy.

Hỏi: Căn này thuộc quả nào?

Đáp: Thuộc quả Dự lưu, hoặc không.

Thuộc quả Dự lưu: Là các căn được xả nơi phẩm câu sinh của đạo loại trí.

Hoặc không: Là đạo của quả thù thắng này và các căn được xả do kiến đạo thâu nhận.

Hỏi: Các căn đã xả bỏ khi được quả Bất hoàn, các căn ấy đoạn kiết nơi cõi nào?

Đáp: Cõi dục, Sắc, Vô sắc, hoặc không đoạn.

Nếu đã lìa nhiễm dục, nhập chánh tánh ly sanh, khi được quả Bất hoàn, các căn đã được ấy do kiến đạo gồm thâu gọi là đối tượng được xả. Căn này hoặc đoạn nơi cõi sắc, vô sắc: Nghĩa là các căn nơi phẩm câu sinh của bốn loại trí nhẫn. Hoặc không đoạn: Nghĩa là các căn nơi phẩm câu sinh của bốn pháp trí nhẫn và bảy trí.

Nếu khi từ quả nhất lai đạt được quả Bất hoàn, quả Nhất lai và đạo của quả thù thắng ấy gồm thâu các căn, gọi là đối tượng được xả. Căn này hoặc đoạn nơi cõi dục: Nghĩa là ba đạo vô gián gồm thâu các căn ấy. Hoặc không đoạn: Nghĩa là quả Nhất lai và các căn thuộc về các đạo thắng tấn, đạo giải thoát, đạo gia hạnh trong đạo của quả thù thắng ấy.

Hỏi: Căn này thuộc quả nào?

Đáp: Thuộc quả Nhất lai, hoặc không.

Thuộc quả Nhất lai: Là phẩm câu sinh của đạo loại trí và các căn đã bỏ thuộc về đạo giải thoát thứ sáu.

Hoặc không: Là đạo của quả thù thắng này và kiến đạo gồm thâu các căn đã xả bỏ.

Hỏi: Các căn đã xả bỏ khi được quả A-la-hán, các căn ấy đoạn kiết nơi cõi nào?

Đáp: Cõi sắc, vô sắc, hoặc không đoạn.

Khi được quả A-la-hán thì quả Bất hoàn và đạo của quả thù thắng ấy gồm thâu các căn gọi là đối tượng được xả. Căn này hoặc đoạn nơi cõi sắc: Nghĩa là lìa nhiễm của bốn tĩnh lự, đều có chín đạo vô gián gồm thâu các căn. Hoặc đoạn nơi cõi vô sắc: Nghĩa là lìa nhiễm của bốn vô sắc, đều có chín đạo vô gián gồm thâu các căn. Hoặc không đoạn: Nghĩa là quả Bất hoàn và các căn thuộc về các đạo thắng tấn, đạo giải thoát, đạo gia hạnh trong đạo của quả thù thắng ấy.

Hỏi: Căn này thuộc quả nào?

Đáp: Thuộc quả Bất hoàn, hoặc không.

Thuộc quả Bất hoàn: Là phẩm câu sinh của đạo loại trí và đạo giải thoát thứ chín gồm thâu các căn được xả bỏ này.

Hoặc không: Là đạo của quả thù thắng này gồm thâu các căn đã xả bỏ.

Hỏi: Các căn có được khi đạt quả Dự lưu, các căn này đoạn kiết nơi cõi nào?

Đáp: Không đoạn. Nghĩa là khi đạt quả Dự lưu, các căn có được đều là thuộc về loại đạo giải thoát. Vì chỉ có các căn thuộc đạo vô gián mới có thể đoạn phiền não.

Hỏi: Căn này thuộc quả nào?

Đáp: Thuộc quả Dự lưu, hoặc không.

Thuộc quả Dự lưu: Là các căn đã được thuộc phẩm câu sinh của đạo loại trí.

Hoặc không: Là bấy giờ đã được các căn thế tục.

Hỏi: Bấy giờ các căn đạt được đều là thuộc quả Dự lưu vô lậu. Lại có căn thế tục nào nay đã được để nói, hoặc không?

Đáp: Văn này chỉ nói về quả Dự lưu, không nên nói hoặc không. Nhưng nói: Hoặc không, là muốn làm rõ tám căn như mạng căn v.v… bấy giờ đã được, là từ vô thỉ đến nay chưa từng được. Do đấy được làm chỗ dựa đầu tiên của Thánh quả.

Hỏi: Các căn có được khi đạt quả Nhất lai, các căn này đoạn kiết nơi cõi nào?

Đáp: Không đoạn. Nghĩa như nói ở trước.

Hỏi: Căn này thuộc quả nào?

Đáp: Thuộc quả Nhất lai, hoặc không.

Thuộc quả Nhất lai: Là phẩm câu sinh của đạo loại trí và đạo giải thoát thứ sáu gồm thâu các căn đã được.

Hoặc không: Là bấy giờ đã được các căn thế tục.

Hỏi: Các căn có được khi đạt quả Bất hoàn, các căn này đoạn kiết nơi cõi nào?

Đáp: Không đoạn. Nghĩa như nói ở trước.

Hỏi: Căn này thuộc quả nào?

Đáp: Thuộc quả Bất hoàn, hoặc không.

Thuộc quả Bất hoàn: Là phẩm câu sinh của đạo loại trí và đạo giải thoát thứ chín gồm thâu các căn đã được.

Hoặc không: Là bấy giờ đã được các căn thế tục.

Hỏi: Các căn có được khi đạt quả A-la-hán, các căn này đoạn kiết nơi cõi nào?

Đáp: Không đoạn. Nghĩa như nói ở trước.

Hỏi: Căn này thuộc quả nào?

Đáp: Thuộc quả A-la-hán, hoặc không.

Thuộc quả A-la-hán: Là các căn có được nơi phẩm câu sinh của tận trí đầu tiên.

Hoặc không: Là bấy giờ đã được các căn thế tục.

Hỏi: Các căn do hàng Dự lưu đã thành tựu căn ấy đoạn kiết nơi cõi nào?

Đáp: Cõi dục, hoặc không đoạn.

Đoạn nơi cõi dục: Là các căn thuộc về sáu đạo vô gián.

Hoặc không đoạn: Là quả Dự lưu và các căn thuộc về các đạo gia hạnh, đạo giải thoát, đạo thắng tấn trong đạo của quả thù thắng ấy.

Hỏi: Căn này thuộc quả nào?

Đáp: Thuộc quả Dự lưu, hoặc không.

Thuộc quả Dự lưu: Là các căn đã thành tựu thuộc phẩm câu sinh của đạo loại trí.

Hoặc không: Là hàng Dự lưu đã thành tựu các căn thuộc về đạo của quả thù thắng và đã thành tựu các căn thiện hữu lậu, nhiễm ô vô phú vô ký khác.

Hỏi: Các căn do hàng Nhất lai đã thành tựu căn ấy đoạn kiết nơi cõi nào?

Đáp: Cõi dục, hoặc không đoạn.

Đoạn nơi cõi dục: Là các căn thuộc về ba đạo vô gián.

Hoặc không: Là quả Nhất lai và các căn thuộc về các đạo gia hạnh, đạo giải thoát, đạo thắng tấn trong đạo của quả thù thắng ấy.

Hỏi: Căn này thuộc quả nào?

Đáp: Thuộc quả Nhất lai, hoặc không.

Thuộc quả Nhất lai: Là phẩm câu sinh của đạo loại trí và đạo giải thoát thứ sáu gồm thâu các căn được thành tựu.

Hoặc không: Là hàng Nhất lai đã thành tựu các căn thuộc về đạo của quả thù thắng và đã thành tựu các căn thiện hữu lậu, nhiễm ô vô phú vô ký khác.

Hỏi: Các căn do hàng Bất hoàn đã thành tựu căn ấy đoạn kiết nơi cõi nào?

Đáp: Cõi sắc, vô sắc, hoặc không đoạn.

Đoạn nơi cõi sắc: Là lìa nhiễm của bốn tĩnh lự, mỗi thứ đều có chín đạo vô gián gồm thâu các căn.

Đoạn nơi cõi vô sắc: Là lìa nhiễm của bốn vô sắc, mỗi thứ đều có chín đạo vô gián gồm thâu các căn.

Hoặc không đoạn: Là quả Bất hoàn và các căn thuộc về các đạo gia hạnh, đạo giải thoát, đạo thắng tấn trong đạo của quả thù thắng ấy.

Hỏi: Căn này thuộc quả nào?

Đáp: Thuộc quả Bất hoàn, hoặc không.

Thuộc quả Bất hoàn: Là phẩm câu sinh của đạo loại trí nhẫn và đạo giải thoát thứ chín gồm thâu các căn được thành tựu.

Hoặc không: Là hàng Bất hoàn đã thành tựu các căn thuộc về đạo của quả thù thắng và đã thành tựu các căn thiện hữu lậu, nhiễm ô vô phú vô ký khác.

Hỏi: Các căn do hàng A-la-hán đã thành tựu căn ấy đoạn kiết nơi cõi nào?

Đáp: Không đoạn. Do A-la-hán đã dứt hết các kiết, không còn phải đoạn.

Hỏi: Căn này thuộc quả nào?

Đáp: Thuộc quả A-la-hán, hoặc không.

Thuộc quả A-la-hán: Là A-la-hán đã thành tựu các căn vô lậu.

Hoặc không: Là A-la-hán đã thành tựu các căn thiện hữu lậu vô phú vô ký.

Hỏi: Các căn đoạn kiết của hàng Dự lưu các căn này đoạn kiết nơi cõi nào?

Đáp: Cõi dục. Nghĩa là sáu phẩm kiết trước nơi cõi dục do tu đạo đoạn.

Hỏi: Căn này thuộc quả nào?

Đáp: Không có. Nghĩa là đạo vô gián có thể đoạn dứt các kiết. Các căn do quả Sa-môn gồm thâu tất thuộc về đạo giải thoát.

Hỏi: Các căn đoạn kiết của hàng Nhất lai các căn này đoạn kiết nơi cõi nào?

Đáp: Cõi dục. Nghĩa là ba phẩm kiết sau nơi cõi dục do tu đạo đoạn.

Hỏi: Căn này thuộc quả nào?

Đáp: Không có. Lý do như trước đã nói.

Hỏi: Các căn đoạn kiết của hàng Bất hoàn các căn này đoạn kiết nơi cõi nào?

Đáp: Cõi sắc hoặc Vô sắc.

Cõi sắc: Là bốn tĩnh lự mỗi thứ có chín phẩm kiết do tu đạo đoạn.

Cõi vô sắc: Là bốn vô sắc mỗi thứ có chín phẩm kiết do tu đạo đoạn.

Hỏi: Căn này thuộc quả nào?

Đáp: Không có. Lý do như trước đã nói.

Các A-la-hán các kiết đã dứt hết, không có căn đoạn kiết, nên không hỏi, đáp.

Hỏi: Các căn thuộc về quả Dự lưu các căn ấy đoạn kiết nơi cõi nào?

Đáp: Không có. Do các căn thuộc về quả Sa-môn là đạo giải thoát. Chỉ đạo vô gián mới có thể đoạn kiết.

Hỏi: Các căn thuộc về quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, các căn ấy đoạn kiết nơi cõi nào?

Đáp: Không có. Lý do như trước đã nói.

Quả A-la-hán lại không còn kiết nào để đoạn.

***

* Các khổ trí là ở nơi trí vô lậu của khổ chăng? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là nhằm khiến cho kẻ nghi có được quyết định. Nghĩa là khổ trí, tập trí hành tướng không xen tạp, đối tượng duyên có xen tạp. Diệt trí, đạo trí hành tướng không xen tạp, đối tượng duyên không xen tạp. Hoặc có người sinh nghi: Như khổ trí, tập trí hành tướng không xen tạp, đối tượng duyên có xen tạp, thì diệt trí, đạo trí cũng như vậy chăng? Như diệt trí, đạo trí hành tướng không xen tạp, đối tượng duyên không xen tạp, thì khổ trí, tập trí cũng như vậy chăng? Do đấy tạo phần luận này là để phá trừ nghi ấy, làm sáng tỏ đối tượng duyên của khổ trí, tập trí là có xen tạp, còn đối tượng duyên của diệt trí, đạo trí là không xen tạp.

Hỏi: Vì sao khổ trí, tập trí hành tướng không xen tạp còn đối tượng duyên có xen tạp?

Đáp: Do lìa khổ không có tập, lìa tập không có khổ. Nghĩa là nơi mỗi mỗi sự việc hữu lậu nghĩa của quả gọi là khổ, nghĩa của nhân gọi là tập. Tức ở trong mỗi mỗi sự việc hữu lậu, nếu trí tạo bốn hành tướng như khổ v.v… chuyển biến gọi là khổ trí. Nếu trí tạo bốn hành tướng như tập v.v… chuyển biến gọi là tập trí. Do vậy, hành tướng của khổ trí, tập trí là không xen tạp, đối tượng duyên có xen tạp. Hành tướng, đối tượng duyên của diệt trí, đạo trí cả hai đều không xen tạp. Hành tướng như diệt v.v…, như đạo v.v… có khác, vì đối tượng duyên của hữu vi, vô vi khác nhau.

Hỏi: Các khổ trí là ở nơi trí vô lậu của khổ chăng? Nếu như ở nơi trí vô lậu của khổ thì đó là khổ trí chăng?

Đáp: Các khổ trí là ở nơi trí vô lậu của khổ. Do trí vô lậu ở trong sự khổ tạo bốn hành tướng là vô thường, khổ, không, vô ngã chuyển biến, gọi là khổ trí.

Có khi ở nơi trí vô lậu của khổ nhưng không phải là khổ trí. Nghĩa là đối với khổ nhận biết về tập trí. Do trí vô lậu ở trong sự khổ tạo bốn hành tướng là nhân tập sinh duyên chuyển biến, gọi là tập trí, nên trước đã nói: Lìa khổ không có tập, tức đối tượng duyên của tập trí cũng gọi là khổ.

Hỏi: Các tập trí là ở nơi trí vô lậu của tập chăng? Nếu như ở nơi trí vô lậu của tập thì đó là tập trí chăng?

Đáp: Các tập trí là ở nơi trí vô lậu của tập. Do trí vô lậu ở trong sự tập tạo ra bốn hành tướng là nhân tập sinh duyên chuyển biến, gọi là tập trí.

Có khi ở nơi trí vô lậu của tập nhưng không phải là tập trí. Nghĩa là đối với tập nhận biết về khổ trí. Do trí vô lậu ở trong sự tập tạo bốn hành là vô thường, khổ, không, vô ngã chuyển biến, gọi là khổ trí, tức trước đã nói: Lìa tập không có khổ, nên đối tượng duyên của khổ trí cũng gọi là tập.

Hỏi: Các diệt trí là ở nơi trí vô lậu của diệt chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Nếu như ở nơi trí vô lậu của diệt thì đó là diệt trí chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Các đạo trí là ở nơi trí vô lậu của đạo chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Nếu như ở nơi trí vô lậu của đạo thì đó là đạo trí chăng?

Đáp: Đúng vậy. Do trước đã nói: Hành tướng, đối tượng duyên của diệt trí, đạo trí đều không xen tạp.

Nếu trí vô lậu duyên nơi trạch diệt, tạo ra bốn hành tướng diệt, tĩnh, diệu, ly chuyển biến gọi là diệt trí.

Nếu trí vô lậu duyên nơi Thánh đạo tạo nên bốn hành tướng đạo, như, hành, xuất chuyển biến, gọi là đạo trí.

HẾT – QUYỂN 147